Connect with us

Văn hóa xã hội

Nguyễn Đại Giang: Mộng lực của hội họa nghịch đảo

Nguyễn Thị Từ Huy

Published on

(Bức tranh “Đại Lai Lạt Ma” của Nguyễn Đại Giang, lưu tại chùa Pháp Nguyên ở Pearland, Texas – Chú thích của tòa soạn)

Nguyễn Thị Từ Huy                                   

Tranh Nguyễn Đại Giang tràn ngập những hình thể phồn thực, thường cuộn xoắn vào nhau, với các bộ phận được vẽ theo lối đặc thù của chủ nghĩa nghịch đảo (Upsidedownism), nghĩa là không nằm ở vị trí vốn có của chúng, mà bị đính vào bất kỳ nơi nào trên thân người, với những tỉ lệ hoang đường. Nhất là các bộ ngực phụ nữ ngoại cỡ, chúng có thể mọc ra ở lưng, ở nách, hay ở bụng. Đại Giang tự hào là điều này khiến cho môn anatomy (giải phẫu cơ thể) ở các trường mỹ thuật bị đặt vào tình trạng cạnh tranh. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, để phá vỡ tỉ lệ theo cách của Đại Giang, phải nắm rất vững các kiến thức về anatomy.

Trong khi đi tìm một tên gọi cho cái thế giới vừa bất cân xứng, vừa trần trụi, xù xì, vừa đầy chất thơ và tinh tế ấy, tôi dừng lại ở hai chữ “mộng” và “lực”. Hai chữ này chợt đến khi tôi trầm ngâm trước bức tranh có cái tên hơi dài: “UFO xuất hiện ở Việt Nam thế kỷ 17”. Đại Giang hình dung là các vật thể bay không xác định (UFO), được cho là ngoài hành tinh, đã đến Việt Nam từ thế kỷ 17. Tại sao không? Hội họa cũng như các nghệ thuật hư cấu khác cho phép mọi huyễn tưởng.

Mộng lực, hai chữ này chứ không phải là một chữ nào khác. Bởi vì bức tranh là sự kết hợp tuyệt vời giữa lực và mộng. Lực ở đây được hiểu một cách trung tính là sức mạnh nói chung, và cũng có thể được hiểu như là bạo lực, thứ sức mạnh tàn phá, hủy diệt, gây chết chóc. Mộng, dĩ nhiên được hiểu theo nghĩa giấc mộng, hoặc mơ mộng.

Bức tranh được bao phủ trong một thứ sức mạnh của mộng mơ, đồng thời trong trạng thái mộng mơ của bạo lực.

UFO đến Việt Nam, đó là điều đã diễn ra trong tưởng tượng của người họa sĩ, được hiện thực hóa bằng tác phẩm nghệ thuật. Bức tranh, vì thế, là quyền năng của hội họa trong việc tái hiện các mộng tưởng. Nhưng đây chỉ là logic chuyện kể của người phân tích tranh. Điều đáng nói là bức tranh này thực sự mang trong nó sức mạnh mơ mộng, cái mà tôi gọi là mộng lực. Bạo lực được biểu trưng qua hình thể của UFO. Đại Giang tưởng tượng đĩa bay dưới dạng cái kéo, và người ngoài hành tinh có cái đầu robot với hai cánh tay là gọng kìm và dụng cụ để khoan cắt. Vật thể ngoài hành tinh hạ xuống trên mái ngói của một ngôi đình, hoặc một ngôi nhà cổ, vào thế kỷ 17, như chú dẫn của họa sĩ qua cách đặt tên cho bức tranh.

UFO xuất hiện ở Việt Nam thế kỷ 17 _ Nguyễn Đại Giang _ 2020

Kìm, kéo, dụng cụ khoan đục, tất cả đều là công cụ bạo lực, biểu dương cho sức mạnh cơ giới ở trình độ kỹ thuật rất cao. Nhưng những công cụ bạo lực đó được sử dụng trong bức tranh như thế nào?

Đầu tiên là cái kéo, hình thù hầm hố đúng kiểu khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, mũi kéo lại được vẽ như đầu ngón tay mềm mại, đầy nhục cảm. Một trong hai mũi kéo chạm vào một hình thể giống như một quầng sáng bao quanh vầng trăng tròn ở giữa. Mũi kéo không chạm hẳn vào quầng sáng, dường nó có một cử chỉ tình tứ, ấn nhẹ vào và làm cho quầng sáng của mặt trăng khuyết đi một mảnh. Vầng trăng và quầng sáng mỏng tỏa ra quanh nó là biểu tượng của mộng lực, của sức mạnh mộng mơ. Trăng, kẻ mộng muôn đời của các thi sĩ. Sức mạnh dịu dàng của trăng khiến cho lưỡi kéo bạo lực cũng trở nên mềm mại, biến nó thành ngón tay ve vuốt, mơn trớn, chứ không còn là mũi kéo cắt xẻ. Máy móc cũng trở nên mơ mộng, trữ tình. Hoạt cảnh thôn tính không gian của UFO dưới nét vẽ của Đại Giang thành ra một cảnh âu yếm của vũ trụ.

Gọng kìm và dụng cụ khoan cắt, tức là hai cánh tay của người máy ngoài hành tinh, cũng dang rộng như muốn ôm ấp cảnh tượng lãng mạn và trìu mến đang diễn ra trước mắt. Phía dưới mái nhà, từ ô nhỏ, giống như khung cửa, một cái cây thò ra, tỏa tán xanh ở cận cảnh phía dưới. Nơi góc trái mái nhà một cây xanh khác đang nở hoa trên ngói, hoàn tất nốt vẻ lãng mạn kỳ dị được tạo ra từ sự kết hợp giữa máy móc hung bạo và thiên nhiên mong manh.

Đĩa bay ở đây không cho thấy nó có mục đích thám thính để thôn tính trái đất. Ngược lại, nó liên kết mái nhà nhân gian và vầng trăng huyền bí. Trái đất, mặt trăng và vật thể ngoài hành tinh cùng tạo thành một quần thể. Giữa chúng không phải sự đối chọi của bạo lực xâm hấn, hủy diệt, mà là hấp lực của mộng ảo và nhục cảm. Giữa chúng hình thành một thứ ái lực mơ hồ của sự cộng sinh. Vũ trụ trở thành không gian chung cho tất cả những gì tồn tại. Đây là thứ triết lý mà Đại Giang đã nhiều lần tuyên bố ở những thời điểm khác nhau.

Tính mộng và sức mạnh của bức tranh được tăng lên nhờ năm khối vàng chủ đạo đặt gần như trên cùng bình diện, chiếm toàn bộ khoảng trung tâm của tác phẩm, tạo thành đường chuyển động nhịp nhàng và hài hòa. Bốn khối vàng thuộc về UFO, và thêm khối trắng ngả vàng là mặt trăng và tán sáng của nó. Tôi gọi đây là gam vàng mơ, cái gam vàng đưa người xem vào trạng thái ngà ngà say để bị hút vào mộng lực của hội họa.

Hẳn nhiên, nếu tôi nhìn UFO của Đại Giang trong hình dạng cái kéo, thì những người xem khác hoàn toàn có thể nhìn nó như là biểu hiện của những hình thể nào đó rất khác, hình thể được phác họa trong tưởng tưởng của họ. Bản thân họa sĩ cũng rất có thể đã có một ý niệm khác khi vẽ nó. Đặc sắc của tranh nghịch đảo chính là ở chỗ này, ở chỗ nó được vẽ theo cách thức khiến cho nhiều khả thể tiếp nhận khác nhau được mở ra.

Bức tranh này, “UFO đến Việt Nam thế kỷ 17”, cũng như hội họa của Nguyễn Đại Giang, xác nhận lý thuyết của Nietzsche về sức mạnh hoạt năng và sức mạnh phản ứng[1].

Hoạt năng liên kết niềm vui và sự khẳng định trong các kết quả của việc sáng tạo ra các giá trị mới, và trong ý chí khẳng định đời sống, khẳng định tất cả những gì thuộc về tồn tại, và tự khẳng định.  Sáng tạo là đỉnh điểm của sức mạnh hoạt năng trong mỗi cá thể. Sức mạnh hoạt năng của nghệ sĩ được kết tinh trong tác phẩm của họ. Nó là cội nguồn từ đó tác phẩm xuất hiện trong tư cách là một tồn tại độc lập với sự tồn tại của tác giả, độc lập nhưng luôn kết hợp với tác giả để tạo nên một sự trở thành trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật.

Mộng lực của tranh Đại Giang chính là biểu hiện của sức mạnh hoạt năng này, cái sức mạnh có khả năng hóa giải các bi kịch mà chính ông phải gánh chịu trong đời mình. Ta cũng hiểu thêm về sự thăng hoa trong sáng tạo, xét từ khía cạnh này, cũng như hiểu thêm về việc hội họa có thể chuyển hóa các xung lực tăm tối thành năng lượng khẳng định như thế nào.

Sài Gòn, 5/7/2021

Chú thích

[1] Về hai khái niệm «hoạt năng» và «phản ứng» của Nietzsche, xin xem thêm: Nguyễn Thị Từ Huy, “Phê phán và siêu nhân – Nietzsche qua diễn giải của Deleuze”, Văn hóa Nghệ an, 22 Tháng 5 2011.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ