Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

PHỎNG VẤN VŨ VĂN PHẤN

Nguyễn Mạnh Hùng

Published on

Nguyễn Mạnh Hùng

Mục lục 

Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng 

Phần giới thiệu Đại Việt Quốc dân Đảng

Giới thiệu 

PHỎNG VẤN VŨ VĂN PHẤN

Vũ Văn Phấn, đảng viên kỳ cựu của Đại Việt Quốc Dân Đảng, người được Đảng trưởng Trương Tử Anh trao trách nhiệm giấu một số võ quan Nhật rồi đưa họ lên Sapa lập trường huấn luyện quân sự, sau này chuyển về Yên Bái và lấy tên là trường Lục quân Yên Bái.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngày 16/07/1993 tại Sunnyvale, California

Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học Trường Đại học George Mason

Tóm lược:

Vũ Văn Phấn là một đảng viên kỳ cựu của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Sau nhiều năm dò hỏi, tôi biết anh ở Sunnyvale, California, và tìm đến đó để phỏng vấn anh ở ngay nhà anh. Phấn là một trường hợp đặc biệt. Khi anh gia nhập Đảng thì anh đã làm một phóng viên nhà báo và đã làm kinh doanh, nghĩa là đã trưởng thành. Anh đi tìm Đại Việt chứ không phải Đảng tìm anh. Khác với nhiều thanh niên yêu nước thời đó lầm lẫn Việt Minh với kháng chiến, Phấn đã hoạt động trong nhóm Cộng Sản Đệ Tam của Võ Nguyên Giáp, một giáo sư của anh ở trường Thăng Long, nên biết rõ, muốn xa lánh và muốn tìm một tổ chức có thể chống lại họ. Anh vào đảng Đại Việt sau khi đọc tuyên ngôn của Đại Việt và chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn.

Khi tôi gặp anh, Vũ Văn Phấn đã 75 tuổi. Anh nói chuyện cởi mở. Anh biết nhiều về hoạt động của đảng Đại Việt và trường Lục quân Yên Bái, đặc biệt là những mâu thuẫn giữa nhóm Lục quân Yên Bái với bộ chỉ huy của Việt Nam Quốc Dân Đảng sau khi Trương Tử Anh mất tích. Nhưng tôi có cảm tưởng anh không nói hết những điều anh biết.

Theo Vũ Văn Phấn:

  1. Giai đoạn Mặt trận Bình dân cầm quyền ơ Pháp, Phấn hoạt động trong nhóm Đệ Tam Cộng Sản của Võ Nguyên Giáp, giáo sư trường Thăng Long, nhưng lảng tránh vì họ chủ trương thủ tiêu giai cấp có của.
  2. Sau khi thi hỏng Tú Tài phần 1, anh bỏ học, làm phóng viên báo Mới, xuống Hải Phòng tìm đường hoạt động và khám phá ra những vụ buôn lậu, thực sự là mua vũ khí để chống Pháp, trong đó có Trần Văn Tuyên, cũng là một giáo sư trường Thăng Long.
  3. Sau khi đọc tuyên ngôn Đại Việt và chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn, anh tìm để gia nhập Đại Việt. Tuyên ngôn của Đại Việt Quốc Dân Đảng là bản văn duy nhất ở trên thế giới này, dám nói ra từ năm 1939, là Chủ nghĩa Xã hội không đi đến đâu cả, nó đi ngược lại với lại cái bản thể con người.
  4. Đại Việt là đảng thứ nhì, sau đảng Cộng Sản, đã có tổ chức từ Bắc tới Nam ngay từ năm 1939, chứ không như Việt Nam Quốc Dân Đảng sau năm 1930 đã bị tan rã, không có hoạt động gì ở trong nước cả. Năm 1945, Tư Thiên và một nhóm Bình Xuyên đã ra Hà Nội nhận chỉ thị của Trương Tử Anh. Em của Phấn là Triệu Tôn đã nhân danh Đại Việt huấn luyện cho Bình Xuyên, lúc ấy có thể coi là một tổ chức ngoại vi của Đại Việt.
  5. Đại Việt vì lúc đầu tổ chức ở Hà Nội nên có nhiều đảng viên trong giới sinh viên trí thức. Những người ấy đem tinh thần Dân tộc Sinh tồn đi tổ chức các nơi, cả ở trong Nam, nên Đại Việt cũng có cơ sở ở hạ tầng, có khi cả làng được chấp nhận tuyên thệ vào Đại Việt.
  6. Đại Việt cũng là đảng duy nhất dám in giấy bạc giả để mua vũ khí.
  7. Đảng trưởng Trương Tử Anh, gọi là anh Cả Phương, đeo kính trông như một thư sinh, khiêm tốn, giản dị, nhưng bình tĩnh trước nguy hiểm, quyết định nhanh, cắt đặt đâu ra đấy.  Phấn nói từ hai, ba chục năm nay anh đi tìm một người lãnh tụ như Trương Tư Anh mà không thấy.
  8. Cùng với Phạm Xuân Sơn, Phấn chuẩn bị lập một chi bộ Đại Việt đầu tiên ờ Hải Phòng. Về Hà Nội, từ tháng 9/1945 đến tháng Giêng 1946, anh được Đảng trưởng trao cho nhiệm vụ cất giấu một số võ quan Nhật để chờ đưa lên Sapa lập quân trường, sau gọi là trường Lục quân Yên Bái.
  9. Vì địa hình Sapa không thuận tiện nên trường được rời về Yên Bái. Võ quan Nhật đặt tên trường là Đại Việt Lục Quân Sĩ Quan Học Hiệu. Lúc ấy, Đại Việt đã thống nhất với Việt Nam Quốc Dân Đảng, nên lục quân Yên Bái cũng là của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trường có khoảng 250 khóa sinh, trong đó có một số người nổi tiếng trong chính trường Việt Nam sau này, như  Bùi Diễm, Đinh Trịnh Chính, Phạm Văn Liễu, Nguyễn Đức Hải, Đặng Văn Đệ, Nguyễn Tú. 
  10. Trước Lục quân Yên Bái, Đại Việt đã có hai chiến khu: Triệu ở vùng Hải Dương-Bắc Giang và Di Linh ở Thanh Hóa. Chiến khu Triệu do “anh Giang” làm huấn luyện viên là một người tốt nghiệp trường Hoàng Phố bên Tàu cùng khóa với Trương Phát Khuê.
  11. Đảng Đại Việt không nhắm vào Cộng Sản lúc bấy giờ, mà chỉ nhắm vào Pháp. Năm 1945, Triệu với 300 tay súng phục sẵn ở trường Hàng Kèn, có thừa sức để cướp chính quyền và đàn áp lực lượng của Cộng Sản ở Hà Nội. Nhưng được lệnh không lấy Hà Nội mà đem hết lực lượng vào Di Linh. Điều ấy gây ra nhiều thắc mắc. 
  12. Phấn được giải thích rằng chiếm chính quyền ở Hà Nội thì dễ nhưng mà sẽ gây ra nội chiến, vì ở mọi nơi, Cộng Sản sẽ huy động dân chúng làm bia đỡ đạn, liệu mình có bắn không. Do đó, phải bảo toàn lực lượng để đợi các lực lượng Quốc Gia với Đồng Minh về. 
  13. Điều đáng tiếc là nếu mà chiếm chính quyền thì có thể đổi khác, đổi khác thôi chứ chưa chắc đã hay hơn,
  14. Khi rút lên Lào Cai khoảng tháng 8 tháng 9 năm 1946 thì có đụng chạm với các chỉ huy của Quốc Dân Đảng. Quốc Dân Đảng muốn huấn luyện thành một quân đội của Quôc Dân Đảng chống Cộng Sản trong khi Đại Việt chủ trương tập trung đánh Pháp. nên có sự nghi ngờ. Ngoài ra, còn có mặc cảm của những nhà cách mạng ở bên Tàu lạc hậu về với mấy anh sinh viên Lục quân trí thức “non choẹt.” Đó là chưa kể khác biệt giữa anh em Lục quân được huấn luyện theo kiểu Nhật với Quốc Dân Đảng được huấn luyện theo kiểu Tàu. 
  15. Trước sự tấn công của Việt Minh, các giáo quan Nhật đề nghị rút về lập chiến khu ở Pa Kha thì Quốc Dân Đảng bắt đầu dao động, bỏ chạy sang Tàu. Nhóm Lục quân Đại Việt cũng rút sang Tàu tìm đường liên lạc với trung ương, nhưng lúc ấy Đảng trưởng đã mất tích
  16. Vụ giết các giáo quan Nhật vì “quyền lợi riêng của vài cá nhân” là một cái “nhục quốc thể.”
  17. Ở Trung Hoa, Phấn và một số anh em ở chung với các lãnh tụ Đại Việt Dân Chính, nhưng không được “bao dung.” Anh em Lục quân cưu mang nhau trong tinh thần đồng đội chứ không có tổ chức, không có ai chỉ huy với tư cách Đảng nữa
  18. Cuối năm 1948, Phấn về Việt Nam vì ông cụ thân sinh mất. Em của Tổng trấn Bắc phần là Nghiêm Xuân Việt làm giấy tờ cho về. Khi về, anh làm việc với Tổng trấn Nghiêm Xuân Thiện rồi với Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí, Trần Như Thuần, và Nguyễn Tôn Hoàn trong tình quen biết anh em Đại Việt chứ không phải với tư cách đảng phái.  Công việc của anh phần lớn có tính cách bình định, yên dân.
  19. Suốt đời Phấn, anh hành động theo “tinh thần Đại Viết,” dựa trên chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn, giáo dục dân chúng để họ hãnh diện là người Việt Nam, không sợ Tây, không sợ Cộng Sản. 
  20. Đại Việt đóng góp khá nhiều. Chiến sĩ Đại Việt hi sinh rất nhiều, nhưng hi sinh trong bóng tối. Điều tâm niệm là thấy phải thì làm, không nghĩ đến lợi ích hay kết quả.
  21. Nhược điểm của phe Quốc Gia là làm chính trị cách mạng mà lại quá thiên về đạo đức, cổ hủ, quá thận trọng, thiếu thủ đoạn để đối phó vơi Cộng Sản khát máu và thủ đoạn.

Toàn văn:

Vũ Văn Phấn –VP-NMH-A052

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (NMH): Dạ, xin phép anh Phấn, tôi xin phép, tôi bắt đầu thu tape cuộc nói chuyện với anh. Nếu anh có cái reservations (dè dặt) gì thì xin cứ nói, anh có thể cho phép phổ biến ngay, hay là 5 năm mới được phổ biến, hay là sau khi anh qua đời rồi mới được phổ biến. Bởi vì cái tape này là một trong những tapes chúng tôi sẽ để vào trong Thư viện Quốc hội một cái, một cái tôi sẽ để vào trong cái thư viện Indochina Institute, ít nhất là hai nơi đó chúng tôi sẽ để cái tapes đó, để về sau các học giả có thể nghiên cứu được. 

Ông Vũ Văn Phấn (VVP): Vâng, thưa Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Hôm nay, tôi cũng lấy làm một cái hân hạnh lớn là được Giáo sư đến đây hỏi về cái quá trình làm việc của mình ở trong vị thế một đảng viên đảng Quốc Gia, lại còn thâu tape nữa. Tôi nghĩ rằng thì là cái tape, tôi không biết rằng nó sẽ có giúp ích gì cho Giáo sư không, và hơn nữa là cái đó nó sẽ giúp gì cho việc biên sử không. Nhưng mà tôi cứ nghĩ rằng có một cái bổn phận cũng phải đóng góp những cái gì mình hiểu biết. Tuy nhiên cái ý nguyện của tôi chỉ là, làm sao Giáo sư căn cứ vào những lời tôi kể đây, để mà rút ra những các cái gì có ích cho cái chuyện sử của dân tộc Việt Nam. Còn những cái mà gọi là cá nhân không ích lợi gì thì xin bỏ qua đi. Và cái chuyện phổ biến thì xin rằng thì là sau khi mà tôi thất lộc đi rồi thì có thể hãy phổ biến, trước khi đó thì tôi cũng yêu cầu được có một bản để cho con con cái chúng tôi được biết.

NMH: Vâng, tôi xin tôn trọng cái ý kiến của anh. Thưa anh, cái việc mà tôi muốn hỏi anh đây là, xin anh cho biết cái quá trình hoạt động của anh bắt đầu từ khi mà anh gia nhập đảng có thể là đảng Đại Việt hay đảng gì khác, quá trình hoạt động cách mạng của anh và trong cái khung cảnh nào anh hoạt động đó. Và cái cuộc đời của anh, anh biết gì về đảng Đại Việt, về lãnh tụ của họ, về tôn chỉ của họ, những chính sách của họ, nhất là trong giai đoạn từ năm 1939 đến 1954, là giai đoạn mà Việt Nam bị chia đôi. 

VVP: Thưa, cái chuyện gia nhập đảng cách mạng Quốc Gia không phải là đối với tôi, riêng cá nhân tôi không phải là chuyện tình cờ. Tôi có thể nói rằng trong cái thời gian mà tôi còn là học sinh của trường Thăng Long đó, tôi cũng đã biết nhiều chuyện về chính trị lắm. Và một cái ông thầy giáo của tôi mà tôi quí nhất lúc bấy giờ, không ai xa lạ là ông Võ Nguyên Giáp, không những quí mà tôi còn mến phục nữa là khác. Thế rồi thì do cái chuyện đó gần gũi, mà thành ra tôi có sinh hoạt với ông Võ Nguyên Giáp. Và ở trong một cái tổ chưa hiểu nó là cái gì cả, nhưng mà tôi biết là một số học sinh của trường đó và tôi cũng được quí mến lắm, ở cái chỗ rằng tôi là cái người mà biết một chút nhạc. Thì tôi là người mà dạy cái nhóm mấy anh em, chị em đó (có một người nữ) để hát bài quốc tế ca “Debout, les damnés de la terre” rồi đó. Hồi đó chỉ có tiếng Pháp thôi. Và do đó cái sinh hoạt đó mà tôi cũng được đọc, cái thời gian đó năm 1900…xem nào, à 36, 37, 38 gì đó. Thì hồi đó là hồi Front Populaire (Mặt trận Bình dân) ở bên Pháp rất mạnh, cho nên là cái ảnh hưởng của thực dân bên này cũng bị nhược đi nhiều, mà thành ra những tài liệu Cộng Sản Pháp đưa sang bên này nhiều. Có thể nói Cộng Sản Pháp đem sang cho Cộng Sản Việt Nam những cái gì mà sau này Cộng Sản nó lại đánh lại Pháp ấy là do đó. Nhưng mà ngay khi đó, tôi cũng được hiểu rằng thì là Cộng Sản, ngay Đệ tam với Đệ tứ nó cũng đánh nhau. Mà ở ngoài Bắc thì Đệ tam mạnh, mà trong Nam thì Đệ tứ mạnh. Thế mà về sau này mình còn thấy rằng Đệ tam nó còn nuốt cả Đệ tứ. 

Ngay lúc bấy giờ tôi cũng ý thức được rằng thì là, à, cần phải có một cái tổ chức gì để mà chống lại thực dân, để mà lấy lại nước độc lập cho mình. Nhưng mà tôi không thấy cái hoạt động nào cả ngoài cái hoạt động của Võ Nguyên Giáp. Nhưng mà tôi lại thấy ngay rằng trong cái thời kỳ mà Front Populaire có đại diện (tôi không nhớ tên) tới một cái thì có một anh đứng dậy nó hô hào, mà anh cũng là bạn thân với tôi, tên là anh Võ Đức Huề đó, em Võ Đức Diên đấy. Thì hắn cùng tôi, tức là giúp hắn để mà cổ động, để biểu tình, để đi hoan hô cái cái ông Pháp ông sang đó. Thì sau tôi lại biết ông là ông Đệ tứ. Nhưng mà rồi sau này hình như ông cũng bị tụi Đệ tam nó thanh toán đấy. Khi sinh hoạt với lại cái bọn Đệ tam kia ít lâu thì tôi thấy rằng thì là không được, à tôi sợ nữa là khác. Bởi vì rằng thì là có cái chiều hướng rằng thì là phải diệt những cái kẻ nào mà như là có của, có này khác đó. Thì tôi là người con nhà xưa nay không có cái gì cả, mà chân nông ông cha từ bao nhiêu đời rồi mà làm nên, mà bây giờ thì tôi được thừa hưởng hay không thì tôi cũng ít ra tôi được đi học. Mà bây giờ là sẽ bị thanh toán, thành ra tôi phải lảng xa cái bọn đấy và tôi đi tìm chỗ khác. Thế rồi thì sau khi mà mà thi hỏng cái tú tài phần nhất — thời đó năm 39, thì cũng mất hết cả hồ sơ nữa. 

Thi hỏng rồi thì Tây mất nước nữa, thành tôi cũng không đi học nữa. Bạn tôi thì nghĩa là cũng ấy, nhưng mà lúc bấy giờ tôi trở ra đi hoạt động, đi tìm cái cái cái…Thế trong cái hoạt động thì tôi đi nhiều nơi lắm. Năm 39, 40 thì tôi đã là một cái phóng viên tờ báo, của tờ báo Mới – xuống Hải Phòng đó, báo Mới của Nguyễn Doãn Vượng, là tôi là một thằng xuống đó. Thì cái chuyện làm báo chỉ là một khía cạnh thôi, còn thì tôi nghe ngóng những chuyện đi ra ngoài ra làm sao, ở cái bến Hải Phòng ấy. Thế rồi ở trong cái chỗ bến Hải Phòng ấy, tôi được thấy những cái vụ buôn lậu, những người buôn lậu làm tiền cũng có nhưng mà nghe có vẻ mua súng đạn cái gì đó. Trong số những người xuống đã nằm nhà với tôi ấy là có một ông sau này cũng nổi tiếng lắm là ông Trần Văn Tuyên, cũng là một thầy dạy ở trường Thăng Long đó. Nhưng mà khi đó đối với tôi như là anh em trong nhà ấy, ông bảo ông cũng xuống: “tao xuống buôn lậu đây.” Nhưng mà sự thực thì tôi biết là ông ấy định mua súng gì đó. Thế tôi cũng hoạt động. 

Thì giữa cái lúc làm báo, tôi chạy đi chạy về thì người em tôi là sinh viên trường Y khoa đó gặp anh em Đại Việt thì có nói chuyện với tôi. Tôi chỉ cười tôi bảo rằng thì là đảng ở đây, tao thấy tụi Cộng Sản nó làm ghê lắm, đảng phải thế nào, chứ mà đảng ấm ớ thì thà rằng đừng làm thì  hơn. Thế em tôi có đưa cho tôi xem cái cái tuyên ngôn của Đại Việt Quốc Dân Đảng và chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn. Thế chính là tôi đi, đi tìm, mà đi tìm chỗ xa, trong khi cái chỗ gần ngay đằng sau mình, nó đem đến cho mình. Thế đấy, do cái đó mà tôi được gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng. Mà em tôi chỉ cho tôi biết những cái điều kiện như thế thôi, với cái chuyện bảo: “anh nghiên cứu đi, anh muốn vào thì em sẽ chỉ cho cái người đưa anh vào”. Thì vào rất là đàng hoàng theo một cái filon (cái mối) là vào một cái tổ của anh Phạm Xuân Sơn gì đó, chứ không phải là với em tôi bởi vì em tôi nó có hoạt động khác. Thế thì tôi…

NMH: Thế em của anh, thưa anh ấy cũng vào đảng Đại Việt luôn? 

VVP: Dạ, vâng.

NMH: Đảng viên Đại Việt, thế anh tên là gì?

VVP: Tên – bạn thân với lại Bùi Diễm lắm, là Vũ Minh Tấn, hiện người em tôi bây giờ ở bên Thụy Điển. Thế thì tôi cứ tiếp tục hoạt động, mà với cái chiều hướng của tôi lúc bấy giờ đó là, lúc tôi ở Hải Phòng, lúc thì tôi đi lại đó. Thì sau khi mà nhập Đảng rồi đó thì đối với lại cái chi bộ của tôi đấy thì tôi bảo rằng thì là nó buồn cười là tôi, tuy tôi ở Hải Phòng nhưng chưa có gì ở Hải Phòng cả thì tôi chạy lên, chạy về đấy. Thì tôi ăn ý với anh Phạm Xuân Sơn là sẽ tổ chức những cái chi bộ ở dưới Hải Phòng.

NMH: Vâng, tức anh Phạm Xuân Sơn ở Hà Nội?

VVP: Thì anh vẫn ở Hà Nội. Thế thì trong cái thời gian đó thì tôi cũng chuẩn bị được một số rồi, mấy anh em hướng đạo ở dưới Hải Phòng á, mà quen cũng là rồi thân về hướng đạo cũng có, và vì ông cậu tôi là ông ông Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo ở dưới đó, cũng uy tín lắm. Nhưng mà chưa kịp làm cái gì cả thì nó đã có những cái chuyện hơi bất đắc ý một tý, là cái tờ báo Mới lúc bị đóng cửa, rồi cái kinh doanh của tôi nó thất bại. Thì tôi phải bỏ Hải Phòng mà tôi lại trở về Hà Nội.

NMH: Thưa anh, tờ báo Mới có liên hệ gì đảng Đại Việt không?

VVP: Không, lúc bấy giờ chưa có một tí gì là ấy cả. Nhưng mà với cái chiều hướng của anh ấy thì là nghĩa là, nghĩa là kích động cái tinh thần yêu nước đi, trong cái khi mà thấy rằng Tây nó thua Đức rồi đó, năm 1939, 1940, Tây thua Đức rồi ấy thì phải cổ động cho cái tinh thần yêu nước mà chống Pháp đi. Thế thì…

NMH: Thưa anh, cho tôi hỏi cái câu này là, anh nói là khi mà anh – ông em anh đưa anh xem cái tuyên ngôn đảng Đại Việt, với chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn đấy thì là cái thuyết đó hồi đó là, là có phải là cái quyển sách anh Nguyễn Ngọc Huy về sau này viết đó không?

VVP: Anh Huy viết thì tôi không biết ra sao. Nhưng mà cái quyển trước thì viết gọn lắm, gọi là tuyên ngôn…

NMH: Tuyên ngôn thì có độ khoảng mấy trang, ít trang thôi phải anh?

VVP: Vâng. Ít trang thôi, vâng.

NMH: Thế là anh nói…

VVP: Thì cái hồi sau này anh Nguyễn Ngọc Huy có viết lại, hơi viết dài dòng một chút. Nhưng mà tôi chỉ đọc qua thôi, mà tôi được anh em cho biết thì tôi cũng cho dẹp đi, tôi bảo: cái này thì nghĩa tôi xét đoán cái chỗ đó như là cái, như là thời thượng có sự chuyển đổi gì đó đấy. Thế thì tôi cũng không có…thành ra tôi không biết. 

NMH: Nhưng trước kia thì có một quyển sách không, hay là chỉ có cái bản tuyên ngôn mà mà khoảng độ có chục trang thôi?

VVP: Thế khi đó thì khi mà chúng tôi hoạt động ấy thì thì khổ lắm, in ronéo nghĩa là nghĩa là giấu giấu diếm diếm, bí mật lắm. Cái cuốn, cái tờ giấy mà khổ 21 x 28 gập tư lại thế này đó, in ronéo, không phải ronéo nữa mà đánh máy rồi in in gì đó…

NMH: In mực, bằng bản mực có phải?

VVP: Không, in thạch.

NMH: In thạch, vâng. 

VVP: Vâng, in thạch mà mực tím đó. Rồi thì để vừa bỏ túi thế này mà chuyền cho nhau. Cái hồi đó hoạt động rất là sợ, sợ hai phía: sợ Tây một phần, thế rồi đến lúc sau, sau sau 39, 40 còn sợ Nhật nữa. Và riêng chúng tôi, chúng tôi biết là sợ cả Cộng Sản nữa. Tôi sẽ nói tại sao sợ Cộng Sản.

Là vì thế này, tôi có thể hiểu rằng cho tới bây giờ nhiều người không biết, chủ quan không nghĩ đến một, một cái khía cạnh rất giản dị mà không bao giờ phía Cộng Sản họ nói ra. Thế nhưng mà đừng quên rằng cái tuyên ngôn của Đại Việt Quốc Dân Đảng, là cái duy nhất ở trên thế giới này ấy, dám nói ra từ năm 1939, là Chủ nghĩa Xã hội không đi đến đâu cả, đi ngược lại với lại cái bản thể con người. Tuy rằng nói một cách rất là thẳng thắn, vô tư, không có cái ý định đả kích gì cả nhưng mà rất là sáng suốt, đã thấy rõ. Bây giờ nói lại thì nhiều thì bảo ừ ưa may cái gì đấy. Nhưng không phải, ngay lúc bây giờ, ai tôi không biết thế nào nhưng riêng tôi, tôi ý thức được rằng thì là đấy, đối với cái dân Việt Nam, phải có một cái Chủ nghĩa Dân tộc như thế mới được. Và phải dè chừng Cộng Sản đi. 

Và do đó, tôi tin chắc rằng Cộng Sản nó phải thù ghét nhất là những tên Đại Việt. Nó không nói ra rằng vì cái chỗ, dùng cái chữ thông thường là lật tẩy nó như thế mà nó thù ghét. Mà nói là lật tẩy như thế như là nó thú nhận rồi, a, thú nhận rằng Đại Việt chỉ trích nó thế là phải rồi, nó lơ đi, nó không nói gì cả nhưng mà nó thù ghét ghê lắm. Tôi không thể nào mà không đặt ra cái nghi vấn rằng, có rất nhiều công việc khi chúng tôi làm, cái thời kỳ đó phải lờ đi, để mình giữ bí mật. Thì tụi Cộng Sản nó nhảy bổ vào, nó nói cho mọi người biết là nó làm đấy. Nó như là đối với quốc dân là nó là cái thằng đánh Tây thế này thế khác đấy. Nhưng mà lúc nào cũng vậy, tụi Cộng Sản là nếu có thể được, tụi nó có những người nằm ở trong mật thám Tây đó, để mà nó diệt những đảng Quốc Gia, chứ không bao giờ là nó để nguyên Quốc Gia đâu. Nếu mà không phải là theo nó thì là thế nào nó cũng phá. Vâng thế thì nếu mà anh có được cái cuốn tuyên ngôn đấy…

NMH: Tôi có rồi, dạ. 

VVP: Vâng, chắc là anh có rồi thì anh thấy tôi, không hiểu có phải tôi là người đầu tiên nhắc anh rằng thì là, cái nội dung của cái đó có cái quan trọng nhất đối với Cộng Sản là lật tẩy Cộng Sản ra như thế thì nó ghét ghê lắm. Và không thể khỏi được cái khi mà nó, ngoài sự trực tiếp nó phá mình thì nó có thể nó mua chuộc những chỗ khác để phá mình nữa. Như là tôi được phong thanh, tôi không dám nói chắc, thế nhưng mà có thể ở đoàn thể nào cũng có những người tốt, người xấu, hay là những cái cá nhân mà làm hại cho cho đoàn thể. Nhưng rất có thể những người tham tiền tham hay không thích, chẳng hạn, để phá anh em. Như là trong Quốc Dân Đảng chẳng hạn, có những người như là bên Quốc Dân Đảng không thích bên Đại Việt, hay Đại Việt không thích Quốc Dân Đảng, mà vô tình, hay là vì tư lợi mà làm hại ấy nhưng mà cũng không thể tránh được đâu. Thế nhưng mà bỏ hết cái chuyện đi, tôi phải trở lại cái chuyện rằng là chúng tôi ý thức được vào cái tuổi tôi ý thức được người Cộng Sản nó còn ghét Đại Việt ghê lắm. Nhưng mà bao giờ Đại Việt với cái cái tuyên ngôn ấy, chỉ cảnh giác nhân dân thôi, không bao giờ tỏ ra rằng là tử thù với Cộng Sản Việt Nam cả. Mà cái đó là một cái yếu điểm, sau này chúng tôi cũng nhận thấy được.

NMH: Thưa anh, anh vào đảng Đại Việt là năm nào?

VVP: Năm…cuối năm 49, đầu năm 40 thì phải.  

NMH: Cuối năm 49?

VVP: 39, 40, vâng,

NMH: Tức là 39, đầu năm 40, khoảng cuối 39, đầu năm 40. Lúc bấy giờ khoảng bao nhiêu tuổi, thưa anh? 

VVP: Thưa 19, 20 tuổi đó. Lúc bấy giờ là, vâng, thời kỳ mà mà…

NMH: Nhưng anh bắt đầu, anh bắt đầu hoạt động cách mạng từ trước đó, phải không?

VVP: Từ trước, từ khi mà troisième année, quatrième année secondaire (đệ tam, đệ tứ trung học) đó. Nghĩa là tôi tôi nói chuyện mà ấy với lại tụi Cộng Sản. Lúc bấy giờ tôi có biết là cái gì đâu, chỉ nói cái communisme mà lúc bấy giờ thì nghĩa là ca tụng ghê lắm, đọc quyển sách vở viếc của nó hay lắm, rồi thì nó khi mà…

NMH: Nhưng mà lúc đó anh vào Cộng Sản, là anh cho là vào Cộng Sản để đánh Tây thôi, chứ không có nghĩ thì là…tại sao thế?

VVP: Không, không, chưa vào Cộng Sản gì cả, mới là cái sinh hoạt với lại tụi ấy.

NMH:  À sinh hoạt chính trị đấy…Nhưng mà anh đã dạy Quốc tế ca rồi đó?

VVP: Ừ thì lúc bấy giờ thì là nó đến nó đưa cho. Nó thấy mình là biết nhạc đấy thì nó đưa cái bài ấy.

NMH: Nhưng mà như vậy anh có biết đấy là đảng Cộng Sản chưa?

VVP: Biết chứ, biết chứ. Nhưng mà chỉ cho rằng thì là đó là một cái Quốc tế ca, rồi sau này nghĩa là không có biên giới nữa, mình cũng bằng thằng Tây, mình cũng là thằng Tây, mà thằng Tây cũng không thể khinh được mình. Thế thì vào cái tuổi ấy, anh thử tưởng tượng vào cái tuổi ấy là lấy làm thích lắm, cái gì đó. Mà nhất là như khi mà Front Populaire sang, thằng Võ Đức Huề nó cứ lôi ra, nó gọi anh này anh nọ, gọi những cái ông Tây anh này anh nọ thì nghĩa là vào cái tuổi ấy thì thích lắm. Nhưng mà sau khi mà sinh hoạt thì tôi biết, thế thì tôi đã tránh xa ra. 

NMH: Thế có thể nói anh là người, có thể nói anh là cái người tổ chức cái chi bộ Hải Phòng đầu tiên không, cái lúc đầu anh bảo chưa có?

VVP: Cái cái về sau, khi mà tôi về thì cái cái tôi có giao cho một anh, anh ấy làm thì nó cũng bị những cái khó khăn rồi nó tan rã hết, mà tan rã hết. Nhưng rồi thì rồi sau này cũng có nhiểu cái phân bộ, chi bộ này khác mà bị tan rã một cách rất rất là là bất ưng, mà mà buồn phiền lắm. Nhưng mà cái đó là chuyện đã qua rồi thì nói làm gì. Thế thì nếu mà anh hỏi về cái chuyện…

NMH: Lãnh tụ, tổ chức, chính sách?

VVP: Lãnh tụ, vâng thì thế này, tôi thì nói ngay, tôi biết rằng thì là cái sinh hoạt của lãnh tụ như thế nào. Nhưng mà riêng tôi, lúc bấy giờ đấy thì tôi sinh hoạt với lại cái chi bộ của tôi mà rất là xa. Bởi vì cái cái hệ thống tổ chức lúc bấy giờ rất là chặt chẽ.

NMH: Tức là bao nhiêu người, bao nhiêu người – chi bộ?

VVP: Ở trong chi bộ tôi có tám người thôi.

NMH: À chi bộ tám người, vâng.

VVP: Vâng, tám người mà đã là nhiều rồi đấy. Mà lúc bấy giờ cái chi bộ này gần như thì tôi đã sắp sửa có một cái chi bộ nhỏ nữa rồi đấy. Thế thì là đến cái thời kỳ đang huấn luyện thế này thì là đến 45, đến 45 là là cách mạng mùa Thu cái con khỉ gì đó. Thành ra nó lung tung ra. Thế nhưng mà không những rằng thì là về cái căn bản lý thuyết chính trị nó đã vững, mà còn cái cũng, tôi có dám nói một điều nữa, chắc chắn là cái đảng thứ nhì sau đảng Cộng Sản là có tổ chức ngay từ năm 39 (1939) từ Bắc vào Nam. Chứ không như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng sau năm 1930 đấy thì bị hoang mang, bị tan rã, không có hoạt động gì cả. Mãi đến năm 45 thì mới lại tập hợp lại, để để mà hoạt động lại. Trong khi đó thì, phải nói ngay rằng Đại Việt Quốc Dân Đảng như anh Trương Tử Anh với ông cụ, cụ Trương Bội Hoàng mà chúng tôi được biết, cũng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đấy. Nhưng mà lúc bấy giờ cái hoạt động ấy, nó tập trung cũng chỉ ở ngoài Bắc thôi. Có thể nói không có người miền Nam nào là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thế nhưng mà sau năm 30 thì nó bị cái thời thế nó làm cho…

NMH: Như vậy cụ Trương Bội Hoàng là đảng viên Quốc Dân Đảng?

VVP: Vâng.

NMH: Nhưng mà còn ông Trương Tử Anh là con thì lại làm lập đảng Đại Việt. Tức ông chưa bao giờ vào Quốc Dân Đảng?

VVP: Nó bị cách, bị cách, vâng thì cách xa rồi. Thì cái thế hệ cách ấy, cái thời gian đó. 

NMH: Vâng, thế anh có biết gì về cá nhân Trương Tử Anh, hay là chính sách của ông ấy ra sao, cái lối lãnh đạo, hay lề lối lãnh đạo của ông ấy?

VVP: Lề lối lãnh đạo, tôi trực tiếp với anh ấy nhiều lần thì tôi thấy rằng thì là cho tới bây giờ, tôi đang với cái tuổi 75 của tôi bây giờ, tôi mới đi tìm, tìm mãi từ hai, ba mươi năm nay một người nào lãnh tụ được như anh ấy. Khi mà trực tiếp với anh ấy, không thể tưởng tượng là một cái người có khả năng rất là nhẹ nhàng, dịu dàng, nói rất là khiêm tốn. Thế nhưng mà cái chuyện gì đặt đâu là đặt đấy rất là ấy. Nhưng mà lúc nào cũng tươi cười. Tôi nói tỷ dụ như, một cái tỷ dụ như là lần mà, khi tôi trông nom một cái chỗ khu bí mật mà nuôi tạm mấy người sĩ quan Nhật, để chuẩn bị đưa lên làm cái ấy ấy Yên Bái, cái…

NMH: Trường Lục quân Yên Bái đấy?

VVP:  Cái trường Yên Bái đó. Thì có một ông lúc đấy đến, tiếp nhận họ được ít lâu thì anh Trương Tử Anh cho người đến liên lạc, bảo rằng đến gặp họ. Thì đến gặp mấy ông ấy, với lại một anh thông ngôn, đến nói chuyện an ủi mọi người, rằng thì trong thời kỳ này các ông có lòng giúp chúng tôi nhưng mà thế nào nó cũng bị thiếu thốn thì như là ấy. Xong đó thì đưa tiễn anh ra. Trước khi đó chúng tôi, tôi với thằng Triệu Dương lúc bấy giờ phải bố trí an ninh chỗ ghê lắm. Thì mới ra là đúng cái lúc mà …à không cái lần ông Hùng [Cao Hùng về sau là chỉ huy trưởng trường Lục quân Yên Bái] đau mà anh đến thăm thì thì khác. Nhưng mà một lần sau đến đến đến thăm chỗ của tôi á thì là có ông, có nhóm đại biểu miền Nam ra để xin lệnh đó, nhận lệnh đó. Lúc bấy giờ sau năm 45 rồi đó, đã ấy rồi đó. 

NMH: Tức là sau 45, có Nhật?

VVP: Vâng, lúc bấy giờ nó là vào tháng 9, tháng 10 gì đó thì rồi cái nhóm ở trong Nam ra thì anh Tư Thiên với lại gì đó.

NMH: Tư Thiên ở trong Bình Xuyên phải không?

VVP: Dạ, anh Tư Thiên là ở trong…vâng Bình Xuyên đúng rồi thì

NMH: Thế anh Phượng có ra cùng lúc đó, hay?

VVP: Ai?

NMH: Anh Phượng – Trần Kim Phượng?

VVP: Trần Kim Phượng á, à nếu mà anh nói Trần Kim Phượng thì lúc bấy giờ tôi không biết là có ra cùng lúc đó không. Thế mà Trần Kim Phượng cùng với em tôi là cái số người mà đi theo anh Giang, mà sau triệu vào Sài Gòn ấy thì cái chỗ đó thì tôi không được thấy biết rõ, nhưng mà tôi chỉ biết rằng trong khi tôi nằm đó, tôi phục sát đấy.

NMH: Tránh cái anh Tư Thiên ra?

VVP: Anh Tư Thiên ra thì anh Trương Tử Anh có đến để mà cho anh instructions (chỉ thị) ở đó đấy. Thế xong rồi thì lúc đi ra, tôi muốn nói cái chuyện cái cái ông… 

NMH: Lề lối lãnh đạo của anh Anh? 

VVP: Lãnh đạo, vâng, rất là không phải anh cũng tưởng tượng được. Ông đi ra thì chúng tôi có đưa tiễn ra ấy thì cái, thì lúc bấy giờ là đúng vào cái thời kỳ mà năm bỏ phiếu, nó bầu cử. 

NMH: Quốc hội?

VVP: Quốc hội – không phải, lúc đầu tiên là cái gì chứ, bỏ phiếu, tôi biết là bỏ phiếu. Thế thì đi để quan sát thôi thì nghĩa là Triệu Dương thì có vẻ là cũng sợ lắm, nên mắt trước mắt sau. Thì anh Trương Tử Anh anh cũng còn bảo thì là: “cái gì đấy mà mắt trước mắt sau, phải bình tĩnh, nó nhìn thấy thì thế nào mà giữ bí mật cái gì.” Mà anh đeo kính nom như một vị thư sinh thôi, chứ không có gì là cái chuyện bảo anh đi thì mấy ông hiện thời bây giờ mà cứ ấy một cái lãnh tụ thì như là là oai vệ lắm. Anh không, anh rất là giản dị, nhưng mà đã vào cái việc gì là đúng như thế đã nói. Thảo luận cái gì là cho gãy gọn xong rồi, chứ không có cái chuyện phải thảo luận, cãi đi cãi lại gì hết, nhưng mà bây giờ cái lúc đó thì khó khăn, phải duyệt ngay và quyết định rất là nhanh. Nhưng mà thường thì tôi biết rằng thì là ở cái thời kỳ của tôi đó thì là anh anh ấy hay có họp ở chỗ với lại chỗ nhà thương ông Lạc gì đấy, vâng.

NMH: Đặng Vũ Lạc.

VVP: Gần như là ông Đặng Vũ Lạc là là cái cơ sở chính để mà ấy trong cái thời kỳ đó. Nhà ông Lạc thì tôi không đến bao giờ, mà tôi chỉ có cái khu của tôi thôi.  

NMH: Thưa anh, nhà ông Lạc là giai đoạn khoảng từ 39 về 45 thì mới hay họp ở chỗ đó?

VVP: Vâng. Ấy thế thì tôi thì trực tiếp với anh Trương Tử Anh có ít thôi. Lúc bấy giờ chúng tôi gọi anh Phương hay là anh Cả.

NMH: Anh Cả Phương đó?

VVP: Vâng. Anh Phương, anh Cả.

NMH: Thế còn anh có nom de guerre (bí danh) của anh, tôi thấy anh nào cũng có có nom de guerre hết?

VVP: Nom de guerre thì gọi là bí danh chứ gì?

NMH: Bí danh. 

VVP: Vâng thì tôi là Quốc Vinh từ lúc bấy giờ.

NMH: Quốc Vinh, dạ. Trong cái cái Đảng thì anh có lãnh nhiệm vụ gì đặc biệt không, mà do ông ấy trao cho?

VVP: Lúc ấy chỉ là một, ở trong cái chi của tôi thì tôi phân chi thì đã là phụ trách riêng rồi, tôi không còn thì giờ ấy nữa. Từ từ tháng 8 sang đầu tháng 9 thì đã bắt đầu rằng thì tôi phải trông nom cái chỗ, cái cái tập trung của mấy sĩ quan ấy rồi, để mà…

NMH: Tức năm 45 đấy, tháng 9 năm 45?

VVP: Vâng, tháng 9 năm 45 đó.

NMH: Thế anh lo về cái vụ gặp sĩ quan?

VVP: Vâng.

NMH: Cái đó là cái chuyện mà tôi muốn hỏi anh đấy. Là cái chuyện đó vẫn chưa biết là sao. Tại sao có cái trường Lục quân Yên Bái. Tại sao lại có ông Nhật đi theo mình, giúp. Tại sao ông đã đầu hàng rồi, không về Nhật thì ai, ai mà dụ ông ấy đi giúp mình. Ý kiến của họ hay ý của mình. Mà đảng Đại Việt làm hay Quốc Dân Đảng làm?

VVP: Tôi có thể dám nói ngay rằng là lúc bấy giờ đấy, nếu mà không có Việt Minh thì là Đại Việt, chứ Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ chưa có cái gì hoạt động ấy cả. Thế thì có thể nói rằng là khi mà, trước khi Nhật, trước khi Pháp thua ở bên kia đấy thì Pháp thua ở bên, mới thua, ở bên Đức thì đã có chuyện Nhật định xông vào Việt Nam đó và mấy đảng thân Nhật đó đã bị, đã bị lừa mà bị thiệt hại đó. Thì thành ra trong cái thời kỳ mà Nhật nó vào Việt Nam rồi đó thì có mấy đảng, như là: Đại Việt Quốc Xã này, rồi Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, Đại Việt cái gì đấy…mấy cái anh rõ ràng là thân Nhật. Như là Nhung lại bị giết ở trước cửa nhà tôi ở đường đường như là Citadel đấy thì cũng là thân Nhật mà bị ấy. Thế thì cái lúc mà đảng Đại Việt, cũng là một thứ Đại Việt ấy, mà lúc bấy giờ có một cái chuyện nữa của…Đảng Đại Việt mà riêng tôi biết, tôi có đưa ra tôi nói chuyện thì đều phải gạt đi là …

À, bên cạnh nhà tôi có một ông, ông ấy bị Nhật bắt, mà tôi biết là ông ấy bị bắt oan. Tôi đoán, phần nhiều thôi nhưng mà rồi cũng không thấy ông ấy trở về. Ông ấy là tên là Trương Anh Tử, một ông giáo sư dạy tiếng Nhật. Bởi vì tôi là người hàng xóm với ông ấy. Thế thì tôi biết rằng thì là ông Đảng trưởng Đại Việt là ông Trương Tử Anh. Mà cái ông ấy bị bắt thì hiểu rằng thì lúc bấy giờ tất cả các Đại Việt khác thì theo Nhật Bản, mà cái Đại Việt Quốc Dân Đảng lại không theo Nhật Bản. Thế thành ra do Pháp cho những cái tin tức, tài liệu rằng thì là cái đảng Đại Việt nó không có tốt với ấy đâu, nó tìm nó bắt, cho tài liệu tên là thế, là thế. Nó đi nó bắt cái ông Trương Anh Tử là do cái tài liệu nào đấy, Tử Anh với lại Anh Tử,  Anh Tử là nó lẫn lộn với cái đấy. Đấy là một một cái mà mà tôi biết ngay bên cạnh nhà tôi. Thế thì nói về lãnh tụ thì tôi thấy chưa có người nào được như anh Trương Tử Anh.

NMH: Vâng, cái đặc biệt của ông ấy thì theo ý anh là, ngoài cái việc mà anh nói là ông ấy rất là khiệm nhượng đấy, ông ấy rất giản dị này, ông bình tĩnh này và ông quyết định nhanh chóng phải không? 

VVP: Quyết định nhanh chóng. 

NMH: Còn cái gì khác nữa không anh?

VVP: Tôi tôi tôi chỉ biết đến thế thôi. 

NMH: Dạ, vâng. 

VVP: Trong cái sự nói chuyện trực tiếp của tôi. 

NMH: Thế anh cho là những cái đó, dạ vâng. Thế giờ xin anh trở lại cái vấn đề cái trường Lục quân Yên Bái đó, cái cái cái căn nguyên của nó ra sao, ai tổ chức, ai liên lạc mà thành ra trường. 

VVP: Cái căn…cái căn nguyên nó thì tôi chỉ biết, tôi được lệnh rằng thì là đến đấy để săn sóc cái số sĩ quan đó. Nhưng mà tôi còn biết là đồng thời cũng hai, ba căn cứ nữa ở trong cái tỉnh Hà Nội đấy, cái căn cứ của tôi thì ở phía Bạch Mai, còn căn cứ nữa ở chỗ Hàng Bột là chỗ nhà anh Mười Hướng, một cái căn cứ thứ 3 nữa ở trên chỗ Ngọc Hà hay cái gì đó. Thì có ba cái chỗ như thế, mỗi chỗ độ bốn, năm ông gì đó. Nhưng mà thời kỳ đó đấy…

NMH: Săn sóc tức là sao thưa anh, cho ăn uống, rồi đấy… 

VVP: Vâng, ăn uống thuốc men chẳng hạn thì quần áo để cho chờ thời, cái lúc mà chuẩn bị cái cái trường xong thì là đưa họ lên thôi. 

NMH: Thế như vậy tức là anh nghĩ là đấy là Đại Việt liên lạc có phải không?

VVP: Vâng, phải rồi, phải rồi. Do Đại Việt ở các nơi đưa về.

NMH: Mà cái trường đó là Đại Việt làm phải không?

VVP: Vâng. 

NMH: Lục quân Yên Bái đó?

VVP: Vâng. Là thế này. Cái đó chắc là anh, anh có cái thắc mắc ở cái chỗ rằng thì là…

NMH: Làm sao có các ông Nhật ở đâu lại ra?

VVP: Đại Việt, Đại Việt hay là Việt Nam Quốc Dân Đảng mà đấy. Vâng thì cái đó, cái lúc người Nhật hàng rồi, không biết bao nhiêu người Nhật, lính Nhật không, có hai điều. Điều thứ nhất là họ không muốn cái nhục phải đầu hàng, có rất nhiều người Nhật tự tử, mổ bụng tự tử mà mình không biết đấy thôi, rất nhiều. Và nhiều người bỏ hàng ngũ đi ra, ở lại nước Việt Nam. Vì có những cái sợ hãi, là không phải là người Nhật ở Việt Nam toàn là người gốc Nhật cả. Người gốc Mông Cổ có, người gốc Đài Loan có, người gốc Đại Hàn có. Mà những cái anh ấy khi mà vào lính Nhật, đi làm nhiều cái bậy bạ lắm. Thì bây giờ sợ rằng thì là bị bị vứt về, trả về nước đó, thành ra muốn muốn trốn đi để nó ở lại, nó làm cái gì khác đấy. Thế thì Việt Minh nó thu nhập cũng nhiều lắm chứ không phải là ít. Thế mà nó sử dụng một cách khác. Và trong cái thời gian… 

NMH: Thế thì giai đoạn đó, như vậy là cái đó do ông Đại Việt làm đấy?

VVP: Nhớ là vì như thế này.

NMH: Huấn luyện thì huấn luyện cho mọi người, tất cả mọi người?

VVP: Không, không, phải là đảng viên Đại Việt, chứ không thể nào nói kiểu như thế được cả.

NMH: Quốc Dân Đảng được huấn luyện đấy?

VVP: Trước khi mà có những cái sĩ quan Nhật giúp mình đó thì đã có trường…hai chiến khu rồi. Một chiến khu thì nghĩa là gọi là chiến khu thôi, cũng chưa có ấy lắm. Nhưng mà một chiến khu có huấn luyện là chiến khu Triệu 

NMH: Triệu?

VVP: Vâng.

NMH: Triệu ở đâu Thanh Hóa? 

VVP: Không, Chiến khu Triệu là giáp ranh Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh. Mà một cái làng Triệu ấy, là cái khu ấy ngày xưa gọi là Lục Đầu Giang đó, là cái chỗ mà mà Đại Việt, Quốc Gia Đại Việt đã thắng Tàu rất nhiều lần ở cái khu đó. Ngô Quyền thắng Bạch Đằng Giang, hay Lục Đầu Giang chỗ đó. Thì đấy có một cái chiến khu gọi là chiến khu Triệu, mà huấn luyện viên là một người tốt nghiệp trường Hoàng Phố bên Tàu cùng khóa với Trương Phát Khuê là anh Giang.

NMH: Anh Giang, cái gì Giang, cái gì Giang?

VVP: Tôi chỉ biết tên là Giang thôi. Thì bởi vì người ta đến đến huấn luyện. Vâng, chứ anh ấy thì…đó, chứ không phải rằng thì là Việt Minh mới có chiến khu. Đại Việt có chiến khu từ trước, mà cái chiến khu Triệu là cái chiến khu mà tôi tiếc nhất. Có nhiều cái rất là, bị gọi là dépassé (lạc hậu) đấy, là tôi cũng không nhớ lắm. Thế nhưng mà thôi hãy bỏ qua cái cái chuyện ấy. 

Thì nghĩa là sau khi mà Nhật hàng rồi đó thì mới tập trung được một số, mà những người đó là những sĩ quan mà họ đang có cảm tình với mình ở các tỉnh, nhất là Hải Dương và Bắc Giang. Thì tôi biết rằng đã có những cái anh sĩ quan rất là quí Việt Nam thì muốn lấy vợ Việt Nam, đại khái nó chỉ nho nhỏ như thế thôi. Hay là đã từng bán súng cho chúng ta để có tý tiền đại khái như thế. Đến lúc ra thì cũng sợ thế này thế khác thì chạy ra để mà giúp. Thì tất cả các nơi mà gửi về cho cho chúng tôi thì chúng tôi biết mười mấy người Nhật thôi, chứ không có nhiều. Chứ còn thì ở trong nước, từ ngoài Bắc cho đến trong Nam có rất nhiều người Nhật trốn ở lại, như là ở cái gì Nghĩa Bình cũng có nhiều người Nhật ở lại lắm. 

NMH: Thưa anh, cái chiến khu Di Linh đó, còn anh bảo có hai chiến khu là Triệu với chiến khu nào nữa?

VVP: Ờ cái gì nhỉ, tự nhiên tôi, tôi quên mất tên rồi, cái lúc ấy thì chỉ có mười mấy ngày thôi ấy mà. Tập trung lại đó xong rồi thì đưa đổi sang Triệu ấy. Thế còn còn cái anh cứ gọi chiến khu Di Linh thì Chí Linh, ở trong đất Chí Linh thì gọi là Di Linh. Chứ Di Linh thì ở trong Nam cơ. Cái Chí Linh ấy là ở Thanh Hóa, cái lúc mà mà ấy đã định làm cái chiến khu thứ hai nữa nhưng mà chưa kịp thời thì Nhật đã hàng rồi, thành ra không có cái đó nữa.

NMH: Nhưng mà, cái mà trường Lục quân Yên Bái lập sau khi Nhật hàng phải anh?

VVP: Vâng.

NMH: Thế mà anh bảo anh, chỉ thị anh là phải đi lo mấy ông Nhật đó thì anh lấy tiền đâu anh lo, anh phải chịu lấy đúng không?

VVP: À vâng thì thì cái…không không, tôi không có chịu cái gì. Cái thời kỳ đó, trước khi mà Nhật hàng ấy thì anh cũng hiểu rằng thì là có vụ mua súng đạn để mà trữ đó thì lấy tiền đâu. Những người cảm tình viên, đại khái như là những cái nhóm của ông Đặng Vũ Lạc với những người chung quanh, nhiều người nhiều tiền lắm cũng giúp nhưng mà chỉ để sinh hoạt ấy này khác thôi. Ngay cái lúc bấy giờ giấy in iếc, tuyên truyền như thế này khác, phí tổn nhiều lắm chứ, thì có đâu mà mua được. 

Thì đảng Đại Việt là một cái đảng duy nhất ngày đó dám in bạc giả Đông Dương, mà dùng cái đó để mua súng. Vâng, cái đó cũng là cái mà nhiều anh không muốn nói, không dám nói ấy, sợ bị chỉ trích rằng thì là làm bậy thế này thế khác. Nhưng mà tôi thì tôi quan niệm cái đó là cái phá hoại kinh tế của thằng Pháp. Mà đảng Đại Việt không nhắm vào Cộng Sản lúc bấy giờ, mà chỉ nhắm vào Pháp thôi. 

Và thường anh Trương Tử Anh cũng nói rằng thì là cái chuyện, nhất là khi mà Triệu nằm phục ở ở Hà Nội rồi ấy, cái sức ấy thừa, thừa sức cướp chính quyền, thừa sức đàn áp cái lực lượng của Cộng Sản lúc bấy giờ ở Hà Nội. Còn về sau này nó đem dân quân thì không biết. Nhưng mà thừa sức lấy nhưng mà sau bảo thôi, đi đem vào Di Linh, đem cả cái lực lượng ấy vào Di Linh, mà không lấy Hà Nội ấy. Thì đặt ra thắc mắc nhiều lắm, chính tôi cũng thắc mắc. Thì tôi được giải thích rằng thì là chiếm chính quyền ở Hà Nội thì dễ nhưng mà sẽ gây ra nội chiến. Là vì ở mọi nơi, thằng Cộng Sản nó sẽ huy động dân chúng làm bia đỡ đạn, mình có bắn không. Thì phải, hãy dẹp đi đã, bảo toàn lực lượng để cái lúc khác, mình còn phải đợi cái lực lượng Quốc Gia với Đồng Minh về, thế này thế khác. 

Lúc bấy giờ giải thích những người như chúng tôi lúc bấy giờ thì cũng không nắm vững được như là bây giờ, mà nghĩ rằng Đồng Minh lại như thế nào, Đồng Minh như thế nào. Thì cũng như là Việt Minh lúc bấy giờ, nó bảo, nó là cái lực lượng mà hậu thuẫn cho Đồng Minh để đánh Nhật Bản, đuổi Tây, đại khái những cái ấy. Thì mình cũng à bề trên bảo là như thế thì mình cũng hiểu được như thế thôi. Nhưng mà về sau, tôi hiểu rằng cái đó cũng phải. Nhưng mà cũng tiếc rằng thì là nếu mà mình chiếm chính quyền đi thì thì có thể đổi khác, đổi khác thôi chứ không phải là hay hơn, chưa chắc đã hay hơn, ấy. 

NMH: Nhưng mà anh, anh nghĩ là có có quyết định của Đại Việt là không cướp chính quyền?

VVP: Vâng. Chứ cái lực lượng ấy nằm ở Trường Hàng Kèn đấy, với cái lực lượng Triệu 300 tay súng, mà 30 chỉ huy, trong đó có rất nhiều những anh sinh viên ở như ấy — sinh viên Thuốc nhiều ấy. Trong số những sinh viên Thuốc có…à không, nhưng mà cái về sau này, tôi tôi không phải, nghĩa là ở Yên Bái thì có. Thế thì có thể gọi rằng thì là cái đáng tiếc nhưng mà cũng không có tiếc lắm vì rằng thì là hậu quả mình không thể làm sao có thể, có thể là tai hại hơn. 

Rồi thì tôi thấy rằng về cái chuyện mà lấy được người Nhật đấy; là từ tháng, xem nào tháng 9, tháng 10 gì đó, tôi trông nom mấy người Nhật ấy cho đến tháng Giêng năm 46 thì là chuẩn bị lên quân trường. Gọi là quân trường chứ không phải là Lục quân Yên Bái, cái kia chữ không thông dụng, trong mồm mọi người nói đấy thôi, chứ còn cái danh từ đúng, đầu tiên là chúng tôi đi Sa Pa cơ, trường lập ở Sa Pa cơ. Thế thì cái lúc lập ở trên Sa Pa, lên thì có anh Bùi Diễm lên, tôi có nhìn thấy mặt Bùi Diễm. 

NMH: Có anh, anh có thấy anh Huân không?

VVP: Huân nào nhỉ?

NMH: Bùi Tường Huân.

VVP: Bùi Tường Huân, không gặp.

NMH: Đại đội A.

VVP: Bùi Tường Huân thì không có nhưng mà có đứa con Bùi Tường Chiểu có, Bùi Tường Phong với Bùi Tường gì…hai, hai…Thế trong cái số, tôi cũng chưa, nhưng mà Bùi Tường Phong nữa, nói sau, quên, quên hết. Thế thì đầu tiên là chúng tôi ở Sa Pa cơ. Sa Pa được ít lâu thì nó có nhiều cái bất tiện, là điều thứ nhất là về địa thế, địa hình, địa vật không có tiện cho việc huấn luyện, ở chỗ là nghỉ mát ấy thôi. Nhưng mà với thứ hai nữa là đụng với lại một cái lực lượng biên giới của tụi Lê dương Pháp, sau khi bị Nhật đánh thì nó rút lên Mông Tự đó, nó có để một nhóm ở biên giới đó. Khi chúng tôi đang đi tập thì một hôm thì gặp lực lượng của anh Đỗ Đình Đạo lên đấy làm gì đấy, bị bị oánh chạy về. Thế là chúng tôi phải lên để mà giải cứu. Xong rồi đặt ra vấn đề với trung ương, rằng thì là như thế ở đây có hai cái bất tiện là: địa hình địa vật không ấy được; thời tiết để nghỉ mát, mà bây giờ lúc mùa lạnh này không làm gì được; thế và vũ khí, đấy những cái đó nếu thì chính những sĩ quan Nhật người ta đặt ra những điều kiện đó, nếu không thì phải di chuyển. Thì chỉ tuần, một, hai tuần lễ sau, chúng tôi được lệnh di chuyển. Thế lúc bấy giờ mới di chuyển, bỏ Sa Pa về Yên Bái, thế thành trường trường Yên Bái. 

Ở trên Sa Pa thì cái ông sĩ quan Nhật đấy, ông đặt tên cái trường nghĩa là Đại Việt Lục quân Sĩ quan Học hiệu. Ấy là cái danh từ, lúc ấy thì các anh em cũng chẳng để ý là, mình chỉ lên tập thôi. Khi về đến Yên Bái đó thì tình hình nó lại đổi khác đi rồi. Là đấy sẽ là một cái trường của Quốc Dân Đảng, chứ không phải là Đại Việt như ở trên kia nữa, đấy. Mà là lúc bấy giờ là cái gì… Trần Quốc Tuấn Sĩ quan Học hiệu cái gì đó. Là vì ông cho biết rằng thì là nó khác hẳn với trên kia, bây giờ là như là của toàn quốc rồi ấy. Ông cũng không được, không nắm vững về cái cái cái thống nhất với lại Quốc Dân Đảng ra làm sao. Nhưng mà ở dưới thì chúng tôi không được biết, chỉ biết thì là Việt Nam Quốc Dân Đảng với lại Đại Việt Quốc Dân Đảng đã thống nhất lại làm một rồi, gọi là Quốc Dân Đảng Việt Nam đấy. Lúc bấy giờ thì là cái trường ấy là khác rồi, không phải là là Đại Việt nữa, đại khái thế thôi. Thế thì đấy thì sau khi mà tôi nuôi họ được ít lâu thì là tôi đưa họ lên trường thì tôi cũng là một sinh viên sĩ quan của trường mà Yên Bái.    

NMH: Thế anh ở Đại đội, đội A à?

VVP: Tôi ở đội A. 

NMH: Đại đội A, tức là riêng…

VVP: Vâng, Đại đội A là cái đại đội duy nhất, mà có gọi là có dịp, có làm cái lễ gọi là mãn khoá, đấy. 

NMH: Dạ, tức là đội B chưa kịp mãn khoá thì phải đánh nhau?

VVP: Vâng, Đội B chưa kịp mãn khóa thì đã bị đánh nhau.

NMH: Đội A thì anh có những ai mà anh biết tên, có anh Chính – Đinh Trịnh Chính không?

VVP: Không, Đinh Trịnh Chính thì anh ấy bị kẹt hình như là ở Bộ đội C cơ.

NMH: C?

VVP: Anh lên sau. 

NMH: Tức là có đến A, B, C rồi mới mới…

VVP: Vâng, A thì có một thôi, chứ B có ba cơ –B1, B2, B3. Thế rồi sau có một anh, anh huấn luyện viên anh chết đó, thành ra cái B3 mới san làm hai cái B kia thành B1, B2 thôi. 

NMH: Thế còn C?

VVP: Thế sau đấy mới đến C, C thì C1, C2. Thì cái C, ở cái C là đã có các anh em Quốc Dân Đảng rồi. 

NMH: Thưa anh, có vào khoảng bao nhiêu người tất cả được huấn luyện qua cái trường đấy, hệ thống Sa Pa với Yên Bái, theo anh đoán?

VVP: Nếu mà nói rằng như là cái cái khoá A của chúng tôi có độ 40 người. B thì có độ 80 người (B1, B2), hơn 80 người nhưng mà về sau cũng nghỉ, cũng bỏ về nhưng mà 80 người bởi vì ba, ba đội cơ, thành ra cũng vào khoảng 80 người, thế là 120. Thế thì bên lúc C lên, cũng đến 120 nữa, tất cả hơn 250 người.

NMH: Về sau chỉ huấn luyện quân sự không, hay là có huấn luyện cả chính trị nữa không, thưa anh?

VVP: Cái chính trị chỉ là sinh hoạt anh em với nhau thôi, chứ còn người Nhật chỉ là dạy quân sự thôi. Thế nhưng mà về cái quân sự đó thì họ cho biết rằng thì là hội ý với lại là trung ương đó, lúc bấy giờ mà mấy ông sĩ quan ông nói chuyện với anh em chúng tôi như là, ông các ông ấy cũng là đảng viên mà ông tuân lệnh trung ương, ông phải làm như thế này thế này đấy. Thế thì trên lúc ở Sa Pa thì ông dạy như là để mà đánh du kích, để mà ấy thôi, ra hoạt động ngay chỉ có một, hai tuần thôi, chúng tôi đã phải đi tuần đi tiếc để mà bảo vệ địa phương rồi đó. Đến khi về Yên Bái thì rõ ràng thì sẽ thành lập quân đội cho quốc gia Đại Việt. Thế thì phải huấn luyện rộng lớn lắm. 

Chương trình, như chúng tôi Bộ đội A chẳng hạn ấy thì nghĩa là phải gần như cấp tốc nhưng mà học lý thuyết hơi nhiều, là từ sư đoàn trở xuống kia. Thế mà Bộ đội B ấy là từ cơ bản mà cho đến tiểu đoàn, tiểu đoàn, trung đoàn. Thế và trên này từ sư đoàn xuống trung đoàn, nghĩa là phối hợp như thế nào. Và quân chủng nữa, phối hợp với không quân, rồi đến nghĩa là, nghĩa là quá cao đi. Nhưng mà tôi phải nói quá cao đi nhưng mà không có được ảnh hưởng mấy. Là vì thế này thời gian đã là ít này, và cái đó chỉ nói thôi, chứ không có phương tiện như là các anh em, anh em sĩ quan Cộng Hòa sau này, có Mỹ có miếc, có tất cả phương tiện. Thế nhưng mà đấy, cái chương trình là lớn như thế đấy. 

NMH: Thưa anh, anh có, ở trong những cái anh đó, ở trong đó về sau anh có thấy ai mà có những khuôn mặt nổi ở trong quân đội Quốc Gia về sau này không?

VVP: Có chứ, có chứ, có chứ.

NMH: Ảnh hưởng ra sao, anh cho biết là 

VVP: Dạ.

NMH: Có những anh nào?

VVP: Không nhớ.

NMH: Trong số anh mà tôi thấy đó là không phải trong quân đội, ở trong quân đội thì tôi chỉ biết anh anh Liễu cũng lên trên đó, mà có lẽ là C. 

VVP: Vâng, anh Liễu C.

NMH: Về sau này là C thôi. Thế còn ngoài ra thì tôi cũng không biết còn những ai. Ông Chiểu ông có lẽ có vào đấy không?

VVP: Chiểu ở A với tôi rồi mà.

NMH: Thế còn ông ông ông… cái vai trò của ông ông Linh Quang Viên là gì?

VVP: À ông Linh Quang Viên thì ông không, không có mặt trên đó. Ông Linh Quang Viên là lúc bấy giờ là ông ấy ở Vĩnh Phú, Vĩnh Phúc Yên đó. Thì ông ấy là chỉ huy gì đó trong quân đội Pháp, mà ông ấy là đồn trưởng cái đồn ấy ở trên đó. Rồi thì ông ấy tách ra mà ông ấy huấn luyện một cái lớp ở đấy thôi. Và rồi sau lúc ông Linh Quang Viên về Hà Nội định là dự cái gì đó…Chính phủ Liên hiệp cái gì đó thì giao quyền chỉ huy cho Đinh Trịnh Chính, có một cái chi tiết nhỏ thế thôi. 

NMH: Nhưng với giai đoạn riêng…

VVP: Nhưng sau đó thì Đinh Trịnh Chính mới lên Yên Bái.

NMH: À vâng, vâng. Thế có ai ở trong quân đội không anh, Đinh Trịnh Chính thì ở ngoài dân sự, có ai ở trong quân đội không, ngoài anh Liễu ra, có ai, ông Chiểu, ông Liễu ở trong quân đội. 

VVP: Nhiều chứ anh.

NMH: Còn thiếu ai làm việc nữa?

VVP: Nhiều chứ anh, nhiều chứ anh, nhiều người.

NMH: Còn cái ông Tồn, ông ấy là về sau, thế hệ sau này, phải không?

VVP: Vâng.

NMH: Đâu có được huấn luyện trên Yên Bái?

VVP: Trong cái số mà mà, trong cái số mà anh em bộ đội của Yên Bái – Bộ đội B có một số anh em như là anh Nguyễn Tú.

NMH: Vâng, Nguyễn Tú của báo Chính Luận đó?

VVP: Dạ. Anh Vũ Đức Hải, anh Đặng Văn Đệ với anh nào nữa, bốn, năm anh gì đó. Do anh Hoàn tổ chức cái trường Nha Trang, Bảo quốc Đoàn đó –

Thanh niên Bảo quốc Đoàn đó, thì những anh Tồn, với anh Nhiễu nhiếc là học học viên của mấy anh đó.

NMH: Anh có nói về trung ương đó, trung ương là cái gì, thưa anh. Khi mà anh nói trung ương, cái giai đoạn bảo cứ nhận chỉ huy của trung ương thì khi nói trung ương là anh nghĩ một người, hay nghĩ một đoàn, ban chấp hành hay sao?

VVP: Khi khi thì khi mà chúng tôi, cái thời kỳ 40 – 45 đó, mình hoạt động chỉ biết trung ương là trung ương thôi, đấy. Trung ương là trung ương, thế mà chi tiết nữa thì Đảng trưởng cho lệnh thế thôi, chứ lúc bấy giờ không biết là, còn có thể nói rằng thì là không biết, tôi không biết Đảng trưởng là ai cả cơ.

NMH: Thế ạ?

VVP: Vâng.

NMH: Thế về sau làm sao anh biết, đến đoạn Trương Tử Anh…

VVP: Thì cái cái những cái công tác đấy, mà qua những cái chi bộ bảo thì là trong cái công tác đấy, đại khái như là cần di chuyển cán bộ đi trốn đâu đấy chẳng hạn, hay là ở đâu có cái chuyện gì cần đấy bảo cái anh đi được, cái này không được. Thì trong, một trong cái công tác ấy thì tôi được cái may, là đưa đến chính anh Đảng trưởng, mà bảo là anh căn dặn cái điều này điều nọ, việc kia. Thế và không có biên giấy lệnh biếc gì cả nhưng phải học thuộc lòng những cái đại khái như thế, như thế mà mà bắt đầu là là…

NMH: Tức anh anh anh có gặp ông Trương Tử Anh và ông ấy dặn chỉ thị?

VVP: Vâng, tôi…vâng. 

NMH: Mà lúc bấy giờ anh biết ông ấy là Đảng trưởng, là người ta nói, tức người ta bảo anh phải gặp Đảng trưởng?

VVP: Vâng. Chỉ thế thôi, chứ còn không phải là tôi đã ngồi họp với các ông, với ông Đảng trưởng, với ông ủy viên này, ủy viên khác như là ông, xem nào, à ông cụ Cung Đình Quỳ hãy còn đây là một, hay là anh Lê Thăng. Chính Phan Huy Quát cũng mãi về sau cơ, ông Phan Huy Quát biết nhưng về sau chúng tôi nhiều, mà anh Sung cũng  sau. Vâng nhưng mà thì anh ấy ở cái vị thế mà mà…vâng thì các anh ấy hoạt động ấy thôi, chứ còn.

NMH: Dạ, thưa anh. Thế sau sau cái…anh cho biết tại sao mà hồi đó, có lẽ hỏi về chính sách thì anh biết, thì anh biết là cái gì xin anh cho biết. Cái giai đoạn đầu tiên đó, vào Chính phủ Liên hiệp, tại sao ông Trương Tử Anh không vào, mà lại thấy toàn thấy những ông khác thôi. Vì rằng tôi biết cái lúc mà Việt Nam Quốc Dân Đảng mà thống nhất thì cái chủ tịch đoàn đó, chủ tọa là anh, ông Trương Tử Anh. Mà tại sao mà ông không có gia nhập… 

VVP: Ngay như cái chuyện mà thống nhất giữa Việt Nam Quốc Dân Đảng với Đại Việt Quốc Dân Đảng ấy, tôi cũng không được trực tiếp. Bởi vì lúc bấy giờ là chúng tôi lên trường Sa Pa với Yên Bái rồi. Mà cái trọng tâm của chúng tôi là chỗ đó, không những là phải học hành nặng nề, mà phải bố trí huấn luyện dân quân, huấn luyện cán bộ địa phương. Thì nghĩa là nó nặng lắm, còn không có để ý gì đến chuyện địa phương cả. Chỉ có thỉnh thoảng nghe những chuyện này, chuyện khác thôi. Thì cũng chỉ biết thế thôi, chứ không dám, không có tài liệu, mà cũng không có chứng cớ nào cả. Đại khái có những người nói thì là ấy, cái thằng ấy, Việt Nam Quốc Dân Đảng thế, mà cách mạng gì cái đồ ăn cắp thế này thế khác, hay nó phá mình, nó ấy này khác. Thì cái chuyện đó chúng tôi không có, không có biết gì đến. Kể cả tại sao ông này vào ấy, ông Cung Đình Quỳ giữ chức vụ này, kia chức vụ kia, cái đó… Chúng tôi được lệnh rằng thì là phải được huấn luyện để đào tạo thành Bộ quân đội, vâng một cái lực lượng quân sự của Đảng. 

NMH: Ông Quỳ sao, bây giờ còn tỉnh không anh?

VVP: Cụ Quỳ còn tỉnh, tôi vẫn thấy cụ đi lại, mà cụ, vâng những lúc họp anh em thì tôi có một lần gặp cụ thôi. Cụ cũng nói sảng khoái lắm chứ không…

NMH: Dạ, thế cụ bây giờ chắc anh vào 73 rồi thì cụ, à 75 rồi, thì cụ…

VVP: Tám mươi mấy.

NMH: Thế cơ à?

VVP: Vâng, cụ 86, 87 gì đó. 

NMH: Chắc là tôi cũng phải tìm cách, lần sau, kỳ này tôi đi nhanh quá, lần sau chắc sang phải kiếm gặp cụ phải không, phải không anh?

VVP: Vâng, đó là anh gặp cụ thì có thể biết về trung ương nhiều. Mà ngay như là cái chuyện trung ương thì có lẽ cụ Quỳ còn biết hơn là anh Sung. 

NMH: Thưa anh, thế rồi là năm…thế cái lúc mà ông Trương Tử Anh bị mất tích đó, thưa anh bấy giờ thì phản ứng anh ra sao?

VVP: Ông Trương Tử Anh bị mất tích thì tôi ở bên, bên Trung Quốc.

NMH: Thế đi rồi?

VVP: Vâng. Thì tôi về, tôi cũng điều tra mãi mà không có ấy gì cả. Tôi cứ đi hỏi thăm mãi mà anh, mà vừa rồi tôi có nói chuyện với anh rằng thì lúc mà chúng tôi hoạt động, tôi có thằng rất gần là thằng Triệu Dương đó. Vậy thì lúc mà hoạt động, cái gì cần đến trực tiếp với Đảng trưởng là tôi với Triệu Dương là là thằng bố trí đó. Thì tôi có nghi ngại rằng thì nếu mà anh mất tích thì Triệu Dương nó cũng phải ở đó. Thì nếu mà nó lọt được đó thì là nó phải ở đâu. Đã có lần tôi nghe thấy ai nói rằng thì là nó lọt ra cái chuyện đó, rồi nó chán nản cái gì đó, nó đâu nó ở bên Anh Quốc, không biết có phải không. Thế rồi là cách đậy độ một năm, cũng lại có người cho tôi biết rằng cái chuyện ông Trương Tử Anh mất tích, hình như là tụi mật thám Tây nó có một cái tài liệu gì ở bên Pháp. Tôi có nhờ mấy anh em bên Pháp tìm thì tới bây giờ chưa thấy, chưa thấy gì cả. Nếu mà anh có thể, có ai ở bên, liên lạc trường này trường khác ấy, có phải anh ở George Mason.

NMH: Dạ, George Mason University.

VVP: Thế thì liên lạc mới có thể biết được. Vâng, họ còn nói rằng thì là, hình như là trong cái tình trạng mà anh đi một cái xe xích lô, mà cái thằng đạp xe xích lô là một thằng mật thám Tây mà anh không biết. Thì nó đưa đến cái chỗ, để mà nó giao cho Việt Minh, nó lấy tiền gì đó. Thì anh, nửa chừng anh ấy biết, anh chạy ra thì còn có sự vật lộn đánh nhau với hắn. Thế thì tôi không được biết, nghe nói thế thôi.   

NMH: Nhưng mà Triệu Dương tức là cũng coi như là hộ vệ của ông Trương Tử Anh, có phải?

VVP: Vâng, vâng, đấy, rất gần. 

NMH: Mà anh cũng không nghe gì về Triệu Dương ở đâu hết? 

VVP: Vâng, tôi đang tìm, không biết có phải là… 

NMH: Thế tại sao lúc bấy giờ anh lại sang Nhật – à ở bên Trung Quốc rồi. Tức là ông ấy bị vào khoảng giai đoạn 46, tháng 2, tháng 3 đấy, sau Hiệp định sơ bộ ấy thì phải?

VVP: Vâng thì xem nào, 46 thì sang đấy thì chúng tôi đang đánh nhau Yên Bái, xong rồi rút lên Lào Cai. Rút lên Lào Cai vào tháng 9, tháng 10 gì đó thì chúng tôi ra trường. Đang huấn luyện một số dân quân ở đó, Lào Cai đấy, thì có rất nhiều những cái đụng chạm, bất đồng với anh em chỉ huy Quốc Dân Đảng ngày đó. Nhiều người, nói chung ngay cái đó cũng, cũng cũng rất là đáng buồn, là những sự đụng chạm đó chỉ là ở những cá nhân mà không ấy thôi. Thành ra thế rồi thì là, muốn rằng thì là, theo như là cái cái hiểu biết của trường Lục quân là sau khi ra đấy, là phải đặt dưới quyền chỉ huy của Quốc Dân Đảng và huấn luyện lực lượng thế này thế khác, để mà làm cái quân đội, để lúc bấy giờ mới thành ra cái chuyện. Cho đến khi mà chúng tôi ra trường ấy, chúng tôi mới còn là quan niệm để phòng Tây nó trở lại, đánh Pháp, chứ chưa thấy rõ cái thù nghịch, nội thù là tụi Cộng Sản đâu. 

Thế thì ngay ở phía anh em Quốc Dân Đảng có vẻ lại nghi ngờ Lục quân Yên Bái, sợ rằng thế này, hình như cũng có thể nói rằng tôi, tôi có thể nhận xét nhầm nhưng mà qua những cá nhân mà tôi thấy thì đại khái qua lời nói văng tục, văng tác này khác, mấy cái thằng sinh viên nó làm bộ này khác đấy. Thì nghĩa là thẳng thắn mà nói ra thì tôi thấy rằng thì là anh em phía này, sinh viên đấy nhưng không có cái kiêu ngạo đấy, mà lại còn vẫn quí trọng những anh em ở Tàu về ấy. Nhưng mà các anh em ở Tàu thì đa phần là có mặc cảm, cho rằng mấy thằng ở quốc nội ranh con mà lại lên mặt trí thức thế này khác, chứ còn đâu cách mạng bằng tao thế này thế khác. Tuy nhiên rằng trên cái việc hành động về cả chính trị lẫn quân sự đều nghĩa là ngớ ngẩn lắm, không hợp thời nữa. 

Thế thành ra lúc ấy chuyện đụng chạm thì đã đến lúc bảo thì là, thấy rằng thì có lẽ các ông ấy sắp bỏ chạy đấy. Thì có cái đề nghị từ mấy ông sĩ quan Nhật rằng rút về bên Pa Kha đó, để làm cái chiến khu ở đó thì là bắt đầu họ dao động thế nào đó. Chúng tôi thấy rằng như thế thì rút ra ngoài. Lúc bấy giờ thì thấy Tường Bách tường biếc thì cũng chạy sang Vân Nam. Thế thì chúng tôi bảo, thế thì phải liên lạc, cái lúc bấy giờ chúng tôi chưa biết anh Trương Tử Anh bị cái gì cả mà. Thế thì liên lạc về Hà Nội bằng cách đi sang Tàu. Anh không thể tưởng tượng được, cái lúc bấy giờ có những cái anh nó nó đi bộ suốt cả năm trong vùng Hoa Nam, để nó, nó đi sang Hồng Kông nó về ấy cơ. Tôi chịu phục những cái anh em cách mạng Đại Việt nhiều người đáng quí ấy. Thế thì chúng tôi sang bên ấy thì chúng tôi thấy, thôi hết rồi. 

NMH: Tức là lúc bấy giờ là Quốc Dân Đảng lục tục định rút lui khỏi, giải tán trường hả anh? 

VVP: Dạ.

NMH: Thế cái lúc anh rút lui…

VVP: Không có nói chuyện giải tán gì, chúng tôi rút lui thì chúng tôi thấy rằng thì là nếu mà chậm lại chỉ có hoặc là tự vệ, đâm chém nhau với lại anh em Quốc Dân Đảng, không có ích lợi gì cả, ấy thì chúng tôi rút lui đi. 

NMH: Các anh rút lui riêng đấy?

VVP: Vâng thì nhiều lắm. 

NMH: Rút từ trường, hay là đã lúc lúc bấy giờ ra trường rồi?

VVP: Ra trường rồi chứ, ra trường rồi chứ. Ra trường rồi, mà còn huấn luyện dân quân được một ít lâu rồi thì họ lôi lại hết, họ không cho huấn luyện dân quân nữa. Họ không cho huấn luyện dân quân nữa.

NMH: Họ là ai, thưa anh?

VVP: Là những anh chỉ huy quân đội của bên Quốc Dân Đảng ấy.

NMH: À bây giờ về sau lại, cái trường lại trao lại cho Quốc Dân Đảng tất cả, anh?

VVP: Thì lúc bấy giờ nằm ở trên Lào Cai, trên Lào Cai thì chỉ có mỗi Bộ đội A chúng tôi ra thôi. Còn B với gì còn ở lại đó với các anh, ông sĩ quan ở ở đấy. Thì những anh em đã đang huấn luyện rồi thì chúng tôi là những người huấn luyện theo kiểu Nhật nhiều. Cái đó là cái anh, tôi nói thế một cái là anh hiểu ngay rồi, đã có sự đụng chạm rồi.

NMH: Thế rồi anh, các anh huấn luyện kiểu Nhật, rồi về đến cái vùng hoạt động của mình đó thì lại đặt dưới quyền chỉ huy của các anh Quốc Dân Đảng, có phải không?

VVP: Không, chưa. Vâng thì là thế này. Như tôi đã nói chuyện với anh rằng thì là chúng tôi hiểu rằng thì chúng tôi phải đào tạo thành, tổ chức thành một cái quân đội của Quốc Dân Đảng. Thế thì chúng tôi được huấn luyện, rồi thì những người đó, người ta sẽ được huấn luyện nữa, người ta chỉ huy này này khác. Chỉ biết thế thôi, chứ có đâu nghĩ rằng thì là khi ngay chúng tôi mới dạy huấn luyện thì họ đã thấy ngay cái kiểu là kiểu Nhật, trong khi các ông ấy là được huấn luyện kiểu Tàu. Anh hiểu chưa, cái tế nhị thì là cái chỗ ấy. Không nói ra, không chửi bới nhưng mà nghi ngờ, không có…

NMH: Tức là cả ba: A, B, C đều là huấn luyện theo kiểu Nhật hết, phải không anh?

VVP: Dạ, vâng thì… 

NMH: Ở trên Sa Pa đổi về Yên Bái?

VVP: Lúc bây giờ những huấn luyện viên, chúng tôi gọi là giáo quan. 

NMH: Giáo quan.

VVP: Giáo quan của chúng tôi toàn người Nhật hết.

NMH: Nhưng mà như vậy thưa anh, anh tốt nghiệp từ Sa Pa, thế anh về Yên Bái có tập nữa không, anh có phải là…

VVP: Không, không. Phải Yên Bái xong rồi, đánh nhau ở Yên Bái mãi rồi, rồi đến lúc mà Quốc Dân Đảng chạy từ ấy, bỏ hết tất cả Việt Trì việt triếc chạy qua Yên Bái, chúng tôi còn đem ra để mà mà giải cứu cho Quốc Dân Đảng. Những ông Nguyễn Tường Bách, rồi thì Vũ Hồng Khanh khiếc chạy lên đấy. Chúng tôi đang đợi các ông đến, để ông nhân danh Quốc Dân Đảng, để chỉ thị hay là y lạo gì. Nhưng chúng tôi chẳng thấy mặt ông nào cả, các ông cắp đít, các ông lên Lào Cai ngay ấy mà. Vâng, thế mới khổ cái như thế. Thế thì lên đến trên cái thì thấy ngay rằng nó cũng lủng củng như thế. Mà lên đến Lào Cai rồi mới lại thấy rằng thì là Quốc gia Thanh niên Đoàn của bên Quôc Dân Đảng đem lên nhiều lắm, cả trăm người nữa, mà cũng đưa vào cái trường Lục quân đó.

NMH: À tức là anh Việt Mếu đó phải không anh?

VVP: Vâng. Việt đấy

NMH: Việt Mếu đấy.

VVP: Vâng, vâng. Anh anh Nhân, anh Nhân gì đó. Dạ, đấy thì chúng tôi với Nhân thì hiểu nhau và quí nhau lắm.

NMH: Lào Cai là nhập vào một chỗ hết, thưa anh?

VVP: Vâng, dạ. Thì anh Nhân vào đấy thì là chúng tôi tôi ra. Chúng tôi ra, đang huấn luyện thì thế nhưng từ trường không ấy được thì ai có thể tìm cách được rút thì rút đi sang Trung Quốc để tìm lối về.  

NMH: Tức giai đoạn đó là khoảng độ cuối năm 46, anh?

VVP: Vâng. Cuối năm 46 gì đó, tháng Chạp năm 46.

NMH: Là tự ý anh nào rút thì rút, tự đi về?

VVP: Vâng, tự đi về.

NMH: Anh có rút cùng ai không, hay là anh tự động về? 

VVP: Có chứ, một nhóm, một số người?

NMH: Tức là không còn ai chỉ huy nữa, tức là đâu như không còn ai khác chỉ huy cao như là…

VVP: Vâng, lúc bấy giờ là chạy, lúc bấy giờ chúng tôi vào xin gặp ông Vũ Hồng Khanh chẳng hạn, ông cũng không cho gặp, ông bảo gặp Đảng bộ cơ. Thế Đảng bộ ông bảo, vâng thì các anh cứ đợi ở đó đi. Đợi ở đó thì nghĩa là phải phải phải đợi lệnh đó thì mình phải tự túc sinh sống ra làm sao, ấy. Trong khi đó thì các ông sau khi mà rút lên đấy, các ông cũng chuẩn bị, nghĩa là riêng cho từng ông, mà để các ông rút rồi. 

Thế sau khi mà tôi đi được ít lâu ấy thì có vụ giết tất cả những ông huấn luyện viên Nhật Bản ở đó. Là cái chuyện mà tôi rất buồn, buồn cho Đảng, mà tôi buồn cho cả Quốc Dân Đảng, buồn cho cả Việt Nam nữa. Cái đó là cái có thể nói là nhục quốc thể. Mà tôi cũng không dám bảo là vì là cái đoàn thể nào, tôi cho là một cái bọn, nhóm cá nhân nào đó vì quyền lợi riêng vì cái gì cá nhân mà làm cái chuyện bậy bạ ấy. 

NMH: Tức các giáo quan Nhật bị giết hết?

VVP: Vâng.

NMH: Trước khi đi?

VVP: Ừ.

NMH: Có lý do?

VVP: Chỉ trừ có một ông.

NMH: Tức là?

VVP: Chỉ trừ có ông, là ông to nhất, là ông…

NMH: Cao Hùng?

VVP: Cao Hùng.

NMH: Tại sao vậy anh, sao Cao Hùng không bị giết?

VVP: Tôi xin miễn nói ở đây.

NMH: Vâng, anh có nói…

VVP: Nếu anh muốn ấy thì anh bỏ cái cái máy thu.

NMH: Thưa anh có còn cái vụ gì anh biết không, cái hồi anh nói, anh bảo ông đến thăm Cao Hùng ấy. Thế tức là anh, anh anh có thể cho tôi biết về những giáo quan Nhật, họ đối xử mình ra sao không và một vài chi tiết những giáo quan đó ở trong trường đó.

VVP: À vâng. Cái chỗ tôi là có hai ông to nhất, đó là ông Cao Hùng với ông Cao Dân, một ông là trung tá đó, hay đại tá, với một ông là thiếu tá. Thì trong hai cái ông ấy, ông Cao Hùng chức cao hơn nhưng mà ông ấy lại nghĩa là rất là ấy, hình như ông không phải là như người chiến đấu, mà ông là người người…

NMH: Tham mưu?

VVP: Tham mưu cái gì đấy. Ông Dân là người chiến đấu rất ghê gớm, mà có vẻ kính trọng ông Hùng ở cái chỗ là người tham mưu thế này thôi. Thế còn tất cả những trường hợp.

Vũ Văn Phấn –VP-NMH-A053

NMH: Thưa anh, bây giờ thưa anh xin tiếp tục cái giai đoạn sau khi anh sang Nhật đó – à sang Tàu đó, anh sang Tàu rồi giai đoạn đó là cuối năm 46. Thế rồi sau anh tìm đường về Việt Nam?

VVP: Nếu nói cái chuyện đó thì cái thời gian đó không ích lợi gì cho cái tài liệu của anh cả. Vì rằng khi chúng tôi sang bên đó thì chúng tôi đụng những anh em lãnh đạo, chúng tôi đã đến ở cùng một chỗ với Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Bách. Thì tôi thấy rằng thì là anh cũng không ở cái thế mà bao dung anh em được nữa. Mà không những thế, ở Lào Cai chúng tôi đã đụng với nhóm các anh em kia rồi, nghĩa là cái kiểu không hiểu nhau rồi. Thế lên đến đây thì lại không hiểu nhau một cách khác, là các anh ấy không phải là Việt Nam Quốc Dân Đảng như các anh nêu, ấy là Đại Việt Dân Chính. Anh biết chứ gì nữa?

NMH: Tôi hiểu.

VVP: Thành ra Dân Chính nhập vào đấy cũng thành Quốc Dân Đảng và thành Việt Nam Quốc Dân Đảng trước đã, rồi cái Việt Nam Quốc Dân Đảng nhập với Đại Việt thành Quốc Dân Đảng Việt Nam. Thành thử ra cái cái Dân Chính lại còn nhỏ hơn nữa, lại bị ấy vào cái khối. Thành ra cũng có sinh hoạt, cũng có này khác, thế nhưng mà dần dần rất là lỏng lẻo, lãnh đạm, và đặt ngay vấn đề về kinh tế. Thế thì chúng tôi rút ra ngay lập tức, ra ngoài để kiếm sống. Vâng thế là tất cả anh em sang đấy, lần lượt trước sau đều tìm việc kiếm, kiếm sống hết. Kể cả rằng thì là đi làm bồi bàn, rồi đi làm nướng bánh mì, như là Phạm Văn Liễu chẳng hạn, rồi là đủ thứ, chui gầm xe hơi, đủ thứ này khác. Nhưng mà vẫn, riêng anh em Lục quân vẫn sinh hoạt với nhau, giữ một cái tinh thần thôi, chứ không có, lúc bấy giờ không còn có cái hệ thống tổ chức gì nữa. Từ…

NMH: Nhưng có anh nào đầu đàn không anh?

VVP: Dạ.

NMH: Cái giai đoạn mà các anh lui quân rồi?

VVP: Không, chúng tôi tránh cái chuyện đầu đàn bởi vì ở bên ấy là sang cái giai đoạn kiếm sống để chờ thời. Thì suốt từ Côn Minh cho về đến tận Khai Viễn, trên dọc cái đường xe lửa ấy là anh em rải rác. Còn cả những người làm gói bánh đậu thế này thế khác nữa. Rồi nhận về tu-si. 

NMH: Thế rồi anh về Việt Nam năm nào?

VVP: Thì mãi đến năm, xem nào: 46, 47, 48…cuối năm 48 thì ông cụ tôi mất, ông cụ tôi mất thì điện sang bảo gửi tiền sang để mà về. Thì chúng tôi không về được đường này, đường Lào Cai nữa thì tôi phải đi sang, đi sang Hồng Kông đó. Có cái nó rất là buồn cười là khi mà tôi, chúng tôi sống ở bên Vân Nam ấy, chúng tôi phải tự túc hết. Thì nghĩa là cũng nhiều cái buồn cười lắm, nhiều cái có thể nói rằng thì là vất vả, rồi thương yêu nhau thật đấy nhưng mà vất vả, cũng đụng chạm nhau nhiều. Mà trong cái sinh hoạt cũng nhiều người phải bịp bợm, có thể nói sống bịp bợm một tý thôi, những cái anh bịp bợm được thế thì không được cái anh không bịp bợm phải khó nhọc, cũng đụng chạm tý. 

Thế mà khi biết rằng thì là tôi phải đi ra Hồng Kông để tìm lối về Việt Nam đó. Thì là khi biết rằng ở nhà thì có việc nhà như thế, gửi tiền cho đi ra lối đó mà về. Thì chúng tôi tới Quảng Châu thì tình cờ lại phải đụng phải đúng một cái chuyện rất không hay, là vào cái ngày ông Nguyễn Tường Long ông chết, chúng tôi đi ra thì cái xe lửa của anh Nguyễn Tường Long anh đi về, anh ấy chết ở trên xe ha. Nhưng khi mà tôi đến Hồng Kông, đến nhà anh…cái chỗ khu ấy thì anh, anh tên gì quên mất. Thì họ có một cái cái cảm giác rất là lạnh nhạt với lại bọn chúng tôi. Thì chúng tôi hiểu ngay, thưa vâng, cảm ơn thì chúng tôi tự túc được. Thì chúng tôi ra ngoài để mà tự sống lấy. Thế thì chả gì cũng…tuy rằng anh em lúc bấy giờ nó không như bây giờ, nhưng mà oẳn tù tì tiếng Anh tiếng iếc cũng còn nói niếc được, không phải là vớ vẩn. 

Mà lại đụng với rất nhiều anh em, gặp nhiều anh em ở ngoài ấy. Đại khái như anh em Mão, Mùi chẳng hạn bạn cũ, nó lại là, nó lại bên Quốc gia Liên minh. Thì nghĩa là anh em gặp nhau ở đấy là là thương nhau lắm. Thì anh nghĩ rằng là ở trong cái chỗ này đã là thống nhất lại với Quốc Dân Đảng rồi mà cũng còn có nhiều đố kị. Trong khi gặp những cái anh không có ấy bao giờ cả, chỉ là bạn cũ thôi thì nó cũng phải: à mày ở trong tụi ấy, tao ở trong tụi này. Cái tình ấy thôi, không phải tình Đảng nữa nhưng mà dân Việt với nhau thì hay giúp nhau. Thì tôi cũng phải ở ngoài kẹt đến đến hơn một tháng trời ấy. Thì cũng nghĩa là đi ăn đầu đường xó chợ. Rồi thì đã đến với ông Bảo Đại, cái ngày ông ông còn ở chỗ Thỏm-ba-tỷ ấy. Đến ông Bảo Đại, ông đi ăn đi uống, rồi ông cho đi ăn nhưng mà ông, lúc bấy giờ ông cũng nghèo lắm. Rồi thì cho đến khi mà chúng tôi gặp được người ở trong, ở Hà Nội ra, một người đi tìm tôi là anh Nghiêm Xuân Việt. Lúc bấy giờ là anh Nghiêm Xuân Thiện, anh ấy đã làm Tổng trấn triếc gì đó rồi. 

NMH: Tổng trấn rồi à?

VVP: Thế anh đi tìm anh em, thế là anh ấy anh ấy làm giấy làm tờ cho chúng tôi về thôi. Chúng tôi có tiền để đi ấy nhưng mà không có giấy tờ về làm sao được. Như thế thì vì thế mà tôi về, thành ra khi mà tôi về đó thì là thôi. Tôi nghĩ rằng thì là như là tan nát hết, không ai là cái người chỉ huy tôi được nữa, mà tôi cũng không có cái gì chỉ huy được nữa vì lúc bấy giờ biệt lập, tôi sống như là một cái…

NMH: Vâng, thế nhưng mà anh sống biệt lập nhưng anh vẫn phải liên lạc với các anh em chứ phải?

VVP: Vâng, anh em gặp thì vẫn liên lạc.

NMH: Chứ Đảng từ đó còn tổ chức gì nữa không, đó là giai đoạn, khoảng anh về tức là năm 49 hay là 48 gì?

VVP: 49, vâng.

NMH: 49, Giải Pháp Bảo Đại rồi. Lúc bấy giờ ông Việt rồi, về sau này ông Trí phải không anh?

VVP: Vâng, ông Trí.

NMH: Thế thì…

VVP: Thì tôi tôi làm từ ông Việt trước, rồi ông Trí lên mới nhận anh em, vâng.

NMH: Thế các anh có liên lạc, có làm được nghĩa là vẫn liên lạc nhau nhưng mà không có tổ chức như Đảng nữa đấy?

VVP: Vâng thì ngay như là ông Trí nữa cũng vậy thì cũng…

NMH: Nhưng các anh ấy vẫn đi tìm anh em mà, vẫn đi?

VVP: Có chứ, có chứ, có anh em.

NMH: Tức là có định lập lại không, các ông có lập lại không?

VVP: Có gặp lại nhưng mà không không lập lại cái, cái sinh hoạt Đảng như trước nữa, thế. Là có cái giải pháp ấy rồi đấy. Nếu mà không làm thì thôi, làm thì làm cái cái trong cái guồng máy chính trị lúc bấy giờ. Thế tỷ dụ như là, tôi đang làm, lúc bấy giờ tôi làm hành chánh ở ở một quận. Thế thì được mời lên hẳn trên, lúc ấy ông Trí thay thế đấy, được gọi lên, để xách tôi đến định làm cái đại lý đại liếc gì đó. Thế tôi lên thì tôi bảo ông Tổng trấn đấy, lúc bấy giờ không, họ không phải Tổng trấn.

NMH: Thủ hiến.

VVP: Thủ hiến – ông Thủ hiến. Thế ông lại cười, ông bắt tay ông bảo, anh em mình gọi nhau bằng anh đi, Thủ hiến gì cả, đại khái như thế. Thế thì việc mình làm hành chánh, mình cứ làm hành chánh thôi. Thế nhưng mà do cái ảnh hưởng ông Trí, ông ấy ông ấy, ông ấy nhân danh Đại Việt, mà ông quí mấy anh em đấy. Thì cái lúc mà ông Trí ông hết thời, rồi ông Phạm Văn Bính lên thì là mấy anh em như chúng tôi bị quật thôi, rồi cũng bị mấy ông hành chánh, mấy ông Đại Việt…các anh không, quên mất, lúc bấy giờ gọi là Đại Việt quan lại.

NMH: Kêu bằng quan lại đấy.

VVP: Dạ, đó.

NMH: Thế ông Trí có phải là Đại Việt quan lại không, có?

VVP: Vâng thì ông Trí là Đại Việt quan lại. Mà là cái số người tốt của Đại Việt quan lại, chứ không phải là toàn thể là là xấu đâu. Nhưng mà các ông kia đó thì cũng phải, cá nhân cũng đã xấu rồi, với lại cái cái cái này anh thừa hiểu. Cái khi mà họ gia nhập Đại Việt ấy, là cái thế rằng thì là Cộng Sản nó khủng bố thì ông nhảy vào, để mà có cái đảng phái, để có cái hậu thuẫn. Thế thì có một số rất đông, khi mà Pháp trở lại đấy thì cái bản thể Pháp của các ông lại trở lại, ông rất là hách dịch. Tỷ dụ trong cái khi tôi tôi làm hành chánh đấy, có những có những ông thanh tra triếc này chứ, nó nói thì khi khi mà chúng tôi làm hành chánh với mấy thằng sĩ quan Pháp đó, chúng tôi chửi nhau hàng ngày ấy. Mày làm như thế không được, mày muốn rằng thì là cho dân yên thế này thế khác, mày phải thế này thế khác. Nhưng nhưng trong khi các ông ấy đến, các ông nói chuyện nghĩa là xu phụ, chuyện đâu khen nước Pháp thế này thế khác thì dân chủ với lại ấy. Sự thật thành ra cái tụi không làm cho mình phục được, mà đâm buồn đó. Thế chả nhẽ lại muốn đụng chạm. Thế rồi thì chỉ do những chuyện đó thôi, mà họ chứa chất trong bụng, lúc mà mà hết ông Trí một cái là nó, nhiều người bị quật.

NMH: Tức là mấy ông Bính có phải là Đại Việt quan lại không anh? 

VVP: Không, ông Bính không là Đại Việt, ông Bính là ông ấy – Phạm Văn Bính là vì ông ấy với lại ông Bảo Đại thế thôi. Ấy chứ còn đảng phái gì đâu, ông không đảng phái. Chỉ có cái ông Phạm Văn Bính, ông nhặng lên rằng thì là thì ông gần với ông Bảo Đại lắm. Thì ông lên ông sạc mấy các ông thanh tra hành chánh, rồi mấy ông quan, kiểu quan mà ông làm chả làm được cái việc gì cả thì cứ ngồi ở Hà Nội thôi, đại khái như thế. Thế thì các ông làm như cho ra hoạt động thế thôi, chứ cũng chẳng có, không có một cái như là, gần như là đa số người ta không có, không hề có, có thể nói có những ông không biết cả đến Dân tộc Sinh tồn là cái gì nữa.

NMH: Tức ông là Đại Việt nhưng không biết tý lý thuyết?

VVP: Vâng, không biết cái gì hết, lý thuyết cái gì hết. Mà ai mà huấn luyện cho ông lúc bấy giờ nữa, phải không anh.

NMH: Dạ, vâng. Thưa anh, thế hồi mà Đại Việt ông Thiện đó, ông Trí như vậy là mình thấy là có những ông Đại Việt của Đại Việt, mà ông tìm cách ông ông thu thập anh em lại. Nhưng mà các ông ấy, riêng anh đấy thì anh không có hoạt động trong Đảng nữa. Nhưng mà họ có trở thành lập Đảng nữa được không, hay là họ không có làm gì nữa?

VVP: Không, không, tôi tới đó gọi là không có hệ, hệ thống…Đảng nữa.

NMH: Tức là bây giờ họ chỉ có liên lạc, cái đó gọi là informal (không chính thức) hả anh?

VVP: Vâng, informal. Tỷ dụ như là cái lúc đó anh Hoàn làm Thanh niên chẳng hạn, ấy. Anh ra anh làm Thanh niên chẳng hạn, chạy ra đấy. Thế thì cũng bảo gọi tôi đến cái chỗ rằng thì là có đi vào làm Thanh niên bởi vì anh làm Thanh niên trong này. Thế tôi bảo, tôi cũng hợp tác ở đây rồi, làm cái này cũng là, cũng là công việc nước thôi, chứ niên niếc gì. Thế thì lúc đấy anh Hoàn ra tìm đến, mới đem những anh Hải anh nhiếc mới làm cái trường Thanh Niên mà dạy anh Nhiễu nhiếc đấy là cái thầy đó.

NMH: Thế trong hành chánh, thưa anh xin lỗi anh hay làm chức vụ gì ở trong cái giai đoạn đầu tiên khi anh về đó?

VVP: Cái hồi đó thì khi khi tôi về, anh Nghiêm Xuân Việt anh ấy làm giấy tờ cho tôi về rồi thì tôi cũng không có liên lạc với anh ấy nữa. Nhưng mà tôi phải ra Phủ Thủ hiến để tôi lấy cái license (môn bài) rồi tôi làm. Nghề của tôi là nghề dệt vải. Thì tôi đóng patent (bằng sáng chế) để tiếp tục lại vì lúc bấy giờ đang đang khan hiếm vải viếc để may. Thì anh ấy ra lệnh cho cái chỗ kinh tế bảo rằng thì là ông ấy ông này, ông này ông đến thì bảo lên tôi, thế. 

Thế rồi lên một cái thì ông đưa vào ông Thiện, ông bảo: các anh phải ra mà giúp nước. Tôi nói giúp nước thì xa quá, giúp chúng tôi, anh em mình là thế nọ thế kia. Thế tôi bảo hành chánh thì tôi có biết cái gì. Mà bây giờ thì từ lúc thanh niên đến bây giờ thì nếu mà bây giờ bảo rằng tôi vào lính thì là tôi vác cái súng tôi bắn được bởi vì tôi có huấn luyện. Nhưng mà nếu làm hành chánh thì…Ô hành chánh là cái gì đâu, bây giờ có gì đâu, chỉ cốt, nói thực với anh, rằng thì là bây giờ anh em mình phải ra làm các nơi, chỗ này bây giờ tề, hội tề hội tiếc, nửa trắng nửa đen, rồi thì dân chúng nửa theo bên kia thì nửa về tề, rồi thì nghĩa là tụi bọn Tây bọn tiếc nó nó nguy hiểm cho nhân dân lắm. Thì đấy cái việc đầu tiên là anh làm cho yên dân đã. Thế rồi thì tất cả những cái gì từ từ, từ từ làm. Thế đầu tiên là anh đưa cho tôi đến một cái quận ngoại thành ở Hà Nội ấy thôi, quận ngoại thành Hà Nội.

NMH: Tức anh là quận trưởng hả anh?

VVP: Vâng, tôi làm quận trưởng của cái quận ngoại thành. Thế thì cái việc đầu tiên ở đấy thì là là đã chửi nhau với thằng deuxième bureau (mật vụ) ở đó rồi. Nhưng mà tôi nhất định rằng thì là cái chuyện nếu mà anh không ấy thì là tụi nit-xô mà đi mua bò ấy, là không có lệnh của tôi là không có được đi. Bởi vì nó cứ đến tận nơi, nó cứ bảo, à bò Việt Minh, Việt Cộng chẳng hạn thì nó tịch thu của người ta là con bò tốt, nó ấy này khác. Thế thì đang dần dần dựng được cái cái chỗ đó, tụi nó không dám đi, mà tụi nó cứ cho những cái thằng ấy tiền để nó nó mua cướp của người ta vào thì nó ấy. 

Về sau tôi vừa điều chỉnh được cái chuyện đó thì thì ông Nghiêm Xuân Thiện đã cho mời lên ngay, bảo: anh phải đi giúp tôi ngay, xuống cái quận Bần Yên Nhân, là cái quận lớn lắm mà mà cái thằng quận ở đấy nó bậy bạ lắm, nó thân với Tây thế này khác. Tôi bảo, tôi đang chương trình ở đây, tôi đang làm mấy tháng nữa thì vừa mới ấy, sao không có, tôi không thể đi được. Thế ông Thiện bảo: không, anh phải làm cái chỗ lớn hơn, chứ làm cái chỗ nhỏ này phí anh đi. Bây giờ cho tôi một người anh em đồng chí nào tín cẩn được thì anh chuyển giao lại cho anh ấy cái chương trình của anh. Thế thì tôi, lúc bấy giờ tôi giới thiệu anh Nguyễn Quốc Chương đó. Nguyễn Quốc Chương làm thay tôi ở quận quận…quận — già rồi mình quên cả tên cái quận đầu tiên rồi. Anh Chương đến đấy thay, thì tôi xuống Bần Yên Nhân. 

Thì gọi là cái quận Bần Yên Nhân, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Gia Lâm, tỉnh lúc giờ chưa có tỉnh Bắc Ninh, tỉnh tỉnh Gia Lâm. Nhưng mà cái quận Bần Yên Nhân thì nó lại có cả quận của Bắc Ninh, quận của Hà Đông, quận của Hưng Yên; ba, bốn quận, nghĩa là mỗi quận một mẩu mẩu mẩu, thế nó xóm tụm lại cái nhóm lớn lắm. Thế tôi làm được mấy năm ở đó. Thì thấy nó tuy Việt Nam thì chỉ là cái quận thôi nhưng mà cái căn cứ đó thì quân sự của nó lớn lắm. Khu Bần Yên Nhân là quân đội của nó lớn lắm. Về sau này có hai cái tiểu đoàn Mường là của Mỹ nó về đấy này, quận ấy lớn lắm. Về sau cái quận ấy thì tách một phần trả lại cho Mỹ Hào, một phần thành quận Yên Mỹ, còn trả lại Văn Giang của Hưng Yên, một phần nữa thì Văn Lâm thì trả về Bắc Ninh. Hình như cái quận về sau, cái quận Văn Lâm ấy còn chút xíu thôi.

Đã có một thời kỳ là Tây nó đề nghị rằng cái chỗ Bần Yên Nhân ấy phải biến thành đại lý như là đại lý Hoàn Long, gồm bốn quận: Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ. Đó, bốn cái quận ấy là thuộc về cái đại lý hành chính Bần Yên Nhân. Thế nhưng mà bên hành chính thì phá đi bảo, không, không làm. Một hồi tụi Tây nó đã cứ sang nó gọi tôi là ông Đại lý Bần Yên Nhân đó, buồn cười lắm. Thế nhưng mà cái chuyện đó là cái chuyện mà mình thấy là vô lý. Thì về sau này mà mà yên ở Hưng Yên rồi thì quận nào trả quận ấy là phải. Thế sau đấy thì anh Thuần – Trần Như Thuần, anh lấy tôi về làm về Bình định đó. Làm về Bình Định, tôi phải đi thanh tra Bình định thì nghĩa là đi khắp nơi ở ngoài Bắc đó.

NMH: Ông Thuần lúc ấy ông làm Đổng lý văn phòng?

VVP: Không, ông ấy là Ủy viên chứ, Tổng ủy viên Bình định Nông thôn. Thì tôi đã xuống Bùi Chu–Phát Diệm này, huấn luyện dân quân. Rồi nghĩa là anh ấy nhét tôi với lại mấy anh em nữa là vì thế này, vừa huấn luyện cả quân đội lẫn chính trị.

NMH: Nhưng mà không tổ chức lỏng lẻo nhưng mà các ông ấy vẫn biết khả năng cá nhân của anh, tức là phải có sinh hoạt thì mới biết được chứ, thưa anh?

VVP: Vâng thì nghĩa là anh em.

NMH: Tại vì ông kia chẳng hạn ông bảo anh phải đi làm cái này, anh phải làm kia thì các anh phải liên lạc với nhau chứ?

VVP: Thế không, họ cũng, họ cũng theo dõi chứ, họ cũng theo dõi chứ. Thì làm cũng, tôi cũng phải nói ngay rằng thì là lúc bấy giờ thì cái chuyện gọi là luật hành chánh ấy nó cũng co giãn – một nửa Tây. Đến khi mà mình cẩn thận thì mình chạy lên Phủ Thủ Hiến, bảo cái chuyện này thì thế nào, nếu áp dụng thì luật nào, luật nào thì có ông ông ngầm cho, bảo đây cái luật này, luật này, luật này. Thế nhưng mà rồi thì ai cũng đưa đến cái kết luận, bảo rằng…suỵt, rồi những cái này có hợp thức hoá lại nữa đâu, nghĩa là linh động thế nào thì linh động. Thì cũng cũng ở cái khía cạnh linh động ấy mà nhiều người bị mất.

NMH: Tôi xin hỏi anh câu. Ban nãy anh có nói chuyện về ở Lục quân Yên Bái đó, à trường Sa Pa của anh chạy xuống đó thì mấy ông Quốc Dân Đảng, hay là mấy ông mới về đó, cứ nói là giữa hai anh có cái sự khắc biệt nào đó. Họ cứ bảo các anh, mấy cái thằng sinh viên hãy còn trẻ mà cứ làm bộ đó. Thì tôi có cảm tưởng như là mấy anh mà học ở trường Lục quân các anh, phần lớn là sinh viên, trí thức?

VVP: Cũng không.

NMH: Mấy ông Đại Việt phần lớn là trí thức sinh viên phải không?

VVP: Vâng. đấy.

NMH: Đa số ấy.

VVP: Vâng nhưng có thể nói đa phần mới lên lên cái trường đó. Chứ cái hồi Triệu ấy thì chỉ có, xem nào, 30 người huấn luyện làm sĩ quan đấy thì là có sinh viên thôi. Còn hạ sĩ quan ấy là những lính cũ của của quân đội Pháp. Thì có mấy ông ông gì đấy…quản, với lại chuẩn úy là aspirant của Tây đó thì là họ theo mình họ huấn luyện. Thành ra nói cũng buồn cười lắm, cái khi mà chúng tôi nói chuyện thì rằng thì là bảo rằng chiếm chính quyền ở ở Hà Nội đó, làm thì làm được nhưng mà mấy ông sĩ quan ấy thì là được huấn luyện Tàu. Như anh Giang là huấn luyện theo theo kiểu Trung Quốc. Thế còn từ hạ sĩ quan xuống lính thì huấn luyện theo kiểu Tây, một hai nhưng mà ắc ê theo kiểu của Tây. Còn đến lúc mà Yên Bái chúng tôi thì là kiểu Nhật. Tuy rằng thì là những ngôn từ chẳng hạn đó, là có một cái ban viết hẳn hoi để Việt hoá đi, cũng kỹ càng lắm rồi đấy. Thế nhưng mà động tác, hay là cái tác phong đấy thì nó cũng kiểu Nhật thật. 

Còn có những người họ xấu mồm, xấu miệng, mới bảo rằng thì là ừ cái chỗ ấy mà huấn luyện mấy cái ông Việt Nam ra thành ra gọi là là cái gì…võ sĩ đạo Nhật chẳng hạn. Thế nhưng mà tôi thấy rằng thì là thì cái chuyện nó đã đặt ra thì trong khi cái tinh thần mấy sĩ quan người ta dạy mình đấy, người ta hay đem cái chuyện chuyện tinh thần võ sĩ đạo ra đấy của họ. Thế thì ngay chúng tôi đã dám thảo luận. Cái lúc mới về Lào Cai, à mới về Yên Bái đó. Mà một người phát biểu ý kiến là anh Lê Đức Hợi, anh bảo rằng thì là, võ sĩ đạo chúng tôi kính trọng lắm nhưng mà không phải cái nước Việt Nam chúng tôi không có cái tinh thần đó. Thì anh nói ra những chuyện lịch sử Trần Hưng Đạo, rồi thì những chuyện này chuyện khác như ấy. Đến nỗi ông Hùng còn tìm để đọc hiểu lịch sử Việt Nam cơ mà.

NMH: Thưa anh, anh như vậy khi mà anh trở về Việt Nam rồi đấy thì không có, không có hoạt động đảng phái nữa. Như vẫn có liên hệ với anh Đại Việt?

VVP: Vâng, liên hệ anh em.

NMH: Thế xong suốt đời như vậy, anh có thể coi như là không hoạt động. Nhưng mà anh có thấy trong đời anh ấy, có cái tinh thần Đại Việt nó theo dõi anh, cái tinh thần của đảng Đại Việt nó chi phối suốt đời anh không?

VVP: Có chứ, có chứ.

NMH: Và nếu có, cái tinh thần đó thì tinh thần nào?

VVP: Tôi còn, tôi còn quan niệm rõ rằng thì là trong khi ấy tôi đóng góp, là đóng góp với cái tinh thần đảng viên Đại Việt của tôi. Đảng viên Đại Việt của tôi lúc bấy giờ không có cái cấp chỉ huy Đại Việt trên bắt tôi phải làm thế này. Nhưng tôi cũng không có cái chỉ huy ở dưới. Nhưng tôi giữ đúng cái tinh thần Đại Việt, nghĩa là Dân tộc Sinh tồn, nghĩa là đến chỗ nào là bảo vệ cho quyền lợi dân tộc và đối với người dân người diếc chẳng hạn thì cũng gần như là giáo dục họ, đối với dân không có…Những người khác thì là hò hét, bắt thế này thế nọ này kia. Nhưng mà với ai cũng vậy, ngay như với tổng lý tôi tôi cũng cũng nói nhiều khi nói xong, rồi mình cũng nghĩ rằng thì là mình cũng, huống chi là théorie (lý thuyết) nhiều qúa. Nhưng mà cũng cần phải nói, nhiều khi nhắc lại những cái chuyện lịch sử ấy thì những ông tổng lý ông không biết gì cả, ấy. Mình nói chuyện Đức Thánh Trần hay cái này cái khác thì nhiều khi cũng lại à Đức Thánh Trần là ông vẫn đi lễ đi bái này thôi, chứ còn cái chuyện lịch sử thì là các ông không biết. Nhưng mà đến lúc lại đụng vào những ông khác, chẳng hạn như là chỗ Bần Yên Nhân ấy. Thì nghĩa là đụng vào cái làng Thư Thị chẳng hạn thì gốc gác của ông Cao Bá Quát chẳng hạn ấy thì các ông cũng lại, các ông kỳ mục ở đấy lại đem chuyện Cao Bá Quát để trộ lại mình rằng thế này thế khác. 

Nhưng mà dù sao đấy thì cũng là với cái tinh thần Dân tộc Sinh tồn đấy, đem đến cho mọi người đừng có sợ thằng Tây nhưng mà phải dứt khoát đừng có sợ Cộng Sản. Thằng Cộng Sản cứ nấp ở dưới để mà thế này thôi. Bây giờ mình tề, không phải tề là đi theo thằng Tây, tề là mình để cho yên dân, để cho ấy rồi thì thằng Tây nó phải…Giả dụ là mình đại khái đem cái tinh thần Dân tộc Sinh tồn như thế để làm gì, để nó khỏi một thằng làm việc Tây thì lợi dụng có Cộng Sản để mà cướp bóc, đè nén dân. Đằng kia Cộng Sản nghĩa là, nghĩa là là diệt tề tất cả, để mà giết dân đi, để mà cướp của thì cái đó là cái lúc làm khó khăn ghê lắm anh ạ, khó lắm. Không phải chỉ làm hành chánh mà ngồi giấy tờ. Tôi đi tuần hàng đêm. Mà cái đi tuần hàng đêm, nó không phải để mà làm gì, để mà làm oai với ai nhưng để những cái anh em ở Bảo chính ở dưới mình, những anh tổng lý dưới mình, nó vững tâm hơn, đây. Và bọn Tây đó nó cũng nể mình hơn, nó không bắt nạt ấy nữa. Và đi như thế đấy, nó không có về các làng, mà nó chửi bới những cái dân quân của mình đó, gọi là dân vệ đó. Thế thì nó hỏi thế nào, à dân vệ có gác chỗ này, có gác chỗ kia, cho biết những chuyện gì xảy ra thì nó đỡ được cái chuyện ấy đi.

NMH: Nhưng mà cái chuyện làm việc đứng đắn của anh nó có tinh thần mà không có hành chánh như vậy, thì bao nhiêu phần trăm nó là thuộc về cá tính của anh, mà bao nhiêu phần trăm của nó là cái ảnh hưởng của cái sự gia nhập Đại Việt, với sinh hoạt Đại Việt của anh?

VVP: Tôi thấy rằng thì là, tôi đã nói với anh lúc đầu rằng thì là tôi đi tìm Đại Việt thì tức là tôi có thể nói là Đại Việt, tinh thần Đại Việt đã có trong tôi trước khi ấy. Thì vậy thì cá nhân tôi với Đại Việt nó cũng chẳng có cái gì là là ấy cả, không thể, không thể phân rõ cái nào cả.

NMH: Thế mà theo anh, theo anh bây giờ anh nhìn lại đó, trong đó anh thấy cái sự đóng góp của Đại Việt như thế nào, Đại Việt có những sự đóng góp gì?

VVP: Đại Việt đóng góp nhiều lắm chứ anh, chiến sĩ Đại Việt hi sinh rất nhiều nhưng trong bóng tối. Bởi vì rằng thì là cái Đại Việt mà vỗ ngực ta là Đại Việt đây rất ít, rất ít, nằm trong bóng tối rất nhiều. Mà những cái người mà tỷ dụ như vừa rồi nói đến thì tôi bảo Phạm Xuân Chiểu là người ở trong trên trường Lục quân Yên Bái đấy. Nhưng mà anh, anh đặt địa vị anh vào cái chỗ của anh ấy thì là anh phải sống với cái chuyện ấy. Chứ anh cũng không phải anh ở cái địa vị ông tướng đấy, mà lại Đại Việt nữa, mà anh chỉ huy gì những Đại Việt như chúng tôi được cả, đấy. Nhưng chúng tôi cũng không có làm cái ảnh hưởng gì cho cho đến cái anh ấy cả. Thế mà ngay như trong Lục quân Yên Bái với lại những anh em cán bộ Đại Việt, cũng có những người mà cấp bậc cao trong cái tụi Cộng Sản chứ không phải không, chúng nó không biết đấy thôi.

NMH: Nhưng mà thưa anh đóng góp như vậy thì đóng góp có ích hay không có ích, có đóng góp chết nhiều, hi sinh nhiều, sự hi sinh ấy có ích hay không có ích, theo anh?

VVP: Anh đưa ra cái chuyện, hỏi có ích hay không có ích đó thì là cái chuyện phi cách mạng rồi. Vì quan niệm cách mạng ai cũng biết, tôi nghĩ chuyện cách mạng thế này, thấy phải là làm, không có nghe cái bên này, bên khác, khi đã thấy phải rồi làm, có thể là mình không tới được kết quả, không thể bảo rằng thì là nhất định là phải tới kết quả huy hoàng thế này thế khác nữa. Thế mà không phải là thế mà lợi hay không lợi, không có nghĩ đến lợi.

NMH: Nhìn nhìn lại cái quá khứ đó, bây giờ anh đến đây bây giờ rồi, nhìn lại thì anh thấy, nếu mà anh phải tóm tắt thì anh nghĩ rằng là cái ưu điểm Đại Việt, Đảng Đại Việt so trong cái cái tiến trình mà tranh đấu chống thực dân, có những ưu điểm gì và có khuyết điểm là gì, ưu điểm và nhược điểm gì?

VVP: Tôi chỉ nói rằng thì là, tôi nói nhược điểm trước. Cái nhược điểm thì là đi vào chi tiết thì nó rộng lớn quá. Nhưng mà tôi nói tóm lược, vắn tắt đấy thì có thể nhiều người cho rằng thì là, nghĩa là chủ quan một chiều theo cái ý của mình thôi, là cái phía Quốc Gia nói chung thì là làm chính trị cách mạng nhưng mà đạo đức, thiên về đạo đức quá đi. Đối lại, phía bên kia tụi Cộng Sản đấy, nó nhấn mạnh vào đạo đức nhưng mà cái mồm mà thôi. Nhưng mà còn ngoài cái chuyện sỉ vả người khác, phải giữ đạo đức cách mạng thế này thế khác. Nhưng đạo đức cách mạng là gì, đạo đức cách mạng của Cộng Sản là phải khát máu, phải diệt những cái này cái khác. Thì trái lại ở bên này, có lẽ cái yếu điểm nhất là không có lợi dụng thủ đoạn, mà lúc nào cũng đạo đức một cái cách nghĩa là hơi, không đến nỗi toàn thể đâu nhưng mà hơi hơi cổ hủ nữa. Thế, và quá thận trọng, trong cái kỷ luật ấy quá thận trọng, chứ không để cho như là tụi Cộng Sản. Nó để cho nghĩa là các cấp linh động đến đâu thì là ấy. Nếu mà làm sai không có kết quả chẳng hạn hiểu chưa, nếu cần thì nó trừng phạt, có thể nó đưa đi chỗ khác nữa, nó xí xóa cái chuyện đó đi. 

Chứ bên này thì ngay như cái người cán bộ lúc nào cũng vậy, cũng phải cân nhắc suy nghĩ mình làm thế có được không. Nhưng mà thành quả tốt hay không thành quả nhưng mà có ấy không. Đại khái như tôi nói một cái chuyện nhỏ, là cái lúc mà in giấy bạc để mà mua vũ khí ấy. Thì cũng có những anh em cầm đồng bạc mà không biết thế này có tiêu được không. Đi trên đường nghĩa là đi ấy chẳng hạn, đem đồng bạc đi mua thuốc lá chẳng hạn, thuốc lá về, à mua được, 12 đồng lúc ấy trả lại ấy. Thế thì anh em lại ngồi lại học tập với nhau, chửi nhau ngay rằng thì là: ờ mày không được như những cái người như người ta, trả mày tám mấy đồng, tập tiền bạc giả chớp nhoáng mày thấy làm sao. Cái chuyện này để mà mua vũ khí thôi, những cái đứa nó môi giới cho mình mua vũ khí, rồi thì nó lại đưa cho thằng Nhật hay là thằng Tàu nào đó thì cũng kệ nó, mình không ấy gì cả. Chứ đằng này những cái cái gọi là tiểu thương, hay những người nghèo khổ người ta bị ảnh hưởng thế này, nó to quá đi. Thế đằng kia 1000, 2000 bạc mà mua mua súng ăn thua gì, mấy thằng nó vứt khẩu súng đi nó cũng thế, rồi nó cầm tiền ở trong nghìn bạc này, nó tiêu được đồng nào nó tiêu, nó vứt đi là cùng chứ gì nhưng mà nhưng mà nó vứt được cây súng đi. Thế thì đấy đại khái những cái cái dạo ấy thì…chứ thấy Cộng Sản đâu nó nó ấy như thế. Nó không in bạc giả nhưng mà nó cướp ngay bạc thật của dân chứ. Nó bóp cổ của dân, nó lấy vàng chứ phải không anh. Thế có thể nói rằng thì là đó là một cái yếu điểm của người Quốc gia.

NMH: Ưu điểm?

VVP: Ưu điểm đó, ưu điểm thì tôi không dám nói bởi vì ưu điểm, nếu đã có ưu điểm ấy thì nó phải đưa đến cái kết quả nào. Thì cái tỷ dụ như là nói về riêng cá nhân tôi đó, tôi không có cái ưu điểm gì cả, mà tôi có những cái khuyết điểm nhiều hơn. Là tỷ dụ như tôi cứ trong cái thời gian mà anh em khác nhân danh Đại Việt làm cái này cái khác, tôi chỉ là một cái người công chức, tôi làm đầy đủ bổn phận tôi thôi. Ngay như lúc ấy khi mà đã phải vào Sài Gòn rồi đó, tôi đã quan niệm ngay rằng thì là tôi phải ôn lại tiếng Anh thật nhiều, mà bố con tôi học tiếng Anh với nhau. Thế là để thời này mình làm như thế là đủ, bây giờ có nhiều người làm cái chuyện kia. Mình phải làm ấy cho thế hệ sau, tôi săn sóc những các con tôi. Cho đến khi mà các con tôi nó học kha khá được rồi đấy thì chính tôi, tôi cũng là lúc từ vào trong ấy, rồi tôi về làm chuyên viên ấy thôi, sau khi mà làm ấy thì là tôi là một chuyên viên điện toán ở trên Phủ Thủ tướng đấy. Vâng thì các con tôi, nó cũng đều đi học được những chỗ này. Thế thì tôi thấy rằng thì là…

NMH: Anh nói anh không kiếm lợi về phía anh?

VVP: Vâng, về cá nhân tôi, tôi không có kiếm lợi gì cá nhân về cái việc đó cả. Chỉ có trong cái thời gian đó, tôi gây dựng được cái nếp sống gia đình của tôi rất là khiêm nhường, thế nhưng mà con cái đầy đủ. Thế là tôi cũng ơn ở những cái tinh thần Đại Việt mà tôi có được cái đó, còn tôi không có cái gì cái gì ân hận cả. Thế và ngay cả bây giờ nữa cũng vậy, lúc nào mà tôi thấy cái gì tôi có thể làm được, tôi cũng vẫn tham gia với anh em, tôi không có chối bỏ. Có nhiều anh em cho tới bây giờ đó, có anh em có hỏi chuyện lại đó thì bảo: thôi già rồi, để cho người khác làm. Thì đồng ý rằng thì bây giờ là để cho các anh em thanh niên. 

Mà riêng tôi ấy, cá nhân tôi ấy thì tôi thấy rằng thì là cho người Việt Nam mình cần phải có lãnh đạo tốt. Mà từ bao nhiêu năm nay, tôi đi tìm những người có khả năng để mà lãnh đạo, tôi chưa tìm thấy. Tôi hi vọng rằng ở trong cái lớp trẻ như là ông Giáo sư Hùng hay là những người nào, có một người nào đấy có tinh thần được như là anh Trương Tử Anh thì tôi, cá nhân tôi, tôi mừng lắm. Nhưng mà cho tới bây giờ chưa có một, chưa có ai. Không những thế mà phần nhiều, nhiều những người, đa phần những người nào mà vào Đảng rồi, hay là muốn hoạt động vì Đảng ấy thì cũng có cái tinh thần lãnh tụ quá cao đi thì tốt đấy, chứ không phải tôi chê những người có cái tinh thần lãnh tụ. Thế nhưng phải tự biết rằng thì là tinh thần lãnh tụ tới mức nào, có đủ khả năng không. Thế còn chỉ cho mình là tinh thần lãnh tụ rồi thì đả phá tất cả mọi người thì cái đó nguy hiểm, không thể khá được. 

Mà dân tộc Việt Nam đấy thì tôi thấy rằng thì là có một cái trái ngược với cái ý của tôi, là hiện bây giờ, cho tới lúc này, kể cả cho người dân trong nước nữa lẫn đồng bào gọi là khối ngoại này đó, là cứ ào ào nói chuyện dân chủ, dân chủ thế này thế khác ấy thì tôi rất dè dặt về những chuyện đó. Vâng, tinh thần dân chủ và nhân quyền nhất định là phải có. Nhưng mà những người Việt Nam đó phải qua một cái giai đoạn thế nào đã, người dân phải học, hiểu thế nào là dân chủ cho nó đúng mức. Mà trong cái thời gian ấy thì cái cá nhân nào, hay là cái đoàn thể nào dẫn dắt người dân đến mức đó. Chứ không phải bây giờ về Việt Cộng. Thua rồi, bây giờ về, gọi là lập chính phủ dân chủ thế này thế khác đó. Cả trăm nghìn đảng mọc lên thì nghĩa là thì không có thể nào mà ấy được cái gọi là là sức mạnh quốc gia trong cái sự hỗn loạn đó.

NMH: Dạ, tôi xin cảm ơn anh!

VVP: Dạ.

NMH: Thưa anh, cho tôi hỏi thêm một cái câu hỏi này, có một số người đó, thường thường họ nghĩ rằng Đảng Đại Việt đó thường thường là recruit, tuyển mộ người trong giới trí thức nhiều lắm. Thành vì thế về sau, ngay khi đảng tan rã rồi vẫn còn tiếp tục có những người đảng viên Đại Việt đóng vai trò lãnh đạo đất nước Việt Nam. Xin anh cho biết cái đó có đúng hay sai?

VVP: Thưa cái đó thì cũng đúng một phần thôi. Thì cái cơ cấu chính mà cái thành lập đấy là ở Hà Nội, mà nói ngay rõ là chung quanh cái trường đại học, mấy cái trường đại học đấy. Thì đầu tiên là ở những anh em sinh viên trí thức thật và những cái người đã thành tài rồi, ra làm những các bác sĩ, luật sư này này khác. Nhưng mà tôi nói ngay để biết rằng cái đảng Đại Việt, tôi dám nói là cái đảng duy nhất có tổ chức cơ sở từ ngoài Bắc cho đến trong Nam, đến tận từ hạ tầng cơ sở chứ không phải chỉ có đám trí thức. Tỷ dụ như là trong cái khu, chiến khu Triệu chằng hạn, đã có thời kỳ chấp nhận tuyên thệ cả làng chứ không phải rằng thì là chỉ có những cá nhân mà thôi. Dĩ nhiên trong cái thời kỳ đó, nhất là thời kỳ 45 đó, cũng có rất nhiều xã do các ông cường hào thấy sợ Việt Minh rồi thì là đi tìm để mà nhập một cái đảng nào khác, rồi đem cả làng vào. Nhưng mà cái việc mà theo đảng Đại Việt đấy thì các sinh viên từ Bắc vào Nam đem cái tinh thần Dân tộc Sinh tồn đấy, để vào tổ chức các nơi, ngay từ trong Nam có cơ sở hạ tầng. Mà rồi sau này khi mà cái lá bài Bảo Đại ra đó và trung ương mà mất người chỉ huy chính là Đảng trưởng Trương Tử Anh. Thì thành ra cái cái hạ tầng cơ sở đó, người ta phải theo thời thế mà ngả về Việt Minh, chứ không có bị hại, thế thôi. Chứ không phải rằng thì là đảng Đại Việt chỉ có cấp trí thức đâu.

NMH: Thưa anh, anh lần trước anh có nói chuyện ông Tư Thiên đó, ra Hà Nội để nhận chỉ thị của ông Đảng trưởng đó. Thì Tư Thiên lại là người của Bình Xuyên. Anh có biết gì về liên hệ giữa Đại Việt và Bình Xuyên thời đó không?

VVP: Dạ thưa, Tôi không được biết rõ. Thế nhưng mà biết khi anh Tư Thiên đi ra với hai anh nữa. Rồi hai cái anh sau này, tôi cũng có gặp và là sĩ quan trong cái thời kỳ ông Ngô Đình Diệm đấy. Thế nhưng mà tôi nằm ngủ với anh Tư Thiên đến hai tuần lễ trước khi mà chúng tôi đi Sa Pa, thì hai ngày sau các anh cũng đi vào Nam. Thì tôi chỉ biết anh Tư Thiên là với Bình Xuyên, mà Bình Xuyên cho ra để mà có cái cái chiều hướng…Tôi tôi không hiểu rõ bởi vì thảo luận với anh Đảng trưởng thì tôi cũng không có được nghe, mà tôi phải giữ trật tự, an ninh ở ngoài đó. Thì qua cái cuộc nói chuyện của anh Tư Thiên thì anh ấy nói thì là lực lượng ở trong Nam mạnh lắm, của Đại Việt chúng ta mạnh lắm, cần phải có một sự chỉ huy ấy. Và anh ấy nói đến lực lượng Bình Xuyên, gần như là tất cả cái lực lượng Bình Xuyên là gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng đó. Rồi, đấy là chuyện anh Tư Thiên lúc bấy giờ. 

Rồi sau này đó, như là tôi không hiểu anh Phượng có dự vào cái chuyện huấn luyện không. Nhưng mà Triệu Tôn, em tôi đó, ở trong cũng chỗ Bình Xuyên đó, có huấn luyện cho Bình Xuyên, nhân danh Đại Việt. Thế thì không phải chính thức, mà ở trong một cái hệ thống chặt chẽ. Nhưng mà có thể nói là đó là một cái đoàn thể ngoại vi của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Mà cũng may mà chỉ là ngoại vi thôi, những cái gì sai lầm, hỏng của Bình Xuyên sau này, không có liên hệ gì với lại Đại Việt cả. Nhưng mà đấy cái tinh thần lúc bấy giờ, đi tìm để mà làm cái lực lượng miền Nam cho Đại Việt Quốc Dân Đảng.

NMH: Cảm ơn anh đã cho tôi một số chi tiết mà tôi thắc mắc bấy lâu nay!

VVP: Dạ.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ