Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Giới thiệu sách “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân.”

Vũ Tường

Published on

Vũ Tường

Giám đốc, Trung tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ

Đại học Oregon

***

Giới thiệu sách “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân” của các tác giả Alexander Hamilton, James Madison, and John Jay. Dịch giả: Phạm Hồng Sơn. Sách dày 254 trang, do Nhân Ảnh xuất bản, có bán trên Amazon.com với giá bìa $20.

Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ hân hạnh giới thiệu với bạn đọc công trình dịch thuật xuất sắc của bác sĩ Phạm Hồng Sơn với tựa đề “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân.” Đây là tuyển tập từ những bài viết quan trọng nhất được xuất bản trong năm 1787-1788 của Alexander Hamilton, James Madison, và John Jay, là ba người trong số những nhà lập quốc của Hoa Kỳ. Những bài viết này, gọi chung trong tiếng Anh là “The Federalist” hoặc “The Federalist Papers” (FP), giúp chúng ta hiểu thêm tư duy của những nhà lập quốc Hoa Kỳ và căn bản lý luận của những thể chế làm nền tảng cho chế độ dân chủ Mỹ.

Khi Liên bang Mỹ ra đời từ sự hợp thành của 13 tiểu bang, diện tích nhỏ, dân số ít, của cải và sức mạnh còn thua các cường quốc châu Âu thời đó như Anh và Pháp. Không kể các chế độ dân chủ sơ khai thời cổ đại và thời trung đại, chế độ dân chủ Mỹ thuộc loại chế độ dân chủ hiện đại ra đời sớm nhất trên thế giới. Nó có rất nhiều khiếm khuyết và đã gặp vô số thử thách trong gần 250 năm qua, nhưng vẫn tồn tại và còn là hình mẫu, niềm hứng khởi cho nhiều quốc gia khác ra đời sau nó. Sức sống của nó (so sánh với chế độ Cộng sản ở Liên bang Xô viết chỉ tồn tại được 74 năm) chứng minh phần nào tầm nhìn xa của các nhà lập quốc và mô hình thể chế do họ thiết kế.

Dĩ nhiên các nhà lập quốc Mỹ không phải đều đồng ý với nhau về mọi chuyện. Ngoài việc chống lại Anh để thành lập một quốc gia độc lập và một chính quyền cộng hoà, họ tranh cãi với nhau về vô số vấn đề, từ việc phân chia chủ quyền giữa chính phủ liên bang và tiểu bang cho đến việc cân bằng quyền lực giữa hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Bất đồng về những thể chế của nền cộng hoà và quyền lực dành cho chính quyền liên bang là lý do chính khiến Alexander Hamilton, James Madison, và John Jay viết the Federalist Papers để lôi kéo những nhà lập quốc khác và cả công chúng ủng hộ cho lập trường của họ.

Qua tập hợp các bài viết ta có thể hình dung cách họ hiểu về những khó khăn trong việc thiết kế một chính quyền cộng hoà cũng như những nguyên tắc và phương pháp lý luận làm nền tảng cho thiết kế của họ. Khác với chính quyền quân chủ, chính quyền cộng hoà là một chính quyền do dân bầu ra và để phục vụ lợi ích dân chúng. Nhưng làm thế nào để chính quyền này thực sự phục vụ dân chúng mà không bị biến chất thành công cụ phục vụ lợi ích của những người cầm quyền hay của một phe đảng trong xã hội? Câu hỏi này dẫn họ đến những giả định về bản chất con người, như Paper số 51 viết,

“Nhưng bản thân chính quyền là gì nếu không phải là suy tư vĩ đại nhất về bản thể người? Nếu con người là thiên thần, chính quyền sẽ thừa. Nếu thiên thần quản trị con người, các phương tiện kiểm soát chính quyền, cả trong lẫn ngoài, đều không cần. Nhưng khi phải thiết kế một chính quyền để con người quản trị con người thì nan giải lớn nhất nằm ở đây: đầu tiên phải tạo điều kiện để chính quyền kiểm soát được người bị trị; tiếp theo là phải buộc được chính quyền tự kiểm soát chính nó.”

Giả định của các tác giả là con người không phải thiên thần, và về bản chất con người có tốt có xấu tuỳ theo hoàn cảnh: “lòng kiêu hãnh” và “đức hạnh” (FP  66) xen lẫn với hành vi “điên khùng, độc ác” (FP 78) và xu hướng bè phái dẫn đến “hằn thù lẫn nhau” (FP 10). Vì vậy, thể chế chính trị phải được thiết lập sao cho cái tốt được khuyến khích và cái xấu, dù không bao giờ hoàn toàn tránh được nó, bị hạn chế tối đa. Mục tiêu cao nhất là tự do của xã hội nói chung phải được bảo vệ, và công lý phải được duy trì.

Để đạt được mục tiêu đó, nguyên tắc lớn nhất, quan trọng nhất trong việc thiết kế chính quyền của dân, do dân và vì dân là nguyên tắc cân bằng, đối trọng, kềm chế quyền lực bằng chính quyền lực. Các quyền lực cơ bản thuộc về nhà nước như lập pháp, hành pháp, và tư pháp cần phải phân chia cho những cơ quan khác nhau, và cấu trúc của các thể chế phải cân bằng chúng bằng cách này hay cách khác. Một ví dụ rõ nét nhất trong tư duy này là đoạn lập luận sau đây về ngành tư pháp:

“Bất cứ ai tìm hiểu kỹ càng quyền lực của các bộ phận khác đều phải nhận thấy, rằng, trong một chính quyền có sự chia tách giữa các quyền lực, tư pháp, do chức năng của nó, luôn luôn là bộ phận ít nguy hiểm nhất cho các quyền chính trị của Hiến Pháp; bởi vì khả năng quấy nhiễu hay đả thương các quyền này của nó là yếu nhất. Bộ phận hành pháp không chỉ ban phát danh phẩm[i] mà còn thủ đắc cả lưỡi gươm trừng phạt chung[ii]. Bộ phận lập pháp không chỉ điều hành túi tiền mà còn chỉ định các phép tắc điều chỉnh nghĩa vụ và quyền lợi của mọi công dân. Bộ phận tư pháp, ngược lại, chẳng có ảnh hưởng gì tới lưỡi gươm hay hầu bao; cũng chẳng được có ý kiến gì tới sức mạnh hay của cải của xã hội; và cũng chẳng thể làm ra một quyết nghị gì. Thực sự có thể nói rằng tư pháp chẳng có LỰC cũng chẳng có CHÍ, chỉ có mỗi quyền phán xét; và, buộc phải có trợ lực của hành pháp để các phán xét có hiệu lực. 

Cách nhìn đơn giản này gợi ra một số điểm quan trọng sau đây. Nó chứng tỏ rõ, rằng tư pháp, chẳng cần so sánh, là yếu nhất trong ba bộ phận quyền lực (1); rằng tư pháp không bao giờ có thể tấn công nổi hai bộ phận kia; và rằng mọi sự quan tâm cần có là phải giúp cho nó có khả năng tự vệ trước các tấn công của hai bộ phận kia… (2). Và cách nhìn đơn giản đó, cuối cùng, chứng minh rằng tự do không có điều gì phải e ngại một mình tư pháp, song sẽ phải luôn coi chừng sự liên kết của nó với các bộ phận khác; rằng do mọi đe dọa của một liên kết như thế đều là do sự lệ thuộc của bộ phận trước vào các bộ phận sau bất kể chúng đã được chia tách rõ và đúng; rằng do sự yếu ớt tự nhiên, tư pháp luôn luôn bị tổn thương do các chèn ép, dọa dẫm, tác động của hai nhánh đồng nghiệp; và rằng do không điều gì có thể tăng cường cho sự cả quyết và độc lập của tư pháp bằng sự thường trực nắm quyền – vì vậy phẩm tính này phải được coi là một thành tố nền tảng trong cấu trúc tư pháp, và, ở mức độ lớn hơn, phải được coi là thành trì cho công lý và an ninh công cộng.” (FP 78)

Do lập luận về sự cần thiết của tư pháp nhưng cán cân quyền lực thiên về hành pháp và lập pháp, các tác giả cho rằng thẩm phán trong ngành tư pháp cần có “nhiệm kỳ thường trực” (tức là suốt đời) để họ dễ giữ được sự độc lập đối với hai nhánh kia. Nguyên tắc cân bằng, đối trọng, và kềm chế quyền lực bằng chính quyền lực này theo tôi là nguyên nhân chính thể chế cộng hoà (không chỉ của Mỹ mà của cả các nước dân chủ khác) bảo vệ được quyền tự do cho nhân dân và giữ được sự ổn định tương đối trên nền một xã hội luôn thay đổi.

Nhưng các tác giả của FP không chỉ quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực của chính quyền mà còn chú trọng đến thực tế công việc hàng ngày của nhà chính trị, dân biểu, người làm chính sách, và công chức nhà nước. Họ luôn đặt những yếu tố này lên bàn cân để đánh giá thể chế nhà nước, với mục tiêu tạo ra động lực làm việc cho viên chức chính quyền và sự ổn định tương đối của nhà nước. Một thí dụ rõ nhất cho việc này là khi họ bàn về nhiệm kỳ khác nhau của các cơ quan dân cử. Bầu cử định kỳ là tuyệt đối cần thiết nhưng không đủ:

“Vì điều cốt yếu cho tự do là chính quyền về tổng quát phải có cùng lợi ích với nhân dân, vậy điều cực kỳ cốt yếu là [Hạ Viện] phải lệ thuộc trực tiếp vào, và phải có sự đồng cảm mật thiết với nhân dân. Đương nhiên, bầu cử định kỳ là phương tiện duy nhất để sự lệ thuộc và đồng cảm này được đảm bảo đầy đủ. Nhưng thường kỳ ở mức nào để có thể tuyệt đối đảm bảo đạt được mục đích này lại tỏ ra không thể định được chính xác, và còn bị lệ thuộc vào nhiều yếu tố liên đới khác.” (FP 52)

Trong điều kiện lịch sử, với kinh nghiệm của thế giới và của các tiểu bang trước khi độc lập, các tác giả kết luận là Hạ nghị sĩ cần phải được bầu lại trong 2 năm thay vì 1 năm. Nếu lâu hơn thì họ dễ bị xa dân. Nếu ngắn hơn thì họ không có đủ thời gian để đi lại khắp nơi trên toàn quốc, để tích luỹ kiến thức về ngoại giao, và để hiểu biết những phức tạp của công việc làm luật (FP 53). Đối với các tác giả của FP, một chính quyền tốt đòi hỏi không chỉ lòng trung thành với mục đích phục vụ nhân dân mà còn đòi hỏi hiểu biết để có thể đạt được mục đích đó một cách tốt nhất (FP 62).

Dù vậy, thời gian 2 năm vẫn không đủ cho các Hạ nghị sĩ có được “hiểu biết đầy đủ các đối tượng và nguyên tắc của pháp luật,” vì “phần lớn họ phải từ bỏ các mưu cầu cá nhân để đảm trách việc công trong một thời gian ngắn và không có động cơ thường trực để tận hiến thời gian nghỉ ngơi vào việc trau dồi, tìm hiểu pháp luật, công việc và các lợi ích đầy đủ của đất nước” (FP 62). Vì vậy các tác giả cho rằng Thượng Viện là cần thiết, và Thượng nghị sĩ nên có nhiệm kỳ lâu hơn. Trong khi Hạ Viện cần gần dân nên Hạ nghị sĩ cần phải được bầu lại thường xuyên hơn, Thượng Viện cần để đại diện cho các tiểu bang trong Liên bang và để tăng tính ổn định của chính quyền và luật lệ, nên Thượng nghị sĩ cần có nhiệm kỳ dài hơn.

Trên đây chúng tôi chỉ trình bày tóm lược vài nét mấu chốt của tư duy thiết kế thể chế cộng hoà trong FP, qua 12 bản do ông Phạm Hồng Sơn chọn dịch. Đó là quan điểm thực tế về bản chất con người, nguyên tắc phân chia, cân bằng, và kiểm soát quyền lực bằng chính quyền lực, và sự quan tâm đến thực tế công việc nhà nước cũng như tri thức và động lực làm việc của viên chức chính quyền. Những điều trên không bao giờ cũ dù đã được viết ra mấy trăm năm trước. Còn rất nhiều lập luận hay và ý tưởng thú vị trong sách nhưng không thể trình bày hết ở đây.

Chúng ta biết ơn Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã chuyển ngữ công trình lý luận quan trọng về thể chế cộng hoà này sang tiếng Việt. Đây rõ ràng là một đề tài khá khô khan, đôi khi hàn lâm. Thêm nữa, những tên người và địa phương xa lạ, và nhiều từ ngữ trong tiếng Anh không có tương đương trong tiếng Việt có thể làm độc giả nản chí. Thách thức rất lớn cho dịch giả, nhưng tôi tin ông Sơn đã thành công trong việc giữ gìn được tinh thần và tính chính xác trong lập luận của các tác giả trong bản dịch.

Chúng tôi hy vọng bản dịch này sẽ được đón chào bởi những người quan tâm đến vấn đề xây dựng dân chủ hay thể chế cộng hoà ở Việt Nam. Chúng tôi cũng mong tác phẩm sẽ được dùng trong các môn học trong khoa Chính trị và Chính sách công tại các trường đại học ở Việt Nam. Cần phải thấy là giá trị của tác phẩm này không chỉ cho những người quan tâm đến dân chủ hay thể chế cộng hoà. Chúng tôi tin chính những người cộng sản, dù là kẻ thù của những nguyên tắc cộng hoà, cũng có thể hưởng lợi từ tư duy và lập luận của các nhà lập quốc Mỹ.

Một ví dụ là FP 70 với phần thảo luận về vấn đề cơ quan hành pháp nên do 1 cá nhân hay một hội đồng điều hành tập thể. Tác giả Alexander Hamilton chỉ ra những khiếm khuyết nghiêm trọng của cơ chế điều hành tập thể như sau:

“[Ngoài sự bất đồng có thể dẫn đến trì trệ] một trong những lý do mạnh nhất chống lại [mô hình hội đồng trong] Hành Pháp … là mô hình này có thiên hướng che giấu sai lầm và phá hủy trách nhiệm…[T]ăng số lượng người trong Hành Pháp sẽ làm tăng khó khăn cho việc dò tìm sai phạm… Trong các sai phạm chung, thường không thể xác định ai là kẻ phải chịu chỉ trích hoặc trừng phạt cho một hoặc nhiều chính sách tồi. Trách nhiệm sẽ được chuyển hết sức khéo léo từ người này sang người kia, và với các bộ dạng hợp lý như thế, dư luận không thể tìm được tác giả thực sự. Các chi tiết đã đưa tới sai lầm hoặc tai họa cho quốc gia đôi khi hết sức phức tạp, giả như trong đó có một số người đã can dự ở những mức độ khác nhau và với các tính chất khác nhau, nhưng dù chúng ta có thể biết rõ, về tổng thể, là có một sự điều hành sai lạc, chúng ta không thể tuyên bố ai sẽ phải lĩnh trách nhiệm thực sự cho việc tồi tệ đã xảy ra.

…[K]hi quyền lực được đặt vào tay một số rất ít người cũng tức là chấp nhận khả năng sẽ có một kẻ mưu mẹo dễ dàng thâu tóm được quyền lợi và ý muốn của tất cả vào một âm mưu chung nào đó, và quyền lực sẽ trở nên dễ bị lạm dụng, và nguy hiểm hơn so với khi được trao vào tay một người; người này, do hoàn cảnh đơn độc, sẽ bị theo rõi chặt chẽ hơn và nhanh chóng bị cảnh giác, và người này sẽ không thể qui tụ được ảnh hưởng quá lớn kể cả khi liên kết được với những người khác…. [Thêm nữa,] lương bổng cho các thành viên hội đồng, những người buộc phải rời nhà đến sống ở nơi đặt trụ sở chính quyền, sẽ làm cho danh sách chi tiêu công đã quá nặng lại phải cõng thêm một khoản lớn mà ích lợi của nó còn khá mù mờ.”

Khi đọc đoạn này chúng tôi không thể không liên tưởng đến những căn bệnh cố hữu của cơ chế quyết định tập thể của đảng uỷ của đảng Cộng sản với chức năng là những cơ quan Hành pháp. Căn bệnh này tồn tại không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước cộng sản khác, nhưng kinh nghiệm riêng của Việt Nam thôi cho thấy vấn đề che dấu trách nhiệm cá nhân trong các quyết định tập thể là rất hệ trọng. Khi bị chỉ trích về những thất bại trong chính sách kinh tế xã hội của Việt Nam, cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường than rằng ông ta chẳng có quyền gì!

Mặt khác, cơ chế tập thể không ngăn cản được tình trạng Bí thư đảng nào đó “mưu mẹo” chuyên quyền, khuynh loát cả đảng uỷ. Điều này đã xảy ra nhiều ở cả cấp cao nhất là Bộ Chính trị của các đảng cộng sản, thường bị một hay hai lãnh tụ khuynh loát (Stalin ở Liên Xô, Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn, Lê Duẩn-Lê Đức Thọ và mới đây nhất là Nguyễn Phú Trọng rồi Tô Lâm ở Việt Nam). Hiện tượng cả đảng uỷ bị kỷ luật xảy ra rất thường xuyên gần đây ở Việt Nam phải chăng thực chất là tình trạng phần lớn các uỷ viên câu kết với Bí thư để tham nhũng. Chi phí khổng lồ để nuôi bộ máy hành chính-đảng tốn kém là một vấn đề nữa cần phải cân nhắc. Vì vậy, chúng tôi trân trọng giới thiệu bản dịch này cho các giáo sư và sinh viên trong các trường Đảng ở Việt Nam, đặc biệt trong Khoa Xây dựng đảng và Khoa Nhà nước và Pháp luật.

Vũ Tường

Chú thích 

[i] Ý muốn nói chức vụ, bổng lộc.

[ii] Ý muốn nói quân đội, công an, nhà tù.

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ