Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Bất bình đẳng thu nhập và di cư bất hợp pháp của người Việt sang châu Âu 

Trịnh Khánh Ly

Published on

Trịnh Khánh Ly 

Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ phỏng vấn Luật gia Trịnh Khánh Ly về vụ án liên quan đến 39 người Việt Nam tử vong trong thùng xe lạnh khi di cư bất hợp pháp đến Anh năm 2019 cũng như các nghiên cứu của cô về vấn đề lao đông, bất bình đẳng thu nhập và hiện tượng di cư bất hơp pháp ra nước ngoài ở Việt Nam.  

I) Về phiên toà tại Bỉ

1) Xin chị cho biết tại sao những người Việt bị chết ở Anh nhưng phiên tòa xử những người gây ra cái chết của họ lại diễn ra ở Bỉ? 

Các nhà chức trách Anh phát hiện ra 39 nạn nhân Việt Nam tử vong trong thùng xe lạnh khi di cư không chính thức đến Anh năm 2019. Theo kết quả điều tra thì chiếc xe tải này xuất phát từ cảng Zeebrugge  của Bỉ. Chính vì vậy Tòa án có thẩm quyền điều tra và xét xử vụ việc này là Tòa án thành phố Bruges thuộc tỉnh Tây Flander. Đồng thời, ngay từ giai đoạn đầu Cơ quan Công tố Liên bang Bỉ đã trực tiếp sang Anh để phối hợp điều tra vụ việc.

Cuộc điều tra tại Bỉ bắt đầu tiến hành từ tháng 10/2019 và đến ngày 27/05/2020 cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Liên bang Bỉ đã bắt các nghi can người Việt và người nước ngoài liên quan đến vụ việc tại Brussels và dẫn giải họ về thành phố Bruges để phục vụ công tác điều tra. Các nhà chức trách cũng đã phát hiện ra rằng trong tổng số 39 nạn nhân có 3 nạn nhân là trẻ vị thành niên (15 nạn nhân trong tổng số 39 nạn nhân nói trên đã từng ở tại các địa điểm khác nhau tại Bỉ trong đó có một nạn nhân là trẻ vị thành niên nam. Em này đã bỏ trốn khỏi Trung tâm Tị nạn tại Hà Lan vào tháng 8/2019 để chạy sang Bỉ trước khi tử nạn ở bên Anh).

Vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa hình sự tại Bruges ngày 15-16/12/2021 với 13 bị cáo người Việt và 9 người nước ngoài. Tòa tuyên án ngày 19/01/2022. Trong đó có 5 bị cáo không bị truy tố trách nhiệm hình sự vì không đủ chứng cứ cấu thành tội phạm. Các bị cáo không chỉ bị truy tố vì vụ việc liên quan đến các nạn nhân Việt Nam tử vong trong thùng xe lạnh tại Anh mà còn bị truy tố vì các hành vi phạm tội đưa người bất hợp pháp đối với các nạn nhân Việt nam khác tại Bỉ. 

Bị cáo người Việt bị coi là người cầm đầu tổ chức tội phạm đã bị nhận hình phạt kịch khung hình phạt (15 năm tù giam). Ông này bị xác định là có liên quan đến tổng cộng 115 nạn nhân người Việt. Ngoài hình phạt chính là tù giam, ông này còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung là phạt tiền: 920.000 EUR (khoảng 24 tỷ đồng); bồi thường dân sự: 2.284.005 EUR (59 tỷ đồng).

Tương tự, bị cáo người Việt thứ hai cũng bị coi là người tham gia vào việc cầm đầu tổ chức tội phạm. Ông này bị coi là có liên quan đến 60 nạn nhân người Việt và bị áp dụng hình phạt chính là 10 năm tù giam. Ngoài ra, ông này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền: 480.000 EUR (hơn 12 tỷ đồng) và bồi thường dân sự: 380.335 EUR ( gần 10 tỷ đồng). 

Đây là những số tiền phạt và bồi thường cực kỳ lớn mà Tòa án tính toán dựa trên việc xác định số lợi nhuận mà hai bị cáo này thu được từ các nạn nhân. Tuy nhiên, khi bị bắt cả hai bị cáo này đều là những người nhập cư bất hợp pháp, không có chỗ ở và tài sản tại Bỉ nên Tòa án Bỉ khó có thể thực hiện áp dụng các hình phạt bổ sung nói trên. 

Các bị cáo ngoài việc bị áp dụng các hình phạt chính, hình phạt bổ sung còn phải trả án phí tương ứng với mức độ phạm tội của mình.

II) Tình trạng di cư bất hợp pháp của người Việt sang châu Âu

2) Chị có thể cho biết số người Việt ước tính hàng năm đến Bỉ để tìm cách sang Anh là bao nhiêu?

Hiện nay chưa có số liệu thống kê đầy đủ con số người Việt ước tính hàng năm đến Bỉ để tìm cách sang Anh bởi vì đây đều là những người nhập cư bất hợp pháp nên các nhà chức trách không thể thống kê được đầy đủ. Tuy nhiên, có hàng nghìn người Việt nhập cư bất hợp pháp sang các nước Tây Âu trong đó hàng trăm người cư trú bất hợp pháp tại Bỉ (De Standaard 2019)

Sau  vụ việc thương tâm nói trên xảy ra các nhà chức trách tại các điểm ‘nóng’ ở Châu Âu bao gồm Đức, Pháp, Bỉ đã có những biện pháp rất cứng rắn và tăng cường điều tra phát hiện các đường dây buôn người và những người di cư bất hợp pháp.  Tuy nhiên, con số người Việt tìm cách sang Châu Âu và Anh bất hợp pháp dường như không hề giảm mặc dù tình hình Covid vẫn diễn ra rất căng thẳng.Ví dụ, riêng trong năm 2021 cảnh sát Liên bang Bỉ đã bắt giữ gần 200 người Việt đang trên đường tìm sang Anh.

3) Chị có thể giúp độc giả mường tượng ra những người thanh niên nam nữ Việt đi từ Việt nam qua Bỉ như thế nào? Có lẽ họ không xin được visa vào Âu châu, thế thì làm sao và qua ngả nào họ đến Bỉ? Vai trò của những tay trùm buôn người trong việc này là thế nào?

Những tay trùm buôn người tổ chức cho các thanh niên nam nữ người Việt trong độ tuổi lao động làm thủ tục xuất cảnh một cách hợp pháp bằng hộ chiếu hợp lệ. Những người này có thể trung chuyển sang Trung Quốc và tại đây làm giấy tờ giả để sang tiếp một nước khác như Nga, Ukraina hoặc họ có thể bay thẳng từ Việt nam sang  Nga, Ukraina, hoặc các nước Đông Âu rồi từ đó tìm cách sang các nước Tây Âu một cách bất hợp pháp bằng đường bộ. (Ngày 24/02/2022 Nga chính thức tấn công Ukraine. Do đây là diễn biến mới nên tôi cũng chưa thể biết được sự việc này sẽ ảnh hưởng đến con đường di chuyển của người Việt nhập cư bất hợp pháp khi muốn qua Châu âu qua Nga và Ukraine như thế nào.)

Đích cuối hoặc địa điểm trung chuyển cuối cùng thường là Pháp và Bỉ nơi mà họ có thể sang Anh bằng đường biển. Cách Calais, Pháp khoảng 100km là nơi tập trung người Việt di cư bất hợp pháp để chờ sang Anh bằng đường biển, còn được gọi là ‘Vietnam City’, với khoảng 100 người Việt  di cư bất hợp pháp. Sau các cố gắng dẹp bỏ ‘Việt nam City’ của các nhà chức trách Pháp từ năm 2018 số người Việt di cư bất hợp pháp không tập trung tại đây nữa mà tản bớt ra các địa phương khác của Pháp hoặc sang Bỉ.

Những năm trước người di cư bất hợp pháp thường ngồi trong các xe container để sang Anh. Gần đây, khi mà các nhà chức trách đã thắt chặt kiểm soát hơn đối với các xe container thì nhiều người lại chọn cách vượt biển bằng xuồng. Đây là một lựa chọn cực kỳ nguy hiểm bởi theo tính toán của các chuyên gia, nếu chỉ cần rơi xuống biển trong vòng 15′ vào mùa đông thì nạn nhân sẽ tử vong. Ví dụ,  ngày 24 tháng 11 năm 2021 các nhà chức trách Pháp đã phát hiện 27 người di cư thiệt mạng trên eo biển này, trong đó có một nạn nhân người Việt.  

4) Có thực là phần lớn người đi lậu sang Âu châu là từ các tình Nghệ an, Hà Tĩnh và Thanh hoá? Tại sao lại là các tỉnh này?

Vâng, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa là ba tỉnh có nhiều người đi lậu sang Châu âu nhất.

5) Những gì ở Âu châu hấp dẫn họ, và họ thường gặp những khó khăn hay rủi ro gì?

Trong quá trình di chuyển của người Việt nhập cư bất hợp pháp thì Đức là một địa điểm quan trọng trước khi sang Bỉ hoặc Pháp để lên đường sang Anh. Nhiều người  phải ở lại Đức một thời gian để kiếm sống trước khi tiếp tục lên đường. Họ có thể làm ôsin cho chủ người Việt; hoặc làm việc trong các tiệm móng, nhà hàng và thậm chí là mại dâm bất hợp pháp. Thời gian này có thể là vài tuần, vài tháng và thậm chí lên đến cả năm. Đã có một số bài báo đề cập về tình trạng bị bóc lột của người Việt nhập cư bất hợp pháp tại Đức. 

Điều hấp dẫn ở Châu âu đối với họ là thu nhập và nếu họ ‘may mắn’ thì có khả năng chuyển đổi từ địa vị ‘người cư trú bất hợp pháp’ sang địa vị ‘người cư trú hợp pháp’ không qua việc có được thẻ cư trú tại nước sở tại bằng nhiều cách khác nhau.

Theo kết quả phỏng vấn mà tôi thu thập được thì nước Bỉ cũng là đích đển cuối cùng đối với một số người Việt bất hợp pháp. Khi làm việc trong một tiệm móng ở Bỉ họ có thể nhận được 40% lợi nhuận và chủ tiệm móng nhận 60% lợi nhuận. Thu nhập hàng tháng của một thợ làm móng bất hợp pháp có thể lên đến hơn 2000 EUR (khoảng hơn 50 triệu đồng); thu nhập hàng tháng của một phụ bếp có thể lên tới 1.800 EUR (khoảng gần 47 triệu đồng) và thu nhập hàng tháng của một đầu bếp lành nghề có thể lên tới 2.500 EUR (khoảng 65 triệu đồng). Ngoài ra, những người này không đóng thuế, bảo hiểm xã hội cho Nhà nước Bỉ. 

Mức lương hàng tháng của những người này gấp hàng chục lần so với mức lương bình quân của lao động phổ thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, do làm việc bất hợp pháp mà những người lao động này không nhận được bất cứ trợ cấp gì trong trường hợp mất việc, ốm đau… Ngoài ra, nếu bị bắt thì họ có thể bị trục xuất về Việt Nam.

III) Vấn nạn di cư bất hợp pháp, nhìn từ nội tại Việt Nam

Dịch vụ xuất khẩu lao động ở Việt Nam 

6) Nói rộng ra, tại sao những người trẻ này không ở lại Việt nam tìm cơ hội làm việc sinh sống?  

Theo kết quả phỏng vấn mà tôi thực hiện đối với một số người Việt nhập cư bất hợp pháp tại Bỉ thì những người này lựa chọn việc sang Châu âu để ‘làm ăn’. Những người này cho biết, nếu ở Việt nam thì họ chỉ làm đủ ăn mà thôi.

Đồng thời kết quả phỏng vấn của tôi cũng cho thấy đa số những người Việt nhập cư bất hợp pháp có trình độ học vấn rất thấp.  Nghệ An là một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam trong đó chủ yếu là lao động phổ thông (lao động có tay nghề chỉ chiếm 32.7% tổng số lực lượng lao động). Mức lương trung bình hàng tháng của lao động May tại Nghệ An năm 2020 là khoảng 6-7 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy Châu Âu có sức hút lớn đối với người Việt nhập cư bất hợp pháp.

Ở cấp độ vĩ mô có thể thấy rằng Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế. Theo  Knight Frank 2020 số người siêu giàu ở Việt Nam với mức tài sản trên 30 triệu USD là 142 người vào năm 2014. Con số này đã tăng lên 458 người vào năm 2019 và dự kiến tăng lên 753 người vào năm 2024 (tăng 64%).

Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu của  Wells-Dang and Vu 2019 thì các thành tựu kinh tế của Việt Nam chủ yếu có lợi cho 10% số dân giàu nhất trong khi thế hệ trẻ có ít cơ hội để kiếm thu nhập hơn so với 10 năm trước đây. 

Đồng thời, khoảng cách thu nhập ở Việt Nam là rất lớn. Theo  Eurostat 2018 thì khoảng cách về thu nhập giữa nhóm 20% người giàu nhất và nhóm 20% người nghèo nhất là gấp 5.2 lần tại Châu âu. Trong khi đó nhóm 20% người giàu nhất Việt Nam thu nhập cao gấp 21 lần so với nhóm 20% người nghèo nhất.

Việt Nam đạt được thành tựu ấn tượng về xóa đói giảm nghèo. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (MOLISA) số hộ nghèo đã giảm xuống dưới 4% vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều người Việt Nam không được cải thiện một cách đáng kể. Ví dụ, theo thống kê tỷ lệ nghèo đói trong nhóm người thiểu số chiếm 55%. Những tỉnh nghèo nhất bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi (Saigoneer 2019). 

Chính vì khoảng cách chênh lệch về thu nhập rất lớn mà nhiều người Việt Nam chưa được hưởng thụ đầy đủ những thành quả phát triển mà Việt Nam đạt được.

7) Tại sao nếu muốn đi lao động ở châu Âu, những người trẻ này không đi chính thức thông qua các công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam mà đi theo con đường của những kẻ buôn người?

Châu âu là một thị trường lao động có nhiều đòi hỏi khắt khe, có sự cạnh tranh rất cao giữa lao động các nước.  Chính vì vậy, thị trường này hiện nay vẫn là tiềm năng đối với lao động Việt nam muốn sang làm việc hợp pháp. Ví dụ, theo Báo Du học Vinh 2021 người lao động ngoài các điều kiện về sức khỏe, trình độ văn hóa, độ tuổi, không có tiền án, tiền sự thì người lao động còn cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ  IELTS tối thiểu 5.0 (nhiều nước Châu âu còn yêu cầu thêm chứng chỉ ngôn ngữ của nước đó); đồng thời chi phí xuất khẩu lao động sang Châu âu khoảng 10.000-18.000 EUR (khoảng 250 triệu- 465 triệu đồng).

Đây là mức giá không có nhiều khác biệt với mức giá mà các đường dây buôn người đưa ra, trong khi đó nếu đi theo các đường dây này thì người lao động không cần phải đáp ứng điều kiện về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ… Người lao động thậm chí sau này còn có thể lao động để ‘trả dần’ cho đường dây buôn người sau khi sang đến Châu âu. 

Rào cản ngôn ngữ và sự thiếu hụt về trình độ nghề là hai trong số trong những hạn chế lớn nhất của lao động Việt nam. Đa số những lao động di cư bất hợp pháp sang Châu âu là lao động phổ thông; họ không nói được ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Việt. Chính vì những lý do trên mà nhiều người vẫn lựa chọn con đường bất hợp pháp để di cư sang Châu âu.

8) Dịch vụ xuất khẩu lao động ở Việt Nam chắc hẳn có những mặt tích cực. Nhưng không thể phủ nhận những vấn đề tiêu cực của dịch vụ này khi mà xảy ra quá nhiều vấn nạn. Theo chị, các mặt tiêu cực đó là gì? Việt Nam (bao gồm chính phủ và xã hội dân sự) cần làm gì để giải quyết những mặt tiêu cực đó của dịch vụ xuất khẩu lao động (nếu có)? 

Dịch vụ xuất khẩu lao động ở Việt Nam có rất nhiều tiêu cực. Điều này cũng là một trong những lý do mà người lao động không lựa chọn con đường này để đi lao động chính thức thông qua các công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam. 

Đây là một vấn đề không mới. Trong đó nổi cộm lên là các tiêu cực liên quan đến việc thu phí xuất khẩu lao động (XKLĐ) vượt quá qui định; lợi dụng trình độ hạn chế của người lao động để ký các hợp đồng dịch vụ XKLĐ có các qui định nhiều bất lợi cho người lao động trong trường hợp có tranh chấp, xung đột; các vấn đề liên quan đến đào tạo nghề và ngoại ngữ cho người lao động trước khi xuất cảnh… 

Năm 2016 tôi có đề cập về một số vấn đề tiêu cực liên quan đến dịch vụ XKLĐ trong việc gửi lao động Việt Nam đi làm giúp việc tại  Saudi Arabia. Sau gần 6 năm sau tình hình này cũng chưa có sự cải thiện. (Xin xem: Laws and policies on sending Vietnamese domestic workers in Saudi Arabia, Ly Khanh Trinh (2016) GLOBAL LABOUR COLUMN. p.1-2).

Ngày 13/11/2020 Quốc hội Việt Nam ban hành Luật số 69/2020/QH14 về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là một bước tiến bộ trong việc điều chỉnh lĩnh vực XHLĐ, bao gồm cả dịch vụ XKLĐ. Trong đó nghiêm cấm việc thu tiền môi giới của người lao động; các hành vi  thu  tiền của người lao động trái pháp luật trong quá trình chuẩn bị, tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thu  tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên do mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 nên chưa thể đánh giá được tác động của Luật này đến việc hạn chế các tiêu cực của dịch vụ XKLĐ.  

Tôi có đề cập chi tiết hơn về vấn đề xuất khẩu lao động tại bài viết “Rising Inequality and Exploitation of Workers in Vietnam: Labour Export Policy and human Smuggling from Vietnam to Europe”, một chương trong cuốn sách  ‘THE DRAGON’S UNDERBELLY: DYNAMICS AND DILEMMAS IN VIETNAM’S ECONOMY AND POLITICS’, Editors: Nhu Truong and Tuong Vu.

Các tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói đủ mạnh để giải quyết các vấn nạn nói trên. 

9) Người trẻ ở các vùng nông thôn xa chấp nhận chi phí và rủi ro cao để đi nước ngoài bằng mọi giá. Các tổ chức chính trị – xã hội do nhà nước Việt Nam điều hành như Hội Phụ nữ (trung ương và các địa phương), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (trung ương và các địa phương), Công đoàn, Hội Cựu chiến binh (nhiều thanh niên đi xuất khẩu lao động sau khi hết nghĩa vụ quân sự)… đã làm những gì để người trẻ ở nông thôn có nhận thức tương đối đúng đắn về lao động ở nước ngoài?

Các tổ chức chính trị – xã hội nói trên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quốc hội Việt nam từ năm 2011 đã ban hành  Luật Phòng, chống mua bán người ngày 29/03/2011, có hiệu lực từ ngày 01/01/2012. Điều 17 của Luật này qui định trách nhiệm của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phòng, ngừa buôn bán  người. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của Hội Phụ nữ các cấp. Theo Điều 17 & 18 của Luật này Hội Phụ nữ các cấp có nhiệm vụ tham gia với các cơ quan, tổ chức hữu quan phòng ngừa buôn bán người, bao gồm việc tham gia tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống buôn bán người; tiến hành các hoạt động liên quan đến tư vấn về phòng, chống buôn bán người, các hoạt động hỗ trợ giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng…

Từ trước khi ban hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 thì Hội Phụ nữ các cấp cũng có một số các hoạt động dự án với sự tài trợ của một số Tổ chức quốc tế về các hoạt động tuyên truyền phòng chống buôn bán người; hỗ trợ các nạn nhân trở về. Tuy nhiên,  những hoạt động này cũng chưa đem lại nhiều tác động như mong đợi.

Trên thực tế những hoạt động tuyên truyền về phòng chống buôn bán người của các Tổ chức chính trị-xã hội nói trên nhìn chung chưa hiệu quả, chưa đem lại  nhiều tác động tích cực trong việc thay đổi nhận thức của người trẻ ở nông thôn về lao động ở nước ngoài.

Một số tổ chức xã hội dân sự không là thành viên của Mặt trận cũng có một số hoạt động nhằm tuyên truyền về phòng chống buôn bán người; hỗ trợ các nạn nhân buôn bán người trở về Việt Nam. Tuy nhiên,  việc thay đổi nhận thức của người dân ở những địa bàn này về lao động ở nước ngoài hiện nay vẫn là một thách thức lớn.

10) Trong bi kịch 39 người di cư bất hợp pháp bị chết trong thùng xe lạnh, ai có lỗi nhiều nhất: cá nhân những người đi lậu, gia đình, nhà nước Việt Nam, bọn buôn lậu, xã hội dân sự (các nhóm không do nhà nước quản lý chính thức)? Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, theo chị, để ngăn ngừa những bi kịch tương tự trong tương lai thì trước tiên cần tập trung xem xét mắt xích nào? 

Tôi nghĩ  việc tìm ra ai là người có lỗi nhiều nhất trong câu chuyện buồn này cũng không có nhiều ý nghĩa. 

Sau 2 năm kể từ khi sự việc này xảy ra tình hình vẫn chưa được cải thiện. Khác với nạn nhân buôn bán người nói chung thì nạn nhân của việc buôn bán người sang Châu âu phần lớn biết được về việc vượt biên bất hợp pháp của mình mà vẫn làm. Nhiều người trong số họ khi bị các nhà chức trách nước sở tại bắt thì tỏ thái độ không hợp tác; không cung cấp thông tin về bọn buôn lậu. 

Một số người khác khi sang Châu âu lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người Việt Nam tại nước ngoài. Thậm chí có người từ ví trí là nạn nhân của việc buôn bán người lại tham gia vào đường dây đưa người lậu từ Việt Nam sang Châu Âu…

Nhà nước Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định chủ trương về phòng chống buôn bán người cũng như khẳng định lập trường không ủng hộ  làn sóng di cư bất hợp pháp sang Âu châu. Đây là một tín hiệu tích cực. 

Từ lâu XKLĐ được Nhà nước đặc biệt chú trọng nhằm giải quyết vấn đề thất nghiệp, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam việc XKLĐ sẽ tăng cơ hội cho người lao động được nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật,  ngoại ngữ, tiếp thu công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc công nghiệp. 

Tuy nhiên, theo thông tin mà tôi có được phần lớn những người lao động Việt Nam di cư bất hợp pháp sang Châu Âu đều có chung đặc điểm là không có chuyên môn kỹ thuật; không biết ngoại ngữ. Vì thế, khi họ trở lại thị trường lao động Việt Nam thì cũng không có sự khác biệt so với thời điểm trước đây.  

Làn sóng di cư bất hợp pháp từ Việt Nam sang Châu Âu không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt các nước Châu Âu (một đối tác quan trọng của Việt Nam) mà còn không có lợi đối với việc cải thiện chất lượng lao động Việt Nam. Đồng thời, dòng kiều hối từ những người di cư bất hợp pháp này có liên quan đến các hoạt động ‘rửa tiền’ tại Việt Nam. Chính vì vậy tôi nghĩ các cơ quan hữu quan của Việt Nam nên có các biện pháp cứng rắn hơn về việc phòng chống buôn bán người và rửa tiền, đặc biệt là tại các địa bàn nói trên.  

Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon, xin cảm ơn chị Khánh Ly.

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ