Trùng Dương
Đọc Vietnamese Colonial Republican – The Political Vision of Vu Trong Phung, tạm dịch là Người Việt Cộng hoà thời Thuộc địa – Viễn kiến Chính trị của Vũ Trọng Phụng, của sử gia Peter Zinoman từ giữa đại dịch Covid hè năm ngoái, với nhiều thích thú, tôi vẫn có ý định viết bài giới thiệu tập biên khảo rất công phu này, nghĩ nhiều người thuộc thế hệ tôi lớn lên ở Nam Việt Nam trước 1975 biết về nhà văn độc đáo này một cách sơ sài nhờ vài cuốn sách của ông dược tái bản ở Miền Nam trước 1975, song bị cấm hoàn toàn ở Miền Bắc từ sau 1955. Đồng thời giới thiệu tới các thể hệ tương lai một đóng góp đáng kể vào kho tàng văn học Việt của một học giả nước ngoài.
Bài bên dưới là lời giới thiệu khái quát tập biên khảo đã giúp tôi biết thêm rất nhiều về tác giả Số Đỏ vốn khá độc đáo của nền văn học tiền chiến, nay càng thêm (có thể nói là) độc nhất như một tay “tiền trạm” của chủ nghĩa cộng hoà tại Việt Nam dưới cái nhìn của sử gia Zinoman thuộc phân khoa Sử học của Đại học California tại Berkeley.
Bìa cuốn sách “Vietnamese Colonial Republican – The Political Vision of Vu Trong Phung,” Peter Zinoman (UC Press, 2001)
Nhắc tới văn học thời tiền chiến (1930-1945), ta thường nghĩ tới nhóm Tự Lực Văn Đoàn với những tên tuổi lớn, như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, và một số tác giả khác. Nhiều sách vở, luận án, hội thảo đã diễn ra về nhóm Tự Lực Văn Đoàn tại hải ngoại.
Tuy nhiên, đối với các độc giả Việt ở hải ngoại, muốn tìm hiểu về những cây bút độc lập khác—nghĩa là không thuộc hẳn nhóm nào–của thời tiền chiến đã giúp làm nên nền văn học vô cùng phong phú trong thời này, ta chỉ còn trông chờ vào bộ sách năm cuốn Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan xuất bản lần đầu năm 1942 tại Hà Nội, tái bản lần thứ hai năm 1951 (ấn bản này hiện được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ), tái bản lần thứ ba tại Sài Gòn năm 1959. Ấn bản thứ ba này đã được chụp lại và phát hành tại hải ngoại sau 1975, đã được chuyển sang dạng ebook hiện được lưu trữ tại Tủ Sách Tiếng Việt.
Dù vậy, nếu đi tìm một cuốn sách cho ta thấy cả một xã hội văn học nhộn nhịp sống động của thời tiền chiến, như cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan của Võ Phiến về nền văn học Miền Nam 1954-1975, thì e không (hay chưa?) có.
Việt Nam, đối với Peter Zinoman, giống như một quê hương thứ hai. Chính xác ra thì Việt Nam chính là quê vợ của ông, bà Nguyễn Nguyệt Cầm. Và tiếng Việt chính là ngôn ngữ thứ hai của ông. Bà Nguyễn Nguyệt Cầm và ông Peter Zinoman là đồng dịch giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Vũ Trọng Phụng, Số Đỏ, tựa tiếng Anh là Dumb Luck (University of Michigan Press, 2002).
Ông cũng là người đã tìm ra khoảng 20 bài ký sự và truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng đã đăng báo trước 1945 nhưng chưa hề in thành sách, kể cả trong thời kỳ “Đổi mới” khi nhà văn được phục hồi và sách được tái bản sau gần bốn thập niên bị chính quyền cộng sản cấm. Những bài này đã được in và phát hành dưới tựa đề Vẽ Nhọ Bôi Hề (Phương Nam, 2004). Ngoài ra, Zinoman còn là tác giả của cuốn sách biên khảo về hệ thống nhà giam tại Đông Dương của chính phủ thuộc điạ Pháp, The Colonial Bastille: A History of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940 (UC Press, 2001).
Ảnh bên trái: Sử gia Peter Zinoman và bản dịch Số Đỏ-Dumb Luck của Vũ Trọng Phụng (Ảnh tư liệu vietnamnet.vn). Ảnh bên phải: Ông Zinoman tại Hội thảo kinh nghiệm kiến quốc của VNCH 1955-1975 tại Đại học California tại Berkeley, tháng 10, 2016. Ngồi giữa là bà Nguyễn Nguyệt Cầm, và bên trái là nhà văn Nhã Ca. (Ảnh Trùng Duơng)
Trong số các tác giả độc lập của nền văn học tiền chiến vốn khá quen thuộc với Zinoman, nhân vật đã lôi cuốn ông hơn cả là Vũ Trọng Phụng. Lôi cuốn vì chính cuộc đời quá sức ngắn ngủi (1912-1939) song phong phú sáng tác và thái độ sôi nổi, gần như giận dữ trước những bất công của xã hội, của một cây bút tài năng xuất chúng.
Song có lẽ điều lôi cuốn Zinoman hơn cả của Vũ Trọng Phụng là cái viễn kiến chính trị mới chớm của một trí thức Bắc Hà, đó là tư tưởng nghiêng về chủ nghĩa cộng hoà (republicanism)–hiểu theo nghĩa nguyên thủy từ cuộc cách mạng Pháp 1789 và 1848 và tiếp nối qua nền Đệ tam Cộng hoà Pháp (1871-1940), với phương châm Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ (Liberté, Egalité, Fraternité), và chủ trương “hỗ trợ công cuộc dân chủ hoá sinh hoạt chính trị qua việc nới rộng quyền đầu phiếu, vun sới đào tạo một tầng lớp dân sự dựa vào lý trí và dân quyền bằng việc giáo dục đại chúng” (tr.5), đối nghịch lại với thể chế quân chủ chuyên chế và ảnh hưởng nặng nề của Giáo hội Thiên Chúa thời trước đó.
Và đấy là chủ đề của cuốn biên khảo dầy 320 trang—đi tìm nguồn gốc của và chứng minh tinh thần cộng hòa chủ nghĩa thời thực dân qua các tác phẩm mô tả các cuộc đời hạ cấp lầm than nhất của Hà Thành thời tiền chiến của Vũ Trọng Phụng. [Ghi chú bên lề: Sách in chữ cỡ có lẽ số 10, khá mệt mắt nếu đọc trên sách giấy. Độc giả nào muốn đọc có lẽ nên mua cuốn này dưới dạng ebook, cho phép điều chỉnh cho chữ lớn hơn, nếu cần.]
Zinoman ví Vũ Trọng Phụng với văn hào George Orwell (1903-1950) của Anh. Hai tác giả, theo ông, cùng giống nhau ở chỗ, (1) cả hai đều yểu thọ, Vũ Trọng Phụng ở tuổi 29, Orwell 47, sau khi đã, (2) để lại cho đời một văn nghiệp đồ sộ, Orwell với 20 cuốn sách in lại trong cuốn The Complete Works dầy 9,000 trang, và họ Vũ với tám cuốn tiểu thuyết, bốn cuốn ký, và hàng trăm bài vừa truyện ngắn, kịch, tiểu luận, tranh luận, và các bài tạp văn khác sản xuất trong vòng có một thập niên cầm bút.
Ngoài ra, theo Zinoman, cả hai cùng đã thành công trong hai thể loại văn chương, đó là tiểu thuyết và phóng sự dùng ngôi thứ nhất (first-person reportage). Họ cùng là bậc thầy của hiện thực chủ nghĩa, song lại đã nổi tiếng với việc thử nghiệm thể tiểu thuyết phi hiện thực: Orwell với tác phẩm chính trị hoang tưởng Animal Farm; và Vũ Trọng Phụng với tiểu thuyết châm biếm trào lộng Số Đỏ.
“Mặc dù bối cảnh thân thế rất khác nhau, cả hai tác giả lại cùng để lộ một viễn kiến giống nhau về các vấn đề chính trị cấp bách không thể hoà giải của thời đại,” Zinoman viết trong chương giới thiệu. “Trong một công trình nghiên cứu có uy tín, tác giả quá cố Christopher Hitchens đã ca ngợi thái độ chống đối của Orwell đối với chế độ thực dân, chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa phát-xít trong một thời đại mà thái độ của quần chúng trước sự đối kháng dành cho mỗi chủ nghĩa này vẫn còn ô hợp, chưa rõ nét. Là một dân bản xứ của một Đông Dương Pháp thuộc, Vũ Trọng Phụng đã hẳn là chống chủ nghĩa thực dân, nhưng ông cũng chống luôn cả Đức quốc xã, phát xít Nhật, chế độ Sô viết [Nga] và cộng sản Việt. Cả hai tác giả cùng thù ghét tư bản chủ nghĩa thả lỏng, thứ tình cảm giúp giải thích việc Orwell đã chọn đồng hành với chủ nghĩa xã hội và Vũ Trọng Phụng liên kết với nhóm khuynh tả không cộng sản.”
Điểm khác biệt giữa hai tay cự phách văn học thời tiền Đệ nhị Thế chiến này là: Orwell có dịp đi khắp Âu châu, tiếp xúc với nhiều giới từ quyền chức, thượng lưu tới hạ cấp, đọc đủ loại sách vở, tài liệu lưu hành rộng rãi bên trời Âu, và là một tác giả lừng danh quốc tế; trong khi đó Vũ Trọng Phụng chịu một số phận ngược lại, hẩm hiu hơn nhiều.
Nghèo, ít học, tự trau giồi kiến thức lấy, cả cuộc đời ngắn ngủi Vũ Trọng Phụng chỉ quanh quẩn ở Hà Nội, nghe nói ông đi xa lắm là Hải Phòng. Tiếng tăm của ông chỉ quanh quẩn trong nước, bị chê (là văn chương đồi trụy, khiêu dâm, nhưng lại được người ta hăm hở tìm đọc nhiều hơn cả) nhiều hơn là được khen.
Đã vậy, sau 1954, sách của ông lại bị chế độ cộng sản Hà Nội dìm cấm, cho là đồi trụy, phản động. Mãi tới thời kỳ “Đổi mới” vào cuối thập niên 1980 và thập niên 1990, khi đảng Cộng sản Việt Nam nới lỏng sự kiểm soát giới văn nghệ để giảm bớt áp lực chính trị do sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu và Liên Sô, các tác phẩm của nhà văn mới được phép lưu hành trở lại. Nguyên vẹn hay có cắt xén, tôi chưa có dịp đọc, nên không có ý kiến. Zinoman cũng dành một chương (cuối) để bàn về việc tác giả Số Đỏ đã được phục hồi ra sao, và các học giả trong nước đã nghiên cứu và khai thác ông như thế nào.
Dựa vào kho tài liệu sách vở tiền chiến phong phú còn lưu trữ tại văn khố Hà Nội, dựa vào cơ hội tiếp cận với tư liệu của gia đình Vũ Trọng Phụng và thân nhân tác giả, bên cạnh các tiếp xúc với giới văn học trong nước, gồm cả những nhân vật đã từng quen biết hoặc sinh hoạt với nhà văn khi còn sinh tiền, Zinoman đã vẽ lại khá linh động chân dung nhà văn và thời đại sôi động của nền văn học tiền chiến qua các bài viết của tác giả Số Đỏ.
Cái sôi động ấy cũng đồng thời phản ảnh xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20, một xã hội đang trên đường lột xác cùng tột, từ phong tục tập quán tới–có lẽ sâu xa hơn cả, là–chữ viết, từ Hán tự sang chữ Quốc ngữ. Sự lột xác sâu xa này đã được nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996) diễn tả trọn vẹn qua bài thơ ngũ ngôn “Ông Đồ” (1936). Và cũng rất xót xa qua vỏn vẻn bốn câu thơ của nhà thơ Trần Tế Xương (1870 – 1907), bài “Sông Lấp”: Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai / Đêm nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Cuốn sách biên khảo Vietnamese Colonial Republican được chia làm năm phần: Phần thứ nhất, “Nguồn gốc của tinh thần cộng hoà chủ nghĩa thời thuộc địa nơi Vũ Trọng Phụng” (Sources of Vu Trong Phung’s Colonial Republicanism). Trong phần này, Zinoman truy tìm ảnh hưởng trong nếp suy nghĩ chính trị thiên cộng hoà của tác giả do đuợc tiếp cận với sách báo tiếng Pháp lưu hành thời đó, trong đó có những tác phẩm của các tác giả như Victor Hugo, Emile Zola, Honoré de Balzac, Andre Gide, và cả của nhà phân tâm học Sigmund Freud.
Và đã hẳn là cảnh sống của giai cấp hạ lưu nghèo hèn trong xã hội mà nhà văn tiếp xúc khi làm phóng sự đã góp phần vào việc cấu tạo nên khuynh hướng chính trị dù chỉ mới manh nha này của ông. Ở vào thời điểm ấy, nhiều người trẻ có lý tưởng đã không tránh khỏi bị thôi thúc tìm tới và dấn thân với chủ nghĩa xã hội của cộng sản còn đầy lý tưởng. Việc đó đã không xẩy ra với Vũ Trọng Phụng. Có thể phần lớn cũng tại ông quá bận rộn–vừa viết truyện đăng từng kỳ trên báo, vừa đi làm và viết phóng sự, có khi còn lâm trận bút chiến sôi nổi với các đồng nghiệp khác ý kiến, chưa kể nhu cầu đọc các sách báo mà ông tiếp cận được. Như thể linh cảm thời gian trên trần thế của ông không dài?
Và đấy là chủ đề khai triển của tác giả Zinoman ở chương thứ ba—nguời viết mạn phép nhẩy cóc chương hai ở đây–, “Câu hỏi về Cộng sản chủ nghĩa” (The Question of Communism). Trong chương này ông Zinoman tìm hiểu về khuynh hướng chống cộng sản chủ nghĩa trong vài bài viết của Vũ Trọng Phụng, người đã có dịp tiếp cận với báo chí Pháp về các biến cố dưới thời Stalin nên biết về thực tại ở Nga Sô. Chương hai (Tư bản chủ nghĩa và Cải cách Xã hội – Capitalism and Social Reform) và chương bốn (Cuộc Khủng hoảng Tình dục của Nguời Việt – The Crisis of Vietnamese Sexuality) khai triển các vấn đề xã hội, sự suy đồi đạo đức trong việc khai thác tình dục qua nạn mãi dâm, mặc dù ông chỉ mô tả và phản ảnh, đôi khi lên giọng “dậy đời” thịnh hành trong lối viết hồi ấy.
Chương cuối (Vũ Trọng Phụng bị cấm – Banning Vu Trong Phung) vẽ lại chiến dịch cấm sách Vũ Trọng Phụng vào giữa thập niên 1950 cùng với việc đàn áp phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Để rồi 30 năm sau, là việc phục hồi địa vị văn học cho nhà văn vào thập niên 1990.
Tóm lại, tập biên khảo Vietnamese Colonial Republican – The Political Vision of Vu Trong Phung cho độc giả một cái nhìn có thể nói là mới mẻ và thú vị về một tác giả của nền văn học Việt Nam thời tiền chiến tại Hà Nội, khi chữ Quốc ngữ chỉ mới chính thức được sử dụng khoảng nửa thế kỷ ở miền Nam và chưa đầy ba thập niên ở miền Bắc.
Đóng sách lại, người đọc không khỏi tưởng tượng nếu Vũ Trọng Phụng biết được là hai phần ba thế kỷ sau có một học giả của hôm nay cho rằng tác phẩm của ông đã, ngay hồi đó, phản ảnh truyền thống cộng hoà theo nghĩa nguyên thủy—yêu chuộng tự do, bình đẳng, và tình huynh đệ—chắc ông không khỏi ngạc nhiên. Hoặc thế, hoặc có lẽ ông sẽ mỉm cười, nói là các tác phẩm của ông tựa như những đứa con nay đã khôn lớn, có đời sống riêng và tiếng nói riêng của chúng—đó là những gì độc giả tha hồ suy diễn theo cảm nghiệm và cả khát vọng của riêng họ.
Điều tưởng tượng này của tôi có lẽ giải thích được phần nào phong trào nghiên cứu Vũ Trọng Phụng khá sôi nổi trong nước, theo học giả Zinoman, khi nhà văn vừa được phục hồi vào thập niên 1990, với truớc sau bốn, năm cuộc hội thảo và nhiều bài tham luận về tác giả Số Đỏ của những cây bút biên khảo văn học tên tuổi trong nước, như Lại Nguyên Ân và Vương Trí Nhàn. Trên một khía cạnh nào đó, họ Vũ đã nói lên những điều đã và vẫn làm họ trăn trở trong một xã hội tuy hoà bình nhưng vẫn mãi dậm chân tại chỗ, nếu không nói là đi thụt lùi, về phương diện chính trị, tri thức, tâm thức và cả đạo đức.
Riêng phần tác giả Zinoman, ông cũng đã không dừng lại sau khi chấm cái chấm cuối cùng vào tập bản thảo Vietnamese Colonial Republican đã thành sách xuất bản gần một thập niên trước. Mà ông vẫn tiếp tục truy tìm cái mà ông nay gọi là “A Republican Moment” (Một Thoáng Cộng hoà, hoặc Mầm mống Cộng hoà) bắt gặp trong tác phẩm của họ Vũ.
Trong buổi hội thảo về kinh nghiệm kiến quốc Việt Nam Cộng Hoà tổ chức tại Đại học Oregon tháng Mười năm 2019, Zinoman đã khai triển suy tư của ông về Vũ Trọng Phụng thành bài diễn thuyết về “Mầm mống Cộng Hoà” qua các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, tới sự hình thành của quốc gia mệnh yểu Việt Nam Cộng Hoà 1955-1975. Và sau đó, Zineoman cũng đã khai triển ý niệm này thành một khoá hướng dẫn cho các học giả nghiên cứu về lịch sử Việt Nam.
“Gọi là mầm mống cộng hòa có nghĩa là,” ông Zinoman giải thích trong phần mở đầu bài hướng dẫn, “đây là lần đầu tiên một số đáng kể học giả đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu về một truyến thống cộng hoà trong lịch sử chính trị Việt vốn bắt nguồn từ cuộc tiếp cận trong thời Pháp thuộc với giòng tư tưởng này, tuy còn manh nha nhưng đã vươn tới hiện tại.”
Zinoman giải thích về nguồn gốc chủ nghĩa cộng hòa:
“Bắt nguồn từ một thôi thúc ở thế kỷ thứ 18–thôi thúc đã dẫn tới cuộc cách mạng 1789 và 1848 và ảnh hưởng trên đời sống chính trị của thời Đệ tam Cộng Hoà Pháp (1870-1940)–chủ nghĩa cộng hoà vinh danh tự do, bình đẳng và tình huynh đệ đồng thời đề xướng dân chủ, khoa học, giáo dục và pháp trị.”
, và mối quan hệ của nó với chủ nghĩa cộng hòa Việt Nam:
“Kẻ thù số một của chủ nghĩa cộng hoà [hồi ấy] là cặp chế độ chuyên quyền quân chủ và Giáo hội Thiên Chúa. Do phát xuất từ Pháp nên ta không ngạc nhiên khi các nghiên cứu ban đầu về cộng hoà chủ nghĩa ở Việt Nam chỉ tập trung vào một số người Âu châu có khuynh hướng cấp tiến sinh sống tại thuộc địa, như luật sư, ký giả và các viên chức [chính phủ thuộc địa]. Các nghiên cứu gần đây đã khai phá chủ nghĩa cộng hoà Việt trong các bài báo bằng chữ quốc ngữ xuất bản thời thuộc địa và khuynh hướng ý thức hệ của giới trí thức và các nhà tranh đấu địa phương. Trong chiều hướng này [ta có thể nói] việc ‘địa phương hoá’ truyền thống [cộng hoà] nói lên mối quan tâm về cái mầm mống cộng hoà này vậy.”
Độc giả có thể xem thuyết trình bằng tiếng Anh của GS Zinoman tại đây, hoặc in bài tại đây nếu muốn đọc trong sự yên tĩnh, riêng tư.
[TD 2021-07]
Chú thích
- Peter Zinoman, Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision of Vu Trong Phung, University of California Press, 2013.
- Vũ Ngọc Phan , Nhà Văn Hiện Đại, 4 cuốn, Hà Nội: Vĩnh Thịnh, 1951. (Bản in lần đầu từ 1942 đến 1945)
- Võ Phiến, Văn Học Miền Nam Tổng Quan, California: Văn Nghệ, 2000.
- Peter Zinoman, A Republican Moment in the Study of Modern Vietnam, US Vietnam Review, US Vietnam Research Center, University of Oregon.