Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Vấn đề đường cơ sở thẳng của Việt Nam nhìn từ Luật biển quốc tế

Dương Danh Huy

Published on

Gần đây,  Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ cho chiến hạm USS John S. McCain chạy sát Côn Đảo nhằm “thách thức các yêu sách hàng hải quá mức”. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon, xin giới thiệu bài phỏng vấn TS. Dương Danh Huy, một trong những thành viên sáng lập Quỹ Nghiên cứu Biển Đông về vấn đề này.

I. Đường cơ sở thẳng của Việt Nam

Sau khi Việt Nam ra tuyên bố đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải năm 1982, có 10 nước phản đối (Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Anh, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Mỹ, Nhật Bản, Úc), tập trung vào các điểm từ A1 đến A7. Ngày 24 tháng 12 năm 2020, Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ cho chiến hạm USS John S. McCain chạy sát Côn Đảo để thực hiện quyền tự do hàng hải, nhằm “thách thức các yêu sách hàng hải quá mức”. Xin ông giải thích lý do họ phản đối.

Dương Danh Huy

Cảm ơn tạp chí US Vietnam Review đã đặt vấn đề về đường cơ sở của Việt Nam.

Đường cơ sở của một nước tương đương với biên giới trên bộ của nước đó. Nước đó có quyền tuyệt đối bên trong đường cơ sở của mình. Bên ngoài đường cơ sở, bề rộng của các vùng nước của nước đó, chẳng hạn như lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, được tính từ đường cơ sở. 

Đường cơ sở mặc định là ngấn thủy triều thấp dọc bờ biển, nhưng trong một số trường hợp UNCLOS cho phép vạch đường cơ sở thẳng cách bờ. Việc một nước vạch đường cơ sở càng xa bờ có nghĩa nước đó đòi hỏi càng nhiều quyền lợi, giảm đi quyền lợi của các nước khác. Nếu các nước khác cho rằng đường cơ sở đó không phù hợp với UNCLOS và quyền lợi của họ bị vi phạm thì họ có thể phản đối, tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Trên thực tế, có một số nước, trong đó có Việt Nam, vạch đường cơ sở một cách không phù hợp với UNCLOS và bị các nước khác phản đối. Trong trường hợp của Việt Nam, đường cơ sở của Việt Nam không phù hợp với UNCLOS và lấn ra biển rất nhiều. 

Các điểm 2, Điều 12 của Luật Biển Việt Nam 2012 quy định “tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam” mà không cần xin phép hay thông báo. Còn “tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam” thì cần “thông báo trước”. Như vậy, mức độ yêu cầu của Việt Nam chỉ là “thông báo” chứ không cần “xin phép”. Vậy tàu chiến Mỹ có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không?

Dương Danh Huy

Có hai vấn đề khác nhau. Ở những khu vực mà Việt Nam tuyên bố lãnh hải một cách phù hợp với UNCLOS, Mỹ vẫn có quyền “đi qua không gây hại” mà không cần phải thông báo trước với Việt Nam. Ở những khu vực mà Việt Nam tuyên bố lãnh hải một cách không phù hợp với UNCLOS, Mỹ có quyền tự do hàng hải. Khi Mỹ thực thi những quyền này trong những khu vực hữu quan, điều đó vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng không vi phạm UNCLOS.

Việt Nam cũng đã trình Hồ sơ thềm lục địa mở rộng lên UN dựa trên đường cơ sở này. Đây là hồ sơ chung với Malaysia. Có nước nào phản đối đăng ký thềm lục địa mở rộng của Việt Nam trong hồ sơ này vì lý do dựa trên đường cơ thẳng vi phạm UNCLOS hay không?

Dương Danh Huy

Theo tôi nhớ thì không có phản đối của nước nào dựa trên lý do đường cơ sở thẳng của Việt Nam không phù hợp với UNCLOS. Nhưng cần lưu ý rằng không có sự phản đối dựa trên lý do đó không có nghĩa là các nước khác chấp nhận đường cơ sở thẳng của Việt Nam. 

Vấn đề là hồ sơ thềm lục địa mở rộng là về ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng, và ranh giới ngoài đó không thay đổi, và tính hợp pháp của nó không thay đổi, dù Việt Nam có vạch đường cơ sở thẳng 1982 hay không.

Việt Nam sử dụng điểm A1 (hòn Nhạn, đảo Thổ Chu trong Vịnh Thái Lan) và A3, A4 (hòn Tài Lớn, hòn Bông Lang của Côn Đảo, trên Biển Đông) làm điểm chuẩn để vẽ đường cơ sở. Đường cơ sở này đã mở rộng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Nếu vẽ lại một đường cơ sở khác, chạy theo các điểm trên đất liền hoặc gần bờ hơn, EEZ và thềm lục địa Việt Nam sẽ bị thu hẹp lại. Vậy Việt Nam có nên đòi hỏi hiệu lực đảo cho Côn Đảo (trên Biển Đông) để tiếp tục mở rộng EEZ và thềm lục địa hay không? Việc này có khả thi về mặt luật biển quốc tế không?

Dương Danh Huy

Như tôi nói trên, dù Việt Nam có vạch đường cơ sở thẳng 1982 hay không thì ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng cũng không thay đổi. Theo tôi, Đảo Côn Đảo hoàn toàn đáp ứng quy chế “đảo” của UNCLOS và được hưởng quy chế EEZ và thềm lục địa mở rộng nếu có thềm lục địa bên ngoài 200 hl. Do đó việc Việt Nam vận dụng Côn Đảo để đòi hỏi một EEZ vươn ra cách đất liền hơn 200 hl là hoàn toàn hợp pháp. 

Khu vực bãi Tư Chính mà Việt Nam đang khai thác dầu khí nằm cách đất liền khoảng 250 hải lý. Nhưng do Việt Nam sử dụng một số thực thể địa lý ở Côn Đảo để vẽ đường cơ sở, cho nên 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng được đẩy ra xa hơn, do đó, bãi Tư Chính cũng nằm lọt vào 200 hải lý thềm lục địa ấy. Theo ông, điều này có thể gây rủi ro gì về mặt pháp lý cho Việt Nam không?

Dương Danh Huy

Khu vực mà Việt Nam đang khai thác dầu khí ông nói tới có lẽ là Nam Côn Sơn, vì Việt Nam chưa khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính. 

Nếu Việt Nam không dùng một số thực thể địa lý ở Côn Đảo để vạch đường cơ sở thẳng thì khu vực đang khai thác vẫn nằm trong EEZ thuộc Côn Đảo. 

Do đó, việc vạch các đường cơ sở thẳng đó là không cần thiết, và tuy nó không phù hợp với UNCLOS, nó cũng không phải là rủi ro pháp lý cho việc khai thác.

Như vậy theo ông, Việt Nam nên sửa đường cơ sở thẳng cho phù hợp hơn với luật pháp quốc tế. 

Dương Danh Huy

Tôi cho rằng Việt Nam nên làm điều đó. Việt Nam cần vận động thế giới chống lại những yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, là một yếu tố quan trọng trong sự vận động đó. Nếu mình vận dụng UNCLOS để vận động thế giới, nhưng chính mình lại duy trì những yêu sách vi phạm UNCLOS thì cũng đáng ngượng.

II. Côn Đảo và phương án thay thế cho đường cơ thẳng hiện nay của Việt Nam 

UNCLOS quy định rằng những vùng nước xưa kia không thuộc nội thủy, sau này trở thành nội thủy thì tàu bè các nước vẫn được đi qua không gây hại. (Article 8, UNCLOS). Trường hợp Côn Đảo trên Biển Đông hay Thổ Chu trong vịnh Thái Lan thì thế nào? Ngay cả khi tàu chiến Mỹ đi trong nội thủy của Côn Đảo hay Thổ Chu thì họ có đúng luật không? Việt Nam nên làm gì trong trường hợp này?

Dương Danh Huy

Trọng tậm của vấn đề không phải là nội thủy của nhóm đảo Côn Đảo hay nhóm đảo Thổ Chu nếu nội thủy đó đươc xác định một cách phù hợp với UNCLOS, mà là Việt Nam vạch các đường cơ sở thẳng từ Hòn Nhạn (nhóm Thổ Chu) đến Hòn Đá Lẻ (gần Hòn Khoai, Cà Mau), đến Hòn Tài Lớn, Hòn Bông Lang, Hòn Bảy Cạnh (nhóm Côn Đảo), và từ đó đến Hòn Hải (nhóm Phú Quý), vv.. 

Với các đường cơ sở thẳng đó, Việt Nam cho rằng vùng biển rất rộng giữa các điểm này và đất liền là nội thủy của mình. Mỹ không chấp nhận yêu sách đó và sự không chấp nhận của họ phù hợp với UNCLOS.

Nếu không sửa lại đường cơ sở của mình cho hợp pháp, Việt Nam nên im lặng. Nếu lên tiếng phản đối Mỹ, Việt Nam sẽ vô hình chung đứng vào phe Trung Quốc trong việc vi phạm UNCLOS về tự do hàng hải trong Biển đông, chống lại nỗ lực của Mỹ và nhiều nước trong việc duy trì quyền tự do hàng hải trong khu vực, và như thế sẽ bất lợi cho Việt Nam trên mặt chiến lược.

Thổ Chu trên Vịnh Thái Lan và Bạch Long Vĩ trên Vịnh Bắc Bộ có phải là những trường hợp tương tự như Côn Đảo hay không? Theo Hiệp định về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và Thái Lan (Xem tại đây hoặc tại đây hoặc tại đâyCác tuyên bố khác của Việt Nam tại đây), đảo Thổ Chu được coi là đảo và được hưởng 32,5% hiệu lực so với đất liền của Thái Lan. Trong Vịnh Bắc Bộ, Bạch Long Vĩ được hưởng 25% hiệu lực đảo. Theo ông, phân chia như vậy có công bằng hay không?

Dương Danh Huy

Vùng chồng lấn Việt Nam-Thái Lan phát sinh từ yêu sách 1971 của VNCH, cho rằng Đảo Thổ Chu có 100% hiệu lực, và yêu sách 1973 của Thái Lan, cho rằng Đảo Thổ Chu không có hiệu lực. Với Hiệp định Việt Nam-Thái Lan, như ông nói, Đảo Thổ Chu được 32.5% hiệu lực và Việt Nam được 1/3 vùng chồng lấn. Theo tôi, có thể cho đó là công bằng.  

Tôi có nêu một số nghi vấn của tôi về hiệp định Vịnh Bắc Bộ trong một bài trên BBC. Nghi vấn của tôi về Đảo Bạch Long Vĩ là như sau:

Điểm 11, 12 [của đường phân định]: tương đương đương với đảo Bạch Long Vĩ được “dời vào” đất liền khoảng 75% khoảng cách. Mặc dù như thế phù hợp với quan điểm chính thức là đảo được khoảng 25% hiệu lực, nhưng điều đó lại có nghĩa hơn hai ngàn đảo của Việt Nam trong vùng Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long đã không được hay chỉ được ít hiệu lực trong việc tính hai điểm này.

Khó nói rằng nếu Đảo Bạch Long Vĩ được 25% hiệu lực thì có công bằng hay không, nhưng về hiệp định Vịnh Bắc Bộ nói chung, tôi đưa có ra những nghi vấn:

  • Tại sao điểm 9 nằm gần các đảo của Việt Nam hơn đất liền Trung Quốc?
  • Tại sao điểm 10 nằm gần các đảo của Việt Nam hơn các đảo của Trung Quốc? Nếu sự thật là tất cả các đảo này đã bị bỏ qua trong việc tính điểm 10 thì như thế có công bằng hay không?
  • Với quan điểm chính thức là đảo Bạch Long Vĩ được khoảng 25% hiệu lực, có vẻ như là hơn hai hàn ngàn đảo của Việt Nam trong vùng Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long đã không được hay chỉ được ít hiệu lực trong việc tính hai điểm 11, 12. Sự thật là thế nào và nếu đúng là như thế thì có công bằng hay không?
  • Tại sao vùng cửa Ba Lạt đã không được tính tới trong việc tính điểm 12.
  • Tại sao các điểm 13, 14, 15, 16, 17, 18 nằm gần đất liền Việt Nam hơn đảo Hải Nam?

Và tôi cho rằng “quan điểm cho rằng hiệp định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 là công bằng, vẫn chưa [có tính] thuyết phục”.

Nếu Thổ Chu (trên Vịnh Thái Lan) và Bạch Long Vĩ (trên Vịnh Bắc Bộ) là đảo, thì ông đánh giá như thế nào về trường hợp Côn Đảo trên Biển Đông? Việc chứng minh Côn Đảo là “đảo” có phức tạp không? Nó có thể có 200 hải lý EEZ và thềm lục địa không?

Dương Danh Huy

Như tôi đã nói, theo tôi, Đảo Côn Đảo hoàn toàn đáp ứng quy chế “đảo” của UNCLOS và được hưởng quy chế EEZ và thềm lục địa mở rộng nếu có thềm lục địa bên ngoài 200 hải lý. 

Tuy nhiên, có một sự phức tạp từ một khía cạnh khác. Đó là EEZ thuộc Côn Đảo có chồng lấn với EEZ mà Indonesia yêu sách. 

Năm 2003 Việt Nam và Indonesia đã phận đáy biển giữa hai nước, nhưng Indonesia không chấp nhận dùng ranh giới cho đáy biển làm ranh giới cho cột nước, và hai bên còn đàm phán phân định cột nước. 

Tôi đoán rằng Indonesia viện cớ họ là quốc gia quần đảo cho nên Đảo Laut của họ (phía Bắc Đảo Natuna) phải được 100% hiệu lực, và Việt Nam không phải là quốc gia quần đảo cho nên Côn Đảo không được 100% hiệu lực.

Từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2019, Trung Quốc tổ chức một đợt xâm nhập vào khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam. Khi Việt Nam phản đối, họ nói bãi Tư Chính thuộc Trường Sa của họ. Có thể thấy đây là một chiến thuật mới. Họ có thể áp dụng lập luận này cho cả Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Ông đánh giá như thế nào về lập luận này trên cơ sở luật pháp quốc tế?

Dương Danh Huy

Đó là loại “lập luận rừng” mà phiên tòa Phi-Trung đã bác bỏ.

Xin cảm ơn ông đã dành cho Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ bài trả lời phỏng vấn này.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ