Kinh tế - Chính trị
Phần Lan Hóa: Kịch Bản Việt Nam Có Thể Phải Ứng Xử (phần 2)
Published on
(Tác phẩm “Cơn bão” vẽ năm 1915 của họa sỹ Phần Lan Ilmari Aalto, 1981 – 1934)
Phần Lan Hóa: Kịch Bản Việt Nam Có Thể Phải Ứng Xử (phần 1 và phần 2)
Một Trong Các Kịch Bản Mà Một Lân Bang Của Trung Quốc, Như Việt Nam, Có Thể Phải Ứng Xử
Ước đoán những vấn đề tại các lân bang của Trung Cộng, đặc biệt là Việt Nam, trong tháng năm tới, Forsberg và Pesu (2016) đã kết luận về Phần Lan Hóa rằng: “…Trong mọi trường hợp, những vấn đề trên cần phải được cân nhắc kỹ khi chuyển bất kỳ bài học nào sang một thời đại khác, một nơi khác và cho những người khác nhau”.
Các vấn đề chung của các lân bang của Trung Quốc
Như Forsberg và Pesu (2016) cảnh báo, công dân và giới lãnh đạo với tinh thần và trách nhiệm với tổ quốc và dân tộc tại các nước láng giềng Trung Quốc cần nghiêm túc suy tư các bài học Phần Lan Hóa, vì ngày nay mô hình này đang được luận bàn trong bối cảnh của các lân bang của Trung Quốc dưới vòm trời Á Châu, nơi mà cả thời gian lẫn không gian, cũng như văn hóa khác biệt với Âu Châu trong thập niên 1940. Một yếu tố không kém quan trọng nữa là mặc dù cùng theo chủ thuyết cộng sản, nhưng LBSV tai Âu Châu trong thập niên 1940 khá khác biệt với Trung Quốc ngày nay, với lịch sử tham vọng đất đai và bành trướng to lớn.
Khác với người Nga sống tại Phần Lan trong thập niên 1940 như đã trình bày trên đây, khá đông người Trung Quốc cư ngụ tại các quốc gia vùng Đông Nam Á ngày nay đã bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc tẩy não nhiều năm, và bao gồm cả nhân viên tình báo do Trung Quốc cài đặt, và đây là đạo quân thứ năm của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Mặc dù Phần Lan đã đã giữ được vị thế độc lập và tự do so với các quốc gia vệ tinh trong LBSV trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh; nhưng Nga xâm lăng Ukraine đã thay đổi điều kiện thế giới và gia tăng sự đoàn kết và sức mạnh của NATO, khiến Phần Lan quyết định gia nhập tổ chức này, và bắt đầu xây hàng rào dọc biên giới Nga để kiểm soát làn sóng di dân từ Nga (El-Bawab, 2023).
Sự chuyển trục về Á Châu của Mỹ và đồng minh và tham vọng bá quyền của Trung Quốc có thể đưa đến sự thành lập một liên minh mới, hay gia tăng sự đoàn kết và thế lực của các liên minh khu vực hiện hữu để đối trọng với Trung Quốc, biến chuyển này có thể làm thay đổi tình hình và tương quan giữa các quốc gia trong khu vực.
Đồng thời, dấu ấn của thời đại ngày nay là các xã hội trong cộng đồng quốc tế không còn “đồng thuận về tiêu chuẩn khách quan để minh định sự thực hay chân lý” mà nhiều xã hội “đã đồng thuận khi dùng những tiêu chuẩn chủ quan của riêng họ để minh định sự thực hay chân lý theo tư duy của họ (the post-truth society; Pinker, 2018)”. Vì thế, chúng ta thấy rất nhiều lãnh đạo trong xã hội thường nói thẳng, nói thật, nhưng thường không nói hết sự thật. Và mức độ “sự thật không được nói” tùy theo thể chế mà các “ngài” lãnh đạo đang áp dụng hoặc đang áp đặt. Do đó, để bảo vệ tương lai và lợi ích của mình, và tùy theo thực trạng đất nước, người dân, nhất là người Việt Nam, cần nghiêm chỉnh suy tư các bài học Phần Lan Hóa trong hiện tình quốc gia, khu vực, và cộng đồng thế giới để đưa đến giải pháp tối ưu (ngay cả khước từ) khi đất nước phải đối diện với kịch bản này.
Hoa Kỳ: chấp nhận các Giải pháp thứ cấp
Là lãnh đạo bá chủ thế giới từ sau thế chiến II, Hoa Kỳ đã thành lập và liên tục duy trì nền hoà bình Mỹ (Pax- Americana), với mục tiêu của chính sách đối ngoại là tối đa hóa phúc lợi của công dân Hoa Kỳ, bảo đảm hòa bình thế giới, thịnh vượng kinh tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, trong cả ngắn hạn và dài hạn; trong đó chính sách dài hạn bao gồm nhiều kế sách ngắn hạn. Cuối cùng, các kế sách ngắn hạn liên tiếp nhau đã quyết định bản chất thực tế của chính sách đối ngoại dài hạn của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay và các xã hội post-truth, các nhà hoạch định chính sách đã phải xem xét thực trạng kinh tế xã hội quốc tế, khu vực, địa chính trị và những vấn đề thực tại trong nước cũng như tình hình chính trị, để đưa ra những giả định và kết luận nhất định về những vấn đề này.
Do tính chất cực kỳ phức tạp và nghịch lý của những vấn đề vừa nêu trên, các nhà hoạch định chính sách thường phải chấp nhận một số giải pháp thứ cấp (second-best) hoặc không tối ưu cho một số vấn đề cấu thành để đạt được các mục tiêu của chính sách đối ngoại ngắn hạn nằm trong phạm vi một tổng thể mong muốn.
Do cấm vận Trung Quốc, giải cứu kinh tế do COVID-19 và chiến trận Ukraine gây khó khăn cho các nền kinh tế của Mỹ và đồng minh: lạm phát cao, gây ra do tác động cùng lúc và mang tính cộng hưởng của cầu kéo (demand-pull) và chi phí đẩy (cost-push) – nhu cầu tăng vọt đi kèm với chi phí sản xuất gia tăng hơn mức dự đoán; một hiện tượng khá hiếm trong kinh tế vĩ mô. Tư duy chính trị phương Tây là “tình trạng kinh tế, tình trạng kinh tế, và tình trạng kinh tế, hỡi anh chàng ngốc kia (the economy, the economy, and the economy, stupid)”; được hiểu là chính khách và đảng cầm quyền sẽ bị thay thế trong cuộc bầu cử tới, nếu một trong hai biến số kinh tế vĩ mô là lạm phát hay thất nghiệp vượt ngoài tầm kiểm soát trong nhiệm kỳ của họ.
Hai trong nhiều trường hợp chấp nhận giải pháp thứ cấp để giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô quốc nội của Mỹ có thể viện dẫn là: TT. Biden viếng thăm Ả Rập Xê Út để giải quyết nạn tăng giá dầu thô đưa đến lạm phát, không lâu sau khi ông quyết liệt lên án ông Mohammed bin Salman Al Saud, thái tử cũng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của vương quốc này chủ mưu giết ký giả đối lập Jamal Ahmad Khashoggi;
Một trong các lý giải về nguồn gốc của cụm từ “Euro dollar” là để giải quyết vấn đề thặng dư nông phẩm do can thiệp vào giá thị trường để trợ giúp cựu chiến binh sau thế chiến II, chính phủ Mỹ đã lặng lẽ làm ngơ lệnh cấm vận giao thương với Nga để cho các nhà môi giới tại Âu Châu mua nông sản của Mỹ và bán lại cho Nga. Vì đồng ruble của Nga không thể hoán chuyển sang Mỹ kim trong thời kỳ chiến tranh lạnh nên Nga chuyển tài khoản thu được từ bán vũ khí cho ngoại quốc sang Mỹ kim và ký thác tại các cơ sở tài chính Âu Châu nên có tên là Euro dollar.
Các vấn đề riêng của Việt Nam
Ngoài các vấn đề chung cho các quốc gia vùng Đông Nam Á, Việt Nam còn có các vấn đề khó khăn tiềm ẩn khác sau đây, nếu phải ứng xử với kịch bản Phần Lan Hóa trong tương lai:
Ngoài liên hệ quốc gia với quốc gia, một yếu tố chung cho các quốc gia vùng Đông Nam Á, riêng trường hợp Việt Nam còn có sự liên hệ giữa đảng và đảng giữa Việt Nam với Trung Quốc. Có ba khái niệm là tổ quốc, dân chủ, và nhân quyền là những khái niệm Việt Nam cần phải xác định, nhất là trường hợp nước này là quốc gia về mặt chính trị vẫn lấy chủ nghĩa cộng làm ý thức hệ duy nhất. Do đó, người dân cần minh định các khái niệm này nếu/khi họ đối diện với kịch bản Phần Lan Hóa.
Trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, Klingler-Vidra và Wade (2020) là hai học giả về phát triển kinh tế thế giới, đầy uy tín và am tường về Việt Nam, sau khi nghiên cứu chính sách tuyên bố và sự thực thi tại quốc gia này, đã đưa ra một kết luận khá bi quan cho viễn tượng Việt Nam:
“Xu hướng sản xuất đồng thời ngày nay được tổ chức trong chuỗi giá trị toàn cầu, độc quyền kiến thức (bởi các công ty có trụ sở tại các nền kinh tế tiên tiến), tài chính hóa và áp lực điều chỉnh bất đối xứng đối với các quốc gia thâm hụt, cũng có nghĩa là các nước đang phát triển khó có thể hội tụ hay bắt kịp với các nền kinh tế tiên tiến về mức năng suất thông qua ‘sức mạnh hay cơ chế của thị trường’.
Nhà nước phải phối hợp để hướng dẫn, thúc đẩy, cũng như định hướng cho đầu tư bằng cách mở rộng khả năng hấp thụ công nghệ từ nơi khác và đổi mới tại quốc nội là một điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững.
Chính sách khoa học và công nghệ không định hướng, không có nhà nước phối hợp có thể sẽ không ‘bắt kịp’, vì chỉ tạo điều kiện giúp thiết lập các công ty khởi nghiệp dễ dàng hơn theo mô hình của Thung Lũng Silicon mà không tăng đầu tư vào các khả năng kỹ thuật làm nền tảng cho những nỗ lực tương tự ở Trung Quốc.
Điều này khiến các công ty khởi nghiệp được định sẵn vẫn là những doanh nghiệp bắt chước và lắp ráp. Chính sách này sẽ không có triển vọng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế hầu thoát bẫy thu nhập trung bình mà đại đa số các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình trên thế giới đã bị sập.”
Về mặt địa lý chiến lược, Phi Luật Tân đã thỏa thuận cho cho phép Mỹ tiếp cận tất cả 9 căn cứ cứ quân sự (The Economist, 21 tháng 2, 2023) quanh khu vực quần đảo Luzon, cũng là vùng tranh chấp giữa Phi và Trung Quốc. Nhật gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, sự chào đời của AUKUS và the QUAD Alliance. Những chuyển động trên và nhiều biến chuyển khác đang trong quá trình triển khai trong vùng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Á Châu của Mỹ và đồng minh trong tương lai.
Trong tình cảnh thế giới đảo điên mà Biển Đông là một phần của vấn đề điên đảo, cấm vận Trung Quốc gây rối loạn chuỗi cung ứng sản phẩm nên Mỹ phải tìm nguồn cung cấp thay thế để giải quyết vấn đề lạm phát do cầu kéo và chi phí đẩy. Qua những dòng tạp ghi này người viết ước đoán một số vấn đề sau.
Trong ngắn hạn, vì cuộc tranh giành với Trung Cộng, về chiến thuật, chiến lược, và kinh tế, Mỹ cố gắng kéo Việt Nam về phía mình hay ít nhất ngăn cản Việt Nam tiến gần hơn với Trung Cộng.
Về mặt chuỗi cung ứng, mặc dù Trung tâm Nghiên cứu Stratfor đã nhận diện 16 quốc gia có nền kinh tế mới khởi sắc, kể cả Việt Nam, với nhân công rẻ và tổng dân số hơn một tỷ người để thay thế vai trò của Trung Cộng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và gọi chúng là P-16, (16 quốc gia hậu Trung Quốc); tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cần thời gian. Trong số P-16, mức độ “xuất cảng” của Việt Nam tăng nhanh và lấp một khoảng trống quan trọng trong nhu cầu nhập cảng của Mỹ, bằng chứng là số lượng xuất cảng sang và xuất siêu của Việt Nam với Mỹ gia tăng lũy tiến.
Cái bẫy có thể giữ Việt Nam trong vòng xoáy Phần Lan Hóa trong tương lai
Cái bẫy thể chế có thể giữ chân Việt Nam trong dòng xoáy lịch sử khiến nó trượt hẳn vào con đường Phần Lan Hóa trong tương lai. Khả năng này có thể xảy ra khi chúng ta nhìn vào một câu chuyện cụ thể, trước tiên, là cách Việt Nam chống tham nhũng.
Chiến dịch chống tham nhũng – “đốt lò” quy mô lớn hiện nay, do ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCSVN phát động không khắc phục được vấn đề tham nhũng ở quy mô hệ thống vì nguyên nhân gốc rễ là thể chế Việt Nam.
Các cuộc điều tra của chiến dịch “đốt lò” đã tiết lộ nhiều cuộc tham nhũng gây thiệt hại hàng tỷ Mỹ kim cho đất nước bởi nhiều đảng viên cao cấp được đảng bổ nhiệm, thông qua các quy trình phối trí nhân sự của đảng, vào các vị trí quyền lực và loại trừ họ, một số với hình phạt tử hình.
Tuy nhiên, những người thay thế họ sẽ tiếp tục hoạt động trong cùng một quy trình khen thưởng, hình phạt, khích lệ; do đó, sẽ theo bước chân của họ, tức là sẽ tham nhũng; được hiểu là chống tham nhũng kiểu các nước xã hội chủ nghĩa chẳng bao giờ đi đến đâu, bởi vì các cơ cấu chính trị vốn khuyến khích tham nhũng vẫn tồn tại.
Do đó, nếu không thay đổi cấu trúc thể chế thì hành vi của những người trong cơ cấu đó sẽ không thể thay đổi: biện pháp “bình cũ, rượu mới” sẽ không thể giải quyết vấn nạn tham nhũng của những nước như Việt Nam.
Trong khi đó, chiến dịch đốt lò có thể gây thù chuốc oán sâu đậm và “người đốt lò vĩ đại” đã gần 80 nên không thể trụ được nhiệm kỳ thứ tư vì già yếu. Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành phòng chống tham nhũng do bộ Tư pháp tổ chức, ngày 4 tháng 3, năm 2016, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an, đã thốt ra sự thật phũ phàng rằng “Chống tham nhũng có khi chúng tôi chết trước” (Xem trích dẫn trên báo Dân Trí của Việt Nam.) Do đó, sự phục hận sẽ vô cùng tàn khốc khi bộ máy hiện nay hết nhiệm kì và vấn đề tham nhũng sẽ tiếp diễn.
Tham nhũng xảy ra mọi nơi, tuy nhiên tham nhũng quy mô lớn tại Việt Nam là do chế độ “không có cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực” tạo ra, là DNA của chế độ cùng thể chế và cơ cấu công quyền. Vì do chính cơ chế tạo ra và dung túng nên tham nhũng hiện hữu và bám trụ mọi nơi, từ trên xuống dưới, là thứ Virus lây lan khắp các lĩnh vực ở Việt Nam, đến mức độ mà ngay cả chính lãnh đạo và báo chí lề Đảng đều cho là tồi tệ quá độ (threshold limit).
Cái bẫy thứ hai giữ Việt Nam trong dòng xoáy lịch sử trượt vào con đường Phần Lan Hóa trong tương lai là vấn đề nhân quyền.
Trong bối cảnh hiện nay, với giả định rằng Mỹ sẽ chấp nhận giải pháp thứ cấp để giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô quốc nội và vấn đề Biển Đông, chính phủ Mỹ, ở một tầm cỡ nào đó, đang lặng lẽ làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền, quyền tự do ngôn luận, nguồn gốc của sản phẩm xuất cảng, và vấn đề thao túng tiền tệ, v.v…, của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong dài hạn, vấn đề liên minh khu vực, hiệu quả của vấn đề Mỹ tiếp cận tất cả 9 căn cứ quân sự vùng bắc Phi Luậ̣t Tân, vấn đề Biển Đông, và chiều hướng của sự tranh giành Mỹ-Trung sẽ rõ nét hơn, ảnh hưởng tiêu cực từ những khó khăn kinh tế nêu trên sẽ được phơi bày, quá trình chuyển đổi từ Trung Quốc sang P- 16 sẽ hoàn chỉnh hơn. Hơn nữa:
Trừ khi Mỹ và đồng minh thất bại trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực của hậu quả của những vấn đề này cùng với sự cộng hưởng của chúng lên lợi điểm chiến lược và lợi ích kinh tế của Việt Nam đối với Mỹ và phương Tây có thể rất nghiêm trọng.
Mặc dù chính sách ngoại giao dường như mang bản chất trao đổi để thỏa mãn những mục tiêu của từng giai đoạn, chấp nhận giải pháp thứ cấp; tuy nhiên, Hoa Kỳ đã thành lập và liên tục duy trì nền hoà bình Mỹ, với mục tiêu của chính sách đối ngoại là tối đa hóa lợi ích của công dân Hoa Kỳ, đảm bảo hòa bình thế giới, thịnh vượng kinh tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Do đó, trừ khi Mỹ thay đổi truyền thống lịch sử này, khi lợi điểm kinh tế và chiến lược của Việt Nam đối với phương Tây bị giảm, các vấn đề nhân quyền có thể sẽ bị bới ra và kết quả tất yếu là vị thế của Việt Nam giảm thiểu nghiêm trọng hơn nữa.
Nếu kịch bản này thành hiện thực và nếu vấn đề Việt Nam được giải quyết dựa trên những thỏa thuận, cam kết và bảo đảm từ một hội nghị quốc tế, khi đầu dây đu từ phía Mỹ và đồng minh bị tuột ra, thì xác suất để Việt Nam phải ứng xử với giải pháp Phần Lan Hóa sẽ gia tăng và khả năng đàm phán hay khước từ giải pháp này sẽ bị giới hạn nghiêm trọng.
Những hậu quả có thể xảy ra, nếu trong tương lai Việt Nam không thoát khỏi dòng xoáy Phần Lan Hóa
Trong kịch bản này, Việt Nam sẽ lâm vào cảnh ngộ tồi tệ hơn điều kiện của Phần Lan trong hậu bán thập niên 1940 và phải trực diện với Trung Cộng, đảng cộng sản anh em hung hăng, thâm độc, nguy hiểm, với tham vọng bá quyền lớn hơn LBSV trong các thập niên 1940 và 1950 gấp bội lần.
Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và nguy hiểm này, và ngoài vấn đề tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa, ảnh hưởng tiêu cực do Công hàm năm 1958 do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký (dù vấn đề pháp lý vẫn còn tranh cãi), Việt Nam phải ứng xử với các vấn đề siêu tiêu cực, có thể, sau đây.
Trong quá trình Phần Lan Hóa, LBSV chỉ chiếm giữ bán đảo Hanko và vùng Karelia để đáp ứng nhu cầu chiến thuật và chiến lược, và mục tiêu kinh tế. Ngày nay, mặc dù Trung Quốc đã chiếm một phần nhỏ đất đai của Việt Nam dọc theo biên giới Việt-Trung, qua quá trình thương thảo nhiều năm, hầu minh định biên giới giữa hai láng giềng, lãnh đạo bởi hai “đảng cộng sản anh em”. Tuy nhiên, vùng đất biên cương nhỏ bé này không giúp giải quyết nhu cầu chiến thuật, chiến lược, và mục tiêu kinh tế của Trung Quốc ngày nay. Các vùng và biển đảo của Việt Nam có khả năng cao thỏa mãn nhu cầu chiến thuật, chiến lược, và mục tiêu kinh tế của Trung Quốc ngày nay có thể kể là:
- Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Hai khu vực: Vân Đồn và Bắc Vân Phong. Vân Phong là một khu kinh tế nằm bao quanh vịnh Vân Phong ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, có độ sâu 27 m so với 7 m của sông Cửu long, nên các tàu vận chuyển với trọng tải cao có thể đổ và cất hàng.
- Đảo Phú quốc.
- Đảo Côn Sơn, dù nhỏ hơn đảo Phú quốc, nhưng cũng có vị thế chiến lược cho Trung Quốc không kém đảo Phú quốc, nhưng không được báo giới nhắc đến.
Một điểm trội yếu cần chỉ ra nơi đây là chủ quyền quốc gia, biển đảo, cơ chế chính trị và công quyền là sản phẩm tư của quốc gia; trong khi tự do đi lại trên biển quốc tế là sản phẩm công quốc tế. Sự khác biệt này đã được ông Elbridge Colby (2019), từng là chuyên viên trong lãnh vực chiến thuật và chiến lược quốc phòng tại Bộ Quốc Phòng Mỹ, giải thích rõ ràng trong cuộc trò chuyện với báo giới hôm 23 tháng 8 năm 2019 tại Hà Nội.
Vì tự do đi lại trên biển quốc tế là một sản phẩm công quốc tế; do đó, cũng là một phần của Pax Americana, nên Mỹ và đồng minh sẽ phải bảo vệ. Hơn nữa, Biển đông cũng là thủy lộ sinh tử cho hai cường quốc kinh tế Á Châu: Nam Hàn và Nhật. Đây cũng là hai biến số trong phương trình quy định cách hành xử của Trung Quốc trong vấn đề tự do đi lại trên Biển Đông. Trong khi chủ quyền quốc gia, biển đảo, cơ chế chính trị và công quyền là sản phẩm tư của quốc gia, do đó, trong kịch bản trên, công dân Việt Nam phải tự ứng xử.
Theo cảm tính của người viết, hoàn cảnh tổng quan của người Việt trong nước bây giờ rất tệ hại so với người Phần Lan trong thời kỳ mà quốc gia của họ bị Phần Lan Hóa. Đồng thời, nếu dân tộc Việt Nam phải ứng xử với kịch bản Phần Lan Hóa, một khi đầu dây đu từ phía Mỹ và đồng minh bị tuột ra, Trung Quốc sẽ đương nhiên đòi hỏi, ngoài các đòi hỏi khác, chủ quyền hay ít nhất quyền sử dụng các khu vực và biển đảo nêu trên.
Một nguy hiểm tiềm ẩn khác là lý do giả tạo mà Nga đưa ra để xâm lược Ukraine là tố cáo chính quyền Ukraine đàn áp người Nga hay người nói tiếng Nga. Dĩ nhiên, khi cần, Trung Cộng có thể việ̣n dẫn cùng lý do giả tạo này đối với đạo quân thứ năm của họ tại Việt Nam.
Thay Lời Kết
Đời sống tinh thần và cách nhìn cục diện thế giới của người dân Việt Nam, như được thể hiện trên hệ thống tuyên truyền chính thống và mạng xã hội cho thấy một trạng thái hoàn toàn lạc lối trong sương mù, không nhìn thẳng vào những vấn đề sinh tử trong tương lai gần. Có lẽ công dân Việt Nam cần phản tỉnh để thoát ra khỏi mê hồn trận này, để thực thấy và suy ngẫm những vấn đề sinh tử trên quy mô toàn cầu nêu trên, hầu xây dựng phương sách giải nguy cơ mất nước về tay Trung Quốc ngay từ bây giờ. Khi các cường quốc, ở cả bậc siêu cường và bậc trung, đang chuyển động từng ngày, cửa sổ cơ hội cho công cuộc Cứu Quốc Tồn Chủng của công dân Việt sẽ khép kín rất nhanh.
Người viết tuyệt đối tin rằng chỉ có dân tộc Việt Nam mới thật sự hiểu khát vọng của người Việt Nam và mới có quyền quyết định vận mệnh quốc gia; và, cũng chính dân tộc Việt Nam sẽ được hưởng hay gánh chịu hậu quả, ngay cả khi bị đổ máu, vì các chọn lựa của mình. Hơn nữa, trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do, hùng cường, và hạnh phúc cho dân tộc, sẽ không có Charles de Gaulle của Pháp; mà chỉ có Lech Wałęsa của Ba Lan; Václav Havel của Tiệp Khắc; và Nelson Mandela của Nam Phi.
Đã không còn ngày ngày dấn bước trên các nẻo đường dưới vòm trời Việt Nam, người viết, với kiến thức thô thiển, xin chỉ mạo muội góp nhặt một số dữ liệu về các tranh luận về một đề tài không mấy phổ thông qua thời gian nơi hải ngoại và đôi điều suy tư theo cảm tính cá nhân để chia sẻ với những ai muốn chia sẻ. Người viết tuyệt đối không có chủ đích bình phẩm, biện minh, hay đề nghị cho những gì mà dân tộc Việt Nam chọn cho chính mình.
Tài Liệu Tham Khảo
-
- Colby, E. 2019. Presentation and discussion on U.S. Defense Strategy in the Indo-Pacific. Hosted by U.S. Embassy in Hanoi (August 23, 2019).
- El-Bawab, N. 2023.Finland begins construction of barrier wall along border with Russia, ABC News March 1, 2023.
- Forsberg, T., and Pesu, M. 2016. The “Finlandisation” of Finland: The Ideal Type, the Historical Model, and the Lessons Learnt. Diplomacy & Statecraft, Vol.27(3), pp. 473-495
- Gilley, B. 2010. No Dire Straits: How the Finlandization of Taiwan Benefits U.S. Security. Foreign Affairs (January/February 2010).
- Jakobson, M. 1980. Substance and Appearance: Finland. Foreign Affairs, Vol. 58, (Summer 1980)
- Kaplan, R. D. 2014. Asia’s Cauldron: The South China Sea and the End of Stable Pacific. A Penguin Random House Company, New-York
- Kirchick, J. 2014. Finlandization Is Not a Solution for Ukraine. The American Interest, (July 27, 2014). https://www.the-american-interest. com/2014/07/27/finlandization-is-not-a-solution-for-ukraine/
- Klingler-Vidra, R. and Wade, R. 2020. Science and Technology Policies and the Middle-Income Trap: Lessons from Vietnam. The Journal of Development Studies, Vol. 56(4), pp. 717-731.
- Laqueur, W.Z. 1977. Europe: The Spector of Finlandization. The Monthly Magazine of Opinion: Europe, (December 1977). https://www.com-mentarymagazine.com/articles/walter-laqueur/europe-the-specter-of-fin- landization/
- Mouritzen, H. 1988. Toward a General Theory of Adaptive Politic. Aldershot, Brookfield, VT.
- Nguyen, C.V., Hiệp, N.P., Lộc, N.B. 2021. Một Góc Nhìn Về Chiến Tranh “Mậu Dịch” Mỹ-Trung Và Hệ Quả Đến Việt Nam. Nhóm Việt 2000, Houston, U.S
- Nordlinger, E.A. 1996. Isolationism Reconfigured: American Foreign Policy for a Nes Century. Princeton University Press,USA.
- Pinker, S. 2018. Enlightenment NOW: The Case for Reason, Science, Humanism, and Progress. Viking, an imprint of Penguin Random House, LLC.
Phần Lan Hóa: Kịch Bản Việt Nam Có Thể Phải Ứng Xử (phần 1)
Phần Lan Hóa: Kịch Bản Việt Nam Có Thể Phải Ứng Xử (phần 2)
Bạn có thể thích
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 2)
PHỎNG VẤN NGUYỄN PHƯƠNG MINH
Biển Đông thời viễn cổ (trước thế kỉ 10), phần 2
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử2 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị12 tháng trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên