Chưa được phân loại
PHỎNG VẤN LÊ ĐỨC HỢI
Published on
Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng
“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945.
Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”
(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)
Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng
Phần giới thiệu Đại Việt Quốc dân Đảng
Giới thiệu
PHỎNG VẤN LÊ ĐỨC HỢI
Lê Đức Hợi là đảng viên kỳ cựu của Đại Việt Quốc Dân Đảng, hiện cư ngụ tại Canada.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngày 13/11/1993 tại Fairfax, Virginia.
Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, Trường Đại học George Mason
Tóm lược
Lê Đức Hợi là một trong số ít các nhân vật Đại Việt mà tôi không quen biết từ trước. Lúc phỏng vấn anh là lần đầu tiên tôi gặp anh. Anh sang Mỹ thăm bạn cũ, trong đó có cựu Đại sứ Bùi Diễm. Tôi được giới thiệu với anh. Anh đến thăm tôi và tôi phỏng vấn anh ngay ở nhà.
Anh Hợi là người điềm đạm. Khi học trường Lục quân Yên Bái, thật ra là trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, anh được xếp vào Bộ đội A, là bộ đội của những người trên 21 tuổi, và đã bỏ Đảng ngay từ khi trường Lục quân Yên Bái tan rã. Có lẽ vì thất vọng cho nên anh không tha thiết khi nói về kỷ niệm với trường như những anh khác thuộc Bộ đội B và C, những chàng trai lúc ấy dưới 21 tuổi, như Đào Nhật Tiến, Đặng Văn Đệ, Phạm Văn Liễu. Hợi có vẻ không muốn nói nhiều về cuộc đời chính trị của mình, và cũng không muốn tôi phải gửi băng ghi âm lại cho anh.
Bằng một giọng nói nhỏ nhẹ và bình thản, anh cho biết:
- Anh vào Đại Việt Quốc Dân Đảng với mục đích duy nhất là “chống Pháp, đánh Pháp,” chứ không để ý đến chủ nghĩa mà anh cho là không quan trọng. Ngay cả ông Đảng trưởng là ai, anh cũng không biết.
- Trong khi anh có nhiều bạn bè ở trường Luật theo Đại Việt thì Việt Minh làm anh mất cảm tình vì những hành động, phản cảm, lố lăng, với lối tuyên truyền dọa nạt không hợp với trí thức của Tổng hội Sinh viên trong cuộc họp để hô hào sinh viên đi dự biểu tình công chức sau khi Bảo Đại tuyên bố độc lập ngày 11/3/1945. Vì thế anh chọn Đại Việt.
- Hợi tham dự vào đoàn “mấy trăm người” từ chiến khu về, đi từ Hà Nội vào Huế để ủng hộ giải pháp Bảo Đại không từ chức, không thoái vị. Nhưng tới Vinh thì được lệnh quay về, chỉ một toán nhỏ tiếp tục đi Huế. Đến nơi thi cờ Việt Minh đã được treo trên Ngọ Môn.
- Cuối tháng Chạp năm 1945, Hợi gặp ông Trương Tử Anh mấy lần và làm việc trực tiếp với Đảng trưởng, có lẽ vì anh có một số bạn là cán bộ thân tín của ông Anh. Lần cuối gặp, thì ông Anh bảo Hợi đi Lào Cai học quân sự.
- Từ Lào Cai, Hợi phải đi bộ vào Sa-pa, địa điểm đầu tiên của trường Lục quân Yên Bái. Khi Quốc Dân Đảng chiếm Lào Cai, họ không tiếp tế gạo nữa. Tỉnh bộ trưởng Yên Bái của Đại Việt, Vũ Lương Hải, đánh điện lên bảo các anh em về Yên Bái để ông ấy lo. Từ đó, trường có tên là Lục quân Yên Bái.
- Trường chia làm 3 bộ đội. Bộ đôi A gồm những người trên 21 tuổi, Bộ đội B gồm thanh niên dưới 21 và những người lớn tuổi đến sau mà đi thẳng đến Yên Bái. Những người đến sau cùng vào Bộ đội C. Bộ đội C được chia làm C1, C2, C3, C4. Đại Việt nguyên thủy thì vào C1- C2. Người của đoàn thể khác như Quốc Dân Đảng, Quốc gia Thanh niên Đoàn thì vào C3-C4.
- Ở Bộ đội B có Bùi Tường Huân và Đinh Trịnh Chính. Trần Kim Phượng và Nguyễn Tất Ừng không lên Sa-pa; họ đi chiến khu Triệu. Bộ đội A vẫn có người còn sống, nhưng không tiện nói tên.
- Sau khi bị tấn công ở Lào Cai, trường bắt đầu tan rã vì không có tiếp tế, không có tương lai, nhất là sau khi các giáo quan Nhật bị ông Vũ Hồng Khanh và Triệu Việt Hưng lập mưu sát hại. Họ bị sát hại vì họ theo lời ủy thác của Trương Tử Anh rằng đây là trường huấn luyện nên phải tránh hao phí nhân mạng, không dự các cuộc đánh nhau với Việt Minh để duy trì lực lượng quân sự, trong khi đó ông Vũ Hồng Khanh và Triệu Việt Hưng lại muốn dùng trường Lục quân như một đạo binh đánh nhau với Việt Minh.
- Lúc đó, Hợi cùng một số anh em tự ý bỏ đi Côn Minh và cắt đứt liên lạc với đảng Đại Việt. Năm 1948, sau khi liên lạc được với gia đình, Hợi rời Côn Minh về Hà Nội. Ở Hà Nội, anh có liên lạc với các anh em bạn cũ trong Đại Việt, nhưng không hoạt động đảng phái và cũng không được dự bàn hay được họ hỏi ý kiến.
- Đại Việt quan lại là những đảng viên Đại Việt tham dự vào chính quyền hợp tác với Pháp. Đó là cái tên có tính cách chê bai gán cho họ bởi một số đảng viên Đại Việt muốn tham dự chính quyền mà không được. Đại Việt quan lại tuyển người cộng tác trên tiêu chuẩn khả năng chứ không trên tiêu chuẩn Đại Việt.
- Lúc ấy, chính quyền chỉ huy Đảng chứ không có chuyện Đảng chỉ huy chính quyền.
- Một đảng mạnh phải có tổ chức, chương trình hành động, và lực lượng quân sự hay tài chính. Không có những cái ấy thì chỉ làm “chính trị salon,” không đi đến đâu.
- Những người nổi bật thời đó là Đặng Văn Sung và Nguyễn Tôn Hoàn. Đặng Văn Sung gần anh em hơn, Nguyễn Tôn Hoàn là người chí thành, nhưng không khôn khéo; ông ta không phải là một chính trị gia. Đặng Vũ Trứ và Đỗ Ngọc Phúc tức Phúc Toét là những con người “say mê lý tưởng.”
- Trương Tử Anh là người thành thật, ăn nói bình dân, và khéo léo, không lộ vẻ có tác phong Đảng trưởng.
- Sau khi ông Anh mất, đảng Đại Việt không còn kỷ luật, mạnh ai nấy làm.
Toàn văn :
Lê Đức Hợi –VP-NMH-A054
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (NMH) : Dạ bây giờ, tôi xin phép anh cho tôi hỏi anh. Là thưa anh, xin anh cho tôi biết về cuộc đời chính trị của anh, nhất là cái liên hệ của anh đối với đảng Đại Việt. Tức là anh vào Đảng trong năm nào, trong trường hợp nào, trong cái hoàn cảnh nào của đất nước?
Ông Lê Đức Hợi (LĐH): Nếu nói rằng chính trị thì tôi cũng không có một cái đời chính trị nào. Nhưng mà nói về cái chuyện mà gia nhập đảng Đại Việt, nghĩa là lúc bấy giờ Đại Việt thì là đang có cái nhu cầu chống Pháp. Mà lúc bấy giờ, tôi là một thanh niên trẻ thì tôi phải gia nhập một cái đoàn thể nào, để tôi theo đuổi cái mục đích là chống Pháp, mà để giành độc lập cho Tổ Quốc. Dĩ nhiên là những người mà có cái những cái tư tưởng như vậy thì cả hai bên, bên những đảng phái Quốc Gia cũng như là bên đảng phái Cộng Sản. Thì vì vậy cho nên rằng thì là mình thấy cái cái đảng phái nào nó hợp với cái nguyện vọng của mình hơn thì là mình gia nhập, thế thôi.
Cái thời đó thì không những là nói chuyện rằng các đảng phái chống thực dân, mà ngay người dân thường người ta không có đảng phái gì, người ta cũng, cũng tự thấy có một cái bổn phận là phải gia nhập những cái chuyện đó. Thế nhưng cái đảng phái nào lúc bấy giờ mà tuyên truyền được nhiều người thì là họ có nhiều đảng viên.
NMH: Thưa anh, tại sao anh lại chọn đảng Đại Việt thay vì chọn những đảng khác?
LĐH: À là cái đó là một cái rất là là chủ quan. Mà cái chuyện là hồi đó thì tôi đang học ở trường Luật thì tôi thấy trong các anh em bè bạn cùng học với tôi đó thì là nhiều người đi theo đảng Đại Việt. Thành ra vì vậy thì là tôi cũng tìm một số bạn thì họ mới bảo thì ừ thế thôi. Thế thì thì mình sát cánh với anh em bạn được tín nhiệm. Chứ còn những các cái chuyện như là…lúc bấy giờ Việt Minh tuyên truyền thì nghĩa là ngay giữa một cái cuộc hội họp sinh viên thì họ đem một cái anh công nhân, họ chĩa súng ra thì là họ nói, với họ diễn thuyết vớ vẩn thì thấy mình không hòa hợp được. Mà họ những cái nó gọi là cái cách họ tuyên truyền ấy thì chẳng hạn như là trong một cuộc hội họp sinh viên thì họ xếp những các, lúc bấy giờ nó có một cái gọi là cư xá sinh viên ở Bạch Mai, thành ra họ tổ chức trước. Họ xếp các anh bồi ở trong cư xá đó đứng ở đằng sau hội trường thế này, rồi hai bên. Thế trên này, họ cho một anh…không biết là công nhân về cái gì, nghề gì tôi không biết nhưng mà cầm một khẩu súng chĩa ra, chĩa lung tung, rồi nói là: bây giờ, bây giờ đến cái lúc tổng khởi nghĩa rồi, phải đi theo Việt Minh thế nọ thế kia. Như vậy mình thấy rằng không có hợp. Thế rồi thì trong khi nói như vậy thì là dưới kia nghĩa là các ông bồi ông vỗ tay. Chứ còn cái chuyện có thể nói rằng thì là một cái cách tuyên truyền mà áp đảo, nó là như vậy.
NMH: Thưa anh, lúc đó là năm nào?
LĐH: Năm 1945.
NMH: Tức là họ nắm được chính quyền chưa?
LĐH: Chưa.
NMH: À chưa nắm chính quyền, mà họ đã cầm súng rồi thì không có ai, chính phủ – không có việc gì hết, không bị nhà cầm quyền nó bắt hay sao, lúc bấy giờ là Nhật hay Pháp?
LĐH: Không, lúc bấy giờ chưa cướp chính quyền mà.
NMH: Chưa cướp chính quyền thì ai là chính quyền?
LĐH: Lúc bấy giờ là Nhật.
NMH: Nhật, thế sao nó không bắt mấy cái ông đó?
LĐH: Thì nó biết đâu. Thì chương trình cái cuộc họp đó, là một cái buổi họp của Tổng hội Sinh viên người ta, người ta tổ chức. Thì mình là sinh viên, mình đâu có ngờ rằng là đã có những sinh viên mà thiên Cộng họ đã tổ chức rằng sẽ cho người đến võ trang tuyên truyền cái này cái kia. Mình đâu có biết thì mình cũng nghĩa là không dè những cái chuyện đó. Mình đến mình dự với tư cách là sinh viên. Thì không ngờ đến, mình chẳng được nghe ông sinh viên nào cả, mình lại nghe cái ông thợ gì không biết, mà ông ấy lại còn chĩa súng. Thế thì nghĩa là cái phản ứng, cái phản ứng sơ đẳng nhất của mình là thấy nó không hợp.
NMH: Tức cái lối tuyên truyền không hợp với trí thức?
LĐH: Không hợp mà không đúng cái lề lối của một cái hội họp sinh viên ấy. Vậy thì những cái hình thức như vậy đã là không hợp với lại… Lại còn đến những cái chuyện nghĩa là bồi biếc vỗ tay thế này thế kia, cổ võ thì mình thấy là, tự nhiên là mình thấy rằng mình không ở trong cái gọi là cái cuộc hội nghị này. Mà hơn nữa là mình cũng hơi bực mình ở cái chỗ rằng những người đó không phải là sinh viên, mà cũng không có cái nhiệm vụ gì, mà họ lại đến, họ dạy bảo mình như vậy. Nghĩa là cũng có chạm lòng tự ái, chứ không phải là không.
NMH: Dạ, mà họ diễn thuyết về cái gì, hôm đó anh có nhớ không, là cái ông nói…
LĐH: Thì họ chỉ nói rằng thì là bây giờ là, đến lúc tới giờ phút phải tổng khởi nghĩa thì là yêu cầu sinh viên theo, gia nhập Phong trào Việt Minh để thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa. Thế thì lẽ dĩ nhiên cũng có một số người ta bảo là không được, đây là một cái cuộc hội họp của sinh viên thì không chấp thuận những người không phải là sinh viên lên tiếng ở đây, thế là hai bên cãi nhau. Cũng có, lại có một số sinh viên đã được móc nối từ trước, đứng lên bảo rằng thì là đây là một cái việc nó vượt khỏi cái phạm vi của sinh viên: một là phải yêu nước, hai là không yêu nước, chứ không còn ở trong cái chuyện sinh viên nữa. Đại khái về sau này thì có một ông đàn anh, là ông là cựu sinh viên, lúc bấy giờ ông ấy là, tôi có thể nhớ tên là ông Nguyễn Văn Huệ – luật sư Nguyễn Văn Huệ. Ông đứng ra ông bảo, thôi thế thì bây giờ, đây là một cái vấn đề mới không có ở trong nghị trình của hội nghị thì ông ấy bảo hoãn, để cho ban chấp hành của Tổng hội họp riêng, có thể là triệu tập một buổi họp sau, chứ bây giờ không thể nào mà quyết định ngay bây giờ được. Và hơn nữa là cái chương trình của cái hội nghị ngày hôm đó, là để tổ chức sinh viên đi dự cái cuộc biểu tình công chức ở sau cái lời tuyên bố độc lập của ông Bảo Đại.
NMH: À vâng, cuộc biểu tình đó dự định là có phải là ngày bao nhiêu…?
LĐH: Hôm đó nghĩa là, hôm đó ngày 19/8 thì phải, tôi không nhớ rõ.
NMH: Thế rồi có quyết định việc gì không?
LĐH: Không, về sau thì là tôi không có dự nữa. Sau khi mà thấy một cái cuộc hội nghị bị người ta phá đám như vậy thì tôi không có dự vào đó nữa.
NMH: Tức anh đi về luôn. Tức là cái cuộc, cuộc họp ấy có chấm dứt không?
LĐH: Về sau cái cuộc hội nghị thì đã đi đến cái chỗ bảo hoãn thì là tôi đi về. Mà hơn nữa tôi không có sinh hoạt gì trong Tổng hội Sinh viên cả.
NMH: Như vậy cuộc hội họp hôm ấy đã hoãn rồi, thành không có quyết định là có đi biểu tình hay không?
LĐH: Không, không có cái quyết định đó. Nhưng mà đến hôm về sau này là họ có họp. Họ họp, đâu ngày hôm sau đó thì là họ họp. Họ họp thì tôi cũng không biết họ quyết định thế nào. Nhưng đến lúc mà cái cuộc biểu tình lớn mà mà do công chức, với lại sinh viên tham dự thì là ngay trong cái cuộc biểu tình đó thì là Việt Minh lại cướp micro biến cái cuộc biểu tình ấy thành ra một cuộc biểu tình tuần hành để giành độc lập, thế đó.
NMH: Thưa anh, cái hôm ấy anh có đi biểu tình không?
LĐH: Không.
NMH: À, dạ.
BD: Tôi không đi là bởi vì tôi thấy rằng thì là không có hợp, không thích hợp
NMH: Thưa anh, hồi anh học luật thì khi anh vào đấy có ảnh hưởng gì đến việc học của anh không, có bị nó trù ếm hay cái gì không, nếu anh gia nhập Đại Việt đấy?
LĐH: Không, không lúc bấy giờ làm gì có cái chuyện Đại Việt đại vung gì đâu. Thì tôi chỉ có, tôi cũng như mọi sinh viên khác thì tôi vào trường Luật, tôi học thôi. Bấy giờ thì là tôi học được một năm thì tôi đang học năm thứ nhì thì là xảy ra cái vụ ấy thì là ngưng ngay, không có…
NMH: Thế rồi anh vào Đại Việt năm 45 là lúc nào, sau sau vụ đảo chánh?
LĐH: Sau cái vụ, không, sau cái vụ…một ít lâu sau cái vụ biểu tình, cái cái vụ mà Tổng hội Sinh viên nó họp thì là bị Việt Minh họ phá đấy. Nghĩa là tôi bảo thế này, tôi phải tôi phải tìm một cái đường lối khác, tôi chống Pháp, tôi không thể nào mà tôi đi theo cái trào lưu này nổi. Thì tôi cũng biết là trong bè bạn của tôi có nhiều người, người ta làm không được, rồi họ đi chiến khu chiến khiếc gì đó. Tôi mới đi tìm, chẳng thấy ai cả. Thế sau nhưng mà tôi biết rằng thì là họ đi theo Đại Việt. Vì vậy là tôi tìm một cái cái dường mối khác để mà tôi đi vào, mục đích chỉ có nghĩa là gia nhập cái đoàn thể chống Pháp, có thế thôi. Thật ra tôi cũng chẳng có biết rằng chủ trương của Đại Việt là cái gì, mà ông Đảng trưởng là ai, tôi cũng không biết. Thế mãi đến khi mình tình nguyện, mình gia nhập cái đoàn thể, lúc ấy là họ mới đưa cho một, hai, hai quyển sách. Thì tôi cũng đọc đại khái vậy thôi, bởi vì cái mục đích là muốn gia nhập các đoàn thể để chống Pháp, đó là thật sự nó như vậy. Thì sau khi mà mình gia nhập rồi thì mình mới biết rằng có một số khá đông bè bạn học đã ở trong từ trước, mà họ đã hoạt động.
NMH: Thế khi nhập thì cái thể lệ gia nhập ra sao, anh đi qua ai, làm cách nào mà anh kiếm được người ta?
LĐH: Không, thì bởi vì tôi biết những cái những bè bạn tôi vắng mặt. Thành ra tôi chỉ việc tôi đi tìm họ thôi: anh người ta, hay em người ta, hay cái gì thì tôi hỏi ra ngay.
NMH: Thế nhưng cái thể thức gia nhập, khi anh gia nhập thì làm sao?
LĐH: À thì phải tuyên thệ.
NMH: Tôi muốn hỏi xem là cái cái lối tổ chức của đảng ra sao đó?
LĐH: À thì phải tuyên thệ.
NMH: Có phải giới thiệu không?
LĐH: Không, người ta tự nghĩa là tại vì tôi là tôi … các bạn ở trong Đại Việt lúc bấy giờ thì tôi có nhiều người. Trong khi đó thì lại có những cán bộ rất là gần gũi với lại ông Trương Tử Anh. Thành ra vì vậy cho nên rằng khi họ được tin tôi muốn gia nhập một cái, thì là họ cử ngay người đến, người ta tổ chức một cái lễ tuyên thệ, rồi thì là công nhận cái đó.
NMH: Thế rồi sau đó có đi học tập, có cho anh tài liệu học tập, rồi có đi học tập tổ chức…
LĐH: Cũng có, cũng có đưa cho một, hai…
NMH: Có giao trách nhiệm gì không?
LĐH: Không.
NMH: Không có giao trách nhiệm gì?
LĐH: Lúc đó không có giao trách nhiệm gì?
NMH: Thế gia nhập rồi làm gì?
LĐH: Gia nhập chỉ có ngồi đấy đọc thế thôi.
NMH: Đọc sách thôi, chứ không…
LĐH: Ở nhà đấy, thế thôi.
NMH: Chứ không có ai tổ chức cho mình làm gì hết, không có đi họp?
LĐH: Không, không, không có họp. Tại vì cái nguyên tắc lúc bấy giờ hoạt động là bí mật, thì mình chỉ, mỗi một tổ chỉ có ba người thôi thì mình chỉ được biết hai nữa thôi. Mà tôi thành ra tôi có thể nói rằng cũng hơi đặc biệt một chút, thành thử ra nhiều người người ta ở những tổ khác, hay là ở những cấp khác nhưng người ta cũng biết. Thành ra ví dụ người ta muốn bảo gì tôi thì người ta cho một cái người lạ mặt đến thì là: ở đấy làm cái này, làm cái kia. Nhưng mà tôi cũng chẳng nhận được cái công tác gì cả. Về sau này, đến lúc mà, có một lần thì là tất cả một số lớn, khá đông bè bạn họ ở chiến khu, họ về đó. Thì tôi được gọi đi, gọi đi thì là đến lúc mà leo lên xe cam nhông để đi thì gặp khá đông những bè bạn.
NMH: Gọi đi đâu, thưa anh, đi họp?
LĐH: Đi Huế.
NMH: Tức đi, cũng đi chiến khu hay sao, đi Huế làm gì?
LĐH: Không, đi Huế, đi Huế là lúc bấy giờ nó có cái vụ là bên Việt Minh họ cử ông Trần Huy Liệu vào Huế để mà…
NMH: Lấy ấn tín đó?
LĐH: Để mà nhận ấn, vương ấn của ông Bảo Đại. Thế còn tụi tôi ấy thì là lúc bấy giờ có một số anh em họ đi trước rồi. Thế còn tụi tôi thì nghĩa là cho vào cái xe cam nhông chạy đi, chạy đến Thanh Hóa ấy thì là…à vào đến Vinh rồi, vào đến Vinh rồi thì là lại có lệnh bảo thôi thì bây giờ có một số đi thẳng vào Huế, còn một số nữa thì lại quay trở lại. Cái đoàn người ấy những mấy trăm người.
NMH: Anh có biết mục đích vào Huế làm gì không, anh có biết mục đích?
LĐH: Hình như nói, hình như là là vào để mà ủng hộ cho ông Bảo Đại, chọn cái giải pháp là không từ chức, không không thoái vị. Thế nhưng mà về sau này thì tôi được biết rằng lúc mà cái cái đoàn tiền phong vào đến nơi thì cái cờ Việt Minh nó đã treo ở trên Ngọ Môn rồi. Thành ra là tất cả lại nằm im. Đến lúc tôi vào đến Huế, tôi chính mắt tôi trông thấy lá cờ nó treo lên rồi. Thì tức không còn cái mục đích gì nữa. Thế lại quay ra.
NMH: Nhưng mà như vậy là anh cứ tin tưởng hoàn toàn thôi, tức là họ gọi đi là đi luôn, bỏ cả gia đình, anh đi luôn?
LĐH: Bởi vì rằng thì là mình đang có cái mục đích rằng thì là mình gia nhập với đoàn thể để chống Pháp thì mình phải chịu một cái kỷ luật nào đó.
NMH: Dạ, thưa anh, xin anh phép cho hỏi anh, anh có nói lúc đầu tiên khi anh vào đó, anh anh có tính đặc biệt đó thì người ta, những người ngoài người ta biết đó. Anh cho biết thêm về cái đó được không?
LĐH: Cái gì đặc biệt?
NMH: Anh nói anh là cái người, tuy là vào sau này nhưng mà đặc biệt nên người ta biết anh đó…
LĐH: Đặc biệt ở cái chỗ rằng thì là nhiều cán bộ, họ lâu năm hơn tôi, mà họ cao cấp nữa là khác, họ gần gũi ông Trương Tử Anh thì là bạn học của tôi. Thế là thành ra nó đặc biệt hơn những cái người mà mà không có quen những cái người đó.
NMH: Dạ, xin phép anh cho hỏi tiếp… Vâng thưa anh, bây giờ xin phép anh cho hỏi tiếp đó. Cái giai đoạn đó thì anh bảo anh vào đảng Đại Việt vì anh quen, anh có nghĩ đến Quốc Dân Đảng không?
LĐH: Quốc Dân Đảng.
NMH: Anh có nghe nói Quốc Dân Đảng không?
LĐH: Không, về sau này tôi đâu có biết rằng thì là sự thực đó ra cái chuyện Quốc Dân Đảng ấy là thế này. Về sau này tôi mới biết. Thì là do một cái sự thỏa hiệp giữa Đại Việt Quốc Dân Đảng với lại Việt Nam Quốc Dân Đảng ở đâu đó Trùng Khánh ấy. Thì vì vậy cho nên rằng thì là hai đảng đều lấy chữ Quốc Dân Đảng cho nó gọn mà nghĩa là hợp tác với nhau. Thế nhưng mà chính mắt tôi, tôi cũng chẳng trông thấy sự hợp tác nào cả.
NMH: Hợp tác thì có cái cơ cấu chỉ huy chung không?
LĐH: Chắc là có. Thế nhưng mà sự thực ra thì chính mắt tôi trông thấy những cái sự hợp tác nó cũng lỏng lẻo.
NMH: Dạ, thưa anh, kể từ cái hồi mà anh đi vào Thanh Hóa, anh vào Thanh Hóa, rồi anh đi vào Huế luôn, họ cho anh vào Huế luôn?
LĐH: Xong lại gọi ra.
NMH: Lại gọi ra đâu, lại gọi ra Hà Nội lại?
LĐH: Cho trở về, về Hà Nội.
NMH: Lại đi camion trở về Hà Nội lại?
LĐH: Không, về sau này vào đến Huế, rồi tự túc…đi về.
NMH: À trở về là phải tự túc đi về?
LĐH: Vâng, tôi đi.
NMH: Anh làm cách nào anh về, cái kiểu…
LĐH: Đi xe lửa, đi xe lửa, rồi đi đò. Về đến Thanh Hóa thì tôi với mấy anh em nữa thuê một cái xe, xe hơi, xe hơi nhỏ đi qua, lúc bấy giờ là về Hà Nội. Thì còn có bao tiền thì chung vào rồi thì là thuê xe về.
NMH: Thế rồi sau đó làm gì, thưa anh, anh có hoạt động gì?
LĐH: Thì tôi lại nằm nhà ấy, chả làm gì cả. Sau rồi thì là cái lúc lâu, lâu sau nữa, rồi bên Việt Nam Quốc Dân Đảng họ mới về. Thì là họ lập ra những các cái trụ sở thế nọ thế kia. Thế là thì về sau này thì là đến cái lúc mà nó vào cái khoảng tháng Chạp, tháng Chạp năm 45 thì phải, độ khoảng tháng Chạp rằng thì là ông Trương Tử Anh ông ấy gặp tôi mấy lần. Lần cuối cùng, ông chỉ nhắn, ông bảo thì là: thôi bây giờ cho tất cả anh em đi học quân sự. Thế đến hôm thì ông ấy bảo: rồi sẽ có người đến cho biết là ngày nào đi. Thế là lại thì…thì ông bảo là về sửa soạn trước đi. Tôi về nhà sửa soạn. Thì có một hôm có một người đến nói rằng thì là: anh sửa soạn, ngày mai, đáp chuyến xe lửa ngày mai đi lên Lào Cai. Thế là đi.
NMH: Thế mà cái người đến đón, anh có biết người ta không, hay anh cứ việc anh tin, nó đến là anh tin đi luôn, đi ra đâu là được ?
LĐH: Không, bởi vì họ biết…
NMH: Có ám hiệu không?
LĐH: Địa chỉ với lại họ biết tên bí danh của mình.
NMH: Anh có bí danh, bí danh thì anh chọn hay là vào trong Đảng?
LĐH: Không, mình chọn.
NMH: Mình chọn?
LĐH: Dạ.
NMH: Có bí danh. Như vậy là cũng có cách liên lạc. Tôi muốn hỏi cách tổ chức ấy mà, của Đảng tổ chức làm sao để bảo mật đó?
LĐH: Thường thường thì ai cũng phải có bí danh. Thế nhưng mà bình thường ra thì chỉ có, một cái tổ chỉ có ba người.
NMH: Tổ anh có ai bây giờ, anh có nói được không?
LĐH: Không, tôi vì vậy tôi mới nói đặc biệt, là tôi không có cái tổ nào cả.
NMH: À chỉ có mình thôi?
LĐH: Chỉ một mình.
NMH: Thế anh liên lạc thẳng với anh Trương Tử Anh hay sao?
LĐH: Vâng, có. Tôi có liên lạc thẳng.
NMH: Liên lạc thẳng với ông Trương Tử Anh. Nhưng mà thường thường là ông cho người gặp?
LĐH: Không, ông ấy thì ông ấy gặp tôi, ví dụ như ông gặp tôi một cách ngẫu nhiên thôi, chứ ông ấy ông ấy lại biết và nghĩa là ông ấy hỏi chuyện hẳn hoi. Ông biết, bấy giờ thì cũng có gặp được hai, ba lần.
NMH: Gặp ngẫu nhiên tức là sao, tức là hoàn toàn bất ngờ thật sự đó?
LĐH: Chẳng hạn như, chẳng hạn như là mình đến một cái trụ sở nào đó, hay là mình đang ở, mình thấy người ta tụ họp đông, như mình nghe ví dụ như phát thanh phát thung cái gì đó thì là bất chợt ông, tôi lại gặp ông ấy thì ông ấy lại kéo ra một chỗ nói chuyện chơi vài câu, thế thôi.
NMH: Nhưng mà như vậy là ông cũng biết khá nhiều người trong đảng viên đấy, có phải không ? Tức là ông để ý từng cá nhân hay sao, làm sao biết được hết?
LĐH: Có thể, tôi đoán là có thể.
NMH: Như vậy phải biết hết chứ nhỉ, ít nhất là những người ông ấy để ý, có phải không?
LĐH: Thì thì nói sự thực ra thế này đây. Hồi đó tôi không biết là những chức vụ của những người bạn của tôi làm sao. Nhưng mà tôi biết rằng thì là có độ ba, bốn anh em thì là có thể gọi là cán bộ thân tín của ông Trương Tử Anh. Mà họ là những người bạn học mà ngày xưa cũng khá thân với tôi.
NMH: Dạ, anh có nghe tiếng ông Huân ở trong đó không, Bùi Tường Huân có trong cái nhóm đó không?
LĐH: Không có, không nghe thấy.
NMH: Thế anh Ngọc, ông Ngọc sao ?
LĐH: Ngọc nào?
NMH: Ngọc, Ngọc lý thuyết, Ngọc Toét, hay Ngọc gì đó?
LĐH: Không, không phải. Cái người đó không phải là ông Ngọc, tên ông ta là Đỗ Ngọc Phúc.
NMH: À Phúc, Phúc đúng rồi. Phúc, Phúc đúng rồi, Phúc.
LĐH: Phúc Toét.
NMH: Dạ, Phúc Toét, đúng rồi…Thưa anh, thế Phúc có phải là bạn anh, bạn học không?
LĐH: Vâng.
NMH: Cùng học trường Luật hay sao?
LĐH: Cùng học cái lớp…không anh ấy không có nghe học trường Luật.
NMH: Tức anh bỏ luôn đi…
LĐH: Nghĩa là học từ bé mà cho đến lớn, đến khi thi tú tài xong thì anh vào trường Thuốc. Còn tôi thì lại nghỉ ở nhà một năm, rồi tôi mới vào trường Luật. Thế khi mà tôi vào trường Luật rồi ấy thì anh Phúc, anh ấy đến nhà anh …
NMH: Là những người đang là thân cận của Trương Tử Anh?
LĐH: Tôi nghĩ như vậy.
NMH: Dạ, chứ họ không nói cho anh biết họ, tức là nội qui ra sao?
LĐH: Ở Đại Việt tôi không thể gặp họ.
NMH: À, thế à?
LĐH: Vâng.
NMH: Thế mà anh chỉ gặp ông Trương Tử Anh thôi?
LĐH: Thế mà lại gặp ông Trương Tử Anh.
NMH: Mà anh bảo là ngẫu nhiên, có kỳ nào mà ông tự nhiên ông tìm anh không?
LĐH: Đại khái ví dụ như là ngẫu nhiên là thế này. Ví dụ như chẳng hạn tôi đang ở nhà một người nào đó chẳng hạn, ông ấy cũng đến đấy, ông gặp thì ông biết ngay. Tôi lấy lạ, cái đó tôi cũng hơi lấy làm lạ. Mới đầu, tôi cũng lấy làm lạ, bảo tại sao ông lại biết tên tôi. Nhưng về sau tôi mới hiểu nghĩa là tại vì hai cái anh Phúc với anh Trứ, thầm kín đó.
NMH: Nên bây giờ thì anh có cho biết bí danh mình được chưa?
LĐH: Bí danh nào?
NMH: Bí danh Đại Việt của anh đó?
LĐH: Về sau tôi không có dùng bí danh.
NMH: Về trước, bí danh gì?
LĐH: Bí danh của tôi tên là Bằng nhưng mà tôi không có dùng nữa.
NMH: Thế ạ.
LĐH: Tại vì thế này, tại vì rằng trong đó có hai người cũng tên thật giống nhau, mà tên bí danh cũng giống nhau, nên tôi không dùng nữa.
NMH: Thế rồi anh hoạt động, rồi thế sau rồi bảo đi liên hệ…
LĐH: Tôi không, thật ra tôi không có làm, mặc dù hồi đó ông Trương Tử Anh ông ấy chỉ bảo, thôi anh đi sửa soạn đi…
NMH: Lào Cai.
LĐH: Đi Lào Cai. Thế là tôi mới đi Lào Cai, từ ngày đó không được gặp lại nữa.
NMH: Anh đi Lào Cai, anh có đi vào trường Yên Bái không?
LĐH: Có.
NMH: Vào đó.
LĐH: Đầu tiên là cái trường ấy nó ở Sa Pa.
NMH: Vâng.
LĐH: Tôi lên đến Lào Cai thì phải đi bộ vào Sa Pa. Thế rồi về sau này là vì bên Việt Nam Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ họ chiếm Lào Cai rồi thì là họ không tiếp tế gạo nữa. Thành ra thì phải bỏ Sa Pa đi về. Thế bỏ Sa Pa đi về Lào Cai thì lại được cái ông Tỉnh trưởng, lúc bây giờ nó gọi là Tỉnh đảng bộ Yên Bái là ông Vũ Lương Hải thì ông đánh điện lên, ông bảo gửi tất cả anh em về Yên Bái, để ông ấy lo.
NMH: Mà ông đó cũng là Đại Việt hay là Quốc Dân Đảng?
LĐH: Đại Việt.
NMH: Đại Việt. Thế tức là trường Lục quân của anh bắt đầu về Yên Bái?
LĐH: Yên Bái.
NMH: Tức là từ Sa Pa đi về Yên Bái. Anh ở đại đội mấy: A hay B.
LĐH: Không, tôi tôi ở Bộ đội A.
NMH: Bộ đội A đấy.
LĐH: Không có đại đội, nghĩa là bộ đội.
NMH: Bộ đội A với Bộ đội B?
LĐH: Bộ đội A, B, C.
NMH: A, B, C.
LĐH: Nhưng mà C thì đông lắm: C1, C2, C3, C4.
NMH: Thế mỗi bộ đội thì bao nhiêu người?
LĐH: Nó tùy theo. Thí dụ như Bộ đội A là những người mà độ 21 trở lên thì vào Bộ đội A. Thế còn Bộ đội B là, đầu tiên thì là những người dưới 21 tuổi. Nhưng mà về sau này có những người, người ta đến muộn, người ta không đi Sa Pa bao giờ, người ta đi thẳng Yên Bái, người ta lớn tuổi hơn nhưng mà họ phải ở Bộ đội B. Thế cái Bộ đội C thì lại là một cái, nó gọi là cái khóa khác, là những người đến sau cùng gọi là Bộ đội C. Thế còn những C1, C2, C3, C4 là bởi vì có những các cái đoàn thể mà họ xin gia nhập thì là vì vậy cho nên có tới C3, C4 lận. Mà C3, C4 là những các người như là Quốc gia Thanh niên Đoàn, hay là những bộ đội của của Việt Nam Quốc Dân Đảng, họ đến sau.
NMH: Tức là C3, C4 đấy. Thế còn Đại Việt, tức là Bộ đội A, Bộ đội B, C1, C2 là là Đại Việt hết?
LĐH: C1, C2 là Đại Việt được gọi nguyên thủy.
NMH: Thưa anh, khi anh đi học như vậy đó, đi vào đại đội Yên Bái đó thì Đại Việt có tổ chức lại không, hay là cứ cho anh đi học rồi thôi, mất liên lạc luôn?
LĐH: Có, về sau này. Không, không có tổ chức lại. Nhưng về sau có những người đến thăm trường, ví dụ như anh Đặng Văn Sung có đến một lần.
NMH: Thăm trường. Thế có họp các anh lại?
LĐH: Không, chúng tôi chả được nghe cái gì.
NMH: Thế tức là cứ kệ anh như vậy thôi?
LĐH: Kệ là bởi vì lúc bấy giờ chúng tôi đã có một ông hiệu trưởng với lại các ông giáo quan. Thì các ông ấy lo, các ông ấy tổ chức rồi thì anh Sung đến, anh nói chuyện với ông hiệu trưởng thế thôi. Còn chúng tôi bổn phận là học sinh…thì ông hiệu trưởng bảo sao nghe vậy.
NMH: Lúc bấy giờ anh là trên 21 rồi phải, thưa anh?
LĐH: Vâng, tôi – Bộ đội A là bởi vì tôi trên 21 mà tôi lại…
NMH: Bộ đội A, tôi nghe nói Bùi Tường Huân ở trong đó mà anh?
LĐH: Không, Bùi Tường Huân hình như là Bộ đội B.
NMH: Thế Đinh Trịnh Chính ở đâu: A hay B?
LĐH: Đinh Trịnh Chính: B.
NMH: Và như vậy A của anh có những ai, có những ai, có ai còn sống không?
LĐH: Còn nhiều chứ. Nhưng mà tôi không tiện nói.
NMH: Thế à?
LĐH: Vâng. Tại vì tôi nói ra thì có nhiều người, người ta không bằng lòng chẳng hạn, vì thế tôi khó nói.
NMH: Đến giờ hãy còn giữ bí mật?
LĐH: Không phải. Tại vì người ta người ta hãy còn, hãy còn sống ông ơi. Hai nữa có khi người ta muốn làm một cái gì đó nhưng mà bây giờ mình lại làm chìm đi thì kỳ lắm, tôi không tiện.
NMH: Thế về sau đấy thì sao, cái gì xảy ra cho anh, cái liên hệ của anh với Đại Việt bấy giờ đến đâu, làm sao?
LĐH: À thì về sau này, rằng thì là đến lúc Yên Bái bị bị vây thì chúng tôi có ở đấy thì chúng tôi có đánh nhau với họ mấy trận.
NMH: Họ tức là Việt Minh đấy?
LĐH: Việt Minh. Mà lúc bấy giờ thật ra quân đội của Việt Minh ấy, nó cũng là không hẳn là Việt Minh. Thí dụ như chẳng hạn như họ có những người, họ có những bộ đội lúc trước là lính khố xanh, khố đỏ đó, họ đem đến, họ huy động đến, họ vây rồi bắn nhau này kia. Thế sau bị vây rồi thì là cái lúc nghĩa là còn giữ được, giữ được thì là về sau cái vấn đề tiếp tế về lương thực thế nọ thế kia nó, nó là một cái gánh nặng, nhiều khi mình không tự giải quyết được. Thế vì vậy cho nên là ông Vũ Lương Hải ông bảo là: thôi thế thì đi lên Lào Cai. Thế sau lên đến Lào Cai rồi thì là bị một cái, thì chỉ là còn lại lên đến Lào Cai rồi còn đánh nhau nữa. Nhưng mà về sau này thì là bên Việt Minh họ họ dồn hết cả lực lượng họ lên, rồi họ thanh toán. Thế nghĩa cái trường ấy, về sau này lại bị bên ông Vũ Hồng Khanh với ông Triệu Việt Hưng, ông ấy bày mưu là ông giết gần hết giáo quan Nhật của trường, và cái trường đó tự động nó phải tan rã. Nhưng mà tôi thì tôi, tôi không có ở trường cái lúc mà bị tan rã, tôi đi trước.
NMH: Anh đi trước, đi một mình thôi?
LĐH: Không, tôi đi với một số anh em.
NMH: À, tại sao thế, thưa anh?
LĐH: Là vì rằng thì là lúc bấy giờ, mình không, nghĩa là rõ ràng là bên ông Vũ Hồng Khanh với lại ông Triệu Việt Hưng họ không, họ muốn làm lãnh tụ. Cho nên trong khi đó thì cái lời gọi là lời uỷ thác của ông Trương Tử Anh đối với lại ông hiệu trưởng trường Lục quân lúc bấy giờ, là ông ấy bảo: đây là một cái trường huấn luyện, tức là hết sức tránh hao phí nhân mạng và không có dự những các cái cuộc đánh nhau với lại Việt Minh, để duy trì lấy một số cán bộ quân sự. Thế mà trong khi đó thì ông Vũ Hồng Khanh với ông Triệu Việt Hưng lại muốn sử dụng cái trường Lục quân như là một đạo binh để chống nhau với lại Việt Minh. Thế thì lẽ đương nhiên là ông hiệu trưởng ông không bằng lòng. Thì chính vì những cái chuyện như vậy cho nên rằng ông Vũ Hồng Khanh về sau, ông với ông Triệu Việt Hưng, ông bẫy các giáo quan của Nhật Bản để ông giết, để ông thu lấy cái số quân. Nhưng mà khi mà giáo quan bị chết, cái trường đó tan vỡ thì cũng chỉ là một số thanh niên ô hợp, nó không còn như thế nữa. Thì nhất là những thanh niên đó lại là những cái người đảng viên Đại Việt, toàn là những người trí thức cả. Thì những người như ông Vũ Hồng Khanh, như ông Triệu Việt Hưng không đủ điều kiện…
NMH: Thưa anh, như vậy cái quyết định mà anh bỏ trường đi là cái quyết định cá nhân, hay là của một cái nhóm người, chứ không có do một chỉ thị nào cả, anh?
LĐH: Phải rồi, phải rồi.
NMH: Tức là tự độc lập mình quyết định lấy đấy?
LĐH: Phải rồi. Là bởi vì làm sao. Bởi vì rằng thì là cái cái tình trạng sinh hoạt ở trong trường lúc bấy giờ nó là một cái tình trạng rất là bết bát. Ví dụ chẳng hạn như là thuốc men không có, thiếu. Thế rồi ăn uống cũng thiếu, rồi thì là nó không còn một cái tương lai nào, mà không có ai người ta, nghĩa là lo cho mình những các cái gọi là nhu cầu tối thiểu của đời sống.
NMH: Thế không có tìm cách liên lạc với Đảng bộ hay sao?
LĐH: Lúc bấy giờ không thể liên lạc được, không cách gì cả.
NMH: Nhưng mà ở trong đó các anh Đại Việt có biết, các đảng viên Đại Việt mà không có bàn nhau gì hết, không có ai chỉ huy trong đó à?
LĐH: Thì không có ai chỉ huy cả.
NMH: Thưa anh, thế rồi sau anh đi đâu?
LĐH: Tôi thì, riêng tôi và một số anh em thì đi sang Côn Minh. Về sau này thì là tất cả những tàn quân là cũng đi, phần lớn là cũng đi sang Côn Minh hết.
NMH: Lúc bấy giờ ông Trương Tử Anh đã nghe tin tức gì?
LĐH: Không, không có, một phần lớn bởi vì rằng thì là nó là phản bội chỉ huy, còn có độ vào khoảng 1/4 người đi sang Côn Minh thôi.
NMH: Tức là còn bao nhiêu người?
LĐH: Độ khoảng hơn 100 người. Chứ còn mấy trăm anh em này kia về sau, về sau thì có người thì quay trở về, rồi thì là bị Việt Minh bắt, có người thì là làm bất cứ nghề gì ở ở bên Tàu trong một hoàn cảnh như vậy, thế mà hao hụt nhiều. Thế là từ đó là không có, từ khi mà chúng tôi vượt biên giới Lào Cai thì là kể, nếu nói rằng thì là mất hết cả cái sự kỷ luật, hay là những các cái chuyện tổ chức, hay cái gì cái gì là hết rồi.
NMH: Dạ, thưa anh, thế cái giai đoạn đầu ấy thì anh anh biết, anh có biết ông Trương Tử Anh chết lúc nào không, lúc ở trên đó cũng không biết gì hết?
LĐH: Không, là bởi vì cái cái chuyện đó xảy ra là khi chúng tôi đã đi khỏi Hà Nội rồi.
NMH: Thành từ đó không biết gì hết?
LĐH: Từ đó chúng tôi đi Sa Pa, rồi thì sau lại đi Yên Bái thì là ông Trương Tử Anh bị giết vào thời gian đó. Thì chúng tôi ở Yên Bái, chúng tôi chả hiểu.
NMH: Tức là cho đến khi đi Côn Minh anh vẫn không biết là, vẫn tưởng là ông Trương Tử Anh còn?
LĐH: Cũng không biết rằng thì tình trạng nó ra làm sao.
NMH: Nhưng mà không biết là ông ấy chết?
LĐH: Chỉ nghe những cái tin, đại khái như ví dụ như vậy như là Việt Minh với lại…đã ký Hiệp định sơ bộ này. Hay là những cái chuyện như là quân Pháp đổ bộ Hải Phòng này, hay là những cái chuyện là Việt Minh để cho Pháp lên Hà Nội, với những cái gì thì mình chỉ nghe qua những cái tin tức ngoại quốc như đài radio mình biết thế thôi. Chứ còn những cái chuyện nói rằng, bảo rằng có những thông tin nội bộ hay là gì đó, hoàn toàn không có, đứt hẳn rồi.
NMH: Thưa anh, anh gặp ông Trương Tử Anh tức là một số lần thôi. Anh có nghĩ?
LĐH: Vâng. Hai, ba lần.
NMH: Anh nghĩ, anh có có cái cảm nghĩ gì về cái khả năng lãnh đạo của ông Trương Tử Anh không?
LĐH: Không.
NMH: Anh có, về cái con người của ông đó, anh có nhận xét gì ông Trương Tử Anh?
LĐH: À ông ấy thì được cái rằng ông ấy nói chuyện bình dân, mà cái lời nghĩa là nói chuyện rất là dễ nghe, mà cái người nghĩa là người trông thấy có vẻ nghĩa là người rất là thành thực. Với lại còn một cái điểm nữa là, hình như là ông ấy khéo ở cái chỗ rằng ông ấy, ông ấy không có cái tác phong Đảng trưởng hay là cái gì cả, đấy. Ông lại bảo cái chuyện như vậy.
NMH: Anh có biết cái background của ông ấy ra sao. Ông có phải là sinh viên không?
LĐH: Tôi chỉ biết ông ấy, ngày xưa ông ấy là, ông ấy là một sinh viên trường Thuốc, thế thôi.
NMH: Thế thôi. Dạ, thế rồi sau đó thì anh đi về, rồi bao giờ thì anh trở về lại. Anh bỏ, bao giờ anh rời Côn Minh đi về lại Việt Nam?
LĐH: Vâng thì có thể rằng từ khi mà tôi vượt biên giới mà cho đến khi tôi lại trở về Hà Nội là hoàn toàn tự túc. Mà cũng chẳng…
NMH: Mà anh làm gì ở Côn Minh mà sống?
LĐH: Tôi đánh đàn.
NMH: À đánh đàn gì?
LĐH: Đánh ở trong những các cái…
NMH: Không, đánh đàn gì. Tôi biết ông ông ông Nguyễn Tường Tam thì ông ấy thổi kèn, phải?
LĐH: Không, ông Nguyễn Tường Tam là ông ấy thổi kèn, là ông chơi thôi. Ông thổi clarinet là ông ấy, là cái thú của ông ấy thôi. Thế còn đằng này chúng tôi thì chúng tôi gia nhập một cái ban nhạc của người Tàu.
NMH: Rồi anh chơi đàn gì?
LĐH: Lúc bấy giờ, tôi không có tiền thành ra tôi chỉ đánh, tôi mượn được một cái banjo, tôi đánh banjo vậy thôi. Còn những anh em khác đấy, có người thì mượn được cái violon, có người thì lại mượn được cái ghi-ta thế thì gia nhập vào đấy. Bởi vì cái hồi đó thì cái nền văn minh của Tàu ở ở thành phố Côn Minh thì nó rất là, về phương diện âm nhạc các thứ thì nó cũng là không có văn minh lắm. Thành ra người ta muốn nhảy nhót, hay là cái gì thì người ta phải đi mướn ban nhạc. Mà ban nhạc thì cứ nhiều người là có giá trị, chứ không biết rằng hay hay dở, hay là…Thành ra ban nhạc của họ đang có năm người, mà họ vớ được chúng tôi ba người thì là họ thành tám người thì nghĩa là đông khách lắm, nhiều nơi người ta mướn. Chứ còn đấy, cứ ở cái chỗ ba người với năm người thì không ai người ta chịu mướn cả, đại khái như vậy.
NMH: Thế rồi anh ở đó bao lâu, bao giờ thì anh mới về Việt Nam và trong hoàn cảnh nào anh quyết định về?
LĐH: Tôi ở…tôi ở đến hai năm. Tôi ở hai năm thì tại vì khi mà tôi lên đến Côn Minh thì tôi hãy còn liên lạc được về nhà, về trong gia đình tôi đó. Thế về sau này thì là đứt liên lạc là bởi vì là gia đình tôi tản cư. Thế sau đến lúc gia đình tôi lại trở về được Hà Nội thì là lúc bấy giờ mới liên lạc được. Tại vì chúng tôi có một số người quen là người Tàu ấy; họ vẫn có liên lạc ở Hà Nội với lại Côn Minh. Thế là các bà chị tôi đó, bà ấy nhờ những người đó thì thông tin cho tôi, với đi kiếm tôi. Thế là về sau liên lạc được thì là tôi mới xin, tôi xin gửi tiền cho tôi. Tôi đi máy bay tôi về. Còn một số anh em khác thì không có liên lạc gia đình, không có tiền thì là đi bộ về. Hay những người đi bộ thì họ đi bộ về Quảng Tây. Tôi tôi đi thẳng từ Côn Minh về. Tôi đi máy bay.
NMH: Thế anh về, thưa anh, tại sao anh quyết định về. Tại sao lúc đó mới về?
LĐH: Bởi vì tôi tôi ở Côn Minh là một sự vô ích.
NMH: Nhưng tại sao anh ở nhứng hai năm rồi mới về?
LĐH: Ở hai năm bởi vì rằng thì là không có phương tiện mà về. Thế mà lại, tôi tôi ở Côn Minh ấy, tôi lại có công việc làm, tôi vẫn có cơm ăn.
NMH: Thế anh về là hồi nào, năm nào, anh nhớ không?
LĐH: Năm đó là năm 1948.
NMH: Tức là chưa có Giải pháp Bảo Đại đấy?
LĐH: Có, có Giải pháp Bảo Đại rồi: 48, 49.
NMH: Có Giải pháp Bảo Đại rồi. Giải pháp Bảo Đại có ảnh hưởng đến việc anh về, hay là anh về là cứ việc anh về?
LĐH: Tôi nhớ là cái lúc tôi về thì là chính phủ Nguyễn Văn Xuân.
NMH: Dạ, dạ, vâng.
LĐH: Còn cái chuyện ông Bảo Đại với lại là…Thế mà hồi đó là ông Nguyễn Văn Xuân, có một…
NMH: Chính phủ Nam Kỳ tự trị đó?
LĐH: Ông Thủ hiến, lúc bấy giờ là Hội đồng An dân Bắc Việt. Ở Hà Nội là cái Hội đồng An dân. Thế về đến nơi thì là đi lo xin giấy tờ, rồi thì là sinh sống tạm. Thì hồi đó thì cũng thấy một số người quen trước đấy thì cũng nhận biết là họ là đồng chí cũ, rồi họ hay liên lạc với anh Đặng Văn Sung, thế thôi. Thế còn về về sau này thì mãi về sau này mới biết, đến lúc mình lo cái công việc đời sống đó, nó gọi là nó tạm ổn. Thế lúc bấy giờ mới nghe họ nói thì mới biết rằng có lẽ là ông Trương Tử Anh đã bị giết, hoặc ông ấy bị… Hỏi thăm những anh Đỗ Ngọc Phúc, hay thì là anh Đặng Vũ Trứ nọ kia thì họ bảo là chết cả.
NMH: Thế rồi anh, từ đó trở đi anh có liên lạc gì với Đại Việt nữa không?
LĐH: À thì có liên lạc thì đi qua mấy anh em, bè bạn nghĩa là ví dụ như anh Nguyễn Tất Ứng, Nguyễn Tất Ứng cũng là bạn học của tôi, mà cũng rất thân. Thế thì Nguyễn Tất Ứng, từ Nguyễn Tất Ứng thì đến anh Đặng Văn Sung, thế thôi. Còn Diễm thì lại, tôi với anh Đặng Văn Sung thì ít người gặp. Không có, tôi không có được dự bàn những cái chuyện gì, hay là anh ấy hỏi ý kiến, hay là cái gì.
NMH: Tôi muốn hỏi anh câu, cái này cá nhân thôi. Anh Ứng ấy là anh Đại Việt, mà tôi biết anh Như Phong là Quốc Dân Đảng, mà sao tôi nghe hai anh có vẻ thân nhau?
LĐH: Cái chuyện thân hay không thân, tôi không biết. Nhưng mà anh Như Phong ấy là anh ấy có viết cái quyển Khói Sóng, cái cái tiểu thuyết Khói Sóng đó. Thì tôi biết rằng thì là một số anh em mà không phải anh Ứng cũng có cung cấp tài liệu cho anh Như Phong…cái đó có. Còn cái chuyện thân với anh Như Phong thì tôi không hiểu là thân đến cỡ nào. Bởi vì tôi đến chơi nhà anh Ứng bởi vì là bạn học cũ đó thì rất thân, chứ không phải là ở về vấn đề đồng chí đâu. Là rất thân thì cũng không bao giờ tôi gặp anh Như Phong ở nhà anh Ứng cả, có thế.
NMH: Thế rồi về sau làm sao, anh làm gì nữa, có tiếp tục gì không?
LĐH: Không, thì về sau rồi tôi lập gia đình, lập gia đình, rồi tôi lại tiếp tục tôi đi học trường Luật. Đến lúc năm 1953 thì phải, 53 thì ông Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí ông ấy ông ấy được làm Thủ hiến. Thì có một người cộng sự viên của ông Nguyễn Hữu Trí, tức là ông Trần Như Thuần thì ông bảo, vậy thì ra giúp việc cho ông Trần Như Thuần. Thế tôi cũng thôi thì…lúc bấy giờ tôi cũng thất nghiệp, mà lại có vợ có con. Hồi đó thì tôi lại ra làm với ông. Ông ấy gắn cho tôi cái lon là trung úy giả định của Bảo chính Đoàn, lúc bấy giờ ăn lương trung úy Bảo chính Đoàn. Cho đến năm 54 thì vào Nam.
NMH: Tức là làm như vậy chỉ là quen biết thôi, không liên hệ với Đại Việt, có phải không?
LĐH: Thì ông Thuần thì ông ấy là Đại Việt thì cũng phò…
NMH: Ông Trí có là Đại Việt không?
LĐH: Ông Trí thì theo người ta nói thì tôi chẳng biết thì có hay không nhưng mà tôi nghĩ rằng thì là ông Trí, ông Sung toàn đảng viên Đại Việt cả. Cái việc khác nếu có nhưng mà…
NMH: Ông Thuần ấy thì là lòi ra của ông Trí?
LĐH: Không, ông Thuần lúc bấy giờ ông ấy là Ủy viên Bình trị. Thế ông Thuần sở dĩ kêu tôi hợp tác đó, là vì có một người đảng viên người ta người ta quen tôi từ Côn Minh giới thiệu.
NMH: Nhưng mà ông Thuần là ông ấy đi tìm đảng Đại Việt ra đấy thì phải, đúng không. Cái kiểu ông Trí thì ông ấy dùng toàn Đại Việt, ông Thuần cũng dùng Đại Việt, phải thế không?
LĐH: Thì hình như thế. Những ông khác thì tôi không biết nhưng riêng ông Thuần thì ông ấy dùng Đại Việt, chứ ông không có, ít khi ông ấy dùng những người khác. Mà ông có dùng đi chăng nữa thì ông cũng miễn cưỡng thôi, chứ ông không…
NMH: Thế mà khi Đại Việt, dùng thì dùng Đại Việt thôi chứ không có tổ chức như Đại Việt, phải không?
LĐH: Không.
NMH: Cứ dùng người đó vào trong cái chức vụ đó, như là công chức thôi.
LĐH: Thì đã đành rồi bởi vì rằng thì là các ông, các ông ấy là ngày xưa là ông ấy làm quan thì ông ấy nghĩa là ông ấy làm, khi mà ông ấy mượn người nào vào thì là người đó đương nhiên là công chức, phải chịu theo cái kỷ luật của công chức.
NMH: Nhưng mà ông ấy không tổ chức riêng theo hệ thống Đảng, phải không?
LĐH: Hoàn toàn không. Không có cái chuyện mà đảng Đại Việt, không bao giờ có cái vụ mà Đảng lại chỉ huy chính quyền thì cái đó là không có. Ngược lại chỉ có chính quyền chỉ huy Đảng thôi, nếu có thì là nó như vậy. Chứ còn sự thực ra hai cái thực thể nó nó tách hẳn ra, nó không có liên hệ gì với nhau. Nếu ví dụ như, như là muốn mượn anh nào mà đảng viên chẳng hạn, nghĩa là các ông ấy để ý những cái chuyện như là bằng cấp chẳng hạn, chứ không phải rằng thì là để ý này kia. Thế cái hành chính của các ông ấy, nó nhà nghề lắm.
NMH: Thưa anh, ông ông Thuần có thể là, có thể gọi là Đại Việt quan lại không, cái gọi là Đại Việt quan lại là ai?
LĐH: Cái đó ấy…
NMH: Tại sao có cái chữ đó, ai đặt ra cái chữ đó?
LĐH: Tôi nghi rằng thì là một số đảng viên Đại Việt không được sử dụng, thì là bất mãn cái gì đó, họ gán cho Đại Việt – một số người ấy – Đại Việt quan lại những cái cái điểm đó. Tôi thấy họ, nó xuất phát là do một số cái đảng viên Đại Việt đó muốn được tham gia vào các cái hoạt động chính quyền, rồi không có thì là dùng cái chữ quan lại, để tỏ ý chê bai rằng thì là những những đảng viên mà quan lại, họ không có làm cách mạng, không hề có hi sinh gì cả, ví dụ vậy. Đó là những, cái tư tưởng nó sinh ra thế.
NMH: Nhưng họ nói có đúng không, hay là không đúng, hay là oan?
LĐH: Tôi thấy rằng không đúng. Là vì thế này này, khi mà … tôi vừa nói với anh rằng thì là khi mà các ông ấy dùng người, là các ông căn cứ vào những các cái tiêu chuẩn khác, chứ không phải cái tiêu chuẩn Đại Việt. Các ông là những người hành chánh nhà nghề. Nhất là các ông ấy lại làm việc với Tây lâu năm rồi. Họ không thể nào họ có cái tư tưởng để cho Đảng nó xen lẫn vào việc chính quyền được. Thành ra vì vậy cho nên là họ phải sử dụng những người nào có một cái khả năng được chứng minh. Thì bắt buộc họ phải dựa vào bằng cấp, họ phải dựa vào những các cái gọi là khả năng học vấn, hay là thế nọ thế kia thì họ mới dùng được. Chứ họ không thể nào dùng cái anh nghĩa là ngày trước có công với Đảng về những cái việc gì việc gì thì nó không có cái chuyện đó.
NMH: Như vậy vô hình trung các ông ấy làm cho Đảng yếu đi, phải không anh. Nếu cái kiểu đó thì ông làm cho Đảng yếu đi?
LĐH: Không, sự thật ra không phải vậy. Sự thực ra ấy là đảng yếu hay đảng mạnh đó là ở cái chuyện có một cái tổ chức hay không, có một cái chương trình hành động, có một cái lực lượng gì hoặc là về tiền bạc, hoặc là về quân sự, hay là cái việc gì mà nó mạnh được. Chứ còn cái chuyện mà chỉ có mấy ông Đảng mà lại chỉ có ngồi sa lông mà nói chuyện chính trị thì không thể nào mà ấy được. Không những là đảng Đại Việt, bất cứ là đảng nào cũng vậy. Mà hơn nữa là ngay cả những các nhóm chính trị về sau này, nghĩa là cứ ngồi để làm chính trị sa lông như vậy thì không có ai đi đến đâu hết.
NMH: Thế rồi cuối cùng là anh đi vào Nam, trước khi anh vào Nam thì anh làm cái gì, anh làm chức gì ở trong chính quyền?
LĐH: Đấy, tôi vừa nói với anh ấy.
NMH: Anh là trung úy giả định rồi trong Bảo chính Đoàn?
LĐH: Lúc bấy giờ, lúc bấy giờ đi vào Nam ấy thì ông Nguyễn Hữu Trí ông ấy đã… Ông Ngô Đình Diệm, đầu tiên ông ấy lập một cái gọi là Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt thì có ba người là: ông Hoàng Cơ Bình này, ông Đại tá Nguyễn Văn Vận này, với lại hình như ông Lê Quang Luật thì phải. Thế sau rồi thì là cái ủy ban ấy không làm việc được. Thì về sau này thì ông Lê Quang Luật làm Thủ hiến. Thế là tôi rời Sài Gòn – à rời Hà Nội là vào cái thời kỳ đó. Mà nói thực ra thì tôi, gia đình tôi thì đi máy bay vào Sài Gòn vào từ ngày 19/7, chỉ có mỗi một mình tôi ở lại.
NMH: Thế từ đó là anh không có liên lạc với đảng Đại Việt nữa. Anh vào Sài Gòn anh có làm gì tiếp tục nữa hay anh thôi luôn?
LĐH: Tôi ấy… ngay từ hồi hãy còn ở ngoài Bắc cơ thì người Pháp lúc bấy giờ nó có cho một cái học bổng về, nó gọi là Institut des Statistics (Viện Kế Toán) ở bên Pháp. Thì tôi lại xin được cái học bổng đó. Thành ra đến khi vào Nam ấy thì tôi định là tôi đi sang Pháp, tôi học đấy, lấy học bổng của Pháp, tôi làm staticticien (chuyên viên kế toán). Thế nhưng mà lúc bấy giờ tôi, gia đình tôi đã, tôi đã có ba đứa con rồi. Tôi nghĩ tôi thương nhà tôi, tôi bảo: bây giờ tôi đi đi sang Pháp thì nhà tôi với các con vất vả. Thế tôi lại thôi, tôi ở lại. Thành ra vì vậy nên đến lúc vào đến đấy thì là tôi có mảnh bằng đấy mà tôi chẳng dùng được cái việc gì cả. Tôi đi buôn.
NMH: Thế là anh mất luôn, thôi, thôi liên lạc với đảng Đại Việt luôn, không làm gì nữa?
LĐH: Không phải là không liên lạc, nghĩa là vẫn, anh em vẫn còn đó. Thế nhưng mà không có cái công tác gì cả.
NMH: Dạ, công tác gì?
LĐH: Công tác gì đâu. Lúc bấy giờ có đánh đấm gì với ai đâu mà có, hay là bởi vì có vận động.
NMH: À cái hồi ông Diệm anh có bị trù ẻo gì không. Bởi vì ông Diệm thì ông có ưa đảng Đại Việt đâu, phải không?
LĐH: Ông Diệm đâu có ưa.
NMH: Thì bởi vậy.
LĐH: Mà tôi thì bởi vì rằng tôi cũng đã rời bỏ cái cái cái vụ chính phủ lâu rồi, thành ra không có thành vấn đề gì với ông ấy cả. Nhưng mà có những cái mà cái chính phủ Ngô Đình Diệm làm cho tôi bất mãn, là trong khi mà tôi phải đi buôn đi bán thế nọ thế kia thì tôi bị những các cái chuyện nó…chính quyền, mà ông Diệm với ông Nhu thì đời nào ông biết cái chuyện đó. Những các cái chính quyền địa phương chẳng hạn, họ tham nhũng, hay là họ ăn hối lộ. Nó làm cho tôi, thành ra tôi không phải bất mãn, mà tôi ghê tởm, thế thôi, tôi chả có gì. Chứ còn tôi chẳng có tham gia một cái gì chống, hay không chống, hay là cái gì cái gì hết. Mà ngay cả đến cái bằng cấp của tôi, tôi cũng không có sử dụng bao giờ đâu, thành ra nó không có nghĩa lý gì cả.
NMH: Thế ngoài ông Trương Tử Anh, Đại Việt có những mặt nào nổi không, anh nhận xét những ai. Anh thường thường nói ông Sung, rồi còn ai nữa?
LĐH: Ông Sung là cái người ông ấy, ông gần gũi anh em hơn cả. Thế nhưng mà trong số những người Đại Việt mà tôi tôi tiếp xúc ấy thì tôi công nhận ông Nguyễn Tôn Hoàn là cái người không khôn khéo như ông Sung nhưng mà lại là cái người chí thành. Ông ông Hoàn ấy, trong con mắt của tôi là cái người nghĩa là không phải là một chính trị gia.
NMH: Ừ, ông có phân biệt Nam – Bắc không anh?
LĐH: Không. Ông Hoàn hoàn toàn không có cái chuyện đó.
NMH: Thế còn ông Trứ – Đặng Vũ Trứ thì sao, anh thấy sao?
LĐH: Đặng Vũ Trứ á?
NMH: Dạ.
LĐH: Đặng Vũ Trứ thì tôi về đến Hà Nội thì thì thì tiêu tùng còn đâu nữa.
NMH: Nhưng mà cái hồi đầu tiên hoạt động thì anh thấy ông ấy sao. Ông Trứ và ông Phúc Toét thì sao?
LĐH: Ông Trứ đối với tôi, tôi nói với anh rằng thì là khi mà tôi vào đảng Đại Việt cho đến khi mà tôi đi Côn Minh, rồi tôi lại về đến Hà Nội thì tôi không có hề gặp những cái người bạn rất thân của tôi là Đặng Vũ Trứ với lại…
NMH: Nhưng mà anh xét khả năng với lại cái tinh thần cách mạng của họ ra sao – so những người sau này đó?
LĐH: Tôi cho rằng thì là trong tất cả những đảng viên ấy mà tôi được biết, là biết trong cái lúc đi học đó, chứ không phải là cái lúc trong Đảng. Là bởi vì lúc tôi gia nhập cái đảng Đại Việt để đi chống Pháp ấy thì tôi không có gặp mấy cái anh đó. Nhưng mà qua quá trình các anh ấy trong cái lúc mình học thì đấy là những người thật nghĩa là say mê lý tưởng, mấy cái anh đó say mê lý tưởng.
NMH: Tức anh Trứ với lại anh Phúc đó?
LĐH: Anh Trứ với anh Phúc là hai người rất là say mê. Bởi vì từ cái lúc anh ấy còn đi học, chưa có vào đảng Đại Việt, cái tính nết của các anh đó đã như vậy. Nhất anh Đỗ Ngọc Phúc ấy là chỉ nghĩ đến chuyện làm bạo động với lại chống Pháp.
NMH: Nhưng anh, tại sao các anh ấy lại không đi theo Việt Cộng, à Việt Minh, mà anh đi theo ông Trương Tử Anh, anh có biết tại sao không, hay là cũng như lý do như anh?
LĐH: Không, theo tôi thì là tại vì các anh ấy học trường Thuốc. Anh Trứ và anh Phúc đều là sinh viên trường Thuốc. Mà ông Trương Tử Anh ông ấy là, ông ấy phần nhiều là tôi thấy những cái người mà mà ông ấy tổ chức đấy là đa số là sinh viên trường Thuốc.
NMH: Thế còn ông Giáp thì cũng trường Luật đó, thế tại sao ông không có, ông không tổ chức các anh?
LĐH: Ông Giáp?
NMH: Võ Nguyên Giáp đấy.
LĐH: Võ Nguyên Giáp á?
NMH: Vâng.
LĐH: Không, ông Giáp lúc bấy giờ có cái gì là trường trường Luật đâu. Ông ấy là ông dạy ở trường Thăng Long.
NMH: Không phải là trường Luật?
LĐH: Chứ còn ông đâu có phải là giáo sư trường Luật đâu.
NMH: Không phải là giáo sư trường Luật, ông có đi học Luật?
LĐH: Không, không có cái chuyện đó. Hồi đó ở các cái cuộc hội họp sinh viên, mà trước khi có cái chuyện Việt Minh với gì đó thì là ngay cả trước trước cái vụ đảo chính Nhật ngày 9/3 đó thì những cái người nổi bật ở trong Tổng hội Sinh viên là những người như là Lưu Hữu Phước chẳng hạn. Thế rồi thì là ông Dương Đức gì mà…Dương Đức Hiền thí dụ vậy.
NMH: Dương Đức Hiền đảng Dân chủ phải không.
LĐH: À đấy.
NMH: Nhưng mà hồi đó họ là, anh biết họ là Việt Minh rồi chứ?
LĐH: Không, hồi đó thì tôi chỉ biết anh Lưu Hữu Phước là một sinh viên mà giỏi âm nhạc. Thế còn Dương Đức Hiền, tôi chẳng biết gì cả.
NMH: Mà họ đã nổi rồi đấy?
LĐH: Thì nghe thấy nói, nghe người ta nói vậy thôi. Chứ còn tôi, nói thực là nó có một cái tệ thế này, là trong khi tôi học trường Luật, ít khi tôi đến trường, tôi ở nhà tôi chơi. Bởi vì cái tình trạng lúc bấy giờ ấy, là thấy rằng thì là nó sắp sửa thay đổi lớn đến nơi rồi. Thành ra cái chuyện học hành, mình thấy nó cũng không có cái gì là cụ thể lắm. Thành tôi, chẳng may tôi lại có nhiều tiền nữa…thành tôi cứ ở nhà. Thế tôi mua những cái sách ở bên Pháp. Tôi mua của các giáo sư ở bên Pháp họ dạy, tôi mua về tôi đọc, thành một cái mê.
Nghĩa là lúc bấy giờ cái tổ chức trường đại học nó hỗn loạn lắm. Số sinh viên họ ghi tên vào quá đông, thế thì ra đi học đại học mà mình đến trễ, hay là mình đến không đủ sớm, không có chỗ mà ngồi, chỉ có đứng thôi, đứng đứng, đứng tận trên gác lầu ba thế này, mà ông giáo ông ấy giảng ở dưới cái vũng ở dưới này, thành ra nó nản lắm. Còn mấy cái ông kia thì thức khuya dậy sớm để mà đến để mà dỏng tai lên nghe ông giáo. Xong rồi những cái ông đó, ông lại tranh chỗ gì gì thì mình mệt lắm, tôi không biết, không thích. Thì tôi toàn là tôi mua sách về nhà đọc.
NMH: Nếu mà có nhận xét chung về đảng Đaị Việt thì anh có nhận xét gì về đảng Đại Việt không, cái chung chung trong cái cách tổ chức và hoạt động đó, có cái gì đặc sắc, có cái gì mà anh cho là yếu?
LĐH: Tôi cho là cái đảng Đại Việt ấy, từ khi mà không có ông Trường Tử Anh đó thì thành thử như là nó mất hết cả cái được. Còn có ông Trương Tử Anh khi đó…một cái đảng nghĩa là nhất là cái đảng lại bí mật nữa, sau này nó không có kỷ luật thì nghĩa là thôi, mạnh ai nấy làm. Rồi thì là kết bè kết nhóm vì thế mới xảy ra những các cái chuyện như là Đại Việt quan lại. Đến nỗi mà về sau lại có những ông Lê Quang Luật, nói tôi mới là Đại Việt chính thống. Thế nào là Đại Việt chính thống.
NMH: Anh biết cái chuyện tại sao lại có sự phân biệt giữa Tân Đại Việt với Đại Việt Cách Mạng và Đại Việt không?
LĐH: À không, cái Đại Việt Cách Mạng nghĩa là chỉ có cái phe của ông Hà Thúc Ký thôi, hình như là Đại Việt Cách Mạng.
NMH: Vâng.
LĐH: Thế còn Tân Đại Việt là của anh Nguyễn Ngọc Huy.
NMH: Vâng, tại sao lại tách ra như vậy. Anh Hoàn có phải là Tân Đại Việt không?
LĐH: Không biết anh Hoàn có hay không, tôi không biết. Là bởi vì rằng thì là anh anh Huy lập cái cái Tân Đại Việt đấy, rằng thì là về sau là lúc bấy giờ anh Hoàn không có ở trong nước, anh ở bên Pháp.
NMH: Thế còn cái Đại Việt Hà Thúc Ký, tức là Đại Việt Cách Mạng thì tách ra từ hồi nào?
LĐH: Đại Việt Cách Mạng là về sau này tự họ, ở đâu họ gọi thế. Chứ còn thật ra ấy thì cái hồi mà mà ông hoạt động vào cái cỡ mà lúc ông Trương Tử Anh ấy thì là không ai biết ông Hà Thúc Ký là ai cả.
NMH: Ừ, Không tại vì ông ấy…
LĐH: Lúc bấy giờ không hề nghe nói. Mãi về sau này vào trong Nam, tôi mới nghe thấy nói.
NMH: Thế có phải vì cái vấn đề chiến khu Ba Lòng mà thành ra cái đó không?
LĐH: Tôi cũng không biết. Cái chuyện đó tôi cũng không biết.
NMH: Cái lúc đầu tiên, anh có nói chuyện với tôi là anh nghe nói có một số anh đi chiến khu đó, là chiến khu gì, anh có nghe nói chiến khu ở đâu không?
LĐH: Cái chiến khu đầu tiên của của Đại Việt ấy là tôi không có được dự.
NMH: Dạ, tức là chiến khu gì?
LĐH: Gọi là chiến khu Triệu.
NMH: Triệu, Triệu ở đâu, Thanh Hóa?
LĐH: Triệu là nó ở gần Phả Lại.
NMH: À gần Phả Lại, dạ. Thế rồi còn chiến khu nào nữa, có chiến khu Di Linh?
LĐH: Cái chiến khu đó ấy thì đến năm 1945, hình như thành lập từ năm 1943 thì phải, 43 hay 44 tôi không rõ. Nhưng mà đến năm 1945 thì tất cả mấy anh đi về Hà Nội. Chính cái cái đám đó là cái đám mà dẫn đầu để đi vào Huế.
NMH: Dạ, thế còn chiến khu nào anh nghe nói không, chiến khu Di Linh không, nghe nói cái đó không?
LĐH: Không, cái chiến khu Di Linh ấy tôi không biết. Là bởi vì lúc bấy giờ tôi ở Yên Bái rồi. Tôi không có có tham dự cái gì cả.
NMH: Hồi đó tôi nghe nói đến Trần Kim Phượng không, thưa anh?
LĐH: Ai?
NMH: Phượng đó, Trần Kim Phượng đó?
LĐH: Có chứ.
NMH: Hồi đó anh Phượng hoạt động rồi, anh biết anh Phượng rồi?
LĐH: Không, về sau này tôi tôi, tôi về Hà Nội, rồi tôi mới biết Trần Kim Phượng. Nhưng mà nghĩa là hình như là có gặp nhau nhưng giữa đường anh ấy không nhận được ra. Trần Kim Phượng là có tham dự chiến khu Triệu. Nhưng mà nếu đi Sa Pa thì lại không có Trần Kim Phượng.
NMH: Ừ, anh biết tại sao không?
LĐH: Không, tôi không biết cái chuyện tại sao cả.
NMH: Ừ.
LĐH: Có nhiều người mà trước ở chiến khu Triệu rồi không đi đi Sapa, là ví dụ như anh Ứng cũng không đi.
NMH: Anh anh Phượng thì tôi biết anh ấy, anh Phượng được gửi vào trong miền Nam. Anh là người, anh là người liên lạc với Bình Xuyên.
LĐH: Vâng.
NMH: Thế nhưng mà anh nói là từ sau ông Trương Tử Anh thì yếu. Nhưng trước, trong thời Trương Tử Anh, thì anh nghĩ sao về đảng Đại Việt?
LĐH: Tôi lúc bấy giờ tôi chẳng muốn biết đảng nào vào cái gì hết. Tôi chỉ có mỗi mục đích là làm cái bổn phận chống, đánh nhau với Tây, có thế thôi. Chứ còn thật ra về chủ nghĩa, những cái gì gì, tôi không coi là quan trọng.
NMH: Dạ, thế cảm ơn anh!
Bạn có thể thích
Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 2)
PHỎNG VẤN NGUYỄN PHƯƠNG MINH
Biển Đông thời viễn cổ (trước thế kỉ 10), phần 2
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên