Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Từ Quảng trường Thiên An Môn tới Quảng trường Maidan: Khát vọng tự do không thể bị dập tắt

Trùng Dương

Published on

Trùng Dương

Trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xua quân xâm lăng Ukraine vào ngày 24 tháng Hai vừa qua, giới quan sát quốc tế và cả Mỹ đã tiên đoán quốc gia nhỏ bé với trên 40 triệu dân và ít được biết tới đối với thế giới bên ngoài này sẽ thất thủ trong vòng hai ngày. Chính tổng thống Ukraine, Volodymyr Jelensky, có lẽ cũng không tin là mình sống sót khi nói với giới lãnh đạo Âu châu vào ngày đầu của cuộc xâm lăng là có thể họ sẽ không còn dịp gặp lại ông nữa.

Thực tế đã cho thấy ngược lại. 

Dân Ukraine, dưới sự lãnh đạo của vị tổng thống 45 tuổi, vốn là một diễn viên hài, Zelenskyy, đã kiên quyết chứng tỏ cho thế giới thấy là, nguợc lại với lời của TT Putin rằng Ukraine “không phải là một quốc gia có thật”, dân tộc này thực sự đang hiện hữu mặc những đổ vỡ vật chất của hết thành phố này tới thành phố khác và hàng ngàn sinh mạng dân thường do súng đạn quân Nga gây ra xung quanh.

Với thế giới, sự kiên quyết bảo vệ nền dân chủ của dân Ukraine là một một “mặc khải văn hoá” cho thế giới tự do, như nhà bình luận David Brooks của nhật báo New York Times viết, trong bài “Tuần lễ đã thức tỉnh thế giới”.

“Các biến cố ở Ukraine đã nói lên một tàn phá đạo đức và thảm kịch chính trị, song đối với thế giới loài người thì nó là một mặc khải văn hoá. Nó không nói lên điều gì mới, song là một nhắc nhớ cho nhiều người trong chúng ta về điều chúng ta vẫn hằng tin tưởng, và càng tin tưởng thêm, với nhiều quyết tâm hơn nữa.  Đây chính là tuần lễ của quyết tâm,” ông Brooks viết.

“Dân tộc Ukraine chính là thầy dậy và đã gợi hứng cho chúng ta,” nhà bình luận Brooks viết. “Họ là những người đàn ông đàn bà thường dân như trong video này xếp hàng để lãnh vũ khí đặng bảo vệ quê hương họ. Họ là người phụ nữ này đã nói với người lính xâm lăng Nga hãy cất vào túi anh ta mớ hạt hoa hướng dương [biểu tượng của đoàn kết]. Họ là hàng ngàn dân Ukraine đang sống an lành ở nước ngoài đã kéo nhau về nước bất chấp an nguy tới tính mạng để bảo vệ dân tộc và nếp sống của họ.

“Chúng ta mắc nợ họ,” bình luận gia Brooks tiếp. “Họ đã không chỉ nhắc nhở chúng ta thế nào là niềm tin vào dân chủ, nền trật tự bấy lâu của thế giới và danh dự quốc gia, mà còn bảo ta hãy can trường đứng lên bảo vệ những thứ đó.” 

Với dân Ukraine, đây là cơ hội để thể hiện và phát huy mặc khải về bản sắc dân tộc đã bị phủ nhận từ nhiều thế kỷ qua bởi các cuộc xâm lăng của hết đế quốc này tới đế quốc khác, suốt từ thời trung cổ tới cận đại. Phải chờ tới năm 1991, Ukraine mới chính thức trở thành một quốc gia độc lập sau khi Liên bang Xô viết Nga tan vỡ tiếp theo sự xụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu. Nhưng nền độc lập ấy cũng không được bao lâu.

Nền độc lập non trẻ và chế độ dân chủ phôi thai này trong 30 năm qua đã nhiều lần bị đe doạ bởi nước Nga của Putin, người nuôi mộng xây dựng lại một nước Nga huy hoàng quyền lực xưa, trước cả thời Xô viết. Từ năm 2014, Nga yểm trợ quân ly khai [những người nói tiếng Nga] ở hai vùng Donetsk and Luhansk phía tây Ukraine và ngang nhiên chiếm bán đảo Crimea nằm ở phía nam của Ukraine. Đầu năm nay, 2022, TT Putin ra lệnh cho quân đội vuợt biên giới chinh phạt đất nước này, với ảo tuởng là dân Ukraine sẽ đón nhận đoàn quân xâm lăng như những kẻ tới giải phóng họ khỏi cùm kẹp của bọn tân Quốc xã, mặc dù người lãnh đạo cuộc đối kháng “đã thức tỉnh thế giới”, TT Zelenskyy, có nguồn gốc Do Thái, nạn nhân của giấc mộng Quốc xã của Hitler gần một thế kỷ trước.

Bốn tuần lễ đã qua kể từ ngày 24 tháng Hai ấy. Nhiều thành phố Ukraine đã bị tàn phá. Nhiều ngàn dân thường đã bị sát hại. Nhiều triệu dân Ukraine đã phải lưu vong. Hầu hết các quốc gia đã lên án cuộc xâm lăng dựa trên những lý do nguỵ tạo dối trá của chính phủ Putin. Thế giới tự do đã đoàn kết chưa từng thấy từ sau đệ nhị Thế chiến chống lại độc tài.

Tổng thống Zelenskyy, trong cuộc gặp gỡ trực tuyến với các vị dân biểu trong Quốc hội Anh vào ngày 8 tháng Ba, đã khẳng định: 

“Vấn đề đối với chúng tôi là hiện hữu hay không hiện hữu,” TT Zelenskyy tuyên bố với Quốc hội Anh Quốc trong một buổi tiếp xúc trực tuyến, dùng câu nói thời danh của kịch tác gia Anh William Shakespeare–to be or not to be. “Đấy là câu hỏi Shakespeare. Suốt 13 ngày qua, câu hỏi đó đã được trả lời. Giờ đây, tôi có thể khẳng định với quý vị. Nhất định [chúng tôi] phải là hiện hữu.”

Cái gì đã khiến dân Ukraine kiên quyết đối kháng trước sức tấn công mãnh liệt của quân lực như nước vỡ bờ của TT. Putin? Đó là do khát vọng dân chủ của các thế hệ Ukraine, đặc biệt của giới trẻ đã sinh ra và lớn lên trong bầu không khí dân chủ của 30 năm ngắn ngủi từ khi thoát khỏi vòng kềm toả của Xô viết Nga. [Điều này không khỏi nhắc nhở người viết tới 20 năm dân chủ tự do ngắn ngủi của một Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn tiếp tục sống không chỉ trong lòng người Việt hải ngoại mà còn cả nơi nhiều người trẻ trong nước, mặc dù đã gần nửa thế kỷ qua.]

Cũng chính khát vọng dân chủ ấy đã được tôi luyện thêm bởi thành quả của cuộc cách mạng mùa đông 2014, mệnh danh là cuộc Cách mạng Nhân phẩm (Revolution of Dignity). Bắt nguồn từ là cuộc Khởi nghĩa Maidan, rồi hoá thân thành cuộc Cách mạng Nhân phẩm, biến cố này diễn ra và kéo dài 93 ngày, từ 21 tháng 11, 2013 tới ngày 20 tháng Hai, 2014, tại quãng trường Maidan [tiếng Ukraine có nghĩa là “độc lập”], trung tâm thủ đô Kyiv, đã dứt khoát nói lên quyết tâm xích lại với các giá trị nhân bản Tây phương của người dân Ukraine.

Tưởng cũng nên nhắc qua diễn biến của của cuộc Cách mạng Nhân phẩm này.

Vào ngày 21 tháng 11, 2013 một cuộc biểu tình bùng nổ tại Quảng trường Maidan nhằm phản đối quyết định của chính phủ đương thời không ký thoả hiệp để Ukraine gia nhập Liên hiệp Âu châu, một thoả hiệp đã được Quốc hội Ukraine chấp thuận với đại đa số phiếu. Dưới áp lực của Nga, chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych đã, vốn thân Nga, từ chối ký thoả hiệp, thay vì thế lại công nhận hiệp tác với Nga và Liên hiệp Kinh tế vùng Đông Á. 

Cuộc biểu tình tiếp tục nhiều ngày sau đó, dần lan rộng ra toàn Ukraine, đưa tới những xô sát đẫm máu giữa quân chính phủ và các đoàn biểu tình nhằm chống lại không những ảnh hưởng của Nga mà còn là chống lại nạn tham nhũng, bè phái, lạm quyền và các vi phạm nhân quyền của chính phủ Yanukovych. 

Trong thời gian hơn ba tháng biểu tình này, Quảng trường Maidan đã biến thành một trạm hậu cần của phe chống đối, với hàng ngàn người chống đối bao bọc bởi các rào cản. Trạm còn có cả khu nhà bếp, trạm cứu thuơng và cơ sở truyền thông, với cả sân khấu để đọc diễn văn, thảo luận và trình diễn văn nghệ. Hậu cần được bảo về bởi các nhóm tình nguyện viên gọi là “Ban Tự vệ Maidan” với đồng phục, nón cối tự chế biến, cùng khiên, gậy, đá và bom chai. 

Những hình ảnh làm gợi nhớ tới cuộc biểu tình chiếm đóng đòi dân chủ không kém vĩ đại diễn ra trên 30 năm trước tại Thiên An Môn.

Ảnh NatGeo

Ảnh Netflix

Khác với Thiên An Môn kết thúc trong một cuộc tàn sát bi thảm với hàng ngàn sinh viên học sinh và dân thường bị sát hại, cuộc Cách mạng Nhân phẩm của dân Ukraine đã kết thúc trong chiến thắng sau 93 ngày đụng độ tàn khốc, với kết quả là 100 người biểu tình và 13 cảnh sát bị thiệt mạng. 

Chính phủ thân Nga Yanukovych cuối cùng đành nhượng bộ và sau đó phải trốn sang Nga. Một chính phủ lâm thời được thành lập. Hiến pháp Ukraine được cải tổ, thêm điều khoản Ukraine sẽ xin gia nhập tổ chức Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO (North Atlantic Treaty Organization) để đuợc che chở đối với tham vọng của Nga.

Mặc dù chiến thắng của cuộc Cách mạng Nhân phẩm ấy hiện lại đang bị đe doạ bởi cuộc xâm lăng tàn bạo của quân đội Putin, nhưng khát vọng dân chủ của dân Ukraine, cũng là của đa số quốc gia trên toàn thế giới phản ảnh qua sự hỗ trợ của họ đối với cuộc phấn đấu của dân tộc Ukraine, sẽ mãi tồn tại ngày nào còn các chế độ độc tài.

Cũng vậy là khát vọng dân chủ của hàng triệu người Trung Hoa đã chỉ tạm thời lắng xuống sau biến cố thảm sát ngày 4 tháng Sáu, 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn. 

Cái thiện và sự thật cuối cùng rồi phải chiến thắng, không thể khác.

[TD2022-03]

Đường nối mạng nhắc tới trong bài:

The Week That Awoke the World (New York Times)

‘I’m Ready’: Ukraine’s Civilians Take Up Arms (New York Times)

Videos show Ukrainian citizens confronting Russian troops (New York Times)

Liberal international order (Politico)

Hai phim tài liệu về hai cuộc tranh đấu cho khát vọng dân chủ đáng xem để nung nấu tinh thần yêu chuộng tự do công bằng:

Winter on Fire: Ukraine’s Fight for Freedom (Youtube)

The Tank Man (Youtube)
 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ