Kinh tế - Chính trị
Hai dân tộc bất hạnh: So sánh quá trình hình thành và phát triển của Triều Tiên và Việt Nam trong lịch sử hiện đại
Published on
By
Vũ TườngVũ Tường, Đại học Oregon
TM111 chuyển ngữ; tác giả hiệu đính
Lời Cảm Tạ
Chương sách này được viết khi tôi đang làm việc cho Chương trình Dân Chủ và Phát Triển thuộc Viện Nghiên Cứu Princeton về Quốc Tế và Khu Vực, Đại học Princeton. Tôi xin tri ân chương trình này và giám đốc của chương trình là Atul Kohli và Deborah Yashar. Tôi cũng tri ân những ý kiến đóng góp của Donald Emmerson, Donald Keyser, James Ockey, T. J. Pempel, Gi-wook Shin, và David Straub của Đại học Stanford.
Chương này này đã được in trong sách: Asia’s Middle Powers? The Identity and Regional Policy of South Korea and Vietnam, biên tập bởi Joon-Woo Park, Gi-Wook Shin, và Donald Keyser (Stanford, CA: The Walter Shoreinstein Asia-Pacific Research Center, Stanford University, 2013), trang 153-173.
Lời Giới thiệu
Chương sách này có mục đích nhận diện và so sánh quá trình hình thành và phát triển nhà nước và dân tộc tại Triều Tiên và Việt Nam vào thời kỳ hiện đại. Triều Tiên và Việt Nam đều ở cùng một khu vực địa lý. Cả hai đều là láng giềng nhỏ bé hơn nhiều so với Trung Quốc, và trong lịch sử nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa và chính trị của Trung Quốc. Những phát triển trước thời hiện đại đã tạo nên một Triều Tiên thuần chất hơn về mặt sắc tộc và ổn định hơn về mặt chính trị so với Việt Nam. Dù có nhiều sự giống nhau bên ngoài, nhưng vận mệnh của cả hai nước bắt đầu đi theo hai con đường khác nhau từ cuối thế kỷ 19. Mặc dù cả hai đều bị chiếm làm thuộc địa, Triều Tiên bị lệ thuộc vào một quốc gia láng giềng Á Châu (Nhật bản), còn Việt Nam thì bị lệ thuộc vào một nước Tây phương đến từ xa (Pháp). Triều Tiên cũng trở thành thuộc địa muộn hơn Việt Nam nhiều thập kỷ, và là một thuộc địa cai trị bởi một chế độ thống nhất. Trái lại, Việt Nam bị chia ra làm ba vùng hành chính có nền pháp luật riêng rẽ. Mặc dù trong thời chiến tranh lạnh cả hai quốc gia đều bị chia cắt ra làm hai, một bên là nhà nước cộng sản và bên kia là nhà nước chống cộng, nhưng Việt Nam được thống nhất dưới chế độ cộng sản sau một cuộc chiến tranh lâu dài và tàn khốc. Chính quyền cộng sản Bắc Hàn cũng nỗ lực thống nhất đất nước bằng bạo lực, nhưng cuộc chiến của họ phải chấm dứt sau ba năm chiến tranh tương tàn. Hàn Quốc dần dà trở nên một quốc gia giàu có và dân chủ, trái với Bắc Hàn và Việt Nam nghèo khổ và độc tài.
Điều lý thú là tại cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc vào thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đều có sự hồi phục của phong trào dân tộc. [1] Việc bán đảo Triều Tiên vẫn còn bị chia cắt đã làm nhiều người dân Hàn Quốc buồn bực thì có thể hiểu được, thế nhưng tại sao một nước Việt Nam thống nhất lại chưa thỏa mãn những người Việt Nam yêu nước? Điều mỉa mai trong việc so sánh giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày nay khiến ta nghĩ đến câu văn nổi tiếng của Leo Tolstoy rằng “những gia đình hạnh phúc thì đều như nhau, còn mỗi gia đình bất hạnh thì lại bất hạnh theo cách riêng của mình.” [2]
Con đường phát triển khúc khuỷu của Triều Tiên và Việt Nam có lẽ có liên quan đến vị thế “trung cường” (middle power) của họ. [3] Cả hai quốc gia đều có diện tích trung bình và nằm giữa các đại cường quốc. Việt Nam nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, còn Triều Tiên cùng biên giới và hải giới với Trung Quốc, Nga, và Nhật. Cả Việt Nam và Triều Tiên đều đối diện với Hoa Kỳ qua Thái Bình Dương. Vị thế trung cường của họ khiến cả hai quốc gia về mặt địa chính trị đều đáng để các đại cường tranh giành với nhau. Cùng lúc đó, chính hai quốc gia này cũng đủ mạnh để thách thức các đại cường, hay là nếu dùng hình ảnh ẩn dụ của Donald Keyser, thì cả hai đều có khả năng “dám chơi lại đối thủ nặng ký hơn mình.” Vừa mới thoát ách thuộc địa, cả hai quốc gia đều bị Bức Màn Sắt (the Iron Curtain) ngăn đôi, và đây không phải là hoàn toàn ngẫu nhiên. Cũng như vậy, việc quân đội Hoa Kỳ can thiệp vào cả hai nước cũng không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Cả hai cuộc chiến tranh, chiến tranh Triều Tiên (1950-53) và chiến tranh Việt Nam (1965-73), không phải chỉ để ngăn chặn khối Xô viết bành trướng mà còn để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi phải đối đầu với cộng sản ngay tại biên giới của mình. Tuy thiếu thốn khả năng quân sự nhưng lại đầy tham vọng, cả hai Bắc Triều Tiên và Bắc Việt vào thời điểm đó không chịu chấp nhận biên giới các đại cường đã ép buộc họ phải nhận. [4] Niềm tự hào là tiền đồn của khối xã hội chủ nghĩa và việc họ liều lĩnh đối đầu với Hoa Kỳ là hành vi mang dáng dấp của những quốc gia trung cường.
Bài viết này được chia ra làm ba phần chính. Sau lời bàn ngắn gọn về lịch sử tiền hiện đại, phần đầu của bài viết sẽ chú mục đến sự hình thành tinh thần dân tộc hiện đại tại Triều Tiên và Việt Nam kể từ thế kỷ 19. Phần thứ nhì sẽ so sánh quá trình xây dựng nhà nước hiện đại tại Bắc Việt và Hàn Quốc. Thông tin về hệ thống chính trị tại Bắc Việt Nam khá ít ỏi, nên tôi sẽ sử dụng dữ kiện từ một đề tài nghiên cứu khác đang tiến hành. Trong phần kết luận, tôi sẽ bàn đến những bài học về thống nhất đất nước tại Việt Nam cho Hàn Quốc. Mặc dù người dân tại một Triều Tiên còn đang chia cắt có thể đang nhìn về Việt Nam đã thống nhất với sự ghen tỵ, nhưng họ cần phải để ý đến cái giá của sự thống nhất theo kiểu Việt Nam, nó đã không cải thiện được gì số phận của phần đông người Việt.
Triều Tiên và Việt Nam thời tiền hiện đại
Quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên đối với Trung Quốc trong thời kỳ tiền hiện đại đều theo một con đường giống nhau, bắt đầu từ lệ thuộc dẫn đến độc lập sau này. Nước Việt Nam ngày nay bắt đầu là một xã hội bộ lạc tại thung lũng sông Hồng. Xã hội này đến năm 111 trước công nguyên thì rơi vào sự đô hộ của Trung Quốc, và cứ như thế cho đến thế kỷ thứ 10. [5] Trong thời gian này có sự di dân và hôn nhân dị chủng diễn ra ở mức đại trà. Văn hóa Trung Quốc được hấp thụ, mặc dù văn hóa địa phương vẫn giữ một số đặc điểm riêng của nó. Sau khi lấy lại độc lập năm 938, các vua Việt Nam vẫn giữ mối quan hệ thần phục với Trung Quốc. Họ đã chống lại những cuộc xâm chiếm từ phương Bắc một cách thành công, chẳng hạn như cuộc xâm chiếm của quân Mông Cổ vào thế kỷ 13. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ, giữa năm 1400 và 1418, thì Việt Nam lại bị nhà Minh bên Trung Quốc cai trị. Mặc dù chúng ta thường nghe nói rất nhiều đến “sự kháng cự anh hùng” của người Việt chống lại Trung Quốc, quan hệ tiền hiện đại giữa Việt Nam và Trung Quốc phần lớn vẫn mang tính hoà bình và chiến tranh hiếm khi xảy ra. [6]
Triều Tiên cũng bị Trung Quốc trực tiếp thống trị từ năm 108 trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ tư, nghĩa là chỉ có 400 năm thay vì bị lệ thuộc một nghìn năm như Việt Nam. [7] Sau khi nền thống trị Trung Quốc bị lật đổ là “thời kỳ Tam Quốc” kéo dài 300 năm, với chiến tranh liên miên giữa ba vương quốc trung ương tập quyền là Koguryo, Paekche, và Silla. Thời kỳ này kết thúc sau khi Silla hợp tác với Trung Quốc để đánh bại hai vương quốc kia, nhưng sau đó lại đánh đuổi Trung Quốc ra khỏi bờ cõi năm 676. Sau đó một Triều Tiên đã được thống nhất duy trì quan hệ thần phục đối với Trung Quốc cũng như Việt Nam đối với Trung Quốc. Vua chúa Triều Tiên cũng kháng cự thành công nhiều cuộc xâm lăng từ phía Trung Quốc, nhưng (khác với Việt Nam) họ bị thất bại trước cuộc tấn công của quân Nguyên Mông. Triều Tiên bị nhà Nguyên cai trị trong thời gian từ năm 1270 đến 1356.
Lịch sử Việt Nam từ sau khi giành lại độc lập với Trung Quốc được đánh dấu bởi nhiều chia rẽ và xáo trộn chính trị hơn là lịch sử Triều Tiên. Triều Tiên được thống nhất từ thế kỷ thứ 7, từ đó không hề mở rộng giang sơn, và trải qua ba triều đại trước khi bị sáp nhập vào Nhật năm 1910. Trái lại, lãnh thổ của Việt Nam dần dà mở rộng ra về phía Nam từ thung lũng sông Hồng, chiến thắng vương quốc Champa theo Ấn độ giáo và Phật giáo vào thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 (ngày nay là miền Trung Việt Nam), và miền đông của vương quốc Khmer cũng theo Ấn độ giáo và Phật giáo vào thế kỷ 16 đến 18 (ngày nay là miền Nam Việt Nam). Phần lớn lãnh thổ của Việt Nam ngày nay không thuộc về Việt Nam lúc trước. Trong thế kỷ 16 – 18 Việt Nam chứng kiến hai cuộc nội chiến, đầu tiên là giữa nhà Mạc và nhà Lê (1527-1592), rồi giữa họ Trịnh phía Bắc, họ Nguyễn phía Nam, và các tướng nhà Tây Sơn (1627-1802), tất cả là 240 năm – cùng độ dài thời gian với thời kỳ Tam Quốc tại Triều Tiên một nghìn năm trước. Điều vương triều Silla đã đạt được về mặt lãnh thổ năm 676 thì nhà Nguyễn, vưong triều thứ 9 hay thứ 10 của Việt Nam từ khi thoát khỏi lệ thuộc Trung Quốc, mãi đến năm 1802 mới đạt được.
Về mặt xã hội, một khác biệt quan trọng nữa giữa Triều Tiên và Việt Nam thời tiền hiện đại là xã hội Việt Nam ít bị phân tầng hơn. Đến thế kỷ 15 thì các vương triều Việt Nam đã thành công hơn các vương triều của Triều Tiên trong việc triệt tiêu tầng lớp quí tộc. Nước Việt Nam thời Nguyễn có vẻ tập trung quyền hành vào trung ương hơn nhà Yi của Triều Tiên, vì tầng lớp quí tộc (yangban) của Triều Tiên tạo thành một nhóm có quyền lực thực sự đối trọng với nhà vua.
Về mặt văn hóa, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo, Khổng giáo và tân Khổng giáo cũng như Triều Tiên. Đến tận thế kỷ 19, trong tầng lớp sĩ phu tinh hoa Việt căn cước dân tộc chưa nhấn mạnh yếu tố chủng tộc. Đối với họ thế giới được phân chia thành những khu vực văn hóa (“văn hiến chi bang”). [8] Trong thế giới này tồn tại biên giới chính trị nhưng nó lại thống nhất dưới một nền văn hóa duy nhất mà trung tâm chính trị của nó là “Bắc triều” (tức là Trung Quốc). Nền văn hóa (hay chính xác hơn là “văn hiến”) này bao gồm cả Nam dân (tức là người Việt). Cũng như Triều Tiên, sự vay mượn khái niệm và thể chế chính trị từ Trung Quốc đã giúp các nhà cai trị Việt Nam củng cố triều đại của mình. Họ tự hào về nền độc lập chính trị với Trung Quốc nhưng cũng không kém tự hào là một thành viên trong thế giới do văn minh Trung Hoa ngự trị.
Sự trỗi dậy của quốc gia Triều Tiên và Việt Nam hiện đại
So với Triều Tiên, vị trí địa lý của Việt Nam đã tạo cho Việt Nam có nhiều tiếp xúc va chạm với ngoại quốc hơn. Người Tây phương đã can thiệp vào nội chiến Việt Nam từ thế kỷ 16. Khi bị Việt Nam từ chối trao đổi thương mại và sinh hoạt truyền giáo, nước Pháp đã đánh bại quan quân nhà Nguyễn rồi chiếm đóng miền Nam Việt Nam trong thập niên 1860. Sau một vài cuộc kháng cự ngắn ngủi, vua Nguyễn đã phải chấp nhận nền bảo hộ của Pháp cho phần còn lại của đất nước vào năm 1884. Cho đến cuối thế kỷ 19 những viên quan nhà Nguyễn không chịu chấp nhận Pháp đô hộ đều lo tổ chức những cuộc nổi dậy để phục hồi nền quân chủ truyền thống. Tinh thần quốc gia hiện đại trong đó đất nước không phải của vua mà của cả dân tộc mãi đến những năm 1900 mới xuất hiện, phần lớn nhờ vào những nhà cách mạng lưu vong tại Nhật và Trung Quốc (chẳng hạn như Phan Bội Châu), nhưng hoạt động của những vị này lại có ít ảnh hưởng trong nước.
Trái lại, Triều Tiên có ít quan hệ với nước ngoài hơn Việt Nam khi các đế quốc phương Tây bắt đầu xâm lăng Đông Á. [9] Cũng như Việt Nam, quốc gia này chống lại áp lực từ Hoa Kỳ, Pháp, Nhật đòi mở cửa để giao dịch thương mại. Không có cường quốc ngoại quốc nào muốn lập thuộc địa tại Triều Tiên trừ Nhật, nhưng mãi sau này Nhật mới trở nên cường quốc khi họ đánh bại Trung Quốc năm 1894 và đánh bại Nga năm 1905. Cả hai trận chiến tranh đều xảy ra vì Triều Tiên. Mặc dù Triều Tiên dần dà trở thành thuộc địa Nhật năm 1910, nhưng sự chậm trễ này (so với Việt Nam đã trở thành thuộc địa Pháp từ năm 1884) đã giúp giới trí thức Triều Tiên đủ thời gian để phát triển và truyền bá một tinh thần quốc gia hiện đại trong khi đất nước họ còn độc lập. Công lao lớn nhất trong việc này là của Câu lạc bộ Độc lập trong những năm 1896-1898. Câu lạc bộ này do Philip Jaisonn (So Chae-p’il), một nhà trí thức theo đạo Tin Lành tốt nghiệp y khoa ở Mỹ và có quốc tịch Mỹ trước khi trở về Triều Tiên. Mối đe dọa với chủ quyền của Triều Tiên đến từ Nhật, một cường quốc phi-Tây phương và chống Thiên chúa giáo, đã khiến cho đạo Tin Lành và Thiên chúa giáo được xem như là đồng minh và thu hút được người Triều Tiên. [10] Ngược lại, ở Việt Nam Thiên chúa giáo là tôn giáo của thực dân Pháp. Tôn giáo này đã không đóng góp vào tinh thần quốc gia của người Việt mà còn bị tinh thần quốc gia nhắm vào để công kích. [11] Trong tình thế như vậy, phong trào quốc gia chống Nhật nổ ra ngày 1 tháng 3 năm 1919 ở Triều Tiên trong đó nhà thờ Tin Lành có vai trò quan trọng là một điều không thể nào có thể xảy ra tại Việt Nam.
Để ứng phó với phong trào ngày 1 tháng 3, qua đó hàng vạn người trên toàn quốc xuống đường biểu tình phản đối chế độ cai trị của Nhật, Nhật đã nới lỏng kềm chế chính trị tại Triều Tiên. [12] Chính sách này là kết quả của sự ra đời một thể chế dân chủ đa đảng tại Nhật (“Taisho democracy”), và cũng do tầng lớp ưu tú tại Nhật muốn bắt chước thể chế chính trị phương Tây. Mãi đến năm 1931 thì chính sách này mới bị bãi bỏ. Nhờ chính sách này từ năm 1920 đến 1925 một phong trào cải cách văn hóa sôi nổi đã ra đời ở Triều Tiên. [13] Trong khi đó tại Đông Dương, một chính sách phóng khoáng tương tự mãi đến năm 1936 mới được thi hành khi Mặt Trận Bình Dân lên nắm quyền tại Pháp, và chỉ kéo dài đến 1939 mà thôi. Một nền báo chí tự do và quyền tự do lập hội được xem là cơ sở của tinh thần quốc gia hiện đại. Như vậy về mặt này Triều Tiên đã tiến xa hơn Việt Nam một hay hai thập niên. Một ví dụ là tổ chức Sin’ganhoe (1927-1931) ở Triều Tiên. Đây là một tổ chức hoạt động công khai được chính quyền thực dân Nhật dung túng vừa kết nạp người theo chủ nghĩa quốc gia vừa kết nạp người theo chủ nghĩa cộng sản. Một tổ chức tương tự chỉ có thể có được tại Đông Dương vào cuối thập niên 1930, và chỉ có được ở miền Nam Việt Nam mà thôi (lý do sẽ được giải thích ở phần sau).
Trong thời kỳ thuộc địa, người Hàn tranh luận về những khái niệm mới về quốc gia từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, kể cả chủ nghĩa xuyên Á, thuyết Darwin về phát triển xã hội, chủ nghĩa quốc gia vị chủng, chủ nghĩa quốc gia lấy quyền công dân làm căn bản, và chủ nghĩa quốc tế.[14] (Gi-Wook Shin cho rằng chủ nghĩa quốc gia vị chủng của Triều Tiên là một phản ứng đối với chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cộng sản). Cùng thời điểm đó, những nhà hoạt động chống thực dân người Việt cũng có những cuộc tranh luận tương tự, tuy nhiên cuộc tranh luận đó không được đào sâu như tại Triều Tiên vì môi trường chính trị bị kềm chế nặng nề hơn. [15] Những cuộc tranh luận này thường giới hạn trong những nhóm nhỏ những nhà hoạt động, và họ lại hay thay đổi quan điểm theo thời gian. Chẳng hạn như những bài viết của Phan Bội Châu phối hợp thuyết xuyên Á với thuyết Darwin xã hội, và chủ nghĩa quốc gia vị chủng. [16]
Thuyết xuyên Á mất đi sức hấp dẫn của nó sau khi Nhật thông đồng với Pháp để trục xuất những sinh viên Việt Nam sang Nhật du học. [17] Cuộc tranh luận chống thực dân dần dà thu hẹp vào cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa quốc gia vị chủng và chủ nghĩa quốc tế. Chủ nghĩa quốc gia vị chủng khai thác truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ [18], “huyền thoại lịch sử 4.000 năm chiến đấu chống Trung Quốc để giữ độc lập”, và cả nỗi sợ hãi bị tuyệt chủng phát xuất từ thuyết Darwin. Nhóm theo chủ nghĩa quốc tế không phải là một khối thống nhất. Cũng giống như những người cộng sản Triều Tiên vào thời điểm đó, nhiều người cộng sản Việt Nam trung thành với Stalin (Stalinists) tin tưởng vào đấu tranh giai cấp nhưng vẫn xem chủ nghĩa quốc gia vị chủng có ích cho cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân. Họ đã có lúc hợp tác với những người cộng sản đồ đệ của Trotsky (Trotskyites), cực đoan hơn họ. Sự chuyển hướng chính sách của Quốc Tế 3 năm 1935 đã giúp cho những người Stalinist hợp tác với những người quốc gia không cộng sản cho đến năm 1948. Họ lập ra Việt Minh làm mặt trận thống nhất và dùng tinh thần ái quốc để kêu gọi quần chúng. [19]
Tại Triều Tiên, thực tế chính trị sau 1945 tạo ra hai chế độ đối kháng nhau tại miền Bắc và miền Nam. Tại miền Bắc, Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) lập nên một nhà nước xã hội chủ nghĩa với sự hỗ trợ của Liên Bang Xô Viết và Trung Quốc. Tại miền Nam, Lý Thừa Vãn (Rhee Syngman, một cựu thành viên của Câu Lạc Bộ Độc Lập) trở nên tổng thống của một nước cộng hòa chống cộng. Cả Bắc và Hàn Quốc cố khai thác chủ nghĩa quốc gia vị chủng để thống nhất nhà nước và chế độ. [20] Kim tạo ra cảm tưởng là chế độ mà ông dựng lên không phải theo chủ nghĩa Stalin mà là một chủ nghĩa xã hội đặc biệt theo kiểu Triều Tiên. Lý phát động khái niệm “một dân tộc” để đoàn kết người dân Hàn Quốc chống lại cộng sản, thứ chủ nghĩa mà có lúc ông so sánh với bệnh dịch. Trong đầu thập niên 1970, sau mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô, Kim phát động khái niệm juche (âm Hán-Việt là “chủ thể”) như một nguyên lý để định hướng nhà nước Bắc Triều Tiên cùng với chủ nghĩa Mác – Lê nin. Sau khi nắm quyền nhờ cuộc đảo chánh năm 1961, tướng Phác Chánh Hy (Park Chung Hee) của Hàn Quốc đưa ra khẩu hiệu “hiện đại hóa đất nước” như là một học thuyết mới. Học thuyết này kết hợp chủ nghĩa quốc gia vị chủng với chủ nghĩa chống cộng và học thuyết phát triển.
Những thủ thuật lợi dụng chủ nghĩa quốc gia vị chủng cũng được dùng đến tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Chủ nghĩa quốc gia vị chủng giúp những đồ đệ của Stalin lên nắm quyền cuối năm 1945 và lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập với sự hợp tác đáng kể từ nhiều nhóm quốc gia chống lại sự trở lại của Pháp. Tuy nhiên, trong khi cộng tác với những người quốc gia thì những người Stalinít lại thủ tiêu hay đưa đi đày những nhà quốc gia chống cộng (đảng Đại Việt), những đồ đệ của Trốt ky (Tạ Thu Thâu), và những người theo chủ nghĩa quốc gia trên căn bản quyền công dân (Phạm Quỳnh, bị lên án là “Việt gian”). [21]
Từ khi chiến tranh lạnh xảy ra tại Âu châu năm 1947, các lãnh tụ cộng sản Việt Nam hăng hái đáp ứng lời của Matxcơva kêu gọi những thành viên phe cộng sản nổi dậy lật đổ chủ nghĩa đế quốc. [22] Họ bắt đầu thanh trừng những người không cộng sản ra khỏi chính quyền. Họ toàn tâm ủng hộ chủ nghĩa Mao-ít sau chiến thắng của cộng sản Trung Quốc năm 1949. Một cuộc đấu tranh giai cấp được phát động ở nông thôn trong những năm 1953-1956 dưới sự chỉ huy của cố vấn Trung Quốc. Hà nội cũng rập theo Trung Quốc tổ chức những phong trào chống hữu khuynh và Đại Nhảy Vọt (Đại Nhảy Vọt chỉ trong thời gian ngắn). Những cuộc đấu tranh cứu nước không nhất thiết phải mâu thuẫn với đấu tranh giai cấp, Tổng Bí thư Đảng Lao Động Việt Nam Trường Chinh đã phát biểu trong một cuộc họp nội bộ năm 1953: “Cách mạng dân tộc dân chủ là cách mạng nông dân. Chiến tranh giải phóng dân tộc về thực chất cũng là chiến tranh nông dân… Lãnh đạo nông dân đấu tranh chống phong kiến và đế quốc là đấu tranh giai cấp mà cũng là đấu tranh dân tộc. Đấu tranh giai cấp trong đấu tranh dân tộc và dưới hình thức đấu tranh dân tộc.” [23]
Nhưng những nhà lãnh đạo cộng sản phải mất một thời gian mới nghĩ ra được khẩu hiệu nối kết chủ nghĩa quốc gia vị chủng với chủ nghĩa xã hội. Cuối thập niên 1950 họ chế ra công thức “yêu nước là xây dựng chủ nghĩa xã hội,” biến lòng ái quốc (tiếng Việt thường dùng cho chủ nghĩa quốc gia vị chủng) thành công cụ phục vụ chủ nghĩa xã hội. [24] Khi họ quyết định phát động chiến tranh thống nhất đất nước, những văn kiện nội bộ của Đảng định nghĩa cuộc chiến bằng khái niệm của học thuyết Mác-Lê-Mao, coi đó là một cuộc cách mạng lật đổ chế độ thực dân mới để xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên toàn đất nước. [25] Tuy nhiên, trước công chúng, cuộc chiến tranh được gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Tuyên truyền của Hà nội trộn lẫn chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa quốc gia, nhưng chủ nghĩa quốc tế được đề cao hơn chủ nghĩa quốc gia, ít nhất là cho đến giữa thập niên 1960. Chẳng hạn như trong những năm 1955-1959, bốn tác giả được xuất bản nhiều nhất tại Bắc Việt là Lê nin (50 đầu sách), Stalin (29 đầu sách), Mao (12 đầu sách), và Hồ Chí Minh (11 đầu sách). [26] Cứ mỗi 100 cuốn sách được in ra thì có một cuốn của Lê nin. [27] Một Nghị quyết của Ban Bí thư của Đảng Lao Động Việt Nam ngày 14 tháng 7 năm 1959 về xây dựng hệ thống phát thanh ở miền Bắc đã định nghĩa nhiệm vụ của hệ thống là “tuyên truyền, cổ động cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, hướng dẫn nhân dân miền Bắc phấn khởi thi đua thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, động viên nhân dân toàn quốc tích cực đấu tranh thống nhất nước nhà, giáo dục tinh thần quốc tế cho nhân dân ta, thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân ta và các nước xã hội chủ nghĩa, và phát triển, củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân ta và các nước khác, nhất là các nước Đông Nam Á.” [28]
Một cuộc khảo sát những sách giáo khoa tập đọc in năm 1956 cho các em lớp một (khoảng 6 tuổi) cho thấy 84 trong số 328 bài học (25.6%) có nội dung chính trị. [29] Trong số 84 bài này, 32% dạy học sinh về những anh hùng quân đội cộng sản (đã hy sinh), 19% về “Bác Hồ”, 10% về đời sống cách mạng và cuộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, 7% về miền Nam, 7% về các nước xã hội chủ nghĩa anh em (một bài học về Lê nin thời còn trẻ), và 7% về đời sống nông dân và công nhân. Chỉ có hai trong số 328 bài học là về đề tài lòng ái quốc chung chung và một nói về một anh hùng trong lịch sử (Trần Quốc Toản), trong khi đó một mình đề tài cải cách ruộng đất có đến hai bài. Nội dung của cuốn sách giáo khoa lớp một này cho thấy nhà cầm quyền Hà nội dạy học sinh về lòng ái quốc trong mối liên kết với lịch sử dân tộc ít hơn dạy về chủ nghĩa xã hội trong mối liên hệ với cộng sản quốc tế. Nói chung, Đảng muốn thanh niên có niềm tin vững chắc vào các giá trị xã hội chủ nghĩa và luôn sẵn sàng chết cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa nếu “Bác Hồ” và Đảng cần đến.
Sau khi rạn nứt giữa Liên Xô và Trung Quốc xảy ra, những người cộng sản Việt Nam giảm bớt khuynh hướng quốc tế (nhưng không đến độ như những đồng chí Bắc Triều Tiên của họ). Họ vẫn trung thành với cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại chủ nghĩa đế quốc qua việc bác bỏ thuyết chung sống hòa bình của Khrushchev, cho ông ta là bán linh hồn cho phe đế quốc. Nhưng họ cho phép nghiên cứu lại quá khứ “phong kiến” của Việt Nam và bắt đầu bác bỏ chủ nghĩa Mao, xem nó là mối đe dọa cho Việt Nam. Khuynh hướng này có thể được thấy qua những thay đổi giữa những ấn bản của cùng cuốn sách giáo khoa được bàn đến ở đoạn trên, ấn bản năm 1956 và ấn bản năm 1972. [30] Trong ấn bản năm 1972 phát hành gần cuối cuộc chiến, có 69 trong số 236 bài học (29%) có nội dung chính trị. 55% của 69 bài học này nói đến những anh hùng quân đội cộng sản (phần lớn đã hy sinh), 14.5% nói về “Bác Hồ”, 11.6% nói về thống nhất đất nước và miền Nam, 10% về nếp sống cách mạng và nếp sống xã hội chủ nghĩa, và 3% về “các nước xã hội chủ nghĩa anh em”. Số lượng những bài học có nội dung chính trị nhiều hơn trong ấn bản 1972 phản ánh một xã hội bị chính trị hóa nhiều hơn do chiến tranh. Số lượng những bài học về anh hùng cộng sản nhiều hơn trước là vì cuộc chiến kéo dài đã tạo ra nhiều anh hùng hơn. “Bác Hồ” đã mất năm 1969 nên xuất hiện ít hơn. Điều đáng kể là số lượng những bài học về đề tài thống nhất đất nước trong ấn bản 1972 nhiều gấp ba lần hơn những bài học về các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trong khi đó thì số lượng những bài học về lòng ái quốc chung chung (2) và anh hùng lịch sử (1) thì vẫn như cũ.
Tại miền Nam Việt Nam, vốn là một quốc gia riêng biệt từ 1955 đến 1975, tổng thống Ngô Đình Diệm tuyên bố rằng chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phong kiến, và chủ nghĩa cộng sản là ba kẻ thù của quốc gia Việt Nam. Ông phát động “chủ nghĩa nhân vị”, một học thuyết do Emmanuel Mounier, một triết gia Pháp và là một người công giáo thế tục đặt ra, như là một lực lượng thứ ba giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản của hai khối chiến tranh lạnh. Chủ nghĩa nhân vị nhắm bảo vệ và phát triển phẩm giá của con người, tương phản với chủ nghĩa tự do vốn tạo ra sự giải phóng giả tạo, và tương phản với chủ nghĩa cộng sản, vốn đòi hỏi chiến tranh không ngừng nghỉ. [31] Bằng cách chọn một tư tưởng khác với hai ý thức hệ của hai phe trong chiến tranh lạnh, Ngô Đình Diệm muốn xác định một tinh thần quốc gia độc lập mặc dù chế độ của ông lệ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, tự do văn hóa tại miền Nam Việt Nam và việc Ngô Đình Diệm không kiểm soát được nền giáo dục không cho phép chính quyền của ông ta thao túng chủ nghĩa quốc gia như đối thủ của ông ta ở miền Bắc. Đến thập niên 1960 thì sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ vào cuộc chiến đưa đến một phong trào chống Mỹ tại các thành phố miền Nam. [32] Phong trào này đòi hỏi hoà bình và thống nhất, vừa mang tính bộc phát tự nhiên, vừa bị giật dây bởi những điệp viên miền Bắc.
Sau khi thống nhất đất nước, chế dộ cộng sản Việt Nam tiếp tục vận động tinh thần quốc gia vị chủng trong chiến tranh với Trung Quốc, bị họ cáo buộc là “sô vanh và bá quyền”. Trong khi chiến tranh với Trung Quốc đang diễn ra để “bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, thì việc chiếm đóng Cam-pu-chia lại là để bảo vệ “tình đoàn kết quốc tế”. Thay vì đưa chủ nghĩa quốc gia lên trên chủ nghĩa cộng sản như trong khái niệm juche tại Bắc Triều Tiên, thì những người cộng sản Việt Nam lại tiếp tục bắt chủ nghĩa quốc gia phải phục vụ cho chủ nghĩa xã hội, như được thấy trong việc họ định nghĩa nhiệm vụ quốc gia là “xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.” Đến đầu thập niên 1990, Bắc Hàn đã loại bỏ chủ nghĩa Mác Lê ra khỏi hiến pháp của họ, và đưa juche, hay đôi khi “chủ nghĩa Kim Nhật Thành” làm học thuyết mới. Song song với Bắc Hàn nhưng yếu ớt hơn, Việt Nam cũng có những thay đổi rụt rè, với “tư tưởng Hồ Chí Minh” được thêm vào chủ nghĩa Mác Lê làm ý thức hệ cho chế độ. Như vậy Việt Nam vẫn từ chối không chịu loại bỏ chủ nghĩa Mác Lê.
Tại Hàn Quốc, phong trào bài Mỹ hình thành trong thập niên 1980 tiếp theo cuộc thảm sát ở Kwangju bởi quân đội. Một chủ nghĩa mới ra đời, đó là chủ nghĩa Minjung (âm Hán-Việt là “dân chúng”, có nghĩa là quần chúng bị áp bức) vừa mang ý nghĩa Mác-xít vừa mang ý nghĩa cơ đốc giáo. Chủ nghĩa Minjung xem quần chúng bị áp bức là cốt lõi của dân tộc và là tư tưởng chính của cuộc đấu tranh đòi dân chủ cho đến cuối thập niên 1990. [33] Phong trào Minjung ủng hộ thống nhất đất nước với Bắc Hàn, đồng thời chống chế độ quân phiệt độc tài, chống chủ nghĩa chống cộng, và chống việc Hàn Quốc làm đồng minh với Hoa Kỳ. [34] Phong trào này được lãnh đạo bởi một thế hệ mới là những nhà hoạt động sinh viên. Vào cuối thập niên 1980, phong trào buộc các tướng lãnh phải dân chủ hóa chế độ — đây là một thành tựu đáng kinh ngạc, một phần nhờ vào bối cảnh chiến tranh lạnh đã chấm dứt. [35] Nhưng từ ngày đó đến nay phong trào đã mất dần khí thế, và những nhóm thiên tả còn lại ngày nay chia ra làm hai bên, một bên là những người tiếp tục đòi thống nhất đất nước với Bắc Hàn, và bên kia là những nguời chú trọng nhiều hơn đến những vấn đề kinh tế xã hội ở Hàn Quốc như quyền lợi của người lao động. [36]
Điều đáng chú ý là những thay đổi song song trong ý thức xã hội cũng đang diễn ra tại Việt Nam ngày hôm nay, hai thập niên sau Hàn Quốc. Tình cảm chống Trung Quốc bộc phát đã dâng lên gần đây, và những cuộc phản đối chống Trung Quốc đã xảy ra năm 2008 và 2011 mặc dù bị chính quyền dập tắt. Những người phản kháng cáo buộc chính quyền Việt Nam lấy lòng Trung Quốc và bỏ mặc quyền lợi quốc gia. Mặc dù còn mong manh, phong trào mới xuất hiện đã bắt đầu nối kết các nhà trí thức lại với những tầng lớp thấp hơn trong xã hội, và những người chỉ trích chính quyền trong nước với những người Việt chống cộng tại hải ngoại. Phong trào này cho thấy rằng tinh thần quốc gia vị chủng hiện nay đang cố sức để thoát khỏi sự điều khiển của những người cộng sản. Cuộc đấu tranh này đang được tiếp sức bởi nhu cầu đòi hỏi dân chủ đang lớn dần giữa nhiều nhóm tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam ngày nay không phải là Hàn Quốc những năm 1980, vì những ý nguyện dân chủ của Việt Nam phải đương đầu với một nhà nước mạnh bạo và bảo thủ hơn nhiều lần, và đó là điểm chúng ta sẽ xét đến trong phần kế tiếp.
Sự ra đời và phát triển của nhà nước hiện đại
Nhà nước hiện đại ở cả Triều Tiên và Việt Nam đều ra đời dưới thời thực dân, tuy nhiên thực dân Nhật tạo ra nhiều thay đổi tại Triều Tiên hơn thực dân Pháp tại Việt Nam. Nhật dẹp bỏ chế độ quân chủ và lập nên một nền hành chính và kinh tế thống nhất tại Triều Tiên. Ngược lại, người Pháp không quyết đoán trong việc phát triển thuộc địa và chậm chạp trong việc lập nên một thể chế hành chính hiện đại và thống nhất cho Đông Dương. [37] Nếu nhìn vào con số người cư ngụ và công chức thực dân sống ở thuộc địa và làm việc cho chính quyền thuộc địa thì sự hiện hữu của Nhật tại Triều Tiên lớn gấp mười lần so với người Pháp tại Đông Dương. [38] Một tương phản khác nhỏ hơn được thấy trong tỉ lệ cảnh sát so với số dân: lực lượng cảnh sát Nhật được sử dụng là một cảnh sát cho mỗi 400 người dân Hàn, còn tại Việt Nam thì có một cảnh sát cho mỗi 850 người dân bản xứ tại Đông Dương.
Miền Nam Việt Nam được xếp vào thể chế thuộc địa toàn phần, tại đây các viên chức nhà nước là người Pháp và người bản xứ được hưởng nhiều quyền lợi giống như người mang quốc tịch Pháp. Triều đình Việt tiếp tục giữ quyền cai trị về hình thức tại miền Trung (“Annam”) và tại miền Bắc (“Tonkin”). Tại cả hai miền Trung và Bắc, một viên Công sứ cai quản nền hành chính Việt Nam, mặc dù sau thập niên 1900 thì miền Bắc được đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của viên Toàn quyền Đông dương người Pháp. Khi tách rời miền Nam ra khỏi phần còn lại của Việt Nam, chế độ thuộc địa đã quay ngược quá trình thống nhất đất nước được bắt đầu dưới triều Nguyễn trong những năm 1802 đến 1860.
Cả Pháp và Nhật đều xây dựng một số cơ sở hạ tầng hiện đại tại thuộc địa, nhưng, một lần nữa, Nhật đã làm nhiều hơn Pháp. Pháp xây đường sắt xuyên Đông dương dài 1.550 km, chỉ bằng khoảng một nửa chiều dài hệ thống đường sắt Nhật xây tại Triều Tiên cho đến năm 1945. Hệ thống đường xe hơi tại Triều Tiên cũng dài gấp đôi hệ thống tại Đông Dương. Ngoài ra, Nhật thúc đẩy kỹ nghệ hóa và đô thị hóa tại Triều Tiên, còn Pháp thì không. Sản xuất công nghệ (gồm cả khai mỏ và khai thác gỗ) chiếm 40% tổng sản lượng Triều Tiên đầu thập niên 1940, trong khi đó tỉ lệ này tại Đông Dương là 20% năm 1937. [39] Hơn 13% dân số Hàn sống tại thành phố (trên 20 nghìn dân), với số lượng công nhân gần 1.8 triệu người gấp 10 lần con số tại Đông Dương. [40] Đến năm 1937 thì có 2,300 xí nghiệp do chính người Hàn làm chủ, trong đó có 160 xưởng thu dụng hơn 50 công nhân. Như vậy chính sách của Nhật tạo ra một tầng lớp doanh nhân bản địa, và tầng lớp này đã đóng góp cho việc công nghiệp hóa thời kỳ hậu chiến tại Hàn Quốc. Ngược lại, sự đóng góp đáng kể nhất của người Pháp ở Việt Nam không nằm ở công nghệ mà là ở nông nghiệp. Người Pháp xây dựng 2.600 km kênh đào qua những đầm lầy ở miền Nam, nâng diện tích canh tác lúa lên gấp 4 lần, nâng sản lượng lúa gạo lên gấp 10 lần, và nâng số gạo xuất cảng lên gấp 5 lần từ năm 1880 đến 1937. [41] Chính sách của Pháp tạo nên một tầng lớp điền chủ và trung lưu to lớn tại miền Nam (nhiều người trong số đó là người Việt gốc Hoa), và đã đóng góp vào sự phát triển thương mại và chủ nghĩa tư bản tại miền Nam Việt Nam trong những năm 1954 đến 1975 (và ngày nay).
Quá trình hình thành nhà nước từ cuối năm 1945 đến 1950 thuận lợi hơn tại Triều Tiên so với Việt Nam. [42] Đặc thù nhất là tầng lớp ưu tú Triều Tiên bị phân cực về mặt ý thức hệ và chịu sự lãnh đạo bởi hai lãnh tụ cực đoan là Lý Thừa Vãn ở miền Nam và Kim Nhật Thành ở miền Bắc. Với sự hợp tác của cảnh sát người Hàn do Nhật huấn luyện để lại, lực lượng Hoa Kỳ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ phía nam vĩ tuyến 38 trở xuống thực hiện nhiều cuộc trấn áp những người cộng sản tại Hàn Quốc và giúp tạo dựng một chính quyền thống nhất và mạnh mẽ ngay từ đầu. Một xu hướng ngược lại xảy ra ở Việt Nam vào cuối năm 1945. Tại đây, trên nền tảng một phong trào giành độc lập tự phát của quần chúng, những tầng lớp tinh hoa người Việt hợp tác với nhau để lập nên một chính phủ. Sự thoả hiệp này tạo nên một nhà nước yếu với quyền lãnh đạo bị chia rẽ. Tuy nhiên, với sự phát động của đấu tranh giai cấp năm 1953 và việc dựng nên chế độ Mác Lê tại miền Bắc Việt Nam sau 1954, quốc gia này nhanh chóng qua mặt Hàn Quốc trong việc củng cố nhà nước.
Trong một bài viết khác tôi có nêu lập luận rằng tổng thống Lý Thừa Vãn (1948-1960) đã dựng nên một nhà nước chống cộng hữu hiệu bằng lực lượng cảnh sát do người Nhật đào tạo và để lại. [43] Những nhà đối lập nổi tiếng như Kim Ku và Yo Unhyong được tin là đã bị mật vụ của Tổng thống Lý thủ tiêu. Điều luật An ninh Quốc gia ban hành năm 1948 (hiện vẫn còn hiệu lực ở Hàn Quốc) được viết ra để “cấm tất cả những hoạt động nhằm vào lật đổ nhà nước và tước bỏ sở hữu tư nhân” và “bắt giữ để ngừa trước” những ai bị nghi ngờ là “nguy hiểm và có những tư tưởng không đúng đắn.” [44] Chỉ trong năm 1949 thôi đã có gần 120 nghìn người bị bắt giữ, và 123 nhóm xã hội bị giải tán chỉ từ tháng 9 đến tháng 10. [45] Lý thực hiện chương trình Podo Yonmaeng năm 1948 để ghi danh và theo dõi 300 nghìn người từng có liên can đến cộng sản và gia đình của họ. [46] Trong chiến tranh Triều Tiên, chính quyền Hàn Quốc bỏ tù và xử tử hàng vạn người cộng sản thực thụ hay bị tình nghi là cộng sản, trong khi đó chính quyền Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên cũng có chính sách tương tự đối với người chống cộng. Sự trấn áp những người cộng sản từ rất sớm và có hệ thống đã giúp củng cố nhà nước Hàn Quốc. Việc quân đội miền Bắc tàn sát người Hàn Quốc và phá hoại miền Nam trong chiến tranh Triều Tiên đã tạo nên tinh thần chống cộng rất cao trong xã hội Hàn Quốc vào thời đó.
Chế độ độc tài quân đội dưới thời Phác Chánh Hy (1961-1979) đã tăng cường theo dõi và kiểm soát dân chúng qua những biện pháp như đăng ký cư ngụ và qua những tổ chức quần chúng. [47] Nhà trường chú ý dạy ý thức chống cộng trong một số lớp học. Dân chúng được phát động tham gia những lớp huấn luyện quốc phòng trong những năm cuối thập niên 1970. Tất cả trai tráng bị bắt buộc phải phục vụ trong quân đội; một số việc làm chỉ nhận những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chế độ của Phác kiểm soát chặt chẽ công nhân và những tổ chức công đoàn trong thập niên 1970. Khi cần thiết thì quân đội dựa vào lực lượng của mình để trấn áp mọi phản kháng, giống như cuộc thảm sát ở Kwangju năm 1980.
Quay lại Việt Nam, không ai nghi ngờ rằng phong trào và tinh thần quốc gia, dù tự phát hay do chính quyền phát động, đã đóng góp vào sự thành công của cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng một nhà nước mạnh mẽ. Do vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ người Pháp, nhiều người Việt đã đồng nhất những người cộng sản Việt Nam với tổ quốc. Việc Hoa Kỳ bỏ bom miền Bắc và sự có mặt của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam khiến nhiều người Việt tin rằng đất nước mình bị ngoại bang xâm lấn. Điều này giúp những người cộng sản chiếm lòng dân và huy động dân chúng hỗ trợ cho chính sách của họ. Tuy nhiên tôi cho một điều nữa không kém quan trọng nhưng ít được nhắc đến là việc những người cộng sản Việt Nam sử dụng bạo lực trấn áp công khai, áp đặt sự cưỡng chế có hệ thống, và tổ chức nhồi sọ triệt để dân chúng để tạo nên sự tuân thủ và trung thành với nhà nước.
Mặc dù nổi tiếng (về bạo lực) nhưng Hàn Quốc theo chủ nghĩa tư bản vẫn không phải là đối thủ của nước Việt Nam cộng sản khi bàn đến bạo lực, cưỡng chế, và kiểm soát. Đối với những người cộng sản Việt trang bị bằng lý thuyết đấu tranh giai cấp, kẻ thù là toàn bộ một vài tầng lớp xã hội, không phải chỉ có một số tổ chức hay cá nhân. Như tổng bí thư Trường Chinh đã giải thích năm 1948, kẻ thù của cách mạng Việt Nam gồm có “những phần tử đại địa chủ phong kiến phản cách mạng và tư sản mại bản làm tay sai cho đế quốc, cũng như những tên Việt gian khác, không kể thuộc giai cấp nào.” [48] Trong khi nông dân, tiểu tư sản thành thị, trí thức, “tư sản ái quốc” và “những nhân sĩ và địa chủ tiến bộ” được xem là bạn đồng minh của cách mạng vào lúc đó, ông vẫn cảnh báo trước rằng “khi cách mạng tiến lên thì hàng ngũ kẻ thù và bạn đồng minh của cách mạng nhất định sẽ biến hóa. Lúc đó phải xét lại.” Trường Chinh không phải chỉ nói suông. Đêm trước ngày phát động chiến dịch giảm tô năm 1953, Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam ban hành một nghị quyết cho phép xử tử địa chủ theo tỉ lệ một địa chủ trên mỗi nghìn người dân. [49] Không chỉ những kẻ thù chính trị mà tỉ lệ phần nghìn dân chúng do lý thuyết cộng sản định nghĩa đã được chọn sẵn để đem ra xử tử.
Việc thi hành bạo lực có hệ thống trong chiến dịch cải cách ruộng đất những năm 1953-1956 không những tiêu diệt nền tảng xã hội của thành phần địa chủ là thành phần có khả năng chống đối nhà nước, mà còn đóng góp đặc biệt vào việc xây dựng nhà nước mới. Bước đầu tiên của chiến dịch này là phát động quần chúng để tố cáo những kẻ thù đã được định nghĩa như trên. Bước này bao gồm những bước nhỏ có liên quan đến toàn bộ hệ thống hành chính của nhà nước. Một là tổ chức hội nông dân thay mặt Đảng để tập hợp quần chúng. Một bước song song nữa là bố trí, sắp xếp để bạo lực xảy ra với sự tham gia nhiệt tình và trực tiếp, hay ít nhất là với sự đồng tình của quần chúng. Bước này được thực hiện bằng những đợt tuyên truyền cao độ nhắm vào mục tiêu hợp pháp hóa bạo lực quần chúng chống lại kẻ thù giai cấp. Qua từng đội cán bộ được phân công về ở nhà nông dân, và qua hệ thống loa phường và “tổ đọc báo”, “những tội ác dã man” của địa chủ được kể đi kể lại với những chi tiết và hình ảnh sắc nét làm cho người ta trở nên quen thuộc đến mức vô cảm trước bạo lực, chuẩn bị tinh thần cho họ tham gia vào cuộc chém giết sắp xảy ra.
Sau khi người dân đã được kích động đến mức nào đó, bước kế tiếp là đạo diễn những màn trình diễn khủng bố công khai, tức là những phiên tòa xử địa chủ. Tại những phiên tòa này, hàng xóm, họ hàng thân thuộc, và bạn bè của chính người địa chủ bị xử án đã được dỗ dành hay bị ép buộc đứng ra tố giác và buộc tội ông ta hay bà ta. Bước lớn thứ ba là phân chia “quả thực” (tài sản của địa chủ) và xây dựng cấu trúc mới cho quyền lực nhà nước tại nông thôn. Những người hăng hái tham gia vào bạo lực nhất thì được tưởng thưởng bằng vật chất như đất đai và chức vụ trong chính quyền mới, trong lực lượng quân sự hay an ninh, và trong những tổ chức quần chúng. (Ngược lại, gia đình của những kẻ thù đã bị xử thì sẽ bị nhà nước kềm chế suốt đời theo hệ thống hồ sơ lý lịch cá nhân). Bước này rất quan trọng để xây dựng nhà nước vì nó tạo ra những tổ chức quần chúng phụ thuộc và tạo thêm một tầng kiểm soát bền vững của nhà nước đối với dân chúng địa phương.
Biện pháp cưỡng chế và theo dõi tại Việt Nam cộng sản cũng toàn diện và có hệ thống hơn tại Hàn Quốc. Quan trọng nhất trong vùng thành thị là tổ dân phố, công an khu vực được giao nhiệm vụ theo dõi một số gia đình, và chế độ hộ khẩu. Trong những năm 1950 miền Bắc Việt Nam đặt ra chế độ hộ khẩu theo mô hình hukou của Trung Quốc mang tính cưỡng chế nặng nề hơn chế độ đăng ký cư ngụ của Hàn Quốc. Chế độ này được thực hiện cùng với chế độ bán thực phẩm theo tem phiếu và việc cưỡng bức cư trú đối với một số thành phần. Biện pháp hộ khẩu giúp công an địa phương theo dõi và kiểm soát sự di chuyển của người dân trong thành phố và từ thôn quê ra thành thị. Nó buộc chặt người dân vào nơi sinh trưởng để nhà nước có thể theo dõi không chỉ họ mà cả gia đình dòng tộc của họ. Chính sách này đưọc dùng làm công cụ để tưởng thưởng những thành phần trung thành (những người này được phép giữ hộ khẩu và sổ mua lương thực tại thành phố) và kỷ luật những thành phần không trung thành (những người này bị đuổi ra sống tại vùng thôn quê đến mãn đời).
Nhà nước cộng sản không những giữ một nền độc tài về mặt chính trị mà còn tìm cách biến hầu hết người dân Việt thành nhân viên nhà nước lệ thuộc vào nhà nước để có việc làm, thực phẩm, và những nhu yếu phẩm khác. Cùng với chính sách quốc hữu hóa xí nghiệp tư vào năm 1958, Bắc Việt phát động hợp tác hóa nông nghiệp (thực chất là cưỡng chế nông dân phải vào hợp tác xã), và cấm đoán buôn bán tư nhân. Công việc làm trong các ngành sản xuất buôn bán tư nhân trở nên khan hiếm, và hầu hết mọi người phải kiếm sống bằng cách làm việc trong một đơn vị nhà nước nào đó. Dĩ nhiên là buôn bán chợ đen về lúa gạo, tem phiếu lương thực, những hàng công nghệ khan hiếm, v.v. vẫn xảy ra sôi nổi, và nó giúp cho những người không làm việc cho nhà nước có thể sống tạm bên lề xã hội. Nhưng nói chung thì hầu hết mọi người phải trông vào nhà nước để sống và có động cơ mạnh mẽ để tuân phục nhà nước.
Mặc dù những hợp tác xã nông nghiệp của Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ và không đóng góp gì nhiều cho nền kinh tế, nhưng nó lại đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp nhà nước theo dõi và kiểm soát dân chúng. [50] Đúng vậy, hợp tác xã có vai trò quyết định trong chiến thắng của Bắc Việt trong chiến tranh, mặc dù đây không phải lý do chính chúng được lập ra. Các hợp tác xã làm việc sát cánh với chính quyền địa phương và hội đồng nghĩa vụ quân sự, nắm hồ sơ những thanh niên mới lớn trong từng gia đình, và chuẩn bị tinh thần cho họ trong vòng hai năm trước khi họ đến tuổi đi lính. [51] Chế độ kiểm soát từng hộ gia đình và từng cá nhân qua hợp tác xã chặt đến mức thanh niên không thể nào trốn tránh nghĩa vụ quân sự được, tuy nhiên nó cũng bảo đảm rằng gia đình họ sẽ được chiếu cố đến khi họ đầu quân. Một khẩu hiệu quen thuộc thời ấy cho thấy vai trò chính trị chủ yếu của hợp tác xã: “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Mặc dù hợp tác xã không làm cho mọi người hăng hái lao động phục vụ chủ nghĩa xã hội, nhưng nó buộc các làng xã giao nộp hết cho nhà nước cộng sản những trai tráng cần thiết để tiến hành chiến tranh (Cộng sản Việt Nam mất khoảng một triệu lính trong cuộc nội chiến từ 1959 đến 1975 trong tổng số dân chưa đến 20 triệu người của miền Bắc).
Cộng sản Việt Nam không những kiểm soát gắt gao về mặt chính trị và đời sống nhân dân mà cả về lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, Đảng cộng sản đòi hỏi văn hóa thuần phục toàn diện nền chính trị và các giá trị của giai cấp công nông. Ngay từ rất sớm Đảng cộng sản đã áp dụng thành công phương pháp chỉnh huấn (cheng feng) kiểu Mao (bắt buộc tự phê trong nhóm). [52] Những tổ chức do nhà nước chỉ đạo sau đó được thành lập để theo dõi và vận động nhà văn, nghệ sĩ, học giả, và các giới chuyên môn khác. Chỉ cần một bài viết bày tỏ kín đáo sự hoài nghi đối với những giá trị xã hội chủ nghĩa hay chính sách của Đảng là một nhà văn hay học giả đều có thể bị trừng phạt tức thì và tàn nhẫn. Những nhà bất đồng chính kiến thường bị đem ra trước những buổi họp ở cơ quan hay nơi sinh sống, và tại đó họ bị láng giềng cùng đồng nghiệp bêu rếu chửi mắng (biện pháp này vẫn còn thỉnh thoảng được áp dụng ngày hôm nay). Những nhà bất đồng có thể không bị giam nhưng phải đối diện với nhiều hình thức trừng phạt khác, như bị cô lập về mặt chính trị và xã hội, bị từ chối không cấp sổ lương thực, bị cấm xuất bản trọn đời, gia đình và bạn bè bị nhũng nhiễu, và bị đầy về vùng thôn quê.
Đến khoảng giữa thập niên 1950 thì chính quyền miền Bắc chuyển sang quốc hữu hóa báo chí và truyền thông tư nhân (ngày nay Việt Nam vẫn không cho phép báo chí và xuất bản tư nhân hoạt động). Các phương tiện truyền thông được tổ chức như là một phần của nền hành chính nhà nước và được lãnh đạo bởi các tổ chức Đảng. Người dân không những bị bắt phải đọc mà còn phải nghe những gì nhà nước muốn họ nghe. Đến năm 1957, có 38 hệ thống phát thanh công cộng được thành lập bao trùm tất cả các thành phố và những vùng thôn quê lân cận. Một nghị quyết của Đảng được ban hành bởi Ban Bí thư năm 1959 ra lệnh mở rộng hệ thống này “lan ra thôn làng,…[và] sản xuất những máy thu thanh chỉ có thể bắt sóng của chúng ta”. [53] Hệ thống loa phường thường phát thanh mỗi giờ và phát thanh chương trình hằng ngày đến mỗi hộ gia đình trong vùng phủ sóng của nó, dù người ta có muốn nghe hay không cũng vậy.
Cuối cùng, nền giáo dục thường để phục vụ mục đích khai sáng, nhưng tại Việt Nam cộng sản (giống như Hàn Quốc chống cộng nhưng ở mức độ ít hơn) thì giáo dục trước tiên phải là tuyên huấn và nhồi sọ. Chúng ta đã thấy trước đây rằng nhà trường Việt Nam trở thành nơi đào tạo học sinh thành những anh hùng cách mạng và “con người mới xã hội chủ nghĩa” ngay từ khi các em còn nhỏ tuổi. Chính quyền không những cấm trường tư và sách giáo khoa tư, mà còn lập ra những chi bộ đảng cộng sản tại mỗi trường từ tiểu học đến đại học để kiểm soát thành phần cán bộ giảng dạy và học sinh.
Nói tóm lại, trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế đến văn hóa, nhà nước cộng sản Bắc Việt xếp ngang tầm với Bắc Hàn, và hơn hẳn Hàn Quốc, trong việc tổ chức thống trị xã hội. Sau khi thống nhất, lãnh đạo cộng sản Việt Nam tìm cách áp đặt toàn bộ chế độ kinh tế xã hội Stalin nít – Mao ít vào bên thua cuộc miền Nam mặc dù gặp phải chống đối mãnh liệt bởi người miền Nam. Mãi cho đến thời Gorbachev và sau đó là sự sụp đổ của khối Xô Viết cuối thập niên 1980 thì Hà nội mới bỏ dần chế độ đó. Kết quả của cải cách thị trường trong hai thập niên vừa qua là sự thống trị của nhà nước trong xã hội đã yếu đi nhiều. Tuy nhiên, ngày nay quyền năng của nhà nước ở Việt Nam vẫn còn lớn hơn nhà nước tại Hàn Quốc, ngay cả so với những ngày vàng son của chính quyền quân sự độc tài Hàn Quốc. Mặc dù so với các nước ở thế giới thứ ba thì chính quyền quân sự của Hàn Quốc được xem là độc tài ghê gớm, nhưng những nhà lãnh đạo từ Lý Thừa Vãn đến Phác Chánh Hy đều phải thường xuyên đối diện với cử tri để được bầu lại (có hai cuộc bầu cử trong đó Phác thắng với tỉ lệ rất nhỏ). Làm đồng minh với Hoa Kỳ buộc giới cầm quyền Hàn Quốc phải chấp nhận một số quyền tự do tôn giáo. Báo chí phần lớn là báo chí tư nhân và tương đối được tự do cuối thập niên 1950 và suốt thập niên 1960. [54] Nhà nước hướng dẫn nhưng không kiểm soát kinh tế, và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng giúp phát triển sự hình thành của xã hội dân sự. Về mặt kinh tế thì chế độ toàn trị tại (Bắc) Việt Nam và Bắc Triều Tiên làm thui chột phát triển về lâu về dài, và cả hai nước đều thất bại thảm hại. Tuy nhiên cả hai nhà nước đều đã vượt qua nhiều khủng hoảng kinh tế chính trị, trong khi đó nhà nước quân sự Hàn Quốc bắt buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát xã hội sau khi dân chủ hóa đất nước.
Kết luận: Những bài học cho Hàn Quốc từ sự thống nhất của Việt Nam
Việt Nam và Triều Tiên đều ở cùng khu vực ven Trung Quốc và đã đi những con đường rất giống nhau từ lịch sử cổ xưa cho đến thời hiện đại ngày nay: đều xây dựng nền độc lập trong thế giới bị thống trị bởi Trung Quốc; đều là nạn nhân của chủ nghĩa thuộc địa, và đều bị chia cắt đất nước. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn thì ta thấy có những sự khác nhau quan trọng. Sự khác biệt rõ ràng nhất là Việt Nam bước ra khỏi chiến tranh lạnh là một nước thống nhất, còn Triều Tiên vẫn bị chia cắt, nhưng một nửa thì thịnh vượng và dân chủ. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia gần đây tại Việt Nam có thể làm cho nước này trở thành như Hàn Quốc nếu phong trào này có thể đánh bại nhà nước Việt Nam, vốn lại, oái ăm thay, giống như Bắc Hàn về bản chất.
Có bài học nào cho Hàn Quốc từ sự thống nhất đất nước của Việt Nam không? [55] Câu trả lời là có chứ, mặc dù những bài học từ Việt Nam có giá trị khuyên răn hơn là tích cực. Về bản chất thì Hàn Quốc tuyệt đối cần phải tránh lặp lại kinh nghiệm của Việt Nam. Trước hết, sự thống nhất của Việt Nam được thiết lập bằng vũ lực và tổn phí rất lớn. Tổn phí nhân mạng trong chiến tranh để thống nhất của cả hai phía là gần 3 triệu người Việt. Tổn phí kinh tế và môi trường là to lớn và vẫn chưa được biết là bao nhiêu. Thứ nhì, thống nhất đất nước qui chính quyền về một mối, và nói chung đó là một điều có lợi. Tuy nhiên trong trường hợp này thì thống nhất bằng vũ lực đã tạo ra một nhà nước quá nhiều quyền năng và kiêu ngạo. Chính nhà nước này đã làm thui chột sự phát triển của xã hội và theo đuổi một chủ nghĩa hoang tưởng, làm cho đất nước kiệt quệ và dân chúng nghèo đói.
Điều thứ ba là thống nhất chưa bao giờ mang lại sự đoàn kết dân tộc như mong mỏi. Chế độ Sài gòn có thể không được lòng dân chúng như đối thủ Hà nội của họ, nhưng nó vẫn có những người trung thành với nó. Hằng triệu thường dân miền Nam đã trốn chạy khỏi nước sau chiến thắng của cộng sản hay trong thập niên đầu của thống nhất, với hàng ngàn “thuyền nhân” bỏ mạng trong cuộc hành trình. Sau khi thống nhất bằng vũ lực, lãnh đạo Hà nội dẹp qua một bên những lời kêu gọi hoà giải và đưa hàng trăm ngàn người trung thành với chính phủ Sài gòn vào trại cải tạo. Nhiều người trong số này chỉ được thả vào đầu thập niên 1990, và họ chỉ được thả sau khi Hoa Kỳ lấy đó làm điều kiện để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Quan hệ giữa chính quyền Việt Nam và những cộng đồng người Việt hải ngoại ngày nay vẫn còn căng thẳng mặc dù có sự cố gắng từ những cá nhân của cả hai bên để hoà giải. Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã mất vợ và hai con trong chiến tranh, gần đây công nhận rằng ngày kỷ niệm thống nhất là ngày mang lại niềm vui hàng triệu người Việt Nam nhưng cũng mang lại nỗi buồn cho hàng triệu người Việt khác.
Suy gẫm lại, có lẽ điều ích lợi to lớn nhất việc thống nhất mang lại là hoà bình. Sau ba thập niên chinh chiến, thậm chí nhiều người bị thua trận trong cuộc nội chiến thật sự đón chào hoà bình. Tuy vậy hoà bình lại trở thành ảo ảnh: chỉ trong vòng 5 năm Việt Nam lại rơi vào chiến tranh với Cam-pu-chia và Trung Quốc. Dĩ nhiên có thể đỗ lỗi cho láng giềng của Việt Nam đã gây ra chiến tranh. Tuy nhiên, cuộc chiến của Việt Nam với Trung Quốc và Cam-pu-chia có liên hệ đến việc Hà nội lợi dụng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô để giành được hậu thuẫn cho cách mạng Việt Nam, và việc Bắc Việt sử dụng lãnh thổ Cam-pu-chia để đưa quân vào miền Nam. Dù lỗi của ai cũng vậy, thật là mỉa mai khi một cuộc chiến đẫm máu hy sinh mấy triệu mạng người được tiến hành trong hai thập kỷ để thống nhất, mà lợi ích do thống nhất mang lại chỉ là hoà bình! Như vậy thì gây ra chiến tranh để làm gì?
Số phận của Việt Nam bị ảnh hưởng một phần bởi chiến tranh Triều Tiên, không những vì cuộc chiến đó nâng tầm quan trọng của Việt Nam đối với Hoa Kỳ và khiến Mao và Stalin chậm hỗ trợ một cuộc chiến tương tự tại Việt Nam những năm 1950, mà còn vì cuộc chiến đó ảnh hưởng đến những tính toán của Bắc Việt đối với vấn đề làm sao tổ chức cuộc chiến của họ để đạt được thống nhất. Thay vì phát động một cuộc tấn công ồ ạt qua vùng phi quân sự như Bắc Triều Tiên đã làm, Bắc Việt chọn cách đạo diễn một cuộc nổi dậy tại miền Nam với sự trợ giúp của binh đoàn Bắc Việt gửi vào từ miền Bắc qua ngả Lào và Cam-pu-chia. Nhờ vậy Bắc Việt đã thành công còn Bắc Triều Tiên thì thất bại. Sự thất bại của Bắc Triều Tiên đã khiến cho Hàn Quốc được tồn tại và dần dà đưa đến thành công kinh tế tại đây. Thành công quân sự của Bắc Việt đưa đất nước đến một ngõ cụt mà họ vẫn chưa rút ra được.
Tóm lại, kinh nghiệm Việt Nam cho thấy thống nhất lãnh thổ và chính trị chưa chắc tạo ra đoàn kết dân tộc. Mục đích của những người Hàn không vui với số phận dân tộc của họ phải nhắm vào điều sau (đoàn kết dân tộc), chứ không phải điều trước (thống nhất lãnh thổ), cho dù phải mất bao nhiêu thời gian cũng vậy.
_______________
Chú thích
[1] Để tìm hiểu thêm về sự xuất hiện của chủ nghĩa quốc gia tại Hàn Quốc từ thập niên 1980, hãy đọc bài “The Politics of Identity: History, Nationalism, and the Prospect for Peace in Post-Cold War East Asia” của Sheila Miyoshi Jager (Bài viết do Viện Nghiên cứu Sách lược Hoa kỳ xuất bản, 2007), có thể tìm được tại http://www.strategicstudiesinstitute.army.mil/pdffiles/PUB770.pdf. Để tìm hiểu thêm về một hiện tượng tương tự tại Việt Nam gần đây, hãy tìm đọc bài “Southeast Asia’s New Nationalism: Causes and Significance,” của Vũ Tường, Transnational and Regional Studies of Southeast Asia (TRaNS) (đang in).
[2] Leo Tolstoy, Anna Karenina, bản dịch của Constance Garnett (New York: Barnes & Noble, Inc., 1997), trang 3.
[3] Hãy xem chương giới thiệu và chương của Leif-Eric Easley trong quyển này bàn về khái niệm trung cường.
[4] Tổng thống Nam Việt Ngô Đình Diệm và tổng thống Hàn Quốc Lý Thừa Vãn đều dọa sẽ mang quân bắc tiến để thống nhất đất nước, nhưng hai ông chưa bao giờ áp dụng chính sách xâm lấn này so với đối thủ miền Bắc của họ.
5] Keith Taylor, The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983).
[6] Keith Taylor, “The Vietnamese Civil War of 1955-1975 in Historical Perspective,” trong Triumph Revisited: Historians Battle for the Vietnam War, do Andrew Wiest và Michael Doidge biên tập (Hokoken, NY: Taylor & Francis, 2010), trang 17-28. Bài “Vietnamese Political Studies and Debates on Vietnamese Nationalism,” trong Journal of Vietnamese Studies của Vũ Tường, tập 2 bộ 2 (Hè 2007), trang 175-230, cung cấp một cách đánh giá về các cuộc tranh luận trong giới học giả về chủ nghĩa và phong trào quốc gia Việt Nam.
[7] Michael Seth, A History of Korea: From Antiquity to the Present (Plymouth, UK: Rowman & Littlefield Publishers, Inc., 2011), chương 1-2.
[8] Liam C. Kelley, Beyond the Bronze Pillars: Envoy Poetry and the Sino-Vietnamese Relationship (Honolulu: Association for Asian Studies, 2005); Keith Pratt, “Politics and culture within the Sinic Zone: Chinese Influences on Medieval Korea,” The Korea Journal, tập 20 bộ 6, (June 1980), trang 15-29.
[9] Seth, A History of Korea, chương 9.
[10] Kenneth M. Wells, New God, New Nation: Protestants and Self-Reconstruction Nationalism in Korea (Honolulu: University of Hawaii Press, 1990), chương 4.
[11] Charles Keith, “Protestantism and the Politics of Religion in French Colonial Vietnam”, trong French Colonial History bộ 13 (2012), trang 141-174.
[12] Seth, A History of Korea, trang 269-271.
[13] Michael Robinson, Cultural Nationalism in Colonial Korea, 1920-1925 (Seattle: University of Washington Press, 1988).
[14] “Chủ nghĩa quốc gia đặt trên quyền công dân” là chủ nghĩa quốc gia đặt trên nền tảng những quyền công dân chung dành cho tất cả mọi người trong cộng đồng quốc gia, khác với “chủ nghĩa quốc gia vị chủng”, trong đó các thành viên có chung một chủng tộc.
[15] Gi-Wook Shin, Ethnic Nationalism in Korea: Genealogy, Politics, and Legacy (Stanford: Stanford University Press, 2006), trang 77.
[16] David G. Marr, Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925 (Berkeley: University of California Press, 1971), chương 5& 6.
[17] Như trên, trang 145.
[18] Tục truyền này cho rằng vua rồng và chúa tiên là tổ tiên của người Việt.
[19] Tường Vũ, Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia (New York: Cambridge University Press, 2010), chương 8.
[20] Shin, Ethnic Nationalism in Korea; B R. Myers, The Cleanest Race: How North Koreans See Themselves and Why It Matters (Brooklyn, N.Y: Melville House, 2010).
[21] Francois Guillemot, “Autopsy of a Massacre: On the Political Purge in the Early Days of the Indochina War (Nam Bo 1947),” European Journal of East Asian Studies 9:2 (2010), trang 229.
[22] Tuong Vu, “From Cheering to Volunteering: Vietnamese Communists and the Arrival of the Cold War 1940-1951,” in Connecting Histories: The Cold War and Decolonization in Asia (1945-1962), biên tập bởi Christopher Goscha và Christian Ostermann (Stanford: Stanford University Press, 2009), trang 172-204.
[23] “Báo cáo của Tổng Bí Thư Trường Chinh tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, tháng Giêng 1953, trong Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập 14 (Hà nội: Chính trị Quốc gia, 2001), trang 53-54.
[24] Tuong Vu, “To Be Patriotic is to Build Socialism: Communist Ideology in Vietnam’s Civil War,” trong Dynamics of the Cold War in Asia: Ideology, Identity, and Culture, biên tập bởi Tuong Vu và Wasana Wongsurawat (New York: Palgrave, 2009), trang 33-52.
[25] Lê Duẩn, “Đường lối cách mạng miền Nam” [Revolutionary Method in the South], tháng 8 năm 1956, trong Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập 17 (Hà nội: Chính trị Quốc gia, 2002), trang 783-825.
[26] Alec Holcombe, “Stalin, the Moscow Show Trials, and Contesting Vietnamese Visions of Communism in the Late 1930s” (bài được trình bày tại Workshop on Revolutions in Vietnam, University of California, Berkeley, November 11-12, 2011), 41.
[27] Minh Tranh, “Những tác phẩm của V. Lenin ở nước ta”. Học Tập, April 1960, 24-25.
[28] “Nghị quyết của Ban Bí Thư số 80-NQ/TW”, July 14, 1959, trong Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập 20 (Hà nộii: Chính trị Quốc gia, 2000), trang 599-601.
[29] Bộ Giáo Dục, Tập Đọc Lớp Một (Hà nội, 1956).
[30] Bộ Giáo Dục, Tập Đọc Lớp Một (Hà nội, 1972). Không có ấn bản nào được xuất bản giữa năm 1956 và 1972.
[31] Edward Miller, “Vision, Power and Agency: The Ascent of Ngô Dình Diêm, 1945-54,” Journal of Southeast Asian Studies, tập 35, bộ 3 (2004), trang 448-450.
[32] Ngô Đinh Diệm chống lại sự can thiệp trực tiếp của Hoa kỳ nhưng bị lật đổ bởi những tướng lãnh của ông với sự giúp sức của CIA Mỹ.
[33] Kenneth M. Wells, South Korea’s Minjung Movement: The Culture and Politics of Dissidence (Honolulu: University of Hawaii Press, 1995); Don Baker, “Christianity Koreanized,” in Nationalism and the Construction of Korean Identity, biên tập bởi Hyung Il Pai and Timothy Tangherlini (Berkeley: Institute of East Asian Studies, University of California, Berkeley, 1998), trang 108-125.
[34] Shin, Ethnic Nationalism in Korea, chương 9.
[35] Jager, “The Politics of Identity.”
[36] Gordon Flake, “The Rise, Fall, and Transformation of the ‘386’: Generational Change in Korea” (Seattle: National Bureau of Asian Research, September 2008), trang 109.
[37] Pierre Brocheux and Daniel Hémery, Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954, được dịch bởi Ly-Lan Dill-Klein và đồng nghiệp (Berkeley: University of California Press, 2009), chương 1.
[38] Vu, Paths to Development in Asia.
[39] Carter J. Eckert and Ki-baek Yi, Korea, Old and New: A History (Seoul: Ilchokak, 1990), 210; Brocheux and Hémery, Indochina, trang 135.
[40] Seth, A History of Korea, 285; Brocheux and Hémery, Indochina, trang135.
[41] Brocheux and Hémery, Indochina, trang 122.
[42] Vu, Paths to Development in Asia.
[43] Như trên, chương 2.
[44] Lim Chae-Hong, “The National Security Law and Anticommunist Ideology in Korean Society,” The Korea Journal tập 46: bộ 3 (Autumn 2006), trang 85-86.
[45] Dưới quyền tổng thống bảo thủ Lee Myung Bak (2008-2013), đạo luật này đã được thi hành triệt để hơn so với người tiền nhiệm của ông ta. Trong năm 2010, 151 người bị tra khảo vì tình nghi vi phạm Đạo luật An ninh Quốc gia, so với con số 39 người năm 2007. Con số người bị tòa xử vi những hoạt động ủng hộ Bắc Hàn trên mạng tăng từ 5 người năm 2008 lên đến 82 người năm 2010. Số trang mạng trong nước bị đóng cửa vì có nội dung ủng hộ Bắc Hàn tăng từ 18 trong năm 2008 lên đến 178 năm 2011 (so sánh với khoảng 300 trang mạng Việt bị an ninh việt Nam phá sập vào năm 2009). Choe Sang-Hun, “Đôi khi ca tụng Bình Nhưỡng cũng là một tội,” New York Times, January 5, 2012.
[46] Seo Joong-Seok, “The establishment of an anti-communist state structure following the founding of the Korean government,” The Korea Journal tập 36: bộ 1 (Spring 1996), trang 79-114.
[47] Moon Seungsook, Militarized Modernity and Gendered Citizenship in South Korea (Durham, NC: Duke University Press, 2005), trang 30-43.
[48] “Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội,” trong Trường Chinh Tuyển Tập (1937-1954) (Hà nội: Chính trị Quốc gia, 2007), trang 725-726.
[49] “Chỉ thị của Bộ Chính trị ngày 4/5/1953 về mấy vấn đề đặc biệt trong phát động quần chúng,” trong Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập 14 (Hà nội: Chính trị Quốc gia, 2001), trang 201-206. Con số thật sự bị xử tử ước tính khoảng 15 nghìn người, cũng tức là một phần nghìn dân số miền Bắc Việt Nam vào thời đó. Vo Nhan Tri, Vietnam’s economic policy since 1975 (Singapore: ASEAN Economic Research Unit, Institute of Southeast Asian Studies 1990), trang 3.
[50] Benedict J. Kerkvliet, The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2005). Các hợp tác xã loại trung bình có khoảng 60 hộ dân tại Việt Nam năm 1960, so với khoảng 5 nghìn hộ dân tại Trung Quốc năm 1958.
[51] Kinh Lịch, Tuyển Quân trong Làng Xã (Hà nội: Quân Đội Nhân Dân, 1972). “Chuẩn bị tinh thần” có nghĩa là mời họ đến dự những sự kiện liên quan đến tuyển quân và những sinh hoạt thanh niên khác để hỗ trợ triền tuyến, đồng thời nói chuyện với những chàng trai và cha mẹ họ về việc đầu quân khi đến tuổi.
[52] Kim Ngọc Bảo Ninh, A World Transformed: The Politics of Culture in Revolutionary Vietnam, 1945-1965 (Ann Arbor: University of Michigan Press, 2002).
[53] “Nghị quyết của Ban Bí Thư số 80 -NQ/TW.”
[54] Hong Yong-pyo, State Security and Regime Security: President Syngman Rhee and the Insecurity Dilemma in South Korea, 1953-60 (New York: St. Martin’s Press, 1999), trang 130; George E. Ogle, South Korea: Dissent within the Economic Miracle (London: Zed Books, 1990), trang 32.
[55] Thống nhất đất nước tại Việt Nam được thực hiện bằng bạo lực. Những bài học của Việt Nam có thể hữu ích hơn cho Bắc Hàn bởi vì Bắc Hàn có xu hướng thích bạo lực hơn Hàn Quốc.
Bạn có thể thích
Về giao thông và dự án xe lửa cao tốc ở Việt Nam
Giới thiệu sách “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân.”
Về lịch sử và chiến lược xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc ở Trung Quốc
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng