Connect with us

Tư liệu lịch sử

Những ngày tết cuối cùng của VNCH qua tư liệu báo chí năm 1975 (Phần 1)

Ngô Thị Quý Linh

Published on

[Ảnh trên báo Tiền Tuyến, ngày 6-2-1975: ĐÃ THẤY XUÂN VỀ – Những thiếu nữ đã đi chọn hoa tại đường Nguyễn Huệ. Nhìn Hoa biết nói và Hoa thiên nhiên lòng người bỗng rộn rã như đã thấy Xuân về. (Ảnh THANH HUY)] 

Ngô Thị Quý Linh 

Tết Ất tị 2025

Tựa 

Tết Nguyên Đán là dịp để tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ đã khuất, đồng thời cũng là dịp  để tông tộc gặp nhau giữ gìn dây thân ái. Suốt năm làm lụng vất vả ai nấy chỉ mong được hưởng  an nhàn hạnh phúc trong mấy ngày Tết, gia đình cùng đại gia đình tụ họp sum vầy, trước là cúng  ông bà sau là được thưởng thức các món ăn cổ truyền ngày Tết, trẻ con được mừng tuổi, mặc áo  mới, … 

Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết. 

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, 

Cây nêu, tràng pháo , bánh chưng xanh. 

Hơn một trăm năm trước, cụ tam-nguyên Yên Đổ nghĩ đến Tết đã để lại mấy vần thơ hỏi  thăm chợ Đồng làng Yên Đổ: 

Tháng chạp hai mươi bốn Chợ Đồng, 

Năm nay chợ họp có đông không? 

Gió trời mưa bụi còn hơi rét? 

Nếm rượu Tường-Đền được mấy ông? 

Hàng quán người về nghe xáo xác, 

Nợ nần năm hết hỏi lung tung. 

Dăm ba ngày nữa, tin Xuân tới, 

Pháo trúc nhà ai, một tiếng “đùng”. 

Tết đến, cụ tam-nguyên mong sao chợ họp đông, mong thời tiết tốt để các bà đi chợ mua  sắm, các ông nếm rượu Tường-Đền, ai nấy trả hết nợ nần và vui thưởng xuân.  Đó là vài tục lệ của ngày Tết lý tưởng thanh bình của cuộc đời êm đềm, hạnh phúc mà mọi gia đình người Việt ước mong được hưởng. Nhưng đã bao năm qua…

Tao-loạn triền-miên mấy chục năm, 

Mỗi năm xuân đến, mỗi âm-thầm: 

(…) 

Năm nay khai bút, xuân hy-vọng… 

Gió mới trời Nam, lắng hảo-âm.” 

(Đông-Xuyên. “Xuân hy-vọng”, Bách Khoa số 98) 

Mong mỏi được sống lại những mùa Xuân năm xưa hơn ai hết là những người đã sống qua hai mươi năm chiến tranh như nhà thơ Xuân-Phong Nguyễn Ngọc Cẩm: 

“Xuân đi Xuân lại đã bao lần, 

Mười mấy Xuân rồi lại thấy Xuân. 

Cánh cửa Hòa-Bình như hé mở, 

Cuộc cờ chinh chiến sắp tan dần. 

Mong ngày hội-ngộ tình Nam-Bắc, 

Bõ lúc phân-chia cảnh Sở-Tần. 

Hy vọng biết bao người ngóng đợi, 

Reo mừng tiếng pháo đón mừng Xuân.” 

(thơ trích từ thi tập Trời Nam Khói Lửa; tùy bút “Cảm Xuân Thời Loạn”, Văn Hóa Tập  San số 1 năm 1972) 

Trong hy vọng hòa bình sau Hiệp định Paris 1973, nhà thơ Luân Hoán sáng tác bài “Khai  bút đầu Xuân hòa bình”. Khi “mùa xuân ấm đất”, “chim hót trong vườn cây nẩy lộc”, nhà thơ ao  ước “trở lại sống bình thường như điệu ca dao”, được hưởng những niềm vui giản dị của đời  sống: “nửa sân này ta ươm cải trồng hoa, nửa còn lại ta dìu con tập bước, hạnh phúc nào cần tìm  ở đâu xa”.  

Luân Hoán, nhà thơ của hy vọng và lạc quan, nhất quyết tin rằng: “mỗi buổi sáng mặt trời  hồng phải mọc, mỗi đời người phải hy vọng, đương nhiên, em đồng ý cần lạc quan để sống, để muôn năm còn mãi tuổi thanh niên”.

Đầu năm 1975, khi trời sắp vào xuân, thời tiết dịu xuống, ánh nắng nghiêng nghiêng soi  qua cành lá, cây cối đâm chồi nảy lộc báo tin những ngày của năm mới, cô thiếu nữ gửi thư cho  người yêu nhắc nhở chàng trai nơi chiến tuyến, nhớ đến những lời hứa hẹn, vẫn còn là “hứa hẹn” không biết đến bao giờ vì đất nước chưa thanh bình. Mặc dù nàng cảm thấy “cô đơn”, buồn bã nhưng vẫn phải chịu đựng, mong chờ một ngày mai sớm có “thanh bình”… để được hưởng chút  hạnh phúc thật giản dị “hai đứa được nắm tay nhau đi ngắm hàng Tết.” Không phải chỉ có mùa  xuân của thời gian, của vũ trụ, của đất nước đang “trôi đi” mà cả thời gian, mùa xuân của đôi lứa  cũng đang qua đi vì chiến tranh. 

“Anh ạ mùa Xuân đã sắp trở về trên quê hương mình rồi đó. Bao nhiêu mùa xuân  đã trôi đi. Năm nay chắc anh rồi cũng chẳng quay về được với em. Khi ngày tháng bây giờ phải trực diện trên miền cao Xứ Quảng và em cũng đã mấy mùa xuân chờ đợi chưa  một năm nào hai đứa được nắm tay nhau đi ngắm hàng Tết. Mà mãi mãi là những ngày  những tháng cô đơn để trong một phút giây nào đó nước mắt bất ngờ ứa trên mi khi có tiếng ca nào văng vẳng… Nếu xuân này vắng anh, Hoa bướm thôi dệt duyên lành dây tơ  chùng cung sở phiếm,* …Lúc ấy mới thấm thía nỗi cô đơn của mình. Nhưng em biết sao.  Hơn nữa khi quê hương mình vẫn còn đó những khổ đau nhục nhằn. Bao nhiêu năm đã trôi qua Dân Tộc mình chưa một lần nhìn thấy thanh bình thật sự… 

Em nhớ có một lần anh viết thư về cho em vào ngày 28-1-73 với những dòng  nhắn nhủ. Tin Hòa Bình về chắc chợ Tết năm nay vui lắm. Em ráng đợi anh năm sau, anh  về hai đứa đi ngắm xuân… còn bây giờ anh phải lo tròn bổn phận đối với Binh chủng với  quê hương…” 

(Mai-Phương. “Những mùa xuân chờ đợi”, Tiền Tuyến 2-1-1975) 

*Nếu xuân này vắng anh 

Ong bướm thôi dệt duyên lành 

Dây tơ trùng cung lỡ phím 

Cho khúc hát ái ân 

Từ nay lỡ tơ duyên…(tác giả: Bảo Thu) 

Cũng trong tháng Giêng của năm 1975, nhà thơ Minh-Đức Hoài-Trinh ước mơ: “Ngày mai nếu có thanh bình 

Cầm tay hai đứa chúng mình tung tăng 

Từ Cà-mau đến Nam-quan: Hoa đăng 

Mình sẽ phá tung gông cùm biên giới 

Biên giới tình và biên giới kẽm gai chăng” 

(“Em về ôm quê hương mình”, Bách Khoa số 424) 

Tết Ất Mão năm 1975 đã không đến như những năm xưa yên ả, không được như ước mong của cô thiếu nữ xuân thì mong đợi thanh bình để với người tình “cùng nhau đi ngắm hàng  Tết”, hay là ước mơ của nhà thơ Minh-Đức Hoài-Trinh “… hai đứa chúng mình tung tăng… phá … biên giới kẽm gai chăng”. Liệu “Xuân hòa bình” có đến chăng? 

Từ đầu năm 1975, biết bao biến cố đã liên tiếp tràn đến như những đợt sóng thần đảo lộn  cuộc đời của biết bao gia đình, biết bao nhiêu người, và cuốn trôi cả những niềm vui và hy vọng  của ngày Tết. 

Năm nay là năm mươi năm kể từ năm 1975, xin cùng hồi tưởng khoảng thời gian lịch sử đau thương của năm 1975.  

Ngô Thị Quý Linh 

1-2025

PHƯỚC LONG THẤT THỦ 

Từ đầu tháng Giêng 1975, bao nhiêu tin tức dồn dập đến, toàn là những tin buồn và những tin đem lo âu cho người dân. Bi thảm nhất là tin đến từ mặt trận Phước Long. Các quận  của tỉnh Phước Long lần lượt bị quân đội Bắc Việt chiếm.  

Sóng Thần 9-1-1975 

Các quận Bố Đức, Đức Phong, Đôn Luân (Đồng Xoài) đã bị Cộng quân tràn ngập và chiếm cứ trong tháng 12-74. Kể từ ngày 1-1-75, Cộng quân mở liên tiếp nhiều cuộc tấn công  mãnh liệt bằng bộ binh và chiến xa vào tỉnh lỵ Phước Long. Nơi nào quân trú phòng cũng chống  trả dữ dội. Chính tỉnh lỵ Phước Long bị tàn phá nhiều nhất vì đạn bích kích pháo của hai bên và bom của phi cơ oanh kích chiến xa. Mỗi ngày có hàng ngàn bích kích pháo đủ loại của địch quân  rót đều đặn và chính xác vào các căn cứ của quân trú phòng gây thiệt hại nặng nề. 

Tình hình Phước Long càng lúc càng trở nên bi đát. Cộng quân pháo sập các căn cứ quân  sự trước khi tiến đến nhà đèn Phước Long. Dân chúng hoang mang, không biết đi đâu, và nơi duy nhất họ nghĩ đến là khu nhà thờ. Dân chúng trong tỉnh lỵ ùn ùn kéo đến nhà thờ tỉnh lỵ để lánh nạn, nhưng cũng không tránh được đạn pháo kích. 

Theo dõi tin tức chiến sự Phước Long để thấy lo lắng giùm cho quân dân Phước Long:  “Phước Long mù mịt lửa đạn”, nhưng vẫn có người nghĩ rằng Phước Long có thể là một trường  hợp như An Lộc, rồi Phước Long sẽ được giải cứu… 

Cộng quân từ núi Bà Rá pháo kích vào Phước Long.  

Máy bay quan sát báo cáo ác chiến diễn ra giữa thành phố. Khoảng 5.000 quân Bắc Việt  được phát hiện cùng 30 chiến xa đang tiến vào Phước Long. Dân chúng không còn đường thoát. Các quân nhân đào thoát khỏi Phước Long cho biết một loại tăng mới đã được quân Cộng  sản Bắc Việt đem ra sử dụng để tấn chiếm Phước Long khiến cho giới chức Việt Nam Cộng Hòa  và các cố vấn Hoa Kỳ quan tâm. Theo như phóng viên ghi chép lại lời các sĩ quan, “[l]oại xe  tăng trên đã được mô tả là thấp, dẹp và thon nhỏ hơn loại T54. Ở trước mũi có một ổ trọng pháo  100 ly và phía dưới trước sau đặt hai khẩu đại liên. Giây xích và các lồng bánh nhỏ gọn nên chạy  rất mau, mỗi khi cần nó có thể chui rúc vào bất cứ một công sự nào để xử dụng hệ thống điện tự động xối xả bắn ra, mà ta khó có thể phát hiện được.”  

Các sĩ quan này cũng cho biết “chính một Đại úy Biệt cách Dù sau khi nhảy xuống  Phước Long, đã dùng M72A bắn vào tăng địch cả thảy ba trái (ngay ở xích) mà vẫn không mang  lại kết quả.” Họ cho biết đa số tăng mới này bị hạ tại chiến trường Phước Long đều do oanh tạc  cơ của Không lực Việt Nam Cộng hòa dội bom bốc cháy và ngay trong đêm được Cộng quân kéo đi nơi khác. (Chính Luận 15-1-1975) 

Tình hình Phước Long càng thêm đen tối khi nhận được tin đại tá Nguyễn Thống Thành  bị thương, tiểu khu phó tử trận. Tiểu khu mất liên lạc sau hai lần xin di tản. Phước Long vào ngày 6-1-1975 còn 40.000 dân và 7.000 binh sĩ “vẫn chập chờn trên bờ vực.” Không ai rõ Phước Long thất thủ hay chưa? Tin tức cho biết thêm về tình hình Phước  Long: Phước Long bị tràn ngập hoàn toàn vào lúc 11g45 và đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Thống  Thành đã không còn chỉ huy. Lời cuối cùng của đại tá Thành gọi về quân đoàn là “xin tiếp tế đạn”. Một số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tại Phước Long vẫn tiếp tục tử thủ. Một chiếc C130  vượt lưới phòng không thả đồ tiếp tế xuống Phước Long. Biệt cách Dù được tung vào chiến địa  nhưng chưa liên lạc được với các quân nhân đang tử thủ. 

“Toàn bộ đầu não cơ quan chánh quyền tỉnh Phước Long: 

Từ trái: Đại tá Nguyễn Thống Thành, Phó Tỉnh trưởng Hành Chánh Phạm Thắng Chức, Trung tá Tiểu khu phó Hồ Văn Phước, Trung tá Tham mưu trưởng Tiểu khu Nguyễn Hải, Thiếu tá Quận trưởng Phước Bình Lê Văn Xuân (tiếp theo) 

Sóng Thần 12-1-1975

Từ trái: Thiếu tá Quận trưởng Đức Phong Trần Văn Nhơn, Thiếu tá Quận trưởng Bố Đức Trương Xuân, Thiếu tá Quận trưởng Đôn Luân Đặng Vũ Khoái, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Phước Long Lê Văn Phúc,  Thiếu tá Cảnh sát trưởng Nguyễn Văn Tư.” (Ảnh Trọng Viễn) 

Sóng Thần 12-1-1975 

Trong số bảy nha, y, dược sĩ ở Phước Bình chỉ còn bác sĩ Trần Duy Phan sống sót. Bác sĩ Phan cho biết “bệnh viện tan hoang do đạn pháo kích chụp lên như mưa” khiến cho bác sĩ Trần  Kim Phẩm chết ngay trong hầm trú ẩn. Bác sĩ Mai Thế Trân gãy tay mặt. Bác sĩ Hồ Văn Phước  bị thương nặng ở đầu vì đạn pháo kích. Bác sĩ Phan chỉ ghi nhận được đến thế về tình trạng của  các đồng nghiệp trong những phút cuối cùng tại “tỉnh lỵ máu lửa”.  

Ký giả Văn Quỳnh, nhân chứng về từ “tử ngục” Phước Long, cho biết các quận Bố Đức,  Đức Phong, Đôn Luân đã bị Cộng quân tràn ngập và chiếm cứ trong tháng 12. Kể từ ngày 1-1- 75, Cộng quân liên tiếp tấn công bằng bộ binh và chiến xa vào tỉnh lỵ Phước Long.  

Văn Quỳnh kể lại sự sụp đổ của tỉnh lỵ và cuộc vượt thoát từ Phước Long bi thảm như thế nào. 

“Bom đạn nổ rền trời trên đỉnh đồi thị trấn Phước Long từng tầng nhà sụp đổ,  từng cuộn khói bốc cao, xen lẫn tiếng rít lên từng hồi của các phi tuần oanh tạc, trong  tiếng đạn nổ dòn của các ổ phòng không địch, tạo ra một âm thanh rợn người, khủng  khiếp. 

Tin dồn dập của một số đồng bào tại tỉnh lỵ vừa chạy thoát về cầu Đất Lung cho  biết 10 giờ ngày 6-1-75, Cộng quân sẽ tràn xuống đây để bao vây lùa đồng bào về Tỉnh.  Thế là cả một biển người chia thành nhiều đoàn, bồng bế, gồng gánh ra đi. Tôi tháp tùng  theo đoàn quân thất trận của chi khu Bố Đức do Thiếu tá Trương Xuân hướng dẫn, khởi  hành hồi 10 giờ sáng. Toán chúng tôi gồm khoảng 50 người, trong đó có 40 binh sĩ vũ 

khí đầy đủ, và tháp tùng khoảng 10 công chức, cán bộ và gia đình. Để tránh các nút chặn  của địch quân và tránh ngộ nhận của phi cơ nên toán chúng tôi không đi theo đường lộ như đồng bào mà phải cắt rừng vượt suối tránh sự theo dõi của địch quân cùng các phi cơ quan sát, do đó chúng tôi tiến rất chậm, đôi khi phải dừng lại hằng giờ để quan sát tình  hình mới dám vượt qua các đồi trống. Tuy thế, chúng tôi cũng đã lạc vào rừng mất hai  tiếng đồng hồ bàn bạc, thảo luận, đem bản đồ và địa bàn để định hướng đi, đôi khi phải  liều cho người trèo lên các cây cao để quan sát địa thế, vì thế đoàn chúng tôi trong ngày đầu chỉ tiến được lối sáu cây số, đúng 20 giờ mới đến bờ Sưng Lấp vùng này đều do địch  quân kiểm soát. 

Vừa đến nơi thì trời tối mịt mùng chúng tôi phải chui vào một khoảng đầy gai  góc, im hơi, lặng tiếng, mò mẫm tìm chỗ ngồi và đem thức ăn khô như gạo sấy để cùng  ăn cho đỡ đói. Chúng tôi có bốn anh em sờ soạng trao cho nhau vài nắm cơm nhỏ ăn để lấy sức, chớ không dám thổi nấu vì sợ Cộng quân phát giác pháo kích. Chúng tôi khát  nhưng đành phải chịu ngồi bó gối mặc dù con suối reo trước mắt, sợ bị địch trông thấy. Mỗi khi có người nào quá thèm thuốc bật máy lửa thì bị những người chung quanh chưởi  bới là quân Cộng sản, đòi bắn bỏ. Càng hãi hùng thêm là khi nhìn qua bên kia suối thấy  có ngọn đèn le lói, chúng tôi càng tin là địch có canh gác trước mặt để chặn đường những  người đào nạn. Tuy nhiên sau đó, thì quá mệt mỏi, mặc dù gai góc quanh mình, chúng tôi  đã nằm sát vào nhau như cá được sắp trong hộp, đánh một giấc ngon lành, trong khi biết  bao nguy hiểm đang chờ chực bên mình.” (Sóng Thần 30-1-1975) 

Những người chạy từ Phước Long về Biên Hòa cho biết: họ thoát khỏi Phước Bình nhờ trực thăng di tản thương binh vì trực thăng là phương tiện duy nhất để dời khỏi tỉnh lỵ Phước  Bình. Hai con đường vào tỉnh lỵ: quốc lộ 4 và liên tỉnh lộ 1A đã bị chặn. Một giáo sư của quận  Đôn Luân cho biết ông may mắn mua được một “chỗ đứng” trên trực thăng di tản thương binh từ Phước Bình về Biên Hòa với giá khoảng 30.000 đồng.  

Mọi người trong tỉnh chỉ lo chạy trốn, tránh bom đạn, và tìm đường thoát ra khỏi Phước  Long. Không ai thiết mua bán. Người ta chỉ mua vài ký lô gạo đủ ăn trong vài ngày, nếu phải vác  gạo chạy theo người cùng quần áo thì còn vác theo được. 

Các trưởng ty bỏ nhiệm sở, để lại hồ sơ, giấy tờ, chỉ đem theo tiền bạc trong tủ sắt.  Những nơi bị quân Bắc Việt chiếm, giáo chức, dân chúng và cán bộ xã ấp đều bị bắt. Một giáo  sư Phước Bình thoát về cho biết đã có ít nhất 40 giáo chức tỉnh Phước Long bị bắt. 

Dân chúng hốt hoảng bán tống tháo tài sản để có tiền mua vé máy bay, đổ xô đến tòa tỉnh  ghi tên, nhưng máy bay cũng không đến nữa. Giá vé máy bay từ lúc đầu 20.000 đồng, tăng vọt  lên 200.000 đồng, vậy mà cũng không có vé. 

“Lời nói chót của đại tá Thành: “Xin cho chúng tôi đạn”. – 

Không quân dội bom xuống thành phố.” 

“Số phận của đại tá Thành chưa rõ. Có tin ông đã tử thương và cho đến sáng sớm  hôm thứ hai bộ chỉ huy quân đoàn 3 vẫn chưa liên lạc được với ông. Hiện tại quận trưởng  Phước Bình lưu vong trong thành phố chết này tạm quyền chỉ huy các binh sĩ chiến đấu. 

Một nguồn tin khác nói rằng lời cuối cùng của đại tá Thành gọi về đến quân đoàn là xin  tiếp tế đạn. Một chiếc C130 hôm chủ nhật đã vượt lưới phòng không thả đồ tiếp tế xuống  Phước Long.” (Sóng Thần 7-1-1975) 

Vị “tỉnh trưởng bất hạnh nhất”, đại tá Nguyễn Thống Thành “có lẽ không bao giờ trở về nữa, sau khi người ta nhặt được khẩu súng lục tùy thân của ông trên một chiến hào sụp đổ.” Có một người dân ngụ tại khu phố gần Tiểu khu, trong khi tìm lối thoát ra khỏi Phước  Long về Bình Dương, kể rằng đã thấy một người lính nhặt khẩu súng của đại tá Thành. Người  dân này cho biết thêm đã nhiều lần thấy khẩu súng lục báng bằng ngà, đựng trong một cái bao da  rất đẹp, được đại tá Thành giắt nơi thắt lưng. 

“Tin từ Quảng Đức cho hay, Đại tá Nguyễn Thống Thành, tỉnh trưởng kiêm tiểu  khu trưởng Phước Long đã tử thương lúc 16g ngày 6-1, khi ông tìm cách vượt qua hàng  rào phía Bắc để qua sông Bé, trong nỗ lực tìm đường thoát địch. (…) 

Binh nhất Khoa, người về từ hỏa ngục Phước Long, nói rằng chính mắt anh trông  thấy cái chết của Đại Tá Thành bởi một loạt đạn bắn theo đoàn người chạy nạn.” (Sóng Thần 17-1-1975) 

Sóng Thần 7-1-1975 

“Phước Long thực sự đứt hơi thở” lúc một giờ sáng thứ ba ngày 7-1-1975. Máy bay quan  sát nhìn thấy những cụm khói bốc lên từ thành phố đổ nát. Tiểu khu bị một tiểu đoàn chiến xa  Bắc Việt tấn công dữ dội sau khi nơi này bị pháo trên 1.000 trái đủ loại. 

Kho hỏa châu của Tiểu khu Phước Long bị lọt vào tay đối phương. Cộng quân dùng hỏa  châu thắp sáng suốt đêm khiến người nào muốn trốn thoát cũng có thể bị phát giác.  Một mối nguy hiểm khác trên đường vượt thoát: một số dân và lính vượt qua sông Bé đầy  cá sấu đã bị cá sấu hại. Cộng quân khám phá ra sinh lộ sông Bé nên vây kín bờ sông Bé và bắt tất  cả những người lội qua sông. 

Một tuần sau khi Phước Long thất thủ, có được 1.476 người thoát được. Một số quân  nhân và dân chúng về đến Kiến Đức trong đó có một sĩ quan cấp tá và một số binh sĩ. Những  người về đến nơi đã “n ức nở khóc vì sung sư ớng”, một số mang thương tích và được băng bó  cấp thời trên đường thoát chạy. Cảnh tượng cảm động nhất là “một em bé mút chai nước ngọt  trong khi người cha đứng cạnh tay vẫn nắm chắc khẩu súng M19”.  

Một toán máy bay gồm nhiều trực thăng tìm cách cứu những chiến sĩ lẩn trốn trong rừng  rậm sau khi Phước Long thất thủ. Hai trực thăng bị rớt. Có khoảng 200 quân nhân được trực thăng bốc về Sài Gòn, trong đó có các chiến sĩ Biệt cách Dù, quân nhân các Sư đoàn 18, Sư đoàn  5 và Địa phương quân. 

“Hình 1: Quận lỵ Hoài Đức nay đã trở thành đống gạch vụn. Trong khi trực thăng tải binh sĩ bị thương ra khỏi vùng lửa đạn, thì người dân còn sót lại chỉ còn manh chiếu để mang đi… (Đ.N.)

Hình 2: Sau tám ngày lặn lội trong rừng già đầy gai góc, chừng 300 người thoát khỏi địa ngục  Phước Long đã được trực thăng bốc về Biên Hòa. Trong số, có chừng 200 quân nhân, 20 cảnh sát  viên và mấy chục thường dân. Trên nét mặt của những quân nhân “may mắn” này, chiến trường  Phước Long còn ghi nặng ký ức về những người bạn đã gục ngã. (N.T.A.)” 

Chính Luận 15-1-1975

Ký giả Thục Viên của báo Sóng Thần (ngày 12-1-1975) ghi lại câu chuyện vượt sông Bé của các quân nhân sau khi Phước Long thất thủ.  

“Những chiếc bè của người thượng neo dọc sông Bé đã có giá trị như chiếc  thuyền của ông Nô-ê trong trận Đại Hồng Thủy đối với những người quốc gia ở trận  tuyến tan vỡ Phước Long. 

Trung úy Quý Biệt đội phó Biệt đội 4 xung kích Biệt cách Dù khám phá ra những  chiếc bè đó khi anh một mình lội qua sông Bé tìm kiếm một sinh lộ cho mấy chục đồng  đội của anh và một số lính Địa Phương Quân. 

Phép lạ 

Dòng nước chảy xiết cuồn cuộn và đáy sông quá sâu đã thoạt khiến anh tuyệt  vọng. Phần lớn chiến sĩ đã kiệt lực vì thương tích, đói khát và bị săn đuổi liên tục từ bốn  ngày qua. Họ đã phải vượt qua cánh rừng nổi tiếng là khó đi nhất vì những cái dốc dựng  đứng đầy gai góc. 

Vấn đề của Trung úy Quý lúc đó là dò tìm được một khoảng sông cạn để chiến  hữu của anh có thể băng qua. Thế rồi anh trông thấy những chiếc bè neo bên kia bờ sông! Trung úy Quý là một người Công giáo. Lần đầu anh hiểu thế nào là một phép lạ. 

Tâm sự một người Biệt Cách Dù 

Mấy chục chiến sĩ thoát về Saigon chiều ngày 8-1 vừa qua đều đã sống trong sự tận cùng đau khổ. 

Sự gian khổ và chết chóc [của] chính mình là điều mà người lính Biệt cách Dù phải chấp nhận. Nhưng họ không thể nào quên được việc họ đã phải bỏ lại những đồng  đội của họ với những vết thương không đến nỗi chết nếu họ được đưa về các bệnh viện. 

Người lính Biệt cách tên Tâm, gối đầu lên chiếc balô, cầm mẩu bánh mì trong tay  một cách hờ hững vì quá đuối sức, tâm sự: “Tôi không bao giờ tự tha thứ được việc tôi đã bỏ bạn tôi ở lại đó. Nó bị thương ở chân và nếu có cách nào đem nó về, nó chỉ phải mất  phần chân đó. Đối với kiếp lính, như vậy cũng còn may. Vừa bị thương xong biết là sẽ kẹt lại nó nói với tôi: “Mày bắn vô đầu tao một viên giùm”. Tôi không thể làm như vậy  được. Thế rồi nó tự kê súng vào đầu nó. Lúc đó, tôi ít đau khổ vì không nghĩ là mình sẽ sống. Nhưng bây giờ, tôi cần sống và trở về nhà. Tôi không thể quên là bạn tôi đã tự bắn  vào đầu nó.” 

Trong những tin buồn về Phước Long, một tin vui được ký giả Thục Viên ghi chép lại:  trung tá Biệt cách Dù Vũ Xuân Thông đã thoát ra khỏi Phước Long, “người ít hy vọng sống sót  nhất và có nhiều tin tức cho thấy đã chết”.  

Lại một phép lạ nữa! 

Sóng Thần 12-1-1975 

Khi gặp lại chiến hữu tại căn cứ Biệt cách Dù, trung tá Thông đã “khóc rưng rức”. Ký giả kể rằng: “Ngoài ba mươi tuổi, kiêu hãnh, ông cho biết khóc vì nhục đã phải bó tay trong trận  Phước Long.” 

“Trung Tá (Tài tử) Vũ xuân Thông lúc vừa được trực thăng bốc từ trong rừng Phước Long về Biên  Hòa với những giọt lệ của một cuộc triệt xuất thảm hại. Mái tóc ở vai anh là người nữ phóng viên  chờ đợi ở phi trường. (Ảnh Sóng Thần

Sóng Thần 15-1-1975

Khi nhìn tấm ảnh của trung tá Vũ Xuân Thông, linh mục Nguyễn Quang Lãm chia sẻ cảm nghĩ của ông trong mục Sổ Tay trên báo Sóng Thần (16-1-1975) với tựa đề: “Phước Long xót xa và phẫn nộ”. 

“Tấm ảnh trên báo Sóng Thần phát hành chiều qua, ghi lại cảnh Trung tá Vũ Xuân Thông được một người nữ phóng viên đón tại phi trường, gục mặt vào vai có mái  tóc dài che phủ ngang lưng, làm nổi bật lên gương mặt đau khổ chan hòa nước mắt của  người sĩ quan vừa được bốc từ rừng Phước Long trở về. Tấm ảnh ấy, cũng như nhiều tấm  ảnh khác ghi lại cảnh chạy giặc của quân dân Phước Long, cùng với những bài tường  thuật của Thục Viên và các bạn đồng nghiệp, tất cả đã gây ra từ mấy hôm nay những xúc  động lớn. 

Xúc động vì xót xa cho số phận quân dân ta. Và xúc động vì căm phẫn đối với  việc Phước Long thất thủ, dân chúng không được lệnh cho di tản trước, để đến nỗi vào  những giờ phút kinh hoàng địa ngục trần gian, Phước Long trở thành biển lửa, dân quân  ta hết đường trốn chạy, ba mặt là sông Bé cản đường, phải kéo nhau lủi vô rừng sâu trốn  chạy chết chóc. 

Nhưng rồi chết chóc vẫn tiếp tục đuổi theo. Vì bom đạn. Vì đói khát. Vì lạc lõng  bơ vơ. Vì sức người cùng kiệt không vượt khỏi đoạn đường thập giá khốn cùng, dù có le  lói xa xa một tia hy vọng tìm lại được không khí và hơi thở tự do. (…)” 

Một số người thoát được chạy về Bình Dương hoặc Quảng Đức lánh nạn. Vợ con lính đổ về Bình Dương ngóng tin chồng con. 

Những câu chuyện thương tâm và bi hùng trên đường vượt thoát tử thần được kể lại cho  phóng viên. Rất nhiều người già có trẻ có đã bỏ mình trên đoạn đường vượt thoát ra khỏi Phước  Long.  

Từng đoàn người chạy thoát ra khỏi thành phố, cố gắng chạy càng xa càng tốt, không biết  những trở ngại hay nguy hiểm chờ đón họ. Sông Bé trở thành vòng đai chặn đứng đoàn người  tìm cách ra khỏi hỏa ngục. Người ta đã thấy một thiếu phụ lang thang bên bờ sông Bé tìm hai  con đã bị nước cuốn trôi đi. Nhiều trẻ em trợt chân lăn từ trên vách đá xuống vực sâu trước mắt  cha mẹ. Những người già cả bị thương hoặc đuối sức, đành ngồi lại giữa rừng. 

Có hai vợ chồng nông dân quận Bố Đức cõng mẹ già vượt thoát vùng lửa đạn Phước  Long. Bà mẹ già bị thương không muốn đi nữa để cho con trai và con dâu nhẹ gánh mà chạy đi.  Nhưng con trai băng bó cho mẹ, cầm máu vết thương rồi không nỡ bỏ mẹ lại trên đường, cõng  mẹ chạy tiếp, trong khi người vợ tay xách nách mang tất cả các vật dụng cá nhân và lương thực  của tiểu gia đình. May mắn thay nửa giờ sau họ ra khỏi vùng lửa đạn. 

Trên đường đi, dân chúng chạy qua những khu rừng già, lúc nào cũng tối om, ngày cũng  như đêm. Dọc đường họ chỉ nhai gạo sống và uống chút nước suối, có khi bắt cóc, ễnh ương xé ra ăn sống, hoặc thấy có cây nào lá chua chua thì hái xuống ăn cầm hơi.  

Hơn 5.000 người chạy khỏi Phước Long về tới Quảng Đức chỉ còn 700 người, hầu hết là người lớn vì rất nhiều trẻ em đã chết hay lạc dọc đường. Trong số 2.000 người chạy về Gia  Nghĩa, chỉ có mười trẻ em. Nhiều trẻ em thất lạc cha mẹ sau khi qua sông Bé, chịu đói khát và giá rét của rừng núi, có khi bị bom đạn vì không biết tìm nơi ẩn trốn. Nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ lại tỉnh lỵ, lủi thủi giữa những khu phố đổ nát, kêu khóc thất thanh khi gặp phải những tử thi nằm  vương vãi. Cha mẹ không đem theo con được, đưa con cho người Thượng nhưng người Thượng  chỉ nhận con gái mà không nhận con trai.  

Ký giả Thục Viên kể câu chuyện về những người lính Biệt cách Dù được gửi đến Phước  Long vào những phút cuối và cho biết “trận chiến quá ngắn khiến người lính Biệt cách không thể làm gì giúp người dân ngoài việc thoát thân”. Câu chuyện tiếp theo về những người lính Biệt  cách cũng ly kỳ và bi thảm như những chuyện vượt thoát khác từ Phước Long. 

“Những chiếc lá rừng rụng từ năm này qua năm khác kết tụ chất lân tinh và ánh  sáng nhỏ bé và mờ ảo đã trở thành phương tiện quý báu cho một cánh quân băng qua  rừng núi trong đêm tối thê lương để rời xa tỉnh lỵ Phước Long ngày rơi vào tay quân  Cộng sản. 

Đại úy Biệt cách Dù Lê Đắc Lực người to lớn như một con gấu nhưng nụ cười  hiền khô có khi thẹn thùng rất gợi cảm, cho biết là cánh quân triệt xuất 102 người của anh  sau khi vượt qua sông Bé đi vào một khu rừng tối mù mịt, đã nhặt những chiếc lá lân tinh  đó cài lên ba lô hoặc ở lưng áo những người không còn ba lô để người đi phía sau nhận ra  người đi trước. 

Vào lúc 9 giờ ngày 6-1, các tuyến dưới sự chỉ huy của đại úy Lực bị quân Cộng  sản tấn công liên tục và lúc 10 giờ 30 thì tất cả chiến hào bị chiến xa tràn ngập. (…) Khoảng 11 giờ, khi thấy không thể tiếp tục đơn độc chiến đấu, Lực cho phân tán  lực lượng và hẹn gặp nhau trên đỉnh đồi phía Đông Bắc tỉnh lỵ. Lúc một giờ trưa, sau khi  vượt qua chặng đường sinh tử (…) , Đại úy Lực đã có mặt tại điểm hẹn. Mọi người yên  lặng đợi trời tối men theo đường dốc hướng Bắc ngọn đồi xuống bờ sông Bé. Toán quân triệt xuất đã phải đi luồn giữa các bụi rậm, bò sát mặt đất để tránh bị khám phá vì ánh sáng hỏa châu mà quân Cộng sản đã lấy được trong kho chứa của Tiểu  khu. 

Đoàn quân này đã gặp được sự may mắn đầu tiên nhờ kinh nghiệm và thông minh  của họ. Trung úy Nguyễn Thanh Quý, trong khi lần dò tìm một khoảng sông hẹp để các  chiến hữu có thể đi qua, đã vô tình gặp một sợi dây dăng từ bờ sông này qua bờ sông kia. 

Người Thượng dăng sợi dây nầy làm phương tiện qua sông thường nhật của họ.  Họ ngồi trên bè và lần theo sợi dây để đi. 

Đây là chuyến vượt sông an toàn nhất, mặc dù sợi dây của người Thượng nửa  chừng bị đứt và các người lính đã phải tập trung dây nịt của họ để nối thành một sợi dây  khác. 

Mỗi toán mười người luân phiên xử dụng chiếc bè tre. Khi mọi người đã qua bờ an toàn những chiếc bè đã được thả trôi theo dòng nước với hy vọng các chiến hữu khác  sẽ có cơ hội xử dụng.

Ba giờ sáng cánh quân của đại úy Lực rời bờ sông băng qua một cánh rừng chồi  đi về hướng đông bắc. Cánh quân nối đuôi theo hàng một. Đại úy Lực nói là người ta có thể thấy “một dây bóng đen đi lên chân trời.” 

Mỗi lần hỏa châu tỏa ánh sáng soi mói và mạnh mẽ trên không trung tất cả mọi  người nằm dán xuống đất và lại trổi dậy khi hỏa châu tắt. 

Khi băng qua một cánh rừng già, những người lính chạy trốn chỉ cần phải dở nón  sắt để tránh phản chiếu ánh sáng. Hỏa châu tắt, đoàn người lại đội nón lên đầu. Hàng  trăm người đồng thời làm một động tác khiến cảnh tượng hóa nên nhịp nhàng và hùng  tráng dù đây là một cuộc triệt xuất bi thảm.” (Sóng Thần 18-1-1975) 

Nghị viên Phạm Văn Vượng, Hội đồng tỉnh Phước Long, cho biết có 642 đồng bào  Phước Long, trong đó có cả các quân cán chính, sau nhiều ngày lần mò trong rừng đã về đến  Quảng Đức. Số đồng bào này trong những ngày quận lỵ bị tấn công, chia nhau thành từng nhóm  nhỏ thoát ra khỏi quận khỏi tỉnh, băng rừng vượt núi theo hướng bắc qua ngả Đồng Xoài để đến  Quảng Đức. Hội đồng Bình đ ịnh Phát triển Quân khu 3 đã biết tin và chuẩn bị phương tiện để 

chuyên chở một số đồng bào bằng trực thăng từ Quảng Đức về Long Khánh và sau đó có xe hơi  rước họ về trại tạm cư Phú Văn. Một số đồng bào yêu cầu được cho họ di chuyển tự túc bằng  Hàng không Việt Nam, cũng được chấp thuận. 

Những gì xảy ra cho Phước Long được biết rõ ràng hơn khi thiếu tá Lê Tấn Đại, nguyên  quận trưởng Đức Phong, trưởng phòng 3, tiểu khu Phước Long, người cùng với đại tá Nguyễn  Thống Thành, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Phước Long, thoát ra khỏi “lò lửa” Phước Long.  Đại tá Thành đã không may mắn trở về cùng thiếu tá Đại.  

Phóng viên báo Sóng Thần đã bất ngờ gặp được thiếu tá Đại tại phi trường Tân Sơn Nhất  lúc 18 giờ ngày 21-1-1975 khi ông vừa đặt chân xuống. Mẹ, vợ con và em ông ra phi trường đón  “người về từ cõi chết”. Phóng viên đã chứng kiến “những giây phút cảm động khi các người thân  của thiếu tá Đại ôm chầm lấy ông cùng với những giọt nước mắt chảy dài hai bên má.”  

Thiếu tá Đại đã dành một chút thì giờ ngắn ngủi để chia sẻ với phóng viên về cuộc chiến  đấu tại Phước Long mà ông “tâm sự rằng thật là thảm khốc không thể tưởng tượng được.” Thiếu  tá Đại xuất thân khóa 14 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức; năm 1975 ông 32 tuổi, có trên 30 huy  chương, đã từng chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, làm quận trưởng, và tham dự nhiều trận chiến ác liệt  ở hai miền Trung và Nam.  

Theo lời kể của thiếu tá Đại, “không trận nào bi thảm như Phước Long, ông cùng với Đại  tá Thành đã phải chịu đựng những trận pháo khủng khiếp nhưng không vì thế mà nao núng vẫn  thường bày kế hoạch để đối phó.” Ông bảo “đứng về phương diện quân sự mà nói thì trận Phước  Long bi thảm hơn Bình Long trước đây, bởi lẽ phương tiện yểm trợ của năm 1972 khác với  những năm sau ngưng bắn, trong lúc Cộng quân dồn mọi nỗ lực hợp đồng binh chủng để đánh  chiếm Phước Long với quân số đông đảo gấp 10, trong khi quân trú phòng ít ỏi kèm theo với  những đồ trang bị tiếp vận hạn hẹp nên không thể nào cầm cự nổi. Ông so sánh vấn đề trang bị của hai bên thì về phía Cộng sản họ trang bị theo nhu cầu chiến trường, trong lúc quân lực Việt Nam Cộng Hòa lại trang bị theo bảng cấp số với chiếc thiết giáp cổ điển của Địa Phương Quân  làm sao đương nổi với mấy chục T54 dàn hàng ngang tiến vào. Chính những ngày cuối cùng ông  cùng với thiếu tá Sơn thuộc Liên đoàn 81 Biệt cách Dù bắn cháy hai T54.” 

Sóng Thần 28-1-1975 

Nhưng điều đau lòng nhất trong cuộc chiến đấu ở Phước Long là “Đại tá Thành than  phiền máy bay không có để hành quân lại có trực thăng chở thương gia lánh nạn”.  “Vẫn theo Thiếu tá Đại, những giờ phút Phước Long “lâm chung”, Đại tá Thành  đã than thở “mãnh hổ nan địch quần hổ”. Thôi đành phải thoát ra ngoài và như chúng tôi  đã tường thuật trong số báo trước, cả ba cùng dắt nhau đi từ cõi chết tìm về lối sống,  nhưng rồi cuối cùng kẻ trở về người lạc lõng. Thiếu tá Đại kể tiếp có nhiều lần Đại tá Thành đã chứng kiến cảnh trên 50 đồng bào và binh sĩ bị thương nằm lăn lộn nhưng  không có phương tiện cứu cấp di tản đành phải gạt nước mắt. Thành phố Phước Long bây  giờ hầu như bình địa sau nhiều trận mưa pháo với hàng mấy chục ngàn quả đạn của Việt  Cộng.  

Để kết thúc cho cuộc tiếp xúc ngắn ngủi, Thiếu tá Đại nói rằng hãy còn quá sớm  để luận xét công tội Đại tá Thành, người trách nhiệm trực tiếp mặt trận Phước Long khi  ông hãy còn vắng mặt, một điều đáng nói là với bất cứ một vị chỉ huy nào Thiếu tá Đại  cũng chỉ biết thi hành, tốt hay xấu đã có lịch sử phê phán, nhưng Đại tá Thành đã phải bị bó tay vì phương châm quân sự thường nói: “tiếp vận là quyết định chiến trường”. (Sóng  Thần 28-1-1975) 

Sóng Thần 27-1-1975 

Phước Long thất thủ sau nhiều ngày đêm chống trả. Tối 7 tháng Giêng, tổng thống  Nguyễn Văn Thiệu báo tin mất Phước Long và lên tiếng kêu gọi “Đồng bào khắp nước hãy dành  riêng ba ngày tròn kể từ 8 tháng Giêng năm 75 để truy niệm và cầu nguyện” và để “bày tỏ sự cảm thông với đồng bào Phước Long”. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của vị lãnh đạo quốc gia, nhiều tỉnh thành ngưng các cuộc vui  chơi giải trí, hát xướng, chiếu bóng, khiêu vũ, phòng trà ca nhạc, câu lạc bộ thể thao trong ba  ngày 8, 9 và 10-1 để “hướng về Phước Long đau thương”. 

Tòa Đô Chánh ra thông cáo gửi đồng bào Thủ Đô: 

“1/ Đình chỉ tất cả các cuộc giải trí dưới mọi hình thức liên tiếp trong ba ngày 8, 9 và 10  tháng Giêng năm 1975. 

2/ Các rạp hát bóng, cải lương, đại nhạc hội, các khiêu vũ trường, phòng trà ca nhạc, các  quán giải khát, cả các quán giải khát trá hình, các phòng tắm hơi, các câu lạc bộ thể thao, các cơ sở thể thao và tất cả các hình thức giải trí khác đều được đóng cửa trong ba ngày nói trên.”  (Chính Luận 9-1-1975) 

Hội đồng Nội các ra quyết định: 

“Cấm hội hè lễ lạc, công tư sở toàn quốc chỉ được nghỉ Tết một ngày rưỡi”. 

Sóng Thần 10-1-1975 

Nhiều nghị viên Hội đồng Đô thành “đề nghị đóng cửa các vũ trường, hạn chế chi phí xa  hoa, cưới hỏi, dành một phần góp việc cứu trợ đồng bào chiến cuộc Phước Long.”  Ông Võ Quốc Thanh, chủ tịch Hội đồng Đô thành, cho rằng các vũ trường là nơi “ăn chơi  xa hoa phù phiếm”, và “trong tình trạng đất nước lâm nguy, những vấn đề giải trí xa hoa phải được chấm dứt ngay đến khi nào tình hình trở lại bình thường các cuộc vui chơi hãy nên tiếp  tục.” (Sóng Thần 12-1-1975)  

Ông cũng cho biết sáng 11-1 Hội đồng Đô thành tổ chức một cuộc lạc quyên, và ông  hướng dẫn một phái đoàn nghị viên Sài Gòn, các tỉnh và một số ký giả đi Bình Dương ủy lạo và an ủi đồng bào nạn nhân chiến cuộc. 

Một số nghị viên nhận thấy nhiều người tổ chức hôn lễ “quá phức tạp, tốn tiền hàng chục  triệu” và khuyên mọi người “hãy nên hạn chế bớt sự chi phí xa hoa đồng thời nên dành một phần  đóng góp vào việc cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc tại Phước Long.” 

Có những chỉ trích này là do tháng trước (12-1974) một đám cưới rất lớn đã được tổ chức  ngay tại Sài Gòn trong khi tình hình Phước Long nguy ngập, 43.000 dân bị vây kín không thể ra  khỏi tỉnh bằng đường bộ hay đường bay. Tin trên báo cho biết vào tháng 12 một đám cưới “vô tiền và có lẽ khoáng hậu tại Việt Nam, kết hợp hai dòng họ, một bên là đại tài phiệt thuốc tây và một bên là một Nghị sĩ Phó chủ tịch Thượng viện”. Hôn lễ kéo dài bốn ngày đêm, từ buổi tiếp  tân tại đại khách sạn Caravelle với khách được mời gồm giới thượng lưu trong nước, giới ngoại  giao chính trị và doanh gia ngoại quốc, đến tiệc ăn tối tại nhà hàng Caravelle, khiêu vũ tại đại vũ trường Rex, tiệc ký hôn thú vào một ngày trong tuần. Chi phí đám cưới xa hoa này được ước  lượng hơn 40 triệu bạc. Chỉ riêng tiệc cưới tại Arc-en-Ciel với 600 thực khách tốn 18 triệu.  

Nhẫn cưới kim cương 11 ly của cô dâu trị giá 30 triệu. Tất cả đồ cưới của cô dâu đều  được mua từ bên Pháp.  

Thân phụ của cô dâu là nghị sĩ Trần Trung Dung, đệ nhất Phó chủ tịch Thượng nghị viện.  Thân phụ chú rể là nhà đại tài phiệt Thân Trọng Lạc, chủ tịch, tổng giám đốc và tổng thanh tra  hai công ty thuốc tây quan trọng tại Thụy Sĩ và Paris, sở hữu Công ty Sipapp (Cộng Hòa Dược  Cuộc) là cơ sở bào chế lớn thứ nhì sau OPV. 

Sóng Thần 9-1-1975

Đại Hội Ca Vũ Nhạc Kịch của Hội Cựu Quân Nhân Hải Quân Việt Nam đã lỡ tổ chức rồi  thì vẫn phải diễn thôi. Với hoàn cảnh của dân quân Phước Long, không biết bao nhiêu người còn  lòng dạ nào đi xem Đại Nhạc Hội dù là tổ chức ngày 12-1, sau ba ngày tưởng niệm? 

Người ta thấy tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến Vương cung Thánh đường tại trung tâm  Thủ đô dự lễ cầu nguyện cho chiến sĩ và đồng bào Phước Long. Thánh lễ ngày 9-1 do Đức cha  Nicolas Huỳnh Văn Nghi chủ lễ. 

Cũng ngày 9-1, thủ tướng Trần Thiện Khiêm đến Việt Nam Quốc Tự đường Trần Quốc  Toản dự lễ truy điệu và cầu nguyện cho đồng bào Phước Long, trong khi bác sĩ Nguyễn Lưu  Viên, phó thủ tướng, đến dự lễ tại nhà thờ Tin Lành.  

Chính Luận 13-1-1975 

Trong khi báo chí đăng tin “Phước Long thất thủ, Tây Ninh khẩn trương, chiến tranh có mòi lan rộng khắp nơi”, các vị lãnh đạo dự lễ cầu nguyện cho dân quân Phước Long, người dân  Sài Gòn nghĩ gì, làm gì ? Hãy theo chân ký giả Trần Quốc Mỹ của nhật báo Chính Luận (13-1- 1975) để thấy “[c]ác quán nhậu Saigon vẫn đông nghẹt…” Ký giả ghi lại những điều tai nghe  mắt thấy như sau: 

Ăn để mà chết 

Một ông trạc độ ngũ tuần phát biểu như vậy. Sau khi uống cạn ly Napoléon – tên vị anh  hùng Pháp quốc thuở xa xưa, ông nói tiếp: 

– Tôi cóc thèm uống, tôi ăn để mà chết, thời buổi này sống mấy nổi, ngày nay  không có ngày mai… 

– Bác nghĩ gì về cuộc chiến hiện tại? 

– Tui nhậu tối ngày, kiếm đồng nào đổ vô miệng đồng nấy, chẳng có thời giờ coi  báo nên không biết chiến tranh nó leo thang đến đâu rồi? 

– Dạ thưa bác, nó dứt điểm ở Phước Long, uýnh núi Bà Đen, pháo kích Phú Lâm. Ông khách cắt ngang lời nói của tôi: 

– Nó uýnh đâu … tui đang uất nghẹn con vợ tui nó dám bỏ tui theo trai, để lại cho  tui nuôi bốn đứa con cà trớn.”

Thấy ông khách có vẻ muốn kể thêm chuyện nhà, ký giả vội vàng nói vài câu rồi từ biệt  để đi đến quán Cây Lý đường Nhật Tảo. Đến quán Cây Lý, ký giả định tìm một chỗ ngồi tạm và nhận xét trong khi đảo mắt tìm chỗ: 

“Tôi nhìn trước, nhìn sau không còn chỗ ngồi. Những đĩa cua rang muối, thịt bò lá lốt, cà ri gà, tôm nướng, lẩu lươn hầu như đã được chiếu cố tận tình. Từ ông quan đến  ông dân, từ ông già đến những chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, mặt ai cũng đỏ gay. Mỗi  người dường như trở thành một anh hùng, trên thì Trời, dưới thì ly rượu. Tôi không dám  nhìn ai lâu vì sợ bị hiểu lầm, ăn những miếng đòn hội chợ oan uổng thì đau đớn tấm thân  già hơn cả đi đấm bóp. Tôi quyết tử thủ ở một cái ghế khấp khểnh (…) Tôi nhìn chung  quanh, quả là một cái chợ… nhậu. Tiếng la hét của dân nghiền pha lẫn với tiếng ăn xin,  rao báo, đánh giày, mời mua vé số làm cho tôi phát… thèm rượu và ước gì lúc này có cái  máy thâu những âm thanh này lại để mùng một Tết con Mèo mở nghe chơi. 

“Hai mươi năm chinh chiến điêu linh, tôi sống âm thầm, không nói lên lời nên  viết bài ca tặng người…” 

Đó là tiếng đồng ca của một ông mù và một bà què đứng trước quán ăn xin. Một  ly rượu Martel nội hóa đã xâm nhập vào cơ thể tôi, tui muốn xin phép tác giả bản nhạc ấy  để sửa lại lời ca như sau: 

“Hai mươi năm chinh chiến điêu tàn, nhậu nhẹt rần rần, quên cả cuộc đời, nên  viết bài ca thế này… (…)”  

Ký giả đi đến một vài quán khác như quán Mỹ Lan ở đường Nguyễn Kim, Vinh Lan ở đường Trần Quốc Toản, nơi nào ký giả cũng thấy “đông khách nhậu nhẹt tưng bừng”. Ký giả chia sẻ ý nghĩ: “Nếu hàng ngày đừng nhìn vào tờ báo mà chỉ ngó qua nơi đây thì quả thật Việt  Nam mình chẳng bao giờ có chiến tranh.” 

Ký giả đi tiếp vào một quán nhạc trẻ ở đường Trương Minh Ký và một số quán nhạc khác  để tiếp tục làm phóng sự. 

“Vẫn nhậu nhẹt 

Tôi và Tường Phượng cô sinh viên ban báo chí duyên dáng vào một quán ở đường Trương minh Ký. Nhạc é é nổi lên, từng [cặp] chụm đầu ngả vào nhau, ánh đèn  mờ mờ ảo ảo, ôi ấm cúng làm sao! Ở đây họ bán đủ thứ la de, đồ nhậu, kem, cà phê, nước  ngọt… Bản nhạc cuối cùng vừa dứt, chúng tôi giã từ. Đi sang một vài con đường khác,  quán nhạc mọc lên như nấm: Hạ Trắng, Diễm Xưa, Hoa Hồng 9, Sơn Ca, Quỳnh Giao,  Mây Hồng. Đại khái chỗ nào cũng mở bằng những cửa hàng bia ôm, bia hít coi mòi ít  khách hơn, không biết có phải thiên hạ khó kiếm tiền hay là người ta bắt đầu đi tìm một  thú vui khác thực tế hơn. Đường Lý thái Tổ, Nguyễn cư Trinh xuất hiện rất nhiều “Ôm  Hít”. Một lần tôi chẳng cần hỏi, một em đã tâm sự trước: 

– Uýnh nhau lớn, thêm giờ giới nghiêm, vũ trường đóng cửa, chỉ có chúng em là chết. 

– Thế em nghĩ sao về cuộc chiến này?

– Em ấy à? Em chẳng biết chánh chị, chánh em gì ráo trọi, chỉ mong sao đừng có giặc giã nữa chúng em yên ổn kiếm tiền. 

– Ngoài Hít-Ôm ra em còn phụ diễn tân cổ nhạc nữa không? 

Nàng ta úp mở: 

– Còn tùy anh ơi, hoàn cảnh khó khăn hiện tại nếu không phụ diễn tân cổ nhạc cũng  khó mà sống được. 

Tôi cười đùa: 

– Hết bán, em cho anh theo về nhà với nhé! 

– Ấy chết! Cha mẹ, cậu mợ em khó lắm, ông bà ông già cả cổ xưa, con gái phải tứ đức tam tòng, tề gia nội trợ… 

Tôi vỗ vào vai em: 

– Biết dồi, khổ nắm, lói mãi. 

Ra đến đường, trời đã về khuya, mưa lất phất bay, tiếng đại bác từ xa vọng về, tôi  sực nhớ:  

 -Vậy ra đất nước này vẫn còn chiến tranh, sau 29 năm khói lửa.” 

Ngoài “nhậu”, dân Sài Gòn còn “nhót”. Nhà báo Chu Công Cẩn trong mục “Chuyện  Phiếm: Nhót và chiến tranh” (Chính Luận 14-1-1975) điểm các giới trong xã hội thích “nhót”  gồm nhiều thành phần từ “giới thượng lưu quý phái”, “trưởng giả học làm sang”, “mấy ông nghè ông cử du tây du mỹ trở về”, “tụi giàu lỏi nhờ chiến tranh”, đến “các bà mệnh phụ thuộc giai cấp  mới hay con ông cháu cha”, “giới hippy choai choai”.  

Trong mục “Chuyện Phiếm: Nhót và chiến tranh”, nhà báo viết rằng:  

“Cách đây chưa đầy một năm, nhà văn Trọng Tấu có viết một thiên phóng sự dài  về dịch nhót ở thủ đô nước Cộng Huề An nam ta. Dưới cánh thời gian, dịch nhót bành  trướng trong giới trẻ với một tốc độ kinh khủng còn nhanh hơn cả tốc độ của nàng bão  Thelma dạo nào đã ngạo nghễ tàn phá bờ biển Phi luật Tân một cách không thương  không tiếc. 

Một ông bạn già của kẻ hèn này chuyên môn đọc các trang quảng cáo trên nhật  báo Chính Luận để giết thời giờ đã đếm được vừa đúng 27 cái quảng cáo mở lớp dạy  nhót vượt hẳn con số quảng cáo cần chiêu đãi viên, xấp xỉ với con số quảng cáo đại học  tư của nước Giao Chỉ có bốn ngàn năm văn hiến. (…)” 

Nhà báo nhận thấy số người thích nhảy gia tăng và nhiều người tổ chức “bum” [boum] từ trong tư gia đến các câu lạc bộ.  

“Mùa Giáng Sinh năm con Cọp Cái [Giáp Dần 1974] vừa rồi các khiêu vũ trường  đông nghẹt, các hộp đêm vũ như điên, nửa kín nửa hở. Các câu lạc bộ hào hoa phong  nhã, các tư gia diêm dúa mở bum party tưng bừng quên hết mọi khổ đau do bom đạn  đang gây ra không quá hai chục cây số đường chim bay.”

“Mỗi đêm từ 20giờ tới 23giờ 30. Âm thanh tuyệt hảo – Ánh sáng tân kỳ – Vũ nữ điêu luyện.” 

Sóng Thần 26-1-1975

Những người sẵn biết nhảy thường đến các dancing. Những người mới tập nhảy, chưa  biết nhảy đi tìm giải trí nơi nào? Ở Sài Gòn và các tỉnh đều có những lớp dạy nhảy “cours de  danse”. Mỗi “cua” học nhảy khoảng 2.000 đồng, khoảng 4, 5 lần trong vòng một tuần, lại có “đào” để ôm. Các bà các cô thường được miễn phí khi ghi tên học nhảy và trở thành “partner”  của quý ông đến học. Từ đó có hiện tượng các “cụ” vào “cua” nhảy có thể ôm “partner” đáng  tuổi con gái mình mà không ai dị nghị. 

Các “cua” nhảy thịnh hành đến nỗi nhiều tiệm nhảy phải đóng cửa vì bị các “cua” nhảy  cạnh tranh. Nơi nào có nhiều “cua” nhảy, nơi đó vũ trường và tiệm nhảy bị lỗ lã, phải dẹp tiệm.  “Cua nhảy” được xem là một áp-phe ngon lành, dễ thực hiện, sở hụi thấp: chỉ cần một  căn phòng nhỏ, một máy thâu băng, vài ba chiếc ampli, không cần ban nhạc sống như vũ trường,  với những băng nhạc “tour” thâu sẵn gồm một số vũ điệu Tango, Cha Cha Cha, Boston, Bop,  Swing, Valse, Slow, Soul, …  

“Cua nhảy” có nhiều thành phần khác nhau đến ghi tên học, từ già đến trẻ, choai choai,  cả nam cả nữ, đến các cụ đầu tóc bạc phơ “đến cua nhảy tìm lại thời xuân ngày nào”. Một học  viên mỗi tháng đóng 10.000đ., chỉ cần 10 học viên thì thầy mở cua có thể thu về 100.000đ.  Thường thường mỗi cua nhảy có độ 50 đến 70 học viên và có thể đem đến một lợi tức hơn nửa  triệu đồng. Tiền thu vào không bị đóng thuế mà chắc ăn vì học viên phải nộp tiền cả khóa ngay  từ đầu, và đã đóng tiền thì phải cố đi học cho bõ đồng tiền. 

Lúc này, các vũ trường không còn đông đúc như trước vì tình hình kinh tế thay đổi, mãi  lực kém đi. Ở thủ đô Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định, có hai loại vũ trường, được gọi là “vũ trường già” và “vũ trường trẻ”. Loại vũ trường “già” dành cho giới có tiền, lớn tuổi, được tổ chức sang trọng, có bồi bếp, tài-pán, có bàn ghế đàng hoàng. Nhạc chơi thường là nhạc “tour”.  Mỗi ly nước trong loại vũ trường “già” có giá từ 1.200 đến 2.600 đồng. Khách đến vũ trường  “già” thường đi cùng nhiều người bạn hoặc “em út”, một đêm có thể tiêu vài chục ngàn đến vài  trăm ngàn đồng dễ dàng. Đêm đến, các tay chơi “già” có thể “bao” một vài em để “thưởng  Xuân.” 

Vũ trường “trẻ” tuy số lượng đông hơn, người ra vào tấp nập nhưng chủ vũ trường vẫn  kêu than là không đủ sở hụi. Vũ trường “trẻ” không có bồi bàn, không tài-pán, không có vũ nữ. Người đến vũ trường “trẻ” phải tự tay lấy nước uống, thuốc hút và đem theo “pa-tơ-ne” [partenaire, partner]. Nhạc trong vũ trường “trẻ” là loại nhạc “yé-yé”. Vé vào cửa vũ trường  khoảng từ 300 đến 600 đồng.  

Tuy nhiên, việc làm ăn trong thời chiến tranh không dễ. Tối mồng Hai Tết, tại một  dancing “trẻ” đường Tự Do, trong khi các cặp đang du dương với điệu Slow chậm buồn thì có tiếng hô hoán: “Lựu đạn! Lựu đạn!” Hơi cay tỏa ra khắp phòng. Mạnh ai nấy chạy, đè lên nhau  tìm lối ra. Đau khổ nhất là ông bầu chủ dancing, trước khi chạy ra khỏi dancing, vòng vào quầy  rượu nơi có két thu tiền. Nhưng trong lúc chen chúc với đám khách nhảy cũng đang chen nhau  chạy ra khỏi nơi mù mịt khói cay thì xấp giấy bạc cũng bị tuôn khỏi tay và rơi rớt theo đám  khách. Ông bầu mất 60.000 đồng tiền thu vé vào cửa tối hôm ấy, không có tiền trả ca sĩ, trả “bảo  tiêu”, sở hụi…

Các dancing “già” tại thủ đô Sài Gòn được nhắc đến là Đế Vương, Maxim, Queen Bee,  Champagne, Ma Cabane, Tự Do, Quốc Tế, Rex, Olympia, Tour d’Ivoire, Baccara, Đêm Màu  Hồng, Đồng Khánh, Arc-en-Ciel, Đệ Nhất Khách Sạn. Dancing “già” là nơi để khách đến uống  rượu giải sầu trong khi thưởng thức tiếng hát của các ca sĩ đắt giá, là nơi để “lấy le với em út”,  vung tiền bạc “loé mắt thiên hạ”.  

Các dancing “trẻ” được kể tên có Mini Club, Au Chalet, Queen Bee, Love Club,  Champion, Bambi, Lướt Gió, Sao Đêm và một số tiệm nhảy ở ngoài xa lộ. Khách đến dancing  “trẻ” chỉ là để “nhót, “nhót Soul”, Cha Cha Cha, Samba, Tuýt, … 

Trong khi thủ đô Sài Gòn vẫn đập theo nhịp sống của một nơi phồn hoa đô hội, yên bình,  xa cách với chiến tranh thì cách đấy không xa, nạn nhân chiến cuộc Phước Long và những nơi  như Bình Tuy tràn về các trại tiếp cư. 

“Một mẹ năm con nhỏ, kèm theo thùng đồ, đằng sau là khói lửa, trước  

mặt là tương lai mịt mù. Hình ảnh cảnh dân di tản khi quận Hoài Đức,  

Bình Tuy bị Cộng sản tấn công.” (Ảnh T.H.) 

Sóng Thần 12-1-1975

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ