Connect with us

Thời sự Việt-Mỹ

Về chính sách trợ cấp chưa từng có của chính phủ Mỹ thời đại dịch Covid

Vũ Quang Việt

Published on

Vũ Quang Việt

Đại dịch COVID-19 đúng là một đại họa cho nước Mỹ. Số người dân bị nhiễm lên tới 33 triệu và số tử vong lên tới gần 600 ngàn tính đến 22 tháng 5 năm 2021. Với số hy sinh kỷ lục như thế, kinh tế cũng đình đốn nhưng phải nói rằng sự thiệt thòi với người dân Mỹ về mặt kinh tế lại không đáng kể, thậm chí tốt hơn vì được hưởng chính sách trợ cấp xã hội và thất nghiệp đặc biệt cao của cả tiểu bang và liên bang. Nước Mỹ đang trên đà bước khỏi đại họa.  Vào cuối tháng 5, 2021, đã có 49% dân đã được chích một liều và 38% được chích hai liều. Và CDC tiên đoán vào cuối tháng 10 sẽ có 90% số dân được chích ngừa ít nhất một liều.

Về mặt kinh tế, dù nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng đọng, nhưng ảnh hưởng đối với dân rất giới hạn vì chính sách tăng chi tiêu trợ cấp xã hội chưa từng có của chính quyền bang và đặc biệt là chính quyền trung ương.

Tổng số chi tiêu của nhà nước Mỹ kể cả thời Trump và Biden đã lên đến 5 ngàn tỷ trong thời gian năm 2020 và quí 1 năm 2021 (bằng 21% GDP của năm 2020). Quí 1 năm 2021 thời Biden, số tiền chuyển nhượng (trợ cấp) cho cá nhân lên tới 6,000 tỷ, gấp đôi so với các quí năm 2019. Tính đến tháng 4 năm 2021, một gia đình có 4 người nhận được $11,000 hổ trợ của chính phủ qua nhiều lần chuyển nhượng. Đấy là chưa kể là mỗi trẻ em còn nhận được tài trợ $3,600. Báo NYT viết rằng các nhà nghiên cứu ở Đại học Columbia cho thấy trợ cấp của chính phủ liên bang đã giúp 18 triệu gia đình khỏi rơi vào hộ nghèo vào tháng 4 năm 2020 và 13 triệu vào tháng 1 năm 2021.

Số liệu từ US Bureau of Economic Analysis (Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ) cho thấy thu nhập cá nhân do làm việc tăng 3.7% nhưng do phần chuyển nhượng của chính phủ tăng gấp đôi từ 3,000 tỷ lên 6,000 (tăng 97.5% số với quí 1 năm 2019), thu nhập cá nhân khả dụng tăng 21.2%. Dù tăng thế, nhưng dân lại không tăng tiêu đáng kể, chỉ tăng có 4.5%. Do đó mà tỷ lệ để dành của cá nhân tăng từ 8.4% lên 21.0%.  Và đây là lý do giá cả tiêu dùng không tăng đáng kể.

Thu nhập cá nhân ở Mỹ 2019-2021 (tỷ USD)

Nguồn: US Bureau of Economic Analysis (có thể lấy từ đây).

Do dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế bị gần như ngưng động như ở các khu vực du lịcch, giao thông, nhà hàng khách sạn và hoạt động văn hóa thể thao. Số lao động có việc làm đạt tới đỉnh cao 158.7 triệu người vào đầu năm 2020, tụt xuống 133 triệu vào tháng 4 cùng năm, nhưng do chính sách khuyến khích chích ngừa và miễn phí, tình hình kinh tế đã bắt đầu phục hồi. Số lao động có việc làm tăng,  đã đạt trở lại mức 151 triệu vào tháng 4 năm 2020, tuy vẫn còn gần 8 triệu thấp hơn so với thời đỉnh cao.

Hình 1: Số lao động có việc làm ở Mỹ (tính theo ngàn người)

Số lao động thất nghiệp ở Mỹ tính đến tháng 4 năm 2021 giảm hẳn, chỉ còn 9.8 triệu người so với đỉnh cao do đại dịch là 23 triệu vào tháng 4 năm 2020. Số thất nghiệp hiện nay thấp hẳn so với đỉnh cao 15 triệu thời khủng hoảng tài chính cũng vào tháng 4 năm 2010.

Hình 2: Số lao động thất nghiệp (tính theo ngàn người)

Tình trạng trên cho thấy kinh tế Mỹ đã trên đà hồng trở lại. Tuy nhiên, tháng ba và tư đầu năm 2021 đã có dấu hiệu đáng quan ngại là giá cả tăng nhanh hơn bình thường. Từ năm 2017 đến nay chỉ có 2 tháng là tăng 0.6% so với tháng trước, nhưng tháng 3 và 4 năm 2021 đã tăng khá mạnh, lên tới 0.6% và 0.8%. Tức là tháng 4 năm 2021 so với tháng 4 năm trước thì lạm phát năm là 4.3%. Tuy nhiên lạm phát năm ở thời điểm tháng 4 năm 2021 đã là trên 10%  nếu giả thiết là từng tháng sắp tới cũng tăng cùng với tốc độ 0.8% so với tháng trước.

Đây là điều đáng lo ngại nhất là cho đến nay dân Mỹ vẫn chưa tăng tiêu đáng kể sau khi nhận được chuyển nhượng (trợ cấp) rất lớn của chính phủ và thu nhập khả dụng đã tăng 21.2% so với năm trước. Chuyển nhượng xã hội trong thời đại dịch như mới đây là điều chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Nó không chỉ làm giảm thiếu ảnh hưởng kinh tế của thời đại dịch mà thực sự đã tạo ra sự chuyển dịch thu nhập sang người nghèo và giai cấp trung lưu mức thấp.  Điều này đáng ngoan nghênh nhưng cần có biện pháp tiếp theo để không gây lạm phát cao, như nâng thuế suất với người có thu nhập cao và các biện pháp tiền tệ thích hợp.

Tốc độ tăng CPI tháng so với tháng trước.

Nguồn: US Bureau of Labor Statistics: CPI (seasonally adjusted)

Cần để ý là chi tiêu vừa qua mới chỉ tăng 4.5%, khi thu nhập tăng 19.2%. Chính vì thế mà tỷ lệ để dành lên tới 21% so với tỷ lệ để dành bình thường trước đây là 7-8%. Nếu dân bắt đầu tăng chi tiêu thì khả năng lạm phát cao là khó tránh, nếu không có biện pháp phù hợp. Vấn đề tăng thuế suất không hẳn dễ. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể đưa ra các biện pháp ngăn chặn, như tăng lãi suất cơ bản cao hơn mức hiện nay chỉ có 0.25%, và biện pháp thu hút tiền trở lại bằng cách bán trái phiếu tất nhiên là phải với lãi suất cao. Hiện nay chính quyền Mỹ có lợi thế là có bà Janet Yellen đang gồi ghế Bộ trưởng Tài chính đã từng nằm trong Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên Bang trong thời đối phó với khủng hoảng tài chính năm 2007, sau đó làm chủ tịch, ngoài ra Bộ phận lãnh đạo Cục Dự trữ hiện nay rất nhạy cảm với vấn đề, để không cho phép tình hình lạm phát vượt khỏi vòng kiểm soát.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ