Lịch sử Việt-Mỹ
Những ngày tết cuối cùng của VNCH qua tư liệu báo chí năm 1975 (Phần 2)

Published on

[Ảnh trên báo Tiền Tuyến, ngày 6-2-1975: ĐÃ THẤY XUÂN VỀ – Những thiếu nữ đã đi chọn hoa tại đường Nguyễn Huệ. Nhìn Hoa biết nói và Hoa thiên nhiên lòng người bỗng rộn rã như đã thấy Xuân về. (Ảnh THANH HUY)]
Ngô Thị Quý Linh
Tết Ất tị 2025
NẠN NHÂN CHIẾN CUỘC
Sau khi Phước Long thất thủ, nạn nhân chiến cuộc tràn về các trại tạm trú. Bộ Xã Hội yêu cầu các tổ chức Liên Hiệp Quốc, các quốc gia thân hữu, các tổ chức xã hội ngoại quốc và trong nước giúp cứu trợ các nạn nhân chiến cuộc mà lúc bấy giờ đã lên đến khoảng 300.000 người.
Mục sư Fritz Berghaus, chủ tịch tổ chức Làng Hòa Bình Tây Đức tại Việt Nam, gửi về Tây Đức lời kêu gọi khẩn cấp cứu trợ trẻ em và nạn nhân chiến cuộc tại Nam Việt Nam. Tổ chức Làng Hòa Bình Tây Đức nhận đưa một số trẻ em bị thương nặng vì chiến trận Phước Long sang Tây Đức chữa trị. Một phái đoàn của tổ chức dự định sang Việt Nam để quan sát tại chỗ về nhu cầu cứu trợ cho nạn nhân chiến cuộc.
Chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức quyết định viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa một triệu Đức mã, tương đương với 290 triệu đồng Việt Nam để giúp đỡ và cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc. Số tiền viện trợ sẽ được sử dụng vào các chương trình của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và tổ chức từ thiện Đức quốc tại Nam Việt Nam.
Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc dự định tháo khoán bốn triệu mỹ kim để cứu trợ khẩn cấp các nạn nhân chiến cuộc Phước Long. Số tiền này nằm trong ngân khoản dự trù cho chương trình định cư đồng bào tỵ nạn tại Nam Việt Nam.
Ủy Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế (CICR) quyết định viện trợ khẩn cấp nạn nhân chiến cuộc. Hội Hồng Thập Tự Thụy Sĩ gởi giúp Việt Nam Cộng Hòa một số huyết thanh. Tổ chức Y Tế Quốc Tế (OMS) gởi thuốc men.
Tổ chức Tai Biến thuộc Liên Hiệp Quốc (UNDRO) dự định gởi vật liệu xây cất, thuốc men và thực phẩm.
Chính phủ Ba Tư gởi đến Hội Hồng Thập Tự Việt Nam qua Bộ Xã Hội số tiền 5.000 mỹ kim, tương đương với 3.500.000 đồng Việt Nam, để cứu trợ nạn nhân chiến cuộc. Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đông Kinh (Tokyo), Nhật Bản, nhận được số tiền 1.500 yen (tương đương 3.500 đồng Việt Nam) của hai học sinh Nhật muốn nhờ sứ quán trao lại cho các em cô nhi chiến tranh tại Nam Việt Nam.
Nhiều đoàn thể tại miền Nam tham gia việc cứu trợ.
Hội Nghệ Sĩ tổ chức tại rạp Quốc Thanh xuất hát gây quỹ Cây Mùa Xuân gia đình nghệ sĩ chia một phần tiền lời để đem giúp đồng bào nạn nhân chiến cuộc từ Phước Long về tạm trú ở Long Thành. Phái đoàn nghệ sĩ đi Long Thành ngày 17-1-1975 để cứu trợ.
Hội Nhơn Đạo Phụ Nữ Việt Nam đến cứu trợ nạn nhân chiến cuộc tại trại Phú Văn, Bình Dương. Hội đem theo tặng phẩm do hội viên và ân nhân đóng góp gồm nồi nấu cơm, thùng xách nước, gạo, chao, nước tương, bánh mì, quần áo cũ.
Cơ quan Cứu trợ Xã hội Công giáo Caritas Việt Nam gửi tin đến cơ quan Caritas quốc tế ở La Mã và các quốc gia khác để xin giúp đỡ vì chỉ trong vòng một tháng từ giữa tháng Mười Hai năm 1974 đến giữa tháng Giêng năm 1975 đã có 200.000 nạn nhân chiến cuộc tản cư về các tỉnh Quảng Đức, Bình Dương, Vĩnh Long và Long Xuyên. Bộ Xã Hội của chính phủ chỉ dự trù 200.000 nạn nhân chiến cuộc cho toàn thể năm 1975.
Để cấp thời cứu trợ, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam cho phổ biến “Lời kêu gọi về chiến dịch cứu trợ nạn nhân chiến cuộc tại Miền Nam Việt Nam” với những đề nghị như dành một ngày lương, nhịn một bữa ăn. Các nhà hảo tâm có thể gửi tặng phẩm và hiện kim về văn phòng Caritas tại các giáo phận hoặc Caritas Việt Nam ở Sài Gòn.
Sóng Thần 15-1-1975
Phái đoàn Caritas Việt Nam do Đức Tổng giám mục Sài Gòn và linh mục giám đốc Caritas Việt Nam hướng dẫn đến trại tiếp cư Phú Văn, Bình Dương, trao tặng phẩm cứu trợ cho đồng bào Phước Long.
Hội Hồng Thập Tự và các tôn giáo địa phương nhanh chóng cứu trợ giúp nạn nhân chiến cuộc. Những người tỵ nạn ở Bình Tuy được chính quyền giúp mỗi người nửa ký gạo tạm dùng cho bảy ngày.
Hội Ái Hữu Giảng Viên Học Viên Lớp Tối do vị chủ tịch Hội hướng dẫn đến xã Thái Thiện, quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa để thăm viếng và ủy lạo đồng bào. Cùng đi với phái đoàn có tổng thư ký Nghiệp đoàn Khai thác Điện ảnh và một số ký giả các nhật báo ở Sài Gòn.
Một phái đoàn Hội đồng tỉnh Darlac đến Bình Dương và Biên Hòa để thăm viếng và cứu trợ đồng bào Phước Long đang lánh cư tại đây. Phái đoàn trao tặng số tiền 548.400 đồng và một tấn rưỡi gạo do đồng bào mọi giới tỉnh Darlac đóng góp.
Học sinh trường Trung học Ưng Đức (Ban Mê Thuột) nhịn quà sáng đóng góp gần 150.000 đồng để gởi tặng đồng bào Phước Long lánh nạn tại Quảng Đức.
Hội Lions Saigon Đông đến trại tị nạn Phú Văn, Bình Dương, tặng một số hiện kim là 300.000 đồng, mỗi gia đình được giúp 1.000 đồng và một hộp sữa cho những gia đình có trẻ em. Một phái đoàn Hội Thờ Quan Âm Phật Bà và Hội Phật Giáo Tứ Ân cũng đến trại Phú Văn cứu trợ 500 gia đình. Nhân dịp này, hai Hội đã lập đàn cầu siêu ngay trong trại cho đồng bào Phước Long đã tử nạn.
Liên Hữu Văn Nghệ Sĩ Ký Giả tổ chức Đêm Đại Hội Thi Ca và Dân Tộc ngày 31-1-1975 nhằm mục đích góp phần cứu trợ và chia sẻ nỗi khổ đau của đồng bào chiến nạn và gây quỹ Xuất bản Tự Lực. Đêm Đại Hội được tổ chức tại thánh đường Trung tâm Sinh hoạt Thanh niên, dưới quyền chủ tọa của phó thủ tướng đặc trách Phát triển Kinh tế. Đại hội quy tụ nhiều nghệ sĩ tiếng tăm của sân khấu tân nhạc và điện ảnh.
Tin trên báo Sóng Thần (16-1-1975) cho biết phu nhân đại tướng Cao Văn Viên đã quyên góp tiền bạc và cùng với đại diện Mặt trận Nhân dân Cứu đói là linh mục Phan Khắc Từ, thượng tọa Đồng Quy, phát tiền và gạo cho đồng bào nạn nhân chiến cuộc tại Phước Tuy sáng ngày 14- 1-1975. 110 người được lãnh tặng phẩm, mỗi người được 5 ký gạo, hoặc 300 đồng thay gạo. Ngày 31-1-1975, phu nhân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm viếng và ủy lạo đồng bào chiến nạn Phước Long tại trại Phú Văn, Bình Dương. Đại tá tỉnh trưởng tỉnh Bình Dương thay mặt đồng bào chiến nạn tỏ lòng biết ơn sự ân cần của phu nhân tổng thống. Ông cho biết kể từ ngày 27-12-1974 đến ngày 31-1-1975, có đến 1.500 gia đình gồm gần bảy ngàn người, trong đó có khoảng 400 trẻ em dưới hai tuổi, đến Phú Văn. Quà tặng gồm có gạo, cá hộp, sữa hộp, nồi nấu cơm, ca đựng nước, mền, đệm, mì gói, vải vóc.
Đồng thời, phu nhân tổng thống gởi đại tá tỉnh trưởng Bình Dương chuyển đến đồng bào chiến nạn tại trại Phú Cường, xã An Điền, 300 phần quà.
Cùng ngày hôm đó, phu nhân phó thủ tướng Nguyễn Lưu Viên, đại diện phu nhân tổng thống, hướng dẫn một phái đoàn đến thăm viếng và ủy lạo nạn nhân chiến cuộc từ các tỉnh Quân khu 1 và Tánh Linh (Bình Tuy) đến khẩn hoang lập ấp tại Thái Thiện, quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa.
Cả hai phái đoàn đã tặng 1.800 phần quà cho đồng bào tại trại định cư Phú Văn, Bình Dương, và 1.400 phần quà tại Biên Hòa. Tổng số trị giá quà trao tặng được biết là 17 triệu đồng.
Tiền Tuyến 4-2-1975
Các trại tạm cư tỵ nạn chiến tranh được lập ra ở phía bắc Sài Gòn tại một số đồn binh cũ. Nơi đây chỉ còn sót lại một vài mảnh tường với những hàng chữ hiệu lệnh quân sự. Một số dãy nhà làm bằng cây và lá gồi được xây dựng trên các nền xi măng loang lổ. Mỗi gia đình được khoảng chín thước vuông để tạm trú và được phân phát mùng mền, soong chảo. Nhiều đoàn thể
từ Sài Gòn đến cứu trợ, trong đó có sinh viên các trường đại học, đem theo gạo, nước tương, quần áo, mùng mền, sữa hộp. Sữa được dành cho các gia đình có trẻ em dưới hai tuổi. Các thanh niên tình nguyện đào hầm cầu và hố rác dưới ánh nắng gay gắt. Lớp đất đá khô cứng khiến cho công việc của các tình nguyện viên thêm vất vả. Nhóm sinh viên Y Khoa, sau khi phân phát tặng phẩm cho đồng bào tỵ nạn, có thêm nhiệm vụ là lấy mẫu nước ở các giếng trong các trại tạm cư để đem về phòng thí nghiệm ký sinh trùng của trường Y Khoa thử nghiệm.*
*Người viết lúc bấy giờ là trưởng ban Xã hội của lớp Y Khoa Sài Gòn năm thứ nhì cùng các bạn đồng khóa đi quyên gạo, sữa hộp, vật dụng cá nhân, v.v… cho đồng bào nạn nhân chiến cuộc. Trước khi lên đường đi cứu trợ, giáo sư Đỗ Thị Nhuận, trưởng khu Ký sinh trùng học tại Đại học Y khoa Sài Gòn, đưa người viết một số lọ trống để lấy mẫu nước tại các giếng trong trại tỵ nạn.
Văn phòng Liên lạc Sinh viên Quốc nội và Hải ngoại tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ tại rạp Quốc Thanh và dùng tiền gây quỹ thu được để mua 200 phần quà cho nạn nhân chiến cuộc tại Phú Văn. Mỗi phần quà trị giá 1.000 đồng gồm khăn mặt, xà bông, đèn cầy, mì gói, v.v… Trong dịp thăm viếng nạn nhân chiến cuộc, các sinh viên thuộc các phân khoa Y, Nha, Dược chẩn bệnh và phát thuốc cho đồng bào tại Trung tâm Tị nạn Phú Văn. Các sinh viên cũng đã tổ
chức phần sinh hoạt cộng đồng cùng các em thiếu niên trong trại.
Từ sau “Mùa hè Đỏ lửa” năm 1972 chiến cuộc gia tăng, vấn đề trẻ em thiếu dinh dưỡng trong các trại tạm cư và tiếp cư như Long Thành, Bình Dương, Long An, Gò Dầu Hạ, Tây Ninh, v.v… đã được đặt ra. Việc cung cấp dịch vụ hồi phục tại chỗ được các cơ quan chí nguyện hợp tác với Bộ Y Tế và Xã Hội. Tại mỗi trại, các hội Hồng Thập Tự, Care, Caritas, CRS, v.v… lập một trạm nuôi dưỡng và đưa nhân viên đến giúp cho hơn 500 trẻ em. UNICEF cung cấp một thứ
bột có nhiều chất đạm, đường, bột gạo và dầu ăn cho hơn 200 trẻ em khiếm dưỡng dưới 6 tuổi. Tại miền Nam Việt Nam lúc ấy còn một số cơ quan chí nguyện quốc tế khác cũng đóng góp vào công cuộc hồi phục trẻ em khiếm dưỡng như World Vision, My Friend’s House, Friends For All Children, Terre Des Hommes, v.v…
Những trẻ em thiếu dinh dưỡng cần một thời gian để trị liệu được nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng, nhưng do số giường tại Bệnh viện Nhi Đồng có hạn định nên trụ sở của cơ quan Caritas, đặt ở đường Tú Xương, Sài Gòn, được sử dụng vào công cuộc hồi phục trẻ em khiếm dưỡng. Nơi đây có đầy đủ nhân viên, nhất là khóa sinh các lớp cán sự xã hội, cán bộ dục nhi, cán sự điều dưỡng, v.v… Vì phương tiện giới hạn, cơ sở Caritas dành cho trẻ em hồi dưỡng chỉ nhận được nổi khoảng 70-100 em.
Hoàn cảnh Việt Nam qua 30 năm chiến tranh liên tục đã ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Lúc bấy giờ có một số vấn đề được đặt ra:
- Số trẻ em mất cha hoặc mẹ hoặc cả hai, con số có thể lên đến cả triệu em. Đa số các em được thân bằng quyến thuộc nuôi và hoàn cảnh của những gia đình này cũng rất khó khăn;
- Số trẻ em bị bỏ rơi, không được chăm sóc, không đi học hoặc sống bụi đời ngày càng gia tăng;
- Phương tiện y khoa cho thiếu nhi không đủ với nhu cầu. Các nhà thương chỉ dành có 10% số giường cho trẻ em dưới 15 tuổi;
- Nhu cầu dinh dưỡng của nhiều trẻ em không được đáp ứng đầy đủ;
- Không đủ phương tiện về giáo dục như giáo sư, giáo viên, trường lớp để giúp các em học hành hoặc học nghề hoặc ngành chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của một quốc gia đang mở mang;
- Khó khăn kinh tế của Nam Việt Nam và tình trạng an ninh ở thôn quê.
BÌNH TUY. – Từ Hoài Đức chạy ra, chỉ còn có đàn bà, trẻ thơ và vài túi quần áo cũ.
Chạy về đâu đây?
Nương tựa vào ai?
Trước mắt chỉ có đoàn chiến xa đang rầm rộ kéo đi.
(TH)
Chính Luận 12-1-1975
Mười ngày trước Tết, phu nhân tổng thống Việt Nam Cộng Hòa chủ tọa lễ phát quà Cây Mùa Xuân cho cô nhi tại 30 cô nhi viện vùng Sài Gòn – Gia Định và Trung Tâm Régina Pacis, số 105 Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn. Vị nữ tu giám đốc Régina Pacis và vị đại đức chủ tịch Ủy Ban Phối hợp các Cô nhi viện vùng Sài Gòn – Gia Định đã bày tỏ lòng tri ân đ ến phu nhân tổng thống và các ân nhân trong thời gian qua.
Phu nhân tổng thống đáp từ, nói rằng “mặc dù trong hoàn cảnh hiện tại nhiều vấn đề cần được giải quyết ưu tiên, nhưng ngày Xuân là ngày của tuổi thơ nên các em không thể bị bỏ quên.” Phu nhân mong rằng món quà xuân tuy nhỏ nhưng “sẽ sưởi ấm lòng các em cô nhi”. Trong dịp này, bà nói: “ Tuy chiến tranh đã cướp mất tuổi thơ và bắt các em phải xa lìa những người thân yêu, nhưng bên cạnh các em luôn luôn có những tấm lòng tha thiết, hy sinh, tận tụy và cố gắng xây dựng tương lai các em…” Bà khuyên các em “cần cố gắng trau giồi đức hạnh để khỏi phụ lòng những người hướng dẫn các em nên những công dân hữu dụng cho quốc gia mai sau.”
Phu nhân tổng thống tặng thêm 500.000 đồng cho các cô nhi viện để giúp vào quỹ điều hành và tổ chức Cây Mùa Xuân cho các em cô nhi. Bà cũng kêu gọi “các hội đoàn xã hội, tư nhân trong và ngoài nước vì lòng nhân đạo cũng như tinh thần tương thân liên đới hỗ trợ đắc lực hơn trong việc xây dựng tương lai tuổi trẻ Việt Nam.”
Tiền Tuyến 4-2-1975
Ký giả Nguyễn Tú theo dõi thời sự và than thở về những cảnh đời của người dân lúc bấy giờ. Ông bảo: “Bối cảnh câu chuyện vẫn là cuộc chiến mỗi ngày thêm ác nghiệt, mỗi ngày thêm đẫm máu: đâu có mới?” Nạn nhân là vợ các quân nhân đã hy sinh hay mất tích trong chiến tranh, phải lo cho đàn con với số trợ cấp ít ỏi của tử sĩ, làm sao cho cả nhà khỏi đói, những nạn nhân chiến cuộc hằng ngày đi xin vài lon gạo ở trại tạm cư để sống qua ngày, nhìn đàn con nheo nhóc mà không biết phải làm gì …
Đáng buồn hơn nữa là trẻ con mồ côi cha mẹ, … “đã mất cha (có luôn cả mẹ) của năm ngoái, của năm trước, của năm trước nữa, của năm trước trước nữa, của… của 30 năm giết chóc chưa có dấu hiệu nào sẽ chấm dứt ngày mai, ngày mốt, ngày sau đó, ngày sau sau đó, ngày… “Tất cả cho tiền tuyến”.
“Tiền tuyến” thì cần “hậu phương”. Mà “hậu phương” như vậy đó.”
(Chính Luận 28-1-1975)
Phu nhân thủ tướng Trần Thiện Khiêm và phái đoàn Hội Bảo trợ Gia đình Binh sĩ đến thăm đồng bào Phước Long tạm trú tại Phú Văn, Bình Dương, và trao tận tay đồng bào tặng phẩm mỗi phần gồm 10 ký gạo, năm thước vải và 1.000 đồng tiền mặt. Tổng trị giá hiện kim và hiện vật trao tặng khoảng 4.500.000 đồng.
Số gia đình tại Phú Văn khoảng 1.500 gia đình t ạm trú trong 24 dãy trại. Họ được cung cấp khẩu phần nhu yếu cần thiết hằng ngày, và gần như mỗi ngày đều có cơ quan, hội đoàn từ thiện đến thăm viếng và ủy lạo.
Để giúp đồng bào tỵ nạn ổn định cuộc sống, trên 100 cán bộ Chiến tranh Chính trị được phái đến thực hiện dân vụ đặc biệt tại khu khẩn hoang lập ấp Long Thành. Trong hơn hai tuần lễ, các cán bộ Chiến tranh Chính trị và quân nhân các tiểu đoàn, đại đội Địa phương quân và Đại đội Chiến tranh Chính trị – Tiểu khu dưới quyền chỉ huy của thiếu tá trưởng phòng Tâm lý chiến –
Tiểu khu đã giúp đồng bào trong việc xây dựng các công trình sau:
– 102 căn nhà tôle vách ván
– đào 65 hố rác và hố nước
– đào 650 thước đường mương
– tu sửa 10 giếng nước
– tu sửa 45 căn nhà tạm trú
– tráng 15 nền nhà bằng xi măng cho đồng bào
– hớt tóc 105 trẻ em
– thăm viếng 205 gia đình
– hướng dẫn vệ sinh công cộng cho 302 gia đình
– dựng cột cờ tại bộ chỉ huy địa điểm khẩn hoang lập ấp.
(Tiền Tuyến 5-2-1975)
Chính Luận 20-2-1975
Bên cạnh những cố gắng cứu trợ và giúp nạn nhân Phước Long ổn định cuộc sống, có những vụ bê bối trong việc cứu trợ bị nghị viên Hội đồng tỉnh Phước Long tố cáo. Ngày 19-2- 1975 các nghị viên Phước Long phân phát bản tố cáo tham nhũng tại Hạ Viện. Bản tố cáo nêu những điểm sau:
– Trại tiếp cư được thành lập từ ngày 6-2-1975 tức là khoảng một tháng sau khi Phước Long thất thủ. Nhưng gần hai tuần sau, nhiều đồng bào vẫn chưa được nhập trại vì chưa được cứu xét.
– Trại có 25 căn, được chi dùng 100.000 đồng để sửa chữa mỗi căn, nhưng ban điều hành trại tiếp cư mới dùng có 408.000đ cho 24 căn. Các nghị viên thắc mắc số tiền 2.092.000đ để làm gì trong khi đồng bào phải sống trong những căn trại hư nát.
– Trại tiếp cư đang nhận khoảng 4.000 người, những người này chỉ được cấp gạo mà không có nước mắm. Mỗi người được chính phủ cấp 5 đồng nước mắm trong 50 ngày. Số tiền dự trù cấp phát dành cho nước mắm là 1.000.000 đồng. Nhưng đồng bào chỉ được cấp gạo mà không có nước mắm. Câu hỏi được đặt ra là số tiền 1.000.000 đồng đi đâu?
– Chính phủ cho biết mỗi gia đình được cấp hai tấm nệm. Mỗi gia đình chỉ nhận được một tấm. Tổng số gia đình là 1.608, số tiền nệm không được cung cấp là 1.608 x 500 đồng = 804.000 đồng.
– Chính phủ dự trù làm sáu hố tiêu cho 7.000 đồng bào, nhưng vì sáu hố tiêu làm “cẩu thả nên đồng bào ít dám dùng”.
Tổng số tiền bị tố cáo tham nhũng lên đến gần bốn triệu đồng.
Nhiều người thắc mắc: lý do nào đưa đến “Thảm trạng Phước Long”? Phước Long thất thủ, khiến ai nấy lo ngại. “Ý Kiến” của Lý Đại Nguyên trên Sóng Thần (8-1-1975) cho biết phần nào về dư luận lúc bấy giờ.
“Ngay sau khi các quận lỵ của tỉnh Phước Long lần lượt thất thủ, cảm tưởng chung của mọi người là tỉnh Phước Long khó có thể đứng vững trong hoàn cảnh hiện nay. Dù rằng cho tới giờ phút này, Phước Long vẫn còn chiến đấu, nhưng không một hy vọng nào Phước Long sẽ là An Lộc của năm 72 nữa.
Dù không có thói quen buộc tội, nhưng vẫn phải quy trách nhiệm về thảm trạng Phước Long, để từ đó những người có trách nhiệm thận trọng hơn trong việc giữ nước. Những người có trách nhiệm không thể đổ lỗi cho dân chúng, cho các phong trào đấu tranh về việc mất còn của Phước Long.
Điều hiển nhiên là thảm trạng Phước Long hiện giờ là kết quả của một thứ chiến lược sai lầm của lãnh đạo. Giới lãnh đạo VNCH đã chỉ dùng lối đánh giặc bằng miệng mà không có một ước tính thận trọng cụ thể nào để đương đầu với tình thế đã đổi khác, khi có Bản Hiệp định Ba lê về Việt nam.
Rõ ràng là sau những đợt phản công của Quân đội VNCH năm 72, bản Hiệp định về Việt nam ra đời. Thế của Nam Việt nam tương đối mạnh hơn giờ này nhiều. Giới lãnh đạo đã không củng cố thế mạnh đó của Miền Nam, nhất là về mặt Chính trị và Nhân dân để buộc phe bên kia dứt khoát thi hành Hiệp định.”
Từ sự thất thủ của Phước Long, ý kiến của nhà bình luận Lý Đại Nguyên trên Sóng Thần (10-1-1975) đặt ra vấn đề: chính phủ miền Nam cần có một “chính sách nhân dân hữu hiệu” để giữ được “lòng người” vì “[m] ất đất có thể tái chiếm nhưng mất dân là mất đứt. Mất dân có hai nghĩa, mất một cách cụ thể như trường hợp Phước Long, mất âm thầm bởi lòng người hướng về đối phương.”
Nhà bình luận Trần Tuân của Chính Luận (11-1-1975) trước khi đưa ra một số câu hỏi đã “ước mong” nhà cầm quyền nên “cởi mở” nói lên sự thật.
“Khi viết bài này, chúng tôi có một ước mong, là những người có trách nhiệm có những gì không phải là bí mật quân sự thì nên nói thẳng ra, vì hai lý do. Thứ nhất là trong một xã hội mở, sự nói ra những điều cần nói, là để mọi người trong nước, qua ngả báo chí và các ngả, có thể đóng góp ý kiến của mình. Thứ hai là một lý do tâm lý: thà nói rõ ra, còn hơn là để những tin đồn lan tràn, mà những tin đồn thì nhiều khi thật là vô lý, rất tai hại cho tinh thần người dân…”
Về việc thất thủ Phước Long, nhà báo Trần Tuân đưa ra những câu hỏi mà có lẽ bao nhiêu người dân cũng thắc mắc khi so sánh với những lần giao tranh quan trọng khác trong quá khứ như Tết Mậu Thân 1968, Mùa hè đỏ lửa 1972.
“Vụ Phước Long đã là cả một sự vô lý, mặc dù là những quận lỵ ở một vùng rừng khó giữ. Vô lý là vì sự không ngờ của nó: không ai có thể ngờ rằng Việt Nam Cộng Hòa lại có thể mất một số quận, rồi mất luôn tỉnh lỵ. Đây là lần đầu tiên mất cả một tỉnh lỵ, để cho Cộng quân nối liền được mấy vùng của họ và tạo nên một khu vực liền nhau, bao lấy mặt Bắc và Tây Bắc Saigon.
Người ta không thể ngờ được là vì trong giai đoạn đánh ồ ạt như hồi Tết Mậu Thân và hồi 1972, Việt Nam Cộng Hòa không để mất tỉnh nào, hoặc có nơi mất mà rồi chiếm lại ngay. Những đơn vị lớn của Việt Nam Cộng Hòa ở đâu? Sao không can thiệp kịp thời? Hay phải được dùng để trấn những nơi quan trọng khác? Hay là khả năng di chuyển nhanh chóng chưa tạo được? Hay là Cộng quân đã chận đường mạnh mẽ và xử dụng những võ khí mới khiến họ có thể ngăn được đường tiến đến tỉnh lỵ Phước Long sau khi họ chiếm được Đôn Luân?
Hay là tại, sau khi bị cô lập, tỉnh lỵ Phước Long đã không đủ lương thực tích trữ vài ba tháng, không đủ đạn dược để chiến đấu?”
Mục “Sổ Tay” của linh mục Nguyễn Quang Lãm trên Sóng Thần (12-1-1975) ghi như sau:
“Tối qua, tại nhà thờ Tân Chí Linh, Phong trào Nhân dân Chống Tham nhũng đã tổ chức một lễ cầu nguyện trọng thể cho đồng bào ta và binh sĩ ta trong trận Phước Long. Lễ cầu siêu có đông đủ đại diện các Phong trào và Lực lượng tranh đấu tham dự. Sau lễ cầu siêu thật sốt sắng và cảm động ấy là cuộc họp sôi nổi chung quanh vấn đề Phước Long thất thủ, hơn 40 ngàn đồng bào ta cùng bao nhiêu binh sĩ bị rơi vào tay địch quân.
Ai là thủ phạm? Ai làm thất thủ Phước Long? Nguyên do nào đưa tới sự thất bại ê chề đó. Và liệu còn những Phước Long khác nữa không?”
Linh mục Lãm cho biết sau buổi lễ và họp về việc mất Phước Long, ông về nhà và nhận được thư của một độc giả tên Trần Văn Lộc. Linh mục Lãm cho đăng đoạn chính của thư như sau:
“Nói đến tình hình quân sự, đã từ lâu tôi có nhiều thắc mắc, thắc mắc đến tức bực: cứ mỗi lần một đơn vị của mình thất trận một quận nhiều quận và mới nhất tỉnh Phước Long bị lấn chiếm thì lập tức trên tivi, trên radio, phát ngôn viên nhà nước luôn luôn phổ biến: vì hỏa lực địch quá mạnh, vì quân số địch quá đông, nên mình phải di tản, hoặc trói tay?!
Nếu lập luận đó cứ còn được nhắc lại mãi sau mỗi lần mình thất trận mất đất thì tôi nghĩ đó là một bài hịch khuyến khích đối phương làm tới.
Cái lối đánh giặc gần như bất di động của quân lực mình là trúng kế mắc mưu địch mất rồi. Nó biết: nếu một đồn, một quận nhiều quận cho đến cả một tỉnh bị vây hãm, mình sẽ chẳng có viện binh và hỏa lực mạnh hơn chúng, chỉ biết ngồi phòng lạnh ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của những con thiêu thân vô phước bị đày ải tới một trận tuyến tuyệt vọng.
Thế là một ngày chẳng xong, thì hai ngày, một tháng, hai tháng thế nào chúng cũng dứt điểm A điểm B. Và cứ như thế, chiến thuật vết dầu loang của chúng tuần tự sẽ gậm nhấm tới cứ điểm cuối cùng của mình.
Liền sau khi Phước Long vừa mất, một ông Tướng đã bô bô: đã có kế hoạch tái chiếm Phước Long. Không biết dựa vào phép mầu nào mà ông phát ngôn như rứa? Phần tôi văn dốt vũ dát chỉ biết nghĩ rằng: sau khi Phước Long lâm nguy gần cả tháng, dư thì giờ để cứu vãn, quân đội mình không ào ạt hành quân để giải cứu và bảo vệ. Bảo vệ không dễ hơn là tái chiếm hay sao? Nghịch nhĩ hết sức!
Nếu cứ bảo rằng vì địch đông hơn, mạnh hơn, nên mình tạm di tản, không cứu nguy ngay cả đến một tỉnh thì nghìn lần mình sẽ chỉ chuốc lấy thảm hại.
Riêng tôi chưa thấy ai nêu lên những thắc mắc trên đây nên xin trình bày để cho tùy tiện phổ biến.
Trần Viết Lộc
Phan Đình Phùng Saigon 3”
(Sóng Thần 12-1-1975)
Dân biểu Nguyễn Bá Lương thuộc đơn vị Phước Long, người từng được tín nhiệm ở chức vụ Chủ tịch Hạ viện trong suốt pháp nhiệm I từ 1967 đến 1971, đã nói rằng ông là “người dân Phước Long buồn nhất sau khi Phước Long thất thủ”. Ông đặt câu hỏi: “Thành thực mà nói thì không biết Phước Long mất là vì sao, tại ai? Do trời hay do người? Hay do một âm mưu nào đó…” Ông nói thêm ông rất buồn vì “Phước Long mất, mất không phải vì mình yếu kém mà tại vì Phước Long là một ổ tham nhũng và hơn thế nữa, Phước Long mất vì một âm mưu nào đó, với một nguyên cớ nào đó mà [ông] cũng như bao người khác muốn biết mà không biết được.”
Dân biểu Lương được dịp tố cáo nạn tham nhũng ở Phước Long mà ông biết là “không những đã từng đục khoét Phước Long từ bao năm tháng nay như tất cả mọi nơi trên đất nước đau khổ này mà còn kéo dài tới những ngày Phước Long hấp hối. Những ngày sau cùng của Phước Long, tham nhũng đã hoành hành ác liệt nhất.”
Vị đại biểu tỉnh Phước Long cho biết “trong lúc lính đang phải ngày đêm ác chiến với địch thì tham nhũng đã không phát lương tháng 12-74 cho họ mà chỉ chịu ứng trước cho sĩ quan 10.000 đồng và binh sĩ 2.000 đồng mỗi người. Số tiền lương khổng lồ của hàng chục ngàn quân nhân không biết giờ này do ai hưởng.”
Những lời tố cáo “kẻ vắng mặt Nguyễn Thống Thành” của dân biểu Nguyễn Bá Lương bị nhà bình luận Hải Triều báo Sóng Thần phê bình:
“Này nhé! Trong suốt hai nhiệm kỳ, dù nhiệm kỳ I đã nắm tới chức chủ tịch nhà hát Tây, quyền uy một búa gõ cộp, cộp, nhưng ông cụ Dân biểu Phước Long chẳng bao giờ mó máy đến các vụ tham nhũng dù ở đâu cũng vậy, nhất là tỉnh của ông, ông biết ê càng nếu đụng vào các tiểu vương tỉnh lẻ, ông ngậm miệng ăn tiền, dân than cũng mặc, tham nhũng gậm nát cái tỉnh của ông, ông cũng làm thinh… chuyện đời sống chết mặc bay! ấy thế mà hôm nay, ông đứng lên tố tham nhũng văng mạng, tố xả láng, tố như sợ không bao giờ gặp một dịp may để tố một lần nữa! Ông tố Đại tá Thành đủ thứ tội, nào là phát lương thiếu cho quân công, nào là thu tiền mãi lộ xe hàng xuất nhập tỉnh, nào là chỉ cho nhà giàu có tiền rời Phước Long bằng máy bay, nhà nghèo ở lại tử thủ, nào bà Đại tá Thành về Sàigòn với valise bạc…
Người viết chưa hề biết mặt cụ Dân biểu lẫn Đại tá Thành, cũng chưa có tài liệu gì để kiểm chứng các lời tố cáo của cụ Dân biểu là đúng 100%. Nhưng, trong thâm tâm, người viết thấy cụ có hành động không đẹp lắm! (xin lỗi cụ!) – Tại sao trước đây tham nhũng tày trời ở Phước Long cụ không dám tố, đến giờ này một ông Đại tá khác lên chân ướt chân ráo sa cơ ông lại tố cạn tàu ráo máng? Vả lại cho tới giờ phút này, Đại tá Thành, người bị ông tố đang biệt tăm tích và có thể vong mạng sau ngày Phước Long thất thủ (khẩu súng lục tùy thân rớt trên một chiến hào nào đó) và không có dịp lên tiếng, cụ mới tố.
Các tệ trạng tham nhũng cụ trình bày dù có hay không gì thì chúng tôi không biết, nhưng thảm cảnh bi hùng của Đại tá Nguyễn Thống Thành từ Bình Long qua Phước Long đã làm mọi người xúc động, cụ có thấy tố Đại tá Thành lúc này là một việc làm vị kỷ và thiếu độ lượng không? – Cả nước đổ lỗi vụ mất Phước Long cho nhà nước, riêng cụ thì đổ lên đầu Đại tá Thành. Phải chăng cụ làm vậy để gỡ phần nào tội cho [sự việc] cụ hưởng ân huệ bao lâu nay! Hay gióng tiếng cho đồng bào Phước Long bỏ phiếu cho cụ vào mùa thu này? Đại tá Thành đến nay vẫn biệt tin tức, “kẻ vắng mặt bao giờ cũng có lỗi”. – Tục ngữ Pháp bảo vậy, cụ đợi gì mà không xả láng tố thêm? Tài đánh lạc hướng dư luận của cụ dân biểu kể cũng khá!…”
Sóng Thần 22-1-1975
Phan Trầm Tưởng, tổng thư ký Phong trào Thanh Sinh Công Việt Nam, đăng bài nhận định “Trường hợp Phước Long và những toan tính” trên Sóng Thần (12-1-1975). Bài nhận định đã được viết vào cuối tháng Chạp 1974, trước khi Phước Long hoàn toàn “đứt hơi thở”.
“Những ngày cuối năm 1974, đã đặt ra trước mắt mọi người dân Việt ở miền Nam: nỗi thắc mắc, nghi ngờ khó hiểu. Tình hình chiến sự đã thực sự gia tăng và tạo ra những nguy hại trầm trọng, đe dọa đến nền an ninh của Quốc gia. Đó là cái nhìn đầy ưu tư lo lắng của người dân. Song về phía chính quyền nếu ông Tổng thống đã từng tuyên bố
quyết liệt sẽ không để mất một mảnh đất, một người dân vào tay Cộng sản, thì nay trong cái bối cảnh đầy không khí hòa hợp hòa giải này bỗng dưng ông Tổng thống và chính phủ của ông lại trở nên hòa dịu – hòa dịu đến độ im lặng hãi hùng ngoại trừ vài kháng thư phản đối lấy lệ và chẳng gây nên một chút ảnh hưởng nào. Điều đó làm cho quần chúng nghi ngại. Phải chăng có một hậu ý chính trị nào theo sau các biến động quân sự ???
Những nghi vấn do tình hình chiến sự
Chiều 25-12 cộng quân lấn chiếm quận lỵ Tánh Linh sau khi mở màn cuộc tấn công từ sáng sớm đến chiều tối. Không đầy 14 tiếng đồng hồ, sau các tin tức loan truyền cho hay quận lỵ Đôn Luân ở cách Saigon 80 km về hướng Bắc đã bị một lực lượng cộng quân cấp trung đoàn tràn ngập, đây là quân lỵ thứ 3 trong số 5 quận thuộc tỉnh Phước Long bị cộng quân lấn chiếm. Quận lỵ cuối cùng còn lại là Phước Bình đang bị đe dọa nặng nề. Sự thất thủ ở Đôn Luân đã nâng tổng số các quận bị lấn chiếm lên 10 quận kể từ ngày ký hiệp định Ba lê 1973 về Việt Nam đến nay. Điều được các giới quan sát lưu tâm là các quận bị Cộng sản lấn chiếm gần đây cũng như các biến động quân sự mới rồi đều xảy ra trong phạm vi trách nhiệm của các tỉnh thuộc Quân khu 3 và 4 như Phước Long, Bình Tuy, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Dương, Tây Ninh, Chương Thiện… nghĩa là các vùng được xem như khá trọng yếu và tình hình an ninh bảo đảm hơn cả. Do đó hai vấn đề
sau đây đã được đặt ra:
1 – Sự hữu hiệu của Quân lực ta trong nghĩa vụ bảo vệ đất nước
2 – Mức độ chính xác có thể tin cậy của các báo cáo, phúc trình của những người có trách nhiệm.
Về vấn đề thứ nhất, tiềm lực và khả năng chiến đấu của quân lực ta là một điều không ai có thể phàn nàn hay đặt thành nghi vấn. Điều đó đã từng được chứng tỏ qua các biến cố Tết Mậu thân 1968, Hè đỏ lửa 1972. Thế thì tại sao có tình trạng quân sự bi đát như hiện nay? Phải chăng tệ nạn tham nhũng thối nát, lính ma lính kiểng đã thực sự đục khoét, làm lũng đoạn tinh thần chiến đấu của quân đội ta? Nếu lập luận này không đúng thì phải chăng dân chúng đã được nghe các phúc trình giả tưởng, phóng đại, làm láo, báo cáo nhiều??? Tại sao như vậy? Phải chăng đó là hậu quả của nạn mua quan bán tước, nạn bè phái đưa đến việc đặt người không đúng chỗ không hợp khả năng?
Hậu ý chính trị
Những điều vừa kể là lập luận của một số các bình luận gia thời cuộc. Song một số các nhà bình luận khác thì chưa thỏa mãn với những lập luận ấy. Họ cho rằng sự im lặng của nhà cầm quyền Nam Việt Nam sau những thất thủ liên tiếp của các quận lỵ thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Cộng Hòa có lý do của nó:
1 – Tình hình quân sự bi đát là một cách diễn tả trước dư luận quốc nội cũng như quốc tế mức độ thê thảm của chính sách viện trợ Mỹ – giảm quân và kinh viện đến mức tối đa – một chính sách đem con bỏ chợ… Nhưng người ta không thể và cũng không nên quên rằng chính ông Tổng Thống và chính phủ của ông đã từng hô hào chiến đấu trong khả năng sẵn có và cuộc chiến nầy là cuộc chiến của chính nhân dân Miền Nam vì quyền sống của Dân tộc – chứ không phải vì viện trợ. Do đó nói lên ảnh hưởng của viện trợ bằng việc thất trận hóa chẳng phải chính phủ đang tự mâu thuẫn với chính mình cũng như xương máu của các chiến sĩ đang bị hy sinh một cách vô lý và ngu xuẩn sao?
2 – Có người lại cho rằng các quận lỵ bị lấn chiếm không thuộc loại căn cứ chiến lược do đó sự thất thủ ở đó không đáng quan tâm.
Lập luận nầy không thể chấp nhận, bởi lẽ dầu cho các quận lỵ ấy là những vùng đất không quan trọng về chiến lược, kinh tế và nhân tâm thì ít ra nó cũng đã từng được bảo vệ xây dựng bằng máu của quân dân ở đó. Và không một ai có quyền phản bội xương máu đó dầu nhân danh bằng một cái gì.
Ông Tổng Thống đã chẳng từng tuyên bố không để Cộng sản chiếm một mảnh đất, một trái đồi ấy sao?
Vả lại rõ ràng là có những vùng đất đã mất thực sự có một giá trị về chiến lược, kinh tế cũng như nhân tâm. Chẳng hạn vùng đồng lúa phì nhiêu thuộc tỉnh Chương Thiện, vùng định cư dân tị nạn Cộng sản tại Bình Tuy, Long Khánh, nút chặn Phước Long trên cửa ngỏ dẫn vào Saigon.
Thế thì tại sao nhà cầm quyền không chịu lấy lại những gì đã mất hoặc ngăn chặn không cho mất thêm những gì còn lại? Phải chăng đang có những mặc cả toan tính? Hoặc những biến động ấy làm lợi cho nhà cầm quyền? Đã nhiều lần, ông Tổng Thống nói, và các viên chức Chính phủ, các cơ quan truyền thông nhà nước lập lại rằng các Phong trào Nhân dân tranh đấu ở hậu phương đã tạo nên cơ hội vùng lên cho Cộng sản. Đó là điều có thể có – không ai phủ nhận. Song đặt được vấn đề như vậy, dĩ nhiên người ta cũng thấy được tại sao hậu phương chúng ta không ổn cố. Và hơn ai hết nhà cầm quyền phải biết rõ điều đó. Đó là vấn đề thứ nhất. Vấn đề thứ hai là suy luận của nhà cầm quyền chỉ có một chiều phiến diện chỉ có chiều tới mà không có chiều lui. Chiều ngược lại, đó là liệu các Phong trào Nhân dân chẳng hạn Phong trào Nhân dân Chống Tham nhũng có đem lại lợi điểm nào cho cuộc chiến đấu chung hay không – chẳng hạn khích lệ vài đơn vị quân đội, cán bộ, công chức bị đày ải, kềm kẹp, đồn đẩy… khi cơ cấu lãnh đạo được làm sạch?
Do vậy cuối cùng người ta thấy nhà cầm quyền đã không ngay thẳng, thiếu lương thiện lãnh đạo đầy hậu ý trong hành động. Vì rõ ràng là người cầm quyền muốn đem hiểm họa Cộng sản đe dọa nhân dân, nhằm làm xẹp các Phong trào chống đối. Đó là hậu ý thứ hai của chính quyền.”
Sau khi trình bày hai “hậu ý” của chính quyền, tác giả bài nhận định cho biết chính quyền còn dùng “chính sách ru ngủ các thành phần dân chúng, đặc biệt là giới trẻ, bằng các tổ chức ăn chơi, vọng ngoại, lai căng mà điển hình là Đại Hội Nhạc trẻ ngày 29-12 vừa rồi” với mục đích gây quỹ cây mùa xuân chiến sĩ. Phan Trầm Tưởng phản đối cách gây quỹ “yểm trợ cây mùa xuân chiến sĩ” trong khi chính phủ “hô hào khôi phục giá trị truyền thống của dân tộc” bằng một đại hội “nhạc trẻ”: nhạc ngoại quốc, trong hoàn cảnh “có những người chết bên tuyến đầu lửa đạn”, một đại hội mà tác giả cho là một “quái tượng”.
Trong những giờ phút “hấp hối” của Phước Long, nhiều người tự hỏi đồng minh Hoa Kỳ ở đâu, sao không đến giúp Nam Việt Nam? Có phải vì thiếu sự viện trợ vũ khí của Hoa Kỳ? Hay là cần phải có một cuộc tổng tấn công của Cộng quân? Hay vì một lý do nào khác?
“Về sự kiện thiếu võ khí đã được nêu lên. Thiếu võ khí cũng là một sự kiện không thể quan niệm được.
Thật vậy, vào thời kỳ Cộng quân còn đánh du kích lẻ tẻ, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa đã được người Mỹ đào tạo để đánh ồ ạt bằng hỏa lực lớn. Và kết quả là hỏa lực ồ ạt đã tạm cầm chân được lối đánh của chiến tranh nhân dân.
Thế mà bây giờ, khi Cộng quân đánh lớn bằng võ khí ồ ạt, (hàng ngàn hỏa tiễn và trái phá, năm bảy chục chiến xa), quân lực Việt Nam Cộng Hòa cứ áp dụng chiến thuật đánh ồ ạt mà lại thiếu võ khí, thiếu đạn, thiếu bom, thì làm sao quyết thắng được.
Trước tình thế ấy, phải quan niệm một trong hai điều: hoặc là phải đổi gấp chiến lược, hoặc là phải gấp có võ khí với hỏa lực mạnh. Đổi chiến lược và phải huấn luyện lại binh sĩ là việc không thể thực hiện nổi trong thời gian ngắn (phải cả chục năm, họa chăng), vì thế mà ta chỉ có thể quan niệm được việc gia tăng hỏa lực.
Việc gia tăng hỏa lực lại chỉ có thể do Mỹ. Gần đây, có những tin cho rằng Mỹ đã hạn chế quân viện cho Việt Nam. Tuy nhiên, người ta có thể nghĩ rằng việc hạn chế quân viện nếu là chuyện thích ứng với tình hình trong đó thỏa hiệp Balê được tuân hành (không được thêm võ khí, chỉ có chuyện thay võ khí một đổi một), thì lại không thích ứng nữa với một tình hình trong đó Cộng quân không tuân hành thỏa hiệp.
Đã từ lâu rồi, chính những tin tức của Mỹ bảo rằng Cộng quân chuyển quân, chuyển võ khí vào Nam Việt Nam, bất chấp thỏa hiệp; Cộng quân cũng tấn công đều đều bất chấp thỏa hiệp. Giờ đây, họ lại tấn công lớn. Chẳng lẽ Cộng quân cứ tự do vi phạm và làm những chuyện quá độ, trong khi Mỹ cứ ngồi ngó lơ, lấy lý do là tuân hành thỏa hiệp? Lý do của Mỹ hơi khác thường, khó hiểu: họ bị ràng buộc bởi một quyết nghị của Lập pháp… Theo quyết nghị đó, Mỹ chỉ can thiệp trở lại nếu Cộng sản tổng tấn công. Trường hợp Phước Long chưa phải là tổng tấn công nên Mỹ chưa can thiệp, kể cả trong việc tăng gia quân viện. Nhưng nếu Cộng sản lợi dụng quan điểm đó của Mỹ thì miền Nam Việt Nam sẽ nguy hiểm thêm mãi. Sự thật, nhìn theo khía cạnh khác, Cộng quân đã tổng tấn công rồi, là vì đồng thời, khắp các mặt trận đều sôi động, hỏa tiễn, trái phá Cộng sản nổ lu bù rồi, và quận, tỉnh đã lọt tay Cộng quân.” (Trần Tuân. “Sau khi Cộng quân đánh chiếm Phước Long”, Chính Luận 11-1-1975)
Mười ngày sau khi Phước Long thất thủ, Bộ Tổng Tham Mưu tổ chức buối thuyết trình về tình trạng Phước Long và mời các dân biểu đến dự thính. Những điều trình bày trong buổi thuyết trình “không được tiết lộ”. Một dân biểu cho biết một vài điểm trong phần thuyết trình của tướng Đồng Văn Khuyên, tham mưu trưởng, như sau:
- Lý do không đưa được đồng bào ra khỏi vùng giao tranh vì thời tiết xấu. Bộ Tổng Tham Mưu gửi hai máy bay C130.
Ai nấy thắc mắc: mỗi chiếc C130 chỉ chở được 130 tới 150 người không có hành lý nặng, trong khi số dân Phước Long muốn được di tản ước lượng 40.000.
- Trong năm 1975, Cộng sản sẽ đánh lớn để gây áp lực quân sự.
- Quân đội sẽ giành lại tất cả những phần lãnh thổ bị chiếm và xác nhận không để cho chiến sĩ ra trận thiếu đạn.
Nhà bình luận Hà Minh Lý trên báo Chính Luận (17-1-1975) đưa ý kiến như sau về thời cuộc:
“Chiếu cố…
Một khúc quanh cho tình hình Đông Dương, người ta đang nghi ngờ như vậy. Một khúc quanh để rồi đi đến đâu nữa, điều này chưa rõ. Có thể là chuyện hòa bình, chuyện ngưng bắn, chuyện vận động hòa bình đang mỗi ngày một xa. Mà cũng có thể tỷ như một ngọn đèn dầu, ánh lửa đang bùng lên để rồi tắt hẳn. Nhưng giả thuyết thứ hai này xem chừng khó khăn.
Bây giờ Hoa kỳ đang quan tâm nhiều hơn, chiếu cố nhiều hơn đến Việt Nam vì tình hình Việt Nam bước qua một giai đoạn mới. Ở Hoa thịnh Đốn đang có tranh luận về một ngân khoản viện trợ quân sự bổ túc cho Việt Nam Cộng Hòa. Sự kiện một đêm ta thực hiện 120 phi xuất oanh tạc vùng Lộc Ninh dường như nói lên rằng bom đạn và nhiên liệu không thiếu, ít nhất trong một lúc.
Nhưng sự quan tâm của Hoa kỳ chắc chẳng phải chỉ giới hạn vào vũ khí, vào viện trợ quân sự, vào súng đạn. Nó phải bao gồm nhiều mặt. Người ta vẫn nói cuộc chiến ở Việt Nam vốn là chiến tranh toàn diện, chính trị có, quân sự có, kinh tế có… Có lẽ điều này giải thích sự thăm viếng của ông thứ trưởng ngoại giao cũng như của vị giám đốc cơ quan tình báo Hoa kỳ, thêm vào cuộc thăm viếng của thứ trưởng Quốc phòng và tướng Tham mưu trưởng Không quân.
Khúc quanh mới hẳn phải đòi hỏi những cái mới để đáp ứng. Cái mới đó là gì? ở những lãnh vực nào…?
Mới chỉ thấy phó tổng thống Hương nói rằng chính phủ sẽ làm mạnh hơn luật Tổng Động Viên…”
Chính Luận 11-1-1975
Bạn có thể thích

Những ngày tết cuối cùng của VNCH qua tư liệu báo chí năm 1975 (Phần 2)

Hồi ức Phạm Kim Ngọc: Cải cách kinh tế thời Đệ nhị Cộng hoà

Những ngày tết cuối cùng của VNCH qua tư liệu báo chí năm 1975 (Phần 1)

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức: Một Đường Lối và Phương Pháp Giáo Dục Tân Tiến của Việt Nam Cộng Hòa

Phỏng vấn Nguyễn Khánh Trung: Học về sự Học

Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)

Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972

Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)

Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)

“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị2 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị2 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị2 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ5 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Tư liệu lịch sử2 năm trước
VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG