Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Việt Nam: Để đạt lợi ích cao nhất về thương mại và đầu tư với nước ngoài (Phần 1)

Vũ Quang Việt

Published on

Vũ Quang Việt
9 March 2020
Tóm lược
Bài viết đưa ra những nhận xét tổng quát về tình trạng thương mại hiện nay của nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu nhằm phục vụ xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc sang các nước phương tây, từ đó cho thấy các hiệp định thương mại như EVFTA, CTPP sẽ giúp giảm quan hệ lệ thuộc này. Bài viết cho thấy các hiệp định thương mại sẽ xóa bù lỗ, thuế nhập khẩu và đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh khốc liệt hơn với các đối tác, nhưng đây là thử thách đáng nhận, chứ  Việt Nam với thị trường không phải nhỏ, tư bản không hẳn thiếu nên không cần “vơ bèo vạt tép” tư bản nước ngoài. Tình thế mới đòi hỏi sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ nội địa hóa nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, và khuyến khích phát triển công nghệ nội địa.  

Việt Nam: Để đạt lợi ích cao nhất về thương mại và đầu tư với nước ngoài (Phần 1: Nhận xét tổng quát, Phần 2: Chính sách của Mỹ và phản ứng của Việt Nam, Phần 3: Khuyến nghị tăng tỷ lệ nội hóa trong luật đầu tư nước ngoài)

1. Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào xuất khẩu để tăng GDP

Việt Nam có tỷ lệ gắn bó với thế giới qua quan hệ thương mại (hàng hóa) thuộc loại cao nhất thế giới.  Tỷ lệ xuất và nhập tính trên GDP đã tăng từ xấp xỉ 50% năm 2000 lên 80% năm 2014 và xấp xỉ 100% năm 2018. Trong một thời gian dài Việt Nam nhập siêu, nhưng năm 2018 đã đạt xuất siêu 6.5 tỷ US. Sơ bộ năm 2019 cũng tiếp tục xuất siêu ở mức 9.9 tỷ US.

Nhưng đạt được thế, Việt Nam đã phải dựa chủ yếu vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 54% năm 2010 đã lên 71% năm 2018. Các doanh nghiệp này thường xuyên xuất siêu (năm 2018 là 32 tỷ US), còn khu vực kinh tế trong nước thường xuyên nhập siêu (năm 2018 là -25 tỷ US).

2. Việt Nam là công trường gia công với lao động không chuyên cho Trung Quốc và Hàn Quốc

Trong quan hệ thương mại của Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nguồn cung ứng hàng hóa tiêu dùng và đặc biệt là nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu của Việt Nam; nhập từ hai nước này chiếm đến 50% giá trị hàng nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam lại sản xuất nhằm vào 3 thị trường lớn nhất là Mỹ (20%), Châu Âu (19%) và Trung Quốc (17%), còn thị trường Nhật và Hàn Quốc chiếm vai trò thứ yếu (7-8%).

Bảng 1. Nguồn nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam theo giá trị và tỷ lệ[1]

2014 2015 2016 2017 2018 2014 2015 2016 2017 2018
Tổng nhập (Tỷ US) 144 177 187 227 231 100% 100% 100% 100% 100%
Châu Âu (EU) 8.3 9.4 10.6 12.1 13.1 6% 5% 6% 5% 6%
Mỹ 6.3 7.8 8.7 9.3 12.7 4% 4% 5% 4% 5%
Nhật 12.9 14.2 15.1 16.9 19.1 9% 8% 8% 7% 8%
Hàn Quốc 21.7 27.6 32.2 46.9 47.8 15% 16% 17% 21% 21%
Trung Quốc 43.9 49.4 50.0 58.5 65.5 31% 28% 27% 26% 28%
Khác 50.6 68.4 69.9 83.3 73.2 35% 39% 37% 37% 32%

Bảng 2. Thị trường xuất hàng hóa của Việt Nam theo giá trị và tỷ lệ

  2014 2015 2016 2017 2018 2014 2015 2016 2017 2018
Tổng xuất (Tỷ US) 146 160 176 214 238 100% 100% 100% 100% 100%
EU 29.5 33.3 36.5 41.9 45.0 20% 21% 21% 20% 19%
Mỹ 28.7 33.5 38.5 41.5 47.0 20% 21% 22% 19% 20%
Trung Quốc 14.9 16.6 22.0 35.4 41.3 10% 10% 12% 17% 17%
Nhật 14.7 14.1 14.7 16.8 18.9 10% 9% 8% 8% 8%
Hàn Quốc 7.1 8.9 11.4 14.8 18.0 5% 6% 6% 7% 8%
Khác 50.9 53.7 52.8 63.2 68.1 35% 34% 30% 30% 29%

Kết quả của quan hệ thương mại như trên phản ánh rõ lợi thế so sánh trong kinh tế mở trên thế giới, nhưng đồng thời cũng phản ánh rõ tính chất lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam là hiện chỉ có khả năng đáp ứng lao động rẻ, và do đó các nước khác cung ứng vật tư/linh kiện để Việt Nam gia công làm hàng xuất khẩu cho họ, nhằm vào nền kinh tế phát triển có sức mua lớn.  Kết quả là suốt nhiều năm Việt Nam có xuất siêu rất lớn với Mỹ và Châu Âu (tổng cộng 2 khu vực là 66 tỷ US) và có nhập siêu lớn với Hàn Quốc và Trung Quốc (tổng cộng 2 nước này là -54 tỷ. Xuất siêu lớn với Mỹ đã gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là sau khi xuất siêu với Mỹ tăng tới 41% từ 39.5 tỷ lên 55.8 tỷ.

Bảng 3. Cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước đối tác

Kết quả là khi ông Donald Trump lên nắm quyền, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam thay đổi. Mỹ đánh thuế thép nhập khẩu từ Việt Nam, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển, đưa Việt Nam (và cả các nước đồng minh của Mỹ) vào danh sách cần theo dõi thao túng tiền tệ. Phần tiếp theo của bài viết sẽ xem xét chính sách của Mỹ đối với Việt Nam và cách Việt Nam đối phó với những thay đổi chính sách đó.

Chú thích
[1] Nguồn số liệu bảng 1-3: Số liệu của EU từ Urostat được tác giả chuyển sang USD.  Số liệu về tổng xuất và tổng nhập của Việt Nam cũng như xuất, nhập với các đối tác Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc là từ Asian Development Bank (ADB). Số liệu về cán cân thương mại của VN theo nguồn ADB khác nhưng không nhiều so với số liệu của Tổng cục Thống kê, tuy nhiên, với năm 2015-2017 số liệu khác biệt nhau rất lớn, tới hơn 10 tỷ.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ