Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Xâm lược Ukraine: Diễn giải và cam kết của nhà nước độc tài về cuộc chiến – Nhìn từ góc độ diễn ngôn của Putin

Hoàng Phong Tuấn

Published on

Hoàng Phong Tuấn

Cuộc xâm lược Ukraine do nhà nước độc tài Nga – đứng đầu là Putin – thực hiện không phải từ quyết định nhất thời, mà là một bước trong chuỗi tiến trình được thiết kế trước. Câu hỏi đặt ra là bước đi này có mức độ cam kết ra sao, nói cách khác là khả năng nào để nhà nước này duy trì/ hoặc dừng cuộc chiến? Để trả lời câu hỏi đó, ta cần chú ý tới diễn giải và cam kết về mặt diễn ngôn của nhà nước này đối với cuộc chiến, bởi vì chúng bộc lộ mức độ quyết tâm và nhất quán trong cách nhìn nhận và thực thi cuộc chiến. 

Cho đến nay, có rất ít thông tin về cách nhà nước Nga của Putin xử lí, kiểm soát truyền thông và diễn giải về cuộc chiến, ngoại trừ một số bài phát biểu của Putin, một ít thông tin về sự dũng cảm của cô phát thanh viên truyền hình Nga, vài clip phỏng vấn người dân Nga, trong đó có cảnh người bị phỏng vấn bị bắt đi ngay sau đó. Bỏ qua sự hạn chế nguồn thông tin này, ta có thể khái quát một số đặc điểm về hệ thống diễn giải và thực thi cam kết về cuộc chiến của một nhà nước độc tài qua diễn ngôn của Putin và qua liên hệ với các nhà nước độc tài nói chung trong lịch sử. 

Cam kết cho cuộc chiến là cam kết cho tính chính danh của nhà nước độc tài

Cam kết cho cuộc chiến của nhà nước độc tài luôn được hệ thống diễn ngôn hỗ trợ để hợp thức hoá cho tính chính danh của nhà nước đó. Và mục đích cuộc chiến là mục đích mà nhà nước này đề ra cho bản sắc của nó thông qua việc thực thi tính chính danh này. 

Với Nga, đó là việc tạo nên một hình ảnh nước Nga hùng mạnh, đối đầu với phương Tây và Ukraine (được cho là ngả theo phương Tây), để khôi phục vị thế của nó như một đối cực với phương Tây trong thời chiến tranh lạnh, và khôi phục vai trò cứu thế của nó trong cuộc chiến chống Phát-xít. Cả hai vị thế trong quá khứ này đã có lịch sử diễn giải hùng hậu trong văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, xây dựng kí ức tập thể mạnh mẽ trong người dân của nó, giờ chỉ việc trưng dụng lại theo dòng chảy kí ức đó. Ta có thể thấy rõ điều này qua phát biểu của Putin trong lễ kỉ niệm chiến thắng Phát-xít ngày 09/05/2015. Trong bài phát biểu này, ông khơi gợi lịch sử cuộc chiến oai hùng của Liên Xô, qua đó đồng nhất với hình ảnh nhà nước Nga hiện tại, để thiết lập nên vị thế và bản sắc cứu thế của nó. 

Tính nhất quán trong việc thiết lập tính chính danh về mặt diễn ngôn này thể hiện rõ hơn trong bài phát biểu khác vào ngày 21/02/2022, ngay trước lúc bắt đầu cuộc xâm lăng. Trong phần đầu bài này, Putin diễn giải lại lịch sử của Ukraine như thể đất nước này là vùng đất không có lịch sử, và việc ra đời và tồn tại của nó được liên hệ đến những lỗi lầm nguyên khai mang tính chất tội tổ tông (Putin liên tục dùng các từ “sai lầm”, “lỗi lầm” khi đề cập đến quyết định của lãnh đạo Xô-Viết liên quan đến việc Ukraine độc lập). Trong ngữ cảnh văn hóa tôn giáo, liên hệ này nhất quán với sự định vị hình ảnh cứu thế của Nga qua cuộc chiến mà chúng ta sẽ rõ hơn ngay sau đây. 

Kế đến, ông lập luận rằng các nước phương Tây và NATO đã dựa trên sai lầm đó để tạo nên sự mở rộng đe dọa đến an ninh của Nga. Và như thế, theo trình tự suy luận, ông thiết lập cho người nghe về hình ảnh chính quyền Ukraine hiện tại là kẻ theo phương Tây để chống lại Nga và phản bội lịch sử gắn kết giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, không phải ngẫu nhiên mà trước và trong cuộc xâm lược Ukraine, truyền thông chính thống của Nga và ngôn ngữ của Putin khi nhắc đến chính quyền Ukraine đều liên hệ đến cụm từ “chính quyền Phát-xít”. Đây là cách thiết lập cái nhìn về đối phương dựa trên sự liên hệ đến vị thế và lịch sử của Liên Xô như là một lực lượng cứu thế đã từng góp phần đánh bại Phát-xít trong Thế chiến II, và qua đó, thiết lập tính chính danh – đạo đức của nhà nước Nga, biện minh cho tiến trình xâm lược dự định trước của Putin. 

Cam kết gắn chặt với mục đích và tính chính danh này làm cho nhà nước độc tài chấp nhận cái giá phải trả cao hơn hết để đạt được mục đích của nó, bởi vì đây là điều kiện tồn tại sống còn của nó (liên quan đến mục 2 sau đây). Điều này hoàn toàn khác với mục đích cuộc chiến của nhà nước dân chủ, chẳng hạn, các đảng phái khác nhau của nhà nước dân chủ sẽ giải thích ý nghĩa của cuộc chiến không hoàn toàn giống nhau, hoặc giải thích này sẽ thay đổi trong nhiệm kì sau đó của tổng thống. 

2. Cam kết cho cuộc chiến là cam kết được thiết lập toàn diện và triệt để

Chúng ta đừng nên xem thường sức mạnh kiểm soát hệ thống của nhà nước độc tài: sẽ không có giải thích khác đủ hiệu lực để thay đổi hay chia tách nhận thức của công chúng. Một nhà nước độc tài tồn tại trong thế giới ngày nay, tự nó, là minh chứng cho sự kiểm soát hệ thống truyền thông hiệu quả. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ, nhưng những trường hợp đã và đang tiếp tục tồn tại vững vàng đòi hỏi thêm rất nhiều điều kiện cho ngoại lệ này xảy ra. Một vài sự phản đối, vài cuộc biểu tình không thể làm suy chuyển hệ thống truyền thông và diễn giải của nhà nước độc tài. Thông tin từ trên các trang mạng xã hội cho thấy ngay cả khi người dân Nga cầm mảnh giấy có vài từ ngữ, hoặc thậm chí mảnh giấy trắng, các lực lượng trấn áp của chính quyền Nga đã lập tức bắt họ đi. Sức mạnh kiểm soát này là cơ sở và mục đích cho sự huy động toàn diện đất nước vào cuộc chiến. 

Huy động sức mạnh toàn dân là điều mà các nhà nước độc tài hay viện đến trong những thời điểm khắc nghiệt. Nếu điều này diễn ra thường xuyên trong lịch sử nhà nước đó, như Nga và Trung Quốc chẳng hạn, nó sẽ tạo nên sự chấp thuận có tính chất thương lượng (negotiation) với bá quyền (theo cách hiểu của lí thuyết gia chính trị Antonio Gramsci) từ đại đa số lực lượng và nhóm xã hội. Trong lời cuối của phát biểu ngay trước cuộc xâm lược, Putin khẳng định sự “tin tưởng” của ông vào “sự ủng hộ” của “người dân Nga và tất cả các lực lượng yêu nước của đất nước”. Tính từ “yêu nước” trong câu này là một khung dẫn chiếu quan trọng, nó tạo nên sự phân đoạn thực tại mang tính chất đạo đức dân tộc: ai không ủng hộ là không yêu nước. Nó đồng thời hàm ý đến sự vận hành của cỗ máy ý hệ và cỗ máy đàn áp nhà nước (như cách lí thuyết gia Luise Althusser nói về sự kiểm soát của nhà nước) mà bất kì người dân nào trong nhà nước độc tài đều có kí ức hoặc trải nghiệm đau đớn trong quá khứ. Điều này làm tăng tính hiệu lực cho tính chất toàn diện và triệt để trong cam kết về cuộc chiến của kiểu nhà nước này. 

3. Cam kết cho cuộc chiến càng mạnh mẽ khi gặp phải trở lực mạnh mẽ

Điều cốt yếu trong hệ thống xử lí thuyền thông của nhà nước độc tài là nó sẽ chuyển những trở lực, cả bên trong lẫn bên ngoài, thành động lực cho cam kết: kẻ thù muốn chúng ta thất bại, chúng ta không bao giờ để điều đó xảy ra, đây mới là sức mạnh ý chí của chúng ta. Hệ thống truyền thông của nhà nước độc tài sẽ chuyển hướng diễn giải về những khó khăn và trở lực theo cách như thế. 

Trong bài phát biểu gần đây nhất, hôm 16/03, ba tuần sau khi thực hiện cuộc xâm lăng mà thực tế cho thấy là tốn kém và thiếu hiệu quả, Putin cho rằng những trợ giúp từ phương Tây cho Ukraine là để tạo ra một “lực lượng chống Nga”. Bằng cách đó, ông biến những trở ngại đối với Nga trong cuộc xâm lăng – lâu dài và tốn kém hơn dự tính – thành những thách thức mà kẻ thù đặt ra cho việc thực hiện tính chính danh của Nga trong cuộc chiến nói riêng và qua đó là việc thực hiện bản sắc Nga trong một công cuộc đối đầu với phương Tây mang tính huyền thoại và lịch sử. 

Xây dựng và kiến tạo kẻ thù (bên trong và bên ngoài) chính là cơ hội để nhà nước độc tài diễn giải nó thành người hùng cứu vớt quần chúng, để tính chính danh càng trở nên mạnh mẽ (xem mục 1) và sự huy động sức mạnh nhân dân càng trở nên triệt để (xem mục 2). Nói cách khác, độ quyết tâm trong cam kết về cuộc chiến sẽ được diễn giải như là nỗ lực ý chí thực hiện mục đích “vì đất nước, dân tộc” của nhà nước độc tài, trong lúc này, toàn bộ lịch sử và văn hóa sẽ được trưng dụng để tạo nên vẻ đẹp lí tưởng anh hùng cho độ quyết tâm đó. 

Vài ý kết: 

Tất nhiên, những đặc điểm trong diễn giải và cam kết trong cuộc chiến như trên không có nghĩa là mọi cuộc chiến do nhà nước độc tài thực hiện đều tất yếu dẫn đến chiến thắng, nghĩa là thực hiện mục đích và tính chính danh như nó cam kết. Mà điều này có nghĩa là logic của diễn giải và cam kết của nhà nước độc tài vận hành theo cách thức không hoàn toàn giống với các kiểu hình nhà nước khác. Nó cũng gợi ý cho chúng ta rằng logic này có thể tham gia một phần nào đó vào quyết đinh kết thúc chiến tranh, chẳng hạn, nó có thể tạo nên diễn giải và cam kết khác theo cách thức tương tự để kết thúc cuộc chiến, bất chấp hậu quả thực tế của cuộc chiến mà nó gây ra.   

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ