Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Quá trình nhận thức về nhà nước pháp quyền tại Việt Nam từ 1991 đến nay (1)

Thang Văn Phúc

Published on

Thang văn PhúcNguyễn Thị Doan

Quá trình nhận thức về nhà nước pháp quyền tại Việt Nam từ 1991 đến nay (Phần 1, Phần 2)

1. Nhận thức chung 

Ngày nay, khi nghiên cứu về cơ cấu tổ chức  xã hội phát triển, các nhà khoa học và chính trị ở Việt Nam đã nhận thức được rằng: xã hội nào cũng được cơ cấu bởi ba bộ phận như ba chân kiềng được gọi là tam giác phát triển (hay 3 trụ cột phát triển trong “Báo cáo Việt Nam 2035” đã xác định ) bao gồm: Kinh tế, nhà nước và khu vực phi nhà nước (khu vực xã hội theo nghĩa hẹp). Theo đó, trong một xã hội hiện đại văn minh và dân chủ thì: (i) thể chế kinh tế phải là kinh tế thị trường; (ii) Nhà nước phải được tổ chức và vận hành theo các nguyên tắc pháp quyền (nhà nước pháp quyền) và (iii) khu vực xã hội phải được thừa nhận, bảo vệ với  vai trò tích cực của chúng là khu vực xã hội dân sự.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, tam giác phát triển này đã có điểm khác so với những nhận thức về những giá trị chung và phổ quát của nhân loại. Theo đó, Kinh tế thị trường được định hình là kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nhà nước pháp quyền chủ yếu thường được hiểu là bộ máy nhà nước XHCN, của dân, do dân, vì dân; còn xã hội dân sự vẫn chưa được chính thức sử dụng trong các văn bản chính trị, pháp luật.

Từ nền tảng kinh tế- xã hội và tư tưởng trên đây và để hiện thực hóa đường lối đó của Đảng Cộng sản Việt Nam, giới học thuật và hoạch định chính sách ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu và đạt được không ít những bước tiến về nhận thức lý luận, thể hiện cái chung của nhân loại và cái riêng của thể chế chính trị ở Việt Nam. Một số bước tiến nhận thức đã và đang được hiện thực hóa trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước. Tuy nhiên, xuất phát từ quan niệm truyền thống và lịch sử, đặc biệt khi nhấn mạnh cái riêng của Việt Nam trong mối quan hệ với cái chung của nhân loại thì “nhận thức vẫn còn là một quá trình”, do đó, mô hình tổ chức “nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” cũng còn những vấn đề chưa rõ và tiếp tục nghiên cứu.

2. Cơ sở kinh tế thị trường của nhà nước pháp quyền

Vấn đề hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là cơ sở của nhà nước pháp quyền Việt Nam cần đặt trong lý luận và thực tiễn trong nước. Để chuyển sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã phải trải qua một chặng đường dài tìm tòi, đấu tranh và thỏa hiệp về tư duy lý luận, lý tưởng và nhận thức khoa học. Đến nay, những nhận thức lý luận về kinh tế thị trường đã đạt được là:

– Kinh tế thị trường không phải là riêng hay con đẻ của chủ nghĩa tư bản; nó là cách tổ chức và vận hành một nền kinh tế tiên tiến và có hiệu quả nhất cho đến nay. Bản thân nó có các quy luật vận động nội tại như cung cầu, cạnh tranh, giá trị và không chấp nhận sự can thiệp của nhà nước, trừ khi nó không thể tự điều chỉnh được. Sự can thiệp thái quá của nhà nước dẫn tới làm méo mó nền kinh tế thị trường và đưa tới những hậu quả nhãn tiền. Nhận thức này cũng đã được xác định rất rõ ở Việt Nam, cho dù nó vẫn còn có ý kiến khác nhau. Từ đây, quan niệm về cải cách để có “nhà nước nhỏ, xã hội lớn” hay “nhà nước cầm lái, không chèo thuyền” trên thực tế đã trở thành nhận thức chung được thể hiện trong đời sống kinh tế và trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Việt Nam.

– Trong kinh tế thị trường, quyền lực nhà nước (quyền lực công cộng) phải tự kiềm chế, buộc phải trở về đúng vị trí của nó và nhường chỗ cho quyền tự do kinh doanh, được ghi nhận trong Hiến pháp, theo đó, người dân và các doanh nghiệp được tự do làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm đây là một nguyên tắc điển hình trong nhà nước pháp quyền. Mọi giới hạn của quyền tự do kinh doanh vì những mục tiêu hiến định đều phải được tiến hành theo những trình tự và thủ tục pháp lý nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, động lực phát triển của kinh tế thị trường là cạnh tranh. Vì vậy, Nhà nước trong kinh tế thị trường phải bảo vệ và bảo hộ cạnh tranh công bằng, chống và cấm mọi hành vi sử dụng quyền lực nhà nước can thiệp làm méo mó thị trường .

– Trong kinh tế thị trường, nhà nước có thể tham gia vào thị trường cạnh tranh nhưng phải lưu ý:

+ Nhà nước là đại diện của chủ sở hữu doanh nghiệp phải được tách bạch với chức năng và vai trò của Nhà nước với tính cách là chủ thể của quyền lực công .

+ Mọi doanh nghiệp có vốn của nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật và được sự quản lý của nhà nước. Kinh tế thị trường cấm mọi sự phân biệt đối xử về chính sách, về pháp luật và về quản lý.

Tuy nhiên, thể chế kinh tế thị trường, nhìn từ góc độ quan hệ với nhà nước, có một số vấn đề  cần làm rõ như sau:

Một là, Mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là mô hình quốc gia cụ thể mà không có tiền lệ trong lịch sử kinh tế thị trường. Sau nhiều thập kỷ triển khai thực hiện, mô hình này vẫn chưa được hình dung và thiết kế chi tiết;

Hai là, mong muốn lấy kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo làm dấu hiệu nổi trội để “định hướng xã hội chủ nghĩa” còn để lại nhiều vấn đề. Bởi lẽ, (i) xét về lý thuyết cũng như như thực tiễn, không có một nền kinh tế thị trường nào mà ở đó, khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; (ii) nhà nước luôn có chức năng xã hội nên việc nhà nước tham gia thị trường là cần thiết nhưng cơ bản không vì mục tiêu kinh tế, nhà nước không làm kinh tế; (iii) nếu lấy năng xuất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo thì khu vực kinh tế nhà nước ở mọi nơi, trong đó có Việt Nam chưa bao giờ vượt trội và (iv) tính chủ đạo của một thành phần kinh tế trong thị trường không thể đo bằng tỷ trọng đầu tư xã hội vào nền kinh tế. Khu vực này chiếm tỷ trọng càng lớn thì, do kém hiệu quả, nên lãng phí xã hội càng nhiều và như thế, nó mâu thuẫn với nguyên lý “nhà nước nhỏ, xã hội lớn”.

Ba là, Mặc dù nhận thức lý luận đã tương đối rõ và trên thực tế nó đang dần đi vào chính sách và pháp luật trong trật tự nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, hành động thực tế vẫn còn khoáng cách khá xa với nhận thức lý luận thậm chí so với yêu cầu của Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể là:

– Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, các thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam (trong đó có hệ thống tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước) chưa được hoàn thiện, còn lạc hậu so với yêu cầu của kinh tế thị trường, của hội nhập kinh tế, cũng như của chính tư tưởng chính sách kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của nhà nước. 

– Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế chưa thực sự có chuyển biến mạnh mẽ theo kịp tư duy và yêu cầu của thể chế  kinh tế thị trường. Nhà nước đang chuyển từ vai trò quản lý , “cai trị”, sang vai trò phục vụ, vai trò kiến tạo phát triển, chính phủ kiến tạo – hành động, đang là phương châm tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, của xã hội hiện nay.

– Quan trọng hơn cả là mô hình và kịch bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa được định hình rõ nét. Các nghiên cứu và tìm tòi về lý luận vẫn chưa có bứt phá sáng tạo con đường phát triển phù hợp.

(Bài viết này là một phần bài tham luận của hai tác giả tại Hội thảo “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong điều kiện mới”, Hà Nội, Ngày 24/10/2020. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ biên tập)

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ