Lịch sử Việt-Mỹ
Phụ Nữ Viết Văn Thời Cộng Hòa
Published on
By
Trùng Dương(Một số tạp chí văn nghệ xuất bản ở Miền Nam Việt Nam trước 1975, trưng bầy trong buổi hội thảo hai ngày về 20 Năm Văn Học Miền Nam, tháng 12 năm 2014 tại Westminster, California. Ảnh Trùng Dương)
Trong số những tài liệu về các cây bút phái nữ trong văn học Việt Nam trước 1975 cho tới nay tôi thấy chỉ có bài biên khảo công phu của Tiến sĩ Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, tựa là “Các Nhà Văn Nữ Nam Việt Nam, 1954-1975,” xuất hiện lần đầu trên tạp chí Vietnam Forum số 9, 1987 của Đại học Yale, là có vẻ đầy đủ và bao gồm hơn cả.(1)
Về bài biên khảo ‘Các Nhà Văn Nữ Miền Nam’
Tưởng cũng nên phác qua bối cảnh trong đó bài biên khảo này được thực hiện. Vào đầu thập niên 1980, Southeast Asia Council thuộc Đại học Yale phối hợp với American Council of Learned Societies, với sự tài trợ của Ford Foundation, National Endowment for the Humanities và Henry Luce Foundation, đứng ra kêu gọi đề án nghiên cứu về Nam Việt Nam, với học bổng cho mỗi đề án là $25,000, hoàn tất trong vòng một năm. Trong số những đề án được chọn trong năm 1984 có ba đề án liên quan đến văn học: một của nhà văn Võ Phiến để nghiên cứu về văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975; một của học giả Nha Trang đặc biệt tập trung vào các cây bút phụ nữ Miền Nam trong cùng thời khoảng; và một của năm nhà báo, đứng đầu là Đỗ Ngọc Yến, dự tính nghiên cứu về báo chí Miền Nam cũng trong cùng thời kỳ.
Nhóm nghiên cứu báo chí Miền Nam của nhà báo Đỗ Ngọc Yến (1941-2006) không biết vì lý do gì đã không hoàn tất. Hai dự án đầu thì đã thành tựu, với kết quả là cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, 1954-1975 của Võ Phiến (1925-2015) ra mắt lần đầu vào mùa hè năm 1986, và trước sau đã xuất bản bốn lần (sách giấy), vào các năm 1986, 1988, 2000 và 2014.(2) Bài biên khảo về các nhà văn nữ của học giả Nha Trang (hoàn tất nghiên cứu trong vòng sáu tháng với một nửa khoản tài trợ như đơn nạp) thì chỉ mới xuất hiện trên Vietnam Forum, sau này được tác giả hiệu đính và bổ túc thêm và đăng trên trang nhà của tác giả.
Trong bài biên khảo dài gần 30,000 chữ này, tác giả vẽ lại khung cảnh và những khuôn mặt cầm bút phái nữ của Miền Nam trong vòng 21 năm khi, từ thập niên 1960, họ thực sự có cơ hội phát triển và trở thành những ngòi bút chuyên nghiệp, có thể sinh sống và cưu mang gia đình bằng ngòi bút của mình. Ngoài ra, tác giả còn vẽ lại khởi thủy của nền văn học phái nữ khi giới thiệu những ngòi bút (lông) của các nữ sĩ tiền bối, như các bà Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, qua thời chữ Quốc ngữ được dùng làm chữ viết chính thức vào đầu thế kỷ 20, với các cây bút (sắt) tiền bối, như Tương Phố, Thuỵ An, Mộng Sơn, Thiếu Mai Vũ Bá Hùng, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo và nhiều khuôn mặt nữ văn/thi sĩ khác. Bài biên khảo, dù được viết ra gần 40 năm trước, vẫn có cái giá trị tài liệu đứng vững với thời gian, cung cấp khởi điểm cho những ai muốn nghiên cứu thêm về một giai đoạn văn học có thể nói là độc đáo này.
Dự án chuyển ngữ bài biên khảo ‘Các Nhà Văn Nữ…’
Từ hơn hai năm nay Trịnh Y Thư nuôi ý định dịch và in song ngữ bài biên khảo chưa được phổ biến rộng rãi này. Mục đích đầu tiên là giới thiệu một bài biên khảo nghiên cứu và tổng hợp công phu như một tài liệu văn học có thể gọi là độc nhất về một mảng văn học đặc biệt trong dòng văn học Việt tự do. Thứ hai là đưa ra một mẫu mực biên khảo có tính cách học thuật để những ai quan tâm có thể học hỏi hoặc dùng nó như một điểm khởi hành cho các đề tài nghiên cứu tương lai. Và cuối cùng, chúng tôi định sẽ cố hết sức dịch thật sát nghĩa khi nào có thể, để giúp cho giới độc giả muốn đồng thời trau giồi Anh ngữ. Trịnh Y Thư cũng đã xin được phép của tác giả Nha Trang, sau khi đã chạy lòng vòng tới tận Southeast Asia Council ở Đại học Yale vì chị Nha Trang nghĩ là nơi này giữ tác quyền do chỗ họ là một trong những cơ quan khởi xướng và hỗ trợ cho công cuộc nghiên cứu của chị. Tuy nhiên, đại diện của hội đồng này nói không có giấy tờ gì để minh chứng bản quyền là của họ, nên coi như tác quyền thuộc về tác giả bài biên khảo này. Về các tài liệu hỗ trợ cho bài biên khảo, trong một trao đổi qua điện thư gần đây, chị Nha Trang cũng cho biết những tài liệu thu thập được, kể cả hình ảnh và các bản chép lại (transcription) các băng phỏng vấn, thì chị đã nộp ngay sau khi hoàn thành nghiên cứu vào năm 1984 cho Indochina Studies Program thuộc Social Science Research Council ở New York.
Thực ra đây không phải là lần đầu bài biên khảo của chị Nha Trang được dự định dịch ra Việt ngữ. Cách đây khoảng 10 năm, cố luật sư Đoàn Thanh Liêm (1934-2018), theo lời yêu cầu của nhà văn Phạm Phú Minh lúc ấy đang làm chủ bút tạp chí Phụ Nữ Diễn Đàn, đã dịch tài liệu này và đăng báo được vài kỳ thì ngưng. Dự án dịch bị bỏ dở từ đó. Khi Trịnh Y Thư xây dựng nhà xuất bản Văn Học, anh có ý định dịch và in song ngữ, do đấy đã xin được phép của tác giả.
Từ đấy đã hơn hai năm trôi qua, TYT bận với những dự án khác. Nhân dịch một đoạn trong bài biên khảo bàn về Túy Hồng cho bài tưởng niệm khi chị qua đời vào tháng 7 năm 2020, tôi cảm thấy không nỡ cất đi một viên ngọc quí mà không đem ra chia sẻ với độc giả Việt ngữ, đặc biệt giới trẻ gần đây có nhu cầu tìm hiểu về văn học Miền Nam trước 1975. Nên đề nghị với TYT là nếu anh bận thì để tôi dịch và TYT sẽ hiệu đính — tôi vẫn trân trọng lối dịch thuật của TYT với việc dùng chữ rất chính xác, đôi khi anh sáng tạo được nhiều từ hay mà vẫn sát nghĩa, nên sẽ làm cho bản dịch tốt hơn, đặc biệt cho mục đích thứ ba của dự án như đã kể ở trên.
Nhân dịch bài về các nhà văn nữ của Miền Nam trong 21 năm cuộc đời ngắn ngủi của một Miền Nam tự do, và có dịp sống lại giai đoạn đó qua cái nhìn của một người đã sống ba phần tư thế kỷ, tôi xin đóng góp chút hồi tưởng về những gì mình biết và còn nhớ, và vài suy nghiệm cá nhân.
Phụ nữ viết văn thời Cộng Hòa
Nói về nhóm phụ nữ cầm bút thời đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt nhóm năm chị em chúng tôi gồm Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ và tôi, mà nhiều người trong giới văn học đặt cho hỗn danh là “Năm Nữ Quái”, có lần Hồ Trường An (1938-2020), em của Thụy Vũ, kể với chị Thụy Khuê là năm chúng tôi đã từng họp nhau bàn bạc chiến thuật này kia. Tôi không khỏi bật cười, bảo làm gì có chuyện đó, rằng anh chàng họ Hồ này hoặc đùa hoặc tưởng tượng miết rồi tưởng là thật. Đúng ra, chúng tôi rất ít liên lạc với nhau, chứ đừng nói chuyện họp mặt bàn bạc có vẻ chặt chẽ thân thiết như vậy. Trong suốt thời gian khoảng 10 năm cuối của thời Cộng hòa – thời mà tôi hay đùa gọi là “múa gậy vườn hoang” của giới cầm bút phái nữ –, chỉ có một lần duy nhất mà tôi nhớ được, không rõ năm nào, khi mấy chị em chúng tôi cùng đứng chung trên sân khấu của phòng trà Khánh Ly ở cuối đường Tự Do gần Bến Bạch Đằng, trong một dịp gây quỹ cho nạn nhân chiến cuộc hay bão lụt gì đó.
Mỗi người chúng tôi dạo ấy đúng ra là một hòn ốc đảo, phần lớn vì ai cũng phải kiếm sống và bận con cái còn nhỏ, nhất là khi bốn chị kia đều đã xoay ra viết văn chuyên nghiệp, mỗi người ôm mấy cái truyện dài đăng báo từng kỳ mỗi ngày, ngoài việc chăm nom nhà xuất bản của riêng họ – Nhã Ca, Thụy Vũ và cả Nguyễn Thị Hoàng đều có nhà xuất bản riêng. Vả, ai cũng còn bận lo cho gia đình. Riêng Thụy Vũ và tôi, vì ở gần nhà nhau ở khu Chợ Vườn Chuối trên Đường Phan Đình Phùng ở Sài Gòn, lại cả hai cùng độc thân, nên có đi lại thăm nhau thường hơn. Dù vậy, hai chúng tôi rất ít khi bàn chuyện viết lách, một phần cũng vì viết truyện là một hành trình đơn độc, không thể chia sẻ được, ít ra đó là lối của tôi và có lẽ của một số người cầm bút khác. Chưa kể, một khi đặt bút, cá nhân tôi thường chẳng biết được liệu mình có đi được đến cuối đường khi chấm cái chấm hết. Tôi viết văn tài tử như thế đó – đi chơi còn có nơi đến, chứ mà mỗi khi tôi đặt bút viết truyện, tôi thực lòng không biết nơi đến của mình cho đến khi, nếu may mắn cuối cùng… đến. Khác với các bạn đồng nghiệp cùng thời, tôi không phải là một cây bút chuyên nghiệp vì không kiếm sống bằng ngòi bút. Chủ bút Văn hồi ấy, Trần Phong Giao (1932-2005), gọi tôi là cây bút xuân thu nhị kỳ. Dù vậy, có một lúc, vào cuối thập niên 1960, anh ta cũng xâm mình rủ tôi viết truyện dài cho Văn, hy vọng nhờ vậy tôi sẽ có được truyện dài đầu tay. Tôi về hí hoáy dàn dựng một số nhân vật và sơ lược truyện, lấy tựa là “Bầy Kên Kên”, mang nạp cho chủ bút. Anh xem, gật gù, khuyến khích, bảo viết đi. Tôi viết đâu được vài kỳ thì… lặn. Làm anh chủ bút phải xách Vespa đi tìm tác giả, khuyên răn, “khi viết nên chịu khó để ý tới động tác, tránh để nhân vật suy nghĩ nhiều quá dễ bị sa lầy.” Rút cục, khi không thấy tăm hơi tác giả đâu, chủ bút đành cáo lỗi “tác giả bận công tác, tạm ngưng.” Tội nghiệp ông chủ bút. Hồi ấy không chỉ mình tôi “bận công tác, tạm ngưng”, mà cả Tô Thủy Yên cũng “bận công tác” như thế, chính Trần Phong Giao than với tôi, khiến tôi cũng… bớt áy náy. Nhà thơ tên tuổi còn vậy, huống chi tôi, một kẻ đến sau.
Từ những nẻo đường và gốc gác khác nhau – ba người, Nhã Ca, Túy Hồng và Nguyễn Thị Hoàng đến từ Huế, Thụy Vũ sinh trưởng ở Miền Nam, và tôi gốc Bắc di cư – bọn “Năm Nữ Quái” chúng tôi, xấp xỉ tuổi nhau, với tôi nhỏ nhất, thường gặp nhau phần lớn trên các trang báo và sách truyện. Cái đặc biệt và dễ thương của giới văn nghệ là nhiều khi không quen nhưng như đã biết nhau từ lâu qua những gì đã đọc được của nhau, nên “tưởng như đã quen.” Chúng tôi viết phần lớn vì thích viết, vì nhu cầu bộc lộ, và vui khi được các tạp chí nhận đăng, có tí tiền nhuận bút bỏ bóp. Và nhất là vì hiển nhiên là chẳng có ai cấm cản gì, hay bảo đàn bà con gái không được viết văn vì đó là việc của đàn ông, và cũng không ai bảo chúng tôi phải viết gì và viết ra sao. Cái thời khi bố tôi phán, mới chỉ khoảng nửa thập niên trước đó thôi, là con gái không làm họa sĩ và làm họa sĩ để chết đói à, khi tôi vừa đậu xong hai cái tú tài, và trúng tuyển kỳ thi vào trường Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định, cũng đã qua. Và cũng đã qua rồi cái giấc mộng họa sĩ của tôi. Song tôi cần có chỗ trút ra tâm sự riêng. Tôi chọn viết vì… ít tốt kém — chỉ cần giấy, bút và bầu tâm sự biết-ngỏ-cùng-ai của mình thì đã có sẵn trong đầu. Một trong những truyện ngắn của tôi, truyện “Sao Rụng”, được tạp chí Bách Khoa chọn đăng. Sau đôi ba truyện nữa đăng trên vài tạp chí văn học khác, như Văn chẳng hạn, thế là tôi thành nhà văn mà không hề dự tính, và tôi lạc đường vào văn chương từ đấy.
Khác với bốn chị kia, tôi không có khả năng và sự kiên trì của các chị để viết truyện dài từng kỳ, gọi là feuilleton. Đúng ra tôi có thử, trước sau, ba lần cả thấy. Chỉ có một lần là viết xong, đó là truyện dài “Thành Trì Cuối Cùng” (1970), đăng trên nhật báo Thần Phong. Chủ đề được gợi hứng từ truyện “Người Đàn Bà Trong Cồn Cát” mà tôi vừa dịch xong (từ một bản tiếng Anh) của nhà văn Kobo Abe, nhà An Tiêm nhận xuất bản sau đó. Tiểu thuyết đăng từng kỳ này là về một cô gái trải qua một mối tình với một phóng viên ngoại quốc song từ chối theo người tình về nước anh ta để ở lại quê hương, hy vọng làm một cái gì đóng góp vào việc duy trì một Miền Nam tự do, mệnh danh là thành trì cuối cùng này. Tập bản thảo đã đánh máy lại, anh bạn nhà văn Nguyên Vũ ngỏ ý muốn để nhà xuất bản Đại Ngã của anh in, nên tôi giao cho anh. Vài bữa sau Nguyên Vũ đến gặp tôi, gãi đầu thú thật không biết để lạc bản thảo nơi nào trong một trong những chuyến đi nhậu say với bạn bè. Tôi chỉ biết cười trừ, gạt chuyện đó sang một bên, vì lúc đó cũng còn đang bận với tờ Sóng Thần.
Tóm lại, sự nghiệp văn chương của tôi, về lượng không là bao, so với của các chị Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ. Họ đã góp phần không nhỏ vào một hiện tượng đáng chú ý, đó là vào thời của chúng tôi, văn chương không còn chỉ là chuyện trà dư tửu hậu hay một trò giải trí cho vui của người cầm bút phái nữ như trong quá khứ, hay như những cây bút tiền bối không xa, như Mộng Sơn, Thụy An, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, là những nhà viết tiểu thuyết phái nữ đầu tiên, mà đã trở thành một nghề nghiệp hẳn hoi, nuôi sống được nhà văn và gia đình. Về khía cạnh sau này, thực ra các chị không phải là người tiên phong, mà trước họ đã có vài vị khác, nổi bật phải kể tới Bà Tùng Long (1915-2006), tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết vốn có gốc là tiểu thuyết đăng từng kỳ trên báo.
Miền Nam: mảnh đất ‘mầu mỡ’ cho văn học
Việc người cầm bút có thể sinh sống bằng nghề viết văn trong thời Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975) không chỉ diễn ra trong số các nhà văn nữ mà cả nam giới. Nhưng trong giới cầm bút phái nam thì không thể gọi là hiện tượng vì trong quá khứ, như trong thời tiền chiến (1930-1945), thời kỳ văn chương chữ Quốc ngữ nở rộ lần đầu, đã có nhiều nhà văn sống bằng ngòi bút của mình, qua các bộ môn tiểu thuyết, phóng sự, ký sự. Chỉ khi người phụ nữ vốn lâu nay chỉ sáng tác như một trò tiêu khiển, và nếu có lúc nào kiếm được lợi tức nuôi con cái thì không thể bằng ngòi bút, đã dùng ngòi bút để mưu sinh mới gọi là hiện tượng. Có nhiều lý do dẫn tới hiện tượng kể trên, mà tôi sẽ đề cập tới sau.
Nói chung về sự kiện văn học Miền Nam nở rộ và tỏ ra phong phú hơn cả thời văn học tiền chiến, căn bản hơn cả vẫn là chế độ chính trị tại Miền Nam tương đối tự do lúc ấy, trong đó có việc Miền Nam mở ra đón nhận các luồng tư tưởng thời đại quan trọng của thế giới thay vì khép kín như nửa phần kia của đất nước. Điều kiện căn bản này đã giúp dung dưỡng sự phát triển các sinh hoạt văn học nghệ thuật nói chung, và việc xuất hiện của nhiều cây bút phái nữ nói riêng. Thụy Khuê, có thể kể là nhà phê bình nữ đầu tiên của văn học Việt, trong bài biên khảo về văn học Miền Nam (3), nêu ra thêm hai yếu tố căn bản nữa làm nền tảng cho sự bùng phát dù ngắn ngủi song phong phú, đa dạng của văn học Miền Nam. Theo chị, ngoài một thể chế chính trị tự do, hai yếu tố căn bản đó là: 1) việc Miền Nam còn được nuôi dưỡng bởi nền văn học bằng chữ Quốc ngữ phong phú của Miền Nam (đã xử dụng loại chữ này trước Miền Bắc gần nửa thế kỷ); và 2) việc nền văn học này được thừa hưởng cái gia tài văn học tiền chiến đã cùng “di cư” với hàng trăm ngàn người Bắc vào Nam (trong khi bị khai trừ ở Miền Bắc từ sau 1954). Ba nền tảng – không khí tự do, kho tàng chữ Quốc ngữ lâu đời hơn ở Miền Nam, và gia tài văn học thời tiền chiến mang vào từ Miền Bắc – đóng vai trò như của một chiếc kiềng ba chân vững vàng, trên đó nền văn học Miền Nam phát triển.
Hiện tượng nhiều người cầm bút phái nữ dần dà trở thành nhà văn chuyên nghiệp – nghĩa là có thể mưu sinh bằng ngòi bút – diễn ra bắt đầu từ khoảng giữa thập niên 1960 là nhờ một số yếu tố.
Về phương diện chính trị, từ sau khi chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963), Miền Nam mất tới bốn năm trải qua nhiều xáo trộn chính trị do các tướng lãnh mải tranh chấp tranh giành quyền hành đảo chính chỉnh lý lẫn nhau, cho mãi tới năm 1967 mới tạm ổn định khi nền Đệ Nhị Cộng Hòa được thiết lập. Trong thời kỳ giữa hai nền Cộng Hòa, báo chí Miền Nam vốn bị kềm kẹp dưới thời nhà Ngô bỗng bùng phát chưa từng thấy trong lịch sử, hầu như không bị kềm tỏa. Có một lúc, vào khoảng một năm sau cuộc đảo chính tháng 11 năm 1963, số nhật báo xuất bản là 91 tờ, đấy là không kể tạp chí, còn gọi là báo định kỳ.(4) Hầu như mỗi đảng phái, mỗi nhóm đều cảm thấy phải có một cơ quan ngôn luận của riêng mình. Còn tạp chí, mỗi nhóm, phe, đoàn có một tờ tạp chí riêng làm nơi tụ họp, viết lách, xuất bản. Đây cũng là thời kỳ xẩy ra những vụ ám sát các nhân vật có tai mắt, tên tuổi của Miền Nam, trong đó là hai vụ nổi tiếng trong giới báo chí, đó là vụ ám sát ký giả Từ Chung của nhật báo Chính Luận, và vụ ám sát hụt nhà văn nhà báo Chu Tử lúc ấy là chủ nhiệm báo Sống, vào giữa thập niên 1960. Tôi có viết lại vụ Chu Tử bị ám sát hụt trong bài viết nhân tưởng niệm ngày giỗ thứ 38 của ông.(5)
Con số các nhật báo này theo thời gian và các biến đổi thời cuộc, tới 1967 thì hạ xuống còn khoảng 47. Sau biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, và với sự ra đời của Luật Báo Chí mới 007/72 nhằm thắt chặt việc kiểm soát báo chí hơn nữa của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, đặc biệt với điều luật đòi mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng, báo định kỳ 5 triệu đồng, con số nhật báo giảm xuống còn 29 tờ, gồm 17 tờ tiếng Việt, 11 tờ tiếng Hoa và một tờ tiếng Anh. Về tạp chí, còn gọi là báo định kỳ, từ con số hàng trăm xuống chỉ còn năm tờ có khả năng và đã đóng ký quỹ 5 triệu đồng. Số còn lại hoặc xin được miễn đóng ký quỹ, hoặc chuyển sang dạng “tuyển tập”, như tạp chí Văn, một hình thức của sách, không phải nạp ký quỹ, nhưng vẫn phải nạp kiểm duyệt qua hệ thống kiểm duyệt sách vốn khác với báo chí.
Mặc dù nhiều nhà biên khảo, phê bình thường tách báo chí ra khỏi văn học, nhưng tôi nhận thấy báo chí Việt ngữ ngay từ khởi thủy đã là nơi nuôi dưỡng nhiều tác phẩm văn học, hoặc sáng tác hay phóng tác, và cả dịch các tác giả nước ngoài đang ăn khách (như Kim Dung, Quỳnh Dao, chẳng hạn), nên việc tách rời này có phần nào gượng ép, nếu không nói là hơi kiêu kỳ về phía giới chuyên về văn chương. Điều này càng đúng với giai đoạn 20 năm văn học Miền Nam, đặc biệt từ sau 1963. Qua các báo, cả nhật báo lẫn tạp chí, người mới viết văn gửi bài, thường là truyện ngắn, nếu được chọn đăng, sau vài truyện được đăng báo, nếu đặc sắc, được một nhà xuất bản in và phát hành, thành nhà văn. Khi đã tạo được một tên tuổi nào đó, nhiều nhà văn được các nhật báo mời viết truyện từng kỳ, gọi là feuilleton. Đây là một đặc điểm của báo chí Miền Nam dạo ấy: dù là báo hàng ngày, song một trong những cách giữ chân độc giả là tiểu thuyết đăng từng kỳ.
Báo chí Miền Nam từ sau 1963 bùng phát như kể trên, ngoài một số là cơ quan của các nhóm hay đảng phái, một số ít có khuynh hướng chuyên nghiệp thực sự thì chú trọng vào thông tin và bình luận thời cuộc, còn thì phần lớn có tính cách thương mại. Dù chủ trương đường lối thế nào thì chủ báo nào cũng muốn báo sống. Muốn báo sống thì ngoài nhu cầu kiếm quảng cáo là nhu cầu giữ chân độc giả, có giữ được độc giả thì khách hàng quảng cáo mới thêm tín cậy để mua quảng cáo để nuôi báo. Và như đã nói ở trên, một trong những cách giữ chân độc giả là đăng tiểu thuyết, hay hồi ký, truyện phóng tác từng kỳ, hoặc truyện dịch.
Vào nửa sau của thập niên 1960, những cây bút như Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã thành danh, như là những viên ngọc hiếm, với văn phong hồn nhiên, và nội dung khai phá những góc cạnh thâm sâu của đời sống và tâm tình phái nữ lâu nay người cầm bút phái nam chỉ có thể tưởng tượng, do đấy có sức lôi cuốn độc giả. Các chị trở nên “đắt khách”, được mời viết feuilleton tới tấp. Mỗi người có khi viết tới hai, ba cái feuilleton. Thụy Vũ thường đùa là mình “đi khách” ở những tòa báo khác nhau, vì chị thường chạy từ tòa báo này qua tờ báo khác mỗi sáng, tìm một cái bàn trống ngồi viết vài trang mỗi ngày để nạp cho tờ báo đó.
Ngoài ra, việc các cây bút phái nữ trở nên “ăn khách” cũng do những đun đẩy của thời cuộc nữa, mà tác giả Võ Phiến, trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan đã nghịch ngợm mệnh danh đây là “Thời gian ủng hộ hồng quần.”
“Nhớ có lần, trên tạp chí Bách Khoa, Nguyễn Mộng Giác từng để ý đến hiện tượng ấy. Ông đặt ra một mốc thời gian: Đó là khoảng những năm 1965, 1966,” Võ Phiến viết trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan. “Trước đó lớp người chủ động trên văn đàn toàn gồm nam phái. Sau 1966, nữ phái xuất hiện ngày một nhiều: Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ v.v… Tên tuổi họ có mặt thường xuyên trên các tạp chí, nhật báo; có năm họ chiếm cả ba giải của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc; họ dẫn đầu số sách phát hành. Vào những năm cuối cùng của thời kỳ, hàng ngũ của họ lại được tăng thêm nữa: Trần Thị NgH, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Du Li, Vô Ưu…
“Tại sao vậy? Lại vẫn chiến tranh!” Võ Phiến viết tiếp. “Trong thời giặc giã làm thân trai chỉ có một đường, là chúi đầu vào sách vở, học liên miên, học ráo riết. Nhà nước ấn định số tuổi tối đa được hưởng hoãn dịch vì lý do học vấn, đến tuổi ấy mà không lên đến lớp ấy thì phải xếp sách đi vào quân trường. Cho nên con gái được phép hỏng thi, con trai thì không. Con trai hỏng thi có thể hỏng cả một đời. Văn chương thơ phú con trai không dám nghĩ tới, làm sao mà ra đời thành văn thi sĩ được. Đầu năm 1975 nha Sinh hoạt Học đường thuộc bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên có tổ chức một cuộc thi dành cho báo Xuân học đường. Giải nhất về tay trường Gia Long (Sài Gòn), giải nhì trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt): toàn trường nữ cả! Trong tổng số sáu giải thưởng, trường nữ chiếm hết bốn. Từ lớp 12 tiến lên thành cô tú, rồi ra đời, mấy chốc. Các cô tú lấn át các cậu tú mạnh đến thế, cứ đà này tương lai văn nghệ Miền Nam thuộc về nữ phái là cái chắc.” (tr. 55-57, Văn Học Miền Nam Tổng Quan)
Mỗi tiểu thuyết từng kỳ như vậy có thể đem về cho tác giả từ 15,000 đến 20,000 đồng mỗi tháng (vào cuối thập niên 1960, một đồng Mỹ kim trị giá 400 đồng Việt). Nếu “đi khách” (chữ của Thụy Vũ) đôi ba nhật báo thì sống khá ung dung thời đó. Trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến có dành khoảng bẩy trang, từ 57 tới 63, viết về mức sống của các nhà văn thời ấy, với những chi tiết độc đáo, vẽ lại khung cảnh sống và sáng tác của giới cầm bút Miền Nam.
Ở đây tôi không bàn tới nội dung hay nghệ thuật của loại tiểu thuyết đăng từng kỳ trên báo, mà chỉ muốn nói tới khía cạnh thực tế, đó là việc viết tiểu thuyết đăng báo từng kỳ giúp cho nhà văn phương tiện sống và vẫn có thể đồng thời tiếp tục viết. Đối với một người thích viết, thì việc có dịp viết mà không bị ai cấm cản hay chỉ đạo này kia, đã là một cái thú, mà lại viết ra tiền để sống, không phải làm một “nghề tay trái” để nuôi ngòi bút, như trường hợp của tôi và một số văn hữu khác, thì càng thú vị hơn, phải không?
Thú vị tới một lúc nào đó, đó là chuyện khác.
Ta hãy nghe Túy Hồng kể trong một bài phỏng vấn (6) sau này ở hải ngoại khi đã có đủ một thời gian dài nhìn lại quãng đời cầm bút trước 1975: “Tôi viết nhiều: truyện ngắn, truyện dài, viết tiêu đề nhạc, viết phiếm luận, tạp ghi, bình luận. Một năm rưỡi sau khi lập gia đình [năm 1967] là thời gian sanh sản. Và cũng là thời gian tôi viết nhiều nhất. Cứ cầm bút là tôi ngoáy như cầm đũa vậy. […] Truyện vừa viết xong, mực nhà báo chưa ráo, đã vội đưa cho nhà in, vì nhà xuất bản đã đặt mua từ cả năm trước. Lúc đó, tôi viết văn siêu thị, có lượng mà không có phẩm.” Có lúc Túy Hồng viết tới năm truyện dài, tức là “năm bài cho năm truyện dài đăng trên các báo.”
“Thời gian đó, tôi xin nghỉ dạy vì nhiều khi phải viết thêm truyện ngắn hoặc các loạt bài khác,” Túy Hồng kể tiếp. “Có mấy cuốn sách in xong, tôi cũng không có thì giờ coi cái bìa ra sao, sách in xấu đẹp, sai đúng chỗ nào. Thường thường, các nhà xuất bản đưa cho mười cuốn sách để tôi tặng các thân hữu Thanh Nam ra lệnh, em ký tặng ông này một cuốn, bà kia một cuốn, em biếu ông Tổng giám thị trường Mạc Đĩnh Chi một cuốn để lỡ em có đi dạy trễ, học trò làm ồn, ông ấy che chở cho em… Trong bốn năm viết feuilleton đó, nhiều lúc tôi đã ao ước có được một tuần lễ quẳng cây bút qua cửa sổ ngồi ôm con xem ti vi và nói chuyện tầm phào với các chị em tôi.”
Hỏi thế viết văn và viết báo, tức feuilleton, khác nhau ra sao, thì Túy Hồng dứt khoát: “Viết feuilleton là viết báo, mà cũng là viết văn.”
Châu về Hợp Phố: Nguyễn Thị Thuỵ Vũ
Sau 1975, như bao người cầm bút Miền Nam khác ở lại quê hương, Thụy Vũ ngưng viết. Chị làm đủ mọi nghề có thể để nuôi ba đứa con còn nhỏ, từ bán vé xe đò đến buôn thúng bán bưng, rồi cuối cùng đem con cái về quê sống với mẹ và làm rẫy. Cha của lũ nhỏ, nhà thơ Tô Thùy Yên (1938-2019), sau khi đi tù cải tạo về thì được nhận cho sang Mỹ định cư với gia đình chính thức của anh.
Trong đám con của Thụy Vũ có một cô bé bị liệt não từ khi mới hai tuổi sau khi bị té dập đầu. Vào giữa thập niên 1990, nhân một dịp theo một chị bạn của Thụy Vũ về quê thăm mẹ con chị, nhà văn Văn Quang khám phá ra Thụy Vũ có cô con tật nguyền này. Nghe chuyện thương tâm, Văn Quang viết về chuyến viếng thăm này, mô tả hoàn cảnh của mẹ con Thụy Vũ, và không quên kêu gọi bà con ở hải ngoại giúp đỡ mẹ con chị. Việc bà con hải ngoại đáp lại lời kêu gọi này thật cảm động. Kết quả nhà văn nữ nhận được trên 20,000 Mỹ kim trợ giúp từ những tấm lòng hải ngoại. Chị dùng tiền đó để làm ăn buôn bán nuôi dựng các con nên người.
“Xưa tui bỏ nó ở nhà đi làm báo, nó bị té, ảnh hưởng não nên nằm một chỗ đến giờ, vậy mà giờ nó nuôi tui bằng tiền từ thiện bạn bè, các nhà hảo tâm thương tình giúp đỡ…” Thụy Vũ tâm sự gần đây với một nhà báo.(7)
Song niềm vui không dừng lại ở những đồng Mỹ kim ân tình mà người hải ngoại, trong đó nhiều người là độc giả của chị trước 1975, gửi giúp mẹ con chị trong cơn khốn khó.
Niềm vui lớn và bất ngờ của Thụy Vũ là khi nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam Books ở Sài Gòn, vào đầu năm 2017, đã xin chị cho phép tái bản bộ 10 tác phẩm viết từ trước 1975 của chị — những đứa con tinh thần tưởng đã chìm vào quên lãng của thời gian và dâu bể. Những tác phẩm này gồm ba tập truyện ngắn và bẩy truyện dài, trong đó có truyện Khung Rêu, giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1971. Là nhà văn nữ gốc Miền Nam duy nhất trong năm chị em chúng tôi, Thụy Vũ có cái kho kinh nghiệm đặc thù Miền Nam, cái đơn sơ mộc mạc và giọng nói đặc Nam khiến chị dễ hòa mình với các cảnh ngộ của đời sống bình dân xung quanh, mà chị đã đem vào tác phẩm. Độc giả Miền Nam, xưa cũng như mới đây, nhìn thấy qua các tác phẩm dù xuất bản đã trên bốn thập niên trước, hình ảnh về một quá khứ thân yêu đã không còn. Và họ đã đón nhận chị nồng nhiệt. Chị kể với tôi, nhân chuyến tôi ghé thăm chị cách đây trên hai năm, là hôm ra mắt sách chị ký tên từ 2 giờ chiều tới tận 8 giờ tối mới dứt. Nhiều người mua sách thuộc giới trẻ, chị nói.
Thụy Vũ, 80 tuổi, trong buổi ra mắt sách đợt đầu của bộ 10 tác phẩm gồm ba tập truyện ngắn và bẩy truyện dài viết trước 1975 và được nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam Books ở Sài Gòn tái bản, ngày 20 tháng 3, 2017. Ở mỗi bìa sách, trong một ô tròn trên góc trên tay trái đều ghi “Một trong 5 nữ nhà văn nổi tiếng nhất của miền Nam trước 1975”. (Ảnh An-Nam cho BBC Tiếng Việt)
“Phần lớn cuộc đời tôi kiếm tiền nuôi con bằng việc viết feuilleton trên các nhật báo,” Thụy Vũ kể với tác giả bài tường thuật buổi ra mắt bộ sách xuất bản thời Cộng Hòa song đã tiếp tục được đón nhận nồng nhiệt hơn bốn thập niên sau.
“Mỗi sáng tôi tới toà soạn, viết tay trên mấy tờ giấy có kẻ ô, đưa nộp cho họ rồi chạy ù sang toà soạn khác, viết tiếp cái feuilleton khác. Ba chỗ như vậy. Nhuận bút rất cao, đủ cho tôi nuôi mỗi bà vú cho mỗi đứa con,” Thụy Vũ kể.
“Tôi bắt đầu bằng những truyện ngắn được đăng trên tạp chí Bách Khoa. Đó là những truyện viết cẩn thận ý tứ nhất của tôi, so với các feuilleton (truyện in nhiều kỳ) sau này. Những truyện feuilleton đó đều được in thành sách nhưng tôi phải chỉnh sửa rất nhiều. Bởi trong đó ngoài vô số lỗi chính tả còn có chuyện lẫn lộn các nhân vật trong các feuilleton khác nhau. Tôi vẫn coi truyện ngắn in trên Bách Khoa là mẫu mực, giống như người chồng chính thức trong gia đình, còn các feuilleton khác thì giống như chuyện ngoại tình, khó mà so sánh chúng cùng nhau.”
Chú thích:
- Bài biên khảo này, nguyên tác là “Women Writers of South Vietnam –1954-1975”. Có thể xem các biên khảo khác của tác giả tại trang “Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang”. Viết về các nhà văn nữ còn có một cuốn do Uyên Thao soạn, Các Nhà Văn Nữ Việt Nam, 1900-1970, Nhân Chủ xuất bản, Sài Gòn 1973, nhưng không đầy đủ vì ông chỉ viết về chín cây bút phụ nữ, gồm Thụy An, Mộng Sơn, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng và Trùng Dương. Ngoài ra, tập sách này có tính cách phê bình hơn là nghiên cứu học thuật.
- Trong bốn ấn bản của cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan – 1954-1975 của Võ Phiến, chỉ riêng ấn bản thứ ba do nhà xuất bản Văn nghệ ở Westmisnter, California, ấn hành năm 2000, là đầy đủ hơn cả, với Phần Phụ Lục về chiến dịch đốt/cấm sách của Cộng sản Việt Nam sau 1975, Phần Tác Giả Tác Phẩm liệt kê trên 300 tác giả Miền Nam, và Danh biểu (Index) giúp dễ dàng cho việc tra khảo. Các ấn bản điện tử hiện có trên tienve.org và một số các trang Web khác cũng không có ba phần trên. Muốn có cuốn sách điện tử ấn bản thứ ba này, xin vào trang này của Web Tủ sách Tiếng Việt.
- Thụy Khuê, “Văn học Miền Nam”.
- Hồng Hà Nguyễn Việt Chước, “Lược sử báo chí Việt Nam”.
- Trùng Dương, “Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giỗ Chu Tử: Nhìn lại vụ Chu Tử bị ám sát hụt, ngày 16-4-1966”.
- “Túy Hồng ở Phút Nói Thật – phỏng vấn với Nguyễn Mạnh Trinh”.
- “Về nữ văn sỹ của miền Nam Nguyễn Thị Thụy Vũ”. Hồ Trường An, em trai Thụy Vũ, có một bài lược qua toàn bộ tác phẩm của Thụy Vũ tại trang Nam Kỳ lục tỉnh.
[TD, 2020/10]
Bạn có thể thích
Về giao thông và dự án xe lửa cao tốc ở Việt Nam
Giới thiệu sách “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân.”
Về lịch sử và chiến lược xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc ở Trung Quốc
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng