Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Việt Nam: Để đạt lợi ích cao nhất về thương mại và đầu tư với nước ngoài (Phần 2)

Vũ Quang Việt

Published on

Vũ Quang Việt 
9 March 2020
Tóm lược
Bài viết đưa ra những nhận xét tổng quát về tình trạng thương mại hiện nay của nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu nhằm phục vụ xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc sang các nước phương tây, từ đó cho thấy các hiệp định thương mại như EVFTA, CTPP sẽ giúp giảm quan hệ lệ thuộc này. Bài viết cho thấy các hiệp định thương mại sẽ xóa bù lỗ, thuế nhập khẩu và đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh khốc liệt hơn với các đối tác, nhưng đây là thử thách đáng nhận, chứ  Việt Nam với thị trường không phải nhỏ, tư bản không hẳn thiếu nên không cần “vơ bèo vạt tép” tư bản nước ngoài. Tình thế mới đòi hỏi sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ nội địa hóa nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, và khuyến khích phát triển công nghệ nội địa.

Việt Nam: Để đạt lợi ích cao nhất về thương mại và đầu tư với nước ngoài (Phần 1: Nhận xét tổng quát, Phần 2: Chính sách của Mỹ và phản ứng của Việt Nam, Phần 3: Khuyến nghị tăng tỷ lệ nội hóa trong luật đầu tư nước ngoài)

1. Việt Nam trước tranh chấp Mỹ Trung và các hiệp định thương mại 

Trước khi Trump cầm quyền, nước Mỹ thời Obama cũng đã nhận thấy nguy cơ Trung Quốc, không chỉ muốn làm chủ Biển Đông, tước quyền đi lại của mọi nước ở khu vực, mà còn tập trung lực lượng bằng chính sách một vành đai – một con đường nhằm lôi kéo các nước nhỏ và nghèo chung quanh với mồi nhử đầu tư và cho vay. Để đối phó lại, Mỹ thời Obama chủ trương xây dựng quanh Mỹ những nước quan trọng qua Hiệp định thương mại Châu Á Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam, Mã Lai và Singapore) cùng với Nhật, Úc – Tân Tây Lan, Chile, Peru, Canada và Mexico. Hiệp định đã được thông qua nhưng sau đó Trump rút lui, và tấn công bất cứ nước nào mà Trump cho rằng gây thiệt hại cho Mỹ qua xuất siêu lớn sang Mỹ. 

Chính vì tranh chấp thương mại Mỹ Trung, Mỹ soi mói xem xét xem có hay không việc Việt Nam có phải là bàn đạp cho phép không chỉ Trung Quốc mà còn Hàn Quốc và Đài Loan dùng “tên” làm hàng xuất sang Mỹ, nhất là khi sắt thép của Việt Nam, một nước không có quặng sắt, xuất khẩu sang Mỹ nhảy vọt. Điển hình là sự kiện Trung Quốc đưa sắt thép sang Việt Nam rồi xuất sang Mỹ dưới tên Việt Nam. Phản ứng là Mỹ nâng thuế nhập khẩu sắt thép nghi là của Trung Quốc từ Việt Nam từ 39% lên 256% năm 2018 khi nhận thấy trong một thời gian rất ngắn hàng nhập của Việt Nam tăng đột biến, xuất khẩu sắt thép từ $9 triệu tăng lên $1.3 tỷ năm 2018 (Xem lý do Bộ Thương Mại Mỹ kết án Việt Nam, tăng lượng xuất sang Mỹ sau khi Mỹ tăng thuế TQ tại đây). Vì có dấu hiệu hàng thép xuất từ Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, Mỹ quyết định tăng thuế hàng bị nghi lên 456.23% và thuế suất thép nói chung từ Việt Nam lên 400%. Kết quả là giá trị xuất đã giảm thê thảm từ $73 triệu tháng 12 năm 2018 xuống $13 triệu cùng tháng 12 năm 2019. 

2. Phản ứng của Mỹ với Trung Quốc và Việt Nam

Có thể nói là Việt Nam chỉ là nơi Trung Quốc và Hàn Quốc dùng để gia công thêm nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, đồng thời mượn tên xuất sang Mỹ và Châu Âu, như đã trình bày ở Kỳ 1

Tình hình như trên thật sự cũng là bình thường trong một nền kinh tế thế giới mở và cạnh tranh, nhưng với Mỹ dưới thời Trump, Trung Quốc và Việt Nam gặp phản ứng mạnh khi Trump phát động chính sách bảo vệ quyền lợi của dân lao động Mỹ.  Không chỉ từ thời Trump mà ngay thời Obama Mỹ đã lo ngại về việc Trung Quốc không chỉ học hỏi, mà còn sao chép, kể cả đánh cắp công nghệ Mỹ và đang biến mình thành một cường quốc công nghệ và quân sự.  

Trước tình hình trên, Mỹ đã năng thuế nhập rất cao đối với hàng mà Mỹ coi là Trung Quốc có bù lỗ, đồng thời ngăn cản Trung Quốc thu mua sở hữu một số công ty kỹ thuật Mỹ lấy lý do bảo vệ an ninh Mỹ. Và Mỹ muốn loại Trung Quốc khỏi danh sách các nước được xếp vào đang phát triển của WTO.  Tuy nhiên, trả đũa của Mỹ với Trung Quốc cũng có giới hạn vì tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của TQ vào năm 2018 cũng chỉ là 15.9% so với Mỹ là 12.2% trong khi đó thì thị trường nội địa của TQ rất lớn và lại có thu nhập đầu người (GNI) gần $10,000, gần mức gia nhập nhóm các nước có thu nhập cao và tất nhiên nhiều đại công ty Mỹ đã phải dựa vào thị trường Trung Quốc để sống còn. 

Với Việt Nam, kinh tế rất lệ thuộc vào xuất khẩu, như năm 2018 xuất khẩu kể cả hàng hóa và dịch vụ trên GDP chiếm 105.8% và lại là thị trường còn nhỏ bé, thu nhập đầu người (GNI) chỉ có $2,360 rõ ràng là ở nhóm các nước có thu nhập đầu người thấp theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới  thì áp lực của Mỹ trở nên kinh khủng hơn và khả năng đối phó lại rất thấp. Chính yếu tố Trung Quốc đã khiến Trump nương nhẹ hơn với Việt Nam nhưng vẫn không thoát khỏi các biện pháp mang tính trừng phạt của Mỹ. 

Đưa Việt Nam ra khỏi  danh sách các nước đang phát triển, hưởng ưu đãi

Hành động mới nhất là Trump ra quyết định loại 25 nước khỏi danh sách các nước “đang phát triển” có ưu đãi về thuế  theo Hiệp định WTO trong đó có Hàn Quốc, Singapore, Mã Lai, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, và cả Việt Nam.  Quả thật quyết định này là hợp lý và cần thiết vì rất nhiều nước trong danh sách không thể gọi là “đang phát triển” được, nhất là với Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc có thu nhập đầu người (per capita GNI) bao gồm cả thu nhập sở hữu trên 10,000 US (2019) và ở đó một bộ phận dân có thể lên tới 50—100 triệu trong tổng số 1.4 tỷ người, có thu nhập không kém thu nhập trung bình của các quốc gia phát triển như Đức, Pháp với dân số 70-80 triệu và thu nhập bình quân 1 gia đình là $30-40,000 US. Theo McKinsey, có 225 triệu gia đình ở Trung Quốc có thu nhập từ $12-43,00 USD.    Cho đến nay, danh sách “đang phát triển” của WTO chỉ có vào mà không có ra.  Mỹ hay các nước phát triển khác không còn chịu đựng nổi những ưu đãi cấp cho các nước có nền kinh tế cực lớn hoặc đã thật sự phát triển là điều dễ hiểu.

Đưa đồng minh và Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ 

Tuy vậy, phản ứng của Trump với đối tác gần như bất chấp quan hệ đồng minh lâu đời, ngày 28-5-2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa 9 nước vào danh sách các nước cần theo dõi đánh giá về khả việc thao túng tiền tệ, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, và cả các đồng minh thân cận của Mỹ như Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore. Thao túng tiền tệ được định nghĩa là các nước có xuất siêu cao với Mỹ (vào lúc này là trên 20 tỷ US, hoặc trên 2% GDP, mua thêm ngoại tệ trên 2% GDP và có chính sách can thiệp một chiều nhằm giảm giá đồng nội tệ để tăng sức cạnh tranh. 

Điểm bất ngờ là sau khi có thỏa ước thương mại bước đầu với Trung Quốc mà Mỹ cho rằng có thể kiểm tra được, trong đó có việc Trung Quốc hứa hẹn tăng mua hàng Mỹ, ngày 13-1-2020 Mỹ đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ. Diễn tiến trên cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng vũ khí gán nhãn “thao túng tiền tệ” để  gây áp lực lên Trung Quốc. 

3. Việt Nam đối phó

Mở rộng thương mại với châu Âu và các nước phát triển khác

Đối với châu Âu, thương mại hai chiều đang có lợi về phía Việt Nam, với xuất khẩu sang EU gấp gần 3.5 lần xuất phía ngược lại, và do đó xuất siêu của Việt Nam lên tới 32 tỷ US năm 2018, bằng 13% GDP của Việt Nam.  

Với Hiệp định EVFTA vừa được EU thông qua, thị trường EU sẽ mở rộng thêm cho Việt Nam nhưng sẽ chỉ hiện thực nếu như Việt Nam tuân thủ đúng các điều khoản cam kết, và như thế Việt Nam cần tăng cường sản xuất các mặt hàng cao cấp với nguyên liệu nội địa hay từ châu Âu. Thực tế xuất khẩu hiện nay của Việt Nam là hàng may mặc, giầy dép, nông sản, hải sản, còn hàng máy tính hay điện thoại di động lên tới 17.4 tỷ US bằng gần 40% giá trị xuất khẩu là hàng gia công cho nước khác, đặc biệt là của Hàn Quốc với ít nhất 12 tỷ là của Samsung.  Sản phẩm Samsung ở Việt Nam thực chất, nếu áp dụng đúng theo chuẩn mực sẵn có của thống kê thế giới, hàng hóa này đáng lẽ phải được coi là của Hàn Quốc (coi thêm Phụ lục về nguyên tắc thống kê). 

Hiện nay Samsung đã ngừng sản xuất ở Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam và Ấn Độ, 50% số lượng là sản xuất ở Việt Nam, chỉ có khoảng 8% là ở Nam Hàn và phần còn lại là ở Ấn Độ. Samsung sử dụng 100 ngàn công nhân nhưng tỷ lệ nội hóa nguyên liệu sản phẩm điện tử của Việt Nam cũng chỉ khoảng 5-10%. Với tỷ lệ chi phí vật tư phỏng đoán là 69%, tỷ lệ chi phí lao động là 8% và thuế sản phẩm là 2.8% giá trị sản phẩm thì tỷ lệ nội hóa toàn diện sản phẩm cao lắm là 28.3% (coi thêm phụ lục) – theo nghĩa tỷ lệ giá trị tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam.  

Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA) sẽ xóa bỏ 99% các loại thuế nhập hiện tại, từ từ giảm thuế nhập mọi hàng hóa xuống 0% và xóa bỏ hạn ngạch, nếu tỷ lệ nội địa hóa được tôn trọng, do đó về dài lâu có lợi cho cả hai bên nhưng những đòi hỏi của EU sẽ tạo một số bất lợi trước mắt cho Việt Nam như sau:

    • Thuế xuất xe hơi sẽ giảm ngay xuống 0% như thế có lợi cho EU vì các công ty lắp ráp xe hơi hiện nay ở Việt Nam được bảo vệ bằng thuế nhập lên tới 78% có thể phải đóng cửa.
    • Thuế nhập hàng may mặc sẽ giảm ngay xuống 0% như thế có lợi cho Việt Nam, nhưng Việt Nam phải đạt ít nhất 45% tỷ lệ nội hóa nguyên liệu – theo nghĩa từ các nước tham gia hiệp định — điều này có lẽ không dễ dàng đạt được vì gần như 100% nguyên liệu là nhập từ Trung Quốc.  Ngoài ra, với nhiều loại hàng hóa khác, để không bị đánh thuế nhập Việt Nam phải đạt tỷ lệ nội hóa 30%. 
    • Việt Nam cũng phải xóa bỏ thuế xuất và thuế nhập khẩu như thế thuế thu được sẽ giảm. 
    • Việt Nam sẽ phải mở cửa để cho EU cạnh tranh trong cung cấp hàng hóa cho dự án chính phủ làm chủ (dĩ nhiên EU không dễ cạnh tranh với Trung Quốc vì các món võ dưới gầm bàn, nhưng có thể đưa tới phản ứng của EU và vì thế giúp Việt Nam tăng cường đạo đức cạnh tranh). Để hưởng thuế nhập thấp Việt Nam cũng phải xóa bỏ bù lỗ với các doanh nghiệp nhà nước.
    • Việt Nam và EU mở cửa cho thương mại dịch vụ, và do đó phải mở cửa có mức độ đầu tư trực tiếp vào một số hoạt động như dịch vụ máy tính, ngân hàng, tài chính, giáo dục, chuyên chở, thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, v.v. nhưng với các đòi hỏi chặt chẽ như hạn chế ở mức 49% phần sở hữu nước ngoài trong đầu tư trực tiếp vào dịch vụ tài chính.  
    • Việt Nam cam kết thực hiện các nguyên tắc về lao động của ILO. 

Tham gia Hiệp định Châu Á Thái Bình Dương (CTPP) 

Hiệp định CTPP bao gồm các nước Brunei, Canada, Nhật, Úc, Tân Tây Lan,  Chile, Mexico, Peru, Mã Lai, Singapore và Việt Nam (nhưng rất tiếc là không có Mỹ) – lúc đầu do Mỹ chủ xướng nhằm nối kết các nước chung quanh Mỹ. Hiệp định này cũng thiết lập tỷ lệ nội hóa và bao gồm các điều khoản như sau:

    • Xóa bỏ mọi thuế nhập theo thời biểu thuế nhập cao (25-30% hay hơn) nhất là ở Việt Nam và Mã Lai, và giảm các hạn chế nhập khẩu nhất là với nông nghiệp (như ở Nhật).
    • Xóa bỏ bù lỗ xuất khẩu.
    • Mở cửa thị trường cho dịch vụ tài chính (như ngân hàng).
    • Thực hiện các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
    • Cam kết thực hiện các nguyên tắc về lao động của ILO cũng như EVFTA.
    • Để được các lợi ích trên hàng hóa xuất phải đạt chuẩn về tỷ lệ nội hóa – theo nghĩa từ trong vùng các nước tham gia Hiệp định (có thể từ 40% trở lên tùy mặt hàng). Lợi ích đạt được dựa trên tỷ lệ nội hóa khuyến khích thương mại trong vùng CPTP. 

Hiệp định RECEP

Hiệp định RECEP do Trung Quốc đề xướng nhằm xây dựng vòng ảnh hưởng nhằm đối phó với Mỹ. RECEP thực chất là nhằm mở cửa thị trường toàn diện cho Trung Quốc, và là mối nguy cho Việt Nam nếu tham gia, vì nó sẽ hợp pháp hóa việc sử dụng thị trường Việt Nam để xâm nhập thị trường phát triển. Nhưng may thay, năm 2019, Ấn Độ đã quyết định rút lui và Nhật cũng tuyên bố sẽ không tham gia nếu không có Ấn Độ.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ