Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Nan đề năng lượng và môi trường của Việt Nam – Phần 3: Phát triển hành lang pháp lý và sáng tạo công nghệ

Tô Văn Trường

Published on

Tô Văn Trường

NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 1: PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG VÀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 2: VỊ TRÍ CỦA ĐIỆN THAN TRONG BÀI TOÁN NĂNG LƯỢNG

NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 3: PHÁT TRIỂN HÀNH LANG PHÁP LÝ VÀ SÁNG TẠO CÔNG NGHỆ

 

  1. Tình hình chung

Theo tài liệu của Bộ TNMT các nhà máy nhiệt điện đang vận hành tại Việt Nam ước tính năm 2020 tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm và phát sinh khoảng 20,5 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.

Về nhiệt điện than thì không nói, ai cũng biết là nó luôn thải ra CO2 góp phần làm trái đất nóng lên, tro và xỉ cần phải được xử lý. Tuy trong chất thải từ tro có một số chất độc hại, như các hóa chất, kim loại nặng, thậm chí cả phóng xạ, nhưng đều nằm trong tầm tay khoa học ngày nay. Thực tế cuộc sống đòi hỏi các ngành chức năng xây dựng tiêu chuẩn cho tro và xỉ nhà máy nhiệt điện.

Về pháp chế, cần có tiêu chuẩn cả cho nguyên liệu lẫn sản phẩm. Gạch không nung làm từ xi măng và cát hay đá dăm thì được phép, nhưng giá vẫn cao; còn gạch làm từ tro xỉ thì chưa có hành lang pháp lý.

  1. Giải pháp

Theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường Việt Nam, tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, sau khi được phân định, phân loại là chất thải rắn công nghiệp thông thường thì được khuyến khích tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu, vật liệu cho các ngành nghề sản xuất khác nếu đáp ứng hoặc phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng Việt Nam ban hành.

  1. Pháp lý

Cho đến nay, các Bộ/ ngành có trách nhiệm của Việt Nam chưa xây dựng các tiêu chuẩn cho việc xả thải tro và xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chưa quy định thế nào thì được coi là chất thải thông thường, như thế nào thì bị coi là chất thải nguy hại, để người xả thải và người sử dụng chất thải dựa vào cơ sở đó hành động mà không sợ phạm pháp.

Tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

  • Các tiêu chuẩn quốc gia đã ban hành trước thời điểm ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ: TCVN 6882:2001 phụ gia khoáng cho xi măng, áp dụng cho tro bay và tro đáy; TCVN 8825:2011 phụ gia khoáng cho bê tông đầm lăn, áp dụng cho tro bay, tro đáy; TCVN 7570: 2006 cốt liệu cho bê tông và vữa, áp dụng cho tro đáy; TCVN 4315:2007 xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng; TCVN 11586:2016 xỉ hạt lò cao nghiền mịn cho bê tông và vữa xây dựng; TCVN 10302:2014 phụ gia hoạt tính tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng.
  • Các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và chỉ dẫn kỹ thuật đã ban hành sau thời điểm ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ: TCVN 11833:2017 thạch cao phốt pho làm phụ gia cho sản xuất xi măng; Quyết định số 430/QĐ-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chỉ dẫn kỹ thuật “Xỉ gang và xỉ thép sử dụng làm vật liệu xây dựng”; QCVN 16:2017/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.

Như vậy, việc sử dụng tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện vẫn chưa được quy chuẩn hóa cụ thể.

Tro xỉ thải có thể làm phụ gia xi măng, phụ gia bê tông, vật liệu xây không nung vật liệu san nền v.v… Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở chi phí chuyên chở và thủ tục cấp phép chuyên chở do thị trường tiêu thụ nhìn chung không gần nhà máy.

Các chất gây ô nhiễm không khí Sox (Sulfur oxit), NOx (Oxit nitơ) trong tro xỉ thải đều có các hệ thống khử chuyên dụng và đều có thiết bị đo, giám sát chuyên dụng rồi. Cái Việt Nam cần đơn giản là giám sát chặt chẽ và tạo ra các quy định về phát thải cho phù hợp với tình hình chung trong nước và trên thế giới. Tốt hơn nữa thì chôn lấp CO2 để tạo ra phát thải khí bằng 0. Nhưng giải pháp này rất đắt. Việt Nam có thể chờ công nghệ tiên tiến phát triển để rẻ hơn. Một số giải pháp công nghệ cao khác đang được nghiên cứu và phát triển như công nghệ IGCC (khí hóa than trước rồi phát điện theo chu trình hỗn hợp); hấp thụ khí CO2 bằng các loại thực vật đặc trưng để nó phát triển rồi lại trở thành nhiên liệu.

  1. Giải pháp công nghệ

Việc xử lý tro xỉ nhiệt điện than ở Việt Nam có điểm rất khác so với thế giới, đó là tro xỉ của Việt Nam có hàm lượng than dư (chưa cháy hết) rất cao, không thể dùng làm phụ gia xi măng hay làm bê tông đầm lăn ngay được. Muốn sử dụng được cho xi măng hay kết hợp với xi măng thì phải tuyển loại than dư xuống dưới 6%.

Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện than có xử lý lưu huỳnh làm hàm lượng Canxi tăng cao (tro bay lớp/loại C) thì càng không sử dụng làm phụ gia xi măng được. Một phần nhỏ tro bay của Việt Nam đáp ứng yêu cầu sử dụng làm phụ gia xi măng là từ các nhà máy nhiệt điện chạy theo công nghệ tiên tiến, có hàm lượng than dư dưới 6% và phần thạch cao từ xử lý SO2 được tách riêng (như nhiệt điện Thái Bình 1).

Hình 6. Một giấy chứng nhận hợp chuẩn được cấp cho cơ sở xử lý tro bay phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ASTEM C618-08a để sử dụng trong bê tông.

Nói đến sử dụng tro bay làm phụ gia xi măng cũng không đơn giản vì khi thêm tro bay vào xi măng, thời gian cần thiết để bê tông đạt tiêu chuẩn kéo dài hơn so với bê tông không có tro bay. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình, cho nên các nhà thầu không thích và không dùng. Muốn họ dùng thì phải có chính sách ưu đãi.

Ít ra thì xỉ vẫn có thể làm vật liệu san lắp trực tiếp, hay đóng bánh làm vật liệu san lắp cho các công trình sụt lở, bồi đắp lấn biển. Ở Hungary, tất cả các bờ bao hồ chứa chất thải như bùn đỏ, người ta sử dụng xi măng từ tro bay.

         3. Lời kết – Việt Nam cần phát triển hành lang pháp lý và sáng tạo công nghệ

Xét tổng thể từ những nhận thức khoa học về vấn đề năng lượng và môi trường nêu ở Phần 1, kinh nghiệm xử lý vấn đề điện than trong tổng thể bài toán năng lượng của các nước trên thế giới như được nêu ở Phần 2 và tình hình khai thác điện than ở Việt Nam được nêu ở trên, chúng ta có thể có một số kết luận như sau:

Riêng về khoản xử lý tro, xỉ nhiệt điện than (loại không dùng được cho xi măng) thì thực sự là trong tầm tay của công nghệ Việt Nam nhưng chết vì hai nguyên nhân: thiếu hành lang pháp lý và chưa có công nghệ phù hợp.

Về pháp lý, chính phủ đã phân công chức năng nhiệm vụ cho các Bộ ngành rõ ràng trong Quyết định số 1696/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 452/2017/QĐ-TTg. Vấn đề ách tắc là do sự chậm trễ của các bộ, ngành trong việc triển khai các hướng dẫn, chương trình phù hợp với các quyết định này.

Về công nghệ, do đặc tính than của Việt Nam có hàm lượng tro cao, thuộc loại than khó cháy nên hàm lượng carbon tồn dư trong tro xỉ cao, chất lượng tro xỉ không phù hợp với yêu cầu sản xuất, nên các doanh nghiệp liên quan không muốn mua.

Do đó, nghiên cứu tìm ra giải pháp khoa học công nghệ phù hợp về kinh tế – kỹ thuật, cùng với đổi mới cơ chế chính sách để giải quyết vấn đề này là cần thiết để tiếp tục xử lý những khó khăn trong sự phát triển năng lượng của Việt Nam.

NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 1: PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG VÀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 2: VỊ TRÍ CỦA ĐIỆN THAN TRONG BÀI TOÁN NĂNG LƯỢNG

NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 3: PHÁT TRIỂN HÀNH LANG PHÁP LÝ VÀ SÁNG TẠO CÔNG NGHỆ

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ