Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 3)

Ngô Thị Quý Linh

Published on

Ngô Thị Quý Linh

Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 1, phần 2, phần 3)

Viện Pasteur Hà-Nội 

TONKIN – Hanoi – Ecole de Médecine 

*Trường Y-học Dược-học 

Năm 1898, bộ Quốc-dân Giáo-dục và Thuộc-địa (ministère de l’Instruction publique et  des Colonies) cử giáo sư Edouard Jeanselme của trường Y khoa Paris (Faculté de Médecine de  Paris) sang Đông-Pháp để tìm hiểu về vấn đề y tế nơi đây và nhất là để tìm cách kiềm chế bệnh  phung (hủi). Sau hai năm làm việc từ 1898 đến 1900 tại Đông-Dương, với sự hỗ trợ của toàn 

quyền Paul Doumer, Jeanselme nhận thấy bệnh phung hoành hành ở Á-châu cùng với một số bệnh khác như bệnh phù thũng, giang mai (syphilis), các đợt bệnh dịch tả, bệnh sốt rét và bệnh  đậu mùa mà nạn nhân hầu hết là trẻ con. Giáo sư Jeanselme đã làm tờ tường trình trong đó ông  kết luận việc cần thiết đào tạo các y sĩ bản xứ bằng cách thành lập trường Y khoa dưới sự hướng  dẫn của các giáo sư Pháp và nhấn mạnh là các giáo sư Pháp trước khi sang Đông-Dương cần  được huấn luyện kỹ càng về hai môn vi trùng học và ký sinh trùng học. 

Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên (1919-2017) trong hồi ký của ông “Vài kỷ niệm của một cựu  sinh viên trường thuốc Hà Nội” đã kể là giáo sư Henri Gaillard, hiệu trưởng rồi khoa trưởng Y  khoa, là một giáo sư chuyên về môn ký sinh trùng học ở Paris. Giáo sư Gaillard là người dạy  môn ký sinh trùng học và vi trùng học cho sinh viên năm thứ ba trường Y Hà-Nội. Cạnh văn  phòng hành chánh của giáo sư Gaillard có một phòng thí nghiệm ký sinh trùng trong đó có 

những lồng nuôi muỗi truyền bệnh sốt rét. Điều này chứng tỏ việc ngăn ngừa và chữa trị các  bệnh nhiễm trùng ở Việt-Nam lúc bấy giờ là mối quan tâm của y giới và chính phủ thuộc-địa. Năm 1902, trường Y-học Dược-học – tên gọi nôm na là Trường Thuốc – được thành lập,  đào tạo y-sĩ bản-xứ (médecin indigène), y-sĩ trợ-tá và dược-sĩ. Ngoài mục đích thực tiễn là phục  vụ dân chúng, việc thành lập trường Y-học Dược-học còn có mục đích chính trị mà toàn-quyền  Paul Douner đã xác nhận: mở trường Y-học Dược-học là “một trong những cách hữu hiệu nhất và danh dự nhất cho sự xâm nhập của chúng ta.” Những công tác y tế sẽ thu phục nhân tâm một  cách chắc chắn hơn trong công cuộc bình định thuộc địa. 

Người đảm nhận chức vụ giám đốc đầu tiên của trường Y-học Dược-học là bác sĩ Alexandre Yersin, đã nổi danh trong giới y khoa hoàn cầu sau khi tìm ra vi trùng dịch hạch  Yersinia pestis. Khoa trưởng Đại học Y khoa ở Paris, giáo sư Paul Brouardel, tuyển chọn hai bác  sĩ trẻ Armand Degorce chuyên môn nội khoa và bác sĩ phẫu khoa Adrien Leroy des Barres sang  dạy sinh viên. Cả hai đều là cựu nội trú các bệnh viện ở Paris, là những bác sĩ xuất sắc có khả năng chuyên môn rất cao của trường Đại học ở Paris. Jean-Baptiste Capus, y sĩ của đoàn quân  thuộc-địa, phụ trách môn cơ-thể-học. 

Muốn vào học trường Y-học Đông-Dương, học sinh phải có bằng thành chung, ít nhất là 18 tuổi và lớn nhất 25 tuổi. Muốn học ra y-sĩ bản-xứ hay làm bà mụ, học sinh còn được xét dựa  trên tiêu chuẩn lý lịch cá nhân và đạo đức. 

Niên học đầu tiên, 105 thí sinh đến ghi tên. Họ được chính phủ trả tiền ăn ở và chi phí cho chuyến đi ra thăm thủ-phủ Thăng-Long – Hà-Nội. Điều kiện tuyển chọn rất khó khăn. Sau  bốn năm học, chỉ có hai sinh viên tốt nghiệp.  

Để chuẩn bị cho các sinh viên theo kịp các lớp học chuyên môn, thời gian bốn tháng từ tháng 10 đến tháng giêng được dành để dạy các môn số-học (arithmétique), vật-lý, hóa-học, địa lý, khoa-học tự-nhiên và văn-phạm. Sau tháng giêng, có một kỳ thi để nhận các sinh viên vào  năm thứ nhất y khoa. Tháng sáu năm 1903, 11 sinh viên thi đỗ và được tiếp tục học lên, đồng  thời 12 sinh viên học lớp dự bị được nhận vào trường.  

Các môn học của trường Y-học gồm có Pháp-văn, căn bản về cơ-thể-học, về sinh-lý-học,  căn bản ngắn gọn về động-vật-học, thực-vật-học, khoáng-chất, hóa-học và vật-lý. Các môn học  này do giáo sư của trường giảng dạy. Học để làm bà mụ chỉ cần biết tiếng Pháp. Chương trình  trường Y là bốn năm, của bà mụ và thú-y-sĩ là hai năm.  

Niên học của các sinh viên trường Y-học bắt đầu vào ngày 1 tháng Mười và chấm dứt  ngày 15 tháng Sáu. Ba năm đầu sinh viên học lý thuyết và thực hành theo một chương trình nhất  định. Các môn học lâm sàng được tổ chức tại nhà thương bản xứ Hà-Nội (Hôpital indigène  d’Hanoi). Năm thứ tư, sinh viên được chỉ định thực tập tại một bệnh viện, một y viện, một nhà 

thương trị bệnh cùi, hay một cơ sở y tế tương tự. Mỗi cuối năm học, sinh viên phải qua một kỳ thi, vừa viết vừa vấn đáp; nếu đỗ mới được học tiếp lên. Nếu thi hai kỳ không đậu, sinh viên sẽ bị nghỉ học. Vào năm thứ tư, sinh viên sẽ phải qua một kỳ thi đã được ấn định, rồi ra trước hội  đồng giám khảo thi vấn đáp. Nếu thi đỗ, sinh viên sẽ được cấp bằng y-sĩ bản-xứ, “diplôme de  médecin indigène”. Tấm bằng y-sĩ bản-xứ được viết bằng hai thứ tiếng: la-tinh và chữ hán, do  giám-đốc của trường chuẩn bị và có chữ ký của toàn-quyền. 

Sau khi tốt nghiệp y-sĩ bản-xứ hạng ba (troisième classe), người y-sĩ này có thể học tiếp  tục để lên cấp hạng nhì và hạng nhất. Mỗi một cấp đòi hỏi ba năm đi nội trú (stage) dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Âu-Tây và sự theo dõi của các công-sứ tỉnh. 

Lương bổng của các y-sĩ bản-xứ được trả như sau: 

– Y-sĩ bản-xứ cấp ba……….1100 đồng bạc (piastres) 

– Y-sĩ bản-xứ cấp hai………1300 đồng bạc

– Y-sĩ bản-xứ cấp nhất………1500 đồng bạc 

Các thú-y-sĩ cũng được trả theo ba cấp: 500 đồng bạc, 700 đồng bạc, 900 đồng bạc. Các bà mụ cũng được trả theo ba cấp: 240 đồng bạc, 300 đồng bạc, 360 đồng bạc. Các y-sĩ và thú-y-sĩ bản-xứ vì có nhận học bổng của trường trong khi đi học, sẽ phải làm  

việc cho chính phủ mười năm sau khi tốt nghiệp. Trong trường hợp tự ý dời nhiệm vụ trước hạn  kỳ mười năm thì y-sĩ đó phải bồi hoàn lại cho chính phủ số tiền học bổng nhận được trong thời  gian đi học. Các y-sĩ cung cấp dịch vụ y khoa miễn phí cho dân chúng, kể cả việc chủng ngừa.  Họ cần phải thông báo cho nhà chức trách biết nếu có bệnh dịch hay bệnh truyền nhiễm. Sự hiện  diện của giới y-sĩ bản-xứ được trường Y-học Đông-Dương đào tạo rất hữu ích cho người dân bản  xứ, nhất là trong một đất nước mà người dân không có một chút hiểu biết căn bản về việc trị bệnh theo Tây-y và thực hành vệ sinh. 

Năm 1904, bác sĩ Yersin phải dời chức vụ hiệu-trưởng trường Y-học và quay trở lại việc  điều hành Viện Pasteur Nha-Trang và Sài-Gòn vì toàn-quyền Paul Beau và hiệu-trưởng mới  Charles Grall có một mục đích khác trong việc đào tạo y-sĩ bản-xứ. Bác sĩ Yersin lo ngại trường  sẽ đào tạo ra những y sĩ mà khả năng không xứng với danh. Ông viết: “Avec les idées du  Gouverneur actuel, il n’y a rien à espérer pour l’avenir des élèves qui sortiront de notre école. Ils  sont condamnés à l’avance, de parti pris et sans jugement. On ne veut en faire que des infirmiers,  ce que je ne pourrais accepter.” 

Theo nghị định ngày 25-10-1904, các y sĩ tốt nghiệp sẽ mang chức y-sĩ phụ-tá (médecin  auxiliaire), là những công chức của chính phủ. 

Chương trình học gồm bốn năm, dạy theo chương trình ở Pháp: buổi sáng đến nhà thương học để hỏi bệnh, khám bệnh hoặc học giải phẫu; buổi trưa học lý thuyết ở trường; mỗi  thứ năm có bài thi viết, mỗi trưa thứ bảy có buổi vấn đáp.  

Trường được đặt ở một tòa nhà nguy nga trên đường Bobillot. 

Sinh viên trường Thuốc đi thực tập tại nhà thương của trường: “Hôpital d’application de  l’Ecole de Médecine”. Nhà thương này khi trước là nhà thương “Hôpital indigène de la  Mission”, nay được chính phủ bảo-hộ mua lại để sinh viên đi thực tập; năm 1919, nhà thương  mang tên bác sĩ Yersin. Số bệnh nhân đến nhà thương gia tăng dần và nhà thương được chỉnh  trang nhiều lần. Một dãy nhà được xây cất dành cho việc hộ sinh, sau này trở thành khu cơ-thể 

học. Nhà thương Bạch-Mai được xây cất khi nhu cầu y tế gia tăng. 

Các giáo sư trường Y-học lập Hội Y-phẫu Đông-Dương (Société médico-chirurgicale de  l’Indochine) năm 1910, cùng lúc với tạp chí Y-khoa của Hội. Mục đích của Hội là loan truyền  đến các thành viên trong y giới các khám phá khoa học trong việc nghiên cứu các vấn đề liên  quan đến vệ sinh ở thuộc địa và các bệnh nhiệt đới.

Trường Y-học trong thời toàn-quyền Albert Sarraut có dịp khởi sắc và phát triển. Nghị định ngày 20-7-1914 cho thành lập phân khu Dược. Nghị định ngày 7-6-1917 cho thành lập  Bệnh viện thực hành về Mắt ở Hà-Nội: “Clinique Ophthalmologique de Hanoi” trong Trung  Tâm Đào tạo Nhãn khoa Đông-Dương:“Centre d’Enseignement Ophthalmologique de  l’Indochine”.  

Năm 1917, có nghị định mở Đại học Đông-Dương. Trường Y-học Dược-học đổi tên là trường Cao-đẳng Y Dược. Muốn vào học trường này, thí sinh phải có bằng cao-đẳng tiểu-học và qua một kỳ thi tuyển. Sinh viên phải học qua một năm chương trình dự bị giống như học trình ở Pháp gồm có các môn khoa-học tự nhiên (Sciences naturelles), hóa-học, vật-lý. Sau khi học xong  

bốn năm tại trường Cao-đẳng Y Dược, sinh viên được cấp bằng Y-sĩ Đông-Dương hoặc Dược-sĩ Đông-Dương. 

Nghị định năm 1923 nâng tiêu chuẩn học y khoa và cho trường đổi tên là trường Y Dược  Kiêm-bị: “École de Pleine Exercise de Médecine et de Pharmacie”. Trường Y Dược Kiêm-bị Đông-Dương đào tạo thêm cấp Y-sĩ và Dược-sĩ hạng nhất. Muốn vào học cấp này, thí sinh phải  có bằng tú-tài; học xong bốn năm, sinh viên được cấp học bổng đi Pháp học thêm một năm. Các  y-sĩ phải sang Pháp trình luận án để trở thành Tiến-sĩ Y-khoa. 

Niên khóa 1923-1924 trường có 120 sinh viên. Lúc này trường đã có đủ các khoa và các  giáo sư giảng dạy về lý thuyết cũng như thực tập. Một ngành rất mới là ngành phóng xạ học hay  quang tuyến học (radiologie), mới có ở Pháp từ đầu thế kỷ thứ 20 nhờ công trình nghiên cứu của  hai khoa học gia nổi tiếng Pierre và Marie Curie, cũng xuất hiện ở trường Y Hà-Nội năm 1907,  và một trung tâm trị liệu bằng quang tuyến cho ngành phóng-xạ liệu-pháp (radiothérapie) năm  1921.

Năm 1932, trường thu nhận sinh viên có bằng tú-tài bản-xứ hoặc bằng tú-tài Pháp dạy  theo tiêu chuẩn tương đương với trường Y-khoa ở Pháp, có giáo sư từ Pháp sang dạy sinh viên.  Trường không cấp bằng Y-sĩ và Dược-sĩ Đông-Dương nữa, chỉ cấp bằng Y-sĩ và Dược-sĩ hạng  nhất. Thập niên 1930, các giáo sư của trường Y có các bác sĩ Charles Massias chuyên trách nội 

khoa, bác sĩ Jacques Mayer May đảm nhận môn phẫu-khoa, bác sĩ Pierre Huard dạy môn cơ-thể học và bác sĩ Bernard Joyeux dạy môn cơ-thể-học bệnh-lý. Năm 1933, bác sĩ Pierre Huard trở thành trưởng khu giải-phẫu tại nhà thương Lanessan.  

Năm 1936, sau khi bốn giáo sư của trường đi thi và đậu thạc-sĩ Y-khoa Đại-học Pháp thì trường Y Đông-Dương được nâng lên thành Đại-học Y-khoa: “Faculté de Médecine”, để đào tạo  tiến-sĩ Y-khoa tương đương với bằng tiến-sĩ Y-khoa ở Pháp. Học trình được thay đổi cho xứng với bằng cấp. Trường có thêm hai cơ sở mới là bệnh viện Robin (khởi đầu là bệnh viện Cống Vọng, sau đổi tên là bệnh viện Bạch-Mai) và Viện Cơ-thể-học và Y-luật-khoa: “Institut  d’Anatomie et de Médecine Légale”. 

Năm 1939, ban Nha-khoa được thành lập để đào tạo nha sĩ với chương trình học năm  năm. 

Năm 1941, trường Y Dược Kiêm-bị được đổi tên thành Đại học Hỗn hợp Y Dược:  “Faculté mixte de Médecine et de Pharmacie”. Các kỳ thi mãn khóa vẫn có giáo sư từ Pháp sang  làm chánh chủ khảo. Trong những năm về sau, Đại học Hỗn hợp Y Dược có các giáo sư thạc sĩ dạy môn Dược như P. Bonnet và E. Cousin, đại-tá quân y A. Rivoalen chuyên môn về bệnh lý học các bệnh nhiễm trùng (pathologie infectieuse), tướng quân y Botreau-Roussel, giám đốc y tế công cộng ở Đông-Dương, tướng quân y Genevray, giám đốc các Viện Pasteur Đông-Dương. 

Các thế hệ y-sĩ bản-xứ, y-sĩ phụ-tá và y-sĩ Đông-Dương đã dần dần tạo được niềm tin của  dân chúng. Họ là những người thực sự gieo truyền sự tin tưởng vào Tây-y. Năm 1906, chỉ có hai y-sĩ bản-xứ tốt nghiệp. Đến năm 1930, có hơn 260 y-sĩ tốt nghiệp.  Năm 1906 có 224 y-tá. Năm 1930 có hơn 3000 y-tá. 

Về ngân sách y-tế, năm 1906, chi ra 1 200 000 đồng bạc, năm 1929 chi phí là 7 600 000. Số bệnh nhân nhập viện năm 1906 là 43 000, năm 1929 là 223 000.

Sau đây là danh sách một số y-sĩ tốt nghiệp trường Y-học Đông-Dương: – Bác sĩ Lê Văn Chỉnh (Hà-Nội), y sĩ phụ tá (médecin auxiliaire) 1907; y sĩ thuộc địa  (médecin colonial) de l’Université de Paris 1910; tiến sĩ y khoa (docteur en médecine  d’Etat) 1922. 

– Y sĩ Lê Văn An (Thiêng-Đức, Vĩnh-Long), y sĩ phụ tá (médecin auxiliaire) năm  1908. 

– Y sĩ Cao Thiện Toàn (Rạch-Giá), y sĩ phụ tá (médecin auxiliaire) năm 1910.  – Y sĩ Phạm Văn Thuần (Quảng-Yên), y sĩ phụ tá (médecin auxiliaire) năm 1913. – Y sĩ Phạm Gia Đệ (Xuân-Tảo, Hà-Đông), y sĩ Đông-Dương (médecin indochinois)  năm 1918. 

– Y sĩ Lê Đình Thám (Diên-Kỳ, Quảng-Nam), y sĩ Đông-Dương (médecin indochinois)  năm 1918. 

– Y sĩ Nguyễn Hữu Thi (Tourane), y sĩ Đông-Dương (médecin indochinois) năm 1922. – Bác sĩ Hoàng Thụy Ba, tốt nghiệp y khoa ở Hà-Nội, trình luận án ở Paris, tiến sĩ y  khoa năm 1927. 

– Bác sĩ Đặng Vũ Lạc (Hành-Thiện, Nam-Định), tốt nghiệp y khoa ở Hà-Nội, trình luận  án ở Paris, tiến sĩ y khoa năm 1927. 

– Bác sĩ Trần Như Lân (Rạch-Giá), tốt nghiệp trường Y ở Hà-Nội, sang Pháp học tiếp  năm 1922, tiến sĩ y khoa ở Paris năm 1928, chuyên ngành khẩu-bệnh-học  (stomatologie) tốt nghiệp Ecole Française de Paris năm 1926. 

– Bác sĩ Vũ Ngọc Anh (Hà-Nội), tốt nghiệp y khoa ở Hà-Nội, trình luận án ở Paris, tiến sĩ y khoa năm 1928. 

– Y sĩ Thân Trọng Phước (An-Đô, Thừa-Thiên), tốt nghiệp y sĩ hạng nhất (médecin de  première classe) năm 1926. 

– Y sĩ Trần Văn Hạnh (Long-Châu, Vĩnh-Long), y sĩ hạng nhất (médecin de première  classe) năm 1932. 

– Bác sĩ Cao Xuân Cẩm (Thịnh-Mỹ, Nghệ-An), tốt nghiệp y khoa ở Hà-Nội, trình luận  án ở Paris, tiến sĩ y khoa năm 1933.

– Bác sĩ Hoàng Cơ Bình (Đông-Ngạc, Hà-Đông), tốt nghiệp y khoa ở Hà-Nội năm  1933, trình luận án ở Paris, tiến sĩ y khoa năm 1937, chuyên ngành khẩu-bệnh-học  (stomatologie) tốt nghiệp Ecole Française de Stomatologie de Paris. 

– Nữ bác sĩ Hồ Vĩnh Ký nhũ danh Nguyễn Thị Sương (Gò-Công), tiến sĩ y khoa Đông Dương 1940.



Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ