Nguyễn Thế Phương
Sự xuất hiện của một lượng lớn bất thường tàu cá, mà đa phần các chuyên gia đều cho rằng là lực lượng dân quân biển Trung Quốc, tại khu vực đá Ba Đầu cho thấy rõ “vùng xám” vẫn là chiến thuật căn bản mà Bắc Kinh sử dụng để tăng cường kiểm soát trên thực tế các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Chiến thuật này không mới, nhưng nó lại chứng tỏ hiệu quả, đặc biệt với sự tương quan vượt trội về sức mạnh cứng của Bắc Kinh ở khu vực.
Làm rõ hơn về vùng xám
Cần khẳng định rằng “vùng xám” là một khái niệm được tạo ra bởi các chiến lược gia người Mỹ, dùng để giải thích những bước đi chiến lược về mặt an ninh của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương nói chung, và ở Biển Đông nói riêng. Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có thực sự có một chiến lược thống nhất mang đặc trưng của vùng xám hay không? Câu trả lời là có, và có thể được giải thích thông qua những yếu tố như văn hoá chiến lược, chính sách phát triển hải quân hay các bước đi trên thực địa trong suốt những năm vừa qua của Trung Quốc.
Đầu tiên, có thể xem Trung Quốc là một cường quốc xét lại “có tính toán”.
Thứ nhất, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế khiến cho Trung Quốc không thể phá vỡ hoàn toàn cấu trúc an ninh truyền thống ở khu vực. Làm như vậy sẽ khiến cho mục tiêu quan trọng của Trung Quốc – một môi trường hoà bình để phát triển – bị đe doạ. Phát triển thịnh vượng trong một môi trường thuận lợi luôn là mục tiêu đối ngoại hàng đầu.
Thứ hai, trong ngắn hạn, bản thân Trung Quốc nhận thấy sức mạnh về mặt quân sự của mình, đặc biệt là về hải quân, chưa thể so sánh với Mỹ. Đối đầu trực diện với Mỹ về mặt hải quân sẽ là một lựa chọn chiến lược sai lầm. Hải quân Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ vẫn dựa trên học thuyết phi đối xứng và phòng thủ chủ động, đi kèm với đó là một chương trình hiện đại hoá tương xứng nhưng đầy tham vọng. Nói cách khác, Trung Quốc vừa mong muốn dần dần thay thế Mỹ như một cường quốc biển ở Tây Thái Bình Dương, vừa không muốn sự trỗi dậy của mình phá vỡ hệ thống trật tự quốc tế vốn giúp Trung Quốc trở nên thịnh vượng trong suốt 40 năm qua.
Trong tư duy chiến lược của Trung Quốc, hải quân về căn bản mang yếu tố phòng thủ và “bất chiến tự nhiên thành” mới là cách tiếp cận chủ đạo của Bắc Kinh đặc biệt trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ gai góc. Biển Đông chính là chiến trường địa chính trị chủ yếu để Trung Quốc vận dụng “vùng xám” như một cách tiếp cận tổng hợp nhằm giành lấy ưu thế địa chính trị một cách tiệm tiến và giữ căng thẳng trong tầm kiểm soát.
Nhiều nghiên cứu đề cập đến “chiến lược cải bắp” trong đó tập trung mô tả vai trò và mối quan hệ giữa hải quân, hải cảnh và lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Hay biết tới khái niệm “tam chủng chiến pháp”, khái niệm chính thống gần nhất với “vùng xám” mà Trung Quốc đưa ra, trong đó tập trung vào ba mặt trận tâm lý, thông tin và pháp lý để tạo ra một lượng thông tin có lợi, biện minh cho các hành động của Bắc Kinh trên thực địa. Vì thế, “vùng xám” là một tập hợp các công cụ chính sách rộng lớn hơn rất nhiều.
Như vậy, “vùng xám” là công cụ cưỡng bức mang tính tiệm tiến với mục tiêu đạt được các lợi ích về chiến lược mà không để xung đột nóng xảy ra. Đây là một công cụ cưỡng bức khá “khó chịu” đối với các nước nhỏ xung quanh Biển Đông trong đó có Việt Nam, nếu xét tới những tính chất đã nêu. Càng khó chịu hơn, khi công cụ này được sử dụng bởi một cường quốc xét lại có nguồn lực và năng lực vượt trội hơn rất nhiều so với Việt Nam. Nếu không phản ứng một cách quyết đoán và hiệu quả, Việt Nam sẽ rơi vào tình thế lưỡng nan: hoặc chấp nhận các bước đi “tằm thực” của Trung Quốc, hoặc không đủ kiên quyết, hay không đủ năng lực để chống lại, để rồi dần dần mất đi lợi ích chiến lược của mình ở Biển Đông, hoặc là chấp nhận rủi ro căng thẳng leo thang thành xung đột lớn hơn vốn hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam.
Trường Sa, “giấc mộng chưa tròn” của Trung Quốc
Nhìn dưới góc độ chiến lược, Trường Sa là giấc mộng chưa tròn của Trung Quốc. Tham vọng của nước này là kiểm soát hoàn toàn các khu vực biển gần vốn được họ cho là “ao nhà”, giống như những gì mà Mỹ đã làm đối với khu vực biển Caribe vào thế kỷ 19.
Trung Quốc đã xâm lược Hoàng Sa năm 1974, và một thập kỷ sau họ đã phần nào thành công trong việc khống chế một phần Trường Sa. Hoàng Sa giúp Trung Quốc kiểm soát khu vực phía bắc Biển Đông vốn quan trọng về mặt chiến lược. Có được Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ khống chế được một điểm nút quan trọng, vừa có thể bảo vệ các vùng ven biển chiến lược phía nam, vừa có thể kiểm soát và theo dõi hoạt động của không chỉ các tàu dân sự mà còn của tàu chiến nước ngoài. Trong những năm vừa qua, cơ sở vật chất ở Hoàng Sa đã được Trung Quốc nâng cấp, biến các thực thể vốn không có khả năng duy trì sự sống của con người trở thành những đảo nhân tạo được trang bị đầy đủ tiện nghi, và cả vũ khí.
Chiếm đóng Hoàng Sa là chưa đủ. Con đường hàng hải thông qua eo biển Malacca cũng cần phải được kiểm soát. Không thể khống chế Trường Sa thì khả năng kiểm soát Biển Đông cũng chỉ hoàn thành được một nửa. Việc chiếm giữ các điểm đảo ở Trường Sa giúp hải quân và các lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc vươn xa năng lực tác chiến xuống phía nam, tăng cường khả năng hiện diện của nước này tại những khu vực chiến lược ở phía tây và phía nam Trường Sa. Sự kiện bãi Tư Chính trong năm 2020 là minh chứng cho điều này, khi hải cảnh Trung Quốc tiến hành tiếp tế tại các điểm nút ở cụm Sinh Tồn, chính là nơi có đá Ba Đầu.
Bắc Kinh sẽ luôn luôn tìm thời cơ để chiếm giữ thêm các thực thể ở Trường Sa, nếu không thông qua chiếm đóng và xây đảo nhân tạo thì cũng thông qua việc hiện diện lâu dài. Nguy cơ Trường Sa trở thành điểm nóng đối đầu luôn luôn thường trực. Ba Đầu hoàn toàn có thể trở thành mục tiêu khi Bắc Kinh có thể áp dụng chiến thuật “vùng xám” tương tự như những gì mà họ đã làm ở Scarborough.
Nhìn rộng ra, một số mục tiêu chiến lược khác của Trung Quốc có thể là bãi Tư Chính ở phía nam và xa về phía tây là bãi cạn Scarborough mà họ đã kiểm soát trên thực tế. Bãi cạn Scarborough, có vị trí địa lý quan trọng do nằm ở phía đông bắc Trường Sa, phía đông Hoàng Sa, án ngữ phần phía bắc của tuyến đường biển đi qua Biển Đông và đối diện với đảo lớn Luzon của quần đảo Philippines, có thể được xây dựng thành đảo nhân tạo, trên đó phát triển căn cứ hải – không quân. Bãi Tư Chính vừa có ý nghĩa kinh tế (vì là khu vực có tiềm năng dầu khí) vừa có vị trí địa chiến lược quan trọng, nhưng chỗ nông nhất nằm dưới mực nước biển khoảng 16 mét, nên không có nhiều khả năng phát triển thành đảo nhân tạo, nhưng Trung Quốc có thể xây dựng nhà giàn cỡ lớn để làm doanh trại quân đội, sân bay trực thăng nổi và trạm thăm dò dầu khí. Tư Chính có thể được thiết kế sao cho tương tác trong cùng một thế trận với căn cứ không – hải quân trên đá Chữ Thập và đá Xu Bi ở phía tây bắc.
Thứ Bắc Kinh cần trong hiện tại để hiện thức hóa khả năng chiếm đóng dài hạn chính là thời cơ.
Đối sách của Việt Nam
Đối với vấn đề lớn như tranh chấp Biển Đông, Việt Nam hiện áp dụng tổng hoà nhiều cách tiếp cận khác nhau. Chính sách của Việt Nam bao gồm:
(1) Tiếp xúc trực tiếp, thông qua trao đổi đoàn cấp cao, tương tác giữa các cấp bộ ban ngành và đàm phán trực tiếp với Trung Quốc để hạ nhiệt tranh chấp;
(2) Tiếp xúc gián tiếp, bằng cách cùng với các thành viên ASEAN thúc đẩy thực hiện Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) và cố gắng hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC);
(3) Cân bằng mềm bao gồm
(3.1) đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn quốc tế,
(3.2) tiếp xúc với các cường quốc bên ngoài khác có liên quan tới vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, (4) Việt Nam còn nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ và tận dụng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật biển UNCLOS 1982.
Cuối cùng, (6) thực hiện chiến lược cân bằng cứng mang yếu tố răn đe, bao gồm cải thiện năng lực quân sự, đặc biệt là tiến hành hiện đại hoá hải quân cũng như gia tăng năng lực của các lực lượng bảo vệ pháp luật dân sự trên biển như Cảnh sát biển và Kiểm ngư.
Chính sách tạm gọi là “tái cân bằng tổng thể” kể trên dựa trên hai phương châm căn bản sau đây:
Thứ nhất là độc lập và tự chủ. Phương châm này thể hiện rõ nét qua chính sách quốc phòng “bốn không-một tùy”. Thứ hai là “đa phương hoá và đa dạng hoá” các mối quan hệ quốc tế, tập trung vào “cân bằng mềm” với ASEAN là trọng tâm, cùng với việc tăng cường quan hệ với các cường quốc khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Australia.
Hai yếu tố này tưởng chừng trái ngược nhau nhưng thực chất là bổ trợ nhau. Một mặt, việc không “chọn phe” có thể là một lựa chọn hợp lý, và việc xây dựng được các mối quan hệ đối tác chiến lược, hay đối tác toàn diện với các cường quốc tầm trung có thể giúp gia tăng khả năng cân bằng của Việt Nam trong mối quan hệ với các siêu cường (Mỹ và Trung Quốc).
Tuy nhiên, kể từ sự kiện HD-981 năm 2014 cho tới khi xảy ra sự kiện gần bãi Tư Chính năm 2019, dường như cách tiếp cận của Việt Nam vẫn chưa được hiệu quả trong việc răn đe Trung Quốc. Việc Bắc Kinh lặp lại hành vi cưỡng ép khi cho các tàu hải cảnh, dân quân biển, cũng như tàu khảo sát địa chất hải dương 8 (HYDZ-8) quấy phá trong vùng biển của Việt Nam cho thấy “vùng xám” vẫn là một cách tiếp cận “khó chịu” đối với Việt Nam.
Sự kiện ở Ba Đầu là một lời cảnh báo, và cũng là một lời nhắc nhở, rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể lập lại chiến thuật mà họ đã sử dụng rất thành công ở Scarborough để chiếm giữ hoàn toàn đá Ba Đầu.
Vị thế chiến lược của Ba Đầu cho phép Trung Quốc “khóa chặt” các vị trí của Việt Nam ở cụm Sinh Tồn, nhất là đảo Sinh Tồn Đông khi có xung đột. Đó là chưa kể, nếu Bắc Kinh có tham vọng xây đảo nhân tạo ở vị trí đá Ba Đầu, họ sẽ xây dựng được một trung tâm hậu cần mạnh, giúp tăng cường hơn nữa năng lực tổng thể của chiến thuật vùng xám vốn đã thành công.
Việt Nam có “chậm chân” trong tuyên bố chủ quyền đá Ba Đầu?
Philippines là bên đầu tiên tung ra thông tin và hình ảnh về đội tàu cá Trung Quốc neo đậu ở Ba Đầu vào ngày 21 tháng 3, và Manila đã chớp thời cơ rất nhanh để tuyên bố chủ quyền. Điều này dựa trên cở sở là thực thể này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines dựa trên những gì mà nước này đã đệ trình lên Tòa Trọng tài (năm 2016).
Philippines khẳng định rằng các khảo sát hàng hải trước đây của phương Tây đều cho rằng Ba Đầu là thực thể lúc chìm lúc nổi (low-tide elevation).
Trên thực tế, Việt Nam cũng có chủ quyền đối với đá Ba Đầu. Ba Đầu nằm trong vùng 12 hải lý tính từ đảo Sinh Tồn Đông nơi mà Việt Nam đã đóng quân và tuyên bố chủ quyền từ năm 1978. Trong khi đó, bản thân Sinh Tồn Đông lại được xem là một thực thể luôn nổi khi triều cao (hide-tide feature). Theo thông tin từ Dự án Đại Sự ký Biển Đông, trong khoảng thời gian vừa qua, vẫn có những báo cáo cho thấy Hải quân Việt Nam phải thường xuyên canh chừng ở bãi Ba Đầu để ngăn cản không cho Trung Quốc xây dựng bất cứ gì ở đây. Tức là, phát hiện của Philippines không mới, và không gây bất ngờ.
Phải tới tận 4 ngày sau, tức ngày 25 tháng 3, Việt Nam mới lên tiếng chính thức thông qua người phát ngôn, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Ba Đầu và lên án hành động xâm phạm chủ quyền của các tàu Trung Quốc.
Theo quan sát, việc Việt Nam chậm trễ tuyên bố về vấn đề Ba Đầu đã tạo điều kiện thuận lợi để Philippines có thể tăng cường tuyên truyền trên truyền thông quốc tế, khi mọi hãng tin lớn trên thế giới đều đưa các hình ảnh và thông tin do Philippines đưa ra trước tiên, và tiến hành viết các báo cáo chủ yếu có lợi cho tuyên bố chủ quyền của Philippines.
Đây có lẽ là một bài học mà Việt Nam cần lưu ý trong công tác tuyên truyền và bảo vệ chủ quyền trên biển. Và đây cũng là lý do cần thiết để thúc đẩy luận điểm cho rằng các quốc gia trong ASEAN nên giải quyết bất đồng về lãnh thổ trên biển với nhau trước tiên, tạo tính chính danh trong việc đối đầu về mặt pháp lý với Trung Quốc.
(Một số nội dung trong bài này đã được đăng trên Zing, tại đây)