GREGORY B. POLING, THE CONVENTIONAL WISDOM ON CHINA’S ISLAND BASES IS DANGEROUSLY WRONG
Gregory B. Poling là giám đốc của chương trình “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á” (the Asia Maritime Transparency Initiative) và là thành viên của “Chương trình Đông Nam Á” (the Southeast Asia Program) tại “Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế” (the Center for Strategic and International Studies – CSIS) tại Washington, D.C.
Người dịch: Khôi Nguyễn
Tháng trước, trong một hội thảo bàn về những tham vọng trên biển của Trung Quốc, tôi nhận được một câu hỏi quen thuộc về các căn cứ trên đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông. Câu hỏi đó như thế này: nếu xảy ra xung đột, liệu Hoa Kỳ có thể dễ dàng vô hiệu hóa các tiền đồn từ xa này và xoá sổ giá trị (chiến lược) của chúng? Giả định này là có thể hiểu được khi người ta nhìn vào những cơ sở vật chất cách xa đất liền như vậy, đồng thời dựa trên một nhận thức chung không thể tranh cãi là người Mỹ xưa nay đã thống trị trên biển và trên không. Nhưng nhận thức như vậy là sai. Trên thực tế, nhờ các căn cứ đảo nhân tạo của mình, nếu bùng nổ chiến sự thì Trung Quốc chứ không phải Hoa Kỳ, sẽ kiểm soát vùng biển và vùng trời Biển Đông. Và với vị thế hiện nay của lực lượng Hoa Kỳ trong khu vực, Hoa Kỳ sẽ rất tốn kém để vô hiệu hóa các tiền đồn đó trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột quân sự. Đối với lực lượng Hoa Kỳ (trừ tàu ngầm), điều đó sẽ làm cho Biển Đông trở thành chiến địa không thể kiểm soát, trong giai đoạn mở đầu vốn quan trọng đối với bất kỳ cuộc xung đột nào. Đây là tình thế làm cho những quần đảo ấy có giá trị quân sự đáng kể đối với Bắc Kinh.
Mục đích chính của các đảo nhân tạo Trung Quốc không phải là để chiến đấu với Hoa Kỳ. Chiến lược chủ đạo của Bắc Kinh tại Biển Đông là sử dụng những áp lực dân sự và bán quân sự để ép buộc các nước láng giềng Đông Nam Á từ bỏ quyền lợi của họ. Nhờ có cơ sở vật chất trên các căn cứ đảo nhân tạo của mình, hàng trăm tàu dân quân tự vệ và một số lượng lớn các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã được hậu phương cách bờ biển đất liền của nó hàng trăm dặm (khoảng gần ngàn km) hỗ trợ trong nhiều tháng cùng một lúc. Chúng thường xuyên quấy rối các hoạt động dân sự và thực thi pháp luật của các quốc gia láng giềng, đẩy các tay chơi Đông Nam Á vào tình thế rất nguy hiểm khi hoạt động ở Biển Đông. Trong khi đó, mối đe dọa của hải quân và không quân Trung Quốc đã khiến các quốc gia láng giềng khó có thể dùng đến phản ứng quân sự mạnh mẽ hơn để chống lại các hành động phi pháp này. Không bị cản trở, chiến lược có tính chất gần như phi quân sự này đảm bảo sự kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển và không phận Biển Đông trong thời bình và làm suy yếu vai trò của Hoa Kỳ như một người đem lại an ninh cho khu vực. Điều này làm cho các đối tác Đông Nam Á thấy rõ rằng mối quan hệ an ninh với Hoa Kỳ không thể bảo vệ lợi ích của họ khi đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy và từ đó đánh thẳng vào luận điểm ủng hộ sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực của những chính phủ như Philippines và Singapore.
Nhưng Trung Quốc hiểu rằng chiến lược của họ cũng có khả năng thất bại. Họ có thể tính toán sai, dẫn đến kích động một cuộc xung đột vũ trang với Hoa Kỳ. Hoặc một cuộc chiến có thể khởi lên từ Đông Bắc Á và lan rộng về phía nam. Do đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã đầu tư vào cơ sở vật chất và dàn quân tại Quần đảo Trường Sa, không chỉ hỗ trợ cho chiến thuật lấn lướt, cưỡng ép trong thời bình như hiện nay mà còn dễ dàng thay đổi cán cân sức mạnh trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai. Kết quả là, các đảo này không chỉ đảm bảo sự thống trị trên không và mặt biển của Trung Quốc ở Biển Đông trong giai đoạn mở đầu của một cuộc chiến, mà chúng còn rất khó bị vô hiệu hóa, không như các quan niệm phổ thông hiện nay lầm tưởng. Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại CSIS đã ghi nhận đầy đủ sự phát triển của các năng lực quân sự này của Trung Quốc bằng hình ảnh vệ tinh thương mại và các công cụ viễn thám khác.
Trung Quốc đã xây dựng 72 nhà chứa máy bay chiến đấu tại ba căn cứ không quân ở Trường Sa – Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Đá Vành Khăn (Mischief) và Đá Xu Bi (Subi Reefs) – cùng với 16 cái khác trên đảo Phú Lâm (Woody) ở Hoàng Sa. Cho đến nay, họ vẫn chưa tổ chức triển khai máy bay chiến đấu ở Trường Sa nhưng thường xuyên lượn máy bay chiến đấu J-11 ở Phú Lâm. Giả sử J-11 là phương tiện đầu tiên xung kích trong một cuộc xung đột, nó có thể được triển khai nhanh chóng đến các sân bay ở Trường Sa, ngay lập tức thiết lập sự thống trị trên không. Khi người Trung Quốc khai chiến ở Trường Sa, trừ khi họ vô tình khai chiến trong lúc các lực lượng Hoa Kỳ đang tham gia một cuộc tập trận lớn kiểu như tập trận Balikatan ở Philippines, còn không thì máy bay chiến đấu trên mặt đất gần nhất của Hoa Kỳ sẽ ở Okinawa và đảo Guam, cách đó khoảng 1.300 và 1.500 hải lý. Những chiếc máy bay quân sự duy nhất của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ là máy bay tuần tra ở Philippines hoặc có khả năng ở Malaysia.
Trong khi đó, Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và YJ-62 tới các tiền đồn của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa, được tên lửa tấn công tầm xa từ lục địa trợ chiến. Và trên tất cả các đảo, nó đã mạnh mẽ đầu tư radar và năng lực tình báo dựa trên việc xử lý tín hiệu, bảo đảm nó có thể nhìn thấy bất cứ cái gì di chuyển trên mặt biển và vùng trời Biển Đông. Chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ di chuyển trong vùng biển đó sẽ nằm trong tầm bắn của Trung Quốc khi chiến sự nổ ra. Thiếu hỗ trợ hỏa lực từ đất liền hoặc trên không, lựa chọn hợp lý duy nhất cho những chiến hạm này là càng nhanh càng tốt lùi trở lại Biển Sulu và Celebes, thậm chí có khi còn phải lùi xa hơn. Điều này đặc biệt đúng với bất kỳ tàu sân bay nào của Hoa Kỳ tình cờ xuất hiện trong khu vực, bởi vì sẽ vô ích nếu lưu lại một vị trí không thể phòng vệ như vậy.
Trước những lợi thế này của Trung Quốc, liệu Mỹ vẫn có khả năng vô hiệu hóa các căn cứ trên đảo nhân tạo của Trung Quốc trong giai đoạn khởi đầu của một cuộc chiến? Có thể, nhưng không phải bằng một chi phí chấp nhận được. Để làm điều đó, đòi hỏi phải sử dụng rất nhiều súng ống đạn dược có khả năng rất cần bố trí ở Đông Bắc Á, chuyển hướng các căn cứ không quân và hải quân quan trọng, đồng thời đặt chúng đối diện với những rủi ro không tỷ lệ thuận với thắng lợi tiềm năng trên chiến trường.
Các căn cứ đảo lớn hơn hình dung của các nhà quan sát rất nhiều. Như Thomas Shugart đã từng chỉ ra hồi còn là một nhà nghiên cứu tại “Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới” (the Center for a New American Security), quy mô cải tạo đảo của Trung Quốc lớn đến mức, gần như toàn bộ Quận Columbia ở thủ đô Washington bên trong con đường vành đai I-495 có thể nằm lọt gọn trong bãi đầm phá ở Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa. Căn cứ hải quân Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) có thể nằm gọn trong bãi đá Xu Bi (Subi Reef). Những cơ sở hạ tầng quan trọng phải tấn công, nếu muốn làm suy giảm đáng kể khả năng của Trung Quốc, thì ngày càng được mở rộng trong một khu vực đáng lưu tâm. Đó là một lượng khí tài quân sự lớn, rất khó để đánh tiêu hao, ngay cả khi mục tiêu chỉ là các đầu mối quan trọng như cảm biến, nhà chứa máy bay, kho đạn dược, các cơ sở chỉ huy và kiểm soát.
Việc vô hiệu hóa các đường băng thậm chí còn khó hơn. Năm 2017, Hoa Kỳ bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahawks vào căn cứ không quân Shayrat ở Syria, trong đó 58 quả trúng mục tiêu, chỉ có 1 quả trật, nhưng đường băng đã hoạt động trở lại chỉ vài giờ sau đó. Ta hãy xét trường hợp Trung Quốc. Họ đã dàn trận tên lửa đất đối không HQ-9 và xây dựng hệ thống cứ điểm phòng thủ tại tất cả các căn cứ này, do đó một số phần trăm nhất định tên lửa bắn vào sẽ không bao giờ tới được mục tiêu. Và, phần lớn cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở đó đã được củng cố, bao gồm các hầm trú ẩn tên lửa, nhà chứa máy bay lớn hơn và kho chứa đạn dược được ngầm hóa. Phương tiện hiệu quả nhất để tạo ra các hố lớn trên đường băng chính là đánh xuống từ trên không bằng vũ khí hạng nặng, nhưng điều đó sẽ khiến những máy bay ném bom có giá trị cao của Hoa Kỳ bị đẩy vào tình huống nguy hiểm không thể chấp nhận được trên một chiến trường thứ yếu (bàn kỹ hơn ở bên dưới). Vì vậy, để ván cờ an toàn hơn thì chỉ tập trung vào việc nhấn nút kích hoạt vũ khí tấn công tầm xa. Hoàn toàn không phải là một ước tính phi lý nếu cho rằng để vô hiệu quá các căn cứ đó, cần bắn trung bình một trăm tên lửa hành trình vào mỗi tiền đồn. Số lượng tên lửa hành trình lên tới 300 quả để vô hiệu hóa chỉ riêng các căn cứ chính ở Trường Sa, 100 quả tên lửa khác cho đảo Phú Lâm và hàng chục quả tên lửa khác nữa nếu Hoa Kỳ muốn vô hiệu hóa các căn cứ nhỏ hơn (ví dụ, sân bay trực thăng trên đảo Quang Hòa [Duncan island] ở Hoàng Sa, có thể được Trung Quốc sử dụng để chống hoạt động tác chiến của tàu ngầm).
Những căn cứ nào của Mỹ sẽ phóng hàng trăm quả tên lửa hành trình này? Quân cờ duy nhất tác chiến an toàn trên bàn cờ sau khi chiến sự bắt đầu là tàu ngầm của Hoa Kỳ. Một khi đã khai hỏa, tàu ngầm của Hoa Kỳ sẽ khó mà không bị hoạt động tác chiến chống tàu ngầm của Trung Quốc phát hiện. Mỗi lần phóng tên lửa là mỗi lần họ gặp rủi ro. Và trong môi trường đó, tàu ngầm của Hoa Kỳ có thể sẽ bận rộn tấn công các tàu mặt nước của Trung Quốc và các căn cứ có giá trị cao khác, không cố tràn ngập hàng ngàn cây số vuông cơ sở hạ tầng tại đá Vành Khăn hoặc đá Xu Bi bằng những khí tài có giá trị mà không đảm bảo thành công. Ném vào chiến địa này bất kỳ phương tiện nào khác – máy bay ném bom tầm xa từ đảo Guam, tàu mặt nước, v.v. – những phương tiện này sẽ tác chiến trong tình huống có nguy cơ cao, do sự thống trị của Trung Quốc trên biển và trên không.
Bất kể khí tài được điều động thế nào, bài toán cũng sẽ giống nhau. Để vô hiệu hóa một cách hiệu quả các căn cứ của Trung Quốc sẽ cần hàng trăm quả tên lửa, làm cho các căn cứ chiến lược của Hoa Kỳ bị hở sườn mà không có khí tài dự phòng. Và tình hình sẽ là như vậy trên một chiến địa chắc chắn chỉ có tính thứ yếu. Nếu không liên quan đến chiến trận ở Đông Bắc Á, thật khó có thể nghĩ đến một kịch bản trong đó Hoa Kỳ nghiêm túc xem xét tấn công vào các căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó có nghĩa là, nếu Hoa Kỳ có tấn công vào lực lượng Trung Quốc ở Trường Sa đi nữa thì họ sẽ không bao giờ dùng đến những lực lượng vốn được dùng để bảo vệ các lực lượng của Hoa Kỳ và Nhật Bản hoặc để trợ chiến cho Đài Bắc.
Bài toán tấn công trừng phạt khó khăn này có thể được hoá giải, nhất là bằng cách thực hiện đầy đủ “Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường” (the Enhanced Defense Cooperation Agreement) để cho phép triển khai luân phiên các lực lượng chủ chốt của Hoa Kỳ tại Philippines. Những sức mạnh này nên bao gồm máy bay chiến đấu tại căn cứ không quân Basa ở Luzon và căn cứ không quân Antonio Bautista ở Puerto Princesa để giành lại quyền thống trị trên không của Trung Quốc trên Biển Đông. Và cũng cần chuẩn bị để có thể nhanh chóng tăng cường hỏa lực tại các căn cứ của Hoa Kỳ ở những nơi đó cũng như những cơ sở khác, sao cho trong trường hợp gặp phải các hành động thù địch của Trung Quốc, chúng ta có thể đặt các tiền đồn và tàu của họ ở Biển Đông vào vòng nguy hiểm.
Trừ khi có thay đổi bất ngờ, những kế hoạch này khó xảy ra trong khi Rodrigo Duterte vẫn là tổng thống Philippines đến năm 2022. Trong khi đó, Hoa Kỳ có thể đặt nền móng cho việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận hợp tác quốc phòng, bằng cách thực hiện nhiều hơn những dự án cơ sở hạ tầng tham vọng, trên các địa bàn đã được thỏa thuận và khuyến khích Lực lượng Vũ trang Philippines hỗ trợ việc nâng cấp đó. Hoa Kỳ cũng nên tạo ra nhiều cơ hội hơn để triển khai máy bay chiến đấu đến các địa bàn được hoạch định cho hợp tác quốc phòng, như một phần của cuộc tập trận song phương, vì F-16 của Mỹ lần đầu tiên đã xuất hiện tại Basa năm ngoái. Điều này sẽ giúp cả hai bên thích nghi hơn với tình hình mới, để các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ hoạt động từ các căn cứ này, và nếu chúng hoạt động thường xuyên thì có thể tăng cường khả năng răn đe, bằng cách tạo cho Hoa Kỳ năng lực phản ứng nhanh ở Biển Đông. Nhưng, những bước đi này về cơ bản sẽ không làm thay đổi bài toán.
Nếu không có “Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường”, hoặc một số phương thức thay thế ngầm ẩn khác, các lực lượng Hoa Kỳ có rất ít lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp nhận Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong trên vùng biển và vùng trời Biển Đông, trong giai đoạn mở đầu của một cuộc chiến. Các rào cản hậu cần và bảo trì mà Trung Quốc phải đối mặt trong thời chiến có thể sẽ ngăn không cho căn cứ trên đảo của họ hoạt động hiệu quả trong thời gian dài. Nhưng ít nhất là trong vài tuần – khoảng thời gian quan trọng trong một tình huống bất ngờ ở Đài Loan chẳng hạn – những căn cứ đó sẽ đem lại lợi thế rất lớn cho Bắc Kinh. Chừng nào còn thiếu máy bay chiến đấu trên mặt đất và các căn cứ hỏa lực dọc theo Biển Đông, các tính toán và kế hoạch của Hoa Kỳ cần phải thừa nhận thực tế đó.