Lịch sử Việt-Mỹ
Hội Thư viện Việt Nam thời Việt Nam Cộng hoà
Published on
By
Lâm Vĩnh ThếLời giới thiệu: Thư viện là cánh cửa dẫn đến tri thức, là nơi lưu trữ kinh nghiệm và giá trị văn hoá của quá khứ và hiện tại để truyền lại cho thế hệ sau. Đó là một trong những định chế văn hoá lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại. Thư viện tạo cơ hội để con người tiếp cận tri thức, hỗ trợ các hoạt động giáo dục, giúp ươm mầm những ý tưởng và tầm nhìn mới, đóng vai trò quan trọng trong kiến thiết các quốc gia hiện đại. Ngày nay, dù internet đã thay đổi không gian thư viện một cách mạnh mẽ, định chế văn hoá này vẫn luôn nằm ở vị trí trung tâm của một xã hội sáng tạo.
Việt Nam Cộng hoà trong giai đoạn tồn tại ngắn ngủi và đầy khó khăn của mình đã có nhiều nỗ lực phát triển ngành thư viện một cách bài bản. Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt chương 2 “Phát triển ngành thư viện tại Việt Nam, tháng 5/1973 – 30/4/1975” trong hồi ký “Full Circle: Memoir of a Vietnamese-Canadian Librarian” (“Tròn Nhiệm Vụ: Hồi Ký Của Một Quản Thủ Thư Viện Canada Gốc Việt”) của nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Thế, cựu Chủ tịch Hội Thư Viện Việt Nam trước năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam. Cuốn sách đang được Nhà xuất bản Austin Macauley của UK xét duyệt xuất bản.
Cuối tháng 5-1973 tôi về đến Sài Gòn và đối diện với một thực tế có hơi phũ phàng: Trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn (Trường ĐHSPSG) không chịu thi hành hợp đồng đã ký kết với USAID là thành lập Ban Thư Viện Học. Tôi nghĩ quyết định này của Trường ĐHSPSG là do sự kiện Cơ quan USAID đã rút ra khỏi Việt Nam sau khi Hiệp Định Paris đã được ký kết vào ngày 27-1-1973. Tuy nhiên, cũng chính trong thời gian của hai năm này, từ tháng 5-1973 cho đến cuối tháng 4-1975, tôi đã có cơ hội đóng góp rất nhiều vào việc phát triển ngành thư viện tại VNCH.
PHÁT TRIỂN HỘI THƯ VIỆN VIỆT NAM
Trong thời gian nửa năm sau của 1973, tôi đã tham gia giảng dạy trong một số khóa huấn luyện sơ cấp dành cho các quản thủ thư viện học đường. Như đã trình bày trong Chương Một, các khóa huấn luyện sơ cấp này trước đây do Cơ Quan Phát Triển Thư Viện (CQPTTV) của USAID phụ trách. Trước khi rút khỏi Việt Nam, cơ quan này đã chuyển giao công tác huấn luyện đó lại cho Nha Trung Học của Bộ Văn Hóa Giáo Dục. Ông Giám Đốc Nha Trung Học, Phạm Tấn Kiệt, một người bạn của tôi trong thời gian học trung học ở Trường Petrus Ký cũng như lúc học đại học ở Trường ĐHSPSG, đã mời tôi tham gia vào việc giảng dạy cho hai khóa huấn luyện sơ cấp này, một khóa tại Trường Nữ Trung Học Gia Long ở Sài Gòn, và một khóa tại Trường Trung Học Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long.
Trong thời gian tôi còn đang học ở Hoa Kỳ, ông Hafenrichter đã thuyết phục được Trường ĐHSPSG mở Khóa I Huấn Luyện Trung Cấp Giáo Sư Quản Thủ Thư Viện đầu tiên trong niên khóa 1972-1973. Học viên được tuyển chọn từ các giáo sư trung học đệ nhị cấp đã có ít nhứt 2 năm thâm niên công vụ, đã tốt nghiệp một khóa huấn luyện sơ cấp về thư viện của CQPTTV, và đang phụ trách thư viện tại một trường trung học. Sau khi tốt nghiệp các khóa huấn luyện sơ cấp này, gần như tất cả các anh chị em giáo chức, phần lớn là các giáo sư trung học đệ nhị cấp đã tốt nghiệp ĐHSPSG, đều trở thành hội viên của Hội Thư Viện Việt Nam (HTVVN).
Trong thời gian đó, tôi cũng tiếp tục tham gia các công tác của HTVVN, và đã đóng góp cho “Thư Viện Tập San” (TVTS), Bộ Mới, số 19 Đặc Biệt (1973), 2 bài báo với nhan đề như sau:
Hình 2.1. Bìa Thư viện tập san
- Một đề nghị với các quản thủ thư viện học đường: tổng kê đơn giản hóa, tr. 35-42
(có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây)
- Nguyên tắc thiết lập đề mục, tr. 77-83
(có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây)
Lúc đó, trong Ban Chấp Hành của HTVVN, Bà Nguyễn Thị Cút và Anh Nguyễn Ứng Long vẫn còn đang giữ các chức vụ Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch và đây cũng là nhiệm kỳ thứ ba của hai người. Anh Long báo cho tôi biết là cả Anh và Bà Cút đều đã cảm thấy mỏi mệt sau ba nhiệm kỳ liên tiếp và đều đã quyết định sẽ không ra tranh cử vào đầu năm 1974 nữa.
Anh Long khuyên tôi nên ra ứng cử chức vụ Chủ Tịch HTVVN cho nhiệm kỳ 1974. Tôi đã nghe lời khuyên này của Anh Long. Ngày 3-2-1974, HTVVN họp Đại Hội Thường Niên để bầu Ban Chấp Hành mới cho nhiệm kỳ 1974. Tôi đã ra ứng cử chức vụ Chủ Tịch và đã đắc cử. Sau đây là thành phần của Ban Chấp Hành HTVVN cho nhiệm kỳ 1974: [1]
Hình 2.2. Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam nhiệm kỳ 1974
Ðây là lần đầu tiên từ ngày thành lập, HTVVN đã bầu vào các chức vụ Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch, và Thủ Quỹ của Ban Chấp Hành ba quản thủ thư viện chuyên nghiệp, tốt nghiệp bằng Cao học về Thư Viện Học (MLS) từ các trường đại học của Hoa Kỳ.
Một điều nữa cũng cần được nhấn mạnh: đây là lần đầu tiên HTVVN đã bầu một Ban Chấp Hành gồm đa số là những người trẻ (dưới 45 tuổi), tất cả đều đã được huấn luyện chuyên môn thư viện, và tốt nghiệp với bằng MLS ở Hoa Kỳ, hay bằng Cao Đẳng về Thư Viện từ Hoa Kỳ và Úc, hoặc các khóa huấn luyện sơ cấp hoặc trung cấp ở trong nước với một Cố Vấn Ðoàn gồm những vị cao niên và hoạt động lâu năm trong nghề.
Ban Chấp Hành đã có buổi họp đầu tiên vào ngày 6-2-1974 tại trụ sở mới của Hội đặt trong khuôn viên của Viện Đại Học Vạn Hạnh (ĐHVH), tại số 222 đường Trương Minh Giảng, Quận 3, Sài Gòn. Một quyết định quan trọng đã được thông qua tại buổi họp này là HTTVN sẽ phát hành một Bản tin (BT) hàng tháng.
Hình 2.3. Trang bìa Bản Tin Số 1 (Tháng 3-1974) của Hội Thư Viện Việt Nam
Trong Lá Thư Chủ Tịch của BT đầu tiên của HTVVN, tôi đã phác họa một đường lối hoạt động tích cực để giúp phát triển Hội như sau: [2]
Hình 2.4. Lá Thư Chủ Tịch, Bản Tin (HTVVN) Số 1 (Tháng 3-1974)
Dựa trên đường lối đã phác họa như trên, Ban Chấp Hành đã thảo luận và đồng thuận một chương trình hoạt động cho nhiệm kỳ 1974 gồm các dự án như sau:
- Xuất bản TVTS như một quý san, ba tháng ra một số, một năm đủ 4 số; đồng thời cũng xuất bản tờ BT, mỗi tháng ra một số, giữa các số của TVTS
- Tổ chức 2 Khóa Huấn Luyện Căn Bản Thư Viện Học dành cho hội viên
- Tổ chức một Đại Hội Hè để thảo luận một số vấn đề chuyên môn và nội bộ của Hội
- Chấn chỉnh và kiện toàn tình trạng hội viên của Hội
- Ấn hành một số tài liệu chuyên môn
Được sự ủy quyền của Ban Chấp Hành, và với tư cách Chủ Tịch của HTVVN, tôi đã đích thân đi gặp vị Đại Diện của Cơ Quan Văn Hóa Á Châu (Asia Foundation) tại Việt Nam, lúc đó là ông Julio Andrews, trình bày chương trình hoạt động này và xin tài trợ. Độ một tuần lễ sau, HTVVN nhận được văn thư của Asia Foundation báo cho biết họ chấp nhận tài trợ một phần các dự án trong chương trình hoạt động này của Hội. Nhờ sự tài trợ này, Ban Chấp Hành đã thực hiện được một phần quan trọng của chương trình hoạt động đã đề ra cho nhiệm kỳ 1974.[3]
Thư viện tập san và Bản tin hàng tháng
Bốn số TVTS từ số 20 (Ðệ 1 TCN 1974) đến số 23 (Ðệ 4 TCN 1974), với bài vở thật phong phú, đã được xuất bản và gởi đến toàn thể hội viên khắp cả nước, từ Huế vào đến An Xuyên (Cà Mau). Sau đây là một số bài vở tiêu biểu:
- Lâm Vĩnh Thế, Thư viện cổ tại Alexandria, số 20, tr. 3-12
(có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây)
- Nhật Thịnh và Nguyễn Thị Khuê Giung, Ðại cương những tên hiệu Việt Nam xưa và nay, số 20, tr. 23-34.
(có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây)
- Nguyễn Văn Hường, Sử dụng học sinh phụ tá tại thư viện, số 21, tr. 14-28.
(có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây)
- Lê Ngọc Oánh, Tiến trình phát triển thư viện học đường Việt Nam hiện tại, số 21, tr. 38-51.
(có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây)
- Nguyễn Xuân, Văn khố Việt Nam thời Pháp thuộc, và những di sản văn hóa triều Nguyễn, số 22, tr. 17-42.
(có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây)
- Lê Tấn Tài, Cách tổ chức hồ sơ xếp đứng trong thư viện học đường, số 22, tr. 43-52.
(có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây)
- Lê Bá Kông (Phạm Thị Lệ-Hương dịch), Kỹ nghệ xuất bản sách tại Việt Nam Cộng Hòa, số 23, tr. 17-32.
(có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây)
- Lâm Vĩnh Thế, Chương trình C.I.P. là gì? số 23, tr. 45-50.
(có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây)
Trong thời gian giữa các số TVTS, 7 số BT hàng tháng cũng đã được ấn hành và phân phối đến hội viên để thông báo đầy đủ cho hội viên về các dự án công tác (thí dụ như Ðại Hội Hè 1974) cũng như những hoạt động cụ thể của Ban Chấp Hành trong suốt nhiệm kỳ về cả hai phương diện đối nội cũng như đối ngoại, thí dụ như tranh cử vào Hội Ðồng Văn Hóa Giáo Dục (HĐVHGD).
Huấn Luyện Căn Bản Thư Viện Học
Theo đúng như chương trình hoạt động đã đề ra, hai khóa huấn luyện căn bản thư viện học miễn phí dành cho hội viên đã được tổ chức trong năm 1974.
- Khóa 1: với 31 học viên, khai giảng ngày 7-5-1974, và bế giảng ngày 28-6-1974
- Khóa 2: với 30 học viên, khai giảng ngày 23-9-1974, và bế giảng ngày 13-11-1974
Hai khóa huấn luyện đều được tổ chức tại trụ sở của Hội, trong khuôn viên của Đại Học Vạn Hạnh (ĐHVH) với phòng học chính là Thư viện của ÐHVH. Mỗi khóa huấn luyện gồm 120 giờ học, với chương trình gồm các bộ môn như sau: Lịch Sử Thư Viện; Tổ Chức và Ðiều Hành Thư Viện; Tổng Kê và Phân Loại; và, Công Tác Tham Khảo. Ban giảng huấn là các thành viên của Ban Chấp Hành và Cố Vấn Ðoàn.
Trong lúc học tập, học viên cũng được đưa đi thăm viếng các thư viện lớn tại Sài Gòn. Các lễ khai giảng và bế giảng đều được tổ chức trọng thể tại Giảng Ðường 19 là giảng đường lớn nhứt của ÐHVH và đặt dưới sự đồng chủ tọa của vị Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên và Thượng Tọa Thích Mãn Giác, Phụ Tá Viện Trưởng Ðặc Trách Điều Hành của ĐHVH.
Tại lễ bế giảng các học viên đều được cấp chứng chỉ tốt nghiệp của Hội. Sau lễ bế giảng là một tiệc trà thân mật tại Câu Lạc Bộ của ÐHVH. Trong các dịp nầy, các thiệp mời đã được gởi đến cho tất cả các cơ quan và hội đoàn văn hóa công và tư tại thủ đô Sài Gòn. Nhờ vậy vị trí của HTVVN trong sinh hoạt văn hóa của VNCH đã được nâng cao rất nhiều. Sau đây là một vài hình ảnh về hai khóa huấn luyện căn bản thư viện học này:
Ðại Hội Hè 1974
Ðây là lần đầu tiên từ ngày thành lập vào năm 1958, HTVVN đã triệu tập một đại hội bất thường mệnh danh là Ðại Hội Hè 1974, vào các ngày 9, 10 và 11-8-1974, để thảo luận một số vấn đề về nội bộ và chuyên môn. Ðại Hội nầy đã được Ban Chấp Hành HTVVN nhiệm kỳ 1974 chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Bốn Ủy Ban Ðặc Biệt đã được thành lập và giao cho nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu cho Ðại Hội. Đó là các Ủy Ban sau đây:
- Ủy Ban Phân Loại:
Trưởng Ban: Ông Lâm Vĩnh Thế
Thư Ký: Ông Nguyễn Ngọc Hoàng
Ủy Viên: Cô Nguyễn Thị Phương Nguyệt, Ông Ðỗ Văn Anh,
và Ông Nguyễn Văn Vinh
- Ủy Ban Tổng Kê:
Trưởng Ban: Cô Nguyễn Thi Nga
Ủy Viên: Cô Phạm Thị Lệ-Hương, Bà Bùi Tuyết Nhung, và
Ông Hoàng Ngọc Hữu
- Ủy Ban Tu Chính Ðiều Lệ và Nội Quy:
Đồng Trưởng Ban: Các ông Nguyễn Cửu Sà và Lâm Vĩnh Thế
Thư Ký Ðoàn: Các ông Nguyễn Nhựt Quang, Trần Thanh Sao,
và Lê Văn Thu
Thuyết Trình Ðoàn: Các ông Lê Ngọc Oánh, Nguyễn Hùng
Cường, và Hoàng Ngọc Hữu
- Ủy Ban Quy Chế Thư Viện Học Ðường:
Trưởng Ban: Ông Lê Ngọc Oánh
Thư Ký Ðoàn: Các ông Nguyễn Nhựt Quang và Nguyễn Văn Thước
Thuyết Trình Ðoàn: Các cô Ðặng Thị Thảo và Huỳnh Thị Oanh
Nhiệm vụ của các Ủy Ban đã được Ban Chấp Hành ấn định cụ thể như sau:
- Ủy Ban Phân Loại: soạn thảo bảng số phân loại thập phân Dewey cho Lịch Sử, Ðịa Lý, và Văn Học Việt Nam
- Ủy Ban Tổng Kê: giải quyết dứt khoát vấn đề làm Tiểu dẫn cho tên tác giả Việt Nam
- Ủy Ban Tu Chính Ðiều Lệ và Nội Quy: tu chính Ðiều Lệ và Nội Quy của HTVVN cho thích hợp với hoàn cảnh và đà phát triển của ngành thư viện tại Việt Nam
- Ủy Ban Quy Chế Thư Viện Học Ðường: dự thảo một Quy Chế dành cho quản thủ thư viện học đường
Các Ủy Ban đã họp hàng tuần trong suốt hai tháng 4 và 5/1974. Ðề nghị của các Ủy Ban sau đó đã được Ban Chấp Hành thảo luận trong các phiên họp ngày 29-6-1974 và 4-7-1974. Toàn bộ đề nghị của bốn Ủy Ban được in ra và gởi đến cho toàn thể hội viên nghiên cứu một tháng trước khi về tham dự Ðại Hội. Ban Chấp Hành cũng liên hệ với Nha Tiểu Học và Nha Trung Học của Bộ Văn Hóa Giáo Dục để các quản thủ thư viện học đường (đều là giáo chức) được cấp Lộ Trình Thư, và riêng một số hội viên ở các tỉnh xa được cấp cả vé phi cơ, để về dự Ðại Hội. Trong thời gian 3 ngày dự Ðại Hội, các hội viên đều được Hội cấp phụ cấp vãng phản.
Ðại Hội Hè 1974 đã thành công hết sức rực rỡ với sự tham dự của gần 300 hội viên (trước đây số hội viên về họp các Ðại Hội Thường Niên để bầu lại Ban Chấp Hành không bao giờ vượt quá con số 100) và đạt được tất cả 4 mục tiêu đề ra, quan trọng nhứt là Quy Chế Thư Viện Học Ðường.[4]
Chấn Chỉnh Tình Trạng Hội Viên
Từ đầu nhiệm kỳ 1974, Ban Chấp Hành được biết tổng số hội viên là gần 400 trên toàn quốc. Trong số nầy, hội viên thực sự có sinh hoạt với Hội không lên quá 100. Số hội viên đã không đóng niên liễm (200 đồng một năm) lên tới trên 250 người, trong số nầy có người đã thiếu niên liễm 2-3 năm, thậm chí có người thiếu niên liễm đến 6-7 năm. Ðiều nầy có nghĩa là HTVVN đã thất thu một số niên liễm rất quan trọng. Trong khi họp để thảo luận về vấn đề nầy, Ban Chấp Hành đi đến kết luận là tình trạng hội viên không đóng niên liễm có hai nguyên nhân chánh: 1) Về phía hội viên, vì trong quá khứ Hội đã không có đem lại quyền lợi gì thiết thực cho hội viên khiến cho một số đông hội viên nghĩ rằng chả có lý do gì họ phải đóng niên liễm cả; 2) Về phía Hội thì cũng có thiếu sót là không có theo dõi và truy thu niên liễm.
Từ kết luận nầy, Cô Phạm Thị Lệ-Hương, Chánh Thủ Quỹ, đã đề ra một kế hoạch để truy thu và tận thu niên liễm. Các Bản Tin hàng tháng là phương tiện giúp thực hiện kế hoạch nầy. Một mặt trình bày cho hội viên thấy rõ những quyền lợi thiết thực mà họ đã và đang được hưởng từ khi Tân Ban Chấp Hành bắt đầu làm việc: 1) Hội viên đã được nhận miễn phí các số TVTS với bài vở phong phú giúp họ tích cực trong công tác cũng như những BT hàng tháng với đầy đủ tin tức cập nhật; 2) Hội viên đã được huấn luyện miễn phí về căn bản thư viện học (tổng số hội viên tốt nghiệp qua 2 khóa huấn luyện là 61 người); 3) Hội viên về tham dự Ðại Hội Hè đã được hưởng Lộ Trình Thư và phụ cấp vãng phản.
Mặt khác thì tha thiết kêu gọi tất cả hội viên phải đóng niên liễm để Hội có phương tiện tiếp tục phục vụ hội viên. Tất cả những hội viên còn thiếu niên liễm đều nhận được văn thư nhắc nhở và ghi rõ số niên liễm còn thiếu. Ngoài ra văn thư nầy cũng ghi rõ thời gian ân hạn, sau thời điểm đó nếu hội viên vẫn không chịu đóng niên liễm thì sẽ bị xóa tên trong danh sách hội viên.
Tuyệt đại đa số hội viên đã hưởng ứng nồng nhiệt lời kêu gọi nầy và kết quả là HTVVN đã truy thu được trên 100.000 đồng tiền niên liễm đã bị thiếu. Ðến đầu năm 1975, tại Ðại Hội Thường Niên ngày 12-1-1975, tổng số hội viên của HTVVN được ghi nhận là 436.[5]
Những Hoạt Động Khác của HTVVN
Với tư cách thành viên của Ban Chấp Hành của HTVVN, tôi và ông Nguyễn Văn Hường, Tổng Thư Ký của Hội, đã được mời thuyết trình tại một số hội thảo hoặc huấn luyện ở các trường học tại thủ đô Sài Gòn như sau:[6, 7]
- Ngày 4-3-1974, tại Trường Quốc Gia Sư Phạm, từ 10 giờ đến 12 giờ, tôi thuyết trình với đề tài Triết lý và mục tiêu của thư viện tiểu học
- Ngày 25-3-1974, cũng tại Trường Quốc Gia Sư Phạm, từ 10 giờ đến 12 giờ, tôi thuyết trình với đề tài Tổ chức và điều hành một thư viện tiểu học; sau phần nói chuyện của tôi, ông Nguyễn Văn Hường, đã trình bày chi tiết về Kỹ thuật trị thư.
- Ngày 4-5-1974, do lời mời của Ông Phạm Tấn Kiệt, Giám Đốc Nha Trung Học, tại Khóa Hội Thảo của các Giáo Sư Quản Thủ Thư Viện trong Vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và Gia Định, tổ chức tại Trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn An Ninh, tôi thuyết trình với đề tài Vấn đề tham khảo tại thư viện; sau phần nói chuyện của tôi, ông Nguyễn Văn Hường, đã trình bày đề tài Việc sử dụng học sinh phụ tá tại thư viện.
Riêng bản thân tôi còn được mời tham gia giảng dạy một giáo trình về Tổng Kê và Phân Loại cho Khóa II Huấn Luyện Trung Cấp Giáo Sư Quản Thủ Thư Viện tại Trường ĐHSPSG vào đầu tháng 6-1974. Cũng như Khóa I (1972-1973), Khóa II gồm 26 Giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp đã có ít nhứt 2 năm thâm niên công vụ và đã tốt nghiệp một khóa huấn luyện sơ cấp. Tôi rất vui khi nhận ra trong số 26 học viên có 2 người đã từng là bạn đồng khóa Sử Địa 3 tại Trường ĐHSPSG (1960-1963) của tôi hơn 10 năm về trước: Chị Đặng Thị Thảo và Anh Cao Đình Vưu.
Ngoài các công tác thuyết trình vừa kể trên nhằm mục tiêu là phổ biến các kiến thức căn bản về thư viện học cho các giáo chức quản thủ thư viện ở các trường tiểu học và trung học, HTVVN còn cho ấn hành nhiều tài liệu chuyên môn. Bên cạnh các giáo trình in ronéo đã sử dụng trong các khóa huấn luyện căn bản thư viện học, HTVVN đã ấn hành quyển Bảng Phân Loại Thập Phân Dewey dựa trên ấn bản trong phần Phụ Ðính của cuốn Phương Pháp Tổng Kê và Phân Loại Sách của Ông Richard K. Gardner và Bà Nguyễn Thị Cút với nhiều sửa đổi và gia tăng các con số cho các mục Sử Ðịa và Văn Học Việt Nam đã được thông qua tại Ủy Ban Phân Loại của Ðại Hội Hè 1974.
Ngoài ra, HTVVN cũng đã thành lập một Ủy Ban Phiên Dịch để chuyển dịch sang Việt ngữ cuốn Bảng Phân Loại Thập Phân Dewey, ấn bản 10 Rút gọn (Dewey Decimal Classification, 10th Abridged Edition, của nhà xuất bản Forest Press). Dự án phiên dịch nầy đã nhận được sự tài trợ của Asia Foundation.
PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯ VIỆN VIỆT NAM
Thành quả tốt đẹp của những hoạt động tích cực của HTVVN trong nhiệm kỳ 1974 không những đã tạo ra một thế đứng có tầm vóc cho HTVVN trong sinh hoạt văn hóa của VNCH mà còn mang lại một số hệ quả tốt đẹp cho việc phát triển ngành thư viện nói chung cho cả nước mà chính Ban Chấp Hành HTVVN cũng hoàn toàn không tiên liệu được.
Trước hết phải nói đến sự ủng hộ rất tích cực của các vị lãnh đạo Bộ Văn Hóa Giáo Dục và các đơn vị dưới quyền họ như Nha Tiểu Học, Nha Trung Học, Trường Quốc Gia Sư Phạm trong các công tác chuyên môn của HTVVN như đã trình bày bên trên. Từ việc ủng hộ tinh thần, Bộ Văn Hóa Giáo Dục đã nhanh chóng tiến tới sự ủng hộ vật chất cho HTVVN. Do đề nghị của vị Thứ Trưởng Ðặc Trách Văn Hóa, người đã chứng kiến tận mắt những hoạt động tích cực của HTVVN trong những lần chính ông đến chủ tọa các lễ khai giảng và bế giảng của các khóa huấn luyện do Hội tổ chức, Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên đã ban hành Nghị Ðịnh số 2496/VHGDTN/TC/TT/NÐ ngày 9-11-1974 trợ cấp một ngân khoản là 200.000 đồng cho những hoạt động bất vụ lợi của HTVVN.
Kế tiếp phải kể đến việc HTVVN được các hội đoàn văn hóa tư bầu vào Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục (HÐVHGD). HĐVHGD là một trong ba hội đồng (hai hội đồng kia là Hội Ðồng Kinh Tế – Xã Hội và Hội Ðồng Các Sắc Tộc) do Hiến Pháp VNCH năm 1967 thành lập và do chính Phó Tổng Thống VNCH làm Chủ Tịch.
Theo các điều khoản số 93 và 94 của Hiến Pháp 1967, HÐVHGD, với nhiệm vụ tư vấn chính phủ trong các vấn đề văn hóa và giáo dục, gồm có 60 hội viên, trong đó 40 người được các hội đoàn văn hóa giáo dục công và tư cùng các hội phụ huynh học sinh bầu ra và 20 người do Tổng Thống VNCH chỉ định.
Trong số 40 hội viên được bầu sẽ có 8 hội viên do các hội đoàn văn hóa tư bầu ra. Ðầu năm 1974 HÐVHGD chuẩn bị bầu cử cho nhiệm kỳ 2 (1974-1977). HTVVN là một trong 15 hội đoàn văn hóa tư hội đủ điều kiện để được tham gia vào cuộc bầu cử nầy.
Sau khi ông Cố vấn Nguyễn Hùng Cường từ chối sự đề cử, Ban Chấp Hành HTVVN đồng ý đề cử tôi, với tư cách đương kim Chủ Tịch HTVVN, làm đại diện của Hội để tranh cử vào HÐVHGD. Nhờ vị thế và tầm vóc của Hội trong sinh hoạt văn hóa tại thủ đô trong thời gian đó, tôi đã đắc cử với số phiếu cao nhứt (13/15 phiếu).[8]
Tại phiên họp khoáng đại đầu tiên của HÐVHGD Nhiệm Kỳ 2, tôi cũng đã được toàn thể hội viên bầu vào chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục Ðại Chúng, một trong 8 ủy ban của Hội Ðồng. Tôi đã có chủ định, với tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục Ðại Chúng, sẽ cố gắng soạn thảo một Dự Luật về Thư Viện Công Cộng cho VNCH, trình bày và cho thảo luận tại Ủy Ban trước khi đưa ra cho HÐVHGD phê chuẩn và chuyển sang hành pháp để yêu cầu hành pháp thực thi. Chủ định nầy đã không thành vì biến cố 30-4-1975.
Sau cùng nhưng quan trọng nhứt trong việc phát triển ngành thư viện cho Việt Nam là việc Đại Học Vạn Hạnh (ĐHVH) quyết định thành lập Ban Thư Viện Học (BTVH), đào tạo Cử Nhân Thư Viện Học đầu tiên tại VNCH.
Nhận thấy rõ khả năng chuyên môn cũng như tinh thần hoạt động bất vụ lợi của Ban Chấp Hành HTVVN, rất phù hợp với tôn chỉ của Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt, Phụ Tá Viện Trưởng Ðặc Trách Học Vụ, đã yêu cầu Ban Chấp Hành HTVVN nghiên cứu và thuyết trình cho Hội Ðồng Viện một dự án thiết lập BTVH cho ÐHVH. Ngày 30-4-1974, tôi đã đại diện Ban Chấp Hành HTVVN thuyết trình trước Hội Ðồng Viện về dự án nầy và dự án đã được Hội Ðồng Viện đồng thanh chấp thuận. BTVH được chính thức thành lập như một Ban của Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, ÐHVH, và tôi đã được cử nhiệm làm Trưởng Ban đầu tiên. Trong mùa Hè 1974, mặc dù rất bận rộn với Đại Hội Hè, Ban Chấp Hành HTVVN cũng đã hết sức cố gắng hoàn tất chương trình học cho BTVH đầu tiên của VNCH.[9] [Xem thêm chi tiết tại Hội Hỗ Trợ Thư Viện và Giáo Dục Việt Nam (LEAF-VN)]
Học kỳ đầu tiên của BTVH đã khai giảng vào đầu năm học 1974-1975 với 70 sinh viên. BTVH này chỉ mới giảng dạy được hai học kỳ với thành phần ban giảng huấn và các khóa trình như sau:
Học Kỳ 1:
- Ông Lâm Vĩnh Thế: Tổng Kê và Phân Loại I
- Cô Phạm Thị Lệ-Hương: Tổ Chức và Điều Hành Thư Viện
- Ông Lê Ngọc Oánh: Tuyển Chọn Tài Liệu
- Ông Tống Văn Diệu: Lịch sử Thư Viện
Học Kỳ 2:
- Ông Lâm Vĩnh Thế: Tổng Kê và Phân Loại II
- Cô Phạm Thị Lệ-Hương: Công Tác Khảo Cứu và Trình Bày Luận Văn
- Ông Lê Ngọc Oánh: Tham Khảo Tổng Quát
- Ông Nguyễn Ứng Long: Anh Ngữ I
Học Kỳ 2 khởi sự vào khoảng tháng 3-1975 đã không bao giờ được kết thúc vì biến cố bi thảm 30-4-1975 chấm dứt sự hiện hữu của VNCH. BTVH của ĐHVH đã bị chết non, chưa đào tạo được một vị Cử Nhân Thư Viện Học nào cho VNCH. Giáo trình duy nhứt của BTVH đã được Ban Tu Thư của ĐHVN in xong và còn lưu giữ được đến ngày hôm nay là cuốn TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH THƯ VIỆN của Giáo sư Phạm Thị Lệ-Hương:
Hình số 2.8. Giáo trình Tố Chức và Điều Hành Thư Viện
NHỮNG CHUYỆN SAU CÙNG CỦA NĂM 1975
Ngày 1-1-1975, Giáo sư Trần Văn Tấn, Khoa Trưởng ĐHSPSG, ký quyết định chính thức cử nhiệm tôi làm Thư Viện Trưởng của Trường.
Tại phiên họp khoáng đại thường niên ngày 12-1-1975, phần lớn các thành viên trong Ban Chấp Hành Nhiệm Kỳ 1974 đã được hội viên tín nhiệm và bầu lại vào Ban Chấp Hành Nhiệm Kỳ 1975 với thành phần như sau:[10]
- Chủ Tịch: Ông Lâm Vĩnh Thế
- Phó Chủ Tịch: Ông Lê Ngọc Oánh
- Tổng Thư Ký: Ông Nguyễn Văn Hường
- Phó Tổng Thư Ký: Ông Tống Văn Diệu
- Chánh Thủ Quỹ: Cô Phạm Thị Lệ-Hương
- Phó Thủ Quỹ: Bà Nguyễn Thị Khuê-Giung
- Ủy Viên Kế Hoạch: Ông Nguyễn Ngọc Hoàng
- Ủy Viên Tổ Chức: Ðại Ðức Thích Lệ Mãnh
- Ủy Viên Tài Chánh: Ông Nguyễn Văn Vinh
- Ủy Viên Xã Hội: Cô Ðặng Thị Thảo
- Ùy Viên Thông Tin Liên Lạc: Cô Tôn Nữ Minh Ngọc
- Ủy Viên Thư Viện Học Ðường: Bà Tăng Thị Hoa
- Ủy Viên Thư Viện Chuyên Môn: Ông Hoàng Ngọc Hữu
- Ủy Viên Thư Viện Ðại Học: Cô Võ Thị Vân
- Ủy Viên Thư Viện Công Cộng: Cô Nguyễn Thị Nga
Ban Chấp Hành Nhiệm Kỳ 1975 nầy đã không làm tròn được nhiệm vụ vì biến cố 30-4-1975. Các khóa huấn luyện, mà khoá đầu tiên dự định sẽ tổ chức vào tháng 4-1975, cũng như Ðại Hội 3 Hè 1975, việc ấn hành Bảng Liệt Kê Tiêu Ðề Ðề Mục, các số TVTS, BT hàng tháng, v.v., tất cả đều không thực hiện được. Ban Chấp Hành Nhiệm Kỳ 1975 chỉ ấn hành được một số TVTS duy nhứt, đó là số 24, Bộ mới, Ðệ 1 TCN 1975. (Có thể truy cập toàn văn tại địa chỉ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM)
Công tác thứ hai được hoàn thành (tồn lại từ nhiệm kỳ 1974) là việc phiên dịch Bảng Phân Loại Thập Phân Dewey, Ấn bản 10 Tóm Lược. Khi tôi đích thân mang bản dịch (mỗi bản dịch gồm 3 tập giấy đánh máy trên 500 trang, tổng cộng là 9 tập) đến nộp cho Asia Foundation là cơ quan tài trợ cho dự án phiên dịch quan trọng nầy, theo đúng hợp đồng đã ký kết với họ, vào khoảng cuối tháng 4-1975, thì vị Ðại Diện của Asia Foundation, ông Julio Andrews, đã rời khỏi Sài Gòn theo lệnh của Toà Ðại Sứ Hoa Kỳ vì tình hình chiến tranh Việt Nam đã sắp đi vào chung cuộc.
Hoạt động sau cùng của HTVVN, mỉa mai thay, không dính líu gì đến việc phát triển thư viện cho Miền Nam, là đi cứu trợ các hội viên từ Miền Trung di tản vào đang tạm trú tại các trại tỵ nạn ở Sài Gòn. Ban Chấp Hành quyết định cho phép Chủ tịch và Thủ Quỹ rút từ quỹ của HTVVN ra một số tiền là 200.000 đồng để cứu trợ cho hội viên. Tôi và Cô Thủ Quỹ Phạm Thị Lệ-Hương đã đi đến tận các trại tỵ nạn nầy để trao cho các hội viên, mỗi người một phong bì đựng 5.000 đồng, gọi là tỏ chút tình tương thân tương trợ của Hội đối với hội viên.
Công cuộc phát triển của ngành thư viện tại VNCH đang diễn ra thật tốt đẹp và đầy hứa hẹn, song song với sự phát triển và hoàn thiện của HTVVN như một hội đoàn chuyên môn, đã chấm dứt một cách đột ngột vào ngày 30-4-1975.
Cũng như tất cả những phát triển về mọi mặt khác của VNCH, kinh tế – xã hội – văn hóa – giáo dục, những bước phát triển của ngành thư viện VNCH mà HTVVN của nhiệm kỳ 1974 đã đặt được những nền tảng thật vững chắc, đã hoàn toàn bị xóa bỏ chỉ vì ý thức hệ chính trị mù quáng. Ngành thư viện của Việt Nam nói chung cũng như đời sống và sự nghiệp của cá nhân tôi nói riêng bước vào một giai đoạn suy thoái và khốn cùng.
Phụ lục: Một số thư viện nổi tiếng hiện nay (Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ bổ sung)
Bạn có thể thích
Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 2)
PHỎNG VẤN NGUYỄN PHƯƠNG MINH
Biển Đông thời viễn cổ (trước thế kỉ 10), phần 2
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên