Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Hồi ức Phạm Kim Ngọc: Cải cách kinh tế thời Đệ nhị Cộng hoà

Phạm Kim Ngọc

Published on

Phạm Kim Ngọc là một Tổng trưởng Kinh tế thời Việt Nam Cộng Hoà giai đoạn 1969 – 1974. Ông được coi là một trong số những nhà kỹ trị nổi bật của Miền Nam Việt Nam giai đoạn đó. Hồi ức “Cải cách hay sụp đổ: những thách thức kinh tế trong quá trình Việt Nam hóa chiến tranh” của ông được lần đầu công bố trong hội thảo về lịch sử VNCH tại Đại học UC at Berkeley, Hoa Kỳ, năm 2016. Bài tham luận này được in lại trong Chương 10 của sách “The Republic of Vietnam, 1955–1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building”, Cornell University Press, 2020, do Giáo sư Tường Vũ và GS Sean Fear chủ biên. 

Phạm Kim Ngọc

Việc Mỹ hóa cuộc chiến ở Việt Nam bắt đầu tăng cường độ
với cuộc đổ bộ của khoảng 3.000 lính thủy quân lục chiến
Mỹ vào Đà nẵng trong tháng Ba năm 1965. Quân đội Hoa
Kỳ dần dần tham chiến nhiều hơn khi số quân tiếp tục tăng đáng
kể trong ba năm kế tiếp. Đến giữa năm 1969, quân số này đạt đỉnh
550.000 người.

Tết Mậu Thân năm 1968 đã thay đổi bức tranh chính trị ở Mỹ
một cách quyết liệt. Dân chúng Mỹ bị chấn động khi họ nhận ra
thực tế ảm đạm rằng hơn nửa triệu quân Mỹ không thể ngăn chặn
kẻ thù tổ chức một cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn như thế.
Tổng thống Johnson tuyên bố ông sẽ không tái ứng cử. Ông Richard
Nixon được bầu làm tổng thống vào tháng 11 năm 1968 với lập
trường là sẽ tái lập hòa bình ở Việt Nam. Vài tuần sau đó cuộc hòa
đàm Paris giữa Washington, Hà Nội, và Sài Gòn bắt đầu. Kế hoạch
“Việt Nam hóa chiến tranh” với việc rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam
cũng được khởi động. Kế hoạch này khởi đầu một quá trình cam go
và nhọc nhằn về quân sự, chính trị, cũng như kinh tế. Chính phủ
Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cần thay đổi tư tưởng để thích hợp với
tình hình mới. Ở Mỹ, phong trào phản chiến ngày càng phát triển và
có ảnh hưởng. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) cần tăng
quân để thay cho quân đội Hoa Kỳ rút về nước. Mục tiêu của chúng
tôi là 900.000 quân nhân, chiếm tỷ lệ khoảng 4,7% của tổng dân số
18 triệu người miền Nam Việt Nam.
Để đối phó với gánh nặng quốc phòng ngày càng gia tăng, Tổng
thống Nguyễn văn Thiệu cải tổ nội các vào tháng Chín năm 1969.
Ông Thiệu thăm dò ông Nguyễn Hữu Hanh, cựu thống đốc Ngân
hàng Quốc gia, với dự định bổ nhiệm ông vào chức tổng trưởng kinh
tế để đảm trách quá trình chuyển hướng một nền kinh tế phụ thuộc

vào viện trợ Mỹ thành một nền kinh tế tự lập. Theo truyền thống, và
trong trường hợp bình thường, nhiều người ao ước chức tổng trưởng
kinh tế. Chức này luôn có tiếng tăm và uy tín nhưng cũng mang
trách nhiệm nặng nề. Chưa có tổng trưởng nào trước đây tồn tại
được trong vị trí này hơn một năm. Không ai biết đến tôi, tuy nhiên,
thay vì nhận chức này, ông Hanh lại đề cử tôi mà không cho tôi biết,
và liền đó tên tôi được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng
Trần Thiện Khiêm chấp thuận.
Cùng ngày đó tôi đi bằng trực thăng đến nơi nghỉ mát của tổng
thống tại Vũng Tàu. Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm ra lệnh
tôi lên truyền hình để thông báo “chương trình kiệm ước” (tiếng
Anh là “austerity program”) của chính phủ. Tôi việ n cớ sự vụng về
trong kỹ năng nói trước công chúng, hy vọng sẽ không phải xuất
hiện trên truyền hình. Thượng cấp lập tức bác bỏ lời bào chữa yếu
ớt của tôi. Vô tình, tôi đã trở thành tâm điểm của những vụ tranh cãi
ngay lúc tham chánh.

Thuế kiệm ước năm 1969

Chiều hôm đó, hoàn toàn không chuẩn bị trước, tôi thông báo
“chương trình kiệm ước” trên truyền hình. Ông Trần Cự Uông, thứ
trưởng, gấp gáp soạn bài diễn văn cho tôi. Ông Nguyễn Hữu Hanh
cũng ưng thuận trên nguyên tắc về “chương trình kiệm ước” sau khi
tham khảo với các viên chức Hoa Kỳ có liên quan.

Tôi đã nhận thức được mức độ rủi ro cao về chính trị liên quan
đến chức tổng trưởng kinh tế này. Nhiều bạn thân khuyên tôi đừng
nhận lời. Quả thật, tôi đã gia nhập Bộ Kinh tế như là một tay cao
bồi đơn độc, không có phụ tá thân tín, không được bất kỳ đảng phái
chính trị nào hỗ trợ, mà cũng không phải quân nhân. Tuy có hơn
một thập niên kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, tôi có chưa đầy
sáu tháng kinh nghiệm về công vụ. Nhưng tôi cảm thấy rằng nỗ lực
giải quyết những thách thức của đất nước quan trọng hơn những rủi
ro có thể xảy ra cho cá nhân tôi, vì vậy tôi quyết định nắm lấy cơ
hội này.

Chức vụ của tôi đòi hỏi phải làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính
và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Nhiệm vụ trước
mắt là xác định phương cách huy động nguồn tài lực từ khu vực tư
nhân vào ngân sách nhà nước để tiến hành chiến tranh. Nhưng mục
tiêu này đã bị cản trở bởi một số điều luật là di sản của hệ thống
Pháp theo đó cần sự phê duyệt của Lập pháp về tất cả những thay
đổi về ngân sách.

Để tăng ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu chiến tranh, tôi đề
nghị áp dụng “thuế kiệm ước” trên hàng nhập cảng như trong bài
diễn văn khi nhậm chức. Sau đó, Thứ trưởng Trần Cự Uông và tôi
đã hợp tác với Tổng trưởng Tài chính Nguyễn Bích Huệ để chuẩn
bị danh sách tăng thuế đối với hơn 200 loại hàng nhập cảng từ các
nhu yếu phẩm như xăng và dầu diesel cho đến xa xỉ phẩm như rượu
vang và rượu mạnh. Chúng tôi nhằm mục đích tăng doanh thu của
chính phủ thêm 40 tỷ đồng. Một nhóm lớn nhân viên từ hai bộ nói
trên đảm trách công việc soạn danh sách thuế suất rất tỉ mẩn.
Kế đó, tôi cùng đi với Tổng trưởng Tài chính Nguyễn Bích Huệ
đến Quốc hội để điều trần và thương lượng về “thuế kiệm ước”. Tôi
nhớ mãi vị dân biểu đã yêu cầu chúng tôi hạ mức thuế cho xe máy
(loại scooter) nhập cảng. Sau khi tôi đồng ý hạ mức thuế này, cũng
chính vị này lại công khai chỉ trích là tôi đã thiên vị công ty nhập
cảng xe máy scooter. Sau vụ việc này, tôi hết còn ngây thơ về thế
giới chính trị ở Sài Gòn.

Trong một trường hợp khác, tôi được gọi đến Dinh Tổng thống
và được yêu cầu bỏ trợ cấp chính phủ cho giấy in báo nhập cảng.
Nhưng giới báo chí, vì quyền lợi của họ, quyết liệt chống lại việc
loại bỏ các khoản trợ cấp này vì nó sẽ làm tăng giá giấy in báo. Họ
lên án chính sách này như “một biện pháp khác của chính phủ để bịt
miệng báo chí tự do.” Tôi cho rằng khoản trợ cấp giấy in báo nhập
cảng là vớ vẩn vì đã có một nhà sản xuất giấy in báo ở Việt Nam.
Nhưng khoản trợ cấp này tạo ra lợi nhuận cho các công ty báo chí,
vì vậy các tờ báo đã đình công, làm cho giới nhà báo nước ngoài chú
ý đến. Đáp lại, tôi được lệnh khôi phục “đặc quyền cơ bản của dân
chủ” này sau khi tổng trưởng Bộ Thông tin tuyên bố rằng báo chí là
“người bảo vệ thiết yếu cho nền dân chủ.”

Bất chấp những vụ tranh cãi, chương trình “thuế kiệm ước” vẫn
được công bố. Giá những món hàng xa xỉ tăng ngay lập tức, nhưng
giá các nhu yếu phẩm cơ bản cũng tăng! Hàng tồn kho cũ được đem
ra bán ở mức giá mới, một hành vi bất hợp pháp. Vì vậy, mặc dù
việc chuẩn bị thuế của chúng tôi có sự tham gia của nhiều nhân vật
chủ yếu và đã được tranh luận trước công chúng, tôi bị chỉ trích là
“đối tác” của bọn trục lợi từ chính sách mới.

Trong khi công chúng phẫn nộ do những cáo buộc tôi làm sai
và không đủ năng lực, việc tăng thu cho chính phủ cũng èo uột.
Cộng đồng doanh nghiệp, từ các nhà nhập cảng đến các nhà bán lẻ,
đã kiếm được một mối lợi lớn và nhanh mà khỏi phải nặng nhọc vì
thuế kiệm ước vừa thiếu thực tế, vừa vượt quá khả năng của Bộ Kinh
tế để theo dõi hàng tồn kho của tư nhân hầu có thể tách số lượng
hàng cũ phải bán với giá cũ ra khỏi số lượng hàng mới được bán với
giá mới. Trong thực tế, việc áp dụng quá nhiều mức thuế suất (theo
tôi nhớ, có hơn 200 mức thuế nhập cảng khác nhau) là một cơn ác
mộng. Thay vì giúp tăng thu cho chính phủ, quy định thuế quá phức
tạp chỉ giúp các nhà nhập cảng khôn ngoan móc ngoặc với viên
chức tham nhũng để trốn thuế.

Chúng tôi đã hy vọng thuế kiệm ước sẽ đem lại 40 tỷ đồng
cho chính phủ. Nhưng thay vì 40 tỷ, sắc thuế này chỉ mang lại 4 tỷ
doanh thu bổ sung hay chỉ bằng 10% hy vọng, trong khi tạo ra lạm
phát và làm cho công chúng phẫn nộ. Trong khi đó, thâm hụt ngân
sách năm 1969 đã tăng lên 50 tỷ đồng, và hối suất thị trường chợ
đen cho đồng đô Mỹ lên đến 400 đồng Việt Nam đổi lấy 1 đô la Mỹ.
Ngân sách quốc gia năm 1970 được ước lượng sẽ tăng 50%, từ 131
tỷ lên 200 tỷ đồng trong năm đầu tiên của “Chương trình Việt Nam
hóa”. Áp lực từ phía chính trị nội bộ Hoa Kỳ tác động đến Tòa Đại
sứ Mỹ và USAID buộc chúng tôi phải tìm cách phá giá đồng bạc
Việt Nam, vốn được giữ ở mức 118 đồng đổi 1 đô la kể từ khi có
những cải cách năm 1966.

Nhìn lại, thất bại hoàn toàn của thuế kiệm ước ban hành vào
tháng Mười năm 1969 là do nó ra đời không đúng thời điểm, cũng
như thiếu sót trong việc thực hiện từ phía tôi. Chúng tôi đã áp thuế

nhập cảng nặng nề như vậy vào thời điểm nền kinh tế phụ thuộc
nhiều vào nhập cảng đang bị chấn động lớn bởi triển vọng lạm phát
giá ở mức 50% đồng thời với việc viện trợ Mỹ bị cắt giảm.
Báo chí nước ngoài cho rằng tôi đã hành động một cách “can
đảm”, sau đó đưa tin rằng “các nhóm có quyền lợi bị ảnh hưởng”
đã cho tôi đo ván (nguyên văn: “overwhelmed”). Báo chí Việt Nam
thậm chí còn chỉ trích mạnh mẽ hơn, buộc tội tôi sai trái, bất tài, và
là đồng bọn với các nhóm trục lợi và đầu cơ. Họ yêu cầu Tổng thống
Thiệu “xử trảm” tôi. Tôi may mắn sống sót sau thất bại này nhờ ông
Tổng thống có niềm tin vào tôi.

Làm việc với Hoa Kỳ

Chiến tranh kiểu Mỹ không phải rẻ và chắc chắn vượt quá khả
năng của chúng tôi. Từ năm 1956 đến 1975, tổng số hỗ trợ kinh tế
và quân sự của Hoa Kỳ lên tới 25,3 tỷ đô la Mỹ, tương đương trung
bình 1,2 tỷ đô la hàng năm. Vào lúc cao điểm năm 1973, nó đạt đến
khoảng 3,9 tỷ đô la Mỹ. Tổng sản phẩm quốc gia của Việt Nam
Cộng Hòa ước tính khoảng 3,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 1972, ít hơn
viện trợ của Mỹ vào năm 1973.

Thay thế quân đội “nhà giàu” Hoa Kỳ bằng quân đội Nam Việt
Nam là một thách thức thực sự. Tuy nhiên, cách chính phủ Hoa Kỳ
hiểu “Việt Nam hóa” hoàn toàn khác với cách chúng tôi hiểu. Cố
vấn kinh tế Mỹ Robert Harlan luôn yêu cầu chúng tôi cung cấp bằng
chứng cụ thể về những nỗ lực để tự lực. Ông muốn có những cải
cách mạnh mẽ và nóng lòng muốn thấy hành động và kết quả tức
thời, chẳng hạn như thu thuế ngân sách tăng và giá cả ổn định. Nói
cách khác, ông ta muốn dùng phương pháp chữa bệnh bằng phương
pháp “điện giật” (nguyên văn: “shock therapy”), và ông ta muốn
làm ngay lập tức. Ngược lại, các nhà lãnh đạo Việt Nam quan tâm
đến sự tồn tại và vững mạnh của đất nước không chỉ trước mắt mà
còn lâu dài.

Khi quan sát tâm trạng dân Mỹ và Quốc hội của họ trước lần
bầu cử tổng thống năm 1972, trong thâm tâm tôi cảm tưởng rằng

Hoa Kỳ đang cố ép những lãnh đạo Việt Nam cả tin chấp nhận
“Việt Nam hóa” dù không chắc ngoại viện sẽ tăng. Ông Harlan
không thấu hiểu những khó nhọc mà chúng tôi phải gánh chịu ở
một nước Việt Nam mới và dân chủ. Ông cũng không tính đến chi
tiêu cho gánh nặng “Việt Nam hóa” vượt quá khả năng đóng góp
của dân chúng ở Nam Việt Nam. Tôi có cảm giác đã bị ép phải
nghe giảng bài với thái độ tự cao tự đại của ông ta về cách quản
lý chính trị đối với một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển
đổi. Chính phủ của chúng tôi phải đối mặt với thái độ chống đối
từ công chúng ở cả Nam Việt Nam và Hoa Kỳ, trong khi ở bên
tôi có ông Harlan và người đàn anh của tôi là ông Nguyễn Hữu
Hanh luôn thúc giục hành động. Chúng tôi không có những tiền
lệ hướng dẫn (nguyên văn: “uncharted teritory”), và không có dữ
liệu để đánh giá tác động và hiệu quả của biện pháp tăng doanh
thu của mình. Tôi cần thêm thời gian và cần được ủng hộ để thi
hành cách tiếp cận từ từ và khéo léo.

Trong khi đó, do hậu quả của “Việt Nam hóa”, thâm hụt ngân
sách quốc gia dường như tăng lên hàng ngày. Lạm phát nhảy vọt khi
hối suất thị trường chợ đen của đồng đô la Mỹ tăng kịch trần. Báo
chí nước ngoài chê bai chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thiếu đạo đức
(nguyên văn: “immoral”) khi muốn được Mỹ viện trợ để tiến hành
chiến tranh nhưng lại không chịu tăng thuế nội địa. Ấn tượng xấu
về chúng tôi lại càng xấu khi người ngoại quốc thấy hàng hóa xa xỉ
tràn ngập đường phố Sài Gòn cũng như dân chúng có vẻ thoải mái
tiêu dùng.

Chúng tôi bị coi là một xã hội tách rời khỏi thực tế chiến tranh
và bị tham nhũng hoành hành ở tất cả các cấp. Trong một báo cáo
với tổng thống Mỹ, Đại sứ Hoa Kỳ mô tả việc chúng tôi không
kiểm soát nổi các trạm quan thuế như một vụ “tai tiếng lớn”. Dường
như chúng tôi muốn dân Mỹ đóng thuế để chính phủ của họ giúp
chúng tôi không chỉ súng đạn mà cả ăn tiêu (nguyên văn: “guns and
butter”). Điều này không gợi lên một hình ảnh tích cực và trở thành
một vấn đề chính trị nghiêm trọng luôn luôn nằm trong chương trình
nghị sự mỗi khi quan chức của hai chính phủ gặp nhau. Công chúng

Mỹ coi việc Hoa Kỳ giúp đỡ cho Nam Việt Nam là một chính sách
sai lầm hay tệ hơn nữa, một sự phí phạm chỉ nuôi béo tham nhũng.
Trong tình trạng “trên đe dưới búa” như vậy (nguyên văn:
“between a rock and a hard place”) thì an ninh Mỹ thông báo rằng
ông Trần Cự Uông, người thứ trưởng có năng lực của tôi, có mối
quan hệ bí mật với cộng sản. Tôi trả lời rằng đây là vấn đề của
thượng cấp vì cả hai chúng tôi đều được Tổng thống Thiệu bổ
nhiệm. Cuối cùng, ông Thiệu đã giải nhiệm ông Uông và ông này
ra làm việc ở khu vực tư.

Tuy nhiên, trong biến cố đáng tiếc này đã nảy sinh cơ hội bất
ngờ để tôi có dịp hợp tác chặt chẽ với một viên chức khác của Bộ
Kinh tế, ông Nguyễn Đức Cường (xem chương 1 trong tập này).
Chúng tôi quen nhau từ năm 1967, khi ông Cường làm việc với tư
cách một chuyên viên trong Ban Chỉ đạo Viện trợ Thương mại tại
Bộ Kinh tế. Sau đó ông bị gọi đi quân dịch và đang trong giai đoạn
huấn luyện quân sự cuối cùng khi được giải ngũ nhờ sự miễn trừ đặc
biệt từ Bộ Quốc phòng. Thật vậy, nhiều chuyên viên giỏi nhất của
chúng tôi bị gọi nhập ngũ và chúng tôi phải cho phép họ phục vụ ít
nhất chín tuần trong quân đội trước khi có thể yêu cầu cho họ quay
lại nhiệm sở. Sau khi ông Trần Cự Uông ra đi, ông Cường tiếp quản
công việc hàng ngày liên quan đến danh mục đầu tư thương mại và
sau đó làm phó cho tôi. Phần tôi ngày càng bận rộn với việc mời
chào, thương lượng với các quan chức Mỹ để họ ủng hộ chính sách
của chúng tôi. Đây là một vai trò tôi không mong đợi, ngại làm, và
không phải lúc nào cũng sẵn sàng.

Cuộc đối đầu đầu tiên của tôi là với ông Harlan và nhóm kinh
tế gia của ông. Họ cố gắng thúc đẩy chúng tôi thực hiện một “cuộc
cải cách thần tốc” (nguyên văn: “reform blitz”) đối với một nền
kinh tế đã được nuôi dưỡng bởi viện trợ của Mỹ trong hơn mười lăm
năm. Họ sợ hãi tâm trạng chống chiến tranh trong Quốc hội Hoa Kỳ
và nghi ngờ các đối tác Việt Nam không tích cực cải cách. Người
Mỹ muốn rút “đúng theo thời khóa biểu và trong danh dự”, và câu
hỏi cơ bản là liệu Nam Việt Nam có thể trực tiếp quán xuyến được
cuộc chiến mà không cần tăng thêm viện trợ để làm giảm bớt những

chấn động kinh tế và xã hội do Việt Nam hóa đem đến hay không.
Nhóm của ông Harlan tự tin rằng chúng tôi có thể làm được. Tuy
nhiên, theo ý của tôi, họ đã hiểu sai thực tế về hoàn cảnh cam go
của chúng tôi.

Tôi đã có nhiều cuộc họp với các quan chức ở cấp cao nhất của
chính phủ Hoa Kỳ, và tất cả họ đều rất tài năng. Nhưng dữ liệu chỉ
ra rõ ràng rằng chúng tôi không thể đảm đương lâu dài chi tiêu quốc
phòng khổng lồ như hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ
từ chối không muốn đối mặt với vấn đề là đất nước nghèo khó của
chúng tôi không thể chịu được gánh nặng của “Việt Nam hóa” trong
dài hạn. Thay vì vậy, họ quan tâm hơn đến vấn đề là làm sao cho
những khó khăn về kinh tế của Nam Việt Nam không cản trở việc
triệt thoái của Hoa Kỳ hoặc gây nguy hiểm cho triển vọng tái cử của
Nixon vào năm 1972. Các quan chức Mỹ đến thăm đều muốn nhìn
thẳng vào mắt tôi và nghe tôi xác nhận chắc chắn đang thực hiện các
biện pháp đã đề xướng, cũng như chứng minh cam kết của chúng tôi
trong việc gánh vác gánh nặng chiến tranh.
Tuy nhiên, không phải tất cả người Mỹ đều không thông cảm.
Vào tháng Tư năm 1970, ông Vũ Quốc Thúc (xem chương 2) và
tôi đã gặp Phó Đại sứ Hoa Kỳ Samuel Berger. Sau một cuộc thảo
luận dài, tôi tin rằng ông Berger đã đồng ý ủng hộ quan điểm của
chúng tôi.

Hối suất thả nổi và lãi suất

Sau vụ thuế kiệm ước thất bại, tôi nhận ra chúng tôi không có
lựa chọn nào khác ngoài việc tu chính hoàn toàn cơ cấu kinh tế và
tài chính cũng như đối mặt trực diện với những khó khăn gặp phải
nếu phá giá đồng bạc để nó phản ánh đúng thị trường; áp dụng lãi
suất thực tế để chống lạm phát; và hiện đại hóa hệ thống thuế để
tăng thu cho chính phủ. Vấn đề đầu tiên và nhạy cảm nhất về chính
trị là giải quyết thị trường buôn bán ngoại tệ chợ đen.
Các cải cách do chúng tôi đề xuất cần Quốc hội đồng ý và tôi
biết các cuộc tranh luận tiếp theo sẽ làm tôi mệt mỏi giống như

trong vụ thuế kiệm ước. Nhiều nhà lập pháp muốn được dư luận chú
ý và rất thích đổ lên đầu tôi tội bất tài làm hại quốc gia. Bị tôi trả đũa
và cho thấy họ kém thông minh, họ không bao giờ tha thứ cho tôi.
May mắn thay, sau đó ông Vũ Ngọc Trân, phụ tá pháp lý của tổng
thống, đã khởi xướng cái được gọi là “Luật Chương trình” cho phép
Tổng thống Thiệu tiến hành cải cách kinh tế bằng nghị định trong
thời gian năm tháng không phải thông qua Quốc hội.

Tất nhiên, Quốc hội phản đối biện pháp này và một số dân biểu
yêu cầu tôi từ chức để đổi lấy lá phiếu của họ. Sau bốn tháng ngậ p
ngừng, cuối cùng họ đồng ý ủng hộ một trong những điều khoản
trong dự luật của “Luật Chương trình”, đó là cải tổ hối suất đồng
bạc Việt Nam so với đô la Mỹ. Kể từ nay quyết định phá giá tiền
tệ thuộc thẩm quyền của Hành pháp và có thể được ban hành bằng
nghị định của tổng thống.

Để giảm bớt tác động của việc mất giá tiền đồng đối với nền
kinh tế và để giảm thiểu phản ứng chính trị, chúng tôi đã quyết định
áp dụng thể thức “gài chốt” hối suất theo lối “bò từ từ” (nguyên văn:
“crawling peg”), bắt đầu từ tháng Mười năm 1970. Từ khi đó, Ngân
hàng Quốc gia Việt Nam giảm dần hối suất bằng một tỷ lệ nhỏ mỗi
lần để đáp ứng mục tiêu hàng năm của chúng tôi. Tỷ lệ thả nổi này
cũng làm tăng mãi lực của viện trợ Hoa Kỳ. Tôi muốn nhấn mạnh
ở đây rằng những gì chúng tôi làm đều có tính cách mạng vào thời
điểm đó. Thế giới vẫn theo hệ thống hối suất cố định và đồng đô là
Mỹ chưa rời khỏi tiêu chuẩn vàng cho đến tháng Tám năm 1971.
Tiếp theo sáng kiến cải tiến cách ấn định hối suất theo lối “bò
từ từ”, chúng tôi tập trung vào vấn đề lãi suất thấp – còn gọi là vấn
đề “tiền rẻ” (nguyên văn: “cheap money”). Trong hoàn cảnh tiền tệ
bị mất giá và lạm phát tăng vút, rõ ràng “tiền rẻ” là hiện tượng bất
thường của hệ thống kinh tế vĩ mô, cần phải giải quyết. Với chi phí
ngân sách tăng thêm 30% trong năm 1971, nếu lạm phát kéo dài sẽ
có tác động tai hại trên vật giá tiêu dùng. Ngân hàng Quốc gia Việt
Nam nhận thấy phải giảm nhanh lượng tiền trong lưu thông.
Mặt khác, Hiệp hội Ngân hàng tư nhân có rất ít hoặc không có
quyền lợi gì để ủng hộ thay đổi. Họ được hưởng lợi từ tiền rẻ bằng

cách ấn định lãi suất tiền ký quỹ ở mức 2-4% và lãi suất cho vay ở
mức 7-9%. Vì tỷ lệ lạm phát nằm trong khoảng 30-60%, lãi suất ở
mức 7-9% thực ra là lãi suất âm. Họ nói rằng lý do muốn giữ lãi suất
tiền gửi thấp là do khó tìm được cơ hội sử dụng các khoản tiền cho
vay ngoài hệ thống của các doanh nghiệp thương mại phổ thông.
Cũng như trong trường hợp phá giá tiền đồng, chúng tôi quyết
định áp dụng hệ thống lãi suất thả nổi. Trong hệ thống này, Ngân
hàng Quốc gia sẽ điều chỉnh lãi suất dần dần, với mức tăng nhỏ sau
một điều chỉnh lớn lúc ban đầu. Do biện pháp này, lãi suất tăng lên
22% một năm đối với tiền ký quỹ, một mức độ chưa từng thấy ở
Việt Nam và có thể cả trên thế giới vào thời điểm đó.

Một số viên chức Mỹ ngờ vực về sáng kiến của chúng tôi. Tôi
nhớ trong một cuộc họp vào năm 1970 có một viên chức cấp cao
của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đề nghị Ngân khố Việt Nam phát hành
những trái phiếu được bảo đảm bằng vàng hầu khuyến khích khu
vực tư nhân cho chính phủ vay bằng cách mua trái phiếu. Chúng
tôi cũng nhận thấy cần cấp bách thu lại (nguyên văn: “sterilize”) số
lượng tiền mặt khổng lồ đang lưu hành. Nhưng đã từng là một nhân
viên ngân hàng trong hơn một thập niên, tôi tin rằng người gửi tiền
tiết kiệm sẽ phản ứng nhanh hơn đối với lãi suất cao và ít mặn mà
hơn với trái phiếu ngân khố mà họ có thể xem như là một trò “bịp
bợm” của chính phủ.

Đúng như tôi dự đoán, dân chúng phản ứng tích cực với lãi suất
cao. Ngoài tác động mạnh mẽ của nó đối với việc tích trữ và đầu cơ,
số lượng tiền tư nhân ký quỹ trong tam cá nguyệt thứ ba của năm
1970 lên đến tám tỷ đồng, gần bằng số thuế nội địa hàng năm. Lần
đầu tiên, các ngân hàng thương mại bắt đầu đầu tư một lượng đáng
kể vào tín phiếu kho bạc nhà nước, với 90 tỷ đồng, bằng 12% ngân
sách quốc gia chỉ riêng trong năm 1974. Là một người trong ngành
ngân hàng, tôi hiểu tính bảo thủ tài chính và thái độ ưa thích khách
hàng nước ngoài đã có từ lâu của các ngân hàng thương mại. Nhưng
giờ đây chính phủ chúng tôi đã có thể đi vay tiền trong dân chúng
ngoài việc dùng các sắc thuế và máy in bạc để có tiền chi tiêu cho
Chương trình Việt Nam hóa.

Tóm lại, việc áp dụng dần dần cả hối suất thả nổi và lãi suất cao,
với những điều chỉnh nhỏ thường xuyên, đã trở thành chuẩn mực.
Do đó, lần đầu tiên kể từ khi thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa vào
năm 1967, hệ thống ngân hàng bắt đầu đóng một vài trò quan trọng
trong việc thực hiện các chính sách tiền tệ và hối suất ngoại tệ của
chính phủ.

Hướng tới việc thu thuế có hiệu quả

Thách thức kế tiếp cho chúng tôi là thu thuế một cách hữu hiệu
hơn, không để cho dân chúng phẫn nộ và chính trường náo động
như năm 1969, ít ra là trong cuộc bầu cử tổng thống Nam Việt Nam
năm 1971 sắp tới. Trước đây, chi tiêu thâm hụt của chúng tôi được
viện trợ của Mỹ bù đắp. Nhưng với viện trợ bị giảm và QLVNCH
vẫn phải tăng số quân để thay thế quân Mỹ, thâm hụt ngân sách của
chúng tôi tăng vọt. Đơn giản là chúng tôi không thể nào đối phó với
hai gọng kềm này.

Trong khi thương thuyết với Hoa Kỳ, tôi khẳng định rằng viện
trợ của Mỹ chỉ nên được giảm bớt dần dần và thâm hụt ngân sách
của chúng tôi không thể đạt thế cân bằng ngay lập tức. Tôi không
tranh cãi với ông Harlan khi ông khăng khăng rằng chúng tôi cần
tăng thuế, nhưng khi tính đến phản ứng của dân chúng, tôi yêu cầu
thêm thời giờ và sự kiên nhẫn trong tình hình chính trị nhạy cảm
này. Tôi coi việc thực hành chính trị là một “nghệ thuật đạt được
điều có thể đạt được” trong một nền dân chủ trẻ.

Nhưng người Mỹ đã có những ý tưởng khác, tự cho mình có lý,
đã đòi hỏi một phản ứng nhanh chóng mà không nghĩ đến thực tế
chính trị của chúng tôi. Về vấn đề thuế, ông Harlan và tôi bất đồng
ngay từ đầu. Quan tâm đến dư luận phản chiến ở Hoa Kỳ, ông nhấn
mạnh vào việc tăng thuế ngay lập tức. Tôi đồng ý rằng điều này có
thể tạo ra một số doanh thu bổ sung nhưng nó không xứng đáng
với cái giá phải trả là những cuộc biểu tình lớn trên đường phố. Khi
nhân viên thu thuế của chúng tôi tham nhũng và bất lực, khi những
người giàu có quyết tâm trốn thuế, gánh nặng chắc chắn sẽ đổ dồn

lên luật sư, bác sĩ, giáo viên và công chức, và sự sụp đổ chính trị rất
có thể xảy ra.

Tôi cố gắng giải thích rằng các biện pháp tài chính cứng rắn sẽ
dẫn đến hậu quả tai hại, thậm chí còn tồi tệ hơn các cuộc biểu tình
chống thuế kiệm ước vào năm 1969. Nhưng ông Harlan khẳng định
rằng cả hai bên Việt-Mỹ đều phải chia sẻ gánh nặng tài chính của
Việt Nam hóa. Cách làm ông đề nghị cũng giống như một trái phá
chính trị nổ chậm trong bối cảnh các tổ chức Phật giáo và sinh viên
thường xuyên biểu tình trên đường phố Sài Gòn.

Để gầy dựng sự ủng hộ cho giải pháp uyển chuyển của tôi, tôi
bắt đầu làm thân với các nhà báo nước ngoài, sử dụng máy bay của
QLVNCH để đưa họ và gia đình đi nghỉ ở bãi biển vào cuối tuần.
Với việc làm này tôi có một diễn đàn để có thể chính thức giải bày
chủ trương của mình mà không gây bối rối cho chính phủ. Đúng
như tôi đã dự đoán, báo chí Mỹ bắt đầu đưa tin rằng “Tổng trưởng
Ngọc nói rằng Mỹ cần chọn giữa rút quân và viện trợ kinh tế bởi vì
Nam Việt Nam không thể đáp ứng cả hai yêu cầu cùng một lúc.”
Dù không có gì chắc chắn, giới báo chí cũng tin rằng tôi có thể làm
được cái tôi hứa nếu có đủ thời gian và được hỗ trợ.

Kế đó, tôi nhắm vào các nhà báo Việt Nam và Quốc hội. Không
ai tranh cãi về việc chúng tôi cần cấp thiết chịu trách nhiệm tự trang
trải cho chi phí quốc phòng của đất nước mình. Tuy nhiên, không ai
đồng ý với ai về cách thức đối phó với gánh nặng thuế khổng lồ để
đáp ứng nhu cầu chi tiêu quốc phòng. Thay vì vậy, công chúng tin
chắc rằng dù người Mỹ ra đi họ sẽ cung cấp cho chúng tôi phương
tiện để thay thế họ. Với lại, họ ghét cá nhân tôi vì nghĩ tôi đã làm
cho chương trình thuế kiệm ước thất bại mà không bị trừng phạt gì
cả. Các nhà báo không thể bán báo bằng cách ủng hộ chúng tôi, và
trước dư luận, các chính trị gia dân biểu đã từ chối hợp tác.
Vì vậy, tôi biết tôi cần Tòa Đại sứ Hoa Kỳ hỗ trợ. May mắn
thay, tôi đã thuyết phục được Đại sứ Ellsworth Bunker đứng về
phe chủ nghĩa thực dụng chính trị thay vì học thuyết kinh tế. Năm
1970, Bunker thay thế ông Harlan bằng ông Charles Cooper, cựu
cố vấn kinh tế mà tôi đã biết trong nhiều năm. Charles Cooper

và tôi bắt đầu bằng cách xem xét số tổng thu thuế nội địa. Cả hai
chúng tôi đều biết rằng cần phải mở rộng nguồn thu thuế, từ đánh
thuế nhập cảng đến đánh thuế trên những hoạt động trong nước, để
tăng doanh thu. Và chúng tôi đồng ý thúc đẩy một loạt cải cách cơ
cấu, bắt đầu bằng các biện pháp tiền tệ vốn đã ít bị phản đối hơn so
với việc tăng thuế.

May mắn thay, Cooper không cho rằng sự miễn cưỡng của tôi
khi thực hiện các biện pháp tài khóa như trò câu giờ thông thường
của quan chức VNCH, mà đúng hơn là một sự chậm trễ khôn khéo.
Sự tin tưởng lẫn nhau là điều kiện tiên quyết để thành công và chúng
tôi không thể để mất thời gian quý báu vào cuộc thảo luận hoặc đối
đầu không có kết quả. Do tác động của ông Cooper, kế hoạch hai
năm của Harlan, trong đó gánh nặng tài chính nghiêng nhiều về
phía Nam Việt Nam, đã được gác lại. Tôi cũng chống lại các kế
hoạch của Mỹ về kiểm soát giá cả và phân phối. Đôi khi, tôi không
thể không cảm thấy rằng mình đã bị buộc tội (oan) là dung dưỡng
tình trạng hoang phí và gian dối, và rằng định mệnh của những
nước nhược tiểu là phải để cho các nước tài trợ đạo đức giả nhiếc
móc vì tội hoang đàng (nguyên văn: pilloried on the altar of fiscal
discipline”).

Trên thực tế, chúng tôi thừa hưởng hệ thống thuế nhỏ yếu từ thời
thuộc địa Pháp. Trước đó, việc không khai thu nhập và không nộp
thuế thu nhập không phải là một tội và nợ thuế thu nhập chỉ có thể bị
đòi thông qua tòa án dân sự. Nguồn thu thuế của nhà nước luôn nhỏ
hẹp và ngoài thuế hải quan, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh và thuế
đối với rượu và thuốc lá, thuế thu nhập là nguồn thu duy nhất với độ
phủ rộng trong xã hội. Tệ hơn nữa, việc quản lý thuế thu nhập từ lâu
đã không hiệu quả và thường được người trả thuế cho là độ c đoán
nếu không phải là hành vi tham nhũng. Ngoài việc khấu trừ thuế tại
nguồn trên tiền lương và tiền công, chúng tôi đã phải đối mặt với
một trận chiến khó khăn là thu từ doanh nghiệp nhỏ chưa đăng ký
và từ dân chúng nói chung. Hầu hết không giữ sổ sách kế toán cẩn
thận, vì vậy nhân viên thu thuế buộc phải áp đặt số tiền thuế dựa
trên những thoả thuận mang tính độc đoán thường chỉ dựa vào bằng

chứng về sự giàu có để lộ ra ngoài. Kết quả cuối cùng là mức quy
thuế thường thấp hơn nhiều so với những gì người nộp thuế thực sự
nợ, ngay cả khi họ cảm thấy rằng nhân viên thu thuế độc đoán và
không công bằng.

Một trở ngại khác là bộ máy quan liêu cố hữu của chúng tôi.
Nhưng chúng tôi không có biện pháp nào khác là làm việc với bộ
máy này. Chúng tôi phải giải thích tình trạng tài chính khó khăn cho
cơ quan quản lý thuế và đưa ra một cơ cấu thuế đơn giản để quản lý,
không chừa chỗ cho sự tuỳ tiện của nhân viên thu thuế.

Một khó khăn nữa là Quốc hội thường xuyên từ chối phê duyệt
các biện pháp tài chính để chuyển các nguồn lực từ khu vực tư nhân
sang khu vực công. Đa số dân biểu thuộc về giới thượng lưu Sài Gòn
và, giống như tôi, sống an toàn tại thủ đô. Nhưng thu nhập ít ỏi từ
thuế của VNCH đang là đề tài chỉ trích của các nhà báo nước ngoài
và Quốc hội Mỹ, khiến công chúng Mỹ không ủng hộ cuộc chiến.
Tôi tin chắc rằng một bước nhảy vọt trong doanh thu thuế nội địa là
điều kiện bắt buộc để giảm thâm hụt tài chính, kiểm soát lạm phát,
và giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào ngoại viện – mà chúng
tôi biết là sẽ giảm mạnh trong tương lai gần.

Nhóm chúng tôi quyết định ngay từ đầu rằng, để cho công bằng,
bất kỳ hệ thống thuế nội địa nào cũng phải dựa trên nền tảng là thuế
thu nhập lũy tiến được thu đúng và đủ. Nhưng chúng tôi cũng cần
một loại thuế dựa trên tiêu dùng rộng rãi để đạt được mục tiêu tài
chính của chúng tôi. Câu hỏi duy nhất là loại thuế nào tối ưu trong
bối cảnh nền kinh tế miền Nam lúc bấy giờ. Để đạt được mục tiêu
này, nhóm ngân sách của Bộ Tài chính đã áp dụng hai hướng tiếp
cận. Đầu tiên, chúng tôi tìm cách mở rộng cấu trúc thuế nội địa theo
hướng không kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Thứ hai,
chúng tôi cố gắng cải thiện hiệu quả và tính trung thực của hệ thống
quản lý thuế trong nước.

Để theo đuổi các mục tiêu này, cuối cùng chúng tôi quyết định
dùng thuế đánh trên trị giá gia tăng của hàng hóa (TTGGT, tiếng
Anh: “value-added taxes”), vì nó phù hợp hơn với mục tiêu thúc
đẩy phát triển kinh tế và xuất cảng, và việc quản lý loại thuế này có

thể cung cấp dữ liệu khách quan hơn để đánh giá thuế thu nhập. Về
mặt khái niệm, TTGGT là một loại thuế đánh vào giá trị gia tăng ở
từng giai đoạn của chuỗi cung ứng, sản xuất và phân phối, như tên
của sắc thuế này ám chỉ. Trong thực tế, đó là một khoản thuế được
trả bởi người mua tại điểm mua và được thu bởi người bán thay mặt
cho nhà nước. Việc không nộp thuế cho nhà nước đã trở thành tội
phạm theo luật pháp Việt Nam – người nộp thuế chịu thuế TTGGT
có thể phải đối mặt với việc truy tố hình sự nếu họ không nộp. Và
bằng cách buộc doanh nghiệp ghi lại các giao dịch mua và bán của
họ, người thu thuế của chúng tôi có thể có dữ liệu chính xác hơn.
Nhưng tính năng hấp dẫn nhất của TTGGT là căn bản áp dụng rộng
lớn của nó. Nó đã đánh thuế vào phần lớn nhất của Tổng sản phẩm
nội địa quốc gia (GDP) là tiêu dùng tư nhân (tiếng Anh: “private
consumption”). Và tính toán của chúng tôi cho thấy thâm hụt ngân
sách có thể được giảm một cách có ý nghĩa chỉ bằng những điều
chỉnh thuế suất nhỏ.

Tuy nhiên, giới thiệu TTGGT là một bước liều (nguyên văn:
“leap of faith”). Vào thời điểm đó, nó mới được dùng ở một số nước
châu Âu. Chúng tôi không được USAID giúp đỡ vì Hoa Kỳ không
có kinh nghiệm về thuế TTGGT và điều đó không được hiểu rõ
ngay cả trong giới học thuật. Chúng tôi không ngờ rằng cuối cùng
TGTGT sẽ được công nhận là một biện pháp tăng doanh thu tốt và
được áp dụng rộng rãi trên khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ La
tinh, với Hoa Kỳ vẫn là ngoại lệ.

Vấn đề là công chúng chưa bao giờ nghe về loại thuế này – và
không có nhu cầu để tìm hiểu nhất là khi thông tin đến từ những
chuyên viên trẻ có ít kinh nghiệm ngoài đời như chúng tôi. Tệ hơn
nữa là “thuế trị giá gia tăng” là một cụm từ nghe rất trúc trắc và khó
nói. Chúng tôi phải tránh không đi qua Quốc Hội và áp dụng thuế
dựa vào nghị định của tổng thống theo “Luật Chương trình” – một
giải pháp ngắn hạn cho khung pháp lý yếu vào lúc đó. Thuế suất ban
đầu là 10%, với sự miễn trừ đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Đến năm 1974, cấu trúc thuế nội địa của chúng tôi bắt đầu
giống với cấu trúc thuế của một quốc gia hiện đại và chúng tôi đã

có thể tăng doanh thu thuế lên 70%. Còn khả quan hơn nữa là mặc
dù liên tục đe dọa cắt giảm, viện trợ của Mỹ cũng tăng vừa phải
vào năm 1971.

Một sáng kiến táo bạo ở Đà nẵng

Sau khi đã thực hiện các cải cách lớn bao gồm hối suất ngoại tệ
linh hoạt, tăng lãi suất, và thuế trị giá gia tăng, chúng tôi tiếp tục cải
cách cơ cấu theo hướng có lợi cho tăng trưởng bền vững. Chúng tôi
giảm mức thuế nhập cảng từ hơn 200 xuống chỉ còn 4: 0%, 25%,
50%, và 200%. Và chúng tôi bắt đầu chấm dứt việc bảo vệ các ngành
công nghiệp trong nước và theo hướng tiếp cận thị trường tự do hơn.
Thông qua tất cả, công chúng và báo chí đã xây dựng tôi lên
thành bộ mặt và cột thu lôi cho chương trình nghị sự kinh tế của
chính phủ. Trong thực tế, đó là thành tích của cả nhóm, với ông
Charles Cooper và tôi lãnh đạo một nhóm chuyên gia Hoa Kỳ-Việt
Nam. Ông Cooper và tôi đặt ra kế hoạch thực tế, và các đồng nghiệp
tại Bộ Kinh tế, Bộ Tài chính, và Ngân hàng Quốc gia đem ra thực
hiện. Không ai trong số họ thích xuất hiện trước công chúng, vì vậy
cuối cùng tôi đã trở thành người phát ngôn của nhóm cho thế giới
bên ngoài. Tất nhiên, điều này có nghĩa là tôi trở thành người mang
tin xấu. Hình như tôi là vị tổng trưởng bị dư luận chỉ trích nhiều
nhất trong toàn bộ nội các. Nhưng tôi rất tự hào về nhóm của chúng
tôi, những người mà thành tích thường bị che khuất với những trò
diễn phô trương và lời chỉ trích. Tổng thống Thiệu ủng hộ tôi ở hậu
trường và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm không can thiệp. Điều này
nhiều hơn những gì tôi mong đợi.

Nhìn lại, tôi coi năm 1970 là bước ngoặt trong nhiệm kỳ của
mình. Đó là lúc nền kinh tế bắt đầu dần ổn định. Lạm phát đã trở
lại dưới mức 20% và hối suất ngoai tệ thả nổi của chúng tôi đã
giúp giải quyết nạn đầu cơ tiền tệ. Các ngân hàng bắt đầu mua trái
phiếu chính phủ, giúp tăng doanh thu rất cần thiết cho nhà nước.
Washington dường như cũng được thuyết phục rằng chúng tôi đang
đạt được tiến bộ, tái phân bổ thêm 80 triệu đô la viện trợ từ các quốc

gia tiếp nhận khác để bỏ qua nhu cầu phê duyệt của Quốc hội Mỹ.
Không sai nếu nói là những cải cách cấu trúc của chúng tôi không
mang lại sự thay đổi đủ nhanh để xoay chuyển mọi thứ. Tuy nhiên,
do thách thức đặt ra từ cuộc chiến đang diễn ra và cuộc rút quân của
Mỹ, tôi tin rằng những thành tựu của nhóm chúng tôi trong năm
1970 và 1971 là rất đáng kể.

Nhưng sau đó, chiến tranh lại nóng lên một lần nữa, và những cải
cách của chúng tôi bị bỏ lại phía sau bởi cuộc tấn công ồ ạt qua biên
giới của cộng quân vào “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Chính sách kinh
tế, dù đổi mới hay thực dụng đến mức nào đi nữa, đột nhiên trở nên
không còn ý nghĩa. Thâm hụt chi tiêu đã lên tận mây xanh (nguyên
văn: “hit the stratosphere”), còn lạm phát tăng vọt lên 60%. May thay
nhóm kinh tế của chúng tôi không bị dư luận trách móc. Về phần
mình, tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ quân đội. Phòng
Thương mại Sài Gòn nhiệt tình ủng hộ tôi, gởi đoàn đi thăm quân đội
ở tiền tuyến và tặng hàng trăm triệu đồng cho việc ủy lạo này.

Tuy nhiên, tôi vẫn là cây cột thu lôi thu hút tranh cãi. Ở miền
Trung Việt Nam, nơi từ lâu đã diễn ra biểu tình trên đường phố
của Phật tử và sinh viên, tôi đã bãi bỏ khẩu phần gạo để theo đuổi
cam kết của tôi đối với các nguyên tắc thị trường tự do. Khi Tổng
thống Thiệu đến thăm, một tỉnh trưởng cố gắng ngụy trang tình
trạng thiếu gạo bằng cách dàn dựng một kho trữ gian dối (nguyên
văn: “Potemkin”). Khi lộ ra rằng kho gạo dồi dào của ông ta thực ra
chỉ nhồi nhét những miếng nhựa và túi đi chợ, đối thủ của tôi nhanh
chóng bắt tôi phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, tôi vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Trong
chuyến đi Đà nẵng, lúc đó đang bị tràn ngập bởi những người chạy
loạn, tôi đã bác bỏ quan điểm thông thường rằng vấn đề cần một số
tiền cứu trợ lớn từ chính phủ. Thay vào đó, với quan điểm thoáng
hơn (nguyên văn: “maverick”), tôi nhìn cuộc khủng hoảng tị nạn
như một vấn đề thất nghiệp tạm thời. Tôi tin chắc những người nông
dân chạy loạn này thích làm việc hơn là thích ở trại ăn tiền cứu trợ.
Vì vậy, tôi thành lập một cơ quan đặc biệt bên cạnh các trại cứu trợ,
cho người tị nạn lựa chọn làm việc thay vì nhận tiền trợ giúp.

Cơ quan Phát triển Khu vực Đà nẵng (còn được gọi là ADDA
– Agency for the Development of the Da Nang Area) được quản lý
bởi một giám đốc biệt phái từ Công ty Shell Oil Saigon. Và sau đó
chúng tôi thu xếp được với ông Charles Cooper và USAID để hỗ trợ
tài chính cho hoạt động này. Tôi hy vọng dự án mà chúng tôi gọi
là “người nghèo giúp đỡ người nghèo” sẽ là hình mẫu cho các tỉnh
khác bị chiến tranh tàn phá. Và theo nhiều dư luận thì đây là một
thành công trong hoàn cảnh đó. Người tị nạn được đưa vào làm việc
để dọn dẹp cống rãnh, đào kinh nhập thủy và đóng góp cho các công
trình công cộng ở các khu vực nghèo của Đà nẵng. Sau đó, chương
trình này được mở rộng đến Sài Gòn và các khu vực quân sự khác,
sử dụng khoảng 32.000 người.

Nhìn lại

Vào đầu năm 1973, mọi thứ dường như đã ổn định phần nào.
Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào ngày 23 tháng Giêng
và những đơn vị cuối cùng của quân đội Mỹ rời khỏi Nam Việt
Nam 60 ngày sau đó. Tháng Tư năm đó, Tổng thống Thiệu bay tới
California để gặp Tổng thống Nixon. Toàn bộ nhóm kinh tế của
chúng tôi được phép tham gia để thảo luận về viện trợ sau đình
chiến với các chuyên gia Mỹ. Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ trên
một “mô hình Keynes” để phát triển nền kinh tế “trong một môi
trường hòa bình”. Nhưng cuối cùng, hòa bình rồi cũng không giữ
được cũng như viện trợ của Mỹ vậy.

Trong cuộc xung đột này, có hai chính quyền và hai quân đội
ở miền Nam Việt Nam. Điều này làm cho việc thi hành kỷ luật tài
chính, chống lạm phát, và thay đổi cơ cấu kinh tế rất khó khăn.
VNCH được yêu cầu đảm nhận các chi phí của cuộc chiến mặc dù
chúng rõ ràng vượt xa khả năng của chúng tôi. Điều này đe doạ
chính sự tồn tại của nền dân chủ non trẻ của chúng tôi.
Trước câu hỏi hóc búa về kinh tế này, cả hai bên, Việt Nam
Cộng Hòa và Hoa Kỳ, đã nhìn mọi thứ với cách nhìn riêng. Các cố
vấn người Mỹ thích giảng đạo đức rằng, đã đến lúc Việt Nam phải

“tự đứng trên đôi chân của mình”, và phàn nàn rằng giới giàu có
Nam Việt Nam không đóng thuế nên dẫn đến lạm phát cao. Giới
quan sát ngoại quốc cảm thấy chướng mắt khi nhìn thấy sự giàu
có ở một đất nước có chiến tranh: xe máy, tivi và mọi thứ xa xỉ.
Các kinh tế gia chỉ trích chúng tôi là một quốc gia “tiêu thụ nhiều
nhưng sản xuất ít”. Trong khi đó, các chính trị gia của chúng tôi
tiếp tục phê duyệt chi tiêu ngân sách nhiều hơn nhưng né tránh các
biện pháp thu ngân sách không được dân chúng ủng hộ, thay vào
đó đổ lỗi cho các bộ trưởng bất tài. Trong một thời gian dài chính
phủ né tránh thi hành những biện pháp phá giá tiền tệ và tăng thuế
khi cơ cấu của nền kinh tế mất cân đối vì e sợ hậu quả chính trị
của chúng.

Tuy nhiên, nhìn lại, tôi tin rằng những cải cách của chúng tôi,
mặc dù được thi hành trong điều kiện có nhiều yếu tố quan trọng
nằm ngoài tầm kiểm soát, đã vượt qua thử thách của thời gian.

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ