Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

Phụ lục Tư liệu Đại Việt Duy Dân Đảng, Phụ Lục IV ĐẠI VIỆT DUY DÂN TỪ SAU KHI HÒA BÌNH THẤT THỦ

Nguyễn Mạnh Hùng

Published on

Nguyễn Mạnh Hùng 

Mục lục 

Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng 

Quyển II. Việt Nam Quốc Dân Đảng

Quyển III. Đại Việt Duy Dân Đảng

Phụ Lục IV

ĐẠI VIỆT DUY DÂN TỪ SAU KHI HÒA BÌNH THẤT THỦ

Đại Việt Duy Dân từ 1946 đến 1954

  • Sau khi chiến khu Hoà Bình thất thủ, một số cán bộ, đảng viên Duy Dân đi lên vùng có năm châu người Mường ở Thanh Hoá, số khác dạt về khu Bùi Chu-Phát Diệm [13] của Đức Giám mục Lê Hữu Từ. Ông Bùi Tấn Diễn lên châu Lang Chánh là châu Mường lớn nhất vùng Điền Lư (do có chị dâu là em gái ông Hà Công Thắng, Mường trưởng).  Ngoài ra, còn có các ông Lê Vinh [14], Thái Voi (vì to con), ông Độ và Bùi Huy Giá [15] ở châu khác, tất cả sống như người Mường.  Ông Hà Công Thắng chỉ huy dân quân năm châu gây lực lượng, mọi người đều mong gặp được ông Lý nhưng không gặp.  Có năm người Nhật huấn luyện dân quân cho ông Thắng.  Việt Minh giao cho ông Thắng chỉ huy năm châu.  Vùng các ông Lê Vinh và Bùi Huy Giá trú ngụ, có vũ khí, bắt được người của Việt Minh [16].
  • Những năm 1946-1947, dựa vào khu tự trị Phát Diệm [17] làm nơi liên lạc, các đảng viên Duy Dân tập trung lực lượng, “lấy danh nghĩa là những người Việt yêu nước, chứ không lấy danh nghĩa của tổ chức” tiếp tục đấu tranh.  Ông Lê Xuân Nguyên được “ủy nhiệm thành lập lực lượng du kích vừa chống Pháp, vừa chống Cộng sản ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình”.  Ông Lê Minh Chính “được ủy thác đi Trà Cổ, Móng Cáy để mua khí giới”, có ông “Tống Trung Dung hộ vệ ra bến đò. Khi hai anh qua đồn thì công an nhảy ào ra bắt được Dung, Chính nhanh chân chạy thoát, tay mang cái cặp đựng tiền”.  Sau đó ông Chính vượt thoát về Hải Phòng, còn ông Dung chết, xác tìm được dưới giòng sông Ân Giang.  Khi vớt lên, “thi thể đầy thương tích, hai tay vẫn bị trói”.  Họ có ý định chiếm giữ các tỉnh miền duyên hải vì “là vựa lúa miền Bắc, dân số lại đông, nhờ khu an toàn Phát Diệm để chỉnh đốn hàng ngũ”, nhưng “công việc đang tiến hành tốt đẹp lại xảy ra vụ bạo động ở Phát Diệm” khiến các đảng viên lần lượt rút khỏi nơi đây đi lên vùng Phượng Viền.  Ông Nguyên “thường xuyên bị Việt Minh theo dõi, chờ cơ hội là bắt.  Những phần tử chống Cộng coi là nguy hiểm bị thủ tiêu ngay, một số đông thuộc đủ mọi thành phần ở trong các tổ chức khác bị giam ở Đầm Đùn, chờ bị chết dần mòn vì nước độc hay tra tấn”.  “Bên Nam Định, vùng Hải Hậu, anh em cũng ráo riết hoạt động… Những lớp huấn luyện quân sự gồm nhiều thanh niên được tổ chức ở vùng Quần Phương” [18]. Các đảng viên Duy Dân còn có ý định tấn công trại Đầm Đùn để giải thoát cho những đảng viên của mình và các đảng khác bị giam giữ tại đây, giao cho quý ông Lê Văn và Phạm Ngọc Lũy [19] với một cựu thiếu uý trong quân đội Pháp, Phạm Ngọc Hàm, trại trưởng trại giam làm nội ứng nhưng kế hoạch bất thành, không thực hiện được.
  • Hai ông Giáo Kiên (tức Trần Nguyên Bình, còn có tên là Đức) và Phạm Ngọc Chác “có ý định vào Nam, thăm vùng Hòa Hảo, nơi tinh thần chống Cộng rất mạnh, và muốn thiết lập đường dây thường xuyên Hải Phòng-Sài Gòn.  Nhờ ông Lũy làm ngành hàng hải, quen nhiều bạn ở Sài Gòn sắp xếp nên từ 1952, quý ông Kiên, Chác và Trần Bá Lân đã hoạt động trong Nam. “Ba người gặp tỉnh bộ Dân Xã Lâm Thế Xương đề nghị gây cơ sở văn hoá, mở lớp dạy học lúc đầu còn ở đình làng Kiến An”. Phật Giáo Hòa Hảo đang tiến hành mở rộng khu vực Đồng Tháp.  Về đêm, Việt Minh lén từ mạn sông phía sau nhà, đặt mìn trong văn phòng của Nguyễn Giác Ngộ ở Chợ Mới, gần bến đò Quảng Nhung, bên kia sông là cù lao Ông Chưởng.  Mìn nổ sập trụ sở.  Lân bị thiệt mạng ngay tại chỗ” [20].

Hoạt Động Của Các Đảng Viên Duy Dân Từ 1954 Đến Nay

Miền Nam Việt Nam

  • Năm 1954 với tư cách là Đại biểu chính phủ ở Bắc Việt, ông Lê Quang Luật đã chủ trì công tác di tản đồng bào tỵ nạn tại miền Bắc đi vào Nam.  Năm 1954, khi ông Diệm được Quốc trưởng Bảo Đại cử làm Thủ tướng, ông Lê Quang Luật được ông Diệm cử làm Bộ trưởng Bộ Thông tin rồi sau lại cử ông ra Hà Nội làm Đại biểu chính phủ.  Ngày 18-5-1955, sau hạn kỳ 300 ngày của chính quyền quốc gia tại Bắc Việt, ông Luật xuống tàu “Ville de Hải Phòng” của Pháp mang theo một hộp đất phủ lá quốc kỳ vào Thủ đô miền Nam để dân miền Nam lưu niệm nhớ thương đất tổ Hùng Vương.  Chiếc hộp đựng đất đã được dân chúng Sài gòn đón tiếp long trọng rồi làm lễ tại Thảo Cầm Viên [21]
  • Sau năm 1954, qua các cựu đảng viên và cảm tình viên Duy Dân, tư tưởng LĐA từng được vận dụng và triển khai dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm.  Ông Cao Giao Huỳnh Văn Phẩm (tức Nguyễn Trần Huyên, cháu Chánh án Nguyễn Trần Mô) là người được ông Ngô Đình Nhu mời vào bộ tham mưu trong việc lập thuyết Ấp chiến lược.  Ông Phạm Văn Tâm (tức Thái Lăng Nghiêm) là một trong những người soạn bài giảng, dạy cán bộ chỉ đạo làm Ấp chiến lược.
  • Khoảng cuối thập niên 60 đầu 70 của thế kỷ trước, một số cựu đảng viên Duy Dân (DD) di cư từ Bắc vào Nam đã xuất bản một số sách dựa theo các tài liệu của Lý Đông A.  Đó là nhà xuất bản Gió Đáy, đã in một số tác phẩm như Huyết Hoa, Thiết Giáo, Chu Tri Lục, Đạo Trường Ngâm  Duy Nhân Cương Thường. Ông Thái Lăng Nghiêm (đảng danh Thái Thản) là người viết lời Giới Thiệu cho mấy cuốn sách của Lý tiên sinh.  Ông Nghiêm Xuân Hồng, một đảng viên Duy Dân thuộc “chi bộ đảng trưởng” [22] ở Hà Nội, cùng quê Phủ Lý, Hà Nam và cùng học tiểu học với LĐA, cũng viết một số sách nhưng không về tư tưởng.  Cuốn nổi tiếng nhất của ông là Cách Mạng và Hành Động. Trong thời gian là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng của Chính phủ Nguyễn Khánh, ông có ý nâng đỡ các cán bộ DD vào những chức vụ công quyền.  Ngoài ra, một người tên Trần Văn Nhật đã viết cuốn Thuyết Kinh Tế Bình Sản để diễn nghĩa và tìm cách áp dụng các nguyên tắc kinh tế trong tài liệu Kinh Tế Bình Sản của LĐA.  Tưởng cũng nên nhắc thêm, tác giả Kim Định đã dựa vào khá nhiều quan điểm cũng như khái niệm Nhân Chủ của LĐA [23] để viết một số tác phẩm của ông.
  • Lý Đông A không chỉ là nguồn cảm hứng hay ảnh hưởng đến tư tưởng của các cựu đảng viên và cảm tình viên Duy Dân biên soạn sách, về mặt hoạt động, những đảng viên này đã hợp tác với Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Dân Xã Đảng, họ dạy học tại các trường Kinh Dương [24], Trung học Nguyễn Trung Trực tại An Giang, đồng thời lập ra các trường Trung học Nhân Chủ và Phan Sào Nam tại Sài Gòn.  Trường Trung học tư thục Nhân Chủ do ông Hoàng Thái Sơn (Lê Văn Hiệp) xây dựng và hiến tặng, tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Thoại, quận Tân Bình. Năm 1976, trường Nhân Chủ đổi tên thành trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Bình, đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình.  Lúc đầu, Giáo sư môn Toán, Đàm Quang Hưng làm hiệu trưởng một năm, sau đó chức vụ này do ông Trần Thanh Đình đảm nhiệm tới 1975 (một nguồn tin khác (TCH) cho rằng ông Đoàn Viết Biên là hiệu trưởng tới 75).  Tổng Giám học là ông Dương Kinh Luân.  Các giáo sư tại đây hầu hết đều là cựu đảng viên hoặc có khuynh hướng Duy Dân như Nguyễn Hải Phương, Trịnh Đình Thắng, Hà Thế Ruyệt, Trần Công Hàm… [25] Trường Trung học tư thục cấp I, II Phan Sào Nam được xây dựng từ năm 1963, tọa lạc trên đường Phan Thanh Giản. Sau 1975, trường bị quốc hữu hóa, nay có tên là trường Trung học Cơ sở Phan Sào Nam (số 657 Điện Biên Phủ, phường 1, quận 3).  Ông Phạm Văn Tâm (tức Nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm) nguyên là hiệu trưởng trường này; theo một nguồn tin khác (VH), ông Trần Văn Từ có thời gian là hiệu trưởng. Giám đốc và chủ trường là ông Phạm Thanh Giang. Cũng giống trường Nhân Chủ, các giáo sư dậy ở đây hoặc là cựu đảng viên hoặc thuộc khuynh hướng Duy Dân như Trần Văn Từ – người thường ra hàng Buồm ăn cơm với LĐA, Lữ Hồ, Vũ Đình Mẫn, Đào Văn Dương, Tiêu Hà Trần Văn Minh…
  • Bên cạnh đó, một số đảng viên DD từ các bản Mường ở Hòa Bình ngoài Bắc di cư vào Nam lập ra khu Hòa Bình, rồi cùng các vị Thích Độ Lượng và Thích Tâm Châu lập một trung tâm huấn luyện cán bộ tại Ban Mê Thuột [26].  Năm 1974-1975, họ có kế hoạch đưa cán bộ Duy Dân ra nắm các chức vụ ấp và xã trưởng tại Đắc Lắc, từ đó sẽ là tâm điểm cho vết dầu loang sau này.  Tuy nhiên, kế hoạch chỉ mới đưa được một người ra làm ấp trưởng ấp Hưng Đạo, đang chuẩn bị cho vài chức vụ ấp trưởng khác và một xã trưởng thì biến cố 1975 xảy ra.
  • Sau 1975, vụ án Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam [có liên quan đến vụ Vinh Sơn] xảy ra năm 1978 tại Sài Gòn. Giáo sư Trần Thanh Đình là người thành lập Mặt trận với hàng trăm người tham gia.  Ông có ý định đánh chiếm Sài Gòn và các vùng phụ cận.  Kế hoạch bất thành, Giáo sư bị bắt [27] và bị xử tử tại Thủ Đức vào năm 1980 [28].  Trước khi giết, CS nhét vào miệng ông một quả cóc để ông không thể lên tiếng phản đối chúng. Giáo sư Trần Thanh Đình sinh năm 1919 tại Vũ Tiên, Thái Bình. Ông tham gia Đảng Đại Việt Duy Dân từ tháng 8.1945.  Trong một tài liệu khác, quý danh Trần Thanh Đình từng xuất hiện vào năm 1946 với tư cách là đảng viên Duy Dân thuộc Chi bộ Bùi Chu, đã giúp tài trợ ba triệu bạc Đông Dương để mua vũ khí cho Tự vệ Công giáo Phát Diệm chống Pháp và chống Cộng sản. Ông Vũ Quốc Thông có kể với ông Phạm Ngọc Chác rằng ba vị Trần Thanh Đình, Giáo Kiên và Phạm Ngọc Chác (đều là cán bộ Duy Dân cao cấp), trong một phiên xử của Việt Minh năm 1946, cả ba “bị xử tử vắng mặt vì chống chính phủ…” [29] Các ông Trần Thanh Đình, Phạm Nhật Khánh cùng các đồng chí DD và những người ngoài đảng trong mặt trận nói trên, dẫu không thành công nhưng các vị ấy xứng đáng có một vị trí trong lịch sử đấu tranh dân chủ của Việt Nam.
  • Tổ chức “Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt” được thành lập sau năm 1975, có nhiều người tham gia, thành phần chủ yếu là đảng viên Duy Dân; tổ chức có bí danh Z II.  Tổ chức có các cơ sở ở Sài Gòn, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định.  Ông Đặng Cốc được giao giữ chức Chủ tịch Ủy ban “Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt”, ngoài ra Ban lãnh đạo còn có các ông: Nguyễn Sanh Thạch, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Đức Khôi. “Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt” bị chính quyền Cộng sản phát hiện vào tháng 12/1978.

Hải Ngoại

  • Một số cựu đảng viên Duy Dân di tản ra nước ngoài, tuy không còn sinh hoạt đảng vì Tổng Đảng Bộ Duy Dân đã giải tán, nhưng họ vẫn tụ tập sinh hoạt và phát triển nhân sự, học hỏi về triết thuyết Nhân Chủ của Lý tiên sinh và đã ấn hành một số sách như sau:
  1. Huyết Hoa, nằm trong bộ Nhã của Lý Đông A, do Nhóm Nghiên Cứu Văn Hoá Dân Tộc Việt in lại (1986).  Trong phần phụ bản, các ông Thái Thư và Thái Kinh Dương giới thiệu khái quát về chủ nghĩa Nhân Chủ Duy Dân.
  2. Lý Đông A Với Cuộc Cách Mạng Dân Tộc, tác giả là ông Thái Hùng B (1989).  Đây là hồi ký về cuộc kháng chiến của Đảng Duy Dân diễn ra tại Hòa Bình, trong đó ông nhắc đến lời Hiệu Triệu Kháng Chiến đã được soạn thảo tại chiến khu này.
  3. Triết Lý Lý Đông A, Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm – một người cùng quê và rất hâm mộ LĐA – thuộc Nhóm Diễn Đàn Địa Lý Nhân Văn Việt Nam soạn thảo (1998).  Ông gọi đó là “Triết lý Tổng thể Duy Nhân [30]”, cho rằng bối cảnh của học thuyết Lý Đông A là do sự khủng hoảng của tri thức nhân loại. Vốn là tiến sĩ Vật lý Vi tử, ông dùng toán vật lý để chứng minh cho sự phát triển của tri thức, và rằng mục đích của học thuyết LĐA là để giải quyết khủng hoảng tri thức nói trên.  Sau đó ông đưa ra cách nhìn triết lý LĐA bao gồm hai cột trụ: nguyên lý Tổng thể và nguyên lý Tiến hoá Hướng thượng của xã hội.
  4. Chủ Thuyết Nhân Chủ do ông Nguyễn Tử Đóa viết (2000), trình bầy về một chủ thuyết mới, tổng hợp ba chủ thuyết lớn, cận đại của nhân loại là Duy Tâm, Duy Vật và Duy Sinh.
  5. Triết Học Lý Đông A do Luật sư Đỗ Thái Nhiên [31] biên soạn (2005).  Trong phần đầu cuốn sách, tác giả sơ thảo về triết học Lý Đông A mà ông gọi là chìa khóa vàng của tư tưởng.  Tuy là sơ thảo nhưng ông Đỗ Thái Nhiên viết rất chi tiết, từ phần nhập môn tới lý luận triết học (qui nạp và diễn dịch) và phần áp dụng của triết học, bao gồm lịch sử quan, thời cơ luận, văn minh luận, kiến thiết luận và cách mạng luận.
  6. Nền Văn Minh Nhân BảnTủ Sách Việt Thường ấn hành (2008) với ba tác giả, Giáo sư Đào Văn Dương, Vĩnh Như và Thường Nhược Thủy, nêu lên việc cần thiết của một nền triết học mới sau thời cộng sản và tư bản.
  7. Nền Triết Học Việt Nam, Thái Việt Duy Khang soạn thảo (2013). Ông lược qua nhu cầu của triết học, các triết học cận đại so sánh với triết học Việt Nam qua chủ thuyết Nhân Chủ.  Sau đó ông nêu lên những ứng dụng và hiệu quả của triết học Lý Đông A.
  8. Một Quan Niệm Chung Cho Nhân Quyền cũng do Đỗ Thái Nhiên biên soạn (2014). Trong cuốn này, ông nói về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, những tranh luận về nhân quyền và cuối cùng, đưa ra một quan điểm chung cho nhân quyền dựa trên học thuyết Dân Chủ Nhân Chủ của Lý Đông A.
  9. Ngoài những cuốn sách trên, Hạ Long Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh trên trang Hạ Long Văn Đàn có viết một số bài giới thiệu về chủ thuyết Nhân Chủ của LĐA.  Nhà thơ Viên Linh cũng dành một số báo chuyên đề về Lý Đông A trên tờ Khởi Hành.  Ngoài ra, một số anh em thuộc nhiều thế hệ tập họp lại với nhau trong Học Hội Thắng Nghĩa (HHTN), lập ra trang thangnghia.org, với mục đích giới thiệu tư tưởng Nhân Chủ, còn được gọi là Triết học Thắng Nghĩa của Lý Tiên sinh, tức chính nghĩa tất thắng hay vượt thắng các chủ nghĩa (một trong nhiều nghĩa của “Thắng Nghĩa”), nhằm bổ khuyết, điều chỉnh những thiếu sót, sai lầm của ba chủ nghĩa lớn đã ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại trong vài thế kỷ vừa qua.  Đó là các Chủ nghĩa Duy Tâm, Duy Vật và Duy Sinh. (Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm gọi Thắng Nghĩa là chủ nghĩa tất thắng).
  • Nhóm nghiên cứu Thắng Nghĩa (Học Hội Thắng Nghĩa) sinh hoạt thường xuyên nhằm mục đích học tập, hội luận, giới thiệu và phổ biến những tài liệu của Lý tiên sinh trong Tuyển tập Lý Đông A, sau khi đã được biên tập và hiệu đính cẩn thận đăng trên trang nhà Thắng Nghĩa. Tuy cẩn trọng đến mức tối đa nhưng chắc chắn sẽ còn thiếu sót và có thể cả lầm lẫn, chúng tôi mong độc giả góp ý, bổ khuyết và giúp điều chỉnh cho hoàn hảo.  Trang Thắng Nghĩa sẽ được cập nhật thường xuyên khi chúng tôi có thông tin mới, chính xác hơn.  Ngoài ra, chúng tôi được biết Nhóm Nghiên Cứu Nhân Chủ trước kia cũng đã từng sinh hoạt về tư tưởng Nhân Chủ của Lý tiên sinh với Giáo sư Đào Văn Dương (1919-2020).
  • Chúng tôi tin rằng đây chính là tư tưởng hợp với xu thế thời đại và xu thế lịch sử của giai đoạn toàn cầu hoá, sẽ giúp chúng ta xây dựng đất nước trong thời hậu cộng sản, để vừa phục hoạt văn hoá Việt, vừa xiển dương một triết thuyết mới của thời đại 2000, phù hợp với hướng đi của toàn thể nhân loại trong thế kỷ 21.

Cước chú

[13] Trong thời gian này, ngoài khá đông đảng viên Duy Dân, đảng viên các đảng khác cũng tạm lánh về khu Tự vệ Công giáo như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Dân Tộc.

[14] Lê Vinh là bí danh của ông Trần Quốc Lương, em nhà thơ Trần Việt Hoài tức Trần Quốc Phiên.  Cả hai ông đều là con của Á Nam Trần Tuấn Khải.  Ông Lê Vinh còn có một bí danh khác là Thái Hồ, người từng cùng Luật sư Trần Thanh Hiệp vào Huế dự Trại Kim Cang, huấn luyện huynh trưởng Gia đình Phật Tử toàn quốc với trại trưởng là Võ Đình Cường.

Ông Hoài và ông Vinh từng làm giảng viên khóa học chống Cộng năm 1955, do Bộ Thông tin tổ chức, tại khu Phú Thọ.

Năm 1953, ông Lê Vinh đại diện đảng Đại Việt Duy Dân tham gia Mặt Trận Dân Chủ (có tài liệu viết Liên Minh Dân Chủ), với ba chính đảng khác: Việt Nam Quốc Dân Đảng, do ông Vũ Hồng Khanh đại diện; Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, do ông Phan Bá Cầm đại diện; và Khối Dân Chủ Xã Hội, do ông Hoàng Cơ Thụy đại diện.

[15] Ông Bùi Huy Giá sau này vào Nam được Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Nghiêm Xuân Hồng thời Chính phủ Nguyễn Khánh đưa lên làm tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc trong một thời gian ngắn.

[16] Mấy năm sau họ bị Việt Minh (VM) tấn công, bắn pháo như mưa. Ông Hà Công Thắng di chuyển về Hòa Bình, lúc đó đã do Pháp chiếm. Ông Bùi Tấn Diễn và ông Độ ở lại trốn trong hang đá với năm người Nhật, được người Mường tiếp tế.  Như vậy vùng năm châu có quý ông: Lê Vinh, Bùi Huy Giá, Thái Voi, Bùi Tấn Diễn, ông Độ, sau có bà Giáo Chính cũng lên đó.  Họ không lập chiến khu, không đánh nhau với VM, cũng không có lãnh đạo nên chưa làm được gì, chỉ không chấp nhận VM và lập dân quân địa phương do ông Hà Công Thắng chỉ huy. Ông Thắng là cảm tình viên chứ chưa phải đảng viên Duy Dân.  Khoảng 1950, ông Bùi Tấn Diễn cùng những người kia chạy trở lại Hà Nội.  Trong Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, tại chương VII, kể lại chuyện bà Cả Chính (tên Chu Bích Viêm) là giao liên, người “đã từng đưa Nguyễn Tất Thành qua Hải Phòng, Móng Cái, sang Trung Quốc gặp Lý Đông A ở Liễu Châu” theo đường dây của cụ Phan Bội Châu, hồi đó “chưa có phong trào cộng sản” tại VN; và rằng cuộc xuất dương đầu tiên của Hồ Chí Minh là sang Trung Quốc chứ không phải qua Pháp từ cảng Nhà Rồng.

[17] Vùng Ninh Nhất cũng tổ chức khu Phật giáo dưới ảnh hưởng của các Nhà Sư Thích Tâm Châu, Thích Đức Nghiệp và Thích Đức Nhuận.  Trong HKMĐN, tập I (tr. 164), ông Phạm Ngọc Lũy viết: “Khủng bố, truy lùng, thủ tiêu những phần tử quốc gia trong khi Pháp tiến chiếm nhiều nơi, Việt Minh nhân danh kháng chiến kết án phía đối lập bằng những danh từ phản động, Việt gian.  Anh em Duy Dân còn tập trung được vì hoạt động bí mật”.

[18] HKMĐN, tập I (tr. 175-191). Ông Phạm Ngọc Lũy viết như sau: “Thanh niên chúng tôi lúc bấy giờ thật hoang mang.  Những lãnh tụ quốc dân, một số bị Việt Minh đánh bại tìm cách rút sang Tàu, một số khác bị thủ tiêu, giam cầm.  Lực lượng quốc dân ở Hà Nội coi như không còn hoạt động công khai nữa mà rút vào bí mật để tránh khủng bố.  Đại Việt Duy Dân đã đem lại một niềm hy vọng le lói trong đêm đen, “Người Việt phải tự sức đứng lên để tự cứu” (tr. 153).

[19] Mặc dù không phải là đảng viên, nhưng vì có hai người anh là Phạm Ngọc Chác (sau đổi tên là Nguyễn Bá Tửu) và Phạm Ngọc Kha đều thuộc Duy Dân nên ông Phạm Ngọc Lũy được giao trách nhiệm chỉ huy, vì sự tin tưởng rằng kế hoạch sẽ không bị lộ.  Lúc đầu ông chỉ muốn là người hiện diện trong đoàn phá ngục, nhưng ông Lê Văn trấn an, “Anh cứ đảm nhận cầm đầu đi.  Hành động đã có chúng tôi.  Có nội ứng mới dám đánh” (HKMĐN, tr. 184).

[20] HKMĐN (tr. 199-206).

[21] Ông Lê Quang Luật – một đảng viên Duy Dân – sau năm 1945, từng làm lãnh đạo Phong Trào Dân Chúng Liên Hiệp (tổ chức này từng có tên là đảng Công Giáo Xã Hội).

Cuộc di cư 1954 của trên 800.000 đồng bào được thực hiện là nhờ phương tiện của Pháp, Mỹ.  Tuy nhiên không thể không nhắc đến ông Lê Quang Luật là người có rất nhiều sáng kiến chính trị xuất sắc, nên đã khôn khéo tổ chức cho cuộc di cư dù đông đảo nhưng vẫn trật tự, đem được trên 650.000 người Công giáo miền Bắc vào Nam.  Sau khi vào Nam, ông Luật trở về sống cuộc đời thanh bạch, cho đến chết vẫn không lập gia đình, ở vậy để làm ăn nuôi cha già. (Hồi ký Đỗ Mậu. Chương 15. Online).  Sau khi vào Nam, ông Lê Quang Luật tiếp tục công cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ quốc gia.  Tháng 4/1960, ông Luật cùng 17 trí thức và nhân sỹ khác, đồng ký vào Tuyên bố Caravelle lên tiếng thức tỉnh chính quyền Tổng thống Ngô đình Diệm (Căn cứ theo nội dung Tuyên bố Caravelle và danh sách ký tên).

[22] Mặc dù nhiều người gọi ông là “đảng trưởng” nhưng ông chỉ nhận là thư ký trưởng, chức vụ cao nhất của Đảng Duy Dân.

[23] Linh mục Kim Định có thể nhận được tài liệu của Duy Dân qua một vài nguồn khác nhau. Một trong những nguồn đó là từ ông Nguyễn Hải Phương, một đảng viên Duy Dân, trong lúc ông Phương theo học với linh mục về triết Đông tại Sài Gòn.  Ông Phương đã đưa cho Linh mục Kim Định hai tập tài liệu: Việt Sử Thông Luận và Uyên Nguyên Việt (tập Uyên Nguyên Việt hiện chưa tìm lại được).

[24] Trường Kinh Dương do Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo thành lập, toạ lạc tại Chợ Mới, Long Xuyên.  Trường từng được giao cho một đảng viên Duy Dân, ông Trần Nguyên Bình, làm hiệu trưởng.

[25] Một người tên Tham, quen gọi là ông “Tham Già”, thân phụ Đại tá VNCH Nguyễn Đình Bảo, là người lo về tài chánh chi thu cho trường.

[26] Nhà văn Duyên Anh từng là học viên tại trung tâm này trong vài tháng, sau đó có dịp về Long Xuyên dậy học ở các trường bán công Hòa Hảo, Kinh Dương, Nguyễn Trung Trực. Dù chưa phải là đảng viên Duy Dân nhưng chỉ vì sự liên hệ ngắn ngủi này mà khi vào tù, Duyên Anh đã bị cộng sản tra vấn rất kỹ.

[27] Xem Phụ Lục 2 (Bản Cáo trạng vụ án liên quan đến “Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam”).  Giáo sư Trần Thanh Đình là Cán Sự trưởng Cán Sự Bộ 008, phụ trách vùng Thái Bình.

[28] Người Việt online, ngày 2 tháng 11 năm 2015.

[29] HKMĐN, tập I (tr. 167).

[30] Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm cũng viết một tiểu luận bằng tiếng Anh bàn về sự tổng hợp triết lý Đông-Tây của Tiên sinh Lý Đông A.

[31] Sau 1975, trong nhà tù cộng sản, Luật sư Đỗ Thái Nhiên được Giáo sư Đoàn Viết Hoạt hướng dẫn về tư tưởng Lý Đông A.  Sau khi ra tù, ông đến thọ giáo thêm với thân phụ của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt là cụ Thái Nhân trong ba năm liền, trước khi vượt biên sang Mỹ.

Nguồn: Học Hội Thắng Nghĩa (HHTN) 

tieu-su | THẮNG NGHĨA (thangnghia.org)


Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ