Luật sư Ngô Ngọc Trai
Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
Theo công bố của Ngân hàng thế giới WB tại Việt Nam, năm 2019 Việt Nam tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%. Mức tăng trưởng nhanh thứ 2 Đông Nam Á, đạt 7,1% năm 2018 và 6,8% năm 2019, cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới.
Cũng theo đánh giá của Ngân hàng thế giới: Sự phát triển của Việt Nam trong 30 năm qua rất đáng ghi nhận. Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Từ 2002 đến 2018, hơn 45 triệu người đã thoát nghèo, tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). GDP đầu người tăng 2,5 lần, đạt trên 2.500 USD năm 2018.
Đó là những thông tin tích cực về nền kinh tế, nhưng bên cạnh đó lại tồn tại tình trạng kém coi trọng thực hành công lý, dẫn đến nhiều phạm vi xã hội rối loạn, đạo lý nhân tâm phân rẽ, nhiều sự vụ bất công, phân biệt đối xử và tước đoạt ngang nhiên xảy ra trong đời sống xã hội.
Tượng Nữ thần Công lý trước Toà Chung thẩm Hồng Kông. Thanh gươm tượng trưng quyền lực toà án, cái cân tượng trưng cho sự công bằng và chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho trạng thái độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ quyền lực nào khác. Source: HK Court of Final Appeal
Từ lý thuyết về nhà nước và pháp luật
Ở phương Tây, Công lý là thuật ngữ cổ xưa đã được ý niệm từ rất sớm và trở thành một giá trị quan trọng trong đời sống xã hội. Quyền tư pháp ở nhiều nước là một trong ba trụ cột quốc gia sánh ngang cùng với lập pháp và hành pháp, đảm đương một phần khối lượng công việc to lớn, đóng góp quan trọng cho quản trị quốc gia.
Còn theo học thuyết Mác Lê Nin thì nhà nước và pháp luật chỉ là công cụ của giai cấp thống trị trong xã hội, mà theo lý thuyết như vậy thì công lý đơn giản là không tồn tại. Bởi lẽ nếu pháp luật chỉ là công cụ của một giai cấp để cai trị phần còn lại thì pháp luật sẽ không công bằng.
Bởi vậy nên trong nhận thức đâu đó của các nhà lập pháp xã hội chủ nghĩa, công lý là giá trị thuộc về giai cấp tư sản, thuộc về chế độ tư bản đã bị bãi bỏ. Có thể hình dung là ở một giai đoạn nào đấy trong quá khứ, từ công lý cũng từng thuộc loại ngôn ngữ “nhạy cảm chính trị” giống như các từ dân chủ, nhân quyền.
Từ lý thuyết như vậy cho nên trong một thời gian dài từ công lý hoàn toàn vắng bóng trong đời sống chính trị và nền tư pháp, từ công lý chỉ thấy xuất hiện trong ngôn ngữ của những nạn nhân, tổ chức tôn giáo hay trên các đài báo nước ngoài.
Cho đến năm 2013 Hiến pháp mới được ban hành, lần đầu tiên từ công lý được đưa vào sử dụng trong câu “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý” mà trước đó các bản Hiến pháp các năm 1960, 1980, 1992 không có.
Tiếp theo đó năm 2015, lần đầu tiên Bộ luật tố tụng hình sự cũng đưa vào gọi tên hai từ Công lý mà các Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và năm 1988 không có.
Nhưng đó chỉ là sự xuất hiện hãn hữu của từ công lý trong phạm vi các văn bản pháp lý quan trọng mà tính hàn lâm khiến nó xa cách với công chúng hoặc yếu tố khoa học pháp lý buộc nó phải xuất hiện nếu như không muốn làm hư hỏng giá trị ý nghĩa của cả văn bản.
Còn trong thực tế, các văn bản tư pháp như Bản án của Tòa án, Cáo trạng của Viện kiểm sát và Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra đều không dùng từ công lý. Tòa án xét xử cũng không nhân danh công lý, thực tế trong hơn 13 năm hành nghề luật sư, chưa khi nào tôi thấy các cán bộ tư pháp như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên khi làm việc nhắc đến hai từ công lý.
Ngoài xã hội thì người dân có câu nói đã trở thành phổ biến: “Công lý chỉ là một diễn viên hài”. Câu nói phản ánh sự thất vọng đối với nền tư pháp vắng bóng công lý, song cũng kết hợp với yếu tố hài để xoa dịp nỗi oán than vì trong làng nghệ sĩ hài Việt Nam có một người tên là Công lý.
Tác phẩm nghệ thuật “Cái chết của Công lý” [“the Dead of Justice”] (Source: AnnMLoveArt, 2016)
Những hệ lụy gây ra cho xã hội do việc kém thực hành công lý
Công lý cần được hiển lộ để người dân cảm thụ được, qua đó giúp ổn cố trật tự và lương tâm xã hội, nhưng lâu nay do kém thực hành công lý cho nên xã hội nhiễu nhương, kém an lành hạnh phúc.
Theo báo cáo hàng năm thì mỗi năm ở Việt Nam xảy ra hàng chục nghìn vụ án hình sự với hàng trăm nghìn bị can. Ví như số liệu năm 2017 Bộ công an cho biết Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 91.547 vụ án với 129.115 bị can. Tích tụ qua nhiều năm sẽ lên đến con số hàng triệu.
Vấn đề đặt ra là làm sao để việc giải quyết các vụ án đảm bảo được công lý, giúp tạo ra được môi trường an toàn, đem lại bình yên xã hội. Thay vì để việc xử lý tội phạm với những bất cập tai hại lại là nguyên nhân góp phần gây thêm tình trạng phạm tội.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 lần đầu tiên đã đưa vào sử dụng hai từ Công lý. Theo đó nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự ngoài mục tiêu cũ như không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì có thêm mục tiêu mới bảo vệ Công lý.
Vậy tại sao lúc này lại phải thêm vào mục tiêu bảo vệ Công lý? Trước đó đặt mục tiêu không bỏ lọt, không làm oan vẫn chưa đủ hay sao?
Có thể hiểu là nếu mục tiêu chỉ là xử lý đúng người đúng tội thì vẫn có khả năng xảy ra tình trạng bất chấp phương thức thủ đoạn để xử lý mà theo đó không có công lý. Ví như quá trình điều tra xảy ra tình trạng lạm quyền bạo hành thông qua các hoạt động lạm dụng bắt bớ, giam giữ kéo dài, đánh đập bức ép buộc phải khai báo và và đời sống nghiệt ngã trong môi trường giam giữ.
Tất cả những yếu tố này khiến con người bị hủy hoại nhân phẩm, làm mất niềm tin vào sự nghiêm chính của pháp luật và cơ quan công quyền. Trong khi đó hầu hết các tội phạm sau khi mãn hạn tù họ lại trở về với đầy đủ quyền công dân. Vậy thì với kinh nghiệm đã trải qua và ký ức lưu giữ liệu họ có còn tín nhiệm vào nền tư pháp, hay đã trở lên táo tợn liều lĩnh, khinh rẻ những giá trị trật tự xã hội công quyền?
Thực tế hiện nay các bị can không được quyền im lặng, hầu hết đều phải khai báo hành vi của mình. Năm 2016 một tử tù đã được tôi bào chữa minh oan, được trả tự do về nhà sau 11 năm đi tù oan, bị tuyên 4 bản án tử hình, các cơ quan tư pháp đã phải xin lỗi công khai. Ông này cho biết đã bị đánh đập buộc phải khai nhận hành vi phạm tội mà mình không hề thực hiện.
Mùa đông thì không được ăn uống nóng, còn mùa hè thì thiếu điện nước làm mát, phòng giam thì chật hẹp mất vệ sinh. Năm 2015 xảy ra vụ việc 4 trẻ vị thành niên bị giam chung trong một phòng diện tích 7,5 mét vuông, một trẻ đã bị những người giam cùng hành hạ đánh đập đến chết, vụ việc gây phẫn nộ dư luận.
Môi trường giam giữ kém được quan tâm đầu tư cải thiện, do bởi tồn tại quan điểm cho rằng việc giam giữ là sự trừng phạt, càng khắc nghiệt lại càng thể hiện sự nghiêm khắc răn đe đối với tội phạm. Với nhận thức như vậy thì nhân phẩm con người hay công lý không phải là điều được lưu tâm đến.
Ở nhiều nước hành vi xâm phạm an ninh quốc gia là những sự vụ gây nguy hại nghiêm trọng như xâm nhập lãnh thổ, ám sát lãnh đạo, tấn công vũ trang, nhưng ở VN nhiều hành vi chỉ đơn thuần là thực hiện các quyền tự do dân chủ như lập hội, biểu tình, viết báo, phê phán cũng bị quy cho là xâm phạm an ninh quốc gia.
Đối với những vụ án loại này luật sư lại không được tham gia bào chữa cho bị can trong giai đoạn điều tra, đây là một sự phân biệt đối xử cho thấy bất công đã trở thành pháp luật, công lý theo đó không tồn tại.
Ngoài xã hội thì sao?
Sự thiếu thực hành công lý không chỉ tồn tại trong môi trường tư pháp, nơi mà công lý thường được gắn liền. Sự thiếu vắng công lý còn tồn tại phổ biến trong đời sống xã hội.
Xuất phát từ lý thuyết về nhà nước và pháp luật chỉ là công cụ của giai cấp thống trị, cho nên nhiều quy định chính sách đơn giản là không đảm bảo lẽ công bằng.
Ví như việc nhà nước được quyền thu hồi đất của người dân đang sử dụng. Điều này có nguyên nhân từ việc nhà nước quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước làm đại diện nắm quyền sở hữu, còn các cá nhân không được quyền sở hữu đất đai mà chỉ được trao quyền sử dụng.
Từ quy định như vậy cho nên khi nhà nước muốn làm một dự án hoặc do nhu cầu của doanh nghiệp làm kinh tế, nhà nước sẽ thu hồi đất bất chấp ý nguyện của người đang sử dụng đất. Trong khi đất đai là tài sản lớn nhất của mỗi gia đình và tình trạng thu hồi đất là phổ biến, từ đó khiến cho sự bất công trong lĩnh vực đất đai gây ảnh hưởng rất xấu tới cảm thức công lý của người dân trong xã hội.
Các chính sách ưu tiên trong thi cử tuyển dụng, lễ lạt trong những dịp kỷ niệm, ưu đãi lương bổng, áp dụng đối với gia đình có công với cách mạng, thương binh liệt sĩ, lực lượng vũ trang, được duy trì trong suốt mấy chục năm chứa đựng sự phân biệt đối xử thiếu công bằng.
Trong nền kinh tế thì các doanh nghiệp nhà nước tồn tại cạnh tranh thiếu bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân, chính phủ không chỉ quản lý điều hành mà còn tích cực tham gia làm kinh tế cạnh tranh thu lợi với doanh nghiệp, làm kém đi tính công bằng của thị trường.
Bộ máy nhà nước không được tổ chức phân quyền để giám sát đối trọng với nhau, các thiết chế giám sát như Hội đồng nhân dân gần như vô hiệu, giám sát của xã hội dân sự thì hầu như không có, cả bộ máy nhà nước là một tổ chức nắm giữ quyền lực tách bạch trong hành xử với dân chúng.
Từ đó dẫn đến tha hóa quyền lực, tham nhũng hối lộ để có chức vụ trong bộ máy nhà nước và để thoát khỏi xử lý vi phạm pháp luật, cấu kết trục lợi từ tài sản công và chi tiêu đầu tư công, sách nhiễu vòi vĩnh người dân khi cung cấp dịch vụ công. Những tình trạng này phổ biến kéo dài trong nhiều năm đã hủy hoại niềm tin vào công lý.
Đến nay nhìn lại, quá trình phát triển mấy chục năm qua tuy rằng kinh tế đã có tiến bộ nhưng niềm vui từ đó mang lại không khỏa lấp đi được lo ngại về những xung động xấu trong đời sống xã hội do thiếu vắng công lý.
Từ mấy năm nay Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chính sách xử lý tham nhũng, đưa ra xét xử nhiều cán bộ quan chức và tuyên án tù nhiều năm, xét ở góc độ nào đó thì việc đó cũng là để tạo lập công lý xã hội.
Điều đó là rất đáng trân trọng, nhưng việc xử lý các vi phạm như vậy là không đủ mà còn phải làm rất nhiều việc nữa để thực hành công lý xã hội, ví như phải khắc phục loại bỏ các bất công ở tầm chính sách đang tồn tại bấy lâu nay.
Nguồn trích dẫn: Ngô Ngọc Trai, “Việt Nam khao khát phát triển kinh tế nhưng lại kém coi trọng thực hành công lý”, Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon, ngày 3 tháng 2 năm 2020