Viện Nghiên cứu Đông Á tại Đại học California, Berkeley và Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ tại Đại học Oregon
THƯ MỜI VIẾT BÀI HỘI THẢO
Những thách thức đối với hòa bình: Quan hệ Mỹ-Việt từ năm 1975
Xin xem bản thông báo bằng tiếng Anh tại đây.
Hội thảo quốc tế
Thời gian: 13-14/09/2025
Địa điểm: Đại học California, Berkeley, CA
Quan hệ Mỹ-Việt đã thay đổi đáng kể kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975, khi hai nước còn là kẻ thù không đội trời chung. Khi chúng ta sắp kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc xung đột đó, Hà Nội và Washington vừa nâng cấp mối quan hệ trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, và Việt Nam đứng thứ năm trên toàn cầu về số lượng sinh viên gửi sang Mỹ.
Đây là bước tiến ấn tượng trong quan hệ giữa hai nước có tư tưởng đối lập và một lịch sử đối đầu bạo lực.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy rằng mối quan hệ có thể đã tiến xa hơn nhiều và có nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ trong khi đáng ra có thể được tận dụng tốt hơn. Một số người nghi ngờ về triển vọng thúc đẩy sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước trong tương lai, do Việt Nam vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc, đối thủ của Mỹ trên trường quốc tế.
Dịp kỷ niệm nửa thế kỷ kết thúc chiến tranh này là cơ hội để đánh giá và phản tư về mối quan hệ song phương được lãnh đạo hai nước đánh giá cao.
Lịch sử nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Việt tập trung nhiều vào cuộc chiến đã kết thúc cách đây 50 năm nhưng chưa tập trung đủ sâu về về giai đoạn hòa bình giữa hai nước kể từ khi cuộc chiến đó kết thúc.
Do đó, các quá trình tái thiết phức tạp sau xung đột, bình thường hóa và hòa giải vẫn chưa được hiểu rõ. Ý nghĩa của hoà bình và hành vi sau xung đột của các bên chiến thắng, bên bại trận và các bên trung lập vẫn chưa được tìm hiểu một cách có hệ thống và chuyên sâu.
Đối với các nhà sử học về Chiến tranh Việt Nam, việc nghiên cứu về hoà bình hậu xung đột có thể làm sáng tỏ cái giá phải trả, nguyên nhân và hậu quả của chiến tranh, đồng thời tạo điều kiện để xem xét lại những giả định phổ biến về những cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ.
Chúng tôi trân trọng mời các đề xuất nghiên cứu bằng văn bản từ các học giả, nhà phân tích ở Hoa Kỳ, quốc tế và Việt Nam, học viên và sinh viên về bốn bộ chủ đề và câu hỏi như sau:
I. Ngày ấy và bây giờ
Thực trạng quan hệ Mỹ – Việt hiện nay như thế nào?
Hai nước có gần nhau hay không? Chúng ta đi tới giai đoạn hiện nay như thế nào?
Những cơ hội nào có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ kể từ năm 1975 nhưng đã bị bỏ lỡ?
Việt Nam và Hoa Kỳ có ý nghĩa gì với nhau, đối với giới tinh hoa cũng như đối với cộng đồng người dân ở cả hai nước? Quá khứ ảnh hưởng đến mối quan hệ ở mức độ nào?
Có những trường hợp hòa giải nào có thể so sánh được giữa hai quốc gia thù địch? Những lý thuyết nào của quan hệ quốc tế giải thích rõ nhất sự phát triển của mối quan hệ?
II. Động lực, thông số và tác nhân thay đổi
Những yếu tố chính thúc đẩy hoặc hạn chế quan hệ Mỹ-Việt là gì: lợi ích quốc gia, chính trị, văn hóa hay hệ tư tưởng trong nước? Các lợi ích hội tụ và khác nhau chính là gì giữa Mỹ và Việt Nam? Sự bất cân xứng sâu sắc trong mối quan hệ ảnh hưởng đến nó như thế nào?
Việt Nam hình dung như thế nào ở Mỹ và ngược lại, Hoa Kỳ hình dung hình ảnh Việt Nam như thế nào? Nhận thức về quốc giá đối tác đã định hình đến mức độ nào mối quan hệ hai nước? Ai là tác nhân của sự thay đổi: chính trị gia, sĩ quan quân đội và cựu chiến binh, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo lao động, các tổ chức nghề nghiệp, tôn giáo, nghệ thuật và phi chính phủ, trí thức, học giả, sinh viên, nhà hoạt động, người Mỹ gốc Việt hay Mark Zuckerberg?
III. Bối cảnh khu vực và toàn cầu
Việt Nam và Hoa Kỳ có ý nghĩa gì với nhau trong bối cảnh khu vực và toàn cầu? Trung Quốc, Nga và các cường quốc khác ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Việt như thế nào? Mối quan hệ thế nào bị ảnh hưởng bởi tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc, các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc-Nga, sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo toàn cầu, những vướng mắc quân sự mới của Mỹ ở Trung Đông và Trung Á, việc Nhật Bản tái vũ trang, các vấn đề khu vực, sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài, sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong ASEAN và sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia và Lào?
IV. Tương lai của quan hệ Mỹ-Việt
Những bài học quá khứ nào có thể có giá trị cho tương lai? Các lý thuyết về quan hệ quốc tế có thể giúp dự đoán như thế nào về diễn biến tương lai của mối quan hệ? Liệu hai nước có bao giờ vượt qua hoàn toàn sự khác biệt chính trị và sự thù địch trong quá khứ? Liệu hai nước có bao giờ bước vào một liên minh chính thức? Điều kiện để điều đó xảy ra là gì? Đó có phải là điều mà Hoa Kỳ hay Việt Nam thực sự cần hay không? Nếu đúng như vậy, làm thế nào để điều đó xảy ra sớm hơn hoặc ít nhất không muộn hơn?
Vui lòng gửi bản tóm tắt của quý vị trước ngày 31 tháng 7 năm 2024 cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ tại địa chỉ usvncenter@uoregon.edu
Trên tiêu đề email, xin vui lòng ghi: Abstract for the US-Vietnam Relations Symposium.
Chúng tôi có nguồn tài trợ hạn chế cho chi phí đi lại và ăn ở của người tham gia; vui lòng cho biết liệu quý vị có cần hỗ trợ tài chính để tham dự Hội thảo này hay không.
Các tác giả gửi bản tóm tắt nghiên cứu nếu được chọn sẽ được thông báo trước ngày 15 tháng 9 năm 2024. Hạn chót để nộp gản thảo của bài báo là ngày 1 tháng 7 năm 2025. Chúng tôi dự kiến sẽ hiệu đính và xuất bản các bài báo của hội thảo tại một nhà xuất bản đại học hoặc dưới dạng tạp chí đặc biệt.