Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc

Nguyễn Đăng Thành

Published on

Nguyễn Đăng Thành

Tóm tắt

Trong bài viết này, tôi cố gắng miêu tả kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc (1918-) từ điểm nhìn của ngôi thứ nhất trong giai đoạn xã hội hóa sơ cấp và thứ cấp của ông, nghĩa là, từ sáu tuổi tới hai mươi tuổi. Kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc được xét như một nghiên cứu trường hợp về hoạt động được rèn luyện và có ý thức cao độ của trẻ em trai thời Pháp thuộc. Các quyển sách ông đã thụ đắc được tôi phân tích, dựa trên sự phân loại của Pierre Bayard, bao gồm các sách buộc phải đọc và “các quyển sách màn chắn”, cùng các quyển ông tự nguyện đọc. Kinh nghiệm của ông cần được diễn giải bằng cách đặt trong bối cảnh xã hội cho phép ông có thể nghe tới, đọc, và không đọc những quyển sách ấy. Bài báo này, ngoài ra, miêu tả quá trình rèn luyện phức tạp của một nam sinh trước khi anh ta trở nên một trí thức trong thời Pháp thuộc, thông qua việc tập trung vào kinh nghiệm đọc các quyển sách cụ thể nơi cậu thiếu niên Hữu Ngọc.

Từ khóa: Lịch sử Trí thức, Việt Nam thời Pháp thuộc, Nghiên cứu Trẻ em, Nghiên cứu Thanh Thiếu niên, Pierre Bayard.

Tính hiệu lực trong thuật chuyện của Hữu Ngọc về kinh nghiệm đọc của ông

Bài báo này xử lý một phương diện ít được bàn tới trong nghiên cứu về lịch sử trí thức Việt Nam thời Pháp thuộc nó nhấn mạnh giai đoạn tuổi thơ và thiếu niên của những người sẽ trở nên trí thức với ý thức gay gắt về bổn phận của anh ta (Baran, 1961). Ngoài ra, tôi tập trung vào hoạt động có ý thức và được rèn luyện cao độ nhất của họ: đọc sách. Tôi lập luận rằng nền tảng cho kinh nghiệm đọc là cách họ thụ đắc “các quyển sách màn chắn” (Bayard, 2010, 44). Giai đoạn niên thiếu được giới hạn trong khoảng thời gian đi học ở các nam sinh, vốn chiếm đại đa số trí thức bấy giờ. Giai đoạn này được quy ước không phải tới tuổi 18, nhưng chiếm toàn thể thời gian sống trước khi anh ta hoặc vào trường đại học, nền giáo dục bậc cao xa xỉ thời ấy, hoặc kết thúc các chương trình giáo dục khả thi. Khoảng thời gian đi học trung bình của thanh thiếu niên, những người sẽ trở nên các trí thức sau này, thường là 20 năm đầu đời.

Tôi nêu một cách có chiến lược ba trí thức kế tiếp nhau dựa vào mức độ chấp nhận sự hiện đại hóa Tây phương của họ và gia đình của họ trên phương diện giáo dục, vốn được xem như thiết yếu trong đời sống trí thức của người Việt Nam trước thời Pháp thuộc. Phan Khôi (1887 – 1959) trưởng thành trong gia đình Nho giáo trong giai đoạn chuyển giao giữa nền giáo dục truyền thống và phương Tây, đã chấm dứt thời thiếu niên năm 1906, nghĩa là 13 năm trước khi khoa thi Nho giáo cuối cùng diễn ra, ở tuổi 19, với tấm bằng Tú tài chữ Hán, nó không đủ để ông có thể được bổ nhiệm một chức vụ. Đặng Thai Mai (1902–1984), con trai của một gia đình Nho giáo gia giáo như Phan Khôi, đã đồng thời theo học chương trình giáo dục Pháp, kết thúc quãng học sinh năm 1924, lúc 22 tuổi, nghĩa là ngay trước khi nhập học Trường Cao đẳng Sư phạm. Hữu Ngọc (19818–) kết thúc giai đoạn học sinh năm 1940, ở tuổi 22, khi đã đậu Tú tài Triết học chương trình Pháp, chuẩn bị vào Trường Cao đẳng Luật Đông Dương, nơi ông ít lâu sau sẽ bỏ học.

Ba người trên đều đã kể lại một cách rời rạc sở nghiệm gian nan thụ đắc kiến thức Tây phương qua việc đọc sách trong quãng thời gian đi học, như tiền đề cho những hoạt động trí tuệ sau này. Phan Khôi, Đặng Thai Mai, trong các bài báo và hồi ký của họ, dẫu vậy, phần nhiều đã bỏ qua việc miêu tả dày sự tiếp thu của thông qua các trung gian vật chất có thể được nghiên cứu khách quan như các quyển sách. Sự thiếu sót này, xét rộng, là chung cho các trí thức Việt Nam thời thuộc địa. Sự thuật chuyện của Hữu Ngọc vì vậy là một ngoại lệ hiếm hoi.

Hữu Ngọc hiện vẫn là một trong các nhà báo ngoại giao quan trọng nhất của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam suốt từ cuộc chiến tranh Pháp – Việt. Ông đã viết vô số các bài báo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức nhằm giới thiệu nhiều phương diện của Việt Nam với thế giới. Vị trí quan trọng trong sự nghiệp của ông là Tổng Biên tập của Nhà xuất bản Ngoại văn, nay là Nhà xuất bản Thế giới, và của Vietnamese Studies, một tạp chí nghiên cứu khoa học uy tín trong hai ấn bản tiếng Anh và tiếng Pháp.

Hữu Ngọc đã kết kinh kinh nghiệm đọc sách thời niên thiếu trong ba mươi bài báo đã đăng rải rác trên báo Sức khỏe & Đời sống số cuối tuần, cơ quan ngôn luận của Bộ Y Tế Việt Nam, nơi ông là cộng tác viên quan trọng từ năm 1998, rồi sau đó được đóng thành hai tập sách Cảo thơm lần giở được Nhà xuất bản Kim Đồng, cơ quan xuất bản của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, in năm 2020. Thuật chuyện của ông tiết lộ kinh nghiệm đọc, hoạt động có ý thức và được rèn luyện cao độ, của nam sinh trong thời Pháp thuộc, thông qua sở nghiệm của chính ông với các quyển sách cụ thể.

Thuật chuyện của Hữu Ngọc có hiệu lực bởi vì, trước hết, ông không kể chúng có chủ đích. Ngược lại, ông đã vô tình viết lại sở nghiệm của ông khi có dịp, với đặc quyền là một cộng tác viên chủ chốt của tờ báo, quay trở lại với một số tác giả, tác phẩm quen thuộc. Thứ hai, Hữu Ngọc có thể miêu tả kinh nghiệm đọc phần nào hỗn độn của mình nhờ sự nhạy cảm của ông đối với địa hạt ý nghĩa chủ quan và liên chủ quan. Tuy vậy, phẩm chất này nơi Hữu Ngọc không phải là thành tựu, nhưng đã được cắm rễ, như nhà phê bình văn học Trường Tửu (1913-1999) đã viết, trong tâm thức của mọi nhà văn Việt Nam (Trương Tửu, 2007, 27). Sự đổi mới không có chủ ý của Hữu Ngọc, nghĩa là, sự miêu tả dày kinh nghiệm đọc của ông, vì vậy, chỉ có thể được tạo ra dưới áp lực của tiến trình suy nghĩ và viết liên văn hóa trong hơn 80 năm hành nghề báo chí ngoại giao. Hiện tại, ông là người giữ mục “Gió Đông – Gió Tây: Sổ tay văn hóa Thế giới và Việt Nam” trên tuần báo Thế giới và Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Bộ Ngoại giao Việt Nam, từ năm 2020, gần như ngay sau khi xuất bản hai tập Cảo thơm lần giở.

“Các quyển sách màn chắn”

Những cuộc đọc của nam sinh Hữu Ngọc diễn ra phần lớn ở trường học, từ căn gác ọp ẹp trên phố Hàng Quạt khoảng năm 1923 hoặc 1924 tới lớp Tú tài Ban Triết học Tây ở Trường Bưởi, nay là Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An. Các địa điểm này là bối cảnh của 24/30 bài. Trong số 30 bài đó, ông nhắc tới 24 tác giả nổi bật, mà trong số họ, có tới 12 người Hữu Ngọc chỉ được nghe các thầy giảng, nhưng chưa bao giờ đọc chính văn. Kinh nghiệm này hình thành nên “các quyển sách màn chắn” trong ông, “bao gồm lượng lớn những gì người đọc biết hoặc tin là biết về quyển sách” (Bayard, 2010, 47). Các quyển sách màn chắn của Hữu Ngọc, nói khác, đều là “ảo tượng được đồng thuận” (Bayard, 2010, 47) được đem lại cho ông qua trung gian các ông thầy. Hoạt động tinh thần đó, thật thế, là then chốt cho quá trình thụ đắc kiến thức của ông.

Khi ông khoảng năm hoặc sáu tuổi, gia đình cho ông nhập học tại một lớp tư thục dạy chữ Hán, được xem như bộ phận then chốt trong nền giáo dục Việt Nam trước khi người Pháp xâm lược, trên phố Hàng Quạt, Hà Nội. “Ông tôi đỗ Tú tài Nho học. Bố tôi học chữ Nho và cả chữ Tây để đi làm. Tôi cũng học thầy đồ hồi 5, 6 tuổi” (Hữu Ngọc, 2020a, 395). Thầy đồ dạy chữ Hán buộc Hữu Ngọc sáu tuổi học thuộc lòng Tam tự kinh, ở đó mở đầu là luận đề về con người được biết tới nhiều nhất trong Sách Mạnh Tử: “nhân chi sơ, tính bản thiện”. “Thầy nghiêm lắm, dạy vài thằng trẻ ranh mà bên mình luôn có cái roi mây để quất [nếu chúng không thuộc bài]. Về nhà, sợ quên [phải chịu] ăn đòn, tôi vừa ngủ gật vừa ê a ‘Nhân chi sơ, tính bản thiện’” (Hữu Ngọc, 2020b, 57). Là một đứa trẻ, Hữu Ngọc chỉ có thể lặp lại những lời đó như một con vẹt, chứ không thể hiểu nổi mệnh đề triết học gây tranh cãi trên. Sau một năm học chữ Hán, đi theo phong trào giáo dục kiểu Pháp, vào năm 1924, bố Hữu Ngọc đã đưa cậu vào học một lớp quốc văn, rời xa gác xép dạy chữ Nho. Mười hai năm sau, Hữu Ngọc học triết với thầy P. Foulon, nhân vật trở lại trong ít nhất bốn bài báo của ông, trong chương trình Tú tài tại Trường Bưởi. Tới khi đó ông mới biết đoạn trích lừng danh trong Tam Tự Kinh mà mình phải học thuộc lòng được trích từ đâu trong lúc thầy Foulon so sánh mệnh đề này với luận đề triết học của Jean-Jacques Rousseau (Hữu Ngọc, 2020b, 57). Dẫu vậy, điều Hữu Ngọc biết được năm 18 tuổi, xét cho cùng, không hẳn quan trọng. Điều cốt yếu là ông cần tiếp thu ảo tưởng được xã hội đồng thuận về nội dung của các quyển sách, như nền tảng của quá trình xã hội hóa thứ cấp, bắt đầu từ về Sách Mạnh Tử.

Năm 1932, ở tuổi 14, trong chương trình trung học tại Trường Bưởi, Hữu Ngọc lần đầu biết tới một trong các loại hình tình yêu của huyền học phương Tây là tình yêu Platonic: thuần tinh thần, lý tưởng, không ham muốn thân xác. Ảo tưởng xã hội được đồng thuận về ý nghĩa của những quyển sách mà ông chưa đọc của Plato đã được hiện ra dành cho ông, dẫu lúc đó ông chưa từng yêu. Sự thụ đắc khó nhằn tình yêu Platonic đòi hỏi các điều kiện xã hội tương ứng. Thật thế, tại thời điểm đó, bầu không trí trí tuệ miền Bắc Việt Nam nằm trong bóng tỏa của một tiểu thuyết bán chạy, mà nhan đề của nó lấy cảm hứng từ Nam Hoa Kinh của Trang Tử: Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng (1896-1947) đăng dài kỳ trên tuần báo Phong hóa từ năm 1932. Tiểu thuyết này, ở một mức, đã đảo ngược câu chuyện của một vở kịch kinh điển Việt Nam, Quan Âm Thị Kính. Thị Kính và Lan – nhân vật chính của tiểu thuyết năm 1932 – là hai người phụ nữ thất bại trong cuộc sống thường nhật, sau đó giả trai để trở nên nhà sư Phật giáo. Thị Mầu, con gái của một gia đình giàu có, đã yêu Thị Kính nhưng bị từ chối. Sau đó, cô trả thù bằng cách tuyên bố điều bất công đáng xấu hổ và không thể chịu đựng được đối với Thị Kính. Ngược lại, Lan chân thành yêu Ngọc, một người hành hương đến chùa nơi cô tu tập. Cuối cùng, họ lựa chọn không bao giờ trở nên người yêu thực sự. Vì vậy, tình yêu của họ luôn là lý tưởng. Mối tình của Lan và Ngọc trong tiểu thuyết năm 1932 có thể đồng cảm với thái độ tinh thần của Hữu Ngọc đối với tình yêu thông qua việc ông đã chấp nhận tình yêu Platonic, vốn là đi ra từ những quyển sách của Plato mà ông không đọc. Nói cách khác, ý nghĩa về ảo tưởng được đồng thuận về các quyển sách màn chắn của Hữu Ngọc là khả tri nếu nhà nghiên cứu nối chúng với các điều kiện vật chất và trí tuệ của xã hội Hữu Ngọc đang sống khi đó.

Trong một số trường hợp khác, các thầy giáo đã thúc giục Hữu Ngọc đọc một số văn bản, nhưng cậu không muốn biết thêm. Một giáo viên tiếng Pháp tại Lycée du Protectorate khuyên cậu đọc các đoản luận của triết gia Alain để học một tiếng Pháp ngắn gọn, rạch ròi và lôi cuốn. Dẫu vậy, học trò Hữu Ngọc đánh giá rằng thầy cũng nói về các văn bản tưởng tượng mà thầy chưa đọc bởi vì mức lương tiêu chuẩn của một giáo sư trung học bản xứ không đủ để có thể thường xuyên đặt mua các báo đăng các đoản luận của Alain (Hữu Ngọc, 2020a, 13).

Hữu Ngọc, vào thời điểm đó, đã theo học tại Trường Bưởi để rèn luyện sao cho vượt qua kỳ thi Tú tài ban triết học Pháp. Tuy nhiên, các quyển sách triết học không thu hút sự chú ý của ông. Ông do đó chấp nhận một cách máy móc các ảo tưởng được đồng thuận về những quyển sách sách triết học mà ông chưa đọc, được mang đến cho ông bởi thầy P. Foulon, “một trí thức uyên thâm, rất có cảm tình với Việt Nam […] lập dị, đề cao nhiều triếu gia có khuynh hướng khác nhau, nhưng đều có lập trường cá nhân chủ nghĩa cực đoan” (Hữu Ngọc, 2020b, 139). Foulon, trong năm học 1938-39, say sưa giảng về các văn bản của Diderot, Nietzsche và trên hết là triết gia thời thượng Bersgon nhưng không thể gây ấn tượng với Hữu Ngọc. Plato dường như là triết gia phương Tây duy nhất, một cách trớ trêu, đã thu hút được sự chú ý của cậu học sinh Hữu Ngọc bất chấp những nỗ lực lôi kéo bền bỉ các thầy giáo ở các cấp học.

Bổn phận phải đọc

Là một học sinh, Hữu Ngọc không thể thoát khỏi bổn phận phải đọc, “đặc biệt dành cho một số văn bản kinh điển” (Bayard, 2010, xiv). Thực vậy, cậu buộc phải đọc các đoạn trích của 12 tác giả, bằng với lượng tác giả mà anh chỉ được từ các bài giảng. Ý nghĩa chủ quan của hoạt động này do đó khác với của kinh nghiệm của cậu với những quyển sách màn hình.

Cậu định đọc đi đọc lại David Copperfield , theo lời khuyên của giáo sư tiếng Anh tại TrườnG Bưởi, Lohéné. Sự đồng cảm của cậu với tiểu thuyết có tính chất tự truyện của Dickens sẽ được tiết lộ khi ông bàn tới thể loại tiểu thuyết yêu thích và hoàn cảnh việc ông đã đọc Meditations của Marcus Aurelius. Tôi sẽ viết về điều này ở mục sau.

Tiểu thuyết Những tấm lòng cao cả của nhà văn Ý Edmondo De Amicis xuất hiện lầu đầu với ông như một đoạn trích từ Quốc văn giáo khoa thư do nhóm Trần Trọng Kim (1883-1953) soạn, một sách khoa khoa chính thống cho bậc tiểu học của Nha học chính Đông Dương. Quốc văn giáo khoa thư dạy cậu nam sinh các bài học về đạo đức, về “tình yêu ông bà, bố mẹ, anh chị em, bạn bè, xóm làng, thầy giáo, cái vui của nhà trường, cái đẹp thôn quê, một số nhân vật anh hùng dân tộc” (Hữu Ngọc, 2020A, 16). Những tấm lòng cao cả cũng dạy cậu bài học tương tự. Hơn nữa, cậu đã tìm thấy nơi quyển tiểu thuyết này một giá trị cốt lõi không xuất hiện trong Quốc văn giáo khoa thư: lời ngợi ca về “tính dân chủ và bình đẳng [đối với] (…) đồng bào” (Hữu Ngọc, 2020a, 17). Do đó, việc đọc Những tấm lòng cao cả là một trong những bài học vỡ lòng cho ông về tinh thần hiện đại, ở đây là nền đạo đức tư sản.

Ngược lại, nhiều tác phẩm bị ép đọc có thể làm ông rất nhớ, nhưng không thể không lãnh đạm. Châm ngôn của La Bruyère, nói rộng, gần như mọi tác phẩm triết học, làm anh tú tài triết học tương lai thờ ơ. Một truyện ngắn Con cánh cam vàng và một bài thơ Con quạ của Poe, được đọc trong lúc thời trung học, khoảng năm 1932 tới 1935, không làm ông chú ý. Nhiều quyển sách các thầy bắt Hữu Ngọc phải đọc và thậm chí học thuộc lòng đã không tác động đáng kể đến ông sau này dẫu ông vẫn thừa nhận “cái gì học từ thời niên thiếu thường đọng lại trong trí nhớ có khi suốt đời (Hữu Ngọc, 2020a, 177). Thầy F. Foulon, trong năm 1938, “rất ca ngợi Pascal và cho chúng tôi đọc thuộc lòng một số đoạn văn của triết gia” (Hữu Ngọc, 2020b, 161). Sau đó rất lâu, Hữu Ngọc, khi đó đã là một nhân vật quan trọng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã đến Cộng hòa Dân chủ Đức chữa bệnh, và may mắn tìm thấy trong phòng bệnh của ông tập Pensées of Pascal. Hoàn cảnh đó là lần đầu tiên ông tự nguyện đọc Pascal, sau hơn nửa thế kỷ từ những giờ giảng của thầy F. Foulon: “rỗi rãi, tôi có thì giờ đọc toàn tập và suy ngẫm, hiểu thêm ít nhiều về Pascal” (Hữu Ngọc, 2020b, 161). Ông dẫu vậy không hề có ý định dành thời gian nghiên cứu về Pascal. Do đó, ở một mức, hiểu biết của ông về Pascal vẫn giữ nguyên như nó đã hình thành từ các bài giảng của thầy Foulon vào năm 1938.

Những cuộc đọc bên ngoài trường học

Trong 30 bài báo Hữu Ngọc bàn về kinh nghiệm đọc thời niên thiếu, tồn tại 12 thuật lại sở nghiệm của ông với các quyển sách màn hình, và 12 bài báo khác miêu tả nghĩa vụ phải đọc của ông ở trường. Sáu bài báo còn lại trong tuyển tập in năm 2020 thuật lại những cuộc đọc tự nguyện của cậu thiếu niên Hữu Ngọc ngoài lãnh địa giáo dục chính thức. Hoạt động đọc diễn ra trong dạng không gian đặc biệt này đã rèn luyện một cách có chủ đích sự hình thành chủ thể tính và cá nhân tính nơi Hữu Ngọc.

Truớc nhất, ông đã đọc các tiểu thuyết theo sở thích thông thường của con trai thời đó. “Thời thanh niên, tôi vốn thích đọc truyện trinh thám và truyện phiêu lưu” (Hữu Ngọc, 2020b, 187). Vì vậy, các quyển sách cậu say mê chắc chắn là loạt truyện về Sherlock Holmes và Arsene Lupin. Việc ông gắn bó lâu dài với David Copperfield , một cuốn tiểu thuyết được viết dưới dạng phiêu lưu, mà tôi đã bàn ở phần trên, vì vậy, có thể hiểu được. Cậu cũng là đọc giả chuyên cầu của ba cuốn tiểu thuyết phiêu lưu tiếng Anh kinh điển: Robinson Crusoe, Đảo giấu vàng, Gullivier phiêu lưu ký. Cậu thiếu niên 11, 12 tuổi Hữu Ngọc nằm dưới chăn, say mê đọc Gulliver trong bản dịch tiếng Viẹt của Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) “trong bộ sách rẻ tiền Âu Tây tư tưởng” [của Nguyễn Văn Vĩnh và các con]” (Hữu Ngọc, 2020a, 162). Từ đó, Hữu Ngọc khi còn là một cậu bé, đã được giáo dục về black humor, về phớt tỉnh Ăng-lê, như một phẩm chất Anh trong sự đối lập với giá trị các Pháp. Kinh nghiệm đọc này đã mở mắt cậu rằng thế giới phương Tây còn rất nhiều điều khác hơn các giá trị Pháp đã chi phối hầu hết các chương trình giáo dục khả thi dành cho cậu vào lúc đó.

Thứ hai, ông lựa chọn đọc đi đọc lại nhiều lần một quyển sách triết học: Meditations của Marc Aurelius. Quyển sách này đối với nam sinh Hữu Ngọc có thể được đặt ở khu vực trung gian giữa nhà trường và bên ngoài trường học. Sau khi kết thúc năm học 1929-30 tại một ngôi trường trên phố Hàng Than, cậu được tặng thưởng một số cuốn sách, trong đó gồm Meditations . Ông sau này không nhớ mình đã đọc Meditation trong bản dịch tiếng Pháp hay tiếng Việt. Bản dịch tiếng Việt đầu tiên của cuốn sách Aurelius là của Phạm Quỳnh (1892-1945), được xuất bản trong tủ sách “Âu Châu tư tưởng” vào năm 1931. Vì vậy, nếu trí nhớ của Hữu Ngọc chính xác, thì ấn bản Meditation mà ông được trao tặng không thể là bản dịch tiếng Việt, nhưng cần là bản dịch tiếng Pháp. Đó là quyển sách triết học duy nhất mà Hữu Ngọc chăm chú và tình nguyện đọc trong thời học sinh. Ông đã nói về một lý do chủ quan của kinh nghiệm đọc này. “Vì nó mồ côi mẹ, ngại chơi với các bạn khỏe hơn và nghịch ngợm hơn, nên cảm thấy cô đơn, cái gì cũng đọc” (Hữu Ngọc, 2020a, 29). Thời niên thiếu của ông, trong một số mặt, quen thuộc với nhân vật David Copperfield và nhà văn Dickens. Do đó, ông có thể dễ dàng bị ấn tượng bởi David Copperfield . Khi vào học tại Trường Bưởi, cậu thiếu niên nhiều lần đọc lại Meditations như một bài tập “để học cách tăng cường nghị lực, làm chủ bản thân và tìm được thanh thản trong tâm hồn” (Hữu Ngọc, 2020a, 29). Sự chăm chú của Hữu Ngọc hướng tới Meditations, và ở một mức nào đó, tới triết học khắc kỷ cổ điển, có thể được hiểu là một sự đào luyện tinh thần theo hướng cá nhân luận trong tình thế cá nhân và xã hội căng thẳng thời ấy. Quá trình đào luyện tinh thần khắc kỷ của cậu nam sinh Hữu Ngọc mang ý nghĩa chủ quan như vậy.

Dẫu vậy, sự rèn luyện cá nhân luận theo khuôn khổ học thuyết khắc kỷ không thể thay đổi nỗi buồn nản của cậu thiếu niên, nó có lý do thực sự từ chế độ thực dân. Ông “sống ngột ngạt trong xã hội nhàm chán, giả dối, tôi tìm sự thoát li trong thiên nhiên và mong muốn sống một cuộc đời giản dị. Cậu học sinh nuôi ý muốn đi dạy ở miền núi, lấy một cô sơn nữ” (Hữu Ngọc, 2020b, 391). Thật thế, cậu không thể hiện thực hóa mục tiêu của mình theo phương hướng cá nhân luận, cho nên muốn chạy trốn tới núi hoặc rừng với tư cách một địa điểm chân thực và thuần khiết. Hơn nữa, tuyên bố của Hữu Ngọc có thể được bối cảnh hóa trong ánh nhìn của tầng lớp xã hội của ông, những tiểu tư sản thành thị, đã được kết tinh trong các tiểu thuyết Việt Nam nổi tiếng từ đầu những năm 1930 đến đầu những năm 1940, mà ông có thể biết, về núi rừng. Người vợ tưởng tượng của ông, và nói rộng, “sắc dân thiểu số vốn được nhìn [bởi giới trí thức thành thị] như những người biệt lập, hoang dã” (Mai Anh Tuấn, 2016). Vì vậy, ở một mức nào đó, viễn cảnh không tưởng đó, cũng như kinh nghiệm đọc các tiểu thuyết núi rừng khả thi của ông, có thể được hiểu như kết quả của tiến trình kiến tạo xã hội trong thời đại của thiếu niên Hữu Ngọc.

Tài liệu tham khảo

Baran, Paul. 1961. “The Commitment of the Intellectual”. Monthly Review.

Bayard, Pierre. 2010. How to Talk About Books You Haven’t Read. Bloomsbury. USA.

Hữu Ngọc. 2020a. Cảo thơm lần giở: quyển 1. Nxb Kim Đồng. Hà Nội.

Hữu Ngọc. 2020b. Cảo thơm lần giở: quyển 2. Nxb Kim Đồng. Hà Nội.

Mai Anh Tuấn. 2016. “Lời tựa”. trong: Lan Khai. Truyện đường rừng. Nhã Nam & Nxb Hội nhà văn. Hà Nội.

Trương Tửu. 2007. Tuyển tập nghiên cứu, phê bình. Đông Tây & Nxb Lao động. Hà Nội.

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ