Tác giả: Nguyễn Khánh Trung và Trần Tử Vân Anh
Lời giới thiệu
Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin giới thiệu bài phỏng vấn TS. Nguyễn Khánh Trung về hoạt động dịch thuật và giáo dục của ông. Bài phỏng vấn do TS. Trần Tử Vân Anh, University of Bonn, thực hiện. Nguyễn Khánh Trung tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành xã hội học giáo dục tại Đại học Toulouse 2 (Đại học Jean Jaures), cộng hòa Pháp, từng là nghiên cứu viên hợp tác tại Đại học Nantes (Pháp) và cán bộ nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED). Hiện ông tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại một số Trường đại học và Trung tâm nghiên cứu tại TP.HCM, Việt Nam. Ông quan tâm đến giáo dục, đến sự học, mối quan tâm này được thể hiện trong các hoạt động nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy, viết… Một số sách đã xuất bản:
– Giordan, A. (2016). Học (Nguyễn Khánh Trung dịch, 2025). Hà Nội: Nxb PNVN.
-Hourst, B. (2014). Học thế nào bây giờ – vận dụng 8 loại hình thông minh để giúp trẻ học tập tốt hơn. (Nguyễn Khánh Trung dịch, 2022). Hà Nội: Nxb PNVN.
– Giordan, A. (2016). Học thế nào bây giờ – chiến lược phát triển bản thân và thành công trong học tập dành cho học sinh tiểu học (Nguyễn Khánh Trung dịch, 2019). Hà Nội: Nxb KHXH.
– Giordan, A. (2016). Học thế nào bây giờ – Chiến lược phát triển bản thân và thành công trong việc học dành cho học sinh cấp 2 (Nguyễn Khánh Trung dịch, 2018). Hà Nội: Nxb KHXH.
– Nguyễn Khánh Trung. (2016). Giáo dục Việt Nam và Phần Lan – một nghiên cứu so sánh điển hình về vai trò các chủ thể tại hai trường tiểu học công lập của hai nước. Giáo dục Việt Nam và Phần Lan – một nghiên cứu so sánh điển hình về vai trò các chủ thể tại hai trường tiểu học công lập của hai nước. Hà Nội: Nxb KHXH và IRED.
– Nguyễn Khánh Trung. (2017). So sánh giáo dục gia đình giữa các phụ huynh Pháp và Việt Nam. Hà Nội: Nxb KHXH và IRED.
Dưới đây là bài phỏng vấn của TS Trần Tử Vân Anh với TS Nguyễn Khánh Trung.
Xin ông cho biết lý do ông chọn xã hội học giáo dục là chủ đề nghiên cứu cho luận văn tiến sĩ của mình.
Tôi nghĩ không chỉ tôi mà ai trong chúng ta ít nhiều cũng phải quan tâm đến giáo dục, đến sự học, vì nó liên quan và gắn bó mật thiết đến bản thân, đến con cháu, và đến cả xã hội, đến vị thế của các quốc gia. Riêng tôi thì đã quan tâm đến giáo dục từ lâu, tôi nhớ khi đang là sinh viên ở Sài Gòn, tôi thường chọn làm các bài thuyết trình hay các tiểu luận có liên quan đến giáo dục. Khi qua Pháp học, tôi tiếp tục lĩnh vực này với các luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Bây giờ tôi vẫn gắn bó với giáo dục trong giảng dạy và các hoạt động khác. Tôi nghĩ là mình sẽ phải tiếp tục như vậy vì nhận thấy nó cần cho bản thân và cho cộng đồng.
Những trăn trở của ông về SỰ HỌC của giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng?
Tôi nói đến “sự học” và “người học” theo nghĩa rộng. Tất cả chúng ta đều là người học dù ở lứa tuổi hay vị trí nào, dù đang ngồi trên ghế nhà trường (trường phổ thông hay đại học) hay đã đi làm, thậm chí là đã về hưu. Học là một khả năng, một đặc ân mà Thượng Đế đã ban tặng cho con người, học thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại và làm cho cá nhân phát triển.
Để tồn tại và phát triển, thì buộc mỗi người chúng ta phải học và học hằng ngày, dù cách học và nơi học có thể khác nhau. Nghĩa là học sinh phổ thông hay sinh viên đại học, giáo viên hay giáo sư thì cũng là “người học”. Cũng vậy, “sự học” có thể ám chỉ việc học hành của các học sinh, sinh viên hay công việc nghiên cứu của một nhà nghiên cứu. Chúng ta làm nghiên cứu, là chúng ta đang tìm tòi, khám phá về một điều gì đó, nghĩa là chúng ta đang học. Tôi muốn nói đến “sự học suốt đời”, học từ trường học chính quy và cả “trường đời” lâu dài về sau.
Giáo dục rộng lắm, gồm đủ thứ: giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, giáo dục cộng đồng… Nên cũng không báo quát hết được. Những năm sau này tôi dành thời gian đặc biệt cho “sự học” (apprendre trong tiếng Pháp) và đây cũng là “trăn trở” của tôi nếu dùng từ ngữ được đặt ra trong câu hỏi này.
Với giáo dục Việt Nam, tôi thấy ít có con em nước nào lại học hành vất vả như học sinh Việt Nam. Các bậc cha mẹ cũng vậy: vất vả và hi sinh rất nhiều cho sự học của con cái, tiền bạc, thời gian, năng lượng đầu tư cho giáo dục rất lớn. Tôi thấy nhiều bà mẹ chạy đua từ sáng đến tối khuya chỉ để chờ và chở con đi học đủ thứ: học ở trường, học thêm ở nhà của nhiều giáo viên, học ngoại ngữ, học thể thao, vv.
Nhà nước cũng dành ngân sách khá lớn để đầu tư cho giáo dục. Theo quy định thì ngân sách quốc gia dành cho giáo dục tối thiểu là 20%, đứng trong nhóm các nước dẫn đầu Châu Á, thậm chí là thế giới. Nếu cộng tiền bạc của Nhà nước và người dân lại, thì Việt Nam không phải không có tiền dành cho giáo dục.
Thế nhưng hiệu quả của của giáo dục thế nào? Thành quả của sự đầu tư đó là gì? Sao đất nước Việt Nam không có nhiều các phát minh phát kiến, không có nhiều triết gia, nhà khoa học có thể đóng góp cho thế giới? Sao Việt Nam vẫn luôn đi sau các nước về kinh tế, về khoa học và các chỉ số phát triển khác, mà ở đó con em của họ học khỏe hơn mình như ở Phần Lan hay các quốc gia phát triển khác mà tôi thấy?
Nếu nói giáo dục tạo ra chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia và nguồn nhân lực lại tạo ra sự phát triển, thì Việt Nam đã phải phát triển lắm để xứng với công sức và sự đầu tư cho giáo dục của người dân Việt.Có nhiều lý do ở đây, nhưng một lý do lớn là cách tư duy về sự học và cách học thế nào. “Học thế nào?” là một câu hỏi bình dân nhưng rất quan trọng. Có thể nói rằng, cách trả lời, cách lý luận về những trả lời cho câu hỏi này của một quốc gia, hay một cá nhân có liên quan đến vị thế của quốc gia hay cá nhân đó. Bởi phía sau những câu trả lời này ẩn chưa những quan niệm, những triết lý, những hiểu biết về con người, về thế giới hiện tại và tương lai.
Quan niệm của chúng ta đứng sau các hành động của chúng ta, nếu chúng ta có quan niệm tốt, đúng thì chúng ta sẽ có những hành động đúng, và ngược lại. Có những quốc gia đã dựa trên những quan niệm không chuẩn để xây dựng, để thiết kế nên các kế hoạch phát triển, để đưa ra những chính sách về con người, để thiết kế cả một hệ thống giáo dục sai lạc, và khi đã “lạc đường” thì cho dù cố gắng đến đâu, bỏ sức lực ra đến đâu thì cũng không thể bằng người khác đi trên con đường đúng, thậm chí càng cố gắng đi, chúng ta càng rời xa đích đến.
Chúng ta cần xem lại các quan niệm của chúng ta về giáo dục, cần tư duy lại về sự học, về cách học, về người học và dĩ nhiên là cả người dạy và vai trò của nhà trường (Giordan, 2016). Điều này là hết sức cần thiết và khẩn trương trong thời buổi của trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay. Nếu vẫn quan niệm theo lối cũ là nhà trường, thầy cô là bên truyền phát kiến thức, và học sinh, sinh viên đến trường là để thu nhận kiến thức thì có lẽ người ta sẽ không cần đến trường để làm điều đó nữa. Nhưng thật không may, nhà trường Việt Nam, kể cả trường đại học, đều dành nhiều thời gian và năng lượng chỉ để phát và nhận kiến thức, mà chưa chắc những thứ được phát đó đã là kiến thức khoa học thực thụ, trong khi thế giới ngoài kia đang thay đổi hằng ngày…
Được biết sau nghiên cứu thực địa về so sánh giáo dục giữa một nước trên thế giới và Việt Nam, ông tập trung vào dịch các tác phẩm liên quan đến HỌC, những lý do nào đã trở thành động lực để tập trung thời gian tâm huyết để dịch các tác phẩm liên quan đến sự HỌC?
Một nhà xã hội học đã nói đại ý: giáo dục là con đường đưa các cá thể vào xã hội. Giáo dục tạo ra con người của xã hội, tạo ra nguồn nhân lực của một quốc gia… Tôi mong muốn quan sát “con đường” đó của các xã hội được thiết kế thế nào để đưa những cá thể từ khi trong bụng mẹ đến khi trưởng thành vào đời thế nào. Con đường đó có nhiều khúc, có nhiều thành phần, nhiều con người… và rất khác nhau giữa các xã hội. Đó là lý do chúng tôi đã làm một số nghiên cứu so sánh. Tuy nhiên như đã nói, con đường giáo dục rộng và dài, nên mình cần phải chọn những điểm then chốt cốt lõi để tập trung vào, mà một trong số đó là “Sự học” mà tôi đã nói tới ở trên.
Thưa Ts, thông điệp chính của tác giả Andre Giordan qua tác phẩm HỌC muốn gửi đến NGƯỜI HỌC là gì?
Như đã nói, tất cả chúng ta là người học, chúng ta học đủ thứ từ trường học và trường đời, thế nhưng chẳng mấy ai và mấy khi lại “học về sự học”? của bản thân. Không mấy khi chúng ta học hiểu về bản thân, về cách vận hành của não bộ, cách đón nhận thông tin, những điểm mạnh và điểm yếu. Không mấy khi chúng ta dừng lại để truy vấn về cách học của mình, các quan niệm mà mình đang có, những gì góp phần hình thành nên quan niệm của mình, mình cần thay đổi thế nào và bằng cách nào…?
Tác giả của các sơ đồ tư duy Tony Buzan đưa ra một hình ảnh: khi mua một cái ti vi, chúng ta có thể nhận được một tập tài liệu “hướng dẫn sử dụng” chi tiết hàng trăm trang kèm theo, nhưng lạ lùng thay, não bộ chúng ta quan trọng như thế đối với sự học và sự sinh tồn, nhưng lại chẳng có một “tài liệu hướng dẫn” nào cho rõ ràng, cho xứng tầm.
Vậy nên nếu cần nói đến một thông điệp, thì có thể nói tác giả Giordan muốn gửi đến người học là hãy học hiểu về bản thân trước, hãy nhận diện bản thân với những quan niệm sẵn có của mình và của xã hội mà mình chịu ảnh hưởng, bởi chính quan niệm mà mình đang có nhiều khi là vật cản cho sự học của bản thân. Sau đó hãy học cách tư duy, cách phản biện, cách phản tư, học về phương pháp học, phương pháp nghiên cứu cho vững… nắm được bộ công cũ này, thì việc thu nhận kiến thức và các kỹ năng khác sẽ không khó lắm, nhất là với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại ngày nay.
Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung đã dành thời gian chia sẽ những tâm huyết và công trình nghiên cứu về giáo dục, đang có những đóng góp hữu ích cho giáo dục Việt Nam. Hơn thế nữa, những tác phẩm dịch của Ts không chỉ có ích cho những độc giả tại Việt Nam mà cả những người Việt Nam đang tìm kiếm sự HỌC trên thế giới.