Kinh tế - Chính trị
Tư liệu: “Biên bản Hội đàm giữa VNDCCH và Liên Xô trong chuyến thăm 27-31/10/1975”
Published on
Tư liệu: “Biên bản Hội đàm giữa VNDCCH và Liên Xô trong chuyến thăm 27-31/10/1975”
Đây là biên bản cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Việt Nam (Tổng bí thư Lê Duẩn) và Liên Xô (Tổng bí thư Brejnev và những người khác) vào tháng 10 năm 1975. Tài liệu cung cấp nhiều thông tin về cách nhận thức của Lê Duẩn về sự khác biệt giữa hai miền Nam Bắc sau khi chiến tranh kết thúc, về hệ thống cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, về vị trí của Việt nam trong bối cảnh Đông Nam Á, châu Á và thế giới, về tranh chấp đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Trung Quốc, về tương lai mối quan hệ giữa Việt Nam với các siêu cường như Liên Xô, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, về chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (Đảng Cộng sản Campuchia) mà ông Lê Duẩn mong muốn, và nhiều vấn đề khác.
Tên tài liệu: “Biên bản Hội đàm giữa Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa và Đoàn đại biểu Đảng và chính phủ Liên Xô trong cuộc đi thăm Liên Xô của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta từ 27 đến 31-10-1975”
Số hồ sơ: 9735, phông Phủ Thủ Tướng, Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia III, Hà nội.
Phủ Thủ Tướng 9735
Ảnh: Tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev hội đàm với Tổng bí thư Lê Duẩn, 29 tháng 10 năm 1975. Bên phải ông Lê Duẩn là thông dịch viên Vũ Khoan, sau này là phó thủ tướng giai đoạn 2002 – 2006. (Photo by: Sovfoto/UIG via Getty Images)
[p. 1]
BIÊN BẢN
Hội đàm giữa Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa và Đoàn đại biểu Đảng và chính phủ Liên Xô trong cuộc đi thăm Liên Xô của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta từ 27 đến 31-10-1975.
—
Buổi thứ nhất
Ngày 28 tháng 10 năm 1975, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hòa và Đoàn đại biểu Đảng và chính phủ Liên Xô đã hội đàm từ 11 giờ đến 13g. 15’ tại phòng E-ka-tê-ri-na, điện Cơ-rem-lanh. Tham gia hội đàm về phía ta có các đồng chí: Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Văn Kha, Lê Khắc, Nguyễn Văn Đào.
Về phía Liên Xô, có các đồng chí: Brejnev, Podgorny, Kossyguine, Gromyko, Gretchko, Katouchev, Baibakov, …
Đồng chí Brejnev: Chúng tôi chăm chú theo rõi chuyến đi thăm Đông Âu của đồng chí. Chúng tôi rất vui vì tin tức cho thấy chuyến đi của các đồng chí kết quả tốt.
[p. 2]
Đồng chí Lê Duẩn: Đúng! Chuyến đi của chúng tôi kết quả tốt. Ở khắp nơi chúng tôi đều thấy tượng kỷ niệm Hồng quân Liên Xô.
Đồng chí Kossyguine: Đúng! Vì Liên Xô đã chiến đấu ở đấy.
Đồng chí Podgorny: Nhiều người Liên Xô đã hy sinh.Ở Ba-Lan một vạn người Liên Xô đã chết. Ở Trung Quốc cũng vậy.
Đồng chí Lê Duẩn: Chúng tôi hiểu.
Đồng chí Kossyguine: Ở Triều Tiên nữa.
Đồng chí Lê Duẩn: Nếu không có thắng lợi ở Liên Xô thì cách mạng ở nhiều nơi cũng không thắng lợi được.
Đồng chí Brejnev: Trong thời gian qua chúng tôi đã phát biểu nhiều, đã bày tỏ sự vui mừng của mình vì hiện nay đã có một nước Việt Nam thống nhất. Một lần nữa chúng tôi xin chúc mừng thắng lợi vĩ đại của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Đó là niềm vui thứ nhất của chúng tôi. Niềm vui thứ hai của chúng tôi là Đoàn các đồng chí đến thăm đất nước chúng tôi và Moskva. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh các đồng chí và chúng tôi tin rằng các cuộc hội đàm của chúng ta sẽ rất bổ ích và kết quả. Ngoài ra, các đồng chí sẽ còn có dịp nghỉ ngơi ở Moskva. Việc các đồng chí quyết định nghỉ lại ở Liên Xô sau một thời gian làm việc căng thẳng làm chúng tôi rất vui. Đó là tình cảm của những người Liên Xô đối với người bạn đáng tin cậy của mình. Chúng tôi không nghi ngờ gì khi nói như vậy vì đồng chí đã tham dự nhiều Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, đã đến thăm Liên Xô và hội đàm nhiều lần với chúng tôi.
[p. 3]
Chỉ riêng việc đó cũng đủ cho thấy đồng chí là một người cộng sản, người bạn lớn của Liên Xô. Mong đồng chí nhận ở chúng tôi những tình cảm và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Còn về những con số, những yêu cầu của các đồng chí, thì tôi nghĩ không có gì phải tranh cãi. Nếu các đồng chí cho chúng tôi thì chúng tôi xin cảm ơn (cười).
Đồng chí Lê Duẩn: Ngược lại đấy (cười)!
Đồng chí Brejnev: Hôm qua trên đường từ sân bay về Kremlin tôi đã hỏi đông chí Lê Duẩn một số vấn đề về kế hoạch của các đồng chí, về tình hình Việt Nam. Đó là những vấn đề Bộ Chính trị trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và tất cả chúng tôi, những người tham gia cuộc hội đàm hôm nay rất quan tâm. Chính vì vậy mà hôm nay, thay mặt tất cả các đồng chí chúng tôi, tôi đề nghị đồng chí Lê Duẩn kể cho chúng tôi nghe về tình hình Việt Nam, công việc của Đảng các đồng chí, ý định của các đồng chí làm gì trong thời gian tới? Bởi vì thực sự chúng ta là một gia đình, nên chúng tôi muốn thấy có một nước Việt Nam dưới một dạng xứng đáng sau chiến tranh.
Đồng chí Lê Duẩn: Thưa các đồng chí Brejnev, Podgorny, Kossyguine!
Trước hết tôi xin thay mặt Đảng Lao Động Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm ơn Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã giúp đỡ chúng tôi một cách hiệu quả trong chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau 30 năm đấu tranh, đến nay Việt Nam mới có hòa bình, độc lập, thống nhất và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chưa bao giờ nhân dân Việt Nam vui mừng như ngày nay. Chính vì
[p. 4]
vậy mà chúng tôi muốn mang niềm vui đó chia sẻ với nhân dân Liên Xô. Chúng tôi hiểu là chúng tôi phải biết ơn Cách mạng tháng Mười, biết ơn nhân dân Liên Xô đã chiến thắng phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi tin rằng thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của Liên Xô, chúng tôi vui bao nhiêu thì các đồng chí vui bấy nhiêu, khó khăn của chúng tôi cũng là khó khăn của các đồng chí.
Thông báo của tôi chủ yếu nói tới chiến thắng mùa Xuân năm 1975 và tình hình Việt Nam hiện nay. Để các đông chí thấy rõ thắng lợi của chúng tôi, tôi xin nói một số điểm về quá trình của cuộc chiến tranh với Mỹ.
Với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân Việt Nam đã đánh thắng Pháp và năm 1954 ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Tuy vậy chúng tôi không nghĩ rằng, bằng Hiệp nghị đó có thể giành được thống nhất và độc lập. Chúng tôi hiểu rằng, bọn đế quốc không chịu trả chúng tôi độc lập thông qua đàm phán, tuy lúc đó chúng tôi đã kiểm soát phần lớn đất nước. Chúng tôi thấy rõ nguy cơ Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Chúng tôi đã nghe theo ý kiến của Liên Xô và Trung Quốc chấm dứt chiến tranh vì làm như vậy để bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi nghe và đã chấm dứt chiến tranh, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng phải đấu tranh lâu dài mới giành được thắng lợi cuối cùng. Chúng tôi hiểu Mỹ đã trở thành kẻ thù chủ yếu của Việt Nam. Tuy vậy chúng tôi không ngờ là Mỹ lại hất Pháp nhanh như thế.
Mỹ có ý đồ lớn ở Việt Nam và Đông Nam Á. Mỹ muốn chứng minh rằng, chúng có khả năng bảo vệ bất cứ nước nào, có thể ngăn cản các dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mỹ nắm chặt Diệm cùng với đội quân mạnh của nó. Nhưng cách mạng Việt Nam phát triển mạnh. Chúng tôi đứng trước hai khả năng: hoặc nổi dậy chống Diệm, hoặc giữ nguyên trạng. Lúc đó cũng có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhưng thực tế không còn con đường nào khác, chúng tôi đã đứng lên đấu tranh. Chúng tôi tiến hành đấu tranh trong 30 năm ở khắp nơi: ở thành thị, ở nông thôn, ở rừng núi. Năm 1963 Diệm đổ. Mỹ biết nếu không vào thì chiến lược thực dân mới sẽ sụp đổ.
[p. 5]
Ngay từ năm 1960, khi nhân dân miền Nam nổi dậy, Mỹ đã lập Bộ chỉ huy, đưa vào một đội cố vấn lớn. Mỹ âm mưu dùng kinh nghiệm chống du kích ở các nơi khác vào Việt Nam. Diệm dao động. Mỹ tưởng rằng, sự can thiệp của Mỹ sẽ không đưa đến những hậu quả xấu và sẽ không gây ra phản ứng gì trên thế giới. Mỹ đưa vào miền Nam 20 vạn quân, áp dụng thuyết Thompson, dùng kinh nghiệm ở Mã lai, tập trung dân lại.
Tình hình lúc đó ở Việt Nam đã khác. Mỹ đưa 20 vạn quân vào khi lực lượng của chúng tôi đã phát triển ở khắp mọi nơi. Trận đầu tiên với Mỹ là trận đánh một vạn lính thủy đánh bộ, được xe tăng yểm trợ. Chúng tôi đã tiêu diệt 1.000 địch còn chúng tôi chỉ hy sinh 50 người. Chúng tôi áp dụng chiến lược tiến công. Mỹ thua, đã đưa quân Mỹ lên tới 30 vạn, rồi trên 50 vạn. Ngoài ra còn có 5 vạn quân Nam Triều Tiên, quân Philippine, Thái Lan, Tân Tây Lan và 1 triệu quân ngụy. Nhưng chúng tôi vẫn kiểm soát chặt tình hình.
Chúng tôi hiểu 50 vạn quân là mức tối đa của cuộc chiến tranh cục bộ. Chúng tôi chuẩn bị lực lượng ngay tại Sài gòn. Năm 1968 chúng tôi đánh vào Sài gòn. Johnson kinh ngạc, đứng trước sự lựa trọn: tăng quân hay giảm quân và đi vào đàm phán với Việt Nam. Nixon ra tranh cử tổng thống cũng dưới khẩu hiệu rút khỏi Việt Nam, nhưng khi thắng cử lại làm khác, đánh phá Việt Nam nhiều hơn. Do đó chúng tôi đã phải chiến đấu thêm 4, 5 năm nữa. Chúng tôi tin địch không chịu nổi cuộc chiến tranh. Tây Đức đã đòi Mỹ rút vì nếu không rút thì đồng đô la sẽ mất giá. Tình hình Mỹ khó khăn. Khi bước vào đàm phán chúng tôi kiên trì đòi Mỹ rút quân và sẵn sàng chịu đựng mọi thử thách. Đến cuối năm 1972 Mỹ dùng B. 52 đánh phá, hòng buộc chúng tôi phải đầu hàng, rút quân đội ở miền Nam ra. Nhưng chúng tôi đã thắng.
Khi ký hiệp định Pa-ri, chúng tôi tin rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng. Chúng tôi thấy trước hai khả năng: nếu Mỹ thực hiện hiệp định Pa-ri, chúng tôi cũng thắng, và nếu chúng không
[p. 6]
thực hiện thì chúng tôi cũng thắng. Đên khi Mỹ rút thì Mỹ cung cấp cho ngụy rất nhiều vũ khí, giúp ngụy lấn chiếm vùng giải phóng. Chúng tôi sẵn sàng chờ đợi hành động đó của chúng. Tất nhiên cũng có một số nơi chúng tôi chưa dự tính hết mọi khả năng. Có nơi tương quan là địch 3, chúng tôi 1. Địch tấn công, thì Đảng ủy các nơi đó chủ trương rút để thực hiện hiệp định. Có nơi tương quan lực lượng là 10/1 có lợi cho địch, nhưng chúng tôi vẫn tấn công và đã thắng. Do đó, chúng tôi đã đánh giá được chỗ mạnh, chỗ yếu của địch. Hai năm sau khi ký kết Hiệp định Pa-ri địch đã lấn chiếm một vùng rộng lớn của chúng tôi.
Hội nghị Trung ương lần thứ 21 họp đã nhận định tình hình và dự kiến hai khả năng hành động: Thực hiện Hiệp định Pa-ri như dư luận mong muốn; nhưng nếu địch không chịu thi hành Hiệp định thì kiên quyết đánh, giành thắng lợi trong vòng một năm. Thực tế cho thấy địch đã không chịu thi hành Hiệp định. Đầu năm 1975, Bộ Chính trị chúng tôi họp và quyết định đánh và sau chiến thắng Ban-mê-thuột đã quyết định giành thắng lợi hoàn toàn trong 3 tháng.
Chúng tôi đã nghe theo ý kiến của Liên Xô, để cho Mỹ chạy hết mới đánh vào Sài gòn. Lúc đó chúng tôi có 5 quân đoàn ở xung quanh Sài gòn, nhưng chúng tôi vẫn đợi. Khi Mỹ rút hết thì chúng tôi mới đánh. Nếu chúng tôi đánh vào Sài gòn sớm hơn 5 ngày thì chắc Mỹ không thể rút hết được một số lớn người như vậy ra khỏi Việt Nam. Trước khi mất Sài gòn, Mỹ có 2 vạn người ở đây. Chúng đã ráo riết dùng máy bay lên thẳng để vận chuyển trong những ngày cuối cùng. Tuy vậy đến khi chúng tôi vào Sài gòn vẫn còn khoảng 20 người Mỹ. Như vậy là chỉ trong 54 ngày cuộc tiến công bằng quân sự và sự nổi dậy của quần chúng đã buộc các quân đoàn địch phải đầu hàng.
Ở Đà nẵng, chúng tôi đã kiên quyết đánh địch khi địch có 10 vạn quân mà chúng tôi chỉ có mấy nghìn người. Chính vì vậy mà chúng tôi đã bảo vệ được nhân dân, ở thành thị và nông thôn.
[p. 7]
Nhân dân Việt Nam có truyền thống đánh lâu dài cũng như đánh nhanh, thắng nhanh. Chúng tôi đã đánh nhau 20-30 năm và đã giành những thắng lợi trong 2-3 tháng. Chúng tôi đã đánh bại hơn 1 triệu quân địch, 2 triệu dân vệ trong đó 1/3 được vũ trang tốt. Địch có 1.700 máy bay, mấy nghìn xe tăng, mạnh vào hàng thứ 4, 5 trên thế giới. Chúng tôi đã quen chiến đấu chống xâm lược.
Đồng chí Gretchko: Bây giờ thì các đồng chí giúp Liên Xô vũ khí.
Đồng chí Lê Duẩn: Địch có 600-700 máy bay trực thăng. Đó là kỵ binh bay.
Địch bị bất ngờ, Kisinger tưởng có thể giữ được miền Nam hàng chục năm. Chúng tôi không bị bất ngờ vì chúng tôi hiểu rõ sức mạnh của chúng tôi và biết đánh địch như thế nào. Đây là thắng lợi rất phấn khởi. Nó càng phấn khởi vì trước đó 20 ngày, Cam-pu-chia đã giành thắng lợi.
Phải nói rằng qua chiến thắng này Cam-pu-chia hiểu Việt Nam hơn vì trươc đó đã có 2 ý kiến về Cam-pu-chia. Có người bảo nên đánh thêm 10 năm nữa và phát triển lực lượng nông thôn. Nhưng chúng tôi nói với các đồng chí Cam-pu-chia là cứ đánh vào Nông Pênh và có thể giành thắng lợi trong vòng mấy tháng, Việt Nam sẽ giúp. Cam-pu-chia nghe theo chúng tôi. Họ đã đánh vào Nông Pênh và đã thắng. Chúng tôi nghĩ rằng, qua đó Cam-pu-chia hiểu Việt Nam hơn. Lào cũng đã giành được thắng lợi. Chúng tôi đã nói với Lào rằng, Lào không cần đánh bằng quân sự, và có thể giành thắng lợi bằng lực lượng chính trị. Ngày nay 3 nước Đông Dương đều đã chiến thắng, nhưng bằng những cách khác nhau. Đó là lô-gich lịch sử. Nếu Việt Nam không chống Mỹ, thì Lào và Cam-pu-chia không chống lại Mỹ được. Trước đây chúng tôi có Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là 3 nước. Tôi xin nói tóm tắt chiến dịch 54 ngày như vậy.
Thắng lợi đó là sự đúc kết kinh nghiệm đấu tranh chống Mỹ ở khắp nông thôn và thành thị Việt Nam, phối hợp tấn công vũ trang
[p. 8]
và đấu tranh chính trị, kéo địch xuống thang dần dần, giành thắng lợi từng bước. Đó là kết quả của 30 năm đấu tranh, là kết quả áp dụng kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười vì Cách mạng tháng Mười cũng là kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Tuy vậy nếu không có sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đấu tranh đó cũng không thể thắng lợi vì Việt Nam không có xe tăng, vũ khí hiện đại. Những thứ đó là của Liên Xô. Ở Nam Việt Nam Mỹ, ngụy rất sợ đại bác 130mm vì bắn rất chính xác. Hai xe tăng đầu tiên tiến vào dinh “Độc lập” ngụy là hai xe tăng Liên Xô. Những xe tăng đó đã đi từ Hà Nội vào Sài gòn, trải qua đoạn đường dài mấy nghìn cây số.
Lần đầu tiên Việt Nam có hòa bình và độc lập trong cả nước. Cả nước hiện nay có một Đảng, một quân đội, chính quyền tuy hình thức là hai nhưng thực chất chỉ có một. Quân đội vào Sài gòn là [và?] quân đội miền Bắc Việt Nam thực chất đã là một, thống nhất chỉ là vấn đề hình thức, là cách công khai hóa ra thôi. Hiện nay đã có 80 nước công nhận miền Nam cho nên chúng tôi còn tính nên dùng hình thức nào cho thích hợp. Kinh tế thì có khác. Cả nước Việt Nam nay có 45 triệu người, miền Bắc có 24 triệu, miền Nam có 21 triệu, đứng thứ 3 trong các nước xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Kossyguine: Không kể Trung Quốc thì là nước đứng thứ 2.
Đồng chí Lê Duẩn: Chúng tôi tin rằng khi đã thống nhất rồi thì Việt Nam sẽ tiến lên nhanh lắm vì điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi. Miền Nam Việt Nam trước mắt sẽ có 5 thành phần kinh tế: quốc doanh, hợp tác xã, công tư hợp doanh, tư sản dân tộc, tư doanh. Trong một thời gian nhất định phải giữ như vậy vì nó sẽ giúp phát triển nhanh kinh tế. Tư sản dân tộc ở đây có mặt khác. Nếu làm đảo lộn cả thì tình hình sẽ khó khăn. Ví dụ giá vận tải ở miền Nam rẻ gấp 4 lần so với giá miền Bắc. Ở miền Bắc bệnh quan liêu còn khá nhiều.
[p. 9]
Đồng chí Kossyguine: Vấn đề sản xuất lương thực ra sao?
Đồng chí Lê Duẩn: Lương thực trước đây miền Nam đưa ra miền Bắc. Thực chất kinh tế miền Nam hiện nay chủ yếu dựa vào sản xuất gạo và vải là chính.
Đồng chí Kossyguine: Tính ra thì 1 kg gạo ở đấy giá bao nhiêu?
Đồng chí Lê Duẩn: 1 đồng tiền mới Nam Việt Nam ăn 0,85 đồng miền Bắc. 1 kg gạo ở miền Nam giá 0,38 đồng, ở miền Bắc giá 0,45 đồng. Như vậy là ở miền Bắc đắt hơn. Còn cá ở miền Nam bình quân một năm đánh được 80 vạn tấn (do tư nhân đánh) còn ở miền Bắc Quốc doanh đánh được 1 vạn tấn và Hợp tác xã đánh được 8 vạn tấn.
Đồng chí Kossyguine: Miền Nam bờ biển nhiều?
Đồng chí Lê Duẩn: Vì miền Nam nhiều cá. Riêng tôm xuất khẩu cũng trị giá 30 triệu đô la rồi. Hiện nay vẫn xuất.
Đồng chí Kossyguine: Xuất sang Mỹ?
Đồng chí Lê Duẩn: Xuất sang Nhật …. Miền Nam nhiều cá, muối v.v…
Đồng chí Kossyguine: Vấn đề đi lại giữa Nam Bắc thế nào?
Đồng chí Lê Duẩn: Đi máy bay hết 2 giờ 30’.
Đồng chí Brejnev: Trước đây có đường sắt?
Đồng chí Lê Duẩn: Có nhưng bị chiến tranh tàn phá, chưa phục hồi được.
[p. 10]
Do tình hình thực tế chúng tôi phải để ở miền Nam 5 thành phần kinh tế. Ở miền Nam cũng bắt đầu hợp tác hóa và cơ khí hóa, nhưng phải làm cách khác. Nông dân ở đây đa số là trung nông cho nên nếu năng suất trong hợp tác xã không cao thì họ không chịu vào đâu. Tôi đã vào miền Nam nghiên cứu kỹ đặc điểm kinh tế ở đây. Công nghiệp cơ khí chưa có bao nhiêu, công nghiệp nặng không có. Công nghiệp nhẹ thì khá nhiều ngành. Tôi đã thăm hội chợ Quảng Châu. Hàng hóa ở miền Nam nhiều, tốt và rẻ hơn nhiều. Tôi hỏi tại sao lại rẻ. Ở đây công nhân ăn tại chỗ, xe đưa và đón tận nhà. Họ bắt làm dữ lắm, làm 8 giờ là đủ 8 giờ. Ở miền Bắc tuy nói 8 giờ nhưng thực tế chỉ làm có 4 giờ. Kinh tế của chúng tôi còn khó nên chúng tôi quyết định tạm giữ lại tư sản dân tộc để họ quản lý kinh tế.
Trước kia Sài Gòn được Pháp giúp, sau này do Mỹ giúp nên họ suy nghĩ theo kiểu châu Âu, áp dụng kinh nghiệm châu Âu.
Đồng chí Kossyguine: Bây giờ các đồng chí có quan hệ với Nhật nhiều không?
Đồng chí Lê Duẩn: Có, quan hệ buôn bán là chính. Nhưng khó khăn hiện nay là không có nguyên liệu. Trước đây miền Nam nhận nguyên liệu của Nhật, Mỹ, mỗi năm nhận tới 700 triệu đô la nguyên liệu của các nước, chủ yếu là cho Sài Gòn. Nông nghiệp thì có khả năng phát triển. Chúng tôi có thể khai hoang thêm hai triệu héc ta và nếu làm 2 vụ thì chúng tôi có thêm 4 triệu héc ta ruộng đất. Miền Nam không có bão, đồng bằng rộng. 30 năm nay không có cơn bão nào. Ở miền Bắc thì năm nào cũng có trên 10 trận bão.
Đồng chí Kossyguine: Có thủy lợi không?
Đồng chí Lê Duẩn: Có, đất tốt, những vùng đất đỏ phì nhiêu sâu tới 15m. Ở đấy chúng tôi có thể trồng cao su, ngô. Mỹ, Nhật cũng đã có kế hoạch khai thác vùng này.
[p. 11]
Đồng chí Kossyguine: Ở Tây nguyên có dân không?
Đồng chí Lê Duẩn: Chỉ có khoảng nửa triệu.
Đồng chí Kossyguine: Thế thì ít. Có thể đưa dân ở các vùng khác lên đấy được.
Đồng chí Lê Duẩn: Chúng tôi có đưa người tới đây. Trong chiến tranh có 10 vạn người tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh. Chúng tôi để lại hai vạn người duy trì đường này, còn lại 8 vạn thì đưa đến khai phá vùng Tây nguyên. Những người này đã đến đây hàng chục năm rồi. Chúng tôi đã trao nhiệm vụ cho những đơn vị bộ đội này khai phá 30 vạn héc ta đất. Họ hứa sẽ làm được. Trước đây Mỹ đã khai khẩn vùng này, nhưng còn rất ít. Vùng này dân thưa thớt nên muốn phát triển thì phải đưa dân miền Bắc vào và tổ chức sản xuất lớn ngay.
Trước ở miền Nam chỉ sản xuất 7,5 vạn tấn cao su với 12 vạn ha. Ngoài số cao su đã có ra, còn có thể mở rộng thêm nhiều diện tích trồng cao su. Điều kiện ở đây cũng rất thuận lợi cho việc trồng ngô, có thể thu hoạch 2 vụ một cách dễ dàng. Ở miền Nam còn có thể phát triển ngành sản xuất bột cá và chăn nuôi. Sau 5 năm là thấy rõ kết quả. Ngoài ra ở đây còn có nhiều hoa quả nhiệt đới, có khả năng phát triển lớn hơn ở miền Bắc. Chúng tôi muốn nông dân miền Nam Việt Nam cũng bước vào sản xuất như ở miền Bắc. Ở vùng đồng bằng cũng có nhiều đất bỏ hóa, cho nên phải đưa dân thành thị về nông thôn khai thác. Ở Sài Gòn nhiều người không có việc làm. Trước đây họ đi lính để nuôi sống gia đình. Nay không phải như vậy nữa. Khi đưa họ về nông thôn sản xuất, chúng tôi trợ cấp cho họ trong 6 tháng, sau đó họ có thể tự túc được rồi. Điều kiện miền Nam rất tốt, sau khi được giải phóng 3 năm là có thể giải quyết được vấn đề lương thực. Chúng tôi tin như vậy. Trước đó chúng tôi đã nghĩ nhiều về vấn đề này, nhưng không giải quyết được. Một phần vì vậy mà chúng tôi quyết định giải phóng miền Nam.
[p. 12]
Việt Nam đang trở thành một trung tâm của Đông Nam Á. Sài Gòn đang thay đổi. Việt Nam sẽ trở thành một nước mạnh. Sau khi thống nhất năng suất lao động sẽ tăng lên nhiều. Sau khi giải phóng miền Nam còn khó khăn. Giai cấp tư sản mại bản đòi quyền trong hoạt động kinh tế. Họ chủ yếu là những người Trung Quốc, có quan hệ với Hồng công, Xinh-ga-po, Đài Loan, Băng cốc, Gia-các-ta v.v… Mới đây chúng tôi đã mở chiến dịch đánh vào các lực lượng này. Nhà nước phải nắm độc quyền các ngành chủ yếu. Đó là một sức mạnh lớn.
Đồng chí Kossyguine: Sài Gòn có công nghiệp lớn không?
Đồng chí Lê Duẩn: Ở miền Nam có một số nhà máy công suất nhỏ, thiết bị của Tây Đức, Ý v.v… Ngành dệt có những nhà máy lớn, trang bị máy móc của Đài Loan, Nhật … Ngoài ra còn một số nhà máy chế biến, lắp ráp của Nhật như lắp ráp transistor, vô tuyến truyền hình, làm đồ da, dày [giày], dép. Hàng sản xuất ở đây đẹp như ở Pa-ri.
Đồng chí Kossyguine: Hiện nay các đồng chí có hợp tác kinh tế với Nhật không, hay cắt hết rồi?
Đồng chí Lê Duẩn: Sau khi miền Nam được giải phóng, họ chạy đi hết rồi. Những xí nghiệp của Nhật, Đài Loan nay là của Nhà nước vì các chủ xí nghiệp đều chạy cả. Nhưng khả năng phát triển chủ yếu ở đây là nông nghiệp. Nếu làm tốt chỉ 2-3 năm nữa là miền Nam có thể bảo đảm nhu cầu lương thực của cả nước.
Đồng chí Podgorny: Khó khăn đó là hiện tượng bình thường. Không có nước nào sau khi giải phóng mà không có khó khăn.
Đồng chí Lê Duẩn: Sau khi chúng tôi giành thắng lợi hoàn toàn ở miền Nam, hai triệu người Sài Gòn đã xuống đường kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Khi
[p. 13]
chúng tôi mới vào Sài Gòn, ở đó có 20 vạn mô tô, chạy khắp nơi. Nay thì nửa số người đó đã chuyển sang đi xe đạp vì không có xăng. Bây giờ thì tình hình đã khác. Tuy có khó khăn nhưng nhân dân tự tin là miền Nam có gạo, cá và nhiều rau. Trước đây những thứ đó đều bị bọn tư bản độc quyền chiếm, nhân dân đói khổ, người Việt Nam làm ra mà không được ăn. Trong chiến tranh có vùng đời sống rất cao, có vùng lại rất thấp. Tôi đã vào miền Nam. Họ nói chỉ cần 2, 3 năm là có thể phục hồi mức sản xuất trước kia. Hơn nữa sau chiến tranh chống Pháp chúng tôi đã chia cho nông dân 2 triệu héc ta ruộng đất, cho nên họ ủng hộ chúng tôi. Đó là tình hình miền Nam.
Ở miền Bắc, tình hình có khá hơn một chút, sau khi chiến thắng. Tôi thấy không cần nói gì nhiều. Có điều là trong chiến tranh chúng tôi đã chịu đựng nhiều khó khăn. Nay hòa bình rồi tiếp tục để tình hình như vậy thì không được. Cho nên phải ra sức mà làm, tuy nhiên cũng không thể làm ngay được, phải dần dần. Nhưng một số đồng chí cũ chỉ còn sống được 5, 7 năm nữa thì lại nói đợi 5, 7 năm nữa thì họ không còn nữa.
Đồng chí Kossyguine: Vấn đề đổi tiền ở miền Nam đã xong chưa? Còn dùng tiền cũ nữa không?
Đồng chí Lê Duẩn: Đã đổi tiền xong.
Đồng chí Gretchko: Việc đi lại giữa hai miền hiện nay tự do chứ?
Đồng chí Lê Duẩn: Tự do! Chúng tôi đã cho đi lại thăm gia đình.
Đồng chí Kossyguine: Ở miền Nam còn lực lượng nào có tổ chức chống lại nữa không?
Đồng chí Lê Duẩn: Một số ngụy quân cũ có hành động chống đối nhưng không thành tổ chức. Ngoài ra còn có các giáo phái như Hòa Hảo, Cao Đài v.v…
[p. 14]
nhưng họ không ra mặt chống lại chúng tôi. Ở Tây nguyên có một số đơn vị ngụy quân người thiểu số. Vẫn còn những vụ trộm cắp, v.v…
Đồng chí Kossyguine: Những người thất nghiệp sống thế nào?
Đồng chí Lê Duẩn: Chính quyền lên danh sách để tìm việc và trợ cấp. Những người không có việc thì động viên về nông thôn sản xuất. Mỗi tháng đưa 5.000 đến 1 vạn người về nông thôn. Nhà nươc trợ cấp lương ăn cho họ trong năm đầu.
Đồng chí Brejnev: Số người Trung Quốc giúp các đồng chí xây dựng đường xá còn không?
Đồng chí Lê Duẩn: Hết rồi, hôm nay tôi xin nói để các đông chí biết là cách đây 3, 4 năm, Trung Quốc đề nghị đưa vào Việt Nam 20 vạn người. Tôi không cho người nào vào cả. Hiện nay không có người Trung Quốc nào.
Đồng chí Podgorny: Nay họ vẫn yêu cầu chứ?
Đồng chí Lê Duẩn: Không. Đây là các đồng chí đó nói cách đây 2, 3 năm, nhưng chúng tôi không cho.
Đồng chí Brejnev: Trung Quốc còn đòi những hòn đảo của Việt Nam không?
Đồng chí Lê Duẩn: Tôi vừa gặp Đặng Tiểu Bình có nói về vấn đề này. Phải nói đây là vấn đề phức tạp. Chúng tôi nói những đảo đó là của Việt Nam. Khi Mỹ thua, ngụy dao động, thì Trung Quốc chiếm lấy.
Đồng chí Podgorny: Còn Mỹ, Trung Quốc không chiếm, khi Mỹ rút đi mới chiếm.
[p. 15]
Đồng chí Lê Duẩn: Tôi nói sau khi Trung Quốc chiếm những hòn đảo này, thì các cơ quan ngoại giao của Việt Nam đã giải thích cho dư luận. Đất đai là thiêng liêng đối với mỗi nước. Nhưng phải giải quyết trên tinh thần anh em, tinh thần đồng chí. Nếu đó là vấn đề lịch sử thì cần cử các chuyên viên nghiên cứu và giải quyết chứ không nên vì thế mà để ảnh hưởng tới đoàn kết giữa hai nước và hai Đảng.
Đồng chí Kossyguine: Dân ở đây là của nước nào?
Đồng chí Lê Duẩn: Khi chiếm đảo, Trung Quốc bắt 100 người Việt Nam, sau đó đã trả lại miền Nam rồi. Trong quá trình giải phóng miền Nam. Chúng tôi đã giải phóng luôn những đảo này và Trung Quốc nhận đó là những đảo của Trung Quốc.
Đồng chí Podgorny: Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam có nhiều không?
Đồng chí Lê Duẩn: Có 1 triệu rưởi người, riêng ở Sài Gòn có 70 vạn người, làm đủ mọi việc, rất giầu và tập hợp thành một nhóm.
Đồng chí Kossyguine: Họ liên kết chặt chẽ với nhau? Họ có thừa nhận Mao không?
Đồng chí Lê Duẩn: Khi chúng tôi giải phóng Sài Gòn, họ treo cờ Trung Quốc. Chúng tôi cấm, chỉ cho treo cờ Việt Nam thôi. Vấn đề phức tạp lắm.
Đồng chí Gretchko: Ở Việt Nam có uranium và dầu mỏ không?
Đồng chí Lê Duẩn: Ở Vịnh Bắc Bộ có lẽ có ít, ở thềm lục địa có thể có nhiều hơn.
[p. 16]
Đồng chí Kossyguine: Mỹ đã thăm dò ở thềm lục địa miền Nam rồi phải không? Trên đất liền thế nào?
Đồng chí Lê Duẩn: Họ đã bỏ ra 100 triệu đô la thăm dò, đã khoan 4 mũi, nhưng chưa khai thác.
Đồng chí Lê Thanh Nghị: Ở đó có dầu!
Đồng chí Lê Duẩn: Về mặt này có nhiều triển vọng. Pháp, Nhật, Ý, Hà Lan đều tỏ ý muốn làm.
Đồng chí Kossyguine: Các đồng chí có quan hệ ngoại giao với Nhật không? Nghe nói các đồng chí đang đàm phán kinh tế với Nhật phải không?
Đồng chí Lê Duẩn: Có! Họ bồi thường chiến tranh cho chúng tôi trên 30 triệu đô la.
Đồng chí Kossyguine: Các đồng chí có đặt quan hệ kinh tế với Nhật không?
Đồng chí Lê Duẩn: Có! Họ đã nêu một số phương án như xây dựng vùng trồng ngô 5 vạn ha để trong mấy năm tang sản lượng ngô lên 25-30 vạn tấn và Việt Nam sẽ trả nợ họ bằng một phần số ngô đó, v.v… Họ tính toán mọi khả năng, muốn xây dựng con đường sắt Vinh-Lào để mua quặng sắt. Quặng sắt ở cánh đồng Chum nhiều.
Đồng chí Brejnev: Các đồng chí định xây nhà máy luyện kim thì lấy than cốc ở đâu?
Đồng chí Lê Duẩn: Hiện nay chúng tôi không có, nhưng có thể dùng than gầy. Nhật đã có đề án đổi than gầy lấy than cốc hoặc cốc hoa than gầy. Chúng tôi muốn nay mai có thể có sắt thép. Tôi xin nói thêm một ít về vấn đề này. Đồng chí Brejnev đã nói muốn thấy Việt Nam mạnh ở vùng
[p. 17]
này. Chúng tôi cũng muốn như vậy. Chúng tôi có quan hệ chặt chẽ với Lào và Cam-pu-chia. Muốn làm được việc đó Việt Nam phải mạnh.
Đồng chí Kossyguine: Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Cam-pu-chia có mạnh hơn Việt Nam không? Xi-ha-núc thế nào? Trung Quốc cho rằng họ có cơ sở vững ở Cam-pu-chia, quan hệ giữa Trung Quốc và Cam-pu-chia chặt chẽ. Mao nói rằng khu vực ảnh hưởng của Liên Xô là ở phương Tây, còn Trung Quốc là ở phương Đông. Trung Quốc nói chống bá quyền, nhưng Trung Quốc có âm mưu lập bá quyền đối với Đông Nam Á. Tây Tạng là một bằng chứng về ý đồ đó.
Đồng chí Lê Duẩn: Tôi xin giải thích. Xi-ha-núc không có gì. Trước đây khi chiến tranh ở giai đoạn khốc liệt, Trung Quốc nêu khẩu hiệu 5 nước, 6 bên, tức Trung Quốc, Triều Tiên, Lào, Cam-pu-chia và hai miền Việt Nam. Khi tôi thăm Trung Quốc, Chu Ân Lai đã nêu vấn đề như vậy. Lúc đó Triều Tiên nhận, Cam-pu-chia nhận nhưng Việt Nam và Lào không nhận. Do đó họ không làm được.
Đồng chí Kossyguine: Trung Quốc cho Cam-pu-chia là vùng ảnh hưởng của họ. Đó là thực tế hay họ muốn như thế?
Đồng chí Lê Duẩn: Trước hết tôi xin nói thế này: Sau khi Cam-pu-chia giải phóng, tôi là người đầu tiên đến Nông Pênh. Đây là lần đầu Cam-pu-chia nói rằng 3 Đảng phải hợp tác chặt chẽ trong chiến tranh, cũng như trong hòa bình. Đó là 3 Đảng Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam. Trước đây họ không nói như vậy. Trong chuyến đi thăm Lào vừa qua, Ieng Sary không nói thế nữa. Trước đây Cam-pu-chia hiểu lầm Việt Nam. Họ nói rằng Đảng Lao động Việt Nam chiến đấu chống Pháp để giải phóng nửa đất nước và bỏ rơi Cam-pu-chia. Chúng tôi nói không phải như vậy, mà là tình hình quốc tế buộc chúng tôi phải làm như vậy. Họ vẫn không hiểu như vậy. Sau đó chúng tôi đã giúp họ chống lại 10 vạn quân Mỹ, đánh tan quân đội Lôn Non tấn công vùng họ kiểm soát, trang bị cho họ rồi rút hết quân đội
[p. 18]
khỏi Cam-pu-chia. Trung Quốc lúc đó cũng giúp họ, nhưng Việt Nam vận chuyển. Đến khi Trung Quốc bắt đầu quan hệ với Mỹ thì Trung Quốc bảo Cam-pu-chia cần đánh 10 năm nữa, kéo dài chiến tranh nữa. Chúng tôi nói với họ cần đánh nhanh. Họ nghe theo và tin chúng tôi.
Đồng chí Kossyguine: Ảnh hưởng của Trung Quốc giờ đây ra sao?
Đồng chí Lê Duẩn: Bây giờ Trung Quốc hứa cho Cam-pu-chia 1,2 tỷ đô la để xây dựng. Tôi tin rằng họ sẽ cung cấp cho Cam-pu-chia những kỹ thuật và vũ khí cũ, như đã cho Việt Nam. Cam-pu-chia tin là sẽ nhận được một tỷ đô la, trong lúc đó Việt Nam không có. Cho nên bây giờ họ không nói tới sự hợp tác giữa 3 Đảng nữa. Như vậy là mỗi năm Cam-pu-chia nhận được 100 triệu đô la thể hiện ở những thiết bị cũ. Khi tôi vào Nông Pênh, thì ở đây không có người dân nào nữa. Họ bị đưa về nông thôn. Ở Nông Pênh có 25 vạn người Trung Quốc, họ đuổi cả những người này. Khi tôi sang Trung Quốc, Mao Trạch-đông hỏi tôi là Việt Nam có làm như ở Cam-pu-chia không? Tôi nói rằng, chúng tôi không làm như vậy đâu. Tham gia cuộc hội đàm đó có 3 phụ nữ Trung Quốc, trong đó có một người là Thứ trưởng thì phải. Tôi nói người Trung Quốc ở Sài Gòn cũng ăn mặc như vậy, làm sao mà đưa họ về nông thôn được. Chúng tôi không làm như vậy.
Quan hệ giữa Việt Nam và Cam-pu-chia như thế đấy! Họ tin chúng tôi. 20 năm qua, chúng tôi đã giúp đỡ họ, nên họ hiểu. Chúng tôi giúp xong thì người của chúng tôi về.
Đồng chí Brejnev: Đồng chí gặp Mao lúc nào? Mao bao nhiêu tuổi?
Đồng chí Lê Duẩn: Tháng 9 vừa rồi! 82 tuổi.
Đồng chí Brejnev: Tôi xem họa báo Trung Quốc, thấy Mao béo lắm. Thực tế thế nào?
[p. 19]
Đồng chí Lê Duẩn: Nói, đứng dậy khó nhọc.
Đồng chí Kossyguine: Khi Mao nói chuyện với đồng chí thì người ta dịch trực tiếp hay đọc trên giấy. [sic] Đồng chí có biết tiếng Trung không?
Đồng chí Brejnev: Chu ra sao?
Đồng chí Lê Duẩn: Mổ 4 lần rồi, bị ung thư.
Đồng chí Brejnev: Tôi xem hai ảnh, đều thấy Mao béo lắm, còn Chu thì tiếp khách ở bệnh viện.
Đồng chí Lê Duẩn: Gần đây Chu Ân Lai không tiếp khách nữa rồi.
Đồng chí Podgorny: Quan hệ giữa các đồng chí với Đảng Cam-pu-chia có tốt không?
Đồng chí Lê Duẩn: Nhưng [sic] điều tôi nói ở trên là quan hệ với đảng Cam-pu-chia. Trong Đảng có nhiều người cũ.
Đồng chí Gromyko: Quan hệ của các đồng chí với Lào ra sao?
Đồng chí Lê Duẩn: Quan hệ rất tốt, quan hệ anh em. Chúng tôi hiểu nhau. Chúng tôi tôn trọng và giúp đỡ tận tình Lào, trao đổi ý kiến với nhau.
Đồng chí Kossyguine: Xu-pha-nu-vông có phải lãnh tụ của Lào không?
Đồng chí Lê Duẩn: Xu-pha-nu-vông có tính chất tượng trưng.
Đồng chí Gretchko: Quan hệ giữa hai quân đội ra sao?
Đồng chí Lê Duẩn: Tốt lắm.
Đồng chí Brejnev: Các đồng chí chuẩn bị Đại hội Đảng có vấn đề gì không?
[p. 20]
Đồng chí Lê Duẩn: Khó nhất là kế hoạch 5 năm. Những vấn đề về lý luận thì không có khó khăn gì.
Đồng chí Brejnev: Quan hệ giữa chúng ta về mặt này thật là anh em.
Đồng chí Lê Duẩn: Tôi nói thêm một chút về Đảng bộ miền Nam. Ngay từ đầu đó là một bộ phận của Đảng Lao động Việt Nam. Trong Đảng chúng tôi không có bất đồng lớn. Nếu có chắc không thể giành được thắng lợi nhanh thế. Các đồng chí miền Nam hoàn thành nhiệm vụ tốt. Đối với Trung ương và với tôi (đã hoạt động ở đó hàng chục năm) không có vấn đề gì. Sau khi thắng lợi chúng tôi lại càng thống nhất. Hiện nay chúng tôi nhất trí đánh giá đường lối đúng đắn của Đảng, hiểu ban lãnh đạo có đường lối quốc tế và đối nội đúng đắn. Những đồng chí cũ đã được thử thách, nay lãnh đạo kinh tế có khó khăn vì chưa hiểu. Nhưng đã có miền Bắc, có hàng vạn cán bộ giúp đỡ các đồng chí miền Nam. Tuy vậy vẫn có khó khăn vì chúng tôi chưa nắm ngay được tình hình. Về mặt chính trị không có vấn đề gì. Quân đội đã trưởng thành, cả nước chỉ có một quân đội. Nghĩa vụ quân sự là 3 năm. Chúng tôi đã đưa một số bộ đội đi sản xuất. Đang làm quân sự chuyển sang làm kinh tế cũng có khó khăn. Quân đội chúng tôi mạnh, nhưng phải chú ý thường xuyên để quân đội không lạc hậu.
Đồng chí Gretchko: Bây giờ thì chiến đấu với ai?
Đồng chí Lê Duẩn: Tình hình quốc tế còn phức tạp.
Đồng chí Kossyguine: Càng ít bộ đội thì càng ít chiến tranh.
Đồng chí Lê Duẩn: Tôi hỏi Đảng Nhật là tại sao trong cuộc đàm phán về thông cáo Nhật-Trung lại tranh luận về vấn đề bá quyền ở châu Á? Không ai được đặt bá quyền ở đây. Chúng tôi đã nói với Thủ tướng
[p. 21]
Ấn Độ rằng Việt Nam đã đuổi Mỹ, nếu Nhật đến cũng sẽ đuổi. Tại sao lại nói đến bá quyền ở đây? Chúng tôi muốn các nước Đông Nam Á độc lập và không ai được nói rằng nhân dân ở đây không được làm chủ đất nước mình. Tình hình phức tạp thế đấy.
Đồng chí Lê Duẩn: Ở Trung Quốc đã kết thúc cuộc tranh luận về Khổng Tử, nay lại tranh luận về Thủy hư [sic]. Đồng chí có nghe gì về Lưu không?
Đồng chí Lê Duẩn: Nghe nói Lưu chết rồi! tôi [sic] không hỏi.
Đồng chí Brejnev: Lưu trẻ hơn Mao.
Bây giờ tôi xin nói tóm tắt như thế này. Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô hoàn toàn ủng hộ những cố gắng của Việt Nam xây dựng một nước Việt Nam thống nhất xã hôi chủ nghĩa. Chúng tôi hoan nghênh thắng lợi của các đồng chí vì nó tạo thuận lợi cho sự phát triển tình hình quốc tế. Đó là vấn đề quan trọng. Chúng tôi tin rằng quan hệ giữa hai Đảng và hai nước sẽ phát triển và củng cố. Tôi đã nói với đồng chí Lê Duẩn rằng, chúng ta là một gia đình. Việt Nam là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở phương Đông. Đó là những đánh giá chung.
Thông báo của đồng chí rất lý thú, làm cho chúng tôi hiểu hơn những vấn đề phức tạp của Việt Nam. Nhưng từ câu chuyện mà đồng chí đã nói có thể rút ra kết luận là đường lối, chính sách của Việt Nam đúng đắn. Còn việc thống nhất kinh tế thì phải làm dần vì giữa hai miền đã có nhiều năm cách biệt. Hiện nay các đồng chí đã giải tán ngụy quân. Binh lính ngụy về gia đình, sĩ quan thì đi cải huấn. Đảng thống nhất, quân đội thống nhất, đó là nhân tố chủ yếu.
Chắc Đồng chí hiểu rõ chúng tôi đang làm gì. Đại hội Đảng sắp họp. Một số việc chúng tôi làm tốt, nhưng cũng như ở Việt Nam một số việc khác chúng tôi làm chưa tốt. Đáng ra năng suất phải cao thì thực tế lại thấp. Vấn đề chủ yếu là phải tăng năng suất
[p. 22]
lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Tóm lại mọi lĩnh vực kinh tế đều phát triển. Chúng tôi ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, luyện kim màu, luyện kim đen, than, năng lượng. Các Bộ đều muốn phát triển nhanh ngành mình. Tuy nhiên cũng không thể bỏ quốc phòng được. Tôi đã nói về tình hình công nghiệp.
Đồng chí Lê Duẩn nói rằng nông nghiệp miền Bắc và Nam Việt Nam khác nhau về đất đai, năng suất, thủy lợi. Đất đai Liên Xô lớn hơn rất nhiều, từ Arkhanghen đến Vladivostok, Trung Á. Nhiều vùng khí hậu rất khắc nghiệt đòi hỏi phải có đầu tư không ít. Tiếc rằng trong những năm gần đây do khí hậu nên mùa màng thấp kém. Chưa bao giờ sắp sang tháng 11 rồi mà nhiệt độ vẫn là 15 độ trên không (+15o), có vùng chưa mưa tí nào.
Nội bộ Đảng chúng tôi không có vấn đề gì, sinh hoạt đều. Đợt đổi thẻ Đảng đã kết thúc. Tổng số đảng viên của chúng tôi bây giờ là 15 triệu rưỡi người. Một số khá lớn là đảng viên được kết nạp ngay sau Đại hội 24. 60% đảng viên là công nhân, nông dân trực tiếp sản xuất. Nhân dân chúng tôi đang lao động phấn khởi.
Vấn đề quốc tế chiếm vị trí lớn trong hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong thắng lợi của Việt Nam có phần giúp đỡ của chúng tôi. Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa chặt chẽ. Hội nghị an ninh châu Âu vừa được tổ chức ở Hen-sinh-ki. Đó là một sự kiện lớn, có tiếng vang lớn. Bây giờ phải bổ sung cho những điều đã thỏa thuận bằng hành động cụ thể, theo hướng hòa hoãn. Chúng tôi đang hành động theo hướng đó.
Việc buôn bán của chúng tôi với nước ngoài cũng được mở rộng. Hiện chúng tôi buôn bán với trên 100 nước, chủ yếu là với các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi cũng buôn bán với các nước tư bản khác như Pháp, Tây Đức v.v… Buôn bán với Trung Quốc rất ít, có tính chất hình thức. Năm nay đạt 100 triệu rúp. Con số đó là rất ít. Đồng chí có quen Vương Hồng-văn không và Diệu Văn-nguyên không?
[p. 23]
Đồng chí Lê Duẩn: Vương Hồng-văn tôi có biết nhưng chưa nói chuyện. Diêu Văn-nguyên là người viết bài mở đầu chiến dịch chống Lưu. Kỳ này chúng tôi thăm Trung Quốc Giang Thanh nói ít hơn. Lần trước Chu, Giang Thanh và Diêu Văn-nguyên nói nhiều hơn. Lần này Đặng Tiểu-bình, Diệp Kiếm-anh và Lý Tiên-niệm nói nhiều hơn. Ba người này gần với Chu hơn, cùng một nhóm với Chu.
Cuối cùng tôi xin nói thêm một điều là: sau 30 năm chiến tranh, nay chúng tôi đã bước vào giai đoạn mới. Chúng tôi có 24 triệu người lao động. Vấn đề là làm sao sử dụng tốt lực lượng đó và những điều kiện nhiệt đới thuận lợi ở Việt Nam. Trong 5 năm tới chúng tôi phải làm vấn đề này. Chúng tôi đã bước vào giai đoạn phát triển kinh tế. Chúng tôi nghĩ rằng trong giai đoạn mới này, chúng tôi cũng sẽ dựa vào các nước xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ phát triển quan hệ với các nước tư bản. Nhưng chủ yếu vẫn là quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa.
Chúng tôi vừa đi thăm một số nước xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi biết muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải gắn bó với các nước xã hội chủ nghĩa. Nước chúng tôi ở xa các đồng chí nên có những khó khăn. Chúng tôi suy nghĩ phải làm sao gắn với các nước xã hội chủ nghĩa. Hiện nay chúng tôi mỗi người làm việc 300 ngày một năm. Chúng tôi muốn trong số 300 ngày đó, dành 100 ngày cho sự hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi có 24 triệu lao động.
Đồng chí Kossyguine: Tức là các đồng chí dành 8 triệu người làm với các nước xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Lê Duẩn: 8 triệu người làm bằng cơ khí, chứ không phải bằng thủ công.
Đồng chí Kossyguine: Đây là vấn đề rất lý thú.
[p. 24]
Đồng chí Lê Duẩn: Liên Xô là nước có tiềm lực lớn mà cũng làm thế. Chúng tôi có nhân lực, khéo tay, nếu có cơ khí thì sẽ tiến nhanh hơn. Do đó chúng tôi đề nghị với các đồng chí hai ý kiến: Cả phe xã hội chủ nghĩa đều nghĩ cách làm ăn với chúng tôi, Liên Xô cũng tính xem Liên Xô làm ăn với Việt Nam thế nào? Lúc đầu chúng tôi còn nghèo, nhưng sau 5, 10 năm nữa tình hình sẽ khác. Mười năm nữa chúng tôi sẽ không nghèo thế này đâu. Như khi đánh Pháp, chúng tôi rất khó khăn. Lúc đó chúng tôi không nghĩ rằng sẽ thắng như thế này đâu. Nay Mỹ đã thua. Phi-lip-pin trước đây theo đuôi Mỹ, nay thái độ đã thay đổi. Mỹ muốn cùng Nhật nắm vùng này. Nước chúng tôi tuy nhỏ nhưng với sự giúp đỡ của Liên Xô, chúng tôi sẽ thắng. Trong hòa bình chúng tôi muốn biến Việt Nam thành trung tâm của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á. Đó là đường lối chính trị và kinh tế của chúng tôi. Đông Nam Á với hơn 100 triệu người là lực lượng lớn. Ở đây ngoài Nhật, không có nước nào hơn Việt Nam, Tôi [sic] muốn nói Việt Nam xã hội chủ nghĩa. In-đô-nê-xi-a, Thái Lan cũng không bằng. Nhưng muốn vậy phải làm ngay từ bây giờ. Chúng tôi sợ rằng các chuyên gia chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không thấy toàn cục, lâu dài.
Đồng chí Brejnev: Bây giờ phải thực hiện ý đồ đó thế nào?
Đồng chí Gromyko: Trung Quốc không muốn Mỹ rút khỏi Đông Nam Á. Liệu Trung Quốc có thành công không?
Đồng chí Lê Duẩn: Ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia không thành công rồi. Đối với Thái Lan, Phi-lip-pin chúng tôi đặt điều kiện cho việc cải thiện quan hệ là đòi Mỹ phải rút khỏi các nước này.
Chúng tôi muốn các đồng chí nói với các Đảng Đông Âu về vấn đề giúp đỡ Việt Nam vì các đồng chí đó đều nói phải trao đổi với Liên Xô. Các đồng chí đó nói hiện nay giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản có cuộc đấu tranh về chính trị và kinh tế.
[p. 25]
Tôi nói với các đồng chí đó rằng, đồng chí Brejnev muốn Việt Nam mạnh lên ở Đông Nam Á! Các đồng chí đó tán thành. Trước đây chúng tôi nói chúng tôi chiến đấu để bảo vệ chủ nghĩa xã hội và hòa bình thế giới, do đó chúng tôi chịu đựng mọi tổn thất. Bây giờ có hòa bình rồi, nhưng vẫn phải bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi muốn thắng cả về kinh tế nữa. Biết đâu trong 10, 15, 20 năm mữa chăng có cái gì đó xảy ra. Có thể do ảnh hưởng của chúng tôi đến lúc nào đó ở Miến Điện, Ấn Độ cũng có thay đổi. Trước đây, Ấn Độ đã từng muốn Mỹ đánh Việt Nam. Bộ Ngoại giao chúng tôi đã định cắt quan hệ với Ấn Độ. Lúc đó tôi nói không nên làm thế, đến khi ta thắng, Ấn Độ sẽ thay đổi thái độ; khi chúng tôi thắng, Ấn Độ đã giúp chúng tôi. Tuy Ấn Độ ở vùng Ấn Độ dương, nhưng Ấn Độ cảm ơn chúng tôi vì đã làm suy yếu Mỹ. Họ cảm ơn vì những gì chúng tôi đã làm. Kết cục là những người xa lạ với chúng ta đã hiểu chúng ta. Chỉ cần nhẫn nại.
Đồng chí Brejnev: Hôm nay chúng ta nghỉ tại đây.
[p. 26]
Buổi thứ hai
Buổi thứ 2 họp từ 16 giờ đến 16g.15 [sic] tại địa điểm và với thành phần như buổi thứ nhất.
Đồng chí Brejnev nói đùa: Sau khi Bộ Chính trị Đảng chúng tôi họp khá lâu, chúng tôi quyết định như thế này:
Chúng tôi không đồng ý cung cấp cho các đồng chí thêm một triệu tấn dầu, không giúp các đồng chí xây dựng đường xe lửa! (cười).
Đồng chí Kossyguine: Xem ra đồng chí Lê Duẩn không hài lòng đâu. Nhưng ngành kinh tế chủ yếu của các đồng chí là nông nghiệp cơ mà. Nông nghiệp là cày, là bừa, là cuốc …
Đồng chí Brejnev: Tôi thay mặt cá nhân cũng như tất cả các đồng chí chúng tôi nói lại với đồng chí ý kiến của chúng tôi. Có thể nói rằng kết quả của cuộc đi thăm của các đồng chí không đến nỗi tồi, trái lại nó rất có ích, vì chúng ta còn phải ký văn kiện nữa nên tôi xin nói ngắn mấy lời thôi.
Trong khi bàn cũng có ý kiến này, ý kiến nọ về những khó khăn của Việt Nam. Đó là điều đương nhiên. Nhưng mọi người đều chăm chú theo rõi thông báo của các đồng chí. Chúng tôi thông cảm với những khó khăn của các đồng chí.
Hôm qua chúng ta không nói đến những con số, chỉ nói chuyện chính trị. Nhưng các đồng chí đã có những buổi làm việc với Ủy ban kế hoạch và đồng chí Kossyguine. Cộng tất cả lại thì chúng ta đã làm việc khá nhiều và về mọi vấn đề. Chúng tôi nghĩ Việt Nam là nước anh em, cho nên chúng tôi không có ý định mặc cả gì với các đồng chí. Chúng tôi cũng không có ý định ta thán với
[p. 27]
các đồng chí về khó khăn của chúng tôi. Mong các đồng chí hiểu cho chúng tôi cũng không phải dễ dàng gì. Tôi xin nêu một số con số chung thôi.
- Chúng tôi đồng ý cung cấp thêm cho các đồng chí một triệu tấn dầu và sản phẩm dầu.
- Chúng tôi đồng ý giúp các đồng chí xây dựng đoạn đường xe lửa nối liền hai miền Việt Nam.
- Do số tiền các đồng chí đã vay chưa dùng hết, còn 200 triệu và chắc các đồng chí sẽ sử dụng số tiền này vào xây dựng công trình nào đó, nên chúng tôi quyết định cho các đồng chí vay không phải là một tỷ mà là 800 triệu rúp. Chúng tôi cho rằng không phải trong 1, 2 năm có thể dùng hết được 800 triệu rúp nên trong quá trình sử dụng, chúng tôi sẽ thường xuyên xem xét, nếu thấy cần chúng tôi sẽ bổ sung thêm.
Đó là 3 vấn đề chủ yếu.
Đồng chí Kossyguine: Về vấn đề này, cũng như những vấn đề khác sẽ lập một tổ nghiên cứu của Ủy ban.
Đồng chí Brejnev: Chúng tôi có một số kinh nghiệm trong vấn đề xây dựng, nên cùng [sic] muốn trao đổi với các đồng chí. Đúng là cần phải có một số than, dầu lửa nhất định v.v… mới đẩy nhanh được sản xuất. Phải xây dựng ngành luyện kim, cải tiến chất đất, hay phát triển nông nghiệp nói chung. Đây không phải vấn đề đơn giản. Về phần này Liên Xô xuất phát từ thiện chí, sẽ cử chuyên gia cỡ lớn xem xét nên làm thế nào cho tốt. Chúng tôi làm với tinh thần không phải gạt đi. Cứ để cho chuyên gia hai bên tính toán cụ thể. Nếu như xây dựng một nhà máy luyện kim để nó ngốn hết ngân sách thì xây làm gì? Nếu không nghiên cứu kỹ rồi đi đến kết luận mà cứ ký kết trên giấy tờ rồi bỏ đấy thì ích gì. Chúng tôi muốn đồng chí Lê Duẩn không rơi vào tình trạng hứa với toàn Đảng, toàn dân rồi không làm được.
[p. 28]
Thế là chúng tôi đã nói hết. Bây giờ chúng ta đi ký và dự chiêu đãi.
Đồng chí Lê Duẩn: Tôi xin nói mấy lời về vấn đề này.
Tôi tán thành quyết định của Liên Xô cung ấp thêm cho chúng tôi một triệu tấn dầu, bởi vì không có dầu thì thuyền đánh cá cũng không hoạt động được, mà nông nghiệp cũng khó khăn. Xin cảm ơn các đồng chí. Về giúp đỡ xây dựng đường sắt cũng rõ, nó rất cần thiết để nối liền hai miền Việt Nam.
Cuối cùng tôi xin nói về vấn đề xây dựng nhà máy luyện kim. Nhật không có nguyên liệu mà sản xuất 100 triệu tấn thép. Việt Nam có quặng, có phe xã hội chủ nghĩa lại không làm được như Nhật hay sao? Tôi tin là làm được.
Đồng chí Brejnev: Nhật khi xây nhà máy cũng phải nghiên cứu, phải tính xem cần mua bao nhiêu quặng, bán thép cho ai v.v… Tự nhiên mà quyết định xây thì không có đâu. Chính vì vậy mà phải cùng điều tra.
Đồng chí Lê Duẩn: Thu nhập bình quân tính theo đầu người ở Việt Nam là 150 đô-la một năm, ở Liên Xô là 1.500 đến 2.000 đô-la.
Đồng chí Kossyguine: Khi Nhật làm thép thu nhập tính theo đầu người của họ đã cao rồi, khoảng 1.000 đô la.
Đồng chí Brejnev: Đồng chí nói đúng! Chính vì vậy Liên Xô không muốn các đồng chí rơi vào tình trạng khó khăn.
Đồng chí Kossyguine: Thế giới đang thiếu lương thực, đang lao vào nông nghiệp, nên phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ số 1 hiện nay.
[p. 29]
Đồng chí Brejnev: Nhưng phải cơ khí hóa, không thể làm khác được.
Đồng chí Podgorny: Dù là nhà máy gì đi nữa cũng không chỉ tay một cái là xây dựng được ngay, nhất là luyện kim lại càng khó. Phải nghiên cứu, tính toán kỹ.
Đồng chí Lê Duẩn: Tôi tán thành nhưng sau khi nghiên cứu thì đề nghị Liên Xô quyết định xây giúp. Chúng tôi sẽ tìm cách trang trải để các đồng chí có lợi. Chúng tôi nghĩ nhiều đến cao su.
Đồng chí Kossyguine: Gạo cũng là vấn đề không nhỏ.
Đồng chí Lê Duẩn: Đúng! Ngô, mía nữa.
Đồng chí Kossyguine: Muốn làm gì thì làm phải có ăn đã.
Đồng chí Lê Duẩn: Các đồng chí chú ý tới Việt Nam, chúng tôi xin cảm ơn. Về nước, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Chính trị trung ương Đảng chúng tôi./.
(hand written)
Ng. dịch Vũ Khoan
Ng. ghi Đặng đức Khôi
NĐM: B.V. Tiến
Số lượng: 8b.
Bạn có thể thích
Về giao thông và dự án xe lửa cao tốc ở Việt Nam
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 1)
Về lịch sử và chiến lược xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc ở Trung Quốc
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên