Lịch sử Việt-Mỹ
Nghiên cứu khoa học ở Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp thuộc
Published on
(Ảnh: Mô hình tàu De Lanessan tại Phòng Truyền thống của Viện Hải dương học Nha Trang.)
Lời tòa soạn: Nhật Bản tặng tàu nghiên cứu đại dương cho Việt Nam (tháng 4 năm 2021). Đây là con tàu nghiên cứu khoa học biển mới nhất ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin giới thiệu tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp về Tàu khảo cứu de Lanessan, con tàu nghiên cứu biển đầu tiên của Việt Nam, thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, đầu thế kỉ 20. Tàu khảo cứu de Lanessan và viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học từ các năm 1920 đến 1945 ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc thời bấy giờ chưa có nước nào trừ Đông Dương thuộc Pháp nghiên cứu khoa học sâu rộng Hoàng Sa và Trường Sa như Viện Hải dương Nha Trang.
Bờ biển Việt Nam dài có nhiều cảng quan trọng nhìn ra biển Đông, con đường hàng hải nhộn nhịp tàu các nước từ phương Tây đến Đông Nam Á và Đông Á qua lại giao thương buôn bán từ các thế kỷ đầu công nguyên. Biển Đông ngay cửa ngõ các cảng Đà Nẵng, Hội An đã giao thương với các nước phương Tây từ thế kỷ 17. Hai quần đảo quan trọng liên hệ đến giao thông hàng hải từ xưa là Hoàng Sa và Trường Sa. Những nơi này không có cư dân sống và là hiểm nguy cho các tàu biển. Nhiều tàu đã bị đắm ở các quần đảo nhiều rạn san hô này. Đặc biệt là Hoàng Sa (Paracels).
Sự kiện đắm tàu l’Europe chở lính Tây Ban Nha gốc Phi của liên quân Pháp-Tây Ban Nha từ Đà Nẵng trở về cảng Manila ở Phi Luật Tân được tường trình đầu tiên trên tờ Le Monde Illustré ngày 28 Juillet 1860. Hai năm sau số ngày 14/6/1862, tờ Le Monde Illustré đã chi tiết hơn tường thuật lại vụ đắm tàu do chính những sĩ quan bị đắm tàu kể lại.
Vào ngày 10/2/1899, dọc bờ biển Trung Kỳ có những chấn động trong lòng đất dấu hiệu của động đất làm nhiều người lo sợ, mạnh nhất là chung quanh đảo Poulo Cecir, khoảng giữa Sài-Gòn và Đà Nẵng. Vài tuần sau ngày 2/3/1899, một tàu Nhật đánh điện vô tuyến cho biết khoảng 20 hải lý phía nam đảo này, núi lửa hoạt động mạnh vào ngày 1/3/1899 một đảo mới xuất hiện từ biển lên với nhiều hơi nước. Đảo dài khoảng 150 mét và cao khoảng 30 mét, hình trăng khuyết ở giữa có 2 miệng núi lửa bằng với mực nước biển làm nước biển sủi bọt. Tàu Astrolab của sở thủy văn hải quân được cấp tốc gởi đến để đo đạc đảo mới này và chính phủ Pháp tuyên bố chủ quyền đảo này.
Theo tin tức trên báo Saigon ngày 13/7/1938, dẫn báo ở Hương Cảng (Hongkong) cho biết Nhật muốn chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa làm căn cứ không quân để khống chế các vùng đảo Hải Nam và vịnh Bắc Việt. Ngày 9/7/1938 một tốp tàu Nhật chạy đến đảo Hoàng Sa, nhưng bị các tàu Pháp ngăn chặn
“Đương lúc quân lính Nhựt kéo lên bờ thì thình lình có 3 chiếc chiến-hạm Pháp chạy tới ngăn cản. Quân đội Nhựt không biết đối phó cách nào nên phải trở lên tàu đi nơi khác.
Xem cách đối phó mềm mại của người Nhựt thì biết họ chưa có ý muốn gây việc xung đột với Pháp.”
Như vậy trong lúc chiến tranh Trung-Nhật đang diễn ra và tình hình thế giới căng thẳng trước khi thế chiến thứ 2 nổ ra thì biển Đông và quần đảo Hoàng Sa là điểm nóng.
Ngay sau đó những nhà báo và nghiên cứu người Việt đã lên tiếng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này, trong đó có các ông, Hoàng Văn Tiếp, Trương Lập Tạo, Thúc Dật và Vĩnh Phúc. Trước hết chúng ta hãy xem những tư liệu mà ông Hoàng Văn Tiếp đã cho biết trên báo chí thời bấy giờ.
Cũng trên tờ Saigon cùng ngày (13/7/1938), ông Hoàng Văn Tiếp đã đưa ra lập luận rõ ràng dựa vào các sự kiện đã xảy ra vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 về các thông tin xác định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Như khi Trung Quốc khước từ không cho rằng quần đảo Hoàng Sa là của họ thuộc một phần đảo Hải Nam khi chánh phủ Anh phản đối vụ cướp hàng của người Anh của cướp biển người Trung Hoa ở Hoàng Sa và người Nhật đã xin phép chính quyền Đông Dương để khai thác phosphate trên đảo, công nhận chủ quyền Việt Nam ở quần đảo này. Ông dùng các tài liệu nghiên cứu đảo Hoàng Sa của Viện hải dương học Đông Dương (Institut Océnographique de l’Indochine) trong chuyến đi nghiên cứu của tàu de Lanessan khởi hành từ Ba-Son, cảng Sài-Gòn đến Hoàng Sa năm 1926 cho thấy các tài nguyên ở Hoàng Sa như phốt-phát cần được chính phủ Đông Dương chú ý phát triển. Ông Tiếp cũng cho biết trong các thập niên đầu thế kỷ 20, chính quyền Đông Dương đã thường gởi tàu đến để tuần tra, khảo sát và nghiên cứu Hoàng Sa.
“Từ đảo Hải-Nam đến đảo Hoàng Sa
Đảo Hoàng-Sa là của ai ?
Nhựt và Tàu muốn nhận quyền sở hữu về mình, nhưng lịch sử trả lời cho họ rằng đảo Hoàng-sa (Paracels) là của Đông-dương
IV
Trung-hoa với đảo Hoàng-sa
Nước Tàu đối với quần đảo Hoàng-sa đã không có dấu-tích quan hệ gì mà Tàu lại còn có dịp công-bố không chịu nhận đảo ấy thuộc về mình.
Nguyên là có hai chiếc tà chở đồng cho mấy công ty Anh bị đắm ở gần quần-đảo Hoàng-sa: chiếc tàu “Le Bellons” của Đức, đắm năm 1895 và tàu “Imeze Maru” của Nhựt đắm năm 1896.
Sau đó, bọn giặc biển Tàu cướp những đồng trong hai chiếc tàu đặng đem bán. Chánh phủ Anh phản đối với chánh-phủ Tàu về việc cướp bóc ấy.
Nhà đương-cuộc Tàu không chịu trách nhiệm và tuyên bố rằng quần-đảo Hoàng-sa (Paracels) không ăn nhập gì đến đảo Hải-Nam hết.
Vậy vào cuối thế kỷ 19, chánh phủ Tàu đã công khai không chịu nhận đảo |Hoàng-sa rồi.
Mãi đến tháng năm năm 1909, mới có hai chiếc tàu ở Quảng-đông đi thám hiểm quần-đảo Hoàng-sa, nhưng là một cuộc thám hiểm do một nhóm tư-nhơn tổ chức.
Hai chiếc tàu ấy, tàu Fou-Po và tàu Tchen Mang, bữa 6 Juin đến một cù-lao trong quần đảo Hoàng-sa, thăm vài nơi khác, rồi 4 giờ chiều bữa 7 Juin lại trở về Quảng châu.
Đông Dương vẫn kiểm soát Hoàng Sa
Sau cuộc thám hiểm trên đây quần-đảo Hoàng-sa sống 1 quảng đời êm-tịnh không lịch-sử, không tiếng tăm…
Ngoài làn sóng rạt rào, có chăng chỉ có những tàu của sở Thương-chánh Đông-dương thỉnh thoảng ra thăm quần-đảo Hoàng-sa để khám xem có bọn nào dùng nơi đó làm chổ chứa đồ lậu, hoặc khí giới chăng ?
Đã có lần, quan tư chiếc tàu “Espadon” của nhà Đoan hắt chiếc tàu “Akibouo Maru” của Nhựt chở đầy “phốt phát” (phosphate) lấy ở cù lao Boisée (một cù lao của quần đảo Hoàng-sa).
Xét hỏi thì chiếc tàu Nhựt nói rằng công ty “Mitsui Bussan Kaisha” ở Nhựt trước khi khai khẩn những mỏ “phốt-phát” ở quần đảo Hoàng-sa năm 1920 đã xin phép trước với bộ Hàng-hải Đông-dương và quan-tư Hải-quân ở Saigon đã cho phép họ, vì ổng thấy không có quan hệ gì đến quân-sự Đông-dương.
Xem như vậy thì đủ thấy rằng nước Nhựt hồi năm 1920 đã chịu nhận chủ-quyền cửa xứ Đông-dương trên quần đảo Hoàng-sa.
Thổ sản của quần đảo Hoàng sa
Ngoài sự quan hệ của quần đảo Hoàng-sa về mặt quân-sự, đảo nầy còn là một nguồn-lợi quan trọng về kinh tế nữa.
Viện hải học Đông Dương năm 1926 phái chiếc tàu “De Lanessan” ra quần đảo ấy để nghiên cứu về thổ sản của nó.
Bác sĩ A. Krampf [Krempf] là giám đốc viện ấy đã làm một bản tường thuật rõ ràng về thổ sản của đảo Hoàng-sa.
Đại ý, ông nói rằng thổ sản chánh ở đó là “phốt-phát”.
Người Nhựt đã đến khai khẩn mỏ “phốt-phát” ở đảo Roberts, và năm 1926 bỏ dỡ, rồi khai khẩn đến đảo Boisée. (Hải đảo cùng thuộc về nhóm cù-lao Hoàng-sa).
Trong cù-lao Boisée, người Nhựt đã đặt một đường sắt và những to axe nhỏ đặng chuyên chở “phốt phát”. Họ lại còn xây một cái bến dài 300 thước nữa.
Trong công việc khai khẩn ở cù lao Boisée, người Nhựt dùng nhân công Tàu do một viên đốc công Phi-luật-tân cai quản.
Và theo lời bác sĩ Krampf kết luận, nếu một ngày kia, công ty Nhựt lấy hết “phốt-phát” thì trong đảo không còn gì nữa. Những rừng và cây cối bị họ tàn phá hết đặng khai mỏ, nên sau khi họ đi, lâm sản cũng không còn gì.
Còn về hải sản thì người ta nói rằng quần-đảo Hoàng-sa có những trai có ngọc. Nhưng năm 1909, hồi hai chiếc tàu của Trung-hoa đến thám hiểm, họ có đem một mớ trai về, nhưng khi mở ra thì không có ngọc như lời đồn.
Ngoài ra Hoàng-sa còn có san hô, đồi mồi và những dân đánh cá thường đến đây bắt rùa.
Lời kết luận của quan ba Lapicque
Muốn kết luận bài nầy, chúng tôi xin trích lời của quan ba P. A. Lapicque, là người đã để ý quan-sát về quần đảo Hoàng-sa từ lâu năm rồi. Ông Lapicque nói:
“Sự khai-khẩn những thổ-sản của quần đảo Paracels, không hy vọng có nhiều lời. Sự khai-khẩn phốt-phát đến nay mới làm thì trễ quá, còn sự đánh cá bằng tàu lớn thì không được, vì đây biển có nhiều tảng đá. Chỉ còn có cách đánh cá bằng ghe, nhưng nó chỉ nuôi sống người đánh cá mà thôi.
“Vậy xứ Đông-Dương có nên bỏ khoảng đất ấy không? Không nên.
“Quần đảo Paracels đối với Đông-dương rất quan trọng.
“Những chỏm đá của nó làm cho tàu bè đi lại rất nguy-hiểm: mỗi khi một chiếc tàu nào bị đắm thì sở “Merchat Service Guild” ở Hương-cảng lại yêu-cầu chánh phủ Anh phải dựng ít ra hai cái đèn pha ở quần-đảo Paracels đặng soi sáng cho tàu bè qua lại.
“Chánh phủ Đông-dương phải lảnh lấy cái trách-nhiệm mà làm cái công việc ích chung ấy. Chúng ta không nên để cho người khác làm, thay thế cho ta.
“Ngày nay với vô-tuyến-điện ta có thể để ý đến các trận bảo, những việc dự-tính lập đường thủy phi cơ và tìm kiếm những tàu ngầm, vì vậy quần-đảo Paracels đối với Đông-dương quan trọng lắm
HOÀNG-VĂN-TIẾP“
(Saigon, 13/7/1938)
Như ông Hoàng Văn Tiếp cho biết về chuyến khảo cứu khoa học của tàu de Lanessan từ Sài-Gòn đến Hoàng Sa, trong đó có các nhà khoa học của Viện Hải dương học (Institut Océnographique de l’Indochine) ở Nha Trang được toàn quyền Đông Dương cho phép đi tháp tùng trên tàu. Viện Hải Dương học Đông Dương được thành lập năm 1930 mà trước đó có tên là “Service des Pêche de l’Indochine” do toàn quyền Đông Dương thành lập năm 1922 để nghiên cứu về thủy sản trong các xứ Đông Dương.
Kết quả của chuyến đi nghiên cứu đến Hoàng Sa là các bản báo cáo của các nhà khoa học được công bố sau chuyến đi. Một trong những tài liệu báo cáo khoa học này là của kỷ sư công chánh và hầm mỏ, Paul Maurice Clergé, tốt nghiệp từ Trường Bách khoa (École Polytechnique) ở Paris. Bản báo cáo khoa học này có tựa đề “Contribution à l’Étude des iles Paracels – Les phosphates” đã được tờ báo kinh tế “Thức tỉnh kinh tế Đông Dương” (L’Éveil économique de l’Indochine) tòa soạn ở Hà Nội đăng toàn bộ trong số báo ngày 23/4/1933.
Báo cáo này được tờ “Thức tỉnh kinh tế Đông Dương” đăng toàn bộ để rộng đường dư luận vì tờ này chỉ trích chính phủ Đông Dương để Nhật khai thác phốt phát trên đảo Phú Lâm (Ile Boisée) khi chính phủ cho rằng không hiệu quả kinh tế để khai thác tài nguyên và sự giàu có phốt phát chỉa là sự tưởng tượng của tờ bào.
Tờ báo cũng kiện chính phủ Đông Dương đã sai trái làm không đúng khi một số nhân viên chính phủ cáo buộc tờ báo dùng phương pháp hối lộ một viên chức chính quyền để lấy được bản báo cáo khoa học. Chủ nhiệm tờ Thức tỉnh Kinh tế Đông Dương, ông Cucherousset, trước đó bị chính phủ cáo buộc là đã giữ các tài liệu mật của chính phủ và ra lệnh cho cảnh sát khám nhà ông mà ông Hoàng Văn Tiếp cho biết trong bài báo của ông. Kết quả vụ kiện là tòa án sơ thẩm ở Hà Nội phán quyết là tờ “Thức tỉnh Kinh tế Đông Dương” đúng hoàn toàn và không có sự hối lộ nào xảy ra: tờ báo theo đúng thủ tục để xin tư liệu của Viện Hải dương học.
Sau khi thành công vụ kiện, tờ báo đăng toàn bộ bản báo cáo của kỷ sư Maurice Clerget. Sau đây là một vài đoạn trích dẫn trong bản báo cáo khoa học dài của kỷ sư Maurice Clerget về quần đảo Hoàng Sa trong chuyến khảo sát của tàu de Lanessan
“Đóng góp vào Nghiên cứu quần đảo Hoàng Sa – Phốt-Phát
- Maurice Clerget
Cựu sinh viên Trường Bách khoa
Kỷ sư công chánh hầm mỏ
Được toàn quyền Đông Dương cho phép tham dự vào chuyến đi của tàu de Lanessan (*) đến quần đảo Hoàng Sa vào năm 1931, trong hai tuần lễ chuyến đi và trong thời gian nghiên cứu sau đó của chúng tôi để xác định sự phong phú của các bờ dãy phốt phát trên các đảo mà chúng tôi được phép đi xuống và thu thập tất cả những vật liệu gì hữu ích liên quan đến sự khai thác nếu được của dãy phốt phát trên các đảo này.
Sau chuyến đi, chúng tôi thực hiện nghiên cứu hòa học và nông học của các mẫu liệu thâu thập được trong chuyến đi: những kết quả thâu được trong lãnh vực này xác định những đặc tính của loại phốt-phát ở Hoàng Sa, dưới một mức độ nghiêm ngặt tin tưởng được, một mức độ không may là không thể đạt được so với trong nghiên cứu kỷ nghệ mà chúng tôi muốn thử nghiệm, mặc cho có sự khó khăn đạt như trong nghiên cứu kỷ nghệ: thật ra chúng tôi đã không quên để ý đến cảnh báo của ông Chevey (trong Tạp chí của Viện hải dương học, 1931): “… câu hỏi quan trọng về sự mang lên tàu các vật liệu nặng và cồng kềnh trong một vùng ở biển Đông mà lúc nào cũng có gió mùa thổi quét qua, nếu chúng ta coi nhẹ nó, có nguy cơ sẽ là nút chặn ngăn cản tất cả các nổ lực khai thác”
Vì lý do cẩn trọng, do đó chúng tôi chỉ chú trọng đến sự nghiên cứu nột tại của các dãy đất phốt phát ở quần đảo Hoàng Sa, chỉ ra những nguyên lý mà sự khai thác kỷ nghệ nên dựa vào, trong những trường hợp chinh trị và kinh tế thuận lợi.
Mặc dầu không muốn ra khỏi khuôn khổ mà chúng tôi đã phát họa ra ở trên, rất khó cho chúng tôi không nói đến những gì đã chứng kiến. Tôi đã hân hạnh bị hấp dẫn, ở quanh vùng quần đảo Hoàng Sa, những đáy san hô ngoạn mục, các loài cá với các hình dạng lạ kỳ, da màu óng ánh, bơi lội chung quanh các tảng đá uốn lượn, trong nước biển trong vắt như không thật. Chúng tôi cám ơn tàu de Lanessan đã cho phép chúng tôi chứng kiến những cảnh huy hoàng này.”
(chú thích: (*) tàu khảo cứu de Lanessan được đặt tên theo ông Jean Marie Antoine de Lanessan, y sĩ trong đoàn quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Sài-Gòn, nghị viên hội đồng thành phố Paris. Ông de Lanessan, thuộc đảng xã hội, ủng hộ công xã Paris. Sau này ông làm toàn quyền Đông Dương (1891-1894) áp lực Xiêm và củng cố sự bảo hộ của Pháp ở Lào, và là bộ trưởng bộ Hải quân năm 1900)
Trong bản báo cảo của kỹ sư Maurice Clerget có viết về địa chất quần đảo Hoàng Sa
“… Như Dr Krempf đã cho thấy, sau năm 1925, là vùng đáy biển từ vịnh Bắc Kỳ cho đến cu/a vào vịnh Xiêm La cho thấy một dãy các bậc thềm chia các tầng đáy biển liên tiếp nhau mà độ sâu tăng dần khi càng xa bờ biển. Đáng chú ý nhất là những tầng đáy biển ở vào độ sâu từ 40 đến 60 mét.
Chính ở độ sâu đáy biển này mà ta thấy được ở rặng đảo giữa biển Đông cấu tạo nên quần đảo Hoàng Sa.
Một sê-ri các cuộc thăm do và vét của tàu de Lanessan trên các tầng đáy biển mà những đảo san hô và đảo nhỏ trong quần đảo Hoàng Sa nhô lên, cho thấy tầng đáy biển, ở độ sâu thay đổi từ 40 đến 100 mét, là được cấu tạo bởi các dãy san hô, phủ trên tầng đáy biển ở mọi nơi mà sự trong suốt của nước cho phép sự phát triển của san hô tạo nên các rạng san hô.”
Tàu khảo cứu de Lanessan là tàu hơi nước với trọng tải 750 tấn là tàu hiện đại đã được Viện Hải dương học Đông Dương (Nha Trang) mua ở Pháp tvào năm 1924 trong đề án do ông giám đốc Dr. Krempf thực hiện. Tàu hoạt động trong chuyến nghiên cứu đầu tiên vào tháng 4 năm 1925 (80). Tàu khảo cứu de Lanessan đã được Viện Hải dương học Đông Dương (Nha Trang) dùng cho các cuộc khảo sát nghiên cứu ở Biển Đông, sông Cửu Long, biển Hồ, vịnh Bắc Bộ. Viện Hải dương học, do Dr Armand Krempf làm giám đốc, đã công bố nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học như P. Chanabaud, Armand Krempf, Pierre Chevey, Rose, Monod, Robson, Marcelet, Nguyễn Công Tiêu, Delacour, Jabouille,… Đặc biệt liên quan đến Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa là các bài báo cáo của
- Delacour & Jabouille, Oiseaux des iles paracels (Các loài chim ở quần đảo Hoàng Sa)
- C. Robson, Céphalopodes des mers d’Indochine
- Krempf, Risbec et Nguyen-Cong-Tieu, Communications présentées par l’Institut Océnographique de l’Indochine au Congrès scientifique du Pacifique, Java, 1929.
- Rose, Quelques remarques sur le Plankton des cotes d’Annam et du glofe de Siam
Các hoạt động nghiên cứu của tàu de Lanessan trong thời gian 1925-1929 được báo cáo trong bản báo cáo của Viện Hải dương học Đông Dương ở Nha Trang (trạm Cầu Đá) do nhà in Albert Portail (nay là nhà sách Xuân Thu) ở Sài-gòn in năm 1931
- Institut Océanographique de l’Indochine, Station maritime de Cauda, Province de Nhatrang, (côte d’Annam), 17th note “Campagnes de “De Lanessan” (1925-1929), Listes des Stations”, Gouvernement Général de l’Indochine, Saigon, Imprimerie Ạ Portail, rue Catinat, 1931.
trong đó có các cuộc khảo sát nghiên cứu trên quần đảo Trường Sa (Spratly) vào năm 1927, 1930 (ngày 12/7/1927, 12/4/1930 tại đảo (ilot) Spratly, ngày 13/4/1930 tại cụm san hô Récif Ladd, câu đêm 50 rắn biển), banc Macclesfield, iles des Pêcheurs (ngày 11/5/1927).
Và quần đảo Hoàng Sa từ ngày 21/6/1926 đến 26/7/1926
- Ngày 29/6/1926 đậu phía bắc đảo Tri Tôn, đo độ sâu và nhiệt độ nước
- Ngày 30/6/1926 đậu ở phía bắc cụm san hô Récif de la Découverte sau đó cực đông của đảo san hô này
- Ngày 1/7/1926, đậu ở đông nam đảo san hô Récif de la Découverte (Đá Lồi), và sau đó giữa đảo san hô này và đảo Passuh Keah (đảo Bạch Quy), đo dòng nước và nhiệt độ, thám hiểm cá clagun trong các atoll, xem xét các san hô, độ sâu, dùng đèn điện. Đậu 1 dặm cách đảo Passuh Keah (đảo Bạch Quy), và đảo san hô Récif Bombay (Đá Bông Bay)
- Ngày 2/7/1926, qua phía bắc đảo Linh Côn
- Ngày 3/7/1926, đậu ở đảo Phú Lâm
- Ngày 4/7/1926, qua phía bắc đảo Cây (ile à l’Arbre). Đậu phía bắc đảo Sableux (Đảo Cát)
Trên đảo Passhu Keah (đảo Bạch Quy) có rất nhiều chim làm tổ trên cát. Mõi nơi tàu đều đo nhiệt độ và dòng nước, xem xét san hô. Vết tích nhiều tàu bị đắm. Chụp hình và quan sát trên đảo Pyramide (Hòn Tháp, một tảng đá khổng lồ bị biển sói mòn, cao 2.5 mét trên mặt biển, rất nhiều chim biển trên đó). Điền dã các động vật, thực vật và địa chất. Xem xét các rùa biển thâu vớt được. Viếng nơi người Nhật khai thác phốt-phát. Quan sát các dòng nước. Đi điền dã trên đảo Rocheuse (Đảo Đá) và đảo Boisée (Phú Lâm). Rất rậm rạp cây cối, thu thập các loài chim, cua trên cát và đá, lấy các mẫu thực vật và các mẫu phốt-phát, đá san hô. Thấy loài chim Zosterops simplex. Viếng đảo Sableux (Đảo Cát), không có cây cối thực vật nào
- Ngày 5/7/1926, đến điểm nam của nhóm Croissant (Lưỡi Liềm), đậu ở Đông Nam đảo Roberts. Xuống đảo Roberts (đảo Hữu Nhật) viếng cơ sở xưa khai thác phốt-phát của người Nhật. Tìm hiểu về bắt và câu tôm hùm trong vùng. Làng Rôn là trung tâm duy nhất chuyên đánh bắt tôm hùm vào tháng 10 đến tháng một (theo thông tin lấy từ làng Lý Hoa). Viếng thăm miệng núi lửa trên đảo và chụp các hình. Lấy các mẫu san hô, pkancton, đo độ sâu, chụp hình quang cảnh.
Ngoài ra còn các cuộc khảo sát ở vịnh Xiêm La, dọc bờ biển miền trung (Phan Thết, Mủi Kê Gà, Nha Trang, Cam Ranh, Mủi Né, vịnh Vân Phong, Vũng Rô, Cap Varella, vịnh Qui Nhơn), sông Sài-Gòn, cửa Soài Rạp, Cần Giờ, sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu), Cửa Tiểu, Tân Châu, Phnom Penh, biển hồ Tonlé Sap, Vũng Tàu, Côn Đảo, Dương Đông, Phú Quốc, Nam Căn, Bạch Long Vĩ (vịnh Bắc bộ)
Quyển sách của Pierre Chevey do Viện Hải dương học xuất bản sau chuyến khảo sát của tàu De Lanessan có mô tả 33 loài cá biển và 17 cá nước ngọt ở Việt Nam. Sách có hình ảnh do Lưu Khắc Khiêm vẽ màu nước in rất đẹp
- P Chavey, Iconographie ichtyologique de l’Indochine: Poissons des campagnes du “de Lanessan” (1925-1929). 1re partie., Institut Océanographique de l’Indochine, Saigon 1932
(trái) Loài cá nước biển Antennarius Hispidus (Bloch & Schneider) (phải) loài cá sông Datnioides Microlepis (nguồn: P Chavey, Iconographie ichtyologique de l’Indochine: Poissons des campagnes du “de Lanessan”, https://current.schierenberg.nl/product/16588/)
Tương tự như Pierre Chavey, quyển của T. Monod xuất bản năm 1934 về các loài động vật giáp xác thâu thập được ở biển Việt Nam và vịnh Xiêm La tại các nơi trong các chuyến đi khảo sát trên tàu de Lanessan từ năm 1925 đến 1929 như đã liệt kê trong sách “Campagnes de “De Lanessan” (1925-1929), Listes des Stations” ở trên.
- Monod, T. (1934) Isopodes marins des campagnes du “de Lanessan”. Saigon, Gouvernement Général de l’Indochine, 22pp. (Institut Océanographique de l’Indochine. Station Maritime de Cauda, Nha Trang, Viet Nam, Note, 23)
Theo tờ L’Éveil de l’Indochine (21/2/1932) thì ngày 16/5/1931, tàu khảo cứu de Lanessan rời xưởng Ba Son ở Sài-Gòn để bắt đầu một chu kỳ khảo cứu mới về hải dương, động thực vật học và khai thác mỏ đến quần đảo Hoàng Sa.
Những tư liệu trên cho thấy chỉ có Việt Nam dưới thời Pháp thuộc là nước duy nhất có những hoạt động nghiên cứu khoa học ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Tài liệu tham khảo
(1) Écho Annamite, 2/8/1939
(2) Saigon, 9/7/1938, 11/7/1938, 12/7/1938
(3) L’Éveil économique de l’Indochine, 21/2/1932, 23/4/1933
(4) L’Institut océanographique de l’Indochine / Exposition coloniale internationale, Paris, 1931, Indochine française, Section des sciences, Impr. d’Extrême-Orient (Hanoï), 1931.
(5) Olivier Saix, Ile Paracels, La Géographie: bulletin de la Société de géographie, Société de géographie, Paris, pp. 232-243, 11/1933.
(6) Tràng An báo, 22/7/1938, 26/7/1938, 29/7/1938
Bài viết này được biên tập từ sách “Sài Gòn và Nam kỳ trong thời kỳ Canh tân 1875 – 1925”, NXB Văn Hóa – Văn Nghệ, 2019 của tác giả.
Bạn có thể thích
Về giao thông và dự án xe lửa cao tốc ở Việt Nam
Giới thiệu sách “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân.”
Về lịch sử và chiến lược xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc ở Trung Quốc
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng