Trùng Dương
Khi được tin nhà văn Hoàng Hải Thủy vừa qua đời ngày 6 tháng 12 trong mùa đại dịch 2020 ở tuổi 87, điều tôi nghĩ tới đầu tiên về anh, vì đây là dịp duy nhất chúng tôi làm việc với nhau, đó là tác phẩm lừng danh do anh dịch (không phải phóng tác như nhiều tác phẩm khác của anh), tựa là “Trăm Năm Hiu Quạnh,” bản Anh ngữ là “One Hundred Years of Solitude,” chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha là “Cien años de soledad,” của văn hào Grabriel Garcia Marquez (1927-2014), giải Nobel Văn Chương năm 1982.
Vào năm 1973, cơ sở nhật báo Sóng Thần thiết lập một chi nhánh xuất bản lấy tên là Nhân Chủ, và tôi được nhóm chủ trương giao cho việc điều hành. Một trong những tác phẩm đầu tiên nhà xuất bản dự tính in là bản dịch cuốn tiểu thuyết độc đáo này. Người chúng tôi nghĩ tới để giao công tác dịch là anh Thủy vì khả năng ngoại ngữ điêu luyện và văn phong bay bướm của anh. Vì đây là một tác phẩm văn chương lớn, tự nó đã có chất thơ dù được chuyển từ bản tiếng Tây Ban Nha, chúng tôi đề nghị anh dịch chứ không phóng tác. Chính anh Thủy, sau khi đọc bản Anh ngữ, xong cũng đồng ý là phải dịch.
Bản dịch tác phẩm tuyệt vời này không may đã không tới tay độc giả Miền Nam mặc dù việc sắp chữ, dàn trang, trình bầy bìa và đóng thành sách tạm để đưa đi kiểm duyệt đã xong, chỉ chờ được giấy phép in. Tôi hiểu sự tha thiết và nuối tiếc của anh đối với đứa con tinh thần mệnh yểu này, mặc dù không do mình thai nghén mang nặng đẻ đau nhưng là người có công “đỡ đẻ” (chữ của nhà văn Phạm Phú Minh) sang một ngôn ngữ khác, không thể nhuyễn hơn dưới ngòi bút dịch thuật của Hoàng Hải Thủy. Tôi lục tìm lại bài viết cách đây 10 năm của anh Thủy về kinh nghiệm “mất con” này trên blog của anh, với nhiều chi tiết mà chính tôi khi đọc bài này lần đầu cũng không còn nhớ và không khỏi ngậm ngùi. Bài viết này anh viết nhân đọc bài của tôi về cuốn sách dịch “Ngàn Cánh Hạc.” Tôi cắt bỏ phần anh viết về cuốn NCH, chỉ đăng lại phần anh viết về kinh nghiệm với “Trăm Năm Hiu Quạnh.”
Xin đăng lại ở đây một phần bài blog đó của anh như một nén hương tưởng nhớ dành cho một cây bút chuyên nghiệp và tài ba của Miền Nam
Tôi nhớ mãi ngày anh ghé thăm thân hữu ở Bắc Cali sau khi từ Việt Nam qua Mỹ định cư vào giữa thập niên 1990, và tôi đã trao anh một bản sao bài giới thiệu tuyển tập “Tắm Mát Ngọn Sông Đào” do Lá Bối xuất bản ở Paris năm 1981 qui tụ các bài viết, thơ, nhạc của văn nghệ sĩ Miền Nam sau ngày 30 tháng 4, 1975, với một số phóng sự của anh Thủy ký tên Con Trai Bà Cả Đọi. Cuốn này hiện được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội Mỹ. Cũng trong bài giới thiệu đó tôi có chép lại bài thơ “Tại Sao?” của anh gửi chui từ một Sài Gòn Mất Tên được nhà thơ Viên Linh phổ biến vào năm 1979 – bài thơ đã khiến tôi thổn thức và đã chép lại cất giữ tới nay. Xin chép lại bài thơ đó ở phần cuối, như một lời tiễn biệt nhà văn Hoàng Hải Thủy.
Kính chúc hương linh anh An Giấc Nghìn Thu.
Ngàn Cánh Hạc
Ngày 9 tháng 6 năm 2010
Hoàng Hải Thủy
Trong cuộc đời làm báo, viết truyện đăng báo của tôi ở Sài Gòn – từ năm 1954 đến năm 1975 – tôi được biết hai Bà Chủ Báo:
– Bà Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận, Chủ nhiệm Nhật báo Sàigònmới. Bà Bút Trà là Bà Chủ đích thực của tôi. Cả đời làm báo của tôi, tôi chỉ nhận có Bà Bút Trà là Bà Chủ tôi, tôi chỉ có một Bà Chủ Báo: Bà Bút Trà. Rất tiếc tôi không có tấm hình nào của bà.
– Bà Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, Chủ nhiệm Nhật báo Sóng Thần.
Nếu “biết” thì tôi biết làng báo Sài Gòn từ năm 1954 đến năm 1975 có chừng 5 bà chủ báo. Nhưng biết và từng lãnh tiền lương, tiền nhuận bút từ các bà chủ báo thì đời tôi chỉ có hai bà Chủ Báo trên đây.
Báo Sàigonmới bị Nguyễn Khánh-Ðỗ Mậu đóng cửa đầu năm 1964. Bà Bút Trà qua đời trong quên lãng ở Sài Gòn khoảng năm 1985. Bà Trùng Dương chạy được khỏi Sài Gòn trước ngày 30 Tháng Tư 1975. Bà làm việc trong tòa soạn một tờ nhật báo Mỹ ở Cali, Hoa Kỳ. Năm 2005, tác phẩm dịch Ngàn Cánh Hạc của bà được một nhà xuất bản ở Sài Gòn tái bản. Mời quí vị đọc lời Bà Nhà Văn Nữ Trùng Dương nói về chuyện ấy.[…]
Tôi – CTHà Ðông – nhân việc Nhà Văn Nữ Trùng Dương kể chuyện Ngàn Cánh Hạc, làm cuộc “ ăn theo” để kể chuyện những năm 1972, hay 1973, ở Sài Gòn, tôi dịch tác phẩm One Hundred Years of Solitude của Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez.
Bà Trùng Dương khi đó là chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần, tôi viết truyện phơi-ơ-tông cho Sóng Thần, đưa tiểu thuyết One Hundred Years of Solitude cho tôi dịch, Nhà Xuất bản Nhân Chủ của Nhật báo Sóng Thần sẽ in và phát hành.
Ðây là lần đầu tôi đọc One Hundred Years of Solitude. Có hai cái tên truyện Trăm Năm Cô Ðơn và Trăm Năm Hiu Quạnh. Tôi chọn Trăm Năm Hiu Quạnh. Truyện tuyệt hay. Văn Anh nhiều đoạn như Thơ. Có người bảo tôi: “Ðấy là văn Anh. Văn nguyên bản tiếng Espagnole còn mê ly hơn nữa.”
Tôi say mê dịch One Hundred Years. Trong căn gác nhỏ, trên cái máy đánh chữ, tôi dịch sách mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, nghỉ ăn trưa, nằm lơ mơ đến 2 giờ dậy, ngồi vào máy chữ gõ tiếp. Tôi dịch đến 6, 7 giờ tối thì ngừng. Tắm, ra nằm ghế dựa trên hiên nhà nhìn trời mây, hàng cây, dây điện, ăn cơm tối với vợ con. Buổi tối tôi không viết. Tôi thấy viết buổi tối hại người. Làm việc một ngày như thế là đủ rồi. Từ 9 giờ tối tôi nằm đọc sách, hút thuốc lá, tôi ngủ lức 12 giờ đêm.
Bản thảo được chi tiền tính trên bản đánh máy của tôi. Tôi không nhớ giá tiền một trang truyện tôi dịch năm ấy là mấy ngàn đồng. Dịch được chừng 50, 60 trang đánh máy – khoảng một tuần – tôi đem đến nộp bà Trùng Dương. Bà ký cho tôi cái phiếu trả tiền, tôi đưa phiếu cho ông Quản Lý Nguyễn Ðức Nhuận, lấy tiền, đi mua khoảng 2 tút thuốc lá Lucky Strike hay Pall Mall, về nhà dịch tiếp.
Tôi dịch One Hundred Years trong khoảng 2 tháng. Truyện được sắp chữ, in tạm thành một quyển sách sạch đẹp, gọn, mang lên xin kiểm duyệt ở Bộ Thông Tin. Hôm sách được kiểm duyệt về, tôi xem, thấy Trăm Năm bị cắt – bị kiểm duyệt cắt bỏ – khoảng 60 trang. Tôi nghĩ sách 600 trang mà bị cắt 60 trang là chuyện đáng mừng, như đưá con tinh thần của mình bị người ta cắt một ngón chân, một ngón tay.
Có giấy cho phép xuất bản rồi nhưng Quản Lý Nguyễn Ðức Nhuận chưa lo được giấy trắng để in nên không in ngay. Bộ Thông Tin năm ấy do ông Hoàng Ðức Nhã làm Bộ Trưởng, có lệnh mới về việc xuất bản sách: Tác phẩm được giấy phép 6 tháng không xuất bản phải đưa kiểm duyệt lại.
Khi Nhà Xuất bản lo được giấy trắng để in thì Giấy Phép Trăm Năm đã quá hạn, Trăm Năm được đưa đến Bộ Thông Tin kiểm duyệt lại. Lần này Bộ Thông Tin không cho phép tiểu thuyết dịch của Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez được xuất bản. Nghe nói vì Nhà Văn Marquez có cảm tình với Khối Cộng sản, là bạn của Fidel Castro, dường như Nhà Văn vừa lên tiếng đả kích người Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam.
Và thế là tác phẩm dịch Trăm Năm Hiu Quạnh không được ra đời. Tuy đã được trả tiền công, tác phẩm bị cấm in, tôi vẫn cay cú. Ðó là công lao của tôi, là một phần tim óc tôi khi tôi chuyển câu văn tiếng Anh sang câu văn tiếng Việt. Tôi muốn đồng bào tôi – nhờ công của tôi – được thưởng thức tiểu thuyết One Hundred Years. Nhưng công lao của tôi là vô ích!
Trong đời viết tiểu thuyết của tôi có một quyển tôi viết xong, nhà xuất bản đã mua, định in mà không được in. Ðó là tác phẩm Trăm Năm Hiu Quạnh tôi dịch từ nguyên bản One Hundred Years of Solitude của Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez.
Trang quảng cáo Trăm Năm Hiu Quạnh đăng trên http://www.sachxua.net
Tháng Năm 2010, có người bạn đọc trang www.hoanghaithuy.com gửi cho tôi I-Meo, cho biết trên Web có Nhà bán sách www.sachxua.net Sài Gòn, rao bán mấy quyển sách của tôi.
Tôi mở www.sachxua.net xem, tôi cảm khái khi thấy trang quảng cáo bán quyển Kịch Thơ Vân Muội do Thi bá Vũ Hoàng Chương tặng tôi, một quyển Truyện Kiều đóng bià các-tông trên có chữ tôi viết. Tôi không biết từ đâu, vì sao www.sachxua.net có mấy quyển sách đó của tôi, tôi cũng không nhớ Thi bá Vũ Hoàng Chương cho tôi quyển Kịch Thơ Vân Muội lúc nào, tôi lại càng không biết vì sao www.sachxua.net có mấy quyển ấy.
Và www.sachxua.net đăng trang quảng cáo tác phẩm Trăm Năm Hiu Quạnh như quí vị thấy tôi đăng cùng với bài viết này. Trang quảng cáo đó là bằng chứng tôi có dịch One Hundred Years of Solitude của Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez. Và là nguyên nhân tôi viết những dòng chữ này hôm nay.
Với tôi One Hundred Years of Solitude là một tuyệt phẩm. Tôi không thể kể cốt truyện; truyện phải đọc thẳng một lèo trong ba, bốn đêm. Tôi hưá sẽ viết về những Nhân Vật Nữ Diệu Kỳ trong One Hundred Years of Solitude trong một bài tới.
Xin tạm biệt ở đây.
***
Vào năm 1977, trong bầu không khí ảm đạm tang thương của một Miền Nam đổi đời, nhân đọc lại “Độc Tiểu Thanh Ký” của thi hào Nguyễn Du “khóc người thiếu phụ chết tự bao giờ nhưng bút thơ và thiên tài còn để lại,” anh Hoàng Hải Thủy cảm hoài viết bài thơ “Tại Sao?” Và với cái trào lộng cố hữu của một cây bút đa dạng, cộng với bao niềm uất hận từ sau biến cố 30 tháng 4, 1975, anh Thủy viết: “Có điều tôi biết chắc là nếu anh hồn Tố Như còn cảm, còn biết đời có kẻ khóc ông, thì với những gì đang xẩy ra bây giờ, Tố Như có thể bảo, ‘Thôi, khổ lắm, đừng khóc tao nữa, để tao khóc chúng mày!’” Bài thơ được gửi chui ra hải ngoại, nhà thơ Viên Linh đăng trên tạp chí Thời Tập số ra ngày 1 tháng 4, 1979 cùng với một số bài khác của Hoàng Hải Thủy dưới tiêu đề “Phần Dư Tập.”
Tại Sao?
Thơ Hoàng Hải Thủy
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Cười cũng dư mà khóc cũng dư
Tử qui nhân sự tận cùng hư
Hồ Tây vườn cũ ai than thở
Ai đã phần thư, đã khóc thư?
Anh hồn còn cảm còn thương mến
Hãy hiển linh như Đạm Tiên xưa
Cho người sau nói câu tâm sự
Trong xót xa và hỏi Tố Như:
— Chi phấn hữu thần lân tự hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nam vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Tại sao:
— Tàn rồi ta mới thương son phấn?
Tại sao:
— Văn chương đàn phách cũng là hư
Sao ân đã ái còn ân hận
Sao tài hoa khổ lụy tâm tư?
Tại sao Trời hại tài hoa
Tại sao tình ái lại là dây oan?
Tại sao Trời ghét hồng nhan
Sao càng phong vận lại càng oan khiên?
Tố Như ơi,
Này bút này nghiên
Này thơ này truyện này duyên
Này oan này hận này phiền
Tình nay mang xuống tuyền đài chưa tan
Có nghe chăng tiếng tơ vàng
Đàn tôi đứt hết dây đàn từ lâu
Ở đâu có cảm thông nhau
Về đây xem cuộc bể dâu đoạn trường
Về đây sông núi tang thương
Hồn ơi dòng lệ tiền đường đang rơi
Còn thương còn sót con người
Lệ kia Hồn khóc cho đời, chẳng dư.
Hỡi ôi,
Hà kỳ nhất bách dư niên hậu
Tái đoạn trường bi khốc Tố Như
Ai ngờ trăm lẻ năm sau
Tố Như lại khóc lại sầu Tố Như
Tại sao, tại sao lệ ngàn xưa
Ngàn năm chảy mãi bên bờ thời gian
Tố Như ơi biết cùng chăng
Tại sao ngọc nát mà vàng lại phai
Tại sao còn một chút này
Chẳng cầm cho vững mà dầy cho dơ.
Tại sao thơ đoạn trường thơ
Tấm lòng trinh bạch bao giờ mới thôi?
(Sàigòn, 26-5-1977)
***
Thông báo của gia đình về việc nhà văn Hoàng Hải Thủy đã ra đi.
Thân hữu văn nghệ muốn gửi lời tiễn bạn, thắp cho nhà thơ một cây nến hoặc trồng chục cây để tưởng nhớ anh đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, cùng chia buồn với gia đình Hoàng Hải Thủy, xin vào Web echovita này.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận định về thơ văn Hoàng Hải Thủy.
[TD2020/12]