Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

“Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc”

Nguyễn Dịu Hương

Published on

Nguyễn Dịu Hương

Điểm sách: Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc [The Republic of Vietnam, 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building], Vũ Tường và Sean Fear biên soạn. Ithaca, NY: Cornell University Press, 2019.

“Rất nhiều phóng viên nước ngoài đã tường thuật về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng dù họ đã từng làm việc đó bao nhiêu lâu hay họ có hiểu về đất nước này nhiều như thế nào, cuộc chiến không thể thấm vào tâm hồn họ giống như nó đã thấm vào những người con của đất Việt,” phóng viên chiến trường Vũ Thanh Thuỷ nhận định trong phần mở đầu bài viết của mình về một thực tế của lịch sử (tr. 128).

Quả thực muốn thấu hiểu cuộc chiến tranh này cần phải đi sâu tìm hiểu chính những người Việt Nam đã trải nghiệm thời đại lịch sử ấy trên quê hương máu thịt của họ, cần phải lắng nghe chính những người góp phần làm nên lịch sử phản ánh những gì họ coi là quan trọng với cuộc đời họ, với thời đại của họ. Đây cũng là điểm cốt lõi làm nên giá trị của cuốn tuyển tập Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc mới được xuất bản cuối năm 2019.

Mười bốn chương hồi tưởng cá nhân của tập sách cùng góp phần kể những câu chuyện sinh động và đầy cảm xúc về Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) để thấy cuộc chiến đã thực sự thấm vào từng câu chữ và cả cuộc đời họ cho tới hàng chục năm sau. Họ là những người con đã cống hiến trái tim, khối óc, cùng rất nhiều nỗ lực để xây dựng đất nước của mình trong vòng hai thập kỷ tồn tại ngắn ngủi 1955-1975.

Trong suốt 45 năm qua kể từ khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, sách vở viết bởi chính những công dân của VNCH mà độc giả nước ngoài tiếp cận được khá hạn chế, ngoại trừ một vài ấn phẩm dưới dạng hồi ký của những nhà lãnh đạo chính trị và tướng lĩnh quân đội. Trong kho tàng khổng lồ về lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam – cách mà người Mỹ thường gọi về cuộc chiến này, số lượng tài liệu về đất nước và con người VNCH không nhiều, cũng như hình ảnh của VNCH trong nghiên cứu học thuật ở Hoa Kỳ còn tương đối mờ nhạt. Cho tới nay các học giả từ mọi phía của cuộc chiến vẫn chủ yếu phân tích những khía cạnh chính trị, quân sự, ngoại giao – những chủ đề quen thuộc được đào xới nhiều lần theo những góc nhìn khác nhau. Khi chỉ tập trung vào vấn đề của chiến tranh, những tài liệu này thường không chú ý phản ánh đời sống văn hoá xã hội và những thành tựu về kinh tế, giáo dục, báo chí, văn học, hay nghệ thuật của VNCH. Tập trung vào chính những trải nghiệm của người Việt, cuốn sách Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc bởi vậy là một công trình quan trọng và cần thiết, kịp thời giúp giảm bớt sự mất cân bằng trong nghiên cứu lịch sử cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Giống như cuộc hội thảo “khai sơn phá thạch” được tổ chức ở Đại học Cornell năm 2012 – cuộc hội thảo khoa học đầu tiên một trường đại học Hoa Kỳ với diễn giả là những cựu chính trị gia và quân nhân của VNCH, cuộc hội thảo ở Đại học California-Berkeley năm 2016 (mà cuốn sách này là kỷ yếu) mời những nhà chính trị, nhân viên hành chánh, quân nhân, nhà giáo dục, nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ để kể những câu chuyện về cuộc sống và sứ mệnh của họ trong thời VNCH. Đây là những nỗ lực đáng trân trọng của ban tổ chức hội thảo và ban biên tập kỷ yếu để lưu giữ và phổ biến những câu chuyện quý báu của một thế hệ chiến tranh đang dần biến mất, vì nếu không những câu chuyện này có lẽ sẽ chỉ lan truyền giới hạn trong cộng đồng người Việt hải ngoại qua những nhà xuất bản địa phương hoặc những kênh thông tin không chính thống. Cuộc hội thảo và tập sách kỷ yếu đã tạo cơ hội cho những câu chuyện lịch sử này được thành hình, qua đó làm giàu có thêm lịch sử và cung cấp thêm tư liệu gốc cho công việc tìm hiểu quá khứ cho cả giới nghiên cứu và độc giả nước ngoài.

Tập sách mở đầu với một lời giới thiệu ngắn gọn cung cấp nhiều thông tin về công cuộc kiến thiết quốc gia của VNCH, đặc biệt là những thử thách trong bối cảnh quốc tế thời hậu thuộc địa giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng thể về VNCH trong thời đại lịch sử nửa sau thế kỉ XX. Các bài viết sau đó được chia theo năm chủ đề chính là phát triển kinh tế, chính trị và an ninh, giáo dục, báo chí và truyền thông, và văn hoá và nghệ thuật. Tuyển tập kết thúc với hai bài viết của nhà sử học trẻ Nữ-Anh Trần và Tuấn Hoàng lý giải sự vắng bóng của VNCH trong nghiên cứu lịch sử cuộc chiến tranh ở Hoa Kỳ, góp thêm quan điểm của nhà nghiên cứu về giá trị và cả những giới hạn của loại hình tư liệu hồi kí, đồng thời giới thiệu tóm tắt một số hồi kí bằng tiếng Việt của những nhân vật có tên tuổi ở VNCH từ trước năm 1975.

Các tác giả của tập sách này đại diện cho một thế hệ trẻ đầy tài năng đã ghi dấu ấn nhất định của mình trong sự phát triển của VNCH. Họ đều có học vấn cao, có người từng có bằng cấp sau đại học hoặc được đào tạo chuyên môn tại Pháp hay Hoa Kỳ trước khi trở thành những cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực của họ. Mỗi câu chuyện nhấn mạnh sự phát triển của ngành nghề chuyên môn với những đóng góp của bản thân họ cho công cuộc kiến thiết quốc gia, những trải nghiệm cá nhân trong thời chiến tranh, mối quan hệ với Hoa Kỳ, nhắc nhớ những tên tuổi còn vang bóng của nhiều bạn bè đồng nghiệp, nhân sinh quan và thế giới quan của cả một lớp người. Dù phản ánh nhiều chủ đề đa dạng trải rộng từ tài chính ngân hàng đến nông nghiệp, từ giáo dục đến báo chí, từ văn học đến điện ảnh, những nhân vật của VNCH này đều gặp nhau ở một điểm chung: trong vòng xoáy của thế cuộc chiến tranh, thế hệ của họ đã phải đối mặt và đã vượt qua nhiều thử thách và trở ngại to lớn. Tập sách này đã dựng lên được một bức tranh tổng thể và đầy mầu sắc về một thế hệ đã xây dựng đất nước của họ một cách tốt nhất trong phạm vi có thể. Thế hệ ấy giờ đây, ở tuổi trên dưới 80, đang hồi tưởng và ghi lại những gì thời gian đã minh chứng là quan trọng nhất đối với cuộc đời và thời đại của họ.

Bạn đọc của tuyển tập này sẽ được chìm trong những hồi tưởng lịch sử sinh động tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua. Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, cựu Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Vũ Quốc Thúc chia sẻ về những khó khăn chồng chất trong những năm 1950 chuyển đổi từ hệ thống của thời Pháp sang một chính thể độc lập; cố Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc tường thuật những trở ngại khi Hoa Kỳ rút quân vào đầu thập niên 70. Cố Tổng trưởng Cải cách điền địa và Phát triển Nông nghiệp Cao Văn Thân đi sâu vào những nỗ lực trong chương trình Người Cày Có Ruộng và sự tham gia vào cuộc “Cách mạng xanh” toàn cầu của VNCH. Bài viết của cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, thư ký riêng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi mới 25 tuổi, nhấn mạnh điều thường ít được nhắc tới là sự phản đối của phía VNCH trước khi ký kết Hiệp định hoà bình Paris năm 1973. Bài viết của cựu Viện trưởng Học viện Cảnh sát Quốc gia Trần Minh Công gợi mở nhiều chủ đề hay mà còn bỏ ngỏ về đội ngũ cảnh sát phục vụ như một lực lượng bán quân sự và gìn giữ hoà bình. Cố Trung tá Bùi Quyền bàn về một vấn đề thường bị bỏ qua trong những sách vở về chiến tranh của Hoa Kỳ, đó là tiếng nói của Quân lực VNCH phê phán những cố vấn Mỹ đã “gây áp lực mạnh mẽ” hoặc “ra lệnh thay vì hỗ trợ” đồng minh VNCH (tr. 90). Cuốn tuyển tập đặc biệt có sự góp mặt của những cây viết nữ với nhiều chủ đề thú vị mà chưa có nhiều quan tâm nghiên cứu, như nhà giáo Võ Kim Sơn đề cập tới hệ thống trường Quốc gia Nghĩa tử; phóng viên chiến trường Vũ Thanh Thuỷ tha thiết với những trăn trở trong công việc và sứ mệnh của nhà báo trong thời chiến; nhà văn Trùng Dương kể chuyện điều hành tờ báo Sóng Thần “không giao nộp mình mà chống lại chính phủ” (tr. 140) cho một nền báo chí tự do; nhà văn Nhã Ca gợi nhắc một thời văn học nghệ thuật nở rộ muôn màu muôn vẻ; và diễn viên Kiều Chinh điểm qua những khởi sắc của nền điện ảnh VNCH.

Một cuộc hội thảo hai ngày tổ chức trong khuôn khổ một trường đại học không thể bao trọn được hết những chủ đề phong phú trong lịch sử VNCH (chẳng hạn như những câu chuyện của những tín đồ tôn giáo hay những sắc dân thiểu số sinh sống ở những vùng miền khác nhau), nhưng một tuyển tập như cuốn Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc này chắc chắn sẽ góp phần gợi mở nhiều nghiên cứu về VNCH trong tương lai, giống như cách cuộc hội thảo ở Đại học California-Berkeley đã trở thành tiền đề cho những diễn đàn nối tiếp tại Đại học Oregon vào tháng 10 và Đại học Haverford vào tháng 11 năm 2019. Dù ban biên tập có chủ ý giữ nguyên trạng những bài viết đúng theo hồi tưởng của các tác giả, có lẽ một số bài viết cần được hỗ trợ cụ thể hơn để các chương sách đều có được sự cân bằng giữa những phần giới thiệu chung về ngành nghề và những trải nghiệm cá nhân. Tập sách không dày nhưng đã bao quát khá toàn cảnh đời sống chính trị, xã hội, văn hoá VNCH với sự phát triển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, với hình ảnh những con người đích thực đã từng nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua thử thách và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Cuốn sách là một nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, cũng là một tác phẩm quan trọng cho các thế hệ sinh viên tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và cho những độc giả mong muốn hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước và con người VNCH.

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ