Connect with us

Văn hóa xã hội

Không gian Rhizome (thân rễ) trong truyện hư cấu của Jorge Luis Borges

Vũ Thị Kiều Chinh

Published on

Vũ Thị Kiều Chinh

Tóm tắt: Bài viết phân tích một số đặc điểm mô hình không gian trong bốn truyện ngắn rút ra từ tập “Truyện hư cấu” của Jorge Luis Borges trong tương quan với khái niệm triết học “ri-zôm” (rhizome, nghĩa là “thân rễ” [i]) ) mà Gilles Deleuze và Félix Guattari đã đề xuất. Qua đó, tính chất kết nối, dị biệt, tính đa tạp, hay khả năng đứt gãy của không gian kiểu rhizome có thể tìm thấy những nét tương đồng trong các mô tả của Borges. Từ đây, có thể rút ra những gợi ý đọc khác, cách tư duy mới về mô hình của thế giới, nơi những nguyên tắc và cấu trúc phân tầng truyền thống khó có thể được duy trì mà nhường chỗ cho toàn bộ những khả năng “trở thành”.

Philosophy is the art of forming, inventing, and fabricating concepts” but “concepts need conceptual personae that contribute to their definition. (Triết học là nghệ thuật tạo hình, phát minh và chế tác các khái niệm, nhưng các khái niệm lại cần đến những “nhân vật khái niệm” giúp định nghĩa chúng.)[ii]  – Gilles Deleuze

Năm 2023, tác phẩm Truyện hư cấu (tên gốc: Ficciones) của nhà văn người Argentina, Jorge Luis Borges, được Nguyễn An Lý dịch và giới thiệu tới độc giả Việt Nam, đồng thời tạo ra một làn sóng đọc lại và đọc tiếp các tác phẩm thuộc nền văn học Mỹ – Latinh mà hạt nhân là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism). Ra đời từ năm 1944, tập truyện của Borges sau gần một thế kỉ vẫn là một tác phẩm khó đọc, giàu tính triết luận, “thực trong hư, hư trong thực”[iii] – theo nhận xét của dịch giả. Đứng trước một tác phẩm như Truyện hư cấu, bài viết này là nỗ lực đọc hiểu tập truyện mà các yếu tố hư – thực giao cắt, chồng chất lên nhau như một “mê cung” cho tiếp nhận bằng việc mượn cách tiếp cận của triết học Gilles Deleuze và Felix Guattari. Mặt khác, chính trong không gian của một tác phẩm văn học cụ thể, những suy tư về thế giới theo mô hình triết học có tính lưu động của Deleuze và Guattari cũng có cơ hội được thể nghiệm. Trong tiểu luận Triết học là gì? (What is Philosophy), chính Deleuze cũng thừa nhận nhu cầu được diễn giải thông qua các hình tượng cụ thể của triết học: “Triết học là nghệ thuật tạo hình, phát minh và chế tác các khái niệm, nhưng các khái niệm lại cần đến những “nhân vật khái niệm” giúp định nghĩa chúng.”[iv] Công trình Kafka – vì một nền văn học thiểu số xuất bản năm 1975 là một minh chứng điển hình cho tiềm năng của triết học Deleuze trong việc tạo ra những cách đọc mới về văn học, cùng lúc chứng tỏ rằng, những tác phẩm văn học đích thực cần mẫn đào sâu vào những vỉa tầng phức tạp của con người sẽ có thể dự báo hay dung nạp những mô hình tư duy đến sau nó.

Bài viết này tiến hành phân tích một số không gian xuất hiện trong các truyện ngắn rút ra từ tập Truyện hư cấu của Borges như “Khu vườn những lối đi rẽ đôi”, “Thư viện Babel”, “Pierre Menard, tác giả Don Quijote”, “Cái chết và la bàn”… trong tương quan với mô hình rhizome (thân rễ) mà Gilles Deleuze và Felix Guattari đã đề xuất trong công trình ra đời từ những năm 70 của thế kỉ trước: Một ngàn cao nguyên: Chủ nghĩa tư bản và Bệnh tâm thần phân liệt (A Thousand Plateaus: Capitalism and Schizophrenia). Trong đó, rhizome là một kiểu tư duy, một phương thức biểu đạt, một cách triết luận và nhờ đó, có thể tìm thấy được một “đường” để đi lần vào quan niệm về thế giới tương đối phức tạp của Jorge Luis Borges. Bài viết không phân tích, diễn giải tác phẩm của Borges như một minh họa, một dẫn chứng để làm cụ thể hóa cho những luận điểm triết học của Gilles Deleuze và Felix Guattari (thực tế, tập truyện của Borges ra đời trước gần 30 năm), mà đúng hơn, đặt ngôn ngữ diễn tả khái niệm rhizome song song với ngôn ngữ miêu tả không gian của Borges để cả hai ngôn ngữ cùng nói về nhau, mô tả lẫn nhau và đồng thời biểu đạt rõ hơn về chính nó.

 “Hư cấu” hay một thế giới của sự “trở thành”

Một trong những cơ sở cho khả năng gặp gỡ giữa văn chương của Borges và triết học về thân rễ của Deleuze & Guattari là tính gợi hình. Không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm của Borges khi được xuất bản, hầu hết đều có những trang bìa chứa các dạng hình khối kì lạ (xem ảnh). Những hình khối này gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác, theo đúng chức năng của một trang bìa, nhưng bên cạnh đó, chúng có tính chất minh họa đúng nghĩa, bởi phần lớn các truyện của Borges đều xuất hiện những mô tả không gian bằng các đường, đoạn, chiều, khối, góc… Trong phần lớn những câu chuyện tưởng tượng của Borges, thế giới tồn tại hết sức cụ thể trong những khung cảnh khả thị, một khu vườn có những lối rẽ, hành lang với những chiếc gương, thư viện quốc gia và giá sách… Những hình thức tưởng chừng đã ổn định và được Borges tỉ mỉ mô tả từng trang, từng trang như thể ông đã quan sát nó hàng năm trời và nắm bắt được toàn bộ chi tiết, nhưng khi thử sử dụng lí tính để cắt nghĩa thứ kiến trúc mà Borges đang thiết kế thì lí tính bị vô hiệu hóa. Tính siêu thực của những không gian trong Truyện hư cấu lại thành thực thừa nhận tính hư cấu đã được báo trước, nhưng ngược lại, cũng thật khó để bác bỏ rằng một thế giới như Borges đã vẽ ra không tồn tại trên đời (giống như việc không thể hiểu được chứng tâm thần phân liệt nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của trạng thái tâm thần đó). Thế giới trong những câu chuyện này đẩy qua đẩy lại giữa tính vật chất và ý niệm, giữa tư duy logic của khoa học và logic của hình tượng. Khoảng ở giữa rất lưu động, biến hóa này gần gũi với những “hình tượng” trong triết học của Deleuze & Guattari: những cao nguyên (plateaus), thân rễ (rhizome), cơ thể không bộ phận (body without organs), đường thoát (line of flight),… Deleuze & Guattari giới thiệu về thân rễ trong chương đầu của Một ngàn cao nguyên: Chủ nghĩa tư bản và Bệnh tâm thần phân liệt, cùng với tất cả những khái niệm nêu trên, làm thành một cuốn “từ điển” để hiểu về thứ triết học “trở thành” (becoming) trong sự đối lập với thứ triết học tồn tại (being) như một sản phẩm tiêu biểu của thời kì hậu cấu trúc. Thế giới của Borges có thể không tồn tại nhưng lại tiềm tàng khả năng “trở thành” như vậy.

Không gian của Borges như những mô hình ri-zôm

Rhizome (thân rễ) là khái niệm sinh học dùng để chỉ những loài thực vật mà bộ rễ của chúng phát triển theo chiều ngang, thân và rễ là một. Thân rễ khác với rễ cọc ở chỗ, rễ cọc được tổ chức theo mô hình: từ một rễ chính, to khỏe hơn cả cắm xuống đất, làm trụ cột cho những rễ phụ mọc xiên về các hướng. Rễ cọc được coi Deleuze coi là hình ảnh của kiểu tư duy nhị phân (binary thinking), khi các khái niệm dù trừu tượng, phức tạp đến đâu cũng có thể quy giản thành một mệnh đề (rễ chính) với chỉ hai khả năng: có hoặc không, đúng hoặc sai, trai hay gái, đạo đức hay phi đạo đức,… Trong khi đó, thân rễ hay rhizome là một kiểu kết nối không tuân theo bất cứ cấu trúc nào, tất cả các đường đều cùng tồn tại bình đẳng, không chính, không phụ, như rễ của cỏ gà, mô hình của mạng lưới Internet, các kết nối của neuron trong não người. Thân rễ có thể được cho là một kiểu tư duy phản nhị phân, từ chối nhìn tất cả các vấn đề theo một trục chính, một quy chuẩn sẵn có cứng nhắc, bám chắc như rễ chính, thay vào đó, liên tục cơi nới, mở rộng, chồng lấn lên nhau tất cả các khả năng. Khi giới thiệu về rhizome, Gilles Deleuze và Félix Guattari đã đưa ra sáu nguyên tắc cơ bản của mô hình này, bao gồm: nguyên tắc kết nối (connection) và dị biệt (heterogeneity), nguyên tắc đa tạp (multiplicity), nguyên tắc đứt gãy theo một cách thức không có ý nghĩa (asignifying rupture), nguyên tắc bản đồ (cartography) và đề can (decalcomania)[v]. Những nguyên tắc này khi đưa vào làm lăng kính để lí giải sự trình hiện không gian trong Truyện hư cấu của Borges có thể giúp làm phát lộ những chiều kích về tư tưởng mà tác giả đã đục đẽo trong bản thiết kế của mình. Hiểu rhizome như một dạng hình học, một phương thức kết nối giữa các đường đồng thời cũng là một hệ hình tư duy, tập truyện ngắn vừa chứa đầy rẫy những không gian kiểu rhizome như thế về mặt vật lý, vừa chuyên chở một hình dung theo kiểu rhizome của tác giả khi quan sát thế giới.

Về nguyên tắc kết nối, theo Deleuze & Guattari, “bất kỳ một điểm nào của rhizome cũng có thể được kết nối với bất kỳ một điểm nào khác, và cần phải được kết nối.”[vi] Trong truyện ngắn “Khu vườn những lối đi rẽ đôi”, không gian khu vườn mà Thôi Bản – cụ tổ của nhân vật “tôi” – được nhắc đến trong một lá thư gửi lại hậu thế: “Ta để lại cho các tương lai khác nhau (không phải cho tất cả) khu vườn những lối đi rẽ đôi của ta.” Không có một khu vườn vật lý nào thực sự xuất hiện trong câu chuyện, không gian khu vườn, theo kiến giải của người kể chuyện, cần được hiểu như là một ẩn dụ của thời gian, và lối đi rẽ đôi kia thực chất là “sự rẽ nhánh trong thời gian, không phải trong không gian”[vii]. Những lối đi đó như là hình ảnh của “mạng những dòng thời gian đến gần nhau, rẽ nhánh khỏi nhau, cắt đứt nhau, hoặc đơn thuần là không biết đến nhau qua hàng thế kỷ”[viii]. Thoạt đầu, đây giống như là sự miêu tả không gian tuân theo mô hình nhị phân – rễ cọc, những lối đi rẽ đôi tương ứng với những lựa chọn, những sự loại trừ: lựa chọn bước vào một lối rẽ đồng nghĩa với việc tước bỏ, phủ định hoàn toàn những khả năng khác của những lối rẽ không được chọn. Nhưng trong mô tả của Borges, những lối rẽ này sau khi tách xa nhau, dần dần sẽ hợp lại hay song song vào một thời điểm nào đó, và nhờ thế, khiến chúng “chứa toàn bộ khả năng”[ix]. Điều này được diễn giải rõ hơn khi nhân vật “tôi” trong truyện ngắn nhận ra mối liên hệ giữa hình ảnh không gian của khu vườn với kĩ thuật viết tiểu thuyết của Thôi Bản. “Tôi” hiểu rằng chính khu vườn những lối đi rẽ đôi đó là một cuốn tiểu thuyết, trong đó nhân vật không lựa chọn một thứ và loại trừ những điều còn lại, mà là “kẻ  chọn – cùng một lúc – tất cả các đằng”[x], tạo ra một tình trạng kết nối đặc biệt khi mà những sự kiện hoàn toàn dị biệt, thậm chí mâu thuẫn, đối nghịch hoàn toàn với nhau có thể gặp gỡ và đồng thời xảy ra, như việc một nhân vật vừa có thể sống, vừa có thể chết trong cùng một thời điểm. Những tương lai vô số này tạo cho người kể chuyện một cảm giác về “sự nhung nhúc”[xi], khi mà các nhân vật, sự kiện chồng chéo nhập nhằng lên nhau. Và “nhung nhúc” có lẽ là tính từ tốt nhất để miêu tả khả năng kết nối vô tận của một ri-zôm. Rễ trong một rhizome không mọc ra theo quy luật mà liên tục sinh sôi, phát triển theo hướng không thể đoán định. Kẻ tham quan khu vườn rhizome có thể cùng lúc rẽ vào nhiều lối rẽ, các khả năng này song song hoặc chồng lên nhau, chen chúc, xâm lấn, va đập với nhau, tạo thành một trạng thái đồng hiện. Sự gặp gỡ, kết nối này hoàn toàn không cần thiết phải tuân theo quy luật nhân quả, các lối rẽ tồn tại dị biệt, độc lập, ngẫu nhiên trước khi giao nhau và sự gặp lại của chúng không cần thiết phải đem đến bất cứ ý nghĩa gì rõ ràng, cụ thể. Nhiệm vụ của chúng là tạo ra các khả năng “suy ra”. Trạng thái “rẽ nhánh” trong truyện ngắn này của Borges rõ ràng không phải là một thao tác nhị phân, khiến những lối đi càng ngày càng phân tách, mà thay vào đó, rẽ nhánh là để gặp lại, để tạo thành một mạng lưới kết nối, cơi nới vô hạn.

Tính đa tạp (multiplicity) của rhizome được Gilles Deleuze và Félix Guattari nhấn mạnh trong đối lập với mối tương quan Một/Nhiều. Một mô hình có tính đa tạp kiểu rhizome không phải bởi tính đa dạng, phong phú, cái nhiều của số lượng, mà là bởi tính phức tạp, vô tận, không thể cáo chung của nó, một tình trạng luôn dang dở, chưa hoàn thành. Zi-rôm không có điểm đầu hay điểm cuối mà tất cả các điều đều tồn tại bình đẳng như nhau trên một mặt phẳng. Tình trạng dang dở này được nhắc đến trong “Khu vườn những lối đi rẽ đôi” trong hình ảnh những bản nháp, mớ chép tay hỗn độn, không đầu, không cuối mà Thôi Bản đã để lại sau khi chết, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ đặc biệt lưu ý đến tính chất dang dở của mô hình không gian. Trong một truyện ngắn khác, “Cái chết và la bàn”, khi tìm ra quy luật từ vị trí xảy ra ba vụ án mạng – một tam giác đều, thám tử Lönnrot đã kì vọng và dự đoán được điểm thứ tư để ghép thành một hình thoi hoàn hảo, và chờ đợi tên sát nhân tại đó với hi vọng sẽ khép lại vụ án tại đây. Tư duy phá án của Lönnrot đi theo mô hình “rễ cọc” nhị phân khi các điểm liên kết với nhau theo một cấu trúc có sẵn, với một cú pháp riêng. Nhưng ván cờ bị lật ngược, tất cả những phán đoán của Lönnrot hóa ra đều nằm trong kế hoạch của Scharlach, kẻ mà được dự đoán là nạn nhân tiếp theo trở thành kẻ sát nhân, thám tử lại trở thành kẻ bị săn đuổi, truy lùng, rơi vào bẫy. Đây vẫn là cốt truyện kiểu “lật kèo” phổ biến trong tiểu thuyết trinh thám, điểm đáng chú ý ở đây là cách mà điểm thứ tư của hình thoi không gian không còn là điểm để kết thúc, mà mở ra những khả năng kết nối mới phía sau, khi nhân vật thám tử trước khi chết đề xuất thêm những mô hình không gian – mê cung mới cho kẻ sát nhân để áp dụng trong những kiếp sau nếu họ còn chạm mặt. “Mê cung của mày bị thừa ba đường”[xii], trước khi bị bắn, Lönnroth phá vỡ mô hình nhị phân, cắt đứt điểm cuối và đề xuất một “đường thẳng duy nhất và vô hình, vô tận”[xiii]. Bốn tội ác – bốn điểm của một tứ giác thì nhất định phải ở trên cùng một mặt phẳng, một trường không gian, nhưng khi bốn điểm được dàn ra để cùng nằm trên một đường thẳng như gợi ý của Lönnrot trước khi chết, thì đường thẳng đó có thể thuộc vào bất cứ mặt phẳng nào, bất cứ không gian nào khả thể, nó cho phép mình hiện diện ở những cuộc săn đuổi mới, thuộc về kiếp khác. Rhizome không có cấu trúc, không được kiến tạo bởi các điểm mà bởi các đường, nhờ thế mà các kết nối của rhizome luôn tiếp diễn, chính cái dang dở của rhizome làm nên cái “vô tận” của không gian, tính đa tạp khiến cho không gian rhizome trong truyện không thể bị mã hóa theo bất cứ nguyên tắc nào. Bên cạnh đó, cú chặt đứt điểm thứ tư của hình thoi gần như tương tự với cách mà Thôi Bản trong “Khu vườn những lối đi rẽ đôi” viết cuốn sách mê cung của mình: “nhân vật chính chết ở chương ba, sang chương bốn anh ta lại sống”[xiv] – Scharlach giả vờ là nạn nhân ở tội ác thứ ba, sang đến tội ác thứ tư, anh ta “hồi sinh” và thay đổi cục diện. Nói một cách khác, không gian vụ án bao trùm truyện ngắn “Cái chết và la bàn” là không gian dạng rhizome, một hình thức phi cấu trúc cho phép nó có thể được chặt đứt, bẻ gãy bất cứ kết nối nào mà không thực sự làm tổn hại nghiêm trọng đến bất cứ ý nghĩa nào của câu chuyện. Câu chuyện vốn không hướng đến một cái đích cụ thể nào, nếu thực sự tồn tại một ý nghĩa chung cuộc khả dĩ, thì chính là bởi nguyên tắc đứt gãy theo một cách thức không có ý nghĩa của rhizome (asignifying rupture).

Như đã nhắc tới phái trên, cái “vô tận” là một hệ quả tất yếu của tính đa tạp cũng như những nguyên tắc kết nối của một mô hình không gian kiểu ri-zôm. Ám ảnh vô tận này lặp lại trong nhiều suy tư khác nơi các nhân vật của Borges, đặc biệt là trong cách mô tả không gian của thư viện, gắn với những cuốn sách. Trong “Thư viện Babel”, chỉ cần theo dõi cách Borges triết luận về một cuốn sách khổng lồ được tạo ra từ sự kết hợp ngẫu nhiên chỉ từ 25 kí tự chính tả và “bản chất vô định hình và hỗn độn của gần như tất cả mọi cuốn sách”[xv], đã đủ để hình dung về một mô hình rhizome vĩ đại. Nhìn về góc độ không gian, mô tả về thư viện Babel gặp gỡ với các kiến tạo không gian trong “Cái chết và la bàn” – không gian của hình khối, đường và điểm. Trong đó, thư viện được cấu tạo nên từ vô số những hình lục giác của những kệ sách xếp chồng, của những căn phòng liên đới với nhau bằng giếng thông hơi. Thư viện phải gắn với những khối lục giác bởi các nhà duy tâm cho rằng, đó là “hình thức tất yếu của không gian tuyệt đối.” Những khối lục giác – con số 6 –  được đặt kín kẽ với nhau với một số lượng bất định trở thành những vòng tròn. Ý niệm tuyệt đối này gắn với một hình cầu, hoặc một cuốn sách hình tròn – tượng trưng của cái vô hạn tuần hoàn. Thư viện, nơi tập hợp những cuốn sách hỗn độn kia phải là nơi tập trung nhất ý niệm về cái vô tận đó, và vì thế không thể tìm được một cuốn sách khổng lồ có tất cả mọi danh mục. Ngay từ đầu truyện, Borges viết: “Vũ trụ (mà người khác gọi là Thư viện)”, đã đồng nhất hóa hình ảnh Thư viện và Vũ trụ. Thư viện, hay những cuốn sách không phải một hình thức mô phỏng lại thế giới này mà chính là Thế giới ấy, nói theo ngôn ngữ của Deleuze, Thư viện là “bản đồ” của Thế giới, chứ không phải một “bản can” sao chép.

Tính chất mở của một không gian ri-zôm, sự khác biệt giữa bản đồ và bản can còn được thể hiện trong “Pierre Menard, tác giả Don Quijote”, khi Borges, (có lẽ là) tưởng tượng ra một nhân vật nhà văn Pierre Menard của thế kỉ XX, sống tại Nimes, một thành phố cổ thuốc miền Đông Nam Nước Pháp trong sự kết nối với Cervantes thế kỉ XVII thuộc Tây Ban Nha. Pierre Menard đã dường như chép lại hoàn toàn “Don Quijote” với tham vọng “sáng tác ra những trang trùng khít – từng dòng một, từng từ một” với những trang viết của nhà văn người Tây Ban Nha. Thứ mà  Pierre Menard hướng đến không phải là “soạn ra một pho Quijote khác” mà là “bản thân bộ Quijote.” Ý tưởng nghe như một sự phi lý này lại là thứ có ý nghĩa trong một mô hình rhizome khi mà bất cứ điểm nào tồn tại trong rhizome không bao giờ là một bản can, một bản sao chép của một thứ gì đó. Mọi thứ dị biệt, không trùng lặp, cho dù là hai dòng văn giống hệt nhau được dẫn ra trong cả hai tác phẩm, chúng vẫn cứ là những dị biệt, chúng tồn tại song song, cùng với nhau và không cái nào là tấm gương phản chiếu của cái nào. Nhân vật trong truyện ngắn của Borges dường như luôn có sự thù địch nhất định với hình ảnh của những chiếc gương với chức năng nhân đôi, phản chiếu, như ở “Tlön, Uqbar, Obis Tertius”: “Gương và tư cách làm cha là những thứ khả ố bởi nó nhân bội và truyền bá vũ trụ này.”[xvi] Sự phản chiếu của những tấm gương phủ định tính chất vô tận của thế giới này, nếu một thứ có thể nhân đôi được lên, nghĩa là nó hữu hạn. Cái vô tận là một số 0 tròn trĩnh, không thể nhân lên, một số 0 khổng lồ không trùng khít với khuôn khổ, góc cạnh của bất cứ cái gương nào. Việc giao phối cũng như vậy, nhân đôi con người theo trục nhị phân – thứ mà một rhizome luôn muốn chống lại. Pierre Menard và Cervantes, Pháp và Tây Ban Nha, thế kỉ 20 và thế kỉ 17… đã kết nối với nhau trên nền tảng của thứ nguyên tắc đa tạp thuộc về rhizome đó, tạo ra một khả thể mà ở đó có một Don Quijote trùng khít với một Don Quijote mà lại không phải một bản sao chép.

Mê cung rhizome – câu đố hay lời giải?

Toàn bộ những không gian bên trên kết nối với một ý niệm lớn hơn, trừu tượng hơn cả – ý niệm về những mê cung. Hiểu mê cung như một không gian của những lối đi, ngõ ngách chằng chịt, những hành lang ngang dọc nối với nhau, một không gian mở với vô số những lối vào, một lời thách đố buộc người ta phải lựa chọn các lối rẽ… sẽ thấy tất cả những không gian khu vườn, thư viện, những lối đi… trên đều là những mê cung. Ý tưởng rằng vũ trụ này chính là một mê cung xuyên suốt trong các tác phẩm, không ai thoát ra khỏi được mê cung như suy nghĩ của nhân vật Scharlach: “Mọi con đường đều dẫn đến La Mã. Đêm đến, cơn mê sảng của tao càng ngấu nghiến ẩn dụ đó: tao cảm thấy cả thế giới là một mê cung từ đó không cách nào thoát ra, bởi tất cả mọi con đường, dù vờ như chạy về Bắc hay về Nam, thực tế đều chạy về La Mã, cũng là nhà tù hình tứ giác nơi anh trai tao đang giãy chết và cũng là biệt tự Triste-le-Roy”.[xvii] Con người sống trong một thế giới bị buộc phải kết nối, kết nối liên tục và cũng có thể đứt gãy liên tục theo những cách có thể không mang ý nghĩa gì. Như vậy, giống như những nhân vật của Kafka, con người trong thế giới của Borges lúc nào cũng đeo đẳng một ám ảnh về thứ nhà tù khổng lồ và kinh khủng hơn, lại vô hình luôn chụp lên mỗi cá thể. Không thể thoát ra cho dù có quẫy đạp, bởi đứt ra khỏi kết nối này, ngay một kết nối khác sẽ được hình thành, song song và tiếp diễn, như những lối rẽ đôi của khu vườn.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa mô hình mê cung trong thực tế và mê cung kiểu rhizome chính là ở chỗ, mê cung thực tế luôn xoay quanh một khoảng sân giữa mà nếu tuân theo nguyên tắc “luôn rẽ trái” thì sẽ có nhiều cơ hội nhất để tới được điểm chính giữa này; còn mê cung rhizome là một mê cung vô tận. Nó không chỉ có vô số lối vào mà còn mở ra muôn vàn lối thoát. Những lối đi của rhizome không dẫn tới một cái đích cụ thể mà tạo ra “các đường thoát, đường lẩn trốn”[xviii]. Câu chuyện của Borges có cái tên “Cái chết và la bàn” với hình tượng “la bàn” như là lời chỉ dẫn cho những lối đi, cho hướng đi để giải vụ án, nhưng rồi chính sự định hướng tưởng chừng logic, chính xác đó lại là kẽ hở cho tội ác. Khi không gian được kết cấu theo kiểu ri-zôm, mỗi đường, mỗi đoạn của nó nhờ tính đa tạp mà có thêm tính tự do, nó tạo ra những khả năng “mọc ra”, “đâm chọc” mà không cần tuân theo các quy luật hiện có – đây được xem như là những đường thoát. Trong truyện của Borges, tên tội phạm Scharlach đã lợi dụng cái bẫy về hình thoi, phá vỡ cấu trúc nhị phân để tạo ra đường thoát cho chính mình, lật ngược thế cờ, tạo ra một kết cục phản trinh thám khi mà kẻ có tội lại chiến thắng. Không gian cái bẫy mới mà Scharlach tạo ra ngăn cản việc khép lại vụ án – ngăn cản việc kết tinh, cô đặc hóa một cấu trúc – đây chính là chức năng của một mô hình rhizome mà cuối cùng, nhân vật Scharlach đã dỡ bỏ được ám ảnh “dẫn tới La Mã”. Trong “Khu vườn những lối đi rẽ đôi”, Thôi Bản đã tạo ra những mê cung theo kiểu rhizome để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi về thời gian. Những lối rẽ trong khu vườn của Thôi Bản vừa là không gian vật lý của một mê cung, vừa là minh họa cho những “dòng thời gian vô tận, cùng song song tồn tại”. Những bản nháp hỗn độn của Thôi Bản buộc phải ở dạng không hoàn tất bởi nó cần tuân theo tính vô tận theo quan niệm về mê cung mà Thôi Bản đã đeo đuổi cả đời. Được tạo ra một mê cung là giấc mơ của Thôi Bản, giấc mơ đem đến những tồn tại mới khả dĩ cho cuộc đời này. Như vậy, mê cung trong truyện ngắn của Borges không nhất thiết đã là một câu đánh đố, một nhà tù vô hình quái gở, tác oai tác quái, nó hoàn toàn có thể trở thành một đường lui, một đường thoát hiểm – thứ hấp dẫn nhất mà một rhizome đem lại. Có thể nhìn thấy tất cả những nhân vật trong sách đều chỉ đang cùng nỗ lực cho một điều giống như Thôi Bản – “cáo quan về xây mê cung”, xây cho kẻ khác, cho những người đời sau để đánh đố, để mua vui hay tự xây cho chính mình như đường thoát. Viết sách cũng chính là đang xây mê cung, đang tạo ra những kết nối mới, những khả năng mới để trở thành.

Trên thực tế, toàn bộ cuốn Truyện hư cấu của Borges cũng tồn tại như một không gian rhizome lớn hơn cả. Các ý tưởng về thư viện với cuốn sách khổng lồ, những hành lang song song, những lối rẽ, những chiếc gương nhân đôi,… lặp đi lặp lại trong các truyện lẻ của cả tập truyện. Có thể thử nghiệm đọc cuốn sách của Borges theo cách xóa hết các ranh giới, tiêu đề mà vẫn có thể mường tượng được về thế giới mà Borges đang vẽ ra. Mỗi truyện cũng giống như một lần rẽ trong khu vườn, rồi sẽ lại gặp gỡ với một truyện khác ở một điểm giao nào đó theo những cách hoàn toàn ngẫu nhiên. 25 ký tự với vô hạn những khả năng kết hợp thật ra cũng là những lối rẽ trong khu vườn; những khối lục giác quanh co tạo thành một hình tròn lớn tại thư viện rồi cũng rất gần với cách mà mô hình tam giác của những vụ án mạng được dựng ra. Borges với những truyện ngắn trong Truyện hư cấu đã xây dựng một không gian rhizome thử nghiệm để người đọc bước vào, một cuốn sách không mô phỏng thế giới mà là chính thế giới theo nguyên tắc thân rễ. Ở một thế giới như thế, tất cả những cách đọc theo lối ngang dọc bất kể nào đều trở thành khả dĩ. Trở lại Deleuze & Guattari, thân rễ cũng chỉ là một bản dạng, một hiện thân cho triết học của sự trở thành, thân rễ cũng “bắt rễ” trong những cơ thể không bộ phận, những cao nguyên, những triết luận về lãnh thổ và giải lãnh thổ… xuyên suốt mọi công trình của Deleuze & Guattari. Tất cả đồng hiện, phi tuyến tính, một mặt có thể khiến con người hoang mang, bất lực trước những ngã rẽ song song, nhưng cũng đồng nghĩa với niềm lạc quan rằng, luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn, hơn một khả năng, hơn một thực tại.

Khoảng cách giữa “hư cấu” và thực tại trong văn chương Borges hay triết học của Deleuze & Guattari được kéo ngắn lại khi những gì từng được xếp vào “siêu thực” giờ đã dễ dàng để hiểu hơn. Ai đã từng mất kiên nhẫn khi dõi theo khung cảnh “tôi” và Bioy trong “Tlön, Uqbar, Obis Tertius” lật giờ từng danh mục, từng trang từ điển, rất nhiều cuốn sách để tìm được chính xác thông tin về một địa danh “Uqbar” mà có lần đã xuất hiện trong trí nhớ, rất nhanh thôi, người đó có lẽ sẽ sớm nhận ra một hoặc nhiều phiên bản Uqbar khác của chính mình – những thế giới dần biến mất nhưng cũng là những thế giới được tồn tại khi có người đi tìm. Những không gian với chiều kích vô tận mà từ Borges cho đến Deleuze & Guattari hư cấu lên từ thế kỉ trước, cho tới giờ, hiển hiện trong sự kết nối toàn cầu nhờ Internet, những không gian rizhome có thật trên các diễn đàn online, phòng họp Zoom; những trí tuệ nhân tạo – hiện thân của những cơ thể không bộ phận – được nuôi dưỡng trong một môi trường phi không gian, phi thời gian, với một bộ não phì đại không tuân theo một quy luật nào; những kết nối điểm liên tục tạo thành mạng lưới gần như phi giới hạn từ phạm vi lây nhiễm của virus như Covid 19 cho tới sự lây lan của những cuộc chiến tranh vượt xa giới hạn của những bờ lãnh thổ; sự lặp lại của những cỗ máy chiến tranh như một sự xóa nhòa ranh giới giữa quá khứ – hiện tại – tương lai và con người luẩn quẩn, lặp lại, nhân đôi chính mình với một ảo ảnh về sự tiến hóa… Tất cả những dự báo rồi sau đó là sự trở thành luôn tiềm tàng trong đó những rủi ro và bất trắc, hỗn mang và phi lý, nhưng đâu đó sẽ trong sự chằng chịt của những mạng, những lưới, những thân rễ, sẽ vẫn một đường thoát – một đường lẩn trốn. Và bởi đây cũng là vũ trụ khả kiến duy nhất mà con người có được, nên cho dù đường thoát có tù mù, ta có lẽ cứ vẫn cần đi tìm.

CHÚ THÍCH

[i] Trong bài viết này, chúng tôi mượn cách dịch “rhizome” là “thân rễ” do TS. Nguyễn Thị Từ Huy đề xuất trong bài giảng của Khóa học online “Triết học Deleuze” diễn ra từ ngày 7/7/2022 đến ngày 15/9/2022, do Viện nghiên cứu Sociallife tổ chức. Phần lớn cách dịch các thuật ngữ khác trong khi giới thuyết về triết học của Deleuze nếu không chú thích gì thêm, đều dựa theo bài giảng của TS. Nguyễn Thị Từ Huy.

[ii] Gilles Deleuze (1991), “The Conditions of the Question: What Is Philosophy?” (bản dịch tiếng Anh của Daniel W. Smith, Arnold I Davidson), Critical Inquiry, Vol. 17, No. 3 (Spring, 1991), pp. 471-478. University of Chicago Press.

[iii] Xem thêm bài viết của Nguyễn An Lý, “Truyện hư cấu của Borges: Thực trong hư, hư trong thực” trên tạp chí Tuổi trẻ cuối tuần. Link bài viết: https://cuoituan.tuoitre.vn/truyen-hu-cau-cua-borges-thuc-trong-hu-hu-trong-thuc-20230412093948054.htm Truy cập ngày 19/6/2023.

[iv] Gilles Deleuze (1991), tr.471-472. Sđd.

[v] Xem thêm Gilles Deleuze & Félix Guattari (2005), A Thousand Plateaus : Capitalism and Schizophrenia (bản dịch tiếng Anh của Brian Massumi). University of Minnesota Press. Minneapolis, London.

[vi]  Dẫn theo TS. Nguyễn Thị Từ Huy, bài giảng trong Khóa học online “Triết học Deleuze” diễn ra từ ngày 7/7/2022 đến ngày 15/9/2022, do Viện nghiên cứu Sociallife tổ chức.

[vii] Jorge Luis Borges (2023), Truyện hư cấu (Nguyễn An Lý dịch và chú giải). NXB Hội nhà văn, Hà Nội, tr.123.

[viii] Jorge Luis Borges (2023), tr.126. Sđd.

[ix] Jorge Luis Borges (2023), tr.126. Sđd.

[x] Jorge Luis Borges (2023), tr.123. Sđd.

[xi] Jorge Luis Borges (2023), tr.127. Sđd.

[xii] Jorge Luis Borges (2023), tr.180. Sđd.

[xiii] Jorge Luis Borges (2023), tr.181. Sđd.

[xiv] Jorge Luis Borges (2023), tr.129. Sđd.

[xv] Jorge Luis Borges (2023), tr.100. Sđd.

[xvi] Jorge Luis Borges (2023), tr.15. Sđd.

[xvii] Jorge Luis Borges (2023), tr. 177. Sđd.

[xviii] Xem thêm Gilles Deleuze & Félix Guattari (2003), Kafka vì một nền văn học thiểu số (Nguyễn Thị Từ Huy dịch). NXB Tri thức, Hà Nội, tr.13.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gilles Deleuze & Félix Guattari (2003), Kafka – vì một nền văn học thiểu số (Nguyễn Thị Từ Huy dịch). NXB Tri thức, Hà Nội.
  2. Gilles Deleuze (1991), “The Conditions of the Question: What Is Philosophy?” (bản dịch tiếng Anh của Daniel W. Smith, Arnold I Davidson), Critical Inquiry, Vol. 17, No. 3 (Spring, 1991), pp. 471-478. University of Chicago Press.
  3. 3. Gilles Deleuze & Félix Guattari (2005), A Thousand Plateaus: Capitalism and Schizophrenia (bản dịch tiếng Anh của Brian Massumi). University of Minnesota Press. Minneapolis, London.
  4. 4. Jorge Luis Borges (2023), Truyện hư cấu (Nguyễn An Lý dịch và chú giải). NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Từ Huy, bài giảng trong Khóa học online “Triết học Deleuze” diễn ra từ ngày 7/7/2022 đến ngày 15/9/2022, do Viện nghiên cứu Sociallife tổ chức.

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ