Vũ Quang Việt
9 March 2020
Tóm lược:
Bài viết đưa ra những nhận xét tổng quát về tình trạng thương mại hiện nay của nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu nhằm phục vụ xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc sang các nước phương tây, từ đó cho thấy các hiệp định thương mại như EVFTA, CTPP sẽ giúp giảm quan hệ lệ thuộc này. Bài viết cho thấy các hiệp định thương mại sẽ xóa bù lỗ, thuế nhập khẩu và đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh khốc liệt hơn với các đối tác, nhưng đây là thử thách đáng nhận, chứ Việt Nam với thị trường không phải nhỏ, tư bản không hẳn thiếu nên không cần “vơ bèo vạt tép” tư bản nước ngoài. Tình thế mới đòi hỏi sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ nội địa hóa nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, và khuyến khích phát triển công nghệ nội địa.
Việt Nam: Để đạt lợi ích cao nhất về thương mại và đầu tư với nước ngoài (Phần 1: Nhận xét tổng quát, Phần 2: Chính sách của Mỹ và phản ứng của Việt Nam, Phần 3: Khuyến nghị tăng tỷ lệ nội hóa trong luật đầu tư nước ngoài)
1. Hiệp định thương mại không qui định tự do đầu tư trực tiếp nước ngoài
Hiệp định thương mại thiết lập các qui chế liên quan đến xóa bỏ và giảm thuế nhập giữa các nước tham gia, xóa bỏ hoặc giảm các hạn mức về hàng nông nghiệp, với các qui định bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, như xóa bỏ bù lỗ xuất khẩu, bảo đảm tôn trọng các điều kiện y tế, môi trường và lao động theo luật quốc tế, bảo đảm sở hữu trí tuệ, và có cơ chế giải quyết tranh chấp bình đẳng nhất là giữa doanh nghiệp và chính phủ.
Để tăng cường thêm quan hệ thương mại giữa các nước thành viên trong hiệp định, hiệp định nào cũng thiết lập các tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng xuất khẩu. Và như thế hiệp định còn mang tính chính trị, thậm chí quân sự trong quan hệ thân thiện giữa các nước trong hiệp định.
Vì chỉ liên quan đến thương mại, WTO và các hiệp định thương mại không có các điều khoản quản lý đầu tư nước ngoài (dù trực tiếp hay gián tiếp), trừ một số điều nhằm bảo đảm thương mại dịch vụ ở mức nhất định. Đối với tài chính, Hiệp định với EU và CPTPP cho phép EU đầu tư trực tiếp nhằm cung cấp dịch vụ tài chính, nhưng sở hữu của họ bị hạn chế không cao hơn 49%.
Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia sẽ mở rộng cửa thị trường các nước đối tác cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, nhưng vấn đề là Việt Nam có đủ sức cung hay không, nhất là đáp ứng được tỷ lệ nội hóa. Tỷ lệ nội hóa đòi hỏi Việt Nam phải tự cung hay dựa nhiều hơn vào nguyên liệu cung của EU đắt hơn nhưng chất lượng cũng cao hơn, thay vì nguyên liệu Trung Quốc, và do đó cách xử lý tốt nhật là đi vào sản xuất hàng hóa cao cấp. Và cũng không nên quên rằng vì không còn được bảo vệ bởi bù lỗ và thuế suất nhập cao, chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối phó với khả năng doanh nghiệp phá sản vì không thể cạnh tranh.
2. Cần đưa tăng tỷ lệ nội hóa vào luật đầu tư nước ngoài
Đầu tư nước ngoài là phạm trù nằm ngoài hiệp định thương mại và thuộc hiệp định đầu tư nước ngoài (nếu có). Đầu tư nước ngoài thường rất nhạy cảm vì liên quan đến các an ninh quốc gia kể cả mặt kinh tế lẫn chính trị cho nên nó là phạm trù của luật đầu tư nước ngoài của mỗi nước. Một trong điều cần thiết để quản lý vai trò của pháp nhân nước ngoài trong luật đầu tư nước ngoài là: (a) xác định các hoạt động mà người nước ngoài có thể đầu tư, (b) qui định sở hữu tối đa, và (3) thiết lập tỷ lệ nội địa để hạn chế vai trò của người nước ngoài, thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp nội địa. Chính sở hữu song phương mới tạo tiềm năng đưa đến chuyển giao công nghệ.
3. Vấn đề hàng hóa quốc gia và qui ước xuất nhập khẩu
Qui ước được Ủy ban Thống kê Liên Hiệp Quốc và các nước và các tổ chức quốc tế chấp nhận là ghi là xuất hay nhập khẩu khi có sự chuyển quyền sở hữu giữa một đơn vị pháp lý của một quốc gia và một đơn vị pháp lý của một quốc gia khác. Một du khách sang Việt Nam mua hàng thì đó là hàng xuất khẩu của Việt Nam và nhập khẩu của quốc gia mà du khách cư trú thường xuyên. Có hai ngoại lệ mà các nước thường làm:
a) Thiết lập khu vực chế biến gia công quốc tế mà nước sở tại không kiểm soát hải quan. Nước ngoài đưa hàng vào khu vực, gia công rồi đưa ra. Hàng hóa đó hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài và được ghi vào xuất nhập khẩu của nước ngoài. Chỉ có dịch vụ gia công là được ghi vào xuất khẩu của nước sở hữu khu vực gia công.
b) Mượn tên để xuất khẩu. Nước ngoài như Trung Quốc trước đây chỉ mượn Hồng Kông làm nơi đăng ký và hàng đưa vào và xuất ngay ra nước khác với danh nghĩa Hồng Kông, trước đây Mỹ coi hàng hóa này là hàng Trung Quốc khi nhập vào Mỹ. Hiện nay, hàng Trung Quốc qua Việt Nam mượn tên rồi chuyển sang Mỹ cũng bị coi như thế.
Việt Nam nên thúc đẩy một qui ước quốc tế qui định thế nào là hàng của một quốc gia, dựa vào tỷ lệ nội địa hóa.
Phụ lục: Tỷ lệ nội địa hóa
1. Một số cách nhìn về tỷ lệ nội địa hóa
1.1. Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu: Cách thứ nhất là tỷ lệ hóa nội địa nguyên liệu (còn gọi là tỷ lệ hóa linh kiện như đối với một số sản phẩm công nghệ như xe hơi, máy tính, máy điện thoại, TV, máy giặt, v.v.). Trong các văn kiện về hiệp định thương mại hay văn kiện nhà nước nhằm mục đích tăng việc tham gia sản xuất của các doanh nghiệp trong nước thường chỉ áp dụng cho linh kiện hay nói rộng ra là chi phí nguyên liệu. Xe hơi sản xuất ở VN chỉ có khoảng 10-15% tỷ lệ hóa nội địa nhưng Việt Nam lại đưa ra cách tính tỷ lệ nội địa hóa linh kiện cho xe hơi rất chi tiết, có thể vượt chi tiết cần thiết, nhưng lại dựa vào các hệ số một cách máy móc, không tính đến thay đổi của giá cả. Đối với hàng hóa chính phủ Mỹ mua, tỷ lệ nội hóa nguyên liệu (kể cả giá trị xây dựng) phải cao hơn 50% nhưng một số nguyên liệu, hoặc như thép và hợp chấtphải hoàn toàn sản xuất ở Mỹ. Hiệp định EVNFTA giữa Châu Âu (EU) và VN vừa ký kết với châu Âu đòi hỏi 45% nguyên liệu cho xe hơi, 50% cho xe máy, 45% cho hàng may mặc, 100% cho hàng nông sản, phải là nội địa (ở đây có nghĩa là từ Việt Nam hay các nước EU.
1.2. Tỷ lệ nội địa hóa toàn diện: Cách thứ hai là xem xét toàn diện tỷ lệ nội hóa sản phẩm, tức là tính đầu vào trực tiếp trong sản xuất từ các nguồn nội địa: như nguyên liệu, dịch vụ, lao động, tư bản. Một sản phẩm không chỉ dùng nguyên liệu nước ngoài và còn dùng lao động nước ngoài, kể cả tư bản nếu là đầu tư trực tiếp. Tỷ lệ nội địa hóa toàn diện là nhằm định vị sản phẩm là của quốc gia mình hay là sản phẩm của nước ngoài. Có mấy loại sản phẩm đặc thù sau:
a) Sản phẩm gia công thuộc sở hữu nước ngoài: Một sản phẩm khi đem vào trong nước gia công (thường ở các khu chế xuất đặc biệt, nhưng theo nguyên tắc quốc tế không nhất thiết phải thế) mà chủ sở hữu là đơn vị thể chế nước ngoài thì theo nguyên tắc thông kê quốc tế được ghi trong System of National Accounts và Balance of Payments của IMF, sẽ coi là sản phẩm và nguyên liệu/linh kiện đem vào để sản xuất là của nước của chủ sở hữu. Nguyên liệu/linh kiện đem vào không được ghi là nhập khẩu và sản phẩm làm ra đem đi không được ghi là xuất khẩu. Giá trị sản xuất và xuất khẩu của nước sở tại chỉ là chi phí gia công. Phải ghi là xuất nhập khi có sự chuyển đổi về sở hữu sản phẩm. Do đó một sản phẩm được đơn vị thể chế nước ngoài (người lao động nước ngoài ở ngắn hạn dưới 1 năm) sản xuất và bán ở trong nước thì đó là sản phẩm của nước ngoài.
b) Sản phẩm đội tên nước sở tại để xuất: Hiện nay thống kê quốc tế chưa đưa ra nguyên tắc rõ ràng, nhưng hàng Trung Quốc chuyển cảng qua Hồng Kông rồi vào Mỹ (dù có thay đổi theo pháp lý chủ sở hữu doanh nghiệp Trung Quốc sang chủ sở hữu doanh nghiệp Hồng Kông) thì Mỹ sẽ tính lại để ghi đó là hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ.
c) Sản phẩm thuộc sở hữu nước ngoài có tỷ lệ nội hóa toàn diện thấp: Cũng giống như trường hợp 2, một vấn đề đề tương tự mà hiện nay các tổ chức quốc tế về thống kê chưa đưa ra nguyên tắc xử lý trong thống kê xuất nhập khẩu, mà nếu có sẽ giúp giảm các tranh chấp không đáng có hiện nay, đặc biệt liên quan đến Việt Nam và Mỹ. Có thể một sản phẩm hoàn toàn mang tính gia công như trường hợp (1), nhưng người đầu tư nước ngoài đăng ký doanh nghiệp ở Việt Nam (tức là về mặt pháp lý là doanh nghiệp Việt Nam nhưng nắm 100% sở hữu do đó về mặt sở hữu là doanh nghiệp nước ngoài, vậy nếu như chi phí gia công ở Việt Nam chỉ khoảng 10% thì doanh nghiệp đó có nên coi là doanh nghiệp Việt Nam không? Và nếu không thì sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam chỉ là dịch vụ gia công, còn sản phẩm chính khi xuất ra nước khác sẽ phải ghi là sản phẩm của nước sở hữu sản phẩm. Có cần có nguyên tắc quốc tế để xử lý vấn đề này nhằm phù hợp với nguyên tắc chỉ ghi là xuất nhập khẩu trên cơ sở sở hữu và chuyển đổi sở hữu không?
2. Thí dụ về cách tính qua hàng hóa của Samsung
Thông tin ở đây thuần túy mang tính phỏng đoán. Nhưng cũng cho thấy là tỷ lệ hóa nội địa với nguyên liệu cao sẽ làm tăng cao tỷ lệ hóa nội địa toàn diện sản phẩm. Với hàng Samsung, tỷ lệ nội địa nguyên liệu (hay linh kiện) có thể là 8%. Tỷ lệ nội địa cho Samsung toàn diện tỷ lệ hóa cao hơn nhưng cũng là 28.3%. Nếu như dịch vụ phí và chi lương đáng kể cho chuyên gia và lao động Hàn quốc thì tỷ lệ nội địa hóa toàn diện sản phẩm sẽ thấp xuống.
|
Hệ số so với giá trị hàng (dựa vào bảng IO của Mã Lai 2012) |
Tỷ lệ nội địa |
Cấu thành tỷ lệ hóa toàn diện sản phẩm |
|
(1) |
(2) |
(3)=(1x(2) |
Chi phí nguyên liệu |
0.690 |
8% |
5.5% |
Chi phí dịch vụ |
0.120 |
100% |
12.0% |
Chi phí lao động |
0.080 |
100% |
8.0% |
Thuế sản phẩm |
0.028 |
100% |
2.8% |
Giá trị thặng dư |
0.082 |
0% |
0.0% |
Giá trị hàng |
1.000 |
|
|
Tỷ lệ nội địa toàn diện sản phẩm |
|
|
28.3% |
Một sản phẩm như Samsung mà tỷ lệ hóa toàn diện chỉ có 28% phần trăm như trên khó có thể coi là sản phẩm Việt Nam. Nguyên tắc thông thường để quyết định về sở hữu là 50% trở lên. Vậy thì đâu là tỷ lệ hợp lý để xét vấn đề sở hữu. Có thể cách tốt nhất là lấy tỷ lệ bình quân tỷ lệ gia công trong sản phẩm hiện được coi là gia công trong khu vực chế xuất để làm chuẩn. Đây là vấn đề Tổng cục Thông kê Việt Nam có thể nêu lên thảo luận trong cộng đồng thống kê thế giới.
(Hết)