Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931

US Vietnam Review

Published on

Trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh, nhiều nhà nghiên cứu, tiêu biểu là Quinn-Judge trong cuốn “Hồ Chí Minh”, thường nhấn mạnh đến mối xung đột giữa  Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) và Trần Phú ở giai đoạn mới thành lập Đảng cộng sản, cho rằng đây là xung đột về tư tưởng: Trần Phú muốn đi theo con đường cộng sản chủ nghĩa (đấu tranh giai cấp) còn Nguyễn Ái Quốc muốn đi theo con đường dân tộc chủ nghĩa. Quan điểm này cũng được nhiều chính khách và học giả ở Việt Nam ủng hộ từ thập niên 1990s, sau khi khối cộng sản chủ nghĩa tan rã, như Võ Nguyên Giáp trong sách “Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” năm 1993. Bằng chứng thường được sử dụng để chứng minh cho mối xung đột “tư tưởng” này là lá thư Trần Phú gửi Quốc tế Cộng sản để phê phán Hồ Chí Minh. Tuy vậy, đọc lá thư này, ta thấy hai ông tuy có xung đột nhưng không phải là xung đột về tư tưởng “dân tộc” hay “giai cấp” mà chỉ là xung đột về lề lối làm việc, vị trí lãnh đạo và một số vấn đề khác. 

Tên tài liệu: Thư Ban chấp hành trung ương Đông Dương gửi Quốc tế cộng sản.

Nguyên bản tiếng Nga. Người dịch: Lại Nguyên Ân.

 VÀI LƯU Ý CỦA NGƯỜI DỊCH

— Bản viết tiếng Nga không thật chuẩn,

— Nhiều chỗ đánh máy sai, thừa hoặc thiếu chữ, N.D. phải vừa dịch vừa đoán, ví dụ dấu cứng  ъ hình như không có trên máy chữ nên người đánh máy dùng dấu ngoặc kép “ trên máy chữ để thay.

— Tên riêng, nhiều chỗ người dịch tạm đoán, vì trong văn bản viết khác nhau:

 Ví dụ viết là NG. Ai Kok, rồi Kok, đến trang cuối viết là Kvak

Một số địa danh, ND cũng tạm đoán, ví dụ

viết Hoijai đoán Hongay (địa danh này chắc đoán đúng)

viết Khanua, đoán Khánh Hòa, không chắc đúng, vì đang nói việc ở Tonkin; nhưng ở Thái Nguyên, Bắc Kỳ, vốn cũng có mỏ than tên Khánh Hòa, có lẽ là đó chăng?

L.N.A.

Dưới đây là toàn văn bản dịch. 

LƯU TRỮ

OF. 8133. (6) từ Pháp                                                                    Tuyệt mật

11.VI.31

THƯ B.C.H. T.Ư. Đông Dương

17.IV.31

Các đồng chí thân mến,

Chúng tôi đã nhận được bức thư có tính huấn thị của các đồng chí. Trong bức thư này chúng tôi muốn nêu với các đồng chí, dù chỉ trong những nét chung nhất, tình hình trong đảng ta và BCH TƯ.

Trước tiên là vài lời về sự ra đời của đảng ta để có sự hình dung về điều kiện tổ chức ra nó, giúp các đồng chí dễ dàng hiểu rõ tình hình hiện tại. Vào giữa năm 1929, sau việc giải thể “đảng” thanh niên cách mạng Annam, đã diễn ra sự tập hợp một vài nhóm cộng sản, những nhóm mà chí ít cũng có và có thể gọi là  khuynh hướng cộng sản, nhưng còn xa mới mang tính cộng sản về tư tưởng và tổ chức.

Quốc tế cộng sản [Comintern] ở Moskva đã nắm được các sự việc này. Không một nhóm nào trong số ấy được thừa nhận là hạt nhân tốt nhất mạnh nhất của đảng: nó [Comintern] đã ra quyết nghị xác lập điều kiện tổ chức đảng CS Đông Dương – tức là, nói cách khác, trước mặt chúng ta đặt ra nhiệm vụ tập hợp vào một tổ chức tất cả những nhân tố của các nhóm ấy và hợp nhất chúng trên cơ sở cương lĩnh chính trị được soạn thảo dựa vào quyết nghị và chỉ thị của Comintern. Tiếc rằng, quyết nghị ấy, được thông qua tháng Chạp 1929, vài tháng sau mới tới được Đông Dương, trong lúc ấy tại đây Ng. Ái Quốc đã chủ động tự mình hợp nhất các nhóm khác nhau. Nhưng sự hợp nhất ấy được thực hiện chỉ vì sự hoà bình giữa các nhóm và nhằm đình chỉ sự đấu tranh nội bộ. Mặt khác, những gì được đề ra bởi

[tr. 2=>]

Quốc và hội nghị hợp nhất lại mang đậm dấu ấn tư tưởng của các tổ chức cách mạng cũ. Vấn đề cơ bản là sự mâu thuẫn với đường lối cộng sản. Chẳng hạn, đã tuyên bố áp dụng phương thức và sở hữu ruộng đất nhỏ của tư sản dân tộc; không có một chính sách giai cấp nào đối với việc tổ chức và lãnh đạo các công đoàn; cách hiểu về liên minh nông dân như là sự tập hợp cách mạng đối với cư dân nông thôn; hầu như tất cả các vấn đề nguyên tắc của vận động quần chúng và vấn đề lãnh đạo đều được đề xuất một cách vô nguyên tắc và mâu thuẫn mạnh mẽ với các nguyên tắc bolshevist. Công việc của hội nghị hợp nhất này mang trong nó dấu ấn nhất định của thời kỳ cộng tác giữa Gomindan [?] và đảng CS Trung Quốc, chủ yếu là chính sách của đảng CS Trung Quốc thiên hữu những năm 1925-27. Chúng tôi lưu ý các đồng chí tình hình ấy không phải để phê phán Quốc, mà chỉ để các đồng chí hiểu rõ đảng Đông Dương hợp nhất đã ra đời ra sao, và để cho thấy điều đó là tai hại ra sao đối với đảng ta hiện nay.

Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Ban chấp hành trung ương, sau những khó khăn lớn, chỉ đến cuối tháng 10/1930 mới được triệu tập (điều này các đồng chí đã biết). Hầu như về toàn bộ đường lối, hội nghị này đã thể hiện lập trường phản đối cương lĩnh của hội nghị hợp nhất và thông qua quyết định cứng rắn về việc đưa quyết nghị tháng Chạp của Comintern vào đời sống, bởi vì hội nghị toàn thể BCH TƯ nhất trí thừa nhận rằng, việc thực hiện đường lối chính trị của Comintern thậm chí còn chưa được bắt đầu.

Quyết nghị của hội nghị toàn thể lần thứ nhất của chúng ta được gửi tới các đồng chí thông qua Quốc, do vậy, chúng tôi đã dịch nó ra tiếng Anh và tiếng Pháp. Chỉ sau hội nghị toàn thể thứ nhất này chúng ta mới có một BCH TƯ thật sự ở Đông Dương và mới bắt đầu công tác đảng thật sự.

[tr. 3 =>]

BCH TƯ quyết định xuất bản cơ quan ngôn luận trung ương mang tên “Ngọn cờ vô sản” như một cơ quan tuyên truyền cổ động, và một tạp chí cỡ nhỏ, có mục đích soi sáng các chính sách của Comintern và của đảng Đông Dương và triển khai việc tự phê bình tất cả những khuyết điểm, những lầm tưởng và những non yếu. Mặt khác, cũng ra những thông tri và chỉ thị về việc khôi phục các Ban chấp hành của các vùng miền, vốn đã bị giải thể theo yêu cầu của hội nghị hợp nhất.

Tất cả các số đã ra của cơ quan ngôn luận của chúng tôi, cũng như các thông tri đã gửi tới các đồng chí, chúng tôi đều lấy làm ngạc nhiên là, như trong thư các đồng chí viết gần đây nhất, các đồng chí không nhận được gì cả (Xin hãy hỏi Quốc).

Về sau chúng tôi quyết định liên lạc với BCH TƯ của các tổ chức địa phương, sự liên lạc không đến nỗi quá tệ. Chúng tôi đã lập ra bên cạnh BCH TƯ một ban tuyên truyền, đặt dưới sự kiểm tra của một ủy viên BCH TƯ rất khá về trình độ chính trị, và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một đồng chí khác, chỉ mới vừa đi học từ Moskva về (Giao nhỏ); chúng tôi cho rằng việc củng cố về tư tưởng là điều kiện đầu tiên đối với tổ chức của chúng ta.

Chúng tôi buộc tất cả tổ chức chúng ta phải giữ vững đường lối công tác kiên trì trong quần chúng và lãnh đạo cuộc tranh đấu thường ngày của quần chúng, và chỉ vừa đây chúng tôi đã có một loạt cuộc đình công của thợ thuyền (công nhân Co. Standart Oil và Franco-Asiatique de Petrol ở Nhà Bè, gần Saigon) và ở Hải Phòng, tranh đấu của nông dân chống địa tô cao (Nam Kỳ), của thợ làm nông trong vụ gặt gần đây, tranh đấu của nông dân chống các quyền uy trong cộng đồng, chống sự khủng bố liên miên. Thời gian gần đây sự tranh đấu bắt đầu có tính chất tự giác hơn, đồng thời, vẫn như trước đây, cuộc tranh đấu, nhất là tranh đấu của nông dân, ở phần lớn các trường hợp, do tâm trạng “Đi biểu tình! Đi biểu tình!” nhưng quần chúng, được lây nhiễm sự nhiệt tình, vẫn chưa tự biết họ đi biểu tình để chống ai và vì điều gì. Mặt khác, cũng đã ghi nhận được một vài nhân tố

[tr. 4 =>]

của tính tổ chức; sự cổ động và tuyên truyền đã trở nên có chiều sâu hơn trước; thực hành được việc tổ chức các nhóm tự vệ, tổ chức chống khủng bố; sự hiện diện của các nhóm tự vệ đã trở nên quyết định hơn và mang tính tổ chức hơn. Tình hình chung vẫn chưa thấy những thành quả rõ rệt, nhìn chung vẫn chưa thể thỏa mãn.

Đảng. Số lượng đảng viên tăng lên: sau hội nghị toàn thể BCH TƯ thứ nhất: 1600 (con số làm tròn); hiện tại: 2400, nhưng sự gia tăng này là kết quả của việc bổ sung thêm một lượng lớn nông dân, trong khi đó, số lượng đảng viên công nhân hoàn toàn chưa tăng thêm. Các chi bộ cơ sở sản xuất: gần 20, số lượng áng chừng, ba tháng sau: các chi bộ cơ sở sản xuất có tại nhà máy ciment, trạm điện, nhà máy dệt, xí nghiệp dệt thảm, tại các mỏ ở Hongay (Bắc Kỳ), tại nhà máy gỗ và diêm, tại các nhà máy cưa gỗ, tại đoạn đầu máy xe lửa (Benthey Amen), tại các xí nghiệp khai khoáng. Trong số này những chi bộ vững mạnh nhất cũng chỉ có không nhiều hơn 20 đảng viên. Nhìn chung một loạt chi bộ được tổ chức chỉ với số lượng rất ít: chừng 3 – 4 đảng viên. Nhưng điều đặc biệt hệ trọng là các chi bộ hầu như không bộc lộ sự sống, trình độ chính trị rất thấp, thiếu năng động.

Vẫn hầu như chưa có các chi bộ tại các xí nghiệp có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Cũng như tại các đồn điền.

Đoàn thanh niên. Đã có hướng dẫn về việc lập các chi đoàn bên cạnh mỗi BCH đảng và về việc lập các chi bộ thanh niên. Tuy vậy, công việc diễn ra rất chậm trễ, bởi vì vị trí đoàn thanh niên có rất ít giá trị trong đảng. Hiện tại chúng ta chỉ có một vài chi bộ.

Các công đoàn. Vẫn rất yếu. Số lượng thành viên 1500. Được tổ chức ở nơi có chi bộ đảng.

[tr. 5 =>]

Các công đoàn chưa bộc lộ tính tích cực và đang rất khó phát triển.

Các hội nông dân. Sau hội nghị toàn thể thứ nhất đã có 2800 nông dân được đưa vào tổ chức, hiện nay chúng ta có 63.000. Nhưng vẫn còn một số lượng khá lớn những hội trong đó có các thành phú nông (kulak), tiểu tư hữu, trí thức thôn quê. Các hội nông dân đặc biệt phát triển ở Bắc Annam /Bắc Trung Kỳ/.

Các đồng chí, do vậy, có thể nhận định rằng chúng tôi còn khá yếu về mặt tổ chức, mặc dù ảnh hưởng của chúng tôi đã tăng lên, và cuộc tranh đấu của quần chúng đang phát triển. Nguyên nhân bắt nguồn từ những quan niệm sai lầm của phần đông các đồng chí chúng ta, bắt nguồn từ sự hàm hồ thái quá của tư duy tiểu tư sản của họ. Có thể cảm nhận được điều này ở mọi lĩnh vực hoạt động của đảng. Một vài ví dụ, người ta hiểu đảng không như là đảng của giai cấp vô sản, mà như đảng của tất cả những ai bị bóc lột và áp bức (điều này thậm chí gắn cả với các đồng chí lãnh đạo ở Tonkin /Bắc Kỳ/, ở Annam /Trung Kỳ/). Kết quả là người ta nêu ra sự khác nhau giữa công nhân lành nghề và công nhân không lành nghề, rồi khẳng định rằng chỉ loại kể sau mới là nhân tố thực sự cách mạng. Đó là một quan điểm hoàn toàn sai. Xem thường công nhân lành nghề có nghĩa là từ chối thành quả của quần chúng quan trọng nhất hiện làm việc trong các hầm mỏ và xí nghiệp công nghiệp lớn nhất. Các đồng chí Tonkin /Bắc Kỳ/ đã ra quyết nghị như sau về việc giác ngộ đảng: “chỉ những công nhân không lành nghề và nông dân nghèo ở lứa tuổi từ 23 đến 28 mới có thể được huấn luyện”.

Người ta từ chối lập tự vệ vì cho rằng việc đó đưa quần chúng đến những sự nổi dậy non nớt, đến hành động bạo lực do sự gia tăng khủng bố trắng:

[tr. 6 =>]

điều đó đưa tới sự lên án hành động tự vệ và chỉ thị cho các đồng chí rằng “đối với những người cách mạng thì không nên viện tới bạo lực, mà trước hết cần viện tới tuyên truyền”. Ấy là một trong số những chỉ thị của các đồng chí Tonkin /Bắc Kỳ/. Cũng các đồng chí lãnh đạo ấy đưa ra cho tổ chức đảng ở Tonkin /Bắc Kỳ/ hiện tại câu khẩu hiệu: “Trước hết là tổ chức nội bộ; hãy còn sớm việc cầm đầu và mở rộng tranh đấu hàng ngày của quần chúng”. Có thể tìm thấy nhiều điều cơ hội chủ nghĩa tệ hại hơn nữa trong đảng hiện nay, nhất là ở Tonkin /Bắc Kỳ/, nơi mà các đồng chí định phản đối chính sách của BCH TƯ và truyền bá những lý luận và chỉ thị hoàn toàn trái với quyết nghị của BCH TƯ và thậm chí từ chối phục tùng chỉ thị của chúng tôi. Thí dụ: thay vì tuân theo chỉ thị của chúng tôi về việc xây dựng BCH của vùng, họ đã triệu tập một hội nghị toàn vùng, tại đó có mặt cả các đại biểu các mỏ Hải Phòng và Khanua /Khánh Hòa?/, nơi đã lập được BCH vùng chỉ gồm 4 người, không có thường vụ, cả 4 người đều phải đi làm từ tỉnh nọ sang tỉnh kia. Bất chấp bức thư của chúng tôi, họ nói rằng ở Tonkin không thể tìm được những đồng chí khá, v.v… thành ra đến tận bây giờ chúng ta cũng chưa có BCH vùng thực sự ở Tonkin /Bắc Kỳ/. Mặt khác, cách đây chưa lâu, một đồng chỉ ở Tonkin định phê phán quyết nghị …. khi khẳng định rằng Comintern không hiểu được tình hình ở Đông Dương và rằng phong trào cộng sản Đông Dương đã phạm một loạt sai lầm.  Chúng tôi đã viết cho các đồng chí tại vùng ấy để họ giải thích cho đồng chí ấy về sai phạm của anh ta, nhất là sự phát biểu không thể dung thứ được trước các đồng chí Tonkin /Bắc Kỳ/ sự đánh giá như thế đối với Comintern, đây là lý do việc ấn hành cuốn sách gồm các chỉ thị của Comintern.

[tr. 7 =>]

Nhưng BCH vùng lại đứng về phía đồng chí này trong việc phê bình BCH TƯ.

Hội nghị toàn thể lần thứ hai BCH TƯ, được triệu tập vào cuối tháng Ba 1931, đã thừa nhận sự tồn tại chủ nghĩa cơ hội công nhiên tại Tonkin /Bắc Kỳ/, cũng là điều đã được chỉ ra mấy tháng trước, tất cả các nhân tố tư tưởng của các nhóm cũ được hợp nhất lại để chống lại đường lối mới của sự thống nhất của đảng về tư tưởng và thực tiễn.

Nếu cho đến hiện giờ công việc của chúng ta vẫn ngừng trệ, sự lãnh đạo quần chúng vẫn rất kém cỏi, thì đó chủ yếu do lỗi của cái phanh hãm này.

Bởi vậy, sự lo toan thứ nhất của chúng ta là giải thích việc đảng nhất thiết cấp bách phải tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng trong đảng chống lại chủ nghĩa cơ hội và khuynh hướng “hòa bình” trong đảng, nhất thiết phải thành lập BCH vùng tại Tonkin /Bắc Kỳ/, đưa vào đây số đông xuất thân công nhân đứng trên đường lối của đảng. Cũng nhất thiết phải kiểm tra các BCH đảng, đưa khỏi đấy những nhân tố quá cũ để tiến hành đường lối mới của đảng.

Sau đó, nhiệm vụ chúng ta là hướng đảng sang phía quần chúng, phía công tác quần chúng thực sự, tỷ mỉ và kiên nhẫn, nhất là phía công tác trong giới công nhân mà sự vận động vẫn còn ở trình độ rất thấp. Để làm điều này, một mặt phải đấu tranh chống những mưu toan từ chối công tác quần chúng, được phản ánh trong khẩu hiệu khi mới được thành lập, sau đó sẽ phải lãnh đạo việc “đấu tranh hay chờ đợi khi nào sự khủng bố giảm đi”, v.v…

Mặt khác, cần chuẩn bị một cách chắc chắn cho cuộc tranh đấu, tổ chức tốt việc tự vệ vì những rủi ro trong tranh đấu, giải tỏa hành động cách mạng của quần chúng, tổ chức

[tr. 8 =>]

quần chúng chống lại những phương sách khủng bố ở thôn quê, nhà máy. Đồng thời tổ chức thâm nhập một cách hệ thống vào các đồn điền, các xí nghiệp lớn, lập những nhóm đột xuất để tạo liên lạc với các xí nghiệp, tiến hành công tác trù bị lập ra các tổ chức tại các xí nghiệp. Tất cả những ý đồ tách công tác tổ chức ra khỏi tranh đấu của quần chúng, mưu toan chia tách công tác đảng thành các đoạn: đoạn tuyên truyền, đoạn tổ chức, đoạn tranh đấu; tất cả những ý đồ hướng sự tranh đấu tích cực sang phía chủ nghĩa Gandhi, đều cần phải bị diệt trừ quyết liệt ở khắp những nơi dù chúng chỉ vừa xuất hiện.

Sự khủng bố sẽ ngày càng gia tăng và vì vậy tâm lý tiểu tư sản, tức là sợ đấu tranh giai cấp, sẽ bộc lộ trong hàng ngũ chúng ta và đấy sẽ là trở lực chủ yếu.

Để tranh đấu chống khủng bố, chúng ta sẽ tổ chức cuộc vận động chống “cưỡng bách thu thuế với nông dân”, “chống khủng bố trắng”. Cuộc tranh đấu đang được tiếp tục và thời gian hiện nay là dưới dạng chuẩn bị cho ngày 1/5. Chúng ta nỗ lực tăng cường tranh đấu chống thuế, chống khủng bố, chống nguy cơ chiến tranh đế quốc, chống can thiệp Liên bang Sô viết.

Đó là một số kiến giải của chúng tôi về tình hình của chúng ta. Thật ra thì chưa đầy đủ. Nhưng đành vậy, các đồng chí ạ, chúng tôi không thể viết khác hơn. Không thể viết chi tiết hơn. Chúng tôi sẽ viết cho các đồng chí trong chừng mực có thể.

Bây giờ có vài lời về BCH TƯ. Ngay khi kết thúc hội nghị toàn thể thứ hai, một đồng chí trong BCH TƯ (cựu sinh viên KUT tên là Leman) đã bị bắt trong lúc bàn công việc với các đồng chí trong BCH miền Cochinchina /Nam Kỳ/ tại chỗ của BCH ấy.

[tr. 9 =>]

Chỉ mới hôm kia, cơ sở chính của BCH TƯ bị lộ. Bí thư, khi ấy đang bận viết mấy dòng này cho các đồng chí, đã được giải cứu một cách lạ lùng. BCH TƯ mất mọi thứ, tủ sách nhỏ, giấy tờ, và tiền (mà một đồng chí chuyển cho chúng tôi – 1500 dolard cho các tháng giêng, hai, ba) mà chúng tôi chưa kịp đưa đi. Các ủy viên thường vụ hiện giờ không có chỗ ẩn trú và hội họp (vẫn chỉ có chỗ nhà in, v.v…)  và không còn đồng xu nào.

Đó là tình hình BCH TƯ.

Chúng tôi chưa có thì giờ nghiên cứu các bức thư của các đồng chí và cũng chưa thể viết chi tiết cho các đồng chí được. Chỗ chúng tôi trú tạm hiện giờ, rất thiếu tiện nghi. Nhưng sau khi đọc nhanh, chúng tôi thấy rằng vấn đề các chi bộ mà trong thư các đồng chí đặt ra, vẫn chưa được hiểu đủ rõ. Các chi bộ của nhà máy không cần nhiều hơn 5 đảng viên ? Đến hiện giờ chúng tôi hiểu thế này: “một nhà máy – một chi bộ”. Chỉ nếu như chi bộ trở nên quá đông đảng viên, thì mới chia nó thành những chi bộ nhỏ hơn: các chi bộ phân xưởng, chi bộ các ca kíp, và tới lượt mình, mỗi tổ chức phân xưởng lại chia thành những nhóm 4 – 5 hoặc 6 người làm việc cùng một nơi trong nhà máy. Chúng tôi đề nghị phân chia thành chi bộ một cách tự nguyện, bởi có thể chúng tôi hiểu chưa đúng ý các đồng chí, và chúng tôi đề nghị có thể làm nhanh việc này.

Chúng tôi xin gửi các đồng chí nghị quyết hội nghị toàn thể lần thứ hai BCH TƯ và đề nghị các đồng chí phê bình nghiêm khắc hơn và chi tiết hơn so với nghị quyết hội nghị toàn thể thứ nhất.

Chúng tôi hy vọng mạnh mẽ ở các đồng chí để sửa chữa những thiếu sót của chúng tôi.

[tr. 10 =>]

Liên lạc.  Xin cứ viết trực tiếp cho chúng tôi, bởi vì khi Quốc là người truyền đạt, anh ấy sẽ làm việc đó một cách quá vắn tắt, và đôi khi anh ấy truyền đạt cho chúng tôi những ý kiến riêng của anh ấy mà không hỏi ý các đồng chí, không báo cho các đồng chí biết, với tư cách phái viên liên lạc. Về sau Quốc liên lạc cả với BCH TƯ và cả với Tonkin /Bắc Kỳ/, chỗ nào cũng đưa báo cáo, chỗ nào cũng đòi báo cáo. Tình hình ấy chúng tôi thấy thật đáng sợ. Thậm chí có những đồng chí hỏi chúng tôi: “Ai lãnh đạo chúng ta, BCH TƯ …. hay là Quốc?”  Chúng tôi hy vọng rằng, trước hết, về các vấn đề gắn với đảng ta, các đồng chí sẽ thông tin trực tiếp tới BCH TƯ những gì các đồng chí đã trình bày cho Quốc về sự không bình thường của tình hình tính đến nay. Nếu Ban chấp hành một khu vực lại báo cáo về khắp nơi và nhận mệnh lệnh, chỉ thị từ khắp nơi thì sẽ khó cung cấp cho các đồng chí những tin tức chính xác, và điều đó tạo ra hết sức nhiều khó khăn cho sự lãnh đạo từ phía BCH TƯ đối với toàn thể bộ máy. Chúng tôi đề nghị các đồng chí ngay tức khắc cắt nghĩa cho Quốc biết chức trách của anh ấy. Và hãy yêu cầu anh ấy truyền đạt tới các đồng chí những gì anh ấy thu nhận được từ khắp nơi (báo chí, truyền đơn, các thông tri, v.v…). Từ nay về sau chúng tôi sẽ gửi cho các đồng chí các báo cáo và thư từ bằng tiếng Pháp, và Quốc sẽ chỉ việc chuyển chúng cho các đồng chí, không cần giữ lại bên mình để nghiên cứu riêng.

Còn về những nhận xét của các đồng chí về các báo cáo của chúng tôi, thì chúng tôi hoàn toàn thừa nhận, và chúng tôi sẽ cố gắng, trong công tác của mình,  quan tâm nhiều hơn nữa đến các đồng chí. Nhưng đôi khi, nếu có một vài sự chậm trễ hoặc nếu bức thư giải thích không đầy đủ và thiếu toàn diện, thì đó là do điều kiện chỗ ở và do thiếu thời gian.

[tr. 11 =>]

NHỮNG KHIÊU KHÍCH, BẮT BỚ

 (Trích thư văn phòng Viễn Đông gửi Ban Thư ký,

ngày 10. VI. 31)

Quan hệ của BCH TƯ với Quốc, nhận định theo bức thư này, không thật tốt đẹp.  Chúng tôi muốn phúc đáp thư ấy và thu xếp hòa giải vụ việc này, vì lợi ích công nhân, nhưng tiếc rằng nhiều người đã bị bắt, việc này Q. đã thông báo cho chúng tôi trong bức thư ngày 28. IV. Toàn bộ BCH TƯ đảng đã bị bắt. Toàn bộ Ban chấp hành ở Đông Dương, Tonkin /Bắc Kỳ/…. Cảnh sát có lẽ đã được thông tin khá rõ, bởi vì những người bị bắt, người thì tại nhà máy, người thì tại các căn hộ, người thì trên phố, người thì tại nhà in.  Những người bị bắt có căn cứ để cho rằng, các đồng chí chúng ta hoàn toàn xem thường nguyên tắc bí mật.

[HẾT TÀI LIỆU]

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ