Tô Văn Trường
Đối với cử tri Việt Nam, quyền hạn của Quốc hội cần phải được nâng lên ngang tầm với nguyên tắc hiến định, đó là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước. Điều đó có nghĩa là hoạt động của Quốc hội phải có thực chất, Quốc hội phải có thực quyền. Muốn vậy, các đại biểu Quốc hội thực sự phải là tinh hoa trí tuệ của Nhân dân, chứ quyết không thể cứ mãi là một “mặt trận tổ quốc thứ hai”.
Cử tri theo dõi quá trình lựa chọn ứng cử, bầu cử và và sắp xếp nhân sự lãnh đạo ở Quốc hội khóa 15, không khỏi băn khoăn và quan ngại về một số hiện tượng sau đây: lựa chọn nhân sự, xây dựng pháp luật và vai trò giám sát của Quốc hội.
- Lựa chọn nhân sự
Bầu lại các chức danh vừa bầu vài tháng trước
Quốc hội Việt Nam liệu có cần thiết bầu lại các chức danh vừa bầu tại kỳ họp cuối của khóa trước khi biết chắc chắn rằng không hề có sự thay đổi nào (mặc dù đây là cách làm đúng luật)? Việc làm này có thật sự lãng phí thời gian và tiền của hay không?
Cách làm đó khiến cho một số chức danh phải tuyên thệ hai lần trong mấy tháng. Việc làm này gây phản cảm trong xã hội vì không giống nước nào trên thế giới.
Bởi vậy, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới, chỉ nên có một Nghị quyết biểu quyết lại kết quả bầu các chức danh chủ chốt của Nhà nước mà Quốc hội khóa XIV vừa thực hiện vào tháng 4 năm 2021 vừa qua?
“Đảng cử Dân bầu” nhưng để lọt người có tội
Số đại biểu Quốc hội trúng cử đủ 500 người nhưng có một người là ông Trần Văn Nam (uỷ viên trung ương Đảng, bí thư tỉnh uỷ Bình Dương) không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội. Sự việc này khiến cho cử tri nhiều nơi không khỏi băn khoăn về quá trình chuẩn bị nhân sự của cấp ủy đảng các cấp và đặt ra hàng loạt vấn đề, mà lớn nhất là câu hỏi: Một cán bộ, đảng viên đã có quá trình vi phạm lâu dài như vậy, nhưng tại sao hệ thống chậm phát hiện, tại sao vẫn được giới thiệu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 và Quốc hội khoá mới?
Ông Nam không phải trường hợp đầu tiên hay duy nhất được tất cả các cấp ủy giới thiệu, tất cả các hội nghị hiệp thương thông qua và được bầu với số phiếu cao, cuối cùng lại bị xem xét kỷ luật hoặc có thể bỏ tù vì những khuyết điểm hoặc tội hình sự phạm phải trong chính thời gian được tất cả các cấp “lăng xê” và hướng dẫn cho dân bầu.
Phải chăng đây là khiếm khuyết khó tránh của cung cách lựa chọn nhân sự ”Đảng cử, dân bầu”, nhất là khi nó đã bị làm méo mó để phục vụ ý đồ của một số vị có chức, có quyền?
Tiểu xảo “hết tuổi tái cử”
Số đại biểu Quốc hội ngoài Đảng không đủ so với dự kiến. Ngoài ra, có sự bất nhất trong đề cử. Minh chứng là có một số vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội sinh năm 1962 ở các địa phương được tái cử (dù là để bố trí vào chức danh khác), trong khi đó, luật sư Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội khóa 14, sinh năm 1963 còn trẻ hơn, lại hết tuổi tái cử.
Các vị sinh năm 1962 này cơ bản không có gì nổi bật. Trái lại, luật sư Lưu Bình Nhưỡng là một ngôi sao nghị trường, am hiểu sâu sắc về luật pháp và rất được lòng dân thì lại không được tái cử? Có thể nói rất hiếm khi “Đảng cử Dân bầu” lại chọn được đảng viên ra ứng cử đại biểu Quốc hội được lòng dân như vậy, nhưng thay vì tiếp tục giữ hình ảnh đó, lại cố tình loại đi. Tại sao?
Chia chác, chạy chọt, bè cánh
Nhìn vào xuất thân một số nhân sự dự kiến làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, cử tri thấy có cách chọn người rất đặc thù. Đáng nói nhất là hai con ruột của bà Tòng Thị Phóng bỗng dưng từ đâu “nhảy tót” về Văn phòng Quốc hội, rồi “nhảy phốc” làm cấp phó các cơ quan Quốc hội.
Đó là hiện tượng rất ngang trái. Nó tương phản với sự quý trọng và kỳ vọng của cử tri đối với một đại biểu Quốc hội đã bị loại bằng tiểu xảo “hết tuổi tái cử” như Lưu Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, hàng loạt nhân sự là trợ lý, thư ký của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo cấp Vụ của Văn phòng Quốc hội cũng ồ ạt nhảy vào Quốc hội khóa mới, với dự kiến để lãnh đạo những đại biểu Quốc hội có trí tuệ, uy tín, dày dạn nghị trường, vốn là cấp trên của họ. Xét về mặt đạo lý, việc này cũng có thể chấp nhận được nếu họ đã chứng tỏ năng lực xứng đáng với vị trí. Thế nhưng, năng lực thực tế của những “hậu bối” này chưa có căn cứ để xác tín.
Những tình tiết lố bịch này không thể không xem xét. Nhân dân có lý do để có cách nhìn nhận tiêu cực về một Quốc hội chia chác, chạy chọt, bè cánh.
- Xây dựng pháp luật
Quốc hội Việt Nam cần bổ sung hàng loạt bộ luật còn nợ dân, bỏ qua quy định của Hiến pháp, như Luật về hội, Luật Biểu tình, Luật Tự do ngôn luận vv…
Luật của Quốc hội Việt Nam vẫn còn rơi vào tình trạng luật phải chờ nghị định của Chính phủ, nghị định chờ thông tư của Bộ thì mới có hiệu lực thi hành. Năng lực soạn luật của Quốc hội vẫn còn tạo ra khả năng nghị định, thông tư lái luật theo ý của cơ quan hành pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ở phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà Truyền hình Việt Nam đưa tối 14 tháng 6, 2021: “Quốc hội không xem xét những dự án luật không có trong chương trình xây dựng pháp luật”. Cách làm việc này quá cứng nhắc. Nó làm Quốc hội sẽ không kịp thời đưa ra được các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh thực tiễn mới phát sinh. Cách làm phù hợp là làm ngược lại: “Quốc hội đòi hỏi các cơ quan soạn thảo luật phải trình đúng thời hạn các dự án luật đã có trong chương trình xây dựng pháp luật”.
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng ngày 14/6, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết năm 2021, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới để trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 10 dự án luật. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh Chương trình, tổng số còn 7 dự án luật.
Cử tri đồng tình với Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh “băn khoăn” khi chưa thấy “bóng dáng việc sửa luật đất đai” trong khi nội dung này đã được đưa vào kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội và dự kiến được sửa vào cuối tháng 5/2022.
Luật Đất đai, hay nói cụ thể hơn là quan điểm về sở hữu trong Luật Đất đai, đang là điểm nghẽn trong phát triển, thậm chí là hiểm họa đối với an ninh xã hội và chính trị. Sửa Luật Đất đai là vấn đề phức tạp, chắc chắn đụng chạm đến quyền lợi của nhiều tổ chức, cá nhân và nguồn thu ngân sách, nhưng sửa Luật là yêu cầu bức thiết của thực tiễn.
Nếu đất đai là của toàn dân thì chính quyền chỉ là một thành tố trong khái niệm ấy chứ không đồng nghĩa: Chính quyền = Nhà nước = toàn Dân. Mập mờ về khái niệm là gốc dẫn đến mọi vi phạm.
- Vai trò giám sát của Quốc hội
Các cơ quan của Quốc hội rất tích cực giám sát chính phủ. Trong nhiều trường hợp, Quốc hội đã chọn đúng nhiều vấn đề cần giám sát. Nhưng hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát này không cao. Do đó, Quốc hội Việt Nam cần cải tiến phương cách giám sát.
Các đoàn giám sát cần thảo luận kĩ trước khi đi giám sát để tập trung vào những nội dung chính cần giám sát. Tuy nhiên, Quốc hội chưa có cơ quan và chuyên gia nghiên cứu độc lập, chưa có Thư viện Quốc hội để làm nơi nghiên cứu chuyên nghiệp, do đó, việc thảo luận trước giám sát này, dù có thực hiện hay không, cũng chưa thể có hiệu quả cao.
Quốc hội cần ra nghị quyết về giám sát, nhận định một cách khách quan, thẳng thắn, đưa ra những yêu cầu bắt buộc các cơ quan được giám sát phải thực hiện, những khuyến nghị để các cơ quan được giám sát cân nhắc, những vấn đề các cơ quan được giám sát cần nghiên cứu để có giải pháp khắc phục. Cơ quan nào không thực hiện được những yêu cầu bắt buộc thực hiện thì người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm.
Đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội Việt Nam thường chỉ giải quyết (thảo luận và biểu quyết thông qua) những vấn đề do Bộ Chính trị hoặc Trung ương Đảng quyết định rồi Chính phủ trình sang. Ngoài những vấn đề này, Quốc hội Việt Nam cần chủ động đề xuất một số vấn đề mà cử tri quan tâm, xem xét các dự án phát triển cần khách quan, kỹ lưỡng, thể hiện tầm nhìn xa của cơ quan lập pháp.
Lời kết
Chủ tịch Quốc hội cần bớt say sưa nói về thắng lợi tuyệt vời của bầu cử để tập trung tâm sức vào công việc. Sự thật là dù hay dù dở thì Quốc hội Việt Nam cũng phải cố làm đúng phần nào vai trò của mình là đại diện cho quyền lợi của quốc gia và của nhân dân, thực thi trách nhiệm giám sát công việc của Chính phủ nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Điều này càng quan trọng đối với những vấn đề cấp thiết hiện nay như chống đại dịch COVID – 19, những vấn đề kinh tế xã hội phải giải quyết, và vấn đề Trung Quốc đang tiếp tục leo thang trên Biển Đông.