Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4
Nguyễn Lương Hải Khôi
Về mặt tuyên truyền, phần lớn các quốc gia thường “tự hào” rằng “chúng ta hùng mạnh”. Không nơi nào nói câu này nhiều bằng Việt Nam, nơi mà quân đội vẫn còn tổ chức và vận hành như thời Võ Nguyên Giáp, trong khi cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chuyển sang cách tổ chức sao cho thích ứng với “tác chiến liên hợp” từ lâu.
Có một điều thú vị là, trong khi đội quân lạc hậu ở Đông Nam Á này vẫn tự hào “chúng ta hùng mạnh” với “truyền thống vẻ vang”, trong cuộc song đấu Mỹ Trung hiện nay, cả quân đội Hoa Kỳ lẫn quân đội Trung Quốc đều tự nhận mình thua kém đối thủ.
Quân hội Hoa Kỳ lo lắng: Chúng ta đã thua Trung Quốc
Cách đây không lâu, Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Hoa Kỳ, ngày 9/3/2021, cảnh báo Hoa Kỳ mất lợi thế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương[i], và Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong vòng 6 năm tới[ii].
Trong “Báo cáo 2020 về những phát triển quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc”,[iii] ngày 1/9/2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng quân đội Mỹ đã thua Trung Quốc.
Theo báo cáo này, “Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với lực lượng chiến đấu tổng thể khoảng 350 tàu và tàu ngầm, bao gồm hơn 130 tàu chủ lực tác chiến mặt nước. Trong khi đó, lực lượng chiến đấu của Hải quân Hoa Kỳ có khoảng 293 tàu vào đầu năm 2020”, tức là thua Trung Quốc về số lượng.
Về lực lượng tên lửa, “Trung Quốc có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất (ground launched ballistic missiles – GLBM) và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (ground-launched cruise missiles – GLCMs) với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Hoa Kỳ hiện đang trang bị một loại GLBM thông thường với tầm bắn từ 70 đến 300 km và không có GLCM.” tức là lực lượng tên lửa Hoa Kỳ kém xa Trung Quốc ở một số cao điểm chiến lược.
Thực vậy, Hoa Kỳ bị hạn chế bởi “Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung” (Intermediate-Range Nuclear Forces – INF) ký với Liên Xô năm 1987, theo đó, Hoa Kỳ và Liên Xô phải loại bỏ và loại bỏ vĩnh viễn tất cả các tên lửa hành trình và đạn đạo hạt nhân phóng từ mặt đất (nuclear and conventional ground-launched ballistic and cruise missiles) có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Trung Quốc không liên quan gì đến những ràng buộc này.
Lực lượng máy bay ném bom và cường kích, tên lửa tầm trung và tầm xa của Trung Quốc đu năng lực để tấn công Guam ào ạt khiến Hoa Kỳ không thể chống đỡ được.
Hiện Trung Quốc đã có gần 200 đầu đạn có khả năng tấn công vào các mục tiêu ở Hoa Kỳ và dự định tăng gấp đôi trong thập kỉ tới (trang 56). Trung Quốc cũng hiện có khoảng 100 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (intercontinental ballistic missiles – ICBM) trên đất liền, và đang phát triển các ICBM mang được đầu đạn hạt nhân, vượt qua được các hàng rào phòng thủ của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ dự định cũng sẽ có 200 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (intercontinental ballistic missiles – ICBM) nhưng là trong tương lai.
Về không quân, Trung tướng Không quân Hoa Kỳ Clinton Hinote đã tiến hành nghiên cứu mô phỏng sức mạnh quân sự của lực lượng Hoa Kỳ và Trung Quốc, tuyên bố ngày 11/3/2021 là “xu thế chung là Hoa Kỳ đang thua cuộc. Thời gian để có thể đánh bại đối phương ngày càng ngắn lại qua từng năm”[iv]
Trung Quốc cũng tự nhận thua: chúng ta chưa là gì cả
Zhang Zhaozhong (Trương Thiệu Trung), một nhà lý luận quân sự của PLA (nguyên Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nguyên Thiếu tướng Hải quân), trả lời cho câu hỏi mà dân chúng phổ thông Trung Quốc đang băn khoăn “Liệu sức mạnh quân sự Trung Quốc đã vượt Mỹ hay chưa?”, đã khẳng định:
“So sánh với sức mạnh quân sự Trung Quốc, thực lực của Hoa Kỳ là vượt trội. Quân đội Trung Quốc không có khả năng thay đổi vị thế đó của quân đội Hoa Kỳ”.[v]
Theo Zhang, Trung Quốc đã có bước tiến lớn về quân sự, nhưng chưa thể thách thức Hoa Kỳ. Chi phí quân sự 700 tỷ USD của Mỹ lớn hơn tổng chi phí quân sự của nước đứng thứ hai đến thứ 20 cộng lại. Những người không chuyên có thể dễ dàng hiểu đúng về sức mạnh quân sự Hoa Kỳ khi so sánh số lượng máy bay chiến đấu của không quân. Số lượng máy bay chiến đấu của Mỹ là 13.000 chiếc, nhưng Nga, nước lớn thứ hai, chỉ có 5.000 chiếc. Sự khác biệt về sức mạnh quân sự qua hai con số đó đã quá rõ ràng. Đó là chưa kể về chất lượng, Hoa Kỳ có khoảng 300 máy bay thế hệ tối tân.
Có lẽ cái nhìn của Zhang là đúng với thực tế. Zhang là người có vị thế xã hội trong bộ máy chính trị Trung Quốc (nhà lý luận quân sự của PLA, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Thiếu tướng Hải quân), cho nên cái nhìn của Zhang có thể phản ánh cái nhìn thực tế của giới quân sự nước này. Việc một số viên tướng diều hâu Trung Quốc thỉnh thoảng to mồm trên truyền thông, đòi “tiêu diệt nước Mỹ”, là chuyện khác.
Việc quân đội Mỹ tuyên bố mình “yếu hơn Trung Quốc” nhằm mục đích gì?
Có thực Hoa Kỳ mất lợi thế trước Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương hay không? Mục đích của việc quân đội Hoa Kỳ nhấn mạnh về những điểm yếu của mình là gì? Những điều này có thể tác động gì đến Đông Nam Á và Đông Bắc Á?
Cải cách quân đội Trung Quốc theo hướng trở thành “quân đội công nghệ cao” của Tập Cận Bình gắn chặt với chiến lược “Made in China 2025”, dung hợp quân sự và dân sự, và tất cả những yếu tố này được đặt cho một cái tên chung: “Giấc mơ Trung Quốc”. Ngay từ 2016, Tập đã bộc lộ tư tưởng này: “Các đổi mới sáng tạo trong quân đội cần phải đóng vai trò trung tâm trong việc sản xuất thiết bị quân sự có tính bản địa. Chính phủ từ trung ương đến địa phương phải thúc đẩy sự dung hợp giữa hai lĩnh vực dân sự và quân sự.“[vi]
Tập Cận Bình đã thành lập “Ủy ban Phát triển Dung hợp Dân sự và Quân sự Trung ương” (Central Commission for Integrated Military and Civilian Development – CCIMCD) và đầu năm 2017 và làm chủ tịch uỷ ban này. Tháng 3 năm 2018, Tập chủ trì cuộc họp lần thứ ba của Uỷ ban, nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược “quân dân dung hợp” (军民融合) trong việc phát triển sức mạnh quốc gia, bằng cách xoá bỏ sự ngăn cách giữa các cơ sở kinh tế thương mại và cơ sở công nghiệp quốc phòng.[vii] Ông cũng coi “quân dân dung hợp” là điều kiện tiên quyết để xây dựng quân đội hùng mạnh, hiện thực hóa “giấc mơ Trung Quốc”. [viii]
Đằng sau việc quân đội Mỹ than thở “quân mình yếu quá” là một mục đích lớn ở tầm chiến lược.
Lầu Năm Góc gửi Báo cáo năm 2020 nói trên cho Quốc hội, đồng thời cũng công khai cho công chúng. Vì vậy có thể hiểu rằng phía quân đội Hoa Kỳ không chỉ đang vận động Quốc hội tăng thêm ngân sách mà còn là một thông điệp gửi đến nhiều bên khác nhau.
Nói Trung Quốc có khả năng tấn công Đài Loan cũng là cách ra tín hiệu cho Nhật Bản lưu ý tới quần đảo Senkaku, đồng thời ra tín hiệu cho Hàn Quốc về sự vô vọng của khả năng thống nhất bán đảo Triều Tiên trong hòa bình.
Nhật Bản không còn nhận thức mơ hồ nào trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Còn Hàn Quốc cũng đã từng bước tham gia vào cuộc song đấu Mỹ Trung. Năm 2019, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi “Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung” (INF) năm 1987,[ix] để tự do phát triển và tìm kiếm đồng minh bố trí lực lượng hậu INF. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in năm 2017 đã từ chối bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, nuôi hy vọng có thể thống nhất bán đảo Triều Tiên trong hòa bình.[x] Nhưng sau 6 lần thử vũ khí hạt nhân của Kim Jong Un ở Bắc Triều Tiên, tháng 5 năm 2021, Hàn Quốc đã “vận động thành công” Hoa Kỳ dỡ bỏ hạn chế kỹ thuật tên lửa của mình vốn thực thi từ 1979. Hàn Quốc có thể phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn từ 1000 đến 5000 km. Tầm bắt này vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên, lớn hơn mục tiêu phòng vệ của bản thân Hàn Quốc trước Bắc Triều Tiên.[xi]
Tuy vậy, ngay cả khi sức mạnh quân sự của quân đội Mỹ lớn hơn Trung Quốc, giả sử nổ ra trận chiến trên chuỗi đảo thứ nhất (điều không thể xảy ra một cách chủ ý trên quy mô lớn ở thời điểm này), Trung Quốc vẫn có thể dồn toàn bộ sức mạnh quân sự vào trận, với hơn 2 triệu quân, đồng thời huy động toàn bộ nền kinh tế vào chiến tranh một cách dễ dàng. Hoa Kỳ, ngược lại, trong trường hợp khẩn cấp, sẽ chỉ có thể triển khai ít hơn 300 ngàn quân, gồm Hạm đội 7, quân đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nếu tính đến khả năng Trung Quốc có thể huy động tổng lực, trong khi Hoa Kỳ chỉ huy động được lực lượng hiện có tại Đông Bắc Á, hoàn toàn không sai khi các tướng lĩnh Lầu Năm Góc nói Hoa Kỳ yếu hơn Trung Quốc trên bàn cờ Đông Bắc Á.
Nhật Bản, nhìn tất cả những động thái trên của Mỹ, Trung, Hàn, Triều Tiên, cũng đã chuẩn bị cho tương lai phũ phàng của mình. Việc triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở Nhật Bản chắc chắn được xem xét. Nhật cũng sẽ ngày càng tăng chi phí cho quân đồn trú Hoa Kỳ trên lãnh thổ mình, và sẵn sàng để thay thế quân đội Mỹ khi bị buộc phải tự lực gánh sinh.
Sự lựa chọn của Việt Nam hiện nay, ngoại giao theo kiểu đi thăng bằng trên dây, hiện vẫn còn một chút công hiệu. Nhưng với những động thái như trên ở Đông Bắc Á, rồi sẽ đến một ngày Việt Nam hiểu ra “thăng bằng trên dây” không phải là “chiến lược” mà chỉ là “chiến thuật” ngắn hạn. Ngày đó không còn xa, đất nước không có chiến lược này có khả năng sẽ rơi trở lại vào bi kịch “nhất biên đảo” (ngả hẳn về một bên) mấy thập niên trước, khi không còn khả năng xoay sở nữa.
Chú thích
[i] Admiral warns US military losing its edge in Indo-Pacific
https://www.ft.com/content/61ea7ce5-7b68-459b-9a11-41cc71777de5
[ii] the U.S. Naval Institute, Davidson: China Could Try to Take Control of Taiwan In ‘Next Six Years’ https://news.usni.org/2021/03/09/davidson-china-could-try-to-take-control-of-taiwan-in-next-six-years
[iii] DOD Releases 2020 Report on Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China, Sept 1, 2020
https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/2332126/dod-releases-2020-report-on-military-and-security-developments-involving-the-pe/
[iv] ‘We’re going to lose fast’: U.S. Air Force held a war game that started with a Chinese biological attack, 10/3/2021
https://news.yahoo.com/were-going-to-lose-fast-us-air-force-held-a-war-game-that-started-with-a-chinese-biological-attack-170003936.html
[v] Zhang Zhaozhong so sánh sức mạnh quân sự Mỹ Trung: Với 700 tỷ chi phí quân sự, vị thế của Hoa Kỳ là không thể lay chuyển (张召忠再谈中美军事实力对比,7000亿军费,美国地位仍无可撼动, 3/2/2020)
https://new.qq.com/omn/20200203/20200203A0GGCH00.html
[vi] Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương ban hành “Ý kiến về phát triển dung hợp kiến thiết kinh tế và xây dựng quốc phòng”, 中共中央 国务院 中央军委印发《关于经济建设和国防建设融合发展的意见》Xinhua, 21/7/2016
http://www.xinhuanet.com//politics/2016-07/21/c_1119259282.htm
[vii] Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp toàn thể đầu tiên của “Ủy ban Phát triển dung hợp Dân sự và Quân sự” lần thứ 19 (习近平主持召开十九届中央军民融合发展委员会第一次全体会议 CCTV, 3/2/2018)
http://tv.cctv.com/2018/03/02/VIDEX69ZEYQ74R0NysB5EH0J180302.shtml
[viii] Xi calls for deepened military-civilian integration, Xinhua, 12/3/2018
http://www.xinhuanet.com/english/2018-03/12/c_137034168.htm
[ix] U.S. Withdrawal from the INF Treaty on August 2, 2019
https://2017-2021.state.gov/u-s-withdrawal-from-the-inf-treaty-on-august-2-2019/index.html
[x] No nuclear weapons in South Korea, says President Moon, CNN, September 14, 2017
https://www.cnn.com/2017/09/14/asia/south-korea-moon-nuclear/index.html
[xi] Mỹ dỡ bỏ hạn chế tên lửa đối với Hàn Quốc, chấm dứt giới hạn tầm bắn và đầu đạn (US lifts missile restrictions on South Korea, ending range and warhead limits, Ngày 25 tháng 5, 2021)
https://www.defensenews.com/global/asia-pacific/2021/05/25/us-lifts-missile-restrictions-on-south-korea-ending-range-and-warhead-limits/