Tư liệu lịch sử
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Published on
Lời giới thiệu của Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ
Trong cuộc “chiến tranh nóng” ở Việt Nam 1954 – 1975, một sự biểu hiện ra bên ngoài của cuộc Chiến Tranh lạnh giữa hai khối Tư bản và Cộng sản đương thời, Miền Bắc Việt Nam thực hiện ba lần tổng tấn công vào Miền Nam Việt Nam trong các năm 1968, 1972 và 1975.
Có nhiều tư liệu lịch sử liên quan đến một sự kiện quan trọng trong cuộc tổng tấn công năm 1972 (30/3/1972 – tháng 1 năm 1973): Cuộc nã pháo của Quân đội Miền Bắc Việt Nam vào dòng người chạy tị nạn khỏi Quảng Trị và Đông Hà về phía nam (về Huế), trên đoạn đường Quốc lộ 1 ngày nay, từ thành phố Quảng Trị đến cầu Mỹ Chánh (bắc qua sông Mỹ Chánh, một con sông đổ ra sông Ô Lâu), ngày 1/5/1972. Sự kiện này được đề cập nhiều lần trong tài liệu của các nhân chứng lịch sử, một số nghiên cứu học thuật. Các tài liệu này cũng cho thấy sự kiện đã để lại một chấn thương tinh thần ở quy mô xã hội một cách sâu sắc và tác động đến sự trưởng thành của xã hội dân sự ở Miền Nam Việt Nam đương thời.
Các ghi chép về sự kiện xảy ra ngày 1/5/1972 trên Quốc lộ 1 ở Quảng Trị
Ngày 30/3/1972, Quân đội Miền Bắc tấn công Quảng Trị. Một tháng sau, ngày 1/5/1972, Quân đội Miền Nam rút khỏi hai đô thị là Quảng Trị và Đông Hà, lui về phía Mỹ Chánh (giáp với Huế). Khi Quân đội Miền Nam rút lui thì cũng có một dòng người dân chạy theo. Cho đến nay, có một số quyển sách của một vài nhân chứng lịch sử có đề cập đến sự kiện này:
- “The Easter Offensive of 1972″ của Tướng Ngô Quang Trưởng, do Nhà xuất bản Thư viện Đại học Michigan (University of Michigan Library) ấn hành năm 1979 ở Mỹ.
- “The Easter Offensive: The Last American Advisors, Vietnam, 1972” (Presidio, 1985) của Gerald Turley, tái bản năm 2010 bởi Nhà xuất bản Học viện Hải quân Hoa Kỳ (Naval Institute Press).
- “Without Honor: Defeat in Vietnam and Cambodia” của Arnold R. Isaacs, một phóng viên chiến trường Mỹ tại mặt trận Quảng Trị đương thời, ấn hành bởi Nhà xuất bản Đại học Johns Hopkins (Johns Hopkins University Press) năm 1999.
Tướng Ngô Quang Trưởng của Miền Nam Việt Nam là người được điều động từ Miền Tây ra Miền Trung để giành lại Quảng Trị từ tháng 5 năm 1972. Cuốn sách “The Easter Offensive of 1972″ thuật lại cuộc phòng thủ từ phía Miền Nam, trong đó kể lại: ngày 1/5/1972, trên Quốc lộ 1 từ Quảng Trị, Đông Hà xuôi về nam (đoạn cầu Mỹ Chánh), dòng người dân và quân trộn lẫn vào nhau “dưới bức tường lửa hung bạo dã man của các loại pháo địch”.
Gerald Turley là một cố vấn Mỹ tại chiến trường Quảng Trị đương thời. Sách “The Easter Offensive” của ông cho thấy sự kiện người dân chạy tị nạn khỏi Đông Hà và Quảng Trị về phía nam (phía Mỹ Chánh, Huế) không chỉ diễn ra trong ngày 1/5/1972 mà đã diễn ra trước đó và sau đó. Theo tác giả, ngày 29/4, ông chứng kiến cảnh hàng ngàn người chạy tị nạn khỏi thành phố Quảng Trị và Đông Hà về phía Mỹ Chánh và bị pháo Miền Bắc bắn dọc đường.
Về phía báo chí tư nhân ở Miền Nam Việt Nam đương thời, ký giả Ngy Thanh là người đầu tiên của báo Sóng Thần lọt vào đoạn đường nói trên vào đầu tháng 7 năm 1972, khi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, chứng kiến hậu quả của cuộc nã pháo hai tháng trước đó, và đặt tên gọi “Đại lộ Kinh hoàng” cho đoạn đường và sự kiện này.
Báo Sóng Thần sau đó tổ chức một hoạt động nhân đạo là hốt xác nạn nhân tử nạn trên đoạn đường này trong sự kiện nói trên, từ tháng 7 khi chiến sự vẫn chưa kết thúc trong khu vực, đến tháng 1 năm 1973. Các bài tường thuật của họ được đăng liên tục nhiều kỳ trên báo Sóng Thần.
Tiến sỹ Van Nguyen – Marshall, phó giáo sư sử học tại Đại học Trent, Canada, đã chọn các bài tường thuật nói trên làm dữ liệu khảo sát cho một nghiên cứu đăng trên tạp chí War and Society, năm 2018. (Xem: Van Nguyen-Marshall, Appeasing the Spirits Along the ‘Highway of Horror’: Civic Life in Wartime Republic of Vietnam, War & Society, Volume 37, 2018 – Issue 3, Pages 206-222)
Bài nghiên cứu của Van Nguyen – Marshall không tập trung vào bản thân sự kiện “Đại lộ Kinh hoàng” mà sử dụng các bài tường thuật tại hiện trường khi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn để khảo sát các nỗ lực hoạt động nhân đạo trong chiến tranh, những chấn thương tinh thần của xã hội do những cái chết hàng loạt, sự năng động của xã hội dân sự miền Nam Việt Nam đương thời.
Kiểm chứng tính xác thực của sự kiện
Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong một bài viết ở mục “Bình luận – Phê phán”, phủ nhận sự kiện này, cho rằng đó là “sự kiện bịa đặt, được dựng lên chỉ để vu cáo, vu khống Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam.” (Báo Nhân Dân, 17/9/2015). Tuy nhiên, bài viết chỉ tuyên bố như trên mà không đưa ra các luận cứ, luận chứng đi kèm, vì vậy người đọc không thể khảo sát gì thêm tư liệu này.
Ngoài ra, về phía Miền Bắc Việt Nam, có một nhân chứng và tư liệu quan trọng liên quan đến sự kiện này, là Đại tá Nguyễn Quý Hải và sách “Mùa hè cháy” của ông. Ông Nguyễn Quý Hải là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Pháo binh 38 (Đoàn pháo binh Bông Lau), thuộc Quân đội Miền Bắc, tức lực lượng pháo binh chủ lực trong chiến dịch tấn công Quảng Trị này. Cuốn sách “Mùa hè cháy” xuất bản lần đầu năm 2005, có in lại “nhật ký chiến trường” của ông, trong đó có nhiều chi tiết liên quan đến sự kiện này.
Trong sách “Mùa hè cháy” nói trên, ở phần nhật ký chiến trường ngày 1/5/1972, không thấy những ghi chép nói rõ việc pháo binh Bắc Việt Nam tấn công đoạn đường phía nam thành phố Quảng Trị. Tuy nhiên, ở một phần khác cũng trong sách này, tác giả Nguyễn Quý Hải in lại ghi chép của Trương Nguyên Tuệ, trong đó nói rõ có cuộc tấn công bằng pháo binh xuống đoạn đường phía nam thành phố Quảng Trị trong ngày 1/5/1972. Trương Nguyên Tuệ là một nhà báo quân đội (hàm đại tá), nhà khảo cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (tác giả sách “Định Hòa trung dũng”, viết về lịch sử Đảng bộ một xã ở Bình Dương). Đoạn ghi chép của Đại tá Trương Nguyên Tuệ như sau:
“Trong hai ngày 29 và 30-4-1972, các loại pháo của ta bắn rất chính xác xuống các mục tiêu được giao. Pháo chiến dịch làm, tê liệt và tiêu diệt các trận địa pháo binh địch ở Ái Tử, La Vang, liên tục bắn phá sở chỉ huy sư đoàn 3 ngụy, căn cứ hậu cần và sân bay Ái Tử. Sở chỉ huy của chuẩn tướng ngụy Vũ Văn Giai rơi vào tình trạng hỗn loạn, quan quân vất lại toàn bộ giấy tờ sổ sách ‘bỏ của chạy lấy người’. Một tiểu đoàn 130mm của trung đoàn 38 được cấp thêm 700 trái đạn, chuyển sang làm nhiệm vụ chặn địch rút chạy vào phía nam theo trục đường 1 và chi viện cho bộ binh sư đoàn 304 đánh chiếm phía bắc cầu Quảng Trị.
Sáng 1-5-1972, trong lúc bộ binh qua cầu tiến vào thị xã Quảng Trị và tiếp tục truy quét địch, pháo 122mm và 130mm của trung đoàn 38 chụp lện đội hình bộ binh và cơ giới địch đang chen chúc dày đặc trên đường 1, gây cháy nổ và ùn tắc, tạo thành một vùng lửa đỏ và khói bụi trùm kín. Trên đoạn đường Quảng Trị, La Vang, địch rơi vào thảm cảnh khủng khiếp. Cũng trong ngày hôm đó, sư đoàn 324 và trung đoàn 27 của Mặt trận B5 nhanh chóng làm chủ địa bàn được giao vào sát sông Mỹ Chánh tiếp giáp với Thừa Thiên. Toàn tỉnh Quảng Trị đã giải phóng.” (“Mùa hè cháy”, sách đã dẫn, trang 241.)
Đoạn trên của Đại tá Trương Nguyên Tuệ in lại trong sách “Mùa hè cháy” của Đại tá Nguyễn Quý Hải đã viết rõ là Trung đoàn 38 (tức Đoàn pháo binh Bông Lau) đã nã pháo trùm lên Quốc lộ 1 phía nam thị xã Quảng Trị ngày 1/5/1972.
Bên cạch các ghi chép của ông Trương Nguyên Tuệ được in lại trong sách “Mùa hè cháy” của ông Nguyễn Quý Hải, còn có nhiều ghi chép và tuyên truyền lịch sử khác ở Việt Nam sau 1975 cũng khẳng định có cuộc tấn công trên Quốc lộ 1 ở phía nam thành phố Quảng Trị, ngày 1/5/1972. Nhiều ghi chép trong số đó đã sử dụng lại tên gọi “Đại lộ kinh hoàng” của Ký giả Ngy Thanh, báo Sóng Thần, năm 1972.
Sau đây là một số ghi chép như vậy.
Báo Quân đội Nhân dân, bài “Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Bài 2)”, ngày 27/03/2012, viết:
“Ngày 1-5-1972, sau khi Đông Hà, Ái Tử bị mất, quận lỵ Hải Lăng bị uy hiếp, Quốc lộ 1 bị cắt, quân ngụy hoang mang, đến 11 giờ ngày 1-5, quân ngụy bắt đầu rút. Nắm được ý đồ của ngụy quân, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn bộ binh 324 lập tức cơ động bộ đội chặn đánh quân ngụy ở Cầu Nhũng, cầu dài và cầu bến Đá. Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304 chặn đánh quân ngụy ở La Vang, đồng thời pháo binh mặt trận bắn mãnh liệt vào đội hình rút lui của ngụy quân, gây nên một cuộc bỏ xe, bỏ pháo tháo chạy hỗn loạn.”
Xem trên Quân đội Nhân dân, (truy cập ngày 5/1/2022)
Báo Quảng Trị, bài: “Quân dân huyện Hải Lăng trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972”, ngày 27/04/2012, của tác giả Trần Ngọc Ánh, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, viết:
“Suốt cả ngày 1-5-1972, quân ngụy tổ chức hàng chục đợt tấn công và sử dụng tất cả những gì có thể nhằm khai thông đường rút chạy. Trên tuyến Quốc lộ 1 từ thị xã Quảng Trị đến Mỹ Chánh, các đồn bốt đều lần lượt bị ta đánh phá, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, chúng bỏ lại xác chết ngổn ngang và hàng nghìn xe pháo, vũ khí máy móc, phương tiện chiến tranh. Đoạn Quốc lộ 1 này đã trở thành “Đại lộ kinh hoàng” của Mỹ- ngụy trong ngày 1-5-1972.”
Xem trên báo Quảng Trị (truy cập ngày 5/1/2022)
“Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2020) và 48 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị (1972 – 2020)” của Tỉnh Quảng Trị, ngày 08/04/2020, viết:
“Sau khi chiếm được Đông Hà, La Vang, Ái Tử, các cánh quân chủ lực và lực lượng quân khu từ nhiều hướng tập trung tấn công giải phóng thị xã Quảng Trị. 11 giờ ngày 1/5/1972 địch bắt đầu rút khỏi thị xã Quảng Trị với ý định lui quân có tổ chức để bảo toàn lực lượng, nhưng không ngờ chúng đi đến đâu cũng bị đánh, chạy đâu cũng bị chặn. Cả đoạn đường gần 30km từ thị xã Quảng Trị đến Mỹ Chánh trở thành “đại lộ kinh hoàng” đối với Mỹ – nguỵ.”
Xem tài liệu tuyên truyền của tỉnh Quảng Trị ở đây (truy cập ngày 5/1/2022)
Như vậy, qua các tư liệu nêu trên, chúng ta thấy:
- Các ghi chép của cả hai phía đều khẳng định có một cuộc tấn công bằng pháo binh vào Quốc lộ 1 đoạn phía nam thị xã Quảng Trị đến cầu Mỹ Chánh vào ngày 1/5/1972.
- Các ghi chép của cả hai phía đều ghi nhận khẳng định cuộc tấn công bằng pháo nói trên đã gây ra những cảnh tượng “kinh hoàng” tại hiện trường.
- Các ghi chép của các nhân chứng ở Miền Nam Việt Nam khẳng định ngày 1/5/1972, cả binh lính và dân chúng từ thị xã Đông Hà và Quảng Trị đã chạy tị nạn khỏi các đô thị này khi quân đội Miền Bắc tấn công vào. Và họ, cả lính và dân, trong đó có hàng ngàn người dân, đã bị pháo binh Miền Bắc tấn công tiêu diệt trên Quốc lộ.
- Trên Báo Sóng Thần, ngày 3/7/1972, Ký giả Ngy Thanh cho biết vào ngày 1/7/1972, ông chứng kiến “hàng trăm xác quân xa chở đồng bào Quảng Trị di tản trong ngày 1-5”. (Xem tư liệu bên dưới.)
- Các ghi chép của Miền Bắc, như được nêu ở trên, cho thấy dường như lực lượng pháo binh Miền Bắc thực hiện cuộc tấn công này đã coi cả dòng người trên Quốc lộ 1 ngày 1/5/1972 là “quân địch” mà không phân biệt dân và lính.
- Như trên đã nói, báo Sóng Thần đã tổ chức hốt xác nạn nhân bị giết trên đoạn đường “Đại lộ Kinh hoàng” này, gom được 1841 thi thể thường dân, tập trung vào một nghĩa trang. Sau đó, nhiều đoàn thể xã hội đã trở lại để viếng các nạn nhân. Có thể xem các tư liệu (hình ảnh, ghi chép) dưới đây.
Tư liệu từ phía xã hội dân sự Miền Nam Việt Nam
Việc phối kiểm tính xác thực (fack check) các tuyên bố liên quan đến sự kiện này là một công việc phức tạp, cần sử dụng, thẩm định nhiều nguồn tư liệu. Trong mục Tư liệu Lịch sử này, Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ chưa hoàn tất được công việc phối kiểm tính xác thực đối với tuyên bố của các bên, mà chỉ giới thiệu các bài ký sự trên nhật báo Sóng Thần ở Miền Nam Việt Nam đương thời về sự kiện này, và một số tư liệu liên quan khác.
Bộ tư liệu dưới đây do cựu Chủ bút Trùng Dương của báo Sóng Thần thực hiện và gửi cho Tạp chí.
Chúng tôi chọn tư liệu trên Sóng Thần, vì ở Miền Nam Việt Nam đương thời, đây là tờ báo độc lập với chính quyền, một hiện thân của sự trưởng thành của xã hội dân sự và tự do ngôn luận ở Miền Nam Việt Nam đương thời. Tờ báo này có lập trường chống tham nhũng, từng bị chính quyền TT. Nguyễn Văn Thiệu kiện ra tòa nhiều lần nhưng bất thành.
Ngoài ra, tính độc lập của tờ báo Sóng Thần còn thể hiện ở chỗ tờ báo đã phê phán tất cả các bên, bao gồm cả Quân đội Hoa Kỳ. Ví dụ dưới đây là một bài trong số loạt bài báo phê phán Quân đội Mỹ: “Tội ác người Mỹ trên đất Việt – Khi Tòa quân sự Mỹ tòng phạm với những tên sát nhân” (Sóng Thần, 4/10/1971).
Và một bài tường thuật hậu quả của cuộc nã pháo của Quân đội Bắc Việt Nam trên Quốc lộ 1 năm 1972: “Thành tích giải phóng của CSBV trên quốc lộ – Xác dân tỵ nạn trơ xương nằm dài 2 cs trên quốc lộ 1.”
Như vậy, có thể khẳng định vị thế độc lập của Báo Sóng Thần đương thời. Các ghi chép của tờ báo, do đó, xứng đáng là một tư liệu lịch sử để các nhà nghiên cứu sử khảo sát về các sự kiện xảy ra trong cuộc chiến. Các bài tường thuật trực tiếp tại chiến trường, cũng như hoạt động nhân đạo hốt xác đồng bào tử nạn trên đoạn đường Quốc lộ 1 từ Quảng Trị đến cầu Mỹ Chánh của tòa soạn báo này, như TS. Van Nguyen-Marshall đã chỉ ra, cho thấy sự phát triển tương đối của xã hội dân sự và hoạt động báo chí độc lập ở Miền Nam Việt Nam đương thời trong bối cảnh chiến tranh.
Loạt tư liệu này gồm những phần sau đây:
1) Bài ký sự “Nhặt xác đồng bào Quảng Trị trên Đường ‘Kinh Hoàng’” xuất bản trên nhật báo Sóng Thần (1972) của Trùng Dương. Đây là loạt ký sự được viết ngay tại chiến địa, xuất bản đồng thời với lúc trận chiến vẫn đang diễn ra tại Quảng Trị.
2) Loạt bài cùng đề tài do bốn người viết, gồm Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, Ngy Thanh, Trùng Dương và Nguyễn Kinh Châu, xuất bản trên tạp chí Thời Báo ngày 11 tháng 9, 2009. Nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc phỏng vấn một nhân chứng chạy tị nạn trên đoạn đường này và may mắn sống sót, ký giả Ngy Thanh là nhà báo đầu tiên đầu tiên của Sóng Thần đặt chân tới quãng đường này, chủ bút Trùng Dương của Sóng Thần tham gia đợt hốt xác đồng bào tử nạn đầu tiên, ký giả Nguyễn Kinh Châu là người tiếp tục điều phối việc hốt xác và chôn cất các nạn nhân nhiều tháng sau đó, tổng cộng chôn cất được thi thể của 1841 nạn nhân.
3) Một số hình ảnh, ghi chép của ký giả Ngy Thanh trên báo Sóng Thần.
4) Một số hình ảnh và lời chứng của nhà báo người Pháp Philippe Buffon. Trao đổi với Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ, nhà báo Philippe Buffon khẳng định ông có mặt để đưa tin trên Quốc lộ 1, phía nam thành phố Quảng Trị, vào tháng 6 năm 1972, khi chiến sự vẫn diễn ra. Trong quá trình tác nghiệp, ông bị trúng đạn vào bụng và được đưa về một bệnh viện của Mỹ ở Đà Nẵng. Ông gửi cho Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ một số bức ảnh do chính ông chụp tại hiện trường, với hình ảnh xác thường dân nằm ngổn ngang trên đường.
Ở đây, Tạp chí chỉ cung cấp những tư liệu thô (raw materials). Khảo sát các tư liệu này là công việc của các nhà sử học. Dưới đây là các tư liệu nói trên.
***
Bài ký sự bên duới có được ở dạng điện tử dễ dàng cho việc đọc và tham khảo là do công lao của ký giả Ngy Thanh đã cất công chụp và đánh máy lại từ microfilm báo Sóng Thần hiện được lưu trữ tại Thư viện Đại học Cornell.
Là một trong vài người đầu tiên lọt được vào đoạn đường kinh hoàng này ở tuổi vừa mới ngoài 20, Đại lộ Kinh hoàng đã trở thành ám ảnh suốt đời của Ngy Thanh. Sau khi định cư, làm việc và về hưu ở Houston, Texas, Ngy Thanh đã dành những năm tháng còn lại để thu thập tài liệu về giai đọan lịch sử đã ám ảnh anh. Anh vừa soạn xong cuốn sách sưu tập tất cả những thông tin liên hệ anh đã có thể kiếm được, hy vọng sẽ ra mắt trong năm tới.
Ngy Thanh đã đặc biệt dành cho tôi bản điện tử bài ký sự này. Xin cám ơn Ngy Thanh và chia sẻ với độc giả. Bạn nào muốn đọc trên báo scan, xin mời vào Kho Sách Xưa, nơi lưu trữ toàn bộ các số báo Sóng Thần (1972-1975), trừ các số bị tịch thu, do anh Võ Phi Hùng ở Virginia thực hiện.
—TD, 11/2021
***
Sóng Thần ngày 11/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC ĐỒNG BÀO Q.TRỊ TRÊN ĐƯỜNG “KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
DỌC THEO Q.LỘ KHOẢNG 2000 XÁC RỮA THỐI ĐANG CHỜ ĐƯỢC CHÔN CẤT
NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA CÔNG CUỘC “NHẶT XÁC”: C.QUÂN PHÁO KÍCH TƠI BỜI.
Tái ngộ Huế của 6-72
Phần vụ tại Quảng Ngãi tạm xong, mặc dù những lưu luyến do cảm tình của nhóm anh em ST ở đó tôi vội vã về Đà Nẵng bằng đường bộ để sáng sớm hôm sau bám theo chuyến trực thăng đồ tiếp tế khởi hành đi Huế để có mặt trong một chương trình do nhóm anh em Sóng Thần tại đấy thực hiện: nhặt xác đồng bào chiến nạn nằm rải rác dọc theo QL1 từ giữa Mỹ Chánh và Quảng Trị nơi mà NgyThanh đã mệnh danh là Đại Lộ Kinh Hoàng, khoảng bắt đầu Con Đường Buồn Thiu.
Đây là lần thứ 2 kể từ khi biến cố 4-72 bắt đầu, tôi ra Trung.
Mặc dù thành phố Huế mỗi ngày, không phân biệt sáng chiều tối, đều lãnh những trái pháo kích của Cộng quân đều đều, sinh hoạt vẫn nhộn nhịp, khác hẳn với thời gian cách đó 1 tháng. 70% số đồng bào Huế di tản đã rời Đà Nẵng trở về thành phố. Không nghe còn nhiều lần những câu hỏi “liệu Huế có mất?” mặc dù điều này vẫn còn ám ảnh những người ưu tư về thời cuộc và các vấn đề chính trị, mặc dù có một số đồng bào đã trở về Huế lại vội vã ra đi khi “mùa” pháo kích bắt đầu cách đó khoảng 1 tuần.
Một ngày nghỉ săn tin cho chương trình “nhặt xác”
Gặp những anh em ST/Huế trước số 90 Chi Lăng, tôi được anh Nguyễn Kinh Châu cho biết hôm nay anh em ST nghỉ săn tin một ngày cho chương trình “nhặt xác”. Dĩ nhiên điều này trên một khía cạnh nào đó làm nhóm anh em trẻ có hơi… buồn một chút. Số là các anh em trẻ này mỗi ngày chia nhau đi theo các cánh quân tiến chiếm Quảng Trị với 1 lời thách thức xem ai sẽ là người tiến tới gần Quảng Trị hơn cả. Họ chẳng những thách thức với nhau mà còn ganh đua với các phóng viên báo Việt khác và ngoại quốc nữa. Tuy thế, lệnh của anh văn phòng trưởng đã đưa ra, và cũng ý thức chương trình đó là cần thiết, họ tạm xếp tính hiếu thắng lại.
Bên ly cà phê tại một quán cóc bên tả ngạn, anh Châu cho tôi xem sấp hình chụp những cảnh trạng trên Đại lộ Kinh Hoàng trước khi được dọn dẹp lấy chỗ quân xa di chuyển: xe cộ đủ loại – xe hàng, xe vận tải, xe GMC, xe Jeep, thiết vận xa vv… cháy đen nằm thành ụ trên Quốc lộ 1 thành 3,4,5 hàng chứng tỏ một cuộc rút lui vô trật tự không thể tưởng tượng cách đây 2 tháng cộng vào do những cuộc thanh toán thật gọn gàng của cộng quân. Đó là những bức ảnh toàn cảnh của Đại lộ Kinh Hoàng. Chi tiết mới là cả một cơn ác mộng chưa từng xảy ra trong bất cứ 1 phim chiến tranh nào mà tôi đã được xem:
Xác người chỉ còn xương khô có cái còn ít da bọc màu xám ngắt và ít thịt bầy nhầy và áo quần tơi tả sau 2 tháng phơi trước nắng mưa và gió, thường dân có, lính có, già có, trẻ có, đàn ông có, đàn bà có với đủ kiểu nằm, ngồi, đứng.
Anh Châu cho biết hiện có khoảng 2000 xác nằm rải rác từ cầu Trường Phước trở ra. Đó là chỉ mới kể tới những xác nằm dọc theo hai bên quốc lộ.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 12/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN ĐƯỜNG “KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
CÓ CHỖ CẢ TRĂM MẠNG CHẾT VÌ ĐẠN B.40 KHI ĐỒNG BÀO NHÀO XUỐNG 1 VŨNG NƯỚC
(TIẾP THEO)
Không ai nghĩ tới việc chôn cất cho họ kể từ khi quãng đường này được khai thông cách đây một tuần.
Quân đội bận đánh giặc, chính quyền bù đầu với việc cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, và cũng từ 1 tuần nay, dân chúng lo âu vì nạn pháo kích. Cũng có thể họ có nghĩ tới việc chôn cất những người dân Quảng Trị chạy nạn xấu số nọ, nhưng vấn đề là phải có một đoàn thể nào đó đứng ra khởi xướng.
Và anh Châu với tư cách là đại diện Nhật báo ST tại Huế, từ một tuần nay, kể từ ngày anh vượt qua cây cầu nổi Mỹ Chánh theo chân quân đội VNCH đặt chân lên Đại lộ kinh hoàng đã âm thầm xúc tiến việc trên với 1 số thân hữu.
Phải nhặt xác họ, bằng bất cứ giá nào
– Phải nhặt xác họ bằng bất cứ giá nào. Đó là bổn phận của những người còn lại.
Bằng 1 giọng trầm tĩnh pha xót xa, anh Châu nói với tôi như thế. Anh nói ít, nhưng tôi ngờ là mình thấy và hiểu được cả những điều anh không nói ra: mối ray rứt khắc khoải kể từ ngày đặt chân lên Đại lộ kinh hoàng.
– Và cần phỉa làm sớm vì để lâu mưa xuống công việc sẽ khó khăn hơn, chưa kể sẽ không tìm ra xác các em nhỏ xương còn nhỏ bị cát và nước vùi sâu xuống lòng đất làm cho tan đi.
Là một người sinh trưởng tại QT và vừa thoát khỏi sự kềm tỏa của Cộng Sản, Đoàn Kế Tường, tác giả hồi ký “Địa ngục Hải Lăng” một người trẻ và tình cảm và có lẽ vì tình cảm nên hay đòi hỏi sự tuyệt đối đã tỏ ra lo ngại cho chương trình “nhặt xác” này vì anh ta quan niệm “đã nhặt thì phải nhặt cho bằng hết” mà “nhặt xác” thì chắc không thể thực hiện được giữa lúc Cộng quân còn pháo kích dài dài trên đoạn đường này. Đây là chưa kể có nơi cả trăm mạng chết vì B40 khi nhào xuống một vũng nước cách quốc lộ 1 cs về phía biển mà chính mắt Tường chứng kiến khi cùng chạy với họ và suýt trở thành nạn nhân nếu không vì “đến chậm”.
Một chương trình nặng nề
Với trên dưới 2000 người tính sơ sơ dọc theo quốc lộ, với những cơn mưa pháo kích hàng ngày của Cộng quân dù rất ít khi trúng quốc lộ với những trái bom bi còn sót lại ẩn dưới những lùm cỏ khô hay vùi hờ dưới cát sẽ phát nổ khi bị đụng phải với hai bàn tay trắng và một nhóm anh em vốn bận rộn với việc săn tin khá nguy hiểm với không đầy 60.000đ quyên lai rai trong nhóm thân hữu, anh Châu sẽ xoay sở ra sao, tôi thực không hiểu, nếu không nói là thành thực e ngại.
Sau khi điều đình mượn xe của Thiếu tá PB Đỗ Văn Mai xong, chúng tôi tới nhà một người em gái của anh Châu ở đường Thuận An.
Tại đây tôi được chứng kiến những hình ảnh thật đẹp của tình người, không phải của người sống với người sống vốn là chuyện thường tình, mà là của người sống đối với người chết khiến tôi hơi ngỡ ngàng vì từ hồi nào tới giờ tôi vốn bận tâm tới cuộc sống và coi thế giới bên kia cùng với những kẻ đã thuộc về nó là cái gì vượt ngoài sự hiểu biết và quan tâm của mình.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 13/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Hết đào xác nạn nhân biến cố Mậu Thân tới việc đi nhặt xác nạn nhân biến cố 4/72
(TIẾP THEO)
Họ là 2 thiếu phụ trên dưới 30.
Một người có chồng bị giết hồi xảy ra biến cố Mậu Thân và đó là nguồn động lực khiến nàng và người cháu gái của chồng gia nhập ban tổ chức việc đào xác nạn nhân biến cố MT. Nàng còn trẻ và tôi xúc động bởi vẻ trẻ trung với một nét gì đó tinh khiết nơi nàng. Tuy nhiên, tích cực phải kể tới người cháu gái lớn hơn nàng vài tuổi.
Kinh nghiệm của những chuyến đi đào xác trước đây đã giúp họ khá nhiều trong dịp này để có thể tiếp tay với nhóm ST; họ biết những gì phải sắp sẵn mà chính anh Châu cũng không ngờ tới. Này đây những túi ni lông để đựng hài cốt người chết, này dây ni lông loại chắc chắn để cột, này kéo, băng sát trùng, vở bút để ghi chép những chi tiết đặc biệt của mỗi xác chết theo số thứ tự 1, 2, 3, lại có cả một xấp giấy vuông màu đỏ ghi số 1, 2, 3, 4… để đính vào mỗi xác. Họ khoe chúng tôi 1 cuộn giấy ni lông do nhà sách Gia Long trên phố tặng khi họ vào hỏi mua và nói về chương trình nhặt xác đồng bào Quảng Trị xấu số. Họ cũng cho biết đã kêu mấy người phu trước đây đã tiếp tay với họ trong chuyến đào xác nạn nhân biến cố Mậu Thân.
– Hồi đó họ làm không công. Nhưng bây giờ vì đang vụ mùa, từ chối không đành tâm, họ đề nghị xin ít thù lao để bù vào những thiệt hại.
Thực ra, nguyên do là sau vụ đào xác nạn nhân biến cố Mậu Thân, Bộ Xã Hội có trả tiền cho Ban Tổ chức trung bình mỗi xác 1.000đ và dường như cuộc chia chác tới nay vẫn chưa xong. Có lẽ đó cũng là 1 nguyên nhân khiến nhóm phu được mời lần này đòi được trả công. Giọng anh Châu vẫn không có vẻ gì là bị xáo trộn hay bực dọc:
– Sao không nói cho họ biết là mình làm việc này hoàn toàn có tính cách nhân đạo, không có ai trả tiền hết mà còn phải đi quyên tiền để làm.
– Nói đó, nhưng họ bảo kẹt vụ mùa. Và họ cũng sợ pháo kích.
SỐ MAI:
Những giai thoại về chuyến đào xác nạn nhân biến cố Mậu Thân
Sóng Thần ngày 14/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
*Những giai thoại về chuyến đào xác nạn nhân biến cố Tết Mậu Thân
(TIẾP THEO)
Sau khi thỏa thuận giá cả 1500đ cho mỗi người, và dường như để trả lời cho vẻ ngỡ ngàng của tôi trước bàn luận của họ, câu chuyện hướng sang chuyện đào xác nạn nhân biến cố Mậu Thân.
Những giai thoại xung quanh vụ đào xác nạn nhân biến cố Mậu Thân
Tôi thực tình không tin lắm, hay nói đúng hơn, không có ý kiến gì về hiện tượng người chết hiện về báo cái này cái nọ và cũng chẳng mấy khi bận tâm về những chuyện tương tự. Tuy nhiên, vẫn xin tường thuật lại những điều đã được nghe kể trong lúc ngồi đợi giờ lên đường đến Đại lộ Kinh hoàng tiếp tay với anh em ST/Huế trong chương trình nhặt xác đồng bào Quảng Trị xấu số. Những giai thoại do chính những người phu đào xác kể lại.
Họ đều là những người đã ngoài 50 và sinh hoạt của những người làm nghề đám vẫn ít nhiều còn xa lạ và dị kỳ đối với tôi, cũng như sự chết vẫn là cái gì xa lạ và khó hiểu đến dị kỳ với mỗi một người sống.
Hồi xảy ra biến cố Mậu Thân với vụ VC tàn sát tập thể đồng bào Huế vô tội, nhiều hố chôn người tập thể đã được phát giác và khai quật lên sau đó. Công việc này do dân chúng Thừa Thiên đứng ra làm rồi về sau dường như có sự nhúng tay ăn có của một số đảng phái địa phương khiến công việc trở nên có phần phức tạp phiền hà.
– Hồi đó tụi tôi cứ làm 1 tuần thì nghỉ 1 tuần và cứ thế có cả trên 1 tháng trời. Vậy mà cũng có nhiều xác không được phát giác để rồi chính người chết hiện về chỉ chỗ cho mà đào.
Những vụ người chết hiện về chỉ chỗ xác mình bị vùi dĩ nhiên không nhiều. Người phu già kể tiếp:
– Một đêm nọ, tui đang ngủ có 2 bóng người con gái vô nhà khẩn khoản tui lấy 2 chị em họ lên. Tui hỏi họ nằm mô thì họ bảo cách chỗ bác đào bữa trước 2 thước.
Hôm sau tui nghe lời tới đào lên, quả nhiên bắt gặp 2 xác con gái còn thẻ căn cước trong túi rõ ra là 2 chị em ruột.
Còn nhiều giai thoại nữa, như giai thoại người chồng về báo cho mẹ và vợ ngay giữa bữa ăn tối cho biết cái đầu lâu mà họ chôn chung với xác của anh ta không phải của anh và chỉ chỗ cho mẹ và vợ anh đi lấy cái đầu thực sự của anh, như giai thoại về những người chết về xin tìm giùm khúc xương còn thiếu.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 15/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Những giai thoại về chuyến đào xác nạn nhân biến cố Tết Mậu Thân
(TIẾP THEO)
Hồi đó làm việc có sự tham dự của nhiều người vui lắm… Có bà bỏ nhiều buổi chợ đi gánh xác về…
Tôi ngó anh Châu. Như hiểu được câu tôi muốn hỏi, anh Châu chậm rãi nói:
– Lần ni mà mình thông báo thì cũng có lắm người tham dự. Nhưng kẹt nỗi khúc đường chỗ đó chỉ có báo chí vô được thôi vì lý do an ninh.
Bây giờ thì tôi bắt đầu nhìn thấy rõ tầm vóc to lớn của chương trình hốt xác. Bày tỏ mối lo ngại đó với anh Châu, anh cho biết dù gì cũng phải làm.
– Hy vọng khi mình khởi sự, chính quyền và các đoàn thể tôn giáo sẽ tiếp tay gánh vác bớt cho mình…
Những gai góc của chương trình nhặt xác
Chiếc xe Jeep anh Đỗ Văn Mai hứa cho mượn đi đưa đám 2 cha con người nọ bị pháo kích chết từ sáng đã không trở về đúng hẹn. Chương trình đành dời lại tới hôm sau. Nhóm anh em phóng viên trẻ thở dài tiếc rẻ cho 1 ngày ở không vô tích sự. Tôi theo Đoàn Kế Tường và NgyThanh về căn nhà ở Chi Lăng ngủ trưa cho lại sức trong khi anh Châu với Trần Tường Trình leo xe Honda ra quận Phong Điền xin quận trưởng PĐ yểm trợ phương tiện và cho mượn chỗ để xác cùng là xin một miếng đất để chôn những xác đó hầu sau này thân nhân của họ trở về tìm cho dễ. Mặt khác, anh Châu cũng gửi mấy người phu đi theo xe của một nhóm phóng viên ngoại quốc ra Đại Lộ Kinh Hoàng thăm thú tình hình.
Những trái pháo kích của Cộng quân vẫn tiếp tục giót xuống 2 bên quốc lộ khoảng Đại Lộ Kinh Hoàng khiến mấy người phu lo sợ. Anh Vân phóng viên của UPI phải trấn an họ bằng câu nói dối:
– Hôm nay tụi nó pháo thì ngày mai sẽ thôi không pháo nữa. Mấy bác yên chí đi.
Anh Châu trở về với 1 kết quả tương đối khả quan cộng với 1 ưu tư có lẽ không ngoài tính cách phức tạp của vấn đề. Buổi chiều hôm đó, tôi theo anh đi mời người mai ra nhận diện những xác không còn giấy tờ gì và đặt hòm để liệm xác v.v…
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 16/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Ông quận trưởng Phong Điền cho mượn ngôi trường làm nơi đặt hòm
(TIẾP THEO)
Số tiền chi phí tính sơ sơ lên tới 2 triệu.
Trên đường trở về chùa Phước Hải nơi tôi sẽ nghỉ đêm với gia đình anh Châu, anh Châu tâm sự với tôi và có lẽ là lần đầu từ khi nghe anh nói về chương trình nhặt xác tôi thấy anh hơi mệt mỏi, cái mệt mỏi của một người trầm tĩnh và ít khi chịu lùi bước bó tay chịu trận, cái mệt mỏi có giá trị của một bước nghỉ chân để tập trung nghị lực mang nhiều tính cách tự thách thức và thách thức hoàn cảnh thay vì buông xuôi trong mòn mỏi.
Lẽ ra chương trình này phải được sửa soạn cả tháng trời, lần này tôi muốn thử xem với sự sửa soạn của một tuần lễ liệu kết quả sẽ đạt được bao nhiêu phần trăm.
Trên đường tới Đại Lộ Kinh Hoàng
Sau bữa uống trà buổi sáng bên hồ nước nhỏ trong chùa Phước Hải với thầy Đức Tâm về, sau khi phân công công vệc cho anh em phóng viên, anh Châu chỉ giữ lại có Đoàn Kế Tường gốc người QT để cùng chúng tôi tham dự chương trình nhặt xác trên đại lộ kinh hoàng.
Khi ghé quận Phong Điền để xem xét ngôi trường mà ông Quận trưởng có nhã ý cho mượn để đặt hòm trước khi tổ chức cuộc mai táng, chúng tôi nhận được lá thư của 1 nhân vật tại Huế cho biết người nhận diện “bị đau từ mấy hôm nay” nên không tới tiếp tay với chúng tôi được. Thực ra, đó chỉ là một lý do phụ.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 17/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Ông quận trưởng Phong Điền cho mượn ngôi trường làm nơi đặt hòm
(TIẾP THEO)
Người mà chúng tôi nhờ vả nằm trong một đảng phái địa phương. Có những uẩn khúc mà tôi không tiện nói ra trong bài nầy về sinh hoạt của các đảng phái chính trị địa phương ngay cả khi họ đứng trước những công tác hoàn toàn có tính cách xã hội và nhân đạo.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về phía Đại Lộ Kinh Hoàng sau khi nhận được lời hứa sẽ có 1 xe GMC ra lấy xác về Phong Điền vào lúc 12 giờ trưa.
Dọc đường, 1 cụ già râu tóc bạc phơ đón xe lại xin tháp tùng ra tìm xác con bỏ mình trên đoạn đường kinh hoàng, có lẽ trên đời này cái cảnh bi đát nhất vẫn là cảnh người già đi tìm xác con để mai táng. Vẫn biết là nước thường chảy xuôi. Song tôi vẫn nghĩ thế hệ người già ở VN hiện nay bi đát hơn bất cứ cảnh trạng nào của bất cứ người già nào, cái thế hệ mệnh danh là “thế hệ bị bỏ rơi, bị quên lãng” trên thế giới. Ở đây là sự bị bỏ rơi hoàn toàn trọn vẹn với tất cả những chua xót đau đớn của tuyệt vọng. Chúng tôi phải từ chối cụ già vì xe ngoài 3 chúng tôi ra còn có 6 người phu nữa nên không còn chỗ, hứa sẽ đem cụ theo trong chuyến trở về Huế chở hòm ra PĐ vào lúc 10g.
Len lỏi trong khu phố ngập bụi và đổ nát của Mỹ Chánh với đôi ba người đàn bà bới tìm trong đống tro tàn giương đôi mắt vô hồn khi xe chúng tôi đi qua, vượt qua cây cầu nổi bắc ngang sông Mỹ Chánh, chúng tôi đi 1 đổi nữa thì Đoàn Kế Tường cho tôi biết:
– Mình bắt đầu bước vào khúc đường đó rồi chị.
Từ xa, giữa vùng cát trắng cỏ úa lưa thưa, bóng dáng của những chiếc xe bị nạn phết thành những tảng đen trên bức tranh của đất trời mênh mông. Tôi tưởng như nghe thấy văng vẳng từ đâu đó 1 khúc nhạc bi thương đang từ từ chỗi lên… chỗi lên… cùng với hình ảnh của xe cộ cháy đen, áo quần vật dụng của dân chạy loạn rải rác khắp nơi phơi móc lẫn lộn với những xác người đã rữa nát khô queo hiện rõ dần trước tầm mắt cùng với tốc độ xe được giảm dần…
Tôi phải diễn tả ra sao cảnh ngộ đang bày ra trước mắt?
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 18/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Những người phu già mỗi người đốt một nén nhang khấn vái trước khi hốt cốt
(TIẾP THEO)
Tôi có thể nói rằng ngay cả một đạo diễn QT [quốc tế] lừng danh nhất cũng không thể nào dàn nổi một cảnh chiến tranh đầy đủ và [trọn] vẹn hơn cái cảnh ngộ tôi đang được chứng kiến. Tôi hiểu vì sao anh Châu cứ thúc tôi phải có mặt tại Huế bằng mọi giá để sửa soạn thâu trước một mớ hình ảnh cho một phim chiến tranh mà nhóm phim do một nhóm anh em văn nghệ và tôi chủ trương sẽ làm. Nhưng tôi đành bó tay vì sức vóc có hạn và vì những xúc động còn quá mới mẻ tinh khôi để cho phép tôi làm được cái gì ngoài việc mở mắt thật lớn mở mọi giác quan thật rộng để thâu lấy tất cả những kinh nghiệm của thời đại tôi…
Sau khi liên lạc với một đơn vị Dù trách nhiệm khoảng đường này để thông báo việc làm của chúng tôi, chúng tôi đổ đám phu và vật dụng cần thiết xuống đầu đường dẫn vào đại lộ kinh hoàng.
Những thủ tục lễ nghi đơn giản nhất đã diễn ra ngay sau đó. Hai trong số 6 người phu già mỗi người lấy 1 nén nhang đốt lên, rồi chia nhau mỗi người ở 1 bên quốc lộ vái 4 phương 8 hướng niệm hồn người chết cho phép họ hốt hài cốt về mai táng cho trọn vẹn tình nghĩa con người đối với nhau. Giữa đất trời mang mang với cái bối cảnh bi thương cùng tận đó, dù không có ý kiến và chẳng quan tâm tới sinh hoạt của thế giới bên kia, tôi cũng không khỏi xúc động đến độ muốn khóc…
Đoàn người bắt đầu bắt tay vào việc. Ba xác chết được moi móc vun quén lại bỏ vào 3 bọc ni lông sau khi anh Du, 1 đàn em của anh Mai ghi mọi chi tiết cần thiết vào một cuốn vở học trò có đánh số thứ tự hẳn hoi. Công việc không đơn giản vì có xác đã bị cát vùi sâu xuống đất và vì kinh nghiệm những người phu quyết không để sót lại dù 1 đốt xương dù nhỏ nhất của kẻ quá cố.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 19/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Những người phu già mỗi người đốt một nén nhang khấn vái trước khi hốt cốt
(TIẾP THEO)
Nhìn họ làm công việc nhặt xác một cách thận trọng nhường ấy, tôi không khỏi ví họ với những nghệ sĩ chân chính đã không làm thì thôi mà làm thì phải làm cho tới chốn.
Người đàn bà áo trắng chấp chới giữa quãng đồng không mông quạnh.
Để tôi có cái nhìn toàn diện về khúc đường Kinh Hoàng, anh Châu và Tường đưa tôi lên tận ngả ba đi Hải Lăng.
Đây quả là cuộc diễn hành bi thảm lần đầu tiên trong đời tôi được tham dự.
Anh Châu chợt đập vào vai tôi và chỉ về phía tay mặt. Giữa cảnh đồng không mông quạnh đầy cỏ cháy và vật dụng của dân chạy loạn, bóng một người đàn bà mặc áo trắng chấp chới như một cánh bướm ma quái đi tìm xác người thân. Tôi tưởng như nhìn thấy rõ ràng khuôn mặt tuyệt vọng của người đàn bà và khúc hát của Trịnh Công Sơn như vang vang đâu đó: “Mẹ già lên núi tìm xương con mình”… Tôi tự hỏi người đàn bà đã làm cách nào vào lọt khoảng đường XXX {báo đã mờ, không đọc được là chữ gì. Đề nghị dùng […] } cấm dân sự trừ báo chí này?
Xe dừng lại bên một toán lính đứng vây quanh một xác đã rữa nát, những khúc xương ngập một nửa xuống mặt cát ẩm, bộ đồ lính còn nguyên nhưng có lẽ nếu đụng tới lớp vải sẽ mủn vữa ra, đầu xác chết gối lên một vật gì đó như một khúc cây. Xác chết nằm ngửa, hai tay hai chân dang ra trong một thế nằm thoải mái, thanh thản.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 20/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Những người phu già mỗi người đốt một nén nhang khấn vái trước khi hốt cốt
(TIẾP THEO)
Dường như anh ta đã bị thương và một thời gian sau đó mới chết. Tôi có cảm tưởng thế khi nhìn thế nằm như nghỉ ngơi, dưỡng sức của anh ta. Toán lính đang sửa soạn đưa anh ta về chôn cất. Bên cạnh đó, một chiếc băng ca đã đặt sẵn.
Dùng mũ sắt làm búa đóng cọc đánh dấu chỗ chôn xác con
Xe đi một quãng nữa giữa những xác xe cộ ngổn ngang và xác người, chúng tôi gặp 1 người đàn ông đang dùng 1 cái mũ sắt làm búa đóng cây cọc sắt trên mộ phần của 1 người thân. Đoàn Kế Tường nhận ra người tài xế xe lam ở tỉnh nhà nên vẫy lại hỏi thăm. Nét đau khổ đã biến khuôn mặt sạm đen nhếch nhác mồ hôi thành bất động. Cái bất động của một pho tượng có hồn khí.
– Xác ai vậy anh?
– Con tui. Ba đứa chết cả ba. Một đứa chết bom hồi chạy loạn. Đứa ni tui mới tìm ra, chôn tạm đó chờ khi mô yên về cải táng lại. Còn đứa nữa bị thương đem về tới Đà Nẵng cũng chết luôn.
– Làm sao anh ra được đây?
– Tui đi nhờ xe của nhà báo. Chút trở lui cho tui quá giang về Huế nhé.
Chúng tôi gật, trả người đàn ông đau khổ về với phần mộ đơn sơ của đứa con bất hạnh.
Dọc đường, nhiều nấm mộ được chôn cất vội vàng với những cách làm dấu đủ loại. Điều đó chứng tỏ đã có nhiều người đánh dấu mộ bằng cách này hoặc cách khác để đi tìm xác người thân chôn cất vội vàng rồi lại trở vô Huế hoặc Đà nẵng chờ yên bình hơn để về cải táng.
NGÀY MAI: Cuộc pháo kích bắt đầu trên đầu đoàn người nhặt xác
Sóng Thần ngày 21/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Địch pháo như mưa lên đầu đoàn người đi hốt xác khiến một bác phu… đào ngũ
(TIẾP THEO)
Có nhiều tiếng nổ mà kinh nghiệm cho biết không phải của ta bắn đi. Chúng tôi vội vã trở lại vị trí nhặt xác để trấn an mấy người phu hốt xác.
Khi xe về tới nơi, chúng tôi đụng với một toán quân Dù đang từ căn cứ cách quốc lộ khoảng 1cs về phía núi rút ra quốc lộ. Pháo Cộng đuổi theo tới tấp làm 2 binh sĩ bị thương. Đoàn phu hốt xác ngưng tay, vẻ kinh hoàng lộ ra trên nét mặt.
Anh Châu chụp lên đầu tôi cái nón sắt nặng như cùm làm đầu tôi muốn gục xuống và hối tôi rời xe chạy về bên kia quốc lộ. Viên chỉ huy toán lính Dù yêu cầu chúng tôi tiến vào phía trong quốc lộ và tìm chỗ nấp tránh pháo.
Pháo mỗi lúc một rơi mau. Tường nắm tay kéo tôi vào 1 hố cát. Không may đó là hố cát chứa đạn. Chúng tôi bèn rút sang một cái hố bom B52 ở cách đó vài thước. Hại thay trong lòng hố bom lại nằm sẵn 1 trái bom bi. Chúng tôi ngồi ở thành dốc của hố với 5 người phu còn lại sau khi người phu thứ sáu vì quá sợ hãi đã xách nón ra giữa quốc lộ chặn 1 cái xe Jeep vừa chạy qua tế như tế sao để xin quá giang về Huế. Thế là có một kẻ đã đào ngũ. Những câu chuyện đùa cợt được anh Châu đem ra kể để trấn an nỗi sợ của những người phu còn lại. Một vài miểng pháo rơi xuống xung quanh có lúc chỉ cách lưng tôi có 1 thước.
Khi pháo đã ngớt, chúng tôi kéo vào phía trong độ chục thước nấp sau một mô cát và chờ đợi.
Có người thúc, về Huế cho rồi.
Tường nói gần như nạt:
– Tôi có kinh nghiệm chiến trường nhiều. Ra khỏi chỗ nấp lúc này là lãnh đủ cho coi.
Bữa ăn trưa thanh đạm gồm bánh mì chả và nước lọc được giải quyết nhanh chóng tại chỗ.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 22/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Địch pháo như mưa lên đầu đoàn người đi hốt xác khiến một bác phu… đào ngũ
(TIẾP THEO)
Khoảng 1g sau, chúng tôi mon men đi lại gần quốc lộ nơi toán quân dù đang ngồi nghỉ. Vừa ra tới nơi, pháo lại bắt đầu mặc dù trước đó B52 đã làm một vòng bên trên vị trí đặt ổ pháo của chúng và hỏi thăm tận tình. Tiếng gọi máy tới tấp của viên sĩ quan truyền tin cho thấy tình hình có thể còn lâu mới bình thường lại. Chúng tôi thu xếp đồ đạc về Huế với vỏn vẹn vài xác thu lượm được.
Buổi sáng hôm nay, đoàn người nhặt xác phải nghỉ một ngày vì tối hôm trước trời mưa, đám phu ngại khí độc bốc lên có thể bị phung. Một tin vui cho chúng tôi là các bà bán hàng tại chợ Đông Ba sẵn sàng đóng góp tiền bạc cho chương trình nhặt xác này.
Tôi cũng rời Huế hôm đó vì có tin từ Saigon gọi về để ra toà ký cả chục bản kháng án những vụ báo tịch thu.
Tôi viết những giòng này để nói lên tình của người sống đối với người chết, để nói lên niềm đau thương của người dân miền địa đầu hết gặp thiên tai bão lụt lại gặp chiến tranh bom đạn, để nói lên sức chịu đựng vô bờ của người dân Việt.
Trong sự khổ đau nào cũng chứa sẵn một nụ hoa sẽ nở và mùi hương kỳ diệu. Tôi tin tưởng mãnh liệt như thế trên đường trở về Saigon…
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 23/07/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Một quan niệm hết sức dân tộc: “Sống mái nhà, thác nấm mồ”
(TIẾP THEO)
Niềm câm lặng của những người chết
Liền sau khi thu xếp một số công việc ở Saigon xong, tôi bay ra Huế lại sau khi tạt qua Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Cùng đi với tôi từ Quảng Ngãi có anh bạn thi sĩ Phan Nhự Thức – 1 người hoạt động khá tích cực cho QN Nghĩa Thục.
Có một sức lôi cuốn mãnh liệt đối với tôi đến không thể không trở lại Huế, nơi mà những người anh em của tôi đang làm cái việc chẳng ai buồn làm, nếu không nói là “dở hơi” như 1 vị đại biểu khả kính nào đó đã tuyên bố 1 cách hết sức… nhân đạo là: “lo cho người sống còn chưa xong huống hồ là…” như 1 cách để trấn an lương tâm! Tôi cũng không quên câu anh Phạm Văn Lương nói với tôi lúc tôi ghé qua Đà Nẵng: “Hãy nhìn việc nhặt xác dưới khía cạnh tình cảm. Và người sống đã có nhiều người lo và họ nói lên được nguyện vọng của họ trong khi người chết thì câm lặng. Hơn nữa, dù họ chết rồi nhưng họ vẫn là người VN và người VN thì vốn quan niệm sống thì có thể sao cũng được nhưng chết phải có một nấm mồ.”
Vì sự lầm lẫn kỹ thuật, 2 trường hợp thân nhân người chết nhận lộn xác
Vừa thấy tôi, anh Châu đã trách:
– Trong Saigon sắp chữ sao mà để lộn số tùm lum. Có ông nọ dò theo báo tới nhận cái hòm số 10 thay vì số 4 rồi phủ phục xuống khóc như mưa gió trước cái hòm đó, tới chừng mở nắp ra thì không phải xác thân nhân mình.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 25/07/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Một quan niệm hết sức dân tộc: “Sống mái nhà, thác nấm mồ”
(TIẾP THEO)
Mọi người phì cười. Tôi bảo anh Thức:
– QNNT còn đang đi xin thấy mồ đi mà còn bày đặt đóng góp!
Tuy vậy, mọi người vẫn có vẻ cảm động trước đề nghị của anh Thức.
Quả thực đã có lúc tôi tự trách sao với 3 ngày ở Saigon dù bận rộn nhưng đã không tích cực lưu ý anh em Saigon phát động chiến dịch “Đắp Nấm Mồ Yên Nghỉ” đúng hơn.
Mới đặt chân tới Huế mà sao tôi nôn nóng về ngay Saigon để trình bày tất cả cái khó khăn về mặt tài chính của anh em ST Huế bên cạnh những khó khăn khác mà họ đã được biết.
Có nhẽ, phải thành thật mà nói rằng, trừ những người đã được chứng kiến tận mắt cảnh đồng bào Quảng Trị đã chết thảm ra sao trên bước đường chạy loạn, chứng kiến không phải bằng đôi mắt báo chí có tính cách chuyên nghiệp, mà bằng đôi mắt của kẻ mang nặng tình tự dân tộc, còn đối với đa số công việc “nhặt xác” ít nhiều là chuyện “nghe xong bỏ đấy”. Vả lại, làm sao trách tha nhân thờ ơ được khi chưa có một khơi dậy thích đáng!
Tôi cũng cảm thấy nóng ruột trong lòng thành phố Huế cổ kính rất trầm lặng với đôi ba lần trong ngày bị đánh thức bởi hàng loạt pháo kích của CQ.
Tái ngộ “Đại lộ kinh hoàng”
Sáng hôm sau sau bữa cơm hến, món ăn đặc biệt Huế, chúng tôi gồm 6 người cùng 6 người phu đáp chiếc xe Dodge mượn được của Quân Nhu lên đường rời Huế đi về phía Đại lộ kinh hoàng để tiếp tục công cuộc nhặt xác. Trời mưa nhỏ.
ĐK Tường dặn tôi:
– Lát nữa chị đừng xuống bãi nữa nghe. Trời mưa thế này nguy hiểm lắm…
Tôi cười thay câu trả lời
Chúng tôi ghé lại quận Phong Điền vào ngôi trường mượn đỡ để để xác đồng bào Quảng Trị xấu số.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 26/07/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Trong một phòng học chứa trên 30 áo quan lớn nhỏ và cả trăm bọc nylon hài cốt.
(TIẾP THEO)
Phía trước hàng rào kẽm gai xiêu của trường có treo 1 cái băng đờ rôn trắng kẻ chữ đỏ với dòng chữ vì vội vàng nên có 1 sơ xuất lớn về phương diện ý nghĩa của danh từ và anh em thường đem ra nói đùa với nhau những khi quá mệt nhọc.
Sở dĩ không thể kẻ lại cái băng đờ rôn khác cũng chỉ vì thiếu tiền. Đành cứ tủm tỉm cười một mình mỗi khi đọc hàng chữ: “Chương trình nhận diện và chôn cất đồng bào chiến nạn Quảng Trị do nhật báo ST và thân hữu thực hiện.”
Chiếc Dodge tiến thẳng vào sân trường. Mùi nồng nặc từ trong các lớp học xông ra. Chúng tôi phải hút thuốc để trấn át mùi hôi. Nơi hành lang dãy vào phòng học đối diện với cổng trường: một bàn thờ đã được bày sẵn có lẽ là do thầy Đức Tâm thực hiện. Trong một phòng học, khoảng trên 30 cái áo quan thô sơ lớn nhỏ đủ cả, phòng kế bên là cả trăm bọc nylon chứa hài cốt đồng bào được xếp trên những chiếc bàn học chờ vô hòm. Trong khi NgyThanh hết đi quanh quanh giữa những chiếc bàn trên đặt các hài cốt lại ra hành lang kẻ những dòng chữ chỉ dẫn thân nhân người chết lên tường, tôi và ĐK Tường đứng ở hành lang nhìn người đàn ông tay cầm cây nến tay cầm nén nhang vừa đi theo sau một cái quan tài vừa được khiêng từ trong phòng ra lên 1 chiếc GMC vừa khóc hu hu. Người chết là một quân nhân.
Chiếc GMC rời khỏi trường học tiến ra phố quận đổ nát hoang tàn. Tôi tự hỏi 1 cách lẩn thẩn và chua xót một mai, khi bình yên rồi, những em nhỏ trở lại trường ngồi nơi những chiếc bàn đã 1 thời dùng để đặt những hài cốt nọ, các em sẽ nghĩ gì sẽ cảm thấy sao nếu có ai bảo cho các em biết điều đó?
Trong sân trường, anh Châu vừa tiếp xúc với những đồng bào đến nhờ anh tìm hộ tên này tên nọ, vừa trao đổi câu chuyện với mấy sĩ quan Quân nhu lo về Chung Sự. Họ cử một toán lính và 1 GMC đi theo phái đoàn chúng tôi để chở xác về Phong Điền.
Đoàn người rời quận Phong Điền lên đường, bỏ lại phía sau những khuôn mặt khổ đau chất phác của những người bỏ cả công ăn việc làm để đi tìm xác thân nhân. Mỗi ngày họ đón đọc báo ST để dò tìm thân nhân nơi danh sách thi hài nạn nhân chiến cuộc. Họ đặt hết hy vọng vào những chuyến đi nhặt xác của anh em ST/Huế. Người chết thì quá nhiều và rải rác khắp nơi.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 27/07/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Trong một phòng học chứa trên 30 áo quan lớn nhỏ và cả trăm bọc nylon hài cốt.
(TIẾP THEO)
Từ Quảng Trị đến cầu Trường Phước qua Hải Lăng trong khi khả năng, hoàn cảnh của anh em ST Huế thường không vượt quá 1cs cách QL1! Căn cứ vào những lời thuật lại về cách nằm chết và vị trí của các nạn nhân của anh em và những người phu, có thể nói là những người chết trên Đại lộ kinh hoàng thường không chỉ chết một lần và được chết tức khắc hoặc chết lần chết mòn chết khô chết héo sau khi bị thương hoặc chết ngay song sau đó lãnh thêm ít bom hay pháo.
Những người lính QC đã quen mặt phái đoàn hốt xác nên không còn chặn lại xét hỏi hay gạn lọc những người không phận sự mặc dù ngoài mấy người phu hốt xác, xe chúng tôi vẫn chở thêm 1 đôi thiếu niên vừa đi theo để tìm xác thân nhân vừa tiếp tay anh em ST ghi những chi tiết về các xác chết.
Trời mưa lất phất khi đoàn xe dừng lại trong con phố đổ nát của Mỹ Chánh chờ bơm phao cầu nổi.
Qua khỏi cầu Mỹ Chánh, tới cầu Trường Phước bước vào Đại Lộ Kinh Hoàng [2] đã gần như trở thành hoài niệm vì xác xe đã được kéo đi gần hết cùng với những xác người được anh em ST Huế hốt mang về Phong Điền trên đường chỉ còn lại những mảnh áo quần và vật dụng của dân chạy loạn đang bị gió thổi cát khoả lấp dần. Chúng tôi qua khỏi Cầu Dài và đoàn người hốt xác bắt đầu túa xuống hai bên đường đi đào và hốt xác đồng bào dưới những tiếng đạn pháo kích xẹt qua bên trên đầu.
Thoắt cái, khoảng 1 tiếng sau, gần 10 xác chết được bọc trong bao nylon cột lại kỹ càng xếp dài ở một mé quốc lộ. Để tránh làm mục tiêu cho cộng quân pháo từ phía Đông Hà ra, anh Châu lưu ý mọi người đừng đứng dính chùm một chỗ trên quốc lộ. Một người phu đem lại cho Tường tấm thẻ kiểm tra tìm thấy trên một xác chết thiếu nữ mất chân, có tiếng 1 trong 2 thiếu niên đi theo chúng tôi kêu lên giọng như khóc:
– Đây là bà Chị tôi!
Nói rồi anh ta mếu máo chạy tới bên một bọc ny lông bên đường. Một chiếc xe Jeep dừng lại và 2, 3 sĩ quan cấp tá bước xuống, mũ sắt áo giáp nai nịt kỹ lưỡng.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 28/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Đồng bào lết vào trong miếu với hy vọng thần linh che chở để rồi chết ở đó
Anh Châu giới thiệu chúng tôi với nhau và tôi được biết viên Tr. tá ở bên Quân Nhu coi về Chung Sự. Chiếc áo giáp che khuất bảng tên của ông. Ông ta vừa từ phía La Vang về và cho chúng tôi biết có khoảng 5, 6 xác chết nằm trong chiếc miếu ven đường. Có lẽ những người này đã bị thương và giữa cảnh bãi cát mênh mông và dưới cơn mưa bom đạn, họ đã lết vào trong miếu với 1 hy vong mong manh được thần linh che chở cho tai qua nạn khỏi để rồi chết rục trong đó. Ông nói như thể việc hốt xác như là… của độc quyền anh em ST Huế, kể cả xác quân nhân.
Gió thổi mạnh đôi khi át cả tiếng départ của pháo cộng và cũng đôi khi làm chúng tôi tưởng lầm là tiếng départ của pháo cộng. Anh Châu hối phu làm mau cho xong đoạn đường này để rời xa cây cầu vốn là một trong những mục tiêu của pháo cộng.
Viên Tr. tá Chung Sự nói với tôi:
– Bà không sợ những xác chết này hay sao? Nhà tôi mà thấy là bả xỉu liền.
Tôi “dạ” một cách vu vơ và cười. Tôi có nhiều cái khác để sợ hơn là sợ những người đã không còn có thể nói lên nguyện vọng thiết yếu cuối cùng của 1 đời người rằng: “Chúng tôi cần một nầm mồ để yên nghỉ giấc ngàn thu”. Tôi thực không hiểu mấy ông bên Chung Sự làm sao có thể chỉ đi tìm xác quân nhân giữa đống xác của bao nhiêu người bất hạnh khác, trong đó có cả trẻ con? Nhưng dường như họ cũng chỉ cho chúng tôi mượn phương tiện chuyên chở duy nhất và phó mặc luôn cả phần vụ lượm xác quân nhân cho đám phu chúng tôi mướn, mướn bằng số tiền cầm xe Honda của anh Châu.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 29/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Đồng bào lết vào trong miếu với hy vọng thần linh che chở để rồi chết ở đó
(TIẾP THEO)
Viên Tr. tá nói gì đó và tôi hỏi lại.
– À vâng… Việc này bên Chung Sự làm một mình không xuể cũng như một mình ST chúng tôi làm không xuể. Tôi đồng ý với Trung tá là phải có sự hợp tác…
Anh Châu tới bên chúng tôi dù đôi mắt vẫn trông chừng đám phu để họ không lượm đồ cũng như để họ không bỏ sót dù một mẩu xương nhỏ của người chết. Tôi nghe tiếng viên Trung tá nói giữa tiếng départ của pháo cộng từ trong phía Đông Hà bay chéo qua quốc lộ lẫn trong tiếng rít của gió.
– Chiều nay anh cho phép mấy người bên tôi qua trường nhận mấy xác quân nhân về?
– Dạ được, Trung tá…
Xong, ông quay qua tôi nói hân hạnh được quen biết rồi cùng các sĩ quan tháp tùng lên xe và người tài xế mở hết tốc lực lao xuống con dốc dẫn tới cây cầu nổi bắc thế Cầu Dài đã bị giật sập để về Huế.
Anh em ST quay về với công tác của mình. Trời vẫn lất phất mưa. Từ Cầu Dài lên tới La Vang chỉ có nhóm anh em chúng tôi và những người phu. Thỉnh thoảng một chiếc xe nhà binh xả hết tốc lực chạy trên đường về phía QT hoặc từ QT về Huế tạo cho bầu không khí một vẻ căng thẳng ngột ngạt. Pháo cộng vẫn thỉnh thoảng rít trên đầu. Anh Châu nhìn theo hướng pháo rồi nói:
– Khéo không lát nữa không có cầu mà về
Một trái pháo rơi trúng nơi có lẽ là chỗ đặt thuốc nạp ở khoảng cầu Trường Phước làm một cột lửa bùng lên và không có tiếng nổ tiếp theo.
Chúng tôi gặm bánh mì phía sau một mô đất thấp và kết thúc bữa ăn trưa mau chóng sau đó. Chiếc GMC của Chung Sự không còn đi theo chúng tôi nữa. Không biết họ còn nằm ở Cầu Dài không hay đã dông về Phong Điền.
Sau khi thu nhặt những xác trong và xung quanh ngôi miếu nhỏ cách nhà thờ La Vang hơn cs, NgyThanh được chỉ thị lái chiếc Dodge về Cầu Dài gọi chiếc GMC lên. 15 phút sau Thanh trở lại cho biết họ đã chở những xác nhặt được ở Cầu Dài về Ph Điền. Anh Châu lộ dáng bực dọc, gọi mọi người lên đường về. Thế là với 1 chiếc Dodge chúng tôi cả thảy trên 20 mạng, 1 nửa sống, 1 nửa chết chồng chất lên nhau đi về Phong Điền. Lúc đó đã 3g chiều. Trời vẫn mưa lất phất và có mầu chì khiến khó mà phân biệt thời gian nếu không nhìn đồng hồ.
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 30/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Đồng bào lết vào trong miếu với hy vọng thần linh che chở để rồi chết ở đó
(TIẾP THEO)
Hình ảnh người cha già Việt Nam: Hết đi tìm con tại các quân y viện lại đi tìm xác con trên Đại lộ Kinh Hoàng
Với non 200 xác do anh em ST Huế nhặt được tính đến ngày 15-7-72 có tới non 50 xác quân nhân. Dầu sao thì với sự tiếp tay về chôn cất của ban Chung Sự quân đội chúng tôi cũng bớt được phần nào gánh nặng. Chúng tôi xin ghi nhận điều này dù rằng đó là bổn phận của ban Chung Sự.
Vừa về tới trường tiểu học Phong Điền anh Châu đã bị bao vây bởi đám đồng bào đợi sẵn ở đó. Những câu hỏi vừa ngớ ngẩn vừa bi thảm:
– Ông có thấy xác con tôi không?
– Ông có nhặt được xác chồng tôi không?
Họ tranh nhau dò trong cuốn vở nhận diện. Rồi thỉnh thoảng có tiếng kêu lên:
– Nè, thằng con tui nè! Đúng nó rồi chớ còn ai nữa!
Rồi họ tách ra chạy tới bên chiếc Dodge ngó chằm chặp vào từng bao ny lông đang được chuyển xuống đưa vào lớp học.
Sau khi khuyên đồng bào lại trụ sở của uỷ ban đặt ở 20 Đống Đa Huế để dò trong bảng danh sách đặt tại đó mỗi ngày để biết chắc rồi hẵng ra Phong Điền cho đỡ mất thì giờ, anh Châu ra quán nước trước cổng trường ngồi uống nước với chúng tôi. Tôi nói với anh:
– Sao anh không nhờ Hồng Thập Tự hay Hướng Đạo cho người tới tiếp tay với anh, ít là trong việc tiếp xúc và giải thích cho đồng bào? Cả ngày ở ngoài bãi, về đây lại phải tiếp xúc, giải thích này nọ, sức vóc nào chịu nổi?
Anh đáp:
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 31/7/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Đồng bào lết vào trong miếu với hy vọng thần linh che chở để rồi chết ở đó
(TIẾP THEO)
– Cả 2 nơi đó hầu như chẳng còn ai. Và tôi có dặn đồng bào cứ đến 20 Đống Đa Huế xem danh sách trước, có tên thân nhân thì hẵng ra nhận xác
Nói cho cùng thì đa số những xác nằm trong trường tiểu học Phong Điền đều vô thừa nhận. Vì vậy, anh Châu dự trù sẽ làm lễ mai táng tập thể khi nào có đủ hòm. Khi nào có đủ hòm có nghĩa là khi nào có tiền.
Vừa lúc đó, một người đàn ông nhà quê luống tuổi tới bên chúng tôi rụt rè hỏi:
– Mấy anh có thấy xác con tôi đâu không?
Đoàn Kế Tường đưa ông ta cuốn vở nhận diện để ông ta dò. Nét thất vọng lộ rõ trên khuôn mặt sạm đen. Sau khi ông già dò hết cuốn vở, ông ta trả lại cuốn vở nhầu nát nói như than với đứa con không biết sống chết nơi nao:
– Thiệt khổ cho tui. Hồi hắn còn sống đi lính thì tui đi tìm hắn ở các quân y viện, nay đồ chừng hắn đã chết trong đợt rút lui khỏi Q Trị, tui đi tìm xác hắn. Cả tháng nay rồi.
Tường ngước nhìn ông già:
– Thằng đó đi lính gì vậy bác?
– Hắn lính sư đoàn 3.
– Tôi cũng ở SĐ 3, có thể biết hắn. Hắn tên chi đó bác?
– Lê Lý.
– Thằng đó chạy với tôi. Tôi biết nó mà.
Mắt người cha sáng lên:
– Anh biết nó?
– Thì nó chạy cùng với tôi. Tới Hải Lăng thì tôi không thấy nó nữa. Nếu nó chết thì chết ở mạn đó. Tụi tôi chưa tới hốt xác ở đó vì lý do an ninh.
Giọng Tường nhanh và bình thản như nói tới một chuyện hết sức bình thường. Trong nhóm anh em ST đồng tuổi 24, Tường bị coi là “sữa” nhất vì mập nhất, nhưng lại nhiều [?] nhất. Và có lẽ vì sống nhiều, trong đó có lần bị VC bắt giam tưởng bỏ mạng trong khi rút lui khỏi Quảng Trị, nên anh ta có vẻ chai dạn lì lợm. Tôi tưởng như Tường là hiện thân của tuổi trẻ VN bị già trước tuổi quá nhiều.
Người cha cám ơn – chẳng biết là cám ơn cái gì? Vì Tường đã cho biết con ông nằm chết ở đâu chăng? – rồi lúp xúp đi ra khỏi quán, cái cổ như rút vào giữa hai bờ vai gầy…
NGÀY MAI:
Thêm một ngày nghỉ vì hết tiền
Sóng thần ngày 1/08/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Đồng bào lết vào trong miếu với hy vọng thần linh che chở để rồi chết ở đó
(TIẾP THEO)
Hôm đó là thứ 7, ngày 15/7, mọi người xem ra đều mệt mỏi, muốn có 1 ngày nghỉ. Anh Châu cười buồn:
– Không nghỉ cũng phải nghỉ vì 2 lẽ: cần tổ chức văn phòng ở 20 Đống Đa Huế để tiếp xúc đồng bào và… vì hết tiền.
Tôi cảm thấy ngột ngạt khó chịu khi sau bữa cơm tối, anh Châu bảo nếu cần anh sẽ bán rẻ miếng đất của anh trị giá 1.000.000đ để công tác được hoàn tất.
Đêm hôm đó tôi nuôi ý định về Đà Nẵng ngày hôm sau để cầu cứu anh Phạm Văn Lương trong khi chờ đợi chiến dịch quyên góp được phát động từ Trung ương. Vì không tin là mình thành công trong chuyến về Đà Nẵng nên tôi không dám thông báo mục đích của chuyến đi với anh Châu mặc dù sự ngạc nhiên nơi anh khi nghe tôi đòi rời Huế sớm hơn dự định.
Đi Đà Nẵng xin viện trợ: Một kết quả bất ngờ và cảm động
Cùng đi với tôi về Đà Nẵng có Đoàn Kế Tường.
Vừa nghe chúng tôi trình bày khó khăn của Huế, mặc dù đang nhức đầu đến nỗi phải bỏ cả cơm tối, sau khi nốc 4 viên APC, anh Lương lấy xe chở chúng tôi đến gặp vợ chồng ông Lượng, một thương gia người Quảng Bình di cư vào Đà Nẵng hồi 54 để nhận số tiền 20.000đ mà bà Hiền gọi là đợt đóng góp đầu tiên của Hội Phước Thiện Bảo Sanh ĐN mà bà làm đại diện. Kế đó anh Lương đưa chúng tôi tới gặp dược sĩ Nhân để thảo luận một kế hoạch quyên góp tiền mua áo quan cho những đồng bào Quảng Trị xấu số.
Liền đó, mặc dù giờ giới nghiêm bắt đầu, chúng tôi làm một cuốn sổ đi quyên tiền. Tôi biên vội một lời kêu gọi và cùng với anh Lương ký tên rồi kéo cả một phái đoàn đi gõ cửa của các thân hữu của hai anh Lương và Nhân. Tối hôm đó chúng tôi quyên được sơ sơ gần 100 ngàn. Kế Tường lộ vẻ vui khi nghĩ ngày mai về Huế với 1 món tiền để nhóm anh em ngoài đó “cầm hơi”.
Rồi cả ngày hôm sau anh dược sĩ Nhân với sự tiếp tay của ông Ng. Gia Thuỵ, 1 thương gia có tiếng ở Đà Nẵng và cũng là người đã đứng ra tổ chức cứu trợ cho đồng bào hồi cư trước 1954 ở Hà nội, cùng với Đoàn Kế Tường đi quyên được khoảng 200.000đ.
Buổi tối vừa ở bệnh viện về, anh Lương chép lại lời kêu gọi vào một cuốn sổ khác và đi quyên thêm bỏ cả cơm tối trước cái nhìn thầm lặng và chịu đựng của chị Lương bên mâm cơm.
Kết quả thật phấn khởi: số tiền quyên được lên tới 300 ngàn!
(Còn tiếp)
Sóng Thần ngày 3/08/1972
NHẬT BÁO SÓNG THẦN VÀ CÁC THÂN HỮU VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐI NHẶT XÁC DÂN CHIẾN NẠN TRÊN “ĐẠI LỘ KINH HOÀNG”
Bút ký TRÙNG DƯƠNG
Đồng bào lết vào trong miếu với hy vọng thần linh che chở để rồi chết ở đó
(TIẾP THEO và HẾT)
Tôi bỗng cảm thấy phấn khởi, vì nếu cứ cái đà này, có lẽ chúng tôi không phải nhờ tới chính quyền vốn quá nhiều…rùa trong hệ thống hành chánh.
Người dân Việt, trên một khía cạnh nào đó, chưa phải là đã chai sạn thản nhiên đến lạnh lùng sau mấy chục năm sống trong khói lửa, thiên tai triền miên nhiều người quen nghĩ như thế.
Tôi vẫn thực sự không hiểu tại sao, với 1 đất nước chiến tranh và thiên tai triền miên, như nước ta mà vấn đề cứu trợ chỉ có tính cách tạm bợ do các sự đóng góp tuỳ tâm thay vì có một quỹ riêng biệt và 1 chính sách thuộc loại quốc sách hẳn hoi?
Một độc giả ST: ST đang làm một cái việc tích đức cho mai hậu
Tôi trở về Saigon giữa bầu không khí xúc động của toà soạn khi nhận được những hưởng ứng đóng góp của độc giả ST sau khi chiến dịch “Đắp một nấm mồ yên nghỉ cho đồng bào nạn nhân chết trên đại lộ kinh hoàng” được phát động. Một trong những câu chuyện cảm động nhất là câu chuyện về 1 người đàn bà không biết chữ, đi bộ từ Chợ Lớn xin góp 1000đ chỉ vì nghe có người nói về chiến dịch trên của ST.
Chúng ta không cô đơn, tôi muốn kêu to lên như thế với anh em ST ở Huế. Và tôi cũng muốn lặp lại với anh em lời của 1 người bạn, rằng: “Các anh chị đang làm những việc tích đức”. Nếu quả thật việc làm hiện nay của chúng tôi đưa đến kết quả đó thật, chúng tôi xin dành cái đức ấy cho thế hệ tôi và những thế hệ tới nữa, để họ không phải sống trong 1 thời đại kinh hoàng như thời đại chúng tôi hầu có thể nghĩ tới việc dựng xây thay vì chỉ làm được việc hàn gắn vá víu tuy cần thiết nhưng thật nhỏ nhoi trong hiện tại giữa một đất nước bị vây bủa bởi ngàn vạn vấn đề lớn.
Chú thích khi in lại tư liệu này:
[1]. Lim Thanh Vân, năm 2018 đang nghỉ hưu ở California, vẫn còn liên lạc qua Facebook với NgyThanh (Ghi chú của NgyThanh).
[2]. Đúng ra, từ Huế đi về hướng Quảng Trị, Đại lộ Kinh hoàng bắt đầu từ cầu Bến Đá và kết thúc ở cầu Trường Phước (ghi chú của NgyThanh).
Tư liệu 2
Trùng Dương thực hiện
Quảng Trị Mùa Hè Đỏ Lửa 1972
Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’
Lời giới thiệu:
Do nhu cầu ghi lại lịch sử trung thực cho các thế hệ tương lai, chúng tôi thực hiện những bài viết này. Loạt bài bên dưới do bốn người — nhà văn Giao Chỉ, ký giả và phóng viên nhiếp ảnh Ngy Thanh, Trùng Dương và Nguyễn Kinh Châu — viết từ bốn góc nhìn về những thời điểm khác nhau, song cùng một chủ đề: “Đại Lộ Kinh Hoàng”, nơi gần 2.000 con người chạy loạn đã bị Cộng quân pháo kích chết thê thảm, không bút nào tả siết, vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi Cộng quân từ phía bắc xua quân và chiến xa tràn qua sông Bến Hải đánh chiếm Quảng Trị, trắng trợn vi phạm Hiệp Định Ngừng Chiến Genève 1954. Tôi mạn phép sắp xếp bài theo thứ tự thời gian của các biến cố: 1) Nhân chứng sống, cựu Trung sĩ Phan Văn Châu, người đã trải qua và chứng kiến tận mắt cảnh đồng bào bị pháo kích Cộng sản tàn sát trên cái mà 2) phóng viên chiến trường của nhật báo Sóng Thần, Ngy Thanh, đã đặt tên là “Đại Lộ Kinh Hoàng” sau khi anh và đồng nghiệp Đoàn Kế Tường trở thành hai người đầu tiên đặt chân lên đoạn đường này hai tháng sau cuộc tàn sát, 3) Chương trình hốt xác đồng bào tử nạn trên ĐLKH do nhật báo Sóng Thần phát động, và 4) Chương trình hốt xác đồng bào chiến nạn tiếp tục kéo dài thêm bấy tháng nữa (do Nguyễn Kinh Châu kể qua điện thoại và Ngy Thanh ghi).
Kể từ khi bài do bốn người viết này được phổ biến trên tạp chí Thời Báo (Houston) số ra ngày 20 tháng 11, 2009, tr. 54-109, chúng tôi đã sưu tầm thêm được một số thông tin và tài liệu liên quan đến đoạn đường đau thương này, kể cả bài ký sự của Trùng Dương ghi lại giai đoạn đầu của công cuộc hốt xác nạn nhân ĐLKH vào mùa hè 1972, đăng nhiều kỳ trên nhật báo Sóng Thần. Phần hình ảnh và chú thích của loạt bài này cũng đã được cập nhật bên duới. Riêng nội dung của bốn bài viết vẫn được giữ nguyên.
– Trùng Dương
[2009, 2022]
Người nhân chứng qua đêm trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’
Giao Chỉ
San Jose
Khi đi tìm nhân chứng của một chiến trường hết sức oan nghiệt và thê lương, hết sức dũng mãnh và hào hùng, tôi vẫn không quên đoạn đường đầy xác người trên Quốc Lộ số 1.
Ngay khi chiến trường còn vương khói súng, cây bút nhẩy dù, Đại úy Phan Nhật Nam đã viết “Mùa hè đỏ lửa”. Tác phẩm đem vinh quang cho tác giả đồng thời cũng làm khổ ông sau 1975. Nhưng trước sau “Mùa hè đỏ lửa” đã gắn liền vào tên tuổi Phan Nhật Nam.
Phải chờ đến 32 năm sau, Hà Nội mới xuất bản cuốn “Mùa hè cháy” của đại tá pháo binh “quân đội nhân dân” viết về trận pháo kích của trung đoàn pháo Bông Lau, trận pháo dã man trên đường di tản của dân Quảng Trị, giết chết hàng ngàn người và làm đoạn đường trên 2 cây số giữa con sông Thạch Hãn và Mỹ Chánh trở thành “Ðại Lộ Kinh Hoàng”.
Chúng tôi vẫn đi tìm xem ai là người đặt tên cho đoạn đường của trận thảm sát mùa hè năm 1972. Có lẽ chỉ trong chiến tranh Việt Nam mới có cái đại lộ mang tước hiệu kinh hoàng.
Anh phóng viên của bộ thông tin có mặt tại Quảng Trị nói rằng bác đi hỏi ông Lê Thiệp trên Washington, D.C. Khi quân ta phản công ở Mỹ Chánh, ông nhà báo Lê Thiệp có đi theo trên Quốc Lộ 1 qua lối này. Năm 2005 tôi có nhân dịp gặp ông Thiệp tại DC, ông nói rằng không biết tay nào đặt cái tên “Ðại lộ Kinh Hoàng” thật hay. Câu chuyện dừng tại đó.
Một lần khác, chúng tôi rao lên là muốn tìm gặp những ai đã chạy trên con đường ác độc vào đúng lúc địch pháo kích. Tôi biết có trung tá Lê Huy Linh Vũ của Tổng cục Chiến tranh Chính trị là người đã trải qua và đã viết lại thành cuốn sách. Con gái của Trung tá Vũ là họa sĩ Hương, Alaska, có cho phép chúng tôi in lại cuốn này để tặng các bạn. Nhưng ông Vũ nay không còn nữa.
Ðại tá Hà Mai Việt, tỉnh trưởng Quảng trị thời kỳ 1972, đã nói rằng: “Tại ông không lưu tâm đọc sách của tôi. Mở trang này ra mà xem, nhân chứng sống là ông Phan văn Châu. Tôi đã viết rõ từng trường hợp của trận Quảng Trị trong tác phẩm ‘Thép và Máu’. Ông nhân chứng này không những chịu đựng trực tiếp trận pháo trên quốc lộ mà còn nằm lại một đêm giữa các xác chết.”
Sau cùng nhờ ông Hà Mai Việt, chúng tôi đã gặp nhân chứng sống. Trung sĩ Phan văn Châu, năm nay 68 tuổi, quả thực là một người dân tiêu biểu của miền đất Quảng. Qua máy điện thoại, dường như cả một trời tâm sự tuôn tràn. Những hình ảnh quê hương, chiến tranh, loạn lạc, pháo kích, khói lửa, lẫn lộn giữa trận 1972 và trận 1975.
Nói đến chuyện đất nước biết bao nhiêu địa danh: nào là Nhan Biều, Cầu Ga, Ái Tử, Mai Lĩnh, Cầu Dài. Rồi đến biết bao nhiêu con sông, bao nhiêu rạch nước. Âm thanh đất Quảng của người dân chân chỉ hạt bột, vòng qua quay lại để sau cùng trở về với cái ngày cả gia đình bỏ Nhan Biều mà đi.
Ông Châu nói rằng, lúc đó dường như mọi người đã chạy hết. Phan văn Châu là trung sĩ thông dịch viên cho ngành tình báo tại Ðà Nẵng đang đi công tác về Ái tử.
Ðến khi thiên hạ bỏ chạy hết, thầy thông ngôn trẻ tuổi mặc đồ dân sự cùng một đứa cháu, dẫn vợ có bầu với ba đứa con nhỏ, năm một, 6, 7, và 8 tuổi. Tất cả vội vàng ra đi bỏ lại phía sau căn nhà mới cất tại Nhan Biều bên bờ bắc của sông Thạch Hãn.
Vợ con đi trước một đoạn với gia đình bà chị. Thằng cháu và ông Châu đi xe gắn máy kéo theo một chiếc xe gỗ hai bánh. Hành trang chất đầy, người kéo, người đẩy, chiếc xe qua khỏi cầu Ga, đi được một đoạn dài đến 9 giờ sáng thì pháo nổ ngay trên đường. Con đường đầy người chạy loạn. Cả dân cả lính với đủ mọi thứ xe. Ða số đi bộ vì đường tắc nghẽn nên không thể đi nhanh. Ðạn rơi chỗ nào cũng có người chết. Xác bắn tung lên trời. Khói lửa mù mịt. Mạnh ai nấy chạy. Vợ con thất lạc ngay từ lúc đó. Ông Châu nghĩ rằng vợ con có thể đang ở phía trước. Nhưng phía trước hay phía sau thì cũng bị pháo. Khi pháo tạm ngưng thì có người lại tràn ra đi tới. Nhưng phần lớn nằm yên chịu trận. Có nhiều người không chết ở đợt pháo đầu nhưng rồi bị chết ở các đợt pháo sau. Nhiều xác chết trên đường bị pháo đi pháo lại nhiều lần. Bị thương rồi lại bị pháo rồi cũng chết. Biết bao nhiều người cố chạy cho thoát bỏ lại cả gia đình vợ con. Những đứa nhỏ nằm khóc bên xác mẹ. Những em bé sơ sinh bú vú mẹ đã lạnh khô. Có người còn sống thấy đó mà phải bỏ đi. Ông Châu và đứa cháu chạy về phía đông quốc lộ, vùi thây xuống cát mà chịu đựng một ngày pháo kích. Ðủ loại pháo của cộng sản thay phiên bắn phá suốt một ngày dài. Pháo 122, pháo 130 và pháo 155. Chỉ khi nào có B-52 đến thả bom mới thấy địch im tiếng súng được một lúc. Toàn thân ông tê liệt dưới trời nắng gắt. Phải bò đến các vũng nước có cả phân trâu và máu người để uống.
Khi trời tối dần, tất cả đều im lặng và ghê sợ. Ông Châu và đứa cháu bắt đầu bò quanh lật các xác chết đàn bà và trẻ em lên xem có phải vợ con. Lật một xác phụ nữ mà ông nghĩ rằng người vợ, đầu óc ông mê muội. Thằng cháu còn tỉnh táo nói rằng không phải mợ. Mợ có bụng mà cậu. Mấy người khác còn sống cũng làm như vậy. Tất cả đi tìm xác thân nhân. Nhưng rồi trời tối hẳn, bộ đội Việt Cộng bắt đầu xuất hiện. Chúng tìm đến các xe nhà binh và tìm các quân nhân mặc quân phục bắt đi hết. Cậu cháu ông Châu khai là dân thường nên được lệnh phải nằm yên tại chỗ. Ðêm hôm đó, ông Châu thức trắng trên bãi cát đẫm máu của Ðại lộ Kinh Hoàng. Hình như có đôi lúc ông cũng thiếp đi. Cũng chẳng còn nhớ rõ. Chung quanh toàn xác chết. Người chết nhiều hơn người sống. Những xác chết cháy như than củi. Ông nghĩ rằng chắc xác vợ con cũng quanh đây. Sáng hôm sau, từ sớm mai những người còn sống đành phải bỏ lại một cánh đồng xác ở đằng sau để chạy về miền Nam. Ði đến gần sông Mỹ Chánh thì gặp toán tiền sát của thủy quân lục chiến Việt Nam chận lại. Khi biết chắc là không phải quân địch, ông trung úy thủy quân lục chiến phất tay cho qua. Vừa đi khỏi một đoạn đường thì thấy ông sĩ quan bị du kích phía sau bắn sẻ chết ngay tại chổ. Ðó là cái chết cuối cùng ông chứng kiến tại Quảng Trị.
Tìm xe quá giang về Huế với tâm trạng hết sức não nề. Nhưng rồi phép lạ đầu tiên đến với cuộc đời ông. Ngay tại khu vực tạm cư Phú văn Lâu trên tả ngạn sông Hương, thuộc thành phố Huế, ông gặp lại đầy đủ vợ con. Bà vợ mang bầu đã dẫn ba đứa con nhỏ đi xuống đường ven biển theo dân địa phương. Ðoàn người đi xa quốc lộ nên tránh được pháo kích. Vợ con dắt díu nhau đi suốt một ngày một đêm về đến Mỹ Chánh, rồi được xe cho bà bầu quá giang về Huế. Hai năm sau người vợ đầu tiên của ông Châu qua đời, sau khi sinh cho ông thêm ba người con nữa. Cô gái còn nằm trong bụng mẹ trên đại lộ kinh hoàng năm nay đúng 37 tuổi, tốt nghiệp đại học và đã có gia đình, hiện cư ngụ tại miền đông Hoa kỳ.
Những bước chân trần ai trên bãi cát Quảng Trị mùa hè năm 1972 của bà mẹ mang bầu không biết có còn vương vấn chút nào trong lòng cô bé nghe pháo kích từ lúc chưa ra đời. “Tụi nhỏ chẳng biết gì đâu,” ông Châu nói. “Chỉ có đứa lớn nhất năm nay ngoài 40 tuổi là còn nhớ đôi chút.” Hỏi rằng thế ông có được bao nhiêu con tất cả. Ông tính nhẩm rồi nói rằng tất cả 10 con. Bà đầu tiên sáu con. Bà thứ hai ba con. Bà này bỏ tôi đi lấy chồng nên bây giờ vẫn còn ở Việt Nam. Tôi đưa cả ba cháu sang đoàn tụ bên này. Bà hiện nay ở với tôi có một cháu, năm nay cháu 24 tuổi rồi. Bà sau này có một con riêng. Như vậy là chúng tôi có 11 con. Thế bác có hạnh phúc không? “Hạnh phúc chứ. Tất cả là số trời,” ông Châu nói, “Cái đêm nằm ở đại lộ kinh hoàng, uống nước máu người và phân trâu tôi không bao giờ giờ nghĩ đến có ngày đi Mỹ như bây giờ. Tôi nghĩ bấy giờ vợ con chết hết thì mình sẽ ra sao. Làm sao tìm xác? Rồi chôn ở đâu? Hàng trăm xác người chung quanh, biết bao nhiêu xác trẻ con, vợ con tôi đều trong số đó. Không hiểu nó bắn pháo đạn gì quá ác. Tất cả xác chết như than củi chẳng làm sao biết được người nào là người nào.”
“Năm 1973 tôi có trở lại, đi qua con đường thấy có đài tưởng niệm, rồi có các mồ chôn tập thể, có mồ chôn riêng rẽ. Lòng tôi hết sức xúc động,” ông Châu nói. “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn xúc động. Con cháu tôi thì nhiều nhưng mà làm sao các con hiểu được những gì tôi đã trải qua. Trận 1972 quân ta mới lấy lại một nửa Quảng Trị. Ðứng bên này dòng Thạch Hãn, bên kia là Nhan Biều, nơi tôi ra đời còn cả ngôi nhà thân yêu. Bên ta đã bị địch chiếm bờ bắc, chỉ giữ được bờ nam, đến 1975 thì bờ nam cũng chẳng còn.”
“Vâng thưa bác, năm nay em 67 tuổi,” ông Châu nói tiếp, “Quê ở Nhan Biều, bờ bắc sông Thạch Hãn, ngay dưới cầu Ga. Nhà em thi vào làm trung sĩ thông dịch viên năm 1966 khóa 11 tại Quân đoàn I. Sau 75 em trốn được. Nếu khai thật chắc là bị buộc tội CIA. Sau đó em vượt biên rồi đoàn tụ. Trước sau ba vợ, 11 người con. Bà sau này là bà bền chặt nhất đã sống với nhau 25 năm. Vâng, thưa bác, đây chắc chắn là bà sau cùng. Gia đình em rất hạnh phúc. Phần em, dù có bị kinh hoàng nhưng cũng chỉ có một ngày một đêm. So với người ta có người cả đời kinh hoàng thì nỗi khổ của chúng em có thấm vào đâu.”
Ðó là câu chuyện của ông Châu, nhân chứng số 1 của chúng tôi. Tôi hỏi ông Châu câu cuối cùng.
“Ông có biết ai đặt tên Ðại Lộ Kinh Hoàng?” – “ Không đâu,” bây giờ ông gọi tôi là cụ. “Cụ với cụ Hà Mai Việt còn không biết thì ai mà biết. Nhưng quả thực là kinh hoàng thực đấy các cụ ạ.”
Tuy hỏi vậy, nhưng tôi đã tìm ra ai là người đặt tên …
‘Đại Lộ Kinh Hoàng’
NgyThanh
Năm ấy tôi 23 tuổi, mặc đồ lính mới được một năm, chịu trách nhiệm phòng nhiếp ảnh của Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 10 Chiến Tranh Chính Trị, KBC 3463, đóng tại bờ biển Thanh Bình, Đà Nẵng. Với số tuổi oắt con của thời chiến sau khi vừa rời quân trường chỉ một năm, tôi còn ngu ngốc lắm, lại ham vui, và hiếu thắng, ngày nào không ra mặt trận để chiều về làm bản tin hành quân, là một hổ thẹn với tất cả đạo quân phóng viên nằm tại Huế, một thành phố lỏng lẻo vì phần lớn thường dân và vợ con lính đã chạy vào Đà Nẵng, sau kinh nghiệm “di tản chiến thuật” khỏi Quảng Trị – Đông Hà.
Bấy giờ, phía Nhảy Dù vẫn giữ cánh trái giữa Quốc Lộ 1 trải dài lên phía Động Ông Đô và căn cứ Barbara, đánh cuốn chiếu ra từ sông Mỹ Chánh. Thủy Quân Lục Chiến cặp sườn QL1 bên trái giăng hàng ngang theo sông Mỹ Chánh ra tới các làng Mỹ Thủy, Gia Đẳng ở trên bờ biển, cùng nhắm hướng tây bắc.
Hôm mồng 1 tháng 7 năm 1972 , đám phóng viên chiến trường “ăn cơm tháng ở quán ăn trước khách sạn Hương Giang Huế” không đi tập trung như mọi ngày, mà tản mác theo các đơn vị Nhảy Dù và TQLC bố phòng hơn là theo các mũi dùi tấn công chính trên đường đánh về Quảng Trị. Cái ngày rất dễ nhớ vì vừa chẵn hai tháng sau khi ông anh họ tôi ném trái CBU-55 xuống cầu Đông Hà để diệt sống đoàn xe tăng T-54 đang qua cầu để tấn công phía sau lưng của quân Việt Nam Cộng Hoà đang “di tản chiến thuật”, bỏ ngỏ phần đất tỉnh Quảng Trị, và tái bố trí ở bờ sông Mỹ Chánh. Hôm ấy tôi đi chung với Đoàn Kế Tường, cả hai chúng tôi là phóng viên chiến trường của báo Sóng Thần. Bên cạnh tình bạn, Đoàn Kế Tường là người Quảng Trị, anh cũng là quân nhân của một đơn vị pháo binh Sư Đoàn 3 Bộ Binh, nên rành rẽ đường đi nước bước trong thành phố, nếu chúng tôi có may mắn lọt vào được thành phố tái chiếm trong tư cách là phóng viên đầu tiên – nhưng chuyện ấy sau mới xẩy ra trên đường Lê Huấn.
Khoảng 10 giờ sáng, đầu cầu Bến Đá vắng lặng và không có lính trấn thủ khi chúng tôi đến: những mũi dùi tấn công của Nhảy Dù và TQLC đã được trực thăng vận vượt sông đánh lên quá sông Trường Phước. Bến Đá bấy giờ có hai cầu. Cầu xe hơi trên QL1 bị phá sập, hoàn toàn không qua được. Chiếc cầu sắt xe lửa nằm ở phía núi gãy gục đoạn giữa cắm xuống sông thành hình chữ V, khu đất đầu cầu do quân VNCH trấn giữ trước đó đã được cài nhiều mìn chống chiến xa.
Thấy yên lặng và không có người, cả ta lẫn địch, hai chúng tôi bò theo khung cầu sắt gẫy qua bên bờ bắc, len lách giữa đám mìn chống chiến xa, để quay trở lại QL1. Trước mắt chúng tôi, ngay trên bề mặt QL1, là xác xe chiếc ngược chiếc ngang, phần lớn giở mui không biết vì lý do gì. Trong nhiều xe cứu thương đã bị bắn cháy nhưng còn đọc được phù hiệu Hồng Thập Tự hai bên hông, chúng tôi nhìn vào cánh cửa xe hé mở và thấy xác thương binh chết nằm chết ngồi trong đó, mùi tử khí đã dịu thành mùi thối, thay vì mùi tanh nồng của xác người như khi mới chết ít hơn hai tuần. Chúng tôi tiếp tục lội xuống bãi cát hai bên đường, bãi phía biển có nhiều xác chết hơn bãi phía núi, có lẽ vì khi bị tàn sát, người ta có khuynh hướng chạy ra phía đông là khu vực có thể có người tiếp cứu mình, trong khi phía núi chỉ là vùng hoang vu, không có ai sinh sống. Trên bãi cát nầy chúng tôi thấy xác người lớn và xác trẻ em, xác quân nhân và xác thường dân, cảnh sát. Nhiều xác úp mặt chồng lên nhau, có lẽ bị bắn chết khi đang chạy tới để thoát hiểm và bị bắn từ sau lưng.
Vì không có xe cộ lưu thông, hai chúng tôi luẩn quẩn dọc đoạn đường xác người nầy trong vòng khoảng non cây số. Chúng tôi đã chụp (bằng phim) rất nhiều ảnh của đoạn quốc lộ nầy, khi công binh VNCH chưa bắc cầu dã chiến qua sông Bến Đá, nên hình chúng tôi chụp còn nguyên vẹn bãi chiến trường. Tấm ảnh duy nhất còn lại hiện được lưu giữ tại
https://pbase.com/ngythanh/image/166967397 .
Vào xế trưa, công binh bắc xong cầu, và mang xe ủi qua, gạt các xác xe dạt xuống hai bên vệ đường, mở một lối đi nhỏ trên mặt nhựa cho các xe tiếp tế đạn dược lên phía Quảng Trị, cũng như lấy thương binh và xác tử sĩ về. Do đó, ngoài hình ảnh của chúng tôi, những hình chụp sau khi xe ủi qua, đã không còn cảnh nguyên thủy của nét kinh hoàng.
Buổi tối về tới Huế, như mọi khi, tôi gọi cho anh Đỗ Quý Toàn bên Phú Nhuận để nhờ anh ghi lại tin tức về hoạt động của chúng tôi trong ngày, để sau đó anh ấy chuyển cho anh Đỗ Ngọc Yến, là người ngồi cạnh anh Uyên Thao, tổng thư ký tòa soạn. và các anh Trương Cam Vĩnh, Đường Thiên Lý để làm tin và chọn tin. Anh Yến vẫn chuyển tin của chúng tôi tới anh UT như thế mỗi ngày. “Đại Lộ Kinh Hoàng” là cái tên tôi chọn làm đề tựa bài viết ngày hôm ấy. Chọn “Đại Lộ Kinh Hoàng” thật ra cũng chỉ do một lúc ngẩu hứng thôi, như một vế cho câu đối “Con Phố Buồn Thiu” (La rue sans joie) mà Bernard Falls đặt cho hương lộ 555 chạy dọc bờ biển Quảng Trị, cách đó vài cây số, trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương Lần thứ nhất, 1946-54.
Vài tuần sau, chị chủ nhiệm Trùng Dương và anh chị em Sóng Thần tổ chức chiến dịch thu lượm xác người trên “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Tòa báo bỏ chi phí ra làm việc nầy. Đích thân chủ nhiệm từ Saigon ra ăn chay nằm đất với chúng tôi, hàng ngày kết hợp với anh Nguyễn Kinh Châu, trưởng văn phòng đại diện Sóng Thần Huế, và các thân hữu, chúng tôi liên tục tới hiện trường thu nhặt xác chết gói vào từng bao nylon, trước khi bỏ vào quan tài bằng gỗ thô sơ, mai táng ở một khu đất xin được ở phía đông của QL1, ở làng Mỹ Chánh. Khi làm việc nầy, chúng tôi không treo băng dựng bảng để khoe công. Tấm bảng thật lớn cắm ở đầu cầu bên trái sau khi qua khỏi cầu Bến Đá (trước ngày mất nước) là do lệnh của Tổng thống Thiệu. Bốn chữ “Đại Lộ Kinh Hoàng” là chữ của tôi, nhưng bên dưới tấm bảng ghi là “Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu”.
Những chuyện vụn vặt quanh cái tên ĐLKH đã cũ quá rồi, tôi không nhớ hết. Anh Uyên Thao còn sống. Anh Đỗ Quý Toàn còn sống. Ký giả Anh Điển còn sống. Chị Trùng Dương còn sống. Đoàn Kế Tường còn sống (đang làm báo Công An TP HCM). Tôi quý anh [Giao Chỉ, trong nhóm thực hiện phim tài liệu Quảng Trị] nên ghi lại một ít chi tiết để anh đọc, nhưng nếu có ai muốn nhận bốn chữ “Đại Lộ Kinh Hoàng” là của họ, thì cứ giao cho họ, anh ạ. Mất nước, nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm hơn là tranh nhau cái chức vị “tác giả” của bốn chữ sáo rổng ấy.
— Houston, Tháng 9, 2009
Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’
Trùng Dương
Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa với trụ sở đặt tại San Jose, California, qua nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, vừa chuyển đến chúng tôi lời mời tham dự vào việc thực hiện cuốn phim tài liệu về trận phản công tái chiếm Quảng Trị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào Mùa Hè 1972. Đây là một trong một loạt phim tài liệu nhằm viết lại lịch sử 20 năm của Việt Nam Cộng Hòa trong đó, theo Viện BTTN&VNCH, loạt phim Chân Dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa gồm bốn DVD, tổng cộng 8 giờ, được coi là “sản phẩm tiêu biểu”.
Ông Lộc cho biết Viện BTTN&VNCH hiện đang xúc tiến thực hiện một bộ phim tài liệu về trận Quảng Trị 1972, còn gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, khi Bắc quân đem quân và chiến xa tràn qua Vùng Phi Quân Sự tại vĩ tuyến 17, trắng trợn vi phạm Hiệp Định Geneve 1954, xâm chiếm Quảng Trị vào tháng 3-1972, song bị quân đội VNCH đẩy lui sáu tháng sau đó.
“Trong chiến tranh VN có ba trận đánh quy mô cần quan tâm. Đó là trận Mậu Thân, Hoa Kỳ gọi là Tet Offensive 1968. Trận thứ hai là trận Quảng Trị 1972, Hoa Kỳ gọi là Easter Offensive. Trận thứ ba là 30-4-1975,” Ông Lộc cho biết trong lá thư gửi tới thân hữu. “Lịch sử chiến tranh Việt Nam cần có một phim tài liệu về Quảng Trị. Ðây sẽ là phim đầu tiên.”
Được biết cuốn phim tài liệu về Quảng Trị sẽ gồm hai đĩa. Ðĩa thứ nhất dành cho thời gian từ ngày lui binh sau khi thất thủ Đông Hà – Quảng Trị từ cuối tháng 3 đến đầu ngày 1-5-1972; và đĩa thứ hai dành cho thời gian phản công từ tháng 5 đến tháng 9-1972. Bộ phim Quảng Trị là một phần của chương trình sản xuất các tài liệu song ngữ của Viện BTTN&VNCH để phổ biến khắp thế giới và dành cho thế hệ tương lai.
Chúng tôi được ông Vũ Văn Lộc mời đóng góp vì những bài báo của các phóng viên chiến trường của nhật báo Sóng Thần tường thuật tại chỗ về Mùa Hè Đỏ Lửa, mà một trong những tác giả của những bài tường thuật bấy giờ hiện có mặt tại Hoa Kỳ, là NgyThanh, có thể đóng góp cho dự án phim tài liệu với tư cách một nhân chứng.
Nhật Báo Sóng Thần, do tôi làm chủ nhiệm và chủ bút, cố nhà văn nhà báo Chu Tử làm chủ biên và ký giả Uyên Thao, hiện định cư tại Virginia, làm tổng thư ký, ngoài phần vụ thông tin, đã có những đóng góp ngoài nghề nghiệp mà chúng tôi, vì tính chất nhân đạo của những việc này, ít khi đề cập tới.
Trước hết, về mặt thông tin: khi chiến trận bùng nổ, văn phòng đại diện Sóng Thần Quảng Trị do anh Nguyễn Quý coi sóc phải di tản vào Huế, sáp nhập với văn phòng đại diện Sóng Thần Huế do anh Nguyễn Kinh Châu điều hành, cộng với NgyThanh đặc phái viên Sóng Thần Quân Khu I từ Đà Nẵng ra tăng cường. Kết quả là nhờ số nhân sự đông đảo của văn phòng ba tỉnh nhập lại, chúng tôi may mắn có đủ lực lượng để bao sân nhiều lãnh vực. Đặc biệt là nhờ văn phòng trưởng Nguyễn Kinh Châu, vốn là một “thổ công” địa phương, có nhiều móc nối quen biết từ cấp tỉnh trưởng trở xuống; Đoàn Kế Tường, quân nhân đồng thời cộng tác với văn phòng Sóng Thần Quảng Trị, vì “đánh mất” Quảng Trị nên ngày nào cũng bám theo các mũi dùi tái chiếm với lời thề sẽ là nhà báo đầu tiên đặt chân trở lại thành phố thân yêu; Trần Tường Trình theo chân Sư Đoàn 1 kiên cường trấn thủ Bastone, Birmingham và Tà Rầu ở cạnh sườn phía tây; và Ngy Thanh, phóng viên và cũng là một nhiếp ảnh viên xông xáo, ra bám trụ tại Huế để hằng ngày theo các mũi tiền quân của QLVNCH săn tin. Trong khi nhiều ký giả trong nước cũng như ngoại quốc, lúc ấy vì bất ngờ, chưa kịp trở tay, thì Sóng Thần đã có tin cập nhật hàng ngày do các đặc phái viên “nằm vùng” của các văn phòng này gửi về. Do đấy, báo Sóng Thần có số bán lớn nhất trong thời kỳ này.
Song có lẽ một trong những điều đáng nói hơn cả, và cũng ít người biết tới, là chương trình hốt xác của ngót 2.000 đồng bào thiệt mạng vì pháo kích lẫn bom bay đạn lạc trên đoạn Quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước – đoạn đường máu mà NgyThanh trong bài tường thuật qua điện thoại tối 1-7-1972 đã gọi bằng tên “Đại Lộ Kinh Hoàng”, và bốn chữ đó trở thành tên của đoạn quốc lộ của Tử Thần này.
Ngay sau bài tường thuật tại chỗ và những hình ảnh do NgyThanh chụp cảnh máu đổ thịt rơi của các nạn nhân, anh chị em Sóng Thần chúng tôi ở mỗi nơi không hẹn mà gặp trong tâm tư dằn vặt về vô số xác chết phơi nắng dầm mưa trên Đại Lộ Kinh Hoàng. Hồi ấy Nhật Báo Sóng Thần đang thực hiện chương trình “Sống Một Mái Nhà” và tòa soạn ủy thác việc trông coi cho Vũ Ngọc Long, một sinh viên trẻ tới với nhóm ST từ khi còn phôi thai. Hàng tuần hay tháng, tôi không còn nhớ rõ, Long đều đặn dẫn một số sinh viên học sinh tình nguyện đi xây lại nhà cho một gia đình nghèo ở quanh thành phố Saigon. Khi chúng tôi ngồi lại bàn với nhau về việc phải làm một cái gì cho các nạn nhân chiến cuộc này, ký giả Đường Thiên Lý đề nghị quyên tiền để giúp hốt xác nạn nhân và đặt tên cho chương trình này là “Thác Một Nấm Mồ”, có lẽ là cho có được tính liên tục với chương trình do Long trông coi. Trong khí đó ngoài miền Trung, không hẹn mà Nguyễn Kinh Châu cũng bàn bạc với cố bác sĩ Phạm Văn Lương, người trông coi văn phòng Sóng Thần Đà Nẵng. Hai anh đồng ý nhân danh tập thể Sóng Thần để tiến hành thu nhặt xác, và anh Lương gọi vào Saigon đúng lúc chúng tôi cũng vừa bàn xong, và định gọi ra xin quyết định của các văn phòng địa phương.
Máu chảy ruột mềm, đáp ứng của độc giả đối với lời kêu gọi đóng góp của Sóng Thần cho chương trình “Thác Một Nấm Mồ” vừa mau mắn vừa đông đảo, cho thấy tính nhân bản và tình thương rất cao của người Việt miền Nam đối với các đồng bào ruột thịt miền Trung thiếu may mắn chết mà chưa yên, thân xác còn phơi nắng dầm sương ròng rã đã nhiều tháng trời, khiến không ai là không khỏi đau xót. Tôi được anh chị em trong nhóm chủ trương tờ báo đề cử đem gói tiền đầu tiên góp được ra Huế trao anh Nguyễn Kinh Châu để xúc tiến chương trình hốt xác.
Tôi không bao giờ quên được một tuần lễ ở Huế dạo ấy. Hồi ấy, tôi không nhớ đích xác tháng nào, quân Cộng hoà đã lấy lại được phần đất phía dưới Quảng Trị, nơi có đoạn đường có hỗn danh là Đại Lộ Kinh Hoàng, song chưa mở ra cho dân chúng vào vì chiến cuộc vẫn còn diễn ra, với đạn pháo tầm xa 130 ly của quân Cộng sản vẫn thỉnh thoảng rót xuống vùng này từ trên dãy Trường Sơn. Và hễ mỗi lần có pháo kích từ núi xuống là sau đó không bao lâu ta có thể nghe tiếng rung chuyển trời đất của máy bay bỏ bom B-52 dội bom phản kích.
Qua sự dàn xếp của anh Nguyễn Kinh Châu, chúng tôi – gồm anh Châu, NgyThanh, tôi, và cả chị Châu cũng không bỏ lỡ dịp xin đi theo trong một, hai chuyến đầu – vào được khúc đường này, mướn đem theo mấy người phu chuyên nghiệp cải táng. Đối với các ông thợ này – tôi để ý thường họ đem theo vài chai rượu đế, vừa để uống vừa để khử trùng – hốt xác không phải là việc xa lạ: họ đã trở thành các tay chuyên nghề sau khi phía Cộng Sản chôn sống quá nhiều người trong vụ Tết Mậu Thân 1968 để họ thực hành việc hốt xác của nhiều ngàn người bị chôn trong những hố tập thể.
Ngày đầu nhặt xác dọc hai bên Đại Lộ Kinh Hoàng, tôi như đi trong một cơn mộng dữ, không uống rượu mà như say, bước đi mà chân như không chạm đất, giữa một bầu không khí đầy mùi tử khí trong một khung cảnh với nhiều chiếc xe, kể cả chiến xa, cháy rụi nằm ngang dọc đó đây, áo quần đồ đạc vương vãi bên những xác người đã rữa nát nằm chết đủ kiểu la liệt, trong đó có nhiều đàn bà và trẻ con.
Trong khi NgyThanh bấm máy không ngừng, tôi đi quan sát những xác người. Một trong những hình ảnh tôi nhớ nhất, tới tận bây giờ, là cảnh một người mặc đồ lính đã rách nát, nằm xoãi hai chân hai tay, đầu gối trên một khúc cây gẫy, khuôn mặt gần như chỉ còn xương với tí thịt rữa còn vương dính lại, hai hốc mắt là hai cái lỗ đen ngước lên như chất vấn trời cao. Tự dưng tôi nghĩ anh ta đã chỉ bị thương, chưa chết, đã cố lết tới đây nằm vật ra, mặt ngửa lên trời, và chết dần. Tôi tự hỏi anh đã nghĩ gì trước khi trút hơi thở cuối cùng. Mẹ cha, anh chị em, vợ con hay người tình ở đâu? Lớn lên trong chiến tranh và sống phần lớn ở Sàigòn, thỉnh thoảng có thấy người ta chết vì súng đạn, vì pháo kích, nhưng đây là lần đầu tôi thấy nhiều người chết như vậy, và chết đủ kiểu. Tôi có mô tả những cảnh này trong bài phóng sự đăng làm nhiều kỳ trên báo Sóng Thần, như một báo cáo lại với những nhà hảo tâm đã mau mắn đóng góp tiền bạc để chúng tôi thực hiện công tác nhân đạo này.
Những ngày kế đó chúng tôi hàng ngày, sau khi ăn sáng rất thanh đạm, chất nhau lên một cái xe cam-nhông nhà binh do anh Châu điều đình mượn được, cùng với mấy người thợ bốc xác, trở lại Đại Lộ Kinh Hoàng. Có lúc tôi ngồi xem mấy người thợ bốc xác làm việc, vừa nghe họ kể chuyện hồi hốt xác nạn nhân Tết Mậu Thân, như thể những gì đang diễn ra chưa đủ kinh hoàng bằng. Nào là có linh hồn nọ, linh hồn kia về than còn thiếu bàn tay, khúc xương, cái sọ, vv. Thỉnh thoảng có ông thợ ngưng tay lôi chai rượu đế ra nốc một ngụm. Vì họ làm việc bằng tay trần, không có bao tay, nên ruợu cũng còn được dùng để mấy ông thợ rửa tay trước khi ăn trưa.
Những gì có thể giúp để nhận diện xác chết, như thẻ căn cước, hay một món đồ đặc biệt nào đó tìm thấy gần xác đều được anh Châu ghi lại trong sổ tay, bên cạnh số của xác đã được ghi trên bọc plastic đựng xác. Tôi xem và ghi chép. Khi nào mỏi mệt, tôi ra đứng ngoài lộ nhìn lên rặng núi Trường Sơn, nhớ lại những mẩu chuyện nhà văn hồi chánh Xuân Vũ kể trong Đường Đi Không Đến, tự hỏi sao con người ta ở đâu không chịu ở yên đấy để xây dựng xã hội, phát triển kinh tế, vun xới đời sống và con người, như các nước khác trong vùng Đông Nam Á này? Sao gây ra chiến tranh? để chi? được chi? Rồi tôi ngóng về phía bắc lắng nghe tiếng súng vẳng lại từ phía Quảng Trị, nơi quân Cộng Hòa đang đánh chiếm lại từng thước đất đã bị Cộng quân chiếm đóng, và thầm cầu nguyện cho những người lính Cộng Hòa.
Có lần, chúng tôi đang làm việc thì nghe mấy người lính Cộng Hòa gọi nhau ơi ới, và vẫy gọi cả chúng tôi. Anh Châu ra lệnh cho mọi người ngưng tay chạy tìm chỗ ẩn náu vì pháo kích từ trên Trường Sơn bắt đầu rót xuống quanh chỗ chúng tôi. Ai đó kéo tôi xuống một hố bom bảo bám chặt vào thành hố bằng cát, đã hẳn là dù vậy vẫn thấy mình từ từ tuột xuống vì cát rời. Tôi đang thắc mắc sao không xuống hẳn lòng hố cho chắc ăn thì có người chỉ cho tôi thấy một trái bom bi chưa nổ ở dưới lòng hố.
Mỗi chuyến xe chúng tôi chở xác về xếp trong ngôi trường của thị trấn Mỹ Chánh, nhiều người có thân nhân trong đám nạn nhân trên Đại Lộ Kinh Hoàng chờ chực sẵn ở đó xúm lại tíu tít hỏi thăm, mặt ai cũng bơ phờ, thất thần, thấy thương tâm hơn cả người đã chết nay không còn gì để phải vương vấn nữa. Trong một cuộc điện đàm gần đây với NgyThanh, anh Châu cho biết con số đích xác của những xác người đã được hốt về từ Đại Lộ Kinh Hoàng năm ấy: 1.841 xác. Một ngàn tám trăm bốn mươi mốt xác người, anh nói không một giây do dự hồi tưởng, như thể con số ấy đã được ghi tạc trên phiến đá của ký ức anh từ 37 năm qua chỉ chờ dịp bật ra khi được hỏi tới! Những xác người bất hạnh này đã được chôn tại một khu đất sau lưng trường tiểu học Mỹ Chánh, được biết tới với tên Nghĩa trang Đồng bào Chiến nạn Quảng Trị.
Cứ vậy mà một tuần trôi qua đến ngày tôi phải về lại Saigòn, trước sự bịn rịn của anh chị Châu. Tôi mất ngủ nhiều ngày sau đó, vì sợ thì ít mà vì những gì đã thấy đã khiến tôi như tê dại hẳn đi – cảm giác tê dại mà tôi lại được biết tới vào ba năm sau đó, ngày 30 tháng 4, năm 1975…
*
Vì nhận thấy đây là một sinh hoạt có tính cách nhân đạo, nếu đưa vào phim có thể làm loãng đi chủ đề của phim, đó là về cuộc chiến đấu dũng cảm của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nhằm tái chiếm lại Quảng Trị, nên chị em chúng tôi bàn nhau viết bài này để ghi lại một sinh hoạt mà nếu không ghi lại cho các thế hệ tới thì sẽ bị mai một đi, cùng với bao nhiêu câu chuyện khác của một thời Việt Nam Cộng Hoà nhân bản, đầy tình người, dù những hạn chế không tránh được của một chế độ vừa lo phát triển vừa phải lo chống lại tham vọng của những người quyết tâm áp đặt chủ nghĩa Cộng sản phi nhân lên phần đất tự do cuối cùng của Việt Nam.
Bài này cũng xin được coi là thêm một lần nữa, tri ơn những vị hảo tâm đã đóng góp để chương trình “Thác Một Nấm Mồ” được hình thành cách đây đã gần 40 năm. Đồng thời như một nén hương tưởng niệm những người đã bỏ mạng trên Đại Lộ Kinh Hoàng, xác phơi nắng mưa tới hơn hai tháng trời trước khi chúng tôi xin được phép vào tới nơi để làm cái việc hốt xác.
— Oregon, Tháng 9, 2009
Bảy tháng giữa những xác người
Nguyễn Kinh Châu
(NgyThanh ghi lại, các chi tiết dựa theo buổi nói chuyện qua điện thoại với Nguyễn Kinh Châu từ quận Bình Thạnh, Saigon vào tháng 10-2009)
Ba mươi bảy năm sau khi cùng nhau cầm bao nylon lom khom lội vào vùng chiến sự để thu nhặt xác đồng bào bị thảm sát bởi đạn của Trung Đoàn Pháo Bông Lau mà cứ như lén lút vào kho tội ác của Cộng sản để đánh cắp, câu đầu tiên anh Nguyễn Kinh Châu nhắc đi nhắc lại với tôi (như cứ sợ chính mình cũng sai sót) là tên đầy đủ của nghĩa trang mà nhật báo Sóng Thần đã mai táng 1.841 xác, “Nghĩa Trang Đồng Bào Chiến Nạn Quảng Trị do nhật báo Sóng Thần và thân hữu phụng lập”.
Một lần đi hốt xác đồng bào bị Việt Cộng chôn sống trong tết Mậu Thân ở Huế, và lần thứ nhì hốt xác đồng bào bị Việt Cộng tàn sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị, những hình ảnh ghê rợn đã khắc chạm thật sâu vào ký ức anh Châu, như một thứ đền tưởng niệm Cánh Đồng Chết của nạn nhân Pol Pot ở Cam-Pu-Chea – “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Trả lời câu hỏi của tôi, anh Nguyễn Kinh Châu nhắc lại con số 1.841 xác nạn nhân một cách dễ dàng như không cần khui một gói thuốc lá để biết trong đó có 20 điếu. Tôi hỏi tiếp, làm sao anh nhớ được chính xác như thế, anh tâm sự, “Làm sao không, có ngày nào là áo quần không thấm mùi hôi của xác chết, có xác nào không là xác đồng bào, anh em?”
Khi mới bắt tay vào việc, chính quyền và quân đội chưa cho phép thường dân qua sông Mỹ Chánh vì vấn đề an ninh (sợ Việt Cộng trà trộn để hoạt động) và vì vấn đề an toàn (sợ đạn pháo binh Việt Cộng bắn trúng làm chết nhóm người đi lượm xác đồng loại). Vấn đề mang một nhóm thường dân vượt qua phòng tuyến quân sự Mỹ Chánh để tìm và thu nhặt xác là chuyện chưa từng xảy ra trước đây trong chiến tranh Đông Dương. Mặt khác, anh em báo ST ngại một khi đăng lời kêu gọi xin độc giả tiếp tay đóng góp, tiền tới tay rồi mà lỡ xác đồng bào lấy về không được sẽ bị mang tiếng lừa phỉnh, nên anh Châu hội ý với anh em phóng viên ST đang có mặt tại Huế, rồi vào Đà Nẵng bàn thêm với bác sĩ Phạm Văn Lương. Kết quả: chúng tôi quyết định thử nghiệm trước bằng cách tự lực. Anh Châu đã mang chiếc xe gắn máy Honda 68 tới xin cầm cho một thân hữu là anh Huỳnh Văn Phúc, chủ tiệm vàng Phúc Ân kiêm tổng thư ký Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên, lấy 50 ngàn đồng để làm vốn liếng khởi công. Ngạc nhiên thấy anh Châu cầm xe, anh Phúc hỏi dồn, nên đã biết sự thật là anh Châu cần tiền để trao cho thầy Thích Đức Tâm ở chùa Pháp Hải bên cồn Hến đóng quan tài để ra Quảng Trị lượm xác đồng bào bị pháo chết. Biết việc chúng tôi làm như thế, anh Phúc bảo anh Châu cứ mang xe về, và cho anh chị em ST mượn 50 ngàn tiền mặt, một số tiền không nhỏ lúc bấy giờ, để khởi công. Bên cạnh đó, anh em ST vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I tiếp xúc với Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Chỉ huy trưởng, thiếu tá Nguyễn văn Cơ đã cho nhóm Sóng Thần 200 bao nylon loại dùng để tẩm liệm quân nhân tử trận. Ngoài ra, nhóm mượn được một xe GMC của Tiểu Khu Thừa Thiên làm phương tiện vận chuyển đoàn hốt xác và xác hốt được. Về sau khi số xác lượm được tăng lên tới con số gần hai ngàn, anh Cơ vẫn cung cấp đầy đủ để gói ghém tử thi đồng bào, đồng thời phía Tiểu Khu Thừa Thiên tăng cường cho mượn thêm một xe GMC nữa, và phía Tiểu Khu Quảng Trị cho mượn hai xe GMC khác, để di chuyển xác chết.
Sóng Thần đã tiến hành hốt xác tất cả ba đợt. Khi chị chủ nhiệm Trùng Dương từ tòa soạn ra tham dự để ăn đạn pháo kích là đợt một. Đợt nầy đoàn hốt xác có bốn tổ, mỗi tổ bốn người, thu được trên 800 xác. Về sau đoàn hốt xác tăng lên thành bẩy tổ. Sợ mùa mưa tới xác đồng bào bị vữa và trôi hết phần thịt, chúng tôi đã tăng gấp đôi số nhân công để rút ngắn thời gian.
Khởi đầu, thầy Đức Tâm thuê đóng và giao cho đoàn 20 quan tài để mang theo, xem thử đủ thiếu thế nào. Lên đường, anh em ST chúng tôi chỉ dám cầu mong lượm được tới 20 xác như mong muốn của thầy Đức Tâm, vì khu vực giữa hai cầu Bến Đá và Trường Phước là đụn cát trắng không nhà cửa cây cối, hễ thấy bóng người di chuyển là tiền sát viên Việt Cộng gọi pháo tầm xa từ Trường Sơn bắn xuống. Kết quả của ngày đầu thật bất ngờ với con số 96 xác. Hai mươi xác đầu tiên được xếp vào quan tài, phần xác còn lại gói tạm vào bao nylon mang về đặt trong các phòng học của trường Mỹ Chánh đang bỏ ngõ.
Dạo 1968, anh Nguyễn Kinh Châu là ký giả đã theo chân đoàn người đi khai quật các hố chôn tập thể và đã có loạt hình chạy tám cột bề ngang trên báo Hòa Bình tường thuật tội ác rùng rợn nầy. Cũng nhờ quen biết cũ từ bốn năm về trước, lần nầy đề xuất việc đi lượm xác, anh Châu đã quay lại Phú Thứ để tìm gặp và thuyết phục các người chuyên về di dời xác chết bốn năm trước, sau Tết Mậu Thân, để họ bằng lòng tham gia công việc nghĩa tử dưới làn đạn pháo của Trung Đoàn Pháo Bông Lau. Đúng là Việt Cộng đã dành cho những người nầy những việc làm có một không hai trong lịch sử tội ác chiến tranh. Nhưng vì lãnh thổ Quảng Trị vẫn còn giao tranh và bom đạn, nên những người phu chỉ bằng lòng nhận lời với chi phí 1.600 đồng mỗi ngày, so với giá thuê mướn làm công nhật ở thành phố Huế lúc bấy giờ là 100 đồng/ngày, và giá vàng 1.600 đồng một chỉ. Sở dĩ giá cả cao như thế mà nhóm ST phải chấp nhận vì khu vực “Đại Lộ Kinh Hoàng” vẫn còn rất kinh hoàng, phu hốt xác ra đó để thu lượm xác không những phải làm việc giữa điều kiện mất vệ sinh giữa những xác chết, mà còn phải đưa lưng đội đạn pháo từ Trường Sơn bắn xuống. Những tay làm báo chúng tối vì nghiệp dĩ của mình mà lăn lưng ra chốn tên bay đạn lạc, nhưng người dân họ có lý của họ, nhất là khi phải đổi bát máu lấy bát cơm để nuôi thân và nuôi gia đình. Khi tới bãi xác người, những phu lượm xác nầy mỗi người đều mang theo một lọ mắm ruốc. Họ đã lấy ngón tay chấm mắm ruốc bôi lên mũi, dùng mùi thối của mắm để mong át đi mùi thối của xác chết, và cũng để đánh lừa khứu giác của mình.
Sau những ngày đầu vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đoàn hốt xác buổi tối về hay tập trung ở nhà từ đường của chị Tôn Nữ Mộng Nhiên ở số 100 đường Thuận An, thành phố Huế, là nơi “đóng đô” miễn phí của đám phóng viên ST trẻ Trần Tường Trình, Đoàn Kế Tường và NgyThanh. Nghe đám nhà báo bàn bạc chuyện lượm xác, ban đầu hai cô chủ nhà là chị Mộng Nhiên và chị Lẫm góp ý. Từ từ bén chuyện, hai cô tình nguyện tham dự trò chơi với đạn pháo kích. Thế là đoàn hốt xác có thêm hai khuôn mặt hoàng phái, đảm nhiệm việc ghi chép sổ sách và ghi số mỗi xác, cùng những giấy tờ hay di vật gì chúng tôi lấy được trên thi thể của họ. Những vật dụng và tư trang cá nhân ấy được cho vào bao nylon có ghi số trùng với số của quan tài, để về sau trả lại cho thân nhân người quá cố.
Công tác hốt xác kéo dài ròng rã tới bảy tháng mới hoàn tất.
Sau khi thu nhặt hết xác trên hai bãi cát dọc hai bên đoạn quốc lộ mang tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” và mai táng xong, anh em ST còn giữ lại nửa triệu, tức một phần sáu tổng số tiền lạc quyên được từ độc giả hảo tâm, chúng tôi đã dùng số tiền nầy dựng một bức tượng Đức Địa Tạng rất lớn ngay chỗ có nhiều xác chết nhất, lập một đền thờ oan hồn, và tổ chức một lễ cúng do anh Lý Đại Nguyên từ Saigon đại diện tòa soạn ra chủ tọa. Đền thờ nầy vẫn còn cho đến ngày nay.
Lời cuối:
Cuộc chiến nào mà không có thảm sát, chiến tranh nào mà chẳng có nạn nhân. Nhưng hình ảnh của một đứa bé ngồi khóc bên xác mẹ giữa một chiến trường thảm khốc đầy xác thường dân như ở Đại Lộ Kinh Hoàng vẫn là một hình ảnh đau thương nhất mà chúng ta không thể nào quên được.
Vì vậy tôi cố tìm cho được câu chuyện của một nhân chứng đích thực, còn sống để kể lại hầu quý vị và riêng tặng cho đại tá Nguyễn Quý Hải, chỉ huy Tiểu đoàn 1 Trung đoàn pháo Bông Lau của Quân đội Nhân dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong tác phẩm “Mùa hè cháy”, xuất bản năm 2005, tác giả đã viết thật rõ ràng là đơn vị của ông khai hỏa tập trung pháo 122, pháo 130 và pháo 155 mà ông gọi là trận địa pháo cường tập trên Quốc Lộ 1 vào đám ngụy quân trên đường bỏ chạy.
Ông đại tá pháo binh tác giả của tác phẩm “Mùa hè cháy” đã đích thân quan sát trong vai trò tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn.
Bài báo ngắn ngủi và khiêm nhường hôm nay hy vọng sẽ đến tay các pháo thủ miền Bắc ngày xưa để họ nhớ lại thành quả vào ngày 1 tháng 5 trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972.
Ðịnh mệnh nào đã dành cho ông Phan văn Châu còn sống để định cư tại Hoa Kỳ với 11 người con thành đạt, hàng năm vẫn gửi tiền về giúp cho miền quê nghèo khổ xứ Nhan Biều. Bây giờ, những mộ phần tập thể của dân oan chết vì trận mưa pháo Bông Lau năm 1972 đã chẳng còn dấu vết. Những đứa bé đói sữa nằm bên xác mẹ rồi cũng đã chết hết trên Đại Lộ Kinh Hoàng 37 năm về trước.
Nhưng mà sao tiếng khóc của em vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây …
— Giao Chỉ
San Jose 2009
Hình ảnh và ghi chú:
[Cập nhật ngày 5 tháng 3, 2022 với thêm tài liệu sưu tầm được gần đây]
Hình trên, “Đại Lộ Kinh Hoàng” trước khi được công binh của Việt Nam Cộng Hoà mang xe ủi qua, gạt các xác xe dạt xuống hai bên vệ đường, mở một lối đi nhỏ trên mặt nhựa cho các xe tiếp tế đạn dược lên phía Quảng Trị, cũng như lấy thương binh và xác tử sĩ về. (Ảnh Ngy Thanh, chụp ngày 1 tháng 7, 1972, hiện lưu trữ tại https://pbase.com/ngythanh/image/166967397)
“Đại Lộ Kinh Hoàng”, ảnh do Ngy Thanh chụp ngày 1 tháng 7, 1972, đăng trên trang nhất nhật báo Sóng Thần ngày 11 tháng 7, 1972, được chụp lại từ microfilm hiện lưu trữ tại thư viện Đại học Cornell, Ithaca, NY. Do công lao của Ngy Thanh và Võ Phi Hùng, toàn bộ khoảng 1,000 số báo ST hiện đã được số hoá và lưu trữ tại Kho Chứa Sách Xưa.
Vào mùa hè năm 1973, Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà tổ chức một cuộc viếng thăm quê nhà cho hàng ngàn sinh viên du học và người Việt xa xứ. “Đại Lộ Kinh Hoàng” tại tỉnh Quảng Trị là một trong những địa điểm các du học sinh thăm viếng. Hình trên, Thanh Hùng, một sinh viên trong nước (thứ ba từ phải) hướng dẫn đoàn, đang chuẩn bị đọc văn tế các nạn nhân bỏ mình trên ĐLKH tại nghĩa trang nơi chôn cất 1.841 dân thường. Nghĩa trang này nay đã khôgn còn dấu vết, nhưng Đài Đức Địa Tạng do tiền đóng góp của dân Miền Nam gửi tới nhật báo Sóng Thần xây dựng nên, hiện vẫn còn tồn tại. (Ảnh Trần Đại Lộc, tư liệu của Phạm Phú Minh)
Trên, sinh viên Thanh Hùng đang đọc văn tế nạn nhân Đại Lộ Kinh Hoàng nhân dịp hướng dẫn phái đoàn sinh viên du học về thăm nhà vào mùa hè năm 1973. Hình chụp tại Nghĩa trang Đồng bào Chiến nạn Quảng Trị, nơi mai táng 1.841 nạn nhân bị thảm sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nghĩa trang, tọa lạc ở thôn Hội Kỳ thuộc xã Hải Chánh quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nay không còn dấu vết. (Ảnh Trần Đại Lộc, tư liệu của Phạm Phú Minh)
Các sinh viên thắp nhang tưởng niệm trước những nấm mồ của nạn nhân Đại Lộ Kinh Hoàng bị pháo Cộng quân giết hại khi chạy khỏi Quảng Trị vào đầu xuân 1972. (Ảnh Trần Đại Lộc, tư liệu Phạm Phú Minh)
Trái, một sinh viên chụp hình lưu niệm truớc Đài Đức Địa Tạng trong chuyến viếng Nghĩa trang Đồng bào Chiến nạn Quảng Trị, nơi mai táng 1.841 nạn nhân bị thảm sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. (Ảnh Trần Đại Lộc, tư liệu của Phạm Phú Minh). Nghĩa trang này tọa lạc ở thôn Hội Kỳ xã Hải Chánh quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nay không còn dấu vết. Tuy nhiên, Đài Đức Địa Tạng, hay Địa Tạng Miếu, do tiền đóng góp của dân Miền Nam gửi tới nhật báo Sóng Thần qua chương trình “Thác Một Nấm Mồ”, hiện vẫn còn tồn tại. (Ảnh tư liệu Ngy Thanh, 2016)
Đài Địa Tạng, hay Địa Tạng Miếu, giữa, nằm bên trái Quốc lộ đi về hướng bắc. (Screenshot Google Earth, ngày 23 tháng 2, 2022)
Trái, Cầu Mỹ Chánh, nhìn từ Bắc vào Nam. Đây là phòng tuyến của Thủy Quân lục Chiến sau khi QLVNCH di tản khỏi Quảng Trị – Đông Hà ngày 1-5-1972. (Ảnh Ngy Thanh, chụp tháng 6-2004). Phải, Cầu Bến Đá, nhìn từ Bắc vào Nam. Cả chiếc cầu nầy lẫn cầu Trường Phước cách 2 km về phía Quảng Trị đều bị giật sập nên dòng người di tản từ thị xã Quảng Trị và Đông Hà bị nghẽn, làm bia cho pháo binh đối phương tàn sát. Ngày 1 tháng 7, 1972, 60 ngày sau khi mất Quảng Trị, hai phóng viên Ngy Thanh và Đoàn Kế Tường của nhật báo Sóng Thần đã bò qua cầu sắt xe lửa (bên phải), chứng kiến hàng ngàn xác chết và đặt tên đoạn quốc lộ nầy là “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Ngay sau đó, nhật báo Sóng Thần đã được độc giả đóng góp ngân quỹ để tổ chức thu nhặt và mai táng được 1.841 xác ở Nghĩa trang Đồng bào Chiến nạn Quảng Trị sau lưng trường tiểu học Mỹ Chánh. Phóng viên NgyThanh hiện cư ngụ tại Houston, Texas. (Ảnh Ngy Thanh, chụp tháng 6-2004)
[Loạt bài này xuất bản lần đầu trên tạp chí Thời Báo (Houston) số ra ngày 20 tháng 11, 2009, tr. 54-109. Phần hình ảnh và chú thích được cập nhật ngày 5 tháng 3, 2022.]
Một số tư liệu (hình ảnh, ghi chép) khác của ký giả Ngy Thanh
Ảnh trên: Hình chụp lại trang báo Sóng Thần ngày 6/07/1972, đăng một bản tin do các phóng viên chiến trường gửi về, tường thuật cảnh tượng “Đại lộ kinh hoàng”. Báo Sóng Thần hiện được bảo lưu bằng vi phim tại thư viện John Olin của Đại học Cornell, thành phố Ithaca, bang New York.
“TRÊN QUỐC LỘ 1 NỐI QUẢNG TRỊ VỚI HUẾ
ĐOẠN ĐƯỜNG KINH HOÀNG
1 TẤC ĐẤT LÀ 1 XÁC NGƯỜI
• HƠN 1 NGÀN ĐỒNG BÀO HỐC HÁC XIÊU
VẸO, TÌM ĐƯỜNG CHẠY VỀ PHƯƠNG NAM
SAIGON 5.7 (ST) Tin của các phái viên Ngy Thanh, Đoàn Kế Tường và Duy Đăng từ chiến trường giới tuyến điện về cho hay, để khai thông trục lộ, dọn dẹp các chướng ngại vật gồm xe cộ vật dụng đủ loại ngổn ngang bừa bãi nghẽn cả một đoạn quốc lộ 1 dài 3cs [3 cây số] giữa 2 cây cầu Trường Phước và Bến Đá xe ủi đất đã được sử dụng để ủi những thứ nầy lại gom thành 1 đống 2 bên đường.
Nhiều bom bi được thả trước đây nay bị đụng chạm phát nổ. Dù xác chết đã rữa nát từ 2 tháng nay cũng vẫn còn xông lên mùi hôi thối nằng
[Xem tiếp 3 trang 8]
[Tiếp theo 3 trang 1]
nặc. Vì bị chết đã lâu và phơi giữa trời mưa nắng những xác chết này nay chỉ còn xương một vài miếng da, tóc quần áo dính đất xuống đường lộ hay mặt đất hai bên lộ.
Trên khu vực nầy, có thể nói, mỗi tấc đất đầu có xác người, lựu đạn, bom bi hoặc đạn đại bác.
Những người lính đi tìm xác thân nhân đã bới từng nắm xương, từng manh quần áo nát vụn để tìm trong đó dấu tích của thân nhân mình.
Các ký giả đã mô tả đoạn đường nầy là “đại lộ kinh hoàng”.
Trên ống xương tay của một người đàn bà, người ta còn thấy vòng vàng và đồng hồ. Trong một cái chậu nhựa, xương khô của một hài nhi lọt thỏm trong đó, bên cạnh là xác một người đàn bà úp sấp, một cánh tay đưa về phía cái chậu và tung tóe bên cạnh đó là một số đồ chơi bằng nhựa.
1 người lính tìm thấy trong một cái bọc bên cạnh 1 xác chết gói tiền lớn toàn giấy 500. Cầm cả gói lớn thì anh ta có hàng trăm ngàn nhưng lấy ra từng tờ 1 thì tiền đã nát mủn không xài được nữa. Giữa đám xác người chết, vật dụng và xe cộ, thỉnh thoảng người ta lại thấy hiện ra nhưng toán dân chúng Quảng Trị chạy thoát được ra ra khỏi vùng lửa đạn.”
(Ngy Thanh, báo Sóng Thần, 6/07/1972.)
(Ảnh trên: Hình chụp báo Sóng Thần, bài “Đi nhặt xác đồng bào Quảng Trị trên đường “kinh hoàng””, của Chủ bút Trùng Dương.)
Ảnh trên: Một chùm ảnh do ký giả Ngy Thanh chụp tường thuật công tác thu lượm xác nạn nhân trên Đại Lộ Kinh Hoàng, đăng trên báo Sóng Thần ngày 4/08/1972. Chú thích ảnh trên trang báo có ghi: “128 quan tài được sắp hàng trong trường tiểu học Phong Điền, hương nến nghi ngút chờ giờ hạ huyệt (hình 1). Những nét mặt bùi ngùi đau khổ của các thân nhân sau khi đã đắp xong nấm mồ cho người thân yêu – (hình 2, 3, 4)”
Trích bài bút ký của ký giả Ngy Thanh và Đoàn Kế Tường trên Sóng Thần, 2/7/1972
Ký giả Ngy Thanh cho biết: Ngày 1/07/1972, cùng với phóng viên Đoàn Kế Tường, hai chúng tôi bò qua cầu sắt xe lửa bị gãy gập thành hình chữ V bắt qua sông Bến Đá, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị – và chứng kiến bãi xác xe, xác người kéo dài mãi đến tận cầu Dài 2 (cầu Trường Phước). Buổi tối, chúng tôi về Bưu điện Trung ương Huế đăng ký chờ gọi điện thoại đường dài về cho tòa soạn Sóng Thần.
Ngày 2/07/1972, bản tin của chúng tôi được đăng lên trang nhất số báo phát hành vào chiều cùng ngày, đề ngày 3/07/1972. Riêng ảnh chụp bằng phim, chúng tôi cần thời gian để mang phim tới hiệu ảnh tráng, và rọi ra ảnh, để hôm sau xuống phi trường Phú Bài gửi về Sài gòn qua Air Viet Nam.
Ảnh trên: Hình chụp lại tờ báo Sóng Thần phát hành tại Sài Gòn chiều ngày 2/07/1972 đề ngày 3/07/1972, trên đó đăng ở đầu trang nhất bản tin do phái viên NgyThanh và Đoàn Kế Tường tường thuật từ Huế đêm 1/07/1972. Bên dưới là nguyên văn bài báo.
***
Thành tích Giải phóng của CSBV trên Quốc lộ 1
XÁC DÂN TỴ NẠN TRƠ XƯƠNG NẰM DÀI 2CS TRÊN QUỐC LỘ 1
■ Những con gà và chó hoang sống nhờ xác chết rữa
■ Cờ Việt Nam Cộng Hòa tung bay sát Thị xã Quảng Trị
* Ngy Thanh
* Đoàn Kế Tường
MỸ CHÁNH 2-7 (ST) . – Phái viên Ngy Thanh và Đoàn Kế Tường của Sóng Thần cho hay họ đã vượt sông Mỹ Chánh để tới một đoạn đường dài 10 cây số Đông Nam Quảng Trị gọi là “đọan đường máu” nơi đây còn hàng trăm xác quân xa chở đồng bào Quảng Trị di tản trong ngày 1-5, cháy xém nằm la liệt, bên cạnh còn thấy những xác của đồng bào bị lính BV pháo kích chết cách đây hơn 2 tháng. Những xác nầy nay đã rữa thối, chỉ còn trơ xương.
Cây cầu xe lửa Bến Đá bị quần xuống nước, cầu QL1 bị sập. Mùi tử khí xông lên nồng nặc.
Đoạn đường từ Mỹ Chánh trở ra trên QL1 bị bom cày nát.
Quân Dù đã được trực thăng vận xuống La Vang Thượng và một vị trí khác gần Ái Tử phía bắc Thạch Hãn để làm đầu cầu cho quân VNCH thắt chặt vòng vây quanh Q. Trị. Quân Dù tiếp tục tiến về Quảng Trị. Trên đường La Vang – Quảng Trị có nhiều căn cứ cũ của ta hiện nay là các vị trí phòng không của BV. Phái viên Ngy Thanh nói rằng thật sự toán quân di chuyển bằng đường bộ mới vượt qua khỏi cầu Bến Đá 800 thước. Công binh được huy động để dọn dẹp đường tiến quân. Trên đoạn đường dài trên 4 cây số, xe cộ nằm la liệt, tông húc nhau lẫn lộn với các xe tăng của địch. Hàng trăm xác đồng bào đã rữa thối. Hàng trăm xác xe Honda còn nguyên cả chìa khóa chỉ cần gạt
*Xem tiếp 1 trang I*
Vị trí của “Đại lộ Kinh hoàng” trên Quốc lộ 1 do ký giả Ngy Thanh phác thảo trong sách “Đại lộ kinh hoàng” (chưa xuất bản).
Ghi chú của ký giả Ngy Thanh: Bản vẽ khu vực “Đại lộ kinh hoàng” do Ngy Thanh phác thảo để diễn giải các chi tiết trong tuyển tập “Đại lộ kinh hoàng”
– Mỗi ô vuông trên bản đồ tương đương 1 km trên thực địa.
– Bản vẽ tay do Ngy Thanh thực hiện, dựa trên các tờ bản đồ số 6442 I, 6442 II, 6442 III và 6442 IV thuộc nhóm bản đồ L7014 của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS – United States Geological Survey) ấn hành dựa theo thông tin ghi nhận được vào năm 1965.
Một số tư liệu của phóng viên người Pháp Philippe Buffon
Trao đổi với Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ ngày 7/5/2022, phóng viên người Pháp Philippe Buffon cho biết như sau:
“I took these photos in June 1972 on Road No1 in the south of Quang Tri city. The battle was terrible. Many civilians were killed by VC. I was wound in Quang Tri while reporting there and was taken to an American hospital in Da Nang.” (“Tôi chụp những bức ảnh này vào tháng 6 năm 1972 trên Quốc lộ 1 ở phía nam thành phố Quảng Trị. Trận chiến thật khủng khiếp. Nhiều dân thường bị VC giết hại. Tôi bị thương ở Quảng Trị khi đang đưa tin ở đó và được đưa vào bệnh viện Mỹ ở Đà Nẵng.”)
Dưới đây là những bức ảnh mà phóng viên Philippe Buffon gửi cho Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ.
(Ảnh Philippe Buffon chụp trên Quốc lộ 1, phía nam thành phố Quảng Trị, vào tháng 6 năm 1972. Trong một email khác, Philippe Buffon cho biết ông đi vào khu vực này cùng lực lượng lính dù VNCH.)
(Ảnh Philippe Buffon chụp trên Quốc lộ 1, phía nam thành phố Quảng Trị, vào tháng 6 năm 1972)
(Ảnh Philippe Buffon chụp trên Quốc lộ 1, phía nam thành phố Quảng Trị, vào tháng 6 năm 1972)
(Philippe Buffon bị thương khi đưa tin ở chiến trường Quảng Trị.)
Bạn có thể thích
PHỎNG VẤN TRỊNH ĐÌNH THẮNG
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng