Kinh tế - Chính trị
BIỂN ĐÔNG THỜI CẬN CỔ (II)- VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC
Published on
Người dịch: Phan Văn Song
Xem mục lục cuốn sách tại đây.
Bản dịch chương 4, cuốn sách của TS. Lê Oa Đằng, Đài Loan: “Biển không tranh chấp, Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỉ 20”
CHƯƠNG 4: BIỂN ĐÔNG THỜI CẬN CỔ (II)- VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC
4.1. Vị trí của Phạ Lạp Tái Nhĩ (帕拉塞爾/Pa la sai er: Paracels)
1. Sự xuất hiện của người phương Tây
2. Sự biến đổi của khái niệm Paracels
3. Nhận thức và đo đạc của phương Tây đối với quần đảo Trường Sa
4.2. ĐỘI HOÀNG SA THỜI CHÚA NGUYỄN
1. Việt Nam thiếu những ghi chép về Hoàng Sa trước thế kỉ 17
2. “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (khoảng năm 1686) của Đỗ Bá và 3 bản đồ nước Quảng Nam
3. “Hải ngoại kỉ sự” (1699) của Đại Sán Hán Ông người Trung Quốc
4. “Phủ biên tạp lục” (1776) của Lê Quý Đôn
5. “Đại Nam thực lục tiền biên”
6. “Lịch triều hiến chương loại chí” (1821) và “Hoàng Việt địa dư chí” (1833) của Phan Huy Chú
7. Pierre Poivre và mô tả về (1749-1750)
8. Vụ đắm tàu năm 1634, “Nhật kí Batavia” (1634-1636)
9. Vụ đắm tàu năm 1714, “Văn khố Hội truyền giáo Paris”
4.3. SỰ QUẢN LÍ CỦA NHÀ NGUYỄN ĐỐI VỚI HOÀNG SA
1. Đội Hoàng Sa thời chính quyền họ Nguyễn Tây Sơn
2. “Đại Nam thực lục” thời vua Gia Long
3. “Đại Nam thực lục” và “Châu bản triều Nguyễn” thời vua Minh Mệnh
4. Những ghi chép thời sau vua Minh Mệnh
5. Những ghi chép lịch sử khác
4.4. BÃI CÁT VÀNG TRONG BẢN ĐỒ VIỆT NAM
4.5. NHỮNG GHI CHÉP TRONG TƯ LIỆU PHƯƠNG TÂY CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ QUYỀN HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM
1. “Hồi kí về xứ Đàng Trong” của Chaigneau (1820)
2. “Nhật kí đi sứ Xiêm La (Thái Lan) và Cochin China” của Crawfurd (1830)
3.“Hoàn vũ, lịch sử và mô tả về tất cả các dân tộc cũng như tôn giáo và phong tục, tập quán của họ” của Taberd năm 1833
4. “Ghi chép về địa lí xứ Đàng Trong” (1837) và “An Nam đại quốc họa đồ” (1838) của Taberd
5. “Địa lí đế quốc Đàng Trong” của Gutzlaff (1849)
6. Sách “Nhật Bản, Đông Dương, Tích Lan” của Dubois de Jancigny (1850)
4.6. CHỦ QUYỀN LỊCH SỬ CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI CÁC ĐẢO Ở BIỂN ĐÔNG
1. Paracels, Hoàng Sa, Vạn Lí Trường Sa đều là quần đảo Hoàng Sa
2. Paracels, Hoàng Sa, Vạn Lí Trường Sa đều không bao gồm quần đảo Trường Sa
3. Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với các đảo biển Đông
4.7. QUAN HỆ CỦA PHILIPPINES VÀ BRUNEI VỚI QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA
CHƯƠNG 4: BIỂN ĐÔNG THỜI CẬN CỔ (II)- VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC
Chương này chủ yếu phân tích bằng chứng của phía Việt Nam. Do có rất nhiều sử liệu phương Tây ủng hộ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, vì vậy cần nói về nhận thức của phương Tây đối với biển Đông trước. Tài liệu có liên quan của Brunei và Philippines không nhiều, do đó không tạo ra một chương riêng mà chỉ tiến hành phân tích ở cuối chương này.
4.1. Vị trí của Phạ Lạp Tái Nhĩ (帕拉塞爾/Pa la sai er: Paracels)
Bắt đầu từ thế kỉ 15, người phương Tây đã đến biển Đông, họ lập các thuộc địa ở biển Đông lại ghi chép không ít tư liệu về biển Đông, đặc biệt là tư liệu có liên quan đến Việt Nam. Trước khi thảo luận bằng chứng lịch sử của Việt Nam đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, đầu tiên cần nghiên cứu diễn biến nhận thức của phương Tây đối với Hoàng Sa và Trường Sa để làm rõ các vấn đề địa lí trong tài liệu có liên quan của phía Việt Nam.
1. Sự xuất hiện của người phương Tây
Người châu Âu xuất hiện ở biển Đông sớm nhất vào cuối thế kỉ 15. Vasco da Gama người Bồ Đào Nha vượt mũi Hảo Vọng đã khai phá tuyến hàng hải từ châu Âu đến Nam Á. Người Bồ Đào Nha đã nhanh chóng xây dựng thuộc địa ở Goa, Ấn Độ. Năm 1511, người Bồ Đào Nha đã chiếm Malacca, tiếp đó lại đã chiếm quần đảo Maluku (quần đảo Maluku, còn gọi là quần đảo hương liệu, là nơi sản xuất hương liệu quan trọng, hiện thuộc Indonesia) xây dựng căn cứ để tiến vào biển Đông. Năm 1567, người Bồ Đào Nha thuê Ma Cao của nhà Minh tạo thành đầu cầu tiến vào Trung Quốc. Sau thế kỉ 17, trước sự tấn công của người Hà Lan, quần đảo hương liệu và Malacca lần lượt thất thủ, thế lực của người Bồ Đào Nha ở Đông Nam Á suy yếu đi nhiều. Đến cuối thế kỉ 19, thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Đông Nam Á chỉ còn lại Đông Timor.
Trong chuyến đi biển vòng quanh thế giới từ năm 1519 đến 1523 Magellan, người Tây Ban Nha, đi qua Nam Mĩ, ông đã “phát hiện” ra Philippines vào năm 1521 (Magellan bị người Philippines bản địa giết chết) và khai phá tuyến đường biển từ Mexico đến Đông Nam Á. Bị thất bại trong cuộc cạnh tranh quần đảo hương liệu với người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha liền chuyển hướng sang Philippines. Người Tây Ban Nha chiến thắng các bộ tộc bản địa trong cuộc chiến tranh thực dân từ năm 1565 đến 1571 và xây dựng chính quyền thuộc địa tại Manila để thống trị miền Bắc và miền Trung Philippines. Trong khu vực thống trị của mình người Tây Ban Nha phát triển mạnh đạo Thiên Chúa, Philippines trở thành một nước duy nhất trong khu vực mà đạo Thiên Chúa chiếm ưu thế. Vào đầu thế kỉ 17 người Tây Ban Nha cũng đã xây dựng chính quyền tại Đài Loan trong thời gian ngắn, sau đó bị người Hà Lan đánh đuổi.
Dù khi đó đã chiếm được miền Bắc và miền Trung Philippines hiện nay, việc chinh phục miền Nam Philippines của người Tây Ban Nha lại vấp phải sự chống cự ngoan cường. Từ thế kỉ 15 miền Nam Philippines đã bắt đầu tiến vào thời kì Islam hóa, vương quốc Hồi giáo (Sultanate) Sulu và Sutan Maguindanao lần lượt được thành lập tại quần đảo Sulu và đảo Mindanao. Năm 1578, Tây Ban Nha tiến đánh Sulu nhưng thất bại, nên họ chuyển sang đánh Brunei ở Borneo. Tây Ban Nha đã đánh thắng Sutan Brunei, nhưng lại khiến Sulu lớn mạnh lên trong khu vực này. Kể từ đó. Sulu đã thay thế Brunei kiểm soát giao thương từ Trung Quốc đến quần đảo Ma Lộc Gia (Maluku/Moluccas). Năm 1596, Tây Ban Nha tiến đánh Sultanate Mindanao, nhưng cũng rốt cuộc cũng bị thất bại.
Vào đầu thế kỉ 18, Tây Ban Nha lại đánh Sulu, chiến tranh đã kéo dài liên tục hơn 30 năm, với nhiều lần tấn công không thành công, cuối cùng nhân lúc Tây Ban Nha bận đánh trận ở miền Nam, Anh đã chiếm đóng đại bản doanh của Tây Ban Nha ở nên cuộc chiến này chấm dứt. Cuộc chiến tranh của Tây Ban Nha với Hồi giáo ở miền Nam Philippines đến trước nửa cuối thế kỉ 19 vẫn không thành công.
Người Hà Lan chỉ giành được độc lập khỏi sự thống trị của Tây Ban Nha vào năm 1588, nhưng thế lực quân sự và thương mại hải ngoại của nước này phát triển vô cùng nhanh chóng. Công ti Đông Ấn (East India Company) thành lập năm 1602 trở thành lực lượng tiên phong cho sự bành trướng của Hà Lan ở Đông Nam Á. Năm 1611, người Hà Lan đã chiếm Batavia, và sau đó đã xây dựng thuộc địa Batavia ở Jakarta. Gần như cùng lúc, người Hà Lan còn đánh đuổi thế lực người Bồ Đào Nha ra khỏi quần đảo Maluku. Năm 1641, lại đoạt được Malacca từ tay người Bồ Đào Nha. Thế kỉ 17, người Hà Lan đã đánh đuổi thế lực người Tây Ban Nha ra khỏi Đài Loan, xây dựng chính quyền của người Hà Lan, hơn 20 năm sau mới bị Trịnh Thành Công trục xuất. Trong thời gian vẻn vẹn khoảng 50 năm, sự bành trướng của Hà Lan ở Đông Nam Á đã giành được thành quả kinh ngạc. Cuối thế kỉ 19, dưới áp lực của người Anh, người Hà Lan đã dùng Malacca đổi lấy sự thừa nhận của Anh đối với thế lực của Hà Lan tại một dải quần đảo Indonesia hiện nay. Vào thời kì cuối thế kỉ 19, thuộc địa Đông Ấn Hà Lan bành trướng đến quy mô của Indonesia hiện nay.
Năm 1600 người Anh đã bắt đầu đến Đông Nam Á. Nhưng cho đến trước thế kỉ 18, trọng điểm của Công ti Đông Ấn Anh là kinh doanh tại thuộc địa Ấn Độ, đi sau Hà Lan trong cuộc tranh đoạt ở Đông Nam Á. Bắt đầu từ đầu thế kỉ 19, Anh kiên quyết bành trướng thế lực của mình ở bán đảo Malay và đảo Borneo. Năm 1819 Anh giành được Singapore từ tay Sultanate Johor, năm 1824 lại đoạt được Malacca từ tay người Hà Lan, từ đó khống chế yết hầu của biển Đông.
Đầu thế kỉ 17 người Pháp cũng đã tiến vào Đông Nam Á. Không giống với các nước khác, mục tiêu chủ yếu ở Đông Nam Á của Pháp là các nước lục địa, đặc biệt là Việt Nam. Thời kì cuối thế kỉ 18 sau khi chính quyền chúa Nguyễn bị anh em nhà Nguyễn Tây Sơn tấn công tiêu diệt, người kế vị chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh lưu vong sang Pháp khi còn trẻ tuổi, cuối cùng với sự giúp đỡ của người Pháp đã đánh bại nhà Nguyễn Tây Sơn, thành lập lại chính quyền họ Nguyễn (trước đó), trở thành hoàng đế Gia Long, đây là triều đại cuối cùng trong lịch sử Việt Nam – triều Nguyễn (1802-1945). Vì vậy, thế lực của Pháp tại Đông Nam Á lớn mạnh nhanh chóng. Tuy nhiên, tình cảnh thuận lợi không được lâu, vào thập niên 1830 vua Minh Mệnh bất hòa với người Pháp, trục xuất người Pháp khỏi Việt Nam. Người Pháp mất đi điểm tựa ở Đông Nam Á, cho đến thời kì cuối những năm 1850 mới quay trở lại Đông Nam Á qua cuộc chiến tranh với Việt Nam.
2. Sự biến đổi của khái niệm Paracels
Trước khi người phương Tây đến Đông Nam Á, từ sớm người phương Tây đã có hiểu biết sơ bộ về địa lí phương Đông. Thời trung cổ ở phương Tây đã xuất hiện nhưng bản đồ Đông Á. Nhưng những bản đồ đó đều từ người Ả Rập truyền bá vào, phần Đông Nam Á hết sức không chính xác. Từ cuối thế kỉ 15 sau khi người phương Tây đến châu Á, những nhà hàng hải và nhà vẽ bản đồ phương Tây tiến thêm một bước trong việc khảo sát và vẽ bản đồ Đông Nam Á, và chỉ sau đó mới bắt đầu xuất bản bản đồ châu Á theo ý nghĩa hiện đại. Bản đồ Đông Nam Á của các nước phương Tây đầu tiên tốt nhất là của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý: người Bồ Đào Nha đi biển đến Đông Nam Á đầu tiên, do đó cũng xuất bản bản đồ Đông Nam Á sớm nhất; Tây Ban Nha cũng là nước đến Đông Nam Á sớm; còn kĩ thuật vẽ bản đồ của người Ý là tốt nhất vào thời đó, và họ cũng thường phụ trách việc vẽ bản đồ trên các tàu của người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Vì vậy, trong thế kỉ 16 bản đồ của họ chiếm vị trí tuyệt đối. Bắt đầu từ thế kỉ 17, thế lực Hà Lan, Pháp, Anh cũng đã đến khu vực này, do đó bản đồ do 3 nước này xuất bản đã xuất hiện.
Trong bản đồ của phương Tây, các đảo biển Đông đã xuất hiện rất sớm với hình thức chuẩn xác hơn nhiều so với bản đồ của Trung Quốc và Việt Nam. Ở đây trọng tâm thảo luận là tình huống của quần đảo Hoàng Sa. Người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là thế lực châu Âu tiến vào biển Đông sớm nhất. Các nhà hàng hải của họ khi đó đã biết ở khu vực biển Đông có một khu vực biển nguy hiểm gọi là Paracel, có thể biết được điều này từ trong bản đồ thế giới mà họ vẽ. Trong rất nhiều tài liệu bằng chữ viết của người phương Tây cũng có nhắc đến Paracels, những tư liệu này giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu trạng thái chủ quyền và lịch sử của quần đảo Hoàng Sa từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19. Nhưng trong hệ thống bản đồ của phương Tây, cả vị trí lẫn hình dáng của Paracels đều có sự biến đổi, có sự khác biệt về vị trí và sự phân bố chính xác của Paracels thời kì đầu so với Hoàng Sa. Một số chuyên gia Trung Quốc do vậy mà phủ nhận Paracels chính là quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Để làm rõ điểm này, đầu tiên cần nghiên cứu tỉ mỉ sự biến đổi phạm vi của Paracels. Qua đối chiếu bản đồ và kết hợp tư liệu hàng hải phương Tây, đại khái có thể dựng lên quá trình nhận thức của phương Tây đối với Paracels. Mặt khác, cũng có thể kiểm chứng chúng với các ghi chép của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam để xác định vị trí chân thực của Paracels.
(1) Paracels trong bản đồ của người Bồ Đào Nha
Cuối thế kỉ 15, người Bồ Đào Nha đã bắt đầu khai thác và phát triển tuyến đường biển từ châu Âu qua mũi Hảo Vọng đến phương Đông. Bắt đầu từ thế kỉ 16, trên bản đồ của Bồ Đào Nha đã xuất hiện Paracels. Cách gọi sớm nhất là Pracel, sau đó cũng có gọi là Parcel, hiển nhiên đều là biến thể của cách gọi Paracel hiện đại. Vậy tại sao gọi nó là Paracel ? Hình thức sớm nhất của Paracel có thể là Parcel, trong tiếng Bồ Đào Nha cổ có nghĩa là đá ngầm. Nhưng cũng có người cho rằng đây vốn là một chiếc tàu Hà Lan tên “Paracelse” bị đắm vào thế kỉ 16 tại đây. Còn có người cho rằng từ Parcel này trong tiếng Bồ Đào Nha cổ có ý nghĩa là “lan can đá” [石欄: thạch lan], do người Bồ Đào Nha phiên dịch từ “Thạch Đường”[石塘] của Trung Quốc mà ra. Kiểu suy đoán này không có căn cứ, dù nghĩa của “lan can đá” là đúng, dùng nó để chỉ đá ngầm cũng là cách làm rất tự nhiên, và cũng không cần ngư dân nhờ Trung Quốc ở đó để phiên dịch ra.
Trong các bản đồ sớm nhất, Paracel được vẽ như một khu vực hình chiếc ủng phân bố từ nam đến bắc, cơ bản là nằm ngang với bờ biển Nam Trung Bộ Việt Nam, cách xa bờ biển Việt Nam (xem bản đồ của Lopo Homem năm 1514, bản đồ 73).
Khu vực này được biểu thị bởi các ô vuông, đường đan chéo, chữ thập và chấm nhỏ. Trong các hải đồ khi đó điều này biểu thị khu vực nguy hiểm trong hàng hải. Phương pháp biểu thị này rất phổ biến trong các hải đồ phương Tây thời cổ đại, thường biểu thị khu vực chưa được khảo sát nhưng có khả năng có đá ngầm, hải lưu… có nguy cơ với hàng hải. Phía bắc khu vực này có vẽ các đảo (chấm đen tròn), thường ghi chú là Paracel (Pracel hoặc Parcel hoặc Paracel). Phần phía Nam khu vực này kéo dài về phía tây đến các đảo ven bờ biển Nam Bộ Việt Nam, theo vị trí địa lí thì tương đương với đảo Phú Quý của Việt Nam. Những đảo ở phía cực nam này đều có tên riêng (trong các bản đồ khác nhau tên gọi không giống nhau, phổ biến nhất là tên Pulo Cecir Mir), cho thấy chúng độc lập với Paracel.
Hình 73: Phần Đông Nam Á trong bản đồ của Lopo Homem (1514), dẫn từ PMC, PI 27
Khi khảo sát các bản đồ của người Bồ Đào Nha thời kì đầu thế kỉ 16, có mấy điểm cần chú ý:
Thứ nhất, khu vực Paracel trên bản đồ cho dù về cơ bản là dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam, nhưng về vị trí địa lí lại cách xa đất liền. Đó không phải là bãi cát gần bờ biển Việt Nam như Lí Kim Minh nói. Chỉ có ở cực nam, tức mũi chiếc ủng mới tương đối gần bờ biển Việt Nam. Chỗ mà mũi này chạm đến khi đó được gọi là Pulo Cecir do mer, tức đảo Phú Quý của Việt Nam hiện nay (cũng có tên là đảo Tây Cách Nhĩ hoặc Pullo Secca de Mer).
Thứ hai, trong toàn bộ phần giữa của Paracel chỉ có kí hiệu ô lưới và chữ thập, mà không có kí hiệu đảo. Kí hiệu chữ thập là kí hiệu thường thấy trong các hải đồ, tiếng Anh gọi là breaker, biểu thị địa điểm có thể nguy hiểm nhưng chưa được hiểu đầy đủ.
Thứ ba, tất cả bản đồ khi đó đều có vẽ đảo Hải Nam (j do Ainao) và các đảo Thất Châu (j hinhojo). Từ bản đồ thấy phần phía bắc của Paracel có vẽ các điểm đen tròn có dạng như đảo và đều xa hơn về phía đông so với đảo Hải Nam, biểu thị vị trí của chúng ở đông nam đảo Hải Nam.
Hình 74: Phần Paracel trong bản đồ do Diogo Homem vẽ (1568), dẫn từ PMC, PI 139.
Đến giữa thế kỉ 16, bản đồ có liên quan đến Paracel của người Bồ Đào Nha đã xuất hiện một số biến thể. Một kiểu là khu vực nửa phía trên được vẽ riêng thành một khu độc lập, tách rời rõ ràng hơn với khu vực chấm đen nhỏ và ô lưới ở phía dưới (xem bản đồ của Diogo Homem năm 1568, hình 74). Điều này cho thấy người Bồ Đào Nha nhận thức được sự khác biệt giữa khu vực nguy hiểm của các đảo ở phần giữa và khu vực nguy hiểm ở phần phía nam của Paracels.
Một loại xu hướng khác là ở phần cực bắc của Paracels các đảo được vẽ ra càng rõ ràng hơn, đồng thời ghi rõ Paracels, phần giữa được vẽ thành hình thang dẹt hướng bắc nam, còn phần cực nam lại được vẽ thành một đường mảnh dạng chuỗi nối các đảo. Đoạn cuối đường mảnh này kéo dài đến đảo Phú Quý (xem bản đồ của Fernão Vaz Dourado năm 1570, hình 75). Như vậy, bắt đầu từ năm 1570, “chiếc ủng dài” của Paracels bắt đầu thu ngắn, bản thân khu vực nguy hiểm không còn kéo dài đến đảo Phú Quý mà chỉ nối với nó bởi một đường mảnh.
Hình 75: Phần Paracels trong bản đồ do Fernão Vaz Dourado vẽ (1570), dẫn từ PMC, PI 270.
Trong bản đồ do Joao Teixeira I, người Bồ Đào Nha, vẽ năm 1649 (cuối những năm huy hoàng của bản đồ Bồ Đào Nha) (hình 76), mấy tên gọi này được thấy rõ ràng. Các đảo ở phía bắc gọi là đảo Parcel (j do Parcel), các đảo ở phần giữa và phần phía nam tương ứng gọi là pulo Combir và pulo Cecir domer. Có thể thấy, trong các bản đồ của người Bồ Đào Nha từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 17, quần đảo Paracel chỉ là các đảo ở cực bắc của khu vực Paracel.
Hình 76: Phần Paracels trong bản đồ do Joao Teixeira I vẽ (1649), dẫn từ PMC, PI 516.
Theo tất cả bản đồ của Bồ Đào Nha, khu vực nguy hiểm Paracel kéo dài khoảng từ miền Trung Việt Nam đến miền Nam Việt Nam, trong khi vị trí của quần đảo Paracel ở khoảng ngang với Huế, ở phía đông nam của đảo Hải Nam. Ở đây người viết tránh dùng kinh và vĩ độ để mô tả vị trí này, bởi vì những bản đồ này được vẽ không chính xác như các bản đồ hiện đại. Tuy nhiên, từ những vị trí tương đối này, nhất là khi đối chiếu với các bản đồ có liên quan đến các đảo ở biển Đông của Trung Quốc cùng thời kì vốn có sự biến dạng rất lớn và vị trí địa lí rất không chính xác, tin rằng không ai có thể phủ nhận quần đảo này là quần đảo Hoàng Sa hiện nay.
Vậy tại sao người Bồ Đào Nha vẽ quần đảo Hoàng Sa có hình dáng như thế ? Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Theo người viết suy đoán, khu vực nguy hiểm kéo dài theo hướng nam bắc là việc tiếp tục sử dụng theo cách của người Ả Rập. Người viết chưa tìm được bản đồ ban đầu do người Ả Rập vẽ, nhưng xem các mô tả của người Ả Rập về các tuyến đường biển ở biển Đông từ thế kỉ 9, đúng là có một khu vực nguy hiểm cần 7 ngày mới đi qua được (có thể đã bao gồm quần đảo Hoàng Sa trong đó), hơn nữa rất có thể là theo hướng nam bắc (bởi vì tàu thuyền đi từ nam đến bắc), vừa vặn giống như bản đồ của người Bồ Đào Nha (xem phần 3.3). Trong bản đồ giữa thế kỉ 17 của Trung Quốc do người Anh lưu giữ (The Selden Map of China), quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường) cũng dùng cách vẽ theo hướng nam bắc giống như vậy (3.4.10). Chúng có thể cũng có nguồn gốc. Khi đối chiếu những tấm bản đồ này với bản đồ của Bồ Đào Nha có thể tin chắc hơn nữa rằng khu vực nguy hiểm Paracel chính là Vạn Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường của Trung Quốc, cũng chính là quần đảo Hoàng Sa.
(2) Cuối thế kỉ 17 bãi Mắt Kính bắt đầu xuất hiện
Từ thế kỉ 17, người Hà Lan bắt đầu vẽ bản đồ Đông Nam Á. Bản đồ thời kì đầu của Hà Lan đều tựa như bản đồ của Bồ Đào Nha. Ví dụ trong nhật kí hàng hải của John Saris người Anh có bổ sung thêm bản đồ do Linschoten người Hà Lan vẽ, hình dáng liên quan đến Paracels rất giống với bản đồ của Bồ Đào Nha năm 1649 được nói đến ở trên (hình 77).
Hình 77: Bản đồ đính kèm theo trong nhật kí của John Saris, trích từ The Voyage of Captain John Saris to Japan, 1613.
Từ giữa đến cuối thế kỉ 17, trong một số bản đồ của người Hà Lan đã bắt đầu xuất hiện một khu vực mới. Cụ thể, đó là có một khu vực gồm 6 vòng tròn tạo thành hình tam giác ở phía đông quần đảo Paracel. Mới đầu, khu vực này chưa được đặt tên (xem bản đồ do Johannes Vingboons vẽ năm 1665, hình 78), sau đó trong bản đồ của người Hà Lan nó được gọi là De Bril, tức có nghĩa là Mắt Kính (xem bản đồ do Isaac de Graaf vẽ, hình 79). Sau đó, trên các bản đồ của người Anh và người Pháp cũng xuất hiện khu vực này. Bản đồ của người Anh gọi nó là Condon se saint Antonio (dây buộc của thánh Antonio), còn bản đồ của người Pháp gọi là les Lunettes (Mắt Kính). Khu vực này vì thế cũng được gọi là bãi Mắt Kính [眼鏡灘: Nhãn Kính than]. Bãi Mắt Kính và nhóm đảo ở cực bắc Paracels cơ bản cùng vĩ độ. Loại bản đồ này xuất hiện cuối thế kỉ 17, thế nhưng đến đầu thế kỉ 18 mới bắt đầu được phổ biến.
Hình 78: Phần Paracel trong bản đồ do Johannes Vingboons vẽ (1665), dẫn từ AMH.
Hình 79: Phần Paracel trong bản đồ do Isaac de Graaf vẽ (1695), dẫn từ AMH
Không ai có thể giải thích rõ ràng vì sao bãi Mắt Kính này lại được vẽ với hình dáng như vậy. Cách thể hiện này rất hiếm thấy trong các bản đồ khác. Có một thuyết cho rằng hình dáng bãi Mắt Kính giống như một hình tam giác lớn. Thuyết này thấy trong cuốn A Journal of the First French Embassy to China, 1698-1700 (Nhật kí của đoàn sứ Pháp đầu tiên tới Trung Quốc) của Francois Froger người Pháp. Trong chuyến đi này (từ Malacca tới Trung Quốc), người Pháp điều khiển chiếc tàu Amphitrite từ phía đông đi qua khu vực nguy hiểm Paracel trên bản đồ, sau đó đi lên phía bắc, cuối cùng đã nhìn thấy bãi Mắt Kính:
The 25th, towards two P.M., we steered north-east, as our pilots were uneasy at going too near the tail of the Pracel. The Pracel is a rocky shore, stretching north and south one hundred leagues. At daybreak we began to steer north-east, to clear this shoal. The latitude was 12 deg. 4 min. at noon. The current ran east-north-east, and this day we left several dangerous places at starboard.
The 27th, our fair wind from the south-west fell off, and it was calm almost all day. We steered on north 1/4 north east. The latitude was 14 deg. 56 min. The next night the wind chopped to northwest, with fog, and we much apprehended the ti phoon. By way of precaution, we had for several days put our guns from off the deck into the bottom of the hold, as this wind is a sort of a hurricane, and exceedingly violent it may last three days.
The 28th, at ten A.M., we saw the Lunettes, covered with breakers, three leagues ahead of us to the north-east. They are a group of rocks in a triangular shape, eight to ten leagues east of the head of Pracel on the charts. We were in lat. 15 deg. 25 min. by reckoning. The wind shifted from north-west to north quarter north east, and was very light. We tacked all day. The currents drifted us to north-north west, and at the Lunette bore east-south-east. We tacked all the next night to make northing.
(Ngày 25, khoảng 2 pm, chúng tôi lái theo hướng đông bắc, vì các hoa tiêu của chúng tôi không dễ chịu khi đi quá gần đuôi của Pracel (Hoàng Sa). Pracel là một bờ đá, trải dài 100 league từ bắc tới nam. Khi trời hửng sáng, chúng tôi bắt đầu lái theo hướng đông bắc, để tránh bãi cạn này. Vĩ độ là 12° 4’ vào buổi trưa. Hải lưu chạy theo hướng đông-đông-bắc, và ngày hôm đó chúng tôi đã chạy qua khỏi một số chỗ nguy hiểm ở mạn phải.
Ngày 27, gió thuận từ phía tây nam hạ xuống, và đó là một ngày hầu như yên tĩnh suốt. Chúng tôi lái về phía bắc 1/4 đông bắc. Vĩ độ là 14° 56’. Đêm hôm sau, gió thổi về hướng tây bắc, có sương mù và chúng tôi gặp phải bão. Để phòng ngừa, chúng tôi đã đem súng từ trên boong xuống đặt ở đáy hầm trong nhiều ngày, vì cơn gió này là một dạng bão cực kì dữ dội có thể kéo dài ba ngày.
Ngày 28, lúc 10 am, chúng tôi đã thấy bãi Mắt Kính (Lunettes), được bao phủ bởi các mỏm đá nhấp nhô, cách chúng tôi 3 league phía trước về phía đông bắc. Bãi này là một nhóm đá có dạng tam giác, cách đầu (đỉnh) Pracel 8 đến 10 league về phía đông trên hải đồ. Chúng tôi ở vĩ độ 15° 25’ theo tính toán. Gió đổi hướng từ tây bắc sang bắc 1/4 đông bắc, và rất nhẹ. Chúng tôi chạy dích dắc [theo đường chữ chi] cả ngày. Các dòng hải lưu đẩy chúng tôi tại bãi Mắt Kính ở hướng đông-đông-nam trôi dạt về phía bắc-tây bắc. Chúng tôi đã chạy dích dắc các đêm tiếp theo để theo đúng hướng bắc.)
Đối chiếu hai tấm bản đồ của người Hà Lan (bản đồ 78 và bản đồ 79) với các bản đồ hiện có, nhóm đảo ở cực bắc Paracels, quần đảo Mắt Kính và quần đảo Hoàng Sa đều có cùng vĩ độ. Về kinh độ, nhóm đảo Mắt Kính còn gần với quần đảo Hoàng Sa hơn, đặc biệt là cụm đảo Tuyên Đức (Amphitrite Group: An Vĩnh) ở phía đông quần đảo Hoàng Sa. Còn nhóm đảo ở cực bắc Paracels có vị trí giống với cụm đảo Vĩnh Lạc (Crescent Group: Lưỡi Liềm) ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Theo ghi chép của tàu Amphitrite, bãi Mắt Kính cách phần đầu của Paracel 8-10 league. Đơn vị league ở đây có sự thay đổi theo nước và thời kì lịch sử khác nhau, 1 league Pháp khi đó là 4 hải lí. Vì vậy, khoảng cách này là khoảng từ 32 đến 40 hải lí. Khoảng cách giữa cụm đảo An Vĩnh ở phía đông quần đảo Hoàng Sa và cụm đảo Lưỡi Liềm ở phía tây khoảng 30 hải lí. Điều này hậu thuẫn thêm một bước nhận định phần đỉnh Paracels là cụm đảo Lưỡi Liềm, còn bãi Mắt Kính là cụm đảo An Vĩnh.
Hình 80: Phần Paracels trong bản đồ do Guillaume de Lisle vẽ (1700), dẫn từ DRH.
Minh họa tốt nhất cho cách lí giải trên là dùng bản đồ người Pháp đã đi qua bãi Mắt Kính. Bãi Mắt Kính vẫn chưa xuất hiện trong bản đồ của nhà bản đồ học người Pháp Guillaume de Lisle năm 1700 (Lisle, Guillaume de, 1700, hình 80). Sau chuyến đi của tàu Amphitrite, trên bản đồ năm 1705 các đảo ở cực bắc khu vực nguy hiểm Paracel và khu vực nguy hiểm Paracel chí được nối với nhau bằng một đoạn có dạng như cái cổ hẹp, với phần đầu sát với bãi Mắt Kính . Điều này cho thấy phần đầu của Paracels và bãi Mắt Kính rất gần nhau về mặt địa lí (Lisle, Guillaume de, 1705, hình 81). Loạt bản đồ theo hệ này vẫn đánh dấu như vậy vào giữa thế kỉ 18 (Lisle, Guillaume de, 1742). Tuy nhiên, chắc chắn rằng tri thức về bãi Mắt Kính khi đó rất hạn chế, hình dáng bãi Mắt Kính trên bản đồ cho thấy đó chỉ là kí hiệu hơn là sự phản ánh về tình trạng thực tế trên bản đồ.
Hình 81: Phần Paracels trong bản đồ do Guillaume de Lisle vẽ (1705), dẫn từ DRH.
Thế kỉ 18, nước Anh cũng tham gia vào việc khảo sát biển Đông. Năm 1701 Anh phát hiện rạn san hô vòng ngầm Trung Sa (Macclesfield Shoal), năm 1755 phát hiện bãi ngầm Thần Hồ (St. Esprit). Năm 1764 E. Of Lincoln hình như đã đến bãi Mắt Kính. Nhưng thông tin ông có được rất hỗn loạn, vì vậy sau đó trong bản tường thuật của chuyên viên đầu tiên của Cục Trắc lượng thuỷ văn nước Anh Alexander Dalrymple vào năm 1771 có đề cập rằng do các loại tư liệu về Triangles (tức bãi Mắt Kính) mâu thuẫn với nhau, không có cách nào đánh dấu chính xác nó trên bản đồ, cuối cùng khi vẽ bản đồ ông chỉ có thể tiếp tục dùng ghi chép của tàu Amphitrite làm chuẩn. Đối với Paracels, Alexander Dalrymple đã tham khảo bản đồ phác thảo của Việt Nam (loại hải đồ theo kiểu phương Đông này rất không chính xác, xem phần 4.4), cực nam của nó trong phạm vi có thể bao quát tương đương với đá Thảo Hài (Pulo Sapata). Theo Alexander Dalrymple, bãi Mắt Kính (Triangles) và cụm đảo An Vĩnh cùng chỉ một địa điểm.
Bản tường thuật của thuyền trưởng người Anh Gabriel Wright đã mô tả trực tiếp nhất về bãi Mắt Kính:
The Spectacles, or St.Anthony’s Girdle, are several rocky pyramids, between which it is exceeding dangerous to pass; some rise to the surface of the water, AND MANY OTHERS HAVE 60 OR 80 FATHOMS QUITE CLOSE ON BOARD OF THEM.
(Bãi Mắt Kính, hoặc Vành đai St. Anthony’s là một số mỏm đá hình tháp, đi qua khu vực giữa chúng là cực kì nguy hiểm, một vài mỏm vươn lên khỏi mặt nước, còn nhiều mỏm khác thì nước xung quanh chúng sâu 60 hay 80 fathom (1 fathom = 1,83m).)
Ở quần đảo Hoàng Sa, nham thạch có dạng hình tháp chỉ có thể là đảo núi lửa duy nhất có tên Hòn Tháp (tên tiếng Anh của nó chính là Pyramid Rock), nằm trong cụm đảo An Vĩnh ở phía đông. Chứng cứ này cũng ủng hộ giả thiết bãi Mắt Kính là cụm đảo An Vĩnh.
Trong các bản đồ từ nửa cuối thế kỉ 18, còn mấy cách vẽ về khu vực nguy hiểm Paracel và bãi Mắt Kính. Cách vẽ thứ nhất hoàn toàn bỏ qua bãi Mắt Kính mà chỉ vẽ ra khu vực nguy hiểm Paracel (xem bản đồ châu Á của Edward Patteson, 1804, hình 82). Cách vẽ thứ hai vẽ đồng thời khu vực nguy hiểm Paracel lẫn bãi Mắt Kính, nhưng thu hẹp vị trí phần đầu hướng về phía nam của khu vực nguy hiểm Paracel, đồng thời cũng chuyển vị trí tổng thể của nó về phía tây, từ ở phía đông nam của Hải Nam sang ngay phía nam đảo này. Paracels chủ yếu được vẽ thành một hình thang dài theo hướng nam bắc, phía nam không còn nối với đảo Phú Quý dưới dạng đường chấm mảnh (xem bản đồ của Gilles Robert de Vaugondy, 1750, hình 83).
Hình 82: Phần Paracels trong bản đồ châu Á do Edward Patteson vẽ (1804), dẫn từ DRH.
Hình 83: Bản đồ Đông Nam Á do Gilles Robert de Vaugondy vẽ (1750), dẫn từ DRH.
Cách vẽ thứ ba, đặc biệt là trong các bản đồ của Anh và Pháp kể từ sau những năm 1880, Paracels được vẽ thành những khu vực hình dạng khác nhau với những dấu hiệu giống các đảo nhỏ, bên trong, còn tên của bãi Mắt Kính (Spectacles) thì không xuất hiện nữa mà được thay bằng tên đảo Lincoln (Lincoln Island: đảo Linh Côn), hoặc tên đảo Lincoln cùng tên đảo Amphitrite, hoặc một số tên đảo khác. Ví dụ trên bản đồ do Cook và Vancouver vẽ năm 1799 (hình 84), Amphitrite và Lincoln ở vị trí bãi Mắt Kính trước kia xuất hiện. Nhưng Amphitrite hiện nay lại chính là tên gọi tiếng Anh của cụm đảo An Vĩnh ở phía đông quần đảo Hoàng Sa, điều này đã chứng minh thêm một bước nhận định bãi Mắt Kính chính là cụm đảo An Vĩnh. Đương nhiên, khi đó cũng có chứng cứ cho điều trái ngược, ví dụ như trong bản đồ do John Cary vẽ năm 1801, Amphitrite được dùng để chỉ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa (hình 85), trong khi các đảo phía đông, trừ Lincoln lại được đánh dấu là Dry hoặc không được đặt tên. Không rõ lí do tại sao ông ta lại vẽ như vậy, có thể là vì lúc đó quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa, bãi Mắt Kính và đảo Amphitrite vẫn chưa rõ ràng. Nhưng dù theo cách vẽ nào, khu vực nguy hiểm Paracel đều không còn kéo dài đến các đảo ở Bình Thuận nữa.
Những bản đồ phía trên đã phản ánh vài sự thật:
– thứ nhất, dù khi đó bãi Mắt Kính đã được biết đến từ lâu, nhưng trong mắt của khá nhiều người vẽ bản đồ, Paracels vẫn là tên thường gọi đối với khu vực biển nguy hiểm khi đó, mà không phân biệt rõ Paracels hay bãi Mắt Kính;
Hình 84: Bản đồ Đông Nam Á do Cook và Vancouver vẽ (1799), dẫn từ DRH
– thứ hai, vị trí của khu vực nguy hiểm Paracel liên tục thay đổi, từ hình chiếc ủng dài trong thế kỉ 16 thành hình chiếc ủng ngắn trong thế kỉ 17, rồi lại biến thành hình thang vào thế kỉ 18. Về diện tích, có thể thấy rằng Paracel thay đổi theo hướng nhỏ lại, dù phần cực bắc hay cực nam đều bị thu hẹp, và vị trí cũng dịch chuyển về phía tây dưới sự dồn ép của bãi Mắt Kính. Điều này cho thấy về tổng thể nhận thức của phương Tây đối với khu vực nguy hiểm là sâu sắc hơn, sự thu hẹp phạm vi của Paracel đã cho thấy rằng khu vực trước đó được coi là khu vực khu hiểm thật ra đã không còn nguy hiểm nữa. Nhưng tại sao người vẽ bản đồ nửa sau thế kỉ 18 vẫn vẽ các đảo vào khu vực này, mà trên thực tế ở khu vực này căn bản không có đảo nào cả (điểm này cần phải đặc biệt nhấn mạnh)? Có thể là vì khi đó hoàn toàn không có việc tiến hành đo đạc đối với khu vực này, và các nhà hàng hải dựa theo truyền thuyết trước đó đều hết sức tránh khu vực này, do đó nhận thức về khu vực này đầy rẫy việc lấy sai truyền sai.
Hình 85: Bản đồ Đông Nam Á do John cary vẽ (1801), dẫn từ DRH
(3) Sự xuất hiện bản đồ chính xác của quần đảo Hoàng Sa
Hàn Chấn Hoa cho rằng sự hiểu biết của phương Tây đối với quần đảo Hoàng Sa chỉ có sau năm 1817. Thật ra không phải như vậy. Người phương Tây đã có hiểu biết sơ bộ về quần đảo Hoàng Sa muộn nhất vào cuối thế kỉ 18. Trong các bản đồ 10-20 năm đầu của thế kỉ 19, hầu như tất cả bản đồ của Anh, Pháp đều đã bỏ đi tên bãi Mắt Kính (các nước khác, ví dụ bản đồ của Mĩ có muộn hơn đôi chút, điều này có thể hiểu được, vì Anh và Pháp là lực lượng chính về mặt khai thác Đông Nam Á).
Cuối thế kỉ 18, dưới sự chủ trì của Jean Dayot người Pháp, người Pháp đã tương đối hiểu rõ thuỷ văn ở phía nam Đông Dương (Indochina), nhưng vẫn tương đối mơ hồ về thuỷ văn ở phía bắc biển Đông. Nhưng nhiều chuyến đi biển đã cho thấy rõ rằng bản đồ cũ của Paracels là không chính xác. Năm 1805, James Horsburgh đã xuất bản cuốn Memoirs: Comprising the Navigation to and from China (Hồi kí: Hiểu biết việc đi thuyền lui tới Trung Quốc) hoàn thành trên cơ sở các chuyến đi biển của chính mình và những ghi chép của các tàu khác. Ông cho rằng cho dù trên bản đồ trước nay phạm vi bắc nam của Paracels kéo dài đến một nửa biển Đông, nhưng thật ra người ta không biết tí gì về nguồn gốc và giới hạn địa lí của các tên gọi liên quan đến khu vực này.
The limits of the group of shoals, delineated on most charts by the name of Paracels, and comprehending a space in latitude from about eleven and a half to seventeen degrees north, are absolutely unknown, although projected to an extent of nearly half the length of the China Sea. By whom their name was given, when and on what account, like the knowledge of their limits, appears equally uncertain.
(Các giới hạn của nhóm bãi cạn, được vạch ra trên hầu hết các hải đồ bằng cái tên Paracels, và bao gồm khoảng biển trong vĩ độ từ khoảng 11° 30’ đến 17°N, hoàn toàn chưa được biết, mặc dù vươn ra tới một nửa chiều dài biển Đông. Tên của chúng do ai đặt, khi nào và trên báo cáo nào, cũng như hiểu biết về giới hạn của chúng, dường như cũng đều không chắc chắn.)
Tiếp đó, ông thảo luận đến các đảo ở phía nam (from this limit southward: từ giới hạn này về phía nam) của giới hạn phía nam (southern limit) của Paracels trong đại đa số các hải đồ, rất nhiều đảo như Yết Tử Vĩ – đuôi bọ cạp (Scorpion’s Tail, chỉ mũi của “chiếc ủng”)… đều không tồn tại, ngoại trừ đảo thuộc Bình Thuận (Pulo Cecir de Mer). Sau khi phân tích các tài liệu gần nhất, ông tổng kết vị trí địa lí của Paracels như sau:
These shoals, commonly called Paracels, are the same group as those distinguished by the different names of Triangles, Amphitrite, Spectacles, St. Anthony’s Girdle, Lincoln, & c. The Easternmost danger of this group (or chain of groups) is probably that seen by the Bombay Merchant, 19th May 1800; and extensive reef of breakers, in the form of the letter A, with the angular point to the westward, and small rocks appearing above water, when within three quarters of a mile of it. Each of the legs appeared six or eight miles in length, forming a smooth harbor apparently between them, with an entrance to the westward. The latitude of this shoal, by noon observation, was 16o 06’N; longitude by sun and moon, at 4 P.M. 112o48’ E. And by chronometer made it in 112o 54 ½’ E.
(Những bãi cạn này, thường được gọi là Paracels, cũng chính là nhóm bãi cạn được phân biệt với những cái tên khác như Triangles, Amphitrite, Spectacles, St. Anthony’s Girdle, Lincoln, vv. Bãi nguy hiểm ở cực đông của nhóm (hoặc chuỗi các nhóm) này có lẽ là bãi được tàu Bombay Merchant nhìn thấy ngày 19 tháng 5 năm 1800; và rạn đá rộng có sóng nhào, có dạng hình chữ A, với mũi nhọn hướng ra ngoài và những mỏm đá nhỏ hiện ra trên mặt nước khi cách xa trong vòng ¾ dặm. Còn mỗi chân chữ A dài chừng 6 hoặc 8 dặm, tạo thành một bến đậu yên ả rõ ràng giữa chúng, với một lối vào phía tây. Vĩ độ của bãi cạn này, theo quan sát vào giữa trưa, là 16° 06’N; kinh độ theo mặt trời và mặt trăng, vào lúc 4 pm là 112° 48’ E. Và theo đồng hồ đo (chronometer) là 112° 54,5’E.)
Ở đây, ông nói rõ rằng Paracels và các tên Triangles, Amphitrite, Spectacles, St. Anthony’s Girdle và Lincoln đều chỉ cùng một quần đảo, nằm ở 16° 06′ vĩ bắc và 112° 48′ hoặc 112° 54,5′ kinh đông. Đây là vị trí chính xác của quần đảo Hoàng Sa.
Hình 86: Horsburgh, China Sea Sheet 1 (1806 version).
Năm 1806, trên bản đồ biển Đông (China Sea) do James Horsburgh vẽ không còn Paracels hình chiếc ủng, mà chuyển sang dùng 3 vòng tròn đánh dấu A, B và C từ ngoài vào trong để thể hiện phạm vi của nó (hình 86). Vòng C là phạm vi nhỏ nhất, bên trong có nhiều đảo trong quần đảo Hoàng Sa đã được xác nhận (chủ yếu là cụm đảo Anh Vĩnh ở phía đông), vòng B to hơn, bao gồm các đảo ở phía tây trong đó, còn vòng A là lớn nhất, bao gồm vòng B và khu vực trước kia được đánh dấu trong bản đồ cũ là khu vực nguy hiểm Paracel. Ở góc bản đồ, ông giải thích: “Đường được đánh dấu AAA là biên giới của khu vực tiềm ẩn nguy hiểm, nằm trong nhóm bãi cạn của Paracels, còn được gọi là Triangles, Spectacles, Amphitrite, St.Anthony’s Girdle, Lincoln.”
Bắt đầu từ năm 1808, Cục đo đạc thuỷ văn nước Anh phái thuyền trưởng Daniel Ross và thuyền trưởng Philip Maughan chỉ huy tàu Discovery và tàu Investigator tiến hành đo đạc khu vực nguy hiểm Paracel và quần đảo Paracel. Lần đo đạc này xác nhận khu vực nguy hiểm Paracel được vẽ trên bản đồ trước đây thật ra chỉ là một khu vực nguy hiểm trong truyền thuyết, bên trong vừa không có đảo lại chẳng có bãi ngầm, cũng không nguy hiểm. Từ đó, khu vực nguy hiểm Paracel đã hoàn toàn biến mất khỏi bản đồ. Sự kiện này được giải thích tường tận trong cuốn “Hướng dẫn hàng hải Ấn Độ” xuất bản lần thứ 2 năm 1815 (The India Directory, 2 nd version, 1815) do James Horsburgh viết:
PARACELS, and the BANKS or DANGERS in the NORTHERN PART of the CHINA SEA.
PARACELS, delineated formerly as a continued large bank, interspersed with groups of large and small islands, extending North and South from lat. 12o to about 16.5 or 17oN., with the nearest part of it, within 15 to 20 leagues of the coast of Cochin-china. Other shoal and islands, called Amphitrite, Lincoln, &c. were placed nearly 3o farther to the eastward, with a wide space between them and the former bank; but it is now certain, that all these dangers form only one archipelago, consisting of shoals and low isles, not far separated. This will be seen by the following description of them, taken from the survey made by Lieuts. Ross and Maughan, of the Bombay Marine.
NORTH SHOAL, extending E. By N. and W. by S. about 2 leagues, is narrow and steep to, having soundings only on the North side, 14 fathoms within 1/2 a cable’s length of the rocks: the East end of this shoal or reef, is in lat. 17o6’N., lon. 111o32.5’E., and it appears to be the N. Westernmost danger of the Paracels.
AMPHITRITE, is formed of 5 low, narrow, islands, connected by a reef of rocks that projects 2 or 3 miles beyond their extremes; and upon the westernmost island there is a cocoa-nut tree. The western extremity of this danger is in lat. 16o59’N., lon 112o12’E., and it extends about 4 leagues E.S.E.,the eastern extremity being in lat. 16o54’’N., lon 112o23’E.; it forms the northern limit of danger, in this part of the Archipelago.
There are no soundings on the North side, but good anchorage in 10 fathoms sand, is got under the S.E. side of the chain, about 0.5 mile from the rocks: no fresh water is procurable.
(Quần đảo PARACELS (HOÀNG SA), và CÁC BÃI (BANKS) hoặc CHỖ NGUY HIỂM (DANGERS) trong phần phía BẮC của BIỂN ĐÔNG.
HOÀNG SA (PARACELS), trước đây được vẽ là một bãi lớn liên tục, xen kẽ với các nhóm đảo lớn nhỏ, trãi dài về phía bắc và phía nam từ vĩ độ 12° đến khoảng 16,5° hoặc 17° N, với phần gần nhất của nó, cách bờ biển Đàng Trong (Cochin-china) từ 15 đến 20 league. Các bãi cạn và đảo khác, được gọi là Amphitrite, Lincoln, vv… nằm xa hơn về phía đông gần 3°, với một khoảng biển rộng giữa chúng và cái bãi cũ; nhưng bây giờ chắc chắn rằng tất cả những chỗ nguy hiểm này chỉ tạo nên một quần đảo, bao gồm các bãi cát và các đảo thấp, không cách xa nhau. Điều này sẽ được thấy qua các mô tả sau đây về chúng, được lấy từ khảo sát của hai trung uý Ross và Maughan của hải đội Bombay (Bombay Marine).
BÃI BẮC (NORTH SHOAL), trãi rộng từ đông tới bắc. và tây tới nam khoảng 2 league, hẹp và dốc, chỉ được thăm dò độ sâu bằng thuỷ âm ở phía bắc, sâu 14 fathom trong vòng ½ chiều dài cáp thăm dò từ các mỏm đá: phần cuối phía đông bãi cạn hoặc rạn san hô này nằm ở vĩ độ 17° 6’ N, kinh độ. 111°32.5’ E, Và nó dường như là chỗ nguy hiểm cực tây bắc của Hoàng Sa.
AMPHITRITE, được hình thành từ 5 đảo thấp và hẹp, nối với nhau bằng một rạn đá vươn ra khỏi các điểm ngoài cùng của chúng 2 hoặc 3 dặm; và trên đảo ở cực tây có một cây dừa. Điểm cực tây của chỗ nguy hiểm này nằm ở vĩ độ 16°59’ N, kinh độ 112°12’ E, và nó kéo dài khoảng 4 league về phía đông-đông nam, điểm cực đông ở vĩ độ 16°54’ N, kinh độ 112° 23’ E; nó tạo thành giới hạn phía bắc của chỗ nguy hiểm này, trong phần này của quần đảo.
Không có thăm dò bằng thuỷ âm ở phía bắc, nhưng có chỗ neo tốt ở bãi cát sâu 10 fathom phía dưới cạnh đông nam của chuỗi đảo, cách các mỏm đá khoảng 0,5 dặm: không có nước ngọt.)
Hình 87: The India Directory, Paracel
Paracels trước đây được mô tả là một bãi rộng lớn liên tục, rải rác với các nhóm đảo lớn nhỏ, kéo dài từ 12° vĩ bắc đến từ 16,5° đến 17° vĩ bắc, điểm gần nhất cách bờ biển Đàng Trong từ 15 đến 20 dăm. Các bãi biển và đảo khác, được gọi là Amphitrite, Lincoln, v.v., nằm cách nó 3° về phía đông, giữa chúng có khoảng cách rất rộng. Nhưng hiện nay người ta xác định rằng tất cả những nơi nguy hiểm này chỉ hợp thành một quần đảo, gồm các bãi cạn và đảo nhỏ, không tách rời… Amphitrite gồm 5 đảo nhỏ, hẹp và một đảo dài từ 2 đến 3 hải lí nối liền chúng, với một cây dừa trên đảo ở phía cực tây… tạo thành mũi cực bắc của quần đảo nguy hiểm này.
Chú ý, ở đây lại nhắc đến cụm đảo Amphitrite chỉ gồm 5 đảo nhỏ ở phía đông bắc Paracels, tức nhóm đảo Thất Liên Châu của cụm An Vĩnh hiện nay. Điều này lại một lần nữa ủng hộ nhận định bãi Mắt Kính trước đây chính là cụm đảo Amphitrite sau này, tức cụm đảo An Vĩnh ở phía đông quần đảo Hoàng Sa (Hoàng Sa).
Kể từ đó, quần đảo Paracel đã được dùng để chỉ vị trí chính xác hiện nay. Không rõ sự thay đổi này xuất hiện lần đầu tiên khi nào. Nhưng muộn nhất không thể sau năm 1810, vì vào năm 1808 hải đồ quần đảo Hoàng Sa dựa trên kết quả khảo sát mới nhất đã được Horsburgh xuất bản (xem hình 88), trên đó có in chữ Paracels và thể hiện vị trí chính xác. Khi đó việc xuất bản hải đồ giữa các nước đã được truyền bá rất nhanh chóng, có thể khẳng định, trong mấy năm sau đó, bản đồ này đã trở nên quen thuộc với nhân viên hàng hải các nước. Trong bản đồ Đông Nam Á do Arrowsmith vẽ năm 1812, quần đảo Hoàng Sa đã được đánh dấu chính xác (A.Arrowsmith, 1812, hình 89). Trong bản đồ Đông Nam Á thuộc tập bản đồ thế giới do Brue người Pháp vẽ xuất bản tháng 1 năm 1820 (Adrien Brue, 1820, hình 90), Paracels đã xuất hiện tại vị trí hiện nay, tất cả các đảo đều được ghi với tên gọi hiện đại (bản đồ của Brue là tấm bản đồ Đông Á trong quyển đầu tập bản đồ thế giới, và việc nó được cập nhật muộn hơn bản đồ Đông Nam Á của Arrowsmith là có thể hiểu được). Sau thập niên 1820, dường như hầu hết các bản đồ của Anh và Pháp đều đánh dấu Paracels theo cách hiện đại. Ví dụ, trong “Tập Bản đồ thế giới” 6 quyển Atlas universel de géographie physique, politique, statistique et minéralogique (Tập bản đồ địa lí hình thể, chính trị, thống kê và khoáng sản thế giới) do nhà địa lí người Bỉ Philippe Vandermaelen vẽ năm 1827 (hình 91) có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử xuất bản bản đồ, bức thứ 106 của bản đồ châu Á vẽ quần đảo Paracel với vị trí chính xác.
Tóm lại, bắt đầu từ thế kỉ 16, khu vực Paracel đã là khu vực nguy hiểm truyền thuyết. Trên bản đồ, Paracels vào thời kì sớm nhất là khu vực hình chiếc ủng có phần đầu và phần đuôi được đánh dấu bởi các đảo. Phần đầu tương đương với quần đảo Hoàng Sa hiện nay, còn phần đuôi kéo dài đến đảo Phú Quý hiện nay. Paracels, đặc biệt là phần đầu, cách xa đường bờ biển Việt Nam. Thế kỉ 17, phần đuôi của Paracel biến đổi thành một đường mảnh, nối kết gượng gạo với đảo Phú Quý. Đến thế kỉ 18, phần phía nam của Paracels đã tách xa đảo Phú Quý. Bắt đầu từ cuối thế kỉ 17, trên các hải đồ của người Hà Lan, mạn đông của phần phía bắc Paracels đã xuất hiện bãi Mắt Kính. Bãi Mắt Kính này rất có thể là cụm đảo An Vĩnh trong quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Trong các diễn biến tiếp theo, phần đầu của Paracels dần dần hợp nhất với bãi Mắt Kính, còn khu vực nguy hiểm Paracel thì tách ra khỏi phần đầu của nó, vị trí thu hẹp về phía nam, đồng thời cũng dịch chuyển sang phía tây. Đến cuối thế kỉ 18, bãi Mắt Kính đã biến thành cụm đảo Amphitrite (An Vĩnh). Trong cuộc đo đạc của người Anh năm 1808, khu vực nguy hiểm Paracel được cho thấy là không tồn tại. Do đó, muộn nhất là vào năm 1810, khu vực nguy hiểm Paracel bắt đầu biến mất khỏi bản đồ, Paracels chuyển thành tên gọi của quần đảo Hoàng Sa, phần phía tây của nó là cụm Lưỡi Liềm (Crescent Group), phần phía đông là cụm An Vĩnh (Amphitrite Group).
Hình 88: Bản đồ quần đảo Paracel do Horsburgh vẽ (1808), dẫn từ Early Mapping of Southeast Asia.
Hình 89: Bản đồ Đông Nam Á do Arrowsmith vẽ (Chart of the East Indian Islands, 1812), dẫn từ DRH.
Hình 90: Bản đồ Đông Nam Á do Brue vẽ (1820), dẫn từ DRH.
Hình 91: Bản đồ thế giới do Vandermaelen vẽ (1827), dẫn từ DRH.
Gần đây, hai bài viết của học giả Trung Quốc về cơ bản có kết luận nghiên cứu giống với người viết, và cũng đã chỉ ra mấy sai lầm trong lập luận của Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh, trong đó có việc Hàn Chấn Hoa xác định thời gian xuất hiện bản đồ Paracels là năm 1817 (Hoa sở dĩ làm như vậy là muốn chứng minh rằng nơi hoàng đế Gia Long dựng cờ không phải là quần đảo Hoàng Sa hiện nay, xem phần sau).
(4) Nguyên nhân diễn biến của khái niệm Paracels
Trước hết, có thể khẳng định người Bồ Đào Nha đã sớm biết đến quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa đã được các nhà hàng hải các nước biết đến ngay từ thế kỉ 10, sử liệu Trung Quốc vào thời Minh cũng đã bắt đầu có ghi chép về tuyến đường biển kênh ngoài trong “Chư phiên chi lộ”[諸番之路], chứng tỏ đây là tuyến đường cho “phiên bạc” (番舶: thuyền phiên [nước ngoài]) đi lại. Có rất nhiều ghi chép về điều này trong lịch sử. Việc người Bồ Đào Nha đi qua quần đảo Hoàng Sa cũng đã được Hàn Chấn Hoa chứng minh. Vì vậy, có thể khẳng định rằng khi vẽ ra bản đồ biển Đông, người Bồ Đào Nha chắc chắn đã vẽ quần đảo Hoàng Sa vào bản đồ. Nhưng khi đó nó được xem là phần cực bắc của một khu vực nguy hiểm rộng lớn, đây cũng là lí do vì sao chữ Paracels được ghi ở phần đầu của quần đảo này trên bản đồ.
Cũng có thể khẳng định là người Bồ Đào Nha không có hiểu biết sâu sắc về khu vực nguy hiểm Paracel. Họ nghe nói về khu vực nguy hiểm hình chiếc ủng dài từ các nhà hàng hải châu Á, nhưng hoàn toàn không đo đạc thực tế khu vực này. Truyền thuyết về khu vực nguy hiểm kiểu này từng xuất hiện ở nhiều khu vực trong buổi ban đầu thời đại hàng hải. Chỉ cần giở bản đồ cổ của người Bồ Đào Nha thì sẽ phát hiện có rất nhiều khu vực trên thế giới bị đánh dấu là khu vực nguy hiểm cho hàng hải, ví dụ toàn bộ Bột Hải của Trung Quốc bị đánh dấu giống như khu vực có hình lưới ô vuông. Do bị truyền đi truyền lại là chốn nguy hiểm nên mãi cho đến trước cuối thế kỉ 18 người phương Tây không tiến hành đo đạc và điều tra tỉ mỉ về khu vực này, do đó khu vực bí hiểm này đã tồn tại lâu tới 300 năm.
Về bản đồ biển Đông trước thế kỉ 18, Prescott, người rất có uy tín về bản đồ cổ biển Đông, có bình luận như sau: “Rất nhiều bản đồ và hải đồ thế kỉ 17 và 18 vẽ tương đối chính xác Malaysia, Cochin China (Đàng Trong), Hải Nam và Trung Quốc ở phía tây biển Đông và đường bờ biển Philippines ở phía đông biển Đông, nhưng tính chính xác của phần trung tâm biển trong các bản đồ và hải đồ này lại rất kém”. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn chính xác chỉ tương đối. Dùng cái nhìn hiện nay, có thể thấy rằng những bản đồ này hết sức không chính xác, nhưng khi so với những bản đồ mà người Trung Quốc và người Việt Nam vẽ về cơ bản không có ý nghĩa sử dụng thực tế, thì những bản đồ này chính xác hơn rất nhiều. Điều này có một số nguyên nhân:
Thứ nhất, trước thế kỉ 19, các nhà hàng hải phương Tây không hề chú tâm vào việc tập trung tiến hành đo đạc các đảo và đường bờ biển ở khu vực này. Người vẽ bản đồ khi đó chủ yếu là đi theo những nhà khảo sát của tàu buôn và tàu chiến, mà nhiệm vụ chủ yếu nhất của các tàu này không phải là đo đạc toàn bộ vùng biển mà là đi đến điểm cần đến một cách thuận lợi. Vì vậy, họ có xu hướng đi theo tuyến đường an toàn nhất. Do đó, họ đều cố tránh khu vực nguy hiểm mà người trước đó vẽ hoặc hình dung ra, và người vẽ bản đồ trên thuyền vì thế cũng không có cơ hội tiến hành khảo sát tường tận. Mấy loại nhật kí hàng hải liệt kê ở trên, đều cố tránh xa khu vực nguy hiểm Paracel, dĩ nhiên cũng không thể nào biết được tình hình thực tế của khu vực này.
Thứ hai, cũng là nguyên nhân quan trọng hơn ở chỗ họ thiếu phương pháp đo kinh độ chính xác. Trong lịch sử hàng hải, xác định vĩ độ dễ hơn nhiều so với xác định kinh độ. Vĩ độ có thể trực tiếp đo chính xác từ vị trí mặt trời, còn kinh độ, vào thế kỉ 17 và 18, chỉ có thể đo đạc thông qua hai phương pháp: một là tính toán căn cứ vào vị trí tương đối các vì sao khác nhau, hai là căn cứ vào các địa điểm mốc đã xác định kinh độ trên mặt đất rồi tính ra. Trong tuyệt đại đa số tình huống, hai loại phương pháp này đều rất không chính xác. Để phát minh phương pháp đo đạc chính xác kinh độ, năm 1716 Quốc hội Anh thông qua luật chuyên biệt, thưởng Giải Kinh độ (Longitude Prize) cho ai phát minh ra phương pháp thực dụng đo kinh độ trên tàu. Do không có cách nào đo đạc chính xác kinh độ trên tàu, cho nên các ghi chép hàng hải khi đó đều chỉ có vĩ độ chứ không có ghi chép kinh độ. Ví dụ ghi chép hàng hải của thuyền trưởng Spirit và ghi chép hàng hải của tàu Amphitrite có nói ở trên đều chỉ ghi chép vĩ độ mà không có kinh độ. Trong các tài liệu mà Hàn Chấn Hoa thu thập được, toàn bộ cũng đều thiếu số liệu về kinh độ. Đối với vị trí theo hướng đông tây của đảo chỉ có thể dùng khoảng cách tàu di chuyển mà suy đoán một cách đại khái, cách làm này tất nhiên rất không chuẩn xác. Vì vậy, thuyền viên và người vẽ bản đồ trên tàu đều không có cách nào để đo đạc chính xác vị trí các đảo mà mình đã đi qua, tự nhiên cũng không thể đưa ra số liệu chính xác về vị trí các đảo. Chính vì nguyên nhân này mà khi đi qua khu vực nguy hiểm trên bản đồ tàu thuyền càng phải tránh xa thậm chí đi vòng, để cố hết mức tránh khả năng va vào đá ngầm. Điều này đã phóng đại ảnh hưởng của nhân tố thứ nhất.
Thứ ba, như Prescott chỉ ra, các nhà vẽ bản đồ thế kỉ 17 và 18 đều không thể đảm nhận được nhiệm vụ vẽ bản đồ và thu thập thông tin hàng hải chính xác. Phải đến năm 1720 khi nước Pháp lần đầu thiết lập cơ quan đo đạc thuỷ văn thì tình hình này mới bắt đầu thay đổi. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1773 John Harrison, người Anh, mới phát minh ra đồng hồ thiên văn hàng hải (marine chronometer) dùng để đo chính xác kinh độ. Nhưng giá cả thiết bị này rất đắt, chỉ có thể dùng trên tàu đo đạc chuyên dụng, và cho đến trước thế kỉ 20 vẫn chưa được ứng dụng phổ biến trên tàu thuyền thông thường. Năm 1795, nước Anh thành lập Chuyên viên đo đạc thuỷ văn (Hydrographer of the Navy) và Cục đo đạc thuỷ văn (Hydrographic Department), lịch sử đo đạc biển Đông mới thực sự được viết lại .
Ngoài ra, vĩ độ có điểm khởi đầu tự nhiên (xích đạo), vì vậy việc ghi chép tương đối rõ ràng. Nhưng kinh độ thì không có điểm khởi đầu tự nhiên. Cho đến năm 1884 trước khi Greenwich được xác lập làm kinh tuyến gốc, trên thế giới cùng sử dụng nhiều hệ thống kinh độ, dẫn đến việc ghi chép kinh độ tương đối hỗn loạn.
Do mấy nguyên nhân này, dù việc ghi chép vĩ độ trên các bản đồ cổ của phương Tây tương đối đáng tin vậy, việc ghi chép kinh độ lại hoàn toàn không chính xác. Vì vậy, bản đồ của người Bồ Đào Nha dù chuẩn xác hơn bản đồ của Trung Quốc rất nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà hàng hải. Do đó, chẳng có gì lạ khi các nhà hàng hải sau đó sử dụng bản đồ do người trước đây vẽ để tìm ra các đảo “mới”, ví dụ như “bãi Mắt Kính” . Sự thực có thể là người Bồ Đào Nha đã vẽ quần đảo Hoàng Sa lên bản đồ, bao gồm trong “khu vực nguy hiểm Paracel”. Tuy nhiên, do việc vẽ rất không chính xác, người sau khi gặp lại, có thể do có phương pháp đo đạc tiến bộ hơn, hoặc việc đo đạc khi đó chính xác hơn, nên họ tưởng rằng đó là đảo mới chưa có trên bản đồ. Trên các bản đồ của người Hà Lan, Paracels được vẽ hơn 100 năm trước và bãi Mắt Kính chỉ lệch nhau hơn 20 hải lí, hoàn toàn trong phạm vi có thể chấp nhận.
Vào thế kỉ 18, khu vực Paracel đã bị thu nhỏ hơn so với thời kì người Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, do luôn thiếu sự đo đạc chính xác và có hệ thống, khu vực Paracel tiếp tục được vẽ với các đảo theo kiểu nghe sai truyền sai, không hề tồn tại trên thực tế. Điều này cũng giống như việc đồn đại về khu vực tam giác quỷ Bermuda mấy chục năm trước, mà về cơ bản không tồn tại trên thực tế. Từ 24 điều ghi chép về Paracels mà Hàn Chấn Hoa đưa ra, tuyệt đại bộ phận những người có liên quan rõ ràng đều không thật sự đi qua khu vực này mà chỉ là nghe nói nơi đó có một khu vực nguy hiểm như vậy, đây hiển nhiên là kết quả của những lời đồn.
Trong các ghi chép hàng hải đầu thế kỉ 19, các nhà hàng hải đều đưa ra những nghi vấn về khu vực nguy hiểm Paracel trên bản đồ, ví dụ năm 1805 nước Anh đã có những ghi chép nói đi về hướng Paracel nhưng không thấy gì [ở đó]. Sự nghi ngờ chỉ sáng tỏ sau khi người Anh tiến hành điều tra nghiêm túc khu vực Paracel năm 1808. Từ đó về sau khu vực nguy hiểm Paracel đã mất hẳn [trên bản đồ].
Từ đó có thể thấy, những thay đổi theo thời gian của Paracels trong lịch sử, hoàn toàn không phải là kết quả của việc chủ nghĩa đế quốc cố ý đem râu ông nọ cắm cằm bà kia như Hàn Chấn Hoa cáo buộc, mà là kết quả của nhận thức địa lí từ mơ hồ đến thấu đáo, của việc đo đạc từ không chính xác đến chính xác, và của việc vẽ bản đồ từ sơ lược đến chính xác.
Cuối cùng cần nhấn mạnh một điểm, dù các bản đồ cổ của phương Tây có không chính xác đến mức nào theo tiêu chuẩn hiện đại, thì chúng vẫn chính xác hơn bản đồ do người Trung Quốc vẽ cùng thời kì hoặc thậm chí vào thế kỉ 19 rất nhiều. Trong nghiên cứu của mình, Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh thường sử dụng tiêu chuẩn kép đối với sai sót về kinh độ của các đảo ở biển Đông trên bản đồ cổ. Họ yêu cầu rất khắt khe đối với sự sai lệch về kinh độ của quần đảo Paracel với quần đảo Hoàng Sa, trong khi đó chẳng hạn, Lí Kim Minh đưa ra một tấm bản đồ mà theo ông là sao chép lại từ “Hàng hải chí” (1613) của John Saris, trên đó có mấy hòn đảo dù đều được vẽ cách xa đường bờ biển (thậm chí xa hơn khoảng cách tới quần đảo Hoàng Sa), nhưng ông vẫn cho rằng chúng là một số đảo nhỏ rất gần bờ biển Việt Nam. Trái lại, trên bản đồ Trung Quốc cùng thời, như chỉ ra ở 3.5, Trường Sa Thạch Đường chỉ được biểu thị với một vòng tròn, vị trí của nó thậm chí nằm tận vùng biển đối diện Phúc Kiến, hoặc ngoài khơi Philippines. Nếu dùng cùng một tiêu chuẩn đánh giá, cái mà Trung Quốc gọi là bằng chứng bản đồ này, về cơ bản không có cách nào được coi là Tây Sa (Hoàng S) và Nam Sa (Trường Sa) được, mà chỉ có thể nói đó là “các đảo nhỏ ở ven bờ biển Phúc Kiến” hoặc “các đảo nhỏ ngoài khơi Philippines”. Nhưng chuyên gia Trung Quốc lại không hề nghi vấn liệu Trường Sa Thạch Đường có phải là đảo ở biển Đông hay không, trái lại nhận định như đinh đóng cột rằng đây là Đông Sa, còn kia là Nam Sa. Tiêu chuẩn kép như vậy khiến người khác khó chấp nhận được.
Trên thực tế, bản đồ và ghi chép do Lí Kim Minh sao chép lại từ nhật kí hàng hảicủa thuyền trưởng John Saris cũng không chính xác. Ông ta nói rằng Paracels là một vùng kéo dài, phần đầu được ghi là đảo Tiêm Bút La, phần giữa được ghi lài đảo Quảng Đông (Pulou Canton), phần đuôi ghi là đảo Dương (Pulou Gambir), và bản đồ sao lại cũng cho cảm giác như vậy. Tuy nhiên, chỉ cần xem bản đồ gốc (xem hình 77) thì có thể biết, trên thực tế Tiêm Bút La (Pulou Cham: cù lao Chàm), nhóm đảo Quảng Đông (Pulou Canton: đảo Lí Sơn) và đảo Dương (Pulou Gambir: cù lao Xanh) đều là chỉ những đảo ven bờ biển, Paracels không bao gồm mấy đảo này.
3. Nhận thức và đo đạc của phương Tây đối với quần đảo Trường Sa
Nhận thức của các nước phương Tây về quần đảo Trường Sa muộn hơn rất nhiều so với quần đảo Hoàng Sa. Đó là vì trong những chuyến đi biển ở biển Đông thời kì đầu, hai tuyến đường từ Malacca đến Trung Quốc và từ Manila đến Trung Quốc đều không cần phải đi qua quần đảo Trường Sa. Trên tuyến đường biển từ Luzon đến Indonesia, các nhà hàng hải đều lựa chọn tuyến đường ven bờ an toàn thay vì tìm cách đi trong khu vực giữa biển. Khu vực trên bản đồ ứng với vị trí của quần đảo Trường Sa thường đều để một khoảng trống.
Người phương Tây được cho rằng đã phát hiện quần đảo Trường Sa sớm nhất vào năm 1606, khi mà Andreas de Pessoa đã đặt chân lên một đảo ở phía tây Trường Sa và gọi tên nó là Isla Santa Esmeralda Pequena (đảo thánh Esmeralda Pequena). Tuy nhiên người viết không tìm ra được bản ghi chép gốc.
Theo người viết được biết, trong các bản đồ của phương Tây, bản đồ có thể hiện quần đảo Trường Sa sớm nhất là “Bản đồ Ấn Độ và phương Đông cùng với các đảo lân cận” do Willem Janszoon Blaeu (1571-1638) người Hà Lan vẽ năm 1623, nhưng trên bản đồ đó không đảo nào có ghi tên kèm theo (hình 92). Trong hải đồ của người Nhật nửa sau thế kỉ 17 (khả năng là hải đồ sao chép của phương Tây) cũng có đánh dấu khu vực này là khu vực nguy hiểm cho hàng hải (hình 93).
Hình 92: Bản đồ Ấn Độ và phương Đông cùng với các đảo lân cận do Willem Janszoon Blaeu vẽ (1623).
Hình 93: Bản đồ hàng hải Đông Á do Nhật Bản xuất bản (1695).
Sau thế kỉ 18, khi các thế lực phương Tây bắt đầu xâm nhập vào Borneo và miền nam Philippines, việc thăm dò quần đảo Trường Sa mới được người phương Tây chú ý đến. Như đã trình bày ở trên, vào thời điểm đó ở phương Tây chưa có cuộc khảo sát chuyên biệt nào ở biển Đông, và tư liệu để làm ra những hải đồ đầu tiên là thông tin tổng hợp theo nhiều cách khác nhau thu thập được từ nhiều tàu khác nhau. Trong các hải đồ này cố nhiên có rất nhiều sai lầm, nhưng cũng không thiếu thông tin có ích.
Từ bản đồ của Arrowsmith năm 1812, có thể thấy cho đến năm 1812 Anh và các nước phương Tây đã có hiểu biết sơ bộ về khu vực quần đảo Trường Sa (hình 94). Phần lớn số liệu đều lấy từ các chuyến đi năm 1752, 1769, 1773 và 1776. Tên gọi các đảo có liên quan đều không giống với tên hiện nay. Dựa vào vị trí, có thể nhận ra một số đảo, ví dụ đảo Low Sandy chính là rạn san hô vòng Song Tử. Bản đồ này về cơ bản đã vẽ hình dáng của quần đảo Trường Sa giống như hiện nay.
Năm 1795, nước Anh thành lập Cục đo đạc thuỷ văn (Hydrographic Department) và Dalrymple trở thành chuyên viên thuỷ văn (Hydrographer of the Navy) đầu tiên của cục này, và đảm nhiệm chức vụ này trong thời gian từ năm 1795 đến 1808. Ông là một nhà đo đạc hàng hải có kinh nghiệm phong phú, những năm đầu đã đo đạc tuyến đường thuỷ ở Palawan và tuyến đường thuỷ ở biển Sulu… Trước khi nhậm chức chuyên viên thuỷ văn, ông là chuyên viên thuỷ văn của Công ti Đông Ấn (EIC). Vào thời điểm ông mới nhậm chức, bản đồ Trường Sa hầu như là một khoảng trống theo tiêu chuẩn hiện đại.
Hình 94: Bản đồ biển Đông Nam Á do Arrowsmith vẽ (Chart of the East Indian Islands, 1812), phụ cận quần đảo Trường Sa, dẫn từ DRH.
Horsburgh kế tục chức vụ chuyên viên thuỷ văn của Công ti Đông Ấn. Sự hợp tác của hai người này đã dẫn đến chuyến đo đạc lịch sử của thuyền trưởng Daniel Ross và trung úy P. Maugham. Họ đã đo đạc bờ biển Trung Quốc năm 1807, đo đạc quần đảo Hoàng Sa năm 1808 (chính khi đó mà vị trí chính xác của quần đảo Hoàng Sa được xác định), đo đạc bờ biển Đàng Trong năm 1809, đo đạc bờ biển Palawan năm 1810, và trong mấy năm sau đó họ đã tập trung đo đạc khu vực quần đảo Trường Sa. Những số liệu đo đạc có liên quan được tập hợp trong The India Directory do Horsburgh xuất bản năm 1811. Năm 1815 cuốn sách này được xuất bản lần thứ hai tích hợp đầy đủ những số liệu mới nhất. Sau đó, sách liên tục được tái bản, và không ngừng được bổ sung số liệu mới. Hiện nay, rất khó có thể tìm ra bản in lần thứ nhất. Bản in lần thứ hai vẫn còn lưu trữ rất nhiều loại thông tin về quần đảo Trường Sa khi đó. Năm 1821 Horsburgh xuất bản hải đồ South China Sea (biển Đông), đánh dấu sự hình thành bản đồ đầu tiên tương đối hoàn chỉnh về Trường Sa. Sau đó, Anh và các nước phương Tây khác lại không ngừng đo đạc Trường Sa, tiếp tục bổ sung thêm vào cho khuôn khổ trên. Đến năm 1832, quần đảo Trường Sa đã được vẽ rất chi tiết trong bản đồ Đông Á của Arrowsmith (xem hình 95).
Hình 95: Bản đồ Đông Nam Á do Arrowsmith vẽ (1832), dẫn từ DRH.
Cần phải chỉ ra là, trong những năm 1920, hoàn toàn không có cách gọi tên thống nhất cho quần đảo Trường Sa, ví dụ trong lần xuất bản thứ hai, cuốn The India Directory đã gọi quần đảo này là các đảo nằm giữa Việt Nam và Palawan. Anh là nước đầu tiên đặt tên một cách hệ thống các đảo ở quần đảo Trường Sa. Dù ngư dân Trung Quốc có để lại “Canh lộ bạ”, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ đặt tên các đảo sớm người Anh vốn làm việc này vào những năm 1810. Việc đặt tên của người Anh về sau cũng xảy ra rất nhiều thay đổi, muốn theo dõi những thay đổi này hoàn toàn không dễ. Ở đây chỉ đưa ra ví dụ về đảo Nam Uy (đảo Trường Sa [Lớn]). Đảo Trường Sa mới đầu được Horsburgh đặt tên là đảo Bão Tố (Storm Island), nhưng sau đó vào năm 1843 thuyền trưởng Richard Spratly đã “phát hiện lại” đảo này, và đảo này được đặt tên là Spratly Island. Về sau, Spratly Islands lại trở thành tên gọi chung cho toàn bộ quần đảo này.
Người phương Tây đầu tiên phát hiện ra quần đảo Trường Sa là người Anh. Năm 1701, tàu Macclesfield của Anh đã phát hiện những rạn san hô vòng này và đã dùng chính tên của con tàu này để đặt tên cho quần đảo. Sau này, một tàu khác của Anh khác phát hiện phạm vi của nó lớn hơn so với suy nghĩ ban đầu, và đây là bước đầu tiên hướng tới việc định vị chính xác. Bãi cạn St. Esprit hiện nay thuộc quần đảo Trung Sa là do tàu Asseviedo của Tây Ban Nha phát hiện ra năm 1755.
4.2. ĐỘI HOÀNG SA THỜI CHÚA NGUYỄN
Thái độ chính thức và bằng chứng của chính phủ Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chủ yếu thể hiện trong 3 cuốn sách trắng, tức trong “Bạch thư về các quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường sa” (Bạch thư 1975) phát hành tháng 2 năm 1975, “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” (Sách trắng 1979) phát hành ngày 28 tháng 9 năm 1979 và “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam” (Sách trắng 1982) phát hành ngày 28 tháng 1 năm 1982. Ngoài ra, nhiều tài liệu của chuyên gia và Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không ngừng có chứng cứ bổ sung. Tuy nhiên, sự phân tích của phía Việt Nam về sử liệu không được đầy đủ, đặc biệt là đối với lí lẽ mà phía Trung Quốc chỉ ra rằng Hoàng Sa và Trường Sa không phải là Tây Sa và Nam Sa, đều chưa có sự phân tích và trả lời thấu đáo. Ở đây, người viết xuất phát từ sử liệu, tiến hành phân tích tỉ mỉ luận điểm của hai bên.
1. Việt Nam thiếu những ghi chép về Hoàng Sa trước thế kỉ 17
Từ khi độc lập với Trung Quốc vào thế kỉ 10, trong thời gian dài Việt Nam không có ghi chép độc lập về quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam cho rằng trong thư tịch cổ của mình “chắc phải có” những ghi chép có liên quan đến các đảo biển Đông, tuy nhiên những thư tịch cổ này đã bị mất trong chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, nên không được lưu truyền cho đời sau. Do đó, những ghi chép đó, nếu có, đã không được lưu truyền lại, thì không có cách nào để lấy làm bằng chứng. Hơn nữa, việc tồn tại những ghi chép có liên quan trong các sách cổ của Việt Nam là rất đáng nghi ngờ. Thât ra, người Việt Nam đã thừa hưởng truyền thống sử học ưu tú của Trung Quốc, mặc dù có không ít thư tịch đã bị tiêu hủy, nhưng trong những thư tịch hiện còn được bảo tồn, có không ít được viết ra dựa trên việc tham khảo thư tịch cổ. Ví dụ “An Nam chí lược” [安南志略] (Lê Tắc, khoảng thập niên 30 thế kỉ 14) đã tham khảo rất nhiều sách địa lí và lịch sử mà hiện nay đã thất truyền, nhưng trong đó không có ghi chép nào liên quan nào đến quần đảo Hoàng Sa. “Đại Việt sử kí” [大越史記] (ghi chép từ tiền sử đến 1225) thời Trần (1225-1400) và “Đại Việt sử kí toàn thư” [大越史記全書] (ghi chép từ tiền sử đến 1675) thời Hậu Lê (1531-1789) cũng đều là những tác phẩm sử học quan trọng có giá trị. Cuốn trước dù hiện nay đã bị mất, nhưng cuốn sau là cuốn sách được biên soạn dựa trên cơ sở cuốn trước, về lí bảo lưu rất nhiều nội dung của cuốn trước. Trong “Đại Việt sử kí toàn thư” cũng không có bất kì ghi chép gì về các đảo ở biển Đông.
Tuy nhiên, nếu khảo cứu thư tịch cổ của Trung Quốc thì sẽ phát hiện phần lãnh thổ thuộc Việt Nam hiện nay mà lúc đó gọi là Chiêm Thành (Champa), thực tế không thiếu những mối quan hệ với Hoàng Sa. Người Chăm thời cổ đại giỏi về hàng hải, trước đó rất sớm đã phát huy vai trò tích cực trong các tuyến đường biển ở biển Đông. Ở phần 4.2 có nói rằng trong “Tống hội yếu” [宋會要] có ghi chép việc sứ giả Champa kể về việc người nước này khi đi biển bị trôi dạt đến quần đảo Hoàng Sa, cùng với những ghi chép có liên quan quần đảo Trường Sa của sứ giả nước Chân Lí Phú. Địa điểm nói trong ghi chép đầu chắc chắn là quần đảo Hoàng Sa, địa điểm trong ghi chép sau thì rất có thể là quần đảo Trường Sa. Đó cũng là ghi chép sớm nhất có thể xác nhận được là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa kể từ thời có sử. Vì vậy, nếu chỉ đơn thuần dựa theo những ghi chép thì quần đảo Hoàng Sa là do người Chăm phát hiện sớm nhất (đương nhiên trên thực tế có thể không phải như vậy).
Cho đến cuối thế kỉ 15, Champa vẫn là một nước tương đối lớn mạnh, giữa nước này và Đại Việt (Việt Nam) thường có chiến tranh. Thời nhà Lí và nhà Trần, biên giới hai nước nằm đâu đó tại tỉnh Quảng Bình ở miền Trung Việt Nam. Sau năm 1306, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên được Champa nhượng cho Đại Việt, biên giới phía nam của Việt Nam chạy đến Thuận Hóa (Huế). Đảo Chiêm Bà ( cù lao Chàm) đối diện tỉnh Quảng Nam ở miền Trung Việt Nam, và đảo Ngoại La (Lí Sơn) ở phía nam tỉnh này vốn đều là các mốc định vị trên tuyến đường biển Trung Quốc – Đông Nam Á, cũng đều thuộc Champa. Xét từ việc người Champa “phát hiện” quần đảo Hoàng Sa, quan hệ của họ với Hoàng Sa là tương đối mật thiết. Tuy nhiên, do tư liệu của người Champa để lại không nhiều nên không thể tìm được các ghi chép liên quan trong các tài liệu của chính Champa, nhưng những dấu tích này lại được lưu giữ lại qua tư liệu của Trung Quốc.
Sau thời kì Bắc thuộc lần thứ 4 ngắn ngủi, nhà Lê thiết lập lại nền thống trị ở Đại Việt (1428). Năm 1471, Lê Thánh Tông đánh Champa, chiếm được phần lớn lãnh thổ Champa, lúc đó mới giành được hai tỉnh có quan hệ mật thiết với quần đảo Hoàng Sa là Quảng Nam và Quảng Ngãi, còn Champa chỉ còn giữ được quyền cai trị ở một phạm vi nhỏ ở phía nam. Không có bằng chứng cho thấy khi đó Đại Việt có liên hệ gì với quần đảo Hoàng Sa, điều này có thể là do không lâu sau đó Việt Nam bắt đầu bị chia cắt. Sau thế kỉ 16 Việt Nam bước vào thời kì Nam Bắc triều: phía bắc hình thành nhà Mạc (năm 1592 bị chúa Trịnh tiêu diệt, giữ lại được một lãnh thổ nhỏ ở Cao Bằng vùng biên giới Việt-Trung), cùng chúa Trịnh (trên danh nghĩa ủng hộ nhà Lê), và phía Nam với chúa Nguyễn (nước Quảng Nam, trên danh nghĩa ủng hộ nhà Lê). Các địa phương thuộc Champa trước đây như Thuận Hóa, Quảng Nam… đều bị chúa Nguyễn chiếm. Lúc bấy giờ, trung tâm văn hóa của Đại Việt vẫn nằm ở phía bắc do chúa Trịnh khống chế, tức là trung tâm chính trị truyền thống của Việt Nam, “Đại Việt sử kí toàn thư” cũng do chính quyền chúa Trịnh ở phía bắc biên soạn, do đó những ghi chép về vùng đất do chúa Nguyễn cai quản tương đối hạn chế. Trong khi đó, đối với sử học thái độ của nước Quảng Nam lại không coi trọng như chúa Trịnh ở phía bắc. Bộ lịch sử “Đại Nam thực lục tiền biên” có liên quan đến thời kì này thật ra được nhà Nguyễn biên soạn vào thế kỉ 19 dựa trên sử liệu tra cứu được, hoàn toàn không phải là những ghi chép thực tế chính thức khi đó.
Phải đến nửa sau thế kỉ 17, những ghi chép về quần đảo Hoàng Sa mới bắt đầu xuất hiện trở lại trong các tư liệu lịch sử về nước Quảng Nam. Điều thú vị là những sử liệu này đều do người phía bắc ghi chép. Vì vậy, việc Việt Nam không có ghi chép về quần đảo Hoàng Sa trong thời gian dài cho đến lúc đó cho thấy rõ rằng Việt Nam (nhà Trần và nhà Lê trước thời kì Nam Bắc triều) và cả miền Bắc Việt Nam (nhà Lê sau thời Nam Bắc triều) trong thời kì này không có quan hệ mật thiết với quần đảo Hoàng Sa. Nếu như phân tích này là đúng thì nguyên nhân mà Việt Nam trong thời gian dài thiếu những ghi chép về Hoàng Sa, có thể hoàn toàn không phải vì toàn bộ Việt Nam không có quan hệ với Hoàng Sa, mà là vì phía bắc Việt Nam, nơi sử học Việt Nam phát triển thì không có quan hệ với Hoàng Sa, trong khi sử học phía Nam (Champa và nước Quảng Nam) thì lại không phát triển. Có điều cần lưu ý là Champa sau này bị Việt Nam thôn tính, do đó theo luật quốc tế việc Champa phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa cũng phải được Việt Nam kế thừa. Và lịch sử của các Chúa chắc chắn là một phần của Việt Nam.
Một khả năng khác chính là vì vào thời Tống và Nguyên, sức mạnh trên biển của Trung Quốc lớn mạnh đã lấn át các hoạt động của Việt Nam và Champa ở Hoàng Sa. Sau đó chính sách cấm biển cuối thời Minh đầu thời Thanh khiến cho khu vực biển Đông lại xuất hiện khoảng trống, nhờ vậy Việt Nam đã nối lại hoạt động ở Hoàng Sa. Nhưng không có nhiều chứng cứ lịch sử ủng hộ khả năng này.
Điều đáng chú ý là mặc dù người Việt Nam có những ghi chép về (còn nghi ngờ) quần đảo Hoàng Sa muộn hơn so với Trung Quốc, nhưng chứng cứ chủ quyền của Việt Nam lại tỉ mỉ và phong phú hơn Trung Quốc rất nhiều. Trong thảo luận dưới đây, có thể thấy rằng trong lịch sử, Việt Nam có ghi chép về quản lí chủ quyền tỉ mỉ đối với hai nơi “Hoàng Sa” và “Trường Sa”, đặc biệt là “Hoàng Sa”. Về điểm này, các tư liệu Việt Nam, tư liệu Trung Quốc và tư liệu phương Tây đều xác nhận, hiện tại không có ý kiến khác. Người Việt Nam cho rằng Hoàng Sa chính là quần đảo Tây Sa, còn Trường Sa chính là quần đảo Nam Sa, cũng có trường hợp hai quần đảo này được gọi chung tên. Đây là cách mà người Việt Nam hiện nay gọi tên hai quần đảo này. Cùng lúc đó, trong các ghi chép của người phương Tây cũng có rất nhiều bằng chứng về chủ quyền và sự quản lí của người Việt Nam đối với quần đảo Paracel (Paracel Islands). Quần đảo Paracel cũng là cách gọi tên quần đảo Hoàng Sa hiện nay trên thế giới. Phía Việt Nam cho rằng quần đảo Paracel chính là Hoàng Sa và Trường Sa trong tư liệu của Việt Nam, cũng chính là để chỉ Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay. So với những sử liệu mập mờ của Trung Quốc, bằng chứng về sự quản lí của Việt Nam đối với Hoàng Sa hoặc Paracels vô cùng tỉ mỉ và rõ ràng.
Nhưng chuyên gia Trung Quốc đã đưa ra một luận điểm gây tranh cãi: dù những quần đảo đó hiện nay được gọi tên như vậy, nhưng không nhất định có nghĩa là trong ghi chép lịch sử thì những tên gọi đó nhất định phải chỉ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay. Họ cho rằng “Hoàng Sa” và “Trường Sa” đều chỉ là các đảo ở ven bờ của Việt Nam hoặc là các đảo nhỏ hoặc bãi cát gần đảo Lí Sơn (còn gọi là đảo Ngoại La) của Việt Nam mà thôi, rằng Việt Nam làm như vậy là đem râu ông nọ cắm cằm bà kia. Họ cũng cho rằng từ những năm 1820 trở về trước quần đảo Paracel đúng là Hoàng Sa trong sử liệu của Việt Nam, nhưng chúng không phải chỉ quần đảo Hoàng Sa hiện nay, mà cũng chỉ các đảo nhỏ và bãi cát ở ven bờ của Việt Nam. Tranh cãi về vị trí địa lí này vô cùng quan trọng, vì vậy cần phải tiến hành thảo luận chi tiết một cách nghiêm ngặt cẩn thận, không thiên vị đối với từng tư liệu của phía Việt Nam mới đưa ra kết luận được.
2. “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (khoảng năm 1686) của Đỗ Bá và 3 bản đồ nước Quảng Nam
Trong các tài liệu của Việt Nam, ghi chép về Hoàng Sa xuất hiện sớm nhất là trong cuốn “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” [纂集天南四至路圖書] của nho sinh Việt Nam sống vào giữa thế kỉ 17 tên Đỗ Bá. Đây là một cuốn sách địa lí, sau đó được thu thập vào “Bản đồ Hồng Đức”. Đỗ Bá là nhà địa lí học sống dưới thời chúa Trịnh ở miền bắc Việt Nam, ông từ quan rồi đi du lịch ở miền nam Việt Nam, Champa, Chân Lạp, bí mật thăm dò địa lí các khu vực này rồi vẽ thành bản đồ dâng lên cho chúa Trịnh. Đây chính là lai lịch của “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”. Năm ra đời của cuốn sách này không xác định, ước chừng vào thế kỉ 17. Tư liệu cũ của Việt Nam cho là vào khoảng 1630-1645, còn tư liệu mới nhận định vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686) với căn cứ là cuốn sách “Thanh Chương huyện chí”có ghi chép về cuộc đời Đỗ Bá được phát hiện sau này. Sách này viết rằng: “Đỗ Công Luận (tên tự Công Đạo) là người thôn Cẩm Nang, xã Bích Triều, huyện Thanh Chương (nay là thôn Cẩm Nang, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).” Về sau lại tìm được gia phả họ Đỗ của thôn này, trong đó có viết: “Vốn họ này trước có ông Đỗ Bá, tự là Công Luận hay Công Đạo, thời trẻ đỗ kì thi Hương, triều đình gia ân cho làm Giám sinh, nhưng ông không thích. Ông cũng không muốn làm quan. Giữa thời Chính Hòa (1680-1705) ông từ quan, giả dạng lái buôn, xuôi sông Lam, vượt Thuận Quảng, qua các nước Champa, Chân Lạp, xem sông núi, đường biển xa gần, vẽ bản đồ mang ra bắc, hiến kế mở biên giới vào nam. Chúa Trịnh rất mừng, đưa bản đồ vào kho cất, lại yêu cầu ông soạn vẽ cho bộ Tứ chí lộ đồ”.
“Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ” gồm 4 tấm bản đồ dài, mỗi tấm đại diện một phương hướng (chí). Phần trên đầu mỗi tấm bản đồ đều có lời văn giới thiệu, giải thích nội dung tấm bản đồ đó. “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa” đã dùng ấn bản trong “Bản đồ Hồng Đức” được xuất bản ở Sài Gòn vào những năm 1960. “Bản đồ Hồng Đức” là tập bản đồ thời cổ thu thập những bản đồ cổ của Việt Nam, bản được xuất bản ở Sài Gòn này cũng là bản được phục chế và dịch từ bản do Nhật Bản lưu giữ. Trong các bản đồ của ấn bản này, bãi Cát Vàng [黃沙灘: Hoàng Sa than] hoàn toàn không được thể hiện trên bản đồ, điều này có thể là do bản của Nhật Bản không thu thập được trọn vẹn (mép của mỗi tấm đều cho thấy có thể tiếp tục kéo dài ra). Trong một số tác phẩm khác của Việt Nam, có một ấn bản khác của bản đồ này, trong đó đã thể hiện đầy đủ bãi Cát Vàng. Từ dáng vẻ, có thể thấy rằng nó dường như là một sự mở rộng và bổ sung cho “Bản đồ Hồng Đức”. Trong bản đồ này, phía tây nam của bãi Cát Vàng còn có ghi “Du Trường Sơn”[油長山]. (Hình 96)
Hình 96: “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ”
Trên bản đồ thứ nhất, trong chú giải về khu vực từ phủ Thăng Hoa đến phủ Quảng Ngãi có viết:
海中有一長沙, 名𡓁葛鐄, 約長四百里, 闊二十里, 卓立海中。自大 占海門至沙榮。每西南風, 則諸國商舶內行漂跋在此: 東北風, 外行亦漂 跋在此, 並皆饑死。貨物各置其處。阮氏每年冬季月持船十八隻, 來此取 貨, 多得金銀、錢幣、銃彈等物。自大占門越海至此一日半, 自沙淇門至 此半日。其長沙處亦有玳瑁。沙淇海門外有一山, 山上多產油木, 名油 場。有巡。
(Giữa biển có một dải cát dài, tên là bãi Cát Vàng [𡓁葛鐄], dài độ 400 lí, rộng 20 lí, sừng sững giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Mỗi lần có gió tây nam thì thuyền buôn các nước đi ở phía trong trôi dạt tới đấy; có gió đông bắc thì thuyền buôn chạy ở ngoài cũng trôi dạt tới đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi tương ứng. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy phải mất một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kì đến đấy thì phải nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy cũng có đồi mồi. Ngoài cửa biển Sa Kì có một ngọn núi, trên núi có nhiều cây dầu, gọi là trường dầu. Có đặt quan tuần sát.)
Bãi Cát Vàng [𡓁葛鐄] ở đây viết bằng chữ Nôm, một loại chữ viết giống như chữ Katakana trong tiếng Nhật, dùng chữ Hán biểu thị cách phát âm của tiếng Việt. Nếu như dịch nó thành tiếng Trung, tức là Hoàng Sa than (黃沙灘). Đoạn văn này nói bãi Cát Vàng là một vùng nguy hiểm phía ngoài đường bờ biển Việt Nam, nơi thường có tàu thuyền bị chìm, chính quyền họ Nguyễn mỗi năm vào mùa đông phái người đến bãi Cát Vàng thu nhặt của cải của tàu thuyền gặp nạn.
Căn cứ bản đồ và ghi chép trong đoạn văn, vị trí bãi Cát Vàng đại khái nằm giữa cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Cửa Đại Chiêm hiện nay là cửa Đại thuộc tỉnh Quảng Nam của Việt Nam, đối diện nó là cù lao Chàm. Còn cửa Sa Vinh là cửa biển Sa Huỳnh của tỉnh Bình Định. Từ cửa Đại Chiêm đến bãi Cát Vàng là một ngày rưỡi, từ cửa Sa Kì (phía đông nam huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đến bãi Cát Vàng là nửa ngày. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định là 3 tỉnh ven biển thuộc Nam Trung Bộ Việt Nam phân bố theo thứ tự từ bắc xuống nam.
Mặc dù chuyên gia Việt Nam Nguyễn Quốc Thắng cho rằng đây là một trong những chứng cứ chính xác và có tính thuyết phục nhất của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên không phải không có sự nghi vấn về tính tin cậy của nó. Vĩ độ quần đảo Hoàng Sa đại khái giống với tỉnh Quảng Nam, nhưng dù như thế nào cũng không kéo dài đến tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, xét thấy đường bờ biển Việt Nam chạy theo hướng Tây Bắc đến Đông Nam, dùng phương hướng này để xem xét quần đảo Hoàng Sa, nói Hoàng Sa kéo dài từ Quảng Nam đến tỉnh Bình Định là có thể tạm chấp nhận được. Điều bất hợp lí nhất là lộ trình từ cửa Đại Chiêm đến bãi Cát Vàng mất một ngày rưỡi, còn từ cửa Sa Kì đến Bãi Cát Vàng chỉ mất nửa ngày. Không kể đến tốc độ đi của tàu thuyền (điều này có liên quan đến loại thuyền nào và đi vào mùa nào), cửa Đại Chiêm và cửa Sa Kì về vị trí địa lí cách quần đảo Hoàng Sa một khoảng cách không khác nhau nhiều, nhưng thời gian đi biển lại chênh lệch 3 lần. Điều này không thể tin được.
Phía Việt Nam cũng thừa nhận sự sai lầm trong ghi chép của Đỗ Bá về độ dài quãng đường này, tuy nhiên lại cho rằng: “Điều đáng nói đến là khi Đỗ Bá vẽ bản đồ trong một cuộc điều tra bí mật, gián tiếp, không có sự kiểm tra trực tiếp hoặc khảo sát chính thức, vậy thì suy đoán của Đỗ Bá về khoảng cách tới bờ, độ dài, độ rộng… của bãi cát là có thể hiểu được”. Điều này có thể là sự thực, nhưng thiếu sót này chắc chắn đã làm giảm đi tính tin cậy trong sử liệu của Đỗ Bá.
Ngoài bản đồ trong “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, phía Việt Nam còn có 3 bản đồ có liên quan khác. Theo tài liệu Việt Nam, 4 bản đồ này là cùng một nguồn, là bản sao từ các thời kì khác nhau. Bức thứ nhất là “Giao Châu chí. Quảng Nam xứ đồ” [交州志·廣南處圖] (bản được vẽ lại thời Minh Mạng), đây là bản được nhà Đông phương học Henri Maspero lưu giữ. Bức thứ hai là “Lê triều quá Quảng Nam đồ” [黎朝過廣南路圖] cũng do Maspero lưu giữ (căn cứ theo Thiên Nam lộ đồ được vẽ lại năm 1741). Bức thứ ba là bản đồ trong bài viết “Nghiên cứu một tài liệu hướng dẫn đi biển của An Nam thế kỉ 15” (Etude sur un portulan annamite du XVe siècle) công bố năm 1896 của nhà địa lí học Gustave Dumoutier. Các bản đồ trên đều có các chữ “bãi Cát Vàng” [𡓁葛鐄], tức “Hoàng Sa than” [黃沙灘: bãi Hoàng Sa], trong hai bức sau còn có các chữ núi trường dầu (油場山) hoặc núi trường dầu (油長山). Bốn bản đồ này đều là bản đồ khu vực Quảng Nam, trong đó chỉ có địa danh của Việt Nam và không có địa danh nước ngoài nào. Vì vậy, từ nguyên tắc nhận định chủ quyền, hoàn toàn không thể nghi ngờ “bãi Cát Vàng” này thuộc lãnh thổ Việt Nam (hình 97).
Vậy thì bãi Cát Vàng có phải là quần đảo Hoàng Sa hay không? Trong những bản đồ này, bãi Cát Vàng đều được vẽ thành khu vực hình dáng dài theo hướng nam bắc trên biển đối diện Việt Nam. Trong “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, về cơ bản là phía bắc đến cửa Đại Chiêm, phía Nam đến cửa Sa Kì. Trong “Giao Châu chí. Quảng Nam xứ đồ”, phía bắc từ cửa Hợp Hoà, phía nam đến cửa Châu Mi, độ dài của nó là nhỏ nhất trong bốn bản đồ. Trong “Lê triều quá Quảng Nam đồ” (theo bản do Dumoutier vẽ lại), phía bắc từ cửa Đại Chiêm, phía nam quá cửa Ma Ô, có độ dài lớn nhất trong tất cả bản đồ. Trong “Lê triều quá Quảng Nam đồ” (theo bản vẽ lại Thiên Nam lộ đồ năm 1741), phía nam đến cửa Đại, phía bắc vượt qua cửa Sa Kì kéo dài thẳng đến ngoài bản đồ (mấy địa điểm kể trên, theo thứ tự từ bắc đến nam là cửa Đại Chiêm, cửa Hợp Hòa, cửa Châu Mi, cửa Sa Kì, cửa Đại và cửa Ma Ô). Mấy tấm bản đồ trên đều được lưu truyền dưới dạng chép tay, trong quá trình vẽ lại bản đồ xuất hiện sai sót chỗ này chỗ kia là khó tránh khỏi. Ngoại trừ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, các bản đồ khác đều không có chú thích.
Phương pháp vẽ bản đồ của Việt Nam thời cổ là theo truyền thống của Trung Quốc. Trong bản đồ liên quan đến phần đất liền thậm chí đường bờ biển thuộc đất liền được vẽ tương đối chính xác, nhưng các đảo ngoài biển khơi lại biến dạng rất lớn. Nếu chỉ nhìn vào bản đồ, và nhận định theo tiêu chuẩn của các chuyên gia Trung Quốc đối với bản đồ, tuyệt nhiên không thể phủ nhận hoàn toàn các đảo này là quần đảo Hoàng Sa, vì ít ra bờ biển mà nó đối diện là chính xác. Chuyên gia Trung Quốc cho rằng bãi Cát Vàng trên các bản đồ này quá gần bờ biển. Điều này đúng là sự thật, nhưng bản đồ theo kiểu Trung Quốc, đặc biệt là hải đồ chú trọng biểu thị ý nghĩa và coi nhẹ sự thực. Nếu so sánh một số bản đồ Trung Quốc cùng thời kì, ví dụ“Minh Đông Nam hải di tổng đồ” [明東南海夷總圖], vẽ Trường Sa và Thạch Đường đối diện bờ biển Phúc Kiến, ở phía nam Bành Hồ (xem phần 4.5.2, hình 46). Không những khoảng cách không đúng mà cả vị trí cũng không đúng, nhưng chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng đó chính là Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Vì vậy, không phải không có lí khi Việt Nam cho rằng bãi Cát Vàng là Hoàng Sa dựa trên các bản đồ cổ nói trên.
Hàn Chấn Hoa cho rằng núi Trường Dầu là mũi Ba Làng An (Cape Batangan, cũng gọi là Mộc Giáp [木岬]) còn bãi Cát Vàng là đảo Bắc (Cù lao Bờ Bãi, ông gọi là bãi cát đảo Pu Bai [圃拜]) ở phía bắc đảo Lí Sơn. Nhưng căn cứ chú thích của “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, bãi Cát Vàng dài 400 lí. Còn cù lao Bờ Bãi chỉ là một hòn đảo có diện tích rất nhỏ, chiều dài của nó chỉ có 1,2 km, nếu tính cả các bãi cát gần bờ thì cũng không quá khoảng 4 km, khác biệt quá lớn so với chiều dài 400 lí, chiều rộng 20 lí. Hàn Chấn Hoa cho rằng “du trường” [油場] chỉ là cách viết sai của “du nghiệt” (油堨) mà từ sau bị đảo thành là “nghiệt du” (堨油), tức tương đương với Kayu có nghĩa là “mộc” trong tiếng Chăm, còn batang trong Batangan của mũi Ba Làng An cũng có nghĩa là “mộc” trong tiếng Chăm (chính vì vậy ở đây ông ta cũng gọi nó là “Mộc Giáp”), do đó mà núi Trường Dầu chính là mũi Ba Làng An. Lập luận này thiếu lí lẽ. Thứ nhất, xét theo tiếng Hán, phát âm tiếng phổ thông của 堨 là “ye” hoặc “e”, còn phát âm tiếng Quảng Đông lại là “ngaat”, đều khác biệt rất xa so với “ka”; đồng thời, khó có thể giải thích tại sao nhất định phải phát âm lộn ngược, vì các bản đồ đều được viết từ trên xuống dưới, hoàn toàn không tồn tại vấn đề giải thích sai lầm về thứ tự; trong “Bản đồ Hồng Đức” những chữ đó đúng là “trường” [場] mà không phải là “nghiệt” [堨], cho dù là vì cách viết trong “Bản đồ Hồng Đức” có thể bị đọc sai, nhưng trong hai bản đồ “Lê triều quá Quảng Nam đồ” thì một tấm viết là núi Trường Dầu [油場山], tấm kia viết là núi Trường Dầu [油長山], “trường” [場] và “trường” [長] đồng âm, rõ ràng ba bản đồ này đều ăn khớp với nhau. Hàn Chấn Hoa bỏ đi hai bằng chứng cứ còn lại, kiên quyết nói đó là chữ “nghiệt” (堨), thật không biết lí lẽ ở đâu. Thứ hai, nguyên văn là “ngoài cửa biển Sa Kì có một ngọn núi”, núi ở đây hiển nhiên là một đảo ở ngoài biển chứ không phải là một ngọn núi trên đất liền. Thứ ba, Batangan không phát xuất từ “batang”, trong tiếng Malay, batang không phải là “mộc” (木) mà có nghĩa là “bính” (柄, đuôi, chuôi) hoặc “côn” (棍: côn, gậy). Batangan vốn có nguồn gốc từ tiếng Việt “Ba Làng An”, có nghĩa là “ba làng có tên An”, chỉ ba làng mà tên đều có chữ “An” là Vân An, An Chuẩn, An Hải. Trong chiến tranh Việt Nam, tên này bị đọc sai thành Batangan, do đó mới có địa danh dịch sang tiếng Anh này. Đối chiếu các bản đồ có thể thấy, núi Trường Dầu chính là đảo Lí Sơn, bãi Cát Vàng phải là đảo (hoặc bãi cát) cách xa đảo Lí Sơn hơn, rất có khả năng là quần đảo Hoàng Sa.
Lí Kim Minh cho rằng bãi Cát Vàng này là một số đảo nhỏ và bãi cát phân bố theo hướng dọc, hướng song song với bờ biển miền Trung Việt Nam. Nhận định này có nghi vấn khó có thể giải thích, vì ngoài khơi miền Trung Việt Nam hoàn toàn không có khu vực có bãi cát nào như vậy, mà chỉ có các đảo thuộc cù lao Chàm, phân bố cũng không rộng như được mô tả trong sách. Ví dụ, theo mô tả của ngư dân đảo Hải Nam Trung Quốc, ở núi Ngoại La của Việt Nam không thấy có bãi cát dài 30 lí. Bãi cát của đảo Dương Giác không dài, chỉ có bãi cát dài mấy chục lí bên ngoài Sài Gòn (chạy đến Ngoại Áp Thỉ). Vị trí của bãi cát dài duy nhất này không khớp với những gì được ghi ở đây. Vào thời cổ, việc mô tả các vùng nguy hiểm cho hàng hải không rõ ràng như ngày nay. Người ta thường tránh đi đến những khu vực từ lâu có lời đồn là nguy hiểm, hình dáng và vị trí địa lý cụ thể của chúng cũng không rõ ràng.
Vấn đề lớn nhất của “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” hoàn toàn không phải vì bản đồ vẽ không chính xác (đây là hạn chế thường thấy của bản đồ cổ), mà vì các mô tả qua câu chữ của nó hoàn toàn chưa lí giải rõ đây là quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù tổng hợp với các loại tư liệu dưới đây có thể thấy rằng bằng chứng này là đáng tin cậy, nhưng vì lí di chỉ ra ở trên, người viết không liệt kê nó vào trong các bằng chứng đáng tin cậy, mà chỉ cho rằng bãi Cát Vàng ở đây là một nơi khó xác định vị trí.
Hình 97: 3 bản đồ có ghi “bãi Cát Vàng” [𡓁葛鐄]
3. “Hải ngoại kỉ sự” (1699) của Đại Sán Hán Ông người Trung Quốc
Nhà sư Trung Quốc Đại Sán Hán Ông (vốn tên Thạch Liêm) nhận lời mời của chính quyền chúa Nguyễn miền Nam Việt Nam đến dạy học và du lịch ở Việt Nam trong thời gian từ năm 1695 đến 1696. Sau khi về nước ông đã viết cuốn “Hải ngoại kỉ sự” [海外紀事], ghi chép những trải nghiệm ở Việt Nam (hình 98), trong đó có viết:
Khách nói: mùa gió để trở về [Quảng Đông] vào khoảng nửa tháng trước sau tiết lập thu; khi đó, gió tây nam thổi mạnh, thuận buồm xuôi gió chạy chừng bốn năm ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bắc mạnh dần lên, nước chảy về hướng đông, sức gió nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về đông, lúc ấy sẽ khó giữ được cho ổn. Trên biển có nhiều cồn bãi chạy dài từ đông bắc tới tây nam; có cồn cao dựng đứng như vách tường, có bãi thấp ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm vào sẽ tan tành. Có một bãi rộng cả trăm lí, chiều dài chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn Lí Trường Sa”, mịt mù chẳng thấy cây cỏ, bóng người; nếu thuyền bị trái gió, ngược nước tấp vào, dẫu không tan nát, cũng không gạo không nước, trở thành ma đói. Khoảng đường ấy cách Đại Việt 7 canh đường, chừng 700 lí. Thời quốc vương trước, hằng năm sai người đi thu nhặt vàng bạc khí cụ của các thuyền hư. Mùa thu nước cạn, chảy rút về hướng đông, một làn sóng mạnh có thể cuốn trôi xa cả trăm lí; sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm hoạ Trường Sa.”
Hình 98: “Hải ngoại kỉ sự”
Đoạn văn này cho biết Đại Sán Hán Ông chuẩn bị về nước, nên đã tìm người dò hỏi lộ trình trở về. Trong đó có nói đến khu vực nguy hiểm “Vạn Lí Trường Sa” trên đường biển từ Việt Nam đến Quảng Đông. “Vạn Lí Trường Sa” này hiển nhiên là quần đảo Hoàng Sa. Lí do như sau:
Thứ nhất, người ghi chép là Đại Sán Hán Ông vốn là người Trung Quốc, địa danh ông nói đến đương nhiên là địa danh mà Trung Quốc dùng;
Thứ hai, người mà Đại Sán Hán Ông hỏi, trong sách gọi là “khách”, lại nói “trở về”, rõ ràng là một lữ khách Trung Quốc ở Việt Nam. “Vạn Lí Trường Sa” mà người này đề cập đến đương nhiên cũng là tên gọi từ Trung Quốc được tiếp tục sử dụng;
Thứ ba, phương hướng của “Vạn Lí Trường Sa” là từ đông bắc đến tây nam, tương đồng với phương hướng của quần đảo Hoàng Sa, mà hướng của bờ biển Việt Nam là tây bắc đến đông nam, do đó đó không phải là đảo nhỏ ven bờ biển Việt Nam;
Thứ tư, cũng là chứng cứ có sức mạnh nhất, đoạn trích trên rõ ràng đã nói đến vị trí cụ thể của “Vạn Lí Trường Sa”, cách Việt Nam khoảng 700 lí, khoảng cách này rõ ràng không thể là đảo nhỏ “lân cận” bờ biển miền Trung Việt Nam mà chỉ có thể là quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy, “Vạn Lí Trường Sa” không phải là đảo và cồn cát phân bố dọc theo bờ biển Việt Nam mà Lí Kim Minh nói dựa theo sử liệu nêu ở trên.
Trong sách, Đại Sán Hán Ông cũng nhắc đến quốc vương trước (chỉ chúa Nguyễn trước) hàng năm phái người ra khu vực này thu nhặt vàng bạc, khí cụ của các thuyền bị đắm. Điều này cũng giống như những gì Đỗ Bá nói đến ở trên và được Lê Quý Đôn nhắc đến ở phần dưới. Chúa Nguyễn hàng năm đều phái người đến quần đảo Hoàng Sa để vớt của bị mất, xét theo luật quốc tế, hành động này cấu thành ý định chủ quyền của phía Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
4. “Phủ biên tạp lục” (1776) của Lê Quý Đôn
Lê Quý Đôn là một trong những học giả kiệt xuất nhất của Việt Nam thời cổ, làm quan đến chức Phó Tể tướng triều Hậu Lê (thời vua Lê chúa Trịnh), viết sách khi bị giáng chức làm Hiệp trấn Thuận Hóa, trấn thủ Thuận Hóa và Quảng Nam. “Phủ biên tạp lục” [撫邊雜錄] chính là sách được viết trong thời gian này, ghi chép những sự tích vùng ven biển đông nam Việt Nam từ đầu thế kỉ 18 cho đến lúc đó. Trong sách này, bằng chứng về việc cai trị Hoàng Sa của nhà Nguyễn được nhắc đến nhiều lần (hình 99, hình 100, hình 101, hình 102).
Trong quyển 2, có hai đoạn văn có liên quan:
Phía ngoài các cửa biển xứ Thuận Hóa – Quảng Nam đều có núi đá mọc lên trong biển làm rào chắn, rộng hẹp không giống nhau… Ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 lí, xưa có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, đi ra biển 4 canh thì tới. Phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật, hàng hoá của tàu thuyền. Lập ra đội Hoàng Sa để thu lấy, đi 3 ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải…
Xã An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều đảo, núi linh tinh hơn 130 ngọn có biển ngăn chia, cách nhau một ngày hoặc vài canh. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Giữa đảo có bãi Cát Vàng (黃沙渚: Hoàng Sa chử), dài ước hơn 30 lí, bằng phẳng rộng lớn, nước trong thấu đáy. Trên đảo có vô số tổ yến; các thứ chim có hàng ngàn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi có rất nhiều vật lạ. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, với vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng. Lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể ướp muối và nấu ăn được. Đồi mồi rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là trắng bông, giống đồi mồi nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bến bãi, lấy về dùng vôi sát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt heo càng tốt. Tàu thuyền nước ngoài bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, luân phiên mỗi năm cứ tháng 3 nhận giấy sai đi, mang lương thực đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, chì đen, súng, ngà voi, sáp vàng, vải nỉ, nam châm cùng với vỏ đồi mồi, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kì tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem số của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu ghi rằng: năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân lượm được 5100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 lượng bạc, trong 5 năm từ năm Kỉ Sửu đến năm Quý Tị, mỗi năm chỉ được mấy cân đồi mồi, hải sâm. Cũng có năm được thiếc khối, bát sứ và hai tấm gương đồng mà thôi. Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, người xã Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, được miễn cho tiền sưu và các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, thu lượm vật của tàu thuyền và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm. Cũng lệnh cho cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua chỉ là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được. Bãi Cát Vàng gần phủ Liêm Châu thuộc Hải Nam, người đi thuyền [của ta] thường gặp thuyền đánh cá Trung Quốc, cùng hỏi han nhau. Tôi đã từng thấy một công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng: “Năm Càn Long thứ 18 (1753) có 10 tên lính xã An Vĩnh đội Cát Vàng (tức đội Hoàng Sa) huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam tháng 7 đến Vạn Lí Trường Sa tìm kiếm các vật, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên ở lại giữ thuyền, bị gió dữ thổi đứt dây thuyền, dạt vào cảng Thanh Lan, quan ở đấy xét thấy đúng, đưa trả về nguyên quán.” Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hóa là Thúc Lượng Hầu viết thư trả lời.
Hình 99: “Phủ biên tạp lục” 1
Hình 100: “Phủ biên tạp lục” 2
Hình 101: “Phủ biên tạp lục” 3
Hình 102: “Phủ biên tạp lục” 4
Trong các bản in khác nhau, câu chữ có thể có khác biệt đôi chút, người viết dựa vào bản đối chiếu Hán – Việt xuất bản năm 1972 ở Việt Nam, với chữ Hán trong đó in theo lối chụp ảnh (có chỗ riêng lẻ ảnh hưởng khá lớn đến ý nghĩa, xem phần sau).
Đại Trường Sa trong đoạn thứ nhất và “ngoài biển về phía đông bắc có nhiều đảo” trong đoạn thứ hai rõ ràng là chỉ cùng một nơi, đều là các đảo ngoài biển của xã An Vĩnh, đều có lộ trình 3 ngày đêm. Về điểm này, ý kiến của phía Trung Quốc lẫn của Việt Nam đều giống nhau. Lời văn có nói đến mấy sự kiện xảy ra ở vùng Hoàng Sa từ năm 1702 đến năm 1713:
Thứ nhất, ngoài biển phía đông bắc huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi có một đảo gọi là đảo Đại Trường Sa, trong đó có một khu vực gọi là bãi Cát Vàng (Hoàng Sa chử).
Thứ hai, Đại Trường Sa là một khu vực thuyền ngoại quốc (蕃舶: phiên bạc) dễ bị đắm, vì thế chúa Nguyễn phái người tổ chức thành đội Hoàng Sa, chuyên đến khu vực này để mò vớt của bị mất. Nơi này rõ ràng không phải cách bờ biển quá gần, vì hành trình cần 3 ngày 3 đêm. Còn các thành viên của đội phải ở lại trên đảo 6 tháng, tháng 3 ra đi, tháng 8 mới trở về.
Thứ ba, chúa Nguyễn còn cử một đội mò vớt của khác- đội Bắc Hải đi mò vớt vật ở các đảo thuộc xứ Bắc Hải, Côn Lôn, Hà Tiên…, nhưng thu hoạch lại ít hơn rất nhiều so với đội Hoàng Sa. Đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản.
Thứ tư, vị trí bãi Cát Vàng gần phủ Liêm Châu, từng có thành viên của đội trôi dạt đến đảo Hải Nam và được quan lại Trung Quốc gửi trả về Việt Nam.
Những điều này cho thấy chúa Nguyễn từng phái người đến Đại Trường Sa tiến hành mò vớt. Chúa Nguyễn là một trong hai chính quyền trên thực tế cát cứ Việt Nam khi đó, giống như thời kì Nam Bắc triều ở Trung Quốc. Vì trong bằng chứng lịch sử này có lệnh của chính quyền cát cứ Việt Nam, Chemillier-Gendreau cho rằng đây là bằng chứng tuyên bố chủ quyền sớm nhất của Việt Nam được luật quốc tế thừa nhận.
“Phủ biên tạp lục” là một tài liệu có sức mạnh lớn nhất của phía Việt Nam về Hoàng Sa, chứa đựng rất phong phú thông tin. Nhiều tài liệu của Việt Nam sau này đều trích dẫn câu chữ trong đó, nên cần tiến hành phân tích kĩ ở đây.
Thứ nhất, đảo Đại Trường Sa rốt cuộc ở đâu? Phía Việt Nam cho rằng đảo Đại Trường Sa là các đảo ở biển Đông bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Phía Trung Quốc cho rằng đảo Đại Trường Sa chỉ là đảo nhỏ ở phía bắc đảo Lí Sơn. Người viết cho rằng hai cách diễn giải này đều sai. Đảo Đại Trường Sa chỉ có thể là quần đảo Hoàng Sa và không bao gồm quần đảo Trường Sa.
Xét từ vị trí địa lí, đảo Đại Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa trùng khớp với nhau. Trước tiên, cần 3 ngày 3 đêm, hay 36 canh để đi từ xã An Vĩnh huyện Bình Sơn của Việt Nam đến đảo Đại Trường Sa. Và cần 4 canh để đi từ xã An Vĩnh đến cù lao Ré. Giả định tốc độ của thuyền như nhau thì khoảng cách đến đảo Đại Trường Sa gấp 9 lần khoảng cách đến cù lao Ré. cù lao Ré là nhóm đảo Lí Sơn, khoảng cách từ xã An Vĩnh đến đảo Lí Sơn là 30 km, và khoảng cách từ xã An Vĩnh đến quần đảo Hoàng Sa là 300 km, gấp 10 lần [khoảng cách] đến đảo Lí Sơn. Có thể thấy khoảng cách từ đảo Đại Trường Sa đến xã An Vĩnh và khoảng cách từ quần đảo Hoàng Sa đến xã An Vĩnh gần như nhau. Điều này cũng cho thấy Đại Trường Sa không thể là đảo nhỏ ở phía bắc đảo Lí Sơn.
Thứ hai, xét theo hành trình của thuyền, đội Hoàng Sa mỗi năm đến Đại Hoàng Sa một lần, tháng 3 ra đi, tháng 8 quay về, cần chuẩn bị lương thực cho 6 tháng. Kiểu hành trình này rõ ràng là chuẩn bị cho chuyến đi xa chứ không thể là chuyến đi ngắn.
Thứ ba, bãi Cát Vàng là tên gọi một phần trong Đại Trường Sa. “Bãi Cát Vàng gần phủ Liêm Châu thuộc Hải Nam”, điều này cho thấy Đại Trường Sa không thể là đảo nhỏ ở phía bắc đảo Lí Sơn. Nếu không thì làm sao lại gần phủ Liêm Châu thuộc Hải Nam?
Thứ tư, năm Càn Long thứ 18, khi thành viên của đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ ở Đại Trường Sa gặp bão, bị trôi dạt vào cảng Thanh Lan thuộc Hải Nam. Trong công văn gửi trả thuyền viên về Việt Nam của quan chức Hải Nam có viết: “Năm Càn Long thứ 18 (1753) có 10 tên lính xã An Vĩnh đội Cát Vàng, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam tháng 7 đến Vạn Lí Trường Sa tìm kiếm các vật”. Đoạn văn này dùng cách biểu thị năm Càn Long thứ 18, rõ ràng là trích dẫn trực tiếp công văn của phía Hải Nam. Trong “Phủ biên tạp lục” năm thường được biểu thị bằng thiên can địa chi, không dùng niên hiệu của nhà Thanh. Còn địa điểm [ngoài biển] trong công văn của Trung Quốc, không nghi ngờ gì là tên gọi của phía Trung Quốc đối với địa điểm này. Rõ ràng, điều này cho thấy Đại Trường Sa và bãi Cát Vàng ở đây chính là Vạn Lí Trường Sa mà người Trung Quốc nói đến, cũng chính là quần đảo Hoàng Sa.
Các chuyên gia Trung Quốc mà Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh là đại biểu cho rằng Đại Trường Sa và bãi Cát Vàng mà “Phủ biên tạp lục” nhắc đến là các đảo nhỏ ở phía bắc đảo Lí Sơn, lập luận này chủ yếu gồm 3 điều dưới đây:
Chất vấn thứ nhất là mô tả về địa danh “Hoàng Sa Chử” (Bãi Cát Vàng) ở ghi chép trong “Phủ biên tạp lục” rất giống với trong sách “Việt Nam địa dư đồ thuyết” của trung Quốc cuối thời Thanh, nhưng trong phần chú thích của tác phẩm sau viết rõ các đảo đó chỉ là Ngoại La Sơn (đảo Lí Sơn). “Việt Nam địa dư đồ thuyết” xuất bản năm 1888 (lần xuất bản thứ 2) mô tả rõ ràng như sau:
Xã Vĩnh An huyện Bình Sơn ở gần biển, phía đông bắc có đảo, nhiều núi trùng điệp hơn 130 ngọn [tức Ngoại La Sơn], giữa các ngọn núi là biển, cách nhau độ một ngày đường hoặc vài canh. Ở dưới núi có suối nước ngọt, trong là bãi Cát Vàng [tức Da Tử Đường], dài độ 30 lí, bằng phẳng rộng rãi, nước trong thấu đáy, thuyền buôn thường nhờ vào nơi này.
(Phía dưới là một số sản vật địa phương, cơ bản giống như ghi chép trong “Phủ biên tạp lục”)
Ngoài ra, trong phần mở đầu của sách còn có bản đồ Việt Nam, trong đó bãi Cát Vàng được vẽ gần bờ biển miền Trung Việt Nam, nơi này đúng là nơi gần với đảo Lí Sơn. (Hình 103)
Hình 103: Bản đồ trong “Việt Nam địa dư đồ thuyết”.
Từ mô tả của tác giả Thịnh Khánh Phất và người chú thích Lã Điều Dương về địa lí và sản vật những nơi này, rõ ràng tư liệu họ tham khảo là “Phủ biên tạp lục”. Tuy nhiên, nhận định của họ rằng bãi Cát Vàng là đảo Ngoại La ( cù lao Ré, đảo Lí Sơn) là sai lầm. Thật ra, trong “Phủ biên tạp lục”, đảo Lí Sơn và bãi Cát Vàng được phân biệt rõ ràng. Đoạn thứ nhất trích dẫn từ “Phủ biên tạp lục” viết rất rõ ràng: bên ngoài cù lao Ré (đảo Lí Sơn) là đảo Đại Trường Sa, khoảng cách giữa hai nơi là 3 ngày đường. Có thể thấy hai nơi này được phân biệt rất rõ ràng. Vì vậy, đảo Đại Trường Sa và bãi Cát Vàng trong “Phủ biên tạp lục” tuyệt đối không thể là Ngoại La Sơn và Da Tử Đường ở phía bắc núi Ngoại La.
Vậy tại sao lại xảy ra sai lầm này? Ở đây người viết thử làm một phân tích. “Việt Nam địa dư đồ thuyết” là một cuốn sách địa lí cuối thời Thanh bên Trung Quốc. Lí Kim Minh nói người nhà Thanh mà không nói đến năm nó xuất hiện, điều này dường như có dụng ý làm người đọc hiểu nhầm đây là một cuốn sách cổ. Thật ra, cuốn sách này năm 1883 mới được xuất bản, tác giả của nó là Thịnh Khánh Phất, người chỉnh lí và bổ sung chú thích là Lã Điều Dương. So sánh bản thứ nhất của Thịnh Khánh Phất (1883) và bản thứ hai của Lã Điều Dương (1888) có thể thấy hai chú thích ghi trong 2 dấu [ ] “tức Ngoại La Sơn” và “tức Da Tử Đường” đã được Lã Điều Dương thêm vào trong bản thứ hai, bản thứ nhất hoàn toàn không có hai chú thích này (hình 104).
Hình 104: Bản thứ nhất của “Việt Nam địa dư đồ thuyết”
Cả tác giả Thịnh Khánh Phất lẫn người chú thích Lã Điều Dương đều chưa từng đến Việt Nam, họ chỉ tham khảo các tác phẩm địa lí cũ. Theo chính Thịnh Khánh Phất nói, ông ta tìm thấy trong cửa hàng sách một cuốn sách “hư rách” về núi sông, sản vật các quận quốc, châu huyện của Việt Nam, tuy nhiên sách này mô tả kĩ về Bắc Hà mà sơ lược Nam Hà, vì thế ông ta liền nhất thời hứng thú, tìm kiếm sách vở viết về Việt Nam để bổ sung viết thành cuốn sách này.
Bắc Hà chỉ đất của chúa Trịnh, trong khi tỉnh Quảng Ngãi thuộc Nam Hà là vùng chúa Nguyễn quản lí. Vì vậy, theo điều này, cuốn sách “hư rách” này vẫn là thư tịch của Bắc Hà thời chúa Trịnh. Hơn nữa, tất nhiên do “hư rách” nên bản thân nó đã có thể không đầy đủ. Về các sự kiện của tỉnh Quảng Ngãi, do không thuộc Bắc Hà, nên cũng được viết rất sơ lược trong sách. Những sách địa lí của Việt Nam chú trọng về Bắc Hà mà sơ lược về Nam Hà chỉ có thể là sách được viết vào trước triều Nguyễn.
Bản đồ trong sách này sai sót không ít, ví dụ, gần bờ biển miền Trung Việt Nam có hai nhóm đảo quan trọng – nhóm đảo Chiêm Bà (cù lao Chàm) phía bắc và nhóm đảo Lí Sơn (cù lao Ré) phía nam. Tuy nhiên, trên bản đồ trong “Việt Nam địa dư đồ thuyết” chỉ vẽ có một bãi Cát Vàng (Hoàng Sa chử), điều này rõ ràng là đã bỏ sót ít nhất một nhóm đảo quan trọng. Hơn nữa, cũng chỉ có một đảo trong số mấy hòn đảo quan trọng ở gần bờ biển miền Trung Việt Nam được vẽ ra. Xét từ dạng thức loại bản đồ này, đây cũng là bản đồ Việt Nam muộn nhất không quá giữa thế kỉ 18 (xem phần 4.4). Sách địa lí Việt Nam được viết sau khi triều Nguyễn thành lập (sau thế kỉ 19) phân biệt rất rạch ròi đảo Lí Sơn và cù lao Chàm. Ví dụ “Đại Nam toàn đồ” [大南全圖] năm 1839 (xem phần 4.4) và bản đồ trong “Đại Nam nhất thống chí” [大南一統志]. Điều này cho thấy rằng cuốn sách mà Thịnh Khánh Phất có được là sách thời kì chúa Trịnh ở miền Bắc hoặc sách thời kì Tây Sơn.
Về bãi Cát Vàng trên bản đồ của sách này thì trong bản đồ gốc mà Thịnh Khánh Phất tham khảo có vẽ ra không? Hay trong bản đồ gốc không có địa điểm này, và Thịnh Khánh Phất đã dựa vào sử liệu để vẽ vào? Hoặc trong bản đồ gốc có địa điểm này, nhưng không thêm phần chữ viết, và Thịnh Khánh Phất lại dựa vào tài liệu lịch sử ghi thêm vào? Điều này rất khó phán đoán, vì cả 3 loại dạng thức bản đồ này đều đã từng xuất hiện trong các bản đồ từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 18.
Vì vậy, về cơ bản có thể khẳng định cuốn sách “hư rách” mà Thịnh Khánh Phất lấy làm bản gốc là một cuốn sách muộn nhất không quá trước thế kỉ 19. Chính cuốn sách này được ông lấy làm cơ sở, rồi tham khảo thêm các tác phẩm về Nam Hà để bổ sung mà viết thành “Việt Nam địa dư đồ thuyết”. Và “Phủ biên tạp lục” hiển nhiên có khả năng cao nhất là nguồn tham khảo của ông.
Cuốn sách này không sử dụng tri thức địa lí của phương Tây thời đó mà lại tiếp tục sử dụng tư liệu và phương pháp theo sách cổ của địa lí Trung Quốc truyền thống, dạng thức vẽ bản đồ cũng là dạng thức truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc. Vào cuối thế kỉ 19 một cuốn sách về địa lí nước ngoài mà vẫn còn sử dụng loại tư liệu và phương pháp lỗi thời, có thể nói là một thứ tác phẩm lạc hậu so với thời đại. Vì vậy, một tài liệu vào cuối thời cận đại mà lạc hậu và sai sót nghiêm trọng như vậy, dù có tính tham khảo, cũng không thể đánh giá cao tính chính xác của nó, càng không thể lấy nó làm bằng chứng chủ yếu để nói rằng một tác phẩm thế kỉ 18 không có tác dụng làm bằng chứng phụ. Lập luận này giống như chẳng hạn nếu hiện nay Việt Nam xuất bản một tác phẩm địa lí, mô tả quần đảo Hoàng Sa thành nhóm đảo Thất Châu ở phía đông bắc đảo Hải Nam, thì 100 năm sau cũng không thể dựa vào đó để cho rằng quần đảo Hoàng Sa là ở phía đông bắc đảo Hải Nam.
Miêu tả của cuốn sách này về bãi Cát Vàng, không có trong sách cổ nào của Trung Quốc trước đó, điều này rõ ràng là vì mãi đến năm 1776 mới xuất hiện những ghi chép có liên quan của phía Việt Nam. Theo người viết được biết, cuốn sách“Việt Nam địa dư đồ thuyết” là cuốn sách đầu tiên do Trung Quốc xuất bản có thêm câu này vào. Còn chú thích về các địa điểm này hiển nhiên cũng là chú thích ban đầu của Lã Điều Dương. Như vậy, cần phải xem xét liệu chú thích của tác giả có chính xác hay không. Vào thời Thanh, khi phê bình văn bản thịnh hành, học giả Trung Quốc rất coi trọng chú thích, các chú thích có căn cứ thường nêu rõ xuất xứ của tác phẩm, hoặc thêm vào suy đoán logic của cá nhân. Lã Điều Dương ở đây đã không trích dẫn tác phẩm của người xưa, cũng không đưa ra căn cứ hợp lí nào, chỉ đơn giản viết vào “案即椰子塘” (án [bãi Cát Vàng] tức Da Tử Đường). Theo “Khang Hi tự điển”, “án [案], còn viết là án [按], tức là khảo [考]”. Ông ta đưa ra nhận định rằng đó là Da Tử Đường (bờ dừa) sau khi nghiên cứu, nhưng lại không giải thích quá trình nghiên cứu của mình, điều này cho thấy có vẻ ông ta hoàn toàn không có bằng căn cứ gì có sức mạnh lắm.
Lí do khiến Lã Điều Dương nói rằng bãi Cát Vàng là Da Tử Đường, rất có thể là do chịu ảnh hưởng của dạng thức sai (hoặc là lỗi thời) trong bản đồ mà Thịnh Khánh Phất sử dụng. Nếu như Thịnh Khánh Phất sử dụng loại bản đồ sau thế kỉ 19 có phân biệt rất rõ ràng đảo Lí Sơn và cù lao Chàm, ông sẽ không phán đoán chủ quan như vậy.
Đối với Thịnh Khánh Phất hoặc tác giả bản đồ gốc, điều này là có thể hiểu được, vì trong bản đồ học truyền thống của Trung Quốc, việc ghi tên các đảo xung quanh là tương đối hỗn loạn, người vẽ bản đồ dường như không hề chú ý vẽ ra khoảng cách thực giữa các đảo và bờ biển mà hầu như đều vẽ các đảo trên cùng một đường thẳng. Đối với người vẽ bản đồ, biết đại khái những địa điểm này nằm ngoài bờ biển là đủ. Bản đồ hàng hải truyền thống của chính Trung Quốc lẫn bản đồ do Việt Nam vẽ đều có đặc điểm này. Từ lời tựa của Thịnh Khánh Phất, có thể thấy bản thân ông ta ban đầu không hề thông hiểu địa lí Việt Nam. Bản đồ Việt Nam trong truyền thống của Trung Quốc chỉ bao gồm Giao Chỉ, tức miền Bắc Việt Nam, khu vực do chúa Trịnh thống trị, hoàn toàn không có bản đồ tỉ mỉ về các địa điểm vốn thuộc Champa (người viết thậm chí chưa từng thấy qua dù chỉ một bản đồ sơ lược). Đối với loại học giả như Thịnh Khánh Phất vốn chủ yếu dựa dẫm vào tài liệu Trung Quốc, trong tình hình không có bản đồ Việt Nam thế kỉ 19 để tham khảo, đối với các địa danh ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt đối với những nơi “mới được ghi chép” như bãi Cát Vàng, họ cũng chỉ có thể dựa theo cảm giác mà thôi. Hơn nữa, ông ta sống ở nội địa nên khó mà quen thuộc với các mốc định vị chuẩn trên tuyến đường biển như Ngoại La (đảo Lí Sơn) và cù lao Chàm, bằng không chắc hẳn ông sẽ không thể không lưu ý đến đảo Lí Sơn và đảo Ngoại La để có thể tồn tại sai sót như trên bản đồ ông ta vẽ ra.
Vì câu chữ liên quan trong “Phủ biên tạp lục” gồm hai đoạn tách biệt, cách nhau 4 trang, nên có thể khi tham khảo Thịnh Khánh Phất không ý thức được hai địa danh này thật ra chỉ cùng một địa điểm, vì vậy ông chỉ dùng câu “ Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều đảo” trong đoạn thứ 2 mà không sử dụng câu chữ có liên quan trong đoạn 1. Có thể vì vậy, ông ta cho rằng bãi Cát Vàng nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi mà không nhận ra rằng nó còn cách đất liền 3 ngày 3 đêm theo đường thuỷ.
Bản thân Lã Điều Dương không phải là một chuyên gia về Việt Nam, nhưng ông ta phải biết đảo Lí Sơn (đảo Ngoại La). Rất có thể khi phát hiện địa danh bãi Cát Vàng mà Thịnh Khánh Phất vẽ ra chính là Ngoại La, ông ta liền thêm tên gọi này vào trong chú thích. Sở dĩ ông ta không trực tiếp sửa chữa mà thêm vào chú thích vì đây là cách làm tiêu chuẩn theo học thuật truyền thống Trung Quốc.
Địa danh Da Tử Đường xuất hiện sớm nhất trong “Trịnh Hòa hàng hải đồ”, theo thể hiện trên bản đồ, nó nằm ở gần Sumatra. Hướng Đạt cũng cho rằng đây là một đảo ở gần Sumatra. Vì vậy, đảo này hiển nhiên không thể xuất hiện ở miền Trung Việt Nam, cũng không thể nằm trong Ngoại La sơn. Nhưng trong sách “Thuận phong tương tống” lại xuất hiện một Da Tử Đường khác, Da Tử Đường này nằm gần Ngoại La sơn:
Ngoại La sơn, nhìn xa giống như ba cánh cửa, nhìn gần đông cao tây thấp, phía bắc có Da Tử Đường, phía tây có mỏm đá cổ. Đưa thuyền đến gần qua phía tây, nước sâu có 45 thác. Quay về có thể đi gần hướng tây, đi phía đông sợ đâm phải bờ đá.
Hơn nữa, trong sách “Chỉ nam chính pháp” cũng có ghi chép tương tự. Rất có thể để giải thích đảo này và bãi Cát Vàng, Lã Điều Dương chỉ có thể bắt chước dùng Ngoại La Sơn và Da Tử Đường [đưa vào trong chú thích].
Một nguyên nhân khác rất có thể là Thịnh Khánh Phất mắc sai sót khi sao chép từ “Phủ biên tạp lục”. Trong sách gốc, ghi chép về địa điểm này nêu “Tàu thuyền nước ngoài bị bão thường đậu ở đảo này”, tức là một nơi mà khi gặp nguy hiểm mới đến đó. Nhưng khi Thịnh Khánh Phất sao chép lại trở thành “thuyền buôn thường nhờ vào nơi này”, giống như là một nơi chuyên để neo đậu. Như vậy, ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Lã Điều Dương có vẻ vì muốn tìm một điểm neo đậu cho tàu thuyền đi biển để giải thích về địa điểm này, nên mới nói bãi Cát Vàng tức là Da Tử Đường.
Tóm lại, căn cứ duy nhất để chuyên gia Trung Quốc luôn nhấn mạnh đảo Đại Trường Sa và bãi Cát Vàng chỉ là Ngoại La Sơn và Da Tử Đường chính là cuốn “Việt Nam địa dư đồ thuyết” này, nhưng nhận định trong cuốn sách này là sai. Trong “Phủ biên tạp lục”, hai địa điểm này được phân biệt rõ ràng, không thể là một.
Về cù lao Ré, Lí Kim Minh cho rằng “đối với đảo Ngoại La và phân bố của đảo Hoàng Sa ở vùng biển Ngoại La, các ghi chép trong sách sử Việt Nam thường hỗn loạn”. Ông kê ra đoạn trong “Đại Nam nhất thống chí” viết: “Ðảo Hoàng Sa ở phía đông cù lao Ré. Từ bờ biển Sa Kì đi thuyền ra, thuận gió thì độ 3, 4 ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau một ngày đường hoặc vài canh. Trong đảo có bãi Cát Vàng, kéo dài không biết mấy ngàn lí, bằng phẳng, rộng rãi, tục gọi là “Vạn Lí Trường Sa”: nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập thành đàn không biết đâu mà lần. Sản sinh nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, cùng nhiều hàng hóa của các thuyền bị bão, trôi giạt vào đấy.” Ông ta cho rằng những gì được nói đến ở phần đầu của đoạn này thực tế là chỉ đảo Hoàng Sa, nhưng đảo được mô tả ở phần sau (từ “có đến hơn 130 đảo nhỏ” về sau) chỉ là Ngoại La.
Thật ra, trong tất cả các ghi chép của Việt Nam về địa danh Hoàng Sa này, bao gồm các ghi chép trong “Phủ biên tạp lục”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Hoàng Việt địa dư chí”, “Đại Nam thực lục” thời cổ đại, cũng như “Việt sử thông giám khảo lược” và “Đại Nam nhất thống chí” thời cận đại, khái niệm cù lao Ré và Hoàng Sa không hề thay đổi (xem phần sau), các mô tả về đảo Hoàng Sa đều giống như trong “Phủ biên tạp lục”, xưa nay chưa từng có trường hợp nào mô tả về đảo Hoàng Sa được dùng cho Ngoại La. Điều này cho thấy đến năm 1910, Hoàng Sa mà người Việt Nam nói đến đều luôn luôn không thay đổi, xưa nay cũng không lẫn lộn. Luận cứ duy nhất cho cái mà Lí Kim Minh cho là hỗn loạn, chính là cuốn sách “Việt Nam địa dư đồ thuyết” do người Trung Quốc viết vốn đã bị chứng minh là có nhiều sai sót. Vì vậy, cách giải thích hợp lí hơn là sự hỗn loạn đó không phải là từ các tác phẩm lịch sử địa lí của Việt Nam, mà là cuốn sách địa lí kiểu cũ của Trung Quốc viết về Việt Nam.
Lí Kim Minh và nhiều người khác còn đưa ra nghi vấn về những ghi chép này trong “Phủ biên tạp lục” ở các khía cạnh khác.
Thứ nhất, về địa lí, ông đưa ra nghi vấn: cù lao Ré được chép trong “Phủ biên tạp lục” và cù lao Ré trong “Đại Nam nhất thống chí” “rõ ràng” không giống nhau. Điều này là do cù lao Ré trong “Phủ biên tạp lục” “chỉ rộng hơn 30 lí” mà cù lao Ré trong “Đại Nam nhất thống chí” “phía trong đất trũng bằng thấp có vài chục mẫu”. Về điểm này, tính toán một chút có thể biết. 1 mẫu bằng 677 m², mấy chục mẫu tạm tính là 50 mẫu, như vậy là 33.850 m², nếu như xem đó là hình vuông thì cạnh dài sẽ là 184 mét, nhỏ hơn rất nhiều so với chiều rộng 30 lí. Tại sao Lí Kim Minh lại cho rằng cù lao Ré “chỉ rộng 30 lí” lại không thể chứa “mấy chục mẫu” ruộng được? Thật không hiểu nổi.
Thứ hai, về vị trí địa lí, “Phủ biên tạp lục” viết rằng đi đến đảo Đại Trường Sa mất 3 ngày đêm. Lí Kim Minh cho rằng tốc độ thuyền của Việt Nam khi đó rất chậm và đặt nghi vấn “3 ngày đêm chẳng qua cũng chỉ đi được mấy chục km”. Vì vậy, Đại Trường Sa vẫn chỉ là đảo nhỏ ven bờ biển Việt Nam. Kiểu nghi ngờ này quả thật không thể hiểu nổi. Người Việt ở phía bắc và người Champa ở phía nam đều nổi tiếng về hàng hải, liên tục đóng vai trò quan trọng trên Con đường tơ lụa trên biển, điều này trong phần hàng hải cổ đại biển Đông ở Chương 2 đã thảo luận qua. Thật khó tin rằng vào thế kỉ 18 người Việt Nam chỉ có thuyền có thể đi được mấy chục km trong 72 giờ. Nếu như mấy chục km theo như lời Lí Kim Minh được tính là 50 km, thì dựa theo cách tính của Lí Kim Minh, khi đó thuyền Việt Nam bình quân chỉ có thể đi được 694 mét một giờ? Chỉ bằng 1/8 tốc độ đi bộ?! Trong “Ghi chép đi sứ Xiêm La và Cochine China” của Crawfurd người Anh có viết thuyền của Cochine China thường đi lại giữa đảo Côn Lôn của Việt Nam và Singapore để buôn bán. Tất nhiên khoảng cách lớn như vậy có thể đi được, lẽ nào đến Hoàng Sa còn ở gần hơn lại không đi được?
Thật ra, lời văn trong “Phủ biên tạp lục” có cho một thước đo để tính toán khoảng cách, tức đoạn trích nêu trên nói rằng đi 4 canh đến đảo Lí Sơn và đi 36 canh đến đảo Đại Trường Sa, theo đó tính được khoảng cách giữa đảo Đại Trường Sa và bờ biển khoảng 300 km, rất gần với khoảng cách từ quần đảo Hoàng Sa đến bờ biển Việt Nam, do đó tuyệt đối không thể là đảo nhỏ gần đảo Chiêm Bà.
Nghi vấn thứ ba là về sản vật. Chuyên gia Trung Quốc cho rằng “Hoàng Sa không có tổ yến”, do đó địa danh được nói đến ở đây không phải là Hoàng Sa. Nghi vấn này cũng không thể hiểu nổi. Chủ biên tạp chí “Địa lí quốc gia Trung Quốc” trong du kí Hoàng Sa có viết:
Sau khi ngư dân Trung Quốc đến được các đảo Nam Hải, chuyện gì sẽ xảy ra? Mọi người tưởng tưởng xem, thức ăn cao cấp của người Trung Quốc là gì? Hải sâm, bào ngư, vi cá, tổ yến. Lại tưởng tượng Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa, Đông Sa những đảo san hô này có sản vật gì? Không phải là những thứ này sao?
Cuối cùng là nghi vấn về địa hình, cho rằng mô tả về địa lí Đại Trường Sa hoàn toàn không giống Hoàng Sa. Trong bài viết “Bác bỏ luận điệu sai trái của nhà cầm quyền Việt Nam về cái gọi là Hoàng Sa, Trường Sa tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta” của Hàn Chấn Hoa có chất vấn về Hoàng Sa chử (bãi Cát Vàng) rằng:
“Đảo” mà Lê Quý Đôn chép có “các núi linh tinh hơn 110 ngọn”, mà địa thế quần đảo Tây Sa của chúng ta thấp và bằng phẳng, độ cao so với mực nước biển của các đảo chỉ là 5 hoặc 6 mét, đảo Đá cao nhất cũng không quá 15,9 mét, cơ bản không tồn tại cái gọi là “các núi”, càng không có cái gọi là “hơn 110 ngọn”. “Sách trắng” của Việt Nam sửa “hơn 110 ngọn” thành “hơn 130 ngọn”, đồng thời giải thích sai thành “hơn 130 đảo”. Nhưng quần đảo Tây Sa của nước ta chỉ có 15 đảo, tính cả những đảo nổi lên khi thuỷ triều xuống cũng chỉ có 25 đảo, ngay cả tính thêm các đá ngầm, bãi ngầm cũng không quá 35 đảo, tức là không đủ hơn 110 đảo, càng không có hơn 130 đảo. Có thể thấy, “đảo” mà Lê Quý Đôn nói đến căn bản không phải chỉ quần đảo Tây Sa của nước ta.
Hàn Chấn Hoa đồng thời cũng nghi vấn về các chi tiết “khoảng 30 lí” và “bằng phẳng rộng rãi” của “bãi Cát Vàng”, trong khi trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lại không tìm ra đảo nào lớn như vậy. Ví dụ đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) lớn nhất chỉ dài 1,95 km, rộng 1,35 km.
Những nghi vấn này thoạt nhìn có vẻ rất có lí, nhưng thật ra không phải vậy. Ghi chép trong “Phủ biên tạp lục” cơ bản là chính xác, chỉ là chuyên gia Trung Quốc đã hiểu sai hoặc là cố ý bóp méo. Đại Trường Sa trong “Phủ biên tạp lục” không phải là một đảo như trong định nghĩa của địa lí học hiện đại mà là một “rạn san hô vòng” và đầm phá bên trong. Gọi một rạn san hô vòng là đảo theo nghĩa địa lí hiện đại là điều rất thường thấy trong danh từ địa lí Trung Quốc hiện nay. Ví dụ đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough), Trung Quốc gọi là một đảo, trên thực tế là một rạn san hô vòng lớn, các mỏm đá nổi lên mặt nước bị nước biển ngăn cách, hoàn toàn không có đất liền liên tục nổi lên mặt nước.
Cái gọi là ngọn (嶺: lĩnh) chính là đảo và mỏm đá nổi lên mặt nước của các rạn san hô vòng này, còn giữa các núi có biển chính là giữa các đảo và bãi đá của rạn san hô vòng có nước biển ngăn cách. Trong tiếng Trung, có thói quen gọi đảo và bãi đá là núi (山: sơn) hoặc ngọn (lĩnh). Sau thời Tống, một số người vẽ bản đồ đã quen vẽ đảo thành hình dáng đỉnh núi chứ không vẽ thành các dạng hình tròn như hình khuyên như bản đồ hiện đại. Trong bài viết “Trát kí nghiên cứu sử địa quần đảo Trường Sa” của chính Hàn Chấn Hoa cũng có trường hợp gọi đảo là “lĩnh”. Ông ta cho rằng trong “Quỳnh Châu phủ chí” thời Đạo Quang xuất hiện mấy địa danh: Tiền Hậu Lĩnh, Nam Quan Lĩnh, Song Bồng Lĩnh và Kê Quan Lĩnh… đều là đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa giống như quần đảo Hoàng Sa đều là đảo san hô, diện tích và chiều cao còn nhỏ hơn quần đảo Hoàng Sa. Rõ ràng ông ta đã cho rằng một số “lĩnh” trong tài liệu tiếng Trung có thể là các đảo của quần đảo Trường Sa, vậy có lí do gì để chất vấn việc người Việt Nam gọi những đảo và bãi đá của quần đảo Hoàng Sa là “ngọn”?
“Phủ biên tạp lục” còn mô tả trên núi có suối nước ngọt, có khả năng chỉ các đảo có nguồn nước tự nhiên, đặc biệt là đảo Cam Tuyền (đảo Hữu Nhật / Robert Island) trong cụm đảo Vĩnh Lạc (cụm Lưỡi Liềm). Bãi Cát Vàng trong sách không phải là một đảo theo nghĩa hiện đại mà là đầm phá (lagoon) ở giữa một rạn san hô vòng. Về mô tả bãi Cát Vàng là “bằng phẳng rộng lớn, nước trong thấu đáy”, điều này đúng là đặc trưng của đầm phá. Trong cụm đảo Lưỡi Liềm ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa có hai đầm phá rõ ràng. Đường kính đầm phá thuộc rạn san hô vòng Lưỡi Liềm mà các đảo Sâm Hàng (đảo Quang Hòa / Duncan Island), đảo San Hô (đảo Hoàng Sa / Pattle Island), đảo Hữu Nhật bao quanh dài khoảng 17 km, độ dài này cơ bản ăn khớp với độ dài khoảng 30 lí của bãi Cát Vàng.
Về con số hơn 110 ngọn, Hàn Chấn Hoa cho rằng “quần đảo Tây Sa của nước ta chỉ có 15 đảo, tính cả những đảo nổi lên khi thuỷ triều xuống cũng chỉ có 25 đảo, ngay cả tính thêm các đá ngầm, bãi ngầm cũng không quá 35 đảo, tức là không đủ hơn 110 đảo, càng không có hơn 130 đảo.” Phía Việt Nam giải thích những ngọn này bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Cách giải thích này về cơ bản không đáng tin. Hoàng Sa và Trường Sa cách nhau rất xa, hơn nữa Trường Sa nằm ở xa phía về phía đông nam tỉnh Quảng Ngãi chứ không phải là phía đông bắc, nên rất khó tin rằng chúng được mô tả làm một. Huống hồ, theo như Hàn Chấn Hoa, số các đảo và bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa gộp lại thì sẽ lớn hơn 130 rất nhiều.
Thật ra, mô tả hơn 110 ngọn này chính là con số các đảo và bãi đá của quần đảo Hoàng Sa. Con số đảo của quần đảo Hoàng Sa do Hàn Chấn Hoa đưa ra hoàn toàn không phải là khẳng định có thẩm quyền được thừa nhận rộng rãi. Mục từ ‘Paracel Islands’(quần đảo Hoàng Sa) trong “Encyclopedia Britannica” (Bách khoa toàn thư Đại Anh) nói rằng quần đảo Hoàng Sa do khoảng 130 đảo nhỏ (islets) và bãi đá ngầm (reefs) tạo thành. Mục từ ‘Paracel Inseln’ (quần đảo Hoàng Sa) trong “Brockhaus Enzyklopädie” (Bách khoa toàn thư Brockhaus) của Đức cũng nêu rằng quần đảo Hoàng Sa do khoảng 130 đảo và bãi đá ngầm tạo thành (Hình 105). Có thể thấy điều này rất gần với con số trong “Phủ biên tạp lục”, cũng ăn khớp với các ghi chép của Việt Nam sau này nói Hoàng Sa do hơn 130 ngọn cấu thành.
Tại sao lại có sai lệch trong những thống kê này? Có lẽ là do tiêu chuẩn không giống nhau. Quần đảo Hoàng Sa do các đầm phá và rạn san hô vòng cấu thành, vì vậy không thể đếm số lượng một cách máy móc theo con số thống kê được định nghĩa theo cách Trung Quốc của Hàn Chấn Hoa. Ví dụ, hiện nay một vùng đất liền nổi trên mặt nước và kéo dài liên tục thường được gọi là một đảo, nhưng nếu như trên đảo này có mấy địa mạo nhô lên, thì có thể được tính thành mấy “ngọn” hay không? Lộ trên mặt nước là như vậy, còn bãi ngầm dưới đáy thì sao? Ví dụ phải chăng hiện nay thống kê là một bãi ngầm thì khi đó được cho là có một “ngọn”, vậy thì nếu như trong mỗi một bãi ngầm có mấy đỉnh, phải chăng sẽ được cho là có mấy ngọn? Cứ thế tiếp tục. Cách giải thích của Hàn Chấn Hoa và của bách khoa toàn thư có uy tín không giống nhau có lẽ là do sự khác biệt về tiêu chuẩn thống kê. Cuối cùng, đảo và bãi đá của quần đảo Hoàng Sa không ngừng sinh trưởng, không thể biết chính xác 250 năm trước địa hình trên mặt nước và dưới mặt nước như thế nào.
Nói chung, trong tư liệu địa lí cổ đại, thông thường rất khó xác nhận 100% chi tiết của từng mô tả, vì vậy cần phải phân tích từ trên tổng thể. Phía Trung Quốc (ví như Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh) thường đưa ra những khẳng định hoang đường rằng một đảo nào đó là Hoàng Sa hay là Trường Sa chỉ dựa vào cái tên. Ghi chép của “Phủ biên tạp lục” dù về vị trí địa lí hay về địa hình, dù kế thừa tài liệu địa lí của phía Việt Nam, hay dẫn chứng tài liệu Trung Quốc đều thể hiện rõ đó là quần đảo Hoàng Sa.
Dù cho rằng Đại Trường Sa là quần đảo Hoàng Sa, người viết không đồng ý với luận điểm của Việt Nam cho rằng Đại Trường Sa là tên gọi chung của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Bởi vì mô tả của Lê Quý Đôn về vị trí địa lí của Đại Trường Sa rất rõ ràng, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa cách nhau rất xa, Trường Sa không ở phía đông bắc (mà ở phía đông nam) tỉnh Quảng Ngãi, lại không gần đảo Hải Nam, cách tỉnh Quảng Ngãi không dưới 700 lí. Không có lí do gì để tin rằng Đại Trường Sa mà Lê Quý Đôn mô tả ở đây bao gồm cả quần đảo Trường Sa.
Tóm lại, Đại Trường Sa và bãi Cát Vàng mà “Phủ biên tạp lục” nói đến đều chỉ quần đảo Hoàng Sa hiện nay.
Sau đây là thảo luận về chủ quyền thể hiện trong “Phủ biên tạp lục”. Chúa Nguyễn là một trong hai chính quyền cát cứ trên thực tế ở Việt Nam khi đó, giống như thời kì Nam Bắc triều ở Trung Quốc. Chúa Nguyễn sai người đến quần đảo Hoàng Sa tiến hành mò vớt theo định kì, theo luật quốc tế, hành động này ít ra về mặt khách quan đã thể hiện ý thức chủ quyền của chúa Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa. Một đoạn trong sách có liên quan đến việc nhà Thanh đưa trả người về Việt Nam đặc biệt đáng được chú ý.
Thứ nhất, nói phủ Liêm Châu thuộc tỉnh Hải Nam là sai. Phủ Liêm Châu thuộc tỉnh Quảng Đông (hiện nay thuộc tỉnh Quảng Tây), là khu vực thuộc vịnh Bắc Bộ, không thuộc tỉnh Hải Nam. Đây là một sai sót của tác giả Lê Quý Đôn. Từ mô tả trước và sau đó thấy rằng nơi này ở gần đảo Hải Nam là có thể tin được, nếu không đã không gặp được viên quan của huyện Văn Xương.
Thứ hai, thuyền cá của Bắc quốc chỉ thuyền cá của Trung Quốc. Điều này cho thấy thuyền cá Trung Quốc khi đó đã đánh cá ở khu vực Hoàng Sa. Ở phương Đông thời cổ, tư duy hải quyền mờ nhạt, người của hai bên “hỏi han nhau trên biển”, cho thấy sự hòa hợp. Hai bên hoàn toàn không có xung đột nào.
Thứ ba, về câu “thường gặp một quan chính đường huyện Văn Xương thuộc Quỳnh Châu” [常見瓊州文昌縣正堂官; thường kiến Quỳnh Châu Văn Xương huyện chính đường quan]. Cách ngắt câu có thể có nghĩa khác. Có tài liệu phía Việt Nam cho rằng câu này nên đọc là “người đi thuyền [của ta] gặp thuyền đánh cá Trung Quốc, thường thấy hỏi han nhau trên biển. Tìm tòi thấy một công văn của quan chính đường huyện Văn Xương thuộc Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng…” Cách ngắt câu này không trôi chảy như cách của người viết trong đoạn trên.
Cách ngắt câu của phía Việt Nam có thể muốn tránh từ “thường gặp” [常見: thường kiến]. Tại sao người đi thuyền Việt Nam lại “thường gặp” quan chính đường huyện Văn Xương? Quan chính đường huyện Văn Xương tức quan huyện của huyện Văn Xương. Phần lớn cách ngắt câu của Trung Quốc là “người đi thuyền gặp thuyền đánh cá Trung Quốc, hỏi han nhau trên biển, thường gặp quan chính đường huyện Văn Xương thuộc Quỳnh Châu”, cách này củng cố hơn nữa nhận định địa điểm phát sinh sự “thường gặp” này là tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cùng một chỗ với “nói chuyện với nhau trên biển”. Do đó, tất nhiên quan huyện Văn Xương cũng hoạt động ở vùng quần đảo Hoàng Sa, điều này không phải cho thấy Trung Quốc có sự quản lí thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa sao?
Tuy nhiên, quan huyện Văn Xương “thường xuyên” đến Hoàng Sa tuần tra là điều rất khó tin. Huyện Văn Xương ở phía đông bắc tỉnh Hải Nam cách quần đảo Hoàng Sa 350 km, khu vực quản lí của huyện Văn Xương cũng chắc chắn không đến được quần đảo Hoàng Sa, quan huyện cũng không phụ trách tuần tra trên biển. Vì vậy, hoàn toàn không thể có việc quan huyện Văn Xương tuần tra vùng biển Hoàng Sa cách đó 700 lí. Có thể đội Hoàng Sa khi đó gặp người trên biển không phải quan huyện Văn Xương mà là một vị quan khác? Nhưng nếu như vậy thì cũng không cần viết rõ ràng danh hiệu quan chính đường huyện Văn Xương.
Vì vậy, cách giải thích có lí hơn là nơi họ gặp quan chính đường huyện Văn Xương không phải trên biển. Hỏi han thuyền đánh cá Trung Quốc trên biển là một chuyện, “thường gặp” quan chính đường huyện Văn Xương phủ Quỳnh Châu là chuyện khác. Vì cảng Thanh Lan ở Văn Xương, người của đội Hoàng Sa khi đi làm việc có thể không chỉ một lần trôi dạt đến cảng Thanh Lan, do đó có thể gặp được quan chính đường huyện Văn Xương. Để giải thích điểm này, Lê Quý Đôn đã dẫn bức thư quan huyện Văn Xương gửi cho Thuận Hóa để làm ví dụ.
Thật ra, chữ “thường” (常) ở đây là chữ “thường” (嘗) khác. Hai chữ này đồng âm, và rất dễ nhầm lẫn trong quá trình sao chép. Hiện nay “Phủ biên tạp lục” có mấy dị bản, trong bản của Việt Nam là chữ “thường” (常), nhưng trong bản tại kho tài liệu trung ương CNRS của Pháp là chữ “thường” (嘗). Ở đây nếu dùng chữ “thường” (嘗) có nghĩa “đã từng” để giải thích thì cả câu hợp lí hơn nhiều. Đoạn này nói người đội Hoàng Sa từng gặp quan chính đường huyện Văn Xương, đoạn dưới chính là tình huống họ gặp vị quan này.
Từ công văn có thể thấy rằng dù biết đội Hoàng Sa hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa nhưng phía Trung Quốc vẫn không đưa ra phản đối hoặc biểu thị sự không vừa ý, cũng không có ý không cho phép họ tiếp tục làm như vậy. Điều này cho thấy ít ra khi đó chính quyền huyện Văn Xương không hề phản đối hành động này. Tương tự, ngư dân đảo Hải Nam cũng thường xuyên hoạt động tại Hoàng Sa, thường gặp đội Hoàng Sa, nhưng chúa Nguyễn cũng không có ý kiến gì đối với họ, cho thấy rất có thể chúa Nguyễn về mặt chủ quan hoàn toàn không có ý thức chủ quyền đối với Hoàng Sa, việc ông phái đội Hoàng Sa thuần túy xuất phát từ suy nghĩ mặt kinh tế hoặc thu lượm vật hiếm. Tuy nhiên, theo nguyên tắc của luật quốc tế hiện đại, đội Hoàng Sa vẫn do nhà nước phái đi, vẫn thuộc hành vi có ý định chủ quyền; trong khi hành vi của ngư dân Hải Nam thuộc hành động của tư nhân, không có tính chất nhà nước, do đó hành vi này không có ý định chủ quyền nào.
Điều Lí Kim Minh chú trọng khi phân tích việc trả về (mà ông ghi “áp tống xuất cảnh”) là ông cho rằng hành vi buộc xuất cảnh này đã thể hiện việc Trung Quốc hành xử chủ quyền ở vùng biển biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế người mà quan lại Trung Quốc đưa trả về nước là thành viên đội Hoàng Sa bị trôi dạt đến cảng Thanh Lan, chứ không phải là thành viên của đội đang làm việc ở Đại Trường Sa. Điều này chỉ có thể chứng tỏ Trung Quốc đã thực thi chủ quyền đối với cảng Thanh Lan, chứ không phải đã thực thi chủ quyền đối với Đại Trường Sa.
5. “Đại Nam thực lục tiền biên”
“Đại Nam thực lục” [大南寔錄] tương đương với “Thanh thực lục” [清實錄] của Trung Quốc, là biên niên sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, được coi là chính sử của Việt Nam. Sách này được bắt đầu biên soạn từ năm 1821, năm 1844 hoàn thành phần Tiền biên, năm 1848 hoàn thành phần Chính biên. Tiền biên ghi chép các sự kiện thời kì chúa Nguyễn, Chính biên ghi chép các sự kiện từ sau khi triều Nguyễn thành lập đến năm 1847. Sau đó mỗi đời sử quan lại bổ sung thêm các sự kiện của thời đó. Quyển thứ 10 Tiền biên (năm 1754, hình 106) viết:
Tháng 7 mùa thu, dân đội Hoàng Sa tỉnh Quảng Ngãi gặp gió to, dạt vào hải phận Quỳnh Châu thuộc nhà Thanh, quan tổng đốc nhà Thanh chu cấp cho đầy đủ rồi sai đưa về. “Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 cồn cát, cách nhau hoặc một ngày hoặc vài canh đường, không biết tới mấy ngàn lí, tục gọi là Vạn Lí Hoàng Sa. Trên cồn có giếng nước ngọt, sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, ba ba. Đầu triều [Nguyễn] đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy xã An Vĩnh sung vào. Hàng năm cứ đến tháng 3 lên thuyền ra đi, 3 ngày đêm thì tới nơi, thu lượm hoá vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải mộ dân thôn Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương của Bình Thuận xưa sung vào. Lệnh cho chèo thuyền nhỏ ra các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải thu lượm hóa vật, cũng do đội Hoàng Sa cai quản luôn.”
Phần trong ngoặc kép “” là chú thích chữ nhỏ (giống phía dưới). Từ lời văn có thể thấy rằng mô tả về đảo Hoàng Sa chính là trích từ “Phủ biên tạp lục” hoặc có cùng xuất xứ. Còn sự việc trong ghi chép năm 1754 này và trong “Phủ biên tạp lục” là như nhau. Ghi chép này một lần nữa đã cho thấy khi đó đội Hoàng Sa đã hoạt động ở Hoàng Sa. Từ sự kiện và chú thích thấy rằng đảo Hoàng Sa này chính là Đại Trường Sa dưới ngòi bút của Lê Quý Đôn.
Hình 106: Đại Nam thực lục tiền biên, quyển thứ 10.
6. “Lịch triều hiến chương loại chí” (1821) và “Hoàng Việt địa dư chí” (1833) của Phan Huy Chú
Quyển 1 “Dư địa chí” trong “Lịch triều hiến chương loại chí” [歷朝憲章類誌] [輿地誌] và “Hoàng Việt địa dư chí” [皇越地輿誌] đều là tác phẩm địa lí học của Việt Nam. Trong2 cuốn đó đều có ghi chép về Hoàng Sa. “Hoàng Việt địa dư chí” trích một phần từ “Dư địa chí”, vì vậy câu chữ có liên quan gần giống như nhau.
“Dư địa chí” viết:
Phủ Tư Nghĩa có 3 huyện, huyện Nghĩa Giang 93 xã, huyện Bình Dương 70 xã, huyện Mộ Hoa 53 xã…
Xã An Vĩnh thuộc huyện Bình Dương ở gần biển, phía đông bắc ngoài biển có nhiều đảo, núi linh tinh hơn 130 ngọn, giữa núi là biển, cách nhau một ngày hoặc vài canh đường , trên núi có suối nước ngọt, giữa đảo có bãi Cát Vàng (Hoàng Sa chử) dài độ hơn 30 lí, bằng phẳng rộng lớn, nước trong thấu đáy, ở ven đảo có vô số tổ yến, chim kể hàng ngàn hàng vạn con, thấy người vẫn đậu không hề né tránh, ở ven bãi có rất nhiều vật lạ… Nhiều thuyền buôn gặp gió thường nương nhờ ở đảo này.
Đời vua trước lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, đều lấy người xã An Vĩnh thay phiên, cứ tháng 1 nhận lệnh lên đường, đem theo lương thực đủ 6 tháng, lên 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra khơi 3 ngày 3 đêm mới đến đảo này. Ở đó, mặc tình tìm kiếm chim cá mà ăn, lấy được nhiều đồ vật quý của thuyền đắm, cùng lượm khá nhiều hải vật, qua tháng 8 trở về, vào cửa Eo, tới thành Phú Xuân.
Từ nội dung thấy rằng đoạn trích này lấy từ ghi chép có liên quan trong đoạn thứ 2 của “Phủ biên tạp lục”, giữa chúng chỉ có khác biệt nhỏ. Ví dụ trong “Phủ biên tạp lục” nói rằng Hoàng Sa có hơn 110 ngọn, nhưng trong 2 đoạn này đều nói đến hơn 130 ngọn. Khác biệt nhỏ này hoàn toàn không ảnh hưởng đến quan hệ kế thừa giữa chúng.
7. Pierre Poivre và mô tả về (1749-1750)
Pierre Poivre (1719-1786), người Pháp, là một nhà buôn tơ lụa giàu có ở Lyon. Từ năm 1742 ông bắt đầu đến Việt Nam truyền giáo, rồi đến Trung Quốc buôn bán. Thời gian ông này viết không ít tác phẩm về những điều mắt thấy tai nghe ở Việt Nam. Năm 1749, ông công bố tập nhật kí “Description of Cochinchina” (Miêu tả về Cochinchina [xứ Đàng Trong]), trong đó có nói đến việc ông nghe thấy chúa Nguyễn ra lệnh cho người đến Paracels làm việc mò vớt.
I have heard that the king sent several vessels every year to the Paracel (Islands) to look for natural curios for his collection. I doubt that this term should be applied to the few branches of black coral, the very ordinary shells, and the few pieces of mother-of-pearl which I was shown.
(Tôi nghe nói quốc vương hàng năm đều phái mấy chiếc thuyền đến quần đảo Paracel để tìm kiếm vật hiếm cho việc thu thập của ông. Tôi không chắc từ này [vật hiếm] có phải dùng chỉ mấy khối san hô đen, những vỏ sò rất bình thường và mấy mẫu xà cừ mà họ trưng cho tôi thấy không.)
Ở Việt Nam Poivre nghe nói về việc quốc vương Việt Nam phái thuyền đến quần đảo Paracel mò vớt vật hiếm. Điều này ăn khớp với ghi chép trong “Phủ biên tạp lục” và “Hải ngoại kỉ sự”. Dù ông có cho rằng những vật hiếm này quá xoàng xĩnh mà xì mũi giễu cợt, nhưng điều này hoàn toàn không ảnh hưởng tính chân thực của những gì ông ta có nghe nói. Poivre là người có cái nhìn tương đối tiêu cực về Đông Nam Á, có thể thấy đầy đủ điều này trong toàn bộ cuốn sách này và trong các tác phẩm khác của ông về Đông Nam Á.
8. Vụ đắm tàu năm 1634, “Nhật kí Batavia” (1634-1636)
Trong thời chúa Nguyễn, ngoài các ghi chép về việc phái đội Hoàng Sa đến Hoàng Sa thu lượm của bị mất, còn có một số ghi chép tai nạn tàu thuyền có liên quan đến Việt Nam do người ngoại quốc lưu giữ. Đáng chú ý là có một phần ghi chép có liên quan không thể khẳng định địa điểm gặp nạn là ở quần đảo Hoàng Sa hiện nay hay là khu vực nguy hiểm Paracel nghe sai truyền sai (xem phần 4.1). Tuy nhiên, trong các ghi chép này nếu có nêu vĩ độ thì vẫn có thể khẳng định chắc chắn địa điểm xảy ra sự việc là ở quần đảo Hoàng Sa (xem phần 4.6). “Nhật kí Batavia” chính là một ví dụ.
Batavia chính là nơi đặt trụ sở chính của Công ti Đông Ấn Hà Lan tại Indonesia, tức là Jakarta hiện nay. Trong “Nhật kí Batavia” (Journal Batavia) có chép việc một tàu của Công ti Đông Ấn Hà Lan gặp nạn tại bãi cạn thuộc quần đảo Paracel. Đầu đuôi của sự việc như sau:
Ngày 20 tháng 7 năm 1634, ba tàu Hà Lan Veenhuizen, Schagen và Grootebroek khởi hành từ Batavia đi Đài Loan. Ngày 21, ba tàu này gặp bão ngoài khơi và không liên lạc được với nhau. Hai tàu Veenhuizen và Schagen cuối cùng đều tới nơi đến, chỉ có tàu Grootebroek bị đắm giữa đường, địa điểm đắm tàu tại quần đảo Paracel (ghi là gần 17° vĩ bắc). Thuỷ thủ cố gắng bơi lên đảo, cứu vớt được một phần hàng hóa, nhưng có 9 thuỷ thủ mất tích. Số thuỷ thủ còn lại mang một số hàng hóa lên một chiếc thuyền nhỏ rời khỏi đảo tìm kiếm giúp đỡ dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng. Họ đến khu vực miền Nam Việt Nam, nhưng không những không nhận được sự cứu giúp mà hàng hóa của họ còn bị viên quan hải quan tịch thu. May là trước đó họ đã mua được một chiếc thuyền, và với sự giúp đỡ của một số tàu của Hà Lan khác họ đã cứu được toàn bộ những người còn mắc kẹt trên đảo. Hai năm sau, thuyền trưởng trở lại Việt Nam, trực tiếp yết kiến chúa Nguyễn Phúc Lan, xin được giao thương và đòi trả lại số tài sản bị tịch thu. Khi đó, viên quan tịch thu số tài sản năm đó đã bị chém đầu vì một tội khác, do đó chúa Nguyễn cho rằng sự việc này đã được xử lí. Ông lấy việc đồng ý giao thương và miễn thuế neo đậu làm điều kiện, đổi lại việc thuyền trưởng đồng ý không truy đòi hàng hóa bị tịch thu nữa.
Việt Nam cho rằng sự kiện này cho thấy người Hà Lan coi Paracels là lãnh thổ của Việt Nam, bởi vì “chúng tôi muốn nói ở đây, sự kiện quan trọng là khi chiếc Grootebroek bị đắm, các thủy thủ đã chọn đi đến Việt Nam thay vì Trung Quốc, mặc dầu Trung Quốc gần hơn. Điều này không nghi ngờ gì bởi vì họ coi quốc gia nào đang có chủ quyền trên phần vỡ nát của chiếc tàu sẽ đương nhiên cung ứng sự cấp cứu và sẽ đáp ứng sự đòi hỏi của họ nhiều hơn”.
Tạm không bàn địa điểm có phải là quần đảo Hoàng Sa hay không, từ tư liệu thấy rằng luận điểm này là hoàn toàn không đứng vững được. Thứ nhất, người Hà Lan hoàn toàn không hề nói rằng họ đến Việt Nam cầu cứu vì cảm thấy địa điểm gặp nạn thuộc Việt Nam, mà rất có thể chỉ đến Việt Nam vì thuận tiện hơn mà thôi, trong hàng hải thuận tiện không nhất thiết đồng nghĩa với xa hay gần. Thứ hai, cách giải quyết của phía Việt Nam cũng hoàn toàn không thể hiện quyền quản lí đối với Paracels, không những không cứu thuyền viên gặp nạn mà ngược lại họ còn tịch thu tài sản của những người đến cầu cứu. Cái họ quan tâm hoàn toàn không phải chuyện trên đảo mà là chuyện trên đất liền.
9. Vụ đắm tàu năm 1714, “Văn khố Hội truyền giáo Paris”
Thế kỉ 18 nước Pháp tiến vào Đông Nam Á, giáo sĩ là lực lượng chính. Trong hoạt động truyền giáo ở Việt Nam vào thời kì đầu của những giáo sĩ này, họ cũng để lại những ghi chép về Paracels thông qua thư từ. Nhà sử học Việt Nam Đặng Phương Nghi chép tay lại từ “Văn khố Hội truyền giáo Paris” (Archives des Missions Etrangères de Paris) 5 bức thư có liên quan đến tai nạn xảy ra với một tàu buôn Hà Lan năm 1714. Nhà sử học Nguyễn Nhã đã tiến hành phân tích. Trong 5 bức thư này có 4 bức được viết năm 1715, bức thứ năm được viết năm 1718.
Nói một cách đơn giản, vào tháng 10 năm 1714, 3 tàu buồm Hà Lan đi từ Nhật Bản về Batavia, gặp bão lớn tại Paracels thuộc biển Đông. Cột buồm của một tàu bị gió thổi gãy, tàu bị cuốn xô vào bãi cát vỡ tan. 17 người bị chết chìm, 87 người khác bơi được vào đảo. Họ sống trên đảo một tháng trời nhờ vào thịt chim, trong thời gian đó họ đóng một chiếc bè nhỏ, cuối cùng dùng chiếc bè này đi tới Nha Trang. Tại đó các giáo sĩ người Pháp đã chăm sóc họ, và đưa họ đến gặp chúa Nguyễn, chúa Nguyễn sau đó sắp xếp cho họ trở về Batavia.
Địa điểm gặp nạn ở đây, trong các bài viết của Việt Nam và các bài viết tiếng Anh của người Việt Nam đều trực tiếp viết thành Hoàng Sa, nhưng tra cứu nguyên văn tiếng Pháp lại chỉ viết là Paracels mà thôi. Bởi vì, Paracels ở đây có phải là Hoàng Sa (tức quần đảo Hoàng Sa) vẫn có nghi vấn. Về địa điểm họ gặp nạn được mô tả tương đối chi tiết trong bức thư thứ 5: thứ nhất, vị trí thuyền đắm cách bờ biển Cochinchina (Đàng Trong) 15 đến 20 lieue. Vào lúc đó, Lieue trong tiếng Pháp khoảng 4 km. Vì vậy, căn cứ vào thông tin này, địa điểm cách Cochinchina khoảng 60-80 km. Tuy nhiên, tại khu vực Nha Trang nơi cách bờ biển 60-80 km không hề có đảo nào. Thứ hai, cách họ quay trở vào bờ biển là đóng một chiếc bè chở 84 người, đi theo thuyền ngư dân rời cảng đi đánh cá buổi sáng trở về bờ. Điều này cho thấy nơi tàu của họ bị đắm không thể cách bờ biển quá xa. Nếu như thật sự ở quần đảo Hoàng Sa thì đi tàu buồm cũng mất 3 ngày 3 đêm mới có thể đến nơi, ngư dân không thể nào đi đánh cá buổi sáng ở đó mà ngay buổi tối đã quay về dược. Thứ ba, nếu như bờ biển cách địa điểm tàu đắm gần nhất là Nha Trang thì cũng không có nhiều khả năng ở quần đảo Hoàng Sa, vì khoảng cách gần nhất từ quần đảo Hoàng Sa đến Nha Trang cũng là 440 km. Vì vậy, về điểm này người viết đồng ý với nhận định của Hàn Chấn Hoa rằng địa điểm đắm tàu không ở quần đảo Hoàng Sa.
Hàn Chấn Hoa đã tổng kết 15 điều ghi chép của phương Tây về Paracels trước năm 1805, cho rằng những ghi chép này đều không nói về quần đảo Hoàng Sa. Kiểu phán đoán này là võ đoán. Căn cứ theo phân tích ở phần 4.1, khái niệm Paracels khi đó là khu vực “hình chiếc ủng”, với phần cực bắc của nó là quần đảo Hoàng Sa, phần phía nam thì kéo dài đến gần bờ biển Việt Nam. Có một cách đơn giản để phán đoán Paracels trong những ghi chép này có phải là quần đảo Hoàng Sa hay không: nếu như có chú giải cho thấy khoảng cách gần với bờ biển (ví dụ như trường hợp này) thì có thể phủ định; nếu như chú giải nêu rõ vĩ độ tại khoảng 17° N (ví dụ như trường hợp trước) thì có thể khẳng định đó là quần đảo Hoàng Sa.
4.3. SỰ QUẢN LÍ CỦA NHÀ NGUYỄN ĐỐI VỚI HOÀNG SA
1. Đội Hoàng Sa thời chính quyền họ Nguyễn Tây Sơn
Sau khi chính quyền chúa Nguyễn bị nhà Nguyễn Tây Sơn đánh và tiêu diệt, ghi chép về đội Hoàng Sa không còn xuất hiện trong chính sử. Tuy nhiên, một hồ sơ tìm được gần đây từ kho lưu trữ có thể thấy đội Hoàng Sa vẫn còn hoạt động trong thời nhà Nguyễn Tây Sơn.
Chỉ thị ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 của Thái Phó Tổng Lí Quản binh dân chư vụ Thượng tướng công:
“Sai Hội Đức hầu Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét đốc suất trong đội cắm biển hiệu thuỷ quân, lên 4 chiếc thuyền câu vượt biển thắng đến Hoàng Sa cùng các xứ Cù Lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại pháo, tiểu pháo, đồi mồi, ba ba, cá quý các loại, rồi chở về kinh tập trung nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá đều sẽ bị trị tội.
Ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9.”
Năm Thái Đức thứ 9 là năm 1786. Tài liệu này chứng tỏ mặc dù nhà Tây Sơn là một chính quyền không ổn định nhưng công việc của đội Hoàng Sa vẫn không bị dừng lại.
2. “Đại Nam thực lục” thời vua Gia Long
Sau khi triều Nguyễn thành lập, các ghi chép về đội Hoàng Sa tiếp tục xuất hiện. Vào triều Nguyễn, ghi chép về đội Hoàng Sa tập trung vào hai thời kì. Một là các năm 1815-1816, ứng với thời vua Gia Long. Trong thời kì này, không có nhiều ghi chép về đội Hoàng Sa trong sử liệu Việt Nam, nhưng lại có nhiều ghi chép độc lập trong sử liệu phương Tây. Đây có thể xem là việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Hai là các năm 1835-1836 vào thời vua Minh Mạng, những ghi chép về thời kì này trong sử liệu Việt Nam hết sức phong phú, nhưng các ghi chép trong sử liệu phương Tây lại không nhiều. Điều này có lẽ là do vua Minh Mạng đã trục xuất người Pháp vào lúc đó. Đây có thể xem là việc làm cho sâu sắc thêm chủ quyền của Việt nam đối với Hoàng Sa. Sau đó, liên tục có những ghi chép rải rác dưới thời vua Thiệu Trị mãi cho đến những năm 1860.
Một bản tấu chương do thành viên đội Hoàng Sa đệ trình năm 1804, có viết rằng đội Hoàng Sa đã được phục hồi vào khoảng thời gian đó, và thành viên đội Hoàng Sa hi vọng triều đình có thể cân nhắc miễn thuế cho họ:
Kính trông từ những năm trước, ông cha bọn 7 họ chúng tôi ở đây, vốn là người xã An Vĩnh, mà ông cha bọn 7 họ chúng tôi có chiếm được một nơi ngoài biển là cù lao Ré, đông gần với địa giới xã An Hải, tây giáp với biển, nam giáp biển, bắc gần với Cù lao nhỏ, vẫn đóng các loại thuế biển về dầu [栗香油], quế, mắm cá mực, cá khô, cá muối, cho đến xuống biển tìm những vật quý như đồi mồi, mai đồi mồi lớn, các thứ vật quý.. đều dâng nạp, thể tình miễn cho thuế tàu, không dám nói gì hơn. Ngoài xin các chi phí cho sự vụ và việc đi và dò xét ngoài biển, hoặc truyền báo có tàu xấu ngoài biển, có thể làm việc gìn giữ ngoài biển.
Từ năm Quý Sửu đến nay, bọn ngu dân chúng tôi ngoài việc phải có giấy đóng thuế, còn phải chịu những chi phí cúng tế tại các đình chùa đền của xã An Vĩnh. Đến năm Tân Dậu, sau khi hàng ngàn binh lính đánh dẹp, ngày đêm bừng sáng, phường của bọn ngu dân chúng tôi đưa vào Dực doanh thuỷ binh của cai đội Nguyễn Giai, tuy ít cũng có làm việc, cho đến khi Cai đội Nguyễn nhận lại, theo lệ trước lập hai đội quản thuế về quế và dầu cá.
Đến sau khi Cai Kì giữ Phú Nhuận, ngẩng trông ân trên ban phát, cho theo lệ của triều trước lập đội đồi mồi Hoàng Sa, hàng năm đón khâm sai đến, cho thêm xã An Vĩnh cùng các ngu phường lên thuyền đi các nơi ngoài biển, tìm được các vật quý, đều mang về kinh cống nạp. Nay bọn ngu dân chúng tôi có nỗi lo buồn, đầu tiên là ở Cù lao ngoài biển của xã An Vĩnh, đều cách xa với các huyện khác theo đường biển, nên công vụ khó mà chu toàn như trước.
Nên cúi xin:
Trên xin mở lượng hải hà thương xót đến dân nghèo, thẩm tra chiếu xét, cho bọn chúng thần ở đây theo lệ trước được tuyển đội, tách thêm địa phận xã An Vĩnh được thành một dải với đất Quỳnh và miễn cho các sự vụ đê điều của xã, đám dân của phường chúng tôi tản mát, đám ngu dân xin vẫn thực hiện thuế thuyền hàng năm và còn xin cống nạp thêm nhiều sản vật. Vạn mong.
Hình 107: Đại Nam thực lục, Đệ nhất kỉ, quyển 50.
Hình 108: Đại Nam thực lục, Đệ nhất kỉ, quyển 52.
Khoảng 10 năm sau đó, các ghi chép về Hoàng Sa lại xuất hiện trong tài liệu của Việt Nam. Đại Nam thực lục [大南寔錄], Đệ nhất kỉ, quyển 50 (1815, hình 107) viết: “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”. Trong Đệ nhất kỉ, quyển 52 (1816, hình 108) có viết: “sai thuỷ quân và đội Hoàng Sa đi thuyền đến Hoàng Sa thăm đo thuỷ trình”. Trong “Đại Nam thực lục” không có nhiều những ghi chép về Hoàng Sa. Nhưng rõ ràng, từ năm 1815, Hoàng đế Gia Long của Việt Nam đã khôi phục hoạt động của đội Hoàng Sa, còn phái thêm thuỷ quân. Để có thêm nhiều hiểu biết hơn đối với Hoàng Sa, liên tục trong hai năm ông hạ lệnh tiến hành đo đạc Hoàng Sa. Những hoạt động này, đặc biệt là hoạt động năm 1816, được ghi chép rất nhiều trong tài liệu của phương Tây (xem phần 4.5). Xét từ quan điểm luật quốc tế, những hành động này tương đương với việc tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa.
3. “Đại Nam thực lục” và “Châu bản triều Nguyễn” thời vua Minh Mệnh
Sau khi vua Gia Long mất, vua Minh Mệnh lên ngôi. Những ghi chép về Hoàng Sa thời vua Minh Mệnh chủ yếu tập trung vào những năm 1833-1836. Những sự tích này đều có ghi lại trong “Đại Nam thực lục”. “Chính biên” [正篇] quyển 104 (năm 1833, hình 109):
Nhà vua bảo bộ Công: tại biển Quảng Ngãi có khu vực Hoàng Sa, nhìn từ xa trời nước một màu không phân biệt được cạn sâu, từ trước tới nay thuyền buôn thường bị nó làm hại. Nay nên chuẩn bị tàu thuyền, đến năm sau đến đó xây miếu, lập bia và trồng nhiều cây. Chờ mai sau cây mỗi ngày một lớn tốt tươi để dễ nhận biết, ngõ hầu khỏi lầm chỗ cạn; đó là điều lợi vạn năm.
Hình 109: “Đại Nam thực lục”, Đệ nhị kỉ, quyển 104.
“Chính biên”, quyển 122 (năm 1834, hình 110) :
Hình 110: Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỉ, quyển 122.
Sai Giám thành cai đội Trương Phúc Sĩ cùng hơn 20 thuỷ quân lên thuyền đến xứ Hoàng Sa, Quảng Ngãi vẽ bản đồ rồi về. Vua hỏi về sản vật tại nơi này, Phúc Sĩ tâu: “xứ này bãi cát giữa biển rộng lớn không có bến bờ, chỉ có người Thanh thường đi lại đánh cá bắt chim mà thôi.” Nhân đó đem những đồ bắt được như chim, cá, ba ba, ốc, sò dâng lên;đều là những vật hiếm thấy. Vua triệu các quan cho xem, và thưởng cho những người đi tiền bạc nén có sai biệt.
“Chính biên”, quyển 154 (năm 1835, hình 111) :
Xây đền thờ thần tại đảo Hoàng Sa, Quảng Ngãi. Tại đảo Hoàng Sa thuộc hải phận Quảng Ngãi có một gò cát trắng, cây cối mọc rậm rạp, giữa có giếng, phía tây nam có miếu cổ với bia khắc 4 chữ “Vạn Lí Ba Bình”. Năm ngoái, vua định cho xây miếu, lập bia nơi này, nhưng vì gặp sóng gió nên chưa làm được. Sau đó, sai cai đội thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đốc suất lính thợ, giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh chở vật liệu, xây miếu (cách miếu cũ 7 trượng), bên trái dựng bia, phía trước có bình phong chắn ngang; xây suốt tuần, hoàn tất rồi trở về.
Hình 111: Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỉ, quyển 154.
“Chính biên”, quyển 165 (năm 1836, hình 112):
Bộ Công tâu: vùng biển Hoàng Sa trong hải giới nước ta rất hiểm yếu, trước đây đã cho vẽ bản đồ, nhưng hình thế rộng rãi, chỉ vẽ được một xứ mà cũng chưa thật rõ ràng, nên hàng năm thường sai người đi thăm dò khắp để thông thuộc hải trình. Xin từ năm nay trở đi mỗi năm vào hạ tuần tháng giêng chọn sai lính thuỷ cùng giám thành lên một chiếc thuyền đen và đến Quảng Ngãi vào thượng tuần tháng 2. Rồi do hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh mướn 4 chiếc thuyền của dân dẫn đường đi đến xứ Hoàng Sa. Ðến bất cứ đảo hoặc bãi cát nào đều đo chiều dài, rộng, cao, chu vi; cùng độ sâu cạn nước biển lân cận 4 phía; có hay không có đá hoặc bãi cát ngầm, hình thế hiểm hoặc dễ ra sao; ghi rõ và vẽ bản đồ. Lại xét ngày khởi hành tại cửa biển nào, ra biển đi theo hướng nào để đến nơi đó, dựa theo thuỷ trình tính khoảng bao nhiêu lí; lại từ xứ đó nhìn thẳng vào bờ biển thì đối diện với tỉnh hạt nào, hướng tà [xiên] giáp với tỉnh hạt nào, ước lượng cách bờ bao nhiêu lí, mỗi thứ đều ghi rõ, mang về trình tiến.
Vua chấp nhận, sai Suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật mang binh thuyền đi, cho mang theo 10 tấm gỗ đến nơi dựng lên làm mốc, (tấm gỗ dài 5 xích, rộng 5 thốn, dày 1 thốn) trên khắc các chữ “Minh Mệnh thập thất niên, Bính Thân, Thuỷ quân Chánh Ðội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ, chí thử lưu chí ” (Năm Bính Thân [1836], Minh Mệnh thứ 17, Thuỷ quân Chánh Ðội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh đến Hoàng Sa đo đạc, lưu lời ghi tại đây).
Hình 112: “Đại Nam thực lục”, Đệ nhị kỉ, quyển 165.
Thời kì này, vua Minh Mệnh có thêm nhiều biện pháp hành chính đối với Hoàng Sa. Năm 1833 ông ra lệnh cho xây một ngôi miếu và trồng cây trên mỗi đảo, lí do xây miếu và trồng cây là để cho người đi biển dễ dàng định vị (tương đương với dựng đèn biển), tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại. Năm 1834, vua phái người đến Hoàng Sa thăm dò và vẽ bản đồ Hoàng Sa. Cùng lúc, Việt Nam còn xây miếu cổ ở Hoàng Sa, năm 1835 hoàn tất. Năm 1836, vua Minh Mệnh không thỏa mãn với bản đồ vẽ trước đó, ra lệnh thăm dò đo đạc thêm một bước bổ sung tường tận hơn các tư liệu thuỷ văn dựa trên bản đồ trước đó. Cùng năm, ông sai thuỷ quân dựng cột mốc gỗ. Trên cột gỗ viết “Minh Mệnh thứ 17, Thuỷ quân Chánh Ðội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh đến Hoàng Sa đo đạc, lưu lời ghi tại đây”, một lần nữa tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa. Đồng thời cũng đã xác nhận Hoàng Sa thuộc “hải giới của nước ta”. Một loạt sự kiện lịch sử này cho thấy, từ đầu thế kỉ 19 cho đến lúc đó, đối với khu vực “Hoàng Sa” Việt Nam có sự quản lí hữu hiệu liên tục. Sự thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với “Hoàng Sa” cũng chính là chủ quyền đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, là rất đầy đủ.
Ghi chép trong “Đại Nam thực lục” hoàn toàn không phải là bằng chứng đơn lẻ. Trong tài liệu lịch sử của Việt Nam lưu giữ có rất nhiều tấu chương và tờ phê thời Minh Mệnh, được tập hợp biên soạn thành “Châu bản triều Nguyễn”. Những sử liệu gốc cấp 1 này cho thấy tính chân thực của những ghi chép về đội Hoàng Sa trong “Đại Nam thực lục”, đồng thời có thể bù đắp những chỗ chưa đầy đủ của “Đại Nam thực lục”. Ở đây trích dẫn vài bản để minh họa.
Năm 1830 một chiếc tàu của Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa và phải nhờ thuỷ quân Việt Nam trợ giúp về chuyện trên biển. Sự việc này không được ghi chép lại trong “Đại Nam thực lục”, nhưng trong “Châu bản” có 4 bản ghi chép, nội dung nói chung là giống nhau. Ở đây chỉ chép lại một bản.
Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830, hình 113):
Hình 113: Tuyển tập châu bản, về vụ tàu buôn Pháp năm 1830
Giờ Dần ngày 20 tháng này, chủ tàu buôn Phú Lãng Sa là Đô-ô-chi-li và bọn phái viên Lê Quang Quỳnh đi thuyền qua Lữ Tống buôn bán, việc này đã tâu báo. Giờ Dần ngày 27 chợt thấy tài phó Y-đóa-lan và tên 11 thuỷ thủ đi một thuyền nhỏ vào cửa tấn, kể rằng canh hai ngày 21 tháng này, thuyền họ qua phía tây Hoàng Sa bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn 8 xích. Thương nhân đã bàn nhau lấy gấp hai rương tiền bạc cùng một số dụng cụ, lương ăn, chia nhau lên hai chiếc thuyền nhỏ theo gió trở vào bờ. Nhưng thuyền chở chủ thuyền Đô-ô-chi-li cùng phái viên, tiền bạc đi sau chưa thấy tới. Thần lập tức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm. Nay kính tâu báo là đến giờ Ngọ thì gặp Đô-ô-chi-li cùng phái viên, thuỷ thủ 15 người, hiện đã đưa về, người tìm đều đầy đủ. Còn bọn phái viên Lê Quang Quỳnh đều nói bị mệt, khát, bệnh, xin sau vài hôm bình phục sẽ lập tức trở lại thi hành công vụ.
Ý nghĩa của 4 bản tấu này là: báo cáo của quan Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng, vào ngày 20 tháng đó, một thuyền buôn của Pháp chở một viên quan Việt Nam là Lê Quang Quỳnh khởi hành đi đến Manila, Philippines. Ngày 21 khi thuyền đi qua phía Tây của Hoàng Sa bị mắc cạn. Họ lên hai chiếc thuyền nhỏ, từ Hoàng Sa quay về bờ biển Việt Nam, một chiếc về đến cảng an toàn ngày 27, nhưng chủ tàu trên chiếc thuyền kia bị lạc. Sau khi nhận được báo cáo, thuỷ quân Việt Nam lập tức phái thuyền mang nước ngọt ra biển tìm kiếm. Cuối cùng đến giờ Ngọ thì tìm thấy chiếc thuyền này. Toàn bộ người trên thuyền đều được cứu.
Có thể khẳng định Hoàng Sa trong sự kiện này là quần đảo Hoàng Sa. Thứ nhất, Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam, chỉ cần đi thẳng về phía đông thì có thể đến Manila, và trên đường đi sẽ đi ngang qua Hoàng Sa. Thứ hai, tàu Pháp có vận tốc nhanh cũng mất 22 tiếng mới có thể đi từ Đà Nẵng đến phía tây quần đảo Hoàng Sa. Và sau khi bị mắc cạn ngày 21, mãi đến ngày 27 họ mới quay về tới gần bờ biển Việt Nam trên thuyền nhỏ, đây rõ ràng không phải là một khoảng đường ngắn (dù không có chi tiết nào nói rõ họ về tới nơi lúc nào, nhưng sẽ không quá muộn). Dựa trên các chi tiết về thời gian này, Hoàng Sa ở đây chắc chắn không thể là đảo nhỏ gần bờ biển Việt Nam như chuyên gia Trung Quốc nói. Thứ ba, năm 1832 viên quan ngoại giao Việt Nam Lí Văn Phức khi đi sứ Philippines đi qua Hoàng Sa, cũng gặp tình trạng nguy hiểm giống như vậy (xem phần sau), có thể giúp kiểm chứng. Tuy nhiên, sự việc này không giúp chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, vì trên thực tế việc cứu trợ xảy ra ở gần bờ biển Việt Nam, họ đã tìm được chiếc thuyền thứ 2 bị lạc sau giữa trưa, hiển nhiên cách bờ biển không quá xa.
Nội dung khác trong “Châu bản” còn có 12 bản ghi chép về việc đội Hoàng Sa hàng năm đều được phái đi tới Hoàng Sa làm nhiệm vụ trong thời gian từ năm Minh Mệnh thứ 14 đến năm thứ 19 (1833-38), điều này có thể xem là bằng chứng về việc Việt Nam liên tục thi hành chủ quyền đối với Hoàng Sa. Những việc này đều được ghi chép trong “Đại nam thực lục”, có thể kiểm chứng và bổ sung tình tiết cho nhau, ở đây chỉ trích dẫn hai bản. Ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 16 (năm 1835, hình 114):
Văn bản này giao cho tam pháp ti cùng nhau xem xét, rồi tấu trình lại đầy đủ.
Lại hôm trước, nội giám Nguyễn Ân chuyển truyền cật vấn bề tôi [Nội] các về việc lần này các lính thợ được sai đi Hoàng Sa trở về quá hạn. Cai đội Phạm Văn Nguyên hay bất cứ ai không phân biệt có điều gian trá, phải nói thật. Nếu có điều cá biệt phải giao cho bộ Hình nghị tội, nếu không thì lập tức tha cho Phạm Văn Nguyên không phạt đòn 80 trượng và khôi phục lại chức cũ. Viên Giám thành vẽ bản đồ không rõ ràng bị phạt đòn 80 trượng nhưng đều được tha. Các tên dẫn đường đều được thưởng 3 mai tiền bạc, binh đinh được thưởng 1 quan tiền . Dân phu [đi trong đợt này] nếu chưa được miễn trừ lệ thuế cũng được thưởng mỗi tên 1 quan tiền.
Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi Hoàng Sa, trở về chậm trễ, đã có chỉ giao cho Bộ trị tội. Nhưng qua tra xét, chưa thấy có biểu hiện gian trá. Vả lại, lần này được phái đi ra biển thực hiện công vụ chu đáo, rất đáng được dự thưởng. Duy quản viên Phạm Văn Nguyên khi trở về, có sự tự mãn, đi lại rất không hợp cách, trước đã bị cách chức, bị bắt gông. Nay giao cho Bộ xét phạt đánh đòn 80 trượng nhưng gia ân tha, cho khôi phục lại chức cũ. Các tên có trách nhiệm vẽ bản đồ nhưng chưa rõ ràng là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng cũng bị phạt 80 trượng nhưng gia ân tha cho. Các tên dẫn đường là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh đều được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ 3 mai. Các tên lính thợ đi đợt này đều được thưởng tiền 1 quan, cho về đơn vị cũ. Các dân phu do tỉnh cũ phái đi, trừ 2 tên đã được thưởng tiền, số còn lại đều được thưởng tiền mỗi người 1 quan để tỏ rõ sự ưu ái. Vậy kính tâu trình.
Hình 114: Tuyển tập châu bản, ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 16.
Nội dung châu bản cho thấy, đối với người được phái người ra Hoàng Sa nhà Nguyễn có thưởng có phạt, có thể thấy loại hành động này ở Hoàng Sa hoàn toàn xuất phát từ ý chí nhà nước, và cũng chịu sự quản lí hành chính chính thức.
Ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838, hình 115):
Bộ Công tâu, nay tiếp nhận bộ ti Đỗ Mậu Thường, thị vệ Lê Trọng Bá thuộc bộ thần được phái đến Hoàng Sa trở về. Bộ thần đã hỏi qua. Họ nói lần này đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng (trong đó có 12 đảo đã đến đầu năm nay, 13 đảo chưa từng đến được). Nhưng theo tên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được 3 vùng, còn 1 vùng ở phía nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió nam lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm (cử thuyền) đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về, (có 3 bản vẽ riêng, 1 bản vẽ chung) xem qua chưa được rõ ràng. Lại cũng có một bản nhật kí chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ thần thẩm tra kĩ và lệnh cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình. Lại theo những người này tường trình thì trong chuyến đi này họ đã thu được 1 súng đại bác bọc đồng, các loại đá san hô đỏ, mai rùa, các loại chim. Nay đã mang về. (Chúng thần) dám xin làm tờ tâu trình sơ lược.
Bản ghi chép này cho thấy Việt Nam đã khảo sát và lập bản đồ 25 hòn đảo ở Hoàng Sa, và vẽ được 4 bản đồ. Cách đo vẽ này là tương đối chi tiết.
Hình 115: Tuyển tập Châu bản, ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19.
4. Những ghi chép thời sau vua Minh Mệnh
Những năm thời Thiệu Trị, mặc dù những ghi chép về Hoàng Sa trong chính sử giảm đi, nhưng từ “Châu bản” vẫn có thể thấy hoạt động của thủy quân và đội Hoàng Sa. Ngày 26 tháng 1 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Bộ Công dâng biểu:
Vâng sắc giao cho Bộ lưu giữ hồ sơ ghi ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) hoãn việc phái (người) đi thăm dò Hoàng Sa, đến năm sau phúc trình lại đợi chỉ. Kính tâu.
Ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Bộ Công dâng biểu báo cáo Hoàng đế cần phải hoãn một chuyến đi biển, Hoàng đế phê chuẩn.
Bộ Công tâu, chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thông thuộc lộ trình đường biển. Ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), vâng theo lời vua huấn thị: năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), hoãn việc phái đi, đến năm sau phúc trình lại. Xin kính tâu. Ngày tháng giêng năm nay, bộ thần đã phúc trình đầy đủ, được châu phê cho dừng lại. Xin kính tâu. Đầu xuân, đã đến kì khảo sát. Điều cần thiết là phải chuẩn bị đầy đủ trước. Nhưng xét thời gian này việc công quá bận rộn, xin dừng việc đi khảo sát đầu xuân năm nay, đợi năm sau phúc trình lại. Vậy kính tâu trình đợi chỉ, (để) chiểu theo thi hành. Xin kính tâu.
Hai châu bản này bổ sung cho nhau. Những năm Thiệu Trị, hoạt động ở Hoàng Sa tuy vẫn tiếp tục, thế nhưng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng trễ nải. Đến thời Tự Đức, không còn có nhiều ghi chép về Hoàng Sa. Năm 1867, một nhóm thành viên đội Hoàng Sa bị mất tích ở Hoàng Sa, Hoàng đế ban cho họ danh hiệu anh hùng. Ngày 22 tháng 12 năm 1869, có tấu báo về việc thuyền buôn từ Phúc Kiến đến chở theo 540 người gặp nạn ở Hoàng Sa được các quan giải cứu. Tuy nhiên, người viết không tìm thấy văn bản gốc, do đó không thể khẳng định ngữ cảnh chân thực của việc này như thế nào. Sau đó, không có ghi chép chính thức nào về Hoàng Sa.
5. Những ghi chép lịch sử khác
Ngoài những ghi chép trong chính sử và tấu chương, cũng có thể tìm thấy những ghi chép về Hoàng Sa trong một số thư tịch lịch sử chính thức khác của Việt Nam. Phần lớn trong số đó đều lặp lại những ghi chép như phần trên, nhưng cũng có một số có thông tin mới. Ở đây đưa ra 2 ví dụ:
“Việt sử cương giám khảo lược” [越史綱鑒考略]: Triều Tự Đức bắt đầu biên soạn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”[欽定越史綱鑒綱目], sách này hoàn thành năm 1859, sau đó tiếp tục được viết thêm vào các năm 1871,1872, 1878…, đến năm Kiến Phúc thứ nhất (1884) được khắc in. Nguyễn Thông là một trong số những chủ biên. Ngoài việc biên tập và hiệu đính sách này, ông còn biên soạn cuốn khác là “Việt sử cương giám khảo lược” (1877), trong đó có ghi chép về Vạn Lí Trường Sa:
Vạn Lí Trường Sa
Vạn Lí Trường Sa thuộc đảo Lí Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (tục gọi là Ngoại Lao, người Trung Quốc nói là Ngoại La). Đi thuyền theo hướng đông chỉ 3 ngày đêm đến nơi. Nước Đại Việt ta thường chọn người đinh tráng ở hai xã An Hải và An Vĩnh đưa vào đội Hoàng Sa để thu lượm hải sản, mỗi năm cứ tháng 2 ra đi, tháng 8 trở về.
Bãi cát này từ đông tới nam, chỗ nổi lên chỗ chìm xuống, không biết mấy ngàn mấy trăm lí, ở giữa có những vùng nước sâu, tàu thuyền có thể đậu được. Trên bãi có nước ngọt, chim biển phần nhiều không biết gọi tên gì. Có ngôi miếu cổ lợp ngói, có tấm biển khắc 4 chữ “Vạn lí ba bình” (muôn dặm sóng yên), không rõ xây từ thời nào. Quân lính ra đó thường mang các thứ cây trái phương Nam tới gieo trồng xung quanh miếu để dễ nhận biết. Từ ngày đội Hoàng Sa bị bãi bỏ cho đến nay không còn ai đến đó nữa. Trong truyện kí tích xưa, thường nói đến những thắng cảnh của “10 châu 3 đảo” ở ngoài biển. Ngày nay xem ra, không thể bảo rằng không có những đất như thế, nhưng cho đó là chốn của thần tiên thì thật là sai lầm.
Tác phẩm này gọi phạm vi hoạt động của đội Hoàng Sa là “Vạn Lí Trường Sa”, nhưng từ lời ghi chép thấy rằng rõ ràng địa điểm này chính là Hoàng Sa vốn liên tục được chính sử nhắc đến. Ở đây nói đến “Từ ngày đội Hoàng Sa bị bãi bỏ cho đến nay không còn ai đến đó nữa” cho thấy vào năm 1877 hoạt động của đội Hoàng Sa đã ngưng lại một khoảng thời gian. Vì vậy, những năm 1860 có thể là thời gian đội Hoàng Sa kết thúc hoạt động.
“Đại Nam nhất thống chí” [大南一統志] là một bộ sách khác bắt đầu được biên soạn dưới thời Tự Đức. Sách này bắt đầu được biên soạn từ năm 1865, đến năm 1882 hoàn thành. Nhưng năm đó vua Tự Đức mất, sau đó Pháp đến xâm lược, nên mãi không được công bố. Cho đến năm 1910 mới chính thức xuất bản. Là một sách địa lí chính thức, Hoàng Sa cũng được nhắc đến trong đó (Hình 116).
Hình 116: “Đại Nam nhất thống chí”.
Hình thế. Phía đông có đảo Sa (đảo Hoàng Sa) nằm ngang, lấy biển xanh làm ao, phía tây phòng ngự Sơn Man quấy nhiễu, có lũy đá dài để giữ cho vững chắc; phía nam giáp đèo Bến Đá (Bình Định) đường nẻo yếu xung; phía bắc tiếp giáp động cát Quảng Nam chia làm giới hạn.
形勢。東橫沙島【黄沙岛】連滄海以為池,西控山變,砌長壘一為 固,南鄰平定,石津崗當其沖,北接廣南,沙土攤為之隐。
(Hình thế. Đông hoành Sa đảo (Hoàng Sa đảo) liên thương hải dĩ vi trì, tây khống Sơn biến, nam lân Bình Định, Thạch Tân cương đương kì trùng, bắc tiếp Quảng Nam sa thổ than vi chi hạn.)
Đảo Lí Sơn. Ở ngoài biển phía đông huyện Bình Sơn, thường gọi là cù lao Ré, bốn phía cao, ở giữa trũng, rộng vài chục mẫu…
Đảo Hoàng Sa. Ở phía đông cù lao Ré, từ bờ biển Sa Kì, lên thuyền ra khơi, thuận gió thì 3, 4 ngày sẽ đến nơi. Trên đảo có núi la liệt hơn 130 ngọn, cách nhau một ngày hoặc vài canh đường. Trên đảo có bãi Hoàng Sa (Cát Vàng) kéo dài không biết mấy ngàn lí, thường gọi là Vạn Lí Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt, chim tụ tụ tập thành bầy không biết bao nhiêu mà kể. Lại có các sản vật như: hải sâm, đại mội (đồi mồi), văn loa (ốc có vằn) và ngoan miết (ba ba). Hàng hóa của tàu thuyền bị nạn do gió đều tập trung ở đây. Vào đầu triều chúa Nguyễn có lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào. Thường năm vào độ tháng 3 cho ghe ra biển tìm lấy hải vật nơi ấy, qua tháng 8 chạy vào cửa biển Tư Hiền dâng nạp. Lại đặt đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản đến các đảo Bắc Hải và Côn Lôn tìm bắt hải vật. Phía đông đảo này gần phủ Quỳnh Châu thuộc tỉnh Hải Nam, nước Trung Hoa. Đầu thời Gia Long cũng phỏng theo chế độ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau đó bãi bỏ. Đầu thời Minh Mệnh, binh thuyền thường được sai đến nơi đó để dò xét hải trình.
“Đại Nam nhất thống chí” là tác phẩm địa lí chính thức của Việt Nam, tính chất của nó tương đương với “Đại Thanh nhất thống chí” [大清一 統志], không phải nghi ngờ về tính quyền uy của nó. Khi giải thích câu đầu tiên của đoạn trích trên, chuyên gia Trung Quốc thường nói chữ “hoành” (橫) trong “đông hoành sa đảo” (東橫沙島) là chữ khác của chữ “hoàng” (黃). Thật ra chữ “hoành” (橫) ở đây là một động từ, “Đông hoành” (東橫) tương ứng với các động từ tiếp sau đó như tây khống (西控), nam lân (南鄰), bắc tiếp (北接). Còn “đảo Hoàng Sa” là giải thích cho hai chữ “đảo Sa”. Vì vậy, “phía đông có đảo Hoàng Sa nằm ngang, lấy biển xanh làm ao” là mô tả đảo Hoàng Sa và đất liền của tỉnh Quảng Nam ở giữa có vùng biển lớn ngăn cách làm ao. Vùng biển này tất nhiên là vùng biển lớn, nếu không thì không thể gọi là “thương hải”. Như vậy, đảo Hoàng Sa tất nhiên là nơi cách bờ tương đối xa, và bản thân nó cũng rộng bao la, nên về căn bản không thể là cồn cát (沙州: sa châu) nhỏ rất gần bờ biển. Hơn nữa, đoạn thứ 2 và đoạn thứ 3 cho thấy về mặt chính thức, Việt Nam phân biệt rất rõ ràng nhóm đảo Lí Sơn và Hoàng Sa, không có chuyện “nói nhập làm một” như chuyên gia Trung Quốc nhận định. Trong đoạn thứ 3, Hoàng Sa, Vạn Lí Trường Sa và đội Hoàng Sa các thời kì Gia Long và Minh Mệnh cũng lại được liên hệ với nhau, cho thấy nơi đội Hoàng Sa đi đến khi đó chính là bãi Cát Vàng (Hoàng Sa chử) được chép trong “Phủ biên tạp lục”.
Ngoài ra, năm 1832 viên quan ngoại giao Việt Nam Lí Văn Phức đi sứ Philippines. Trong lời tựa bài thơ “Vọng kiến Vạn Lí Trường Sa tác” trong “Ðông hành thi thuyết thảo”, ông mô tả địa lí quần đảo Hoàng Sa, và cũng mô tả cả tình huống nguy hiểm của tàu thuyền ở khu vực này:
Vạn Lí Trường Sa là một gò cát trắng từ biển nổi lên, tây giáp hải phận trấn Quảng Ngãi, đông giáp hải phận nước Lữ Tống, bắc giáp hải phận hai tỉnh Quảng Ðông và Phúc Kiến. Kéo dài và trải rộng không dứt, không thể đo được. Đó là chỗ nguy hiểm nhất có tiếng từ xưa đến nay…
Ngày 14 tháng 5 năm Nhâm Thìn (1832), thuyền (Định Tường) rời ranh giới Quảng Ngãi, vào hải phận trấn Bình Định. Trù tính không lầm, một đường đi thẳng, lấy hướng kim Mẹo-Ất (đông, hơi xế nam) mà tiến. Không ngờ gió ngược, nước xiết, thuyền không tiến được. Giữa trưa hôm sau, ngước lên thấy bãi cát, màu cát lờ mờ, khắp chân trời đều trắng…
Lữ Tống ở đây là chỉ đảo Luzon (Philippines), nó nằm khoảng ở ngay phía đông tỉnh Quảng Ngãi (Việt Nam); giữa hai nơi đó là Hoàng Sa và Trung Sa. Miêu tả “phía bắc giáp với hải phận hai tỉnh Quảng Ðông và Phúc Kiến” cũng cho thấy thêm một bước rằng Vạn Lí Trường Sa mà ông nói đến chính là Hoàng Sa, vì chỉ có Hoàng Sa mới có thể “phía bắc giáp tỉnh Quảng Đông”.
Từ hành trình thuyền của ông, có thể thấy rằng ban đầu ông đi chếch về phía nam đến vùng biển tỉnh Bình Định, rồi đi men theo phía đông (Mão tức là chính đông, Ất tức là chính đông xế nam). Từ bản đồ có thể biết rằng tỉnh Bình Định (Việt Nam) và Manila (Philippines) về cơ bản cùng vĩ độ, do đó đi theo hướng đông chính là đi theo đường thẳng. Đường thẳng này nằm cách ở không xa Hoàng Sa và Trung Sa về phía nam, cách phía bắc Trường Sa một khoảng cách nhất định. Vì vậy, Vạn Lí Trường Sa ở đây chính là chỉ quần đảo Hoàng Sa.
4.4. BÃI CÁT VÀNG TRONG BẢN ĐỒ VIỆT NAM
Lấy năm triều Nguyễn thành lập (1802) làm ranh giới, cách vẽ Nam Trung Bộ Việt Nam trong bản đồ cổ do chính Việt Nam vẽ chia thành hai dạng thức hoàn toàn khác nhau. Các bản đồ trước triều Nguyễn phần lớn do chính quyền phía Bắc vẽ, họ biết rất ít địa lí phía Nam. Vì vậy, trên các bản đồ này, nếu có bao gồm phạm vi Nam Trung Bộ Việt Nam, thì phần lớn đều vẽ không chính xác các đảo ngoài biển. Điều này tất nhiên có liên quan đến cách vẽ các đảo ngoài biển của bản đồ kiểu phương Đông. Theo truyền thống phương Đông, khi vẽ các đảo ngoài biển thì “trọng ý không trọng thực”, dù đảo có hình dạng thế nào, phần lớn đều được biểu thị bằng khuyên tròn, và độ chính xác về vị trí của nó cũng chỉ lấy vị trí tương so với bờ biển làm chuẩn, còn khoảng cách tới bờ biển đất liền thì không đòi hỏi chuẩn xác. Do đó, trên những bản đồ này, dù phần đất liền, thậm chí đường bờ biển trên đất liền được vẽ tương đối chính xác, nhưng các đảo ở vùng biển xa lại có sự biến dạng rất lớn (xem phần 3.6).
Đối với bản đồ Việt Nam trước triều Nguyễn có thể dùng các bản đồ trong “Toản tập thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” và “Giao Châu chí∙Quảng Nam xứ đồ” [交州志·廣南處圖] (bản vẽ lại thời Minh Mệnh), “Lê triều quá Quảng Nam lộ đồ” [黎朝過廣南路圖] (vẽ lại theo “Thiên nam lộ đồ” năm 1741) và “Lê triều quá Quảng Nam lộ đồ” (Gustave Dumoutier vẽ lại) do Gustave Dumoutier để lại đã phân tích trong phần 4.2.2 làm đại biểu. Như phần trước đã trình bày, trên những bản đồ này, bãi Cát Vàng (Hoàng Sa than) đều được vẽ thành khu vực trải dài từ bắc tới nam đối diện bờ biển Việt Nam. Chuyên gia Trung Quốc có lí phần nào khi vin vào việc bãi Cát Vàng trên những bản đồ này được vẽ quá gần bờ biển để phủ nhận đó là quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, khi đánh giá theo tiêu chuẩn bản đồ phương Đông cổ, đặc biệt là cách vẽ Trường Sa và Thạch Đường trên bản đồ cổ của Trung Quốc, thì lại khó thể phủ nhận hoàn toàn những đảo này là quần đảo Hoàng Sa.
“Đại Nam nhất thống toàn đồ” [大南一統全圖]được vẽ khoảng thế kỉ 19 là một tấm bản đồ quan trọng khác. P.A. Lapicque người Pháp lần đầu công bố tấm bản đồ này trong bài viết “Bàn về quần đảo Paracels” (A propos des îles Paracels) năm 1929 (hình 117). Theo cuốn sách này, bản đồ này là bản đồ nằm trong sách “Hoàng Việt dư địa chí” [皇越地輿誌] in năm 1834. Không thể định được thời gian cụ thể mà tấm bản đồ này được vẽ. Theo chuyên gia Việt Nam Vũ Long Tê, tấm bản đồ này là bản sao nguyên gốc bản đồ do Trợ lí Phó Thủ tướng kiêm liên lạc viên quốc hội Chu Ngọc Thôi sưu tập, đồng thời do năm 1838 Việt Nam mới công bố quốc hiệu “Đại Nam”, do đó ông khẳng định bản đồ này là sau năm 1838, vì “tấm bản đồ này có thể là tác phẩm của cá nhân hoặc tập thể Quốc Sử quán, nơi chuyên phụ trách biên soạn sách lịch sử địa lí chính thức của triều Nguyễn trước thời Pháp thuộc”.
Các học giả Trung Quốc như Lí Kim Minh… đưa ra nghi vấn về tính xác thực của bản đồ vì đó là một “bản sao không chính thức do tư nhân lưu truyền mà không rõ người vẽ, không rõ thời gian vẽ, giống như đây là loại dư đồ do tư nhân vẽ, có thể dùng để bình luận về trình độ học thuật hay dở của người vẽ bản đồ, nhưng về pháp lí không nhất định là bằng chứng đầy đủ”. Tính chân thực của bản đồ không nằm trong phạm vi thảo luận của cuốn sách này, trừ phi có chứng cứ hoàn toàn xác thực, sách này nói chung là ngầm thừa nhận những tư liệu này là thật. Người viết từ trước đến nay không cho rằng chỉ dựa vào một tấm bản đồ thì có thể lấy làm bằng chứng để phán đoán một quốc gia sở hữu một đảo nào đó. Tuy nhiên, bản đồ do tư nhân vẽ có giá trị sử liệu, chứ không chỉ đơn giản là để “bình luận về trình độ học thuật hay dở của người vẽ bản đồ”. Đại bộ phận tác phẩm địa lí mà phía Trung Quốc đưa ra đều là tác phẩm tư nhân, nhưng chuyên gia Trung Quốc hoàn toàn không coi đó là điều ngại trong việc dùng chúng để chứng minh Trung Quốc có chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể thấy Lí Kim Minh cũng lại áp dụng tiêu chuẩn kép ở đây.
Bản đồ này vẽ phần đất liền Việt Nam có độ chính xác rất cao. Ngoài bờ biển Nam Trung Bộ Việt Nam, có một quần đảo phân bố từ nam đến bắc với đường chấm chấm (không rõ ý nghĩa) bao quanh bên ngoài các đảo, bao gồm hầu hết các đảo của quần đảo, ngoại trừ một một số ít ở phía nam. Đầu phía bắc quần đảo có ghi hai chữ “黃沙” (Hoàng Sa), phần phía Nam quần đảo có ghi 4 chữ “萬里長沙” (Vạn Lí Trường Sa). Toàn bộ quần đảo ở phía nam đảo Hải Nam.
Nhìn lướt qua, hình dáng quần đảo này rất giống với bãi Cát Vàng trong các bản đồ phía trên, nhưng nếu chú ý tới tỉ lệ thì quần đảo này là dài hơn so với bãi Cát Vàng, phía bắc cơ bản là giống với bãi Cát Vàng, phía nam kéo dài đến khu vực tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa là tỉnh của Việt Nam nằm đối diện với quần đảo Trường Sa, trong quy hoạch hành chính của Việt Nam, quần đảo Trường Sa hiện thuộc về tỉnh Khánh Hòa, vĩ độ của Hoàng Sa và Trường Sa về cơ bản trùng khớp vĩ độ của Tây Sa và Nam Sa.
Hình 117: “Đại Nam nhất thống toàn đồ”.
Đáng nghi vấn hơn là kinh độ, cũng tức là khoảng cách của hai quần đảo này đến bờ biển Việt Nam. Nếu dùng tiêu chuẩn của bản đồ hiện đại, hai quần đảo này đều gần bờ biển Việt Nam so với thực tế. Hoàng Sa phải nằm ở xa hơn về phía đông một chút so với đảo Hải Nam, còn Trường Sa phải cách xa bờ biển Việt Nam hơn. Tuy nhiên, như đã nhiều lần nhấn mạnh ở các phần trên, bản đồ cổ phương Đông vẽ vị trí các đảo ngoài biển không chính xác, do đó những đảo này “trọng ý không trọng thực”. Điều mà những bản đồ này muốn biểu đạt là có một đảo (hoặc quần đảo) nào đó nằm ngoài bờ biển hoặc ở vùng biển xa nào đó, chứ không mong đợi người ta dựa vào bản đồ này để có thể tìm ra những đảo này, do đó tuyệt đối không thể dùng tiêu chuẩn bản đồ hiện đại để xác định vị trí thực sự các đảo trong bản đồ cổ. Nếu xem “Hải quốc đồ chí” [海國圖志] và “Doanh hoàn khảo lược” [瀛寰考略] cùng thời kì (xem phần 5.3), thì sẽ thừa nhận tính chính xác của hai quần đảo này trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ” còn cao hơn các bản đồ của Trung Quốc cùng thời kì. Vì vậy, nói hai đảo này lần lượt chỉ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là điều có thể chấp nhận được.
Lí Kim Minh còn cho rằng cách vẽ hai quần đảo này rất giống cách vẽ quần đảo Paracel trong bản đồ của phương Tây trước năm 1820, mà vào thời kì này, quần đảo Paracel ở khu vực này hoàn toàn không phải là quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Như phân tích trong phần 4.1.2, các bản đồ của phương Tây trước thời kì 1810-20, rõ ràng đều đã vẽ một quần đảo theo hướng từ nam đến bắc ở phía đông bờ biển Việt Nam, nhưng thực tế không hề có những quần đảo đó, ở phía đông bờ biển Việt Nam hoàn toàn không có phân bố chuỗi đảo như thế. Điều này là do kết quả của sự hỗn loạn và nghe sai truyền sai xảy ra trong quá trình người phương Tây vẽ bản đồ từ không chính xác (theo tiêu chuẩn hiện nay) đến chính xác. Mặc dù không thể hoàn toàn loại trừ khả năng “Đại Nam nhất thống toàn đồ” đã tham khảo một số bản đồ của phương Tây, nhưng từ toàn bộ bản đồ có thể thấy rằng đó vẫn là một bản đồ kiểu phương Đông. Mục 4.2 và 4.3 đã đưa ra nhiều loại tư liệu có thể cho thấy rằng khi đó Việt Nam đã biết đến quần đảo Hoàng Sa, còn bên ngoài bờ biển Việt Nam cũng không có quần đảo có phạm vi rộng nào khác có thể gọi là Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, không có lí do để cho rằng người Việt Nam đã vẽ những đảo không có thực vào bản đồ của mình. Chỉ dựa vào sự hao hao (chứ không phải giống nhau) để lập tức cho rằng hai quần đảo vẽ trên bản đồ này là những quần đảo không tồn tại là võ đoán. Rất có thể tác giả đã biết quần đảo Trường Sa, cũng biết rõ nó ở ngoài biển tỉnh Khánh Hòa, nhưng không rõ vị trí cụ thể, nên đã vẽ quần đảo Trường Sa vào vị trí này (hoặc có tham khảo thêm cách vẽ khu vực nguy hiểm Paracel của phương Tây).
Vậy thì bản đồ này có biểu thị Hoàng Sa và Vạn Lí Trường Sa là một bộ phận thuộc Việt Nam hay không? So với bản đồ của Trung Quốc, sự quy thuộc của Hoàng Sa và Vạn Lí Trường Sa vào Việt Nam được bản đồ này biểu đạt rõ ràng hơn. Trong bản đồ này, Hoàng Sa và Vạn Lí Trường Sa đều không bị lẫn trong các địa danh nước ngoài. Chỉ có hai nước ngoài là Xiêm La và Yêm Muộn đều ở phía tây, hơn nữa tách biệt rất rõ ràng với lãnh thổ Việt Nam. Tồn tại nghi vấn duy nhất là trên bản đồ này có chữ cù lao Hải Nam (岣勞海南: đảo Hải Nam). Bản đồ này không thể hiện tách bạch đảo Hải Nam với lãnh thổ nước Việt Nam, thậm chí còn có thể khiến đảo Hải Nam bị nghi ngờ là thuộc về Việt Nam.
Đảo Hải Nam chắc chắn là lãnh thổ của Trung Quốc vào lúc đó, cách xử lí của bản đồ này đối với đảo Hải Nam như vậy rõ ràng là sai. Nguồn cội của “sai sót” này có thể là do người Việt Nam luôn luôn cho rằng đảo Hải Nam là đất cũ của mình. Ví dụ như Vũ Hải Hạc trong bài “Chủ quyền rõ ràng, không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” có nói “Hải Nam trước đây là một đảo của nước Nam Việt, thời Hán Vũ đế đảo này bị cướp đoạt rồi chia thành hai châu của Trung Quốc”. Trong lịch sử, Việt Nam luôn có mong muốn lấy lại Hải Nam. Trong thời chiến tranh Trung-Pháp, tộc Lê ở Hải Nam khởi nghĩa, và có người Việt Nam cho rằng Pháp khi đó đã bỏ lỡ cơ hội khi không thay Việt Nam ra tay “thu phục” đảo Hải Nam. Vì vậy, việc “Đại Nam nhất thống toàn đồ” vẽ đảo Hải Nam lên bản đồ, lại còn dùng tên gọi của Việt Nam (岣勞海南: cù lao Hải Nam), có thể đã phản ánh ý đồ của tác giả. Không thể phủ nhận kiểu cách biểu đạt này là không phù hợp với hiện thực, nhưng điều này không hề làm suy giảm ý đồ của tác giả rằng “Hoàng Sa” và “Vạn Lí Trường Sa” thuộc Việt Nam, cũng không làm suy giảm ý thức chủ quyền mà tấm bản đồ này muốn biểu đạt.
Hình 118: “Đại Nam toàn đồ” (1839).
Đại Nam toàn năm 1839 (Nguyễn) thể hiện rõ hơn hệ thống sông Mê Kông và Biển Hồ ở Campuchia (phía tây nằm ở trên cùng), được vẽ theo phong cách Châu Âu.
Ảnh đo Thư viện Hamilton, Đại học Hawaii ở Manoa, Honolulu (bộ sưu tập vi phim, A.2559) cung cấp
Hình 119: “Đại Nam nhất thống địa đồ” (thập kỉ 1860).
Hình 120: Bản đồ đính kèm theo trong “Đại Nam nhất thống chí”.
Người viết luôn cho rằng cần phải nắm bắt bằng chứng về bản đồ một cách tổng thể, ngoài việc xem bản đồ “chiếm hữu” một khu vực nào đó, cũng cần xem bản đồ cùng thời “không chiếm hữu” một khu vực nào đó, như vậy mới có thể phản ánh chính xác nhận thức thực tế khi đó.
Trong số các bản đồ của Việt Nam vào giữa và nửa sau thế kỉ 19, người viết đã tìm thấy 3 tấm bản đồ không bao gồm Hoàng Sa và Vạn Lí Trường Sa. Tấm thứ nhất là “Đại Nam toàn đồ” [大南全圖] năm 1839 (hình 118), khả năng là một tác phẩm của tư nhân; tấm thứ hai là “Đại Nam nhất thống địa đồ” [大南一統地圖] những năm 1860 (hình 119), là tác phẩm chính thức thời vua Tự Đức (hai tấm bản đồ này đều lấy từ bài viết “Cartography in Vietnam” của Whitmore); tấm thứ 3 là bản đồ toàn thể Việt Nam trong “Đại Nam nhất thống chí” [大南一統志] có uy tín nhất của Việt Nam (hình 120). Ba tấm bản đồ này đều không vẽ Hoàng Sa và Vạn Lí Trường Sa. Điều này cho thấy rằng đại bộ phận các bản đồ của Việt Nam đều không vẽ Hoàng Sa và Trường Sa, trên thực tế, theo người viết được biết, trong các bản đồ vẽ cả nước theo kiểu cũ của Việt Nam chỉ có “Đại Nam nhất thống toàn đồ” là có vẽ Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này làm giảm bớt đáng kể tính tin cậy của mệnh đề rằng bản đồ này cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam.
Trong sách mới xuất bản “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông” của Việt Nam còn sưu tập nhiều các bản đồ của Việt Nam trước thời Nguyễn. Một số bản đồ này đã được đăng trên một số trang web của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ từ những bản đồ này khó thấy được chúng giúp ích thế nào cho việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Dù như thế nào, trước khi chưa thấy toàn bộ thông tin có liên quan, người viết không thể đưa ra bình luận đáng tin cậy.
4.5. NHỮNG GHI CHÉP TRONG TƯ LIỆU PHƯƠNG TÂY CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ QUYỀN HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM
Tên gọi phương Tây của quần đảo Hoàng Sa là Paracel Islands. Các nước phương Tây (chủ yếu là Pháp) có số lượng lớn các ghi chép về quần đảo Paracel. Trong các tư liệu Việt Nam đưa ra có một số có thể cho thấy rằng trong lịch sử có nhiều quốc gia khác thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Trung Quốc không thừa nhận quần đảo Paracel trong lịch sử là quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Theo nghiên cứu ở mục 4.1, Paracels trong lịch sử quả thật có sự thay đổi về phạm vi. Trước năm 1808, Paracels trên các bản đồ của phương Tây được vẽ thành một khu vực hình chiếc ủng cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 km, phân bố theo hướng bắc – nam. Phía bắc của nó (phần đầu) là phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa hiện nay, còn phần phía nam của nó (phần đuôi) thì dừng lại ở Nam Trung Bộ Việt Nam, ngoài phần đuôi còn có một đường nối với các đảo của Bình Thuận. Ở phía đông của phần đầu có một nơi mà ban đầu gọi là bãi Mắt Kính, sau gọi là nhóm Amphitrite, có vị trí địa lí khoảng tại phía đông quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Năm 1808 sau khi thăm dò chính xác vị trí cụ thể của Paracels, phần đầu trước đây trở thành Crescent Group (nhóm Lưỡi Liềm), còn Bãi Mắt kính trở thành Amphitrite Group (nhóm Trăng Khuyết), hai nhóm được gọi chung là Paracels.
Khi tiến hành những phân tích liên quan đến vị trí Paracels trước năm 1810, cần chú ý mấy điểm:
Thứ nhất, do khu vực nguy hiểm Paracel trải ra rất dài từ bắc đến nam nên phải cần đến thông tin khác để xác định vị trí của nó: một là vĩ độ, nếu như nơi xảy ra sự kiện có chú thích rõ vĩ độ, ví dụ nói là gần 17° vĩ bắc thì nơi ấy chắc chắn ở phần đầu quần đảo Hoàng Sa ; hai là khoảng cách với bờ biển, nếu như ở gần bờ, chẳng hạn trong khoảng 100 km, thì phần nhiều có thể xác định ở tại phần đuôi.
Thứ hai, cần phân biệt loại sự kiện được nói đến thuộc loại chỉ đi qua Paracels hay loại gặp nạn trên biển. Nếu loại gặp nạn trên biển, thì phần lớn xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa, vì chỉ có khu vực quần đảo Hoàng Sa mới là khu vực dễ xảy ra tai nạn trên biển.
1. “Hồi kí về xứ Đàng Trong” của Chaigneau (1820)
Jean Baptiste Chaigneau, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thắng, là sĩ quan hải quân, nhà phiêu lưu người Pháp thế kỉ 19, cũng là tướng của triều Nguyễn Việt Nam. Từ năm 1794 ông bắt đầu góp sức cho Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long sau này), giúp Gia Long lật đổ chính quyền họ Nguyễn Tây Sơn lập nên triều Nguyễn. Sau đó, Chaigneau trở thành đại tướng và tham tán của triều Nguyễn, được ban cho tên là Nguyễn Văn Thắng. Năm 1819 ông về Pháp một thời gian ngắn, và từ năm 1821 đến năm 1824 trở lại Việt Nam với tư cách là Lãnh sự của Pháp tại Việt Nam.
Năm 1820, Chaigneau viết “Hồi kí về xứ Đàng Trong” (Le Mémoire sur la Cochinchine). Là người Pháp sống ở Việt Nam lâu năm, ông hết sức am hiểu mọi thứ ở Việt Nam, vì vậy tác phẩm của ông trở thành nguồn sử liệu quan trọng để hiểu về Việt Nam lúc đó. Cuốn sách này có nói tới quần đảo Paracel. Lí Kim Minh trích dẫn thế này:
Xứ Cochin China [Việt Nam] mà quốc vương hiện xưng là Hoàng đế, bao gồm xứ Cochin China thuần tuý [Đàng Trong / Nam Hà- ND], xứ Bắc Kì [Đàng Ngoài / Bắc Hà- ND], một phần Campuchia, một vài đảo có người ở và nhiều đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở hợp lại thành quần đảo Paracel, cách không xa bờ biển. Chỉ đến năm 1816 thì nhà vua hiện nay mới chiếm hữu quần đảo này.
(交趾支那,其國王現稱皇帝,包括交趾支那本部,東京和柬埔寨的 一部分,幾個距海岸不遠的有人居住的島嶼和無人居住的許多小岛淺灘 岩石組成的帕拉塞爾群島。只是到了1816年,當今皇帝才佔有了這一群島.)
(Giao Chỉ Chi Na, kì quốc vương hiện xưng hoàng đế, bao quát GIAO CHỈ CHI NA bổn bộ, Đông Kinh hòa Giản Phố Trại đích nhất bộ phân, ki cá cự hải ngạn bất viễn đích hữu nhân cư trú đích đảo tự [ND nhấn mạnh]hòa vô nhân cư trú đích hứa đa tiểu đảo thiển than nham thạch tổ thành đích Phạ Lạp Tái Nhĩ quần đảo. Chỉ thị đáo liễu 1816 niên, đương kim hoàng đế tài chiếm hữu liễu giá nhất quần đảo.)
Theo giải thích của Lí Kim Minh về đoạn trích này, đó thật ra là bản dịch được phía Việt Nam dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, rồi được người Trung Quốc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung. Dựa theo bản dịch này, các học giả Trung Quốc như Lí Kim Minh cho rằng Paracels chỉ là các đảo nhỏ không xa bờ biển: “Ở đây đã nêu rõ tình trạng của Paracels, là do những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá cách không xa bờ biển Việt Nam hợp thành, và chính những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá cách không xa bờ biển Việt Nam này, bao gồm đảo Bình Thuận (đảo Phú Quý) mà vua Gia Long khi đó đã chiếm lĩnh”.
Tuy nhiên trên thực tế, đoạn văn dịch bên trên là sai. Nguyên văn của đoạn này là (hình 121):
Topographie: Division physique – La Cochinchine dont le souverain porte aujourd’hui le titre d’Empereur, comprend la Cochinchine proprement dite, le Tonquin, une portion du Royaume de Cambodge, quelques îles habitées peu éloignées de la côte et l’archipel de Paracels, composé d’îlots, d’écueils et de rochers inhabités. C’est seulement en 1816, que l’Empereur actuel a pris possession de cet archipel.
peu éloignés de la côte (cách không xa bờ biển) ở đây là mô tả quelques îles habitées (một vài đảo có người ở), không có một chút liên quan đến l’archipel de Paracels (quần đảo Hoàng Sa) nói đến ở phía sau. Tức là cụm từ ‘cách không xa bờ biển’ chỉ là định ngữ cho ‘một vài đảo có người ở’ mà thôi chứ không phải cho cả quần đảo Paracel. Vì vậy, cách dịch chính xác phải là:
Địa hình: Việc phân chia thực tế – Xứ Nam Kì mà quốc vương hiện nay mang danh hiệu Hoàng đế bao gồm xứ Nam Kì thuần tuý (Cochinchine proprement dite), xứ Bắc Kì (Tonquin), một phần Campuchia, một vài đảo có người ở cách không xa bờ biển và quần đảo Paracel, do những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở hợp thành. Chỉ vào năm 1816 thì nhà vua hiện nay mới chiếm hữu quần đảo này.
[Trong tiếng Pháp, nói chung định ngữ đi sau danh ngữ giống như tiếng Việt, còn trong tiếng Trung thì ngược lại. Khi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung, định ngữ “ki cá cự hải ngạn bất viễn” (cách không xa bờ biển) được đặt trước “hữu nhân cư trú đích đảo” (vài đảo có người ở) và dĩ nhiên cũng trước “vô nhân cư trú đích hứa đa tiểu đảo thiển than nham thạch” (những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở). Có lẽ vì vậy mà học giả Trung Quốc hiểu định ngữ “ki cá cự hải ngạn bất viễn” là cho cả hai, quá ăn khớp với ý muốn của họ, không cần kiểm lại bản gốc! Hơn nữa, không rõ hữu ý hay vô tình mà người dịch lại đặt “tổ thành đích Phạ Lạp Tái Nhĩ quần đảo” (hợp thành quần đảo Paracel) ở cuối. Điều này cũng là một nguyên nhân chính yếu cho việc hiểu sai này.- ND]
Đoạn văn này đã xác nhận sự việc năm 1816 vua Gia Long cho tiến hành thăm dò Hoàng Sa được ghi trong “Đại Nam thực lục”. Rõ ràng, đoạn văn này đã xác nhận rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với “quần đảo Paracel” khi đó.
2. “Nhật kí đi sứ Xiêm La (Thái Lan) và Cochin China” của Crawfurd (1830)
John Crawfurd là nhà khoa học, nhà lịch sử, nhà Đông phương học và nhà chính trị ngoại giao Đông Nam Á người Anh đầu thế kỉ 19. Bản thân ông từng đảm nhận chức Toàn quyền Anh ở Singapore (1823-1826), trong những năm 1821-1822 ông thay mặt chính phủ Anh ở Ấn Độ đi sứ Xiêm La và Cochin China (Việt Nam) và sưu tập tư liệu để viết thành cuốn “Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China” (Nhật kí đoàn sứ của toàn quyền ở Ấn Độ đi Xiêm La và Cochin China). Năm 1826 ông đi sứ Miến Điện, ông đã viết nhật kí đi sứ rất chi tiết. Những tác phẩm này cũng là tư liệu gốc để nghiên cứu lịch sử lục địa Đông Nam Á khi đó. Phần ghi chép về địa lí và lịch sử Đông Nam Á trong các sách đó rất có sức thuyết phục.
Trong “Nhật kí đi sứ Xiêm La và Cochin China” ông đã ghi chép về địa lí Việt Nam, cũng nói tới lãnh thổ ven biển của Việt Nam (hình 122). Ông viết:
Hình 122: Nhật kí đi sứ Xiêm La và Cochine China” (Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China.
In the China Seas, the only considerable islands belonging to Cochin China, are Pulo Con-dore, Pulo Can-ton, correctly, Col-lao Ray, and Cham-col-lao properly Col-lao Cham. All that I know of these has been already given in the Journal. Besides these, the King of , in 1816, took possession of the uninhabited and dangerous archipelago of rocks, islets, and sand-banks, called the Paracels, which he claims as part of his dominions, and over which his authori ti is not likely to be disputed.
(Ở biển Trung Hoa (biển Đông), các đảo đáng kể thuộc Cochin China chỉ có đảo Côn Lôn, đảo Quảng Đông chính xác hơn là Cù lao Ré (Lí Sơn) và cù lao Chàm. Tất thảy những gì mà tôi biết về chúng đã được viết trong cuốn Nhật kí này. Ngoài những đảo này ra, năm 1816, vua đã chiếm lấy một quần đảo không có người ở và hiểm trở bao gồm nhiều mỏm đá, đảo nhỏ, bãi cát… gọi là Paracels mà nhà vua tuyên bố quần đảo này là phần thuộc quyền thống trị của ông và thẩm quyền của ông đối với nó hầu như sẽ không bị tranh chấp).
Ghi chép của Crawfurd về việc Việt Nam chiếm hữu Paracels khớp với ghi chép trong “Đại Nam thực lục” và “Hồi kí về xứ Đàng Trong”.
3.“Hoàn vũ, lịch sử và mô tả về tất cả các dân tộc cũng như tôn giáo và phong tục, tập quán của họ” của Taberd năm 1833
Jean-Louis Taberd là nhà truyền giáo đạo Thiên chúa đã tiến hành truyền giáo ở Việt Nam từ năm 1820, hoạt động ở Việt Nam lâu đến 13 năm. Cho đến năm 1833 khi vua Minh Mệnh bắt đầu cấm đạo Thiên chúa, Taberd mới quay trở về nước Pháp. Ông là một học giả có tri thức phong phú, biên soạn “Tự điển Latin-Việt Nam” và “Tự điển Việt Nam-Latin” là tự điển tiếng Việt có uy tín nhất khi đó. Ông còn biên soạn một số sách về lịch sử và địa lí Việt Nam, chúng đều trở thành sử liệu để tìm hiểu xã hội Việt Nam lúc đó.
Theo phía Việt Nam, trong tác phẩm “Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, mœurs et coutumes” (Hoàn vũ, lịch sử và mô tả về tất cả các dân tộc cũng như tôn giáo và phong tục, tập quán của họ) năm 1833, có viết:
Nous n’entrerons pas dans l’énumération des principales îles dépendantes de la Cochinchine; nous ferons seulement observer que depuis plus de 34 ans l’archipel des Paracels nommé par les Annamites Cát Vàng ou Hoàng Sa (sable jaune) véritable labryrinthe de petits îlôts, de rocs et de bancs de sable justement redoutés des navigateurs a été occupé pas les Cochinchinois.
Nous ignorons s’ils y ont fondé un établissement, mais il est certain que l’empereur Gia Long a tenu à ajouter ce singulier fleuron à sa couronne, car il jugea à propos d’en aller prendre possession en personne, et ce fut en l’année 1816 qu’il y arbore solennellement le drapeau cochinchinois.
(Chúng tôi không đi vào việc liệt kê những đảo chính của xứ Cochinchine (Đàng Trong / Việt Nam). Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracel được người Việt Nam gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa, một mê cung gồm rất nhiều hòn đảo, mỏm đá và bãi cát chỉ làm cho những người đi biển e ngại đã được người Việt xứ Đàng Trong chiếm cứ.
Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không, nhưng điều chắc chắn là hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa độc đáo đó vào vương miện của Ngài, vì Ngài xét thấy đúng lúc để tự mình chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa, và chính vào năm 1816 Ngài đã long trọng treo lá cờ của xứ Đàng Trong ở đó.)
Ở đây ông nói Việt Nam đã chiếm lấy quần đảo Paracel ngay từ khoảng năm 1800, hơn nữa còn xác nhận một lần nữa hành động của vua Gia Long ở Hoàng Sa năm 1816. Quan trọng nhất là ở đây ông đã chỉ ra rõ ràng quần đảo Paracel chính là Hoàng Sa của Việt Nam.
4. “Ghi chép về địa lí xứ Đàng Trong” (1837) và “An Nam đại quốc họa đồ” (1838) của Taberd
Vào năm 1837, Taberd đã viết tác phẩm “Notes on the Geography of Cochin China” (Ghi chép về địa lí xứ Đàng Trong), đăng ở quyển đầu tạp chí “Hội san Học hội Á châu” (hình 123). Trong tác phẩm có viết:
The Pracel or Parocels, is a labyrinth of small island, rocks and sandbanks, which appears to extend up to the 11th degree of north latitude, in the 107th parallel of longitude from Paris. Some navigators have traversed part of these shoals with a boldness more fortunate than prudent, but others have suffered in the attempt. The Cochin Chinese called them Cón uáng. Although this kind of archipelago presents nothing but rocks and great depths which promises more inconveniences than advantages, the king Gia Long thought he had increased his dominions by this sorry addition. In 1816, he went with solemnity to plant his flag and take formal possession of these rocks, which it is not likely anybody will dispute with him.
(Pracel hay Parocels là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến vĩ độ 11o vĩ bắc, 107o kinh Đông tính từ Paris. Một số nhà hàng hải vượt qua được một phần của những bãi đó nhờ vào may mắn hơn là dũng cảm. Nhưng một số khác thì thất bại trong cuộc hành trình. Người Việt Đàng Trong gọi khu vực đó là Cón uáng (Cồn Vàng) . Tuy quần đảo này không có gì ngoài những mỏm đá và chỗ sâu lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn thuận lợi, nhưng vua Gia Long vẫn nghĩ rằng chiếm thêm vùng đất cằn cỗi này sẽ tăng thêm lãnh thổ cho ông. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và chính thức chiếm hữu chủ quyền ở các bãi đá này, sẽ không có ai vì nó mà tranh giành với ông.)
Hình 123: Ghi chép về địa lí xứ Đàng Trong (Notes on the Geography of Cochin China)
Ở đây, Taberd một lần nữa đã nhắc tới rõ rằng Paracels chính là Hoàng Sa (Cồn Vàng), và một lần nữa cũng xác nhận đó là lãnh thổ của Việt Nam cùng hành động của vua Gia Long năm 1816.
Hàn Chấn Hoa cho rằng Paracels ở đây không phải quần đảo Tây Sa. Bởi vì căn cứ vào một bản đồ cùng tác giả năm 1838 có thể biết, Paracels ở đây là chỉ “từ 17° đến 11° vĩ bắc… quá 109° đến hơn 110° kinh đông”, vị trí của nó và quần đảo Tây Sa không giống nhau. Trong bài viết, Hàn Chấn Hoa không đưa vào bản đồ này mà chỉ rêu rao trong chú thích rằng Paracels được vẽ trong bản đồ này “khoảng từ 17° đến 11° vĩ bắc… hơn 109° đến hơn 110° kinh đông trong biển Nam Hải”, tức nơi đó là “khu vực nguy hiểm Paracel cũ” kéo dài từ nam chí bắc trong vùng biển Việt Nam. Trong chú thích, Hàn Chấn Hoa nói điều này là căn cứ tư liệu vào “Đặc khảo”, nhưng tra cứu “Đặc khảo”, nguyên văn lại là “khoảng 17° vĩ Bắc và quá 109° kinh Đông, tức khu vực biển Đông”, việc trích dẫn của Hàn Chấn Hoa hiển nhiên khác đi một trời một vực. Đặc biệt là thông tin về kinh độ và vĩ độ đã bị Hàn Chấn Hoa xuyên tạc hoàn toàn.
Thật ra, tấm bản đồ này là chỉ bản đồ đính kèm trong cuốn “Tự điển Latin-Việt Nam” của giáo sĩ Taberd xuất bản năm 1838. Bản đồ này rất quan trọng, cần phải thận trọng, người viết đã tra cứu cẩn trọng tới tận bản đồ gốc (hình 124).
Hình 124: “An Nam đại quốc họa đồ”.
Bản đồ này có kích thước khá lớn, khoảng 70×30 cm, gọi là “An Nam đại quốc họa đồ” [安南大國畫圖]. Trên bản đồ, Paracels được vẽ ở khoảng 16,5° vĩ bắc, 111° kinh đông, hoàn toàn khớp với vị trí hiện nay của quần đảo Hoàng Sa. Phần chữ ghi bên cạnh nó là “Paracel seu Cát Vàng”, có nghĩa là “Paracels là Cát Vàng”. Bản đồ này thể hiện đầy đủ nhận thức của giáo sĩ Taberd về Paracels và Hoàng Sa, hoàn toàn trùng khớp với quần đảo Hoàng Sa hiện nay, nó xác nhận một lần nữa rằng từ Chaigneau đến Crawfurd rồi đến giáo sĩ Taberd, dưới ngòi bút của họ nơi vua Gia Long cắm cờ là Paracels, tức Hoàng Sa, cũng chính là quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Vì bản đồ này và bài viết vừa thảo luận đều là do cùng một người viết khoảng năm 1837, nên đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Hoàng Sa mà vua Gia Long tuyên bố chủ quyền chính là Hoàng Sa [hiện nay], tức Paracels.
Vì vậy, điều Hàn Chấn Hoa nói đúng là dối trá. Học giả Trung Quốc Hứa Bàn Thanh và Tào Thụ Cơ trong bài viết gần đây nhất cũng chỉ ra chính xác sai lầm của ông ta. Nhưng ngay cả như vậy, Hứa Bàn Thanh và một số người khác vẫn còn nghi vấn liệu Paracels mà Taberd nói đến có phải là quần đảo Hoàng Sa hay không. Họ cho rằng trong bài viết năm 1837 Taberd đã tham khảo các luận bàn trong “Précis de la Géographie Universelle” (Sơ lược địa lí thế giới) của Conrad Malte Brun, mà trong luận bàn của Brun thì Paracels vẫn là khu vực “hình sừng trâu”, do đó Paracels mà Taberd nói đến vẫn là khu vực “hình sừng trâu” đó.
Sở dĩ họ có nghi vấn như vậy vì họ nhầm tưởng rằng tác phẩm của Brun xuất bản năm 1827. Thật ra, cuốn “Sơ lược địa lí thế giới” nổi tiếng đó của Brun là một cuốn đại bách khoa toàn thư địa lí đầu tiên của nước Pháp, xuất bản trong thời gian từ năm 1810 đến năm 1829 (gồm nhiều quyển nên không xuất bản cùng một năm). Bản tiếng Anh được Hứa Bàn Thanh và một số người khác tra cứu là bản năm 1827 vốn chỉ được dịch sau đó. Trong tác phẩm lớn đầy sáng tạo như vậy nên không có gì là lạ khi Brun theo cách diễn giải cũ. Điều đáng nói là trong cuốn sách này, Paracels cũng được giới thiệu thêm như là một bộ phận của Việt Nam.
Vả lại, dù trong phần mở đầu bài viết Taberd có nhắc tới tác phẩm của Brun, và cho rằng phần liên quan đến địa lí Đàng Trong của cuốn sách này là có giá trị nhất, nhưng điều đó không có nghĩa ông đã trích dẫn toàn bộ những mô tả của Brun. Thật ra, cuốn sách của Brun cũng đưa ra nghi vấn về vị trí của Paracels. Những mô tả có liên quan trong bản dịch tiếng Anh của cuốn sách này là:
The Pracel or Paracels, is a labyrinth of islets rocks, and shallows, which, according to the most approved charts, extend in a line parallel to the coast of Cochin-China, between north latitude 10o45’ and 16o30’, the mean longitude being about 109o east. But some French navigators have crossed a part of this space without encountering any rocks or shallows, whence we must conclude that this archipelago is in reality less extensive than it appears in our maps.
(Pracel hay Paracels, là một mê cung của các đảo nhỏ và bãi cạn mà, theo các hải đồ được chuẩn nhận nhất, trải dài theo một đường thẳng song song với bờ biển của Đàng Trong (Cochin-China), giữa vĩ độ 10° 45′ và 16° 30′, kinh độ trung bình khoảng 109° đông. Nhưng một số nhà đi biển Pháp đã băng ngang qua một phần của khoảng biển này mà không gặp phải bất kì mỏm đá hay bãi cạn nào, qua đó chúng ta phải kết luận rằng quần đảo này trên thực tế không rộng như thể hiện trên bản đồ của chúng ta.)
Có thể thấy dù Brun vẫn mô tả rằng trên các hải đồ đáng tin cậy nhất, các đảo này được vẽ thành hình bình hành ở khu vực bờ biển Cochin China (tức cái gọi là khu vực hình sừng trâu), nhưng vẫn đưa ra nghi ngờ, cho rằng “chúng ta phải kết luận rằng quần đảo này trên thực tế hoàn toàn không lớn như được thể hiện trên bản đồ”. Trong bài viết của Taberd, dù cũng sử dụng “a labyrinth of small islands, rocks and sand-banks” (một mê cung các đảo nhỏ, đảo đá và bãi cát), khả năng là tham khảo mô tả trong tác phẩm của Brun, nhưng ông đã sử dụng “appears to extend up to the 11th degree of north latitude” (có vẻ kéo dài cho tới 11°N). Điều này cho thấy rằng trong nhận thức của Taberd, Paracels chỉ “có vẻ” (appears) kéo dài đến 11° N, trong khi trên thực tế thì không thể biết chắc. Ví dụ trong mô tả của Brun, nó trông rất lớn trên bản đồ, nhưng trên thực tế (in reality ) lại nhỏ hơn.
Còn với “An Nam đại quốc họa đồ”, Hứa Bàn Thanh và các tác giả khác dù biết Hàn Chấn Hoa sai, nhưng lại cho rằng Taberd vẽ bản đồ đúng nhưng bản đồ này lấy từ “Hướng dẫn đi biển Horsburgh” bản 1810-1817 (tức The India Directory, 2nd Edition), không phải ông tự vẽ, do đó không chú ý rằng vị trí của Paracels đã khác đi rồi.
Trên “An Nam đại quốc họa đồ”, chữ viết chỗ đảo Hải Nam, tại biên giới Trung Quốc và Việt Nam dùng các màu sắc khác nhau, so với “Đại Nam nhất thống toàn đồ”, nó biểu thị rõ hơn quan hệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Tuy nhiên, Hứa Bàn Thanh và các tác giả khác lại dùng điều này để lập luận rằng bản đồ của Taberd lấy từ bản đồ trong “Hướng dẫn đi biển Horsburgh”, vì “đảo Hải Nam quả thực đã bị tác giả bản đồ này bỏ quên”, “khi bản đồ này được vẽ ra, đảo Hải Nam đã bị cố tình bỏ qua vì chưa được khảo sát và lập bản đồ.” Có lẽ Hứa Bàng Thanh và những người khác không biết rằng ấn bản thứ hai của “Hướng dẫn đi biển Horsburgh” không bao gồm bất kỳ bản đồ nào, hơn nữa trong sách hướng dẫn này có ghi chép tỉ mỉ thuỷ văn của vịnh Bắc Bộ, đảo Hải Nam, khu vực các đảo Thất Châu. Ngoài ra, trong “Bản đồ biển Trung Quốc” phát hành năm 1815, cũng có vẽ đảo Hải Nam. Thật ra, trong hầu hết bản đồ mà chính người viết đã xem qua, xưa nay không có bản đồ nào không vẽ đảo Hải Nam vì “chưa đo vẽ qua” nó. Suy đoán của nhóm Hứa Bàn Thanh là hoàn toàn vô căn cứ.
Trên thực tế, chính Taberd trong một bài viết khác có nêu rõ rằng các bản đồ ông vẽ đã được chọn lựa và đối chiếu tỉ mỉ với các bản đồ khác nhau, đồng thời cũng được hiệu đính và sửa chữa cẩn thận dựa theo hiểu biết của chính ông về xứ Đàng Trong. Trên thực tế, người viết đúng là chưa từng thấy bản đồ nào khác có cách vẽ quần đảo Hoàng Sa giống như bản đồ này. Có thể thấy, bản đồ này là kết quả của việc vẽ và hiệu đính cẩn thận của Taberd, hoàn toàn phản ánh kiến giải của ông.
5. “Địa lí đế quốc Đàng Trong” của Gutzlaff (1849)
Vào năm 1849 Gutzlaff đã công bố một bài viết tiêu đề là “Geography of Cochin-China Empire” (Địa lí đế quốc Đàng Trong) trên Journal of the Royal Geographical Society of London (Tạp chí Hiệp hội địa lí Hoàng gia London), trong đó đã mô tả tỉ mỉ địa lí Việt Nam đầu thế kỉ 19 (hình 125). Trong đó có đoạn:
We should not mention here the Paracels (Katwang) which approach 15-20 leagues to the coast of Vietnam, and extend between 15-17 N. lat. and 111-113 E. longitude, if the King of Cochin-China did not claim these as his property, and many isles and reefs, so dangerous to navigators. Whether the coral animals or other causes contribute to the growth of these rocks we shall not determine; but merely state that the islets rise every year higher and higher, and some of them are now permanently inhabited, through which the waves, only a few years ago, broke with force. They would be of no value if the fisheries were not very productive, and did not remunerate all the perils of the adventurer. From time immemorial, junks in large number from Haenan, have annually visited all these shoals, and proceeded in their excursions as far as the coast of Borneo. Though more than ten percent are annually wrecked, the quantity of fish taken is so great as to ensure all loss, and still leave a very good profit. The Annam government, perceiving the advantages which it might derived if a toll were raised, keeps revenue cutters and a small garrison on the spot to collect the duty on all visitors, and to ensure protection to its own fishermen. A considerable intercourse has thus gradually been established, and promises to grow in importance on account of the abundance of fish which come to these banks to spawn. Some isles bear a stunted vegetation, but fresh water is wanting; and those sailors who neglect to take with them a good supply are often put to great straits.
Hình 125: Geography of Cochin-China Empire (Địa lí vương quốc Đàng Trong).
(Đáng lẽ chúng tôi không cần kể ra ở đây quần đảo Paracel (Katvang = Cát Vàng), cách bờ biển Việt Nam chừng 15 đến 20 league, trải rộng ra giữa 15° – 17° N và 111° – 113° E, với nhiều đảo và đá rất nguy hiểm cho những người đi biển, nếu vua xứ Cochin China đã không tuyên bố quần đảo ấy là của mình. Chúng tôi sẽ không xác định là do san hô hay do nguyên nhân khác mà các đảo đá ấy lớn dần; mà chỉ nêu rằng các đảo nhỏ ấy mỗi năm càng cao thêm, và một vài đảo bây giờ đã có người ở thường xuyên mà chỉ mấy năm trước sóng còn đánh tràn qua chúng. Những đảo ấy đáng lẽ không giá trị nếu việc đánh cá ở đó không phồn thịnh và không bù đắp hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu. Từ lâu đời, một số lượng lớn tàu thuyền từ Hải Nam, hàng năm đã đến các bãi này và tiếp tục chuyến đi đến tận bờ đảo Borneo. Tuy rằng hàng năm hơn 10% bị đắm, nhưng số lượng cá đánh bắt được rất nhiều, đến nỗi không những bù hết mọi thiệt thòi mà còn để lại món lợi rất lớn. Nhận thấy những mối lợi có thể mang lại nếu đặt ra một loại phí, chính phủ An Nam bèn lập ra những trưng thuyền và một đồn lính nhỏ ở chỗ này để thu thuế đối với mọi người tới đây và đảm bảo việc bảo trợ người đánh cá nước mình. Vì vậy, một giao dịch lớn được dần dần thiết lập và hứa hẹn sẽ nâng tầm quan trọng lên nhờ có rất nhiều cá tới đẻ trứng trên các bãi này. Một vài đảo có cây cối cằn cỗi, nhưng thiếu nước ngọt, và người đi thuyền nào chểnh mảng không mang theo đồ dự trữ đầy đủ, thường bị rơi vào cảnh khốn đốn.)
Bài viết có ghi chép chính xác kinh độ và vĩ độ của Paracels (hoàn toàn khớp với quần đảo Hoàng Sa). Nó ghi lại tường tận việc chính quyền Việt Nam thu được thuế ở ở khu vực này, cũng chỉ ra trong thời kì dài có số lượng lớn thuyền đánh cá của đảo Hải Nam (Trung Quốc) hoạt động ở khu vực này (thậm chí xa tới tận đảo Borneo), đồng thời, cũng có ngư dân Việt Nam hoạt động ở đây. Điều này cho thấy Paracels là khu vực đánh cá chung của ngư dân Việt Nam và Trung Quốc, nhưng Việt Nam thực thi chủ quyền ở đây. Tài liệu này một lần nữa xác nhận Paracels là Hoàng Sa. Đồng thời cũng có thể thấy rằng, ngư dân đảo Hải Nam đi qua Paracels trên đường đi đến Borneo , điều này cho thấy Paracels nằm giữa đảo Hải Nam và Borneo, đây cũng là vị trí của quần đảo Hoàng Sa.
Tất nhiên vẫn còn có chỗ đáng ngờ trong ghi chép này. Vấn đề chủ yếu là đoạn văn có nêu Paracels cách bờ biển Việt Nam 15-20 league, tương đương với 45-60 hải lí (lí Anh, 1 league tương đương 3 hải lí). Điều này có thể là vì tác giả đã sử dụng mô tả cũ về Paracels (mô tả 15-20 league ăn khớp với mô tả về khu vực nguy hiểm Paracel cũ, xem phần 4.1.2). Khoảng cách này quá gần, do đó Hàn Chấn Hoa cho rằng nơi được nhắc tới trong đoạn văn là đảo Phú Quý (Poulo Cécir de Mer). Tuy nhiên, khi loại bỏ chi tiết khoảng cách tới bờ biển, từ các đặc điểm địa lí khác được mô tả trong đó thì có thể thấy rằng nơi được nói đến rõ ràng phải là quần đảo Hoàng Sa chứ không phải là đảo Phú Quý:
Thứ nhất, kinh độ và vĩ độ được nêu rõ ràng ở đây.
- Thứ hai nơi này nằm trên đường từ đảo Hải Nam đến Borneo, nếu như đó là đảo Phú Quý, ngoài kinh và vĩ độ không phù hợp ra, đảo Phú Quý cũng không nằm ở giữa đường từ đảo Hải Nam đến Borneo. Theo lời kể của ngư dân Trung Quốc Mông Toàn Châu, vào cuối thế kỉ 19, phạm vi đánh cá của ngư dân đảo Hải Nam, lúc đầu tới Hoàng Sa, rồi tới Trường Sa, phía tây xa nhất đến đảo Nam Uy (đảo Trường Sa Lớn) và bãi Nhật Tích (đá Lát), xa nhất về phía nam đến đảo Borneo; cá đánh được mang đến bán ở Singapore, chỉ trên đường về mới đi qua các đảo ven bờ biển Việt Nam. Miêu tả tuyến đường này ủng hộ lập luận rằng Paracels của Gutzlaff là Hoàng Sa, chứ không ủng hộ lập luận rằng đó là đảo Phú Quý (đảo Phú Quý xa về ở phía tây hơn đảo Trường Sa).
Thứ ba, đảo Phú Quý là một đảo lục địa chứ không là một đảo san hô, hoàn toàn không thể mỗi năm mỗi cao lên.
- Cuối cùng, đảo Phú Quý luôn có người cư trú, hoàn toàn không phải là đảo hoang không người ở.
- Về việc đoạn văn có nói rằng Việt Nam phái người đến đóng trên đảo để thu thuế, trong các tài liệu khác của Việt Nam đều không thấy nhắc tới, tính chân thực của nó là đáng ngờ. Do đó, cũng không loại trừ khả năng Gutzlaff rất có thể đã nói nhập làm một vài địa điểm.
6. Sách “Nhật Bản, Đông Dương, Tích Lan” của Dubois de Jancigny (1850)
M.Dubois de Jancigny trong cuốn sách địa lí Đông Á “Nhật Bản, Đông Dương, Tích Lan” xuất bản năm 1850 cũng nói tới sự cai trị của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Nous reviendrons bientôt sur l’hydrographie de l’empire Annamite. Nous avons cru devoir, avant tout, nous efforcer d’éclaircir la géographie politique de ces pays, en nous appuyant, de préférence, sur les connaissances locales, la longue expérience et les études spéciales de l’évêque Taberd. Nous n’entrerons pas dans l’énumération des principales îles dépendantes de la Cochinchine; nous ferons seulement observer que depuis trente-quatre ans l’archipel des Paracels (nommé par les Annamites Cát-vàng) , véritable labyrinthe de petits îlots, de rocs et de bancs de sable justement redoutés des navigateurs, et qui ne peut être compté que parmi les points du globe les plus déserts et les plus stériles, a été occupé par les Cochinchinois. Nous ignorons s’ils y ont formé un établissement (dans le but, peut-être, de protéger la pêche) : mais il est certain que le roi Gia-Long tenait à ajouter ce singulier fleuron à sa couronne, car il jugea à propos d’en aller prendre possession en personne, et ce fut en l’année 1816 qu’il y arbora solennellement la pavillon cochinchinois.
(Chúng tôi sẽ quay trở lại ngay đề tài thuỷ văn của đế quốc An Nam. Chúng tôi cho rằng trước hết chúng ta cần phải cố hiểu rõ địa lí chính trị của các nước này, đặc biệt dựa trên những hiểu biết địa phương, kinh nghiệm lâu dài và các nghiên cứu chuyên biệt của giáo sĩ Taberd . Chúng tôi sẽ không đi vào việc liệt kê ra các đảo chính thuộc Cochinchine (Đàng Trong/Việt Nam); chúng tôi chỉ quan sát thấy rằng từ 34 năm nay, quần đảo Paracel (người An Nam gọi là Cát Vàng), một mê cung thật sự gồm các đảo nhỏ, mỏm đá và bãi cát, rất đáng sợ cho các người đi biển và có thể được coi là trong số các địa điểm hoang dã và cằn cỗi nhất của quả đất, đã được người Việt Đàng Trong chiếm hữu. Chúng tôi không biết liệu họ đã tạo một công trình nào trên đó hay không (có thể nhằm mục đích bảo vệ việc đánh cá), nhưng chắc rằng vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa độc đáo này vào vương miện của ngài, vì ngài thấy phù hợp để tự mình chiếm hữu nó, chính vào năm 1816 ngài đã long trọng giương cờ Việt Nam (Cochinchine) ở đó.)
Trong đoạn văn này, Dubois vẫn dựa vào mô tả trong tác phẩm của giáo sĩ Taberd. Điều này cho thấy, sự kiện Việt Nam chiếm hữu quần đảo Paracel thông qua giáo sĩ Taberd trở thành hiểu biết chung được châu Âu tiếp nhận rộng rãi. Ngoài cuốn sách của Dubois ra, trong một số bách khoa toàn thư địa lí nước khác giữa thế kỉ 19, khi giới thiệu về địa lí Việt Nam đều có nói đến Paracels là một bộ phận của Việt Nam, ví dụ: Compendio di Geografia của nhà địa lí học người Ý Adriano Balbi, trong mục nước An Nam của cuốn sách này có liệt kê quần đảo Paracel (l’Arcipelago di Paracels) thuộc khu vực Cochin China, trên bản đồ thế giới đính kèm có đánh dấu vị trí chính xác của quần đảo Hoàng Sa. Vì những tác phẩm này đều không phải là tài liệu cấp 1 nên không trích dẫn chi tiết ở đây. Nói tóm lại, thời kì giữa đến cuối thế kỉ 19, các nước phương Tây liên tục thừa nhận quần đảo Paracel là lãnh thổ của Việt Nam.
4.6. CHỦ QUYỀN LỊCH SỬ CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI CÁC ĐẢO Ở BIỂN ĐÔNG
1. Paracels, Hoàng Sa, Vạn Lí Trường Sa đều là quần đảo Hoàng Sa
Như đã trình bày ở phần trước, các ghi chép của Việt Nam cho thấy rõ ràng rằng Việt Nam có bằng chứng chủ quyền vô cùng vững chắc đối với Hoàng Sa, còn các ghi chép của phương Tây cũng cho thấy Việt Nam có bằng chứng chủ quyền hết sức xác thực. Trung Quốc phản bác rằng Hoàng Sa trong ghi chép của Việt Nam và quần đảo Paracel trong ghi chép của phương Tây chỉ là những đảo nhỏ ven bờ biển của Việt Nam. Ở đây, người viết tổng hợp các loại tài liệu lịch sử rồi lập luận lần nữa vì sao tuyên bố của Việt Nam là có thể đứng vững được.
Từ sử liệu Việt Nam thấy rằng các ghi chép về Hoàng Sa là liên tục và có hệ thống. Cái tên bãi Cát Vàng đã được dưa vào trong “Toản tập thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” [纂集天南四 至路圖書]. Độ dài quãng đường tới Hoàng Sa trong các sách có sai số tương đối lớn là sự thật, nhưng xét Đỗ Bá là người phía Bắc, lén đến phía Nam dò la tin tức, sai sót như vậy là có thể hiểu được.
“Hải ngoại kỉ sự” [海外紀事] của Đại Sán Hán Ông một lần nữa nói tới việc chúa Nguyễn sai người đến “Vạn Lí Trường Sa”. “Vạn Lí Trường Sa” nói đến ở đây hết sức chắc chắn chính là Hoàng Sa. Một là, Vạn Lí Trường Sa chính là cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa; hai là, nó cách bờ biển Việt Nam 700 lí, vừa vặn ăn khớp với vị trí của Hoàng Sa; ba là, hướng của Vạn Lí Trường Sa là từ đông bắc đến tây nam, giống như hướng của quần đảo Hoàng Sa; bốn là, địa hình mô tả trong sách cũng khớp với quần đảo Hoàng Sa.
“Phủ biên tạp lục” [撫邊雜錄] của Lê Quý Đôn lần đầu tiên đề cập đến tên gọi của đội Hoàng Sa, đây là một manh mối cho các lần nói tới Hoàng Sa sau đó. Trong “Phủ biên tạp lục”, có hai cách gọi Hoàng Sa: một là đảo Đại Trường Sa, hai là bãi Cát Vàng (Hoàng Sa chử). Theo mô tả, đảo Đại Trường Sa là tên gọi toàn bộ quần đảo, còn bãi Cát Vàng là tên gọi một rạn san hô vòng trong đó. Từ đất liền đến Đại Trường Sa mất 3 ngày 3 đêm, so với khoảng cách 4 canh giữa đảo Lí Sơn với đất liền, Đại Trường Sa cách bờ biển khoảng 300 km, vì vậy tuyệt đối không phải là các đảo nhỏ gần bờ, mà là quần đảo Hoàng Sa cách xa bờ biển. Trong “Phủ biên tạp lục” có mô tả tỉ mỉ địa hình và sản vật của Hoàng Sa, mô tả về bãi Cát Vàng trong sách là phù hợp với cao độ địa hình trên thực tế. Những mô tả này ngoài việc đều có thể dùng làm đặc trưng bên cạnh tên gọi địa lí, còn giúp xác nhận vị trí thực tế của các địa điểm được nói tới trong những ghi chép có liên quan sau này. Ngoài ra, thành viên của đội Hoàng Sa đến từ xã An Vĩnh, đây cũng là một đặc trưng quan trọng.
Trong “Đại Nam thực lục tiền biên” [大南寔錄前篇] có các ghi chép về đảo Hoàng Sa, khi đó đảo Hoàng Sa được gọi là Vạn Lí Trường Sa. Theo mô tả vị trí địa lí và sản vật của sách, cũng như tên gọi đội Hoàng Sa, có thể xác nhận đó là cùng là một địa điểm trong “Phủ biên tạp lục”.
Trong các văn kiện của triều Tây Sơn có nói tới đội Hoàng Sa và Hoàng Sa, tuy không nói tới địa điểm cụ thể, nhưng từ mô tả về đội Hoàng Sa và sản vật cũng có thể xác định Hoàng Sa trong các tư liệu đó chính là quần đảo Hoàng Sa.
Phần lớn “Thực lục” [寔錄] thời Gia Long và Minh Mệnh đều không đề cập chi tiết tới phương vị cụ thể của Hoàng Sa, mà chỉ nói là “vùng biển Quảng Ngãi” hoặc “tỉnh Quảng Ngãi”. Lí do hiển nhiên có thể là do khi đó nhận thức về Hoàng Sa đã tương đối đầy đủ rồi, quốc sử cũng không cần phải giải thích tỉ mỉ địa điểm thêm nữa. Tuy nhiên, từ trong những ghi chép tương ứng vẫn có thể tìm thấy mạch truyền liên tục. Nói đến Hoàng Sa tất phải nhắc đến đội Hoàng Sa; hơn nữa “Châu bản” nhiều lần nói đến đội Hoàng Sa là do người xã An Vĩnh hợp thành; bên cạnh đó hải sản mang về, cũng giống như được mô tả trong “Phủ biên tạp lục”; và những ghi chép cũng nhiều lần nhắc đến câu chữ trong các loại sách vở cũ trước đó. Do đó, có lí do để tin rằng nơi được nói đến trong những ghi chép này đều là quần đảo Hoàng Sa.
Trong hai cuốn sách lịch sử địa lí mang tính tổng kết tỉ mỉ “Việt sử cương giám khảo lược” [越史綱鑒考略] và “Đại Nam nhất thống chí” [大南一統志], không hẹn mà gặp đều có những liên hệ với nhau giữa vị trí địa lí và địa mạo, sản vật của cả Hoàng Sa, Vạn Lí Trường Sa với hoạt động của triều Gia Long và Minh Mệnh. Điều này một lần nữa cho thấy Hoàng Sa và Vạn Lí Trường Sa được nhắc tới trong quốc sử thời Gia Long và Minh Mệnh đều là quần đảo Hoàng Sa. Trong “Đông hành thi thuyết thảo” [東行詩說草] của Lí Văn Phức cũng có nói tới Vạn Lí Trường Sa, từ vị trí địa lí có thể thấy rằng đó cũng chính là quần đảo Hoàng Sa.
Vì vậy, những ghi chép kể trên đều cho thấy Hoàng Sa và Vạn Lí Trường Sa trong sách sử Việt Nam đều chỉ quần đảo Hoàng Sa.
Căn cứ chủ yếu nhất mà Trung Quốc dùng để phản bác Việt Nam là một bản dịch cuốn sách về địa lí Việt Nam được xuất bản ở Trung Quốc cuối thế kỉ 19 – “Việt Nam địa dư đồ thuyết” [越南地輿圖說]. Về cơ bản, sách này trích dẫn câu chữ của “Phủ biên tạp lục”, nhưng trong phần chú giải lại ghi Đại Trường Sa tức là Ngoại La Sơn, bãi Cát Vàng tức là Da Tử Đường. Ngoài ra, trên bản đồ, bãi Cát Vàng cũng được vẽ ở gần bờ biển Việt Nam. Nhưng như người viết đã phân tích kĩ lưỡng trong mục 4.2.4, dùng cuốn sách này làm chứng cứ để phản bác là không đáng tin cậy. Bản gốc mà cuốn sách này dựa vào là cuốn sách viết “tỉ mỉ về Bắc Hà mà sơ lược về Nam Hà”, “hư rách”, độ chuẩn xác trong mô tả địa lí Nam Hà là rất đáng hoài nghi. Hơn nữa, phần chú giải có liên quan hoàn toàn không phải chú giải ban đầu mà là chú thích sai thêm vào sau đó. Tóm lại, nội dung trong sách Trung Quốc “Việt Nam địa dư đồ thuyết” này là mâu thuẫn so với hàng chục bản ghi chép trong sách sử Việt Nam; qua phân tích tỉ mỉ, người viết về cơ bản có thể tin chắc rằng “Việt Nam địa dư đồ thuyết” chứ không phải sử sách Việt Nam sai .
Phản bác khác của phía Trung Quốc thậm chí còn thiếu cơ sở hơn. Ví dụ, Hàn Chấn Hoa cho rằng Hoàng Sa chính là cụm đảo Lí Sơn, tức Culao Canton theo cách gọi của người phương Tây. Điều này rõ ràng là sai. Cả “Phủ biên tạp lục” lẫn “Đại Nam nhất thống chí” đều phân biệt rạch ròi hai địa điểm này, một nơi phải đi 4 canh, nơi kia là 3 ngày 3 đêm, làm sao có thể nói là một được. Hàn Chấn Hoa còn cho rằng bãi Cát Vàng là chỉ Volta Bank. Nhưng trên thực tế, Volta Bank cách bờ biển Việt Nam chỉ 20 km, sao lại có thể phải cần 3 ngày 3 đêm để đi tới? Chỗ cạn nhất của Volta Bank cũng là 35 mét, sao lại có thể là một địa điểm nguy hiểm tàu thuyền dễ mắc cạn? Volta Bank chỉ là một bãi đá ngầm rất nhỏ, so với mô tả địa hình của Hoàng Sa phù hợp ở chỗ nào? Hàn Chấn Hoa còn lấy 4 tấm bản đồ thời Nguyễn ra đo bằng thước để chứng minh kinh độ, vĩ độ của Đại Trường Sa không phù hợp với quần đảo Hoàng Sa. Với việc lờ đi thực tế là trong bản đồ phương Đông truyền thống vị trí và độ lớn nhỏ của đảo đều không chính xác, ông đã đưa ra kiểu phân tích không chút giá trị nào.
Lí Kim Minh cho rằng sử liệu của người Việt Nam ghi chép hỗn loạn Trường Sa và Hoàng Sa, hai tên này thường dùng lẫn lộn với nhau, thậm chí “bản thân người Việt Nam cũng không rõ Hoàng Sa và Trường Sa nói ra từ miệng mình rốt cuộc là cái nào”. Đây chẳng qua là một phân tích sai lầm do ông ta quá tin tưởng rằng “Việt Nam địa dư đồ thuyết” là cuốn sách có uy tín. Thật ra, tình trạng hỗn loạn về địa danh trong sử liệu Trung Quốc không kém gì sử liệu Việt Nam. Như đã thảo luận trong Chương 3 cuốn sách này, trong lịch sử Trung Quốc các tên gọi như Trường Sa Thạch Đường… cũng rất hỗn loạn, với tổng cộng hơn 20 cách gọi tên, có một tên gọi có nhiều cách dùng, có một địa điểm có nhiều tên gọi, thậm chí một tên gọi trong cùng một cuốn sách lại chỉ hai địa điểm khác nhau, Điều này cũng cho thấy rằng hiểu biết của Trung Quốc thời xưa về những quần đảo này còn mơ hồ và hỗn loạn. Đồng thời điều đó cũng cho thấy sự hỗn loạn về tên gọi địa lí các hải đảo trước kia là hiện tượng tất nhiên trong quá trình diễn biến lịch sử.. Vì vậy, dù đối với sử liệu của Trung Quốc, của Việt Nam hay của phương Tây, đều phải luôn được xem xét kĩ theo cùng một tiêu chuẩn mới phù hợp với thái độ sử học và khoa học công bằng và khách quan.
Nhiều loại tư liệu phương Tây (đặc biệt là tư liệu của Pháp và Anh) đều đã cho thấy Việt Nam đã có chủ quyền với Paracels từ đầu đến giữa thế kỉ 19. Nói chính xác, Việt Nam đã bắt đầu chính thức thực thi chủ quyền đối với Paracels hay Hoàng Sa vào năm 1816. Để phủ nhận điều này, các học giả Trung Quốc đã đưa ra lập luận rằng quần đảo Paracel cổ đại không phải là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) hiện nay. Theo Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh, khi người phương Tây mới khảo sát khu vực này, ban đầu họ gọi các quần đảo và cồn cát ven biển Việt Nam là Paracels, sau đó mới gọi Hoàng Sa là Paracels. Đến sau này họ mới dùng Paracels để gọi cố định Hoàng Sa, những luận chứng này cơ bản tập trung trong hai bài viết là “Khảo ‘Phạ Lạp Tái Nhĩ’ [Paracels] cổ” (phần I, phần II. Phần I thông qua phân tích 24 nguồn sử liệu, phần II thông qua phân tích mấy chục tấm bản đồ cũ để chứng minh trước những năm 1820, quần đảo Paracel hoàn toàn không chỉ quần đảo Hoàng Sa hiện nay.
Bài viết của Hàn Chấn Hoa không có bản đồ đính kèm nào, vì nhiều bản đồ đều là bản đồ cổ, thuộc bản quý, người bình thường không thể dễ xem được, vì vậy cũng khó đề phân biệt tính thực giả của bằng chứng và lập luận của Hàn Chấn Hoa. Như người viết đã phân tích một số lượng lớn bản đồ và sử liệu trong phần 4.1, vị trí và độ lớn nhỏ của khái niệm Paracels trên bản đồ thật sự đã trải qua một quá trình thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải là một sự “mạo danh” có chủ ý của chủ nghĩa đế quốc mà đúng hơn là kết quả của việc các nước phương Tây lập bản đồ Đông Nam Á ngày càng chính xác hơn cùng với sự tiến bộ của kĩ thuật vẽ bản đồ và sự phát triển của đo đạc thực địa.
Có thể khẳng định, trước những năm 1810 và nhưng năm 1820, Paracels được đề cập trong một số tác phẩm của phương Tây rõ ràng không phải là quần đảo Hoàng Sa. Nhưng khi bàn đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa mà có nói đến Paracels thì chắc chắn đó là quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt là năm 1816, khi Việt Nam chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Paracels, Paracels chính là quần đảo Hoàng Sa. Có mấy nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, tài liệu nước ngoài sớm nhất là bài viết “Hồi kí về xứ Đàng Trong” (Le Mémoire sur la Cochinchine) công bố năm 1820 của Chaigneau. Năm 1808, nước Anh đã hoàn thành việc đo đạc đối với Paracels, và đã xác định khu vực nguy hiểm Paracel [cũ] là không có thực. Một tấm bản đồ sớm nhất vẽ chính xác địa lí quần đảo Hoàng Sa cũng là hải đồ của quần đảo Hoàng Sa do Horsburgh vẽ năm 1808, trên đó có ghi Paracels và thể hiện các đảo của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1812 bản đồ bao quát toàn bộ Đông Nam Á do Arrowsmith vẽ, không những vẽ chính xác vị trí của quần đảo Hoàng Sa mà còn loại bỏ khu vực nguy hiểm Paracel cũ ra khỏi bản đồ. Có thể thấy, muộn nhất vào năm 1812, các nhà hàng hải phương Tây ở khu vực Đông Nam Á đã biết vị trí chính xác của Paracels. Tập bản đồ thế giới do Brue vẽ phát hành ở Paris tháng 1 năm 1820 đã bao gồm bản đồ Đông Nam Á với Paracels có hình dáng hiện đại (tập bản đồ thế giới chậm hơn một chút so với hải đồ địa phương là có thể hiểu được). Chaigneau sinh sống lâu năm ở Việt Nam, là người có uy tín trong vấn đề Đông Nam Á ở nước Pháp, rất khó tưởng tượng ông ta không biết chiều hướng phát triển trong lĩnh vực này trong 10 năm trước đó.
Tương tự, cũng không có lí do gì để cho rằng Crawfurd, nhà chính trị Đông Nam Á, nhà ngoại giao và nhà Đông phương học người Anh giàu kinh nghiệm này, không biết gì về vấn đề Paracels, đặc biệt là vào năm 1824 khi ông công bố “Nhật kí đi sứ Xiêm La và Cochin China” [Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China] càng cho thấy như vậy, vì từ lúc người Anh biết tình hình thực tế của Paracels tới lúc đó đã khoảng 16 năm rồi.
Thời điểm Taberd công bố tác phẩm và bài viết của ông lần lượt là năm 1833 và 1837. Ông là nhà Việt Nam học hàng đầu khi đó, cũng từng tự vẽ chính xác bản đồ có quần đảo Hoàng Sa, vì vậy càng không có lí do để nghi ngờ rằng cho đến thập niên 1830 ông vẫn không biết vị trí thực tế của Paracels.
Cuộc đời Gutzlaff không được biết rõ và uy tín của ông không biết thế nào, nhưng lúc ông công bố bài viết là vào năm 1849, hơn nữa ông còn đưa ra chính xác phạm vi kinh độ và vĩ độ của Paracels. Vì vậy, có khả năng lớn Paracels mà ông biết đến chính là Hoàng Sa.
Thứ hai, Hàn Chấn Hoa cho rằng thời điểm vua Gia Long cắm cờ ở Paracels là năm 1816 mà điều đó xảy ra trước khi người phương Tây có hiểu biết chính xác vị trí Paracels (bản thân điều này đã là sai, nhưng cũng là lí do vì sao ông ta lại kiên trì muốn rằng phương Tây đến năm 1817 mới biết rõ vị trí thực của Paracel), cho nên nơi Gia Long cắm cờ lúc đó không là quần đảo Hoàng Sa. Khẳng định này cũng không đúng. Địa điểm vua Gia Long sai người cắm cờ là Hoàng Sa. Mà Hoàng Sa được người phương Tây xem là Paracels, vì vậy vị trí chính xác của nó tất nhiên phải căn cứ theo tiêu chí của người phương Tây. Cho nên cái cần phải phân tích là tình hình nhận thức của người phương Tây về vị trí của Paracels khi những tác phẩm có liên quan của người phương Tây xuất bản, chứ không phải tình hình nhận thức của người phương Tây về vị trí nơi vua Gia Long cắm cờ. Huống chi, trước đó vào khoảng năm 1810 đã xuất hiện bản đồ Paracels với hình dáng hiện đại.
Thứ ba, ngay cả khi nhân nhượng, tạm thời cho rằng người phương Tây tới năm 1817 mới biết vị trí thực tế của Paracels như Hàn Chấn Hoa nói, cũng không có cách nào phủ nhận nơi vua Gia Long cắm cờ là tại quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Bởi vì người Việt Nam nhất định phải cắm cờ tại nơi nào đó gần Paracels. Ở vùng giữa khu vực nguy hiểm Paracel cũ về căn bản không có đảo, phần đầu (phần cực bắc) của khu vực này là quần đảo Hoàng Sa (hoặc phần phía tây của nó), ngoài ra khả năng tồn tại nơi có đảo nhỏ chỉ có thể là ở phần đuôi (phần cực nam). Vì vậy, nếu Hàn Chấn Hoa cho rằng nơi người Việt Nam cắm cờ không phải là quần đảo Hoàng Sa hiện nay thì sẽ phải giải thích nơi đó ở đâu.
Hàn Chấn Hoa cho rằng nơi vua Gia Long cắm cờ năm 1816 là Pullo Secca de Terra, tức ông ta nói là các đảo ở Bình Thuận, cũng chính là Pulo Cecir de Terra trên bản đồ sau này. Khẳng định này là sai. Pulo Cecir de Terra là Hòn Câu của Việt Nam hiện nay, là đảo nhỏ rất gần bờ biển Việt Nam (11° 23’ N, 108 °83’ E), cách bờ biển không đến 8 km. Đảo này xưa nay chưa từng xuất hiện trong khu vực Paracel hiện nay. Từ địa hình của đảo này có thể thấy rằng đây là một đảo nhỏ đơn lẻ, không thể dùng những từ kiểu như “mê cung” (labyrinth) để mô tả nó được.
Trong bản đồ cổ châu Âu, đoạn cuối cùng của đường kéo dài của khu vực Paracel có lúc sẽ xuất hiện một đảo nhỏ gọi là đảo Bình Thuận (Pulo Cécir de Mer), cũng chính là đảo Phú Quý của Việt Nam hiện nay. Nhưng đảo Phú Quý không thể là nơi cắm cờ. Thứ nhất, nhiều loại tư liệu đều xác nhận nơi vua Gia Long cắm cờ là đảo hoang không người ở. Đảo Phú Quý tuy nhỏ, nhưng luôn có người cư trú, hiện nay vẫn có hơn 2 vạn cư dân, hoàn toàn không phải nơi hoang vắng. Trên đảo vẫn còn một ngôi chùa tương đối nổi tiếng được xây dựng năm 1747 (chùa Linh Sơn), vì vậy nó không thể là đảo hoang, không có người ở vào năm 1816. Hơn nữa, giống như Pullo Secca de Terra, địa hình hòn đảo này cũng là nơi không hề giống như mê cung. Thứ hai, đảo Phú Quý nằm ở cực nam Paracels trên bản đồ là chuyện của thế kỉ 16. Ngay cả trong thế kỉ 16, đảo Phú Quý đã có tên gọi riêng trên bản đồ. Ngay từ giữa thế kỉ 17, đảo Phú Quý đã không là một bộ phận của khu vực nguy hiểm Paracel, mà chỉ được nối với khu vực nguy hiểm Paracel bằng đường chấm mảnh. Trong số những bản đồ suốt thế kỷ 18 mà người viết đã xem qua, Paracels từ lúc dạng hình chiếc ủng tới lúc chuyển thành hình thang dẹt đều không hề kéo dài đến đảo Phú Quý (có thể xem thêm bản đồ châu Á năm 1742 và bản đồ châu Á năm 1799). Năm 1805 Horsburgh cũng chỉ ra đảo Phú Quý ở phía nam ranh giới phía nam của khu vực nguy hiểm Paracel, không thuộc Paracels.
Vì vậy, rất khó tưởng tượng các học giả và nhà ngoại giao mà đến sau năm 1820 vẫn còn xem đảo Phú Quý là một bộ phận của Paracels. Do đó, nơi vua Gia Long cắm cờ chỉ có thể là quần đảo Hoàng Sa, tức trên đảo ở đầu phía bắc khu vực nguy hiểm Paracel trước đây.
Cuối cùng, “An Nam đại quốc họa đồ” năm 1838 của giáo sĩ Taberd là bằng chứng thuyết phục nhất. Trên bản đồ này, Paracels được đánh dấu tại địa điểm khoảng 16,6° vĩ Bắc, 111° kinh Đông, hoàn toàn trùng khớp với vị trí quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Dòng chữ ở bên cạnh ghi “Paracel seu Cat Vang”, nghĩa là “Paracel tức là Cát Vàng”. Bản đồ này cho thấy đầy đủ hiểu biết của Taberd đối với Paracels và Hoàng Sa là hoàn toàn trùng khớp với quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Điều này cũng xác nhận từ Chaigneau đến Crawfurd, rồi đến giáo sĩ Taberd, dưới ngòi bút của họ nơi vua Gia Long cắm cờ là Paracels, tức Hoàng Sa, cũng chính là quần đảo Hoàng Sa ngày nay.
2. Paracels, Hoàng Sa, Vạn Lí Trường Sa đều không bao gồm quần đảo Trường Sa
Quan điểm chính thức của Việt Nam cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa lúc đầu là chỉ cùng một địa điểm, tức đều là tên gọi chung cho quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Khẳng định này không có sức thuyết phục: vì Hoàng Sa và Trường Sa cách nhau rất xa, không có bằng chứng văn bản, rất khó cho rằng chúng được gọi chung bằng cùng một tên. Theo sử liệu phương Tây thì Paracels chính là Hoàng Sa của Việt Nam, mà Paracels chính là quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, Paracels xưa nay không phải tên gọi của quần đảo Trường Sa. Điều này cũng cho thấy việc phía Việt Nam giải thích Hoàng Sa theo sử liệu bao gồm cả quần đảo Trường Sa là không có căn cứ.
Đương nhiên, dựa trên câu chữ không thể loại trừ hoàn toàn khả năng Vạn Lí Trường Sa là tên gọi chung của Hoàng Sa và Trường Sa. Có duy nhất một bằng chứng có sức mạnh chính là “Vạn Lí Trường Sa” vẽ trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ”. “Vạn Lí Trường Sa” ở đây chỉ có thể giải thích là quần đảo Trường Sa. Nhưng chỉ dựa vào một bản đồ này thôi thì hết sức thiếu sức thuyết phục. Trường Sa của người Việt Nam hiện nay nói đến là quần đảo Trường Sa, và Trường Sa mà ngư dân Việt Nam ngày xưa gọi cũng là quần đảo Trường Sa. Có người cho rằng bắt đầu từ thế kỉ 15, Việt Nam đã gọi quần đảo Trường Sa là Trường Sa, ngư dân ở duyên hải Trung Bộ dùng chữ Nôm là “cù lao Cát Dài” [岣勞葛𨱽]. Nhưng chứng cứ đưa ra vẫn chỉ là ghi chép về Trường Sa trong “Phủ biên tạp lục” và “Hồng Đức bản đồ”, mà hai tác phẩm này tên này đều chỉ Hoàng Sa mà thôi (xem phần 4.2.2, 4.2.4). Học giả Trung Quốc cũng chỉ ra rằng họ không tìm thấy sử liệu về “cù lao Cát Dài” trong sách mà họ trích dẫn. Học giả Việt Nam Thái Văn Kiểm lại còn cho rằng Trường Sa mà các sách như “Hồng Đức bản đồ” nói đến chỉ là bãi cát trắng ven biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên.
Tóm lại, người viết không tìm thấy bất cứ ghi chép nào trong sách vở có thể cho thấy từ thế kỉ 18 đến thế kỉ 19 (càng không nói đến thế kỉ 15) người Việt Nam đã gọi quần đảo Trường Sa như vậy. Hơn nữa, địa danh mà ngư dân gọi và địa danh được ghi chép lại có thể là những địa điểm khác nhau hoàn toàn. Hơn nữa, theo ghi chép trong sách vở, e rằng phải đến giữa thế kỉ 20 về sau ngư dân Việt Nam mới xuất hiện ở Trường Sa. Giai đoạn từ thế kỉ 18 đến thế kỉ 19, ngư dân Việt Nam có khả năng chưa đến Trường Sa đánh cá. Khi nào Việt Nam bắt đầu gọi tên quần đảo Trường Sa là Trường Sa? Hiện nay vẫn chưa có ý kiến nào khiến người ta tin tưởng và đồng ý.
Tuy nhiên, điều này không hề đồng nghĩa với việc người Việt Nam không có liên hệ nhất định với quần đảo Trường Sa. Ngoài việc người Champa có thể phát hiện quần đảo Trường Sa sớm nhất (xem phần 3.3.3) ra, có thư tịch Việt Nam cũng cho rằng “Bắc Hải” thực sự là Trường Sa, nhưng không đưa ra lí lẽ nào. Còn người viết thì cho rằng “Bắc Hải” trong tài liệu của Việt Nam thật ra có khả năng chỉ vùng biển bao gồm quần đảo Trường Sa trong đó. “Phủ biên tạp lục” viết “Phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và hàng hoá của tàu thuyền, lập đội Hoàng Sa để thu lấy, đi 3 ngày đêm mới đến, cũng gần xứ Bắc Hải”. Cũng viết “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu và các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên.” Trong “Đại Nam thực lục tiền biên” và “Đại Nam nhất thống chí” đều có ghi chép tương tự (xem phần 4.2.5, 4.3.5). Bắc Hải ở đây là nơi thế lực họ Nguyễn có thể vươn tới, do đó không thể chỉ khu vực vịnh Bắc Bộ do chúa Trịnh kiểm soát, cũng không thể là vùng nước ven bờ biển Việt Nam.
Trong “Hải sơn tiên quán tùng thư bản” [海山仙館叢書本] năm 1851 có “Hải lục” [海錄] (1820) của Tạ Thanh Cao, mục “Tiểu Lữ Tống” viết “đào giếng ở Tây Sa cũng có thể lấy được nước. Ngay phía Nam của Sa là Thạch Đường. Người tránh bão ở đây cần cẩn thận không thể làm bừa”. Bên dưới, có chú thích “ở trên thuộc Nam Hải, ở dưới thuộc Bắc Hải”. Phùng Thừa Quân khi chú thích “Hải lục” bác bỏ nói “không biết người nào chú thích càn chữ thập”. Nhưng Hàn Chấn Hoa cho rằng, chú thích đó thật ra không có sai, “ở dưới” tức là ở về phía Nam quần đảo Hoàng Sa, khi đó quả thực có ngư dân gọi vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa là Bắc Hải.
Tra cứu “Canh lộ bạ” mà Trung Quốc sưu tập, thực sự cũng có hiện tượng này. Trong số 11 bản “Canh lộ bạ” hiện có, đại bộ phận không gọi biển Đông là “Nam Hải”, cũng như không có cách gọi rõ ràng cho Hoàng Sa và Trường Sa mà gọi vùng biển quần đảo Hoàng Sa là “Đông Hải”, vùng biển quần đảo Trường Sa là “Bắc Hải”. Chỉ có hai cuốn gọi là Tây Sa và Nam Sa, một là bản duy nhất thời Dân quốc của Trần Vĩnh Cần, bản kia là bản truyền khẩu của Mông Toàn Châu ban đầu không có tên, về sau có ghi thêm tiêu đề vào dựa theo lời kể của ngư dân. Vì vậy, cách gọi vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa là Bắc Hải, thực sự có căn cứ có thể tra cứu.
Quần đảo Hoàng Sa ở phía đông nam trấn Đàm Môn, nên gọi vùng biển quanh nó là thành Đông Hải coi như có thể hiểu được, nhưng đồng thời, Đông Hải cũng là cách gọi biển Đông của người Việt Nam. Tuy nhiên, quần đảo Trường Sa rõ ràng ở xa hơn về phía nam mà ngư dân Trung Quốc lại gọi là Bắc Hải thì thật khó thể giải thích. Tăng Chiêu Toàn nói đây là lấy ý của câu “biển do gió bắc đưa đến”, khó tránh khiên cưỡng.
Hàn Chấn Hoa cho rằng sở dĩ người Trung Quốc gọi Bắc Hải là vì người thời Tống tự gọi mình là “Bắc nhân” (người phương Bắc), vì vậy, bắt đầu từ thời Tống “Bắc Hải” đã là biển của người Trung Quốc… Căn cứ của ông ta nằm trong tác phẩm “Bình Châu khả đàm” [萍洲可談)] của một người thời Tống có viết “Bắc nhân ra nước ngoài, cả năm không về, gọi là ‘trú phiên’ (cư trú ở nước ngoài); người các nước đến Quảng Châu, cả năm không về, gọi là “trú Đường” (cư trú ở Trung Quốc)”. Nhưng chỉ ví dụ duy nhất này thì không đủ làm bằng chứng. Cũng trong quyển này, còn xuất hiện hai chỗ có từ “Bắc nhân”: “Ngoài biển nhiều giặc cướp, hơn nữa không đến được nước ấy, mà đến Chiêm Thành, hoặc lạc đường vào Chân Lạp, thì hàng hóa trên thuyền bị chìm hết, trói Bắc nhân mà bán”, cùng với: “(Miếu thần Lai Châu Đông Hải) hơi chếch về phía bắc đối diện biên giới Bắc phiên, ngư dân nói, lúc ban đêm trời trong thấy Bắc nhân đốt lửa, thì cách đó không xa lắm.” Mặc dù ‘Bắc nhân’ trong câu trước vẫn chỉ người Trung Quốc, nhưng rõ ràng họ đang nói từ góc nhìn ngoài biển (tức là bọn cướp biển Chân Lạp). Còn ‘Bắc nhân’ trong câu sau, theo góc nhìn của người Trung Quốc, chỉ người dân Liêu. Có thể thấy “Bắc nhân” vẫn là cách gọi theo vị trí tương đối.
Hàn Chấn Hoa lại cho rằng Việt Nam gọi Trung Quốc là Bắc quốc, gọi người Trung Quốc là Bắc nhân, vì vậy gọi Bắc Hải chính như gọi biển Trung Quốc. Lập luận này không có căn cứ. Thứ nhất, với lập luận này ông ta đã ngầm thừa nhận ngư dân Trung Quốc đã đứng từ tầm mắt của Việt Nam để nhìn, và dùng tên gọi của Việt Nam để gọi vùng biển này. Bản thân điều này đã mâu thuẫn với điều ông nói rằng vùng biển này thuộc Trung Quốc. Đã thuộc Trung Quốc thì sao lại phải theo cách nói của Việt Nam? Thứ hai, điều này cũng không có cách nào lí giải tại sao nơi xa hơn về phía Bắc hơn so với vùng biển này, nơi có quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc mà lại không được gọi là Bắc Hải (ngay cả người Việt Nam cũng không gọi những nơi đó là Bắc Hải).
Câu hỏi này nhất thời không có lời giải đáp. Theo cách nhìn của bản thân người viết, cách gọi Bắc Hải này có khả năng xuất phát từ khu vực xa hơn ở phía nam truyền đến. Chẳng hạn như người Brunei có thể gọi vùng biển này là Bắc Hải. Sở dĩ họ không gọi nơi ở xa hơn phía bắc là Bắc Hải, có lẽ thuần túy vì không có quan hệ mật thiết, vì vậy không có tên gọi riêng. Người Sulu và người Java cũng có thể có cái nhìn giống như vậy, thậm chí người Champa cũng vậy. Champa, Brunei, Sulu… thậm chí có thể cùng sử dụng tên gọi này với nhau. Nếu như người Champa gọi vùng biển này là Bắc Hải, thì sau khi Champa bị Việt Nam thôn tính, người Việt Nam tiếp tục sử dụng tên gọi của người Champa cũng là điều tự nhiên. Sở dĩ ngư dân Trung Quốc gọi nơi này là Bắc Hải, có thể chỉ là sử dụng theo chứ khó có khả năng họ tự gọi vùng biển phía nam xa xôi như vậy là Bắc Hải. Đương nhiên đây là suy đoán của người viết, hoàn toàn không có bằng chứng văn bản. Nhưng dù như thế nào, cách lí giải của Hàn Chấn Hoa, trái lại ủng hộ khẳng định của phía Việt Nam, tức Bắc Hải trong ghi chép có liên quan của Việt Nam chính là Bắc Hải mà ngư dân Trung Quốc nói đến, cũng chính là vùng biển bao gồm quần đảo Trường Sa.
Từ ghi chép của “Phủ biên tạp lục” có thể thấy rằng, Bắc Hải mới đầu chỉ vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa và cách xa bờ biển. Trên thực tế, vùng biển ở phía nam quần đảo Hoàng Sa và cách xa đất liền, nơi mà đội Bắc Hải có thể vớt của bị mất và thu hoạch hải sản, có thể chỉ là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Vì vậy, đúng là có khả năng đội Bắc Hải từng thi hành nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Đương nhiên, điều này vẫn còn cần có lập luận chứng minh tỉ mỉ hơn.
3. Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với các đảo biển Đông
Năm 1018, khi người Champa đi sứ Trung Quốc có nói rằng người của họ khi đi đến Trung Quốc sợ sẽ bị rơi vào tình trạng nguy hiểm nơi quần đảo Hoàng Sa. Đây có thể là ghi chép sớm nhất trong lịch sử có thể xác nhận về quần đảo Hoàng Sa. Dù không thể lấy điều này để khẳng định người Champa đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa, nhưng ít ra từ “ghi chép lịch sử” này thì người Champa là người đầu tiên đến quần đảo Hoàng Sa theo “ghi chép trong tài liệu”. Thế kỉ 17 Champa bị Việt Nam thôn tính, vì vậy quyền lịch sử của người Champa tất nhiên được Việt Nam kế thừa. Do đó, quyền lợi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa có thể truy ngược đến năm 1018.
Tài liệu bằng chữ viết thời Việt Nam mới dựng nước đại bộ phận đã bị tiêu hủy hay thất lạc, điều này có thể là một trong những nguyên nhân vì sao Việt Nam thiếu những ghi chép về hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa thời kì đầu. Nhưng có nhiều khả năng Việt Nam khi đó giới hạn ở nước Đại Việt nằm ở phía Bắc Việt Nam hiện nay, thực sự không có quá nhiều quan hệ với quần đảo Hoàng Sa. Do đường thuỷ từ Đại Việt đến Trung Quốc có thể đi theo ven bờ vịnh Bắc Bộ (Tonkin Bay) rồi xuyên qua eo biển Quỳnh Châu, hoàn toàn không cần phải đi vòng qua phía nam đảo Hải Nam, và hiếm có khả năng gặp phải tình cảnh nguy hiểm ở quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy, không có gì lạ khi Việt Nam không có ghi chép gì về quần đảo Hoàng Sa trước thời thôn tính Champa. Vì sử học Champa không phát triển, có rất ít tư liệu hiện còn lưu giữ được, từ sau thế kỉ 11 không để lại ghi chép nào về quần đảo Hoàng Sa. Thay vì nói Champa không có quan hệ gì với Hoàng Sa, có lẽ đúng hơn khi nói hoạt động của họ không được ghi chép lại.
Sử liệu của Việt Nam phải đến thế kỉ 17 mới có lại các ghi chép về quần đảo Hoàng Sa, tức sau khi Đại Việt thôn tính Champa. Ghi chép sớm nhất chính là “Toản tập thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” thế kỉ 17, nhưng ghi chép về phương vị của Hoàng Sa trong cuốn sách này là có nghi vấn nên khó lấy làm bằng chứng đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong “Hải ngoại kỉ sự” năm 1699 của người Trung Quốc có ghi chép xác nhận vào cuối thế kỉ 17 chúa Nguyễn ở miền Nam Việt Nam đã sai người đến quần đảo Hoàng Sa mò vớt của bị mất. “Phủ biên tạp lục” của Việt Nam đã mô tả tỉ mỉ việc vào đầu thế kỉ 18 chúa Nguyễn sai đội Hoàng Sa đến quần đảo Hoàng Sa mò vớt của bị mất. Vì vậy, bắt đầu từ thế kỉ 18, Việt Nam đã bắt đầu thể hiện ý đồ chủ quyền và bước đầu kiểm soát hữu hiệu đối với quần đảo Hoàng Sa.
Mới đầu chúa Nguyễn sai người đến quần đảo Hoàng Sa với hi vọng tìm thấy hải sản cũng như của bị mất và vũ khí của tàu thuyền bị đắm ở khu vực này. Nhiệm vụ này thuộc về đội Hoàng Sa do dân xã An Vĩnh hợp thành. Hiện nay không có cách nào để biết quyết định này được đưa ra như thế nào. Nhưng vào thời chúa Nguyễn, điều này dần dần đã trở thành một chế độ. Theo ghi chép trong “Phủ biên tạp lục”, việc lựa chọn thành viên đội Hoàng Sa có quy tắc nhất định. Họ ra đi vào tháng Giêng hàng năm, ở lại quần đảo Hoàng Sa khoảng 6 tháng. Khi quay về, vào tháng 8 họ đem những thứ đánh bắt hoặc thu lượm được giao cho bộ phận liên quan ghi chép (giao nộp), một phần trong đó, đặc biệt là các đồ bằng bạc, vũ khí phải giao nộp lên trên, phần còn lại như hải sản thì có thể giao cho các thuyền viên tự mang đi bán. Thứ họ kiếm được, có lúc nhiều, lúc ít, điều này rõ ràng có liên quan đến việc năm đó có tàu thuyền gặp nạn ở khu vực đó hay không.
Sau khi chính quyền chúa Nguyễn bị diệt, chính quyền họ Nguyễn Tây Sơn vẫn duy trì chế độ đội Hoàng Sa này, nhưng vì đang có chiến tranh nên có thể không có quy củ như thời kì chúa Nguyễn. Không lâu sau khi thành lập, triều Nguyễn liền khôi phục loại chế độ thường trực này (1804). Ban đầu, hoạt động của đội Hoàng Sa không có khác biệt nhiều so với triều đại trước, chủ yếu là vì lợi nhuận. Nhưng khoảng trước sau năm 1816, vua Gia Long định ra nhiệm vụ mới cho đội Hoàng Sa – “thăm dò thủy trình”. Thời kì này, việc phái người đến Hoàng Sa đã không còn giới hạn ở đội Hoàng Sa với hình thức nửa nhà nước nửa dân sự nữa, mà còn do “thuỷ quân” và đội Hoàng Sa cùng đến đó, điều này đã tăng cường thêm một bước ý thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Dù trong tài liệu của Việt Nam không có ghi chép tường tận, nhưng trong nhiều tài liệu của phương Tây đều có ghi chép về sự kiện này, đồng thời mô tả là “đã long trọng cắm lá cờ của mình ở đó”. Có thể vua Gia Long đã ra lệnh cho đội Hoàng Sa cắm quốc kì ở quần đảo Hoàng Sa. Tóm lại, trong cái nhìn của người phương Tây, Việt Nam đã chính thức tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vào khoảng năm 1816. Trước khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp vào giữa và nửa sau thế kỉ 19, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được các nước phương Tây thừa nhận rộng rãi. Tác phẩm “Hải lục” năm 1820 của người Trung Quốc cũng thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là “lá chắn phía ngoài” của người Việt Nam.
Đến thời vua Minh Mệnh, Hoàng đế lại định thêm nhiệm vụ mới cho thuỷ quân và đội Hoàng Sa. Một là trồng cây với mục đích là để thuyền buôn nhận biết rõ hơn bãi đá ngầm nguy hiểm. Biện pháp này chứng tỏ trọng điểm công việc của đội Hoàng Sa đã không còn là thu nhặt của bị mất của thuyền bị đắm, nếu không sẽ không chủ động trồng cây làm mốc để tránh va phải đá ngầm. Hai là, năm 1835, vua Minh Mệnh ra lệnh cho xây “miếu thờ thần trên Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi” và dựng bia đá. Ba là, năm 1836, Việt Nam tiến hành một cuộc đo đạc quần đảo Hoàng Sa với quy mô lớn, do thuỷ quân và thuyền của dân cùng tiến hành, cũng quy định việc đo đạc này phải được sai làm hàng năm để thông thuộc hải trình, và đã thăm dò rõ nơi này có 25 đảo. Cuối cùng, thuỷ quân còn dựng 10 biển gỗ trên các đảo để tuyên bố chủ quyền của Việt Nam.
Những hành động này thể hiện tương đối rõ ràng rằng thái độ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã chuyển từ lợi ích vật chất đơn thuần lúc ban đầu sang quản lí hành chính và quân sự; đơn vị quản lí quần đảo Hoàng Sa đã chuyển từ đội Hoàng Sa sang thuỷ quân chính quy. Hành động dựng biển gỗ trên Hoàng Sa của Việt Nam này là phương thức tuyên bố chủ quyền đúng theo tiêu chuẩn trong luật pháp quốc tế. Vua Minh Mệnh hiểu rõ vị trí hiểm yếu của Hoàng Sa nên đã yêu cầu thuỷ quân đo đạc tỉ mỉ khu vực này và thông thuộc tình hình nơi đó. Vua Minh Mệnh rất coi trọng hành động đo đạc của thuỷ quân, từ trong các tấu chương trong “Châu bản triều Nguyễn” có thể thấy rằng nếu như vẽ bản đồ không rõ ràng còn sẽ bị xử phạt. Nếu như chỉ là đo đạc thôi thì hoàn toàn không cần đến đó hàng năm, rất có thể Việt Nam cũng phái thuỷ quân diễn tập tại nơi đó để củng cố biên giới biển. Trong các tài liệu lưu trữ của Trung Quốc thời Thanh, có thể thấy những ghi chép về việc phối hợp bắt buôn lậu Trung-Việt trong những năm 1830, trong đó giải thích rõ ràng đường phân giới tuần tra giữa Trung Quốc và Việt Nam là nơi ở không xa về phía nam Quỳnh Châu (xem phần 5.3). Thời Thiệu Trị, Việt Nam vẫn duy trì hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, có khả năng cho đến những năm 1860.
Từ đó có thể thấy, chính quyền Việt Nam bắt đầu có hành động quản lí mang tính thực chất đối với quần đảo Hoàng Sa từ giữa thế kỉ 17. Hành xử chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã thiết lập theo từng bước. Trước thế kỉ 19, hình thức chủ yếu là chúa Nguyễn sai đội Hoàng Sa đến Hoàng Sa mò vớt của bị mất. Vì đội Hoàng Sa do quốc vương ra lệnh thành lập nên điều đó thể hiện là có ý đồ chủ quyền. Sau khi triều Nguyễn thành lập vào thế kỉ 19, Việt Nam đã xác định rõ thêm hơn chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1816, chủ quyền này đã được quốc tế thừa nhận. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường quản lí đối với Hoàng Sa, bao gồm việc trồng cây trên quần đảo để giúp tàu thuyền nhận biết phương hướng, xây dựng miếu thờ trên quần đảo, thăm dò thuỷ văn, dựng mốc giới… So với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa mơ hồ và phân tán, bằng chứng cứ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là rõ ràng, chính xác và liên tục.
Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với Hoàng Sa không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả tất nhiên của việc Việt Nam coi trọng sức mạnh trên biển hơn. Đầu thế kỉ 19 Việt Nam rất chú ý xây dựng hải quân. Thủy quân của Việt Nam rất có tiếng, hải quân Pháp khi mới tấn công Việt Nam nhiều lần bị thất bại trước hải quân nước này. Thời chiến tranh Thuốc phiện Trung-Anh, hoàng đế Đạo Quang từng có lần nghĩ đến việc nhờ hải quân Việt Nam giúp Trung Quốc chống lại Anh. Vào thời kì mà Trung Quốc còn thiếu ý thức về biển, Việt Nam đã đi trước một bước, xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Về chủ quyền quần đảo Trường Sa, bằng chứng của Việt Nam còn mơ hồ. Việt Nam tuyên bố Đại Trường Sa trong “Phủ biên tạp lục” là tên gọi chung của Hoàng Sa và Trường Sa nhưng không có chứng cứ ủng hộ cho điều này. “Đại Nam nhất thống chí” vẽ Hoàng Sa và Vạn Lí Trường Sa (sau này người Việt Nam dùng để chỉ Trường Sa) vào cùng một chỗ, và đều nằm ở đối diện đường bờ biển Việt Nam, nhưng thiếu chứng cứ bằng văn bản khác để giải thích Vạn Lí Trường Sa chính là Trường Sa hiện nay (dù vẫn có khả năng này). Tuy nhiên, nếu như “Bắc Hải” trong tài liệu của Việt Nam quả thật (như người viết đã trình bày và giải thích phía trên) chính là quần đảo Trường Sa, thì người Việt Nam cũng rất có khả năng có chủ quyền lịch sử ở quần đảo Trường Sa. Vì các Hoàng đế Việt Nam từng phái đội Bắc Hải mò vớt của bị mất ở khu vực Bắc Hải, hơn nữa đội Bắc Hải thuộc quyền quản lí của đội Hoàng Sa. Theo luật pháp quốc tế, hành động này cũng là một sự thể hiện chủ quyền trên thực tế.
Nhưng ngay cả như vậy, ghi chép về đội Bắc Hải trong tài liệu lịch sử ít ỏi hơn rất nhiều so với đội Hoàng Sa, điều này có nghĩa là dù đội Bắc Hải từng chấp hành nhiệm vụ ở Trường Sa, nhưng mức độ thường xuyên của nó cũng kém rất xa so với đội Hoàng Sa. Hơn nữa, sau thế kỉ 19, việc quản lí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã chuyển từ đội Hoàng Sa chuyên thu lượm hải sản nâng cấp thành một loạt nhiệm vụ do thuỷ quân thực hiện; nhưng ở Bắc Hải, không những không thấy phái thuỷ quân đi làm nhiệm vụ mà ngay cả đến hoạt động của đội Bắc Hải cũng không có ghi chép mới. Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa có ý nghĩa lớn nhưng vẫn là điều còn hoài nghi.
Tóm lại, từ đầu thế kỉ 18 Việt Nam đã từng bước xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa. Ban đầu nhà nước Việt Nam thành lập đội Hoàng Sa hàng năm đến Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Khi đó, Việt Nam có thể chưa hình thành hoàn toàn ý thức chủ quan về chủ quyền, nhưng xét theo luật quốc tế thì đó đã là một hình thức chủ quyền thực tế. Đến sau khi nhà Nguyễn thành lập vào đầu thế kỉ 19, vua Gia Long chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa năm 1816, vua Minh Mệnh càng tăng cường thêm một bước việc hành xử chủ quyền đối với Hoàng Sa. Vào giữa thế kỉ 19, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được các nước phương Tây thừa nhận. Nếu cho rằng đi qua một nơi trên biển không được xem là khai thác, so với Trung Quốc, dù Việt Nam khai thác Hoàng Sa tương đối muộn, nhưng ý thức chủ quyền, hình thức chủ quyền của họ cũng như sự thừa nhận của quốc tế đều rõ ràng và đầy đủ hơn.
4.7. QUAN HỆ CỦA PHILIPPINES VÀ BRUNEI VỚI QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA
Người Philippines thuộc ngữ hệ Nam Đảo, có cùng nguồn gốc với người bản địa Đài Loan, phần phía bắc (khu vực đảo Luzon) và phần phía nam có lịch sử khác biệt rõ rệt. Lịch sử được ghi chép của Philippines chỉ bắt đầu từ thế kỉ 9 và nước này chưa hình thành một quốc gia thống nhất trước khi người Tây Ban Nha đến.
Thế kỉ 10, trên đảo Luzon đã xuất hiện nước Đường Đa (Kingdom of Tondo), có lẽ chỉ là liên minh các bộ lạc. Vào thế kỉ 16 Sultanate (vương quốc Hồi giáo) Brunei lớn mạnh, Sultanate Brunei đánh bại Tondo để thành lập quốc gia vệ tinh ở khu vực Manila, và Luzon trở nên phạm vi ảnh hưởng của Sultanate Brunei. Theo tư liệu hiện có, đảo Luzon khi đó chưa có tổ chức hành chính cấp quốc gia mà, chủ yếu vẫn là các làng xóm nhỏ.
Trong chuyến đi biển vòng quanh thế giới từ 1519 đến 1523, Magellan người Tây Ban Nha đi qua Nam Mĩ, và “phát hiện” ra Philippines năm 1521 (Magellan bị người bản địa Philippines giết). Sau đó người Tây Ban Nha đã phát triển tuyến đường biển từ Mexico đến Đông Nam Á. Do không cạnh tranh lại người Bồ Đào Nha đối với quần đảo hương liệu với nên người Tây Ban Nha chuyển hướng sang Philippines. Trong cuộc chiến tranh thực dân từ năm 1565 đến năm 1571, người Tây Ban Nha đã đánh bại các bộ lạc bản địa và thành lập chính quyền thực dân tại Manila để thống trị miền Bắc và miền Trung Philippines. Trong khu vực thống trị của mình người Tây Ban Nha phát triển mạnh đạo Thiên chúa, Philippines trở thành nước duy nhất trong khu vực mà Thiên Chúa giáo chiếm ưu thế. Vào đầu thế kỉ 17 người Tây Ban Nha còn xây dựng chính quyền tại Đài Loan trong thời gian ngắn, sau đó bị người Hà Lan đánh đuổi đi.
Từ thế kỉ 15 miền Nam Philippines bắt đầu tiến vào thời đại Islam hóa, Sultanate Sulu và Sultanate Maguindanao lần lượt được thành lập tại quần đảo Sulu và đảo Mindanao. So với các làng xóm ở miền Trung Philippines, Sultanate Sulu và Mindanao thật sự có tính chất quốc gia. Sultanate Sulu lập nước năm 1457, đặt kinh đô ở đảo Jolo là đảo chính của quần đảo Sulu. Sultanate Mindanao được thành lập năm 1520, nằm ở phía tây đảo Mindanao.
Năm 1578, Tây Ban Nha mở cuộc tấn công Sulu nhưng bị thất bại. Cùng thời gian, Tây Ban Nha cũng phát động cuộc tấn công Brunei, gây thiệt hại nặng cho Sultanate Brunei. Từ đó Sulu trở thành thế lực lớn mạnh trong khu vực này, trở nên một thành phần trọng yếu trong giao thông ở biển Đông. Sultanate Sulu thay thế Sultanate Brunei kiểm soát giao thương từ Trung Quốc đến quần đảo Maluku (Molucca), còn gọi quần đảo hương liệu, là nơi sản xuất hương liệu quan trọng. Năm 1596, Tây Ban Nha phát động chiến tranh với Sultanate Maguidanao, nhưng cũng kết thúc trong thất bại. Sau cuộc chiến tranh thứ nhất, Tây Ban Nha tiến hành thêm hai cuộc chiến tranh với Maguidanao. Cuộc chiến thứ hai xảy ra vào đầu thế kỉ 18, kéo dài liên tục hơn 30 năm, Tây Ban Nha không ngừng đánh nhau, cuối cùng nhân lúc Tây Ban Nha bận đánh nhau ở miền Nam, Anh đã tấn công đại bản doanh Manila dẫn đến sự kết thúc cuộc chiến này. Các cuộc chiến tranh của Tây Ban Nha với các Sultanate Hồi giáo như Sulu… trước thời cận đại đều không thành công.
Khu vực tiếp giáp phía nam biển Đông là đảo Borneo (đảo Kalimantan). Trên đảo Borneo hiện nay có 3 quốc gia – Brunei, Malaysia và Indonesia. Xét thấy quan hệ chằng chịt giữa các nước này, ở đây sẽ trình bày chung với nhau.
Ở khu vực quần đảo Đông Nam Á trước khi người phương Tây đến, do sự rời rạc của quần đảo, không thể hình thành chính quyền thống nhất giống như các quốc gia hiện đại, nên việc truy lại quan hệ kế thừa chủ quyền rất khó khăn.Tại khu vực này, các thế lực chính trị trọng yếu nhất thường xuất hiện ở Sumatra, bán đảo Malay và đảo Java. Hai nơi đầu, do vị trí địa lí ưu việt của mình, đã lũng đoạn giao thương giữa phương Đông và phương Tây. Còn đảo Java có ưu thế về hoàn cảnh tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi, là nơi có dân số đông nhất Đông Nam Á. Đảo Borneo không có được ưu thế về cả hai điểm này. Do thiếu tư liệu lịch sử bản địa, lịch sử thời kì đầu của đảo này phần nhiều được dựng lại từ sử liệu của Trung Quốc và của Indonesia cũng như các kết quả khảo cổ tại bản địa.
Dân bản địa của Borneo từ cao nguyên Vân Quý di dân tới vào thế kỉ 4 đến thế kỉ 5. Vào thế kỉ 7, ở Borneo đã xuất hiện một chính quyền bản địa gọi là Vi Jayapura, thần phục Tam Phật Tề (tức Srivijaya trên đảo Sumatra). Gần như vào cùng lúc đó, tên gọi nước Bột Nê cũng xuất hiện trong sách sử Trung Quốc. Hai nước này có phải là một hay không vẫn còn đang tranh luận. Nước Bột Nê từng triều cống Trung Quốc lúc đó. Thế kỉ 13, Madjapahit trên đảo Java đánh bại quân Mông Cổ và bắt đầu lớn mạnh. Thế lực của họ vươn đến bờ biển Borneo, thậm chí còn đến miền nam Philippines và Đông Timor. Cho đến cuối thế kỉ 15 Madjapahit mới bị nước Sultanate Đàm Mục (Demak Sultanate) tiêu diệt. Quan hệ của Bột Nê dù với Trung Quốc hay với Madjapahit thì về đại thể đều mang tính tượng trưng. Trong khoảng thời gian này ở Borneo có lẽ chỉ có sự xuất hiện của các nước nhỏ, không có một chính quyền thống nhất. Borneo chủ yếu ở vào giai đoạn Ấn Độ hóa và cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Thế kỉ 15, Borneo bắt đầu Islam hóa, Sultanate Brunei (Sultanate of Brunei) được thành lập ở phía bắc. Tương truyền Hoàng Sâm Bình (Ong Sum Ping) là di dân từ Trung Quốc đến trong thời kì đầu của Sultanate Brunei có sức ảnh hưởng quan trọng. Sultanate Brunei đạt đến thời kì hưng thịnh nhất vào đầu thế kỉ 16, lãnh thổ bao gồm Brunei, Sabah, Sarawak hiện nay, và phạm vị ảnh hưởng xa đến tận khu vực Manila, đảo Luzon, Philippines, trở thành nước lớn trong khu vực, và đóng vai trò quan trọng trong giao thông ở phía đông và phía nam của biển Đông. Năm 1578, Tây Ban Nha tấn công Brunei, có một lần đã chiếm được thủ đô của Brunei, nhưng cuối cùng vì dịch bệnh bùng phát nên rút lui trong thất bại. Dù Brunei đẩy lùi được Tây Ban Nha, nhưng thực lực bắt đầu suy yếu, Sultanate Sulu ở phía đông (miền nam Philippines hiện nay) đã dần dần thay thế địa vị của nó. Năm 1702, Sultanate Sulu giúp Brunei bình định phản loạn trong nước, Brunei nhượng Bắc Borneo (miền đông Sabah) cho Sultanate Sulu.
Tóm lại, từ thế kỉ 15 đến trước thế kỉ 19, Brunei và Sulu đều là cường quốc ở khu vực biển Đông, các nước này đã phát huy vai trò trọng yếu trong giao thông ở biển Đông.
Brunei và Sulu có quyền lịch sử đối với quần đảo Trường Sa hay không là một câu hỏi đáng quan tâm. Phía Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều tư liệu lịch sử về các đảo biển Đông, hai nước đều tuyên bố có quyền lịch sử đối với các đảo biển Đông. Với tư cách là một đối thủ chủ yếu khác trong cuộc tranh chấp, Philippines lại chỉ đưa ra yêu sách hạn chế trong mặt địa lí. Điều này thật lạ lùng, vì khoảng cách từ quần đảo Trường Sa tới Trung Quốc và Việt Nam xa hơn rất nhiều so với khoảng cách tới Philippines, Brunei và Malaysia (Đông Malaysia).
Dù chính phủ Philippines không tuyên bố quyền lịch sử đối với các đảo biển Đông, nhưng người phát ngôn của Sultanate Sulu hiện nay, hậu duệ của Sultanate Sulu, tuyên bố rằng quần đảo Trường Sa trước đây là một bộ phận của Sultanate Sulu, và cho rằng chính phủ Philippines cần phải lấy điều này làm căn cứ lịch sử để đòi hỏi chủ quyền quần đảo Trường Sa:
“Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ xưa kia của người Hồi giáo Philippines, điều này có trước khi Tây Ban Nha thống trị Philippines năm 1521, xa về thời đại Madjapahit và Srivijaya. Cương vực của Sultanate Sulu bao gồm Sabah, quần đảo Sulu, đảo Palawan, một phần đảo Mindanao và các đảo hiện nay gọi là quần đảo Trường Sa, kéo dài liên tục đến quần đảo Visayas và Manila. Nhưng chính phủ Philippines không sử dụng quyền lịch sử của chúng ta vào tranh chấp quần đảo Trường Sa, vì Luật biển quốc tế không thừa nhận quyền lịch sử.” “Trung Quốc không có quyền nào ở quần đảo Trường Sa trong cái mà họ gọi là Nam hải, vì đây là một bộ phận trong lãnh thổ xưa kia của tổ tiên ta.”
Sau thế kỉ 20 Sultanate Sulu đã mất đi quyền lực thực tế, hiện nay chỉ là một danh hiệu kế thừa lịch sử, giống như con cháu của hoàng tộc Mãn Thanh. Vì Sultanate Sulu hiện nay là một bộ phận của Philippines, quyền lịch sử của Sultanate Sulu tất nhiên phải do Philippines kế thừa. Luận điểm mà người phát ngôn đưa ra rằng phạm vi của nó đã vươn đến quần đảo Trường Sa không phải vào thời mà Sultanate Sulu hưng thịnh (thời Majapahit và Sriwijaya), có phần không đáng tin. Nước Sultanate Sulu chỉ được thành lập khoảng năm 1457, trước đó có khả năng chỉ là một tiểu quốc mang tính chất liên minh bộ lạc, cương giới không thể đạt đến cương vực lớn nhất như được tuyên bố. Vì vậy, cương vực lớn nhất mà người phát ngôn tuyên bố (tạm thời không bàn đến Trường Sa) không phải là cương giới trong một thời kì nhất định, mà là tổng hợp cương giới mở rộng trong các thời kì khác nhau. Ví dụ, năm 1702 Sultanate Brunei mới nhượng Đông Sabah cho Sultanate Sulu, nhưng khi đó Tây Ban Nha đã thống trị đảo Luzon và Palawan hơn 100 năm rồi.
Trong tuyên bố này, người phát ngôn của Sultanate Sulu không hề nêu cụ thể có bằng chứng gì có thể cho thấy Sultanate Sulu từng kiểm soát qua quần đảo Trường Sa. Hơn nữa, theo pháp lí, vì Sabah từng là một bộ phận của Brunei, nhưng hiện nay lại là một bộ phận của Malaysia, do đó nếu muốn tuyên bố mình còn có quyền lịch sử đối với quần đảo Trường Sa, Sultanate Sulu cần phải nêu rõ quyền này không có liên quan với Sabah. Nếu không sẽ không thể tránh khỏi tranh cãi về quyền kế thừa lịch sử với Brunei và Malaysia.
Người phát ngôn cho rằng sở dĩ trước đây chính phủ Philippines không đưa ra quyền lịch sử là vì luật biển quốc tế không ủng hộ quyền lịch sử. Chính phủ Philippines cho rằng Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc không ủng hộ vùng nước lịch sử, nhưng trong luật biển vẫn còn chỗ để lỏng lẻo. Ngoài ra, tranh chấp quần đảo Trường Sa là tranh chấp lãnh thổ chứ không chỉ là tranh chấp lãnh hải, hơn nữa phía Trung Quốc và Việt Nam đều đưa ra quyền lịch sử khi tranh luận về Trường Sa. Philippines không đưa ra điều này có thể có 3 khả năng: (1) không hiểu sâu sắc về giai đoạn lịch sử này; (2) sau khi suy xét thấy rằng không đủ chứng cứ; (3) đưa ra quyền lịch sử mà không đủ chứng cứ chẳng bằng phủ định hoàn toàn quyền lịch sử sẽ có lợi hơn.
Thật ra, từ trong tài liệu của Trung Quốc có thể có được một số manh mối đáng tin. Ví dụ, trong “Quyển hạ – Úy đồ” sách “Hải ngữ” (1536) của Hoàng Trung thời Minh có nói: “Vạn Lí Trường Sa: Vạn Lí Trường Sa ở đông nam Vạn Lí Thạch Đường, tức Lưu Sa hà của Tây Nam di”. Vạn Lí Trường Sa ở đây chỉ quần đảo Trường Sa, Tây Nam di chỉ các nước ở phía đông biển Đông. Ở đây nói “Vạn Lí Trường Sa” chính là “Lưu Sa hà của Tây Nam di”, điều này cho thấy Vạn Lí Trường Sa thuộc “Tây Nam di”. Còn Tây Nam di này là nước nào, kết hợp việc Brunei và nước Sulu khi đó có địa vị lớn mạnh ở khu vực này, Tây Nam di chỉ có thể chỉ cả hai hoặc một trong hai nước này. Ngoài ra, trong “Hải trà dư lục” [海槎餘錄] (khoảng năm 1540) của Cố Giới cùng thời kì cũng đã cung cấp thông tin tương đối có ích: “Vạn Lí Trường Đê về phía nam, dòng chảy rất mạnh, thuyền trượt vào trong đó, không ai có thể thoát ra được. Thuyền bọn phiên vốn quen, có thể tự tránh được, tuy gió mạnh cũng không phải lo”. Vạn Lí Trường Đê ở đây chỉ quần đảo Trường Sa, “thuyền bọn phiên vốn quen, có thể tự tránh được” cho thấy nơi này cũng là nơi thuyền người phiên qua lại. “thuyền bọn phiên” [番舶: phiên bạc] ở đây chỉ điều gì? Dù nhìn theo tuyến đường hàng hải hay là tình hình giao thương lúc đó, ‘phiên bạc’ ở đây chính là tàu thuyền của Brunei và Sulu.
Tóm lại, hậu duệ của Sultanate Sulu lấy việc Sulu từng kiểm soát quần đảo Trường Sa để cho rằng Philippines có quyền lịch sử đối với quần đảo Trường Sa, nhưng vẫn chưa thể đưa ra bất cứ bằng chứng có tính thực chất nào. Từ góc nhìn theo sử liệu của Trung Quốc thì quả thật người Brunei và người Sulu thực sự hoạt động mạnh ở khu vực này lúc đó. Theo tiến trình lịch sử, có thể Brunei hoạt động mạnh nhất ở quần đảo Trường Sa trước giữa thế kỉ 16, nhưng sau khi bị Tây Ban Nha tấn công, Brunei suy yếu, phải nhượng Sabah cho Sulu, từ đó Sulu trên thực tế trở thành bên hoạt động mạnh nhất ở quần đảo Trường Sa. Lãnh thổ của Brunei khi đó bị Malaysia (Sarawak và Sabah) và Brunei ngày nay chia nhau, còn Sulu là một bộ phận của Philippines. Vì vậy, tiềm tàng thật sự một cuộc tranh cãi rất lớn về việc rốt cuộc khi đó quần đảo Trường Sa thuộc phạm vi ảnh hưởng của nước nào và ai phải được kế thừa hiện nay.
Bạn có thể thích
Về giao thông và dự án xe lửa cao tốc ở Việt Nam
Giới thiệu sách “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân.”
Về lịch sử và chiến lược xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc ở Trung Quốc
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng