Lịch sử Việt-Mỹ
SƯU THUẾ THUỘC ĐỊA VÀ ẢNH HƯỞNG TRONG XÃ HỘI THỜI THUỘC PHÁP, 1858-1945 (kỳ 1)
Published on
(Ảnh: “Trận chiến Hải Dương. – Sự xuất hiện của pháo hạm Lynx.” Chiến tranh Bắc Bộ, L. Huard.)
Lời Mở Đầu
Trong một số biên khảo trước đây, chúng tôi đã tìm hiểu về giai đoạn lịch sử thuộc Pháp ở Việt-nam vì hai lý do:
– thứ nhất là vì nghĩ rằng thời kỳ này có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần cũng như vật chất, văn hóa cũng như chính trị của xã hội và con người Việt-nam hiện đại;
– thứ nhì là vì muốn tìm hiểu xem những người thời ấy, thế hệ ông bà cha mẹ chúng ta đã sống như thế nào.
Xã hội Việt-nam ngày nay vẫn còn mang những nét của nền văn hóa và văn minh Tây phương do người Pháp đem đến. Ảnh hưởng của gần một trăm năm trong vòng bảo hộ của nước Pháp, từ năm 1858 đến năm 1945, vẫn còn được nhận thấy. Từ văn học, nghệ thuật, phong tục, đến tín ngưỡng, chính trị, kinh tế, tư tưởng, … cả một xã hội thay đổi nhiều đến nỗi ngày nay muốn tìm lại lối sống truyền thống của người Việt thời tiền Pháp-thuộc không phải là điều giản dị.
Dẫn Nhập
Trước khi nói vào chi tiết của thuế khóa thời thuộc Pháp ảnh hưởng đến người dân Việt nam như thế nào, xin tóm tắt về những lý do Pháp chiếm Việt-nam làm thuộc địa, và để hiểu trọng tâm của người Pháp khi đến Việt-nam.
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc nước Đại-nam bị Pháp chiếm. –
Ở Đại-nam, giặc giã trong suốt các triều vua Thánh-tổ (Minh-mạng 1820-1840), Hiến-tổ (Thiệu-trị 1841-1847) và Dực-tông (Tự-đức 1847-1883) là nguyên do làm cho tiềm lực đất nước suy yếu. Giặc giã trong nước thời ấy chia ra ba loại: ăn cướp thường tụ tập thành đảng từ 10 đến 20 người, không có súng ống; đảng đông người, có khí giới súng ống; cướp biển, còn gọi là giặc tàu-ô.
Ở Bắc-kỳ, giặc cỏ quấy nhiễu các châu huyện. Giặc cỏ là những đám giặc nhỏ, thường là những người nghèo khổ cùng đinh trong làng tụ tập thành đảng đi ăn cướp. Những đảng cướp chỉ có gậy và dao thì các làng trị được, còn những đảng có khí giới súng ống thì phải nhờ triều đình. Ngoài giặc cỏ, các đám giặc có thanh thế khiến triều đình phải mất nhiều thời gian đánh dẹp có Phan Bá Vành ở Nam-định (1826), Lê Duy Lương ở Ninh-bình (1833) và Nông Văn Vân ở Tuyên-quang (1833-1835). Ở Nam-kỳ, có giặc Lê Văn Khôi. Nhân khi giặc Khôi làm loạn (1833), vua Xiêm-la sai năm đạo quân thủy bộ sang đánh Đại-nam: Hà-tiên, Châu-đốc, An giang, Cam-lộ (Quảng-trị), Cam-cát, Cam-môn (Nghệ-an), và Xiêm-la cùng quân Lào đánh Nghệ-an, Trấn-ninh. Quân Xiêm và quân Lào nơi nào cũng bị đẩy lui. Trong đời vua Hiến-tổ (Thiệu-trị), Xiêm-la cũng lại sang quấy phá.
Bắt đầu từ năm 1851, triều vua Dực-tông (Tự-đức), giặc giã nổi lên rất nhiều. Ở Trung hoa, loạn Thái-bình thiên-quốc (1850-1864) trong 15 năm đã khiến cho hơn 20 triệu người tử vong, đời sống xáo trộn vì chiến tranh liên miên. Dư đảng của giặc Thái-bình bên Trung-hoa tràn sang Đại-nam cướp phá ở mạn thượng-du. Giặc Tam-Đường (Quảng-Nghĩa-Đường, Lục-Thắng Đường, Đức-Thắng-Đường) quấy nhiễu ở Thái-nguyên (1851). Lê Duy Cự, xưng là dòng dõi nhà Lê, cùng Cao Bá Quát dấy loạn ở Sơn-tây. Cùng lúc ấy, châu chấu phá hoại mùa màng ở Bắc-ninh và Sơn-tây, nên người ta gọi nhóm phản loạn Lê Duy Cự và Cao Bá Quát là giặc châu chấu (1854). Tạ Văn Phụng, mạo xưng là dòng dõi nhà Lê, dấy binh ở Quảng-yên (1851), mưu với giặc khách ở ngoài biển, đánh phủ Hải-ninh, và thông với giặc trong nước làm loạn Bắc-kỳ. Ở Bắc-ninh, có cai tổng Nguyễn Văn Thịnh, tục gọi là cai tổng Vàng, tôn tên Uẩn mạo xưng dòng dõi nhà Lê, nhập cùng với tên Phụng, đem binh đánh phủ Lạng-giang, huyện Yên-dũng và vây thành Bắc-ninh (1862). Quan quân hợp nhau đi cứu giải vây các tỉnh ở Bắc-kỳ. Các tỉnh Thái-nguyên, Tuyên-quang, Cao-bằng bị các đám giặc khách (giặc bên Tàu sang), giặc Nông cướp phá. Quan quân đánh dẹp được giặc trên bờ (1863), nhưng còn giặc ngoài biển thì không dẹp được. Cuối năm 1863, giặc biển gom hơn 500 chiếc thuyền ở đảo Cát-bà và núi Đồ-sơn, định đem quân vào đánh kinh kỳ. Chẳng may gặp bão, thuyền của chúng bị đắm nhiều. Quan quân nghe tin, đem quân ra đánh, bị giặc đánh tập hậu, thua phải bỏ chạy. Quan đề-đốc và bộ-phủ phải nhảy xuống biển tự tận. Mùa hè năm 1864, quan quân đánh nhau với giặc ở Quảng-yên, thua nặng, các quan chỉ huy đều bị giặc giết. Quân giặc còn quấy phá mãi đến giữa năm 1865 mới bị bắt hết. Khi vừa tạm yên mặt Quảng-yên thì giặc khách đánh lấy tỉnh Cao-bằng. Quan quân đánh dẹp nửa năm trời từ tháng 9 năm 1865 đến tháng 3 năm 1866 mới lấy lại được Cao bằng.
Năm 1854, Hồng-Bảo vì là con lớn của vua Hiến-tổ mà không được lập làm vua nên mưu nghịch, bị bỏ ngục rồi phải uống thuốc độc chết. Con trai, con gái bị bắt đổi ra họ Đinh. Năm 1866, trong khi vua Dực-tông cho xây Vạn-niên-cơ, tức Khiêm-lăng, quân sĩ phải đi xây lăng, làm lụng vất vả nên oán hận, có một nhóm người lấy tên “Sơn-đông thi tửu hội” định giết vua Dực-tông và mưu lập con Hồng-Bảo tên Đinh Đạo lên làm vua. Việc bị phát giác, những người liên hệ bị tội phải chết, các quan trong triều có trách nhiệm bị giáng hay mất chức. Lúc bấy giờ, thêm giặc mọi Đá Vách quấy nhiễu ở Quảng-nghĩa, còn giặc khách ở Bắc kỳ lại mạnh lên. Dư đảng của giặc Thái-bình ở bên Tàu là Ngô Côn chạy sang chiếm Cao-bằng (1868). Triều đình nhà Nguyễn báo cho nhà Thanh biết, quan quân hai nước đánh dẹp mãi đến năm 1869 mới lấy lại được Cao-bằng. Năm 1870, Ngô Côn vây Bắc-ninh, bị trúng tên chết. Đồ đảng giặc Thái-bình bèn chia ra các đảng giặc cờ vàng (Hoàng Sùng Anh), cờ đen (Lưu Vĩnh Phúc), cờ trắng (Bàn Văn Nhị, Lương Văn Lợi) quấy nhiễu ở mạn Tuyên-quang, Thái-nguyên, kéo dài mãi cho đến khi Đại-nam đánh nhau với Pháp ở Bắc-kỳ bọn giặc vẫn còn. Năm 1871, có đám giặc Hoàng Tề, cùng với giặc Tô Tứ và giặc tàu-ô ngoài biển, đi cướp phá các nơi. Đến khi tên Tề bị quan quân Hải-dương bắn chết, giặc ấy mới tạm yên.
Trong nửa thế kỷ của ba triều vua, giặc giã liên miên, công việc nội trị rất khó khăn mà việc tổ chức quốc phòng, binh bị lại càng thêm lo.
Triều vua Thánh-tổ (Minh-mạng) đã biết đến việc nước Anh xâm chiếm Singapore năm 1819, Burma và Malacca năm 1824. Vua Thánh-tổ từ chối ký dự thảo hiệp thương với Pháp và từ chối cả người Anh vào buôn bán vì sợ người Âu-châu đe dọa quyền tự trị bằng thương mại và sinh hoạt tôn giáo.
Đối với vua Thánh-tổ, chủ-trương cô-lập là một sách lược tự vệ, ngăn ngừa sự hiện diện của người Âu trên đất nước Đại-nam. Nằm trong sách lược tự vệ đó là những dụ cấm đạo. Trong sự suy đoán của vua Thánh-tổ, việc truyền đạo Thiên-chúa trên đất Việt có nguy cơ đảo lộn mọi cơ chế chính trị và tín ngưỡng của dân tộc. Điều mà vua Thánh-tổ lo sợ không phải là giả thuyết.
Từ năm 1804, Napoléon I đã từng có chủ trương lợi dụng việc truyền đạo trong công cuộc bành trướng và chiếm đóng thuộc địa. Chủ trương này sẽ được thực hiện bởi những viên chức trong Bộ Hải-quân dưới triều Napoléon III.
Kỹ nghệ Pháp lúc bấy giờ đang tiến triển và gặp phải sự giới hạn của thị trường trong nước. Pháp nhận thấy không thể lấn chiếm thêm được đất đai ở Âu-châu. Số lượng xuất cảng của Pháp suy giảm khá nhiều từ 12.8% năm 1860 chỉ còn 9.8% năm 1890. Pháp cảm thấy cần phải bành trướng ra khỏi Âu-châu. Pháp không thể xuất cảng sang tân-thế-giới Hoa-kỳ vì không cạnh tranh được với Hoa-kỳ.
Thế kỷ thứ 19, các cường quốc Tây-phương nhắm vào thị trường Trung-hoa lục địa. Pháp là nước đến sau, muốn theo đuổi cho kịp nước Anh trong việc tìm đất đai nằm trong khu vực giữa Ấn-độ và Trung-hoa. Vì Anh đã chiếm các vùng duyên hải phía đông của Trung-hoa, Pháp phải tìm xuống vùng Đông-nam-Á, và đặt ra chính sách chiếm đất đai dọc theo các cửa sông Cửu-long và Hồng-hà. Cũng vì thế, Pháp muốn kiểm soát cả lãnh thổ Việt-nam dọc theo bờ Biển Đông.
Pháp muốn giữ địa vị cường quốc về chính trị nên cần phải có sự hiện diện trên các khu vực khác trên thế giới ngoài Âu-châu. Commission de la Cochinchine do triều đình Pháp thành lập năm 1857 cho biết rằng mục đích chính trị của việc chiếm Nam-kỳ là kết quả của khuynh hướng Tây-phương hướng đến Viễn-đông. Trong khi người Anh, Hòa-lan, Tây-ban-nha và cả
Nga cũng hiện diện ở Viễn-đông, tại sao người Pháp lại vắng mặt? Giữa năm 1850 và 1880, người Pháp cần phải tìm một khu vực hãy còn “tự do” chưa bị nước nào xâm chiếm, và vì thế nghĩ đến Đông-nam-Á. Mục tiêu là biến Sài-Gòn thành ra Tân-gia-ba của Pháp, như là sự chờ đợi của Phòng Thương-mại Marseille.
Trong giai đoạn xâm lăng quyết liệt nhất tại Đông-nam-Á, giữa năm 1882 và 1897, Pháp đã có ảnh hưởng tại các tỉnh miền nam Trung-hoa: Vân-nam, Quảng-tây và Quảng-đông. Sự chạy đua giữa Pháp và Anh để giành thị trường kinh tế và ưu thế chính trị đã là một yếu tố thường xuyên cho sự bành trướng thuộc địa của Pháp.
Đại-nam, cũng như Xiêm-la, Ai-lao, Căm-bốt, Nhật-bản, Trung-hoa, không thể tránh được việc bị sáp nhập vào trong quĩ đạo tư bản kinh tế Tây-phương.
Tuy nhiên, trước khi có cuộc tranh đua về sự bành trướng thuộc địa, các giáo sĩ đã khiến chính phủ Pháp chú ý đến Đông-nam-Á. Hội Société des Missions étrangères (Society of Foreign Missions) do hai giám mục Pallu và Delamotte-Lambert thành lập năm 1658. Hội cùng với nhóm Franciscans của Phi-luật-tân vào Việt-nam để lập các giáo xứ tại Bùi-chu và phía tây Bắc-kỳ. Các giáo xứ này được sự trợ giúp của Bishop Pigneau de Béhaine (Giám-mục Bá-Đa-Lộc) –
người từng giúp vua Thế-tổ (Gia-long 1802-1820) trong thời gian chiến tranh với nhà Nguyễn Tây-Sơn. Hiệp hội Association de la Sainte Enfance (Society of the Holy childhood) chăm sóc các trẻ em đói nghèo và lập ra viện mồ côi, đã giúp cho cộng đồng Thiên-chúa giáo nảy nở.
Từ triều vua Thánh-tổ, các giáo sĩ bị cấm giảng đạo và đuổi ra khỏi nước, họ vẫn tìm cách trở lại. Đối với các giáo sĩ, Việt-nam là một nơi có cơ hội tốt để truyền đạo Thiên-chúa. Các giáo sĩ bèn nhờ chính phủ Pháp yêu cầu triều đình Huế cho tự do tín ngưỡng.
Năm 1851, có dụ cấm đạo chặt chẽ hơn. Khoảng năm 1852, tám giám mục ở Viễn-đông gởi một lá thư yêu cầu Hoàng-tổng-thống (Prince-Président) Louis-Napoléon Bonaparte sử dụng sức mạnh quân sự đối với triều đình Huế. Cuối năm 1856, đầu năm 1857, nước Pháp gửi phái đoàn do Charles de Montigny đứng đầu, “Mission Montigny”, sang Xiêm, Căm-bốt và Đại-nam để thương thuyết, nhưng chỉ đạt được thỏa ước với Xiêm-la. Căm-bốt và Đại-nam từ chối nói chuyện với đại diện của Pháp.
Sứ-thần Montigny đi tàu vào cửa Đà-nẵng và đưa thư lên triều đình Huế để xin cho người Pháp được tự do vào buôn bán, đặt lãnh-sự ở Huế, mở cửa hàng ở Đà-nẵng và cho giáo-sĩ được tự do giảng đạo. Nhưng triều đình Huế không chấp thuận một điều nào.
Năm 1856, giám-mục Diaz, người Tây-ban-nha, truyền đạo tại Bắc-kỳ, bị bắt. Thật là một lý do chính đáng để giám-mục Pellerin (Monsignor Pellerin), với sự trợ lực của Cha Huc (Père Huc), yêu cầu triều đình Pháp, lúc ấy có bà hoàng-hậu Eugénie, người rất mộ đạo Thiên chúa, đem quân chiếm Việt-nam.
Cha Huc là một nhân vật đóng góp tích cực vào việc Pháp can thiệp ở Nam-kỳ. Tháng Giêng năm 1857, Cha Huc gửi một lá thư đến Napoléon III với sự tiên đoán rằng Viễn-đông sẽ là nơi diễn ra những biến cố quan trọng và nước Pháp có thể giữ một vai trò quan trọng và vinh quang… Lá thư của Cha Huc đưa ra những điều rất phấn khởi. Cha Huc cho biết “việc chiếm đóng Nam-kỳ là điều dễ nhất thế giới” và “đem lại những kết quả lớn lao vô hạn”. Cha Huc khen người dân Nam-kỳ “hiền hòa, cần cù”, đang phải chịu đựng “sự chuyên chế ghê gớm” và “dân chúng sẽ chào đón người Pháp như những người giải phóng và ân nhân”.
Napoléon III bèn đưa thư của Cha Huc cho bá-tước Walewski, ngoại-trưởng, và sau đó ngày 22 tháng Tư năm 1857, Commission de la Cochinchine được thành lập.
“Note à l’Empereur, Janvier 1857
- l’abbé Huc, ancien missionnaire apostolique, a l’honneur de soumettre à l’Empereur les considérations suivantes. L’ Extrême-Orient sera bientôt le théâtre de graves évènements. Si l’ Empereur le veut, la France peut y jouer un rôle important et glorieux…
L’ occupation de la Cochinchine est la chose la plus facile du monde; elle offrirait des résultats immenses. La France a, dans les mers de Chine, des forces plus que suffisantes pour exécuter cette entreprise… La population douce, laborieuse, très accessible à la propagation de la foi chrétienne, gémit sous la plus abominable tyrannie. Elle nous accueillerait comme des libérateurs et des bienfaiteurs; il faudrait peu de temps pour la rendre entièrement catholique et dévouée à la France.
Tourane entre les mains de la France serait un port inexpugnable et le point le plus important pour dominer la Haute-Asie …
En résumé, il importe grandement à la France, dans les circonstances actuelles, d’ avoir un établissement riche et puissant en Extrême-Orient. A tous les points de vue la Cochinchine est le poste qui nous convient le mieux. Nous avons le droit de l’ occuper; l’occupation est des plus faciles. Elle ne coutera rien à la France. Elle ne peut manquer d’ avoir de grands résultats en gloire et en richesse. Les Anglais ont les yeux ouverts sur Tourane; ils nous y précéderaient s’ ils avaient connaissance de nos droits et d’ un projet d’ occupation.
Si ce court exposé est de nature à faire impression sur l’esprit de l’Empereur, il sera facile à Mr. Huc de donner à Sa Majesté les renseignements les plus détaillés et les plus précis.”
Sau khi được thành lập, Ủy-ban về Nam-kỳ (Commission de la Cochinchine) họp hành liên tục để xem xét mọi khía cạnh của việc chiếm Nam-kỳ, nhất là phản ứng của các cường quốc như nước Anh. Ủy-ban thu thập các dữ kiện từ Cha Huc, Cha Chamaison, giám-mục Pellerin, một nhân viên trong Ủy-ban Montigny (Mission Montigny), và kết luận như sau: vì quyền lợi của nước Pháp, trên ba phương diện tinh thần, chính trị và thương mại, cần phải tiến hành càng nhanh càng tốt và kín đáo việc chiếm ba thành phố Tourane (Đà-nẵng), Saigon và Kẻ-chợ (Hà
nội). Kết luận này của Ủy-ban về Nam-kỳ được sự hưởng ứng của các viên chức hải-quân như đề-đốc Fourichon, thuyền-trưởng Jaurès, đề-đốc Laplace, bá-tước Brenier.
Thời điểm này, triều đình Pháp đang có quan hệ tốt đẹp với Thiên-chúa-giáo tại Pháp nên triều đình không thể làm ngơ trước những sự ngược đãi giáo dân ở Viễn-đông. Thêm nữa, nước Anh đang có nhiều lo lắng của riêng nước họ, sẽ để yên cho Pháp xâm chiếm Viễn-đông.
Vì tình hình căng thẳng ở Trung-hoa nên Pháp đang có sẵn một đoàn quân ở Viễn-đông mới nhận thêm tám tàu chiến, sẵn sàng để ứng chiến. Lực lượng hải-quân này có thể tiến chiếm Việt-nam. Napoléon III suy nghĩ về việc chiếm thuộc địa ở vùng này đã từ lâu. Các viên chức quân sự và trong chính phủ cũng đều đồng ý. Nay chỉ còn tìm một lý do.
Cuộc viễn chinh được dự định khởi sự khi giám-mục Diaz bị xử tử ngày 20 tháng Bảy năm 1857, chỉ vài ngày sau khi ngoại-trưởng Walewski tuyên bố với nội-các về quyết định của Napoléon III. Thực sự, tin về giám-mục Diaz chỉ có thể đến Pháp vài tháng sau, tháng 11 năm 1857. Đến lúc này, càng nhiều người Pháp đồng ý về cuộc viễn chinh ở Viễn-đông. Ngay như bà
hoàng-hậu Eugénie cũng lên tiếng đồng ý với phu quân của mình khi tuyên bố: “Il faut venger nos martyrs; ce sera ma guerre.” (Chúng ta phải trả thù cho những người tử vì đạo; đây sẽ là cuộc chiến của tôi.)
Gosselin, tác giả quyển sử L’Empire d’Annam (1904), đã nhận xét rằng: các giáo sĩ đã tạo ra “lý do để can thiệp” và họ đã giúp một “cơ hội bằng vàng để chúng ta đặt chân ở Viễn-đông”. Thành thử ra, lý do bảo vệ đạo Thiên-chúa chỉ là cái cớ đầu tiên để cho người Pháp hiện diện ở Việt-nam. Những người Pháp thực dân còn có những lý do khác đáng kể hơn và thực tiễn hơn.
Trong giai đoạn khởi đầu của việc bành trướng thuộc địa, hải-quân Pháp thuộc khu vực biển Viễn-đông đã được thành lập để cung cấp than, gỗ và nguyên liệu. Năm 1840, cơ quan Division navale des mers de Chine được thành lập để thực hiện vấn đề tiếp vận và cạnh tranh với các căn cứ của Anh trong cùng khu vực. Hải-quân Pháp đã có chương trình xây cất tàu qui mô
trong thời gian từ 1846 đến 1851, 1857, và 1870. Số lượng tàu chiến là 339 chiếc, trong số đó có 45 tàu bọc sắt, so sánh với 375 tàu chiến hải-quân Anh, trong đó có 42 tàu bọc sắt. Việc xây cất thương-thuyền Pháp cũng phát triển nhưng chậm hơn. Nguyên liệu được tàu sử dụng trong giai đoạn này là than. Khi thấy mỏ than Hòn-gay bị công ty China Merchants Navigation Co. mua năm 1878, Pháp càng muốn chiếm Bắc-kỳ nhanh hơn.
Justin Prosper Chasseloup-Laubat là bộ-trưởng hải-quân và thuộc-địa liên tục từ năm 1860 đến năm 1867, kế tiếp là đề-đốc Charles Rigault de Genouilly, người đã chinh phục Sài gòn. Năm 1858, Rigault de Genouilly chỉ huy 14 chiếc tàu Pháp và Y-pha-nho, với hơn 3.000 quân binh của hai nước Pháp và Y-pha-nho đến cửa Đà-nẵng, bắn phá các đồn lũy, hạ hai thành An-hải và Tôn-hải. Nghe tin có quân tiếp viện từ Huế đến, Rigault de Genouilly đổi ý định tiến đánh Huế mà kéo quân vào đánh thành Gia-định.
Chasseloup-Laubat là người đã thuyết phục Napoléon III chiếm Đại-nam và cho phép thực hiện chuyến đi tìm hiểu sông Cửu-long của đại-úy Ernest Doudart de Lagrée năm 1865. Hai trong số năm ủy viên của hội đồng Commission de la Cochinchine là hải-quân: đề-đốc Léon Martin Fourichon và đại-úy Jaurès. Trong thời gian 20 năm, từ 1859 đến 1879, hải-quân Pháp chủ trương việc xâm chiếm thuộc địa, và hầu hết các đô-đốc hải-quân giữ việc cai trị thuộc địa sau hòa-ước năm 1862.
Thời kỳ đầu tiên trong việc cai trị ở Nam-kỳ được xem là “Thời kỳ các đô-đốc”. Các công chức hành chánh và thanh tra ở Nam-kỳ trong giai đoạn đầu phần lớn là các sĩ quan hải quân. Charles Le Myre de Vilers là một cựu sĩ quan hải-quân khi được cử đảm nhiệm việc cai trị Nam-kỳ. Mãi đến năm 1879, chính phủ Pháp mới bắt đầu bổ nhiệm chính quyền dân sự tại Nam kỳ. Từ năm 1879 đến năm 1887 là “Thời-kỳ các Thống-đốc dân sự”.
Không có tham vọng của giới chức hải-quân, Pháp không thể thực hiện được việc bành trướng thuộc địa toàn cầu. Mục tiêu này đã được bộ-trưởng ngoại-giao Franҫois Guizot nói với Hạ-viện ngày 31 tháng Ba năm 1842 như sau: “Khắp thế giới, chúng ta cần những căn cứ hải quân vững mạnh, an toàn tại những điểm sẽ trở thành trọng tâm của thương mại và hàng hải để yểm trợ cho việc kinh doanh của chúng ta …”
Như vậy, việc Pháp cũng như các nước Âu Tây khác bành trướng thuộc địa có mục đích tối hậu là kinh doanh. Sau khi Chiến-tranh Nha-phiến (Opium War 1839-1842) chấm dứt, và hiệp-ước Pháp-Hoa ký kết tại Hoàng-phố (Whampoa) tháng Mười năm 1844, một ủy-ban gồm đại diện các Phòng Thương-mại của nhiều tỉnh ở Pháp có các kỹ nghệ về tơ lụa (Lyon), dạ và bông vải đã đi một vòng thăm các thành phố trong vùng Viễn-đông: Quảng-đông, Thượng-hải, Tân-gia-ba, Batavia (Jakarta), Manila và Tourane (Đà-nẵng). Ủy-ban ước lượng việc buôn bán trong vùng Biển Đông, “mer d’Indochine”, sẽ lên đến một tỉ quan Pháp, mà phân nửa là từ việc buôn bán với Trung-hoa.
Ngay khi người Pháp chiếm được Sài-gòn năm 1859, các chủ hãng tàu Eymond và Hewey mở đường đi từ Sài-gòn đến Singapore, Hong Kong, Shanghai, và Manila. Tháng Mười Một năm 1862, công ty Denis Frères đặt cơ sở tại Sài-gòn, chi nhánh tại Hải-phòng và Hà-nội.
Từ năm 1851 giới buôn bán thành phố Lyon mua thẳng tơ lụa từ Trung-hoa và năm 1860 đạt đến số lượng 2.000 tấn, phân nửa số nhu cầu của Pháp. Năm 1854, nhà buôn tơ lụa Lyon đầu tiên đến Thượng-hải, năm 1865 có thêm một nhà buôn từ Avignon. Giữa năm 1887 và 1892, tỉnh Lyon nhập cảng trung bình hàng năm 6.000 đến 7.000 tấn tơ sống nhờ vào vốn mượn của các ngân hàng ở Hong Kong và gởi bằng đường thủy của Anh. Hãng tàu lớn nhất của Pháp, Messageries impériales, sau này đổi tên là Messageries maritimes, hãng chở tơ lụa chính, khai trương đường biển Marseille-Saigon năm 1862.
Ủy-ban Commission de la Cochinchine đã thấy từ năm 1857 nhu cầu cần phải chiếm ba hải cảng và thành phố lớn của Đại-nam: Sài-gòn, Tourane (Đà-nẵng) và Kẻ-chợ (Hà-nội) để bảo đảm sự phát triển nhanh chóng việc buôn bán với Trung-hoa. Pháp rất muốn kiểm soát Sài-gòn lúc ấy là trung tâm xuất cảng lúa gạo và đó là mục tiêu mà chính phủ Napoléon III muốn đạt đến trong chương trình tiến vào Trung-hoa. Vì thế Chasseloup-Laubat đã tuyên bố: “Chúng ta cần thành lập một đế quốc thực sự tại Viễn-đông”.
Chủ nghĩa thực-dân bắt đầu xuất hiện khi người Pháp nghĩ đến tương lai đất nước của họ vì sự phát triển của thuộc địa có liên hệ mật thiết với tương lai nước Pháp. Có hai tác phẩm quan trọng trong thời kỳ này về lý thuyết thuộc địa: De la colonisation chez les peuples modernes
(1874) của Paul Leroy-Beaulieu và Politique extérieure et coloniale
(1885) của Gabriel Charmes.
Tác phẩm về thuộc địa của Paul Leroy-Beaulieu được chú ý và đoạt giải thưởng, đã ảnh hưởng đến nhà chính trị Jules Ferry và nền Đệ-tam Cộng-hòa Pháp. Học luật và chuyên môn về kinh tế, Leroy-Beaulieu được xem như là phát ngôn nhân của vấn đề thuộc địa. Gabriel Charmes là một nhà báo đã đặt chân lên khắp các nước trong vùng Địa-trung-hải và Cận-đông, và chuyên môn về
chính sách đối ngoại của Pháp. Charmes đã theo dõi chính sách đối ngoại của Pháp và cho rằng chính sách đối ngoại lúc bấy giờ chính là chính sách thuộc địa.
Abbé Raboisson, trong bài “Étude sur les colonies et la colonisation au regard de la France” (1877), có viết: “Không có quốc gia nào cường thịnh mà không có thuộc địa. Sự vĩ đại của một đế quốc luôn luôn ở vào lúc mà sự xâm chiếm thuộc địa lan rộng mạnh mẽ nhất, và sự suy sụp của đế quốc ấy luôn luôn xảy ra đồng thời với việc mất các thuộc địa.”
Trong thập niên 1880, hầu hết các nhà kinh tế gia cấp tiến, như Charles Gide, Frédéric Passy và Léon Say, đều công nhận vấn đề xâm chiếm thuộc địa là phương cách giải quyết sự yếu kém của Pháp ở Âu-châu. Ernest Renan tiên đoán năm 1871 rằng “một quốc gia không có thuộc địa sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đến cuộc đấu tranh giữa người giàu và người nghèo.” Léon Gambetta, chủ-tịch hạ-viện Pháp 1879-1881 và thủ-tướng 1881-1882, rất thích chủ trương bành trướng ra hải ngoại, tin rằng chủ nghĩa thực dân là trợ lực của sự bình đẳng, tránh cho nông dân không bị vô sản hóa, đồng thời giới thượng lưu và tiểu tư sản có cách để kiếm ra tiền.
Kế hoạch về thuộc địa được sự hỗ trợ và hưởng ứng của nhiều nhóm nghiên cứu về kinh tế chính trị và sự quan trọng về địa lý. Một trong những hội hoạt động tích cực nhất là Société géographique de Lyon, thành lập năm 1873. Hội này và nhiều hội khác tương tự dành thì giờ nghiên cứu địa dư kinh tế để tìm các thị trường cho kỹ nghệ Pháp. Vì mục đích này, Dr. Jules Harmand, người đồng hành với Francis Garnier trong chuyến đi tìm hiểu Bắc-kỳ, được chọn làm chủ-tịch hội Société de géographie commerciale de Paris.
Tranh cổ, sưu tập riêng
Các giáo sĩ, sĩ quan, người đi du lịch, thám hiểm, và những người như Jules Harmand từ chuyến đi năm ngày trên lưu vực sông Cửu-long trong thời gian 1875-1877, đã đưa ra một hình ảnh về địa chính trị của Đông-dương. Họ đã “tái tạo” danh từ Indochine, liền một chữ, thay vì Indo-Chine hai chữ. Francis Garnier là một nhân vật rất tích cực trong phạm vi này. Năm 1873, Garnier đã xuất bản quyển sách Le Voyage d’exploration en Indochine, trong đó nói về việc thám hiểm sông Cửu-long từ năm 1866 đến năm 1868. Thời gian từ 1871 đến 1874, Garnier ra mắt sáu bài viết và những tập sách nhỏ nói đến nhu cầu buôn bán tại Trung-hoa. Garnier còn viết về chuyến đi Tứ-xuyên năm 1872 và xuất bản năm 1882 trong tập san De Paris au Tibet. Jean Dupuis xuất bản 14 bài viết và 6 quyển sách từ năm 1874 và 1886. Trong một buổi diễn thuyết tại Société géographique de Paris (Hội Địa dư Paris), Dupuis lên án nền chính trị Pháp không đủ tích cực tại Đại-nam. Đến nền Cộng-hòa III, chính sách ngoại giao của Pháp chú ý đến những khám phá của Garnier.
Một thủy thủ thời đó cũng nhận ra nhu cầu chiếm thuộc địa của nước Pháp và thấy rằng: cần phải có thuộc địa khắp nơi, để cân bằng với ảnh hưởng của nước Anh. Phải có thuộc địa, vì có thuộc địa, sẽ có hòa bình; không có thuộc địa, không có uy thế, nước Pháp sẽ lụn bại, sẽ thua và có thể bị hủy diệt.
Bulletin de géographie d’Aix-Marseille, 1885
Sự phát triển của chủ nghĩa thuộc địa Pháp đã được soi rọi thật rõ ràng trong các bản văn của
– Jules Harmand: “Domination et Colonisation”,
– Joseph Chailly-Bert (con rể của Paul Bert): “Colonisation de l’Indochine; l’expérience anglaise”,
– Jean-Louis de Lanessan: “La colonisation française en Indo-Chine”,
– Paul Doumer: “L’Indo-Chine française”,
– Albert Sarraut: “La mise en valeur des colonies françaises”,
cùng với nhiều bản văn của các tác giả khác nữa quan tâm đến vấn đề Đông-Pháp.
Đã từ lâu, Việt-nam tuy giữ được độc lập nhưng vẫn phải thần phục Trung-hoa và cử người sang cống mỗi ba năm theo sự thỏa thuận của hai nước. Trong thời gian Việt-nam bị Pháp xâm chiếm, triều đình sai sứ sang Thiên-tân cầu cứu. Tổng-đốc Lưỡng Quảng làm mật sớ tâu về vua nhà Thanh, đề nghị nên đem binh sang đóng ở các tỉnh thượng-du Bắc-kỳ, đợi khi thuận tiện thì chiếm lấy các tỉnh ở phía bắc sông Hồng. Triều đình nhà Thanh mới sai quân sang đóng ở Bắc-ninh và Sơn-tây, và quân ở Quảng-tây sang tiếp ứng. Quan quân Việt thấy có thêm sự tiếp sức của quân Tàu nên tiếp tục chống cự lại Pháp.
Các quan nhiều người nộp ấn từ quan, rồi mộ quân để chống cự lại Pháp. Ai mộ được ba trăm hay năm trăm người thì được phát cho gươm dáo đi đánh quân Pháp. Quân của triều đình không tập luyện như quân Pháp, thấy đạn trái phá bắn thì bỏ chạy, vũ khí chỉ có đại bác cổ, súng tay không có nhiều và tốt như của Pháp. Quan quân đánh quân Pháp ở Hà-nội, Hải-phòng và
Nam-định, nơi nào cũng thua. Pháp tức giận vì thấy Việt-nam không có ý muốn hòa, súy-phủ Pháp ở Sài-gòn đuổi quan lĩnh-sự Việt-nam là Nguyễn Thành Ý về Huế.
Đang lúc tình hình khó khăn thì vua Dực-tông băng hà (1883).
Pháp nhân lúc triều đình Việt-nam lúng túng, vua mới lên bị phế lập, quan trong triều chuyên quyền nên Pháp nhân cơ hội này đem tàu vào đánh lấy cửa Thuận-an. Thành Trấn-hải vỡ, các quan trấn thành nhảy xuống sông tự tử. Triều đình phải ký hòa-ước năm Quí-Mùi (1883) nhận sự bảo hộ của Pháp. Theo hòa-ước này, từ tỉnh Khánh-hòa ra tới đèo Ngang thuộc về triều đình. Từ đèo Ngang trở ra, Pháp đặt công-sứ ở các tỉnh của Bắc-kỳ để kiểm soát công việc của các quan Việt-nam.
Lúc ấy ở Bắc-kỳ có quân nhà Thanh đóng ở Sơn-tây và Bắc-ninh, quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc đóng ở đồn Phùng. Quân triều đình thì có Hoàng Kế Viêm đóng ở Sơn-tây, Trương Quang Đản tại Bắc-ninh. Quân triều đình cùng với quân Thanh chống lại quân Pháp. Khâm-sứ Trung-kỳ trách triều đình. Triều đình cho gọi Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản về kinh. Quan đề-đốc Nam-định là Tạ Hiện lãnh chức đề-đốc nhà Thanh, quan Án-sát-sứ Phạm Vụ Mẫn và tri-phủ Kiến-xương Hoàng Văn Hòe từ quan. Tán-tương quân-vụ Sơn-tây là Nguyễn Thiện Thuật bỏ về Hải-dương mộ quân chống Pháp.
Pháp quyết đánh chiếm toàn thể Bắc-kỳ, khởi đầu chiếm Sơn-tây, Bắc-ninh – hai nơi có quân Tàu đóng – rồi tiến lên đánh Yên-thế, Thái-nguyên, quay về chiếm Hưng-hóa. Quân Thanh và cờ đen không chống lại nổi, Hoàng Kế Viêm rút quân lên núi rồi đi đường thượng đạo về kinh. Lấy xong Hưng-hóa, Pháp đem quân lên đánh Tuyên-quang, nơi đây có quân cờ đen chống giữ. Quân cờ đen chống cự quân Pháp trong vòng một giờ thì bỏ thành chạy.
Quân Thanh lúc này chỉ còn đóng ở Lạng-sơn, Cao-bằng và Lào-kay. Đến đây, Pháp tìm cách giải quyết bằng ngoại giao để chính phủ Tàu công nhận cuộc bảo-hộ của Pháp ở Việt-nam. Chính phủ Pháp cử trung-tá hải-quân Fournier lên Thiên-tân để nghị hòa với tổng-đốc Trực-lệ là Lý Hồng Chương. Ngày 18 tháng Tư năm 1884, tờ hòa-ước giữa Pháp và Trung-hoa – hòa-ước Fournier- công nhận mọi sự xếp đặt của Pháp ở Việt-nam và Tàu sẽ rút quân về nước.
Sau giao ước giữa Pháp và Trung-hoa, chính phủ Pháp gởi công-sứ Pháp ở Trung-hoa là Patenôtre ký với triều đình Huế tờ hòa-ước mới ngày 6 tháng Sáu năm 1884. Sau khi ký xong, công-sứ Patenôtre và khâm-sứ Trung-kỳ Rheinart hội các quan lại, bắt đem cái ấn của Tàu phong cho vua Việt-nam, thụt bễ nấu lên và hủy đi, để chứng tỏ là nước Việt-nam từ nay thuộc về Pháp bảo hộ, chứ không thần phục nước Trung-hoa nữa. Tuy vậy, chiến tranh giữa quân Tàu và quân Pháp vẫn tiếp diễn, mãi cho đến năm 1885 mới chấm dứt. Vì Trung-hoa không chịu rút quân ra khỏi Bắc-kỳ, Pháp phải đánh Phúc-châu và chiếm Đài-loan.
Khi Pháp cho thành lập phủ Tổng-đốc toàn-quyền năm 1887 để điều khiển việc chính trị ở Việt-nam và Căm-bốt chính là lúc mà Trung-hoa đã hoàn toàn nhượng bộ Pháp. Trước khi Pháp đặt sự bảo hộ ở Việt-nam, triều đình định kinh đô ở Huế, lấy Huế làm trung tâm, chia ra Tả-trực, Hữu-trực, Tả-cơ, Hữu-cơ, về phía nam thì gọi là Nam-kỳ, về phía bắc thì gọi là Bắc-kỳ, chứ không chia ra làm ba xứ như thời thuộc Pháp.
Sau hòa-ước Patenôtre, Pháp chia Việt-nam thành ra ba xứ với cách cai trị khác nhau: – xứ Nam-kỳ, thời thuộc Pháp gọi là Cochinchine, là thuộc địa của Pháp; đứng đầu Nam-kỳ là thống-đốc (gouverneur);
– từ địa đầu Nam-kỳ cho đến giáp giới tỉnh Ninh-bình thì gọi là xứ Trung-kỳ, thời thuộc Pháp gọi là Annam, do các quan triều đình cai trị như trước; ở Huế có đặt khâm-sứ Pháp (résident général) thay mặt nước Pháp bảo hộ;
– từ Ninh-bình trở ra bắc là xứ Bắc-kỳ, thời thuộc Pháp gọi là Tonkin, mỗi tỉnh đặt một quan công-sứ Pháp. Đứng đầu Bắc-kỳ có thống-sứ (résident général).
Toàn thể Đông-Pháp, thời thuộc Pháp gọi là Indochine-Française, được đặt dưới quyền một vị toàn-quyền: gouverneur général de l’Indochine. Căm-bốt có khâm-sai: résident supérieur. Năm 1899, Ai-lao có khâm-sứ Pháp. Cả năm viên chức đứng đầu năm xứ đều ở dưới quyền của toàn-quyền Đông-Pháp.
Bạn có thể thích
SƯU THUẾ THUỘC ĐỊA VÀ ẢNH HƯỞNG TRONG XÃ HỘI THỜI THUỘC PHÁP, 1858-1945 (kỳ 1)
Tranh siêu nghịch đảo : khả thể bốn chiều và sự mở rộng các biên độ
PHỎNG VẤN ĐOÀN VIẾT HOẠT
Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên