Lời giới thiệu
Năm 1996, Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng chiến lược công nghiệp hoá – hiện đại hoá, đặt mục tiêu Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Năm 2018, Đảng ra nghị quyết đặt mục tiêu công nghiệp hoá – hiện đại hoá vào năm 2030, tức lui lại 10 năm. Như vậy, mục tiêu “hiện đại hoá 2020” đã được gián tiếp thừa nhận là không thành công. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại này, trong đó phải kể đến sự lệch pha trong cách hiểu của Việt Nam về “công nghiệp” và “hiện đại” so với phần tiên tiến của thế giới. Đặc biệt, dường như nội hàm của khái niệm “công nghiệp” và “hiện đại” ngày nay đã thay đổi một cách triệt để so với cuối thập niên 1990. Để góp phần giới thiệu một góc nhìn về “hiện đại hoá”, Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ xin giới thiệu bài viết “Nước nào đi đầu về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030 thì sẽ điều khiển thế giới cho tới năm 2100” của Indermit Gill, một cộng tác viên cao cấp không thường trú của Chương trình Kinh tế và Phát triển toàn cầu (the Global Economy and Development program) tại Viện Brookings (Brookings Institution), một trong những think tank hàng đầu ở Hoa Kỳ. Tác giả giới thiệu tổng quan từng lợi thế riêng của ba trung tâm quyền lực là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Châu Âu trong cuộc đua làm chủ “trí tuệ nhân tạo”. Nhận xét của tác giả về cuộc đua này, “các thiết chế tạo thuận lợi hay cản trở sự tiến bộ kỹ thuật, giáo dục và cơ sở hạ tầng, và các thái độ đối với sự thay đổi xã hội đi kèm với các công nghệ mới, đều có tầm quan trọng như chính bản thân các công nghệ vậy; điều đó chỉ ra nhu cầu phải có các chính sách bổ sung nhằm định hướng nền kinh tế và xã hội” , có thể là một gợi ý để nhìn trường hợp Việt Nam.
Bài viết được chuyển ngữ bởi Ngô S. Đồng Toản, một trong những thành viên của nhóm dịch sang tiếng Việt tác phẩm “Chết bởi Trung Quốc” (Dead by China) của Peter Navarro và Greg Autry.
Bài gốc: Indermit Gill, Whoever leads in artificial intelligence in 2030 will rule the world until 2100, Future Development Blog, The Brookings Institution, ngày 17/1/2020
Lời người biên tập của Tạp chí Phát triển tương lai (Future Development Blog): Để mở đầu năm 2020 cho Blog Phát triển Tương lai, chúng tôi xin đăng bài thứ tư trong loạt bài bốn phần về tương lai của sự phát triển thế giới.
Vài năm trước đây, tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo người dân Nga rằng quốc gia nào dẫn đầu về các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo thì sẽ chiếm thượng phong trên thế trận toàn cầu. Ông ấy đã đúng khi lo lắng như vậy. Nước Nga hiện nay chỉ là một đối thủ nhỏ, và cuộc đua cho đến nay hình như chỉ là giữa Hoa Kỳ và China. Nhưng đừng vội bỏ qua Liên minh Châu Âu; EU vẫn chỉ chiếm một phần năm kinh tế thế giới, và sức mạnh của nó đã không được đánh giá đúng mức. Việc dẫn đầu về công nghệ đòi hỏi phải có những đầu tư về số hóa lớn, sự đổi mới quá trình kinh doanh nhanh chóng, và các hệ thống giao dịch và thuế hiệu quả. China có vẻ đang có thế mạnh ở yếu tố thứ nhất, Mỹ có thế mạnh ở yếu tố thứ hai, và Tây Âu có thế mạnh ở yếu tố thứ ba. Một trong ba yếu tố đó sẽ không làm nên trò gì, và ngay cả hai trong số ba yếu tố cũng sẽ là không đủ; nếu bên nào làm tốt nhất cả ba khía cạnh đó thì sẽ chi phối các bên còn lại.
Chúng ta đang ở tuyến đầu của những thay đổi to lớn. Nhưng bạn không cần phải bám chặt vào phát biểu của ông Putin và cả phát biểu của tôi. Sau đây là lời của ông Erik Brynjolfsson, giám đốc Chương trình Sáng kiến cho Nền kinh tế Số thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đồng thời là một nhà nghiên cứu nghiêm túc về các hiệu ứng của nền công nghệ số:
“Đây là một thời điểm cho lựa chọn và cơ hội. Thời điểm ấy có thể tốt nhất là nằm trong khoảng 10 năm tới – mà chúng ta chưa từng có được trong suốt lịch sử loài người, hoặc nó sẽ là tồi tệ nhất, bởi vì chúng ta đang có nhiều sức mạnh hơn bất cứ lúc nào khác so với trước đây”.
Để hiểu được vì sao đây lại là một thời gian đặc biệt, chúng ta cần biết làn sóng công nghệ này khác biệt thế nào so với các làn sóng xuất hiện trước đây, và điểm giống nhau ra sao. Chúng ta cần biết những công nghệ này có ý nghĩa như thế nào đối với con người và các ngành kinh doanh. Và, chúng ta cần biết các chính phủ có thể làm gì, và họ đã đang làm gì. Cùng với các đồng nghiệp là Wolfgang Fengler, Kenan Karakülah, và Ravtosh Bal, tôi đang cố gắng đẽo gọt nghiên cứu của các học giả như David Autor, Erik Brynjolfsson, và Diego Comin thành các bài giảng cho những người không chuyên môn. Trang Blog này sử dụng kết quả ấy để dự báo các xu hướng trong thập kỷ tới.
4 làn sóng, 3 dữ kiện
Sẽ có ích nếu ta phân loại sự thay đổi về trình độ kỹ thuật thế giới thành bốn làn sóng kể từ những năm 1800, được gây ra bởi một chuỗi “các công nghệ phục vụ mục đích chung” (“general purpose technologies” – GPT). GPT được các nhà kinh tế học mô tả là “các thay đổi mà chúng làm chuyển hóa cả cuộc sống trong mỗi căn nhà lẫn cách thức mà các công ty làm ăn kinh doanh”. Có bốn công nghệ phục vụ mục đích tổng quát quan trọng nhất trong vòng hai thế kỷ qua là: động cơ hơi nước, năng lượng điện, công nghệ thông tin (CNTT/IT), và trí tuệ nhân tạo (TTNT/AI).
Cả bốn công nghệ GPT này đã tạo cảm hứng cho những đổi mới và thay đổi bổ sung trong các quá trình kinh doanh. Các dữ kiện chắc chắn và thích hợp nhất về sự tiến bộ công nghệ cần phải thể hiện ở các mặt: tốc độ, các điều kiện tiên quyết, và các vấn đề của công nghệ:
- Thay đổi công nghệ đã đang diễn ra ngày càng nhanh hơn. Trong khi tốc độ phát minh có thể vẫn chưa tăng tốc, thì thời gian giữa phát minh và áp dụng đang được rút ngắn lại. Trong khi khá khó khăn để đo được chính xác khoảng trễ áp dụng trung bình, thì có thể nói không ngoa rằng chúng đã được cắt giảm đi một nửa đối với mỗi làn sóng GPT. Dựa trên bằng chứng đã có, ta biết rằng thời gian giữa phát minh và áp dụng rộng rãi đã được rút đi từ khoảng 80 năm đối với động cơ hơi nước xuống còn 40 năm cho năng lượng điện, và sau đó chỉ còn khoảng 20 năm cho CNTT (Hình 1). Có các lý do để tin rằng, khoảng trễ ứng dụng đối với các công nghệ dựa trên TTNT sẽ là vào khoảng 10 năm. Với việc thay đổi công nghệ ngày càng nhanh chóng, và kẻ đi trước luôn có lợi nhất như lâu nay vẫn thế, thì nhu cầu về các khoản đầu tư lớn và có tính hợp tác là ngày càng tăng lên.
-
Hình 1. Khoảng trễ ứng dụng công nghệ đã giảm rất nhiều kể từ những năm 1800 Nguồn: Comin & Mestieri (2017)
Trên thực tế, thì bước nhảy vọt là khó có thể xảy ra. Trong khi một công nghệ có mục đích đặc biệt như máy điện thoại dựa trên cáp viễn thông có thể bị bỏ qua nhờ có một công nghệ mới mà nó có chức năng tương tự, ví dụ như điện thoại di động, thì khá khó khăn cho các quốc gia để nhảy vọt qua các công nghệ có mục đích chung. Để một quốc gia có thể vượt qua một nước khác, trước tiên nó phải bắt kịp cái đã. Tiến bộ công nghệ là một quá trình tích lũy liên tục. Trước kia, những đổi mới quá trình kinh doanh cần có để sử dụng động cơ hơi nước đã là cần thiết đối với các công ty muốn tận dụng năng lượng điện. Hiển nhiên hơn nữa, điện năng lại là một tiền đề cho công nghệ thông tin. Các thiết chế nhằm tạo thuận lợi hay cản trở sự tiến bộ kỹ thuật, giáo dục và cơ sở hạ tầng, và các thái độ đối với sự thay đổi xã hội đi kèm với các công nghệ mới, đều có tầm quan trọng như chính bản thân các công nghệ vậy; điều đó chỉ ra nhu cầu phải có các chính sách bổ sung nhằm định hướng nền kinh tế và xã hội.
- Tự động hóa đang làm giảm thị phân nhân công, chứ không phải là đang thay thế lao động. Trong khi mối lo ngại phổ biến nhất hiện nay là sự phổ biến trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế các công nhân bằng máy móc thông minh, thì các tác động của các công nghệ mục đích chung cũ lại được tổng kết một cách tốt hơn là làm giảm thị phần thu nhập của lao động về mặt giá trị gia tăng. Nhưng các bằng chứng cũng cho thấy rằng, từ những năm 1970, tự động hóa trong các nền kinh tế tương đối phát triển đã gây áp lực lên thu nhập của nhân công. Nói cách khác, mối lo ngại không phải là sự thất nghiệp tràn lan, mà ở chỗ thu nhập đang ngày càng trở nên bị méo mó theo hướng có lợi cho tư bản hơn là người lao động. Điều này có nghĩa là, các quốc gia có những thiết chế hiệu quả để giải quyết các quan ngại về phân phối lợi ích thì sẽ có ưu thế hơn các nước khác.
Túi tiền lớn: Lợi điểm cho China
Hình 2. China có thể đã chi tiêu cho Nghiên cứu & Phát triển (R&D) nhiều hơn so với Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
Tổng thống Putin không phải là nhà lãnh đạo Nga đầu tiên hiểu được tầm quan trọng của các công nghệ phục vụ mục đích chung có tính đột phá. Một trăm năm trước đây, Đảng cộng sản của Vladimir Lenin đã sáng tạo ra Kế hoạch Năm năm để khai thác điện năng. Quả thực, sẽ là không quá đáng để nói rằng các thông lệ kế hoạch hóa hiện đại là bắt nguồn từ đề án của Lenin nhằm điện khí hóa Liên bang Xô-viết. Để hiểu hết tầm quan trọng của điện khí hóa, rất đáng đọc Báo cáo ngắn của Lenin về Công tác của Hội đồng Ủy viên Nhân dân. Sau đây là đoạn trích từ báo cáo ấy, được phát biểu năm 1920 và nhận được sự “vỗ tay tán thưởng vang dội kéo dài”:
“Các đồng chí sẽ nghe báo cáo của Ủy ban Nhà nước Điện khí hóa nước Nga, được thành lập bởi Ủy ban Trung ương toàn Nga ngày 7 tháng Hai năm 1920. Chủ nghĩa cộng sản là sức mạnh Xô-viết cộng với điện khí hóa toàn đất nước. Chúng ta yếu hơn chủ nghĩa tư bản, không chỉ ở quy mô thế giới, mà còn trong chính đất nước ta. Chỉ khi nào nước ta đã được điện khí hóa, và nền công nghiệp, nông nghiệp và vận tải đã được đặt trên nền tảng kỹ thuật của công nghiệp quy mô lớn hiện đại, thì chúng ta mới chiến thắng hoàn toàn. Chúng ta có một kế hoạch để ước tính nhu cầu nguyên vật liệu và tài chính cho một thời kỳ dài, không dưới một thập kỷ. Chúng ta phải hoàn thành kế hoạch này bằng mọi giá, và thời gian hoàn thành phải được cắt giảm”.
Ngày nay, kẻ thực hành nghiêm túc nhất kỹ thuật kế hoạch hóa kiểu Xô-viết là Đảng cộng sản China. Năm 2015, nước này đã thông báo kế hoạch Chế tạo tại China đến năm 2025 trị giá 1,68 ngàn tỷ USD, với ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Kế hoạch này nhằm chuyển đổi nền kinh tế China, và chiếm ưu thế trong công nghiệp chế tạo toàn cầu vào năm 2030. China không có sự nhanh nhẹn/lanh lẹ về kinh doanh của Mỹ, cũng không có các hệ thống tài chính công cộng hiệu năng như Tây Âu, nhưng nước này đang đổ rất nhiều tiền vào việc chiếm ưu thế trong lĩnh vực số hóa. Câu hỏi là, liệu điều đó đã đủ hay chưa.
Hai thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự trỗi dậy của China như một cường quốc kinh tế; 10 năm tới sẽ quyết định nước này cuối cùng có trở thành một siêu cường hay không. Hiện nay, phương cách của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể được tóm tắt hầu như giống với chiến lược của Lenin hồi 1920: Chủ nghĩa tư bản nhà nước là Đảng Nhân dân cộng với trí tuệ nhân tạo.
Thông lệ Thực hành trong Kinh doanh: Lợi điểm cho Mỹ
Chuyện kể rằng, năm 2018 Tổng thống Donald Trump phàn nàn với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Kế hoạch Made in China 2025 là sự sỉ nhục đối với Mỹ, bởi vì nó có mục tiêu biến China trở thành lãnh đạo toàn cầu về công nghệ. Kể từ đó, không có các tham chiếu chính thức về nó nữa. Chính phủ Trung Cộng nghĩ là, không có điểm nào châm chọc quốc gia lãnh đạo về công nghệ của thế giới phải có hành động gì thêm.
Hình 3. Sự lan tỏa của máy tính ở Mỹ nhanh hơn so với Canada, Nhật Bản, và Tây Âu Nguồn: Dữ liệu Lịch sử về Ứng dụng Công nghệ liên Quốc gia của Comin & Hobijn (2004), và Cơ sở dữ liệu của Dự án Maddison
Các điều kiện về thể chế, cơ sở hạ tầng và văn hóa – mà chúng dẫn đến sự đổi mới quá trình kinh doanh nhanh hơn – đòi hỏi phải có các mối quan hệ nghiên cứu-ứng dụng (hàn lâm/thực hành) chặt chẽ, một môi trường thuận lợi cho người nhập cư có trình độ cao, các quy định về sản phẩm-thị trường rõ ràng/lành mạnh, và các quy định tuyển dụng và sa thải hợp lý. Những điều này sẽ là không dễ cho cả China và châu Âu để thiết lập nên, do vậy Hoa Kỳ sẽ vẫn dẫn đầu một thời gian nữa.
Những điều kiện cải thiện/tốt hơn: Lợi điểm cho Châu Âu
Nếu Mỹ là nhanh đổi mới hơn, thì Tây Âu lại bình đẳng hơn về mặt thực chất. Hãy nhìn vào cả sự lan tỏa lẫn thâm nhập của việc sử dụng mạng Internet như được vẽ trong Hình 4. Châu Âu đã thực hiện việc đuổi kịp về công nghệ trong những năm từ 1990 đến 2010, nhưng sau đó việc sử dụng Internet đã trở nên rộng rãi hơn ở mọi quốc gia Âu châu. Sự bất bình đẳng lớn về thu nhập ở Mỹ chắn chắn là có liên quan đến hiện tượng này, nhưng sẽ càng đáng lo ngại hơn nếu nó còn là do bởi cơ hội bất bình đẳng hơn. Ngày càng có bằng chứng rằng, đúng là như thế thật, và ngày càng có lo ngại rằng, những chênh lệch ấy sẽ nhanh chóng mở rộng khi mà các công nghệ dựa trên TTNT được phổ biến trên cả nước.
Nên theo dõi cái gì
Những người làm công tác dự báo kinh tế dài hạn thường có xu hướng tập trung vào các điểm mạnh: China/Trung Cộng có thể huy động nhiều tiền nên nước này sẽ trở thành một siêu cường, Hoa Kỳ có môi trường tốt cho kinh doanh nên sẽ tiếp tục thống lĩnh nền kinh tế thế giới, và châu Âu thì có tính chất quân bình chủ nghĩa hơn nên sẽ được lợi nhiều hơn. Nhưng có lẽ chúng ta nên xét đến tính sẵn sàng của các nền kinh tế để cải sửa các thiếu sót của chúng. China thì phải tìm cách khuyến khích nâng cao trình độ kinh doanh và giải quyết những cách biệt lớn về giáo dục và phúc lợi. Châu Âu thì phải huy động thêm những lượng tiền lớn và tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư khắp nơi nhằm mang các phát minh tới Thị trường Duy nhất. Hoa Kỳ thì phải nhanh chóng tìm ra phương cách khôi phục lại tính cạnh tranh về công nghệ, tài chính, y tế, và giáo dục công cộng, sao cho các hệ thống tái phân phối của mình không bị quá căng thẳng.
Như vậy, bên nào sẽ có khả năng thành công nhất trong thập kỷ tới? Tôi thì xin đặt cược vào cửa Mỹ. Sự tăng năng suất sẽ xuất hiện trở lại khi các ngành kinh doanh tận dụng được lợi thế của các công nghệ mới, các nhà tiêu thụ sẽ thu được những lợi ích lớn về chất lượng và giá cả, và các loại chính sách sẽ không còn làm phiền về những nỗi sợ bị đình trệ định kỳ. Nếu một phần gánh nặng về thuế được chuyển từ lao động sang tư bản, thì thu nhập của các hộ thu nhập trung bình sẽ tăng lên. Hy vọng nước Mỹ sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới trong phần còn lại của thế kỷ 21.