Lời giới thiệu
Ông Chu Đình Xương gửi cho Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam 2 lá thư, một vào tháng 3 năm 1982 và một vào tháng 3 năm 1983. Hai lá thư này được ông trao cho ông Ngô Vĩnh Long, giáo sư sử học Đại học Maine (University of Maine). Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã công bố hai lá thư vào tháng 9 năm 2020.
Chu Đình Xương nói về quan hệ Việt Trung và Cải cách ruộng đất thập niên 1950 (Lá thư 1982)
Chu Đình Xương nói về quan hệ Việt Trung và Cải cách ruộng đất thập niên 1950 (Lá thư 1983)
Ông Chu Đình Xương là Giám đốc Sở Liêm Phóng Bắc Bộ (phụ trách mật thám, tình báo, an ninh chính trị toàn miền Bắc) từ tháng 8 năm 1945, và sau đó là Giám đốc Sở Công An Bắc Bộ. Từ tháng 3 năm 1950 đến tháng 7 năm 1954 ông là Trưởng phòng 4 Bộ Nội Vụ, tức là Bộ Công An hiện nay. Trong thư, ông Chu Đình Xương xác nhận mình là một trong những cán bộ quan trọng trong Cải cách ruộng đất thập niên 1950.
Ảnh trên: Ông Chu Đình Xương đeo kính, đứng ngay phía sau ông Hồ Chí Minh. Bên trái là ông Phạm Văn Đồng, bên phải là ông Võ Nguyên Giáp, phía sau là ông Trường Chinh.
Trong hai lá thư này, những nội dung liên quan đến chủ nghĩa xã hội, tư bản, kinh tế… không có gì mới để xem xét. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến Mao Trạch Đông, quan hệ giữa hai đảng (Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Lao động Việt Nam), đặc biệt là Cải cách ruộng đất thập niên 1954 ở miền Bắc… là những nội dung có nhiều thông tin mới, có thể được các nhà nghiên cứu quan tâm xem xét, bởi lẽ tác giả là người có vị trí quan trọng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn đầu.
Với vị trí cao trong nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ ngày đầu thành lập, ông Chu Đình Xương là người có thẩm quyền xác nhận những vấn đề lịch sử mà chính mình đã tham gia thực hiện và trải nghiệm. Những gì ông Chu Đình Xương thuật lại về lịch sử Cải cách Ruộng đất, quan hệ Việt Trung từ thập niên 1950… là những thông tin đáng được xem xét.
Về bố cục, lá thư năm 1982 dành phần đầu để ca ngợi tính “ưu việt” của đường lối kinh tế Liên Xô, đối lập nó với đường lối kinh tế của Mao Trạch Đông, phê phán tội ác của Mao đối với Việt Nam và kêu gọi thoát ly khỏi đường lối của Mao, nhưng để quay trở lại với đường lối Liên Xô. Còn lá thư năm 1983 thì tập trung nói về những âm mưu và tội ác của Mao Trạch Đông đối với Việt Nam từ thập niên 1950 mà bản thân tác giả là nhân chứng ở vị trí cấp cao.
Dưới đây là lá thư ông Chu Đình Xương gửi Đại hội lần thứ 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 3 năm 1982. Chúng tôi trích lại những đoạn có ý nghĩa tư liệu. Những phần khác xin độc giả đọc trực tiếp trong ảnh chụp lá thư.
KIẾN NGHỊ DÂNG ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ 5
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG
Chu Đình Xương, nguyên Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ.
(…) Một Đảng Mácxít-Lêninnít đã chiến đấu quá dày dạn như Đảng ta, ngay sau ngày thành lập Đảng đã làm nên Xô viết Nghệ Tĩnh, 15 năm sau đã làm nên cách mạng tháng tám, giành được chính quyền về tay mình, một Đảng đã nắm chính quyền trên 1/4 thế kỷ, đã đánh bại đế quốc Pháp, đã đánh bại đế quốc Mỹ, mà khi đề ra đường lối của Đảng lại:
- Chưa thực sự nắm chắc quy luật.
- Chưa nắm đầy đủ thực tế và
- Thiếu kiến thức kinh tế.
là tại làm sao? Ta phải nghiêm khắc với ta, phải dũng cảm và chân thành mới tìm ra nguyên nhân.
Nguyên nhân sâu xa và đồng thời cũng là trực tiếp là :
Từ nhiều năm nay, ta đã xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin, xa rời lập trương vô-sản quốc tế.
Tôi xin nêu một vài dẫn chứng cụ thể :
Mao Trạch Đông đã trở nên phản cách mạng, đã phản bội giai công nhân, phản bội chủ nghĩa Mác-Lênin từ năm 1930, và từ đó liên tục chống thành trì của cách mạng thế giới là Liên Xô, ấy thế mà :
+ Từ năm 1951 trở đi, ta đã coi tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam, là nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
+ Tháng 12/1 963, trước hội-nghị Trung ương lần thứ 9, đồng chí Lê-Duẩn, Tổng bí thư của Đảng ta đã phát biểu :
“Đảng cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là đồng chí Mao Trạch Đông là người đã thực hiện một cách xuất sắc nhất lời giáo huấn của Lênin vĩ đại, sự phát triển và sáng tạo đặc sắc nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc và đồng chí Mao Trạch Đông đối với lý luận cách mạng vô sản của Chủ nghĩa Mác – Lênin là lý luận cách mạng lấy nông dân là quân chủ lực …………………………………………………………………………………………………………………………………………
Ở đây không phải chỉ có vấn đề lực lượng cách mạng mà còn có một loạt vấn đề về đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng………………………………………………………………..
Lý luận này không còn chỉ đóng khung trong phạm vi Trung Quốc mà nó, đã trở thành một lý luận có tính chất quốc tế; những người cộng sản chúng ta, do đã học tập và vận dụng đường lối đó một cách sáng tạo nên đã đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đến thắng lợi. Nếu trước đây, Lênin đã nói rằng sách lược của cách mạng Nga là một mẫu mực về sách lược cho tất cả mọi người cộng sản trên thế giới, thì ngày nay chúng ta cũng có thể nói rằng sách lược của cách mạng Trung Quốc là mẫu mực và sách lược cho nhiều người cộng sản ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh………………………………
(Một vài vấn đề trong nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta. Nhà xuất bản Sự thật, xuất bản năm 1964, sách có bán trong các cửa hàng sách báo).
+ Năm 1965, một lãnh tụ khác của Đảng ta, đồng chí Trường Chinh đã phát biểu :
“Tư tưởng Mao Trạch Đông đã giúp cho chúng ta và Hồ chủ tịch vạch ra đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng”. (Trong tác phẩm “Hồ chủ tịch và sự nghiệp vĩ đại của Người”. (Nhà xuất bản Sự thật, 1965, trang 55).
Chỉ cần 3 cứ liệu trên , chúng ta thấy Đảng ta đã tin theo Mao Trạch Đông thật là vô bờ bến. Mao Trạch Đông là phản động, coi Liên Xô là là ko thủ số một của mình, suốt đời chống Liên Xô 1 cách điên cuồng và lồng lộn, điều ấy cả thế giới đều thấy rõ, thấy đầy đủ, vậy đã tin tưởng Mao Trạch Đông, coi Mao Trạch Đông đã sáng tạo ra không những “đường lối cách mạng, mà cả phương pháp cách mạng”, là “mẫu mực về sách lược cách mạng cho nhiều người cộng sản ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ-La-Tinh” thì ta có chống Liên Xô không ? Tất nhiên là có. Mà chống Liên Xô là chống thành trì của cách mạng thế giới, là xa rời Chủ nghĩa Mác-Lênin, chối từ liên minh, liên kết, hợp tác quốc tế XHCN.
+ Đảng ta đã chống Liên Xô như thế nào?
– Cho đến nay lịch sử đã chứng minh rằng Đảng cộng sản Liên Xô chưa hề phạm sai lầm xét lại hiện đại. Đấu tranh bảo vệ hòa bình, hòa hoãn quốc tế là chủ-trương vô cùng sáng suốt, vậy mà Mao-Trạch Đông dựng đứng chuyện vu cáo Liên Xô là xét lại, là từ bỏ đấu tranh giai cấp, là đi vào con đường tư sản hóa, mở một chiến dịch toàn cầu để chống Liên Xô; và Đảng ta đã tham gia chiến dịch này:
Trong những năm 60 ta đã mở một chiến dịch rần rộ, huy động toàn Đảng học-tập chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, chống đường lối bảo vệ hòa bình, hoà hoãn quốc tế của Liên Xô, cùng phê phán Liên Xô là thủ tiêu đấu tranh giai cấp, là đi vào con đường tư sản hóa, coi tổ chức Hội đồng tương trợ kinh tế thành lập theo chi thị của Lênin là công cụ nô dịch và bóc lột của Liên Xô, là một hình thức thực dân mới trá hình của Liên Xô, để bóc lột nhân dân các nước, Liên Xô định biến Việt Nam thành vườn chuối, vườn cà-phê của họ. Đa số nhân dân và cán-bộ ta đã tin theo Đảng mà căn ghét Liên Xô, thậm chí trẻ con trông thấy người Liên Xô cũng chửi. Và đồng thời trong nhân dân, trong hàng ngũ cán-bộ đã hình thành một danh xưng quái gở là BÁC MAO với ý thức rõ ràng là BÁC MAO vĩ đại hơn BÁC HỒ. Một số đông cán-bộ kiên-quyết bảo vệ Liên Xô, chống Mao Trạch Đông thì bị trừng trị thẳng tay, đến nay vẫn còn người bị tù chưa được về.
+ Trước khi đi vào khía cạnh kinh tế của vấn đề xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin, tôi hãy xin nói khía cạnh chính trị của vấn đề này. Đó là :
CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Ta coi sách lược cách mạng Trung Quốc là mẫu mực của ta, nên ta đã cử cán bộ sang Trung Quốc học-tập làn cải cách ruộng đất. Khi về nước nhà để thực hiện, thì ta lại đón theo một đoàn cố vấn tay sai của Mao đến để giúp ta, danh nghĩa là giúp, nhưng thực chất là chỉ đạo. Mọi biện pháp đều phải thông qua cố vấn duyệt.
Cuộc phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất bắt đầu làm thí điểm ở 6 xã thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên từ cuối năm 1953, đến đầu 1954 thì tổng kết. Hàng mấy ngàn cán-bộ, đảng viên đã tham gia học tập tổng kết để triển khai ra đợt một với một khí thế cách mạng như vũ bão, hừng hực lửa căm thù, quyết tâm đem lại ruộng đất cho người cày, trong khi ấy thì 75% ruộng đất của địa chủ đã nằm trong tay nông dân lao động rồi. Căm thù ai? Căm thù địch. Kết luận quan trọng bậc nhất của tổng kết là: TẤT CẢ CHI BỘ NÔNG THÔN ĐỀU LÀ CHI BỘ CỦA ĐỊCH.
Tại sao lại 6 xã thuộc huyện Đại Từ, miền Bắc tỉnh Thái Nguyên căn cứ cách mạng, căn cứ kháng chiến, trong lúc kháng chiến còn vài tháng nữa thì thành công, mà lại có cái nhận định quái gở như vậy. Nó phải từ đầu óc độc ác của Mao Trạch Đông mà ra, do đoàn cố vấn của nó truyền đạt.
Nếu tất cả chi bộ nông thôn của ta đều là chi bộ địch, thì nhận định ấy có nghĩa là :
1- Nói chung, Đảng ta chỉ còn có các tỉnh ủy viên và trung ương ủy viên để trong bao nhận nằm chủ yếu là lãnh đạo địch.
2- Các cấp uỷ trong của Đảng đều là do địch bầu ra.
Ấy thế mà hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, đảng viên đã chấp nhận không một chút phản ứng. Trong đó có tôi, tôi đã học tập tổng kết thí điểm, ngay từ đợt một, tôi đã cùng hàng ngàn đồng chí khác kéo nhau về nông thôn để đánh địch. Nghĩa là đánh đồng chí mình, đánh cơ sở vững chắc của Đảng, đồng thời dựng người khác lên làm đảng viên cộng sản.
Nói lên ở đây con số cụ thể các đồng chí đảng viên cơ sở của Đảng bị chính chúng ta tàn sát thật quá đau lòng, tôi không dám viết. Nhưng dẫu sao chúng ta cũng phải thấm thía sai lầm của chúng ta (tôi nói chúng ta đều là nói tôi và hàng ngàn đồng chí trung cao cấp của tôi, cùng tôi đi tham gia cải cách ruộng đất), tôi chỉ nêu lên một con so nhỏ:
– Tỉnh Hà Tĩnh có 210 bí thư chi bộ xã, thì 200 đồng chí bị chúng ta bắn, còn lại 10 đồng chí ở miền núi vì đây chưa cải cách ruộng đất.
Đau lòng lắm các đồng chí ơi!
Chủ nghĩa Mác – Lênin không dạy chúng ta đối xử với con người như vậy bao giờ.
+ Cuối những năm 50, thị hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, chúng ta lại đem con người ra đấu tố, đấu tố cho bằng gục thì thôi. Phương pháp cách mạng của chủ nghĩa cộng sản cũng không hề có phương pháp đấu tố bao giờ, đấy hoàn toàn là “phương pháp cách mạng” của Mao Trạch Đông.
X
Đem phanh phui cái chủ nghĩa nó đã tác hại nền kinh tế Việt Nam như thế nào, không phải mục đích của bản kiến nghị này, kiến nghị này chỉ nhằm vào đường lối của Đảng ta về kinh tế đã đi chệch nguyên lý và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin như thế nào mà thôi.
KẾT LUẬN
(…)
2 – Nhân dịp kỷ niệm 3 năm chiến thắng quân bành trướng Trung Quốc, đồng chí Trường Chinh chỉ thị :
“Phải vạch trần những luận điệu chiến tranh tâm lý, giả danh cách mạng, phê phán những luận đề Mao-it, giả Macxit và tẩy trừ những ảnh hưởng độc hại của chủ nghĩa Mao để bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng ta, bảo vệ trận địa tư tưởng của quân và dân ta, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin”. (Báo Nhân dân ngày 17/2/1982).
Tôi xin hết lời.
Chúc Đại hội thành công rực rỡ.
KÍNH BÚT
THÁNG 3 NĂM 1982
CHU ĐÌNH XƯƠNG
31 Nguyễn Đình Chiểu
Hà Nội
Ảnh chụp lá thư