Society & Culture
Tại sao cuộc khủng hoảng COVID-19 là một bước ngoặt lịch sử
Published on
Why this crisis is a turning point in history
Tác giả: John Gray
Chuyển ngữ bởi: Ngô S. Đồng Toản
Thời đại toàn cầu hóa đã lên tới đỉnh dốc của nó và bắt đầu xuống dốc. Với những ai trong chúng ta còn chưa đứng ở tuyến đầu chống dịch Wuhan Coronavirus, thì việc dọn dẹp tinh thần của mình và nghĩ xem làm sao để sống trong một thế giới đã thay đổi, là một nhiệm vụ phải làm ngay.
Các đường phố vắng tanh sẽ đông đúc trở lại, và chúng ta sẽ rời nơi trú ẩn có màn hình sáng nhấp nháy với sự nhẹ nhõm. Nhưng thế giới sẽ khác so với những gì ta đã hình dung trong những thời điểm mà ta cho là bình thường. Đây không phải là một đứt gãy tạm thời trong một thế cân bằng ổn định khác: cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua chính là một bước ngoặt trong lịch sử.
Kỷ nguyên của toàn cầu hóa đỉnh đã qua. Một hệ thống kinh tế dựa trên nền sản xuất toàn thế giới và các chuỗi cung ứng dài đang biến đổi sang một hình thái mà nó sẽ ít tương liên hơn. Lối sống được dẫn dắt bởi sự di chuyển không ngừng nghỉ đang rung lắc để dừng lại. Đời sống của chúng ta đang trở nên bị bó buộc về mặt vật lý hơn và ảo hơn trước kia. Một thế giới phân mảnh hơn đang dần hình thành để, theo một cách nào đó, trở nên có sức chống chịu tốt hơn.
Nhà nước Anh một thời ghê gớm đang được tái kiến tạo một cách nhanh chóng, và ở một quy mô chưa từng có. Hành động với các quyền lực ứng phó khẩn cấp được trao quyền bởi Quốc hội, chính phủ Anh đã quăng tính chính thống kinh tế vào trong gió. Bị tơi tả vì những năm khắc khổ dại dột, Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) – giống như quân đội, cảnh sát, nhà tù, lực lượng phòng chữa cháy, nhân viên chăm sóc và người dọn dẹp – đã bị dồn vào chân tường. Nhưng với sự xả thân cao cả của các y bác sĩ, con virut corona sẽ bị khống chế. Hệ thống chính trị của chúng ta sẽ tồn tại không suy suyển. Sẽ không nhiều quốc gia được may mắn như thế. Chính phủ một số nước đang phải chèo lái khó khăn để vượt qua thế lưỡng nan giữa việc dập dịch và gây tổn hại nền kinh tế. Nhiều nước sẽ bị sai lầm và đổ vỡ.
Về viễn cảnh của tương lai theo quan điểm của các nhà lý luận cấp tiến, thì tương lai là một phiên bản được thêm thắt của quá khứ gần đây. Không nghi ngờ gì nữa, điều này sẽ giúp họ bảo toàn được phần nào cái vẻ sáng suốt. Nhưng nó cũng làm hại cái thuộc tính sống còn nhất hiện nay của chúng ta: đó là khả năng thích nghi, và tạo ra các lối sống khác nhau. Nhiệm vụ trước mắt là phải xây dựng các nền kinh tế và các xã hội có tính bền vững hơn, và có thể ở được với con người hơn so với những hình thức cũ vốn bị phơi lộ trước tính hỗn loạn của thị trường toàn cầu.
Đây không có nghĩa là một sự chuyển dịch sang chủ nghĩa địa phương quy mô nhỏ. Số lượng người là quá lớn cho nên sự tự cung tự cấp địa phương là khó có thể thực hiện được, và hầu hết nhân loại đều không sẵn sàng quay trở về các cộng đồng nhỏ, khép kín của quá khứ xa xôi. Nhưng sự toàn cầu hóa quá mức của vài thập kỷ qua cũng sẽ không quay trở lại nữa. Virut Corona đã làm bộc lộ những điểm yếu chết người trong hệ thống kinh tế mà nó đã được vá víu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chủ nghĩa tư bản tự do bị phá vỡ.
Với mọi thảo luận về tự do và lựa chọn, chủ nghĩa tự do trong thực tế đã là một thử nghiệm của việc hòa tan các nguồn gốc truyền thống về gắn kết xã hội và tính hợp pháp chính trị, rồi thay thế chúng bằng sự hứa hẹn nâng cao mức sống vật chất. Thử nghiệm này hiện nay đã kết thúc. Việc dập đại dịch đòi hỏi phải ngừng hoạt động kinh tế – một việc chỉ có thể làm tạm thời – nhưng khi nền kinh tế tái khởi động, nó sẽ ở trong một thế giới mà các chính phủ hành động để kiềm chế thị trường toàn cầu.
Một tình huống mà trong đó quá nhiều vật tư y tế thiết yếu của thế giới phải bắt nguồn từ China – hay bất cứ nước đơn lẻ nào khác – sẽ là không thể chấp nhận được. Việc sản xuất ở những khu vực nhạy cảm này hay khác sẽ được tái sắp xếp vì lý do an ninh quốc gia. Quan điểm cho rằng một quốc gia như Anh có thể rút lui dần việc canh tác và phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm sẽ bị bãi bỏ, vì nó là điều vô lý. Ngành hàng không sẽ co lại vì người ta di chuyển ít hơn. Các biên giới thắt chặt hơn sẽ trở thành một đặc điểm lâu dài của khung cảnh toàn cầu. Một mục tiêu hẹp về hiệu quả kinh tế sẽ không còn được các chính phủ áp dụng nữa.
Vấn đề là, cái gì sẽ thay thế mức sống vật chất đã trở nên cao như là một nền tảng của xã hội? Một câu trả lời mà các nhà tư tưởng xanh đã đưa ra là cái mà John Stuart Mill trong tác phẩm “Các nguyên lý Kinh tế Chính trị” (1848) đã gọi là một “nền kinh tế trạng thái tĩnh tại”. Việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ sẽ không còn là một mục tiêu quan trọng nhất nữa, và việc tăng dân số sẽ được hạn chế. Không giống hầu hết những người theo chủ nghĩa tự do ngày nay, Mill đã nhận thấy sự nguy hiểm của dân số quá mức. Một thế giới tràn đầy con người, ông viết, sẽ trở thành nơi không có “rác hoa” và động vật hoang dã. Ông cũng hiểu về mối nguy của việc kế hoạch hóa tập trung. Trạng thái tĩnh tại có thể là một nền kinh tế thị trường trong đó sự cạnh tranh được khuyến khích. Đổi mới công nghệ có thể tiếp tục, cùng với những nâng cao về nghệ thuật sống.
Điều này, theo nhiều cách, là một viễn cảnh lôi cuốn, nhưng nó cũng là không thực. Không có chính quyền thế giới để áp đặt việc ngừng tăng trưởng, cũng giống như không có quyền lực thống nhất quốc tế để chiến đấu với dịch virus. Ngược lại với câu thần chú tiến lên, gần đây cứ được lặp lại bởi thủ tướng Gordon Brown, các vấn đề toàn cầu không luôn luôn có các giải pháp toàn cầu. Những phân hóa địa chính trị làm cho một chính phủ thế giới không thể xảy ra. Nếu có một chính phủ như vậy, thì các nhà nước hiện tại có thể sẽ cạnh tranh nhau để kiểm soát nó. Niềm tin rằng cuộc khủng hoảng này có thể giải quyết bằng một sự bùng nổ không có tiền lệ của sự hợp tác quốc tế chính là lối nghĩ huyền ảo theo hình thức thuần túy nhất của nó.
Tất nhiên, sự mở rộng kinh tế là không bền vững vô hạn định. Trước hết là nó chỉ có thể làm xấu đi sự biến đổi khí hậu và biến hành tinh thành một bãi rác. Nhưng với các mức sống ngày càng chênh lệch, dân số bùng nổ, và những sự kình địch tăng thêm về địa chính trị, thì sự tăng trưởng bằng không cũng là không bền vững. Nếu các mức giới hạn về tăng trưởng cuối cùng cũng được chấp nhận, thì đó là vì các chính phủ biến việc bảo hộ công dân của mình thành mục tiêu quan trọng nhất. Dù là thể chế dân chủ hay độc tài, các nhà nước mà không đáp ứng phép thử Hobbes này sẽ thất bại.
Đại dịch đã đột ngột làm tăng tốc sự thay đổi địa chính trị. Kết hợp với sự sụt giảm giá dầu thô, sự lây lan không được kiểm soát của virus ở Iran có thể làm mất ổn định chế độ chính trị thần quyền này. Với các nguồn thu giảm mạnh, Ả Rập Saudi cũng chịu nguy hiểm. Không nghi ngờ gì, nhiều người sẽ cầu cho chúng bị tống khứ đi. Nhưng không có gì đảm bảo rằng một sự suy sụp ở vùng Vịnh sẽ không tạo ra một thời kỳ hỗn loạn kéo dài. Mặc cho đã có nhiều năm bàn luận về đa dạng hóa, các chế độ này vẫn là con tin của dầu mỏ, và ngay cả nếu giá dầu có dần tăng trở lại, thì cú đánh của sự đóng cửa kinh tế toàn cầu vẫn sẽ gây tổn hại.
Ngược lại, sự tiến bước của Đông Á sẽ chắc chắn tiếp tục. Các ứng phó thành công nhất đối với dịch bệnh cho đến nay là ở Đài Loan, Hàn Quốc, và Singapore. Thật khó tin là các truyền thống văn hóa của họ, mà vốn tập trung vào thịnh vượng tập thể hơn là tự do ý chí cá nhân, lại đã không đóng một vai trò gì trong thành công của họ. Họ cũng đã chống lại sự sùng bái về nhà nước rất nhỏ. Sẽ không ngạc nhiên nếu họ điều chỉnh với sự phi toàn cầu hóa tốt hơn nhiều quốc gia phương Tây.
Vị trí của China là phức tạp hơn. Xét báo cáo về các biện pháp và các thống kê khó hiểu của họ, hiệu quả của China trong đối phó đại dịch là khó đánh giá. Chắc chắn là đó không phải là một hình mẫu cho các nước dân chủ có thể hay phải noi theo. Như chương trình Chim sơn ca mới của NHS cho thấy, không chỉ các chế độ độc tài mới có thể xây dựng các bệnh viện dã chiến trong hai tuần. Không ai biết được cái giá đầy đủ phải trả về sinh mạng của sự đóng cửa của China. Ngay cả như vậy, chế độ của Tập Cận Bình vẫn có vẻ đã lợi dụng đại dịch. Virus Corona đã cung cấp một lý do cho sự mở rộng trạng thái giám sát, và thậm chí áp dụng sự kiểm soát chính trị mạnh hơn. Thay vì giải quyết khủng hoảng, Tập lại đang sử dụng nó để mở rộng ảnh hưởng của đất nước. China đang tự chiếm vị trí của Liên minh châu Âu (EU) bằng cách hỗ trợ các chính phủ quốc gia bị kiệt sức, như Italia. Nhiều khẩu trang và thiết bị xét nghiệm mà nước này cung cấp đã tỏ ra là hàng bị lỗi, nhưng thực tế đó có vẻ đã không làm ảnh hưởng lớn đến chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh.
EU đã ứng phó với cuộc khủng hoảng bằng cách để lộ ra điểm yếu căn bản của mình. Có ít ý tưởng bị coi khinh bởi những đầu óc cao hơn chủ quyền. Trong thực tế, nó biểu thị năng lực để tiến hành một kế hoạch khẩn cấp linh hoạt, phối hợp và toàn diện thuộc dạng đang được thực thi ở Anh và các nước khác. Các biện pháp mà đã được triển khai là lớn hơn bất kỳ cái nào trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Ở những khía cạnh quan trọng nhất, chúng cũng đi ngược lại với những gì đã được làm trước đây, khi toàn dân Anh được huy động như chưa từng có trước đó, và tình trạng thất nghiệp đã giảm đáng kể. Ngày nay, ngoài những ai ở trong các ngành tối cần thiết, hầu hết nhân viên ở Anh đã bị giải thể. Nếu điều này kéo dài nhiều tháng, việc ngừng hoạt động này sẽ đòi hỏi một sự xã hội hóa lớn hơn của nền kinh tế.
Việc các cấu trúc tự do mới không có sức sống của EU có thể làm cái gì giống như thế hay không, còn là một dấu hỏi. Cho đến nay, các quy tắc quan trọng đã bị xé nát bởi chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và các giới hạn được nới lỏng về hỗ trợ của nhà nước cho ngành công nghiệp. Nhưng sự chống lại việc chia sẻ gánh nặng tài khóa của các quốc gia Bắc Âu như Đức và Hà Lan có thể chặn đường giải cứu nước Ý – một quốc gia quá lớn để có thể bị nghiền nát như Hy Lạp, nhưng có lẽ cũng sẽ quá tốn kém để cứu. Như thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã nói hồi tháng 3/2020: “Nếu châu Âu không gánh vác thách thức chưa từng thấy này, thì toàn bộ cấu trúc Âu châu sẽ mất đi lý do tồn tại của nó đối với người dân”. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã thẳng thừng và thực tế hơn: “Sự đoàn kết của châu Âu không tồn tại… đó là một câu chuyện cổ tích. Quốc gia duy nhất có thể giúp chúng ta trong tình huống khó khăn này là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Với những nước còn lại, xin cảm ơn đã không có gì”.
Khuyết điểm chính của EU là nó không có khả năng triển khai những chức năng bảo vệ của một nhà nước. Sự tan rã của khu vực đồng euro đã được dự đoán thường xuyên đến mức dường như không thể tưởng tượng được. Nhưng dưới những căng thẳng mà họ phải đối mặt hôm nay, sự tan rã của các thể chế châu Âu không phải là phi hiện thực. Sự di chuyển tự do đã bị ngăn chặn. Sự tống tiền gần đây của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đối với EU, bằng cách đe dọa cho phép những người nhập cư đi qua biên giới của mình, và cuộc chiến ở tỉnh Idlib của Syria, có thể dẫn tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người tỵ nạn chạy trốn sang châu Âu. (Thật khó để biết thuật ngữ “giãn cách tiếp xúc xã hội” có ý nghĩa gì trong các trại tập trung người tị nạn khổng lồ, chật ních và không vệ sinh). Cuộc khủng hoảng di cư khác kết hợp với áp lực lên đồng Euro mất giá có thể là chí tử.
Nếu EU còn tồn tại, nó có thể giống như đế chế La Mã Thần thánh ở những năm cuối cùng, một bóng ma vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ trong khi quyền lực được thực thi ở nơi khác. Các quyết định cần thiết mang tính sống còn đã được các nhà nước đưa ra rồi. Vì trung tâm chính trị không còn là một lực lượng dẫn đạo nữa, và với phần lớn cánh tả đã gắn với dự án Âu châu thất bại, nên nhiều chính phủ sẽ bị kiểm soát bởi cánh cực hữu.
Một sự ảnh hưởng tăng lên đối với EU sẽ đến từ Nga. Trong cuộc cạnh tranh với người Saudi khiến châm ngòi cho sự lao dốc giá dầu tháng 3/2020, tổng thống Putin đã chơi cửa trên. Trong khi, với người Saudi, mức hòa vốn tài chính – là giá dầu cần để trả cho các dịch vụ công và giữ cho nhà nước có khả năng thanh toán – là khoảng 80$ một thùng, thì với Nga nó có thể thấp hơn một nửa con số đó. Đồng thời, Putin đang củng cố vị trí của Nga như một cường quốc năng lượng. Các đường ống ngoài khơi Dòng chảy phương Bắc chạy qua biển Baltic đảm bảo sự cung cấp tin cậy về khí tự nhiên cho châu Âu. Vì lẽ ấy, họ khóa châu Âu vào sự phụ thuộc vào Nga và cho phép nước này dùng năng lượng như một vũ khí chính trị. Với châu Âu đã bị chia để trị, Nga có vẻ cũng muốn bành trướng phạm vi ảnh hưởng của mình. Giống như China, Nga đang dần thay thế EU trì trệ, để không vận các bác sỹ và thiết bị y tế tới Italia.
Tại Mỹ, tổng thống Donald Trump đơn giản coi việc tái cấu trúc nền kinh tế là quan trọng hơn khống chế Coronavirus. Một sự trượt dốc thị trường chứng khoán kiểu năm 1929 và mức thất nghiệp xấu hơn những năm 1930 có thể đe dọa sự tồn tại chức tổng thống của ông ấy. James Bullard, Giám đốc Điều hành (CEO) của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St Louis (FRB), đã khuyến cáo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể lên tới 30 phần trăm – cao hơn thời kỳ Đại Suy thoái. Mặt khác, với hệ thống chính phủ phi tập trung của Hoa Kỳ, một hệ thống chăm sóc sức khỏe cực kỳ tốn kém với hàng chục triệu người không có bảo hiểm, một số lượng tù nhân to lớn mà trong đó có nhiều người già và ốm yếu, cùng các thành phố có số lượng người vô gia cư khá lớn và đã có bệnh dịch lan rộng, thì việc rút ngắn thời gian đóng cửa có nghĩa là để cho virus lan truyền không thể kiểm soát, với các ảnh hưởng gây tàn phá. (Ông Trump không đơn độc phải chịu rủi ro này. Thụy Điển cho đến nay cũng vẫn chưa áp dụng biện pháp phong tỏa nào như các nước khác).
Không giống chương trình của Anh, kế hoạch kích thích 2 ngàn tỷ USD của Trump hầu hết là một sự cứu trợ tài chính doanh nghiệp khác. Song liệu số phiếu bầu có được tin là nhiều người Mỹ hơn sẽ tán thành việc giải quyết đại dịch của ông ấy? Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump nổi lên từ tai ương này với sự ủng hộ của đa số dân Mỹ?
Cho dù ông ấy có giữ được quyền lực tiếp hay không, thì vị trí của Mỹ trên thế giới cũng đã thay đổi không thể đảo ngược được. Cái đang nhanh chóng làm sáng tỏ không chỉ là sự toàn cầu hóa quá mức của mấy thập kỷ gần đây, mà là trật tự toàn cầu đã định hình vào cuối Thế Chiến II. Bằng cách làm cho xì hơi một thế cân bằng tưởng tượng, Coronavirus đã đẩy nhanh một quá trình phân rã mà nó đã diễn ra trong nhiều năm.
Trong tác phẩm Dịch hạch và Con người có ảnh hưởng của mình, nhà sử học người Chicago William H McNeill đã viết:
Luôn có khả năng rằng, một số sinh vật ký sinh ít được biết đến cho đến nay, có thể thoát ra khỏi hốc sinh thái quen thuộc của chúng và khiến cho những cộng đồng người đông đúc – mà đã trở thành một đặc điểm quá dễ thấy của Trái Đất – có tỷ lệ tử vong mới và tàn khốc.
Vẫn còn chưa biết làm sao Covid-19 đã thoát khỏi môi trường của nó, mặc dù có nghi ngờ rằng các “chợ tươi” ở Vũ Hán – nơi bán động vật hoang dã – có thể đã đóng một vai trò. Năm 1976, khi cuốn sách của McNeill lần đầu được in, việc hủy hoại các nơi cư trú của các loài độc hại còn lâu mới đi xa như ngày nay. Khi sự toàn cầu hóa tăng lên, nguy cơ về lan truyền các bệnh lây nhiễm cũng tăng lên. Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-20 đã trở thành một đại dịch toàn cầu trong một thế giới không có vận tải hàng không lớn.
Nhận xét về việc các nhà sử học hiểu về dịch bệnh ra sao, McNeill cho biết: “Với họ và với những người khác, những đợt bùng phát có tính thảm họa không thường xuyên của các bệnh lây nhiễm vẫn là những sự phá vỡ quy tắc đột ngột và không thể đoán trước, về cơ bản là nằm ngoài sự giải thích lịch sử”. Nhiều nghiên cứu về sau cũng đi đến kết luận tương tự.
Tuy vậy, vẫn tồn tại một quan điểm rằng, các cơn đại dịch chỉ là những vết đốm hơn là một phần không thể tách rời của lịch sử. Ẩn bên dưới điều này là niềm tin rằng con người không còn là một phần của thế giới tự nhiên nữa, và có thể tạo ra một hệ sinh thái độc lập, tách rời khỏi phần còn lại của sinh quyển. Covid-19 đang cho loài người biết, là họ không thể. Chỉ bằng cách sử dụng khoa học, chúng ta mới có thể bảo vệ mình trước dịch hại này. Các xét nghiệm về kháng thể hàng loạt và tìm ra văc-xin mới sẽ là tối quan trọng. Nhưng sẽ phải có những thay đổi triệt để về việc chúng ta sẽ sống như thế nào, nếu chúng ta muốn ít bị dễ tổn thương hơn trong tương lai.
Kết cấu của đời sống hàng ngày đã bị thay đổi. Một cảm nhận về tính mỏng manh hiện diện khắp nơi. Không chỉ có xã hội cảm thấy rúng động. Vị trí của con người trên thế giới cũng như vậy. Sự hiện thân của virus tiết lộ sự vắng mặt của con người theo nhiều cách khác nhau. Những con lợn lòi hoang đang đi lang thang trong các thị trấn ở Bắc Ý, trong khi ở Lopburi Thái Lan hàng đàn khỉ không còn được khách du lịch cho ăn đang đánh nhau trên phố. Cái đẹp dã man và cuộc chiến đấu ác liệt để tồn tại đã nổi lên ở các thành phố đã bị trống vắng vì virus.
Như một số nhà bình luận đã lưu ý, một tương tai hậu đại họa có dạng như phác họa trong tiểu thuyết của JG Ballard đã trở thành hiện thực hiện hữu của chúng ta. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu “sự tận diệt” này hé lộ ra điều gì. Đối với Ballard, các xã hội loài người là những đạo cụ sân khấu mà chúng có thể bị cướp bóc bất cứ lúc nào. Các quy tắc mà hình như được xây dựng thành bản chất con người đã tan biến khi bạn rời nhà hát. Trải nghiệm đau khổ nhất của Ballard như một đứa trẻ ở Thượng Hải những năm 1940 không phải là trong trại tù, nơi mà nhiều bạn tù là chung thủy và tốt bụng trong đối xử với nhau. Là một cậu bé có tài xoay xở và phiêu lưu, Ballard đã vui hưởng phần lớn thời gian của mình ở đó. Ông nói: chính là lúc trại tù sụp đổ khi chiến tranh sắp kết thúc, mà ông đã chứng kiến những ví dụ tồi tệ nhất của tính ích kỷ tàn nhẫn và sự độc ác không có động cơ rõ ràng.
Bài học mà ông rút ra là, đây không phải là những sự kiện kết thúc thế giới. Những gì thường được mô tả như sự hủy diệt chỉ là tiến trình bình thường của lịch sử. Nhiều biến cố kết thúc với những chấn thương kéo dài. Nhưng loài người là rất cứng cỏi và quá nhiều tài để có thể bị đánh quỵ bởi những biến động này. Cuộc sống vẫn tiếp tục, nếu có khác so với trước. Những ai nói về điều này như là một thời điểm mang tính Ballard thì đã không nhận thấy làm thế nào con người điều chỉnh, và thậm chí tìm cách hoàn thành nhiệm vụ, trong những tình huống khắc nghiệt mà nó phải đóng vai.
Công nghệ sẽ giúp chúng ta thích nghi với tình huống cực hạn hiện nay. Sự di chuyển vật lý có thể giảm đi bằng cách chuyển nhiều hoạt động của chúng ta vào không gian điều khiển. Các văn phòng, trường học, đại học, phẫu thuật bác sỹ đa khoa, và các trung tâm làm việc khác, rất có thể sẽ thay đổi vĩnh viễn. Các cộng đồng ảo lập ra trong đại dịch đã cho phép con người hiểu biết về nhau tốt hơn so với trước đây.
Sẽ có những sự ăn mừng khi đại dịch rút đi, nhưng có lẽ chưa thật rõ là khi nào thì mối đe dọa lây nhiễm sẽ chấm dứt. Nhiều người có thể di cư vào môi trường trực tuyến giống những nhân vật trong Đời sống Thứ hai, một thế giới ảo ở đó con người gặp nhau, giao dịch và tương tác trong những nhóm và thế giới mà họ chọn. Những dạng thích nghi khác có thể là không thoải mái cho các nhà đạo đức học. Nội dung khiêu dâm trực tuyến có thể sẽ bùng nổ, và nhiều sự hẹn hò trên Internet có thể bao gồm các trao đổi gợi tình mà chúng không bao giờ ngừng trong một cuộc họp của các nhóm. Công nghệ thực tại ảo tăng cường có thể được sử dụng để mô phỏng những cuộc gặp gỡ xác thịt và tình dục ảo có thể sớm được bình thường hóa. Liệu những điều này có là một dịch chuyển đến đời sống tốt hay không, có lẽ chưa phải là câu hỏi có ích nhất hiện nay. Mạng thực tại ảo dựa trên một cơ sở hạ tầng có thể bị hư hại hay phá hủy bởi chiến tranh hay thiên tai. Internet chỉ cho phép chúng ta tránh được sự cách ly mà các đợt dịch bệnh đem đến trong quá khứ. Nó không thể cho phép con người thoát khỏi xác phàm của mình, hay tránh được những trớ trêu của tiến bộ.
***
Cái mà coronavirus đang nói với chúng ta là, sự tiến bộ không chỉ có thể đảo ngược – một sự thật mà ngay cả những người cấp tiến hình như cũng đã nắm được – mà nó còn có thể tự hủy hoại. Để lấy ví dụ hiển nhiên nhất, sự toàn cầu hóa đã tạo ra những lợi ích lớn – hàng triệu người đã thoát khỏi nghèo đói. Thành tựu này hiện đang bị đe dọa. Toàn cầu hóa sinh ra giải toàn cầu hóa, là cái hiện đang xảy ra.
Trong khi viễn cảnh về mức sống ngày càng cao trở nên nhạt đi, thì các nguồn quyền lực và tính hợp pháp khác đang nổi lên trở lại. Dù là phái tự do hay xã hội chủ nghĩa, những đầu óc cấp tiến luôn ghét bản sắc dân tộc với xúc cảm đam mê. Có nhiều ví dụ trong lịch sử để cho thấy nó có thể bị lạm dụng như thế nào. Nhưng nhà nước quốc gia vẫn ngày càng là một lực lượng mạnh để chèo lái hoạt động quy mô lớn. Đối phó với coronavirus đòi hỏi một nỗ lực tập thể mà sẽ không thể huy động được vì mục đích nhân đạo phổ quát.
Chủ nghĩa vị tha có những giới hạn như chính sự tăng trưởng vậy. Sẽ có những ví dụ về sự vị tha phi thường trước khi tình trạng tồi tệ nhất của khủng hoảng qua đi. Ở Anh, một đội quân tình nguyện mạnh hơn nửa triệu người đã đăng ký để hỗ trợ Dịch vụ Y tế Quốc gia NHS. Nhưng sẽ là không khôn ngoan để chỉ dựa vào sự cảm thông của con người nhằm giúp chúng ta thoát nạn. Lòng tốt đối với người lạ là quý giá đến mức nó phải được phân phối.
Đây là lúc nhà nước bảo hộ xuất hiện. Về cốt lõi, nhà nước Anh đã luôn theo học thuyết của Hobbes. Hòa bình và chính phủ mạnh luôn là những ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, nhà nước theo đường lối Hobbes này đã dựa chủ yếu vào sự đồng thuận, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. Việc được bảo vệ khỏi nguy hiểm đã được chính phủ ưu tiên hơn so với sự tự do can thiệp.
Nhân dân sẽ muốn có lại bao nhiêu quyền tự do của họ khi đại dịch đã qua đỉnh điểm, vẫn là một câu hỏi mở. Họ thể hiện ít nếm trải sự đoàn kết ép buộc của chủ nghĩa xã hội, nhưng họ có thể vui vẻ chấp nhận một chế độ giám sát sinh học để bảo vệ sức khỏe của họ tốt hơn. Việc tìm ra giải pháp cho chúng ta sẽ đòi hỏi sự can thiệp của nhà nước nhiều hơn, chứ không ít hơn, và thuộc loại có tính sáng tạo cao. Các chính phủ sẽ phải làm nhiều hơn nữa trong việc bảo đảm nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Mặc dù nhà nước có thể không phải lúc nào cũng lớn hơn, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ tỏa khắp, và theo các tiêu chuẩn của thế giới cũ, thì mang tính xâm phạm hơn. Chính phủ hậu tự do sẽ là chuẩn mực cho tương lai gần.
Chỉ có bằng cách nhận ra những nhược điểm của các xã hội tự do, thì các giá trị thiết yếu nhất của chúng mới có thể được bảo tồn. Cùng với sự công bằng, các xã hội này có cả quyền tự do cá nhân, mà nó – trong khi cũng có giá trị tự thân – là một phép kiểm tra cần thiết đối với chính phủ. Nhưng những người tin rằng tự chủ cá nhân là nhu cầu bên trong nhất của con người lại để lộ một sự thiếu hiểu biết về tâm lý, không nhất thiết là của chính họ. Đối với hầu hết mọi người, an ninh và cảm giác thân thiết là quan trọng, thường là hơn thế. Chủ nghĩa tự do, trên thực tế, là một sự phủ nhận có hệ thống về sự thật này.
Một điểm lợi của kiểm dịch/cách ly là nó có thể được dùng để nghĩ lại lần nữa. Dọn dẹp tâm trí bừa bộn và suy nghĩ làm thế nào để sống trong một thế giới đã thay đổi là nhiệm vụ cần làm ngay. Đối với những ai trong chúng ta mà không phục vụ ở tuyến đầu chống dịch, thời lượng này có lẽ là đủ.
************************************************
John Gray là nhà phê bình sách hàng đầu của báo New Statesman, Anh quốc. Cuốn sách mới nhất của ông là “Linh hồn của Marionette: Một điều tra ngắn về tự do của con người”.
Bài viết này đăng trong số ra ngày 3 tháng 4 năm 2020 của báo New Statesman, Số đặc biệt Mùa xuân
Bạn có thể thích
PHỎNG VẤN TRỊNH ĐÌNH THẮNG
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên