Nguyễn Văn Chữ
Tóm lược:
Mục tiêu của bài viết này là:
(i) lý giải lý thuyết Bàn tay Vô hình của Adam Smith;
(ii) tóm lược những biến chuyển kinh tế, chính trị, xã hội, và công nghệ đã trói Bàn tay Vô hình, vô hiệu hóa sự hữu hiệu của chủ thuyết kinh tế “thị trường” cổ điển theo giả thuyết Bàn tay Vô hình và “cung tạo ra cầu” của Đinh luật Say;
(iii) tóm lược những biến chuyển đưa đến chủ thuyết kinh tế thị trường mới, thuyết giảng và chứng minh rằng trong điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, và công nghệ mới, chính phủ phải dùng công cụ của chính sách tài chính công và tiền tệ để điều tiết hoạt động kinh tế quốc gia;
(iv) do nhu cầu can thiệp của chính quyền, các quốc gia phát triển ngày nay đều có nền kinh tế pha trộn (mixed economy);
(v) Việt Nam với thể chế độc đảng, toàn trị, và nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, dựa vào bản chất pha trộn của các nền kinh tế phát triển để đưa ra những biện minh yêu cầu Mỹ công nhận có nền kinh tế thị trường;
(vi) dựa trên dữ liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF) và chính sách phát triển của thể chế Việt Nam đưa ra giả thuyết tại sao Hà Nội gấp rút yêu cầu Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
(vii) liệt kê 6 tiêu chí mà Bộ Thương Mại (BTM) Mỹ căn cứ để xem xét các quốc gia đối tác có “nền kinh tế thị trường” hay không;
(viii) tóm lược luận cứ Hà Nội và thư gửi BTM Mỹ của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (the US-ASEAN Business Council) về nền kinh tế Việt Nam, và đưa những điều bất cập trên bình diện lý thuyết và thực tiễn đã và đang xẩy ra tại Việt Nam như là những phản biện;
và sau cùng (ix) đưa ra một vài suy tư để thay lời kết.
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 1)
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 2)
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 3)
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 4)
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 5)
Dẫn nhập
Sau năm 1975, thể chế độc đảng, chế độ công sản, luận cứ đảng cử, dân bầu, và qui trình phối trí lao động theo nguyên tắc hồng hơn chuyên trong nền kinh tế trung ương hoạch định của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đưa toàn thể đất nước này vào một thời gian cực kỳ khó khăn, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng này đe dọa sự tồn tại của đảng Cộng Sản và thể chế vào các năm đầu của thập niên 1980.
Trong tình huống đó, Việt Nam đã đưa ra kế hoạch đổi mới, trong đó trên lý thuyết hoạt động kinh tế theo mô hình trung ương hoạch định được chuyển đổi sang mô hình kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, vào năm 1986. Mô hình mới đặt khu vực quốc doanh và ngoại thương là cốt lõi hay vai trò mũi nhọn trong kế sách phát triển kinh tế quốc gia.
Do được điều kiện hóa trong một văn hóa, môi trường kinh tế, và kinh doanh của phần định hướng của xã hội chủ nghĩa – bao gồm cả chính sách công hữu và đặt lãnh vực quốc doanh vào vai trò mũi nhọn trong kế sách phát triển kinh tế của chính sách kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa mà chính phủ VN theo đuổi trong nhiều thập niên, nên trong quá trình hội nhập vào cộng đồng thế giới hơn 30 năm qua, cấp lãnh đạo VN đã không thể mà cũng không cần kiến tạo một xã hội công bằng, một nhà nước có trách nhiệm, và minh bạch.
Trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, hai học giả về phát triển kinh tế thế giới, đầy uy tín và am tường về VN, Klingler-Vidra và Wade (2020), chỉ rằng chính sách công nghệ hóa tuyên bố một đàng mà thực thi một nẻo tại quốc gia này sẽ không có triển vọng cho sự tăng trưởng bền vững. Đồng thời, nông sản có tỷ trọng quan trọng trong tài khoản xuất khẩu của VN, nhất là gạo và thuỷ sản nuôi; nhưng vấn đề nhiễm mặn, và do kinh đào Phù Nam Techo, sự hâm nóng môi trường, sự nhiễm mặn sẽ nghiêm trọng hơn, đang và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng trong quá trình canh tác và nuôi thủy sản của VN.
Mặc dù, Tổng cục Thống kê thu thập dữ liệu thống kê và toàn bộ hệ thống truyền thông của nhà nước theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo của Đảng báo cáo phát triển vang dội; nhưng dữ liệu thống kê do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund – IMF) thu thập và lưu trữ cho thấy trong năm 2022, giá trị xuất siêu của Việt Nam đến Mỹ, Trung Cộng, Liên Âu, và toàn thế giới, theo thứ tự, là 94.672,73; -59.235,65; 27.476,65; và 13.392,93 triệu Mỹ kim (IMF, 2023). Hai điểm quan trọng sau đây về ngoại thương của Việt Nam cần nêu ra để lượng giá tình trạng kinh tế vĩ mô và sự phát triển của quốc gia này:
Thứ nhất, tổng sản lượng quốc nội (Gross Domestic Product – GDP) của VN trong năm 2022 là 406,00 tỷ Mỹ kim và tổng số xuất cảng và nhập cảng của Việt Nam chiết tính bằng phần trăm của GDP, là chỉ số đo độ mở của nền kinh tế, trong cùng năm là 166,60 % (IMF, 2024). Chỉ số này cho thấy nền kinh tế VN quấn quyện sâu đậm nên lệ thuộc sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Thứ hai, Việt Nam và Trung Quốc có một biên giới chung khá dài và nhiều cửa khẩu cùng với tình trạng tham nhũng khủng khiếp tại Việt Nam nên nếu bao gồm trị giá của hàng nhập lậu từ Trung Quốc thì sự khiếm hụt của ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ rất nghiêm trọng hơn là -59.235,65 triệu Mỹ kim như báo cáo; đồng thời, báo cáo kiều hối gửi vào Việt Nam trong năm là trên dưới 16 tỷ Mỹ kim.
Truyền thông Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng Sản (ĐCS) rao giảng rằng nhờ tài năng lãnh đạo của Đảng nên, dù với sự đình trệ của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, các dữ liệu thống kê và hai điểm tiềm ẩn trong các dữ liệu vừa nêu, cho thấy hoạt động kinh tế vĩ mô của Việt Nam không như rao giảng mà đang lảng vảng trước bẫy thu nhập trung bình.
Hơn nữa, vấn nạn nghiêm trọng này là do thể chế cũng như chính sách mà đảng và nhà nước Việt Nam đã theo đuổi nhiều năm qua và hiện nay họ không có khả năng tự giải thoát. Do đó, đảng và nhà nước ban hành Nghị Quyết 1334 để thu hút nguồn tài chính và chất xám của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như tập trung toàn bộ các phương cách để yêu cầu Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhằm giải quyết vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, như bao nhiêu lần trước, yêu cầu này đã bị BTM Mỹ khước từ vào ngày 2 tháng 8, năm 2024, dựa trên phân tích chuyên sâu theo các tiêu chí luật pháp quy định trong mục 771 (18) của Đạo luật Thuế quan năm 1930.
Từ góc nhìn lịch sử của ngôn ngữ thì cụm từ kinh tế thị trường như một số cụm từ trừu tượng khác, như yêu chẳng hạn, có cùng bản chất là hầu hết chúng ta dùng hàng ngày và cho rằng mình hoàn toàn hiểu ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên, nếu ai đó hỏi kinh tế thị trường là gì thì hầu hết chúng ta sẽ phải ngập ngừng để suy tư và đồng hóa cụm từ nầy với Adam Smith của thế kỷ thứ 18. Hơn nữa, ngược dòng thời gian cho thấy rằng bản chất của các nền kinh tế của các quốc gia phát triển ngày này không còn bản chất của kinh tế thị trường của ba thế kỷ trước.
Đồng thời, xuyên không gian cho thấy vì khác mục tiêu của chính sách kinh tế đưa đến dị biệt bản chất của các nền kinh tế tại các quốc gia tiến bộ ngày nay. Lẽ đương nhiên, khi yêu cầu Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, Hà Nội đã phải đưa ra lập luận để biện minh rằng nền kinh tế Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Đảng và nhà nước đã thỏa mãn các tiêu chí mà BTM Mỹ dựa vào để xem xét một quốc gia có kinh tế thị trường hay không.
Do những lý do trên, bài viết này cố gắng lý giải/trình bày các vấn đề sau đây:
- Ý nghĩa của cụm từ kinh tế thị trướng và cách vận hành của nền kinh tế thị trường gần ba thế kỷ trước;
- Các biến đổi đưa đến bản chất của nền kinh tế thị trường ngày nay;
- Các khác biệt bản chất của các nền kinh tế của các quốc gia phát triển;
- Do sự biến đổi qua thời gian và khác biệt xuyên không gian trên, bài viết này sẽ báo cáo 6 tiêu chí mà BTM Mỹ dựa vào để xem xét một quốc gia có kinh tế thị trường hay không (ý nghĩa của cụm từ Kinh tế Thị trường ngày nay);
- Sự thích nghi của lập luận Hà Nội và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN đưa ra để biện hộ cho nền kinh tế thị trường cho Việt Nam; và,
- Một vài suy tư thay lời kết.
1. Ý nghĩa của cụm từ “kinh tế thị trường”
Tổng quan thì lý thuyết về kinh tế thị trường bắt nguồn từ giả thuyết Bàn tay Vô hình của Adam Smith với một giả định ngầm về việc điều chỉnh giá thị trường hoàn chỉnh (an implicit assumption on the complete market price adjustments, both upward and downward) và Định luật Say sau đây:
- Giả thuyết Bàn tay Vô hình của Adam Smith
Về mặc kinh tế vi mô (Microeconomics), Adam Smith (The Wealth of Nations,1776) giả thuyết rằng nền kinh tế hiệu quả nhất là một hệ thống trong đó các cá nhân và doanh nghiệp có thể tự do theo đuổi lợi ích cá nhân hoặc kinh doanh của họ mà không cần bất kỳ hướng dẫn hoặc quy định nào của chính phủ (laissez-faire). Tương tác giữa người tiêu dùng hay đơn vị kinh tế tiêu thụ và doanh nghiệp hay các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ quyết định những gì sẽ được sản xuất để cung cấp ra thị trường và ở mức giá nào; hay trả lời ba câu hỏi cơ bản của lý thuyết kinh tế vi mô hiện đại:
- Sản xuẩt những gì?
- Sản xuất bằng cách nào? Và,
- Sản xuất cho ai?
Đây là giả thuyết cơ bản của Adam Smith về nền kinh tế thị trường và được mệnh danh là “Bàn tay Vô hình” trong lãnh vực kinh tế vi mô trong thế kỷ thứ 18.
Về mặt kinh tế vĩ mô (macroeconomics), định luật Say (Jean-Baptiste Say; một lý thuyết gia về kinh tế chính trị, 1803) giả thuyết rằng: cung tạo ra cầu của chính nó. Cung tạo ra cầu của chính nó được hiểu là khi một nền kinh tế với một số lượng nào đó của các yếu tố sản xuất là tư bản, bao gồm mức độ kỹ thuật tích chứa, và lực lượng lao động, bao gồm kỹ năng, sẽ sản xuất một số lượng sản phẩm và dịch vụ trị giá bằng một số đo nào đó mà trong thuật ngữ thời thượng ngày nay là GDP. Và, giá trị của các sản phẩm và dịch vụ này hay GDP cũng là mãi lực của nền kinh tế để mua các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất.
- Giả thuyết tiềm ẩn về điều chỉnh giá thị trường hoàn chỉnh của Adam Smith
Một giả định dù tiềm ẩn nhưng vô cùng quan trọng trong giả thuyết Bàn tay Vô hình của Adam Smith là giả thuyết về điều chỉnh giá thị trường hoàn chỉnh, mang ý nghĩa là giá cả thị trường của bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào sẽ tăng, không bị bất cứ cản trở nào, khi có sự thiếu hụt; hay số lượng cầu lớn hơn số lượng cung, trong thị trường đó (bao gồm cả thị trường nhân dụng, vì tiền lương là giá của dịch vụ lao động). Ngược lại, giá cả thị trường của bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào sẽ giảm, không bị bất cứ cản trở nào, khi có thặng dư; hay số lượng cầu nhỏ hơn số lượng cung, trong thị trường đó (bao gồm cả thị trường lao động).
- Sự cân bằng kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô
Bàn tay Vô hình với giả định về điều chỉnh giá thị trường hoàn chỉnh của Adam Smith và Định luật Say đảm bảo cầu luôn bằng cung ở tất cả các thị trường riêng lẻ, bao gồm cả thị trường lao động hay thị trường nhân dụng, của nền kinh tế. Một cách chi tiết hơn, Định luật Say lý luận rằng tổng cung trong nền kinh tế luôn bằng tổng cầu. Trong khi đó, Bàn tay Vô hình của Smith giả thuyết rằng sự thặng dư hay thiếu hụt, được hiểu là mất cân bằng, trong bất kỳ một thị trường riêng lẻ nào chỉ là trạng thái tạm thời vì giá của sản phẩm hay dịch vụ đó sẽ điều chỉnh nên sẽ đưa đến một trạng thái cân bằng mới. Và, đây là trạng thái quân bình vĩ mô trong nền kinh tế.
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 1)
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 2)
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 3)
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 4)
Một Vài Suy Tư Về Khái Niệm Kinh Tế Thị Trường Của Bộ Thương Mại Mỹ Và Chính Quyền Việt Nam (phần 5)