Kinh tế - Chính trị
Phan Khôi trong bối cảnh văn học từ thời chiến sang thời bình 1954 – 1958
Published on
By
Thái Kế ToạiBối cảnh chính trị
Đêm ngày 20 rạng ngày 21-7-1954 Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương kết thúc. Ngày hôm sau, từ lúc 0 giờ Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh ngừng bắn trên chiến trường Việt Nam.
Ngày 10-10-1954 Ủy ban quân chính và quân đội tiếp quản thành phố Hà Nội. Hồ Chủ tịch và chính phủ trở về thủ đô. Trong phạm vi 300 ngày chuyển quân tập kết do Hiệp định quy định, lần lượt sau đó Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp quản các thành phố, thị xã, nông thôn từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc. Việc tiếp quản kéo dài đến tận 16-5-1955, quân đội Pháp rút quân khỏi vị trí cuối cùng, đảo Cát Bà.
Như vậy miền Bắc bước vào một giai đoạn mới, chuyển sang xây dựng đời sống hòa bình và thực hiện Hiệp định Giơnevơ để tiến tới Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Việc xây dựng đời sống hòa bình bao gồm những công việc như thành lập chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, ban hành các chế độ chính sách, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cơ sở hạ tầng, củng cố quân đội…
Việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ bao gồm các công việc rút quân khỏi những vùng của đối phương, di chuyển cư trú theo nguyện vọng (miền Bắc gọi việc di chuyển cán bộ và gia đình cán bộ khỏi miền Nam là tập kết, miền Nam gọi việc di chuyển giáo dân, dân chúng khỏi miền Bắc là di cư), lập ranh giới tạm thời tại vĩ tuyến 17 sông Hiền Lương tỉnh Quảng Trị…
Trong khi thực hiện hai nhiệm vụ có tính chiến lược nói trên, có những trở ngại tác động tiêu cực tới đời sống xã hội, nhất là đối với Hà Nội và các đô thị. Về kinh tế xảy ra thiếu lương thực, khan hiếm thực phẩm, nạn đói đã xảy ra tại nhiều địa phương. Các chính sách mới như hộ khẩu, mậu dịch, bài trừ văn hóa cũ, một vài quan niệm tệ lậu của đời sống chiến khu vẫn áp dụng vào quản lý đời sống mới, gây ra những căng thẳng trong tâm lý dân cư, học sinh, trí thức cũ và một bộ phận mới, đã có nhiều người tự tử. Về thi hành Hiệp định Giơnevơ xảy ra những xung đột căng thẳng, như một bên lợi dụng Hiệp định cưỡng ép người di cư, một bên chống lại việc cưỡng ép, dẫn đến một số cuộc bạo loạn. Ở một số địa phương miền Nam, trong khi Ngô Đình Diệm đang củng cố chính quyền của họ đã xảy ra hiện tượng đấu tranh manh động dẫn đến bị đàn áp, đổ máu.
Một sự kiện hết sức đáng tiếc là dưới sức ép của Quốc tế cộng sản và cố vấn Trung Quốc, Đảng lao động Việt Nam đã tiếp tục phát động cuộc Cải cách ruộng đất đợt 4 từ 27-6 đến 31-12-1955, đợt 5 từ 25-12-1955 đến 30-7-1956. Những sai lầm của cuộc CCRĐ đã làm cho xã hội miền Bắc hết sức căng thẳng, tâm lý bi quan, lòng người ly tán, tạo ra những mâu thuẫn mới.
Cũng vào thời gian này, cuộc cải cách dân chủ lần thứ nhất đang lan rộng ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu mà sự kiện tiêu biểu là Đại hội lần thứ XX Đảng cộng sản Liên Xô công bố những tội ác của Stalin và công bố đường lối chung sống hòa bình giải trừ quân bị.
Để khắc phục hậu quả của CCRĐ, Đảng LĐVN đã ra Nghị quyết TW 9, Nghị quyết TW 10 tháng 8-1956 với nội dung kiên quyết khắc phục sai lầm của CCRĐ, chỉnh đốn tổ chức, mở rộng tự do dân chủ. Ngay lập tức chiến dịch sửa sai được thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu trước Quốc hội xin lỗi nhân dân và nêu rõ:
Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có và tìm mọi cách mà sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính(1).
Tài liệu của Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô được công bố. Trong bầu không khí đã giảm bớt căng thẳng, Tập san Giai phẩm mùa xuân bị cấm từ đầu 1956 được tái bản, Giai phẩm mùa thu tập I, tập II, tập III và tiếp theo ngày 20-9-1956 báo Nhân Văn ra đời…Những văn nghệ sỹ chủ trương hai tờ báo này gồm Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Tử Phác… Hưởng ứng Giai Phẩm và Nhân Văn còn có các báo Trăm Hoa của nhà thơ Nguyễn Bính, báo Sáng Tạo của nhóm nghệ sỹ điện ảnh với các nghệ sỹ Vũ Phạm Từ, Cao Nhị, Trần Công, Trần Thịnh, Phạm Kỳ Nam, Phan Tại, Phan Vũ.., tập san Đất Mới của nhóm giảng viên, sinh viên đại học Sư phạm, Tổng hợp Hà Nội gồm Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ, Bùi Quang Đoài, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc…
Như vậy phong trào NVGP là một trào lưu tư tưởng dân chủ xuất phát từ chính yêu cầu sửa chữa sai lầm, mở rộng dân chủ của Đảng Lao động Việt Nam. Ở giai đoạn này chưa đặt ra vấn đề đấu tranh thống nhất đất nước bằng phương pháp vũ trang. Khôi phục kinh tế miền Bắc vẫn là nhiệm vụ cấp thiết cho đến hết Kế hoạch 3 năm 1958-1960.
Việc chuyển hướng đấu tranh vũ trang cho cách mạng miền Nam chỉ thực sự rõ ràng từ khi có Nghị quyết 15 vào tháng 1-1959.
Trong suốt mấy chục năm qua có một cách lý giải nguồn gốc của Nhân Văn – Giai Phẩm ở trong và ngoài Việt Nam đã làm hại uy tín và thiện cảm đối với nó. Đó là việc gán cho nó động cơ chống đối, nhằm lật đổ chính quyền miền Bắc và Đảng lao động Việt Nam, phá hoại cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Những tiền đề văn nghệ của nó đã trở nên hung hãn sau những lời bình luận đầy kích động. Nếu sự thật của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm là như thế nó đã khó tồn tại và khó được gìn giữ trong ký ức của nhân dân cùng nhiều thế hệ văn nghệ sỹ Việt Nam.
Bối cảnh văn học
Tâm lý nói chung của nhân dân cũng như trí thức, văn nghệ sỹ, bộ đội sau khi về Hà Nội là hy vọng một sự thay đổi lớn về đời sống, thoải mái hơn về tư tưởng, hy vọng đó vấp phải một thực tế khắc nghiệt. Hầu hết văn nghệ sỹ từ vùng kháng chiến trở về đều lâm vào cảnh sống chật vật nghèo khổ.
Chúng ta không thắc mắc gì về cảnh sống chật vật trong kháng chiến. Bấy giờ, dù trèo rừng xanh, ăn mỗi ngày một miếng cơm cháy, người nào cũng vui lòng vì nghĩ rằng: trước mắt chúng ta, chỉ có hai chữ tự do hay nô lệ. Nhưng trở về Hà Nội, giữa những phố xá đầy lụa, tủ kính và ánh đèn xanh đỏ, có lẽ chưa bao giờ người nghệ sĩ cảm thấy cay đắng như lúc này.
Cần nói thẳng rằng ở một toà soạn báo văn nghệ, trong số tám biên tập viên có vợ, thì sáu người vợ đã thất nghiệp hay bán thất nghiệp.
Những trang giấy trắng đáng lẽ chỉ dùng viết những bài thơ, cũng đã bao nhiêu lần biến thành lá đơn xin việc. Nhưng những lá đơn ấy gửi đi, để rồi im lặng không nghe một tiếng trả lời.
Sự thực đã có những nhà văn viết đêm, không có một tách cà-phê để uống. Đã có những thi sĩ không làm thế nào mua được dăm điếu thuốc lá hút trong cơn nghiện. Và đã có một kịch sĩ bán chiếc đồng hồ đeo tay của mình để bồi dưỡng viết cho xong cuốn sách, nhưng sách in ra không đủ để chuộc lại đồng hồ.
Hữu Loan có thể nói cho chúng ta biết tình cảnh của anh hai năm nuôi vợ nuôi con đã chất đầy nợ trên vai gầy của người thi sĩ. Nằm trong bóng tối căn nhà nhỏ ngoại ô Hà Nội, khi không còn tiếng vợ kêu và trẻ con khóc, Hữu Loan chỉ mơ ước có một ngọn đèn dầu thức viết.
Văn Ký cũng có thể nói cho chúng ta biết tình cảnh của anh. Buổi sớm mai củ khoai luộc không có cho con ăn. Nghe tiếng con khóc mà đứt ruột.
Khoai không thể mua cho con, nói gì đến ước mơ có những con búp bê mang giá hai vạn đồng ở cửa hàng mậu dịch. Có một nhà văn, đau xót quá, viết vào nhật ký thế này: “Ừ nhỉ, người ta bày những con búp bê tóc vàng ấy trong ngăn tủ để làm gì? Tại sao người ta cứ muốn phô ra trước mắt những người cha một sự mỉa mai nhức nhói?”(2).
Sự phân hóa trong văn nghệ sỹ đã diễn ra, đặc biệt là khoảng cách giữa lãnh đạo các hội, cơ quan văn nghệ với anh em quần chúng văn nghệ. Lãnh đạo đã có chế độ, tiêu chuẩn, được đi tham quan nước ngoài. Những cái hố ngăn cách giữa lãnh đạo văn nghệ và văn nghệ sỹ trước đây ngày càng rộng ra, gay gắt hơn, nhất là khi mà những tệ lậu cũ, chủ nghĩa bè phái, thói coi thường dân chủ không được khắc phục kịp thời.
Đã có những đánh giá không hài lòng với sự nghèo nàn, đơn điệu, quản lý gò bó, tuyên truyền một chiều, ảnh hưởng sâu rộng của chủ nghĩa Mao lên văn học kháng chiến. Yêu cầu đổi mới đề tài, cách viết không chỉ riêng ở văn học cũng bức bách với các lĩnh vực khác, âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh… Một số tác phẩm mới của văn học, sân khấu, điện ảnh phương Tây và Liên Xô đổi mới mang lại cho văn nghệ sỹ – những người nhiều năm nay bị cách biệt với thế giới trong núi rừng kháng chiến – hy vọng về một chân trời của một nền văn nghệ mới.
Trong cuộc sống đô thị, con người kháng chiến biến đổi, những cái xấu mới xuất hiện, cái tệ lậu cũ sống lại, những mẫu người cơ hội, vụ lợi làm vẩn đục mối quan hệ đồng chí lâu nay vốn trong sáng.
Hoàng Cầm viết:
Tôi người làng quan họ
Ngập ngừng trở lại quê hương
Tiếng hát lại bắt đầu bậc giếng bờ mương
Sao em tôi chưa hồng sắc mặt
Xác lão Tiên dễ vùi chưa chặt
Lổm ngổm bò lên
Những lùm cây đen
Vẫn lò dò theo chân từng đôi đôi lứa lứa
Trời chưa sáng rõ
Sương mù úp xuống nương dâu
Tay người yêu e thẹn tìm nhau
Ai nhầm trói tay kẻ trộm
Bóng Tiên chỉ trùm khăn áo mới
Lại nghênh ngang đi tuần làng(3)
Văn Cao viết:
Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngày ngang nhiên sống
Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người
Chúng nó còn ở lại
Trong những tủ sách gia đình
Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
Từng bước chân các cô gái
Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối
Mắt quầng thâm còn nhỡ mãi đêm
Chúng nó còn ở lại
Trong những tuổi bốn mươi
Đang đi vào cuộc sống
Như nấm mọc trên những thân gỗ mục
Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng
Những con mèo ngủ yên trên ghế
Trong một cuộc dọn nhà
Những con sên chưa dám ló đầu ra
Những cây leo càng ngày càng, tốt lá(4)
Hữu Loan viết:
Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ dân chủ cộng hoà
Những thằng nịnh còn
thênh thang
đất sống
Không quần chùng, áo thụng
Không thang đàn bà
Nhưng còn
thang lưng
thang lưỡi
Những mồm
không tanh tưởi
Ngậm vòi đu đủ
Trợn mắt
Phùng mang
Thổi vào rốn cấp trên
“Dạ, dạ, thưa anh…
Dạ, dạ, em, em…”
Gãi cổ
Gãi tai:
… anh quên ngủ
quên ăn
nhiều quá!
Anh vì nước
vì dân
hơn tất cả
từ trước đến nay
Chân xoa
và xoa tay,
Hít thượng cấp
vú thơm
như mùi mít
Gọi như thế là
phê bình cấp trên
kịch liệt
…
Chúng nó ở đâu:
Thối thóc thuế
Mục kho hàng
Phong trào suy sụp
Nhân dân mất cắp
đang giữa ban ngày
To cánh và to vây
Những ai
không
nịnh hót
Đi, mang cao
liêm sỉ con người
Chúng gieo hoạ, gieo tai
Kiểm thảo
hạ tằng
Còn quy là phản động!
( Cũng những thằng nịnh hót. Giai phẩm Mùa Thu tập II)
Không chỉ ở các thành viên Nhân Văn – Giai Phẩm, ở một số nhà văn khác cũng đã manh nha xuất hiện một khuynh hướng hiện thực mới, nhân văn mới về con người trong cuộc sống hiện tại. Và ngay lập tức họ cũng đã bị phê phán.
Đó là Nguyễn Đình Thi với truyện ngắn Đường về
Nguyễn Tuân với tùy bút Phở
Tô Hoài với tiểu thuyết Mười năm
Kim Lân với truyện ngắn Ông lão hàng xóm
Sao Mai với Thôn Bầu thắc mắc
Xuân Thu với Đêm lang thang
Hữu Mai với truyện ngắn Đôi mắt, Mất hết, Những ngày bão táp.
Nguyễn Huy Tưởng với Một ngày chủ nhật, Một phút yếu đuối
Vũ Bão với tiểu thuyết Sắp cưới
Nguyễn Ngọc Tấn với truyện ngắn Im lặng
Nguyễn Thành Long với Một trò chơi nguy hiểm
Bùi Hiển với Ánh mắt
Văn Linh với tiểu thuyết Mùa hoa dẻ
v.v…
Như vậy, ở thời kỳ chuyển tiếp từ thời chiến sang thời bình sau 1954 có đòi hỏi thật sự về đổi mới văn học nghệ thuật cả về nội dung lẫn hình thức. Tức là cuộc sống đòi hỏi nhà văn phải có cách nhìn mới, nhìn thẳng vào những vấn đề của con người, của cuộc sống đang đặt ra và viết nó với cách viết mới. Đó là quy luật tất yếu. Sau này khoảng thời gian sau 1975 cũng xuất hiện tình trạng khủng hoảng sáng tác văn học và nhà văn Nguyên Ngọc với tư cách Bí thư Đảng đoàn HNVVN đã đưa ra bản Đề cương đề dẫn văn học như là một kiến nghị với Trung ương tìm cách tháo gỡ khủng hoảng đó.
Những văn nghệ sỹ khởi xướng, hưởng ứng và tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, do nhạy cảm, có cá tính mạnh mẽ, có thái độ dũng cảm, đã sớm phát hiện ra yêu cầu đổi mới đó và đi đầu như những người lính tiên phong.
Đã có người cho rằng sau này khi các tác gia Nhân văn – Giai phẩm được hoạt động công khai trở lại, văn đàn không thấy họ có tác phẩm ghê gớm như huyền thoại, tức là cũng “thường” thôi. Ý kiến này không hẳn chính xác, bởi vì Nhân Văn – Giai Phẩm xuất hiện với tư cách là một phong trào, hoặc có thể gọi là một “trường” văn học. Nó mới chỉ bắt đầu ở thời điểm sau 1954, đáng ghi nhận ở thời điểm khai phóng này. Sau nữa nó có tác động vào tiến trình văn học miền Bắc trên nhiều phương diện với ý nghĩa tích cực. Còn việc từng tác gia có tiếp tục thể nghiệm thành công hay không, thành công đến mức nào, lại cần được xem xét ở những góc độ khác nhau.
Hoạt động và sáng tác của Phan Khôi
Theo Phan An Sa, con trai út của Phan Khôi, cho biết trung tuần tháng 10-1954 Phan Khôi cùng Ban Văn Sử Địa từ Đại Từ (Thái Nguyên) chuyển về Hà Nội. Đến cuối năm thì vợ, các con và các cháu của ông lần lượt tập kết ra Bắc(5).
Tuy đã ở xấp xỉ tuổi 70, Phan Khôi vẫn hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Ông tiếp tục công bố các thành quả nghiên cứu về Lỗ Tấn trên báo Văn nghệ (truyện ngắn Khổng Ất Kỷ, số 83 từ 25-31 tháng 8-1955; Sự đấu tranh về văn học của Lỗ Tấn, số 92 ngày 27-10-1955), trên báo Nhân Dân (Lỗ tấn một đại văn hào Trung Quốc và thế giới, ngày 28-8-1955). Ngày 30-10-1955 trong buổi kỷ niệm Lỗ Tấn, tổ chức tại Nhà hát lớn, ông được mời thuyết trình bài viết Đời sống và sự nghiệp văn học Lỗ Tấn. Cuối năm 1955 ông cho xuất bản cuốn Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn tập I gồm 7 truyện do ông dịch. Đến giữa năm 1957 ông cho xuất bản tiếp Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn tập II gồm 9 truyện.
Tháng 10 – 1956 ông cùng nhà thơ Tế Hanh đi Trung Quốc dự lễ Kỷ niệm 75 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn. Bản tham luận và bài thơ Tụng Lỗ Tấn của ông được hoan nghênh nhiệt liệt.
Tại sao trong văn học Trung Quốc hiện đại ông chú ý nhiều đến Lỗ Tấn? Có một lẽ là ông thấy Lỗ Tấn có điểm gần với ông ở quan niệm văn học phải có sứ mệnh tranh đấu xã hội và cải biến dân trí của đất nước.
Đầu 1955 ông cho xuất bản cuốn Việt ngữ nghiên cứu tại Nhà xuất bản Văn nghệ. Ông tập trung nhớ lại viết lại sự kiện Vụ xin xâu ở Quảng Nam năm 1908 và cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 để in trong bộ sách Tài liệu tham khảo: Lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam. Con trai ông cho biết ông còn có thói quen hay ghi chép tục ngữ ca dao, tiếp tục bổ xung vào cuốn vở ghi chép có tên là Quanh tục ngữ ca dao mà ông bắt đầu ghi từ hồi còn ở Việt Bắc.
Ông viết bài Không đề cao Vũ Trọng Phụng, chỉ đánh giá đúng cho tập sách Vũ Trọng Phụng và chúng ta do Nhà xuất bản Minh Đức in vào giữa tháng 10-1956.
Trong năm 1956 có việc ông được mời tham gia chấm Giải thưởng văn học 1954-1955. Đó là một sự kiện tác động mạnh mẽ trực tiếp đến tư tưởng dân chủ trong văn nghệ của ông.
Quan trọng nhất là việc Phan Khôi nhận lời làm Chủ nhiệm cho báo Nhân Văn, cộng tác với Tập san Giai Phẩm, báo Văn. Ông đã viết và công bố tiểu luận Phê bình lãnh đạo văn nghệ trên Giai phẩm mùa Thu tập I, tản văn Ông bình vôi trên Giai phẩm mùa Thu tập II, Ba bài thơ trên Giai phẩm mùa Thu tập III, Bài Trả lời một tờ báo ở Sài Gòn trên Nhân văn số 1, Tạp văn Tìm ưu điểm (ký là K. trên Giai Phẩm mùa Thu tập II) , truyện ngắn Ông Năm Chuột trên báo Văn số 36 ngày 10-1-1958. Ngoài ra còn một vài tác phẩm chưa công bố, hoặc không được công bố như bài thơ Bảy mươi tự thọ, tập tản văn Nắng chiều mất bản thảo tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn..
Qua hoạt động xã hội và văn học của Phan Khôi, thấy rằng, trong tư tưởng của ông vẫn nhất quán những yếu tố như ý thức làm việc, xây dựng chính thể, sự trung thực, ghét những tệ lậu, thói khuất tất của một số lãnh đạo văn nghệ. Có điều là trong bối cảnh chuyển tiếp giai đoạn thời chiến sang thời bình, cảm hứng về cơ hội của sự chuyển biến cởi mở dân chủ đã cho ông nhiệt tình hăng hái với trách nhiệm của mình. Có người cho rằng Phan Khôi bị động khi nhận lời làm Chủ nhiệm cho báo Nhân Văn. Thực ra quyết định của Phan Khôi đã được ông cân nhắc kỹ lưỡng như trong bài thơ Nắng chiều:
Nắng chiều đẹp có đẹp.
Tiếc tài gần chạng vạng,
Mặc dù gần chạng vạng,
Nắng được thì cứ nắng.
1956
Khí tiết, lập trường của ông đã thể hiện rõ ràng ngay từ khi báo Nhân Văn số 1 ra đời. Trong bài Trả lời một tờ báo ở Sài Gòn ông đã tuyên bố:
Vâng, tôi chỉ là một tên đầy tớ nhưng mà là đầy tớ của nhân dân chứ không phải đầy tớ của đế quốc và địa chủ.
Còn những người cộng sản Việt Nam, họ cũng chỉ là đầy tớ của nhân dân như tôi.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chưa phải là chính phủ cộng sản, còn lâu lắm mới đi lên chủ nghĩa cộng sản, nhưng các anh nói là “Việt cộng”, thì riêng phần tôi, tôi lại sợ gì mà không nhận là “Việt cộng”
Các anh nói hơi sai một chút: Tôi theo “Việt cộng”, đồng ý và hợp tác với “Việt cộng” chứ không “làm đầy tớ cho Việt cộng” như các anh nói.
Tôi viết báo ở Sài Gòn tám chín năm, các anh há lại không biết tôi luôn luôn phản đối phong kiến triều Nguyễn vì thực dân Pháp sao? Trong thời kỳ từ 1939 đến 1945, là lúc dân tộc Việt Nam có cơ phục hưng, trông thấy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, tôi được làm một công dân, tôi lấy làm hân hạnh lắm. Đến khi thực dân Pháp toan xâm chiếm lần nữa, tôi chạy lên Việt Bắc theo chính phủ chống Pháp để lấy nước lại, sao các anh lại gọi tôi là “làm đầy tớ”?
Với khí tiết ấy, với tính cách nhà Nho xứ Quảng, ông quyết đấu tranh không chịu sống chung với những tệ lậu trong văn nghệ. Ông nói rõ quan điểm về phê bình và tự phê bình:
Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lập lên đã 12 năm rồi, vững như trồng rồi, được cả nhân dân toàn quốc tín nhiệm rồi, tha hồ cho đứa nào vu cáo, đặt điều nói xấu, cũng không còn sợ thay, nữa là thứ đồ xuyên tạc.
Bây giờ chúng ta làm gì? Đành rằng chế độ của chúng ta là tốt, nhưng chúng ta đây là ai? Chúng ta đây là những người từng sống dưới chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc hoặc nhiều hoặc ít, những tư tưởng xấu xa tiêm nhiễm của chế độ xấu xa ấy còn rớt lại trong đầu óc chúng ta hoặc ít hoặc nhiều. Do đó sinh ra những hiện tượng xấu xa mà chúng ta chỉ có bịt mắt lại mới không thấy. Bây giờ chúng ta phải bạo gan nhìn thẳng vào những cái hiện tượng đen tối ấy, vạch trắng nó ra, yêu cầu nhau sửa chữa. Sửa chữa đến tận gốc tư tưởng. Có như thế, chế độ của chúng ta mới tốt đẹp thêm, bền vững thêm, chúng ta mới xứng đáng là người mác-xít, là người cộng sản chủ nghĩa, là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng ta muốn “củng cố miền Bắc” à? Tôi tưởng đó là một việc trọng yếu trong chương trình phát triển văn hóa cũng như phát triển kinh tế để củng cố miền Bắc(6).
Ông chỉ ra cần hiểu đúng thái độ phục vụ của văn nghệ sỹ và bản chất vấn đề mâu thuẫn giữa lãnh đạo văn nghệ và văn nghệ sỹ:
Hồi còn ở Việt Bắc, đường lối văn nghệ có vẻ giản đơn lắm. Tóm lại là theo chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hiện thực xã hội để phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhất là phục vụ cho cuộc kháng chiến trước mắt. Những người công tác văn nghệ lúc bấy giờ có làm đúng và đầy đủ như thế không, chưa nói đến; một điều có thể nói chắc là ai nấy đều cố gắng đi theo đường lối ấy. Đối với lãnh đạo, họ có thắc mắc gì không? Hầu như không có thắc mắc gì cả. Nếu có thì cũng đã chín bỏ làm mười, vì trong thời gian đó, cái vĩ đại, cái gian khổ mà vinh quang của cuộc kháng chiến ngập trên người họ, họ đang để lòng mà nghĩ đến kháng chiến, không nghĩ đến chuyện khác.
… Ở đây tôi không đi sâu hơn, không đi tìm cái cớ tại làm sao mà sau khi thắng lợi trở về thủ đô, lãnh đạo văn nghệ thành ra vấn đề, quần chúng văn nghệ thắc mắc đối với lãnh đạo; tôi chỉ đưa ra cái hiện tượng không tốt ấy sau khi trở về Hà Nội hai năm nay.
Thình lình tôi dùng cái danh từ “quần chúng văn nghệ” chắc có người thấy mà lấy làm chướng mắt. Nhưng không dùng thì không lấy gì đủ chỉ rõ một cái hiện tượng: cái hiện tượng đối lập, một bên là lãnh đạo văn nghệ, một bên là quần chúng văn nghệ. Trước kia, trong thời kháng chiến, lãnh đạo với thứ quần chúng ấy là một, mà bây giờ là hai. Thêm một điều đáng chú ý, là cái thứ quần chúng ấy, hiện nay, không chỉ là văn nghệ sĩ theo kháng chiến ở Việt Bắc, mà còn văn nghệ sĩ ở vùng mới giải phóng, mà còn văn nghệ sĩ ở vùng Nam bộ, ở khu V ra tập kết nữa, một thứ quần chúng khá đông đảo, hễ lãnh đạo không khéo thì nó dễ thành ra đối lập(7).
Ông cho rằng bản chất tự do của văn nghệ sỹ không đối lập với lãnh đạo mà chỉ ở phần sáng tạo nghệ thuật và kiên quyết bảo vệ quyền tự do ấy:
…Sau khi về Hà Nội không lâu, giữa một cuộc tọa đàm ở trụ sở Hội Văn nghệ, một cán bộ cao cấp lấy tư cách cá nhân đề ra cái vấn đề “tự do của văn nghệ sĩ”. Cái vấn đề ấy được giải thích là: Có một số văn nghệ sĩ nào đó đòi tự do hay là có ý đòi tự do, mà tự do một cách bừa bãi, đến nỗi “ví như một kẻ kia đi trên đường phố, thấy có người ôm cái cặp da đẹp, giật ngang lấy đi, rồi nói rằng đó là tự do của mình vì mình thích cái cặp da.” Do đó, kết luận là: phải có lãnh đạo, văn nghệ sĩ phải ở dưới quyền lãnh đạo.
Tôi thấy vấn đề đặt như thế không đúng. Sự thực trước mắt chúng ta không hề có như thế.
Bao nhiêu văn nghệ sĩ từng theo kháng chiến, không luận ở Việt Bắc, ở Nam bộ, ở Khu V, đều đã ở trong Hội Văn nghệ, đều đã bằng lòng chịu lãnh đạo rồi, nếu họ không bằng lòng chịu lãnh đạo thì họ đã không ở trong Hội Văn nghệ. Còn những văn nghệ sĩ ở vùng mới giải phóng, họ còn ở lại đây tức là họ rắp tâm chịu lãnh đạo, nếu không thì họ đã đi vào Nam. Tóm lại, văn nghệ sĩ hiện nay có mặt ở miền Bắc không ai đòi tự do bừa bãi hết, không ai định “đánh giật cặp da” hết, tôi không biết vì sao lại đặt ra vấn đề ấy.
Quả thật như vậy, văn nghệ sĩ của chúng ta chẳng những đáng yêu mà lại đáng thương nữa. Họ biết trước kia họ đã đi sai đường, họ ngoan ngoãn chịu lãnh đạo. Mồ ma Tô Ngọc Vân, anh là một họa sĩ cụp vẽ mỹ nhân, năm 1948, anh còn vẽ bức tranh màu đề là “Hà Nội đứng lên”, trình bày một người thiếu phụ tuyệt đẹp đứng hiên ngang trong đống lửa, chung quanh là những cái bếp đổ vì bom đạn. Thế mà sau đó anh chừa hẳn cái vai cụp ấy. Ở Triển lãm Hội họa năm 1952, trong một bức tranh không có thể không có phụ nữ, thì anh vẽ một đám bà già và gái bé. Còn Thế Lữ, có lần tôi hỏi tại sao anh không làm thơ như trước kia. Anh trả lời rằng đợi đến bao giờ anh “chỉnh” lại được tâm hồn, cảm thông được với quần chúng cần lao, bấy giờ anh sẽ làm. Thứ văn nghệ sĩ như thế, mà nói họ đòi tự do, dù chưa phải là tự do bừa bãi, cũng đã oan họ lắm rồi, oan mà không có chỗ kêu.
Có lẽ bởi nhìn thấy ở một khía cạnh nào rồi nhận định hẳn như thế, nên từ đó lãnh đạo gắt hơn, kỳ tiêu diệt thứ tự do ấy của văn nghệ sĩ. Nhưng, sự thực, thứ tự do ấy vốn không có thể bị tiêu diệt, mà cái cá tính của văn nghệ sĩ, cái nghệ thuật tính của văn nghệ, nhân đó, tuy chưa bị tiêu diệt, chứ cũng đã bị thương.
Chưa nói đến cá tính và nghệ thuật tính. Ngay đến ý kiến, ngôn luận của quần chúng văn nghệ dù rất bình thường, không có gì hại, cũng bị kìm hãm. Tôi là một người đã chịu cái điều khó chịu ấy, tôi nói ra đây tưởng không có ai ác đến nỗi bảo tôi là dựng đứng hay xuyên tạc như bên địch.
…Thực ra thì, như trên đã nói, văn nghệ sĩ không đòi tự do bừa bãi, họ chịu ở dưới quyền lãnh đạo, chỉ duy cái vấn đề họ đặt ra là lãnh đạo phải như thế nào. Nói như thế cũng chưa hết ý. Phải nói rằng văn nghệ sĩ cũng muốn được tự do, nhưng họ chỉ yêu cầu được tự do trong nghệ thuật(8).
Ông còn giải thích rõ ràng quan hệ biện chứng của văn nghệ với chính trị:
Đành rằng văn nghệ phục vụ chính trị, cho nên chính trị phải lãnh đạo văn nghệ. Nhưng phải hỏi: chính trị nếu muốn đạt đến cái mục đích của nó, thì cứ dùng những khẩu hiệu, biểu ngữ, thông tri, chỉ thị, không được hay sao, mà phải cần dùng đến văn nghệ? Trả lời cho thành thật, e chính trị phải vỗ vai văn nghệ mà nói rằng: Sở dĩ tao tha thiết đến mầy là vì tao muốn lợi dụng cái nghệ thuật của mầy. Đã cởi mở với nhau như thế rồi, văn nghệ đồng ý. Nhưng phần nghệ thuật nầy là phần riêng của văn nghệ, chính trị không bao biện được, nó phải đòi tự do trong phần ấy. Như thế, tưởng chính trị cũng lấy lẽ gì mà không đồng ý. “Hai bên đều có lợi”, cái nguyên tắc ấy, ở ngày nay, nó thích dụng trong bất cứ một sự hợp tác nào.
Nhưng hai năm nay, lãnh đạo văn nghệ của chúng ta đã đi quá trớn mà không giữ đúng cái giao ước bất thành văn ấy. Lãnh đạo đã xâm phạm mỗi ngày một hơn vào quyền riêng nghệ thuật của văn nghệ sĩ.
Trong văn nghệ, không cứ về ngành nào, sáng tác hay “sản xuất”, đều hầu như bị Ban Thường vụ của Hội xỏ sẹo dắt đi, hay quá lắm là nhúng tay vào. “Phục vụ công nông binh” và “phục vụ kịp thời”, cái đó đã đành rồi; “quần chúng văn nghệ” bực mình vì còn phải chịu mệnh lệnh của lãnh đạo ngoài những cái đó(9).
Ông phản đối cách làm việc tùy tiện của Hội Văn nghệ khi xử lý tập san Giai phẩm mùa xuân:
…Tôi nhớ có một vị bắt lỗi trong bài thơ Trần Dần có chữ “Người” viết hoa. Lấy lẽ rằng chữ “Người” viết hoa lâu nay chỉ để xưng Hồ Chủ tịch, thế mà Trần Dần lại viết hoa chữ “Người” không phải để xưng Hồ Chủ tịch. Tôi ngồi nghe mà tưởng như mình ở trong chiêm bao: chiêm bao thấy mình đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê Mỗ tố cáo ông Nguyễn Mỗ trước ngai vàng, rằng trong phép viết, chỉ có chữ nào thuộc về hoàng thượng mới phải đài, thế mà tên Nguyễn Mỗ viết thư cho bạn, dám đài chữ không phải thuộc về hoàng thượng. Nhưng may cho tôi, tôi tỉnh ngay ra là mình ngồi trong phòng họp Hội Văn nghệ.
Rồi đến ông Hoài Thanh viết một bài trên báo Văn nghệ, bằng giấy trắng mực đen, ghép Trần Dần vào tội phản động, đứng về phía địch chống lại nhân dân ta [2] .
Thật cái tội phản động ở xứ nầy sao mà ghép một cách dễ dàng quá. Hồ Phong bên Trung Quốc, còn phải điều tra bao nhiêu năm, công bố “ba sắp tài liệu”, mới vạch mặt hắn là phản cách mạng, là tay sai của Tưởng Giới Thạch được. Tôi lại còn thấy một cái tài liệu, nói Hồ Phong từng bị bắt quả tang có một thanh gươm, ở cái nạm có bốn chữ “Tưởng Trung Chánh tặng”, ở cái lưỡi có ba chữ “đảng nhân hồn”. Như thế thì phản động là đáng lắm, có đâu chỉ một bài thơ mà đã là phản động?
…Đọc xong sau một hôm, hai chúng tôi nói chuyện với nhau. Tôi bảo ông Thi rằng ông đặt sai vấn đề. Vấn đề Giai phẩm là vấn đề lãnh đạo, chứ không phải vấn đề quần chúng. Tôi phân tích rõ ràng cho ông thấy rằng tại lãnh đạo văn nghệ có thế nào cho nên quần chúng văn nghệ mới bất bình mà phát biểu ra như thế. Ví dầu trong sự phát triển của họ có lầm lỗi cũng còn là cái ngọn, mà cái gốc, phải tìm đến ở chỗ do lãnh đạo gây ra. Thế mà cả ba bài của ông Thi không có một chữ nào đụng đến lãnh đạo hết, chỉ đổ lỗi cho mấy người viết trong Giai phẩm, thế là không công bình, thế là quá đáng. Khi viết đây, tôi ngồi dưới ngọn đèn điện 20 nến, tôi nói có mặt đèn làm chứng, ông Thi nhận cho lời tôi nói là đúng, hứa sẽ viết phê bình lãnh đạo, nhưng mãi tới nay chưa thấy viết(10).
Ông phê bình thóí bè phái trong Ban giám khảo Giải thưởng văn học 1954-1955:
…Hôm bình định về thơ, tôi phản đối tập Ngôi sao đứng giải nhì, tôi nói: có vớt vát lắm thì cũng chỉ nên để nó đứng giải ba. Tôi cử ra những câu bí hiểm không thể hiểu nghĩa được, thì ông Huy Cận (một trong Ban chung khảo) bảo rằng đó là tại tôi “muốn” không hiểu thì không hiểu. Quái, tôi “muốn” làm sao được? Theo lẽ, ông Huy Cận nếu binh vực cho Ngôi sao thì phải cắt nghĩa rạch ròi những câu ấy ra, chứ sao lại bảo rằng tôi “muốn” không hiểu? Nhưng cả ban làm thinh, tự hồ ai cũng hiểu những câu ấy, không ai tỏ đồng ý với sự chỉ trích của tôi. Tôi còn cử ra những câu tầm thường quá, không xứng đáng là thơ, và nói rằng thơ Xuân Diệu ngày nay trở kém thơ Xuân Diệu ngày trước. Một ông trong ban (quên là ai) cãi rằng nếu thế thì bao lâu nay Đảng giáo dục Xuân Diệu không có hiệu quả gì sao? May mà một ông khác (quên là ai) lập tức đưa tay ngăn cản lại, nói đó không phải là cái luận cứ vững, đừng đưa ra. Nhưng đồng thời tôi trót đã vọt miệng thốt ra câu này: Đảng giáo dục Xuân Diệu làm cách mạng, chứ có giáo dục Xuân Diệu làm thơ đâu, thật như đức Khổng tử đã dạy rằng: “Ngựa tứ chẳng kịp lưỡi”. Cũng vì tôi nên có sự mâu thuẫn, phải biểu quyết, thì tôi đứng về thiểu số, mà nhớ hình như thiểu số tuyệt đối.
Hôm khác bình định về tiểu thuyết. Tôi phản đối Truyện anh Lục của Nguyễn Huy Tưởng đứng giải nhì. Tôi cử ra sáu bảy chỗ, kết luận rằng cái tiểu thuyết này nhiều chỗ không giống với sự thực, trái với chủ nghĩa hiện thực bước thứ nhất, nếu nó được giải cao thì khi ngoại quốc dịch nó ra, nhất là khi bên địch đọc nó, bất lợi cho văn học của chúng ta. Cả ban không ai bác lại lời tôi, tuyệt nhiên không có một người nào bác lại tôi, nhưng thế nào không biết, cuối cùng cũng phải biểu quyết, và tôi vẫn đứng về thiểu số, và lại là thiểu số tuyệt đối.
Đến khi việc đã xong rồi, Ban Chung Khảo không còn có buổi họp nào nữa rồi, tôi mới tiếp được hai tác phẩm về ký sự, đều đứng giải ba, có thông tri bảo đọc và cho ý kiến. Tôi thấy cái Nam bộ mến yêu của Hoài Thanh chỉ là bài viết chạy như bài đăng trên báo, không có gì là giá trị văn học, còn cái Lên công trường của Hồng Hà viết có công phu hơn. Tôi nhớ ra mình đã từng hạ hai tác phẩm của hai ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng xuống mà không được, bây giờ không còn có đủ sức bướng để mà hạ của ông Hoài Thanh xuống nữa, bèn viết một mẩu giấy đề nghị đưa Lên công trường lên giải nhì. Nhưng mẩu giấy ấy về sau chìm đi đâu mất, không ai nhắc đến.
…Cho đến hết tháng bảy mà chỉ có hai bài phê bình trên báo Văn nghệ. Một bài ông Hoàng Xuân Nhị (một trong Ban Chung khảo) phê bình Truyện anh Lục, độc giả không lấy làm mãn nguyện, có người đã nói, đọc nó chỉ thấy cái vẻ mô phạm hiền lành của một vị giáo sư đại học mà thôi. Một bài ông Hoài Thanh viết để binh vực choNgôi sao mà binh vực một cách gắng gượng quá, nhất là yếu, không hề chống cãi lại những chỗ đả kích trong ba bài của báo Trăm hoa. Tôi rất không phục ông Hoài Thanh ở điểm này: ông viết bài ấy sau ba bài của Trăm hoa mà ông không hề nhắc tới Trăm hoa lấy một tiếng, ông cố dìm nó xuống cũng như Phạm Quỳnh đã dìm báoHữu Thanh của Ngô Đức Kế. Nếu không dìm thì là ông khinh, cũng như Phạm Quỳnh đã khinh báo Hữu Thanh của Ngô Đức Kế.
Về vụ này, có một điều, người ngoài không phải là tôi, không biết đến, thì không lấy làm quái. Ấy là điều, ba ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh đều có tác phẩm dự thi mà đều ở trong Ban Chung khảo. Nếu chỉ ở trong Ban Chung khảo mà thôi, còn khá; thử điều tra lại hồ sơ, thì ba ông còn ở trong Ban Sơ khảo nữa. Sao lại có thể như thế? Trường thi phong kiến thuở xưa, tuy có ám muội gì bên trong, chứ bên ngoài họ vẫn giữ sạch tiếng: Một người nào có con em đi thi, thì người ấy vẫn có được cắt cử cũng phải “hồi tị”, không được đi chấm trường. Bây giờ cả đến chính mình đi thi mà cũng không “hồi tị”: một lẽ là ở thời đại Hồ Chí Minh, con người đã đổi mới, đã “liêm chính” cả rồi; một lẽ trắng trợn vì thấy mọi cái “miệng” đã bị “vú lấp”.
Người ta cứ sợ “bên địch xuyên tạc”. Sao trong việc nầy không sợ? Nó cần gì phải xuyên tạc? Đọc mấy tác phẩm được giải thưởng nầy, tha hồ cho nó đánh giá văn học miền Bắc.
…Gọi là phê bình, chỉ có thế; tôi chỉ trình bày mấy hiện tượng không tốt trong giới văn nghệ. Còn sửa chữa, mong ở Đại hội sắp tới, nếu toàn thể xét thấy lời tôi nói có đúng phần nào thì xin tùy đó mà sửa chữa.
Riêng tôi thì tôi chỉ muốn Hội chúng ta, trong việc lãnh đạo, thực hành cái nguyên tắc dân chủ tập trung, mà phải từ dưới lên trên rồi mới từ trên xuống dưới, nghĩa là theo ý kiến nguyện vọng của quần chúng văn nghệ để lãnh đạo văn nghệ. Đừng như hai năm nay, lấy ý kiến của ba năm ba người trong Ban Thường vụ, hoặc của một người nọ hay một người kia để lãnh đạo, mà cái ý kiến ấy số đông văn nghệ sĩ không tán thành.
Được như thế thì sẽ không còn có cái hiện tượng hai bên đối lập nữa. Đó là một điểm trọng yếu trong chương trình phát triển văn hóa để củng cố miền Bắc(11).
Tiếp tục những vấn đề về lãnh đạo văn nghệ, Phan Khôi viết tiếp truyện ngắn Ông Năm Chuột trên báo Văn số 36. Với một bút pháp hiện thực ông đã kể lại quan hệ gia đình ông, dân làng ông, vùng quê ông với một người thợ bạc tên là Năm Chuột. Năm Chuột là dân ngụ cư, bị người làng nhìn bằng con mắt miệt thị, khinh rẻ nhưng khi tiếp xúc, gân gũi, anh học trò là tác giả Phan Khôi lại phát hiện ra người thợ bạc này khéo tay, tài giỏi, biết một ít chữ nghĩa nhưng lại khí khái dám nói ra suy nghĩ của mình dù là trước mặt con quan như tác giả. Mối quan hệ trao đổi kiến thức giữa hai người cởi mở nhưng Năm Chuột vẫn giữ được ranh giới sòng phẳng về nghề nghiệp:
Người ta, cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói, tôi không nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề làm thợ bạc cho tôi(12).
Nguyên tắc này đúng với một xã hội phát triển văn minh, kể cả đối với văn học nghệ thuật nữa. Truyện ngắn Ông Năm Chuột cùng với tản văn Ông bình vôi, Tìm ưu điểm với bút pháp bậc thầy, nội dung hàm chứa nhiều thông điệp mang tính ẩn dụ cao còn có ý nghĩa cách tân văn học so với các truyện ngắn minh họa đơn giản trong thời điểm đó .
Sự phê bình của Phan Khôi đã góp phần cho thắng lợi đợt đầu của Nhân Văn – Giai Phẩm. Trong cuộc họp 18 ngày ở Thái Hà ấp do Nguyễn Hữu Đang được giao chủ trì trước tinh thần phê bình mạnh mẽ của văn nghệ sỹ, Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi đã phải thừa nhận các khuyết điểm của công tác lãnh đạo văn nghệ. Ban Thường vị Hội Văn nghệ đã nhận sai lầm trong thông báo ngày 2-10-1956 như sau:
Trong việc lãnh đạo sáng tác và phê bình có những hiện tượng hẹp hòi, máy móc, những quan niệm đơn giản, gò bó, thiếu chú trọng đến những đặc điểm của văn nghệ và của từng bộ môn văn nghệ.
Tác phong lãnh đạo thiếu tập thể, dân chủ, do đấy đã dẫn đến những đặc điểm hẹp hòi, độc đoán cá nhân(13).
Tiếp theo Ban Thường vụ Hội Văn nghệ đã thừa nhận những sai lầm của mình trong cách tổ chức và lãnh đạo cuộc phê bình bài Nhất định thắng của Trần Dần và phạm một số khuyết điểm trong tổ chức chấm Giải thưởng văn học 1954-1955. Hoài Thanh trong bài Tôi đã phê bình như thế nào trong việc phê bình bài Nhất định thắng của anh Thần Dần cũng phải tự nhận sai lầm nghiêm trọng là đã nghiễm nhiên coi Trần Dần là một kẻ thù, cô lập và tranh thủ dựa trên ý định lấy nhiều người đàn áp một người(14).
Trong bài Một vài sai lầm khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ, Nguyễn Đình Thi tự phê bình :
Các văn nghệ sĩ đều đồng ý với sự lãnh đạo chung của Đảng, nhưng một số khá nhiều anh chị em bực bội vì những cách lãnh đạo hẹp hòi, gò bó của một số cán bộ phụ trách. Có những người nhân danh đường lối chính sách của Đảng mà đặt yêu cầu theo lối mệnh lệnh, hoặc can thiệp thô bạo cả vào hình thức nghệ thuật. Trong cuộc triển lãm Cải cách Ruộng đất, một cán bộ đòi chữa đến từng ngón tay ở một pho tượng, cho rằng bàn tay phải giơ thẳng ra như thế này hay thế kia mới là đúng(15).
Nguyễn Đình Thi đã thừa nhận những căn bệnh sùng bái cá nhân trong văn nghệ :
…Sự sùng bái cá nhân trước đây chưa bị vạch ra chỉ trích, nhưng vẫn ngấm ngầm làm cho mọi người văn nghệ lo ngại. Vì tất cả lẽ sống của người nghệ sĩ chân chính là không ngừng sáng tạo. Sự suy nghĩ táo bạo, sự phát minh không lúc nào muốn nghỉ, đó chính là ngọn lửa đốt sáng cuộc đời của người nghệ sĩ. Và những tìm tòi lớn của nghệ thuật xưa nay không bao giờ chỉ là tìm tòi về hình thức. Người nghệ sĩ muốn tìm tòi, muốn phát hiện những cái mới, trước hết là về đời sống quanh mình, trước hết là muốn tìm một nội dung mới cho nghệ thuật. Nhưng sự sùng bái cá nhân thì hạn chế những tìm tòi đó lại, vì nó coi như một người có thể nghĩ thay cho tất cả. Nó làm cho trách nhiệm của người nghệ sĩ giảm đi trong cuộc đời. Người văn nghệ chân chính trái lại, thấy trách nhiệm của mình là phải tự mình đi vào cuộc sống, tự mình nhận xét suy nghĩ, tìm ra sự thực, và đem hết lòng tin tưởng hăng hái của mình chiến đấu cho lẽ phải, nói lên những gì có ích cho đời sống(16).
Và tác hại của nó đối với văn nghệ kháng chiến:
…Những điều nói trên là một nguyên nhân của bệnh sơ lược, công thức đang trầm trọng ở một số tác phẩm, nhất là của những người sáng tác còn non trẻ, chưa có đủ kinh nghiệm sống, chưa có đủ kiến thức căn bản về nghệ thuật, và chưa có bản lĩnh vững chắc để sáng tác. Những tác phẩm đẻ non, “ăn sống nuốt tươi” đã xuất hiện, đề tài gần giống như nhau, nội dung khô khan, tình cảm nghèo nàn và cứng nhắc, con người không “sống” thực, làm cho người đọc, người xem không tin. Thái độ của tác giả đối với đời sống, rơi vào lối ca tụng một cách dễ dãi, lẩn tránh những vấn đề gay go và nóng hổi, làm như mọi việc trong đời đã tốt đẹp. Một số truyện kịch viết về cải cách ruộng đất, trong một thời gian, đã rơi vào một lối công thức “ba giai đoạn” như vậy: nông dân khổ, đội về phát động đấu tranh, đấu tranh xong nông dân có ruộng có nhà hể hả sung sướng. Truyện nào cũng na ná thế(17).
Những yếu kém của phê bình văn nghệ:
…Phê bình văn nghệ đáng lẽ phải tiến lên trước, đấu tranh với những sai lầm đó, nhưng ngược lại, còn bị kìm hãm, ì ạch, vì thiếu dân chủ, và thiếu phát huy đấu tranh tư tưởng. Tình trạng phê bình một chiều, khuynh hướng chụp mũ đã làm hại nhiều đến sự phát triển của văn nghệ. Thái độ phê bình của một số người phụ trách đã tỏ ra là kiêu ngạo chủ quan, thiếu trân trọng đối với công trình lao động nghệ thuật. Có những trường hợp chỉ một vài ý kiến phê bình vội vã hoặc quyết đoán của một người có cương vị lãnh đạo văn nghệ đưa ra, là đủ làm cho một tác phẩm bị vùi dập không được thảo luận rõ ràng để xem sai lầm khuyết điểm của nó ở đâu, và có thể sửa chữa lại được không. Trường hợp phê bình vội vã và sai lầm đã có tác hại lớn nhất có lẽ là trường hợp Hội nghị sân khấu năm 1950 lên án hình thức cải lương là sa đọa trụy lạc; những lời phê bình nghiệt ngã đối với cải lương từ hồi đó đến nay vẫn làm cho một số khá đông nghệ sĩ cải lương còn bất bình. Và có một lúc, nhận định sai lầm đó của Hội Văn nghệ đã gây ra nhiều khó khăn rất lớn cho ngành cải lương và các nghệ sĩ sống bằng cải lương. Đối vói những tác phẩm có sai lầm, sự phê bình phũ phàng, nặng về đập mà không có thái độ bạn bè, thân ái thảo luận cùng tác giả để xem có thực sai lầm không, sai lầm ở đâu, ngoài mặt sai lầm ra thì còn mặt nào đúng và tốt để phát huy lên. Không những thiếu thái độ bạn bè, mà có trường hợp trong khi phê bình tư tưởng, đã có thái độ như với kẻ đối địch về chính trị, hạ lời phê bình không đủ cân nhắc thận trọng đối với sinh mệnh chính trị của tác giả; trường hợp đáng tiếc đó đã xảy ra khi phê bình bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần(18).
Với tư cách lãnh đạo Hội Văn nghệ, Nguyễn Đình Thi tự nhận:
Trách nhiệm của Hội Văn nghệ Việt Nam:
Hội Văn nghệ Việt Nam trực tiếp chịu trách nhiệm về những sai lầm khuyết điểm nói trên.
1.Tình trạng non kém trầm trọng về lý luận.
- Tổ chức thủ công nghiệp, du kích, tùy tiện.
- Tình trạng hẹp hòi, độc đoán cá nhân, thiếu dân chủ và tập thể.
…Bộ phận lãnh đạo trở thành một nhóm đóng cửa, hẹp hòi, cô độc, nể nang lẫn nhau, khi có khuyết điểm thì xuê xoa, không thẳng thắn đấu tranh nội bộ và mạnh dạn tự phê bình trước dư luận.
Cái tác hại của bệnh hẹp hòi, cô độc đó là đã đưa sự nể nang hoặc phục tùng cá nhân vào việc nhận xét văn nghệ, làm cho thiếu sự phê bình khách quan và công bằng, do đó làm tổn thương đến tình đoàn kết trong những người cùng làm việc sáng tác(19).
Với uy tín trong văn đàn nước nhà từ trước cách mạng, với vai trò chủ nhiệm báo Nhân Văn, với những tác phẩm đã in trên báo Nhân Văn, tập san Giai Phẩm, báo Văn, dù số lượng không nhiều nhưng cho thấy Phan Khôi có một vị trí quan trọng trong phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều trí thức, văn nghệ sỹ, quần chúng nhân dân. Gần đây có nhà nghiên cứu đã áp dụng lý thuyết trường văn học của Bourdieu để xếp loại các văn nghệ sỹ Nhân Văn-Giai Phẩm lúc đó vào thế hệ trẻ đối với lớp văn nghệ sỹ tiền chiến đã già hơn, thì theo tôi trường hợp của nhà văn Phan Khôi là một ngoại lệ đặc biệt.(20)
Đánh giá sự phê phán Phan Khôi
Nhận thấy sự nguy hiểm của Phan Khôi, lãnh đạo văn nghệ đã dành cho ông sự ưu ái đặc biệt như là đối với một thủ lĩnh của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, cũng như đối với trường hợp giáo sư Trương Tửu. Những người viết bài riêng phê phán ông đều có vị trí quan trọng lúc đó.
Hồng Quảng. Là một bút danh giấu mặt cho đến nay vẫn chưa xác định được là ai. Những bài viết của Hồng Quảng phê phán Phan Khôi, Trương Tửu đều có tính chỉ đạo về chính trị, cặn kẽ, sâu rộng về học thuật chứng tỏ người viết là một nhà nghiên cứu chuyên ngành văn học sử. Bài Phê phán Phan Khôi hay: ngựa quen đường cũ trên Tạp chí Văn nghệ số 4-1958.
Nguyễn Công Hoan. Đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn khóa I viết bài Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi cho đến thời kỳ toàn quốc kháng chiến trên Tạp chí Văn nghệ số 12 tháng 5-1958.
Hà Xuân Trường: Bài Một thái độ phê bình không đúng, một quan niệm sai lầm.
Nguyễn Đổng Chi. Bài Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích. Đăng trên Tập san Nghiên cứu Văn Sử Địa số 41 tháng 6-1958.
Đào Vũ. Bài Tính cách và bộ mặt chính trị nhơ nhớp của Phan Khôi ngày nay. Tạp chí Văn nghệ số 12 tháng 5-1958
Thế Lữ. Báo Nhân dân số 1501 ngày 21-4-1958.
Phùng Bảo Thạch. Trong Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam Bài Một nhà nho tiết tháo Phan Khôi trên báo Hà Nội hàng ngày 22 và 23-4-1958.
Các bài phê phán Phan Khôi có chung đặc điểm giống như các bài phê phán Nhân Văn – Giai Phẩm khác với lời lẽ đao to búa lớn, nặng về quy chụp, lý lẽ hồ đồ, vu cáo thóa mạ… Người ta quy kết Phan Khôi như sau: Phan Khôi làm tay sai cho thực dân Pháp, chống phá cách mạng có hệ thống từ lúc còn trẻ cho tới làm báo Nhân Văn. Phan Khôi có tội bóc lột nhân dân Bảo An bằng cách chiếm đoạt ruộng đất, thu tô nặng lãi. Phan Khôi làm mật thám, tham gia Quốc dân đảng, đi kháng chiến vì bất đắc dĩ. Học thuật của Phan Khôi là phản động, học mót của một học giả phản động Trung Quốc là Hồ Thích. Sáng tác của Phan Khôi lập lờ hai mặt, xỏ xiên chửi Đảng , chửi Chính phủ…
Có thể dẫn ra lời của Đào Vũ, một người vào tuổi con của Phan Khôi:
Đối với Phan Khôi, hãy chấm dứt kiếp chuột, kiếp chó, kiếp rùa, kiếp lợn của mình đi, hãy đừng làm con cóc già nữa, mà phải cúi mặt xuống đầu hàng nhân dân vô điều kiện, hãy ngay thật trở lại làm kiếp người (21).
Hoặc bài thơ Nguyễn Công Hoan họa lại bài Bảy mươi tự thọ của Phan Khôi:
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi
Thọ mi mi chúc chớ hòng ai
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài
Lô-gích, trước cam làm kiếp chó
Nhân văn, nay lại hít gì voi
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục
Thêm nhục cơm trời chẳng biết gai.
Trích theo Đào Vũ (22)
Cùng với sự kết tội là sự phủ nhận tất cả thành quả đóng góp suốt nửa thế kỷ của ông cho văn hóa nước nhà.
Hầu hết các bài phê phán Phan Khôi sau này không được xếp vào tuyển tập của các tác giả nói trên xuất bản sau đổi mới. Có người cảm thấy day dứt lương tâm, coi là một nỗi nhục, không nói lại cho con cháu thì chết không nhắm mắt như nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi. (23)
Tháng 7-1958 Phan Khôi cùng với Thụy An, Trương Tửu bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau khi đổi mới, năm 1992 Hội Nhà văn đã lặng lẽ khôi phục hội tịch cho ông (24).
Có lẽ Bộ Tuyển tập Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 – 1993 Kỷ niệm 45 năm Nhà xuất bản Văn học lần đầu tiên giới thiệu trở lại tên tuổi Phan Khôi với bài Không đề cao Vũ Trọng Phụng, chỉ đánh giá đúng.
Bài học về một giai đoạn lịch sử đối với văn học
Cho đến hôm nay, trên hành trình đổi mới của đất nước, đa số những văn nghệ sỹ của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm đã được chiêu tuyết. Nhiều người được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Hầu hết các tác phẩm của họ đã được tái bản, trong đó có nhiều tác phẩm của Phan Khôi.Gần ba mươi năm đổi mới đã làm thay đổi rất nhiều bộ mặt văn học nghệ thuật với sự phát triển hội nhập thế giới. Tuy vậy, dư âm và những vấn đề của Nhân Văn – Giai Phẩm vẫn còn ám ảnh các thế hệ hôm nay. Những bài học về một giai đoạn lịch sử đối với văn học nghệ thuật nước nhà vẫn còn cần thiết cho hôm nay và ngày mai.
_______________
Chú thích:
1.Hồ Chí Minh toàn tập tập 5 trang 261.
- Một bản đề án về Đại hội Văn nghệ lần thứ hai. Hoàng Huế. Giai phẩm Mùa Thu tập II tháng 9-1956.
- Tiếng hát quan họ. Hoàng Cầm. Tập thơ Cửa biển in chung của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Trần Dần. NXB Văn Nghệ Hà Nội đầu năm 1956.
- Anh có nghe thấy không. Văn Cao. Giai phẩm Mùa Xuân tháng 1-1956.
5.Nắng được thì cứ nắng- Phan Khôi Từ Sông Hương đến Nhân Văn. Phan An Sa. NXB Tri Thức 2013
6.7.8.9.10.11. Phê bình lãnh đạo văn nghệ. Phan Khôi. Giai phẩm mùa Thu tập I tháng 8-1956.
- Truyện ngắn Ông Năm Chuột. Phan Khôi. Báo Văn số 36(10-1-1958)
- Thông cáo của Ban Thường vụ Hội văn nghệ Việt Nam. Ngày 2-10-1956. Tạp chí Văn Nghệ số 141( 4-10-1956).
- Tôi đã sai lầm như thế nào trong việc phê bình bài “ Nhất định thắng” của anh Trần Dần. Hoài Thanh. Tạp chí Văn Nghệ số 139( 20-9-1956)
15.16.17.18.19. Một vài sai lầm khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ. Nguyễn Đình Thi. Tạp chí Văn Nghệ số 140(27-9-1956).
- Một số hoạt động văn học giai đoạn hòa bình lập lại (1954-1958) xét từ lý thuyết “trường” của Bourdieu. Phùng Kiên. Tạp chí Văn hóa Nghệ An. 11-2013
21.22. Tính cách và bộ mặt chính trị nhơ nhớp của Phan Khôi ngày nay. Đào Vũ, Tạp chí Văn Nghệ số 12 tháng 5-1958.
- – Về tình trạng nghiên cứu văn học tại miền Bắc những năm 60 (Trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Huệ Chi) Thụy Khuê. thuykhue.free.
– Vì sao Nguyễn Đổng Chi phải viết bài phê phán Phan Khôi? Phan An Sa. Tạp chí Xưa và Nay tháng 10-2009.
- Trang 83, Nhà văn Việt Nam hiện đại. Hội Nhà văn Việt nam.1992
Tháng 4-2014
Tiểu luận được đăng lần đầu trên Nguyễn Trọng Tạo Blog năm 2014. Hiện trang này không còn tồn tại. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ được phép tác giả cho đăng lại.
Bạn có thể thích
-
Nhân văn Giai phẩm – một trào lưu dân chủ, một cuộc cách tân văn học không thành
-
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Phan Tại – Lao khổ vì sân khấu
-
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Tử Phác, cũng một số phận bi thảm
-
Lê Nguyên Chí, người bí ẩn trong vụ án Nhân văn Giai phẩm
-
Trần Thiếu Bảo – người thứ ba trong phiên tòa Nhân văn Giai phẩm
-
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
PHỎNG VẤN TRỊNH ĐÌNH THẮNG
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên