Benedict J. Tria Kerkvliet
Ngày 1 tháng 2 năm 2020
Ngày 9 tháng 1, “Sự kiện bạo lực ở Hà Nội” là một bài viết cho Trung tâm nghiên cứu Việt Mỹ, ĐH Oregon. Benedict J. Tria Kerkvliet là Giáo sư danh dự tại Khoa Chuyển đổi Chính trị & Xã hội, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Chính trị & Chiến lược, Đại học Quốc gia Australia. Ông là tác giả của “Cất lên tiếng nói ở Việt Nam: “Phê bình chính trị trong một quốc gia do Đảng Cộng sản cai trị” (Speaking Out in Vietnam: Public Political Criticism in a Communist Party-Ruled Nation, Cornell University Press, 2019).
Sáng ngày 9 tháng 1, khoảng hai tuần trước ngày Tết Nguyên đán, nhiều binh sĩ được vũ trang mạnh đã tiến vào xã Đồng Tâm ở huyện Mỹ Đức, một vùng nông thôn cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía tây nam. Lực lượng này bao gồm cảnh sát và các đơn vị vũ trang khác, tất cả đều do các sĩ quan của Bộ công an chỉ huy.
Vài giờ sau, ba trong số các cảnh sát vũ trang và một dân làng đã chết, một số cảnh sát và dân làng bị thương. Nhà chức trách cũng đã bắt giữ 22 dân làng, sau đó buộc tội họ giết chết ba cảnh sát, sở hữu vũ khí bất hợp pháp và chống người thi hành công vụ. Không ai bị buộc tội giết dân làng.
Ngoài những thông tin không có tranh cãi nêu trên, có một loạt các tuyên bố trái ngược nhau về những gì xảy ra ở Đồng Tâm vào ngày 9/1 đó và về việc tại sao lực lượng vũ trang lại có mặt ở đó. Nhiều thông tin đang dần dần xuất hiện, cuối cùng một bức tranh rõ ràng hơn sẽ được định hình. Ở đây tôi muốn tổng hợp lại các tư liệu có sẵn cho đến thời điểm này. Tôi tổ chức chúng thành hai nguồn chính: nguồn chính phủ và nguồn phi chính phủ. Tất nhiên, trước hết, chúng ta cần nắm một số vấn đề căn bản.
Bối cảnh
Vấn đề cốt lõi của sự biến này liên quan đến đất nông nghiệp, vốn là trung tâm của nhiều cuộc xung đột ở khu vực nông thôn và ven đô của Việt Nam kể từ cuối những năm 1990, khi các khu đô thị và khu công nghiệp phát triển lên. Ở Đồng Tâm, vùng đất bị tranh chấp là 59 ha mà các gia đình tại địa phương đã canh tác và đang cố gắng giữ lại. Trong hầu hết các trường hợp xung đột đất đai ấy, người dân nông thôn đấu tranh chống lại chính quyền địa phương và các công ty thương mại muốn chiếm lấy ruộng đồng của họ. Tuy nhiên, tại Đồng Tâm, dân làng đang đọ sức với chính phủ quốc gia Việt Nam, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, nơi đòi thu hồi 59 ha. Bộ Quốc phòng cho biết từ 1980, họ đã cho phép người dân địa phương canh tác trên mảnh đất đó nhưng giờ đây, công ty viễn thông Viettel cần xây dựng cơ sở trên đó. Dân làng nhấn mạnh rằng mảnh đất thuộc về Đồng Tâm. Họ cho rằng nếu Viettel muốn lấy đất, công ty phải thương lượng với người dân.
Những việc yêu cầu thu hồi đất và phản đối yêu cầu đó đã tồn tại từ năm 2016. Mỗi bên đều trình đưa ra các lập luận và tài liệu của mình. Người phát ngôn nổi bật và hiệu quả nhất về phía dân làng là ông Lê Đình Kình, một quan chức địa phương đã nghỉ hưu, ở tuổi 84 vào tháng 1 năm 2020, một đảng viên Đảng cộng sản có 58 tuổi đảng. Thỉnh thoảng, cuộc xung đột chuyển thành bạo lực. Trong một cuộc ẩu đả vào tháng 4 năm 2017, dân làng đã bắt giữ một số sĩ quan làm con tin trong một thời gian và cảnh sát đã đánh ông Kình, làm gãy một chân của ông. Sau đó, chân của ông không còn phục hồi đúng cách, ông phải di chuyển bằng xe lăn.
Thông báo của phía nhà nước
Vào cuối tháng 12, chính quyền điều động một số binh sĩ xây dựng một bức tường dọc theo một bên của khu đất 59 ha tranh chấp. Khi những người lính này đang làm việc, dân làng đã gây rối và phá vỡ dự án. Lực lượng vũ trang đã tiến vào Đồng Tâm vào sáng ngày 9 tháng 1 để bảo vệ những người lính đó. Khi lực lượng vũ trang này tiến vào, các chỉ huy đã ra lệnh cho một số đội lính bảo vệ trụ sở ủy ban xã Đồng Tâm, một trạm xăng và các điểm khác mà dân làng có thể gây rắc rối để đánh lạc hướng lực lượng bảo vệ dự án xây tường. Khi họ giải tán, người dân phi giáo và ném bom xăng (cocktail Molotov) vào họ. Khi lực lượng vũ trang đến gần cổng làng Hoành trong xã Đồng Tâm, người dân đã ném đá, phi giáo, bom xăng và hai quả lựu đạn. Một quả lựu đạn không nổ, quả kia phát nổ nhưng không gây thương tích. Các sĩ quan đã bắc loa yêu cầu đám đông chấm dứt bạo động. Khi quân đội tiến lên, mọi người chạy trốn vào nhà, sân và các con hẻm.
Khi lực lượng vũ trang truy đuổi, có ba cảnh sát rơi vào một giếng trời xuống một cái hố sâu khoảng bốn mét. Dân làng đổ xăng vào hố và đốt lửa, thiêu chết những người lính đó. Đó là khi lực lượng vũ trang bắt đầu xả súng. Người dân làng bị thiệt mạng là người đang cầm lựu đạn nhưng bị bắn hạ trước khi ông ta có thể kích hoạt và ném nó.
Trong vòng nửa giờ, quân đội đã bắt giữ 22 dân làng và tái lập trật tự. Nhiều người lính vẫn ở lại Đồng Tâm trong nhiều ngày để duy trì an ninh và bảo vệ dự án xây tường. Hầu hết dân làng bị bắt đều bị buộc tội giết ba cảnh sát và các tội ác khác. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đã trao tặng huân chương chiến công hạng nhất, huân chương cao nhất của quốc gia, cho ba người lính đã chết và vinh danh họ là liệt sĩ quốc gia. Ba cảnh sát, những người bị đốt cháy đến mức thi thể họ trông như than đá, đã được an táng ngày 16 tháng 1 trước sự chứng kiến của nhiều vị quan chức.
Người dân làng thiệt mạng là Lê Đình Kình, chủ mưu của cuộc tấn công vào quân đội. Các nhóm khủng bố đã giúp ông và những người dân làng khác chế tạo và mua vũ khí. Do đó, nhà chức trách đã khóa một tài khoản ngân hàng mà người ngoài tạo ra để hỗ trợ gia đình ông Kình. Các quan chức tuyên bố số tiền này có liên quan đến những kẻ khủng bố.
Các nguồn tin phi nhà nước
Từ cuối tháng 12, binh lính đã đe dọa cư dân Đồng Tâm. Sau đó, một vài ngày trước ngày 9 tháng 1, chính quyền đã cắt điện thoại di động và phủ sóng internet đến khu vực này, dựng rào chắn và sàng lọc những người vào khu vực. Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 9 tháng 1, dân làng thức giấc vì tiếng xe cộ và một số lượng lớn binh lính vũ trang tiến vào làng. Sau đó, họ nghe thấy những âm thanh như pháo hoa, rồi sau đó là tiếng súng, lựu đạn đại thanh, hơi cay và bộc phá làm sập tường gạch. Nghe tin nhà của ông Kình và các con trai của ông bị hành hung, nhiều người dân đã chạy về phía đó nhưng gặp phải các đội cảnh sát vũ trang bắt họ quay về nhà. Một số đã quay về. Những người khác chạy tán loạn đây đó, không biết phải làm gì hoặc đi đâu.
Đến khoảng 5 giờ sáng, tiếng súng và tiếng nổ kết thúc. Dù vậy lực lượng vũ trang vẫn còn lưu lại trong vài ngày. Họ đếm được hơn một ngàn; một số dân làng nói hơn ba ngàn. Lực lượng vũ trang ngăn cản hầu hết dân làng ra đồng, đến trường, đến cửa hàng mua thức ăn, v.v. và ngăn chặn những người không cư trú trong vùng xâm nhập vào khu vực. Internet và điện thoại di động vẫn bị cắt. Những thông tin truyền thông duy nhất người dân có thể nhận được là đài phát thanh và đài truyền hình nhà nước, đưa tin rằng chính quyền đã đẩy lùi dân chúng ở Đồng Tâm, những người đã tấn công binh lính xây tường và quân đội bằng cách ném bom xăng và các phương tiện khác, giết chết ba cảnh sát. Một dân làng cũng chết, nhưng truyền thông nhà nước không nêu tên. Cư dân được những người hàng xóm ông Lê Đình Kình cho biết từ khá sớm rằng ông đã bị giết.
Vài ngày sau, gia đình ông Kình đã tìm cách kể những gì họ trải qua. Vợ và con gái ông nói rằng ông đã bị bắn ít nhất bốn lần – hai lần vào đầu – và chết ngay lập tức vào khoảng 5 giờ sáng. Cảnh sát đã đưa thi thể ông đi. Họ cũng tra vấn cụ bà, tát bà nhiều lần vì bà từ chối nói mình sử dụng bom xăng và lựu đạn. Trong số 22 người bị bắt còn hai người con trai lớn và hai cháu trai của ông bà Kình. Gia đình ông Kình không chắc những người đó còn sống hay đã chết. Hơn một ngày sau, các thành viên trong gia đình đã được nhận lại thi thể của ông Kình, nhưng chỉ sau khi chính quyền buộc họ ký một tuyên bố nói rằng ông đã chết trên cánh đồng rộng 59 ha “thuộc về đất quốc phòng”. Các thành viên gia đình đã khóc nức nở bên thi thể ông, khi nhìn thấy những lỗ đạn, những vết bầm tím và một đường rạch dài từ cổ họng xuống quá bụng của ông. Chính quyền đã mổ cơ thể ông.
Vào ngày 13 tháng 1, hàng trăm cư dân, mặc dầu bị giám sát và kiểm soát chặt chẽ bởi lực lượng vũ trang, đã chôn cất ông Kình ở Đồng Tâm.
Ở Việt Nam, nhiều nhóm người và công dân đã kiến nghị công khai và bằng nhiều cách kêu gọi điều tra độc lập về các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ngày 9 tháng 1 ở Đồng Tâm, đặc biệt là để làm rõ những gì đã xảy ra, tại sao có bốn người chết và họ chết như thế nào, tại sao chính quyền lại sử dụng lực lượng vũ trang và loại bỏ các biện pháp có tính pháp lý và đàm phán liên quan đến khu đất tranh chấp này.
Thảo luận
Dân làng và những người ủng hộ họ chỉ trích hành động của chính quyền ở Đồng Tâm và phủ nhận rằng dân làng đã tấn công lực lượng vũ trang. Họ khẳng định lực lượng vũ trang đã tấn công dân làng. Tuy nhiên, ở các quan điểm thuộc phía không thuộc chính quyền, chúng ta không thể xác định rõ ràng là liệu dân làng có ném bom xăng và dùng các vũ khí khác tấn công vào quân đội hay không, dầu là để tự vệ. Ngoài ra tôi cũng không tìm thấy quan điểm nào trong các nguồn phi nhà nước trực tiếp giải quyết vấn đề liệu có hay không một số dân làng liên quan đến cái chết của ba cảnh sát. Một số bình luận của phía không thuộc nhà nước đặt vấn đề đối với những tuyên bố của chính quyền rằng ba người thuộc lực lượng vũ trang bị thiêu chết trong vụ cháy xăng do dân làng đốt. Những quan điểm này lập luận rằng người dân hầu như không thể đổ đủ một lượng xăng vào những người lính bị mắc kẹt trong một cái hố đến mức thiêu cháy đen cơ thể họ. Hơn nữa, ngay khi đám cháy đã bắt đầu, tại sao những đội lính khác lại không giải cứu đồng đội của họ? Những lập luận này cho thấy nhiều khả năng là những người cảnh sát ấy đã chết vì những nguyên nhân khác – có thể những bức tường gạch sụp đổ trên người họ hoặc cảnh sát khác đã bắn nhầm họ trong cuộc hỗn chiến. Trong mọi trường hợp, nhà chức trách vẫn chưa đưa ra bằng chứng để chứng tỏ những cảnh sát này hết như thế nào.
Chính quyền Việt Nam dường như đang che giấu rất nhiều điều liên quan đến những gì đã xảy ra cũng như nguyên nhân của chúng. Họ nói mơ hồ về thời điểm (giờ) lực lượng vũ trang tràn vào Đồng Tâm vào sáng 9 tháng 1. Các nguồn tin phi chính phủ, bao gồm các tuyên bố của cư dân Đồng Tâm, cho biết lực lượng vũ trang đã vào làng từ rất lâu trước khi bình minh lên. Điều đó sẽ đặt ra vấn đề chính quyền đã nói dối khi tuyên bố rằng lực lượng vũ trang được gửi đến để bảo vệ dự án xây dựng tường. Không có công trình nào được xây dựng trong bóng đêm cả. Nhà chức trách nói ông Kình chết trên cánh đồng. Tuy nhiên, khó có khả năng một người đàn ông 84 tuổi ngồi xe lăn lại có mặt trên cánh đồng cách nhà mình ba km trước bình minh. Hàng xóm nói rằng lực lượng vũ trang bao vây nhà ông và người khác. Lực lượng vũ trang sau đó đã vào một số nhà, bao gồm cả nhà ông Kình. Gia đình ông Kình nói rằng binh lính đã bắn ông ngay trong ngôi nhà đó. Các bác sĩ kiểm tra hình ảnh các lỗ đạn trên thi thể của ông đã kết luận ông bị bắn ở cự ly gần, 7-20 cm. Điều đó khiến cho việc ông ném lựu đạn là không thể. Nó sẽ làm nổ tung cả vợ và những người thân khác đang đứng gần đó. Ngoài ra, nếu ông có lựu đạn và sẵn sàng sử dụng nó, ông sẽ không để cho lực lượng vũ trang đến rất gần. Các tuyên bố của chính phủ trong sự kiện ngày 9 tháng 1 mô tả ông Kình là một người đang cố gắng gây bất ổn hệ thống chính trị. Họ không đề cập đến việc ông đã phục vụ trong quân đội hoặc việc ông có gần sáu mươi năm tuổi Đảng. Họ cũng không nói rằng ông vốn là một cựu cảnh sát, một phó chủ tịch xã và bí thư đảng ở Đồng Tâm.
Nhà chức trách cũng chưa giải thích về vết cắt dài trên thi thể của pông. Tại sao cơ thể của ông bị mổ phanh? Một số nguồn tin phi chính phủ suy đoán rằng chính quyền làm điều đó để loại bỏ các mảnh đạn nhằm không ai có thể sử dụng chúng để phân tích cách ông bị bắn.
Lý do chính quyền ra lệnh cho hàng trăm, nhiều người quả quyết là hàng ngàn, binh sĩ tiến vào Đồng Tâm tự nó vẫn là một bí ẩn. Các giải thích chính thức của nhà nước, như là để bảo vệ dự án xây dựng tường, là không đáng tin cậy. Có lẽ, như một số nguồn tin phi chính phủ cho biết, mục đích chính là bắt giữ ông Kình và những người khác, chẳng hạn như con trai ông, những người lãnh đạo chủ chốt của dân làng đang đấu tranh để giữ lại vùng đất tranh chấp. Trong quá trình đó, lính bắn ông Kình. Hoặc, như các nhà bình luận khác suy đoán, có lẽ mục đích chính là giết ông.
Một trong hai cách giải thích này đã cho thấy sự kiện ngày 9 tháng 1 vượt xa thể thức chính quyền Việt Nam sử dụng lực lượng vũ trang trong các cuộc xung đột đất đai trước đó, trong những năm gần đây, ít nhất là ở vùng đồng bằng. (Xung đột đất đai ở khu vực miền núi thì khác, vì nhiều lý do.) Hầu hết các cuộc xung đột ở vùng đồng bằng được giải quyết với rất ít sự tham gia của cảnh sát hoặc lực lượng quân sự. Có hai thể thức xảy ra khi việc tranh chấp liên quan đến số lượng lớn đất đai. Một là quân đội, thường không được trang bị vũ khí mạnh, tiến vào các cánh đồng – không phải các khu dân cư trong làng mạc – vào ban ngày, để kiểm soát mảnh đất mà nông dân không chịu khoan nhượng sau một thời gian dài. Hai là cảnh sát, vẫn chỉ được vũ trang nhẹ, bao vây và sau đó giải tán đám đông dân làng đang giận dữ biểu tình bên ngoài các tòa nhà chính phủ hoặc tại các địa điểm công cộng khác. Trường hợp duy nhất tôi biết có phần gần giống với những gì đã xảy ra ở Đồng Tâm là cảnh sát và binh sĩ vũ trang ở Hải Phòng vào đầu tháng 1, cũng trong thời gian chuẩn bị Tết, đã tấn công hai ngôi nhà của một đại gia đình chiến đấu để giữ đất nông nghiệp của họ. Tuy nhiên, cuộc chạm trán đó xảy ra vào ban ngày, chỉ huy động vài chục binh sĩ, có làm một số binh lính và dân làng bị thương, một vài thành viên trong gia đình bị bắt giữ và cuối cùng bị bỏ tù. Không ai bị giết.