Lịch sử Việt-Mỹ
“Tôi Muốn Kể Lại Chuyện của Tôi”: Ký giả Nguyễn Tú và Cái Giá của Sự Can Đảm (2)
Published on
“Tôi Muốn Kể Lại Chuyện của Tôi”: Ký giả Nguyễn Tú và Cái Giá của Sự Can Đảm (Phần 1, Phần 2, Phần 3)
(Bản gốc tiếng Anh: “I Want to Tell My Story”: Journalist Nguyen Tu and the Price of Courage)
Người dịch: Phan Lê Dũng
Làm Việc Ở Sài Gòn
Không có việc làm, ông Tú bắt đầu đi khắp Miền Nam Việt Nam để quan sát đất nước. Ông đi từ sông Bến Hải, ranh giới mới giữa hai miền Nam, Bắc vào sâu trong Nam. Không có tiền, ông đi từ làng này sang làng khác, nói chuyện với dân chúng. Ông là người thích làm việc đơn độc, lắng nghe những ưu tư của người dân và sống nhờ lòng tốt của họ. Các nông dân luôn đối xử tốt và chia xẻ thức ăn của họ với ông. Họ có rất nhiều gạo và cá. Họ chỉ ông cách đặt các thuyền tam bản dọc theo con kênh, và khi thủy triều rút, họ chỉ cần xúc cá vào thuyền tam bản, không cần phải dùng lưới. Dùng cách này chỉ cần 3 tiếng họ đã bắt được rất nhiều cá.
Vào tháng 2 1957, khi Ngô Đình Diệm, vị Tổng Thống mới đến thăm người Thượng ở Ban Mê Thuột, một tỉnh ở Cao Nguyên Trung Phần, ông Tú cũng đang du lịch ở đó. Ông muốn hiểu những nỗ lực của ông Diệm trong việc hợp nhất nhóm người khác chủng tộc này vào xã hội Việt Nam. Ông đang xem những nhóm người trong đoàn tháp tùng ông Diệm hòa đồng với những người Thượng thì kẻ sát nhân do Cộng Sản gửi đến xuất hiện toan giết tổng thống. Ông Tú nghe tiếng đạn và chú ý thấy rằng ông Diệm vẫn bình tĩnh.
Ông chưa bao giờ gặp ông Diệm. Tuy khâm phục sự can đảm của ông Diệm trước lửa đạn, chẳng bao lâu sau ông Tú đã tỉnh ngộ. Ông nhìn nhận rằng ông Diệm là người được ủng hộ rộng rãi vào những năm đầu, nhưng lại cai trị chẳng khác gì một vị quan có quyền. Ông Tú chỉ trích mạnh mẽ, và đã phải gánh chịu sự phẫn nộ của ông Diệm. Một trong những sự chỉ trích đặc thù của ông là chương trình Ấp Chiến Lược, nỗ lực của ông Diệm trong việc gom nông dân, đưa họ vào những địa điểm được tăng cường để bảo vệ và giúp họ thoát khỏi Cộng Sản. Ông Tú cho rằng chương trình này sẽ thất bại.
Trong những năm trước đảo chánh 1963 lật đổ ông Diệm, ông Tú là giáo sư dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Kiểu, anh Tổng Thống tương lai Nguyễn Văn Thiệu, cũng dạy ở trường đó, và là người giúp đưa ông Tú vào làm giáo sư. Một thời gian ngắn sau khi ông Tú rời Hà Nội về Sài Gòn họ gặp lại nhau. Ông Kiểu là một trong những đảng viên Đại Việt đầu tiên ở Miền Nam và đôi bên trở thành bạn thân.
Ông Tú nhớ lại rằng ông đã đến thăm gia đình ông Kiểu để gặp người anh cả, Nguyễn Văn Hiếu. Ông nhận ngay ra rằng đây là một gia đình nề nếp và hết sức gia giáo. Ông để ý thấy ông Thiệu một mực kính nể anh mình. Ông Thiệu đã vào phòng, đứng im lặng, trừ khi ông Hiếu lên tiếng trực tiếp hỏi, ông không hề nói năng gì. Ông Thiệu không dám nói chuyện với ông Tú. Ông Tú giải thích, “Đây là truyền thống của gia đình Việt Nam, nếu chưa được phép, người em không được nói chuyện với bạn của anh mình.” Ông Thiệu đứng đó khoảng 15 phút rồi đi ra. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này khởi đầu một mối liên hệ kéo dài suốt đời của ông Tú với ông Nguyễn Văn Thiệu.
Sau cuộc đảo chánh ông Diệm tháng 11 năm 1963 và rồi cuộc chỉnh lý của Tướng Khánh vào tháng giêng 1964, Tướng Khánh mời Nguyễn Văn Kiểu làm cao ủy thanh niên. Ông Kiểu nhanh chóng chỉ định ông Tú làm tổng thư ký vì trong những năm đầu thập niên 1950, ông Tú đã làm việc trong Bộ Thanh Niên. Ông Tú tiếp tục giữ chức vụ đó cho đến tháng 2 1965, khi Bác sĩ Phan Huy Quát trở thành thủ tướng cũng trong tháng đó. Vào rồi ông từ chức Tổng Thư Ký để trở lại với cái nghề ông yêu: làm báo.
Ông Đặng Văn Sung, người bạn cũ của ông cũng rời Hà Nội trong cuộc di cư khổng lồ năm 1954, trong cuộc di cư đó nhiều đảng viên Quốc Gia đã cùng di cư từ Bắc vào Nam. Ông Sung đã về Sài Gòn và mộng mở một tờ báo, nhưng Tổng Thống Diệm luôn luôn bác bỏ đơn xin làm báo của ông. Lúc này khi ông Quát cầm quyền (ông Sung có họ hàng với ông Quát về phía vợ), ông Sung quyết định mở một tờ báo là tờ Chính Luận (Bàn Luận Chính Trị). Ông mời ông Tú cùng tham gia.
“Anh sẽ phải trả giá đắt đấy!” Ông Tú nói. “Nếu mời tôi, anh đừng bao giờ bảo tôi nên, hoặc không nên viết gì.”
Ông Sung cười, khoác vai ông Tú: “Đồng ý.”
Ông Tú làm việc với tờ Chính Luận như một ký giả chiến trường trong khoảng thời gian 1965-1975. Đây là tờ báo có ảnh hưởng nhất đối với những độc giả đứng tuổi. Trong khi Sóng Thần, nhắm vào một giới độc giả trẻ và có đầu óc cấp tiến hơn.
Rất nhiều người nghĩ rằng ông Sung là nhân viên CIA, nhưng ông Tú nói điều đó không đúng. Vì lý do gì đó, ông Sung chẳng bao giờ lên tiếng cải chính những lời kết án. Ông Tú bảo rằng ông Sung chỉ kể chuyện với ông như sau: Vào một thời điểm trong thập niên 1950, người Miền Nam và cố vấn Mỹ Edward Lansdale có đặt kế hoạch đánh sập cầu Long Biên ở Hà Nội. Vì cầu Long Biên là cây cầu duy nhất bắc ngang sông Hồng nối Hà Nội với Hải Phòng, đánh sập cầu sẽ là một cú đập khiến chính quyền Bắc Việt chới với. Khi Lansdale yêu cầu ông Phan Huy Quát giúp trong việc phá cầu, ông Quát đã chuyển việc này cho ông Sung, nhưng kế hoạch chưa bao giờ được thực hiện. Ông Sung và Lansdale thường xuyên gặp gỡ, và vì thế có những tin đồn là ông Sung nhận tiền của CIA.
Là ký giả chiến trường của tờ báo, thay vì nói chuyện với các tướng ở Sài Gòn, ông Tú quyết định dùng đa số thời gian ngoài chiến trường cùng với những đội quân Miền Nam. Thời gian làm cách mạng năm 1946 đã dạy ông rằng những câu chuyện và tin tức đáng giá nhất thường đến từ những người lính. Ông chỉ về Sài Gòn nhiều lần trong tháng để trang trải các khoản chi tiêu. Lương của ông là 20,000 đồng mỗi tháng.
Vào năm 1966, ông xin Bộ Chỉ Huy Quân Đội Mỹ cho phép ông đến thăm tất cả những tiền đồn chính của Mỹ ở xa.
“Tại sao?” một đại tá Mỹ hỏi. “Chẳng có ký giả nào của Mỹ muốn đi thăm các tiền đồn đó làm gì.”
“Bởi vì,” ông Tú trả lời, “Tôi muốn xem lính Mỹ đối phó với việc chiến đấu ra sao.”
Ông bỏ ra bốn tháng đi thăm các tiền đồn Mỹ ở xa, và cảm thấy khâm phục các đội quân Mỹ. Họ là những người trẻ, hết sức tận tụy, nhưng sau khi đến ở với họ, một chuyện xảy ra vào lúc đi tuần khiến ông thấy rằng đây không phải là loại chiến tranh họ có thể hiểu.
Một đêm ông đi theo một đơn vị Mỹ để chuẩn bị một vị trí đánh úp Cộng Sản. Khoảng 2g00 sáng, trưởng toán nói ông Tú đi nghỉ.
“Không,” Tú nói. “Tôi muốn thức xem người Mỹ làm việc thế nào.”
Một thời gian ngắn sau đó, một anh lính bắt đầu khóc to lên đòi gặp mẹ.
Vị trí đã bị lộ, ông Tú gọi toán trưởng. “Chúng ta về thôi. Chẳng thể làm gì ở đây nữa cả.”
Người trưởng toán đồng ý, gọi điện xin phép được quay về.
Dần dần, ông Tú đến thăm tất cả mọi chi nhánh quân sự của Mỹ, và đã ở cả tuần trên hàng không mẫu hạm USS Ranger của hải quân.
Vào tháng 4, 1967, khi Miền Nam Việt Nam thông qua một bản hiến pháp yêu cầu có cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9, ông Tú dành nhiều thời giờ hơn với ông Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của lá phiếu quân sự, và ông Kỳ là ứng cử viên trong cùng liên danh. Ông Tú đã cải thiện quan hệ với ông Thiệu sau khi ông Thiệu tham gia Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa (QĐVNCH) và được thăng chức đại tá vào năm 1962. Ông Tú nói, vị tổng thống tương lai đã hỏi ông về sự liên hệ giữa ông và ông Kiểu, anh ông ta. Hài lòng khi biết sự liên hệ của ông với ông Kiểu đa phần chỉ là những việc của Đại Việt, ông Thiệu đồng ý gặp lại ông. Lần kế tiếp họ gặp là vào cuối năm 1964, sau cuộc đảo chánh ông Diệm, khi ông Thiệu đã được thăng chức Thiếu Tướng.
Vào tháng 6 1965, khi ông Thiệu trở thành chủ tịch Hội Đồng các Lực Lượng Võ Trang và quốc trưởng, ông Tú xin được gặp. Họ nói chuyện với nhau 4 tiếng, và ông Tú hỏi về những hoạt động của ông Thiệu, và về sự liên hệ của ông với vị Thủ Tướng mới Nguyễn Cao Kỳ. Ông Thiệu cho rằng ông Kỳ là một người kiêu ngạo, thích khoe khoang, và không thích ông Kỳ. Nhưng ông Tú cảm thấy ông Thiệu cũng có những điểm khác lạ, và trong ông Thiệu có hai con người. Ông Tú cho rằng ông Thiệu là một người ít biểu lộ cảm xúc và thận trọng quá mức, nhưng ông tin rằng ông Thiệu là người chững chạc hơn ông Kỳ, biết rõ điều ông muốn, có tham vọng, và là người cả quyết.
Trong bầu không khí sôi sục dần của cuộc bầu cử tổng thống, ông Tú lại gặp ông Thiệu. Ông Thiệu muốn có các cuộc bầu cử, nhưng theo ông Tú, ông Thiệu đã nói về lá phiếu của chính ông và những ứng cử viên khác như “những món hàng cho người dân chọn lựa.” Đây là một cách phát biểu kỳ lạ, nhất là khi ông Thiệu cũng chẳng nói gì về dân chủ. Sau khi ông Thiệu và ông Kỳ thắng cử vào tháng 9, 1967, ông Tú dành nhiều thời giờ với vị tổng thống mới. Biết tình dè dặt, thận trọng của ông Thiệu, ông Tú khuyên tổng thống nên thường xuyên tiếp xúc với dân chúng để người dân có thể hiểu biết vị lãnh đạo của họ hơn.
Lời khuyên của ông Tú bị bác bỏ. Trong một cuộc họp với cố vấn Mỹ Ed Lansdale, ông Tú nói rằng ông Thiệu ứng xử như “một cô dâu mới. Ông vẫn thận trọng, do dự và nghi ngờ như bao giờ. Vào lúc này, ông Thiệu vẫn nghĩ về người khác bằng những cung cách quân đội, quen ra lệnh cho họ tuân theo hơn là mời họ đưa lời cố vấn cho ông.” Nhưng dần dần ông Thiệu ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với người dân.
Song song với cuộc bầu cử tổng thống là một cuộc bầu cử khác của Quốc Hội. Ông Đặng Văn Sung thắng cử và trở thành thành viên của một Thượng Viện mới được thiết lập vào năm 1967, nhưng ông vẫn giữ quyền kiểm soát tờ Chính Luận. Ông Sung và ông Thiệu thường xung đột, và đã có lần trong năm 1969, tờ báo bị Bộ Nội Vụ đóng cửa vì chỉ trích chính phủ.
Ông Tú bảo rằng “Ông Sung chưa bao giờ có những xung khắc cá nhân với ông Thiệu, và chỉ chống những chính sách của tổng thống. Ông Sung ủng hộ ông Thiệu vì cho rằng ông Thiệu là sự chọn lựa tốt nhất để đánh bại Cộng Sản. Ông Sung ủng hộ tất cả những người chống cộng, nhưng không phải vô điều kiện.” Vào lúc cuối, ông Thiệu đã chịu đựng ông Sung vì ông biết rằng ông Sung là một người Quốc Gia hết lòng.
Cuộc Tổng Tấn Công Mậu Thân vào đầu năm 1968 khiến cả Miền Nam Việt Nam lẫn Mỹ rúng động. Ông Tú bảo rằng, dựa trên những chuyến đi chiến trường, từ hai tuần trước đó, ông đã đoán trước được rằng sẽ có cuộc tấn công. Khi quân đội Bắc Việt chiếm đa số thành phố Huế, ông đã đến cố đô để tường trình cuộc chiến. Ông Tú được Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cấp giấy tờ đặc quyền tự do di chuyển dành cho ký giả, nhưng thời tiết quá xấu, và ông phải đợi 3 ngày để có chuyến bay đến Huế. Khi đến nơi, ông bị buộc phải ở lại phía nam sông Hương 4 ngày. Trời nhiều mây, mưa, lạnh và ông chỉ có rất ít thực phẩm.
Cuối cùng, vào sáng thứ năm, ông đến được địa điểm và là một trong những ký giả đầu tiên ở đó. Ông xin phép được phỏng vấn Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, lúc đó đang là tư lệnh Quân Đoàn I quân đội VNCH. Đơn vị của Bộ Chỉ Huy ở Huế dưới quyền Tướng Trưởng đã trụ vững trước cuộc tấn công quyết tâm của địch, và vào lúc này những lính của tướng Trưởng và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang cố tái chiếm thành phố. Tướng Trưởng từ chối yêu cầu của ông, nhưng sau khi quét sạch Huế, Tướng Trưởng nói với ông rằng họ có thể cùng uống cà phê. Tuy từ chối lời yêu cầu phỏng vấn của ông Tú, vị tư lệnh quân đội VNCH vẫn không ra lệnh buộc ông phải rời Huế. Tướng Trưởng vẫn để ông ở lại.
Ông Tú viết một loạt các mục về trận chiến ở Huế. Trước loạt bài này, ông vẫn không hài lòng với những bài ông viết, nhưng những bài báo về Huế của ông khiến toàn quốc chú ý và biến ông thành một trong những ký giả có tiếng nhất. Năm 1969, ông Tú trở về Huế và lại yêu cầu phỏng vấn Tướng Trưởng. Lần này Tướng Trưởng nhận lời. Trong số tất cả những sĩ quan cao cấp ông phỏng vấn, ông Tú thích Tướng Trưởng nhất.
Tuy vẫn tiếp tục tường trình về cuộc chiến, ông cũng du lịch đến Mỹ và Pháp. Ở Mỹ, ông nhìn cuộc họp Đại Hội Đảng của đảng Dân Chủ ở Chicago chuyển thành những cuộc chiến giữa những người chống đối và cảnh sát. Sau đó ông sang Pháp và tường trình về những khai diễn ban đầu của cuộc điều đình Hiệp Định Ba-Lê. Ông cũng làm việc bán phần cho ký giả Robert Shaplen của tờ New Yorker và giúp những ký giả ngoại quốc khác ở Việt Nam.
Cuộc bầu cử tổng thống 1971 cho ông thêm trực giác về Tổng Thống Thiệu. Theo cái nhìn của ông thì ông Thiệu thắng cử nhờ may mắn. Ông tin rằng đối thủ chính của Thiệu, Tướng Dương Văn Minh, đã tự hủy mình. Những nước cờ sai của Tướng Minh và những lời cố vấn kém cỏi của những thuộc cấp quanh Tướng Minh đã phá hủy cuộc vận động tranh cử của ông.
Sau cuộc bầu cử, ông Thiệu toan tính thay thế thủ tướng Trần Thiện Khiêm bằng một thường dân là vị giáo sư nổi tiếng Nguyễn Văn Bông. Ông Tú tin rằng tổng thống rất biết Tướng Khiêm đã từng là thượng cấp quân sự của ông, và ông muốn ra khỏi cái bóng của Tướng Khiêm. Tuy trong hệ thống cấp bậc của xã hội, ông là Tổng Thống, ông Thiệu vẫn cảm thấy rằng ông Khiêm có cấp bậc cao hơn. Lúc ông Khiêm là đại úy, ông Thiệu chỉ là thiếu úy, và ông Khiêm đã tốt nghiệp trường võ bị trước ông Thiệu. Vào tháng 11, 1971, khi cộng sản giết giáo sư Bông, ông Thiệu bị buộc phải giữ lại ông Khiêm, nhưng toan tính thay thế Thủ Tướng đã tạo ra một vết rạn giữa hai người. Tuy tin rằng ông Thiệu xem ông Khiêm như một người anh, ông Tú cho rằng hai người không ưa nhau, mặc dầu họ giống nhau ở rất nhiều điểm. Ông Khiêm lúc nào cũng giữ vai trò kín đáo, nhưng còn thận trọng hơn, và có tham vọng cao hơn ông Thiệu.
Những năm cuối của cuộc chiến
Khi cuộc tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 bùng ra, ông Tú đang đến Quân Đoàn I để tường trình các trận đánh. Ông đã đến để quan sát lính Thủy Quân Lục Chiến và lính Dù. Ông nhớ lại một chuyện ông kể như chuyện đùa về chuyện Lính Thủy Quân Lục Chiến bắt được một số địch làm tù binh. Vì vị lữ đoàn trưởng không có đội lính nào để canh gác tù, ông Tú nói với vị đại tá Thủy Quân Lục Chiến rằng ông sẽ người canh tù. Vị đại tá bảo các tù binh rằng nếu họ không kể lại tất cả mọi chuyện họ biết thì ông Tú sẽ cho cả bọn đi “mò tôm”. Tuy vị đại tá chỉ hù, ông Tú đã đem bia cho họ và chuyện đó đã khiến các tù binh nói năng cởi mở hơn.
Sau khi đến ở với Thủy Quân Lục Chiến ở mé đông Quốc Lộ 1, ông quyết định sang mé tây Quốc Lộ 1 đến thăm lính Dù. Vì muốn tường trình cuộc tấn công tái chiếm Cổ thành Quảng Trị ở Quảng Trị và không có phương tiện di chuyển, ông phải đi bộ.
Vào ngày 13 tháng 9, 1972, ông đến vùng lính Dù đóng quân. Tuy biết ông, Quân Cảnh vẫn bắt ông phải dừng, không cho ông tiến sâu thêm vào tuyến đầu của lính Dù. Ông sắp sửa chấp nhận lệnh dừng của họ thì có một trung tá Thủy Quân Lục Chiến lái xe Jeep đến. Ông ta đang đưa một bác sĩ đã được chỉ định ở với Sư Đoàn Dù về đơn vị của ông.
Vị sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến nhận ra ông Tú, và nói rằng ông có thể đi theo họ. Ông Tú nhảy vào xe jeep phía sau tài xế. Bỗng dưng ông linh cảm có điều gì bất tường sắp xảy ra. Tuy trước đây ông Tú chưa bao giờ đội nón sắt, vị lữ đoàn trưởng bắt ông phải đeo. Mặc dù linh cảm có điều bất ổn, nhưng vì xung quanh chỗ họ hoàn toàn tĩnh lặng, khi nhảy vào xe Jeep ông Tú đã tháo bỏ nón sắt.
Họ đang trên đường thì một trái pháo của địch rớt ngay gần đó. Vị trung tá bảo tài xế lái nhanh hơn. Một trái pháo nổ gần họ. Ông Tú cảm thấy ngực có gì ươn ướt. Ông nhìn xuống và thấy máu của chính mình. Miểng đạn từ trái pháo đã giết chết tài xế, nhưng ông Tú may mắn: một miểng đạn khác chỉ vút qua đầu ông, nhưng đã cắt mặt ông, và cắt luôn tròng mắt phải ông.
Họ đem ông về bệnh viện quân sự ở Huế, nơi một bác sĩ bảo rằng ông có thể khâu lại vết thương, nhưng vết thương sẽ có thẹo. Vị bác sĩ này bảo ông có một người bạn được huấn luyện giải phẫu thẩm mỹ ở Mỹ vừa trở lại và người bạn đó có thể khâu lại vết thương không để lại vết thẹo. Người bạn đó ở hơi xa và ông Tú đã mất rất nhiều máu.
Ông Tú nói đưa ông đến chỗ vị bác sĩ kia, rồi ngất đi. Khi tỉnh lại, ông thấy rằng tuy vị bác sĩ giải phẫu đã sửa lại mặt ông gần như hoàn chỉnh, ông đã mất mắt phải.
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, lúc này là tư lệnh quân đoàn I, cùng với cố vấn Mỹ đến thăm ông. Vị tướng Mỹ nói ông có thể cho máy bay chở ông Tú về bệnh viện Đà Nẵng, nhưng ông Tú từ chối. Ông muốn ở lại với các đội quân.
Tuy đã nhiều năm tường trình về lính miền Nam Việt Nam ngoài chiến trường, bài báo nổi tiếng nhất của ông Tú là một bài báo thương tâm nhất, và cũng là bài viết cuối cùng của ông. Đầu tháng 2, 1975, ông đến Pleiku, thủ phủ của phần bắc Cao Nguyên Trung Phần, để phỏng vấn Thiếu Tướng Phạm Văn Phú. Ông đã biết tướng Phú từ khi tướng Phú thay tướng Trưởng làm tư lệnh Quân Đoàn I QĐVNCH. Lúc này tướng Phú đang chỉ huy Quân Đoàn II, một vùng quân sự bao gồm toàn thể phần giữa của Nam Việt Nam.
Tướng Phú cho phép ông Tú đi thăm chiến trường, quan sát sự phòng thủ Pleiku. Như thường lệ, ông đến thăm các lính ngoài tiền tuyến để nghe ý kiến của họ. Vào giữa tháng 2, khi ông trở lại Pleiku, tướng Phú mời ông ăn tối. Trong bữa tối đó, tướng Phú xin ông cho ý kiến về những kế hoạch của Cộng Sản. Ông Tú nói quân của tướng Phú trải mỏng quá, và Pleiku không phải là mục tiêu của Cộng Sản. Mục tiêu của họ là Ban Mê Thuột, thủ phủ của phân nửa miền Nam của Cao Nguyên Trung Phần. Dựa trên Cuộc Chiến Đông Dương Thứ Nhất, khi cộng sản chiếm được Ban Mê Thuột, Pháp đã phải vất vả mới chiếm lại được, ông Tú tin rằng Cộng Sản sẽ lập lại lịch sử.
Tướng Phú lịch sự, không phản ứng, có nghĩa là vị tướng không đồng ý. Ông Tú chẳng hiểu tại sao tướng Phú lại quá chú tâm vào Pleiku, nhưng ông tin rằng tướng Phú nghĩ Cộng Sản sẽ tấn công bộ chỉ huy của ông.
Lại thêm một lần nữa, ông Tú tiên đoán đúng những kế hoạch của Cộng Sản. Cộng sản tấn công và chiếm Ban Mê Thuột. Vào ngày 13 tháng 3, 1975, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho tướng Phú phải tái chiếm Ban Mê Thuột. Để mở cuộc tấn công, tướng Phú phải dùng các đội quân đang bảo vệ Pleiku. Tuy nhiên, tướng Phú phải đối phó với một vấn đề lớn. Đường 14, con đường duy nhất giữa Pleiku và Ban Mê Thuột đã bị các đội quân của địch án ngữ.
Tướng Phú quyết định dùng một con đường xấu, chỉ được bảo trì rất tồi gọi là đường 7B để chuyển quân. Đường 7B chạy theo mé đông từ đường 14 qua tỉnh Cheo Reo ngái ngủ, thủ phủ của tỉnh Phú Bổn và rồi bắt đến Tuy Hòa theo bờ biển. Từ đó, Tướng Phú sẽ gửi các đơn vị về hướng tây trên đường 21 để tấn công Ban Mê Thuột.
Vào ngày 16 tháng 3, khi các đội quân của tướng Phú bắt đầu rút lui, ông Tú vẫn còn ở Pleiku. Ông là ký giả duy nhất ở Pleiku lúc đó. Vào hôm trước, khi những máy bay của không quân bắt đầu chuyển vị trí về hướng Nha Trang, ông đã có cơ hội rời theo, nhưng ông quyết định ở lại, đi theo các đơn vị trên đường số 7B. “Là chứng nhân là vị trí tốt nhất đối với ký giả,” ông nói. Cũng giống như quyết định của ông ở Lào Cai khi trước, đây là một quyết định đã khiến ông suýt chết.
Thấy các đơn vị quân đội bất thần rời Pleiku vào ngày 16 tháng 3, dân chúng hoảng hốt, sợ bị bỏ lại phía sau. Hàng ngàn thường dân bắt đầu một chuyến đi ác mộng bắt đầu từ Pleiku. Con đường đầy những cụ già, phụ nữ, và trẻ em hoặc đi bộ hoặc bị thồn vào những chiếc xe đầy nghẽn tài sản của họ.
Đêm đó, vào khoảng 10g30 tối, ông Tú đi theo chuyến vượt thoát. Vai đeo ba lô, ông đi bộ suốt đêm đến Cheo Reo, cách Pleiku khoảng 32 cây số. Một phần hàng quân của tướng Phú đã vượt qua Cheo Reo và đến sông Ba, nhưng họ phải dựng một chiếc cầu qua con sông rộng để tiếp tục đến Tuy Hòa. Những lính còn lại của tướng Phú và nhiều thường dân vẫn còn ở Cheo Reo khi các toán quân Cộng Sản chặn đường 7B ở gần tỉnh.
Trận chiến dữ dội bùng ra khi quân VNCH toan tính phá hủy sự án ngữ của Cộng Sản. Địch pháo vào thành phố, giết hàng trăm người. Ông Tú nhìn bất lực khi pháo rớt đúng vào một xe buýt đang chật cứng người.
Ông nhớ lại, “Nhiều người chết, nhiều người lắm và mùi thịt cháy khét tràn ngập bầu không khí.” Số người chết khiến ông nhớ lại những biến cố ở Quốc Lộ 1, phía bắc thành phố Huế năm 1972 khi Cộng Sản pháo vào hàng thường dân đang rút lui. Vào tháng 7 1972, hai ký giả báo Sóng Thần đã phát hiện hàng trăm xác người hôi thối rải rác trên mặt đất nơi họ đã bị giết nhiều tháng trước đó. Một trong hai ký giả là ký giả Ngy Thanh đã viết một mục báo về cảnh tượng khủng khiếp đó. Ông gọi vùng đó là “Xa Lộ Kinh Hoàng.”
Bị kẹt ở Cheo Reo, với đại pháo Việt Cộng rớt như mưa vào họ, những thường dân và binh lính Miền Nam xông vào tỉnh cướp bóc tìm thực phẩm, nước và thuốc men. Dân trong tỉnh phản công và thành phố sụp đổ trong hỗn loạn.
Ông Tú bị kẹt trong tai họa này, nhưng ông đã tìm cách để gọi được điện về Sài Gòn. Ông Đặng văn Sung đã thuyết phục Không Quân Việt Nam gửi một máy bay đến đón ông Tú ở một sườn núi, nhưng ông Tú từ chối, không muốn về Sài Gòn tìm an toàn. Thay vì vậy, ông yêu cầu được thả xuống cầu ở sông Ba.
Khi đến nơi ông thấy thêm nhiều thảm kịch. Lính bị thương nằm rên rỉ trên mặt đất, dân chúng đói khát đi ăn mày xin thực phẩm. Ông Tú đặc biệt thương tâm khi thấy những đứa bé bị bỏ rơi to tiếng kêu khóc, đi lang thang giữa những xe cộ của quân đội và thường dân chất đống ở sông.
Khi các kỹ sư quân đội VNCH toan tính xây một chiếc cầu nổi ngang sông, ông ở đó đêm đó với đại tá Cao Văn Uy, tư lệnh Nhóm Biệt Kích 6 đang canh gác đầu cầu. Hôm sau, ông nhảy lên trực thăng, nghĩ rằng sẽ bay về Tuy Hòa, nhưng thực ra máy bay lại bay về Cheo Reo để cứu một tướng VNCH. Sau khi đón vị tướng, họ đáp xuống Tuy Hòa. Ông Tú ở lại một đêm ở nhà tỉnh trưởng. Hôm sau ông bay về Nha Trang. Ngày 31 tháng 3, ông quá giang một máy bay về Sài Gòn.
Khi về Sài Gòn ông được cho biết rằng dân chúng ở thủ đô vừa phẫn nộ, vừa mất tinh thần về những chuyện đã xảy ra ở đường 7B. Ông cũng biết rằng Tổng Thống Thiệu đã hạ lệnh bắt ông khi ông ở Tuy Hòa vì những mục báo ông viết về cuộc rút lui, nhưng lính không chịu thi hành mệnh lệnh đó.
Chính Luận cho in 4 mục báo khác nhau của ông Tú về tai họa đường số 7B, nhưng vào ngày 31 tháng 3, 1975, tờ Newsweek đưa bài báo của ông lên trang bìa. Ông Tú đặt tên cho những chuyện thương tâm ông mục kích là “Đoàn Công Voa Nước Mắt,” và cũng giống như cái tên “Đại Lộ Kinh Hoàng”, cái tên “Đoàn Công Voa Nước Mắt” đã trở thành chết tên.
Trong khi rút lui khỏi Pleiku, tất cả những suy nghĩ của ông chỉ là làm sao để đưa câu chuyện ra ngoài. Ông nói “Tất cả những điều tôi trăn trở chỉ có thế. Cuộc triệt thoái cao nguyên là bài báo nổi tiếng nhất của tôi, nhưng quả là một cảnh tượng mục kích kinh hoàng.”
Bạn có thể thích
Về giao thông và dự án xe lửa cao tốc ở Việt Nam
Giới thiệu sách “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân.”
Về lịch sử và chiến lược xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc ở Trung Quốc
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng