Connect with us

Lịch sử Việt-Mỹ

Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 2)

Ngô Thị Quý Linh

Published on

Ngô Thị Quý Linh

Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 1, phần 2)

*Viện Pasteur Đông-Dương : “Institut Pasteur de l’Indochine”

Ở Đông-Dương có hai viện nghiên cứu về vi trùng học, có trách nhiệm chuẩn bị việc sản  xuất các loại thuốc chủng ngừa và huyết thanh, giữ trách nhiệm nghiên cứu về các loại vi trùng  gây bệnh dịch cho người, các loại vi trùng gây bệnh cho gia súc và gia cầm, và các nghiên cứu  về canh nông hóa học (chimie agricole), đồng thời tìm cách ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng và các bệnh dịch. Viện Pasteur Nha-Trang do bác sĩ Yersin điều hành; Viện Pasteur ở Sài-Gòn do  bác sĩ Calmette phụ trách. Toàn-quyền Đông-Dương và bác sĩ Roux, giám đốc Institut Pasteur de  Paris, cùng thỏa thuận việc giao hai Viện Pasteur ở Đông-Dương cho Institut Pasteur de Paris  điều hành và gọi chung bằng tên Viện Pasteur Đông-Dương: “Institut Pasteur de l’Indochine”. Viện Pasteur Paris điều hành viện Nha-Trang từ năm 1904 và viện Sài-Gòn từ năm 1905. Viện  Pasteur Paris trả tiền cho mọi chi phí về lương bổng nhân viên, về vật liệu cần cho việc nghiên  cứu, về bất động sản được sử dụng làm cơ sở cho Viện Pasteur. Bù lại, Viện Pasteur Paris được  quyền sử dụng mọi thuốc chủng ngừa và huyết thanh do hai viện Sài-Gòn và Nha-Trang sản  xuất.  

Viện Pasteur Nha-Trang phải có ít nhất một người giám đốc điều hành, hai nhà nghiên  cứu vi trùng học, một người chuyên môn về hóa học và một cộng tác viên ở phòng thí nghiệm; ở Sài-Gòn, phải có một người giám đốc điều hành và một nhà chuyên môn về hóa học. Tất cả các  nhân viên này đều phải là người Âu vì trong giai đoạn này chưa có người bản xứ chuyên môn về những ngành này. 

Ngoài các nhân viên của Viện Pasteur đã kể trên, còn cần có một thú y sĩ được cử làm  thanh tra các Sở thú y tại Đông-Dương. Những người đi thực tập để giúp việc chủng ngừa trong  năm xứ Đông-Dương phải đi thực tập một năm trong đó họ phải theo học khóa lý thuyết và thực  hành sáu tháng. Các thú y sĩ phụ tá cũng như các thú y sĩ thanh tra cũng đều phải đến học tại  Viện Pasteur Nha-Trang như một phần của chương trình tập sự. 

Viện Pasteur ở Sài-Gòn có bốn phòng thí nghiệm để tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện  những thử nghiệm liên quan đến vi trùng học ở người, vi trùng học ở thú vật, sinh lý hóa học và trừng phạt những vụ chế tạo thực phẩm gian dối, tìm hiểu và thử nghiệm việc trồng cây cao su.  Viện Pasteur Nha-Trang chuyên lo việc sản xuất các huyết thanh chống bệnh dịch và các loại  huyết thanh cũng như thuốc chủng ngừa dành cho ngành thú y, đồng thời tìm hiểu về các loại cây  cỏ được dùng làm thuốc đang được trồng ở cơ sở Hòn-Bà. Bác sĩ quân y Calmette được nhà bác  học Louis Pasteur của Viện Pasteur Paris gửi sang Việt-Nam năm 1891 để thành lập một viện  sản xuất thuốc chủng ngừa bệnh trái mùa và bệnh chó dại. Nhà bác học Pasteur là người đã tìm  ra vi trùng bệnh dịch tả (cholera) ở gà, và các vi trùng gây ra bệnh dịch tả được sắp loại và mang 

tên là Pasteurella. Năm 1886, ông cũng làm ra được thuốc chủng ngừa bệnh chó dại và chữa trị khỏi bệnh cho vài trăm người. Cả hai bệnh dịch tả và chó dại là hai căn bệnh thường rất hay gặp  ở Việt-Nam. 

Năm 1894, khi bệnh dịch hạch phát ra ở Trung-Hoa, bác sĩ Yersin được gửi sang bên đó và ông đã tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch, được đặt theo tên ông là Yersinia pestis. Năm 1895, khi  Viện Pasteur ở Nha-Trang được thành lập thì bác sĩ Yersin làm giám đốc Viện. Ông tận tụy làm  việc ở Viện Pasteur suốt cuộc đời ông. Ông chỉ dời Viện trong khoảng thời gian từ năm 1902 đến

năm 1904 khi ông được toàn-quyền Paul Doumer chỉ định làm hiệu-trưởng Trường Y Dược ở Hà-Nội.  

Năm 1915, vào khoảng tháng 4 tháng 5, bệnh dịch hạch phát ra ở châu thành Tân-An.  Bệnh dịch bắt đầu từ chợ Tân-An. Nơi đây dân chúng sống đông đúc, chật chội, không giữ vệ sinh nên gặp bệnh truyền nhiễm thì bệnh lan nhanh, không ngày nào không có người chết. Chính  quyền địa phương dùng các phương pháp phòng ngừa, trị bệnh và tẩy uế. Ai bệnh nặng thì được  võng đến “nhà thương lá” (lazaret), một nơi biệt lập để khỏi lây cho người khác. “Nhà thương  lá” là căn nhà cất bằng lá gần bến đò, xa châu thành một cây số. Bệnh nhân nằm dưỡng bệnh,  nếu bệnh nặng mà qua đời thì được đem ra chôn ở ruộng gần đó. Chợ Tân-An bị cấm nhóm chợ,  trường học đóng cửa, hơn nửa tháng sau đời sống mới trở lại bình thường. 

Năm 1919, chính phủ cho mở một nhà thương chữa bệnh tâm trí ở Biên-Hòa, năm 1927  một trung tâm chăm sóc trẻ em, năm 1929 một trung tâm ngăn ngừa các bệnh hoa liễu. Năm  1934, một hội nghị về trẻ em được tổ chức tại Sài-Gòn để thu thập những ý kiến về việc bảo vệ trẻ em và nghĩ ra những luật lệ bảo vệ trẻ em.



Bệnh lao là một căn bệnh nan y đối với người dân Việt lúc bấy giờ. Nhiều người Việt  mắc chứng bệnh này. Nhà văn Vũ Trọng Phụng mất khi mới 27 tuổi vì bệnh lao. Nhà văn Thạch  Lam cũng qua đời vì bệnh lao ở tuổi 32.  

Năm 1921, bác sĩ Albert Calmette cùng thú y sĩ Camille Guérin nhận diện ra vi trùng  bệnh lao nên vi trùng lao được đặt tên là “Bacille Calmette-Guérin” (BCG). Vì bệnh lao là một  căn bệnh nan y và nguy hiểm ở Việt-Nam nên bệnh này đã được chính phủ và y giới chú ý để tìm cách phòng ngừa.

Bác sĩ Angier, giám đốc nhà thương Chợ-Quán, đã tìm hiểu về bệnh lao và các bệnh khác  thường thấy ở Việt-Nam như bệnh phù thũng (béribéri), bệnh đau mắt, những căn bệnh tâm thần.  Bệnh lao được chính phủ thuộc-địa – bảo-hộ quan tâm và năm 1922 trao cho bác sĩ Calmette tại  Viện Pasteur Sài-Gòn việc lập ra một sở y tế vệ sinh và một chương trình phòng chống bệnh lao.  Năm 1923, bác sĩ Guérin và bác sĩ Lalung Bonnaire làm tờ tường trình về bệnh lao ở Nam-kỳ đọc trong hội nghị về các bệnh nhiệt đới ở Viễn-Đông. Sau khi đã có một số tường trình về cách  truyền bệnh của bệnh lao ở Việt-Nam, thống-đốc Nam-kỳ là bác sĩ Cognacq hoạch định một  chương trình chống bệnh lao với sự phụ giúp của các nhà vi trùng học, y sĩ, thú y sĩ, chuyên gia  về vệ sinh, thanh tra các trường học và giới thức giả địa phương. Hội đồng nghiên cứu về việc  chống bệnh lao: – trực tiếp như khuyến khích cách chữa trị sớm, ngăn ngừa việc lây bệnh; – gián  tiếp qua việc áp dụng vệ sinh, cải thiện dinh dưỡng, chống việc sử dụng các chất độc hại cho cơ thể như thuốc phiện, rượu. Chương trình chống bệnh lao được thực nghiệm trong giới học sinh ở 

Chợ-Lớn. Họ được đi chụp quang tuyến phổi, khám tai mũi họng để tìm bệnh lao. Học sinh nào  bị lao sẽ được báo cho gia đình biết để chữa trị. Chính phủ cho thành lập một nhà dưỡng bệnh  lao, giúp đỡ tài chánh cho các gia đình có người bệnh, xây dựng tại các bệnh viện những khu vực  dành cho người bị lao.  

Ở Bắc-kỳ, việc chống bệnh lao được giao cho bác sĩ Le Roy des Barres. Chính phủ cho  mở một nhà thương chuyên trị bệnh lao. Ở Huế, bác sĩ Normet, giám đốc cơ quan y tế chính phủ,  được giao việc phòng chống bệnh lao. Chẩn y viện Pierre Pasquier khám và chăm sóc những  người bị bệnh lao.  

Từ cuối năm 1924, thuốc chủng bệnh lao BCG bắt đầu được dùng ở Nam-kỳ. Theo thống  kê của Viện Pasteur, năm 1924 chỉ sử dụng có 250 liều, đến năm 1933 là 114050 liều. Bác sĩ Calmette đã hài lòng khi nhìn thấy việc áp dụng hiệu quả của thuốc chủng ngừa bệnh lao BCG ở Việt-Nam. 

Sốt rét là một bệnh rất thường thấy ở vùng rừng núi Việt-Nam và những xứ khác ở Đông Dương là những xứ nhiệt đới, nóng, mưa nhiều, cây rừng rậm rạp. Vì bệnh sốt rét có những ảnh hưởng tai hại đến sức khoẻ chung và đời sống kinh tế cho nên chính phủ phải bài trừ nạn sốt rét  bằng các công cuộc khai quang, lấp ao, đào rãnh nước, v.v…  

Từ năm 1909, giới tư bản Pháp bắt đầu khai thác những vùng đất đỏ mênh mông ở Nam kỳ và Cao-mên. Sau thế chiến I (1914-1918), việc trồng cao su phát triển ở phía Nam-kỳ. Tuy  nhiên, tử suất và bệnh tật rất cao ở đồn điền vì điều kiện vệ sinh tồi tệ, y tế thiếu thốn, dinh  dưỡng không đủ và vì khí hậu ẩm thấp và nóng của vùng nhiệt đới khiến cho bệnh sốt rét hoành  hành nhất là trong vùng đất đỏ. Theo khảo sát của Viện Pasteur Sài-Gòn thì vùng đất đỏ có một  số loại muỗi truyền những loại sốt rét rừng nguy hiểm nhất. Ba phần tư số phu chết ở đồn điền là do sốt rét.  

Emile Girard, chủ đồn điền Suzannah và phó chủ tịch Hiệp hội Các Chủ Đồn Điền Cao  Su Đông-dương, “Syndicat des Planteurs de Caoutchouc de l’Indochine” (SPCI), rất quan tâm  đến việc diệt trừ bệnh sốt rét và muốn trừ khử hoàn toàn bệnh sốt rét tại đồn điền. Theo lời  khuyến cáo của bác sĩ Noël Bernard làm việc tại Viện Pasteur, Girard cho phát thuốc quinine đến  tất cả các phu. Nhưng bệnh sốt rét vẫn tồn tại, số phu bị sốt rét vẫn cao. Girard cho khai quang tất cả những bụi cây mọc chung quanh các dòng nước để không cho muỗi có chỗ sinh sản. Số phu nhiễm trùng giảm xuống 50%.Việc này được trình lên thống-đốc Nam-kỳ. Bác sĩ Laurent  Gaide, phụ trách về các dịch vụ y tế, được giao trách nhiệm bàn thảo với bác sĩ Bernard để tìm ra  giải pháp diệt trừ bệnh sốtrét dưới sự hướng dẫn của Viện Pasteur. Giữa thập niên 1920, bệnh sốt  rét bùng lên trong các đồn điền vùng đất đỏ mà tệ nhất là đồn điền Bù-Đốp nằm sâu trong vùng  đất đỏ. Đồn điền Bù-Đốp có số phu tử vong lên đến 45% trong một năm (1927). Do sự bùng phát  bệnh sốt rét tại các đồn điền, các chủ đồn điền phải hợp tác với chính phủ thuộc địa và các  chuyên gia của Viện Pasteur để giải quyết. Năm 1928, hãng Michelin yểm trợ tài chánh cho Viện  Pasteur để tìm cách chống bệnh sốt rét. Viện Pasteur cho người đi đến các nơi muỗi sinh đẻ để lấy mẫu muỗi về và phân loại. Vào năm 1928 các nhà sinh vật học thấy rằng hầu như tất cả các  loại muỗi Anophèle đều có thể lan truyền bệnh sốt rét qua ký sinh trùng Plasmodium falciparum.  Viện Pasteur đề nghị các chủ đồn điền làm cách nào giữ cho chung quanh đồn điền được khô ráo, đừng để vũng nước đọng là nơi muỗi Anophèle sinh sản. Một số chủ nhân đồn điền đồng ý sử dụng mùng màn ngăn muỗi và phát quinine cho phu. 

Bác sĩ Yersin đã tuyển chọn giống cây Cinchona, thích hợp với khí hậu cao nguyên, để sản xuất thuốc quinine trị bệnh sốt rét. Nhờ các đồn điền ở Dran và Djiring, các nhà máy ở Pháp  đã sản xuất được 65 tấn sulfate quinine, khoảng 11% tổng số sản lượng quinine trên thế giới vào  năm 1931. 





 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ