Connect with us

Kinh tế - Chính trị

TRUNG QUỐC VÀ VẤN ĐỀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

Tô Văn Trường

Published on

Tiến sỹ Tô Văn Trường

Vấn nạn thắng thầu – tham nhũng và thỏa thuận bí mật để tăng lợi nhuận của nhà thầu thì nước nào cũng có, nhưng ở Việt Nam nó tiếp diễn ngang nhiên bất chấp mọi chỉ trích của công luận, đặc biệt khu vực công, nơi mà hiện tượng này thể hiện rõ nét nhất. Để ngăn chặn vấn nạn này thì chỉ có hai con đường (1) Hoàn thiện môi trường luật pháp và (2) Ngăn chặn nạn tham nhũng, hối lộ.

Có nhiều mô hình của các nước tiên tiến mà Việt Nam có thể tham khảo, nhưng Việt Nam lại gần như không thể triển khai áp dụng. Bởi vì Việt Nam khó vượt qua yếu tố bao trùm lên tất cả các yếu tố khác, đó là vấn đề thể chế chính trị, xã hội và người có quyền trong thể chế.

Trung Quốc, bạn hay thù?

Tôi xin trả lời thẳng thắn. Mưu đồ của Trung Quốc là khống chế toàn diện Việt Nam về chính trị-tư tưởng, về kinh tế, văn hóa-xã hội, về quan hệ đối ngoại, cô lập, lấn chiếm gây sức ép từ phía biển và trên đất liền…để cưỡng chế Việt Nam phải thuận theo chiến lược của họ, thực chất là biến Việt Nam thành chư hầu, phụ thuộc, không bao giờ ngóc đầu lên được. Đây là điều không thể mơ hồ.

Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện được phần lớn những bước đi trong một chiến lược toàn diện nhằm mục tiêu của họ. Việt Nam đối phó bị động, nói chung là không thành công mà nguyên nhân cơ bản là nhiều người có trách nhiệm vẫn mơ hồ, không đánh giá đầy đủ nguy cơ Trung Quốc, có tâm lý “sợ” họ làm căng, không dựa vào dân.

Chính sự mơ hồ đó, cộng với sự kém cỏi về kinh tế và lòng tham không được ngăn chặn của nhiều chủ đầu tư đã gây ra những “lỗi” trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, rẩt dễ bị đội ngũ chiến tranh tâm lý của chính Trung Quốc khai thác cũng như những “thế lực khác” lợi dụng.

Trung Quốc biết rất rõ Việt Nam chỉ muốn được yên  thân, tự mình chọn đường đi giữ vững nền độc lập và lợi ích chính đáng của mình, không cam tâm làm công cụ cho ai chống Trung Quốc. Nhưng lòng tham vô đáy và cuồng vọng sô vanh nước lớn khiến họ không cho Việt Nam đi con đường đó. Việt Nam càng nhún nhường thì họ càng lấn tới.

Đó chính là chiến lược thâm hiểm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đây là điều người Việt từ nhà cầm quyền đến dân thường phải nhận thức và có hành động thống nhất.

Trong phạm vi bài viết này, tôi đi sâu phân tích về sự lũng lọan của Trung Quốc trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư ở Việt Nam, để làm rõ chiến lược thâm hiểm của họ, cách mà Việt Nam sập bẫy họ và chỉ ra con đường thoát hiểm cho Việt Nam.

Trung Quốc giành phần thắng ở Việt Nam

Hiện nay có hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện các dự án ở Việt Nam, hầu hết đều bê trễ thời gian thi công, và đội vốn, chất lượng kém, ô nhiễm môi trường để lại các hậu quả rất nặng nề không chỉ trên phương diện kinh tế! Nếu rà soát có hệ thống và khách quan, thì có thể trả lời câu hỏi đó là sự “thông đồng” có hệ thống hay chỉ là sự “ngẫu nhiên đáng ngờ” của từng dự án riêng lẻ.

Giá mời thầu của các công ty thuộc các nền công nghiệp tiên tiến thường cao khi khởi đầu, một rào cản quan trọng cho một nước nghèo. Hơn nữa, luật pháp các nước tiên tiến (Châu Âu, Mỹ, Nhật) phạt rất nặng các hành vi hối lộ, tham nhũng không cho phép nhà thầu các nước này thực hiện các thủ đoạn gian lận và mua chuộc giám sát, quản lý vốn.

Trung Quốc thường bỏ thầu với giá thấp hơn, nhưng thực ra, giá thầu với Trung Quốc trong quá trình thi công đội lên cao hơn các nguồn khác. Họ biết những người đã “há miệng mắc quai” sẽ tiếp tục mắc thêm nợ nữa, kèm theo là những ràng buộc khó gỡ đối với họ.

Nhìn lại lịch sử, chỉ nói riêng ngành xi măng trong thập niên 1990, nước ta đã từng phải trả giá cho phong trào phát triển xi măng lò đứng, công nghệ lạc hậu của Trung Quốc sau thời gian ngắn hoạt động đã bị khai tử, làm lãng phí rất lớn tiền của và gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Bài học đắt gía nói trên vẫn chưa học thuộc, lại “mắc bẫy” ngay vào một sai lầm mới, đó là phong trào làm xi măng lò quay và cũng với thiết bị và công nghệ lạc hậu của Trung Quốc v.v…

Chiến thuật của Trung Quốc

Bỏ giá dự thầu không trung thực

Chiến thuật bỏ thầu của Trung Quốc là: hạng mục nào nhắm làm không được thì nhà thầu bỏ giá thấp hẳn, hạng mục nào dễ làm thì giá tăng vọt, nhưng tổng giá bỏ thầu vẫn thấp nhất.

Quy định chấm thầu của Việt Nam còn lỏng lẻo. Mặc dù các dự án quốc tế có thuê tư vấn, nhưng khi tư vấn có cơ sở để bác nhà thầu Trung Quốc thì chủ đầu tư Việt Nam do tay đã nhúng chàm vẫn có cách “lách” để chấm cho đạt!

Khi đàm phán hợp đồng, nhà thầu Trung Quốc nhìn nhận đã bỏ giá quá thấp cho hạng mục đó, nên họ hứa sẽ chuyển chi phí từ các hạng mục khác để đắp qua hạng mục bỏ giá thấp. Khi họ thi công, hạng mục phức tạp, khó làm nhưng bỏ giá thấp thì tất yếu sẽ “vỡ trận”. Khi được nhắc nhở về lời hứa sẽ dung chi phí từ hạng mục khác đề bù đắp qua thì nhà thầu Trung Quốc bảo không có chi phí đế đắp qua, tìm đủ lý do biện minh rồi bỏ luôn hạng mục đó. Bằng cách đó, họ lấy lợi nhuận ở các hạng mục dễ làm nhưng bỏ giá cao.

Còn phía chủ đầu tư Việt Nam? Nếu phải tổ chức đấu thầu lại, tốn rất nhiều thời gian và chi phí điều hành. Cuối cùng, họ cũng phải trả chi phí cao để thi công như dự toán ban đầu.

Sử dụng công nghệ thấp và vật tư thiết bị chất lượng thấp

Trong mọi dự án, một trong những công việc của Tư vấn là khuyến cáo chủ đầu tư cần sử dụng thiết bị như thế nào với điều kiện đặt ra.

Nhưng một khi chủ đầu tư Việt Nam viết hồ sơ mời thầu thiếu chặt chẽ, không ràng buộc cụ thể những điều kiện bắt buộc phải thi hành, thì nhà thầu có quyền không nghe khuyến cáo của Tư vấn, dùng thiết bị và công nghệ thấp nhằm giảm chi phí (trước tiên là giảm giá dự thầu).

Hậu quả là thiết bị hỏng hóc, tiến độ chậm, nhưng họ viện dẫn đủ lý do để bào chữa. Chủ đầu tư phải xem xét có nên tháo dỡ những hạng mục đã lắp đặt xong hay không. Thông thường chủ đầu tư phải chấp nhận giữ lại những hạng mục kém chất lượng đã lắp đặt xong, vì nếu phải tổ chức đấu thầu lại cho hạng mục đó thì rất tốn kém.

Lỗi chính là tại chủ đầu tư soạn hồ sơ một cách sơ hở và kiểm tra, giám sát kém

Trước hết, các chủ đầu tư Việt Nam thường không làm kiểu đấu thầu “2 phong bì”, phong bì kỹ thuật và phong bì giá, riêng rẽ.

Về khâu kỹ tuật, cần phải lựa chọn các nhà thầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ cao. Đây cũng có thể là khâu chủ đầu tư sơ hở từ đầu. Họ thường không nêu yêu cầu kỹ thuật công nghệ một cách rõ ràng. Ví dụ, họ nêu “thiết bị từ các hãng G7”, nhưng sau này họ lại lắp đặt các thiết bị G7 được sản xuất tại nước khác, chất lượng kém hơn hẳn, như kiểu xe nhập khẩu và xe lắp ráp chất lượng khác nhau.

Thành ra, dù nhà thầu kém, kể cả một số nhà thầu Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn “qua mặt” được các nhà cung cấp thiết bị chính hãng! Đến khi xét thầu theo giá thì nhà thầu Trung Quốc có lợi thế do biết cách bỏ thầu chắc thắng.

Giải pháp

Nguyên nhân chính để xảy ra và tồn tại tình trạng Trung Quốc luôn thắng thầu là nhà thầu biết cách thực hiện các công đoạn, hạng mục sai với thiết kế và hợp đồng, nhưng có thể mua chuộc giám sát để tìm ra các lỗi phát sinh ngụy tạo để tăng vốn từ chủ đầu tư.

Nói cách khác là nhà thầu Trung Quốc biết và được sử dụng điều kiện tồn tại tham nhũng và sử dụng vốn vô trách nhiệm từ chủ đầu tư Việt Nam. Do đó, giải pháp để ngăn chặn nhà thầu Trung Quốc là phải sửa lỗi từ bên trong, tức các chủ đầu tư Việt Nam – đương nhiên không phải đơn thuần chỉ trên phương diện kinh tế.

  1. Cần phải có quy định rõ ràng là, nếu một công ty nước ngoài nào đã vi phạm đấu thầu trong một dự án thì công ty đó sẽ bị loại hoàn toàn trong các cuộc đấu thầu khác, khắp trong nước, bất kể ngành gì. Ngoài ra, quốc gia của công ty đó phải chịu một điểm xấu trong lịch trình đấu thầu của tất cả các dự án khác. Điều này, nếu chúng ta nêu rõ ràng và minh bạch thì không ai có thể kêu ca gì cả.
  2. Cũng cần phải có các luật lệ rõ ràng về quỹ tiền thế chân (Bonds). Thứ nhất quỹ này phải do một cơ quan độc lập đứng ngoài dự án giữ để tránh tiền bị thất thoát. Thứ hai, cần phải có các loại tiền thế chân khác nhau. Chẳng hạn, hầu như tất cả các công việc xây dựng công ở Mỹ đều được thực hiện bởi các công ty tư nhân. Công việc này thường được trao cho nhà thầu đáp ứng thấp nhất thông qua hệ thống giá thầu niêm phong cạnh tranh. Trái phiếu chắc (Surety Bonds) đóng một vai trò quan trọng cho hệ thống hoạt động. Ở Mỹ, có 3 loại trái phiếu chắc:
  • Trái phiếu đấu thầu (Bid Bond) có mục đích để loại bỏ các nhà thầu yếu kém (phù phiếm) ra khỏi quá trình đấu thầu bằng cách đảm bảo rằng nhà thầu thành công sẽ tham gia vào hợp đồng và sẽ làm đúng theo tiêu chuẩn và nộp trái phiếu thanh toán (Payment Bond). Nếu người thầu trả giá thấp nhất không thực hiện được các cam kết này, chủ sở hữu sẽ được bảo vệ tối đa bằng số tiền của trái phiếu đấu thầu, thường trị giá của trái phiếu đấu thầu (Bid Bond) là sự khác biệt giữa giá thầu thấp và giá thầu đáp ứng cao kế tiếp.
  • Trái phiếu hiệu suất (Performance Bond) đảm bảo nhà thầu sẽ thực hiện hợp đồng theo các điều khoản và điều kiện đã đặt ra, theo giá thỏa thuận và trong thời gian đã được hoạch định.
  • Trái phiếu thanh toán (Payment Bond) nhằm bảo vệ những người lao động, nhà cung cấp vật liệu và nhà thầu phụ nếu xảy ra việc nhà thầu không thanh toán tiền nong. Vì các khoản thế chấp không thể được đặt ra cho tài sản công cộng (chẳng hạn mình không thể đem con đường sẽ xây ra làm thế chân), trái phiếu thanh toán là cách bảo vệ duy nhất mà những người này được thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ mà họ cung cấp cho dự án.

Việt Nam có thể viện nhiều lý do để các công ty nước ngoài phải đóng cả 3 loại tiền thế chân này trong khi các công ty trong nước đóng ít hơn để giúp các công ty nội địa.

  1. Hồ sơ mời thầu cần chặt chẽ về kỹ thuật, quy trình, nêu rõ mục tiêu phải đạt, tiêu chí, loại thiết bị/công nghệ tầm G7 (cho phép tương đương). Cần tính toán dòng tiền đầu tư, cộng vận hành bảo dưỡng trong dài hạn.

Cần so sánh: giá đầu tư có thể cao ban đầu nhưng về lâu về dài tổng chi phí sẽ thấp, so với giá đầu tư thấp nhưng sau đó có nhiều “hidden cost” (chi phí che dấu) nếu tính đúng, tính đủ thì tổng giá thành rất cao nhưng không được thể hiện trên giấy tờ.

  1. Vấn đề hợp đồng phải có từng giai đoạn và trong từng giai đoạn phải có sản phẩm (output) có thể kiểm tra về số lượng và chất lượng. Nhà thầu phải mua hoặc đóng bảo hiểm để sửa chữa các sai phạm. Nếu không làm đúng thì phải dừng ngay và bên thầu phải sửa chữa hoặc bị loại trừ.

Trong trường hợp bên Việt Nam không có khả năng kiểm tra thì thuê kiểm tra nước ngoài (tức là tư vấn). Ở nước ngoài, nếu có chuyện băn khoăn 50/50 về quy định, quy trình, cơ sở khoa học… giữa việc chấp nhận và bác bỏ vấn đề gây quan ngại thì chủ đầu tư nghe theo khuyến cáo của Tư vấn, vì Tư vấn có tính độc lập nhưng vẫn muốn bảo vệ chủ đầu tư.

  1. Những người có trách nhiệm được nhà nước giao phó trong quản lý vốn, giám sát… không chỉ cần có cái tâm và cái tầm mà phải được nghiêm trị khi vi phạm hối lộ, tham nhũng.

Giải pháp để nhà thầu Trung Quốc bảo đảm hay tăng chất lượng và giảm chi phí công trình là phải sửa lỗi từ bên trong tức các chủ đầu tư Việt Nam. Sự tiếp tục thắng thầu của các nhà thầu Trung Quốc ngày càng tăng phản ánh một vấn đề mang tính bao trùm lên tất cả các yếu tố khác, đó là vấn đề lỗi thể chế chính trị xã hội chưa có dấu hiệu đổi mới. Lỗi thể chế của Việt Nam khiến cho hệ thống chưa nhìn nhận thấu đáo sự can thiệp và lũng đoạn của Trung Quốc vào nội bộ Việt Nam.

Lời kết

Chính giới và giới trí thức ở Mỹ, Úc, New Zealand và nhiều quốc gia khác lên tiếng gay gắt vạch trần sự lũng đoạn nghiêm trọng của Trung Quốc từ hàng thập kỷ nay vào nội bộ nước họ dưới mọi hình thức của quyền lực mềm và ăn cắp “know how”, quyền sở hữu trí tuệ gây ra nhiều hệ lụy khác rất nghiêm trọng.

Việt Nam không nên từ chối đầu tư và hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam nhưng cũng cần từ chối những nhà đầu tư không chỉ thiếu năng lực, trình độ mà lại muốn gây hạị cho Việt Nam. Thậm chí mục đích gây hại cho Việt Nam đôi khi còn đậm nét hơn là đến Việt Nam chỉ để “kiếm chác”! Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dùng vốn vay và nhà thầu Trung Quốc, liên tục đội vốn, hoãn ngày khánh thành, nay vẫn trơ gan như một tượng đài “tiền mất, tật mang” giữa Thủ đô.

Ở Việt Nam, chuyện cũ chưa xong lại thêm mối lo mới về việc Việt Nam cho phép làm thí điểm khu kinh tế Vần Đồn có yếu tố Trung Quốc, làm người dân càng nặng trĩu khôn nguôi những âu lo về bàn tay của Trung Quốc đã thò vào mọi lĩnh vực của đất nước.

Giữa lúc này, Trung Quốc lại đang leo thang trên Biển Đông bằng hành động kiểm soát khai thác tài nguyên biển, và lời lẽ hăm dọa chiến tranh trực tiếp uy hiếp nước ta. Việt Nam phải cải cách thể chế chính trị và xã hội để lấy lại lòng tin của nhân dân, dựa vào sức mạnh của cả dân tộc và sức mạnh của thời đại để bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển bền vững của đất nước.

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ